Hiển thị các bài đăng có nhãn Thanh Tâm Tuyền - Tiếng nói một người. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thanh Tâm Tuyền - Tiếng nói một người. Hiển thị tất cả bài đăng

23/6/11

Thanh Tâm Tuyền - Tiếng nói một người

Tiếng nói một người

Thanh Tâm Tuyền







LTS: Theo nhà thơ Vũ Trọng Quang, người đã chuyển bài viết dưới đây đến Da Màu, “Tiếng Nói Một Người” được trích từ tạp chí Vấn Đề số 1 tháng 3 năm 1967, khi Thanh Tâm Tuyền là thư ký tòa soạn. Chúng tôi thấy rằng bài viết, tuy bề mặt là bài giới thiệu về thơ Trần Lê Nguyễn, cũng có thể được coi như một bản tuyên ngôn độc lập về thơ mới của Thanh Tâm Tuyền.

Trần Lê Nguyễn tên thật là Nguyễn Huy Tạo, được số đông văn nghệ sĩ trước 1975 biết đến như một người viết kịch và tiểu thuyết. Ông sinh ngày 4 tháng 8 năm 1924 tại Sơn Tây, Bắc Việt, và vào Nam trước năm 1954. Ông là người đã thuyết phục nhà văn Thanh Nam vào Sàigòn sinh sống vào những năm đầu thập niên 50, vì Sàigòn lúc đó “là một thiên đường.” Theo Võ Phiến trong quyển Văn Học Miền Nam (VHMN), tuy Trần Lê Nguyễn say mê kịch và cải lương, ông không sáng tác nhiều, và những kịch của ông thường chỉ diễn trong nhóm bạn bè hoặc sinh viên và chưa bao giờ được chính thức ra mắt trên sân khấu quần chúng. Vở kịch Ngôi Nhà Trên Đồi Thông của Trần Lê Nguyễn (đăng lại trong VHMN, quyển 6, trang 2633) viết trong thập niên 1960 với bối cảnh thời gian vào một năm “gần hết cuộc chiến” có nhiều ẩn ý chính trị, kêu gọi nhân vật chính “đuổi hết những người chiếm ngụ vô quyền ra khỏi nhà, [rồi] đi về đây mà ở thì nó mới hết là nhà hoang được.”

Trong bài giới thiệu này, có lẽ Thanh Tâm Tuyền đã coi nội dung chính trị trong thơ văn Trần Lê Nguyễn, trong thơ văn của bất kể người viết nào trong thời loạn, như một điều quá hiển nhiên, gần như bẩm sinh, cho nên nhà thơ đã không màng nhắc đến đề tài này qua đoạn thơ dưới đây của Trần Lê Nguyễn:

Đêm cưới em, anh sẽ không ghé câu lạc bộ
mà vào Snack Bar uống rượu thật say
(dĩ nhiên bằng tiền đánh bạc chứ không
phải tiền viết văn)
rồi không ghé đăng–xing (dù biết rằng
sắp bị đóng cửa) mà đi ngược về
đường Duy Tân (một nhà vua cách
mạng) hay dọc theo đại lộ Hai Bà
Trưng (hai nữ anh hùng dân tộc) tìm
gặp một “me” lính Pháp ra đi còn để lại
Để suy ngẫm về cõi đời
và mừng em lấy chồng Mỹ

Trần Lê Nguyễn mất ngày 7 tháng 7 năm 1999 tại Sàigòn.






1. Sự thật không bao giờ là sự thật khách quan. Nhớ lấy những kinh nghiệm thường ngày: cùng một điều việc kẻ này nói, làm được, kẻ khác lại thấy chói tai chướng mắt. Chỉ có sự giả trá hư ngụy mới đội lốt khách quan, sự thật xuất hiện từ con người và sức mạnh làm kẻ khác chấp nhận là của người đã dám phát hiện ra nó. Và trong sự mong manh yếu hèn của kiếp người, nhiều kẻ đã phải mang sự tự do tối hậu duy nhất của một đời là cái chết để bảo đảm cho sự thật của đời mình được thành sự thật với những người khác.

