Xao động và miễn cưỡng: tháo cái nút chặn
Bùi Trân Phượng
Bài viết nầy chủ yếu được trích từ bản thảo sách Việt Nam 1918-1945, giới và hiện đại: sự trỗi dậy những nhận thức và trải nghiệm mới, là bản dịch tiếng Việt của luận án cùng tên đã được bảo vệ tại Đại học Lyon, Pháp. Trích đoạn nầy lấy từ Phần Hai, “Phụ nữ, chủ thể và đối tượng của sự thay đổi”. Trong phần nầy, sử dụng nguồn ấn phẩm gồm các tác phẩm nghệ thuật đương thời, đặc biệt là văn học, trước hết, chúng tôi phân tích các hình tượng nhân vật nữ. Tiểu thuyết và truyện ngắn chứng tỏ sự tìm tòi những khả năng mới trong quan hệ vợ chồng, trong đức hạnh đàn bà cũng như trong từng thành viên nam hay nữ của gia đình nhỏ và đại gia đình. Bài dưới đây mở đầu chương IV, tựa nhỏ là “Không còn có thể tiếp tục như trước: những xao động và miễn cưỡng ban đầu”, phân tích hình tượng nữ trong các tác phẩm thời khai sinh của văn học quốc ngữ Nam bộ.
So với nguyên bản tiếng Pháp, sử dụng nguyên tác của Hồ Biểu Chánh cho phép chúng tôi trích dẫn đủ, phân tích kỹ hơn những sắc thái khó chuyển tải hết khi phải dịch ra tiếng Pháp, nhứt là đối với bản dịch tiếng Việt kịch thơ Le Cid. So với luận án, bài nầy sử dụng thêm một tư liệu mới tiếp cận sau là bản in năm 1912 của tiểu thuyết Ai làm được?
Tiểu thuyết đầu tiên bằng quốc ngữ ra đời năm 1887 với nhan đề Thầy[1] Lazaro Phiền[2]. Nó kể chuyện một người chồng vì nghi ngờ vợ ngoại tình đã thuốc chết vợ mình sau khi giết người tình nghi là ý trung nhân của vợ, một người bạn lâu năm. Khi biết ra sự thật, người nầy đi tu, nhưng rốt cuộc không sống nổi vì quá hối hận. Hai khía cạnh đáng quan tâm suy nghĩ. Thứ nhứt, nếu người vợ thực sự phạm tội, người chồng có ân hận hay chăng sau hai án mạng? Luật Gia Long cho phép người chồng giết tại chỗ “gian phu dâm phụ” nếu bắt quả tang. Trong một tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh viết năm 1929[3], đôi gian phu dâm phụ bị người chồng dùng gậy đập chết; người chồng sau đó được cả gia đình và công luận tán thành, ủng hộ[4]. Tòa án thuộc địa chỉ xử kẻ sát nhân có một năm tù vì anh ta giết người vì ghen và đó chỉ là ngộ sát[5]. Tuy nhiên, Lazaro Phiền đã nổ súng bắn người bạn thân bị hiểu lầm là tình địch và giết vợ bằng một thứ thuốc độc làm nàng chết từ từ, không để lại dấu vết. Anh cũng không thể viện lẽ tức giận không thể kìm nén, như kẻ sát nhân được hưởng khoan hồng của luật Gia Long hay trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Anh đã tự cho mình một cái quyền, quyền xử một tội coi là tội đáng chết. Chính cái quyền ấy không còn tuyệt đối và bắt đầu chao đảo.
Người vợ trong Thầy Lazaro Phiền biết mình bị ngờ oan và biết chồng định hại chết mình, nhưng nàng không nói một lời, không tìm cách minh oan hay tránh khỏi cái chết từ từ bằng thuốc độc. Nàng hành xử y hệt như đạo lý nho giáo đã dạy: con người đức hạnh – dù nữ hay nam – biết là mình đúng cho nên bất chấp bất công và cái chết, người đó biết rằng rồi ra thế nào mình cũng được minh oan; vả chăng sự minh oan từ nhân thế cũng không cần thiết, bởi người phụ nữ tiết sạch giá trong đó – giống như kẻ trượng phu trong nghịch cảnh – đã sát thân thành nhân, giữ đạo làm người chỉ bằng hành vi tự sát của mình. Nhắc điều nầy để nhớ thiếu phụ Nam Xương hay người vợ trong Thầy Lazaro Phiền đều không chỉ là nạn nhân thụ động của bất bình đẳng giới, hiểu theo nghĩa giản lược và thô thiển. Và khi dạy chữ nhân, nho giáo không phải không thể có tác dụng bồi bổ nhân cách cho cả nam lẫn nữ.
