Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạ Ký - Sầu ở lại (1). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạ Ký - Sầu ở lại (1). Hiển thị tất cả bài đăng

17/6/11

Tạ Ký - Sầu ở lại (1)

Tạ Ký

Sầu ở lại
1 2



"Tạ Ký có riêng một hướng đi đặc biệt với một bản sắc đặc biệt Tạ Ký nên thơ Tạ Ký sung mãn và tiêu biểu rõ rệt cho tâm trạng thanh niên thời 1953 – thế hệ lớn lên từ 1945. Tạ Ký hiện diện như một nhà thơ của đau xót, trữ tình. Thơ Tạ Ký là thơ của tâm hồn phương Đông, của khắc khoải êm đềm mang theo phong vị của dân ca cùng với cơn say đau thương của khách phong lưu…"

(Cao Thế Dung – “Văn học hiện đại”)


"Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài"
Huy Cận



Đoạn trường gợi lại

Bước chân nào nặng phù du,
Ngón tay nào thắt sầu tư trói hồn.
Cô đơn rồi vẫn cô đơn,
Bốn mươi thu đó đòi cơn đoạn trường.

Sông xa bãi cát vàng hanh,
Đìu hiu bến vắng, mong manh sương chiều.
Mười lăm năm giấc mộng vèo,
Bốn dây nhỏ máu xuôi theo Tiền Đường.

Từ em lần lữa lầu xanh,
Cuộc say đầy tháng, tàn canh, vẫn thừa.
Chừ đây bên cạnh người xưa,
Nửa đêm tái ngộ nghe mưa cuối trời.

Mà thôi, đàn kiếm giang hồ,
Trở về cát bụi, cơ đồ ngả nghiêng.
Say đến khóc, cười như điên,
Ngàn xưa đọng lại một thiên não người!


Buồn như

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say.
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trắng.

Buồn như yêu không được
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa
Chỉ còn dòng lưu bút.

Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh quẽ
Buồn như đóa hoa rơi!

(Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)


Thế hệ bốn lăm

Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.
Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,
Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,
Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.
Chúng tôi lớn trong tiếng rền lựu đạn,
Ba-lô da nặng trĩu cả vai gầy.
Những bà mẹ già run rẩy đôi tay,
Rót từng bát nước chè trưa nắng gắt:
"Lũ chúng nó mới công đồn giết giặc".
Chúng tôi:
Thế hệ bốn lăm
Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm
Một phần tư thế kỷ,
Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,
Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!
Hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ,
Nắm tay nhỏ đưa lên trời phản đối,
Và tự hỏi mình: mình làm gì nên tội?
Bốn lăm! Bốn lăm!
Tiếng vọng xa xưa, nắng cháy, mưa dầm,
Lòng Đất Mẹ lại một phen chua xót!
Chúng tôi yêu núi Ba Vì chót vót,
Sông Cửu Long cuồn cuộn chảy ra khơi,
"Quê hương mình nghèo lắm ai ơi!
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn".
Thời gian qua đã ba chục mùa xuân,
Trai mười tám tóc ngả màu sương gió,
Những đêm đô thành men cay mắt đỏ,
Nhìn trong ly bỗng thấy bóng mình xưa.
Gác trọ buồn thiu nằm khểnh nghe mưa,
Xót thân thế, nhớ từng thằng bạn học.
Ngâm thơ người xưa đau mình cô độc,
Rồi áo cơm thay thế chuyện giang hồ,
Đôi lúc buồn tình làm một bài thơ!
Bốn lăm! Bốn lăm!
Những kẻ ra đi, những kẻ đang nằm,
Những kẻ chết, những kẻ còn vất vưởng
Chúng ta làm gì?
Thuyền con trong cơn gió chướng!

(Tặng Nguyễn Liệu)


Điệu buồn xứ núi

Cao nguyên buồn rũ sương chiều,
Gió e ấp gió, cây đìu hiu cây.
Người lên đày xứ xa này,
Ngoảnh đi đô thị còn say dặm về.
Càng lên càng lạnh bốn bề,
Nào đâu luân vũ đêm hè năm xưa?

