Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Khắc Khoan - Mơ Hương Cảng ̣(ll). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Khắc Khoan - Mơ Hương Cảng ̣(ll). Hiển thị tất cả bài đăng

3/7/11

Vũ Khắc Khoan - Mơ Hương Cảng ̣(ll)

Vũ Khắc Khoan
Mơ Hương Cảng


2
En attendant Godot

HAMM.- Le salaud! Il n’existe pas!
CLOV.- Pas encore.
S. BECKETT (Fin de partie)

"Thôi!"

Tất cả chỉ đợi câu nói đó của Roger Blin. Để nghỉ. Họ nhảy qua rìa sân khấu xuống khán trường, vây quanh Blin, không phải để đợi một lời khích lệ, một vài nhận xét của nhà đạo diễn, mà hầu như chỉ để xúm xít quanh nhau, tìm ở nhau một chút hơi nóng để xóa nhòa cái cảm giác heo hút của một sân khấu buổi tổng dượt cuối cùng, một khán trường tuy nhỏ mà mênh mông, gaz vẫn đốt mà không đủ ấm. Đêm đã xuống ở ngoài trời Paris lạnh tái, đêm lẻn vào từng đợt giữa những dãy ghế co ro không người, từng đợt vượt rìa sân khấu, từng đợt tỏa ra – đèn rìa không bật, chỉ có âm u một dây đèn herse – từng đợt bủa vây nhóm người đang im lìm, người nọ đợi người kia lên tiếng trước. Họ là J. M. Serreau, Roger Blin, Pierre Latour, Lucien Raimbourg, Jean Martin, Serge Lecointe… đạo diễn, ông bầu, diễn viên một vở kịch mang một cái tên bí hiểm En attendant Godot. Trong khi chờ… chờ ai? Godot là ai? Thượng Đế? Nếu là Thượng Đế thì tại sao sao lại không gọi thẳng là God? Mà lại là Godot?

Hình như là Jean Martin lên tiếng trước:

"Chắc chắn là chúng nó chẳng hiểu mẹ gì cả."

Serge Lecointe:

"Không hiểu là cái chắc!"

Blin lẩm bẩm:

"Dầu sao, dầu sao thì cũng thú. Và… thế là đủ."

Serreau dằn giọng:

"Không hiểu, không hiểu cái gì? Mà có cái gì để mà hiểu?"

Không ai hiểu cả. Nhưng ít nhất thì cũng phải có một người, một người nhất định phải hiểu: tác giả. Mọi người đều nghĩ như vậy và đều hướng về Samuel Beckett – con người Ái Nhĩ Lan câm lặng – từ nãy, từ phút đầu tiên vở kịch bắt đầu vẫn im lìm ngồi ở một góc tối cuối khán trường. Beckett đứng dậy, xốc lại áo, giơ cao tay phác một cử chỉ tạm biệt, lặng lẽ đi ra phía cửa, dừng mắt trong giây lát trước tấm affiche – tên mình Samuel Beckett, tác giả, tên vở kịch En attendant Godot, tên rạp hát Babylone, tên… - chân vẫn bước đều, vóc dáng lêu nghêu gầy guộc như cái thân cây gầy guộc en-attendant-godot bài trí trên sân khấu, bóng đổ dài trên vỉa hè trắng xóa tuyết thượng tuần tháng Giêng một năm đặc biệt kéo lê mùa lạnh – 1953. Beckett bước gọn từng bước dài, từng bước đều, hướng về căn phòng heo hút xóm Montparnasse. Để chờ… Cái gì? Ngày mai? Ngày mai là hôm nay. Màn sẽ mở lên. Vở kịch En attendant Godot lần đầu – sao bao nhiêu lần bị khá nhiều ban kịch khước từ – lần đầu công diễn. Rồi thì màn cũng phải hạ xuống. Rồi… lại chờ. Rồi lại phải chờ. Và như vậy thì tất cả sẽ chỉ là một con số không, một con số không mênh mông vô tận. Hay là… ai sẽ lại? Mà… ai có lại không? Ai? God? Một nụ cười khó hiểu thấp thoáng trên đôi môi, trên một nét môi ngậm kín khắc mạnh trên khuôn mặt gồ ghề khắc khổ của Beckett. God? Godeau? Godot? Lại cười, rồi nụ cười vụt lại tan ra, nét môi khô đọng. Câm lặng. J’attends. Fais que mont attênd ait un sens, ở mỗi người… Bước chân Beckett bỗng lỡ nhịp. Một cột đèn ló ra. Một lối ngoặt. Một con điếm nhăn nhó cười duyên, hai tay hai vạt áo choàng phác nhẹ một cử chỉ hở hang. Tu viens, chéri? Và Beckett lại bước thất thểu ngập ngừng của những bước chân âm thầm lặng dọc theo dãy hành lang âm u, xám ngắt tòa cổ lâu Elseneur của một Hamlet giả điên giả dại (để giấu kín một ám ảnh, một điên cuồng sâu kín, một định mệnh?), một Hamlet một mình đối thoại với mình. To be or not to be. Cũng được đi.

