Không ngờ ở Việt Nam những năm 60 đã xuất hiện một bút pháp độc đáo như thế này.
PHĐ
DƯƠNG NGHIỄM MẬU Cũng đành [1]
Tôi trốn đơn vị chạy về nằm ở Cố Thổ vào cuối mùa thu cùng với những cơn sốt rét cách nhật. Bà cô tôi thương xót mỗi ngày vào rừng nhặt những lá, rễ cây về nấu cho tôi uống nhưng vô hiệu nên nghĩ đến chuyện trở về Hà Nội. Ngày tôi rời Cố Thổ về Sơn Tây cô tôi gói cho một gói cơm trộn tám phần sắn khô như củi, nhạt nhẽo. Cô tôi dặn về tìm một người quen ở đó giúp đỡ. Về tới nơi họ cũng không giúp đỡ được gì ngoài những bữa cơm sắn ăn với rau tàu bay luộc chấm muối. Những cơn sốt lại hành hạ. Người ta không thể xin được giấy cho tôi. Nghe lời mách của người hàng xóm muốn cho khỏi rét nên nuốt những con run đất. Họ bảo có thể trị sốt rét được. Không còn cách gì hơn, tôi kiếm một con dao cùn và chiếc gáo dừa vỡ đi đào run, những con run dài xanh đỏ ưa nằm chỗ ẩm, tôi cứ việc lật những viên gạch vỡ ở bên vại nước, và đào ở các bờ rãnh hàng bát run mang rửa và nuốt. Những con run còn sống nguyên, bò ngoi đầu lúc nhúc tôi cầm từng vốc bỏ vào miệng cho nó trườn vào cổ họng. Những ngày đầu ghê tởm, nôn mửa qua đi. Những ngày tiếp theo tôi nuốt thản nhiên. Những con run sống ấy vào trong bụng tôi đã nhiều nhưng những côn sốt cách nhật vẫn hành hạ và dữ dội thêm là khác, sức tôi yếu dần thêm nữa. Tôi chỉ còn tìm cách nào vào thành may ra kiếm được ký ninh uống.
Không ai dám bảo đảm xin giấy thông hành cho tôi. Tôi vẫn liều ngày ngày ra bến xe trèo lên để vào, nhưng dù ngồi yên chỗ rồi khi hỏi đến giấy không có, chuyến xe lại bỏ tôi lại. Rất nhiều lần như thế, đến khi có xe cho đi thì tôi lại không có một đồng. Hà Nội – Sơn Tây 43 cây số, với những cơn sốt tôi không còn đủ sức để lê về. Mãi sau vì nài nỉ quá có chiếc xe chở củ nâu, với người phu xe thương hại cho tôi đi bằng cách ấn tôi vào giữa những bao củ nâu. Hắn bảo tôi trước là nếu vô phúc bị khám mà lộ ra thì chịu khó mà ở tù đừng oán thán gì. Tôi hơi mỉm cười bảo:
- Thì sao mà cưỡng được...
Khi xếp những bao tải củ nâu lên xe hắn chừa lại một chỗ trống ở giữa cho tôi ngồi vào đấy rồi hắn lấy thêm những bao khác lấp lên trên. Tôi ngồi co rúm không thể cựa quậy, nhúc nhích. Mùi củ nâu, mùi bao tải hôi sì, mùi xăng nhớt như muốn chết ngạt. Giữa trưa xe từ giã tỉnh Sơn vào con đường trở về. Xe chạy nhanh sóc trên những quãng đường gồ ghề, những bao củ nâu bị lắc mạnh cứ dẹp mãi xuống, chung quanh tôi kín bưng chả thấy gì, tôi nghĩ như mình bị bỏ vào quan tài đã đậy ván thiên lại chỉ có điều là tôi còn thở. Cơn sốt lại đến với tôi giữa những quãng đường ấy, chân tay run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau và tôi lả người đi vì mệt mỏi.
Khi tỉnh dậy thì xe đang dừng. Tôi lắng tai nghe tiếng giày đinh lộp cộp, những bao củ nâu bị lay động và có tiếng chọc của một chiếc gậy sắt. Tôi biết là xe đang bị khám, nên hai lần bị gậy sắt thọc vào lưng tôi không dám nhúc nhích và thở mạnh, tôi nghiếng răng, nhắm mắt lại... Những chặng gác thoát dần sự khám xét khiến cho xe về đến bến thì trời đã tối mịt. Bến xe Kim Mã hoang vắng người phụ xe dở bao tải cho tôi chui ra, tôi nghe tiếng chuông xe điện đổ dồn, tôi bước xuống mặt đường chân tay run lẩy bẩy vì đói vì lạnh. Tiếng đầu tiên tôi được nghe là của người phụ xe:
- Tới rồi đấy, có thể đi về nhà được không? Không có giấy thì coi chừng tụi ba tụi nó nhặt bỏ nhà tiền đấy.
Tôi cứng cả lưỡi không nói được. Tôi không biết về đâu cho qua đêm để sáng mai có thể đi tìm kiếm, dù tôi chưa biết là sẽ tìm kiếm cái gì. Về nhà. Người phụ xe nhìn tôi ái ngại. Hắn có khuôn mặt đen khắc khổ, đôi gò má cao làm cho hai mắt đen sâu bóng tối. Tôi nói với hắn tình cảnh của tôi, tôi muốn hắn cho tôi nằm ở trên xe cho đến sáng hôm sau. Nhưng hắn từ chối. Hắn nói với tôi một ít điều phân trần không sao có thể giúp tôi được. Tôi cám ơn hắn. Hắn xếp lại mấy bao củ nâu, đóng thùng xe rồi hắn quay lại nhìn tôi. Nghĩ thế nào hắn móc túi dúi cho tôi mấy đồng bạc. Không nói thêm nửa lời hắn trèo lên phiá trước xe. Chuyến xe chạy vào con đường có đèn thắp sáng.
Tôi không thể đứng lâu hơn được nên ngã quỵ xuống. Quá mệt tôi phải cố sức bò dần vào một túp lều bỏ không rồi lăn mình xuống đấy. Tôi nằm im một lúc cho hồi tỉnh rồi cố dậy sờ soạng trong bóng tối xem có cái gì có thể ôm vào người được cho đỡ cô đơn, nhưng sờ soạng mãi tôi mới nhận ra có một cái bàn nhỏ và có một cái ghế dài nhỏ. Ðó là đồ dùng của một quán nước, hoặc quà bánh gì đó. Tôi không có gì để ôm vào người. Tôi sờ mặt đất nhớp nháp, vơ những rác rưới ẩm nước hôi hám, những bã mía, lá bánh, giấy vụn. Tôi cố vơ thành một đống rồi rúc mình vào cho đỡ lạnh và êm hơn mặt đất. Muỗi kêu vo ve, những con chuột kêu thành tiếng chui vào đống rác kiếm ăn. Chúng cắn chân mà tôi không muốn cựa, chúng cắn chán lại rúc, lại kêu. Tôi vớ những nắm lá chuối ướt nhép bỏ vào mồm nhai cho đỡ buồn miệng. Tôi nghĩ chắc thịt tôi đã hết máu nên lũ chuột chả thèm ăn, và chắc chúng nó nhiều máu hơn tôi là khác, nghĩ thế tôi há lớn miệng tự nhủ: để chú nào vô phúc rúc vào mình sẽ ngậm miệng lại mà nhai một miếng cho khoái bao tử. Bởi vì nếu có con nào đến gần tôi cũng khó chộp được, chúng khoẻ và nhanh lạ. Lũ chuột rúc mãi chắc cũng chả kiếm được gì nên bỏ đi dần cho tôi nằm một mình nghe tiếng muỗi kêu vo ve.
Mãi tôi cảm thấy như có một con vật nào đó rất kỳ dị, to lớn tiến đến ôm choàng lấy tôi, tôi bị nghẹt thở không kêu được, thân thể cứng đờ rồi thiếp dần đi...
