Hiển thị các bài đăng có nhãn Thanh Tâm Tuyền - Bếp lửa (4). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thanh Tâm Tuyền - Bếp lửa (4). Hiển thị tất cả bài đăng

15/6/11

Thanh Tâm Tuyền - Bếp lửa (4)

Thanh Tâm Tuyền
Bếp lửa

tiểu thuyết

7.


Những ngày làm việc đều đều tiếp nhau. Nhiên không còn ở lại trường nữa, anh phải đổi về Nam Định. Hôm chia tay tôi tiễn Nhiên ra bến xe. Rồi tôi thui thủi trong gian phòng cách biệt những giờ trống. Phòng bên – Nhiên ở trước – không có người, khoá cửa. Buổi tối vẫn bóng đen nặng nề, với cái sân sỏi, cột cờ khẳng khiu, nóc nhà thờ lạnh lẽo với những đợt bách kích pháo rung chuyển xa xa gần gần và ngọn điện đỏ như đầu que diêm chưa tắt. Không ai còn nhớ đến tôi vì không ai gửi cho tôi chữ nào, Francoise, Bình, Hoà, hay những học trò tôi không còn nhớ. Ngày nghỉ tôi xuống Đáp Cầu thăm tin tức Hạnh. Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội. Những con đường cỏ hoang không dọn. Gạch ngói còn nằm im. Quán hàng của chị Nùi đông khách thêm vì sự chuyển vận binh sĩ không ngừng qua vùng này. Bát bún riêu nóng là món quà thường lệ của tôi.

Long đã xin được một chân hương sư. Lớp học chữ dưới ngôi đình cũ chỉ còn mái. Bàn ghế quyên tặng làm bằng đủ mọi thứ: có thể là cánh tủ, cánh phản, câu đối… Những đứa trẻ nhỏ cũng nô đùa tự nhiên nhưng không đủ át cái không khí vây quanh. Trời cao, cỏ rậm và bãi tha ma, những ngôi nhà lẩn lút. Buổi sáng chết lặng đi với những tiếng động tưởng như không có chút nào liên lạc với nhau. Tiếng búa gõ trên gỗ, tiếng máy nổ, tiếng phi cơ, trẻ con cười đùa và tiếng bước của thời tiết, trên lá cỏ, và trên nóc nhà.

Ở Hà Nội, Thanh về với Nga, Thanh không hát nữa. Từ ngày ấy tôi chưa về Hà Nội lần nào mà cũng không muốn về. Một ngày nhận được thư của Ngọc:

"Tâm,

Mày hãy tỏ ra mày tự do. Bằng cách nào? Từ cái chức giáo sư quèn ấy đi. Nếu không kiếm được công việc làm nào khác thì xuống đây tao nuôi. Tao cho mày tự do. Mày sẽ sống như cuộc đời của tao đây này. Rồi mày sẽ hiểu tại sao tao lại nghĩ vậy. Tao đã ăn một cái Tết khá đầy đủ với chúng mày. Cám ơn, cái Tết cuối cùng đấy vì tao sắp đi rồi. Chuyến này thành sự thực. Mày hãy xuống mau sống nốt với tao những ngày ở xứ này. Mai kia tao còn nhớ mãi mãi.

Dù con sâu con mọt có nằm giữa tim giữa óc hay giữa… ông cũng đếch cần. Ông cần mày, cần ngay để ông đi. Truyền lệnh! Ngọc.”

Tôi nằm rất lâu trong bóng tối. Hình như tôi sốt. Cho đến khi cha Tân vào phòng. Ông nói:

“Thầy không bật đèn lên?”

Tôi ngồi lên xin lỗi và làm theo lời ông. Ông ngồi xuống vẻ mặt nghiêm trọng. Tôi cất lá thư của Ngọc, khoác thêm áo đến ngồi đối diện với ông. Vẫn những tiếng nổ thường lệ làm nền cho buổi tối. Ông Tân hỏi:

“Hình như thầy không được khoẻ?”