Nhưng từ những bước chân đó?

Beckett vẫn bước đều đều. Qua một ngã tư. Đến miệng một hầm métro ngổn ngang một lũ clochards. Những mảnh vụn lở lói của một ám ảnh mà nơi cư trú thường xuyên nằm ngay trong Beckett, ngay giữa lòng, ngay trong thân xác Beckett. Những hồn hoang mà nửa khuya gió hú chính Beckett nghe thấy thì thầm rủ rê hiện về tâm sự với nhau, độc thoại “với nhau” ở chính giữa tiềm thức, ở chính đáy vô thức Beckett. Những Wladimir, Estragon, Hamm, Clov rồi Nagg rồi Nell. Những Beckett. Và bất giác, Beckett bước vội. Rồi hốt nhiên – như đen gợi trắng, hố thẳm nhớ trời cao – hốt nhiên Beckett nghĩ đến những bước chân cô độc mà kiêu hãnh của một con người vươn cao, thường say gió lộng đỉnh núi và khoảng trống vòi vọi xanh lơ. Nietzsche. Nietzsche với những bước chân trèo ngược lại dốc một ngọn Golgotha. Để được nhìn tận mắt một cây thập tự một nhấm rỗng lòng cây. Để đứng thẳng người, tập trung mười hai thành công lực nơi đan điền dưới chính cái rốn của mình. Để hống lên rằng… chẳng có mẹ gì cả. Lão ta chết rồi.

Nhưng từ sau đó?

Nietzsche (thân xác đã tự đóng đinh vào một thứ thập tự mới thành hình, không bằng cây mà đẽo bằng da bằng thịt con người) Nietzsche nghiễm nhiên thay thế cho vị Cố Thượng Đế, để rồi một đêm, toát mồ hôi lạnh vì tận đáy vô thức chợt thấy hiện về lê thê nguyên vẹn mối thắc mắc năm xưa, với day dứt nguyên vẹn những vấn đề, mỗi vấn đề là một bước dấn thân sâu vào hành trình xoáy trôn ốc tiến tới cao vời thăm thẳm tấm mộ chí ghi “Nơi đây an nghỉ dứt khoát một huyền thoại mang tên là Thượng Đế”, những vấn đề mà Nietzsche đã tưởng phai mờ – nghĩa là sáng tỏ và giải quyết – trước hàng chữ đó. Ta là gì? Ta ở đâu lại? Ta đi về đâu? Ta trở về đâu? Ta đứng đây làm gì? Ta chờ? Gì? Ai? Hay là… định mệnh đích thực của ta là chờ đợi, tuyệt vọng mà vẫn chờ, chờ cái chẳng-bao-giờ-đến, cái chẳng-bao-giờ-nói-dứt-khoát-là-chẳng-bao-giờ-đến? Cái bất khả danh? Cái innommable? Cái? O God, j’attends, je t’attends. Nhưng God? Không, Godot. Godeau. Cuộc tra vấn từ nay không “người’ đối diện trở thành một tự tra vấn, tự hành hạ. Con người tự mổ xẻ, tự lăng trì, tùng xẻo, rời rạc, gãy vụng, dìm xuống tận đất đen, đẩy xuống đáy vực sâu vòi vọi. Con người biến thái, vong thân, trở thành những tên hề – clochards mờ mờ nhân ảnh, hiện hữu cạnh nhau như chỉ nhằm phản ảnh nhau để lố bịch nhau. Con người, tác phẩm trìu mến của Thượng Đế, hình ảnh của Thượng Đế, nơi chứa đựng khí thiêng của Đấng-Sáng-Tạo-Tối-Cao, con người, Wladimir? Estragon?

Hình như khi tra chìa khóa vào ổ khóa, khi đẩy tấm cửa mỏng mảnh, trước khi bước vào căn phòng heo hút xóm Montparnasse, trên vành môi sắc nhọn như nét rìu tiều phu đẽo ngọt vào gỗ rừng già, trên vành môi Beckett lại có thoáng ánh cười. Thoáng rồi tắt. Beckett trở lại “con người Ái Nhĩ Lan câm lặng”.

Còn kịch, En attendant Godot? Không gian, thời gian, động tác, câu chuyện? Hầu như không có gì cả.