Giống như vợ chàng Trương vào thế kỷ XV[6], vợ thầy Phiền đã chết vì bị chồng nghi oan; nàng không nổi loạn, không phản ứng; có thể lưu ý là suốt truyện, nàng luôn luôn câm lặng. Cái đang nhúc nhích, cái bắt đầu chao đảo, chính là vị thế xưa kia rất êm ái của người đàn ông-người chồng. Vào thế kỷ XX, kể cả sau khi đã xưng tội với cha sở bên đạo Thiên chúa – hình tượng mới của “quân, sư, phụ” đáng lẽ có quyền phán xử và rửa tội – người chồng vẫn không tìm lại được sự bình an trong tâm. Phán xét của cha sở và tác giả đều rộng lượng, nhưng cái chết đầy day dứt ăn năn của người chồng-sát nhân cho thấy chính bản thân anh không tự tha thứ được cho mình.[7]
Một tác phẩm ý nghĩa khác, còn ít được biết đến[8] hơn cả Thầy Lazaro Phiền, là bản dịch ra tiếng Việt kịch thơ Le Cid của Corneille, đây là bản dịch có trước hai bản[9] kia. Hồ Biểu Chánh làm thành một truyện thơ mô phỏng Truyện Kiều của Nguyễn Du về hình thức. Bùi Đức Tịnh ghi nhận: Ngay trên bìa sách, có nhắc câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều “Duyên hội ngộ, đức cù lao/Chữ tình chữ hiếu chữ nào nặng hơn”. Tác giả chú thích rằng tất cả các bản truyện Kiều đều chép “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”; ông cũng có vẻ thấy không hợp lý khi câu trích dẫn đó được sử dụng cho bản dịch Le Cid. Hồ Biểu Chánh tùy tiện trong trích dẫn chăng? Đối với người thuộc và mê Kiều như ông, hơi đáng ngạc nhiên. Hay từ trong tiềm thức “bên tình, bên hiếu” đã không còn là hai bên, rạch ròi, phân biệt và có trên, có dưới? (Thiệt ra, ở Nguyễn Du, chúng đã không còn là trên/dưới khi chẳng những hai cô gái con nhà gia giáo đều cư xử không hoàn toàn theo luân lý Khổng Mạnh mà cả cha mẹ hai nàng cũng thổn thức, xót xa ngăn cản con phụ tình vì chữ hiếu!)
Hồ Biểu Chánh giữ nguyên nhiều tình tiết cốt truyện từ nguyên tác. Nhưng ông bỏ đi cuộc đấu gươm báo thù, có lẽ vì quá xa lạ với phong hóa Việt. Quan trọng nhứt là ông đã đổi kết cuộc, để Lệ Bích[10] giải quyết mâu thuẫn bằng cách tự sát[11], với tư thế liệt nữ: “Rút ra một ngọn đao vàng/Đâm ngay vào ruột; bá quan kinh hoàng”. Thanh Tòng muốn chết theo người yêu, nhưng tự kìm chế vì tổ quốc – vì “ơn chúa nợ cha”, Rodrigue Việt nói, đúng đạo nhà nho – còn cần chàng chống giặc Trung Hoa. Chàng xin và được phép ra trận với hai viễn cảnh: “Ví dầu thắng trận hồi kinh/Thảo ngay đền đáp, thinh danh lại càng/Bằng như thân bỏ chiến tràng/Tóc tơ vẹn giữ, đá vàng không phai”.
Như vậy, chàng trai anh hùng của Corneille ra trận với lòng phấn khích, quyết thắng giặc lập công; vì phần thưởng là mối lương duyên được nhà vua tác hợp, gạt qua một bên những tị hiềm, xung đột của thế hệ hai người cha thù địch. Còn Thanh Tòng của Hồ Biểu Chánh, vì ràng buộc đạo lý khiến người yêu đã tuẫn tiết, chàng phân vân giữa hai dòng nước: “thảo cha ngay chúa”, danh dự kẻ làm trai mâu thuẫn với tình yêu chung thủy đá vàng! Đáng suy nghĩ hơn, hình như lưỡi đao oan nghiệt của Lệ Bích cũng không chỉ đơn thuần vì nghĩa vụ làm con. Thanh Tòng có tội giết bầy tôi lương đống của triều đình là Nhị Lôi, nhưng lại thắng giặc Hung nô, nên được vua binh vực: “Thanh Tòng tội ấy công nầy cũng ngang/Trẫm đà phong xá cho chàng/Lại phong Đốc tướng hiển vang mọi bề/Khuyên nàng thôi chớ chấp nê”. Vì trung thành với nguyên tác của ông Corneille tận trời Tây, Hồ Biểu Chánh không ngần ngại đặt vào miệng quân vương Việt lời khuyên vô cùng “trái lẽ” Á Đông? “Theo luân lý và phong tục Việt Nam đương thời”, tác giả Bùi Đức Tịnh phân tích, Lệ Bích của Hồ Biểu Chánh không thể, như Chimène, chấp nhận cuộc hôn nhân với kẻ giết cha mình, dẫu là hôn nhân trong hy vọng. Nhưng hãy nghe nàng phân trần: “Thù bất cộng thiên/Lòng nào mà nỡ kết duyên cho đành?/Trời kia đã phụ lòng thành/Tháo thân khôn trá, chỉ mành xe lơi/Cái đời còn kể chi đời/Thà liều một thác, cho người hiển vang”. “Lòng nào mà nỡ”, là chữ hiếu chăng, hay cũng là thổn thức của con tim non trẻ, vừa xót cha vừa giận người yêu đã không “vị tình” mình? “Trời kia đã phụ”, hay con người vì viễn cảnh “hiển vang” mà “tháo thân”, trí trá, “chỉ mành xe lơi” là bạc tình lang trước mặt? Vậy thì nàng “thà liều một thác, cái đời còn kể chi đời”, chỉ vì bổn phận làm con hay còn vì hờn oán tình lang, vì duyên tình trắc trở?
