Hiển thị các bài đăng có nhãn ton giao -KHONG THE CO THUONG DE. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ton giao -KHONG THE CO THUONG DE. Hiển thị tất cả bài đăng

30/6/07

TON GIAO-TRIET HOC - Không thể có Thượng đế -Richard Dawkins

Richard Dawkins

Không thể có Thượng đế

Trần Tiên Long dịch

Phần lớn những gì người ta làm thì đã làm dưới danh nghĩa Thượng đế. Người Ái Nhĩ Lan nhân danh Thượng đế bắn giết nhau. Người Á rập nhân danh Thượng đế ôm bom nổ. Các tư tế Hồi giáo và Ba Tư nhân danh Thượng đế áp bức đàn bà con gái. Các giáo hoàng và linh mục độc thân nhân danh Thượng đế làm hỏng đời sống tình dục người ta. Các tư tế Do Thái nhân danh Thượng đế cắt cổ những con vật đang sống. Những thành tựu của tôn giáo trong lịch sử quá khứ còn gây xúc động hơn nữa, chẳng hạn như những cuộc thánh chiến đẫm máu, nhiều tòa án dị giáo dã man, bọn thực dân Tây Ban Nha giết người hàng loạt, các nhà truyền giáo tàn phá văn hóa, việc chống đối được thực thi một cách hợp pháp đối với mỗi một chân lý khoa học cho có thể đến mãi giờ phút cuối cùng. Và tôn giáo làm lợi ở điểm nào? Tôi tin càng ngày càng rõ ràng rằng câu trả lời là tuyệt đối chẳng có gì cả. Không có lý do nào để tin bất cứ thần thánh nào hiện hữu, và hoàn toàn có lý do chính đáng để tin rằng thần thánh không hiện hữu và đã chẳng bao giờ hiện hữu. Đó đã là sự phí phạm quá nhiều thời giờ và sự sống. Đó là sự khôi hài có tầm vóc lớn như vũ trụ, nếu không muốn nói là bi thảm.

Tại sao người ta tin có Thượng đế? Đối với phần đông, câu trả lời nằm ở cách giải thích xuất phát từ lập luận Thiết kế Thông minh (Argument from Design còn gọi là Intelligent Design) cổ điển. Chúng ta nhìn nét đẹp và sự phức tạp của thế giới xung quanh – nhìn đoạn cong chịu gió của đôi cánh mỏng, nhìn nét tinh xảo của hoa và bướm, nhìn qua kính hiển vi mỗi một giọt nước trong hồ lúc nhúc sự sống, nhìn qua viễn vọng kính nét hùng vĩ của cây tùng bách. Chúng ta phản chiếu lại sự phức tạp điện tử và sự toàn vẹn thị giác của những con mắt nhìn. Nếu chúng ta có chút tưởng tượng, những vật này sẽ dẫn chúng ta đến sự sợ hãi và tôn kính. Hơn nữa, chúng ta không thể không bị xúc động bởi sự tương tự hiển nhiên giữa những cơ quan có sự sống với các thiết kế được điều nghiên cẩn thận của các nhà kỹ sư. Lập luận nổi tiếng nhất của linh mục William Paley được diễn giải bằng sự tương đồng với cái đồng hồ ở thế kỷ 18. Ngay cả nếu bạn không biết cái đồng hồ là gì, đặc điểm thiết kế rõ ràng của các khớp răng và lò xo, và làm sao để chúng bám vào nhau cho khít khao theo một mục đích, sẽ buộc bạn phải kết luận rằng, “cái đồng hồ phải có người đã làm ra nó, rằng phải có hiện hữu một người hay nhiều người làm ra nó ở một thời điểm nào đó, tại một nơi chốn nào đó, có mục đích mà chúng ta tìm ra để trả lời. Người làm đồng hồ biết kiến trúc của nó và đã thiết kế công dụng nó.” Nếu điều đó là đúng đối với cái đồng hồ tương đối đơn giản thì sẽ còn đúng hơn không đối con mắt, cái tai, cái thận, cùi chỏ tay, bộ óc? Những kiến trúc mỹ miều, phức tạp, rắc rối, và hiển nhiên có mục đích phải có người thiết kế riêng, người làm đồng hồ hay Thượng đế.

