Hiển thị các bài đăng có nhãn 10 Nghịch Lý Cuộc Sống. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn 10 Nghịch Lý Cuộc Sống. Hiển thị tất cả bài đăng

12/12/08

Kent M. Keith : 10 Nghịch Lý Cuộc Sống

Giới thiệu về nội dung

Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ; việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt; người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho những người yếu thế; nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự, nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công; bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống. Đây là 5 nghịch lý trong 10 nghịch lý mà tác giả - tiến sĩ Kent M. Keith đã đưa vào trong tác phẩm của ông Anyway – 10 nghịch lý cuộc sống (NXB Trẻ và Công ty Trí Việt - First News giới thiệu).

Tác phẩm nổi tiếng Anyway – 10 nghịch lý cuộc sống của tiến sĩ Kent M. Keith đã trở thành một cuốn sách kinh điển trên thế giới, được nhiều bạn đọc yêu thích. 10 Nghịch Lý Cuộc Sống liên tục được bình chọn là một trong những tác phẩm bán chạy nhất qua nhiều năm liền và đã được chuyển ngữ sang nhiều ngôn ngữ. Tiến sĩ Spencer Johnson - tác giả cuốn Ai lấy miếng phó mát của tôi - đã nhận xét: “10 Nghịch Lý Cuộc Sống, Kent muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình về những điều mà ông đã dành hết tâm huyết để tìm hiểu – đó là hành trình đi tìm ý nghĩa của bản thân mỗi người, qua đó giúp bạn nhận ra được giá trị thật sự của cuộc sống và chỉ khi đó, bạn mới thấy - dù bất cứ điều gì xảy ra - cuộc đời này vẫn thật đáng sống”.



Điểm đặc biệt nhất của tác phẩm Anyway - 10 nghịch lý cuộc sống chính là ý nghĩa độc đáo của nó đã tác động đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau, mang lại khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ và định hướng một cách sống cao thượng. Bản thân tác giả - tiến sĩ Kent M. Keith - là một minh chứng cụ thể cho cách sống trên. Chính ông đã khám phá và nghiệm ra 10 nghịch lý cuộc sống là một thử thách đối với chính mình và tất cả mọi người.

10 nghịch lý cuộc sống (P1 - Lời mở đầu)
HÃY LÀM CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN!

10 nghịch lý cuộc sống luôn hướng chúng ta đến sự thành công. Nhưng thành công ở đây không phải là sự giàu sang, quyền lực hay danh vọng, mà chính là quá trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Mỗi hành động tốt chúng ta thực hiện tự nó đã mang rất nhiều ý nghĩa. Cho dù đôi khi, kết quả không như mong muốn, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được cảm giác mãn nguyện vì đã làm theo mách bảo của lương tâm mình.

Để áp dụng những nghịch lý vào cuộc sống của chính mình, bạn cần phải quan tâm và biết nghĩ đến người khác, phải hòa mình vào cộng đồng để thấy rằng bạn không phải là tất cả. Hãy ban tặng tình yêu thương cho mọi người, không tính toán nghĩ suy, và bạn sẽ lại nhận được những điều tuyệt vời hơn thế. Hãy mạnh dạn tham gia vào các hoạt động đoàn thể, xã hội. Chúng sẽ giúp bạn thấy rằng thế giới này quả thật rộng lớn, đa dạng, tươi đẹp nhưng cũng phức tạp, khắc nghiệt biết bao. Chỉ khi nào mở rộng lòng để quan sát, để cảm nhận, để đón nhận thì bạn mới biết được mình đang có những gì, thiếu sót những gì và có thể làm gì để trở thành một nhân tố góp phần vào cuộc sống tươi đẹp này

Ý nghĩa sâu xa đó tuy ẩn chứa sâu thẳm bên trong tâm hồn bạn, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm thấy nó bằng cách nhìn ra thế giới bên ngoài. Khi giúp đỡ một người nào đó, dù là việc lớn hay nhỏ, bạn cũng đã mang lại cho cuộc sống của họ cũng như chính bạn biết bao điều ý nghĩa mà chỉ có bạn mới có thể cảm nhận được. Mỗi khi chứng kiến những mảnh đời khốn cùng đang cần những bàn tay nâng đỡ, bạn hoặc bất kỳ ai cũng chỉ có thể lựa chọn một trong ba cách phản ứng sau:

* 1. Không làm gì cả, khoang tay phớt lờ trước những bế tắc của người khác. Đây là lựa chọn có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền tảng đạo đức bên trong bạn
* 2. Lợi dùng tình cảnh của người khác để mưu lợi cho bản thân. Đây là lựa chọn còn tồi tệ hơn cả lựa chọn thứ nhất.
* 3. Làm tất cả những gì có thể và nên làm.

Lựa chọn thứ ba là tốt nhất bởi đó là sự lựa chọn dựa trên nền tảng của lòng yêu thương, và là lựa chọn duy nhất có thể mang đến hy vọng cho con người. Nó sẽ vẫn luôn là một lựa chọn đúng đắn, ngay cả khi bạn gánh chịu những hậu quả không mong muốn.

Sở dĩ hai phương án đầu vẫn nằm trong những lựa chọn của chúng ta bởi chúng là con đường dễ dàng, đầy cám dỗ. Nhưng hãy nghĩ mà xem, chúng sẽ chẳng mang lại gì cho bạn ngoài những giá trị hờ hợt như vật chất, danh vọng, quyền lực…Tất cả những thứ đó đến rồi lại đi, chẳng thể tạo nên giá trị vĩnh cửu cho bản thân bất kỳ ai.

Mọi hành động đều dẫn đến một kết quả nhất định, và đó là điều chúng ta luôn muốn hướng tới. Không phải mọi kết quả đều khả quan như mong đợi, vì cũng có lúc chúng ta nhận được những phản hồi tiêu cực. Những lúc như thế, cái chúng ta cần xem xét không phải là có bao nhiêu người phản đối mà chúng ta nên nhìn lại xem mình đang làm gì. Hãy đặt ra những câu hỏi và tự trả lời chúng. Điều chúng ta làm có mang lại bài học bổ ích nào không? Lần này tuy thất bại nhưng liệu lần sau, chúng ta có quyết định làm khác đi không? Đó có phải là hành động nhằm giúp đỡ người khác một cách chân thành? Liệu có cách nào tốt hơn để giúp đỡ mọi người? Ngoài chúng ta, liệu có còn người nào khác thích hợp để thực hiện hành động giúp đỡ ấy? Tuy chân thành muốn giúp đỡ, nhưng chúng ta cũng không được phép làm điều đó một cách tùy tiện. Đơn giản là một ý định tốt cần phải được thể hiện thông qua thái độ và hành động tương xứng.

Từ suy nghĩ đến hành động thực tiễn là cả một quá trình dài. Sự tán dương, khen ngợi, dù là thành thật hay chỉ mang tính xã giao, cũng đều có ý nghĩa động viên và khích lệ. Chính những phản hồi tích cực ấy giúp chúng ta xây dựng nên sự tự tin cần thiết. Không thể phủ nhận rằng, nhiều người trong chúng ta đã từng cảm thấy nỗ lực của mình không được đánh giá đúng mức. Đó hoàn toàn là một phản ứng tự nhiên. Nó cũng tương tự như việc chúng ta không tìm thấy lý do gì để thuyết phục mình phải hy sinh vì những người không biết xem trọng sự hy sinh ấy. Trên thực tế, tuy mỗi người là một cá thể riêng biệt, có những cách nhìn nhận khác nhau, những chuẩn mực khác nhau, nhưng ai cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc trong sáng mỗi khi làm được một điều tốt, đúng đắn và hữu ích nào đó. Dù mọi người có thừa nhận hay trân trọng những điều đó hay không thì niềm hạnh phúc ấy đã nảy sinh, đã tồn tại và sẽ tiếp tục hiện hữu trong tâm hồn chúng ta. Đây là lựa chọn, là quyết định, là hành động của chính chúng ta chứ không phải của bất kỳ một ai khác. Mỗi khi làm một điều gì, hãy tự hỏi xem mình đã thật sự quan tâm đến nó như thế nào, thay vì cứ thắc mắc người khác có quan tâm hay không.

Không ai trong chúng ta lại không thích nhận được những tiếng vỗ tay tán thưởng hay những lời khen ngợi, công nhận . Nhưng chúng chỉ nên là yếu tố thêm vào chứ không thể là ý nghĩa thật sự của một hành động. Tập trung tìm kiếm những lời tung hô, những tiếng cảm ơn sẽ khiến bạn quên mất mục tiêu thật sự ban đầu của mình – giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Bạn có thể nói rằng mình không phải là một vị thánh, vì vậy, bạn vẫn có những ham muốn, những thiếu sót, sai lầm nhất định. Khi viết nên 10 nghịch lý cuộc sống này, tôi không hề có định đưa ra bất cứ lời hứa hay đòi hỏi nào. Tôi chỉ muốn nêu lên những tuyên ngôn có diễn giải chi tiết, cùng những lời chỉ dẫn mà bản thân tôi cho rằng rất hiệu quả trong việc giúp các bạn gạt đi mớ hỗn loạn hình thành từ biết bao điều nghịch lý trong cuộc sống. Chính những điều đó khiến chúng ta đôi lúc có những cảm xúc, cảm nhận, định hướng và suy nghĩ lầm lạc, thiếu sáng suốt. Tôi chỉ muốn các bạn thấy rằng, những lời tán thưởng, những tràng pháo tay không thật sự mang lại ý nghĩa bằng việc bạn sống đúng với bản chất tốt đẹp vốn có của mình, biết động lòng, biết yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Để sống, vươn lên và hòa nhập vào thế giới đầy những điều ngịch lý, trước hết, bạn cần phải cân nhắc xem mình nên làm một con người như thế nào. Sẽ không có quyết định nào đúng đắn hơn việc bạn lựa chọn được là chính mình. Bạn vốn dĩ được sinh ra để là chính bạn, sống một cuộc đời riêng chứ không phải là một sản phẩm được tạo ra từ sức ép của xã hội. Vấn đề là bạn phải phát hiện và vun đắp cho những phẩm chất đáng quý trong chính con người mình, mài giũa sao cho chúng luôn tỏa sáng để có thể nâng bước, giúp bạn vượt qua những khó khăn, những trớ trêu, thử thách trong cuộc đời.

