Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Hoàng -Cho những mùa xuân phai (3). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Hoàng -Cho những mùa xuân phai (3). Hiển thị tất cả bài đăng

4/7/11

Nguyễn Thị Hoàng -Cho những mùa xuân phai (3)

Nguyễn Thị Hoàng
Cho những mùa xuân phai
(Tập truyện)
3

Dấu chân bãi cát

Cảm giác chìm nổi bồng bềnh trong dòng sông đen đặc quánh, Hiệp bàng hoàng đọc lại không biết lần thứ mấy khoản tin tức bất ngờ trên báo, trong khi buổi chiều đâu đó đã chập choạng buông màn xuống vùng không gian im vắng mê man. Niềm xót xa lâng lâng lúc đầu dần dần biến thành một đau đớn gậm nhấm nhức nhối trong tâm hồn, xô đẩy Hiệp vào giữa vùng bất định giằng co của ý muốn đi thăm Nga, xin cho Nga trở về với mình, hay mặc Nga với màng lưới đen tăm tối đã phủ xuống đời sống nàng đang bình yên, vĩnh viễn. Hiệp nghĩ mỗi người chỉ có thể tự cứu lấy mình, trong bất cứ trường hợp nào, nhất là khi rắc rối vì một lý do tinh thần hay tình cảm. Nhưng với người đàn bà thì không thể tự cứu lấy mình. Nhất là người đàn bà đã liên hệ sâu xa với mình, dù một năm một tháng một ngày nào đó gối chăn. Cho nên Hiệp phân vân. Phân vân và khổ sở giữa hai ý muốn đồng thời và đối lập là đi tìm Nga, đưa nàng về hay làm ngơ, bỏ mặc. Cho đáng kiếp. Có lẽ là Nga sẽ khóc. Nhưng nước mắt đàn bà chỉ là những hạt nước mưa trên ngọn lá môn. Rồi Nga sẽ tủi nhục một thời gian, và sau đó, quên hết để bắt đầu một trường hợp khác, tương tự, thản nhiên như ra chợ chọn một xấp hàng may áo. Một cái áo. Rồi những cái áo. Nhưng mà không thể như thế được. Vì Nga đã là của Hiệp. Của Hiệp trong đời sống, trong những ý nghĩ thiên thần trong sáng về một người con gái ngày xưa. Bây giờ Nga đến thế. Tại sao? Có phải vì chàng? Vì những nguyên nhân không ngăn ngừa đề phòng, và Nga bây giờ như thế. Với một người đàn ông nào Hiệp chưa từng biết, cùng bị bắt, ở một căn phòng trên cao thành phố, nhờ sự tố cáo của một người đàn bà khác. Hiệp chết điếng với bài báo đó. Phản bội có nghĩa là mất mát. Cho nên niềm tức giận cũng là nỗi xót xa. Và đến khi mất rồi, Hiệp mới khám phá ra giá trị của một báu vật. Nga và tình yêu cho chàng. Những ngày với nhau quên trời đất. Vùng không gian diễm ảo không bóng hình kẻ thứ ba. Bây giờ đã hết. Và có tìm đưa Nga về cũng chỉ như lần đầu tiên cuối cùng khâm liệm một phần đời sống mình thôi. Nhưng Hiệp không thể không đi. Bài báo mô tả đời sống bẩn thỉu nhục nhằn của nhà giam bọn đàn bà con gái nhơ nhuốc đó. Nga đã bị lầm tưởng, đã bị đưa vào đó, và bây giờ, cúi mặt xuống vùng bóng tối, Nga đang mong mỏi tuyệt vọng chàng tìm đến, như một biện minh với cuộc đời và tình yêu còn rơi rớt lại trong tận cùng đáy lòng đã héo hon tủi nhục buồn phiền.

