BÓNG CHIỀU
( Truyện ngắn trích trong tác phẩm Hoàng hôn thôn Vỹ )
Thanh dạo bước mãi khúc đường nhỏ vắng vẻ. Con hẻm quen thuộc này ngày xưa anh vẫn lui tới hàng ngày. Đường vào Thành nội loanh quanh qua những xóm nhà ngói, bây giờ mái ngói nâu đã hoá ra màu xám buồn nên ngó càng ủ ê hơn. Dạo ấy anh đạp xe đạp như một quán tính. Lảo đảo lượn lờ vài khúc quanh nơi mấy gốc đa cổ thụ, rễ nổi lên chằng chịt khắp mặt đường, bò ngoằn ngoèo như thân rắn mốc thếch. Bánh xe chồm lên hụp xuống nhiều đợt như thế là tới. Nhà người ta nằm khuất sau hai hàng dâm bụt rậm rạp uốn nửa vòng tròn, dày những lá xanh đen, thỉnh thoảng nở ra trên đó dăm bông hoa đỏ chói, nhụy vàng hoe lí lắc mọc vươn ra lộ liễu. Mảnh sân lát gạch vuông đỏ óng hồi trước nay đổi màu bẩn thỉu, xỉn lại và nứt nẻ. Thanh chưa vào trong đó, anh còn đứng ngoài lộ, nhìn vào quan sát cảnh cũ và không thấy dáng ai. Đang là mùa đông bên kia, anh về nước sau đêm thức trắng cùng vợ con đón chào năm thứ nhất của đệ tam thiên niên kỷ. Sáng tinh mơ, Tâm đưa anh ra phi trường khi Los Angeles còn mờ sương và tiết trời êm ả mát lạnh. Vợ anh người Bắc kỳ 54, sống ở Nam lâu ngày từ lúc gia đình chị mới di cư. Bản tính vốn hiền lành, chị hiếm khi thắc mắc về mớ dĩ vãng mù sương của người chồng thích làm thơ. Suốt một đời chỉ biết loay hoay lo cho chồng con, chu đáo và yên lặng. Nếp nhà của họ không gợn sóng có lẽ nhờ Tâm vô tư hay đúng ra là nép mình hy sinh. Cuộc sống là thế. Thanh lẩm bẩm triết lý vụn một mình, trong hai người phải có một kẻ chịu nhún nhường thua thiệt, thế là đời êm. Khi quay về cố hương, anh gom cả tâm tình mong sẽ sống trọn vẹn với tình cảm thời trai trẻ. Và thuở ấy sóng gió biết chừng nào. Bao nhiên bài thơ của anh đã vương vất những bóng hình kiều diễm của Huế. Hồn anh trào dâng để ngợi ca dáng dấp yểu điệu nàng Quỳnh Uyển, làn tóc mơ mòng của người đẹp Yên Chi, nét môi nũng nịu cô nàng Xuân Miên và những mắt nhìn long lanh hàng chục giai nhân khác...Huế của anh là tất cả núi sông linh động ấy.
Cho tới buổi chiều thứ ba khi về Huế, anh quả quyết bước vào ngỏ ngôi nhà số 13 đường Âm Hồn. Thanh nhẹ gót điểm chân lên bậc tam cấp và đưa tay gõ lên cánh cửa gỗ lớn có lát kính, màu gỗ sơn loang lỗ, lớp sơn bong ra từng mảng. Dán mắt nhìn qua khuôn kính ố vàng anh ngó thấy sâu bên trong thấp thoáng những đồ đạc bằng gỗ âm u phủ lớp bụi mờ. Hình như không gian cũng già nua theo năm tháng. Bởi vì ngày ấy, căn nhà thênh thang, cửa nẻo luôn mở toang cho nắng sáng lòa tràn lấp vui tươi. Sập gụ nâu bóng lộn, trường kỷ chạm trổ hoa lá cầu kỳ, trên hàng cột gỗ lim đen ngời những câu đối hoành phi mạ vàng lấp lánh. Giữa phòng khách là bàn thờ tổ tiên đồ sộ chưng hoa tươi hái quanh vườn, cùng trái trăng mòng mọng thay đổi theo từng mùa. Thanh ngập ngừng gọi cửa lần thứ hai. Mãi mới nghe có tiếng người sai bảo. Rồi một chú bé trai loắt choắt từ đâu phía sau, nơi nhà ngang vụt chạy lên tiến ra mở cửa. Nó trố cặp mắt đen tròn như hai hòn bi nhìn khách. Anh hỏi:
-Đây có phải là nhà cụ Hường Phạm không?
Thằng bé lắc đầu thưa:
-Dạ con không biết, để con vào hỏi ngoại.
Thanh chờ. Anh quay ra ngắm vườn. Hàng nhãn phía sau xa nay già nua, cây nào cũng nổi lên những cục u và lá thưa thớt. Xa hơn ngăn cách với nhà hàng xóm là lũy tre xanh ngắt, cành mềm mại đong đưa theo gió chiều. Gần hơn, mấy cây mãng cầu ra lộc non trong veo lá xanh như ngọc. Giữa vườn nơi chiếc bể cạn bề thế, những cọng súng mảnh mai mọc vươn lên khỏi mặt nước lặng lờ, đang tươi cười nở những cánh hoa tím hồng. Thanh ngắm nghía những gộp đá xám sù sì xếp khéo léo thành hòn giả sơn gập ghềnh. Đây là chiếc cầu xinh xinh bắt qua con suối rì rào, kia là dáng trầm tư ông Lã Vọng đang ngồi câu cá. Cây tùng vặn vẹo đứng cạnh tháp chùa rêu phong có mái cong vút, anh như nghe vẳng lên mơ hồ hồi chuông đồng vọng. Thiên nhiên thu nhỏ này khiến anh mềm lòng. Hình như thời gian ngưng đọng nơi đây, anh ngẩn người nhớ tiếc mông lung.
Chú bé lon ton trở ra vòng tay lễ phép mời anh vào nhà. Trong nhà tối om dù chiều chưa tới. Thanh lần mò bước quanh theo lũ ghế bàn im lìm nơi phòng khách. Tuy không thấy chủ nhân đâu nhưng anh chợt nghe một giọng phụ nữ trầm đục khẽ khàng lên tiếng:
-Xin mời ông ngồi ạ. Dạ thưa, có phải ông muốn hỏi thăm cụ Hường? Nhưng thật không may, ông cụ chúng tôi đã mất từ mười năm trước!
