Thu Tứ
Starbucks
Không biết từ hồi nào, hễ vào tiệm cà-phê mà không ngồi lâu là y tự nhiên thấy... áy náy.
Có một hôm, ngồi dòm khách ra vô như ma xó giữ nhà, y chợt nhớ một “hồn ma cũ”.[1] Nhân vật của ông Bình Nguyên Lộc, chính ông chăng, sáng sớm nào cũng tới một quán cà-phê “cắc chú”:[2] “Ngày nào cũng thế, chàng ngồi đó như một vị tiên bất tử. Khách hàng hết lớp này đến lớp kia ra vào, y như các thế hệ người kế tiếp nhau mà tàn mọc trên dương thế, còn chàng thì ở ngoại càn khôn mà nhìn những kiếp sống phù du này.”
*
“Có công mài ghế, có ngày nên tiên”. Tiên cà-phê ngồi bên ly cà-phê chỉ còn nước đá, rồi chỉ còn nước lạnh, rồi nước lạnh thành nước nguội, mà nhìn hết lớp người phàm này đến lớp người phàm khác vào vào ra ra. Ngẫu nhiên, y đang ở Mỹ và “thế nhân” toàn là người Mỹ. Có người mập ú uống “sữa cà-phê” ly cối nắp vồng lên để chứa thêm váng sữa đánh tơi[3], có người già nhăn nheo teo tóp bận áo xẻ ngực tới gần rún, bận váy ngắn cũn khoe da đồi mồi gân xanh. Thỉnh thoảng cũng có người trẻ trung thon thả vô kêu một chai nước cam... Nhìn một lúc, y hơi giật mình, ơ, hình như nãy giờ y toàn theo dõi phụ nữ. Ơ nữa, lại hình như, ngoài y ra, trong tiệm có ai theo dõi ai đâu.
Không phải người Mỹ vào tiệm cà-phê người nào cũng ra liền. Nhưng rất điển hình, nếu đi lẻ cứ hễ ngồi xuống là họ chúi đầu vào một cái gì đó, tờ báo, quyển sách, cái máy tính xách tay v.v. Hình như rất hiếm thứ khách Mỹ ngồi quan sát “những kiếp sống phù du”.
Thực ra y thường cũng có xách theo một quyển sách, để mở ra... làm cảnh. Ðọc vài trang, rồi bắt đầu làm công an hình sự, theo dõi, theo dõi. Rồi bỗng nhiên quên nhiệm vụ, đứng dậy thơ thẩn lại tủ hàng ngắm nghía ly, chén, phích, máy pha cà-phê. “Cái phích này được đây, đợi vài tháng nữa hết mùa, bán rẻ mạt mình mua.” “Chà, nhiều thứ cà-phê dữ, đâu thấy ai mua mà bày um sùm vậy ta.” Lại nhớ ông BNL. Ông viết: “Nghĩ tới đây, chàng bật cười. Quanh chàng, không ai thèm chú ý (...) Khách (...) sớm đều kỳ dị như thế cả (...) Người nào cũng sống riêng với nội tâm của mình, vui riêng, cười lẻ, khóc thầm.” May, nãy giờ y chỉ tính toán, thắc mắc trong óc chớ chưa bật thành lời. Nếu y mở miệng nói một mình, chắc chắn chung quanh sẽ chú ý, vì chung quanh không có “khách trưa” nào “kỳ dị như thế” đâu.
*
Vào tiệm, mười lần như một, đòi uống thứ “cà-phê vội vã”.[4] Có rồi, cũng vội vã hớp mấy hớp cạn ly cho đúng điệu. Nhưng từ đó trở đi là bắt đầu lạc điệu, không còn giống ai. Trông như mọt sách, mà không phải. Trông như kẻ tò mò, hiếu sự, hoặc vô công rồi nghề (!), mà cũng không phải...
Thời ông Hồn ma cũ dắt xe đạp đi uống cà-phê cắc chú khi trời còn tối đất, thời đó con người ta có nhiều thì giờ, nên khách ngồi chơi dai đến nỗi hóa tiên chắc chắn không hiếm.
Ðến thời ông Giọt cà-phê [5] đi lánh nạn nơi “u cốc (...) của người đô thị”, thời đó con người ta tuy vậy vẫn còn có được khá nhiều thì giờ, nên số người ngồi “miên man chuyện đời” ở tiệm cà-phê như ông cũng chưa quá ít.