Bạn nhất định phải kiên trì trên con đường mình đã chọn. Điều quan trọng là hãy biết quan tâm đến bản thân mình cả về thể xác lẫn tinh thần trước khi nghĩ đến việc hy sinh vì người khác. Hãy luyện tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc. Hãy dành thời gian để mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm nhiều điều mới. Điều này sẽ giúp bạn từng bước trưởng thành cùng với tâm hồn ngày một tươi trẻ. Đừng ôm đồm nhận lãnh hết mọi việc về mình. Không phải việc gì bạn cũng làm tốt hơn những người khác, và cũng không phải việc gì bạn cũng có thể làm được. Vì vậy, bạn nên thận trọng chọn lựa, luôn giữ bản thân ở trạng thái cân bằng. Đừng bao giờ để mình bị kiệt sức, vì khi không còn đủ sức lực để chăm sóc cho chính bản thân mình thì bạn sẽ chẳng thể thương yêu, quan tâm hay giúp đỡ người nào khác.

Tôi tin rằng mỗi người chúng ta khi sinh ra đều mang theo một sứ mệnh. Chính quá trình tìm hiểu, khám phá và hoàn thành sứ mệnh đó sẽ mang lại ý nghĩa và niềm vui cho sự tồn tại của chúng ta. Sứ mệnh đó bao gồm nghĩa vụ của chúng ta đối với bản thân mình, với gia đình, những người thân thương, với bạn bè, với cộng đồng, xã hội, và cả những điều cao hơn nữa mà mình phải dấn thân mới tìm ra.

Chúng ta có nghĩa vụ phải đóng góp và tạo nên sự khác biệt cho thế giới xung quanh. Hãy hành động ngay thời điểm này bởi loài người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải và cấp thiết như chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, vấn nạn tội phạm, thất nghiệp, kỳ thị chủng tộc, tham nhũng, thất học…

Dù những đóng góp của bạn là lớn hay nhỏ thì chúng đều có thể mang lại một điều gì góp phần tạo nên sự khác biệt. Những nhu cầu cơ bản và cấp thiết của con người, dù ở bất cứ thời đại nào, vẫn là vấn đề về cơm ăn, áo mặc và chỗ ở. Bất kỳ ai cũng muốn mình có sức khỏe tốt, có môi trường sống an toàn và lành mạnh. Chúng ta muốn có cơ hội để học tập, để làm việc và phát triển bản thân. Chúng ta cần phẩm hạnh, lòng tự trọng, cần một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa. Chúng ta cần hòa bình, cần công lý, cần tình yêu thương. Từ tất cả những điều trên, hãy xét xem bạn có khả năng đóng góp được những gì và đừng ngần ngại ban tặng chúng cho cuộc sống.

Tác giả Jean Giono từng viết một câu chuyện rất hay có tựa đề “Người gieo mầm hy vọng và trồng cây hạnh phúc”. Nhân vật nam chính trong câu chuyện là một người đàn ông sống ở vùng đông nam nước Pháp đầu thế kỷ 20. Ông sống cô đơn trên một bãi đất hoang, nơi trước đây từng là một ngôi làng đông đúc được bao quanh bởi một rừng cây xanh tốt. Cuộc sống của ông rất đơn giản: mỗi ngày, ông gieo xuống bãi đất hoang một hạt mầm. Sau mấy chục năm, những hạt giống ấy đâm chồi, nảy lộc, lớn dần lên và tạo thành một cánh rừng rộng lớn. Khu rừng đã vực dậy sức sống cho một mảnh đất chết, thu hút chim muông tụ hội, rồi dần dần, con người cũng đến đây dựng xây tổ ấm. Lúc cuối đời, người đàn ông ấy hoàn toàn mãn nguyện khi đã khôi phục quang cảnh tươi đẹp của vùng đất ngày trước.

Trong câu chuyện này, tác giả đã khéo léo dùng phép ẩn dụ để miêu tả một cuộc sống ý nghĩa: làm việc mỗi ngày để gieo mầm hy vọng và trồng cây hạnh phúc cho người khác. Mỗi một điều tốt chúng ta làm hàng ngày tuy chỉ đơn giản và nhỏ bé, nhưng chúng ta có thể tạo nên một thành tựu trọn đời có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.

Việc quan tâm, giúp đỡ mọi người không chỉ là công việc, là nhiệm vụ của chính phủ, của các quan chức lãnh đạo mà là của tất cả mọi người công dân. Vận mệnh của đất nước, của xã hội nằm trong tay tất cả các thành viên chứ không phải riêng một ai. Vì vậy, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ phải đóng góp cho xã hội bằng cách quan tâm đến những thành viên khác, nhằm tạo nên một cộng đồng đoàn kết và vững mạnh, cùng nhau đưa xã hội đi lên để rồi từng người lại được hưởng lợi từ sự giàu mạnh ấy.

Để sống trọn vẹn một thế giới đầy những điều ngịch lý như thế, bạn cần xuyên qua những rối ren để nhận thấy những gì đã tạo nên ý nghĩa của bản thân. Bạn cũng có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống bằng cách giúp người khác tìm hiểu và khám phá nó.

Khi con người có khái niệm thoáng hơn về “thành công” thì thế giới sẽ trở nên phong phú và ý nghĩa hơn. Chúng ta sẽ không ngần ngại khi giúp đỡ người khác vì chẳng còn bị trói buộc bởi cảm giác không nhận được sự đền đáp. Con người sẽ sống đúng với giá trị của mình và làm theo những mách bảo của trái tim. Họ sẽ làm những việc cần làm, ngay cả khi việc đó không mang lại quyền lực, tiền tài và danh vọng. Thế giới vẫn không ngừng xoay, nhưng sẽ thôi không còn đảo điên và hỗn tạp khi mọi cá nhân đều biết xem trọng và ưu tiên cho việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.

Một khi đã hướng tầm nhìn vượt qua sự hỗn độn của những điều nghịch lý thì bạn sẽ dễ dàng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trong cái thế giới rối ren này. Lúc ấy, bạn sẽ tạo nên một sự khác biệt, sẽ làm cho cuộc sống của nhiều người trở nên tốt đẹp hơn, trong đó có cuộc đời của chính bạn.


1
Nghịch lý thứ nhất
People are illogical, unreasonable, and self-centered. Love them anyway.
Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.

Lucy, nhân vật trong bộ phim hoạt hình “những hạt đậu phụng” của tác giả Charles Schulz, từng nói rằng: “Tôi yêu nhân loại, nhưng tôi không thể nào chịu đựng nổi con người”.

Con người quả thật là rất khó hiểu. Có những người không mấy thiện cảm, vì vậy ta rất khó tiếp xúc và yêu thương họ. Cũng có những người thường hành động một cách quá đáng, không “biết điều”, vô lý, vị kỷ và tự cho mình là trung tâm của thế giới, khiến ta bị tổn thương. Nhưng dù gì đi chăng nữa, chúng ta hãy cứ yêu thương họ.

Tình yêu thương là món quà tuyệt vời nhất mà con người có thể dành tặng cho nhau. Đó là những tặng phẩm mà chúng ta nên cho đi để được nhận lại. Cuộc sống không thể trọn vẹn nếu thiếu vắng tình thương yêu, vì vậy, đừng tự giới hạn cuộc đời mình khi bản thân cảm thấy không thể yêu thương người khác.

Nhà tâm lý Abraham Maslow từng nhận định rằng, tình yêu cũng là một ý tố vô cùng cần thiết cho sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của mỗi người. Vai trò của yêu thương cũng quan trọng giống như vitamin, khoáng chất và protein vậy. Riêng bản thân tôi, tôi vẫn luôn tin rằng con được sinh ra với một sứ mệnh yêu thương đặt trên vai; sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng ta biết cách biến nó thành một phần trong tâm hồn mình, còn nếu không, nó mãi mãi chỉ là một gánh nặng. Thiếu tình yêu, chúng ta không thể là chính mình. Và thiếu tình yêu, chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội được làm rất nhiều điều trong khả năng của mình.

Sẽ là bi kịch nếu bạn phải khoanh vùng đối tượng để yêu thương, phải lựa chọn không yêu những người này vì họ không mang lại cho bạn những gì bạn muốn; không thích những người kia vì họ ích kỷ; không để mắt đến những ai mà bạn cho rằng không xứng đáng nhận được sự quan tâm của bạn. Sở dĩ tôi nói đây là một bi kịch bởi tình yêu không phải là thứ để bạn mang ra trao đổi, suy tính được mất, thiệt hơn.

Ai trong chúng ta cũng đều có lần phạm phải sai lầm hoặc có những thiếu sót. Không ai trong chúng ta hoàn hảo. Ai cũng từng có đôi lần hành xử bốc đồng, thiếu suy nghĩ, thái quá hoặc làm những điều khiến bản thân sau này phải nuối tiếc và hối hận. Vậy vào những lúc đó, phải chăng chúng ta không còn là những con người đáng được quý trọng? Chúng ta không nên để cho những lỗi lầm, những thiếu sót ấy chi phối tình cảm yêu thương của mình đối với chính mình và những người xung quanh, cũng như làm ảnh hưởng đến việc đón nhận tình cảm tốt đẹp đó của mọi người. Nói thế không có nghĩa là bạn hay tôi có quyền tự bằng lòng với bản thân vì chúng ta có được điều mà mình cần, đó là tình cảm của những người xung quanh. Thay vào đó, chúng ta phải không ngừng phấn đấu để trưởng thành và hoàn thiện mình hơn, để bản thân ngày một xứng đáng hơn với những tình cảm tốt đẹp đó. Và để làm được điều này, bạn chỉ có thể thực hành chúng trong các mối quan hệ mà trong đó, bạn biết quan tâm đến mọi người cũng như được sống trong tình yêu thương của họ.