Thời gian (vì kịch gồm hai hồi) là hai ngày gần lẫn lộn với nhau bởi như nhau. Thời gian như ngừng lại mà lại như trôi nhanh (trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê), trôi nhanh đến độ mờ đi những khác biệt, chỉ tồn tại những tương đồng. Beckett viết trong lời chỉ dẫn ở hồi một: buổi chiều, và ở hồi hai: như hồi một. Không gian dĩ nhiên như thời gian, cũng mờ áo, vô tính. Beckett viết: Con đường vùng quê có cây. (Route à la campange avec arbre). Cây số ít. Một thân cây. Một trạc. Một cành cũng được. Sự trơ trụi hiện hình.

Còn kịch, câu chuyện? Kịch như trình diễn một động tác, một câu chuyện manh nha từ một biến cố, trưởng thành, chín muồi, thắt nút để rồi bùng nổ, kịch theo quan niệm Aristote? Kịnh như một hỗn hợp bi hài bất chấp thời gian và không gian theo trí tưởng tượng mông lung lãng mạn nảy sinh từ phía trời âm u sương mù lãng đáng vóc dáng một Shakespeare? Hay… kịch như quan niệm ly cách của Brecth, - diễn viên ly cách với nhân vật, sân khấu ly cách với khán trường – vấn đề đặt ra từ những cảnh đời xác thực dịch địa lên sân khấu, đặt ra cho diễn viên (biết rõ mình chỉ là diễn viên), cho khán giả (biết rõ mình chỉ là khán giả)?

Ở En attendant Godot, không có gì cả, không có quan niệm nào cả. Ở đây qua hai hồi, chỉ là một sự chờ đợi, trống rỗng mà dằng dặc, “cái” được chờ đợi chẳng bao giờ đến mà cũng chẳng bao giờ dứt khoát tuyên bố rằng chẳng bao giờ đến. Nhưng sự chờ đợi vẫn tiếp tục. Bắt buộc.

Có hai nhân vật chính: Estragon và Wladimir, hai nhân vật chỉ còn là “người” ở nơi phảng phất hình ảnh con người (gọi là hai cái thân tàn ma dại, hai cái mờ-mờ-nhân-ảnh băng hoại đến tận đáy sâu hố thẳm của sự băng hoại, thì đúng hơn). Cả hai chờ đợi một người thứ ba mang cái tên bí hiểm là Godot. Hắn là ai? Là Thượng Đế (God)? Là tiêu biểu xa vời một hy vọng cứu rỗi, con người vẫn mong chờ xuất hiện mà chẳng bao giờ xuất hiện, mà cũng chẳng bao giờ tuyên bố dứt khoát rằng sẽ chẳng bao giờ xuất hiện? Hay đó là thoáng bóng định mệnh của loài người nếu cho rằng định mệnh của loài người là sự chờ đợi? Cả hai không biết hay không dám tin chắc một điều gì. Có điều chắc chắn là cả hai hầu như đều bị một ám ảnh theo đuổi bám sát nó run rủi cả hai phải đến đó, vật vờ như những con bệnh mộng du, dưới gốc cây đó, ngồi đợi Godot. Không thể cưỡng được. Không thể tránh né. Như ma dẫn lối, quỷ đưa đường. Sự chờ đợi kép dài hình như đã tự lâu – từ khi có loài người xuất hiện như là ngày – ngày này qua ngày khác, ngày nọ qua ngày kia (hai hồi!), đến nỗi cả hai nhân vật như quên tất cả, quá khứ, hiện tại, tương lai. Cả hai phải bày hết trò này đến trò nọ, trò nọ kế tiếp khi trò này dần dần tàn lụi, phải tung phải hứng, phải xướng phải họa, để… chỉ làm trò, trong khi… chờ đợi Godot.