Lập luận của Paley được diễn giải như vậy, và đó là lập luận mà hầu như mọi người biết suy nghĩ và nhạy cảm đều tự khám phá ở thời kỳ trẻ con. Trải qua hầu hết chiều dài lịch sử, lập luận này đã tỏ ra hoàn toàn thuyết phục và hiển nhiên đúng. Và tuy nhiên, như là kết quả của một trong những cuộc cách mạng tri thức bất ngờ, chúng ta ngày nay biết nó sai, hoặc ít nhất, không cần thiết. Chúng ta ngày nay biết rằng sự trật tự và hiển nhiên có mục đích của thế giới sinh vật đã xảy ra qua một tiến trình hoàn toàn khác, một tiến trình xảy ra không cần có người thiết kế, một tiến trình do kết quả của những định luật cơ bản rất đơn thuần vật lý. Đó là tiến trình tiến hóa bằng sự chọn lựa tự nhiên được phám phá bởi Charles Darwin, và, một cách độc lập, bởi Alfred Russel Wallace.

Mọi vật tưởng như có ai đã thiết kế thì có điều gì chung? Câu trả lời là một xác suất không thể xảy ra. Nếu chúng ta tìm thấy một hòn cuội được biển nhào nặn thành một mặt kiếng đơn giản, chúng ta không kết luận nó đã được thiết kế bởi thợ làm kiếng. Các định luật vật lý có khả năng đạt được điều đó mà không cần trợ giúp. Điều đó không phải là không thể xảy ra. Nếu chúng ta tìm thấy một mặt kiếng có hợp chất phức tạp hơn, được cẩn thận gọt dũa tròn trịa và điều chỉnh lại sai biệt mầu sắc, được tráng bằng lớp men để khỏi chói, và có khắc tên “Carl Zeiss” ở vòng ngoài, chúng ta biết nó không phải xảy ra do may mắn. Nếu bạn lấy tất cả những nguyên tử làm nên cái mặt kiếng phức tạp đó và tung lên dưới ảnh hưởng xô đẩy của các định luật vật lý bình thường trong thiên nhiên, có thể, trên lý thuyết, bằng một may mắn tuyệt đối, các nguyên tử sẽ rơi vào cái khung làm kiếng phức tạp Zeiss, và ngay cả cũng có thể các nguyên tử vòng ngoài sẽ rơi làm sao để có tên Carl Zeiss khắc vào. Nhưng số lượng mà những nguyên tử có thể rơi cách khác thì lớn kinh khủng, lớn quá không thể đếm được đến mức độ mà chúng ta có thể bỏ qua giả định may mắn đó. May mắn rõ ràng là một sự giải thích không cần thắc mắc.

Dẫu vậy, đây không phải là lối lập luận lòng vòng. Nó có vẻ như lòng vòng bởi, có thể nói bằng sự nhận thức sau khi sự việc đã xảy ra, bất cứ sự sắp xếp nguyên tử nào cũng đều không thể xảy ra. Như đã có nói trước đây, khi quả banh rớt trên một ngọn cỏ riêng biệt trong sân chơi gôn, sẽ rất là ngớ ngẩn để thán phục rằng: “Có hàng tỉ ngọn cỏ để quả banh có thể rớt vào mà sao quả banh lại chỉ rớt trên ngọn cỏ này. Thực quá kỳ diệu như phép lạ!” Tính chất trá ngụy dĩ nhiên nằm ở chỗ quả banh bắt buộc phải rớt xuống một nơi nào đó. Chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên thán phục một biến cố tưởng không thể xảy ra nếu chúng ta có xác định trước khi nó xảy ra, chẳng hạn, nếu một người bịt mắt, xoay vòng tròn ở điểm phát banh, rồi quất bừa quả banh và làm rớt banh ngay lỗ sân gôn ở lần quất đầu tiên. Điều đó mới thật đáng ngạc nhiên thán phục bởi vì điểm đến của quả banh đã được xác định trước.