Thanh quay đầu tìm kiếm. Một người đàn bà luống tuổi đang ngồi khum khum lưng trên bộ ngựa đặt cuối phòng. Anh thấy lập loè đốm lửa đỏ giữa lòng bà ta. Nhìn kỹ thì ra là than hồng đang âm ỉ cháy của chiếc lồng ấp. Huế mùa rét người già quen sưởi ấm bằng kiểu cách này. Nhìn cái lồng ấp Thanh chợt nhớ hồi còn bé tí, mỗi lần tay chân lạnh buốt vì hàng giờ mải mê chơi ngoài sân lạnh, anh lại chạy vào nhà để rúc vào lòng mẹ đòi hơi ấm. Me luôn ủ một trách lồng ấp ấm ơi là ấm, lớp than hồng tươi vui đỏ rực phủ hờ dưới làn tro xám nhạt. Thanh đã tinh nghịch lấy que củi khươi lên hòn lửa nhỏ xíu, rồi chúi mũi vào hít hà khoái trí. Nhiều bữa tóc tai Thanh khét lẹt vì bắt lửa mà cu cậu vẫn không chừa. Me mỉm cười âu yếm xoa bù mớ tóc tơ mềm mại của thằng con trai út cưng nhất nhà. Thanh ngửi mê mùi thơm và hơi ấm tỏa ra từ lớp áo len của me, vừa vòi vĩnh me cho bắp rang nhấm nháp. Thanh miên man nhớ về tuổi thơ dại... Chiếc lồng ấp là một cái nồi bằng đất sét nung già lửa, khi me vừa mới mua từ chợ Đông Ba về, Thanh nhớ nó có màu gạch cam tươi rói, chứa trong một cái giỏ đan bằng những thanh nan vót êm từ cật tre, xếp theo hình lưới xeo xéo và khuôn vừa khít cái nồi đất dáng bầu bầu. Lồng tre uốn thắt ở đáy nồi nhưng xòe ra vững chãi phía dưới chân đế. Me vẫn sai Thanh vào bếp tìm gắp những cục than đỏ rực bỏ vào nồi của lồng ấp. Cậu bé luôn đổ tro cũ đi và cẩn thận thay vào một lớp tro than mới khác, màu xám mịn. Sau đó gắp than chín đỏ vào, xong đâu đấy phải nhớ rải thêm lên trên mặt lượt tro mỏng để giữ cho lửa lâu tàn . Mùa đông xứ Huế lạnh căm nhưng tuyệt vời vì có chiếc lồng ấp, vì chảo bắp rang nóng hổi chờ đợi... Trời mưa trời gió tơi bời ngoài kia, trong nhà mình vẫn vui đùa sung sướng bên cạnh ba me và anh chị.
Thanh đến gần bộ phản. Và anh bước lùi lại. Trước mắt Thanh là bà cụ Thượng hay sao? Nhưng anh nhớ rõ mẹ của người ấy đã qua đời lâu rồi trước khi bọn Thanh leo lên bậc đại học mà! Thanh nghiêng mình tới cố nhìn cho rõ hơn. Anh thưa:
-Tôi là Thanh, Lê Kiêm Thanh từ xa về đây muốn hỏi thăm người thân nhà cụ Thượng Phạm ạ.
Chiếc lồng ấp bị đẫy ra xa, người đàn bà luống tuổi ngồi thẳng lưng dậy, ngẩng mặt nhìn chăm chăm vào ông khách. Anh sững sờ vì bà ta là người ấy. Thụy Mai của anh ngày xưa là đây, nhưng thoạt nhìn anh đã không thể nhận ra nàng. Vẻ ủ dột đan lên khuôn mặt thanh tú cô ấy những sợi chỉ mảnh hằn sâu quanh môi, nét trẻ trung không còn đâu nữa. Làn môi mọng chín đã bao lần anh tham lam tìm kiếm hương vị ngọt ngào nay khô héo. Thanh lắc lắc đầu, như cố xua đi nỗi đau vừa ập đến khiến nhói tim. Thanh hỏi:
-Thụy ... À... thưa bà, thưa chị, đã lâu quá bạn bè không gặp nhau. Chị và gia đình vẫn bình an ạ?
Bà già hay đúng hơn là Thụy Mai vội vàng rời khỏi bộ ngựa, rời chiếc lồng ấp, nhẹ nhàng bước ra chỗ đặt trường kỷ tiếp khách. Cô không trả lời câu thăm hỏi của khách, chỉ nói trống không:
-Đã hơn ba mươi năm ông mới về lại đây?
Thanh khe khẽ gật đầu. Không chờ bạn mời anh tự ngồi xuống chiếc đôn nhỏ đối diện người bạn gái cũ. Thanh nhìn quanh như để trấn tỉnh, anh thấy đồ đạc chưng trong phòng không thêm bớt chi nhiều, vẫn quen thuộc như xưa. Có khác chăng chỉ là người. Cụ Hường Phạm, chủ nhân đã khuất núi. Thanh đứng lên bước tới trước bàn thờ tổ tiên nhà nàng, thắp nén nhang mặc niệm. Qua làn khói hương ẻo lã, anh mơ hồ thấy lại hình ảnh phương phi của vị cử nhân cuối triều Nguyễn. Vị Hường lô này vốn là công chức hưu trí nhưng ngay sau đó phụ trách chứng chỉ Lịch Sử Triết Đông Phương ở Văn Khoa Huế. Anh là môn sinh tâm đắc của vị thầy khả kính họ Phạm. Lê Kim Thanh còn may mắn được cụ kết làm bạn vong niên. Hôm đầu tiên tìm đến nhà thầy để xin tra cứu tài liệu cho bài khảo luận về Văn học Nhà Trần; tủ sách Việt Hán của Giáo sư Phạm nổi tiếng với những sách qúy hiếm mà đôi khi ngay cả nơi Thư Viện lớn của Viện Đại học cũng không tìm thấy; Anh làm sao quên được “coup de foudre” hôm ấy.