Hồ Biểu Chánh đặt tên cho bản dịch Le Cid có sửa đổi của mình cái nhan đề độc đáo – biểu lộ một xác tín được khẳng định hay ngược lại, hòng trấn an xao xuyến băn khoăn? – là Vậy mới phải. Chúng tôi muốn cắc cớ hỏi lại: “vậy” là sao, là cái gì đây? Là “đạo lý” cổ truyền chăng? Đạo lý ấy rõ ràng đang được tác giả bảo vệ với khá nhiều lúng túng và trăn trở.
Đến năm 1922, sau mười năm nghiền ngẫm trong thinh lặng (Hồ Biểu Chánh dịch Le Cid năm 1913, xuất bản năm 1918; viết Ai làm được năm 1912, xuất bản năm 1922), hình như tác giả đã lấy quyết định khác, với tác phẩm văn xuôi đầu tiên của mình[12].
Nhân vật chánh trong Ai làm được?[13] tên Bạch Tuyết. Tên nầy không xa lạ trong tiếng Việt; nhưng sự liên tưởng đến Bạch Tuyết của Tây phương không phải không có; vì nàng Bạch Tuyết ở đây cũng bị dì ghẻ đầu độc, như đã thuốc chết mẹ nàng trước đó. Bà ép nàng uống chén thuốc có độc dược. Nàng được cứu sống giờ chót, khi “hoàng tử” của nàng trở về kịp lúc để, thay vì nụ hôn, giằng người yêu khỏi tay kẻ sát nhân, rồi thưa bà dì ghẻ ra tòa, nhờ trạng sư và nhân chứng với chén thuốc làm tang vật!
Còn có thể khai thác nhiều thông tin trong tiểu thuyết nầy. Nhưng nội dung cốt yếu là:
Bạch Tuyết đem lòng yêu Chí Đại, thư ký của cha nàng, do ông ngoại nàng đưa vô làm trong phủ. Ông nàng rất quý chàng trai đó vì, cũng như tác giả, anh được đào tạo từ cựu học – dạy đạo làm người, Hồ Biểu Chánh nói – và tân học, giúp anh mưu sinh và lập nghiệp trong xã hội đương thời. Vốn con nhà gia giáo[14], nàng không hề tỏ tình ý gì với chàng trai – chàng đã sống trong phủ một thời gian mà cả hai chưa bao giờ nói chuyện với nhau – ngoại trừ việc sai lão bộc đưa chàng chén thuốc có quế mài, một hôm chàng đau bụng. Như vậy cũng đủ cho bọn tôi tớ lời ra tiếng vào và cho bà dì ghẻ có cớ đâm thọt với cha nàng. Dì ghẻ tức tối vì Bạch Tuyết cương quyết cãi lời cha, không ưng lấy cháu trai của bà làm chồng, nên vu cáo nàng là “gái hư”, khiến nàng bị cha đánh đòn[15] vừa đau vừa nhục.
Bạch Tuyết quyết định bỏ nhà trốn đi và lấy Chí Đại làm chồng. Nhiều biến cố dồn dập xảy ra. Bạch Tuyết ở một mình tại Sài Gòn, xa nhà cha mẹ, sau lại trốn khỏi nhà ông ngoại lần thứ hai vì không đành lòng ăn sung mặc sướng trong lúc chồng dầu dãi nắng mưa lập nghiệp phương xa. Lâm trọng bịnh nên nàng bị bắt trở về nhà và suýt thiệt mạng về tay dì ghẻ nếu chồng nàng không quay về kịp một cách kỳ diệu.