Tôi thức dậy khi trời đã sáng rõ, bụng đói cồn cào, chân tay rời rã, nhưng đầu óc tỉnh táo kỳ lạ. Tôi nằm im cho mãi đến khi có một người đàn bà bước vào lều. Khi bà ta đưa mắt nhìn đến đống rác thì kêu thét lên. Tôi ngọ ngoạy rồi chui đầu ra. Chắc hẳn người đàn bà tưởng tôi là một con vật, như con chó ốm ghẻ lở nào đấy. Khi thấy cả thân hình tôi ngồi dậy được thì trên khuôn mặt bà ta hiện ra nhiều nét ngạc nhiên đầy kinh dị:
- Trời ơi tao tưởng mày là xác chết rồi chứ... thế mà đêm lính nó không nhặt đi...
Tôi trở ra ngoài vươn vai, thở mạnh, phủi những rác rưởi bám trên quần áo, mắt tôi kèm nhèm. Tôi nhổ một chút nước bọt ra bàn tay rồi chét vào mắt mà dụi cho tỉnh táo. Những chuyến xe không, bắt đầu vào bến nằm. Mặt đường nhựa rét cứng. Mùa đông vào thành phố, vẻ buồn thảm càng nhiều. Người đàn bà dọn quán. Bà ta bán bún riêu, bánh đúc. Sau khi bầy bát đĩa, tôi ngồi vào tấm ghế dài, kẹp tay vào giữa hai bắp đùi rồi nói với bà ta:
- Cho một bát bánh đúc.
Người đàn bà mãi mới nhìn lên dò xét, tôi biết bà ta đang nghĩ gì:
- Này người ta chưa bán mở hàng đâu đấy. Có tiền không mà ăn?
Tôi moi mấy đồng bạc của người phụ xe cho mà để lên bàn, tôi lên giọng chững chạc:
- Cho hai đồng thôi...
Hai bát bánh đúc chan canh riêu nóng hổi vừa ăn vừa thổi làm tôi tỉnh táo. Tôi ngốn rau chuối như lợn cốt đầy dạ dày. Tôi ăn thật nhiều ớt cho tê cả miệng và ràn rụa nước mắt.
Nghĩ đến chuyện bị hỏi giấy, tôi đi vào phố xá lén lút như một kẻ ăn cắp, như chú cừu đang lạc vào bầy sói tôi đang lẩn thân bên những xác ma chập chờn lẩn quất. Trông người nào tôi cũng thấy họ hung ác ngay cả những đứa trẻ con cũng vậy và lúc nào tôi cũng tưởng họ sắp thộp lấy gáy mình hỏi lăng nhăng rồi bỏ vào nhà tù cho đông đảo thêm.
Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là trở về nơi bãi Phúc Xá xem nhà cũ thế nào. Thành phố xa lạ một cách không ngờ. Những dấu vết chiến tranh đang được cố gắng lấp đầy để quên lãng. Tôi đứng ở đầu nhà máy đèn, nhìn xuống bãi Phúc Xá vắng tanh chơ vơ vài bức tường đứng cô đơn. Cầu Long Biên xám đứng đằng xa. Tôi không dám lần xuống bãi. Tôi cố nghĩ xem, quen ai, tìm ai, ở đâu, ăn gì, uống gì. Tôi ngồi ở vỉa hè nhìn nền trời xám.
Tôi đi men theo nhà Ideo lên phiá Yên Phụ. Những dặng cây trút lá chạy dài. Những tên lính Tây la thét cười cợt hát hổng ở phía trong bức tường cao. Tôi thấy chúng vứt những ống bơ ra theo lối cửa sổ. Tôi đến những đống rác ấy bới móc nhặt những chút vỏ bánh mì đen thui ấn vào mồm mà nhai mà nuốt. Tôi bới hết đống này đến đống khác. Tôi vét vào mồm từng chút cặn thịt hộp đã thiu thối, từng chút đầu hay đuôi cá tanh lợm còn sót lại trong những chiếc ống bơ. Tôi nhặt cả từng miếng bánh mặn nhỏ ấn vào hai túi áo. Ði bới hết những đống rác tôi ngồi nhai những mẩu bánh, khi cổ khô vì khát tôi tìm một cái máy nước áp mặt vào nốc.
Tôi đi lang thang lẩn lút từ phố này sang phố khác. Chen vào đám đông nhìn vào từng khuôn mặt xem có ai quen không. Nhưng suốt buổi tôi không tìm kiếm được gì.
Ðến buổi trưa tôi theo đường tàu điện ra tận Giám, ngồi trong Văn Miếu bên những bia đá, nhà đổ, gạch ngói và cỏ hoang buồn buồn tôi lộn hai túi áo ra nhặt nốt những vụn bánh còn sót lại bỏ vào mồm. Ngồi chán leo lên bức tường đổ ra chợ Con Bò. Ðang thơ thẩn bỗng nghe tiếng cười hỏi giật:
- Kìa cậu Kha, cậu mới hồi cư à? Ông bà ở đâu?... Cháu vẫn để ý tìm mà không gặp – may quá... nhà cháu ấy...
Tôi ngạc nhiên phủi áo rồi nhìn vào mặt người đàn ông một lúc. Tôi không nhận ra ai. Thấy tôi im lặng, người đàn ông lại nói tiếp:
- Cháu đây mà – cả Mạnh hồi xưa trông cửa hàng cho ông bà nhà...
Bây giờ thì tôi đã có người quen rồi cho dù tôi không nhận ra ai.
- Tôi nhớ, chết thật lâu ngày... tôi cũng đang đi kiếm...
- Thế ông bà nhà?
- Có mình tôi thôi... thầy đẻ tôi... Tôi đang đi tìm một chỗ ở.
- Thế ra có một mình cậu.
- Vâng...
- Thật rõ...
- Tôi muốn có một chỗ ở tạm – nhà bác?
Người đàn ông lưỡng lự. Bác ta vào độ 40 tuổi, mặt già nua đen sạm, những vết nhăn chằng chịt trên trán. Một con mắt bị tật để lộ ra một mí đỏ lòm và ít râu thưa mọc lởm chởm trên mép.
- Cho tôi ở tạm thôi...
- Nhà cháu cũng không có chỗ tử tế. Sợ cậu ở không được.
- Vẽ ra, đến có ổ chuột mà rúc vào cũng hay rồi đấy, loạn mà bác?
Sau cùng – bác Mạnh – bây giờ tôi có thể nhớ được tên bác – đưa tôi về ngõ Thong Phong ở tận mãi chỗ Ô Chợ Dừa nơi con đường Hàng Bột. Vừa vào đầu ngõ đã phải đi qua một xưởng thuộc da hôi thối và những ruộng muống tanh lợm mùi bùn. Bác Mạnh làm nghề thổi thong phong cho một xưởng nhỏ ở luôn tại đó làm người gác nữa. Bác có một chỗ ở bằng ba chiếc chiếu ngánh bằng mấy tấm tôn vào cái lò nấu thủy tinh. Trong nhà chỉ có một cái gường tre độc nhất là chỗ ăn, chỗ ngồi chơi hút thuốc lào và chỗ ngủ cho hai vợ chồng và một đứa con gái hai tuổi gầy teo. Tiếng nó khóc như tiếng mèo kêu nhưng cũng nhờ tiếng khóc đó tôi biết nó còn sống.
Tôi nói tình cảnh tôi cho bác Mạnh nghe. Bác tỏ vẻ ái ngại về chuyện vật đổi sao dời làm tôi khó chịu. Tôi nhờ bác xin cho một việc làm ngay ở xưởng. Ở đây người ta mua những mảnh vụn chai, kính vỡ về nấu rồi thổi thong phong, những ve chai nhỏ để đóng thuốc cho mấy tiệm thuốc bắc. Tôi không biết thổi nên nhận một chân đốt lò, khuân thủy tinh, quét dọn. Buổi tối tôi giải chiếu ngay nơi cửa lò – chỗ làm việc của bọn thợ ban ngày mà ngủ cho ấm.
