Nói cứ nói, "đạo văn" cứ "đạo văn"!
Tác giả: Nguyễn Hòa
Bài đã được xuất bản.: 10/05/2010 06:00 GMT+7
Phát hiện đạo văn không khó, vấn đề là phát hiện rồi đi đến đâu, vì đến nay chẳng thấy có chế tài nào cả, họa hoằn mới có lời xin lỗi xuê xoa, còn thì... "đoàn người cứ đi"!
Xấu hổ là một khái niệm... xa lạ
Trên thực tế, hệ thống tri thức của một môn khoa học là thống nhất. Song khi viết thành giáo trình, việc trình bày, diễn đạt hệ thống tri thức ấy như thế nào phụ thuộc vào người biên soạn. Bởi thế, chắc chắn không có chuyện hai người hành văn i xì nhau, từ tổ chức câu chữ, sử dụng từ ngữ, đến dấu chấm, dấu phảy, ví dụ và phân tích... Nên việc sao chép sách vở của người khác mà không đưa vào ngoặc kép, không ghi chú, không dẫn nguồn, thản nhiên như "của nhà trồng được" không thể do vô tình, sơ ý, hay kế thừa mà chắc chắn là hành vi ăn cắp, không thể định tính bằng từ ngữ khác.
Hiềm một nỗi, đa số người viết giáo trình lại không là người bình thường, nếu không giữ một chức vụ thì cũng là người có "uy tín" trong giảng dạy, nghiên cứu. Vị nào trong số này đạo văn sẽ làm cho nơi có trách nhiệm e ngại, nghe nói người ta sợ mất "uy tín" (Nếu đúng vậy, thử hỏi kẻ đạo văn có quan tâm đến uy tín của chính họ hay không?). Thế nên, hàng chục năm nay, báo chí công khai chỉ rõ vài chục vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đạo văn mà họ vẫn bình chân như vại, chỉ có một ông bị phế chức danh Phó Giáo sư, có lẽ để làm... "vật hy sinh" cho sự nghiêm minh của khoa học, pháp luật!?
Cách đây ít năm, phát hiện tiểu luận của ông T đăng trên một website đã đạo văn, tôi viết bài gửi tới. Người chủ trì website đề nghị chưa đăng, để họ liên lạc với ông T. Rồi biết không thể che dấu, người ta đề nghị tôi không công bố để "giữ uy tín cho ông T". Tôi không đồng ý và khẳng định: Không đăng tôi gửi nơi khác. Cuối cùng họ đăng, kèm theo có thư xin lỗi thống thiết của ông T vì quên "không đưa vào ngoặc kép".
Thấy ông ta thiếu trung thực, tôi viết tiếp để chỉ rõ: Nếu ông T đưa các đoạn ăn cắp vào ngoặc kép, bài của ông ta chẳng còn gì; rồi tôi dẫn một số đoạn ông ta sửa sang của người khác biến thành của mình, và hỏi: Với trường hợp đó ông ta đưa vào ngoặc kép như thế nào (Ví dụ:" Thân dân (hay gần dân, yêu dân) và dân chủ là hai định hướng tư tưởng thuộc về hai loại hình ý thức hệ chính trị khác biệt nhau. Hầu như ở các thời điểm thịnh trị của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, các chính trị gia lỗi lạc đều có biểu hiện mức độ đậm nhạt khác nhau của tư tưởng thân dân, yêu dân, chứ chưa từng có khái niệm và cũng không chấp nhận tư tưởng dân chủ" trong đó các chữ in nghiêng là của tác giả mà ông T đã đạo văn)?
Ông ta im lặng, nhưng có người chỉ trách tôi "đánh người chạy lại", chắc là họ đã vừa lòng với một nửa sự trung thực của ông T!? Tương tự như thế, một ông giáo sư ngành văn học đã đạo văn từ luận án của học trò để đăng trên một website của người Việt ở nước ngoài. Bài đăng rồi, dư luận nghề nghiệp bắt đầu râm ran, ông giáo sư vội vàng liên lạc với quản trị website xin rút xuống. Bài rút xuống rồi, qua mấy năm, chẳng thấy giáo sư đăng lại (chuyện này đã đăng trên Hồn Việt năm 2008).
Các sự kiện trên có thể thấy, thủ đoạn đạo văn rất đa dạng, tinh vi, rất khó phát hiện những người đạo văn mà thành thạo trong gia công, sửa chữa, biến báo. Nhiều khi đọc, biết chắc là tác giả xào xáo của người khác mà cũng chịu, vì dấu vết cụ thể khó tìm. Đạo ý tưởng cũng thế, người ta có thể bao biện là cùng nảy sinh một ý tưởng và người này triển khai khác, người kia triển khai khác; hoặc hoành tráng hơn thì bảo rằng... "tư tưởng lớn gặp nhau", có mà trời cãi!
Với những vị chép nguyên văn từ tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình thì đơn giản hơn, vì họ quá liều, bất cần danh dự, khinh thường đồng nghiệp và bạn đọc, họ lười nhác đến mức không thèm động não để xóa dấu vết. Với mấy người này, dường như xấu hổ là một khái niệm xa lạ, không nằm trong hệ giá trị cấu thành nên nhân cách.
Vì thế, dù bị phê phán, một số người vẫn không xin lỗi người mà họ đã cầm nhầm, xin lỗi đồng nghiệp và công chúng, xin lỗi sinh viên. Theo chỗ tôi được biết, ít nhất có hai cuốn sách bị vạch rõ là đạo văn nhưng khi tái bản, tác giả vẫn không thèm sửa chữa hoặc có sửa chữa nhưng rất chiếu lệ. Đối với họ, sự lên án của dư luận liệu có ý nghĩa gì không?