Hiệp mặc áo và ra đường. Đêm đã xuống. Con đường lập loà ánh đèn và bóng lá trôi dần vào miền tối tăm vắng ngắt phía trước. Bóng Hiệp đổ dài trên mặt nhựa đen, chàng đã tan biến trong một cơn gió lạ lùng nào, chỉ còn chiếc bóng này lang thang trôi dạt về cuối đường thăm thẳm. Chàng chờ và gọi một chiếc xe hơi đến vùng trại giam bọn đàn bà bất hạnh. Không một xe nào bằng lòng đưa chàng đi. Chàng trả với bất cứ giá nào, tất cả đều từ chối. Ý muốn đi tìm Nga bây giờ mãnh liệt nung nấu trong lòng chàng, nhưng Hiệp không thể nào đi bộ trong đêm, hàng chục cây số. Đột nhiên, ở mỗi gốc cây bên đường, Hiệp choáng váng nhìn thấy một bóng đàn bà tha thướt, người đàn bà cười khanh khách với người đàn ông. Những cặp tình nhân đều giống nhau. Vì họ là Nga, với người đàn ông lạ. Hiệp sững sờ vùng chạy. Những cặp tình nhân dời gốc cây lên xe. Mũi xe hướng về phía chàng. Ánh đèn pha sáng rực gần mãi, gần mãi lại. Hiệp té sấp xuống đường. Chiếc xe lao lên mình Hiệp, nhưng chàng bỗng có cảm giác êm ái khối nặng của chiếc xe tưởng đã nghiền nát thân thể chàng thành một đống thịt bầy nhầy lao vút qua khỏi người chàng, và Hiệp vùng tỉnh dậy. Có tiếng la hoảng hốt của một thằng bé con. Hiệp quờ tay lên vớ được chân thằng bé. Nó vùng vằng cầu cứu một người nào ở đàng xa.

"Mày làm cái gì đấy?"

"Tôi… không có làm cái gì đâu".

"Thế mày rình gì tao?" Hiệp vặn xoắn tay thằng bé.

"Tôi đổ nước".

Hiệp sờ tay lên cổ rồi nhổm người lên tát cái bốp vào mặt thằng bé:

"Ơ, thế mày đổ nước lên đầu lên cổ tao đấy".

Đứa bé ấp úng muốn khóc:

"Tôi có đổ nước lên ông đâu, vào bụi ấy mà, tại ông nằm trong bụi, không nhúc nhích, trời tối, tôi có nhìn thấy ông đâu".

Hiệp buông thõng tay thằng bé. Có tiếng chân nhẹ nhàng rón rén đi đến sau Hiệp, rồi tiếng đàn bà trong vắt:

"Gì đó, con?"

"Ông này khi không tát tai con".

Hiệp gắt; không nhìn người đàn bà vừa đi đến:

"Nó đổ nước lên người ta, còn bảo khi không sao được?"

Người đàn bà kéo tay thằng bé ra rồi cúi xuống phía Hiệp:

"Ấy chết, cháu nó lỡ ra, tôi xin lỗi ông".

Giọng nói bây giờ bỗng trầm xuống, như lời dỗ dành dịu dàng, lôi cuốn Hiệp vào một hồi tưởng đột ngột, và chàng bỗng cảm thấy âm thanh quen thuộc này như tiếng gọi của một quãng đời chìm ngập đã xa mờ trong ký ức và thời gian. Ánh đèn đường bỗng dạt qua một tàn lá dừa xao động gió đêm và Hiệp nhận ra, trong vùng tranh tối tranh sáng của bờ biển, khuôn mặt mơ màng của Diễm Châu một ngày nồng nàn tháng hạ năm nào.

"Trời ơi, anh đấy ư?"

"Phải, anh chứ không một người nào khác, thằng con em nó đã chọn đúng chỗ để đổ nước".

"Em đã xin lỗi anh. Và cũng tại anh nằm trong chỗ khuất thế này này".

"Nhưng nếu bố nó nằm cũng chỗ này thì nó chắc chắn không làm vậy đâu".

"Anh Hiệp, anh giận em điều gì sao?"

"Châu dẫn thằng bé ra với bố nó đi, để cho tôi yên".

"Không có bố thằng bé ở đây. Mà sao phải ra với bố nó?"

Hiệp ngờ ngợ, Châu đã cười khúc khích:

"Nó không phải con em đâu, em chưa lấy chồng".

"Thế người đàn ông trên máy bay hôm nọ với em?"

"Vâng, em đi với hắn, nhưng không phải là chồng. Mình vào trong kia nói chuyện dài hơn, nghe anh".

"Vào đâu?"

"Trong khách sạn".

"Em ở một mình trong khách sạn sao?"

"Vâng, còn biết thế nào hơn".

Giọng Châu chán chường buông xuôi nhói lên trong lòng Hiệp chút bùi ngùi thương cảm.