Chắc hẳn chúng ta từng gặp gỡ hoặc quen biết một số người mà mỗi khi ở bên họ, ta chỉ thấy chán ngán, bực dọc và căng thẳng. Chúng ta cảm thấy họ hay đòi hỏi, họ vô lý, ích kỷ, cộc cằn, tự cao tự đại…Những lúc như thế, hãy nhớ rằng chính chúng ta cũng có lúc là những con người như vậy, chỉ là vì chúng ta không thấy mình mà thôi. Vì thế, hãy cứ yêu thương mọi người một cách chân thành. Dù bạn có tin hay không thì tình yêu vẫn được nhân loại tôn thờ, là một điều kỳ diệu tạo nên sức mạnh có thể cảm hóa được con người. Được sống trong tình yêu thương, con người sẽ trở nên thân thiện, đáng yêu, dễ gần hơn và giảm bớt ít nhiều tính xấu, như thi sĩ Theodore Roethke từng nói: “Tình yêu luôn sinh ra tình yêu”.

Vấn đề ở chỗ, chúng ta là những con người khác nhau và vì vậy, cách chúng ta nhìn nhận, lập luận và cảm nhận vấn đề cũng sẽ khác nhau. Mỗi người trong chúng ta đều có một quá trình trưởng thành, có những trải nghiệm khác nhau, từ đó dẫn đến sự đa dạng về thế giới quan…Cùng một sự vật, một hiện tượng, nhưng mỗi người ở những góc độ khác nhau sẽ nhìn nhận sự vật, hiện tượng đó ở những khía cạnh hoàn toàn khác nhau.

Khó khăn lớn nhất mà chúng ta gặp phải trong hành trình đi tìm đáp án đúng chính là thói quen suy nghĩ rập khuôn, là sự thiếu quyết tâm và thành ý để vượt lên những nhận định ban đầu hoặc những định kiến cá nhân, để từ đó có thể nhìn nhận con người, sự vật, sự việc một cách tổng quát nhất.

Trong cuộc sống, có rất nhiều dạng tình cảm như tình bạn, tình yêu, tình phụ tử, mẫu tử, tình đồng nghiệp, và trên hết chính là tình người. Tình người đòi hỏi chúng ta phải đối xử chân thành, tử tế, lịch thiệp, phải quan tâm, giúp đỡ cả những người không thân thiết hoặc thậm chí là không quen biết. Chúng ta giúp đỡ họ vì họ và chúng ta là đồng loại và cùng có những tố chất căn bản của một con người. Đây là dạng tình cảm khó đáp ứng nhất và tình cảm này cũng quan trọng không kém so với những dạng tình cảm khác. Tất cả chúng ta đều là dưỡng chất cần thiết cho tâm hồn bởi chúng mang lại niềm hạnh phúc lớn lao và có ý nghĩa sâu sắc cho cuộc đời bạn. Đừng đánh mất ý nghĩa của cuộc sống khi giới hạn tình yêu thương của mình đối với mọi người. Đừng làm điều đó vì bất cứ lý do gì. Hãy nhớ rằng, con người chúng ta không ai tốt hoặc xấu hơn ai cả, mà chỉ đơn giản là chúng ta không giống nhau mà thôi.


2
Nghịch lý thứ hai
If you do good, people will accuse you of selfish ulterior motives. Do good anyway
Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.

Tôi đã ý thức và nghiệm ra một điều rằng nghịch lý này khi còn là học sinh phổ thông. Năm đó, tôi 15 tuổi và rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tổ chức học sinh – sinh viên. Trường tôi có một tổ chức riêng dành cho các học sinh đại diện được bầu ra từ mỗi lớp học. Những người đứng đầu của Hội học sinh sẽ đảm nhiệm các vai trò chủ trì trong các buổi họp, đồng thời giám sát hoạt động của tổ chức này. Thêm vào đó, các cán bộ của mỗi lớp sẽ có nhiệm vụ họp bàn cùng nhau để lên kế hoạch cho các hoạt động tập thể của lớp.

Sau vài năm hoạt động, những người đứng đầu Hội học sinh bất ngờ đưa ra quyết định hủy bỏ các tổ chức đại biểu, thay vào đó sẽ lập một hội đồng nhỏ bao gồm các cán bộ lớp và các cán bộ của Hội học sinh. Họ nói rằng điều này sẽ giúp thống nhất các hội đồng lớp với hội đồng học sinh, và như vậy, các hoạt động sẽ được tiến hành một cách hiệu quả hơn. Họ tin rằng đây là một bước tiến lớn đáng được ghi nhận.

Trong khi đó, tôi lại cảm thấy vô cùng lo lắng trước quyết định cải tổ này. Tổ chức đại biểu hiện nay có tất cả khoảng 65 thành viên, còn Hội đồng mới có quy mô nhỏ hơn nên số lượng thành viên giảm xuống còn 20 người. Cá nhân tôi nghĩ rằng Tổ chức đại biểu sẽ tạo cơ hội cho các học sinh thể hiện sự quan tâm của mình, đồng thời phản ánh quyền dân chủ trong trường học tốt hơn so với tổ chức mới. Tôi e rằng với việc cắt giảm hai phần ba số lượng thành viên thì hội đồng mới sẽ trở thành một tổ chức cục bộ, một dạng chính thể hơi phiến diện, độc đoán. Hai mươi học sinh đại diện sẽ không thể thay tiếng nói của hơn 2.400 học sinh trong trường.

Kế hoạch cải tổ đó sẽ không tiến hành nếu chưa được thông qua đại đa số lá phiếu tán thành của học sinh toàn trường. Chính vì thế, một cuộc trưng cầu ý kiến đã được tổ chức. Trong khi chủ tịch Hội học sinh công khai ủng hộ kế hoạch đó thì tôi là người lên tiếng phản đối, đồng thời đề nghị họ cho tôi một khoảng thời gian để nêu lên những phản biện của mình, và họ đã chấp thuận. Khi tờ báo tường của trường cho in một bài xã luận ủng hộ kế hoạch cải tổ, tôi đã viết một lá thư phê phán nó. Suốt trong một tuần liền, tôi là học sinh duy nhất sẵn sàng công khai chống lại sự thay đổi này.

Tôi nghĩ mình đã làm phật lòng không ít vị lãnh đạo của trường vốn không quen bị phản đối hoặc khước từ. Hậu quả là tôi đã phải sống trong những ngày thật “cơ cực” khi liên tục nhận lãnh những lời nhạo báng, những nhận xét đầy ác ý, và thậm chí cả sự lăng mạ. Đã hai lần, họ bất ngờ xông thẳng vào lớp tôi học và xin phép giáo viên được mời tôi lên phòng để họp tranh luận. Ngay cả đến giờ nghỉ trưa tôi cũng không được buông tha khi thỉnh thoảng vẫn phải đối phó với vài cuộc biểu tình hô hào ủng hộ cải tổ. Chưa hết, họ còn tổ chức tụ tập thành từng nhóm trước cổng trường, giương cao biểu ngữ công kích tôi trên phương diện cá nhân. Họ gọi tôi là kẻ “cá nhân chủ nghĩa” và vì thế, tôi không có quyền lên tiếng giả vờ như đang đấu tranh vì lẽ phải.

Sự việc kéo dài trong nhiều tuần liền. Một mình tôi phải đơn độc chịu đựng mọi áp lực cho đến lúc bắt đầu xuất hiện một vài học sinh khác cũng quyết định công khai phản đối kế hoạch cải tổ. Sau đó, những nhận thức mới về vấn đề này đã dần lan rộng trong toàn trường. Cuối cùng, mọi người nhất trí rằng trước khi Hội học sinh biểu quyết cho vấn đề cải tổ này thì họ sẽ tổ chức một cuộc tranh luận để học sinh toàn trường có thể tham gia góp ý kiến của mình. Hội trường, nơi diễn ra cuộc họp, gần như được chia thành hai dãy riêng biệt, dành cho hai phe có chủ trương trái ngược nhau. Tôi được cử làm đại diện cho những người phản đối. Cuộc họp này kéo dài không tới một giờ, nhưng cũng đủ để chúng tôi trình bày rõ ràng và đầy đủ quan điểm của mình.

Ngày công bố kết quả của đợt bỏ phiếu, tôi thật sự bất ngờ khi có tất cả 1.700 lá phiếu phản đối, trong khi chỉ có 400 lá phiếu tán thành kế hoạch cải tổ. Cùng với sự thắng lợi của chúng tôi, Tổ chức đại biểu lại có thể tiếp tục những hoạt động tích cực của mình. Vài tháng sau, ngay cả những người từng bỏ phiếu thuận ủng hộ kế hoạch cải tổ cũng bắt đầu nhận thấy những yếu kém và hạn chế trong cách mà họ từ dự định theo đuổi.

Tôi không ngại thừa nhận rằng mình đã hành động thật dũng cảm. Tôi chỉ là một học sinh lớp 11, không quyền hành, không chức vụ, thế nhưng tôi đã dám một mình đưa ra chính kiến chống lại số đông để rồi phải lãnh chịu biết bao sự ức hiếp, miệt thị của biết bao người, kể cả những người có chức vụ cao trong trường. Cô đơn, uất ức, bị tập thể cô lập…, đó là những gì tôi phải hứng chịu trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng, tôi vẫn cương quyết theo đuổi điều mình cho là đúng đắn bởi điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích lâu dài của tất cả mọi người.