Sau khóm tỉ muội trồng gần bễ cạn thấp thoáng dáng một thiếu nữ áo lụa vàng mơ, cô đang nghiêng đầu ngắm những nụ hoa trắng xinh vừa hé nở. Thanh không thấy rõ mặt nàng, nhưng đoán chắc là đẹp. Bởi vì mái tóc thề đen như mun nửa thả che chiếc lưng thon nửa hững hờ buông trước ngực khẻ gợn nét thanh xuân. Chừng ấy thôi đã khiến anh ngẩn ngơ hồn. Giữa lúc đó một con chó vện hung hăng từ đâu xông tới nhe nanh múa vút và gầm gừ trước chân Thanh. Anh hơi ơn ớn chú khuyển, kêu cứu người nhà nhốt chó. Cô gái rời khóm tỷ muội vội vàng chạy đến. Cô ta vòng tay ôm cổ con chó đang lồng lên xông vào đòi cắn khách. Tiếng cô suỵt suỵt con vện nghe vui tai. Rồi cô ngước mắt lên nhìn anh. Thanh chới với trước ánh mắt đen láy của thiếu nữ. Hương Giang khi nổi sóng e cũng không làm anh chao đảo như lúc nàng đăm đăm nhìn mình lúc ấy. Thanh khe khẽ chào. Anh hỏi:
-Giáo sư có ở nhà không ạ. Thưa chị, tôi là học trò của thầy, giáo sư có hẹn với tôi hôm nay đến lấy bài.
Cô gái mỉm cười. Thanh lần nữa xao xuyến. Trên đôi má phinh phính lúm xuống hai hạt gạo tròn xinh. Và nàng thỏ thẻ:
-Ba bận lên viện họp bất ngờ bữa ni. Nhưng ba dặn có anh sinh viên mô tới thì nói họ chờ ba về. Rứa ông là người nớ?
Thanh gật đầu. Cô gái đứng dậy nới tay giữ chó. Chú vện lại gầm gừ chưa chịu thân thiện với khách. Cô chủ liền mắng:
-Vện, im không! người quen mà!
Rồi cô lôi Vằn đi vừa quay lại nhìn anh, đưa tay chỉ vào nhà lớn:
-Mời ông, vô nhà ngồi chơi, chờ thầy về.
Thanh không vào nhà, đứng yên một chỗ nhìn theo “người đẹp và ác thú” đang tung tăng về cuối vườn cây. Anh thấy cô cúi xuống thầm thì với Vằn một lúc, sau đó cô cầm cây sào tre chọc chọc lên khóm cây ổi, có lẽ để tìm quả đãi khách (?) Anh cười thầm một mình. Thanh thấy trái tim mình đập rộn ràng. Thanh ngó trời, hôm nay sao xanh thế, mây trắng vờn bay, tiếng chim sẻ ríu rít khắp vườn. Thiếu nữ lát sau quay lại, hai tay ôm đầy một ôm cành ổi lẫn mươi trái ổi rám hồng. Cô tròn mắt vì thấy ông khách chưa chịu vô nhà. Cô lên tiếng:
-Xin lỗi ông, tôi quên đưa ông vào thư viện của thầy. Ba biểu, các ông khách trẻ là học trò phải đưa họ vào thư viện.
Nói xong cô ta xăm xăm dẫn lối. Thanh lần bước theo sau. Nhìn dáng thiếu nữ uyển chuyển. Hai bàn tay nàng bận ôm mớ trái trăng vòng ra đằng trước ngực. Mái tóc xõa xuống quá nửa lưng khẻ lệch một bên vì cô ta đi mà nghiêng nghiêng cái đầu nhỏ. Thanh mãi ngắm nàng nên suýt đâm sầm vào cô gái khi người đẹp chợt dừng lại bất ngờ nơi ngưỡng cửa phòng đọc sách. Thư viện tuy nhỏ nhưng quanh bốn bề là những kệ gỗ cao xếp đầy ắp những sách là sách. Không đợi mời, Thanh sà ngay vào ngăn bên trái đưa tay sờ gáy hàng sách cũ kỹ bìa được đóng bằng tay, kết bằng chỉ ngó thiệt công phu và quý giá hết sức. Thiếu nữ lặng lẽ rút lui như tôn trọng khách mê sách. Cô là con gái của vị thâm nho, nên cô từng hiểu rằng “Thư trung hữu mỹ nhân”.
Khi anh đang chăm chú đọc những trang chi chít của tập Văn học Thiền Tông, cô bé lỉnh kỉnh đem vào một tách trà nóng, cô đặt lên chiếc bàn nhỏ nơi góc phòng rồi quay ra ngay. Thanh chưa kịp cám ơn thì người đẹp đã mất dạng. Hương sen thoang thoảng bay lên, Thanh hớp chút nước trà thanh mà tưởng chừng như đang hít sâu vào buồng phổi hương sắc nàng. Sau đó anh tiếp tục làm việc quên cả thời gian. Mãi cho tới lúc mặt trời đứng bóng giáo sư Phạm mới trở về. Hai thầy trò bàn luận sôi nổi về chuyện gì trên trường đến quá giờ cơm trưa. Thiếu nữ xuất hiện mời:
-Thưa ba dùng cơm, và thưa ông...
Cô gái lễ phép quay qua người sinh viên:
-Vì không biết có khách để chuẩn bị nên cơm canh đơn sơ, xin lỗi ạ.
Cô ta tủm tỉm cười với giáo sư. Thanh luýnh quýnh vội đứng lên:
-Xin phép thầy cho con về. Con vô ý quá đã quấy rầy thầy và chị làm trễ giờ ăn, xin lỗi...
Vị giáo sư già phì cười trước vẻ bối rối ấy. Ông nói:
-Cậu ở lại dùng cơm mắm cơm ruốc với thầy cho có bạn nghe!
Thanh đỏ mặt vì cô gái cứ đứng đó nhìn như đợi anh trả lời để dọn ra bữa ăn. Anh gật đầu vừa lí nhí không rõ lời gì trong mồm. Thiếu nữ dăm phút sau lại quay vào phòng đọc sách, cô thưa là cơm canh đã sẵn sàng. Sau đó ba người ngồi xuống quanh cái bàn gỗ trắc đặt nơi phòng khách, trên đó bày một mâm mạ bạc có sắp mấy món rau dưa và thố cơm trắng đang bốc khói thơm mùi lá dứa đến gợi thèm. Anh cầm đũa và nâng chén:
-Xin mời thầy thời cơm.
Rồi hướng về cô gái, mặt Thanh đỏ bừng:
-Mời chị.
Cô bé cười khì đáp lễ:
-Không dám ạ! mời ...em!
Thầy Phạm trừng mắt mắng đứa con lí lắc:
-Thụy Mai không được giỡn hỗn! Nói năng cho đàng hoàng coi!
Thiếu nữ lý sự:
-Thì tại anh kêu con bằng chị mà!
Thanh lại đỏ mặt, nghĩ thầm con gái chi mà hung hăng...Anh cười nhẹ trả miếng:
-Cũng tại chị xưng tôi là ông.