Thơ là tiếng thổn thức của con tim, đó là một sự thật tôi tìm thấy lại qua Trần Lê Nguyễn. Suốt tập thơ, Nguyễn chỉ nói về mình, nói rất nhiều về mình, nói quá nhiều về mình bằng thứ ngôn ngữ xô bồ, đôi lúc rối loạn, lảm nhảm, buồn cười. Và con tim Nguyễn phơi bày nguyên hình dáng, một khối thịt bầy nhầy bóp vào nở ra bất tận. Đó là hình ảnh của đời sống?

Tiếng nói một người hay tiếng nói một đời, một kiếp?

2. Trước hết, thơ là một nỗ lực tinh khiết hóa thực tại. Các nhà thơ cổ điển đã làm công việc này. Bọn lãng mạn lầm tinh khiết hóa thực tại với ruồng bỏ thực tại, dùng nước mắt, tiếng rên la, sự xúc cảm nhầy nhụa làm vẩn đục thực tại, rồi trốn chạy vào ảo tưởng. Thơ ngày nay cũng là một nỗ lực tinh khiết hóa thực tại từ khởi điểm làm hiện hình nó, cái hình dáng thô sơ đã bị bọn lãng mạn mài nhẵn bằng nước mắt nước mũi.

Thơ Nguyễn là cái ánh sáng lộ liễu khô khan chiếu vào thực tại, sự vật nổi lên còn đủ những góc cạnh sần sùi.

Mỗi lần tôi mượn tiền bạn bè là mấy thằng
chó chết chưa hề có con cười hô hố
bảo là tôi lại sắp phịa chuyện đến
nhà thương thăm con mới đẻ.



Nếu anh hiểu được rằng người ta vẫn có thể mộng tỉnh thức chẳng cần phải tìm tới giấc ngủ hôn mê anh sẽ nhận ra Nguyễn đang làm thơ.

Đêm cưới em, anh sẽ không ghé câu lạc bộ
mà vào Snack Bar uống rượu thật say
(dĩ nhiên bằng tiền đánh bạc chứ không
phải tiền viết văn)
rồi không ghé đăng–xing (dù biết rằng
sắp bị đóng cửa) mà đi ngược về
đường Duy Tân (một nhà vua cách
mạng) hay dọc theo đại lộ Hai Bà
Trưng (hai nữ anh hùng dân tộc) tìm
gặp một “me” lính Pháp ra đi còn để lại
Để suy ngẫm về cõi đời
và mừng em lấy chồng Mỹ



Cái thế giởi của thơ Nguyễn là thực tế hàng ngày chúng ta đang sống, quay cuồng, hỗn độn, đầy khát vọng. Tại sao cứ đòi hư vô để mơ mộng? Hãy thử mơ mộng như Nguyễn xem sẽ thấy sự kỳ lạ của thế giới ấy.

Và thơ là gì? Nếu không phải sự khám phá mầu nhiệm bằng ngôn ngữ một thế giới vẫn trốn mặt ở quanh. Sự phơi mở ở thơ cho anh cảm giác tràn đầy hạnh phúc, tâm hồn đã nhập được một phần của sự sống bí ẩn còn thiếu sót. Những phút sâu dài như một đời.

3. Tiếng nói một người là tiếng nói của tình yêu, tình bằng hữu. Trong cô đơn và đêm tối.

4. Người sắp nói là một người bốn mươi tuổi. Người ta thường làm thơ vào những năm hai mươi. Vào tuổi ấy Nguyễn còn muốn viết tiểu thuyết, viết kịch. Hắn chỉ thấy cần làm thơ trong vài năm gần đây.

Việc làm thơ của Nguyễn chứng nhận lời tiên tri của Lautréamont: Thơ không phải để một người làm mà để mọi người làm. Thơ là sự giải phóng, sự tự do, là quyền của mọi người, không bao giờ là đặc quyền của một bọn thi sĩ đầu bù tóc rối trí tưởng tượng như con gián bay quanh đèn, sự cảm xúc như tiếng động của thùng thiếc.