Ngày mai hay ngày kia anh sẽ đến thăm Châu. Ngọn lửa đêm xưa đã tắt trong lòng người đàn ông, Châu nghĩ giọng nói ơ hờ và thái độ chừng mực của Hiệp, và mình níu kéo vô ích. Mỗi ngọn lửa chỉ cháy một lần. Và sau đó chỉ là những ánh hồng le lói gượng gạo không còn đủ sưởi ấm một đêm dài băng giá.

"Hình như anh cần một mình, hôm khác chúng mình lại gặp nhau, em không xin anh, nhưng tưởng tượng nếu chúng mình gặp lại nhau một lần, chỉ một lần thôi".

Bước chân Châu đi im lìm không âm vang trên bãi cát. Trong bóng đêm, Hiệp nhìn thấy lờ mờ trên dải cát mênh mông từng dấu chân nhỏ của người đàn bà rẽ đường vào hiu quạnh.


*


Lên hết cầu thang xoắn ốc, Hiệp tần ngần dừng lại. Thật ra Hiệp không hề muốn đến. Không có một cảm giác hay ý nghĩ nào đủ lôi cuốn chàng tới vùng bóng tối đèn mờ trên kia. Nhưng Hiệp đã ra đường, đã đi đến, và phút này đến nơi, Hiệp bỗng muốn trở về tức khắc, để giữ lại kịp trước khi đánh vỡ thêm lần nữa cảm tưởng bình yên thanh thoát về những ngày hiện tại. Hiệp không muốn xao động, không muốn thay đổi, không muốn làm gì hơn hay kém cho cuộc đời mình đã như thế. Mấy hôm trước Hiệp nghĩ điều đó chỉ vì mình. Nhưng bây giờ đứng trên tận cùng thang lầu xoắn ốc của một khách sạn xa lạ, Hiệp chợt nghĩ đến Nga, nghĩ đến Nga và muốn trở về. Ích gì một phút giây lạc loài trên vùng đèn mờ ảo đó. Chàng sẽ không cảm thấy gì hết. Với Châu hay bất cứ một người nào khác. Tất cả thật đã nguội lạnh từ lúc có Nga, và với sự hiện diện thường trực của Nga trong đời. Hiệp chịu đựng thường xuyên một niềm ray rứt về thân phận và cuộc đời Nga. Hiệp đã cố gắng nghĩ là đời Nga kể như bắt đầu từ khi có Hiệp. Nhưng đời sống là một chuỗi dài quá khứ hiện tại tương lai, không thể tách rời, không thể cắt bỏ một phần thời gian đổ nát ném khỏi thực tại của đời sống. Những nỗi ray rứt lâu ngày dựng lên trong tình yêu cho Nga một vạn lý trường thành cách ngăn điệp điệp trùng trùng. Mà bây giờ, trong một lung linh nhớ nhung, tất cả bỗng sụp đổ xuống, và Hiệp hối hận đã rời bỏ vùng bóng đêm thanh bình dưới đó để lên đây với một người đã vô tri trong kỷ niệm và cuộc đời chàng vĩnh viễn.

Cửa phòng mở nhẹ nhàng và khuôn mặt Châu diễm ảo trong đèn hồng nồng nàn. Hiệp đi vào và Châu khép cửa lại. Hiệp ngồi xuống ghế trong lúc Châu đứng im bên khung cửa sổ mở lên vòm trời sao lờ mờ. Một lúc, Hiệp nghe có tiếng rào rào dưới vườn cây.

"Gì thế Châu?"

"Hình như trời sắp mưa lớn".

"Anh phải về trước cơn mưa".

Châu đóng chặt cửa kính:

"Anh ngồi lại cho qua cơn mưa, ít ra, anh hãy cứu vớt em một lần. Chỉ một lần này".

"Có gì là cứu vớt?"

"Anh đến, và ngồi như thế. Cho em cảm tưởng mình hãy còn như xưa".

"Đáng lẽ anh phải an ủi Châu. Nhưng anh chẳng còn lời lẽ để tự nói với mình. Đêm rồi qua đi, ích gì khi tìm kiếm chút ảo tưởng mong manh trong bóng tối này. Ngày sẽ soi rõ tất cả và sẽ xô đẩy mình vào nỗi đắng cay thường trực".

Gió phả cơn mưa bất ngờ dữ dội xuống vườn cây. Châu kéo kín các màn cửa và đặt trước mặt Hiệp cốc rượu nồng. Hiệp nâng ly rượu lên rồi để xuống.