-Rứa ông mấy tuổi rồi? Tui nghĩ là dám thua tui lắm?
Thầy Phạm tức cười trước hai người trẻ thoạt chưa quen đã gây gỗ, ông làm hòa:
-Cho hai người kết làm anh em là yên nhà lợi nước. Con Mai ban C, vài năm nữa lên Văn Khoa, ba nghĩ con là hàng em út của cậu Thanh, còn Thanh sang năm nữa mới ra trường, thôi thầy cho con làm sư huynh của Thụy Mai. Răng như rứa được chưa quý vị?
Họ như thế đã là tình thân sau buổi cơm được vị giáo sư già tuyên bố cho hai người kết làm anh em. Thời gian qua và tình cảm của Thanh-Mai càng đậm đà gắn bó. Khi Thụy Mai qua trường Quốc Học vào lớp đệ nhất cũng vừa lúc Thanh tốt nghiệp đại học. Anh nhận được sự vụ lệnh vào Quảng Nam phụ trách môn Triết lớp đệ nhất trường Trần Qúy Cáp. Hôm đưa tiễn Thanh lên sân ga xuôi vào xứ Quảng, Thụy Mai buồn rưng rưng nước mắt. Thế là từ đây cô không còn được nũng nịu với sư huynh, người anh kết nghiã luôn chìu chuộng cô. Dù không ai nói ra lời thệ ước, nhưng mỗi người đều thầm biết họ đã là của nhau. Một ngày không xa sẽ kết duyên giai ngẫu.
Dù hai người cách biệt nhau hơn trăm cây số ngàn đường chim bay, qua một con đèo bạt ngàn cỏ lau ngát xanh, qua ven bờ biển xôn xao sóng gió, nhưng tình họ vẫn gần trong gang tấc. Những lá thư xanh ngày càng đượm nồng và chất ngất niềm thương nỗi nhớ. Mỗi kỳ nghỉ lễ, Thanh vội vàng quay về Huế sống với ba me. Hằng ngày anh lui tới nhà giáo sư Phạm, để hàn huyên với vị tôn sư khả kính, nay mai sẽ là nhạc phụ, nhất là được quấn quýt bên người yêu xinh tươi. Gia đình đôi bên tuy chưa chính thức tổ chức lễ nghi đính ước, nhưng đã dự tính khi Thụy Mai tròn tuổi hai mươi vào sinh nhật lần tới. Tuy nhiên làng trên xóm dưới, họ hàng hai người đã mặc nhiên công nhận Thanh-Mai đã là của nhau.
Huế cỗ kính khắt khe đối với thứ tình cảm ngoài vòng lễ giáo, lại tỏ ra bao dung khi chứng kiến những đôi lứa yêu nhau trong sự bảo bọc của gia đình. Tình yêu của Thanh-Mai vì thế đã nở rộ như hoa mai ngày Tết, tươi thắm như sắc phượng mùa hè. Cố đô với biết bao phong cảnh hữu tình cho hai người tha hồ tìm đến để thề non hẹn biển. Những vòng nan hoa xe đạp loang loáng đưa đôi bạn rong chơi từ miền cát biển trắng xóa Thuận An, đến rừng thông Thiên An rạt rào mà yên tĩnh. Chùa chiền trầm mặc khi tìm đến làm cho tình họ thêm sâu lắng, lăng tẩm uy nghi giữa chốn núi non càng khiến tuổi trẻ của hai người nên thơ hơn...Đâu đâu cũng lưu dấu chân kỷ niệm khó phai của đôi lứa. Thời gian qua đi càng đong đầy tình cảm hai người. Cho nên sự xa cách người yêu khi Thanh quay về với nhiệm sở đã thôi thúc anh mong sớm đến ngày đám cưới để được chung sống không đứt đoạn với vị hôn thê đáng yêu.
Nhưng đến Tết năm sau không may mẹ của Thanh bất ngờ qua đời vì bệnh tim. Bởi chịu đại tang nên hai người không thể kết hôn như dự định vào mùa hè. Theo tục lệ nếu không cư tang ba năm, ít ra họ cũng phải đợi hết giỗ đầu. Cùng năm ấy, vào mùa thi Thanh được giao trọng trách làm Phó Chủ Khảo kỳ thi Tú Tài I ở Đà Nẵng, nên anh không trở lại Huế nghỉ hè suốt ba tháng như mọi năm. Sau đó thư từ cũng thưa thớt gửi về. Phần Thụy Mai, cô đang ráo riết lo chuẩn bị cho kỳ thi vào Sư Phạm Anh Văn, nên hằng tuần cô chỉ viết một thư ngắn cho chàng. Cô không cảm thấy việc nhận thư ngày một ít đi hoặc nếu không thì những lá thư xanh từ Hội An gửi ra cho cô hình như quá ngắn ngủi.
Mùa thu đến, Văn khoa Huế rộn rịp khai giảng, trường Sư phạm đón thêm cô sinh viên xinh tươi vào học. Thụy Mai yêu kiều nhưng đằm thắm thùy mị hơn bao giờ, đã khiến cho trái tim các chàng trai Văn khoa “Morin” thổn thức, muốn được làm quen, và tình nguyện đón đưa nàng. Nhưng thiếu nữ có vẻ xa vắng, hững hờ. Ánh mắt trong trẻo đôi khi thoáng chút đăm chiêu. Cô thích tìm ra bao lơn đứng một mình nhìn mông lung về phiá chân trời. Vệt núi Kim Phụng tím thẩm hơn trong ráng chiều lồng lộng, rọi xuống mặt nước Hương Giang gờn gợn sóng nhưng sao cô thấy im sửng và câm nín như lòng mình lúc ấy. Đã hai tháng qua Thụy Mai không có thư. Nhưng cô tự ái không viết gửi vào cho “ai” dù thời gian lúc này không còn bận rộn như trước kia nữa. Thụy Mai chờ đợi.