5. Thơ Nguyễn kể lể ồn ào nhưng vẫn nghe đâu sự nín lặng trong cùng.

Hạt nhân nín lặng, khép kín làm mỗi bài thơ tự đầy đủ, phân biệt thơ Nguyễn với thơ Prévert. Hai bên chỉ giống nhau ở điểm tưởng tượng, mơ mộng cùng thực tại. Còn Prévert đòi hỏi những đối tượng ở ngoài để phóng tới.

6. Một người sống đến bốn mươi tuổi không làm thơ để mong thành thi sĩ. Thi sĩ! Thi sĩ! Thằng người đó đã tự sát. Tên của chàng bị cướp bị bôi nhọ. Ngày nay còn toàn một bọn nhái giọng người chết. Mấy tên thư lại luồn cúi nịnh hót cũng là thi sĩ. Mấy tên cán bộ làm thơ như những bản thỉnh nguyện xin tha mạng sống, xin thêm quyền lợi. Mấy tên thanh niên hiến thân làm tấm gối ôm trong khuê phòng.

Nếu anh đọc thơ Nguyễn, anh nghĩ Nguyễn không phải là thi sĩ, anh nghĩ đúng. Nhưng coi chừng, anh đã bị đầu độc bởi bọn giả danh. Tôi nhắc lại: Thi sĩ đã tự sát. Và anh cũng như Nguyễn cũng như tôi được thừa hưởng cái gia sản của chàng cùng với mọi người, trừ bọn tự nhận là con cháu chàng. Chúng ta phải cướp lại tiếng nói sắp muốn tắt; mỗi người đều được quyền làm thơ như Nguyễn, như làm một hành động giải phóng. Đừng để bọn người nào độc chiếm thơ làm phương tiện áp bức.

Một ngày thi sĩ sẽ hồi sinh. Chưa phải bây giờ. Nhưng hãy thổi những hơi thở mới vào mũi chàng, đuổi bớt những uế khí, ám khí, tử khí, đang ướp quanh chàng.

7. Tiếng nói của Nguyễn chỉ là tiếng nói một người—một người hèn mọn như loài giun dế.

Nhưng Nguyễn, như anh, biết rằng một người không có nghĩa là một. Nói một người là nói tới số đông. Mai kia hẳn chết đi, cái chết bất cứ trường hợp nào cũng chỉ là sự lịm tắt của một khát vọng, là chết theo người yêu một đời của hắn, những bạn bè gần gũi, những mộng ước đau đớn, tuyệt vọng, nghĩa là một phần thế giới.

Đọc mà xem, anh sẽ thấy hắn phải nói trong cô đơn để được gần anh.

8. Mỗi bài thơ của Nguyễn là một nỗi đầy cô đơn. Nếu tôi nói hắn sống rất vui trong cô đơn, anh sẽ cười tôi. Bởi anh đã khổ vì cô đơn.

Thực ra tôi phải nói là hắn bằng lòng trong cô đơn, vì nơi đó hắn được sống với anh, trong cái thế giới lạnh lẽo đáng sợ, hắn được chia sẻ với nhiều người, những người không được gặp nhau. Như hắn và người yêu của hắn:

Anh đã yêu cùng cực
đến không còn em
. . . . . .
Anh ôm thật chặt khoảng trống căn nhà hoang
như thấy em cả đời trọn vẹn
nửa đêm nào thức giấc

Như hắn và một người bạn nào:

Và những đêm nhìn trăng sao
dưới mái hiên nhà dây thép tôi nói với anh
về trời đất về ước vọng hai đứa mình ở đời.

9. Đây là tiếng nói của một người nối kết những cô đơn.

10.

Nửa đêm những người yêu nhau nhảy slow
kẻ hút “píp” đi một mình bờ đại lộ
vì không ai yêu mình
hay mình không yêu ai
ngậm tẩu như hồn người đàn bà một đời

Không phải, Nguyễn yêu nhiều người quá
và nghĩ nhiều người đang yêu hẳn.