Tôi vẽ một nụ cười.

“Bị sốt xoàng thôi, cám ơn cha.”
Một lát cha Tân vẫn chưa nói thêm. Tôi bỗng nói:

“Tôi muốn xin phép cha nghỉ độ nửa tháng.”

“Thày có thể nghỉ dài hạn cũng được.”

À đó là lý do ông đến thăm tôi buổi tối hôm nay trong giờ cầu nguyện của ông. Tôi ngạc nhiên một chút rồi dửng dưng ngay.

“Vâng thế cũng được.”

Tôi ngồi lại trong buồng nghe tiếng sột soạt của bộ quần áo tu sĩ xa dần ngoài hành lang. Tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết. Lối làm việc cẩu thả của tôi chăng? Những tư tưởng tôi đã nói trong giờ học đáng lẽ không nên nói chăng? Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc thật say.

Tôi thức dậy sớm khi trời chưa sáng, thu xếp hành lý. Ông già gác đã thức dậy thấy ánh đèn, lên phòng tôi, ngạc nhiên:

“Thầy sửa soạn đi đâu sớm?”

Tôi hơi buồn vì giọng nói và sự có mặt của ông già. Ông vẫn khoác tấm áo dạ tôi trông thấy ngày mới đến trường này. Tôi đáp:

“Tôi nghỉ việc rồi.”

Ông già không hỏi gì thêm lẳng lặng giúp tôi một tay. Tôi nói:

“Từ hôm nay ông không lấy báo cho tôi nữa nhé.”

Tôi đi trong sự vắng lặng hoàn toàn của buổi mai chưa một ai trở dậy. Vẫn ông già xách giúp tôi cái va ly đi sau như ngày mới đến. Trời nắng đục, gác chuông cao và lạnh. Tôi giẫm trên những viên đá sỏi.

Ông già gác đặt va ly xuống mở khóa cổng. Tôi bảo ông:

“Ông nói với cha Tân và cả trường tôi xin lỗi gửi lời từ biệt vì đi sớm quá. Đi thế này cho mát.”

Và tôi bắt tay, bàn tay răn reo khô khan:

“Chào ông.”

Tiếng cửa sắt đóng sau lưng tôi và phố còn ngủ với những căn nhà yếu ớt của nó. Bến xe đã ầm tiếng nói cười. Tôi vào quán ăn điểm tâm và nhớ cuộc gặp gỡ với Hạnh. Mưa thoang thoáng.

Người phu xe nói:

“Đi giờ này là cảm tử nhất.”

Xe ra đầu tỉnh trời đã sáng hẳn, tiếng ồn ào ở phía sau rồi. Một vài học sinh đi ngang xe cúi đầu chào tôi.

Xuống bến xe ở Hà Nội nắng mới bắt đầu lên. Tôi nghĩ đến ông Chính và tôi nghĩ phải về nhà.

Nhà khoá trái cửa. Tôi hỏi thăm người ở chung. Ông Chính bệnh nặng đêm qua, sáng này phải đưa sớm xuống nhà thương Bạch Mai. Tôi gửi hành lý và thuê xe xuống Bạch Mai.

Ông Chính đã chết.

Tôi đến không kịp nhìn ông lúc hấp hối. Người ta đã mang ông xuống nhà xác. Ông bị bệnh màng óc. Từ trên gác cao lạnh lùng nhạt nắng, tôi đi xuống theo những con đường ngang đến nhà xác. Những tiếng động ở đâu, còn tôi tiến dần đến vào sự im lặng. Tôi nghe thấy một tràng cười rũ rượi. Khu điên gần đấy. Những cây cao ngó xuống.

Thịnh ngồi gác ủ rũ trên đầu ông Chính và Đại đứng cạnh. Thấy tôi vào Thịnh khóc nức nở. Tôi giở tấm khăn phủ mặt ông Chính và nước mắt tuôn tràn. Mặt ông đó còn tất cả sự đau đớn hành hạ trên nếp răn. Tôi cúi đầu rất lâu để mặc cho nước mắt chảy. Tôi ghi hình ảnh người cha ghẻ lần cuối. Người thân cuối.