Mùa đông đến với gió lạnh căm căm. Trong khi hầu hết những bạn bè Văn Khoa của Mai nô nức tập dượt văn nghệ. Năm nay họ sẽ tham gia vào tổ chức ba đêm đại hội mừng Tết của toàn liên khoa đại học Huế. Thụy Mai dửng dưng, cô cảm thấy mình già nua giữa đám bạn bè trẻ trung. Cô sẽ tròn tuổi hăm mốt vào đầu mùa hè sắp tới, nhưng nay sao cuộc đời đã u ám? Chiều hôm qua, giáo sư Phạm tự dưng hỏi thăm con gái, bạn trai của cô năm nay có về quê ăn Tết không? Thụy Mai im lặng không biết trả lời sao với cha già. Mai bỏ đi ra vườn. Ngoài ấy, những cọng súng khô héo nằm gục xuống quăn queo từ lâu trong bể cạn. Khóm Tỷ muội không ra hoa và hiu hắt cành gầy. Cây ổi thì xơ xác lá. Xa xa rặng tre đứng buồn hiu. Không gian như lây vẻ phiền muộn cùng thiếu nữ. Giáo sư Phạm tinh ý nhận xét hai người trẻ thân yêu của ông hình như có sự gì không ổn đã xảy ra. Hè, vắng mặt cậu ta. Thư từ lại không có một chữ gửi thăm ai. Con gái cưng của ông trước kia yêu đời nhí nhảnh bao nhiêu nay âm thầm một bóng đi về. Không khí trong nhà trở nên ảm đạm. Giáo sư im lặng đợi chờ, nhưng mỗi ngày qua đi ông chỉ nhìn thấy vẻ ủ dột của Thụy Mai. Cứ thế mà dòng thời gian lặng lẽ trôi. Hè lại tới, Thụy Mai xin phép cha già vào Đà Nẵng ở chơi với người bạn gái đồng môn chừng tuần lễ. Bích Trâm là cô bạn Mai mới kết thân từ hồi hai người cùng đậu vào Sư phạm Anh văn. Quê ngoại Trâm ở đâu trong Hội An, ba má có cửa tiệm tạp hóa tại Chợ Hàn. Mai từ lâu ước ao du ngoạn cảnh chùa Non Nước, nổi tiếng với “Ngũ Phụng Tề Phi”. Luôn dịp sẽ thăm thú phố cổ Hội An. Từ thâm tâm Thụy Mai muốn tự tay “giải phẫu” cuộc tình của mình xem hư thực ra sao để đối phó. Phố Hội cũng là nơi chàng đang trú ngụ!
Đà Nẵng oi bức quá, chiều hôm đầu tiên tới đây, Trâm rũ Mai qua Sơn Chà tắm biển. Con gái Huế thường mắc cỡ đâu dám phơi bày thân hình lộ liễu trước mắt thiên hạ, nên Mai theo bạn sang đó chỉ để lang thang trên bờ ngắm cảnh hoàng hôn. Mây trời lớp lớp dồn dập từ núi xa kéo về, xây trùng điệp những thành quách hùng vỹ. Ánh mặt trời sắp giãy chết chiếu lộng lẫy muôn sắc huy hoàng, Mai muốn khóc trước cảnh thiên nhiên rực rỡ này. Sóng biển ầm ì, gió biển rạt rào thổi, Mai nép mình dưới gốc thùy dương nhìn đăm đăm ra khơi, nơi ấy một bóng hải âu đang soãi cánh, in lên nền trời nét buồn cô đơn. Bích Trâm ái ngại vì cảm thấy bạn mình hình như có tâm sự gì u uẩn. Nhưng cô không dám hỏi han. Trâm hiểu người Huế thường kín đáo. Và Trâm chỉ còn biết chờ đợi bạn chia xẻ tâm tình mà thôi.
Qua buổi sáng ngày thứ ba ở Đà Nẵng, đôi bạn rủ nhau đi ăn điểm tâm ở quán bánh bèo chén nổi tiếng góc trường Nam Tiểu học. Trong lúc Mai còn ngơ ngác tìm chỗ ngồi vì Bích Trâm bận ríu rít tay bắt mặt mừng với mấy cô bạn xứ Quảng. Nghe họ líu lo chuyện trò Mai không khỏi bật cười. Ở Huế, Bích Trâm ít át bao nhiêu thì nay rộn ràng liếng thoắng nói cười không dứt miệng. Trâm vẫn bị bạn bè tinh quái ngoài ấy chọc quê nhại theo giọng của cô nàng, nên Trâm đã quen im lặng, chỉ chúm chím cười nụ cho yên thân. Mai dành được một chiếc bàn còn trống. Từ góc này cô kín đáo quan sát mọi người trong quán, còn có thể ngắm cảnh vật ngoài cửa sổ. Một lúc sau Bích Trâm tìm đến với Mai, cô kéo theo chùm bạn ồn ào của mình. Ba người con gái trông mặt mày sáng sủa dễ coi. Họ nhìn Mai chằm chằm, có lẽ muốn phân tích phong cách con người cố đô, bạn của bạn họ. Mai đoán Bích Trâm chắc chắn đã ba hoa chích chòe quá lố về mình. Nếu không tại sao người ta lại săm soi nhìn ngắm Mai còn hơn xem xét trước khi mua một món hàng như thế. Trâm giới thiệu hai phe qua loa:
-Thụy Mai, bạn chí thân của tao ở ngoãi!
-Yến, Lan, Tuyết kết nghĩa với mình từ hồi Tiểu học lên hết Trung Học ở Faifo.
Mai nghiêng đầu duyên dáng chào và nói nhỏ:
-Mình nghe Trâm nhắc các chị mãi, nay mới hân hạnh được làm quen.
Thoáng thấy Trâm tròn mắt, vì hắn nghĩ thầm có khi nào mình nói chi với Mai về lũ bạn qủy sứ này đâu. Yến, cô gái đậm người, tóc cặp đuôi, thả dài lê thê. Cô ta có khuôn mặt tròn, làn da rám nắng màu bánh mật. Yến cười toe, láu táu nói một hồi:
-Chị là Thụy Mai, hoa khôi trường Văn Khoa phải không? Con Trâm khoe bạn bè ở Huế không hà! Phiá tụi tui thì tưởng hắn ra Huế học, tương lai là cô giáo đệ nhị cấp, quên hết trơn bạn bè, mô có thèm chơi với tụi này nữa!
Mai cười hiền lành và ân cần mời họ ra thăm Huế, Mai khoe nhà cô rộng rãi có thể tiếp đãi các bạn của Bích Trâm, vì nay tất cả sẽ là bạn Mai. Mọi người sau đó chia tay vui vẻ.
Trâm chưa cầm đũa ăn, nhìn Mai hoài rồi bật nói:
-Phải công nhận người Huế khéo léo quá chừng. Tụi nớ, hồi nãy nói chuyện ngoài sân có vẻ gờm Mai ghê lắm. Vậy mà chừ đã bị bạn “mua chuộc”.