Nhưng bây giờ, tới cái thời tất cả mọi thứ đều đang thay đổi nhanh bắt xây xẩm, mà y còn cà-phê cà rịch cà tang thì...
*
Ông BNL đi cà-phê để tìm một không gian quen thuộc. Ông VP đi cà-phê để tìm điều kiện cho ông lui về những “chân trời cũ”:[6]
“Hai chân len lén rút ra khỏi đôi giày da chật chội, đạp trên chiếc ghế con bỏ trống bên cạnh, hay gác lên bờ tường thấp, ngã người trên lưng ghế, ngước nhìn lên trời (bầu trời vắng vẻ cao vời vợi) (...) chuyện cũ dâng lên trong ký ức, lan man bất tuyệt (...)”
Trong lúc ông nhìn lên trời, thì cà-phê trong “nồi”[7] lặng lẽ, từng giọt, từng giọt, theo nhau rụng xuống đáy “cốc”:
“Cà-phê rụng xuống không vội vã, ồ không! Một giọt cà-phê biết tự trọng không bao giờ vội vã. Dù cho giữa khung cảnh sinh hoạt hấp tấp tơi bời của đô thị văn minh ngày nay, giọt cà-phê chân chính vẫn bình tĩnh thong thả tụ hình, đắn đo, đủng đỉnh lắc lư, suy tư, chán chê rồi bấy giờ mới chịu buông mình xuống tách.”
Cà-phê bình tĩnh suy tư hết giọt này đến giọt khác, còn khách thì bình tĩnh miên man hết chuyện đời này đến chuyện đời khác. Miên man khởi sự từ giọt cà-phê đầu tiên tụ hình dưới đáy phin, rồi có thể tiếp tục lâu sau khi giọt cà-phê cuối cùng đã buông mình nhập bọn với hàng trăm giọt xuống trước, tiếp tục sau khi cả bọn đã đủng đỉnh theo nhau đi vào cổ họng khách. Thậm chí tách cà-phê đã cạn từ lâu, ấm trà miễn phí cũng đã cạn từ lâu, nhưng khách có thể vẫn còn đang đắm đuối trông vời những hình ảnh rất đỗi xa xăm...
Cái “đô thị văn minh” của ông VP, thế mà ông bảo nó sinh hoạt “hấp tấp tơi bời”!
*
Chăm chú... lơ đãng nhìn người vô ra, nhìn ly chén, nhìn... sách, có giống nhìn mây? Nhìn lên đụng trần nhà, thì nhìn ngang nhìn dọc, nhìn ngược nhìn xuôi, vậy thôi. Mắt thịt trông mây, trông người, trông vật, trông chữ sờ sờ trước mắt, nhưng mắt lòng thì lại đang săm soi ngắm nghía những ấn tượng từ lâu lặn xuống đáy lòng...
*
Cà-phê tất nhiên chỉ là cái cớ. Không có cà-phê ta vẫn có thể “len lén” tự rút mình ra khỏi cuộc sống. Ra khỏi nó không phải để đi đâu, mà là để lắng kỹ, ngửi sâu, dòm rõ nó (nó, như ta đã trải)...
Lòng người giống một tách chất lỏng bị cái muỗng đời khuấy mãi tới sủi bọt. Thỉnh thoảng, có dịp, ta nhẹ đưa ta ra khỏi tầm khuấy, đợi bọt tan, chờ cấn lắng, xem thử thế nào...
11-2008
thutu1@gmail.com
_________________________
[1]Tên một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc.
[2]Có khi thấy viết là “các chú”. Không biết nguyên là “khách trú”, hay chữ chú đây là như trong “chú Ba”. Dù sao, từ “cắc chú” hay “các chú” được dùng để chỉ người Tàu.
[3]Tức whipped cream.
[4]Tức espresso, là thứ cà-phê pha bằng cách ép hơi nước đi qua bột cà-phê, rất mau có uống.
[5]Võ Phiến có bài tùy bút tên “Giọt cà-phê”.
[6]Tên tập truyện của Hồ Dzếnh.
[7]Cái phin đặt trên tách cà-phê, có người gọi là “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008