Sao Thịnh lại không khóc nữa và tiếng chim sẻ ríu rít ngoài kia? Rồi tiếng ai tấm tức. Đó là một thiếu phụ trẻ ngồi bên một cái xác cuối phòng. Chắc là chồng nàng.

Tôi bảo với Thịnh:

"Chúng tôi đi ra ngoài."

Con đường rợp. Đại húng hắng ho. Thịnh sụt sịt. Tôi chỉ còn một ý nghĩ: Ông Chính chết, chết đột ngột quá.

“Sao anh ít về nhà?”

Câu trối trăng của ông với tôi đó chăng? Về nhà ư? Còn ít ngày nữa là đến giỗ mẹ. Tôi thắp hương chỗ nào. Mộ mẹ tôi nằm tận vùng quê ngoại mà chiến tranh đã vây lấp.

Uống xong bát nước nóng - Thịnh bảo cho khỏi cảm – tôi từ biệt hai người.

Tôi đến với Thanh.

Thanh va Nga bỏ công việc ra tiếp. Tôi muốn tiếng máy may cứ nhịp đều. Tôi bảo Thanh:

“Ông Chính mất rồi, sáng nay.”

Thanh nhắc lại:

“Ông Chính mất rồi.”

Tôi thấy Nga kín đáo đưa khăn tay chấm cuối mắt. À, giữa Thanh và ông Chính có liên lạc gì. Cứ nói ngay với tôi nữa.

“Sao anh ít về nhà?”

Nga bảo:

“Chúng mình có thể về được đấy Thanh ạ.”

Ngoài đường vẫn còn đôi người nhàn rỗi đi dạo nốt mùa xuân muộn sót.

Tôi theo hai người cho đến khi gặp một bà cụ già ngồi ở đầu phản: mẹ của Nga. Tôi cúi chào.

Đám ma của ông Chính đưa về nghĩa trang Quảng Thiện. Có mặt Bảo, Thanh, Nga những học trò của ông Chính, vắng mặt Đại. Một vài người bạn của ông Chính tôi chưa gặp bao giờ thì thầm ngơ ngác. Nghĩa trang đẹp trên khu đồi nhiều cây cao. Tôi ném viên đất thứ nhất lên nắp quan tài, Thịnh lăn lộn trên cỏ như một con chó điên, tóc tai rũ rượi, tay chân cào cấu. Người ta đã mang đặt những vòng hoa lên nắm đất. Thịnh vẫn úp mặt xuống cỏ. Không có Đại. Tôi chẳng quan tâm. Thanh và Nga đỡ Thịnh dậy. Và Thịnh cũng im bặt. Chúng tôi đi về.

Buổi tối về nhà. Căn nhà vắng vẻ không hương khói. Thịnh ngồi co ro trong một góc phản, tôi hỏi:

"Chị không lập bàn thờ thầy?"

Tôi không được tự nhiên khi nói tiếng thầy. Không còn liên lạc gì nữa. Quá khứ rồi.

"Tôi không ở đây" – Thịnh bình thản trả lời. "Tôi với anh không có bổn phận gì với nhau. Tôi đợi để trả nhà anh."

"Nhà tôi." Tôi muốn cười lớn. Nhưng tôi cho Thịnh nghĩ phải. Tôi lại hỏi:

"Anh Đại đâu không thấy về?"

"Anh ấy đi rồi. Anh ấy được liên lạc từ tuần trước nhưng nán lại vì thầy chết. Anh đi hôm qua."

"Còn chị?"

"Tôi đã nhận được chân vú em đi xa." Tôi quay ra mặt đường. Tôi đã nhận thấy bụng Thịnh mang thai. Đến lượt Thịnh hỏi tôi:

"Còn anh?"