11. . . . hắn thầm thì, hổn hển, khó nhọc soi sáng những sự thật thầm kín ấy, những sự thật người ta chỉ có thể diễn tả nổi với những cố gắng vô biên—những sự thật hết sức tối tăm, hết sức gian nan—nhưng chính với những sự thật ấy, thế giới phải thay đổi toàn diện, một lần cho xong.
-Virginia Woolf

12. Một sự thật nữa, Hắn đã sống.

Rất có thể ở ngoài đời hắn đã sống giả như chúng ta vậy. Lý do giản dị: cái giả hiện ra trong sự vận động mải miết của sự vật vượt qua mình, hôm nay từ chối hôm qua, và mình vẫn thích ứng tồn tại như không hề có gì xảy ra, tấn thảm kịch biến thành hài kịch. Chúng ta nhìn nhận mọi cảnh ngộ bằng cặp mắt chấp nhận tự nhiên, mỗi bất bình chìm sâu ở đáy thân bị nghiến nát không còn. Khi Nguyễn làm thơ (và nếu anh cũng làm thơ) Nguyễn phát hiện sự sống thực.

Và khi đã sống thực người ta sẽ không hài lòng một chút nào trước cảnh ngộ.

13. PHƯƠNG,

Tập thơ này Nguyễn viết cho em. Em là người yêu của hắn.

Bài mở này anh viết hộ em. Anh viết những điều em biết về hắn nhưng không thể diễn được thành lời. Và em sợ nên em xa hắn.

Thôi cũng xong. Để cho hắn làm thơ.



13 và 14 tháng 8 năm 1962

THANH TÂM TUYỀN



Trích: Thơ Trần Lê Nguyễn



Phương



Anh yêu em không ngủ đêm nay
Từ có em
người đàn bà một đêm yêu trở nên vô nghĩa
Hành động của yêu
qua không gian tiếp nối thời gian
như hơi thở có ngưng không bao giờ dứt
phút sống ngập đầy
ý nghĩa lứa đôi tìm thấy
khi em không còn trong tay
Anh đã yêu cùng cực
đến không còn em
sống với màu xanh quá khứ
sương sớm nắng chiều
bông hoa nở giữa hai ngành héo buổi em đi
hơi thở nghẹn ngào
mi khép ứa giòng nước mắt
Anh ôm thật chặt khoảng trống căn nhà hoang
như thấy em cả đời trọn vẹn
nửa đêm nào thức giấc.

Anh chả bao giờ có em
chỉ có bốn mắt nhìn nhau một chiều súng đạn
Em có nhớ ra anh
Anh có nhớ ra em
Đường nắng không một bóng dừa
một ngã ba hoang vắng
Anh chả bao giờ có em
chỉ có một đêm chớm lạnh
mưa trên sông
nghe tiếng thở dài của kẻ chung đôi
cùng tiếng thở dài của kẻ cô độc
Anh chả có em nụ cười
chỉ có em nước mắt
Anh muốn giết em để đừng thấy lệ em rơi
để đừng bao giờ em bỏ đi
đừng bao giờ em tìm tới

Tiếng em kêu thất thanh đêm nào
Anh nghe chính lời anh hấp hối
Tại sao anh yêu em
Tại sao em yêu anh
Tình yêu rất hiếm một con đường xanh
rất nhiều những con đường lội
Em có nhớ những chiều ngoại ô
buổi sáng ngồi xe thổ mộ
tiệm nước bên dây quan tài
hàng cây trong nghĩa địa
Anh nhớ em gục vào vai anh ướt
nước mắt mặn của môi
chua chua miếng thơm em đem qua nhà giữa trưa rất nắng

Có một hôm anh khen em đẹp
người ta sung sướng nép đầu vào ngực tôi
Em ơi em ơi em ơi em ơi
Anh yêu em không thể nào ngủ được.

1957


--------------------------------------------------------------------
Source : Da Màu