Thấy Mai nhướng mày có vẻ thắc mắc, Trâm nói huỵch toẹt:
-Con Lan vừa méc với Trâm, ở Trần Qúy Cáp có ông Giáo sư Triết trẻ măng, người Huế cuả bạn, hấp dẫn lắm. Về dạy hai năm nay, y đã gây nên sóng gió và các “vòng tay học trò” đang săn đuổi anh thầy như điên!
Thụy Mai chợt thấy buốt tim, cô im lặng lắng nghe lời Trâm, cô ta hăng máu kể lể về thời sự nóng hổi ở Quảng Nam:
-Tụi nó phê bình dân Huế của bồ, xin lỗi nghe Thụy Mai, đàn ông Huế thì đễu cáng, con gái Huế ưa kiểu cách, yểu điệu thục nữ, làm ra vẻ qúy tộc... nhưng dù chi đi nữa cũng không địch nổi dân Faifo! Nhỏ Thúy, em con Lan đây nè, hiện đeo dính ông thầy. Nghe nói y đã có vợ sắp cưới, cô ta đẹp nữa kìa, thuộc cỡ hoa khôi lận đó, nhưng nay hình như xảy ra “accident” gì gì đó, húy tiếu lắm...nên coi bộ thầy giáo mình tắt thở tới nơi rồi!
Bích Trâm đang nói thì ngừng ngang, vì cô chợt thấy bạn mình tái xanh mặt mày như thể bị trúng gió. Trâm hốt hoảng vừa lục ví tìm lọ dầu Nhị Thiên đường vừa kêu bạn:
-Mai! có sao không? Ngồi yên Trâm xức dầu cho. Mai đừng làm mình sợ hỉ! Khỏe một chút là tụi mình về nghe.
Mai thương bạn, vì mình mà Trâm quýnh quáng cả lên. Trâm đón xích lô đưa bạn về nhà cho Mai nằm nghỉ. Tự dưng đang khoẻ mạnh Mai sinh ra yếu đuối như con cua lột thế kia làm sao Trâm không lo. Cô nhớ khi tiễn chân hai đứa ở bến xe An Lợi, ông cụ của Mai đã dặn Trâm phải ngó chừng con gái ông. “Từ lúc me nó mất, con Mai chưa hề xa nhà. Nó yếu đuối kiều nhược lắm!”
Mai kêu nhớ nhà, cô muốn rút ngắn chuyến du lịch này, nhưng trước lúc quay về Huế, Mai yêu cầu bạn cho mình sang viếng chùa Non Nước.
Hai người hai chiếc xe đạp, từ sáng sớm thong dong hướng về cầu De Lattres. Sông Hàn cuồn cuộn chảy dưới chân Mai. Dòng sông hung hãn xoáy quanh những trụ cầu thành những đám nước bọt ngầu lên trắng xóa, chứ không êm ả như sông Hương của cô. Ban mai nên trời mùa hè vẫn mát mẻ dễ chịu, lòng cô dịu xuống nỗi buồn bực không dưng dấy lên từ trưa hôm qua. Mai thầm trách mình, chưa chi đã nghĩ ngợi tào lao. Vô lẽ chỉ có người ấy là Giáo sư Triết. Vô lẽ không còn kẻ thứ hai nào khác nữa sao? Nhưng mà... mới về đó hai niên khóa, lại là người Huế, trẻ trung! Đầu óc Mai cứ thế mà xoay lung tung. Suy đoán, buộc tội rồi bênh vực. Bích Trâm nhìn bạn thẫn thờ mà càng thương Mai hơn. Người con gái Huế đáng yêu này trước đây, khi chưa vào thăm Đà Nẵng, lúc nào cũng liếng thoắng nói cười với mình, nay im lìm khép kín. Trâm không sao đoán ra nguyên cớ từ đâu.
Con đường lên núi với hàng trăm bậc đá xanh uốn éo quanh quất dẫn họ lên tới chùa trên. Hai người vừa leo lên núi vừa thở hổn hển. Gió núi mát lạnh. Mây trời trắng như bông bưởi sà xuống thấp, quanh Mai là hoa cỏ dại nở đầy những chùm tím phơn phớt. Cánh hoa mong manh nhụy đen thẫm. Những bông hoa xinh tươi bé bỏng nép mình bên gộp đá chênh vênh. Nắng hôn lên thêu những đốm long lanh cho loài hoa mộc mạc thêm nét kiều mị. Mai bâng khuâng nghĩ ngợi. Dưới kia cõi đời xao động những tranh chấp nhỏ nhen. Trên cao này mình bỗng thấy phiêu diêu vui thú, lòng nhẹ lâng lâng.
Khi từ Động Gió chui trở ra ngoài sân chùa nắng lóa, Mai chợt nhìn thấy trên vách đá dựng sừng sững mấy hàng chữ viết bằng sơn trắng. Nét bút nguệch ngoạc trông quen quen:
Tên em giấc ngủ ngoan hiền,
Nghìn sau mãi nhớ ưu phiền mình tôi...
MT
Cô tò mò đọc thấy gần đó những chữ ghi tắt quấn quýt vào nhau, thth, th2 Hè 62, rãi rắc khắp nơi và đều được lồng cẩn thận trong khuôn hình trái tim tròn trĩnh!
Họ là ai nhỉ? Lên đây thề non hẹn nước!
Đoạn kết
Năm 2000... Tách trà ướp sen nguội ngắt, hai tượng đá diện đối diện im lắng. Tiếng con tắc kè già cỗi lâu lâu chắt lưỡi từ trên kia rường nhà âm u vọng xuống âm thanh khàn đục nghe đến não nề. Ngọn đèn vàng vọt bật lên giữa phòng khách từ bao giờ. Thanh ngập ngừng đứng lên từ giã chủ nhân. Thụy Mai chợt tỉnh cơn mộng mị của gần 40 năm về trước. Cô khách sáo mời người bạn cũ ngày mai trở lại dùng bữa cơm hội ngộ. Ông khách bỗng tỉnh như sáo, vui vẻ nhận lời, xin hẹn hôm sau nữa sẽ cùng lên núi Ngự Bình thăm mộ thầy cũ.