"Tôi thất nghiệp, tôi cũng không còn gì để ở đây nữa. Chị có thể bán hết đồ đạc trong nhà này giữ làm vốn, tôi không cần bằng chị."

Chúng tôi im lặng. Ở giữa chúng tôi không còn gì ngoài người đã chết. Tôi nhớ đến buổi tối trước hôm sang Bắc Ninh tôi đã nói chuyện với ông Chính. Ở giữa chúng tôi cũng có một người chết. Cuốn Crime et châtiment lật ngửa ở đầu giường. Tôi muốn kêu lớn: nó là thằng hèn, có nó ở đây tôi đập vào mặt nó.

Tôi bỏ Thịnh với gian nhà và xuống Bảo.

Vợ Bảo dọn giường cho chúng tôi. Đứa con Bảo khóc và mẹ nó ru. Nửa đêm chúng tôi thức giấc, tôi nói:

"Mai tôi xuống Phòng với Ngọc."

Bảo không trả lời.

Bảo đưa tôi ra xe xuống Phòng. Chúng tôi đi xe điện xuống bờ và đi chân lên bến xe. Tay tôi vẫn xách chiếc va ly nhỏ ngày sang Bắc Ninh đựng chừng ấy thứ quần áo và vật dụng. Bảo hỏi:

"Anh xuống chơi hay ở hẳn dưới với Ngọc?"

Tôi đáp:

"Chưa biết."

Ngồi trên xe đợi chạy, tôi có ý định bỏ dở cuộc đi. Tôi không biết xuống Ngọc xong tôi sẽ làm gì hoặc đi đâu. Xe đến Hải Phòng đã quá trưa, tôi ghé quán ăn cơm trước khi tìm địa chỉ Ngọc.

Đến nơi tôi bước lên căn gác trong ngõ Cô Ba Chìa, ọp ẹp trống trơn trơ một cái bàn mộc và một manh chiếu.

Ngọc đã đi theo một chiếc tàu biển được hai hôm. Người đàn bà thổi cơm cho Ngọc trao tôi mảnh giấy Ngọc viết lại và nói:

"Ông ấy đi gấp quá. Ông dặn nếu ông xuống ông có thể ở đây vài hôm rồi hãy về."

Thư của Ngọc:

"Tâm ơi,

Thế là tao đi rồi. Không hiểu sao tao cứ đinh ninh mày sẽ xuống gặp tao. Nghĩ rằng mặt mày sẽ ngơ ngác như chú chim chích trong rừng sao tao khoái làm vậy.

Còi tàu đã rúc, khói tàu đã nhả, sóng biển đã vỗ và hồn đây căng buồm.

Còn bao giờ tôi trở lại mảnh đất này không?

Không biết, mặc.

Tao đi không mang theo hành lý chỉ có hình ảnh mẹ, các em và chúng mày.

Thế là quá nặng cho một người. Mày sẽ về từ biệt hộ tao với vợ chồng Bảo.

Ờ tao đi không phải chia ly mà chính chúng mày chia ly hộ tao mới sướng chứ. Tao đã dặn bà chủ nhà trong trường hợp mày xuống bà sẽ trao bức thư này, cho mày tá túc vài hôm tuỳ ý mày. Cứ yên chí ở chơi coi như tao vắng nhà ít bữa."

Tôi không biết nên bắt đầu như thế nào buổi chiều này.

Ra khỏi nơi Ngọc ở, tôi đứng trước một khúc phố rộng nhưng xơ xác chạy tới phía nhà ga hiu quạnh. Bên kia đường vài gian nhà đang xây dở.

Tôi đi mãi trong phố đông người và rẽ vào một rạp chiếu bóng. Tôi dẫn một đứa bé lem luốc ở cửa rạp vào. Tôi trở ra khi buổi chiều lặng lẽ xuống. Những người đi làm về. Tôi gặp những toán lao động trai gái. Tôi cứ cảm tưởng Ngọc lẫn đâu trong ấy và trêu cợt tôi.