Chiến thắng không chỉ khiến tôi vui mừng mà còn giúp được tôi nhận ra rằng mình cũng có những tố chất của một nhà lãnh đạo: lòng quyết tâm, một nhận thức rõ ràng về điều mình muốn làm, và trên hết là khả năng truyền đạt cũng như thuyết phục khi đứng trước công chúng.

Vì thế mà ngay từ mùa xuân năm sau, tôi đã quyết định tranh cử vào vị trí chủ tịch Hội học sinh. Khi tên tôi xuất hiện trong danh sách các ứng viên thì những luồng dư luận đa chiều bắt đầu nổi lên. Một hôm, có một người trong ban lãnh đạo nhà trường bất ngờ đến nói với tôi: “Ngay từ đầu, tôi đã thấy nghi ngờ, hóa ra lại đúng sự thật. Sở dĩ cậu khăng khăng đứng ra chống lại kế hoạch cải tổ chỉ để gây sự chú ý. Cậu đã lựa chọn cách quảng bá tên tuổi khá lắm. Đồ cơ hội!”. Nói rồi anh ta quay lưng bỏ đi sau khi ném cái nhếch mép đầy khinh bỉ về phía tôi.

Tôi đứng sững như trời trồng, choáng váng và sững sờ trước lời cáo buộc nhẫn tâm đó. Chỉ vì tôi đã chống đối họ, đã khiến họ phật lòng, và vì tôi đã chứng minh cho họ thấy là họ sai nên giờ đây, những gì tôi làm đều bị coi là có động cơ không trong sáng. Chính vì thế, họ xem những việc tôi làm đơn giản chỉ là một bước đi cơ hội đầy toan tính, một trò quảng cáo, một hình thức tiếp thị tên tuổi rẻ tiền nhằm mua chuộc lòng người và để xây dựng các mối quan hệ cộng đồng. Tôi choáng váng, không thể tin được lại có người nghĩ về tôi như vậy!

Tôi đã chứng kiến những việc như thế rất nhiều lần. Đó là những kẻ thiếu lập trường và luôn hoài nghi với cuộc sống, với con người xung quanh. Họ đã từ bỏ, hay nói đúng hơn là không góp nhặt đủ lòng can đảm để tiếp tục hướng đến những điều tốt. Dần dà, họ sẽ chỉ còn biết nghĩ và hành động cho bản thân mình mà thôi. Và rồi, họ tự cho mình là đúng và tiếp tục thanh thản với lời bào chữa rằng mọi người ai cũng đều làm như vậy. Thói quen “suy bụng ta ra bụng người” không chỉ làm hại chính họ mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, biến thế giới này thành một nơi đầy sự toan tính, giả dối, lừa lọc, hèn nhát và vị kỷ.

Sự thật là tất cả chúng ta đều như thế. Tôi hay bạn đều không tránh khỏi những giây phút phải đối mặt với câu hỏi: “Anh ta là người tốt thật sự hay chỉ là một kẻ đạo đức giả?”, hoặc chúng ta cũng thường có cái nhìn đầy ác cảm khi cho rằng những ai hay giúp đỡ mọi người chính là những kẻ thích “chõ mũi” vào chuyện của người khác. Nhưng chỉ cần ý thức được những gì mình đang làm là hoàn toàn đúng đắn thì chúng ta hãy cứ mạnh dạn hành động.

Vì tất cả những điều đó mà tôi mới có thể nói rằng thế giới chúng ta đang sống là một thế giới hỗn loạn, chứa đầy những điều nghịch lý. Con người sẽ không bao giờ thôi nghi ngờ, nhưng dù sao đi nữa thì bạn vẫn cần phải làm những gì mà bạn cho là đúng. Đó là cách giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, vì bạn được sống thật và sống hết lòng với bản chất của mình mà không hề chịu tác động bởi lòng nghi kỵ và lối suy diễn vô căn cứ.


3
Nghịch lý thứ ba
If you are successful, you will win false friends and true enemies. Succeed anyway
Nếu thành công bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.

Khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo tại một cơ quan chính phủ cấp tiểu bang đồng thời là một thành viên làm việc trong ủy ban thống đốc, tôi không thể nào quen ngay được khi xung quanh mình đột nhiên có vô số người xưng là bạn tôi. Các vị quan chức đứng đầu các doanh nghiệp và những tổ chức cộng đồng có vẻ như lúc nào cũng sẵn thời gian rỗi để dành cho tôi; chỉ cần tôi lên tiếng, gần như họ sẽ có mặt ngay lập tức. Thậm chí, có những lúc chẳng cần tôi mời mà họ vẫn xuất hiện để nhờ cậy tôi lên tiếng ủng hộ cho những kế hoạch và ý tưởng của họ. Giới truyền thông cũng quan tâm đặc biệt đến tôi hơn khi hình ảnh và những câu chuyện liên quan đến tôi thường xuyên xuất hiện trên bìa tạp chí, trên truyền hình và trên sóng phát thanh; đó là chưa kể những lời mời dự tiệc hay tham gia vào hội nghị, sự kiện đặc biệt. Ở những nơi trang trọng đó, luôn được ngồi ở vị trí chủ tọa.

Chỉ trong một thời gian ngắn mà tôi đã có thêm rất nhiều người bạn mới, nhưng đồng thời, quanh tôi cũng xuất hiện rất nhiều kẻ thù. Đây có lẽ là nghịch lý mới của cuộc sống bởi tôi chưa từng công kích hay làm điều gì hại đến họ, thậm chí tôi còn không biết rõ họ là ai. Tôi cho rằng đó là những thù hằn vô lý bởi họ chê trách, dè bĩu tôi bằng những luận cứ hoặc là rất khập khiễng, hoặc là không có thật.

Nhưng dù sao thì những người công khai chống đối tôi vẫn không làm tôi bất an bằng những kẻ giấu mặt. Họ chính là đồng nghiệp, là nhân viên thuộc cấp, là đối tác của tôi…Họ khiến tôi có cảm giác rằng đối với họ, mọi chuyện tôi làm hay những gì tôi nói đều đúng, đều hay và đều sáng suốt. Họ không ngừng tâng bốc tôi, tỏ vẻ thân thiện và hết lòng ủng hộ tôi nhưng thực chất vẫn ấp ủ những mưu đồ nhằm hất cẳng tôi.

Đã có một thời gian dài, tôi miệt mài theo đuổi kế hoạch cải tổ bộ máy quản lý. Tôi muốn phân chia quyền quản lý các cấp bậc khác nhau nhưng đã gặp phải rất nhiều khó khăn từ những người bất đồng ý kiến với mình. Phần lớn họ đều không thích thay đổi; cũng có thể do họ không muốn phải lại tiếp tục “kết bạn” với những ai được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn họ, bởi lẽ một mình tôi là quá đủ. Tuy nhiên, đó chỉ là những đợt sóng ngầm mà không phải lúc nào tôi cũng có thể ý thức được sự hiện diện của chúng một cách rõ ràng.

Và rồi nhiệm kỳ làm việc của tôi cũng kết thúc. Tôi có phần cảm thấy nuối tiếc bởi tôi thật sự thích được cùng làm việc với những lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các tổ chức cộng đồng. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với cảm giác tự hào về những thành quả chúng tôi đã đạt được.

Tuy thế, từ ngày tôi rời khỏi vị trí của mình thì phần lớn những mối quan hệ trước đây của tôi đều thay đổi. Một thời gian sau, tôi đến làm việc tại một công ty với tư cách là người quản lý dự án. Tuy có được một công việc tốt và có một vị trí không tồi, nhưng tôi không phải là người ảnh hưởng lớn đến công ty, không phải là người “quan trọng” của tổ chức này. Những “người bạn” ngày trước của tôi có vẻ như ngày càng bận rộn khi không có đủ thời gian để trò chuyện cùng tôi, hay nếu tình cờ chạm mặt nhau trên phố thì họ cũng có vẻ gì đó rất xa cách và hơi ngượng ngùng. Thêm vào đó, hình ảnh của tôi cũng hoàn toàn biết mất trên các phương tiện truyền thông.

Sự xuất hiện và ra đi của những người bạn và kẻ thù kiểu như thế vẫn thường xuyên xảy ra, thế nên, tôi phải nếm trải nó không ít lần. Và tôi biết điều này cũng đã đến với hàng ngàn người khác nữa. Tuy nhiên, tôi thật sự chẳng lấy làm ngạc nhiên khi đối mặt với thực tế ấy, bởi trước đó, tôi đã may mắn nhận được nhiều lời khuyên bổ ích từ một người rất giàu kinh nghiệm sống, đó chính là cha tôi. Ngay từ ngày đầu tiên khi tôi bắt đầu đảm đương vị trí cao nhất của một tổ chức, ông đã luôn nhắc nhở tôi rằng: chẳng có vinh quang nào là mãi mãi, mọi chức vụ rồi sẽ chấm dứt khi hết nhiệm kỳ; không ai có thể là tâm điểm chú ý của mọi người đến trọn đời; quyền lực là thứ được trao tay, đến rồi đi.

Sự thật bao giờ cũng là sự thật và những điều nghịch lý muôn đời vẫn cứ tồn tại ở khắp nơi xung quanh chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể trốn chạy mà chỉ có thể thẳng thắn đối mặt cùng nó. Tôi nhớ có một câu châm ngôn rất hay nói rằng: “Bạn nên tử tế với người bạn gặp trên con đường đi lên, bởi lúc trên con đường đi xuống, bạn sẽ phải gặp họ”.