Hai chiếc xích lô thong thả nối đuôi nhau chạy dọc theo bờ sông An Cựu. Con đường nhỏ gập ghềnh, nhiều đọan bị tróc lở nên xe chạy mà dằn xóc khách tưng bừng. Trưa Huế bát ngát xanh vì hàng cây phượng vỹ ven sông đong đưa những tàng lá che rợp bóng mát. Những đốm lửa đỏ rực, hoa phượng hớn hở cười vui trong nắng. Gió xôn xao kêu gọi lũ ve ngân nga điệp khúc hè về. Thanh nghiêng đầu vui thú ngắm đôi bướm chập chờn lượn bên bụi dâm bụt có mấy đóa hoa hé nụ đỏ thắm. Anh quay đầu nhìn những dây tơ hồng mảnh mai vương vất trên hàng rào chè tàu cắt vuông vắn của nhà ai bên kia đường. Trước hiên có chiếc bể cạn rêu phong, những gộp đá xếp hình non bộ ủ dột dưới nắng hè chói chang. Mái ngói buồn hiu giữa trưa hè yên lắng.
Khi xe chở Thanh rẻ trái để sắp sửa quẹo vô con đường dẫn lên dốc Nam Giao, anh ra hiệu cho chú xích lô trẻ dừng bên đường. Rồi anh bước xuống vẫy tay cho chiếc xe theo sau ngừng. Anh dúi vào tay anh xe xích lô ốm yếu một nắm bạc, tiền công hậu hĩ cho chuyến xe đi suốt hôm nay. Người phụ nữ luống tuổi, trông trẻ trung duyên dáng trong chiếc áo phin mỏng phơn phớt sắc lụa hồng, nổi bật trên chiếc quần xa tanh đen mượt. Thụy Mai ngơ ngác rời khỏi xe mình, ngập ngừng chờ đợi dưới gốc cây me cổ thụ mọc vươn lên từ mé sông. Thanh bước đến kề nàng, nói khẽ với Thụy Mai, chỉ cần một chiếc xe là đủ. Anh ngắm nghía Thụy Mai, cô ngó trẻ ra e đến chục tuổi. Chiếc nón lá mỏng tanh, in hai câu thơ lồng trong nắng khiến cho xinh tươi nhan sắc thuở ấy.
Thanh biểu chú xích lô đưa Thụy Mai đi trước, nhớ chờ anh ở đoạn đường ít dốc nhất. Còn Thanh bước nhanh một mình trên con đường Nam Giao thơ mộng, khi nắng trưa chưa “thắp nến lên hai hàng cây”. Anh dừng chân nơi một quán tranh nhỏ có bầy bán nhiều thứ trái cây muà hè. Anh mua hai chùm vải thiều đỏ thắm, mua mấy chùm nhãn lồng trái tròn cỡ ngón chân cái, rồi vội rảo chân theo bóng chiếc xe chở nàng đã mất hút trong tầm mắt. Anh bước gấp nhanh nhẹn như một chàng trai sung sức. Họ gặp nhau ở ngả ba Đàn Nam Giao.
Đám xe thồ, vừa xe đạp vừa xe gắn máy, đậu kín góc đường tranh nhau xông tới mời mọc Thanh. Nhưng anh lắc đầu, ra dấu cho Thụy Mai rời khỏi xích lô mà cô đang ngồi. Còn Thanh vội leo lên chiếc xe nãy giờ vẫn lẻo đẻo theo sau anh, và ngồi lùi sâu sát vào lưng ghế. Anh đưa mắt ngầm tỏ ý cho cô cùng chung chuyến xe với mình. Sợ thiên ha chung quanh dòm ngó, cô mắc cỡ đỏ bừng mặt bước lên theo. Nhưng cô chỉ ngồi ghé tận ngoài mép nệm xe. Chú xích lô rướn người cho xe chuyển bánh đi. Thụy Mai chúi xuống vì tư thế ngồi thiếu cân bằng. Thanh nhanh tay ôm ngang eo cô, lôi sát vào với mình. Thụy Mai run lẩy bẩy trước sự đụng chạm vô tình ấy. Thanh tỉnh táo như không có chuyện chi. Da thịt cô ấy nóng hổi còn hơn người bị sốt. Anh nghiêm mặt, nhưng trong bụng vui vẻ hết sức. Chiếc xe có trớn lao đi, đổ xuôi xuống con lộ nhỏ rợp bóng tre im mát.
Trưa hôm ấy thật tuyệt vời đối với anh khi được gần gũi với cố nhân, nhưng vô cùng khó chịu về phía Thụy Mai. Cô ngồi không yên, cứ trăn trở khiến cho Thanh cuối cùng chịu thua vì thấy tội nghiệp nàng. Cô ta suốt một đời phòng the lẻ bóng, biểu làm sao quen nổi với cảnh thân mật này. Thanh nói chú xích lô ghé vô quán nhỏ anh vừa thấy hiện ra bên đường, nơi có mấy bộ bàn ghế bằng gỗ tạp đặt giữa sân đất nện phẳng phiu.
Quán tranh núp dưới bóng một cây phượng vàng cổ thụ, lá xanh mơn mởn, những chùm hoa gầy guộc rung rinh cười trong nắng. Thụy Mai nhìn những nụ hoa vàng mơ đang vươn cành phượng mà nắng trưa thêu những đốm long lanh cho sắc vàng rực rỡ hơn bao giờ. Thanh nhìn theo hướng mắt nàng. Anh nói, ở bên mình, cả hai lọai hoa phượng, vàng hay đỏ đều mất hút, chỉ có phượng tím đẹp nhưng buồn lắm. Nếu muốn ngắm phượng đỏ, thì bay qua Honolulu. Miền biển này ấm áp nên phượng vỹ ra hoa đỏ thắm lộng lẫy, đẹp như phượng vỹ ngày xưa của Huế. Mai chợt thắc mắc:
-Rứa anh thấy chừ Huế hoa phượng buồn lắm sao?
Thanh trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Không buồn nhưng khép kín hết sức. Ở xứ Hạ Uy Di, hoa phượng tươi cười cởi mở như tuổi đôi mươi!
Thanh nói vừa đăm đăm nhìn bạn. Thụy Mai đỏ bừng hai má. Cô ngó lơ chỗ khác, lên tiếng gọi với vào trong xin cho nước uống. Một bà lão tóc bạc phơ, chắc là chủ quán, thủng thẳng đem ra hai chai nước khoáng. Bây giờ ở đâu người ta cũng uống thứ nước này. Thanh hỏi quán có bia không? Bà già đem ra một chai bia Larue , có vẽ hình đầu cọp nhe nanh cười, đem thêm hai chiếc ly cao với xô nước đá. Anh xích lô ngồi ở góc xa góp chuyện, uống bia cần có đồ nhắm. Thanh cười lớn với anh bạn trẻ, rồi gọi thêm cho cậu ta chai bia con cọp, gọi thêm mấy con khô mực nướng. Anh hỏi:
-Chạy xe có sợ uống bia không?