Dần dần tôi đến khu nhà Tây vắng vẻ. Tôi mong gặp một người quen.

Ngồi bên kè đá tôi nhìn mặt nước rộng, nước cuộn chảy. Những chiếc thuyền và những thân tàu.

Một người ngoại quốc biễu diễn trượt nước trên dòng sông. Sau lưng tôi người ta đi hứng gió. Một vài đôi tình nhân, một vài cặp vợ chồng, một chiếc xe nôi của con Tây.

Chiều xuống thấp mãi gần mặt nước. Tiếng còi tàu um um.

Tôi đứng lên, đèn đã thắp. Cây cao tối như trong vườn nhà thương.

Tôi về trải chiếu trên căn góc ọp ẹp Ngọc đã ở. Hắn đi thật rồi, như ông Chính chết như Đại đã đi. Không muỗi nhưng hơi lạnh về giữa đêm. Tôi mê gặp Hạnh và tỉnh giấc. Tôi không nhớ mình đang nằm ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: Cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi.


*


"Thanh,

Không ngờ Thanh còn nhớ đến anh.

Anh cảm động khi đọc thư. Anh tưởng nơi quê hương không còn ai nhớ đến anh nữa. Đôi lúc anh vẫn ân hận rằng không buộc với xứ sở một dây liên lạc nào ngoài anh ra. Người ta gặp nhau ngoài phố rồi quên nhau ngay, thì ở quê hương hay một phương trời nào khác gì nhau.

Một hôm tình cờ anh nghe đài phát thanh nhà và được gặp giọng hát Thanh.

Vẫn giọng ấy?Trở về mái nhà xưa. Anh định viết cho Thanh nhưng anh nghĩ biết đâu Thanh đã chẳng quên anh rồi như mọi người. Được thư Thanh anh phải cám ơn Thanh nhiều.

Thanh lại sống một mình. Nga đã lấy chồng. Chắc Nga đã thôi viết văn rồi nhỉ? Bên này anh cũng có người bạn gái là văn sĩ nổi danh. Thanh hát lại là phải, anh đã chẳng nói thế hay sao? Vợ chồng Minh vẫn mạnh khoẻ, được mấy cháu rồi? Hãy nói với Minh lấy tên anh đặt cho một đứa con của Minh để anh được đinh ninh anh còn nhiều liên lạc với quê hương.

Chúng ta là những người sinh ra để đi một mình suốt đời. Thanh hãy can đảm nhận ra điều ấy. Đi một mình suốt đời khó nhọc đấy chứ. Không một sự gì ràng buộc ta, thật là bất hạnh.

Những buổi trời lạnh, tự sửa soạn bữa ăn lấy, anh nhớ Thanh hơn hết. Anh chỉ còn có Thanh và chắc Thanh chỉ còn có anh. Hãy cho anh sự tin tưởng khi anh có dịp trở về quê hương, anh đã có sự ràng buộc thật thà từ trước, ràng buộc, ấy là Thanh. Không phải những người cùng máu mủ với mình.

Chúng ta phải tự tạo lấy sự ràng buộc nhau để cùng nhau bám chặt quê hương nếu không chúng ta sẽ mất trong sự quên lãng.

Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng.

Tâm."