Giữa trưa sao nắng chẳng về,
Càng say khói thuốc, càng tê môi sầu.
Ga bên vắng tiếng còi tàu,
Phải đây sa mạc pha màu thiên thanh?
Không ai tiễn buổi lâm hành,
Ba mươi mấy tuổi trơ vành mắt sâu!

(Tặng Thanh Trúc)


Sơ nguyện

Hay là tôi đến thăm em?
Chiều không mưa, trăng chưa ngả bên thềm,
Đường nhân thế lối đi về Vĩnh Viễn.
Tôi chín chắn như thủy thủ già vượt biển
Đọc mây sao tìm hướng của phong ba.
Mùa lỡ xuân mà ngày cũng sắp tà,
Nên do dự khi mang buồn đến biếu.
Người con gái thường vô tình chẳng hiểu
Kẻ thương mình thức trọn giấc chiêm bao.
Ba mươi tuổi rồi biết nói làm sao,
Lòng luyến mộ lẫn ít nhiều chua chát.
Trời hôm nay vài gợn mây tím nhạt.
Hay là tôi đến thăm em?
Thương là thương, dù đêm trắng cả đêm
Vẫn thức chép những vần thơ gửi tặng.
Lòng chúng ta hẳn nhiều phen cay đắng,
Đường em đi hoa đẹp nở bao lần?
(Những đoá hoa tình của một thời xuân)
Cũng buồn thật nếu nhìn nhau đắm đuối,
Cũng chán thật nếu lòng kia tiếp nối,
Và yêu đương thành những chiếc hôn nồng,
Giấc chiêm bao gờn gợn những đường cong.
Hay là tôi đến…?
Dòng mắt em xanh,
Mong manh mong manh,
Nửa chiều sơ nguyện.

(cho Tuyết Hồng)


Anh cho em mùa xuân

Mỗi đêm một gói thuốc,
Hút nhiều nứt cả môi,
Nỗi buồn không nói được,
Nỗi buồn ăn vào tôi.

Trời mùa đông rừng núi,
Đời mùa đông vô cùng!
Bánh xe nào tung bụi,
Nhịp chim nào đã ngưng

"Anh cho em mùa xuân"
Giọng ca buồn quá sức!
Cô gái đầu cúi gục:
"Anh cho em mùa xuân".

Mớ tóc xanh đã bạc,
Mớ môi hồng đã phai,
Anh cho em gió lạc,
Anh cho em mưa dài!

Trời mùa đông rừng núi,
Đời mùa đông vô cùng!
Hút thuốc trong bóng tối,
Khói có bay lên không?

(Tặng Phạm Công Thiện)


Xin

Chỉ xin một nửa miệng cười,
Chỉ xin một phút bên người yêu thương,
Chỉ xin một chút dư hương,
Gọi làm duyên suốt nẻo đường viễn du.
Cố nhân, thôi đã tạ từ,
Dăm năm đấy nhỉ, thực hư thế nào?
Má còn làm thẹn hoa đào?
Mắt còn làm nhạt ngàn sao trên trời?
Tóc còn xanh thuở đôi mươi?
Lòng còn vui thuở hoa cười ước mơ?

Riêng đây từ lạc thế cờ,
Đắng cay cười cợt, ngẩn ngơ khóc thầm!
Trang tình sử, chuyện tri âm,
Khổ đau ai thấu được tâm sự này!
Phong yên từ độ những ngày…
Hậu đình hoa chẳng chau mày thế nhân.
Đỉnh đồng chưa vững ba chân,
Hai bờ cùng nổi phong trần cả hai!
Mắt sâu trắng những đêm dài,
Xin cho chút mộng để cài lên mi.
Ngày mai, thôi tính làm chi!