Những người thành công hẳn sẽ rất quen thuộc với hai khái niệm “bạn bè chân thật” và “bạn bè tình thế”. Một “người bạn chân thật” sẽ đến với bạn bởi tính cách, phẩm chất của bạn chứ không phải vì chức tước hay quyền lực có trong tay bạn. Chính vì thế, cho dù bạn có rơi xuống tận cùng của đáy xã hội thì họ vẫn sẽ luôn ở bên bạn để chia sẽ mọi niềm vui nỗi buồn. Trong khi đó, một “người bạn tình thế” sẽ chỉ làm những điều ngược lại. Người thiển cận sẽ lập tức quay lưng lại với bạn; người có tầm nhìn xa hơn thì sẽ thận trọng suy xét những tiềm năng còn lại trong bạn. “Bạn tình thế” làm bạn với bạn khi bạn đang tại nhiệm, đương quyền, và họ sẽ kết bạn với cả người kế nhiệm của bạn. Xét trên phương diện công việc, đây không phải là một điều xấu. Những quan hệ kiểu này sẽ giúp duy trì và thiết lập nên mối dây liên kết, giúp công việc diễn biến trôi chảy và hiệu quả hơn, nhằm mang lại lợi ích cả đôi bên. Điều bạn cần làm trong những trường hợp này là đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hai khái niệm đó, bởi nó thật sự là một điều khó phân biệt.

Tình bạn muôn đời vẫn được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Tình bạn càng chân thành thì niềm tin càng vững chắc. Chính vì vậy, sẽ có những kẻ nhân danh tình bạn để lợi dụng bạn, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Vì thế, việc bạn cần làm là hãy sáng suốt để đừng vô tình đánh mất một tình bạn trong sáng, nhưng đồng thời cũng phải cẩn trọng để không trở thành nạn nhân cho chính thành công của mình.

Bạn không nên chạy trốn hay lẫn tránh những mối quan hệ mà bạn cho rằng không phải là một tình bạn chân thành. Bạn có thể nhìn nhận mối quan hệ đó là một sự lợi dụng lẫn nhau, cũng có thể xem đó là sự cộng tác ăn ý và thân thiện để đôi bên cùng có lợi. Nếu họ không nhìn thấy ở bạn bất kỳ giá trị nào khác ngoài quyền lực, chức vụ, sự giàu có…thì đó chính là thiếu sót và thiệt thòi của họ.

Về phía bạn, hãy cố gắng tận dụng những cơ hội có được từ thành công của mình để nhìn con người và sự việc một cách thấu đáo, từ đó có thể tìm cho mình những đối tác phù hợp và xứng đáng. Nếu không thành công, hẳn bạn sẽ không có được nhiều sự lựa chọn như vậy. Vì thế, dù gì đi chăng nữa thì bạn hãy cứ nỗ lực để thành công. Điều quan trọng nhất vẫn là việc bạn phải biết quý trọng những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình bạn bè lâu năm, vì họ chính là những người đã luôn ở bên bạn từ khi bạn chẳng có gì ngoài bản thân mình.

Hãy mạnh dạn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống của mình. Hãy cứ làm những điều bạn muốn, những điều mà bạn cho là cần thiết, và hãy đón nhận tất cả những thành quả đó mặc cho điều gì xảy ra đi nữa.


4
Nghịch lý thứ tư
The good you do today will be forgotten tomorrow. Do good anyway
Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.

Khi bạn làm điều đúng đắn, người đầu tiên và cũng là người duy nhất cần biết và ghi nhớ về hành động đó chính là bản thân bạn, bởi nhận thức ấy, ký ức ấy sẽ là nền tảng giúp hình thành ý nghĩa cuộc sống của chính bạn.

Dù người đời có ghi nhận một vài việc tốt bạn đã làm thì sự ghi nhận đó rồi cũng sẽ bị lãng quên theo thời gian. Giá trị của một hành động không nằm ở việc nó có được thừa nhận hay không mà chính là hành động ấy đã khiến bạn tự hào với chính bản thân mình như thế nào. Hãy tự hỏi xem mỗi điều tốt bạn làm là một hành động thuộc bản năng, là lời mách bảo của lương tâm, của lý trí biết phân biệt đúng sai hay chỉ là một sự tính toán? Nếu đã có câu trả lời thì bạn hãy tiếp tục nghĩ xem việc “được ghi công” liệu có phải là phần thưởng quý giá nhất mà bạn cần hay không.

Phần thưởng quý giá nhất ở đây có khi chỉ là việc bạn được làm những điều mình muốn để sau này không phải hối tiếc về bất kỳ điều gì. Phần thưởng ấy còn là cảm giác hạnh phúc khi thấy chính đôi tay mình đã tạo nên sự khác biệt cho một người nào đó hoặc cho cả cộng đồng. Đó cũng chính là lời khẳng định cho sự tồn tại của một khả năng, một sức mạnh tiềm tàng bên trong bạn.

Nghịch lý cuộc sống còn xảy ra khi những việc tốt bạn làm lại được ghi công cho lớp người đến sau, nhưng bạn đừng buồn vì điều đó, bởi bạn biết rồi đấy, bạn đã nhận được một phần thưởng mãi mãi thuộc về bạn mà không ai có thể lấy đi được.

Trên thực tế, những việc như thế rất thường xảy ra trong cuộc sống, đặc biệt là ở môi trường công sở, trong các tổ chức, công ty, đoàn thể. Xã hội vẫn luôn tồn tại một thực tế rằng có những lúc bạn chỉ là kẻ lót đường cho người khác bước đi, nhưng cũng có khi là ngược lại. Đó là một vòng tròn giữa cho và nhận trong cuộc đời mà chẳng ai biết được đâu là điểm khởi đầu. Điều quan trọng là thế giới này lại có thêm nhiều điều ý nghĩa, cuộc sống này lại có thêm biết bao điều tươi đẹp, và danh sách những điều tốt bạn làm được bổ sung thêm nhiều điều mới.

Bên cạnh đó, cuộc sống có rất nhiều điều tưởng chừng rất đỗi nhỏ bé nhưng lại chứa đựng một ý nghĩa vô cùng lớn lao, có thể mang lại cho ai đó một nụ cười, một nguồn động viên to lớn. Nếu bạn làm được những việc như nở nụ cười khi tình cờ gặp một người quen trên đường phố, đỡ giúp một người nào đó khi họ mang vác vật nặng, sẵn sàng nhường ghế cho một cụ già trên xe buýt… có lẽ cũng không ai để ý hay nhớ đến bạn, nhưng nếu không làm được thì bạn đã tự đánh mất giá trị của bản thân mình. Hãy làm việc tốt vì bản chất của chúng ta là như thế.

Hãy làm việc tốt vì nó không những giúp ích cho người khác mà còn giúp mang lại cho bạn cảm giác thật sự thoải mái và mãn nguyện. Hãy làm điều tốt vì chính những điều đó sẽ là ngọn đuốc thắp sáng con đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống cũng như những giá trị của bản thân bạn. Vì thế, hãy cứ làm những điều bạn cho là nên làm mà không cần qua tâm liệu nó có được thừa nhận hay tán thưởng không.

Tuy vậy, hãy tin rằng luôn có một người chứng kiến và hiểu được những điều bạn làm, người đó không ai khác chính là bản thân bạn. Bạn là người duy nhất cần được biết điều đó. Cuộc sống này là của bạn, vì vậy, dù bất cứ giá nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên sống hết lòng với nó, không phải vì bất kỳ ai mà là vì chính bạn.


5
Nghịch lý thứ năm
Honesty and frankess make you vulnerable. Be honest and frankness anyway
Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương. Nhưng dù sao đi nữa hãy sống thẳng thắn.

Khi chúng ta đối xử với nhau bằng sự chân thành và thẳn thắng, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được những mối quan hệ bền vững, bởi chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự hiểu về nhau. Không có những điều đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ ngu ngơ, ngờ nghệch, vô tình gây tổn thương cho chính mình và cho cả những người khác.

Niềm tin, muôn đời vẫn là nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ. Và chắc chắn một điều rằng bạn không thể xây dựng niềm tin bằng cách che giấu những cảm xúc, những nghĩ suy, niềm hy vọng hay nỗi sợ hãi của mình. Bạn chỉ có thể vun đắp cho niềm tin ấy bằng sự sẻ chia, bằng cách sống chân thành và thẳng thắn.

Dĩ nhiên, việc cư xử sao cho khéo cũng là điều hết sức cần thiết. Có những sự thật không phải lúc nào cũng có thể nói ra; và có cả những điều nếu bị tiết lộ thì không những chẳng có ý nghĩa gì mà còn làm hại đến người khác. Vì vậy, bạn cần phải thận trọng cân nhắc, đừng để sự thẳng thắn của mình chỉ là một hành động muốn chứng tỏ. Sự cẩn mật cũng là một trong yếu tố quan trọng để thúc đẩy niềm tin, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng sự tế nhị, thận trọng và cẩn mật không thể là cái cớ để bạn thôi không làm người chân thành và thẳng thắn nữa. Như đã nói, hãy chỉ nói sự thật. Đúng vậy, sự thẳng thắn còn đồng nghĩa với hành động tự phơi bày bản thân, tạo cơ hội cho người khác hiểu rõ về bạn, và vì thế mà họ cũng sẽ dễ dàng làm hại bạn. Khi bạn bước ra khỏi bức tường bảo vệ, tức là bạn đã để cho mọi người thấy rõ bạn là ai và bạn trông như thế nào.

Sống trong một thế giới hỗn loạn và phức tạp như thế, để bảo vệ mình, người ta có xu hướng lựa chọn bước đi với một bộ giáp được nai nịt cẩn thận. Thế nhưng, điểm bất tiện khi bạn khoác lên mình lớp bảo vệ này chính là cảm giác bị bó buộc. Lớp áo đó vững chải nhưng lại trơ cứng và gò bó, chắc chắn sẽ hạn chế sự trưởng thành của bạn. Rồi nhất định sẽ có một ngày, bạn cảm thấy ngột ngạt đến mức tưởng chừng như không thể thở được nữa. Vì thế, bạn nên trút bỏ tất cả và mạnh dạn bước ra khỏi chiếc vỏ bọc để là chính mình.