Bây giờ thì tôi đỡ lo là chưa chết ngay. Mùa đông kéo dài những ngày rét mướt. Tôi vay tiền mua hai cái bao tải tối đến chui vào đó. Với những ngày làm việc mệt nhọc những cơn sốt vẫn trở lại với tôi. Tôi lãnh tiền công chỉ trả tiền cơm cho bác Mạnh và mua thuốc ký-ninh vàng về uống hoài. Uống mãi những cơn sốt lui dần thì tôi hoá ra nghễnh ngãng, ù tai nghe không rõ. Người ta sai bảo tôi chẳng nghe được, người chủ đuổi tôi không cho làm vì không thể mượn một người điếc. Tôi buồn sao không điếc hẳn mà lại còn đủ sức để nghe tiếng quát tháo. Theo lời khuyên của bác Mạnh. Tôi đeo lên vai một cái giỏ rách, với một cái móc sắt đi theo những người móc rác đi nhặt mảnh chai, kính vỡ, vụn sắt về bán.
Tôi tìm ra bãi đổ rác, bới những đống hôi thối, nhặt chai, kính... từng chút sắt vụn, vỏ cam, rẻ rách. Khi chiều về lọc ra từng thứ bán cho bà Cả Ới. Bà ta chuyên mua lại của những người đi nhặt rồi bán cân cho xưởng thổåi phong long, cho lò đúc, rẻ rách bán cho dân Bưởi làm giấy cho xưởng ô tô làm rẻ lau. Vỏ cam vỏ quýt cho tiệm bào chế và cả lông vịt lông gà...
Tôi kiếm đủ ăn, tối về ngủ ở chỗ bác Mạnh như một con chó vô chủ.
Tôi bới chán ở đống rác lại đi tìm bới ở những căn nhà đổ nát chưa có chủ về. Tôi nghĩ đến nhà tôi, và những thứ còn lại ở đấy chắc chưa ai nhặt nên muốn mò về. Một bữa tôi lên đê Yên Phụ nhìn sang bãi Phúc Xá với ý nghĩ ấy nhưng rồi không dám qua. Tôi đi dọc bờ sông lên chỗ xưởng dép cao su Con Hổ chen vào một đám đông đảo tụ lại ở chân đê.
Tôi thấy người ta đang đào một cái hố lớn, họ đào sâu và vứt lên vô kể những mảnh chai sắt vụn mà không ai nhặt thì mừng quá. Tôi nhặt lại từng đống rồi thuê xe ba gác chở về. Tôi vớ được một món bất ngờ. Tôi không hiểu họ đào gì mà chốc có người lại cúi xuống nhặt lên một mẩu xương, khi to khi nhỏ rồi xem xét, truyền tay nhau. Khi thì xương bò, khi thì xương lợn, khi xương gà, xương chó... Khi biết thế họ lại vứt đi và đào nữa – Sau tôi mới biết họ tìm xương người. Toán người ở đó được một nhà giàu ở đây thuê đào tìm xương của ông bố chết hồi chạy loạn mà người đó nghi là chết ở tăng-xê nơi chỗ này. Bởi thế nên mỗi khi gặp một chút xương họ phải xem có phải là xương người không, nhưng mỗi lần họ đều thất vọng, đào mãi cũng không thấy gì. Ngày thứ hai họ có ý thôi, tôi nghĩ đến sắt vụn mảnh chai nên bảo:
- Tăng xê này sâu lắm, ở dưới nữa kia. Ðào chưa tới đâu.
Thấy nói vậy họ tưởng tôi biết nên xúm lại hỏi, yên trí tôi biết. Tôi bảo chính hồi Nhật thả bom tôi đã chui vào đây và có lẽ mẹ tôi cũng bị chôn ở đây nữa. Họ tiếp tục đào và cho tôi kiếm ăn. Nhưng lẽ dĩ nhiên họ không tìm ra một chút xương người nào. Khi họ yên trí bảo chắc ông cụ không chết ở đây. Tôi vỗ tay vào trán như mới nhớ ra:
- À, nhưng chỗ này có những hai cái tăng-xê cơ – hay ông cụ chui ở cái đằng này...
Tôi chỉ cho họ chỗ cách đó độ năm thước, tôi quả quyết còn một cái nữa – và họ tiếp tục đào cho tôi nhặt mảnh chai, sắt vụn. Tôi nghĩ giá hồi xưa biết vậy tôi chết quách chỗ này cho bây giờ họ nhặt lấy xương mà làm ma, làm chay và cho là bố họ có hơn không. Rồi đào mãi họ cũng bỏ. Tôi nghiêm nét mặt rồi nói lớn:
- Sao không đào cái đống thịt thối này của tao mà lấy đầu lâu và xương cốt...
Lũ người bảo tôi là thằng điên họ tức bực muốn dần cho chết. Có một đứa bông lơn cho cả lũ cười.
- Ðến vứt cái xác mày cho chó nó cũng chả gặm nữa là xương cốt...
Tôi cất tiếng cười lớn theo đám đông xúm quanh làm họ thôi cười.
Số tiền kiếm được làm tôi phè phỡn. Một bữa tối tôi qua phố Hàng Buồm mua hai con gà luộc sẵn về cho vợ chồng bác Mạnh một con, còn một con tôi ngồi xé ra ngoạm.
Tôi đang ăn thì có đứa con gái đứng ở cửa nhìn vào. Tự nhiên tôi nói lớn:
- Có ăn thì vào cho miếng chứ nhìn gì?
Nó vào ngồi ở bên cạnh rất thản nhiên. Tôi nghĩ chắc nó cũng sống như tôi – thật tội nghiệp. Tôi nhìn vào mặt nó. Nó cũng chỉ độ tuổi tôi. Tóc uốn quăn môi son và mặt chát phấn. Nó mặc quần áo trắng. Nó ăn hết rồi ngồi mút mười đầu ngón tay còn vẻ thèm nhạt. Tôi hỏi:
- Ở đâu?
- Trong ngõ
- Có nhà à?
- Có
- Hạnh phúc, hạnh phúc.
- Còn anh?
Nó nói tiếng anh ngọt sớt. Tôi vứt bỏ mẩu xương cuối cùng rồi co vạt áo lên chùi mồm.
- Không có gì cả... không có gì cả mà...
- Về ở với em...
Nó lại xưng em. Tối hôm đó tôi theo về nhà nó – một gian nhà lá mãi trong cuối ngõ. Nó chỉ cho tôi nằm ở một cái chõng con và vứt cho tôi một cái chăn đơn. Nó ngủ ở một cái gường có màn buông và hai cái gối. Lần đầu tiên tôi được một chút êm ấm. Ðêm nó thắp đèn kể chuyện tâm sự cho tôi nghe. Nó chả có cha mẹ gì và nó làm nghề kiếm khách. Tôi về ở đó ngày ngày đi móc rác, đêm về ngủ. Nó thì ban ngày ngủ, đêm đến mặc quần áo, đánh phấn chải đầu rồi đi kiếm mối đem về nhà. Chúng nó cởi truồng ra đùa rỡn với nhau chán rồi ôm nhau lên giường ngủ như không có tôi. Những ngày mùa đông rét mướt kéo dài mãi nền trời xám và mưa đêm. Những ngày không có khách nó co tôi sang ngủ chung cho ấm. Có đêm cơn sốt rét lên nó thấy tôi run như sắp chết thì hoảng sợ.
- Ê chết sao mà rãy dữ vậy?
- Không.
- Ðừng rỡn, chết làm sao ta chôn.
- Thì cứ vứt ra đường là xong
- Vứt sao được...