Có hàng ngàn tỉ cách khác nhau để những nguyên tử được sắp đặt làm thành viễn vọng kính, nhưng chỉ có một thiểu số để viễn vọng kính có thể sử dụng được. Chỉ có một thiểu số cực ít để có chữ Carl Zeiss được khắc trên đó, hoặc, thực vậy, để có những chữ có thể đọc được bằng ngôn ngữ con người. Đối với cái đồng hồ thì cũng vậy: Có hàng tỉ cách để sắp xếp các nguyên tử, nhưng chỉ có một thiểu số cực ít có thể làm cho ta biết thời gian hoặc cho ta thấy nó hữu dụng. Và điều đó được áp dụng dĩ nhiên huống hồ cho những phần tử của một thân xác có sự sống. Có hàng tỉ tỉ cách sắp xếp khác nhau các phần trong một thân xác, nhưng chỉ có một thiểu số cực nhỏ có thể làm thân xác có thể sống, tìm thức ăn, ăn, và sinh sản. Đúng vậy, có nhiều phương cách sống – ít nhất cũng phải có 10 triệu phương cách nếu chúng ta đếm số các loại sinh vật khác nhau đang sống ngày nay – nhưng, dù là có nhiều phương cách sống khác nhau, điều chắc chắn rõ ràng rằng còn có rất nhiều phương cách chết hơn nữa.

Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng, thân xác có sự sống thì quá phức tạp - không thể có xác suất xảy ra - để có thể có sự sống bằng tuyệt đối may mắn. Vậy tại sao lại có sự sống? Câu trả lời là sự may mắn, nhưng không phải là sự may mắn độc nhất nguyên khối. Thật ra, những chuỗi từng bước may mắn cực nhỏ, đủ nhỏ để có thể tin là sản phẩm của những bước trước nó, đã xảy ra tuần tự liên tiếp. Những bước may mắn nhỏ này xảy ra do biến đổi di truyền, thay đổi hên xui – đích thị là những sai lầm – trong vật chất có di truyền. Chúng tạo nên những thay đổi trong cấu trúc thân thể. Phần đông những thay đổi này nguy hại và dẫn đến tử vong. Một thiểu số trong những thay đổi đó cải tiến thêm một chút, dẫn đến sự sinh tồn và sinh sản nhiều hơn. Bằng tiến trình chọn lựa tự nhiên này, những thay đổi hên xui đó lan đồng đều có lợi sang các chủng loại khác và trở thành tiêu chuẩn. Bây giờ đến phần thay đổi nhỏ kế tiếp trong tiến trình tiến hóa. Có thể nói, sau cả ngàn những thay đổi nhỏ liên tiếp này, mỗi thay đổi làm nên phần căn bản cho thay đổi kế tiếp, cái kết quả cuối cùng, bằng tiến trình tích lũy, đã trở thành quá phức tạp để có thể xảy ra bằng một động tác may mắn đơn lẻ.

Thí dụ như con mắt trên lý thuyết có thể thành hình bằng một bước may mắn duy nhất từ chỗ không có gì: hay chúng ta nói từ một miếng da thuần. Trên lý thuyết ở đây trong nghĩa công thức đã được viết ra dưới hình thức một số lớn biến đổi. Nếu tất cả những biến đổi này xảy ra cùng một lúc, một con mắt toàn vẹn, thực vậy, có thể thành hình từ không có gì. Nhưng mặc dù nó có thể xảy ra trên lý thuyết, nhưng nó không thể xảy ra trong thực tế. Số lượng may mắn trong tiến trình quá lớn. Cái công thức đúng đòi hỏi thay đổi cùng một lúc số lượng “gen" khổng lồ. Công thức đúng là sự kết hợp đặc biệt những thay đổi trong hàng tỉ những kết hợp may mắn có cùng xác suất như nhau. Chắc chắn chúng ta có thể loại bỏ sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ diệu như vậy. Nhưng hoàn toàn hợp lý để nói rằng con mắt hiện đại đã sinh ra từ một cái gì gần giống như con mắt hiện đại nhưng không phải hoàn toàn giống: từ một con mắt hơi hơi ít tinh vi hơn. Cũng bằng cách lý luận như vậy, con mắt hơi hơi ít tinh vi này được sinh ra từ một con mắt còn hơi hơi ít tinh vi hơn nữa, và cứ thế. Nếu bạn giả định một con số đủ lớn về những khác biệt nhỏ giữa các giai đoạn tiến hóa, bạn sẽ có thể có một con mắt phức tạp có thể sử dụng được từ một miếng da thuộc. Có bao nhiêu giai đoạn trung gian chúng ta được phép đem ra để đặt thành định đề? Điều đó tùy thuộc chúng ta có bao nhiêu thời gian cho cuộc chơi. Đã có đủ thời gian để con mắt có thể tiến hóa bằng những bước nhỏ từ không có gì chưa?