(Tặng N.T. Lê Tấn Lộc)


Chuyện buồn

Rồi những chuyện thần tiên bên xó bếp
Chẳng làm mê lứa tuổi đã ba mươi
Thầm ước ao thay đổi một chân trời,
Không thắp nến để tưởng rằng ánh sáng.
Quỳ mỏi gối nguyện cầu về Dĩ vãng,
Thuở xa nào em gái nụ mười lăm,
Giấc tiền thân sánh phượng một đêm rằm,
Xếp tình sử, gấp tay ngà làm gối.
Tuy thân thiết mà không hề tội lỗi,
Yêu say mê chẳng tính chuyện vuông tròn,
Bởi vì yêu là trốn bớt cô đơn,
Mà trói buộc làm phiền nhau biết mấy!
Chàng trai trẻ mơ phượng hoàng sẽ gáy,
Thời hoàng kim cửa mở suốt năm canh,
Có vị vua từ trong đám dân lành
Trốn không được đành lên ngôi cửu ngũ,
Luật pháp bỏ, dẹp luôn oai cuồng vũ,
Giếng đào đi, ruộng cày lấy mà ăn.
Nhưng buồn thay là những việc trên trần,
Thế Chiến quốc sao bày ra lắm thế?

Có kẻ yêu nhau vội vàng quá nhẽ,
Trao tờ thư, để ngỏ cửa khuê phòng,
Mà ái tình bốn vó ngựa truy phong!
Lứa tuổi ba mươi đời chưa vui mấy,
Buồn thương dạt dào cười mà lệ chảy:
Chuyện tài hoa người lớn chẳng thèm nghe,
Chuyện thần tiên con trẻ chẳng say mê,
Nên chuyện buồn nước mắt ngập tràn mi.


Thêm buồn

Tôi sẽ chết dễ dàng hơn đã sống,
Mắt không buồn vì nhắm đến muôn thu.
Con chim nào xanh, giấc mộng nào hư,
Lời bay bướm lặng dần vào dĩ vãng,
Ba mươi đến khỏi lo tiền cơm tháng!
Cô mỉm cười, cô có biết gì đâu!
Tôi từng nghe chó sủa suốt đêm thâu,
Và chim hót suốt mùa đông lạnh lẽo,
Ôi con chim hồng từng bay lạc nẻo
Đường trái tim hun hút thời gian.

Thuở xưa kia người ấy đẹp tuyệt trần,
Cao nguyên ngực, Thái Bình Dương mắt biếc,
Anh đào môi, tóc trường giang quấn riết
Tháp da ngà chưa một bóng du lang.
Tôi tới bên ai lời nói ngập ngừng…
Ốc đảo chập chờn giữa trưa sa mạc,
Gót ngọc quay đi, một người chết khát!
Thuở xưa kia thời mười tám, hai mươi,
Có chàng trai cười vẫn nở trên môi,
Tin tưởng lắm chuyện trên trời dưới đất,
Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất
Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm!
Khi ba mươi biết được chuyện xưa lầm
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,
Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ,
Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu.
Tôi hốt hoảng như một người phạm tội,
Tôi muốn chạy nhưng mà đường nghẽn lối,
Chúa thì xa, Phật cao vút từng không,
Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng,
Tiếng chuông Chúa không ru hồn kẻ khổ
(Một chiếc linh hồn mang mang thiên cổ)
Tôi tới bên em quỳ xuống nguyện cầu,
Em đẹp vô vàn như hạt trân châu,
Ai yêu mến mà không hề nói quá!
Nhưng than ôi em không là tượng đá
Đội thời gian nhìn kẻ thế nhân qua,
Tôi làm thơ để mang tiếng tài hoa,
Mà vần điệu chỉ là châu ngọc hão!

Thương vớ vẩn tự mình gây gió bão,
Trách vu vơ mà chẳng trách mình ngu,
Thời loạn ly khởi sự tự bao giờ!
Tôi sẽ chết vô duyên như đã sống,
Đất nghĩa trang có chắc chi còn rộng,
Không biết nằm đầu sẽ hướng phương nào?
Nghĩ thêm buồn cho câu chuyện mai sau.