- Ðùa chứ chết gì, ôm cho chặt vào thì không chết đâu, khỉ
Nó cởi hết quần áo tôi ra mà đùa rỡn coi tôi như một khúc gỗ. Ðêm nào nó cũng cần ôm lấy một thân thể mới ngủ được. Tôi là một cái thân thể để cho nó đắp vào những đêm không có khách. Có đêm tôi lên cơn rét, thân thể hoàn toàn bất lực, nó cố vác bỏ tôi sang chõng rồi ngồi chờ thằng tầm quất đi qua. Thằng tầm quất tới nó gọi vào rồi đóng cửa lại, nó bảo đấm bóp chán rồi ôm lấy. Thằng tầm quất không cưỡng lại được, sáng hôm sau như lả đi. Nó bảo tôi giúp sức kéo bỏ ra ngoài đường. Ðến một hôm có một gã đàn ông khoẻ mạnh đến rồi ở luôn lại. Tôi nằm một mình buồn tủi. Rồi đứa con gái bảo tôi:
- Em sắp lấy chồng.
- Gã đó?
- Chứ sao.
Tôi buồn rầu bảo:
- Lấy anh đi... tương lai mà...
Nó bĩu môi rồi tát vào mặt tôi một cái mà bảo:
- Ứ ừ... để rồi tao đi móc rác với mày à – Rồi con cái – rồi tuổi già?...
- Ðồ khỉ – Lại còn con cái? Lại còn tuổi già? Rồi sống được đến già à?
Tôi ôm lấy nó như chưa ôm bao giờ.
- Ðừng lấy gã đó. Ở với anh...
Mấy ngày sau chúng nó tống tôi đi với mấy chục bạc. Tôi ngày ngày đi móc rác, chiều đến mò vào Văn Miếu nằm. Ðêm đêm sờ soạng những bia đá, những gạch ngói nằm im mà thấy tủi thân. Ôm vào lòng cũng chỉ thấy cứng ngắc. Buổi sáng thức dậy soi mặt xuống làn nước hồ nghe tiếng quạ kêu trên những ngọn cây khô già cỗi.
Ðến một khuya kia tôi thức dậy vì ánh sáng đèn bin soi vào mặt. Tôi mở mắt nhìn tụi lính chĩa súng vào người. Chúng hỏi giấy tờ tôi không có gì nên bị điệu về bót. Chúng giam tôi đến sáng hôm sau mới dẫn lên hỏi:
- Tên gì?
- Con tên Kha.
- Thẻ căn cước?
- Con mới vào nên chưa có.
- Ở đâu?
- Con ở ngõ Thong Phong
- Số nhà?
- Con quên.
- Với ai?
- Với vợ con.
Chúng bắt tôi dẫn về ngõ Thong Phong, tôi đưa vào nhà đứa con gái. Tôi chỉ vào nó mà bảo với tụi lính:
- Vợ con đây.
Tụi lính cất tiếng hỏi:
- Có phải bà là vợ nó không?
- Không, tôi có chồng.
- Bà biết nó không?
- Không – tôi không biết nó là ai cả.
- Nó là vợ tôi mà...
- Này thằng kia – mày trông rõ xem tao ngủ với mày bao giờ...
Tôi thấy yêu đứa con gái vô cùng. Tụi lính đánh tôi túi bụi.
- Khai láo, khai láo... quân lưu manh... đánh cho chết đi...
Ðêm chúng đem tôi về nhận vào bể nước rồi đánh nữa. Khi tôi ngất đi chúng lại phun nước cho tỉnh dậy và tiếp tụïc đánh như nhồi một trái banh – rồi chúng lại bắt tôi cung khai. Tôi không còn biết mình nói gì:
- Mày mới ở ngoài vào phải không?
- Vâng... dạ
- Ðịnh phá hoại phải không?
- Dạ vâng...
- Với ai, tổ chức nào?
- Vâng...
- Ai?
- Dạ...
- Ai?
- Nguyễn-mạnh-Kha...
- Ở đâu?
- Số bảy, tám, chín Hàng Khay.
- Ðúng không?
- Nó cho ở...
Tụi lính lại dẫn tôi đi, tới nơi tôi vừa tỉnh để bảo:
- Không, tôi nhầm. Tôi là Nguyễn-mạnh-Kha.
Tôi khai lung tung, bạ gì nói nấy. Chúng đánh chán tay rồi giam tôi vào buồng tối như một con chó cho muỗi nó đốt. Chúng tra khảo tôi mãi cũng chán nên giam tôi lại cùng với những người khác, mỗi ngày ném cho một nắm cơm. Có một ngày lũ người bị giam được tập trung vào một khoảng sân ngó thấy nền trời. Tay bị xích lại. Hôm đó có một viên cố đạo bảo là đến làm phép lành cho lũ tù. Hắn nói những điều tôi chưa hề nghe bao giờ như: yêu mến chúa, thiên đường, địa ngục, cứu rỗi, tội lỗi, xám hối, quỷ quái, thánh thần, yêu thương, huynh đệ... Lũ lính vác súng bắt lũ tù ngồi yên nghe.
Viên cố đạo làm dấu nhìn chúng bị đánh đập. Nhưng tôi còn đủ sức chửi bới và văng tục. Tụi lính lại tra khảo tôi mà không chịu buông tha:
- Mày tên gì?
- Con khỉ
- Ở đâu?
- Con khỉ... cởi truồng...
- Cha mẹ mày tên gì?
- Ai?...
- Cha mẹ mày?
Khi nghe rõ đến hai tiếng cha mẹ thì tôi khóc rống lên chúng tiếp tục đánh đập tôi nữa:
- Mày tên gì?
- ... thịt thối...
- Ở đâu?
- Viên cố đạo
- Cha mẹ mày tên gì?
- A ha!... A ha!...
Ðến một đêm tối lũ lính dồn tôi lên một chiếc xe bọc kín mang tới một cánh đồng cùng mấy đứa nữa. Chúng bắt đào hố. Tôi biết là sắp được tự chôn mình. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách, xong chúng bắt quay mặt vào hố. Tôi nhớ đến câu hỏi, và tự nhắc.
- Cha mẹ mày tên gì?
Tuổi nước độc [2]
...Tôi vừa lên thang gác vừa nghe, tôi lười biếng để nguyên cả quần áo nằm lên giường, đầu óc nóng bừng bừng như phát sốt, hơi thở ngột ngạt. Bóng tối bao phủ chung quanh. Tôi tưởng nếu tôi nằm im một hai phút là lịm chết đi không thể cựa quậy được. Tiếng những người đến trả tiền góp hàng ngày đang eo sèo nói ở dưới nhà cùng với tiếng ồm ồm của ông tôi cằn nhằn chửi bới như một mụ đàn bà. Những đứa em con ông chú tôi - đang đánh nhau, cãi nhau ồn ào ở dưới phiá sân. Ðứa nhỏ lại đang khóc và tiếng thím tôi dỗ dành. Nó bị sưng phổi từ hai tháng nay. Tôi đã gửi cho chú tôi hai cái điện tín xuống Cảng vẫn không có hồi âm. Tôi cầm cái chổi phất trần đi nhẹ chân xuống sân quất cho năm đứa nhỏ mỗi đứa ba cái vào mông quắn đít ngồi run rẩy ngậm câm nhìn tôi. Cứ trông thấy mặt, nghe thấy tiếng là tôi lại muốn cầm lấy một thanh củi, một cái gậy to hay nhỏ bất kể cái gì nện cho chúng đến tê cả tay. Sau đó tôi lại thương hại chúng. Tôi bực bội đi vào nhà, ông tôi vẫn ngồi vuốt những tờ giấy bạc bỏ vào chiếc hộp bích-quy:
- Con mẹ Nhiêu Hai còn thiếu hai ngày. Mụ Khán một ngày. Cái Thêm thấy trốn mặt... tiền lãi nhẹ là vậy, nó thấy mình nhân đức nên chỉ định quỵt, thật đồ bất nhân...
Thấy tôi vào ông tôi ngừng một chút rồi nói tiếp.
- Mày đi đâu mấy ngày? Ði thì thôi, về đến nhà là gây đủ chuyện - thế nghĩa là làm sao?
- Ðánh cho chúng nó chết bớt đi, hoặc khóc cho vui nhà, át bớt những câu chửi bới sẽ nhập tâm chúng nó, sợ mai sau chúng lại bắt chước. Thật không thể chịu được nữa...