Trên đường lưu lạc, Bạch Tuyết kết nghĩa chị em với một cô gái mồ côi, nhà nghèo được chú thím nuôi. Cô gái nầy được Hồ Biểu Chánh đặt tên cũng ý nghĩa: Băng Tâm[16]. Say mê nhan sắc của nàng, một chàng trai nhà giàu lúc đầu định lợi dụng nàng trong quan hệ trăng gió nhứt thời. Chú thím vì nghèo nên sẵn sàng đồng lõa với âm mưu; thím càng tỏ ra tham lam, mưu trí và độc ác hơn chồng. Băng Tâm chống lại quyết liệt và, sau khi cũng bị đòn như người bạn gái con quan, nàng chẳng thà bị đuổi khỏi nhà[17] hơn chịu nhục.
Tuy nhiên, sự gan dạ và đức hạnh của nàng làm chàng trai theo đuổi động lòng; chàng trở thành một người yêu tận tụy. Nhưng còn phải rất nhiều những biểu hiện chứng minh tình yêu chân thành tôn trọng nhân phẩm người thiếu nữ gia thế bần hàn hơn mình thì Trường Khanh mới chiếm được trái tim trong sạch đó. Băng Tâm tự nguyện nhận lời cầu hôn sau nhiều thử thách; nàng kiêu hãnh từ chối khi ông ngoại Bạch Tuyết ngỏ lời tặng của hồi môn để xóa chênh lệch giàu nghèo. Vậy là đám cưới của lứa đôi hạnh phúc nầy được cử hành trang trọng; và đánh thức nỗi đau của Bạch Tuyết.
Nàng đã trả được mối thù cho mẹ, cuộc hôn nhân – với người yêu nàng và được nàng yêu – từ ngoài vòng lễ giáo đã được hợp thức hóa nhờ ông ngoại đưa đôi trẻ ra làm hôn thú trước chánh quyền, có đủ mặt nhân chứng theo pháp luật (thuộc địa), cha nàng đã hiểu tội ác của người vợ thứ và tán thành hành động của con, nàng đã sum họp cùng chồng sau khi chồng lập nghiệp thành công, giàu có, nàng chứng kiến bạn thân mình hạnh phúc. Vậy mà, chính lúc đó, nàng quyết định tự tử.
Nguyên nhân của quyết định nầy là ý thức về danh dự và đức hạnh theo quan niệm cổ truyền: đối với người con gái, không nỗi nhục nào lớn hơn là bỏ nhà theo trai, theo không, nghĩa là không có lễ vật cưới hỏi của đàng trai như cha mẹ mình thách cưới, không có nghi lễ ra mắt hai họ và được xóm giềng chứng kiến. Kể cả khi người chồng đã được gia đình chọn lựa, như trong trường hợp Bạch Tuyết, bởi ông ngoại nàng – là người đại diện gia đình một cách chánh đáng hơn người cha, vì người nầy đã mất quyền do nghe lời vợ lẽ, ít ra theo đạo lý bình dân miền Nam mà Hồ Biểu Chánh chia sẻ, có thể lập luận như vậy – đã định gả nàng cho Chí Đại. Nhưng lần nầy, trái với lập trường hồi năm 1913 khi ông đã “sửa” Corneille, Hồ Biểu Chánh quyết định khác.
Khi vợ cắt nghĩa lý do tự tử: “Em hư lắm, em quấy lắm, không đáng làm vợ anh.”, Chí Đại nắm tay vợ, đáp bằng lời rất hữu tình lại hữu lý: “Nếu em không hư, thì ngày nay đôi ta làm sao được gần nhau đây, còn nếu em sợ quấy thì có thể nào báo thù cho mẹ được?” Tác giả tả: vợ ngồi ngó đèn, rồi day lại ôm chồng mà nói rằng: “Anh như vầy mà chết sao đành.”[18]
Thà chết hơn sống nhục, đó là điều nho giáo dạy cả đàn bà và đàn ông. Đối với đàn bà, có rất nhiều lý do đã được dạy cho họ là điều khiến họ phải biết nhục. Các nhà cách tân những năm 1920 nhìn lại các lý do nầy thấy chúng có mức độ chánh đáng khác nhau. Đóng góp xuất sắc của Hồ Biểu Chánh trong Ai làm được? là đề cao nghị lực và sự chủ động của những phụ nữ như Bạch Tuyết và Băng Tâm. Họ đấu tranh bảo vệ nhân phẩm của mình trong ý nghĩa hiện đại nhứt của khái niệm nầy. Họ rời mái ấm gia đình và mỗi người tự xây dựng lấy hạnh phúc riêng, tự chọn người chồng mà họ tin cậy, yêu thương. Bạch Tuyết tỏ ra rất kiên quyết báo thù cho mẹ và tự làm chủ cuộc đời mình, một mực chung thủy với người trái tim mình đã chọn. Với một cá tánh như vậy, sẽ khiên cưỡng biết bao nếu tưởng tượng nàng tự sát như Hồ Biểu Chánh đã buộc cô Chimène Việt phải làm trong Vậy mới phải, được viết ở Long Xuyên năm 1913 và xuất bản ở Sài Gòn năm 1918[19].