"Rồi một ngày, bỗng dưng anh không còn đến với em nữa".

"Anh đã gặp lại Châu nhiều lần, nhưng lơ đi. Không làm gì được cho Châu, thà như vậy là hơn".

"Em không đòi hỏi gì hơn là thỉnh thoảng được nhìn thấy anh một lần, để níu kéo chút liên hệ cuối cùng và độc nhất giữa em với cuộc đời. Nhưng rồi nỗi mong ước đó cũng tan hoang".

"Em ở đây một mình?"

"Vâng, chỉ ghé qua đây vài hôm rồi đi".

"Đi đâu?"

"Em không biết".

Lòng Hiệp chùng xuống một thoáng xót xa lắt lay. Dù sao có một ngày nào xưa, với Châu chàng đã qua một lần đằm thắm nồng nàn. Bây giờ người con gái làm củi rêu lênh đênh trên nước lũ. Và Hiệp chỉ là người trên đường hờ hững đi qua, như Hiệp đã hờ hững đi qua trên cuộc đời và thân phận chính mình, không còn một nỗ lực nhỏ nhoi nào để níu lại sự thăng bằng cho tâm hồn, cho sự sống tàn héo dần dần trong công việc, hành vi ngôn ngữ ý nghĩ lặp lại hằng ngày một điệp khúc bình yên.

Hiệp nâng ly rượu lên môi uống cạn. Một lúc cảm giác cồn cào xoáy xuống ruột gan, mí mắt căng căng niềm mỏi mệt bơ phờ, hai tay buông xuôi trong tay Châu, chàng nằm xuống nệm giường như thả trôi xuống dòng nước chảy. Trong mắt Hiệp nóng bừng khép kín, ánh đèn hồng bỗng như lu mờ hẳn lại, và tiếng Châu lẫn vào trong tiếng mưa chìm chìm rơi.

Một lúc Hiệp tỉnh dậy và lạnh toát người với ý nghĩ đi đến chỉ là bước lên những dấu chân vừa để lại đàng sau, đi hết vòng tròn đời sống chỉ là trở về thời điểm và mỗi một người không thể thanh toán dứt khoát với quá khứ mình để thản nhiên buổi chiều lại cuộc đời nên thường xuyên nặng trĩu trên vai hành trang khô héo của những tháng năm nào không còn nữa. Ngày mai mỗi người vẫn ở nguyên vị trí mình hôm nay, không xê dịch khỏi vòng vây mệnh số, và mong chờ tuyệt vọng một đổi thay tốt đẹp không bao giờ tới. Cho nên đi xa hơn trong tình cảm và không gian chỉ để làm rõ cảm giác lạc loài. Như Châu rồi sẽ cô đơn bên cạnh những người xa lạ mới. Như Hiệp bây giờ phiêu du giờ phút với Châu, bỗng chênh vênh nỗi nhớ về nguồn là Nga chờ đợi ở nhà thầm lặng.

Hiệp đứng lên, không nhìn Nga, không nói một lời, cúi đầu đi xuống cầu thang trong cơn mưa vừa dứt dưới vườn cây ngủ. Bãi cát ướt dưới lưng, vòm trời đen như một cái nắp tròn trên mặt, Hiệp nằm nhìn mông lung ra khơi. Trên những hòn đảo xa, đèn của quân đội Mỹ chiếm đóng kết từng vành tròn thoai thoải cong xuống gần mặt biển đưa mơ mộng Hiệp đến những vành lược óng ả trên mái tóc đàn bà Nhật Bản. Tiếng sóng mỗi lúc một gần dưới chân, như tiếng rào rào mơ hồ của một bánh xe khổng lồ sắp nghiến lên thân thể Hiệp. Chàng có cảm tưởng sắp bị vùi chồng, và hoảng hốt muốn níu lấy bàn tay Nga đã buông rời theo năm tháng.