(Tặng Lê Khắc Lý)


Hoài

Viết một bài thơ buồn nữa đây,
Đêm đêm nằm đếm đóm sao gầy,
Chao ôi ba chục năm trời nhỉ,
Mà vẫn còn mơ nguyệt mái Tây!
Từ thuở hai mươi lòng cứ tưởng
Ngàn năm tay đẹp vẫn trong tay.
Gió đâu bỗng đổi chiều xoay hướng,
Tình ở đầu môi, ở cuối mày!
Một giấc hoàng hoa chưa chắc tỉnh,
Nửa ly hoan ngộ lấy gì say,
Từng phen đất lạ thương thân thế,
Những trận cười như thoảng gió bay.
Khúc Phượng còn vang thề ước đó,
Lời hoa đành bặt ái ân này,
Hoa tàn, ước hão, thề suông vậy.
Bóng dáng thuyền quyên vẫn nước mây.
Tuổi trẻ đã đành khờ khạo quá,
Ái tình đâu đến kẻ thơ ngây!
Thời hai mươi ấy xa lăng lắc,
Khói lửa còn cay đôi mắt cay.

Chạnh chút niềm riêng ai oán tí,
Thương mà không nắm trọn bàn tay.
Tóc ai xanh phủ cù lao gối,
Phấn bướm bay đầy giấc bướm bay.
Còn hỏi: "Quên em rồi chứ nhỉ?"
"Quên rồi qua chén rượu không say,
Quên rồi qua lớp vàng son ấy,
Mi mắt thời gian khép lại ngay".
Tay ngọc nâng niu lầu ảo mộng,
Bao nhiêu người ngọc đã chuyên tay!

Dòng thơ lưu niệm dăm năm trước,
Tình cũ còn thơm hương Liễu trai.
Từ dạo tay không mơ nghiệp lớn,
Sử kinh qua một tiếng than dài!
Trường thành vạn dặm rêu xanh đá,
Thắng những ai mà bại những ai?
Đình trưởng một phen trời ngó lại,
Múa gươm trên mộ kẻ anh tài!
Hỡi ơi những chuyện ngàn xưa ấy
Chép miệng mà nghe thấm đắng cay!

"Kỷ độ long tuyền…" ngâm lạc giọng,
Mà non sông vẫn khói mù bay.
Ai mài kiếm rỉ, ai nâng chén?
Cửa sổ chiều chiều mây trắng bay.


Một mình

Nằm suông nghe gió lay rèm cửa,
Ba chục năm tròn, hai cánh tay
Buông xuống từ khi cười gượng gạo,
Má sầu lất phất hạt mưa bay.

Trang sách, trang tình: mới nửa trang,
Cớ sao lụt cả một trời trăng?
Bể Nam chim chẳng theo chiều gió,
Nhịp sóng trùng dương vẫn thở than.

Ôi hoa hàm tiếu, nụ sơ khai,
Một trận cuồng phong hoa tả tơi!
Những nụ môi hồng chưa kịp hé,
Vài giây hạnh ngộ đã qua rồi!

Bất tri tam bách… ngàn năm nữa
Tiếng thở than còn nguyên thở than!
Một bước chân người qua trước cửa,
Rồi xa, xa mãi chẳng dư vang.

(Tặng Lê Vinh Thiều)


Lại một bài thơ tâm tình

Lại một bài thơ tâm tình
Của người ba mươi tuổi chẵn,
Ai lại than dài, thở vắn,
Đau thì ngậm miệng làm thinh!

Từ khi sông núi ôm sầu,
Dân lành đành thân trâu ngựa!
Từ khi sông núi binh lửa,
Mấy người đục nước buông câu?

Ở đâu cỏ không dám mọc,
Nghênh ngang một lũ gian tà?
Ở đâu dân không dám khóc,
Tuy rằng đau thấu thịt da!

Mười năm mắt chưa ráo lệ,
Đầu tang nghiêng cạnh đầu tang,
Mười năm đàn con lạc mẹ,
Lòng nào mơ chuyện cao sang.

Ở đây ngàn hoa cứ nở,
Ngàn môi nhắp rượu ân tình,
Bên kia ngàn môi nức nở,
Ngàn hoa nhạt hết hương trinh.