Viết xong tại Thủ Dầu Một vào tháng 10-1956



Bạt
Mấy ghi nhận về Bếp lửa

Nhà văn thường là kẻ bất công với chính mình: bất công với những gì hắn đã viết ra. Hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con mắt nghi ngờ, không toại nguyện. Càng nghi ngờ, không toại nguyện khi đó là tác phẩm đầu tay mà ngày nào, khi “chưa phải là nhà văn”, hắn đã hoàn tất với tất cả sự say mê cuồng nhiệt, tình cảm mà mai đây, khi đã là nhà văn rồi, không dễ dầu gì hắn tìm lại được. Với hắn dường như tác phẩm thật sự là tác phẩm hắn đang viết, sẽ viết, đang hoàn tất, sẽ không hoàn tất bao giờ. Trong khi cuốn sách đầu tiên, đối với hắn, chỉ là những bước chân dọ dẫm, những âm vang ngơ ngác của một thời: thời mới lớn. Dường như tác phẩm đầu tay của một nhà văn luôn luôn gắn bó vào chính cái thời mới lớn của nhà văn đó. Nó đánh dấu một thời mới lớn, nó chính là cái thời ngu ngơ bất trắc đó. Cho nên trong chủ quan của nhà văn, nó là cái gì nhất thiết phải được vượt qua, một cách nào đó, phải được chối bỏ. Nó không còn là một khởi điểm. Nói là một bước lỗi lầm mà nhà văn muốn quên đi như một nỗi thất bại. Trường hợp Philippe Sollers mới đây khi lên tiếng phủ nhận và loại bỏ tác phẩm đầu tay [1] ra khỏi toàn bộ tác phẩm của mình là một trường hợp điển hình. Tác phẩm đầu tay càng sớm trở thành cổ điển, nó càng là lý do để tác giả nó hoài nghi và phủ nhận chính nó. Phải chăng đó là ý thức khốn khổ của nhà văn khi bắt đầu nhận thức rằng mình “chỉ là một nhà văn”, bắt đầu có một cái nhìn thấu suốt qua căn phần và định mệnh “nhà văn” của mình. Phảỉ chăng nơi đây, nhà văn cũng không khác gì nhà triết học, nói theo một bực thầy hiện đại, chính là kẻ ”đời đời khởi nghiệp”. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại những gì mình đã viết, nhất là chống lại những tình cảm sôi nổi ngày nào thể hiện qua những trang sách đầu tiên. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại tác phẩm đầu tay của mình, một khi “sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ (đã) nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức”, một khi nguời ta “bắt đầu cầm bút thực sự”.

Mấy ý nghĩa tự phát và chủ quan trên đây đã đến với tôi sau khi đọc lại Bếp lửa và sau khi đọc lại bài tựa do chính tác giả viết lên đầu tác phẩm đầu tay của mình trong lần xuất bản thứ hai (Sáng Tạo, 1965). Tám năm sau lần xuất bản thứ nhất (1957-1965), Thanh Tâm Tuyền đã có dịp nhìn lại tác phẩm đầu tay của mình như một kẻ đứng ngoài kinh nghiệm của chính mình, nhìn vào lại nó bằng một cái nhìn chân thật đến tàn ác, nếu cần. Tác giả muốn nói gì với chúng ta qua lời thú thật đó? Một cuốn sách chưa thành hình, một tác phẩm dở dang hay đúng hơn là một kinh nghiệm đã hoàn tất? Cuốn sách của một người mới lớn liệu có thoát ngoài kinh nghiệm của chính tâm hồn mới lớn đó? “Lúc hắn viết cuốn sách này, hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả”. Tất cả ở đây phải chăng là toàn thể cái kinh nghiệm sống mà hắn muốn thể hiện lên những trang sách thứ nhất đó? Cuốn sách đầu tiên, đó chưa là kinh nghiệm của tác phẩm mà là tác phẩm của một kinh nghiệm. Cho nên khi nhìn lại cuốn sách đầu tay của mình, để trở lại với một ý nghĩa ở trên, tôi nghĩ nhà văn có thể phủ nhận nó như một kinh nghiệm, một kinh nghiệm khốc liệt mà chính hắn đã trải qua, một kinh nghiệm đã làm biến đổi tâm hồn hắn, đã dìu hắn đến ngồi vào bàn, viết dòng chữ dầu tiên, “Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng…”, dòng chữ đầu tiên hay chính là lời nói đã tìm được cơ hội thốt lên và chính hắn cũng đã tan biến vào lời nói đó.