*


Giấc ngủ như còn chập chờn trên rèm mi cong loáng thoáng chiêm bao, Nga thong thả đi ngang qua vùng nhà thờ, với ý nghĩ mơ hồ là mong mỏi một nhân chứng vô hình thiêng liêng nào đón tiếp những phút giây thênh thang của chuỗi ngày cô quạnh lại bắt đầu. Sáng Chủ nhật. Nắng hé dải một lụa vàng hanh phơn phớt trên hàng cây còn ngây ngất hương mưa đêm. Tiếng chuông lễ sớm trong giáo đường thánh thót. Những tà áo màu rực rỡ trong không khí phảng phất mùi thơm của gió sớm và lá cây. Tiếng guốc reo vui trên khoảng lề đường sạch bóng. Còi xe gởi tiếng cười gặp gỡ hồn nhiên xuống ngả tư đường nao nức. Và cuồn cuộn như nước chảy, những bánh xe lăn rào rào trên mặt nhựa ngọt ngào nhẵn bóng của buổi sáng cuối tuần rộn ràng thường lệ của Sài Gòn. Một bóng con gái áo trắng đi ngược chiều thoảng lại mùi thơm dìu dịu của những tràng hoa nhài vừa nở. Mùi hương và hình ảnh ứa trào trong lòng Nga kỷ niệm xót xa của một thời con gái bình minh. Bây giờ buổi chiều cuộc đời đã xuống trong buổi mai huy hoàng thành phố, và tôi không còn chút liên hệ nào, chút quyền hạn nào với sự sống vời vợi dâng như thủy triều xung quanh. Cho ốc đảo đìu hiu ngậm ngùi thân phận lạc loài. Tôi đã tự ý tách rời, từ khước đám đông cũng có nghĩa một phần nào là lảng tránh. Tôi không có quyền cũng vì thế đồng nghĩa với tôi không chấp nhận xung quanh, để không còn một tương quan nào nữa giữa tôi và ngày qua, giữa tôi và khung cảnh bao giờ cũng nhắc nhở cũng vang rền hình ảnh thanh âm tôi không còn muốn nhớ. Bởi như vậy là hết. Tôi từ bỏ tất cả chỉ được Hiệp. Và bây giờ Hiệp cũng không còn thuộc về tôi, hay, đúng hơn là Hiệp vẫn mãi mãi là của tôi nhưng trong sâu xa của tình yêu tôi linh cảm thấy điều gì không ổn, và bây giờ Hiệp cũng bỏ đi rồi, không nói rõ lý do hoặc không có một lý do xác đáng nào để nói. Cho nên tôi lơ lửng không trông cậy vào đâu và không thuộc về đâu cả. Buổi sáng Chủ nhật gọi Nga ra khỏi nhà bằng khung cửa sổ chắn một vuông trời trong vắt. Trong khung trời vuông xanh nhạt sợi mây dài như tóc thu đã bềnh bồng trôi qua khoé mắt Nga khép hờ thao thức. Một ngày nào đó những ấn tượng bồi hồi của mỗi người cưu mang nuôi nấng rồi cũng lê thê và đứt quãng như dải mây trôi. Và Nga đã mặc chiếc áo màu buồn buông xuôi thể xác tâm hồn xuống phố.

Nhìn và không thấy gì trên hè phố bây giờ bắt đầu tấp nập, Nga mê man đi hết quãng đường, đẩy cửa kính dày của một nhà hàng ăn uống giải khát, bước vào ngẩn ngơ, ngồi xuống một chiếc ghế gần cửa kính, e dè như sợ động vỡ. Thoáng hình ảnh xao xuyến bỗng nhói lên trong lòng khi đi qua khung cửa, Nga thoáng thấy bóng mình trong gương soi. Cái thoáng hình ảnh như cơn gió lạnh đầu mùa đánh thức trong lòng người con gái những cơn rùng mình ớn lạnh cho một quãng thời gian đánh mất suốt đời, cùng với những cơ hội nao nức, những ước hẹn mông lung, những đợi chờ vô vọng, những dang dở ngậm ngùi, và những lời thề nguyền trên trang thư xanh màu thương nhớ xa khơi.

Cô dùng gì, người bồi hỏi từ thế giới của người đời xa lạ. Cho một trà đường. Có bánh ngọt không. Có, cho hai cái, Nga nói lửng lơ với nhánh lá xanh vươn lên trên mặt cửa kính trong suốt. Người bồi mang bình nước đến, với một cái chén, một cái muỗng, rồi một cái đĩa, và khay bánh. Không, dọn hai phần kia mà, sao lại chỉ có một đĩa, Nga hỏi. À, hai người, người bồi ngạc nhiên trả lời và đi lấy thêm một phần chén đĩa.