- Lại giở cái giọng thằng bố mày ra.
- Tôi biết lắm. Bố tôi còn không chịu được nữa là tôi, bởi nó bẩn quá nên bố tôi cũng bỏ đi cho khuất mắt rồi.
- Sao mày không đi? Bẩn! Bẩn thì mày cũng đút vào miệng ấy chứ gì. Tao ăn một mình à. Ðồ bất nhân. Tao chỉ muốn vật chết hết...
- A ha... ! A ha... !
Tôi đứng dang chân ở cầu thang mà cười lớn.
- Hình như xưa kia ông đã vật người ta chết, bố tôi trông thấy mới phát điên đấy thôi...
- Mày câm mồm đi.
Tôi mặc ông tôi cáu giận mà đi sang phía buồng. Thím tôi đang bế đứa em tôi lật áo đứa nhỏ để tay vào ngực, nó thở mệt nhọc, làn da mỏng bó sát lấy thân gầy khô của nó. Tôi nhìn thấy xương sườn nhỏ cong. Tôi hỏi thím tôi:
- Em thế nào?
- Vẫn thế.
- Có lẽ mai được tin của chú.
Tôi đau đớn vứt bỏ cái chổi lông gà ở tay rồi chạy lên gác vùi đầu vào giữa đống chăn màn bừa bộn. Tôi vào một giấc ngủ chập chờn. Khi đứa ở gọi xuống ăn cơm, tôi khô cổ không thể trả lời được ngay, mãi mới nói được cho nó biết là tôi không ăn. Tôi nhờ nó bật giúp chiếc đèn ở bàn, rồi nó đi xuống phiá thang. Tôi tự thấy tôi vô lý - tự giam mình vào một nơi mình chán, mình phát mửa lên. Nhưng chính sống ở căn nhà này tôi mới hiểu vì sao bố tôi đã phát điên. Với một người đàn ông bo bõm, keo kiệt, thủ đoạn, tàn nhẫn làm nghề cho vay lãi, cầm cố, làm cái họ với những người nghèo ở ngõ Gậm-cầu và chợ Bắc-qua. Công việc duy nhất của ông tôi từ nhiều năm nay chỉ là chửi bới, buổi chiều ngồi vuốt những tờ giấy bạc. Về bà tôi thì không ai nói gì cho tôi nghe. Chú tôi chán cảnh này nên dù muốn ở nhà cũng bỏ xuống tàu làm cho một hãng buôn người Pháp ở Cảng.
Bố tôi điên rồi đi biệt tích. Chỉ nghe nói lại rằng hồi ấy ông tôi đã hãm hiếp một đứa ở - nó đòi đi báo cảnh sát nên ông tôi thắt cổ cho chết. Bố tôi bỏ nhà đi. Ít lâu sau trở về có bế theo một đứa nhỏ bồng đưa cho ông tôi mà bảo:
- Cháu ông đấy, ông nuôi giúp tôi.
- Mày cưới vợ nữa bao giờ? Tao nuôi thằng Ngạc chưa đủ sao?
- Nhưng tôi hiếp cho người ta đẻ ra thì ông phải nuôi: nó là cháu ông.
- Vứt nó ra ngoài đường kia. Tao không biết. Tao không biết.
- Ông có biết là ông đã hiếp con ở không?
- Ðồ con trời đánh.
- Và ông đã thắt cổ nó thế nào cho chết ông có nhớ không? Ðể tôi nhắc lại cho ông nghe. A ha! nhiều công việc quá khiến ông quên cả những chuyện mà con ông nó nhớ. Ông buộc một đầu dây vào cột, rồi ông thắt một vòng vào cái cổ nhỏ và trắng ngần. Cái đứa con gái ấy đi ở chỉ tại có chút nhan sắc mà bị cha mẹ ép cho một lão già vì nợ nần. Thế mà ông lại cuộn nó vào cái thắt lưng rồi ông dang chân cầm một đầu mà kéo - kéo cho nó dãy dụa - rồi lưỡi nó lè ra, bọt mép nó sùi ra và cái thân ông ôm ấp ấy rũ ra - mềm ra như bún. Rồi ông để thế treo lên xà buồng tri hô lên: con ở nó tự tử... Chả ai tố cáo, ông lo lót với tụi lính. Cái xác thì không thể cất được tiếng nói. Mà có oan hồn thì tiếng nghẹn ngào uất ức cũng chả thể cất được từ địa ngục mà lên. Nhưng tôi biết. Tôi có thể làm chứng cho người ta bỏ tù ông ngay đó. Ông nuôi thêm một đứa nhỏ mà chuộc tội. Nó không có giấy tờ gì đâu, ông có thể nhận luôn nó là con cũng được.
Thế rồi ông tôi im, mướn người nuôi đứa nhỏ. Năm sau bố tôi lại bế về đặt ở giường một đứa bé nữa. Bố tôi cầm một con dao ở tay và bảo ông tôi:
- Ông nuôi thêm cho tôi một đứa nữa.
Ông tôi nhìn đứa bé, nhìn mắt bố tôi đỏ ngàu và con dao cầm chắc ở tay không nói gì. Hôm sau bố tôi về đập phá đồ đạc, cầm lấy vai tôi nhìn vào mặt rồi cười phá lên. Từ đó không có tin gì nữa. Tôi chỉ được kể như thế. Hai đứa nhỏ về sau lớn lên ông tôi mang gửi vào một trại hướng nghiệp, nó rủ nhau về nhà, ông tôi lại gửi vào một tu viện ở Thái-hà- ấp. Một đứa tên Hùng ngổ ngáo, nhiều lời. Còn đứa kia tên Thân mặt lúc nào cũng như uất ức chuyện gì.
Tôi vốn thù thằng Hùng - vì theo tôi thì chính mẹ nó đã định giết tôi. Tôi ngồi dậy khỏi giường, những câu chuyện cũ trở về như những tấn bi kịch tiếp nối. Tiếng dọn bát đĩa ở dưới nhà báo bữa cơm xong. Ông tôi đang gọi thằng Tùng, đứa con thứ ba của chú tôi lên giường giận lưng cho ông tôi ngủ. Chỉ nằm im đấy một lát tôi sẽ thấy tiếng ông tôi ngáp.
- Tại sao?
Ðã nhiều lần trở về đây và tự hỏi điều ấy, tôi tìm mãi không ra lý do tại sao tôi sống mãi ở một gian nhà như thế này. Tôi ở đây nhưng giấu không cho bạn bè, người yêu biết. Tôi nghĩ: Nếu trông thấy cảnh này mọi người sẽ khinh tôi. Nghĩ mãi thì tôi chỉ cho là: điều duy nhất khiến tôi ở đây là những điều thuộc về mẹ tôi - người chết từ năm tôi hai tuổi. Những kỷ niệm ấy hồi bố tôi chưa điên kể lại cho thím tôi nghe.
Mẹ tôi đã chết ngày bố tôi còn ở nhà, mỗi lần giỗ, bố tôi lại khóc, mẹ tôi là người tôi kính trọng, yêu mến duy nhất khiến tôi ở lại căn nhà này và không muốn tôi rời đi.