-Da không, ăn thua chi bác, phải hơn chục chai may ra!
Buổi trưa ngọai ô êm đềm. Tiếng ve rang rang trên ngàn cây, làm Thanh ngây ngây lòng trí. Trong hơi men dâng lên, anh thì thầm nói:
-Bạn có buồn giận tôi không? Ngày xưa, tôi gây ra lầm lỗi nhiều với Huế. Tôi khiến cho thầy thất vọng... Thụy Mai, anh xin em tha thứ cho anh.
Thụy Mai im lặng, cau mày, trái tim thắt lại. Cô tưởng vết thương cũ khép kín, thành sẹo. Không ngờ nó càng làm cô đau đớn, phiền muộn hơn. Thanh cúi đầu tiếp tục nói như độc thoại:
-Tai sao hồi ấy tôi điên khùng đến thế, ngu muội như một lọai người kém hiểu biết nhất. Tôi tin ngay những lời láo khoét bịa đặt của người ta. Tất cả góp sức phá hỏng đời tôi. Không, hủy hoại đời chúng mình! nhất là với em! Nhưng tại sao hồi đó, khi tôi tìm về thăm thầy, thăm em, em tìm mọi cách xa lánh tôi? Bao năm bỏ Huế đi, tôi khắc khoải buồn nhớ tuổi trẻ, tôi ghét hận chính mình. Về sau...
Thụy Mai nhìn người yêu cũ. Tội nghiệp anh, mãi gần 40 năm sau anh mới “xưng tội”. Cô nhẹ nhàng hỏi:
-Về sau anh đã lập gia đình với người ta và sống cho đến bây giờ?
Thanh chợt ngẩng đầu lên, nghiêm khắc nhìn thẳng vào mặt nàng:
-Làm sao cô có thể tưởng rằng tôi điên đến độ phải lấy “họ”?
Thụy Mai nhướng mày như muốn hiểu rõ hơn sự tình. Thanh buồn rầu thở dài:
-Về sau, tôi xin chuyển vào Nam. Vì tôi không thể sống nổi với những con người cùng nơi chốn tráo trở, lừa lọc mình. Mười năm sau tôi gặp nhà tôi bây giờ. Cô ấy người Bắc kỳ di cư, sống ở Nam từ thuở bé, nên hiền ngoan, đơn giản. Chúng tôi có với nhau 3 đứa con, hai trai một gái. Đứa con gái tên Thụy Miên lấy chồng hai năm trước, qua năm sau cho chúng tôi con bé cháu ngọai, nó dễ thương lắm.
Kể đến đây Mai thấy mặt Thanh tươi tắn, anh nhìn đăm đăm về phía xa, nụ cười đậu mãi trên môi. Tim cô nhói buốt. Anh ấy đã có một tổ ấm, mình thật sự không có chỗ đứng nào trong lòng Thanh.
Chặp sau, Thanh như tỉnh mộng, cơn mộng dữ của gần 40 năm qua. Anh ngồi thẳng người, rút ví đưa cho cố nhân xem mấy tấm hình nhỏ. Thụy Mai cầm lấy, cô ngắm thấy trong tấm hình, một cô bé con mũm mĩm, xinh như búp bê, tóc nó loăn xoăn ngộ nghĩnh. Một chiếc hình chụp con bé tròn quay được ông ngọai nâng niu bế, bên Thanh, người phụ nữ tươi cười phúc hậu. Trông họ đẹp đôi lắm. Thụy Mai nén thở dài. Cô nói nhẹ như hơi thở:
-Chúc mừng anh hạnh phúc.
Thanh nhìn Thụy Mai trìu mến, phân bua:
-Có lẽ chúng mình không có duyên phận. Nhưng Mai cứ tin rằng, trong tôi không bao giờ phai mờ kỷ niệm đẹp của Huế, của chúng ta thuở ấy...
Buổi chiều hôm đó đôi bạn còn tìm lên thăm phần mộ thầy Phạm, chôn cất gần chùa Từ Hiếu. Ngôi mộ nằm dưới rặng thông xanh trên một ngọn đồi nhỏ. Trong khi Thụy Mai lo sắp hoa trái để cúng, anh dạo một vòng ngắm nhìn phong cảnh chung quanh. Chiều nay Thanh thấy lòng mình thanh thản. Khi anh quay trở về, Mai đang sì sụp lễ thầy. Anh đứng kề bên Mai, lòng không chút bợn nhơ. Họ là anh em kết nghĩa, từng thương mến quý trọng nhau. Nay anh tìm về, chuyện buồn xưa dứt bỏ...Qua làn nhang khói nghi ngút bay lên, Thanh mơ hồ tưởng thấy hình bóng người thầy cũ hiện về. Anh thầm thì cầu nguyện xin thầy luôn phù hộ cho người con gái yêu của thầy, giờ đơn chiếc sống một mình nơi chốn quê hương yêu dấu, luôn được bình an.
Trên đường quay về thành phố, chiếc xích lô băng băng chạy. Hai anh em ngồi gần nhau chuyện trò vui vẻ. Nhạc ve râm rang, gió chiều vi vu thổi, hoàng hôn dần xuống đẹp hơn bao giờ. Hoa phượng mỉm cười lấp ló trong đám lá xanh tươi.
Phan Mộng Hoàn
Viết xong khi vừa thăm Huế về. Hè 2001
____________________________________________
Đọc truyện ngắn “Bóng chiều” của Phan Mộng Hoàn
Nhà văn Phan Mộng Hoàn viết như vẽ tranh, gợi cho độc giả những hình ảnh kiều diễm với màu sắc rực rỡ long lanh của thiên nhiên sinh động, tỉnh vật nổi bật đặc trưng. Đọc truyện nầy, tôi có cảm tưởng như sống lại trên đất Huế, vào những ngày tháng an bình êm ấm cũ, của nhiều thập niên xa xưa trước.
Chuyện tình nhẹ nhàng, e ấp, lãng mạn mang nhiều “chất Huế”, đưa độc giả vào thương nhớ miên man của thời trái tim non nớt vừa mới biết xao xuyến đập nhịp yêu đương.
Chỉ cần đọc vài trang, độc giả cũng có thể đoán trước nhà văn nầy đã từng là giáo sư dạy văn chương của một thời.
Tràm Cà Mau
Hoàng hôn thôn Vỹ
Phan Mộng Hoàn