Các xương hóa thạch cho chúng ta biết sự sống trên trái đất đã phát triển trên 3.000 triệu năm nay. Hầu như trí óc con người không thể tưởng tưởng được một thời gian mênh mông dài như vậy. Chúng ta có khuynh hướng, một cách tự nhiên và khoan dung, nhìn tuổi thọ của chúng ta tương đối dài, nhưng chúng ta không kỳ vọng có thể sống đến một thế kỷ. Đức Giê-su đã sống cách nay 2.000 năm, một quãng thời gian đủ dài để làm mờ sự phân biệt giữa lịch sử và thần thoại. Bạn có thể tưởng tượng nổi có một triệu giai đoạn thời gian như vậy nối tiếp nhau không? Giả định như chúng ta muốn viết toàn thể lịch sử này trên một miếng giấy duy nhất. Nếu chúng ta nhồi nhét toàn thể lịch sử của Thời Đại Chung (Common Era) trên một mét giấy, phải cần bao nhiêu mét giấy kể từ Tiền Thời Đại Chung (pre-Common Era) ngược về cái mốc thời gian bắt đầu có tiến hóa? Câu trả lời là cái phần giấy cho Tiên Thời Đại Chung sẽ trải dài từ Milan tới Moscow. Bạn hãy nghĩ đến cái điều muốn nói trong cái giả định này để thấy số lượng thay đổi tiến hóa có thể được phù hợp. Tất cả các loại chó gia súc - từ chó Bắc Kinh, chó x, chó tai cụp, chó Thánh Bernard, và chó nhỏ có lông mượt – đã tiến hóa từ các loài chó sói trong khoảng thời gian từ nhiều trăm năm tới cao nhất là nhiều ngàn năm: không quá 2 mét đường từ Milan tới Moscow. Bạn hãy suy nghĩ tới số lượng thay đổi khi tiến hóa từ con chó sói sang con chó Bắc Kinh, rồi nhân số lượng thay đổi đó với con số 1 triệu. Khi bạn nhìn điều đó theo cách thức như vậy, bạn sẽ thấy dễ dàng để tin rằng con mắt đã tiến hóa từ không có con mắt bằng những đổi thay nhỏ.

Vẫn còn cần thiết để chúng ta mới thỏa mãn, rằng mỗi một giai đoạn chuyển tiếp trên đường tiến hóa, chẳng hạn như từ một miếng da thuộc tới con mắt hiện đại, phải có sự chọn lựa tự nhiên; phải có sự tiến bộ hơn cho những thời kỳ kế tiếp hoặc ít nhất phải có khả năng sinh tồn. Sẽ không có ích lợi gì khi chúng ta chứng minh trên lý thuyết rằng, một chuỗi những giai đoạn chuyển tiếp khác nhau có thể nhận thức được dẫn đến có con mắt nếu nhiều trong số những giai đoạn đó đã bị hủy diệt. Đôi khi chúng ta lý luận rằng mọi thành phần của con mắt phải có sẵn nếu không thì con mắt không thể hoạt động được. Lý luận tiếp tục rằng một nửa con mắt không tốt hơn không có con mắt. Bạn không thể bay với một nửa cánh; bạn không thể nghe với một nửa tai. Do đó, không thể có những chuỗi giai đoạn chuyển tiếp từng bước nối đuôi nhau để làm nên con mắt hiện đại, cái cánh, hay cái tai.

Lối lý luận này quá ngây thơ làm người ta có thể chỉ nghĩ đến động lực tiềm ẩn muốn người khác tin theo. Điều rõ ràng không đúng, rằng một nửa con mắt thì vô dụng. Người bị bệnh đục nhân mắt có tròng mắt được giải phẫu lấy ra không thể nhìn thấy rõ nếu không có cặp kiếng, nhưng họ vẫn tốt hơn những người không có mắt. Không có tròng mắt, bạn không thể tập trung vào hình ảnh chi tiết, nhưng bạn có thể tránh đụng vào vật cản và bạn có thể thấy được bóng mờ của con thú săn mồi.