Tôi thương bố tôi - nhưng tôi oán ông đã không lo cho tương lai tôi. Vứt tôi ra giữa những sinh hoạt tưởng có thể làm bẩn cả con người. Tôi ghét và muốn cho ông tôi chết đi - dù ông đã nuôi cho tôi ăn học. Từ ngày hiểu biết tôi không ăn nói ngọt ngào nữa. Tôi xưng tôi với ông nội như một thằng du đãng, vô giáo dục, không chút ngượng miệng. Tôi oán có lẽ tại đời sống ông tôi bẩn thỉu đã làm tôi hỏng người và lớn lên thiếu tất cả tình thương, lòng âu yếm vuốt ve tuổi trẻ, đời sống ấy làm cho tôi nhiều lần đau đớn và nhớ về mẹ tôi như một bà tiên sống thoát hẳn ra ngoài những điều bẩn thỉu, nhơ nhớp tôi thường gặp hàng ngày. Thím tôi vụng về nuôi đàn em nhỏ. Chú tôi là một người khí khái, hiểu biết. Chú là người cứu tôi khỏi bị mẹ thằng Hùng giết chết. Nếu tôi chết thì thằng Hùng sẽ được hưởng gia tài này. Nó có khai sinh là con bố tôi, lần tôi bị hãm hại xẩy ra vào một buổi chiều khi đi học về đến đầu ngõ, tôi bị một người đàn bà đứng tuổi cầm một cái chậu sành đập vào mặt. Tôi ngất đi, chỉ kêu được vài tiếng. May chú tôi gặp túm được người đàn bà mang ra cảnh sát, nó khai là vợ hai bố tôi. Tôi bị một vết sẹo dài nơi má - dấu vết làm tôi thù thằng Hùng. Mẹ hắn bị tù, sau được phóng thích và lấy một người đâu trên mạn ngược.
Tôi chưa bao giờ nghĩ về cái gia tài của ông tôi - mồ hôi nước mắt của những người nghèo khổ, bán buôn gom góp lại, cũng như khó mà tôi quên được tiếng chửi bới của ông tôi mỗi buổi chiều.
Tôi ngồi vào bàn xếp lại sách vở cho ngay ngắn. Lá thư của Hiền làm tôi nhớ về nàng cùng một lúc nghĩ Thịnh còn sống.
Tiếng còi xe lửa thét ngoài đầu cầu tiến vào thành phố. Chuyến tàu buổi chiều về chậm như thế này chắc lại gặp mìn hay những quãng đường sắt bị bóc; chuyến tàu dài nối nhiều toa kín và phía sau là quân đội chạy mau lên cầu. Khói đen hôi theo gió toả vào cửa sổ làm tôi muốn ho. Bóng người lính gác trên cầu vẫn đi đi lại lại. Ðã lâu lắm tôi không còn được nghe tiếng kèn trầm và buồn. Những toa tầu màu xám và vẻ chiến tranh của nó càng làm tối cho sinh hoạt này. Ðêm đêm vẫn có lần đèn thành phố cùng tắt một lúc với tiếng nổ vang dội, hay tiếng súng ám sát đủ cho một người nghe thấy. Những lần ấy dưới chân cầu xe lửa lại dầm dập tiếng giày đinh chạy, cùng cả đêm tiếng xe thiết giáp nghiến trên mặt đường nhựa. Những khối sắt kín bưng ngó mũi súng vào các đống gạch vụn, những căn nhà đổ đầy bóng tối. Hà-nội, những cơn hốt hoảng trong những đêm tối khiến tôi càng cảm thấy sự bất trắc của đời sống, sự có mặt của từng người. Mỗi ngày chiến sự một ác liệt thêm.
Chính giữa lúc đó chúng tôi lớn lên với cuộc sống, với yêu đương, đam mê và những lo nghĩ về tương lai, về quá khứ.
Tôi vẫn lừa dối khi ai hỏi tôi về quê quán, gia đình, họ hàng... Tôi bảo là gia đình tôi đã bị chết hết vì súng đạn và quê hương tôi thì chiến tranh vây phủ ở mãi tận Thạch-thất, Sơn-tây, ba bốn năm nay tôi không về đến. Tôi tự nhận là một thứ nạn nhân của chiến tranh. Nhưng sự thực tôi là người đứng ngắm chiến tranh, đam mê lý thuyết cùng nhiều tư tưởng sáo trộn trong thời kỳ chiến tranh. Phải chăng chiến tranh như một cuộc phiêu du khi người ta quá an nhàn.
Trong cuộc, ở giữa hai khối tranh dành tôi muốn là người tham gia vào cuộc, có lý do đánh đuổi một thứ quân xâm lăng. Ðồng thời tôi chán ghét tụi ở thành thị làm giàu trên xương máu đồng loại.
Tôi muốn là một tuổi trẻ phiêu lưu trên đường tìm kiếm những cảm giác. Tôi lên giường tắt đèn đi ngủ còn nghe thấy tiếng ru của thím tôi và những tiếng kẻng cầm canh ở trạm gác ngoài đầu cầu. [...]
Buồn vàng [3]
Tôi chạy xa để thoát khỏi vùng tiếng động, nhưng dư âm vẫn như còn đuổi theo quấn quít. Tôi bỏ hai tay lên ôm lấy đầu, bịt hai lỗ tai và nhắm mắt lại. Cả một khối đen như trùm lấy và ôm khít, thân thể tôi co rúm và bủn rủn, tôi níu tay ôm lấy cái bóng đen đứùng cao trước mặt để đứng lại. Âm thanh kim khí, man rợ... rồi dần dần loãng và nhẹ nhàng. Một người ở thế giới nào đó tiến lên. Sân khấu là một tấm màn màu nâu, người chắp tay trước ngực, có bánh xe (có phải là một bánh xe không ?) quay đều đều bởi một sức mạnh lạ mặt đứng khuất. Tiếng nói cất lên – ‘‘Vậy chứ ở đó như thế chăng?’’ – ‘‘Không phải như thế’’– ‘‘Người bảo sao?’’ – ‘‘Tôi cũng từ bỏ nó’’– ‘‘Có lẽ rồi không muốn, vậy người định tới đâu?’’ – ‘‘Hư vô’’– ‘‘Tôi đã nghe ở đâu đó, có nơi nào khác thế này chăng?’’ – ‘‘Có, để nói cho nghe’’– ‘‘Tôi muốn biết nơi nào người ta sống lâu nhất, dù sao thì cũng phải sống lâu, nhưng được chết êm ả’’. ‘‘Ðúng như thế đó, có kẻ đã dạy thế. Con người ở mấy nơi, có một nơi mặt đất hình vuông, không hiểu con mắt nào nhìn thấy vuông, mặt người ở cũng mang hình đó. Xin đừng cười và hỏi lại, vì tôi chỉ kể. Nơi này người ta sống dài một ngàn năm, mười thế kỷ của đời anh. Người ta sống không có một quy luật nào. Không có ai nhận mình tìm ra một thứ chỉ đạo cho đời sống, chẳng nghĩ, chẳng tin, câm điếc như loài thảo mộc. Cho nên chẳng một ý kiến, một lý thuyết nào có thể đến đó. Vùng bao la mang một phòng tuyến mong manh nhưng vững chắc là sự thản nhiên. Không phải trải qua sự khổ. Không có tiếng nói chỉ sự khổ. Còn chúng ta có bao nhiêu ngôn ngữ để chỉ: khổ sỡ, tật nguyền, ốm đau, giết tróc, tù đày... thôi tôi chẳng phải nhắc vì nếu tôi chỉ ngừng lại, và anh bắt đầu thế cũng chưa biết đến bao giờ anh mới nói hết... có khi đến chết cũng chưa biết nữa. Tôi kể tiếp: ở đó con người không biết khổ, không ý niệm được nó nữa. Chúng ta phải làm lụng, có phải chúng ta là loài vật duy nhất phải làm việc để kiếm ăn không? Chúng ta mệt nhọc thể xác và tâm trí – kiếm ăn uống, xây nhà cửa, chăm sóc con cái, làm ruộng, buôn bán. Nhưng ở nơi, ở thế giới tôi nói thì tuyệt nhiên không. Cây là nhà cửa. Khi đói họ tìm đến gốc cây, ở dưới gốc có sẵn một cái vạc lớn, trong óc muốn ăn thức gì tuỳ ý, chỉ việc đưa tay hái một quả bỏ vào vạc, ánh sáng mặt trời chiếu xuống đó nấu chín món ăn. Mỗi khi tắm vứt bỏ quần áo lên cây, tắm xong lấy một quả bổ làm hai lấy ra quần áo mới mà mặc. Khi đại tiện đất nứt thành hố, đi xong ập lại, ở đó mấy bông sen mọc lên toả hương thơm ngát. Từ cái lược, đôi hài, chiếc mũ, nhất nhất cái gì người ta gọi đến, cần đến, cây đều sinh ra. Khi một đôi trai gái bằng lòng nhau, mang nhau đến một gốc cây, bóng cây rũ xuống che khuất để biến thành một lâu đài, đôi uyên ương chung sống với nhau ở trong đó, chỉ trải qua bảy ngày thì sinh con. Nhưng cha mẹ không phải nuôi, chỉ việc mang đứa nhỏ để ở một ngã ba đường, người qua lại cho nó mút ngón tay, ở đầu ngón tay mỗi người đều tiết ra một chất nước ngọt đủ nuôi sống đứa bé lớn lên. Chỉ bảy ngày sau đứa bé như người thường; con trai đi với con trai, con gái đi với con gái, chẵng lấy vợ lấy chồng hay có gia đình chi cả. Người ta sống như một loài cây cỏ, cứ đến độ có hoa thì nhị đực tìm nhị cái mà ra kết quả. Sống cho đến hết một ngàn năm những vui, buồn, sầu, khổ, tật bệnh, giận ghét không biết đến. Khi nhắm mắt lại thì có loài chim đen, cánh lớn đến cắp xác tha đi – Câu chuyện là như thế’’.