Hồ Biểu Chánh 27 tuổi khi viết Ai làm được? năm 1912 tại Cà Mau. Ông 37 tuổi khi tác phẩm xuất bản năm 1922 tại Sài Gòn. Khi viết luận án, chúng tôi chưa tìm ra bản thảo năm 1912. So sánh hai tác phẩm Vậy mới phải và Ai làm được?, chúng tôi đưa ra giả thuyết là trong bản thảo 1912, có thể Bạch Tuyết cũng đã tự tử chết, vì tác giả còn quan niệm vậy mới phải. Chúng tôi tự hỏi: phải chăng Hồ Biểu Chánh không đành lòng, nên sau mười năm nghiền ngẫm, ông đã cho phép Chí Đại lần thứ hai cứu sống người vợ đồng thời là người yêu, người tình của mình thoát khỏi độc dược của một đạo lý quá ư nghiệt ngã? Năm 2009, cầm trong tay bản đã đăng nhiều kỳ trên báo Nông cổ mín đàm năm 1912[20], hóa ra sự thật còn thú vị hơn nhiều. Tác giả đã quyết định để cho Bạch Tuyết sống và hưởng hạnh phúc xứng đáng ngay từ bản thảo đầu tiên. Nhưng mười năm sau, khi xuất bản thành sách, trình làng một kết cuộc bất chấp đạo lý cổ truyền như vậy, ông đã tưởng tượng thêm vụ tự tử bất thành và một số chi tiết khác chỉ để làm cho nhân vật nữ của mình giữ được “đức hạnh” trong mắt độc giả. Đó cũng là cơ hội để ông biện hộ cho nàng – không phải như Nhất Linh mượn lời trạng sư người Pháp biện hộ cho cô Loan trước tòa – mà bằng lời và cử chỉ “rất hữu tình lại hữu lý” của người yêu, như Kim Trọng từng ca ngợi Thúy Kiều là “bụi nào cho đục được mình ấy vay” sau mười lăm năm lưu lạc phong trần! Có lẽ Bạch Tuyết giống một người con gái nông thôn Nam bộ – hậu duệ của cô Kiều Nguyệt Nga “nết na” theo quan niệm nhà nho Gia Định[21] – hơn là cô Tố Tâm tân học của Hoàng Ngọc Phách.
Dẫu sao, so với cái chết thảm của Tố Tâm, tiểu thuyết ra đời gây chấn động dư luận Hà thành năm 1925, Bạch Tuyết được sống để khẳng định “cái hư, cái quấy” của mình là cần thiết, đáng yêu, thiệt đã hiện đại hơn nhiều lắm. Và đối với văn nghiệp của tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh, việc xuất bản Ai làm được? năm 1922 như tháo đi một nút chặn. Chỉ từ sau thời điểm đó, ông mới sáng tác liên tục, rất đều, rất mạnh, có khi một năm hai, ba tiểu thuyết.
Hình tượng phụ nữ sẽ còn phát triển phong phú, đa dạng trong văn học quốc ngữ. Tư tưởng và chủ nghĩa nữ quyền cũng sẽ tự khẳng định trên mọi lãnh vực, lý luận và thực tiễn, với nhiều dạng thức khác nhau. Bài viết nầy chỉ ghi nhận những trăn trở buổi đầu. Ở đó, dấu ấn đạo lý cổ truyền còn rất rõ, rất mạnh và sâu. Tuy nhiên, cả trong bản chất chung của nó và trong các sắc thái đặc thù địa phương Nam bộ, nó đều đối sánh (confronter, se comparer) với những giá trị văn hóa mới du nhập từ phương Tây một cách hiển lộ. Đối sánh hay đôi chối[22] – như vợ chồng Chí Đại-Bạch Tuyết ở trên – không nhứt thiết là đối đầu, xung đột, loại trừ nhau hay nhắm mắt quay lưng vọng ngoại; mà hoàn toàn có thể là dung hòa, cải biến nhau, để sản sanh cái mới, không phải sống sít ngoại lai, mà nhuần nhuyễn tánh chất Việt, miễn là Việt hiện đại, như sau nầy cuộc hành trình thú vị từ chiếc áo tân thời Lơ-muya tới tà áo dài biểu tượng cho “nữ tính Việt” trong tâm tưởng của nhiều người, bất chấp nguồn gốc không thể nào coi là “thuần” Việt của nó.
Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) thuộc lớp học sinh Việt Nam đầu tiên du học ở Algérie. Không phải ngẫu nhiên, ông nêu trong lời Tựa Thầy Lazaro Phiền, mà cốt truyện chỉ là câu chuyện bi kịch gia đình, một trong những mục đích của ông khi viết tác phẩm nầy là “làm cho dân các xứ biết rằng người Annam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai!”[23]. Và trong lời tặng bằng tiếng Pháp gởi Diệp Văn Cường và các bạn học cũ tại trường trung học Alger, ông nhắc “kỷ niệm những buổi tối êm đẹp vào dịp hè đi dạo trong vườn Merenge dưới ánh trăng mập mờ, miệng ngậm điếu thuốc bị cấm hút, mơ ước cho xứ Nam kỳ yêu quý của chúng ta một tương lai xán lạn và văn minh, và cuốn sách nhỏ nầy là một đóng góp thực hiện mơ ước thuở xưa.”[24] Kế thừa truyền thống, nhưng có chọn lọc, có phản biện, đồng thời tháo dỡ ra, xây dựng lại quan hệ giới theo xu hướng bình đẳng hơn, tôn trọng nhân cách con người dù là nữ hay nam, là một yếu tố cấu thành tương lai xán lạn và văn minh đó, trong nhận thức của từng lớp trí thức những thập niên đầu thế kỷ XX.
Tp. Hồ Chí Minh, 29 tháng chạp, Canh Dần
Chú thích
[1] Thầy được đặt trước danh từ (chung và riêng) để chỉ người (mà nghề nghiệp hay vị thế xã hội) được kính trọng.
[2] P.J.B. Nguyễn Trọng Quản, Thầy Lazaro Phiền, 1887, in lại trong Cao Xuân Mỹ&Mai Quốc Liên (chủ biên), Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, 1999, T. I, tr. 14-36.
[3] Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, xb. lần đầu 1929. Tất cả tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đều có thể tham khảo trên www.hobieuchanh.com. Xin cám ơn anh Trang Quan Sen và nhóm bạn đã tạo ra và nuôi dưỡng trang nầy, với ý thức bảo tồn những di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Ở Việt Nam, nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang đã tái bản một số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh năm 1988 và sau đó, từ khoảng 2005 trở đi, các nhà xuất bản khác như Phụ nữ, Văn hóa Sài Gòn đã tái bản Hồ Biểu Chánh.
[4] Cần nói rõ: gian phu được mô tả là một tên trí thức lưu manh, bóc lột nông dân nghèo và người vợ, một người đàn bà chưng diện, lẳng lơ.
[5] Khóc thầm. Chúng tôi chưa xác định được bản án như vậy có thể xảy ra trong thực tế đương thời không. Nhưng bình luận của tác giả cho thấy rất rõ bản án đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chính ông; và ông đã tận dụng sự hiểu biết của mình về luật Gia Long (luôn giảm nhẹ tội khi là người trên phạm tội đối với người dưới, nhứt là trong trường hợp người dưới vi phạm lễ giáo nho gia) và luật thực dân, có thể là chỗ đã dạy ông khái niệm giảm khinh đối với tội ngộ sát.
[6] Vợ chàng Trương một mình nuôi con trong ba năm chồng đi lính xa nhà. Khi người chồng về, định ôm con, bị đứa nhỏ đẩy ra và và nói: “Cha tôi đến tối đỏ đèn mới về.” Chồng gặng hỏi, vợ không trả lời, lẳng lặng gieo mình xuống sông tự vận. Sau tang lễ, buổi tối thắp đèn dầu, Trương thấy con khoanh tay cúi đầu chào cái bóng trên vách là cha, hiểu ra oan tình của vợ thì đã muộn. Vua Lê Thánh Tông là người đương thời đã làm thơ Vịnh miếu vợ chàng Trương, kết bằng câu: “Khá trách chàng Trương khéo hững hờ!”
[7] Tôi rất cảm phục sự phân tích vừa thấm đẫm thấu cảm nghệ thuật vừa chặt chẽ, sâu sắc trong tư duy triết học của Gs Nguyễn Đình Chú khi “Nói thêm về người con gái Nam Xương”, viet-studies 4/8/2010; và hoàn toàn đồng ý với lý giải về “sự ma quái có thực trong sự sống vốn là nghiệt ngã của con người muôn nơi muôn thuở”. Tuy nhiên, cũng không phải không còn gì để nói thêm về cái tác giả gọi là “lớp giá trị lộ thiên, chỉ khéo khơi khơi một tí đã thấy”. Đã đành, như tác giả dẫn Kiều: “ “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. “Người ta” đây hẳn là có cả nam lẫn nữ.” và nêu câu hỏi: “Cứ giả thiết ở một xã hội nào đó, quyền nam nữ bình đẳng đã đươc thực hiện trăm phần trăm thì đã có thể tin rằng con người không còn cái máu ghen “thường tình” này nữa sao?” Chỉ xin lưu ý thêm: dẫu là vì cái ghen của người đàn ông Trương sinh hay người đàn bà Hoạn Thư thì nạn nhân đau khổ nhứt vẫn là giai nhân bạc mệnh Thúy Kiều hay người con gái Nam Xương, chớ không phải bậc trượng phu nào cả. Bất bình đẳng giới không phải chỉ có trong suy nghĩ nông cạn của đàn bà hay người binh vực nữ quyền. Nó có thật, thật đến nỗi chính tác giả Nguyễn Đình Chú cũng kết luận: “Người con gái Nam xương đã cho người đọc thấy thế nào là cái mong manh vô cùng mong manh của hạnh phúc đàn bà muôn nơi muôn thuở.” Dẫu vua Lê, nhà vua thời Tống nho cực thịnh, có trách chàng Trương, dẫu chàng có “tỉnh ngộ thấu nỗi oan của vợ” thì chàng vẫn sống bình yên cùng công luận, với luật vua phép nước và cả với lương tri mình. Một chút cảm thương, hối tiếc muộn mằn; không phải ý thức mình phạm tội sát nhân. Bởi vậy, nỗi ân hận đến mức không sống nổi của thầy Phiền mới là sự xao xuyến lần đầu mới mẻ khuấy động một trật tự, quả là tôn ti, có trên có dưới.