Lý luận rằng bạn không thể bay với một nửa cánh được phản chứng bởi một số lớn những động vật có thể bay là đà có hiệu quả, kể cả những loài động vật có vú khác nhau, như cắc kè, cóc nhái, rắn hay mực ống. Những loại động vật khác nhau ở trên cây có cặp cánh bằng da nằm giữa những đoạn nối giống như một phần của cánh. Nếu bạn té từ trên cây, bất cứ phần da cánh tăng thêm diện tích phần mặt của thân có thể cứu bạn. Và, mặc dù phần cánh của bạn nhỏ hay lớn, luôn luôn phải có một chiều cao tối thiểu để nếu bạn té từ trên cây cao, bạn được cứu sống nhờ một chút diện tích thêm ở bề mặt. Và rồi, khi những con cháu của bạn phát triển thêm diện tích bề mặt đó, chúng sẽ thoát hiểm nếu rớt từ những cây cao hơn một chút. Và cứ như vậy, bằng những bước tiến không thể nhận thấy cho đến khi, hằng trăm thế hệ sau, chúng ta có được cặp cánh đầy đủ.

Mắt và cánh không thể hiện hữu bằng một bước duy nhất. Điều đó giống như phải có may mắn vô tận để đạt được sự sắp xếp các con số cho việc mở cửa một nhà băng lớn. Nhưng nếu bạn cứ quay số hên xui, và mỗi lần bạn tới gần hơn con số may mắn để khung cửa kẽo kẹt hé mở thêm, bạn sẽ có cửa mở không bao lâu.

Căn bản, đó là bí mật làm sao sự tiến hóa đạt được cái điều mà có vẻ như không thể đạt được. Các vật không thể đến rõ ràng từ những vật trước rất khác nhau, nhưng có thể đến rõ ràng từ những vật trước hơi hơi khác nhau. Chỉ cần có một chuỗi dài những vật trước hơi hơi khác nhau đó, bạn có thể thấy nguồn gốc bất cứ vật nào từ bất cứ cái gì khác.

Như vậy, sự tiến hóa trên lý thuyết có thể làm cái việc mà ngày xưa được xem như đặc quyền của Thượng đế. Nhưng có bằng chứng là sự tiến hóa đã xảy ra không? Câu trả lời là có; bằng chứng thì đầy rẫy. Hàng triệu xương hóa thạch được tìm thấy tại địa điểm và độ sâu chính xác mà chúng ta nên kỳ vọng đã có tiến hóa xảy ra. Không có một xương hóa thạch nào được tìm thấy ở bất cứ địa điểm nào cho thấy thuyết tiến hóa đã không xảy ra như kỳ vọng, mặc dù điều như vậy có thể dễ dàng có: chẳng hạn như một xương hóa thạch trong đá của loài có vú ở thời xưa khi các con cá chưa đến đó đủ để phản biện thuyết tiến hóa.

Kiểu mẫu phân phối động vật và thực vật trên lục địa và các hòn đảo trên thế giới thì chính xác như được kỳ vọng chúng tiến hóa từ những ông tổ chung bằng những bước chậm và từ từ. Các kiểu giống nhau giữa các động vật và các thực vật thì chính xác như chúng ta kỳ vọng nhóm này có họ hàng gần, và nhóm khác có họ hàng xa với nhau. Sự kiện mật mã di truyền đều giống nhau trong mọi sinh vật cho chúng ta thấy một cách thuyết phục rằng tất cả đều có chung một ông tổ duy nhất. Bằng chứng về thuyết tiến hóa thì quá thuyết phục đến nỗi chỉ có một cách duy nhất để duy trì thuyết sáng tạo bằng giả định rằng, Thượng đế đã cố tình để lại những lượng bằng chứng khổng lồ làm có vẻ như sự tiến hóa đã xảy ra. Nói cách khác, các xương hóa thạch, sự phân phối động vật trên lục địa, và vân vân, là tất cả một trò lừa bịp vĩ đại về niềm tin. Có ai muốn tôn thờ một Thượng đế có khả năng làm chuyện lừa bịp như vậy? Chắc chắn còn đáng tôn kính hơn và còn cảm thấy khoa học hơn bằng cách nhìn ngay giá trị của bằng chứng. Mọi sinh vật đều có họ hàng anh em với nhau, đã đến từ một ông tổ xa xưa sống trên 3.000 triệu năm trước.