Như chú ốc sên rụt rè và chậm chạp trường ra khỏi vỏ đã bọc mình bấy lâu nay, bạn sẽ cùng lúc đối mặt với sự tàn nhẫn của thế giới và cả sự tự do được sống, được lớn lên. Thêm vào đó, bạn sẽ từng bước cảm nhận được nguồn nội lực của chính bản thân mình.

Hãy cố gắng sống chân thành và thẳng thắn. Điều này đòi hỏi bạn phải rất nỗ lực. Chắc hẳn bạn gặp phải không ít sự công kích cũng như ý đồ mưu hại mình, nhưng dù gì đi chăng nữa thì cũng hãy cứ dũng cảm bước đi.


6
Nghịch lý thứ sáu
The biggest men and women with the biggest ideas can be shot down by the smallest men and women with the smallest minds. Think big anyway.
Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn

Thế giới cần lắm những con người vĩ đại với nhân cách lớn, độ lượng, tận tụy, sống có nguyên tắc, những con người dám dấn thân theo đuổi những phương thức hoàn toàn mới, biết trân trọng và nắm bắt cơ hội, những người có khả năng nhìn thế giới khác hẳn so với hiện trạng của nó … Thế giới cũng rất cần những cá nhân có khả năng đưa ra ý tưởng có tính đột phá, có thể tạo nên sự khác biệt để đưa nhân loại tiến thêm những bước mới. Nhưng trớ trêu thay, những con người có ước vọng mang lại một ngày mai tươi đẹp cho nhân loại trở thành mối đe dọa và nỗi khiếp sợ đối với những kẻ tầm thường.

Những kẻ tầm thường ấy không hẳn là người xấu, cũng không hẳn là loại người “cặn bã” cặn bã của xã hội, mà trái lại, họ có thể là những người có học thức, có địa vị, có một cuộc sống ấm no, thậm chí có người còn được tuyên dương là những công dân gương mẫu…Nhưng điểm hạn chế ở họ chính là một tầm nhìn hạn hẹp, thiển cận. Đối với họ, cuộc sống chỉ là những gì xuất hiện trước mắt, vàhọ hoàn toàn hài lòng với một cuộc sống như vậy. Chính vì thế mà họ không hề muốn cuộc sống ấy bị thay đổi hay xáo trộn. Dưới cái nhìn của họ, sự thay đổi chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả. Tất cả những gì họ nhìn thấy chỉ là bản thân, công việc và những mục tiêu mà họ đang cố gắng theo đuổi. Họ chỉ bám vào sự việc dựa trên hiện tượng bên ngoài của nó mà không hề hiểu lý do vì đâu nó trở nên như vậy. Họ cũng không muốn đề cập đến việc làm thế nào để mọi thứ tiến triển tốt đẹp hơn, bởi theo họ thì được như hiện tại đã là quá đủ.

Với cái nhìn của một người tầm thường thì những hoài bão lớn chỉ là những ảo mộng bất thường và những ai ước mơ theo đuổi chúng là những kẻ không có đủ lý trí và sự sáng suốt để nhận ra điều đó. Người tầm thường hay nhìn nhận và đánh giá sự việc dưới góc độ cá nhân. Họ luôn tin những gì tốt cho mình thì cũng sẽ tốt cho gia đình và công việc của mình. Cuộc sống của một

kẻ tầm thường luôn bị chi phối bởi những ý muốn nhất thời cũng như những nhu cầu và nỗi sợ cá nhân. Chính vì thế mà chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng, những con người tầm thường với suy nghĩ tầm thường sẽ không thể dẫn dắt chúng ta vươn lên một tầm cao mới của thành công cũng như một cuộc sống với chất lượng ngày càng cải thiện.

Đáng buồn là số lượng kẻ tầm thường bao giờ cũng nhiều gấp hàng trăm lần so với những con người vĩ đại trên thế giới này. Họ hiện diện khắp mọi nơi, thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi ngành nghề và họ có mặt trong cả những tổ chức chính phủ lẫn tổ chức phi lợi nhuận. Dù ở đâu, làm gì đi nữa, họ cũng đều cố hạ gục những vĩ nhân với những tư tưởng và ước mơ tầm cỡ chỉ để bảo vệ cho quyền lợi cá nhân của họ mà thôi.

Điều trớ trêu là tất cả chúng ta, bao gồm cả những người tầm thường đó, cuối cùng đều được hưởng lợi từ những ý tưởng lớn lao. Chúng ta đều có lợi khi các khó khăn được giải quyết, sự bế tắc được khai thông, các sản phẩm mới ra đời, và những phong cách sống mới được hình thành và phát triển.

Tất nhiên, ý tưởng càng lớn thì nguy cơ thất bại càng cao, và thất bại ấy nhất định sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng hơn bình thường rất nhiều. Có thể, chúng sẽ vỡ tung như những bọt bong bóng xà phòng trước khi kịp mang lại điều gì thật sự tốt đẹp cho cuộc sống. Nhưng có ai biết được việc mình làm sẽ mang lại kết quả như thế nào, là thành công hay thất bại một khi chúng ta không dám thực hiện? Chẳng có ý tưởng nào, dù lớn hay nhỏ, có thể hiện thực hóa bằng một kiểu triển khai thiếu thiện chí, chần chừ và uể oải.

Những ý tưởng táo bạo, lớn lao luôn có một sức hút đối với những con người sẵn sàng đón nhận thách thức, luôn khát khao học hỏi và nâng cao khả năng của mình. Đơn giản vì những ý tưởng đó có thể tạo ra sự khác biệt, có thể cho họ một lý do để hy vọng, một mục tiêu để phấn đấu. Còn những suy tính thấp hèn quẩn quanh trong một vòng tròn nhỏ bé sẽ không thể khiến chúng ta cống hiến hết mình, cũng không thể khơi nguồn và phát huy những khả năng tiềm tàng vẫn còn ẩn chứa bên trong mỗi con người.

Một ý tưởng lớn – một ước mơ táo bạo – sẽ làm cho cuộc sống của bạn ý nghĩa hơn. Nó sẽ vạch ra một hướng đi và đặt mục tiêu để bạn phấn đấu. Nếu việc thực hiện những ý tưởng ấy bị “rơi” xuống đất, bạn chỉ cần nhặt nó lên, giũ sạch bụi bẩn và cố gắng thử lại một lần nữa. Mỗi bước chân hướng về mục tiêu thực hiện những giấc mơ đều ẩn chứa những ý nghĩ to lớn, mang lại cho chúng ta niềm tin và hạnh phúc khi được góp mặt trên cõi đời này.


7
Nghịch lý thứ bảy
People favor underdogs but follow only top dogs Fight for a few undergogs anyway.
Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho những người yếu thế.

Theo định nghĩa thì người yếu thế là người phải chịu thiệt thòi hoặc bị dồn vào thế bất lợi. Họ không có quyền lực, không có sức mạnh vật chất, không danh tiếng hoặc thậm chí là không khỏe mạnh như một người bình thường. Hàng triệu người trên thế giới đang phải gánh chịu những số phận như vậy. Họ bị giày vò bởi cái nghèo, sự kỳ thị sắc tộc. những dị tật bẩm sinh…Họ không có điều kiện để nhận được một nền giáo dục căn bản cũng như không được chăm sóc sức khỏe hợp lý. Đó chắc chắn không phải là lựa chọn của họ hay bất kỳ ai. Nhưng đó là một thực tế không thể tránh khỏi, và những người gánh chịu nó luôn phải chịu thiệt thòi. Việc giúp họ tranh đấu vì chút quyền lợi nhỏ nhoi tuy không dễ dàng, nhưng đó là điều mà chúng ta có thể làm, và nó hoàn toàn xứng đứng.

Lẽ thường, chúng ta vẫn có khuynh hướng cảm thông cùng những người cô thế. Chúng ta thường tỏ ra bất bình trước những bất công, khó khăn mà họ phải đối mặt. Chúng ta thích những câu chuyện với một kết thúc có hậu khi mà người yếu thế có thể vượt qua mọi trở ngại, thử thách để giành được thắng lợi cuối cùng. Và chúng ta vẫn luôn cầu mong hạnh phúc sẽ đến với họ.

Nhưng không mấy ai trong chúng ta dám mạo hiểm, hy sinh bản thân mình vì người khác. Trớ trêu hơn, khi lên tiếng bảo vệ người cô thế thì chúng ta đã tự biến mình thành kẻ đáng thương thứ hai, đặt cược cả tương lai, sự nghiệp và danh dự của mình…Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, trái tim chúng ta vẫn hướng về họ nhưng lý trí lại lựa chọn một con đường khác. Chúng ta thuận theo số đông, muốn tránh xa điều tiếng, và cứ thế mà sống trong vô cảm.

Tất nhiên, chẳng phải ai yếu thế cũng đều vô tội, chẳng phải việc gì của họ cũng thật sự đáng quan tâm. Thời gian cùng sự sáng suốt sẽ giúp bạn nhận ra ai trong số họ là thật xứng đáng với sự quan tâm và giúp đỡ của bạn. Trong những tình huống như thế, hãy cứ tin vào sự mách bảo của con tim và những nhận định của chính mình. Điều tốt không chỉ có ý nghĩa với người khác mà còn ý nghĩa với chính bản thân chúng ta, bởi nó sẽ tạo nên ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Hãy mở rộng con tim đồng cảm với những người phải chịu thiệt thòi và đừng quên vì họ mà tranh đấu.


8
Nghịch lý thứ tám
What you spend years building may be destroyed overnight Build anyway.
Những thành quả mà bạn phải mất nhiều năm để tạo dựng có thể bị phát hủy trong phút chốc Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.