Thế hệ những người đã khóc
Đứng lên góp một nụ cười,
Góp một cánh tay gân guốc,
Cho đời chỉ chớm đôi mươi.

Lại một bài thơ tâm tình
Của người ba mươi tuổi chẵn,
Ai lại than dài, thở vắn,
Dù trăm, dù vạn bất bình…

(Tặng Lê Sử)


Viết trang tình sử

Ai về xứ mộng, xứ mơ,
Cho tôi gởi ít vần thơ tặng nàng:
Sông Hương lắm chuyến đò ngang,
Chờ anh em nhé, đừng sang một mình.
Chờ anh kể chuyện tâm tình:
Từ anh theo đuổi những hình phù vân…
Thôi em, đã lỡ một lần,
Mấy năm đau khổ đã dần vơi vơi,
Nghĩ thương kẻ ấy sai lời,
Nghĩ thương em những mong đời anh nên.

Xa xôi nhiều lúc anh quên
Rằng em gái vẫn chong đèn đọc thơ,
Vẫn cầm duyên để đợi chờ,
Vẫn trông phượng đỏ hai bờ Hương Giang.
Chiều lên huyền hoặc bướm vàng,
Em như công chúa mơ chàng Thám hoa.
Không, em tôi còn mẹ già,
Còn đàn em dại, cửa nhà cậy trông.
Có ai nhắc chuyện lấy chồng,
Thì em đôi má ửng hồng thêm duyên.

Giận mình chưa đạt lời nguyền,
Anh không mong được chung thuyền ấy đâu.
Khi mô người bỏ cau trầu,
Cho anh biết để ủ sầu lên men,
Để anh vặn nhỏ ngọn đèn,
Viết trang tình sử cùng tên một người.

(Tặng Thế Viên)


Thì trang tình sử…

Có người thường hỏi thăm tôi
Viết trang tình sử tới hồi chót chưa?
Có trăng vàng ngập phên thưa?
Có đêm chăn gối nghe mưa ngoài trời?
Thưa rằng: Không viết nữa rồi,
Một trăm câu chuyện trên đời giống nhau!
Ai làm cho tóc bạc đầu?
Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ?
Đã đành là việc riêng tư,
Đã đành là để tờ thư võ vàng,
Đã đành lắm chuyến đò ngang,
Sông sâu khá dễ… nên sang một mình.
Làm trai mơ khúc Hậu đình,
Trách chi thương nữ mang tình bán rao!
Đời đếm vàng đọ yêu đào,
Cho nên son phấn dự vào gió sương.
Góp tài hoa dựng đoạn trường,
Ba trăm năm nữa ai thương chúng mình?
Nói chi chuyện nhục cùng vinh,
Giai nhân thất thểu, thư sinh thẫn thờ.

Chẳng thà liều một thế cờ,
Đem thân trai đổi những giờ thịnh suy,
Chẳng thà liều một chuyến đi,
Để đôi người bạn chờ khi trở về.
Còn hơn nhìn mãi vết xe,
Còn hơn nhớ mãi trăng thề năm nao?
Còn hơn cháo múc tiền trao,
Tóc xanh bạc tóc, môi đào héo môi.
Chong đèn khuya viết chuyện đời,
Tình xưa sử nến hỡi ơi còn gì!

Mười lăm năm: một Kiều nhi,
Ba mươi năm hỏi làm chi bây giờ?
Tâm tình: lỗi một đường tơ,
Thế tình: loạn giữa hai bờ lợi danh,
Nhân tình: khi rách, khi lành,
Thì trang tình sử lại đành dở dang.


Tình xưa sử nến

Hoang sơ tím áo nữ kiều,
Ngọt môi mùa loạn ngàn xiêu gió thành.
Mộng vừa rụng ngọc Oanh Oanh,
Nửa đêm cùng nửa tuổi xanh dâng chàng.
Tình xưa sử nến dăm hàng,
Gối hai thứ tóc, tay choàng tâm tư.
Sơ giao, tiết tấu, tờ thư:
Chữ Chân cùng với chữ Hư hẹn hò:
Rằng em người xứ Long Hồ,
Rằng nhà em ở bên bờ Tiền Giang…

Bỗng dưng không tiếng oanh vàng,
Mà sao giấc mộng yêu nàng bỗng dưng…
Thương thương huyền hoặc, nửa chừng,
Bóng gầy chiếm hết một vùng không gian.


