Bùi Văn Phú
Những lời ca tôi giữ mãi trong tim
Chiều Chủ nhật 16.3 tôi cùng đứa con trai và 700 khán giả leo lên đỉnh đồi để vào thính đường của trường Đại học Cộng đồng Foothill College, nằm gần thành phố San Jose, nơi có chương trình văn nghệ để nhớ về một thời sinh viên.
Trên đường từ chỗ đậu xe đi bộ vào, có một anh đang lái xe gọi tên tôi, chào hỏi. Khuôn mặt quen nhưng tôi xin lỗi không nhận ra mà chỉ thoáng thấy người ngồi bên cạnh là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Anh bạn phải vội chạy vào bãi đậu, còn tôi chưa kịp nhớ ra, cố hồi tưởng nhưng khuôn mặt anh không gắn liền với một tên gọi quen thuộc nào.
Cho đến khi nhìn lên sân khấu, nghe trưởng ban tổ chức buổi văn nghệ là anh Phạm Phú Nam giới thiệu trưởng du ca Nguyễn Đức Quang sẽ xuất hiện cùng một du ca của đất Long Xuyên xưa, tôi nhận ra ngay người mình đã quên tên là anh Trần Anh Kiệt.
Thấm thoát đã hơn một phần tư thế kỉ rồi, kể từ ngày tôi đến sinh hoạt với đoàn du ca Bắc California do anh Trần Mạnh Hoà làm trưởng trong những năm đầu thập niên 1980, khi còn là sinh viên Đại học Berkeley và cũng thường cầm đàn ghi-ta xướng lên cho các bạn đồng ca, chứ chưa bao giờ tự mình dám đơn ca. Trong những sinh hoạt cộng đồng, tôi đến với đoàn du ca áo nâu để tiếp tục được có dịp hát cộng đồng như ở quê nhà. Nhưng tôi không đến được thường xuyên mỗi tuần như gần trăm ca viên, mà chỉ vào những dịp có văn nghệ lớn. Thời đó đoàn có những giọng ca mạnh như Ngô Thanh Lập, Hoàng Đoàn và Trần Anh Kiệt.
Những tiếng hát du ca: Nguyên Nhu (trái), Đồng Thảo, Trương Xuân Mẫn, Trần Anh Kiệt và Nguyễn Đức Quang (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Anh Kiệt nay tóc trên đầu đã vơi đi để lộ vầng trán cao và khuôn mặt tròn hơn nên tôi nhận không ra. Nhưng giọng hát của anh còn để lại âm vang trong lòng tôi.
Hôm nay Trần Anh Kiệt cùng con chim đầu đàn của phong trào du ca Việt Nam đến với chương trình qua những nhạc phẩm viết về tuổi trẻ, viết cho tuổi trẻ và viết vì tuổi trẻ, là những ca từ đã làm rung động con tim của một thế hệ thanh niên Việt:
Người yêu tôi bệnh
Nắng nóng cháy da đã về rồi
Trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi
Cho thêm tàn phai
Nàng nằm đớn đau
Tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu cứu tôi
Giữa cơn bệnh đầy vơi
Ðã lắm lúc thao thức vì nàng
Yêu nhau đâu đành dở dang
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần
Giờ còn có nhau
Giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau
Sớt chia chẳng được đâu
Nguyễn Đức Quang giới thiệu bài nhạc và nhắc cho người nghe biết “người yêu” của ông chính là quê hương Việt Nam ở vào giai đoạn dầu sôi, lửa bỏng giữa thập niên 1960.