Để công bằng và khách quan, không nên chỉ "nhè" vào tình trạng đạo văn của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, bởi theo tôi, trên văn đàn và báo chí, đạo văn cũng đã tới mức không thể chấp nhận.
Về đạo văn đạo thơ, mọi người nói nhiều lắm rồi, riêng 50 câu thơ được thả lên trời trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII ở Văn Miếu, nhà thơ NTT nghi vấn câu thơ "Những mùa hoa đại trắng - Tiếng mõ chừng cũng thơm" vốn là tài sản của LTS chứ không phải của VT, nếu đúng thì không còn gì để nói. Trong 50 câu này, câu thơ: "Bắc thang ta ghé lên trời - Cầm trăng ta vẽ nên người ta yêu", lại làm tôi nhớ đến câu: "Bắc thang lên hỏi ông trời..."!
"Đạo văn" : Phát hiện không khó mà...khó
Chịu khó đọc báo, cũng dễ gặp hiện tượng đạo văn. Vừa rồi, nghe tin một tờ báo định đăng tải phóng sự của một cựu sinh viên Trường Nguyễn Du viết về hiện tượng bán máu. Biết tên tác giả, tôi đề nghị dè chừng. Tòa soạn kiểm tra, y như rằng trong bài, tác giả đã đạo văn. Tòa soạn cảnh cáo, nhưng sau vì thương chưa có công ăn việc làm, nên cắt các đoạn đạo văn rồi in. Tuần sau, người đó gửi phóng sự thứ hai, toàn soạn lại kiểm tra, phát hiện đạo văn từ hẳn bốn tờ báo, thế là chấm dứt luôn liên hệ!
Năm 2008, Vietimes đăng bài của Bùi Trọng Hiền về nghệ sĩ Kim Sinh, trong đó có một ghi chú: "Niccolo Paganini - Nghệ sĩ nước Italia diễn tấu đàn violon khi chỉ còn một dây". Sau trên báo nọ, một nữ nhà thơ cũng viết về nghệ sĩ Kim Sinh, có đoạn thuổng của Bùi Trọng Hiền, cũng có ghi chú như trên. Gặp nữ nhà thơ, tôi cảnh cáo về đạo văn, chị ta cãi, đến khi hỏi thế nào là "diễn tấu đàn violon khi chỉ còn một dây" thì chị ta ngắc ngứ. Đơn giản vì, chị ta đâu có đọc sách về Paganini mà biết. Đạo văn như thế thì quá tệ.
Rồi trước đây, thi thoảng đọc bài viết về một con người, một sự kiện, một vấn đề... nào đó (nhất là con người, sự kiện, vấn đề liên quan tới lịch sử) mà tác giả khảo chứng chi tiết, có lớp lang, nhiều thông tin, tôi rất nể, vì nghĩ tác giả đã nghiêm túc khảo sát tư liệu, có đánh giá riêng trước khi viết. Sau tôi ngờ ngợ, cuối cùng phát hiện nhiều bài đã đạo văn từ Wikipedia, theo hai cách: Lấy nguyên văn hoặc có xào nấu tý chút.
Tôi cũng khảo sát trên Wikipedia, nhưng chỉ sử dụng thông tin nào tự mình thấy thuyết phục, còn chỉ để tham khảo. (Lưu ý là, với Wikipedia, do tính chất "mở" của nó, mọi người có thể tham gia, nên có trường hợp tính chính xác là không cao. Gần nhà tôi có một anh cu đang học lớp ba, từ năm 6 tuổi đến nay, anh cu đã viết một số nội dung trên Wikipedia, loắng khoắng thế nào mà đạo văn đúng của anh cu này thì liệu có trớ trêu!?).
Theo tôi, phát hiện đạo văn không khó, vấn đề là phát hiện rồi đi đến đâu, vì đến nay chẳng thấy có chế tài nào cả, họa hoằn mới có lời xin lỗi xuê xoa, còn thì... "đoàn người cứ đi"!.
Đã có một số người định nghĩa thế nào là đạo văn, tôi thấy để hướng dẫn sinh viên, website studygs.net định nghĩa đạo văn khá đơn giản: "1. Sử dụng, lấy ý tưởng hoặc văn của người khác thành của mình. 2. Ghép đoạn văn hoặc lấy ý tưởng của người khác vào bài của mình".
Để sáng tỏ một vụ đạo văn, chỉ chứng minh các nội dung trên có hay không, rồi căn cứ vào đó đối sánh với Luật Sở hữu trí tuệ mà xử phạt. Làm nghiêm khắc, chắc chắn là nạn đạo văn sẽ giảm phần nào.
Tôi nói phần nào, vì một ngày người ta còn sử dụng chức danh, học vị làm bàn đạp tiến thân; một ngày thói háo danh, sự ích kỷ còn tồn tại trong khoa học và nghệ thuật; một ngày hành vi đạo văn chưa có chế tài nghiêm khắc; một ngày đức trung thực và sự xấu hổ chưa trở thành yếu tố cấu thành nên phẩm chất của mọi người; một ngày không còn người dung túng cho hành vi đạo văn, một ngày tình trạng "giả khoa học", "giả trí thức" chưa bị loại ra khỏi đời sống,... thì ngày ấy, đạo văn còn tồn tại.
Và tôi tin, trước mắt là chưa thể!
© TUANVIETNAM.NET