Đối diện với tách trà vương khói của người vắng mặt bên kia, Nga nâng chén trà mình uống từng ngụm nhỏ tiếng nhạc trầm trầm xoáy lên từ góc phòng. Anh, Nga gọi thầm, cho tiếng nhạc bây giờ đắng chát. Đã mười năm rồi có phải không anh. Mười năm em đã quên, không nhớ lại, không nghĩ đến một lần nào. Mà bỗng trong chiêm bao anh về lãng đãng đêm qua. Khi tôi nhận ra mình đi lạc đường, bóng chiều đã xuống thấp. Con đường dài sâu trũng ngoằn ngoèo giữa hai bờ cây cỏ hoang vu dần dần sẫm màu, và bóng tối như một vầng khói đen khổng lồ từ trời cao xoáy lốc ào ạt đổ xuống, lượn vòng từ đàng xa, xô dạt mỗi lúc một nhiều và một nhanh về phía tôi. Bốn bề vắng ngắt, không một mái nhà, không một bóng người, không dấu vết nhỏ nhoi nào của đời sống. Khối bóng tối bây giờ đã sụp xuống trên đầu tôi, nhưng tôi không cảm thấy gì ngoài ý nghĩ tuyệt vọng là từ giây phút này, vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy vòm trời trong suốt bao la ngoài kia nữa. Một lúc, cái màn tối tăm đen đặc bỗng mỏng đi, và tôi nhìn thấy, như từ trời cao đổ xuống, dòng thác trắng cuồn cuộn đổ xuôi xuống một vườn núi tím. Loáng thoáng bên kia, xa tít tắp, hình ảnh nhạt mờ của một chòi lá chênh vênh bên chiếc cầu ván nhỏ. Rồi giữa những màu sắc âm u của buổi chiều xám ngắt đó, tôi tìm thấy vết áo trắng hiện hiện chìm chìm, bồng bềnh như một cánh chim trên sườn tôi, gần chiếc cầu nhỏ. Tôi đi vương mắc trong màn bóng tối đến bên kia bờ đất hoang, hai chân nâng bổng với cảm giác bàng hoàng nao nức. Cảnh vật bỗng quay tít một vòng, vòm trời chợt sáng lên một giây, và tôi bay ở bên một bờ suối, với tiếng cười đùa ríu rít của con gái con trai, tiếng đổ rào rào của thác nước, và giữa những âm thanh lạ hoắc nổi trôi, tôi bỗng nhận ra tiếng nói của Hoài. Tiếng nói quen thuộc của Hoài một ngày mùa hè ấu thơ xa lắc. Tôi đi vòng qua một vòm cây. Và Hoài đó. Hoài đứng với một người đàn bà. Tôi muốn kêu lên cho lời mình vọng vang qua suốt thời gian mười năm trôi mê mải. Nhưng Hoài nhìn tôi như nhìn một kẻ không quen, trong khi người đàn bà xa lạ mỉm cười giới thiệu người đàn ông là chồng. Hoài mỉm cười, nửa ngờ vực, nửa châm biếm xót xa. Tôi nói với người đàn bà chị làm ơn chỉ hộ tôi đường về miền biển. Người đàn bà nói chị cứ đi dọc theo bờ suối, qua bên kia cái thác, đến một vùng đất cao hoang vu, đi xuống một sườn đồi thoai thoải, qua chuyến đò, đi về miền nam là đến nơi. Tôi lạc đường xa quá rồi, tôi nói. Rất tiếc là chúng tôi đi ngược đường với chị, nếu không, chúng mình cùng đi, nàng tươi cười. Tôi bảo, cùng đi thế nào được, chị đi thì tôi không đi và chị không đi thì tôi đi, chúng mình không thể đi chung một con đường. Chị đi đúng đường, còn tôi thì sai lạc từ đầu nhưng không biết. Hay là nhà tôi đưa chị sang bên kia thác rồi trở về đây đón tôi, nàng hỏi. Không được đâu, tôi đi một mình còn hơn đi vì lòng tử tế, chị phải đứng một mình, tôi nói với chính mình và nhìn lên vùng bóng tối lan dài trên đỉnh núi. Ngọn thác trắng đã chìm trong bóng tối, chỉ còn nghe tiếng chảy rì rào triền miên, điệp khúc không nguôi ngoai của tháng ngày. Chị đi một mình qua núi nên mặc thêm áo ấm, tôi lấy áo tôi cho chị mượn, người đàn bà nói và đi thoăn thoắt qua bên kia bờ cây. Trên đầu hai người, vòm lá lao xao reo bay. Tôi nghe mơ hồ tiếng thở dài u uất của Hoài trong hơi gió núi chiều hôm.