[8] Chỉ duy nhứt một tác giả văn học sử cung cấp tóm lược cốt truyện và bình luận. Xem Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), tb. lần 2, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 189-193. Tác giả cho biết: “Trên bìa tác phẩm xuất bản năm 1918 (nhà in Imprimerie de l’Union, Sài Gòn) có ghi: Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh chiết thảo, Long Xuyên, quý đông 1913.”
[9] Bản dịch thứ hai, được biết nhiều nhứt (nhưng bị ngộ nhận là bản đầu tiên) của Phạm Quỳnh ở Hà Nội, đăng các số 38 và 39 tạp chí Nam Phong, tháng 8-9 năm 1920; và bản thứ ba của Ưng Bình Thúc Giạ Thị xb. lần đầu ở Huế năm 1936.
[10] Tất cả nhân vật được đặt tên Việt và đưa vào bối cảnh hoàn toàn Việt. Trong toàn bộ tác phẩm sau nầy, Hồ Biểu Chánh tỏ rõ tài năng phỏng dịch và phóng tác, thích nghi xuất sắc với thực tế Việt Nam, một thực tế đang chuyển động. Trong nguyên bản chúng tôi để tên Pháp của nhân vật cho độc giả tiện theo dõi. Trong bản nầy, xin dùng tên Việt: Rodrigue (Le Cid) là Thanh Tòng, Chimène là Phan Lệ Bích. Cốt truyện tóm tắt như sau: Thanh Tuyền có con là Thanh Tòng, đã hứa hôn với nàng Lệ Bích, con của đồng liêu là Nhị Lôi. Vì sự chọn lựa của vua, hai bạn đồng liêu tranh tài dẫn tới xung đột; Nhị Lôi đá Thanh Tuyền “nhào lăn” (cử chỉ xúc phạm được Việt hóa tài tình từ cái tát tai trong nguyên tác). Thanh Tòng sau khi phân vân giữa tình và hiếu (“ít hơn Rodrigue rất xa”, theo nhận xét tinh tế của Bùi Đức Tịnh) đã mang gươm đi giết cha vợ tương lai để rửa hờn, rửa nhục cho cha ruột. Lệ Bích, nàng Chimène Việt, đứng trước thế lưỡng nan bên tình bên hiếu.
[11] Corneille trong nguyên tác viện dẫn tập tục xứ Maure để Chimène phải lấy người chiến thắng trong cuộc đấu gươm danh dự; dùng thêm uy thế quân vương khuyên nhủ Chimène: “Hãy đình đãi một năm, nếu nàng muốn, để lau khô nước mắt” và động viên Rodrigue: “Hãy phó thác cho thời gian, lòng quả cảm của ngươi và quân vương của ngươi”. Bản dịch tiếng Việt các câu thơ được trích dẫn là của Bùi Đức Tịnh, sđd., tr. 191.
[12] Phần in lùi vào là tóm lược nội dung tác phẩm.
[13] Hồ Biểu Chánh, Ai làm được, soạn xong năm 1912, xb. lần đầu 1922.
[14] Cha nàng là viên chức đầu tỉnh, thời đó gọi là quan Phủ. Người ta coi công chức trung cao cấp của chánh quyền thuộc địa như quan, cũng ít nhiều có cơ sở, vì trong những năm 1920 nhiều viên chức (kể cả cấp cơ sở) xuất thân cựu học và vẫn trung thành với khuôn mẫu cũ về mặt trị dân cũng như về luân lý trong hành xử riêng.
[15] Cảnh đánh đòn được trích dịch ở Phụ lục của bản tiếng Pháp, để minh chứng cho một cách cư xử phổ biến thời đó và, đáng buồn là vẫn còn tồn tại tận ngày nay.
[16] Tên nầy không hợp lý lắm vào thời đó, đối với gia cảnh được mô tả là bần hàn của nhân vật; nhưng Hồ Biểu Chánh rất thích thể hiện tánh cách nhân vật ngay trong tên của họ.