Không may là nghịch lý này hầu như xảy ra mỗi ngày. Chúng ta vẫn thường chứng kiến những cảnh tượng luôn là nỗi ám ảnh của mọi người như cháy nhà, bị phá sản, sản nghiệp tiêu tan, sự tàn phá của lũ lụt, hạn hán… Tất cả đều đột ngột ậpđến, trút xuống chúng ta mọi tai ương thảm họa. Chỉ trong tích tắc, chúng có thể hủy hoại toàn bộ những gì mà chúng ta đã phải mất nhiều năm gầy dựng. Bản thân tôi rất khâm phục sự quả cảm cũng như sức mạnh tinh thần của những người có thể đứng lên sau những mất mát như vậy, bởi nỗi đau, sự thất vọng ấy đã vượt ngưỡng chịu đựng của con người.

Không ít người đã từng là nạn nhân của thực tế phũ phàng này. Xét cho cùng thì những gì bạn phải mất bao công sức để dựng xây cũng không thể tồn tại mãi. Một lúc nào đấy, có thể chỉ sau một đêm, chúng sẽ rời xa bạn.

Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng cũng chính là thành tựu của bạn, và chúng hoàn toàn xứng đáng để bạn hết lòng. Một điều may mắn là những thành quả mà chúng ta vất vả tạo dựng, tuy có thể sụp đổ nhưng thời gian tồn tại của chúng không ngắn ngủi như những lâu đài trên cát.

Những gì mà bạn cất công gầy dựng nên trong suốt cuộc đời mình: sự nghiệp, các mối quan hệ, những thành quả… đều có thể bị sụp đổ hay bị phá hủy vào một thời điểm nào đó, có thể chỉ sau một đêm, cũng có thể tồn tại trong một thời gian dài rồi bỗng chốc biến mất. Đó là quy luật tất yếu của một thế giới không ngừng đổi thay. Những tòa nhà cũ bị kéo sập nhường chỗ cho các cao ốc mới mọc lên. Những phát kiến mới theo thời gian sẽ bị những phát kiến mới hơn thay thế. Ý tưởng nối tiếp ý tưởng để kịp bắt nhịp với cuộc sống. Đôi khi, di sản chúng ta để lại chỉ là một niềm tin, một ký ức, một kinh nghiệm… nhưng chúng hoàn toàn xứng đáng với công sức mà chúng ta đã bỏ ra. Cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì điều quan trọng là niềm vui trong quá trình dựng xây tất cả những điều đó sẽ mãi mãi thuộc về chúng ta.


9
Nghịch lý thứ chín
People really need help but may attack you if you do help them. Help people anyway
Bạn có thể sẽ bị phản bội khi giúp đỡ người khác Nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.

Chúng ta hiểu được đó là những việc nên làm, và vì thế, chúng ta thực hiện theo lời mách bảo của lương tâm chứ không phải xuất phát từ ý nguyện muốn được đền đáp. Tình yêu không nên là thứ khiến con người bị dày vò và chìm trong đau khổ mà ngược lại, nó phải mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho cả người nhận lẫn người cho.

Phần lớn chúng ta đều có lúc cần đến sự giúp đỡ của người khác. Cuộc sống là muôn màu, vì thế, không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách xoay xở mọi thứ. Biết được khi nào cần đến sự giúp đỡ, và biết tìm kiếm sự giúp đỡ nơi đâu, đó là những yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn và hạnh phúc của mỗi người.

Một số người vẫn luôn chối từ sự giúp đỡ vì không thích cái cảm giác bản thân mình bất lực, phải nhờ cậy vào người khác. Số khác tuy không khước từ, nhưng điều đó khiến họ vô cùng buồn bực vì họ cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương. Vì vậy, có những lúc bạn hào phóng ban tặng sự giúp đỡ cho những người đang thật sự cần nó, nhưng đừng quá ngạc nhiên vì họ có thể sẽ đáp lại lòng tốt của bạn bằng những hành động khác thường như phản kháng, công kích, cáu gắt hay những phản ứng khiến bạn bị tổn thương. Tất cả những biểu hiện đó, nếu có, là do họ đang phải vật lộn với lòng tự tôn cũng như sự kiêu hãnh của chính mình. Họ đang tìm mọi cách né tránh thực tế rằng mình đang trong trạng thái bế tắc, rằng mọi việc đang diễn ra không mong đợi.

Vì vậy, hãy cân nhắc, thận trọng với thịnh tình của chính mình. Nếu muốn giúp đỡ cho một ai đó, trước hết, bạn phải học cách thể hiện thiện chí bởi điều họ cần ở chúng ta không phải sự thương hại mà là sự cảm thông. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, nghĩ thay họ và làm tất cả những gì trong khả năng của bạn.

Nếu bạn băn khoăn không biết làm thế nào để phân biệt được đâu là người đang cần sự giúp đỡ nhưng cố tình che giấu, đâu là người chưa hoặc không cần đến sự giúp đỡ thì hãy nghĩ đến những điều cơ bản của cuộc sống. Con người cần cơm ăn, áo mặc, cần một mái ấm để dừng chân. Họ cũng cần những người bạn, cần một cuộc sống có ý nghĩa…Bằng cách mở rộng lòng mình để quan sát và lắng nghe, bạn sẽ dần dần nhận biết và thấu hiểu được điều người khác thật sự mong muốn nhận được từ bạn.

Hãy nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy rằng bất cứ đâu cũng có những con người cần được giúp đỡ. Những người này đặc biệt nhạy cảm khi ai đó nhận ra thực tế bế tắc của mình. Vì thế, nếu họ đền đáp tấm lòng của bạn bằng sự công kích thì hãy cứ tin rằng đó không phải là điều họ muốn. Đừng để sự tủi thân hay tự ái của họ ngăn cản bạn làm điều tốt. Bản thân bạn cũng đã từng nhận sự giúp đỡ của nhiều người, vì vậy, bạn hãy giúp mang những điều tốt đẹp đó đến với nhiều người khác. Hãy hành động và chiêm nghiệm ý nghĩa sâu sắc từ việc làm đó của mình. Và nếu đã thực hiện thì hãy làm với tất cả tấm lòng để góp tay mang lại sự đổi thay tốt đẹp hơn cho cuộc sống của những người xung quanh, cũng như cho chính bản thân bạn.


10
Nghịch lý thứ mười
Give the world the best you have and you’ll get kicked in the teeth. Give the world the best you have anyway
Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.

Trong bộ phim cao bồi kinh điển miền Tây “ High Noon”, diễn viên kỳ cựu Gary Cooper vào vai nhân vật nam chính là cảnh sát trưởng Knae. Knae đã dũng cảm hết mình trong việc lập lại trật tự, mang cuộc sống bình yên cho một thị trấn xa xôi hẻo lánh vốn nhiều bất ổn. Sau nhiều năm gắn bó vùng đất này, ông nhận thấy đã đến lúc trao trả chức vụ và ra đi. Ngày cuối cùng ở thị trấn, ông đã tổ chức lễ cưới cùng người phụ nữ mình yêu. Khi lễ cưới vừa kết thúc, ông nhận một chiếc găng tay ném vào mặt – một lời thách đấu lạnh lùng. Kẻ quyết giết ông là một tên tội phạm tàn ác, một tay thiện xạ đầy nguy hiểm. Hắn đã từng bị ông bỏ tù vài năm trước vì tội giết người. Nay được thả ra, hắn quay về thị trấn quyết tâm tìm ông để đòi mạng. Không chỉ thế, theo sau hắn còn có ba tên đồng bọn sừng sỏ, đều là những tay súng thiện nghệ, sẵn sàng giết người không thương tiếc.

Nhận lời thách đấu, Knae đã nán lại chờ chúng và ông tin rằng mình sẽ có được sự hậu thuẫn, ủng hộ tinh thần từ cư dân trong thị trấn – những người ông đã hết lòng phục vụ trong nhiều năm. Niềm tin đó đã hoàn toàn sụp đổ khi sau lưng ông chẳng có một ai. Những con người đã từng chịu ơn, từng tung hô ông là vị anh hùng nay lại bỏ mặc ông một mình đối đầu cùng hiểm nguy.

Những cư dân trong thị trấn rất kính trọng và biết ơn Knae vì sự cống hiến hết mình cũng như những gì ông đã mang lại cho họ trong suốt một thời gian dài. Nhưng đúng vào lúc ông cần họ nhất thì ông cũng chỉ nhận được những ánh mắt lo sợ nấp kỹ sau những cánh cửa đóng kín dọc theo con đường vắng lặng không một bóng người. Không hề bận tâm vì điều đó, Knae vẫn một mình, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, tay nắm chặt báng súng, hiên ngang chống trả kẻ thù đến cùng…

Những cảnh như thế không chỉ xuất hiện trong phim ảnh mà trong cả đời thực. Và nghịch lý cuộc sống thứ mười tôi gửi tặng bạn là: hết cứ sống hết mình vì cuộc đời này, dù có xảy ra điều gì chăng nữa.

Cái giá phải trả cho sự cống hiến có thể là rất đắt, nhưng chắc hẳn nó sẽ đắt hơn rất nhiều nếu bạn quyết định thôi không sống hết mình, bởi chỉ khi ấy bạn đã không thể sống thật với bản chất của mình.

Thế giới không đòi hỏi bạn phải luôn thể hiện mình, luôn nghĩ về người khác mà bỏ quên bản thân. Thế giới cũng không đòi hỏi bạn phải luôn cống hiến. Nhưng nếu muốn sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, hãy nắm bắt tất cả những cơ hội để cống hiến sức mình, và nếu có thể, hãy tạo ra chúng. Hãy cho đi để thấy được mình đang có những gì. Đừng xem việc giúp đỡ người khác là một sự hy sinh mà hãy nghĩ rằng đó là cơ hội để thể hiện con người, năng lực và giá trị của bạn. Mỗi người khi sinh ra vốn dĩ đã là một cá thể độc đáo. Mỗi chúng ta đều có những giá trị nhất định đối với bản thân, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, chúng ta đều luôn trong tư thế sẵn sàng để cống hiến.

