Hiển thị các bài đăng có nhãn Phát biểu cảm tính của một nhà khoa học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phát biểu cảm tính của một nhà khoa học. Hiển thị tất cả bài đăng

7/8/10

Phát biểu cảm tính của một nhà khoa học

Phát biểu cảm tính của một nhà khoa học
( Đoan Trang viết riêng cho Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông trên Facebook )


Từ ngày 29 tới ngày 31/7, một hội thảo khoa học với chủ đề “Tranh chấp Biển Đông Nam Á và vấn đề an ninh con người” đã diễn ra tại Đại học Temple, Philadelphia (Mỹ), với sự tham dự của gần 50 học giả Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, chủ yếu là nước ngoài. Đây là hội thảo hè lần thứ 13 của một nhóm các nhà nghiên cứu người Việt, trong đó có những trí thức nổi tiếng như GS Trần Hữu Dũng, GS Hà Dương Tường, TS Vũ Quang Việt, v.v. Phía Việt Nam tham dự lần này có ông Đinh Kim Phúc, giảng viên sử, Đại Học Mở TP HCM.
Ngày 28/7, một ngày trước khi diễn ra Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức, TS Vũ Quang Việt đã có bài trả lời phỏng vấn của BBC. Nói về tình hình Biển Đông, ông Việt cho rằng: “Phải làm sao để dư luận thế giới hiểu rõ vấn đề vì chỉ khi đó họ mới có thể ủng hộ các giải pháp tốt đẹp được. Và bản thân chính người Việt Nam cũng phải hiểu rõ tình hình như thế nào trước. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam”.
Phát biểu của ông Vũ Quang Việt lập tức gây phản ứng trong giới nghiên cứu về Biển Đông. Có ý kiến từ phía Hội thảo cho rằng TS Việt đã làm sai nguyên tắc của Ban Tổ chức khi trả lời báo chí trước khi Hội thảo chính thức diễn ra; ngoài ra, đây chỉ là ý kiến cá nhân, không thể là tiếng nói của Hội thảo Mùa hè 2010.
Tuy nhiên, bước vào Hội thảo, TS Vũ Quang Việt một lần nữa lại nhắc lại ý kiến này. Quan điểm của ông bị phản bác ngay tại Hội thảo.
Sơ hở về học thuật
Những tài liệu nghiên cứu về lịch sử tranh chấp Trường Sa – Hoàng Sa đều có ghi lại rằng, ngay từ đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo mỗi năm 8 tháng. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thủy trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào Đông Dương.
Năm 1932, chính quyền thực dân Pháp đã tuyên bố An Nam có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời sáp nhập Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên. Năm 1933, Pháp tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Đó đều là những “chứng cứ tài liệu trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, phân tích cụ thể sơ hở trong luận điểm của ông Vũ Quang Việt: “Pháp đã tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo một cách phù hợp với Công ước Berlin. Chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa mặc định đi cùng chủ quyền đối với Việt Nam. Sau này, Pháp trao trả chủ quyền lại cho Việt Nam, nghĩa là hiển nhiên Việt Nam có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Có vẻ như ông Vũ Quang Việt đã nhìn nhận thiếu điều mặc định trên, nên hiểu lầm là Pháp phải tuyên bố cụ thể rằng họ trả hai quần đảo trên cho Việt Nam thì Việt Nam mới có thể có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa”.
Cũng có thể ông Vũ Quang Việt cho rằng, khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa thì đó là hành động thực dân của một nước thực dân, không phải là sự xác lập chủ quyền cho Việt Nam. Theo ông Dương Danh Huy, quan điểm này, nếu có, sai trầm trọng vì “trong luật quốc tế, nhất là trong các phiên tòa về tranh chấp lãnh thổ, thì những hành động, thỏa thuận, động thái của các nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa là luận điểm cơ bản trong việc phân xử. Tòa sẽ xem xét trong thời thuộc địa, các nước thực dân đã làm gì, không làm gì, để xem vùng lãnh thổ trong quá khứ thuộc về ai, và lấy đó làm điểm xuất phát”. Ở đây, có thể nói rằng TS Vũ Quang Việt có xu hướng sa vào cảm tính “không công nhận hành động của nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa”. Đáng tiếc là, theo ông Dương Danh Huy, quan điểm đó cũng chính là lập luận mà phía Trung Quốc hay sử dụng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Không có lợi về chính trị
Trước sự phản bác của một số học giả trong và ngoài Hội thảo, TS Vũ Quang Việt cho rằng ông chỉ đưa ra quan điểm cá nhân về học thuật. Về điểm này, ông Lê Minh Phiếu, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, góp ý: “Tôi luôn quan niệm rằng, việc tìm những chứng cứ và lập luận cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông giống như việc một luật sư bảo vệ cho thân chủ của mình (mà trong trường hợp này, thân chủ là Nhà nước, là quốc gia Việt Nam). Nhiệm vụ của luật sư đối với thân chủ là bảo vệ thân chủ. Do vậy mà chúng ta không nên công bố rộng rãi những luận cứ và luận chứng bất lợi cho thân chủ của chúng ta cho bên ngoài. Việc trao đổi, nếu có, phải trong phạm vi bảo mật. Vì thế, việc công bố trên BBC một nhận định như vậy theo tôi là không nên, không đúng về mặt chính trị, ngay cả trong trường hợp nhận định đó là quan điểm cá nhân về học thuật”.
Trong bài trả lời BBC, TS Vũ Quang Việt có nói: “Nếu các bên bây giờ đẩy mạnh tinh thần dân tộc, vận động người dân trong nước chiến đấu bảo vệ, sống chết với nó thì sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh hết sức vô ích. Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề”. Có thể ông muốn hạn chế tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong những tranh chấp về chủ quyền. Tuy vậy, vấn đề là Việt Nam thực sự có chứng cớ về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa, và do vậy không nên cho rằng chúng ta đang đòi hỏi cao hơn mức mà Việt Nam lẽ ra được hưởng theo luật pháp và theo lẽ công bằng.