Có lẽ không phải tình cờ khi phần đông các tác phẩm tiểu thuyết đầu tay đều viết ngôi thứ nhất. Hãy nói một cách đơn giản hơn: nó là lời nói của một con người, một kinh nghiệm. Con người đó đã từng sống thật trước khi biến thành nhân vật tiểu thuyết và tác giả không là kẻ sáng tạo nên nhân vật tiểu thuyết của mình: hắn chính là nhân vật tiểu thuyết đó (Narcisse chết: hắn là kẻ không biết dùng chữ, đáng tiếc!)

Tác phẩm hay là một sự nối tiếp của một kinh nghiệm sống, một thảm kịch sống. Phải chăng chính trong ý nghĩa đó, Bếp lửa nhất thiết là một cuốn sách, nói theo tác giả, của một người “chưa phải là một nhà văn”. Viết Bếp lửa, điều này cũng có nghĩa là sống (một lần nữa) cái thảm kịch của chính nó đồng thời mời gọi người đọc tham dự không phải vào một thế giới phù phép, giả ảo của chữ nghĩa mà vào thế giới còn nồng nàn hơi thở của sự sống. Nếu nhận rằng có một hố sâu ngăn cách giữa văn chương và thực tại, giữa chữ và nghĩa, thì ở đây, sự vinh quang của Bếp lửa chính là ở chỗ nó chưa rơi vào sự sa đoạ của tác phẩm, nó là cuốn sách còn là cuốn sách hiểu trong ý nghĩa đơn sơ nhất của danh từ, cuốn sách của một người "Chưa phải là một nhà văn, chưa muốn là một nhà văn". Bởi nhà văn cần thiết là một con người sa đoạ, hắn hy sinh thực tại cho mộng tưởng, hắn hy sinh thế giới cho hình ảnh, hắn hy sinh sự sống cho chữ nghĩa, vân vân… Hãy nghe Thanh Tâm Tuyền nói: “Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót”. Kẻ sống sót với “sự thật” của những người chết “truyền lưu” cho hắn. Nói khác đi, sự thật chính là sứ mạng của nhà văn.

Nếu Bếp lửa thể hiện một sự thật, một kinh nghiệm thì thất bại chính là tên gọi của sự thật, của kinh nghiệm đó. Trong một bài viết của Thanh Tâm Tuyền, tôi có đi tới một nhận xét: “Đọc Thanh Tâm Tuyền tức là một cách nào đó tham dự vào cuộc phiêu lưu trắc trở của một kiến thức lạc loài và bất hạnh". [2]