[17] Thời đó và cả ngày nay, đây vẫn thường là cách hành xử của cha mẹ nuôi khi trẻ mồ côi trở thành gánh nặng, nhứt là khi người con gái lớn lên, như nhân vật trong tiểu thuyết, từ chối không chịu bị “bán” dưới hình thức nầy hay hình thức khác, để bù đắp chi phí người ta từng nuôi mình.
[18] Ai làm được. Chữ in đứng là phần tóm tắt của chúng tôi, in nghiêng là trích dẫn từ Hồ Biểu Chánh.
[19] Bùi Đức Tịnh, Những bước đầu của báo chí…, tr. 189. Theo tác giả, Hồ Biểu Chánh ký truyện thơ nầy bằng tên thật Hồ Văn Trung, kèm bút danh Biểu Chánh, có nghĩa “tỏ rõ sự ngay đúng”. Tên khai sanh của ông, Trung có nghĩa “trung thành (với vua, với chủ)” là tên rất thường dùng đặt cho con trai.
[20] Chúng tôi cám ơn Gs John C. Schafer đã nhiệt tình gởi tặng bài viết của ông và bản photocopy tiểu thuyết Ai làm được in năm 1912. John C. Schafer là tác giả bài “The Novel Emerges in Cochinchina”, viết chung với Thế Uyên, The Journal of Asian Studies 52, n° 4 (11/1993), tr. 854-884 và bản dịch tiếng Việt của Cao Thị Như Quỳnh, “Tiểu thuyết xuất hiện tại Nam kỳ”, Hợp Lưu, 10&11/1994, tr. 17-38. Bản dịch nầy có thể tham khảo trên trang www.hobieuchanh.com.
[21] Trong chương I của luận án, chúng tôi đã “đọc lại” Đồ Chiểu và phân tích nhân vật nữ của ông, tóm lược như sau: Trong lúc Vân Tiên tuân thủ nghiêm nhặt nguyên tắc bất tương thân, Nguyệt Nga chủ động rút trâm cài tóc tặng chàng, cử chỉ tương đương lời tỏ tình mà Vân Tiên không dám nhận. Nguyệt Nga nài thêm bằng cách “dâng một bài thơ tạ từ”. Sự bộc lộ văn tài có hiệu lực hơn cử chỉ dâng trâm “thường tình nhi nữ”. Vậy là đối với Vân Tiên, chỉ qua thơ xướng họa Nguyệt Nga tự coi như đã nặng lời hẹn ước. Về nhà nàng họa hình, tạc tượng Vân Tiên, đêm ngày ngắm nghía và từ chối nhiều lời cầu hôn môn đăng hộ đối hơn, vì đó là thế gia vọng tộc như gia đình nàng, trong lúc Vân Tiên chỉ là học trò khó. Nàng không ngần ngại đương đầu cả với nhà vua khi vua ban lịnh cống nạp nàng vì mục đích chánh trị ngoại giao. Trái lịnh vua, từ chối nhiệm vụ vì đất nước – cô hầu gái Kim Liên thay nàng hy sinh nhận nhiệm vụ và sẽ được ban thưởng ở kết cuộc vì Vân Tiên sẽ cưới cô làm thứ thiếp – để chung thủy với một tình yêu mà đôi trai gái đã tự ý thề nguyền hẹn ước trước khi gia đình hai bên biết nhau, hành xử của cô gái Nguyệt Nga nức tiếng nết na là vậy đó. Vậy mà hình tượng đó đã được cả nhà nho và công chúng bình dân Nam bộ tán thưởng suốt nhiều thế hệ, với sự đồng thuận tuyệt đối; không như nàng Kiều của Nguyễn Du – dẫu tác giả được tôn phục thi bá, văn hào – vẫn chỉ được yêu quý, cảm thông bởi những nhà nho tài tử “vốn nòi tình, thương người đồng điệu”, còn thì không khỏi bị một số nhà nho “chính thống” chỉ trích, mỉa mai, dè bỉu, thậm chí mắng nhiếc: “Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!” Nho giáo ở Gia Định quả có sắc thái riêng.
[22] Đôi chối: examiner, discuter (xem xét, tranh luận), Gustave Hue, Tự điển Việt-Hoa-Pháp, tb. Khai Trí, Sài Gòn, 1971, tr. 284. Đôi chối: phân phải trái, Bùi Đức Tịnh, Từ điển tiếng Việt, Văn hóa thông tin, 2002, tr. 263.
[23] Văn xuôi Nam bộ…, sđd, t. 1, tr. 16.
[24] Dẫn theo Nguyễn Văn Trung, “Về các loại truyện viết bằng quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX ở Việt Nam”, Văn xuôi Nam bộ…, sđd, T. 1, tr. 670-694.
© Thời Đại Mới
Vol. 21 /12-5-11