Nếu không cống hiến hết mình cho thế giới này, vậy phần bạn giữ lại đó, bạn định sẽ dâng tặng cho một thế giới nào khác chăng?

Cuộc sống chính là món quà mà đấng sinh thành đã ban tặng cho bạn. Hãy sống xứng đáng để món quà ấy càng ý nghĩ hơn. Hãy sống hết mình và hành động theo những gì mà cá tính, lương tâm, nhận thức của bạn mách bảo. Thế gian đáp lại bạn như thế nào, điều đó cũng không quan trọng. Bởi hơn ai hết, bạn biết rõ mình đang làm gì, và bạn cũng đã tận hưởng được hương vị của một cuộc sống đích thực. Được sống với bản chất của chính mình luôn là điều ý nghĩa nhất khiến cuộc đời này trở nên thi vị.


MỘT THẾ GIỚI ĐẦY NGHỊCH LÝ

Khi đọc đến những dòng này, hẳn các bạn đã suy ngẫm và chấp nhận thực tế rằng, thế giới chúng ta đang sống thật sự chứa đựng rất nhiều điều nghịch lý.

Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc sống của mình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, nhưng với những yếu tố khách quan và cả chủ quan, chúng ta lại đang dồn mình vào chân tường, đang tự đầu độc cuộc sống tinh thần của chính mình. Sự gia tăng quá nhanh về dân số khiến xã hội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới. Bên cạnh đó, loài người chúng ta cứ tùy tiện khai thác, tùy tiện sử dụng và vô tâm quay lưng với các hoạt động bảo vệ cũng như tái tạo chúng nhằm đảm bảo cho bản thân mình và các thế hệ mai sau có một tương lai bình an và tốt đẹp hơn.

Trong quá trình giải trình vũ khí hạt nhân đang được ráo riết tiến hành trên phạm vi toàn cầu thì vẫn còn đó sự hiện diện của hàng vạn đầu đạn hạt nhân trên hành tinh, và nhiều nhất lại ở những quốc gia kêu gọi ngăn cấm sản xuất vũ khí hạt nhân. Chỉ cần khoảng 100 quả bom nguyên tử trong số đó đồng thời phát nổ ở các thành phố khác nhau thì cũng đủ tạo nên một đám mây đen khổng lồ che phủ cả bầu trời và nhấn chìm toàn bộ trái đất chúng ta vào màn đêm u tối, đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta có đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu cho cả thế giới, nhưng thực tế mỗi năm vẫn còn có hàng trăm ngàn người chết vì nạn đói, và hơn một tỉ người không được chăm sóc sức khỏe. Các chuyên gia y tế ước tính hiện nay có khoảng 700 triệu người đang mang trong người mầm mống các loại ký sinh trùng như giun tròn, giun móc, trùng roi…Riêng đối với người dân các nước kém phát triển thì các chủng vắc-xin ngừa bại liệt, quai bị, sốt vàng da hay các loại thuốc kháng, điều trị bệnh lao và bệnh phong…vẫn còn là những mặt hàng xa xỉ, quá đắt tiền so với mức thu nhập của người dân. Tại những nước này, chỉ có 8 triệu trong số 80 triệu trẻ em được tiêm chủng ngừa bệnh bạch cầu, ho gà và uốn ván. Ước tính có khoảng 25 triệu người ở các nước nhiệt đới bị mù do di chứng của căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi hoàn toàn.

Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng vẫn có hơn 11 triệu trẻ em phải sống dưới mức nghèo khổ. Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1980 cho đến 1990, tỉ lệ em dưới năm tuổi phải sống trong cảnh nghèo khổ đã tăng đến 23%.

Suốt nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã không ngừng lên tiếng hô hào trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, nhưng chúng ta vẫn không dành đủ thời gian để chăm sóc và vun dưỡng cho những mầm non đó. Thời gian mà các bậc cha mẹ ở bên con cái của mình chỉ độ vài phút hay vài chục phút mỗi ngày, trong khi thời gian chúng ngồi trước màn hình ti-vi hay vi tính thì tính theo đơn vị giờ. Chúng ta tùy tiện phó mặc tương lai của con em mình cho nhà trường, nhưng đội ngũ giáo viên, những người đang nhận lãnh phần trách nhiệm nặng nề và cao cả ấy lại chỉ nhận một mức lương không-đủ-sống. Mỗi năm, xã hội lại tiếp nhận thêm hàng trăm ngàn sinh viên ra trường, nhưng rất nhiều người trong số đó họ thậm chí còn không thể hiểu được giá trị tấm bằng tốt nghiệp của mình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy tranh chấp và thích kiện tụng. Hàng năm, các tòa án trên toàn nước Mỹ nhận hơn 100 triệu lá đơn khiếu kiện. Trong đó, một số đơn kiện đơn thuần chỉ bắt nguồn từ việc người đệ đơn nghĩ rằng họ không phải chịu trách nhiệm gì cho những hành động của chính mình. Ngay cả khi họ chủ ý làm sai, họ cũng kiện người khác; và đôi khi, họ còn may mắn thắng kiện và trở nên giàu có nhờ vào tiền bồi thường.

Trong khi đó, giới truyền thông cũng tranh thủ chớp lấy mọi đề tài có thể giúp họ hái ra tiền bằng mọi cách mời những người phụ bạc vợ con, những kẻ giết người, cướp của, nghiện ngập…làm khách mời cho các chương trình của đài truyền hình. Vài người trong số họ thậm chí còn kiếm tiền bằng việc viết sách hoặc bán lại những câu chuyện vô đạo đức mà họ biết cho các tờ báo lá cải.

Chúng ta muốn có đất nước của mình xây dựng dựa trên những giá trị đích thực, nhưng chúng ta lại luôn quan tâm đến cái “danh” nhiều hơn là cái “thực”. Chúng ta nói rằng mình tôn trọng quyền bình đẳng và luôn hô hào phải chống nạn phân biệt chủng tộc, thế nhưng, thực tế vẫn còn có những chủng người da màu và các dân tộc thiểu số luôn đấu tranh cho sự bình đẳng và thiếu công bằng đó.

Vẫn còn đó rất nhiều người đã và đang quay lưng lại với các giá trị tinh thần từng được bảo tồn và phát huy từ những thế hệ đi trước. Và còn cả những người quan niệm rằng mọi thứ đều là tương đối và mang tính chủ quan, vì vậy, họ tự cho mình cái quyền được quy kết rằng vạn vật trên đời này đều vô nghĩa và họ thở than, ta thán rằng cuộc đời này sao quá tẻ nhạt, trống trải, rằng họ chẳng thể tìm đâu ra ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình.

Vậy đó, thế giới này quả thật đầy rẫy những điều nghịch lý. Bạn cảm thấy mình không thể nào hiểu và giải quyết được những điều như vậy? Chẳng sao cả. Bởi nó thật khó hiểu như vậy đấy!

Thế thì làm sao chúng ta có thể sống và tìm thấy hạnh phúc đích thực trong một thế giới đầy những mâu thuẩn và nghịch lý như vậy? Giải pháp đương nhiên sẽ không phải là những lời than phiền hay sự tuyệt vọng; mà vấn đề là bạn hãy thừa nhận: thế giới này nhiễu loạn đến mức bạn không thể nào hiểu được, nhưng dù vậy, bạn vẫn hoàn toàn có thể biến nó trở nên ý nghĩa hơn, và bạn có thể tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình. Đó cũng chính là nội dụng của cuốn sách này muốn gửi gắm đến các bạn: Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống ngay trong một thế giới đầy những nghịch lý.

Bạn chính là người phải tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình trong tất cả đều nghịch lý đó. “Nghịch lý” là điều gì đó trái ngược với mọi tư duy, ý thức hay những nhận định thông thường, nhưng nó lại là một trong những sự thật không thể phủ nhận.

Một khi đã thực sự hiểu những nghịch lý đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái khi đối đầu với những nghịch lý của cuộc sống hiện tại. Những nghịch lý này sẽ trở thành phương châm sống của chúng ta, và khi đó, bạn có thể làm bất cứ việc gì, miễn là lương tâm mách bảo bạn rằng điều đó đúng và nên làm.

Những nghịch lý cuộc sống này hoàn toàn không mang ý nghĩa tiêu cực hay bi quan ma trái lại, chúng giúp bạn ý thức được rằng, tuy mỗi việc làm đúng đắn đều xứng đáng nhận được sự đền đáp và tưởng thưởng, nhưng không nhất thiết phải là lời tung hô hay sự thừa nhận của bất kỳ ai – ngoại trừ bản thân bạn.

Đừng tự bó buộc mình trong những lối mòn của định kiến. Bạn hoàn toàn có quyền quyết định làm những điều mình cho là có ý nghĩa – với bản thân hay với những người xung quanh – dù cho điều đó có được người khác đánh giá đúng hay không. Bạn có thể tự do đi tìm những điều mà bấy lâu nay vẫn bị người đời xem thường và sẽ gặp ở chúng những ý nghĩa thầm lặng nhưng lớn lao. Và khi nhận ra tất cả những điều đó, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác sâu lắng của niềm hạnh phúc thật tự nhiên mà trước đây, bạn ít khi có được.

Mong rằng những điều chia sẻ này sẽ được các bạn đón nhận và giúp các bạn vượt qua rất nhiều điều nghịch lý trong cuộc sống.

Chúng ta không phải là nạn nhân của cuộc sống này mà chúng ta là những nhân tố, những con người tạo nên nó. Chúng ta có ý thức, nhận định, khả năng và có cuộc sống riêng của chúng ta. Con đường đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa của mỗi người không được quyết định bởi các tác động từ thế giới khách quan mà chính bởi thái độ của mỗi người khi phản ứng lại những tác động ấy.