Lập luận Thiết Kế Thông Minh như là một lý do để tin có Thượng đế như vậy đã bị đánh đổ. Có còn một lập luận nào khác không? Có người tin Thượng đế vì họ cảm thấy như có thần khải nội tâm. Thần khải kiểu đó không phải luôn luôn có giá trị khai trí, nhưng họ cảm thấy rõ ràng như thực đối với người có quan tâm. Nhiều người điên khùng ở viện tế bần có một niềm tin nội tâm không thể lay chuyển, rằng họ là hoàng đế Nã Phá Luân hoặc, đúng thực, họ chính là Thượng đế. Không có gì để nghi ngờ về uy lực của niềm tin đối với những người có nó, nhưng không có lý do gì cho toàn thể những người còn lại như chúng ta tin theo họ. Thực vậy, bởi vì những niềm tin như vậy mâu thuẫn nhau, chúng ta không thể tin tất cả.

Cần phải nói thêm một chút nữa. Sự tiến hóa bằng chọn lựa tự nhiên giải thích nhiều điều, nhưng tiến hóa không thể bắt đầu từ không có gì. Tiến hóa không thể bắt đầu cho đến khi có một hệ thống sinh sản và di truyền thô sơ nào đó. Di truyền hiện đại được dựa trên mật mã di truyền (DNA code) quá phức tạp để có thể tự sinh qua một động tác may mắn đơn thuần. Điều đó có vẻ như phải có một hệ di truyền trước, bây giờ đã biến mất. Hệ di truyền đó đơn giản đủ để tự sinh nhờ may mắn và các định luật hóa học, và nó đã cung cấp môi trường để một hình thức chọn lựa tích lũy tự nhiên ban đầu có thể khởi sự. Mật mã di truyền sau đó là sản phẩm của sự chọn lựa tích lũy trước. Trước khi có sự chọn lựa tự nhiên đầu tiên này, đã có thời đại mà những hợp chất hóa học được thành lập từ những hợp chất đơn giản hơn, tuân theo những định luật đã được hiểu một cách rõ ràng của vật lý. Trước đó nữa, mọi thứ chủ yếu đều phát xuất từ nguyên tử hydrogen nguyên chất ngay sau vụ nổ lớn, là cái đã khởi thành vũ trụ.

Có một sự thôi thúc để lập luận rằng, mặc dù không cần Thượng đế để giải thích sự tiến hóa của một trật tự phức tạp một khi vũ trụ đã khởi sự với những định luật vật lý căn bản của nó, chúng ta vẫn cần đến một Thượng đế để giải thích nguồn gốc của mọi sự vật. Ý tưởng này không có dành cho Thượng đế làm nhiều điều: chỉ việc tạo ra vụ nổ lớn, rồi ngồi đó và chờ đợi mọi sự xảy ra. Nhà vật lý và hóa học Peter Atkins, trong cuốn sách viết rất hay của ông, Sự sáng tạo, quy định một Thượng đế lười biếng đã làm việc ít nhất có thể để khởi sự mọi thứ. Atkins giải thích từng bước của lịch sử vũ trụ tiếp nối nhau bằng định luật vật lý đơn giản. Như vậy, ông đã xén dần số lượng việc làm mà một Thượng đế lười biếng cần làm và cuối cùng kết luận rằng, thực vậy, Thượng đế chẳng cần để làm bất cứ một điều gì.

Chi tiết thời kỳ nguyên thủy của vũ trụ thuộc lãnh vực của Vật lý học, trong khi tôi là một nhà sinh vật, chú tâm nhiều hơn ở những thời kỳ sau với sự tiến hóa phức tạp. Đối với tôi, điều quan trọng là, ngay cả nếu nhà vật lý cần qui định một tối thiểu không thể nhỏ hơn nữa, là thứ đã hiện hữu từ buổi ban đầu để vũ trụ có thể khởi sự, cái tối thiểu không thể nhỏ hơn đó chắc chắn phải đơn giản kinh khủng. Do định nghĩa, sự giải thích dựa trên những tiền đề đơn giản thì hợp lý và thỏa mãn hơn sự giải thích dựa trên những tiền đề phức tạp bắt đầu bằng một xác suất không thể xảy ra. Và bạn không thể có thứ gì phức tạp hơn một Thượng đế toàn năng.



Nguồn: Nguyên bản tiếng Anh: http://www.secularhumanism.org/library/fi/dawkins_18_3.html