Về với mẹ cha
Từ Nam Quan, Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam
Quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng
Cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa,
Lướt ngàn nước sang nhà
Ta đắp bồi cho mẹ cha
Nhìn non sông tả tơi
Tình quê hương đầy vơi
Người thanh niên Việt Nam ngậm ngùi
Chờ chi không vùng lên
Thiết tha với dân lành
Cứ co ro ngồi sao đành
Nào anh em cùng nhau
Người trước lo người sau
Cùng đi cho quên hết tiếng nghẹn ngào
Ðường gân căng bàn tay
Mắt trong như sao trời
Nơi quê hương là sáng ngời
Mặt lem nhem mồ hôi
Còn lưng tê bờ vai
Lòng lâng lâng ta thoáng thấy tương lai
Một tương lai thảnh thơi
Nắm tay nhau nô đùa
Nước non ta tươi đẹp rồi
Những người du ca đưa thanh niên trở về với mẹ cha, dân làng, ruộng đồng rồi cùng nhau tiến lên:
Đường Việt Nam
Đường Việt Nam ôi vô cùng, vô tận
Đường ngang tàng
Ngoài biển Nam giữa Trường Sơn
Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng
Mỗi xóm làng một dở dang
Đường ruộng ngô đến xóm dừa chưa cùng
Đường ngông cuồng
Đường trường chinh vẫn ruổi rong
Đường mồ hôi tràn đến lưng đồi
Lúa yêu người hẹn cùng bước rong chơi
Ai từng đi trên đường Việt Nam
Bước âm thầm và tim nát tan
Bao lòng tham chất chứa đầy
Những mưu đồ bạo tàn đang ngăn lối
Nhưng càng mưa giông càng vươn tới
Bước chân hùng còn đi rất hăng
Đi dựng lấy quê hương nhà
Giống da vàng nầy là vua đấu tranh
Đường của ta đưa ta về thanh bình
Đường an lành, đường thảnh thơi những ngày vui
Đường Việt Nam
Mời những bước chân rời
Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài
Tiếng ca cất vang, ngân cao. Trên sân khấu ngoài Nguyễn Đức Quang, Trần Anh Kiệt có thêm những giọng hát điạ phương của Thung lũng Hoa vàng là Nguyên Nhu, Đồng Thảo, Trương Xuân Mẫn cùng cất tiếng hoà ca.
Và ở đâu có Nguyễn Đức Quang là phải có “Việt Nam quê hương ngạo nghễ.”
Còn Việt Nam
Triệu con tim
Này còn triệu khối kiêu hùng…
Tôi cũng muốn nhảy lên sân khấu để cùng các anh chị hát vang tâm tình Việt Nam của một thời đất nước chiến tranh. Hát để nhớ một thời tuổi trẻ nhiệt huyết dấn thân, nhớ một đoạn đường sinh viên ở quê nhà, trên đất Mỹ, một quãng đời sinh hoạt từ sân trường đại học, ra cộng đồng cho đến các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Lần sau cùng tôi cất tiếng đồng ca với mấy trăm người trẻ ở hải ngoại cũng đã 15 năm hơn rồi. Khi đó tôi đã nhận ra rằng những bản đồng ca mình thuộc nằm lòng không còn tạo nên được hào khí trong lòng thế hệ các em lớn lên ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ sau này.
Làm sao tôi quên được những ca từ sôi sục như lời hịch truyền cất lên giữa lòng Sài Gòn đầy nhiễu nhương của thời cuộc:
Dậy mà đi
Dậy mà đi, dậy mà đi
Ai chiến thắng không hề chiến bại
Nên nên khôn không khốn một lần
Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi…
Đừng mong ai, đừng xin ai
Đừng mong ai cho mình hoà bình
Đừng mong ai cho mình tấm áo
Đừng mong ai cho mình hạt gạo
Vì người nào thương ta hơn là ta đâu
Đường ta đi tuy nhiều nhọc nhằn
Lòng tin ta đã thành sắt đá
Và gian nan đã thành nụ cười
Ngày một ngày vinh quang đâu có còn xa xôi
Đừng mong ai
Đừng xin ai
Anh chị này đừng mong chờ nữa
Bằng tay ta
Bằng tim ta
Ta xây lại căn nhà của ta…
Hay những tủi nhục của thân phận, của xã hội:
50 đồng
Năm chục đồng ai mua tôi bán
Năm chục đồng một thằng thanh niên
Đôi tay còn lành, đôi chân còn mạnh
Ai mua tôi bán, ai mua tôi bán
Thêm một triệu đồng bán cả lương tâm
Thêm một triệu đồng bán cả dân tôi…
Những lời ca tôi đã bao lần cất cao mà không biết tác giả.