Nhân vật Bếp lửa chính là một trường hợp điển hình của ý thức khốn khổ đó. Một ý thức khốn khổ hay một ý thức trong cuộc hành trình vô vọng giữa hư vô và đổ vỡ. Một ý thức mà giấc mộng “biến cải thế giới”, “thay đổi cuộc đời”, “tự do và lựa chọn”… chỉ còn là một nỗi “đam mê và vô ích” giữa những thế lực mù quáng của định mệnh của lịch sử không ngừng lấn áp ở mọi phía. Một ý thức, trong cô đơn và bất lực, bị kết án phải “đi một mình suốt đời” giữa bốn bề hỗn độn, tối tăm. Cuốn sách mở ra một cuộc hành trình, hành trình vào cõi đêm thâu. Trên từng câu văn ngắn, trên từng chữ nghĩa cô đơn, người đọc không đọc mà lắng nghe, lắng nghe cái âm vang lạc loài của những bước chân cô đơn, quờ quạng. Thảm kịch Bếp lửa là thảm kịch của con người như một ý thức bị vây khổn. Nó bị kẹt vì nó là một ý thức. Nó khốn khổ vì nó là một ý thức. Ý thức, đó chính là một căn bệnh khốc liệt nhất, là “con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não”, là cái chết ngày một lớn lên, là sa mạc ngày một rộng mở. Hay là định nghĩa của con người như một ý thức, một ý thức như một nỗi khốn khổ. “Đi đâu cũng vẫn chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như vậy. Không trốn được đâu, trừ phi mày trốn được lòng mày”. Đi đâu? Đó là câu hỏi khốc liệt từng phút từng giây đốt cháy tâm tư con người giữa sa mạc quạnh hiu bát ngát. Đi đâu rồi cũng vẫn thế, ý thức đời đời vẫn là nỗi bất lực đớn đau, ý thức sau cùng chỉ còn là những tiếng ngọ nguậy của bầy cua trong giỏ, nó vô vọng bẻ gẫy và vượt qua những giới hạn của mình, tìm đến những chân trời kỳ diệu của ước muốn và mộng tưởng. Nhân vật Bếp lửa không ngừng loay hoay, tìm kiếm, lặn hụp, phá phách trong một thế giới đầy ắp những cái ngẫu nhiên, không thường tồn, không tất yếu, một thế giới rạn nứt, vô phương hàn gắn. Một thế giới về chiều. “Về đâu bây giờ?” Trong cái thế giới âm u, xám ngắt câu hỏi thốt lên, âm thầm nhưng man rợ làm sao, bởi đó còn là câu hỏi, bởi đó là tiếng thét gọi của một ý thức đang lâm vào đường cùng, bởi đáp lại nó, chỉ có niềm im lặng hư vô và bóng tối điệp trùng. Và cuộc hành trình vẫn tiếp tục, còn mãi mãi tiếp tục với nhân vật Bếp lửa, cuộc hành trình không hứa hẹn về đâu: “Tôi không nhớ mình đang ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đên như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: cũng thế thôi”. Hoạ may, cuộc hành trình kia rồi sẽ đưa người ta tới cái chết, như một thất bại sau cùng, như một đoạn đường sau chót của một chuyến phiêu lưu.

Liệu còn có cách kết thúc nào khác cho một câu chuyện như thế? Cái chết xuất hiện như một người tình đúng hẹn. Cái chết không kết thúc nhưng hoàn tất, như người ta hoàn tất một tác phẩm, một công trình có ý nghĩa, một ý nghĩa. ”Tôi có thể tự tử được”. Tưởng tượng nhân vật Bếp lửa đã thốt lên câu đó với tất cả sung sướng cuả tâm hồn. Tưởng tượng đó cũng là câu văn hồn nhiên trong sáng nhất của Bếp Lửa. Bởi thảm kịch ý thức đã đạt tới độ cao của nó: ”Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế”: Cái chết như một cách giải quyết sau cùng. Thất bại sau cùng là chiến thắng đầu tiên của ý thức khốn khổ.

Nhưng tại sao nhân vật Bếp lửa đã không chấp nhận cái chết lựa chọn và tự do đó? Tôi nghĩ rằng hơn ai hết hắn thừa hiểu rằng cái chết thể hiện sự tự do tuyệt đối của con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời chính nó cũng phủ nhận con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời cũng chính nó huỷ diệt khả năng lựa chọn đó. “Cũng thế thôi”. Cái chết không thay đổi được gì. Hơn thế nữa, cái chết ở đây còn là sự thất bại của chính sự thất bại.

Trong viễn tưởng đó, ta có thể nói Bếp lửa là hành trình của một ý thức khốn khổ còn Là ý thức khốn khổ, là kinh nghiệm của một sự thất bại. Chấp nhận con người như một nỗi thất bại, phải chăng đó cũng là cách chấp nhận chính đời sống này. Cái chết là khởi điểm của Bếp lửa nhưng không là cùng đích của nó. Đúng hơn nó là sự hình thành của một thái độ. Phải chăng đó cũng là một giá trị cao cả của Bếp lửa?

Huỳnh Phan Anh


[1]Une Curieuse Solitude
[2]Đi tìm tác phẩm văn chương, Đồng Tháp xuất bản, trang 174

Nguồn: Thanh Tâm Tuyền. Bếp lửa. Tiểu thuyết. Ấn bản chung quyết, kèm Tựa lần in thứ hai (1965), Tựa lần in thứ tư (1973) và Bạt của Huỳnh Phan Anh.