Tôi nhìn trong bóng tối, một bánh xe quay tròn bên tiếng nói phát ra, tôi nhủ thầm: ‘‘Ở đó có bánh xe như thế kia quay không?’’ Tôi ôm chắc lấy bóng đen cao cất tiếng: ‘‘Không, không khi nào tôi tới đó, hay muốn cho nơi này như thế! Họ không là người. Họ khác hẳn tôi. Tôi là người. Tôi từ giã, từ giã...’’ Bóng tối như xiết chặt tôi mãi vào một vật cứng đứùng cao lắm. Tôi đưa tay sờ soạn một lần cứng mấp mô, như một lần da sần sùi không hơi nóng, không thoi thóp thở, một thứ gì sượng sần, nhớp nháp, tim tôi đập mạnh, mồ hôi đổ nóng, má tôi chạm vào một lần đất sỏi khô. Một điệu kèn ré lên buốt nhức khoảng không quay cuồng nhồi vào trí não một hơi rượu mạnh cay sé môi, lưỡi và cuống họng. Người nhạc sĩ bước ra khỏi vùng bóng tối. Hắn đã bị bỏ rơi từ bao nhiêu thế hệ. Số kiếp họ là một cái gì – có phải nó mang chứng tích một sự thực hiển hiện nơi màu da đen bóng kia không. Màu da đen nổi bật hẳn trước tấm màn đỏ. Ðiệu kèn ré lên với một nhịp điệu man rợ như ngọn lửa bốc cháy say đắm của vùng nhiệt đới. Cây cỏ hoa lá cũng cháy nơi họ sinh ra. Sự cuồng nhiệt dục tình đã thổi vào mạch máu, hiện ra đời sống mà dồn ép họ vào một bóng tối sâu thẳm từ bao nhiêu lâu nay, đến bây giờ mới đứng ra cất tiếng nói từ trong đáy lòng: «... Cớ sao tôi đen và tôi sầu đến thế»... Chẳng có gì? Làm sao để tôi nói với anh khi trên môi anh cái ống đồng phụ họa cất lên kia? Người nhạc sĩ uốn cong thân hình, oằn oại như một con trăn ngũ sắc vừa nuốt vào bụng một loài vật đang vặn mình tiêu hoá. Hắn cúi gập, vươn cao và những âm thanh oằn oại, tức tưởi, nghẹn ngào, uất ức, đắng và buốt trườn lên. Mắt hắn nhắm nghiền, má phồng, mồ hôi vã ra đầm đìa... Tiếng trống vang theo một không khí bập bùng bao la quỷ quái... Aùnh đèn chớp động vẫn vằn vèo xanh đỏ, tím, đen, vàng chập chờn mê loạn, thế giới của hắn bắt đầu đảo điên. Cái khoảng bóng tối xung quanh loãng ra màu đỏ. Rồi những loài vật dưới đó cử động dần dần. Như những ma chơi, hình nộm dưới tay bùa phép của một gã phù thủy vô hình điều khiển. Những cánh tay vươn cao cuồng loạn, chập trùng và tiếng hét, tiếng la tạo thành một khúc thánh ca. Ðám người mỗi lúc một đông, chuyển động mỗi lúc một nhanh. Tôi bắt đầu nhìn ra những thân thể: một chòm tóc quăn, chiếc cổ nhỏ, những thân người nhỏ như que sậy, tay khô như những giây kẽm buộc vào những chiếc que như sợi tóc. Mắt trắng giã, răng nhe ra một vành môi và lưỡi đỏ lòm như những ngọn lửa bắt đầu bốc cháy. Tiếng kèn trên môi người nhạc sĩ vẫn ré lên xé từng chút tế bào của cơ thể. Và một thế giới chìm xuống dưới chân. Cái thân thể trong tay tôi đen thêm. Ðôi mắt trắng dã đã mở ra một vùng biển cát bỏng cháy, có những đàn sư tử vờn nhau. Mái tóc dài cứng gió đập như quất vào mặt những ngọn roi da điếng buốt. Tôi úp mặt vào làn môi dầy sần sùi nóng ran. Tôi giữ chắc. Tôi khẽ nói: ‘‘Buông anh ra, để anh nhìn rõ em?’’–‘‘Chúng ta bắt đầu điệu múa chứ?’’–‘‘Không phải như thế. Em?’’ –‘‘Bài ca còn dài, điệu kèn chưa hết, bây giờ là của em, của chúng em.’’ –‘‘Làm sao em dám chắc?’’–‘‘Ðể em mô tả nơi chúng ta đến cho anh nghe, xứ sở quê hương của em...’’–‘‘Không có gì cả ư?’’–‘‘Im để em nói: em đã tủi hổ uất ức từ bao lâu, tại sao anh không thèm biết đến em, không ôm và hôn em? Em phải chiếm anh, chiếm thế giới anh. Anh không thể chạy trốn được. Người ta không thể ngoảnh mặt mãi được với sự thật súc vật nơi con người. Ðừng che đậy gì, y phục, nhà cửa, lề luật, tự những sự thật xé nó trần truồng, trơ trụi, phung phá. Trả nó lại sự đó. Ôm lấy em, ôm chắc lấy em. Lửa đã bốc lên từ bao giờ bây giờ mới chiếu sáng cho anh nhìn em, em đen và em sầu’’.
Tôi soa tay lên làn da sần sùi, khô cứng, bóng tối vây phủ. Tiếng kèn vẫn soáy buốt. Người nhạc sĩ vẫn oằn người gân cổ thổi âm thanh vào thế giới vây quanh rung chuyển cùng điệu trống bập bùng cuồng loạn. ‘‘Có riêng em ở đây thôi, em có bao nhiêu’’– ‘‘Ở cùng khắp, anh hãy lắng nghe ở cùng khắp, tất cả. Anh lặng im em hát cho anh nghe...’’ Tôi nhắm mắt và giữ chặt bóng tối. Người nhạc sĩ ôm chiếc kèn lùi vào, bỏ lại khoảng trống trần trụi. ‘‘Em, em đâu?’’ Tiếng gọi mất đi một khoảng im lặng.