Niềm bể dâu này

Ta viết bài thơ thương nhớ đây,
Run run tay ấy nắm tay này,
Bao lâu em lạc hồn ta nhỉ?
Đô thị cười nghiêng mí mắt gầy.

Ta vẫn chờ em héo cả thơ,
Đèn khuya đêm trắng nẻo tương tư.
Tóc tơ có kẻ ngàn năm hẹn,
Ai hẹn ngàn năm chuyện tóc tơ?

Từ thuở quen nhau, rồi cách biệt,
Lòng nghe còn nặng chuyện tang thương,
Mà dâu bể dậy từ chinh chiến,
Từ thuở trên đầu tóc điểm sương.

Mê lối vàng son, lạc những đâu?
Em ơi! Má thắm có nguyên màu?
Bên hiên Lãm Thúy câu tình tự,
Niềm bể dâu này tiếp nối nhau.

(Tặng Vũ Thược)


Xin thật im

Thật im, thật im, nghe kìa em đêm cạn,
Trắng dờn sương mà lạnh thấu tâm can.
Miệng cười ư? Sao lệ vẫn đôi hàng?
Hứa hẹn hão! Không buộc lời gió lại.
Tay đã giao tình, việc đời oan trái,
Hay là ngu, là dại, là rất điên!
Em dẫn tôi qua nhiều xứ ưu phiền,
Chim gãy cánh, sao rơi, hoa héo rụng!
Và mắt tôi khi không còn mơ mộng,
Và hồn tôi không hát thơ yêu,
Vốn tài hoa nên tình cũng rất kiêu,
Chọn lựa quá nên tôi nhầm đến chết!
Đời gian ngoa mà mình không quỷ quyệt
Nên đành thua cho đến trắng hai tay!
Trách gì ai đường nghĩa địa buồn thay!
Xe dẫn xác lắc lư từng vó ngựa…
Xin thật im, thật im, im thêm chút nữa.
Ồ vô duyên đừng vờ thế em ơi!
Kìa xem trăng ngã ngửa đã lâu rồi,
Chim vỡ cổ vì cất cao giọng quá!

Bởi tin lắm nên không ngờ dối trá,
Bởi miệng hoa còn biết gửi hôn yêu,
Ai dựng bình minh bằng ánh nắng chiều,
Và sao rụng chứ không phải là hoa nở,
Cửa lòng đóng, cửa mồ kia sắp mở,
Xin im giùm, thật im nữa, em ơi!
Đừng có thời gian em đã chẳng xa tôi.


Thu

Bỗng dưng không hẹn mà thu tới,
Sông: một dòng thu chảy lặng lờ,
Lá úa: chút lòng ai khắc khoải,
Tòng ai chẳng rụng với mưa thu!

Cặp mắt thu kia còn lạnh lạnh,
Môi thu nhà ấy nhạt màu son,
Hồn thu vương vấn theo đôi cánh
Áo trắng mùa thu nắng héo hon.

Trên lớp thành xưa rêu phủ đá,
Nhạc buồn còn đọng giọt mưa thu.
Phòng khuê phấn nhạt, hoa tàn tạ.
Mà bóng tình quân vẫn mịt mù.

Người đẹp thu về tan ước mơ,
Thiên thu còn lại những vần thơ:
"Hàn y xứ xứ thôi đao xích…"
Riêng một lòng đây chịu hững hờ.

Nguồn: Tạ Ký. Sầu ở lại. Quế Sơn - Võ Tánh xuất bản lần thứ hai vào cuối xuân Tân Hợi (1971) ba ngàn bản in trên giấy Bạch Tuyết, năm mươi bản in trên giấy Thanh Thảo. Giấy phép số 1316 BTT/PNHT ngày 2-4-1971