"Mười năm nay, anh vẫn nghĩ đến em, em biết không Nga?" Tôi đứng cách xa Hoài thêm một bước.

"Vâng, nghĩ đến một người và sống với một người khác".

"Ngày mai em về biển phải không?" Hoài hỏi bùi ngùi.

Tôi bỗng dưng muốn khóc cho những tờ thư xanh Hoài gửi đến không bao giờ được hồi âm một mùa hè mười năm trước:

"Vâng, em từ biển mà đi, giờ em lại trở về với biển".

"Nếu ngày xưa Nga trả lời thư anh, cuộc đời mình bây giờ đã khác thế này".

"Vâng, và em đêm nay sẽ không phải một mình băng vời qua bên kia núi".

Hoài tiến lên một bước. Áo Hoài chạm vào vai tôi mơ hồ như chỉ là một ảo tưởng. Lòng tôi bỗng rưng rức đớn đau.

"Cho đến khi em bỗng muốn trả lời thư anh thì mọi chuyện đã lỡ làng rồi". Tôi nói câu cuối cùng với Hoài và bỏ chạy trước khi người đàn bà mang áo đến.

Trong đáy nước lung linh, giọt nước mắt Nga âm thầm nhỏ xuống, nàng pha trà vào tách, một muỗng đường quậy nhẹ cho tan tành trong đáy nước những hình ảnh cuối cùng của giấc chiêm bao đêm qua. Vị trà bây giờ ngọt lịm trên môi, Nga đứng lên, tiến về phía máy điện thoại. Nàng quay số, thật chậm rãi, muộn màng…

"Tôi không ngờ, không bao giờ có thể ngờ người đến lại là Nga".

"Cũng như tôi không ngờ người tôi tìm đến hôm nay lại là anh".

"Nga đã nghĩ thế từ mười năm về trước".

"Van anh, thôi đừng nhắc ngày xưa đó".

"Nga chết vì ngày xưa nhưng tôi chỉ sống vì ngày xưa".

"Lẽ ra tôi phải biết sống nhờ ngày xưa đó. Nhưng tôi dại khờ, lạc lối cho đến bây giờ, và đôi khi tự hỏi vì sao ngày đó không một lần trả lời thư anh".

"Nga còn nhớ những bức thư tôi ngày cũ đó sao?"

"Trong mười năm, thật ra không bao giờ em nghĩ đến. Nhưng đêm qua…"

"Thế nào, việc gì đã đến trong đêm qua?"

"Giấc chiêm bao".

"Giấc chiêm bao thì nhắc nhở được gì đến những ngày hoang đường xa lắc đó?"

"Vâng, có nghĩa lý gì giấc chiêm bao. Nhưng trong giấc chiêm bao, tôi bỗng thấy mình bé bỏng lại như mười năm về trước, như ngày đầu tiên anh đến thăm và lạ lùng là tôi bỗng cảm thấy yêu, yêu và tiếc xót xa… Thôi tôi đi về. Tôi đến đột ngột, liều lĩnh thế này chắc anh sẽ khinh, anh tha lỗi cho. Tôi chỉ cầu mong tìm thấy anh lại một lần; để biết anh là người thật hay chỉ là hình ảnh chiêm bao, và mười năm xưa đã đến, hay chỉ là ảo tưởng lu mờ".

"Sao Nga biết số điện thoại tôi?"

"Biết chứ, như biết nơi anh làm việc, con đường anh ở và mỗi lần đi mỗi lần về của anh. Nhưng anh đừng lầm tưởng, những điều đẹp nhất chỉ là ảo tưởng và chiêm bao. Ngoài đời sống thật thì chẳng có gì. Tôi biết chỉ vì tò mò, không gì khác hơn. Tâm hồn tôi bây giờ nhẵn bóng, trơn tru một hòn cuội trắng. Nhưng đêm qua giấc chiêm bao đánh lừa tôi. Tôi đến anh vì muốn biết chiêm bao phỉnh phờ mình hay là…"

"Bây giờ xin em ngồi lại, giây lát thôi, uống với tôi tách trà buổi tối, và hãy kể cho tôi nghe giấc chiêm bao đêm qua".

"Không được".

"Vì sao vậy?"

"Anh có thấy, những đám bèo đang trôi?"