Có những bài hát được sinh viên truyền nhau hát trong nước và chỉ đến khi ra đến nước ngoài tôi mới biết được là của Nguyễn Đức Quang, nhưng chính tác giả cũng không biết bài hát đã được thu vào băng, như ca khúc:
Nỗi buồn nhược tiểu
Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu
Vú mẹ gầy cơm chẳng nuôi thân
Chút tình này ôi máu mẹ nuôi con
Tôi trót sinh ra vào nước chia cắt…
*
Trên đồi chiều nay còn có một giọng ca đã ngoài bát tuần. Giọng hát của cô sinh viên miền Nam, tên Thanh Bình, đã cất lên giữa lòng Hà Nội vào ngày 15.3.1942 với nhạc khúc “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước mà sau này đã trở thành quốc ca Việt Nam Cộng hoà. Hôm nay cùng hát quốc ca khai mạc với giọng hát Thanh Bình, tức phu nhân cố Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Tôn Hoàn, còn có những bậc cha mẹ, có hàng trăm em học sinh của trường Việt ngữ Về Nguồn. Các em đứng nghiêm trang trên sân khấu nghe ông bà, cha mẹ hát chứ chẳng thuộc lời để miệng nhấp nháy hát theo.
Trong chương trình các em còn lên sân khấu cùng với ông bà, cha mẹ trong hai bản đồng ca nữa là “Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây” và “Việt Nam, Việt Nam”. “Mẹ Việt Nam ơi!” cũng không nghe tiếng các em kêu lên, kể cả trong điệp khúc với nhạc quân hành, mà chỉ có tiếng hát của thế hệ cha ông. Đứa con trai của tôi ngồi cạnh cũng rơi vào giấc ngủ.
Nhưng khi hai tiếng “Việt Nam” vang lên trên sân khấu thì các em đã hát, vỗ tay theo nhịp và đứa con trai của tôi cũng bừng tỉnh dậy hát theo:
Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời
Mai sau, một khi dân tộc Việt Nam có cơ hội, bài hát này nên được chọn làm quốc ca.
Ba thế hệ người Việt hải ngoại đồng ca “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy (Ảnh: Bùi Văn Phú)
*
Đời sinh viên cũng còn là thời của những bản tình ca bất hủ với tiếng hát Duy Quang, Khánh Ly hay Thanh Lan. Hôm nay nghe Diễm Liên hát “Thà như giọt mưa” do Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, tuy cô ca sĩ thế hệ sau chưa thuộc bài nhưng cũng làm đám sinh viên già rung động bồi hồi nhớ về trường cũ, nhớ bạn bè một lần phải chia tay nhau để ra chiến trường:
Người từ trăm năm về ngang Trường luật
Người từ trăm năm về ngang Trường luật
Ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc
Đau lòng ta muốn khóc
Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
Những giọt run run ướt ngọn lông măng
Những giọt run run ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên...
Và nhớ lại khung trời đại học mà Phạm Duy cũng đã ghi lại dùm.
Trả lại em yêu
Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Trả lại em yêu khung trời mùa hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa.
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới
Nỗi đau cao vời nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu
Trả lại em yêu
Mây trời xanh ngát
*
Chủ đề của chương trình văn nghệ là hát cho sinh viên, hát về sinh viên nhưng mục đích chính là gây quỹ xây dựng Bảo tàng viện Thuyền nhân - Việt Nam Cộng hoà ở San Jose, một công trình do cơ quan IRCC chủ xướng để lưu lại cho thế hệ mai sau những gì còn lại của một quốc gia đã một thời góp mặt với thế giới.
Trong số di vật có những bài ca, những ca từ đã được nhiều người cất tiếng hát lên trên đường phố Sài Gòn, trên quê hương cũ, ngoài biển Đông, trong các trại tị nạn, ở nhiều thủ đô, phố thị thế giới và lại một lần nữa được ca vang trên đồi vào buổi chiều hôm nay.
Những lời ca khi được cất lên tôi luôn nghe tim mình rộn ràng trở lại.
BVP