Âm thanh vọng động trườn từng đợt như một viên sỏi ném xuống mặt nước yên tĩnh bắt đầu loãng xạ những đợt sóng trùng điệp – Tôi đã bỏ nó. Sự khiếp sợ quay lộn, vật thân thể. Chân tay tôi như một thứ gì thừa thãi, vô ích trở thành vô tri. Tôi níu giữ sự sáng suốt của đầu óc. Tôi nhắm mắt thu sức giữ lại khoảng tối, chút gì đó còn cứng chưa lay động ở trong vòng tay mà mặt tôi úp lên phà hơi thở nóng bỏng đứt đoạn. Tôi cố sức nghĩ xem tôi đang đứng ở chỗ nào. Nhất định không phải là nơi mang danh hư vô mà có kẻ đã hét vào tai. Nó cũng không hẳn là những sinh vật lúc nhúc chen lấn giữa cái thế giới mà người nhạc sĩ đen vừa thổi âm thanh tới – ‘‘Người đang đến với ta đây. Có một phần của hắn đấy’’– Tôi muốn cất tiếng hỏi – ‘‘Người ở đâu đến? Ðây là đâu? Sao có tiếng nói?’’. Cổ tôi khô cứng rồi mềm nhũn ra không tạo nổi âm thanh. Tôi muốn mở mắt, nhưng một cái gì nặng nề chét lấy hai chút đen cần dò hỏi tìm kiếm. Tôi muốn cử động nhưng chừng như gân cốt đã bị cắt đứt, tôi cử động ở sự vướng víu của quần áo nhớp nháp bắt đầu tê lạnh ướt át. Hình như một chiếc búa đập vào óc tôi, và một mũi kim nhọn khẽ ấn vào tim tê buốt. Những đợt sóng bắt đầu vỗ về, mang một cảm giác mơ hồ bao la, của một vùng nước ngủ phẳng phiu bình lặng đến ghê khiếp, hoang sơ cùng độ – ‘‘Chúng ta ở nơi siêu thoát này’’– ‘‘Nhưng thân thể tôi đây?’’ – ‘‘Tôi mang cái đó lên sự siêu thoát, hãy nhìn xem tôi đây’’. Trong một vùng ánh sáng sữa loãng, một bóng trắng tiến lên, âm điệu du dương, dìu dặt, bay bổng uốn theo một hình bóng dườn dưỡn, rồi một tràng cười xé tan, một đứa con gái, nhe đôi hàm răng soã tóc đen quay cuồng tạo nên một trận bão cát đau nhức. Nó quay cuồng ở một khoảng trống, tiếng đập đá, vỗ tay, cười cợt lạnh điếng như những thoi sắt chạm vào nhau, một đống thủy tinh cử động cọ sát. Nhưng cái gì cho hắn điên cuồng lên thế? Nó ở một cõi tuyệt đối nào? Aâm thanh ánh sáng, mờ đi dần dần. Một thân thể vô hình ôm chặt lấy tôi – ‘‘Em là nỗi cô đơn này, lặng thinh đi cho chốn hoang đường chi phối thể xác, ôm lấy em. Hôn lên môi mày. Một cõi nào mang nỗi say đắm của anh và em lên đó. Chúng ta thụ hưởng một mũi thuốc ma túy và thân thể. Ðể không còn bị chi phối, thay đổi sự thực này. Chúng ta từ chối tất cả. Nó là cõi không trắng ngần trong suốt của sự thèm khát, tìm kiếm thoả mãn cổ sơ. Này anh, loài ác điểu có tám chân ăn cơm với cát, loài bò sát có hai tay ôm nhảy luân vũ, cây cổ thụ mang những sợi tóc kim tuyến, đôi mắt của mỗi cánh lá mang tia nhìn chinh phục đến loài quạ khoang. Chúng ta mất chân tay, mọc đôi cánh, đầu thêm sừng, miệng thêm vòi. Và anh đang nghe em nói bằng hai con mắt. Thế giới tạo thành trên những sợi chỉ bạch kim. Và mỗi kẻ sống ở toà lâu đài cô đơn của mình. Thế giới cô độc ấy tạo nên một xã hội riêng. Xã hội của em là những người mù mang đôi mắt màu đỏ. Có chân màu tím đôi cánh loài ác điểu hôi hám ăn thịt lẫn nhau bằng đôi mõ của loài rắn có lưỡi dài sẻ đôi phun nọc độc. Người ta nói bằng ngôn ngữ loài cá thờn bơn. Thế giới và xã hội của người khai thiên lập địa mới mở cửa, chẳng lương tri, thiện ác, tốt xấu. Em mang anh đến ‘‘Nhưng cái gì làm thành xã hội đó?’’–‘‘Cái chủ lực thế giới vô thức cô đơn’’–‘‘Cái gì làm cái vô thức cô đớn?’’–‘‘Thôi đừng hỏi, cái gì cho anh có chân và tay?’’–‘‘Ðúng đó, anh không trả lời được, anh công nhận sự thực ngừng lại ở cái hạn hẹp này, không mang lên hay xuống. Cái gì đứng sau ở thực tại mang bộ mặt xa lạ, cậm điếc chỉ là mối lo âu định liệu và cho cái gì anh đang có đây là thực, cái thực định bằng cái hư không’’– ‘‘Em là cái dồn ép tình dục, đau đớn, khổ ải, em sầu và em trắng.’’
Tôi tỉnh dậy ở dưới một thân cây cổ thụ, bóng tối loãng ra. Tôi đứng nơi một vũng nắng chói, mặt trời bắt đầu thiêu đốt trên da thịt. Thân cây cao trụi lá, những cành khô vươn cao nỗi cô đơn chót vót đầy ải, lần vỏ sần sùi khô cứng. Người ta đã giữ chúng tôi ở lại đây. Chúng tôi giống nhau bên những sinh vật khác nhau. Một đàn kiến lửa bu trên tay tôi đốt đau ngừa lay động cảm giác, có tiếng chim kêu trên cao. Trận mưa đổ xuống. Trên mặt tôi nhớp nháp chừng như loài nhện nào đã giăng tơ. Tôi đứng nơi xứ sở này, mảnh đất thân thuộc, đồng loại gần gũi. Tiếng hát cất lên.
Sự tình cờ nào mang chúng ta đến đây chung đụng với nhau. Người ta mang đến những gì bỏ lại: tù đầy, hiếp tróc, đày ải, nô lệ... Chúng tôi tự do với nhau trong mỗi tâm hồn không cùm xích, bắt bớ, giết hại. Chúng tôi công nhận kẻ đứng bên. Tôi cúi nhìn bàn tay sưng vù nhức nhối. Chút thể xác này và nỗi thèm muốn trong lòng. Trong tôi một thế giới. Nhưng ở giữa thiên nhiên này, có người đến đày tôi công nhận một sự hiện diện cần thiết. Mọi người có mặt đông đảo. Những sự thực đời sống ngự trị đây. Kẻ tù đày người uất ức, người hân hoan. Niềm vui đứa trẻ nhỏ, điệu ru trên môi người mẹ, người chị... Tôi trấn tỉnh để nhìn ra nơi tôi đang đứng, đang thở, đang nghĩ. Aùnh nắng bốc cháy, rồi cơn mưa ập xuống một bầu không khí ngột ngạt, tức thở, oi bức. Khí hậu nhiệt đới soi vào thân thể nỗi hèn mọn con người. Chúng tôi nhận sự hèn mọn đó. Tôi đứng vững, đưa tay vuốt mặt và cất tiếng nói:
- Có phải tôi đang đứng ở đây không?
- Phải rồi.
- Có phải tôi ở trong đám đông này không?
- Còn gì nữa, anh ở trong đám chúng tôi.
Tôi cố sức đẩy lùi thân cây, đứng ở một khoảng trống vươn vai, đưa tay níu lấy mọi người ‘‘Dù em đen và em sầu, dù em trắng và em sầu. Ðó là em. Còn anh, anh sầu và anh vàng. Cái chung của chúng ta là sầu. Nhưng cái sắc vàng này là của anh. Anh vàng và anh buồn em ơi’’.
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
[1] Cũng đành trích trong tập truyện cùng tên, Tạp Chí Văn Nghệ xuất bản, Sàigòn 1963
[2] Trích chương 2 của tiểu thuyết Tuổi nước độc, Nxb Văn, Sàigòn 1966
[3] Buồn vàng được Dương Nghiểm Mậu viết năm 1959, trích trong tập Kinh Cầu Nguyện, Nxb Văn Xã, Sàigòn 1967