Hoài ra đứng bên cửa sổ nhìn xuống. Con nước lừ đừ loang loáng bóng chiều sẫm màu dâng đầy trên sông, cuốn theo những đám bèo bồng bềnh, và thỉnh thoảng giữa những đám lá đen bỗng vươn lên như một cánh tay giã từ nhỏ bé, bông hoa bèo tím nhạt lênh đênh. Mỗi ngày bèo vẫn trôi lênh đênh trên sông từ cửa sổ phòng chàng mà Hoài chưa một lần nhìn thấy, và bây giờ thì bông hoa tím nhạt đã khuất xa dưới kia chân cầu tràn ngập bóng đêm…

"Vâng, bèo trôi…"

"Thôi bây giờ Nga đi về".

"Nga ở một mình?"

"Không, cũng như anh vậy, nhưng không bằng anh, hoặc là hơn anh. Không có đời sống nào bằng nhau và giống nhau".

"Hãy ngồi lại uống tách trà với anh, từ lúc đến Nga chưa ngồi xuống, như kẻ đi đòi nợ".

"Đúng là đòi nợ, hãy trả cho em tách trà mười năm về trước đã pha cho anh. Rồi giữa chúng mình như thế là nhẹ lòng".

Nga chớp mau mắt nhìn ra khung cửa sổ tìm một cánh bèo nhưng bóng tối đã xoá nhoà con sông tội nghiệp. Rồi nàng ngồi xuống chiếc ghế da màu cặn rượu đối diện Hoài. Hai người yên lặng nhìn nhau một giây. Người làm bưng khay trà lên rón rén đặt trước mặt mỗi người một tách trà thơm ngát. Nâng chén lên môi, hai người bàng hoàng nhìn nhau nhấp một ngụm trà. Đột nhiên, Nga bỗng mong mỏi thiết tha, thành khẩn là Hoài sẽ nói một câu gì, phác một cử chỉ nào liều lĩnh với mình để chắp nối lại, dù giây phút, dù mong manh thời gian hiện tại với ngày nào mười năm về trước. Hiệp bỗng đứng lên. Chàng đi vòng sang chỗ Nga ngồi, và dừng lại, trầm ngâm với chén trà trên tay. Trong một thoáng, Ngà bỗng sợ hãi chính điều mong muốn vừa rồi, sợ hãi đến xót xa ngây ngất với niềm đau đớn lâng lâng.

Hoài đưa Nga ra khỏi phòng khách, xuống lầu, qua sân. Khi Hoài đưa tay mở cổng, Nga đứng lùi lại dưới cánh tay nhấc cao của Hoài. Nàng ngẩn ngơ không tìm thấy nổi xúc động dạt dào của đêm qua khi đứng bên Hoài trong giấc chiêm bao.


*


Trời nóng bức khô khan nao nức đợi chờ cơn mưa cuối cùng của buổi chiều. Tiếng sấm động mơ hồ trong chân mây. Không gian thu nhỏ cho hai người gặp nhau trong gian phòng âm u kín cửa. Hiệp hỏi làm thế nào lúc nãy em vào đón anh tận trong phi trường. Nga cười cho hương hơi quen thuộc phả xuống tóc môi Hiệp cảm giác buồn buồn rưng rức, em mua hẳn một vé máy bay, và đi theo xe hành khách. Buổi chiều, căn phòng, khuôn mặt người đối diện, hơi thở nồng nàn và cánh tay ôm quanh lưng, tất cả bỗng mới mẻ, và dịu dàng như lần đầu tiên họ đến với nhau. Tiếng sấm càng lúc càng rõ và gần bên ngoài. Không gian bỗng lắng xuống mát dịu với hơi gió bắt đầu ẩm ướt. Em cảm tưởng không phải là anh mà chính em vừa đi đâu xa về, và từ đây không bao giờ đi nữa, Nga thoáng ăn năn. Hiệp dúi cái tàn thuốc đang cháy dở trên bàn, chúng mình đã trở về. Cơn mưa rào rào chạy nhanh trên những mái nhà cằn khô và cuối cùng dừng lại giăng màn mờ mờ trong mắt Nga hình ảnh căn phòng quay tít, dâng cao và cảm giác bay bổng nhẹ tênh xoá mờ trong tiềm thức tối tăm những mảnh vụn chiêm bao cuối cùng. Em nghĩ gì đó Nga. Không, không có gì cả. Trời đã mưa và chúng mình đã trở về.