Nhưng Godot không lại. Và bất ngờ lại có hai nhân vật khác xuất hiện: Lucky và Pozzo, tên nô lệ (cổ đeo dây thừng) và tên chủ (tay cầm một đầu dây thừng). Cả bốn gặp nhau, đối thoại đầu Ngô mình Sở. Cuộc đối thoại được kết thúc bằng một tràng đối thoại của Lucky khi Pozzo ra lệnh bắt buộc phải suy tư (pense, porc!). Sau đoạn độc thoại lảm nhảm của Lucky – một thứ đối thoại hổ lốn vô nghĩa trộn lẫn tất cả: Thượng Đế râu bạc cuộc sống địa ngục công tác mây xanh thẳm Hàn lâm Viện con người tiến bộ ăn uống tiêu hóa thể dục quần vợt kỵ mã tàu bay khúc côn cầu golf trụ sinh cái chết của Voltaire đồng quê lửa nước mắt đá cuội – sau đó thì Pozzo và Lucky đi khỏi. Rồi một thằng bé xuất hiện báo cho Wladimir và Estragon biết rằng Godot không đến nhưng chắc chắn sẽ đến vào ngày mai. Đêm xuống. Trăng mọc. Cả hai nhìn cành cây chợt nghĩ đến một mẩu thừng. Để tự tử. Nhưng lấy đâu ra thừng? Và màn hạ. Và hồi một chấm dứt. Hồi hai cũng giống như hồi một. Với một vài điểm khác biệt (để khỏi lẫn lộn với hồi một, để chứng tỏ rằng dầu sao thì thời gian cũng cứ trôi qua): Pozzo trở thành mù và Lucky thì câm. Và đến cuối hồi, sau khi được biết – qua lời thằng nhỏ – Godot không lại nhưng chắc chắn sẽ lại ngày mai, khi đêm buông xuống, mặt trăng lại mọc lên, khi nhìn cành cây và bỗng nghĩ ra rằng chỉ còn một cách để chấm dứt một hành trình dằng dặc không nơi đến, đó là tự tử, thì Estragon chợt nhớ ra cái mẩu dây thừng thắt lưng của mình. Cả hai ngắm nghía mẩu dây thừng – cứu rỗi, mỗi người cầm một đầu dây, kéo mạnh để thử. Mẩu dây thừng đứt làm đôi. Hy vọng cuối cùng nổ bung tan tác. Chiếc quần Estragon rộng thùng thình tụt xuống gót chân. Nhưng trước khi màn hạ, cả hai vẫn còn đủ thì giờ nhắc lại:

"Thôi… để đến mai vậy."

Nghĩa là đến mai, kia, kìa… sẽ cũng vẫn như vậy.

Đêm 5-1-1953, tấm màn nhung đỏ rạp Babylone mở lên. Lần đầu tiên, trước số khán giả chọn lọc vì được mời (những nhà văn lớn, phê bình gia nổi tiếng, kịch sĩ tên tuổi), vở kịch hai hồi En attendant Godot được trình diễn. Và thành công. Nghĩa là khán giả đã phản ứng đúng như sự tiên liệu của nhóm Beckett. Khán giả cười, bắt buộc phải cười trong khi thấy ấm ức trong lòng. Họ cảm thấy ngượng nghịu như soi gương bắt chợt một nét khả ố trên chính nơi mặt, chính nơi thân xác của mình. Sự ngượng nghịu, ngượng ngùng đôi khi dẫn đến bực bội, đối kháng. Có người định tỏ thái độ, định đứng dậy ra về nhưng lại đồng thời cảm thấy lố bịch. Đứng lên rồi lại ngồi xuống. Cười chảy nước mắt. Oà bật lên cười.

Nghĩ về bi kịch, nhà văn quá cố A. Camus bắt gặp tính chất bi đát của thời đại hôm nay mà Camus nhận định kích thước đã vượt khỏi sân khấu hiện tại. Ông nói: Chúng ta chưa viết được một vở bi kịch nào tương xứng với cái bi đát hôm nay chúng ta đang sống.

Cái bi đát hôm nay – khác biệt hẳn cái bi đát xa xưa con người cô đơn đối diện với siêu việt cao vời, con người độc hành trong hành trình đối kháng Định mệnh, khác biệt hẳn cái bi đát huyền nhiệm trang nghiêm của Eschyle, Sophocle và Racine – cái bi đát hôm nay, cái bi đát nảy sinh từ sau cái hới mưng ngây ngô của con người trước tiến bộ của khoa học; cái bi đát “tái xuất giang hồ”, sau một thời gian “rửa kiếm” vì lời cáo phó cái chết Thượng Đế của Nietzsche, vì lời gào gọi đứng-lên-vô-sản-thế-giới của Marx; cái bi đát mà đã biết bao người làm sân khấu săn đuổi, mà có một thời, những Gide, Giraudoux, Cocteau, Sartre đã tưởng tìm thấy một hình thức để trình bày, một công thức để diễn tả, khi phiêu lưu trở về thế giới thần thoại Hy Lạp, mà Brecht đã thấy bất lực khi muốn sáng suốt phân tích, tách rời để khám phá nguyên nhân, để giải hoặc; cái bi đát manh nha từ một môi trường sống chết nơi đó tất cả mọi người không một ai không có đủ lý do biện mình cho bất kỳ một hành động nào của mình, nơi đó con người thường chân thành nhân danh hạnh phúc con người để, cũng rất chân thành, tiêu diệt con người; cái bi đát dâng lên từ cái chết tập thể sáu triệu Do Thái, quằn quại trong những trại giam, nung nấu giữa chiến trường Việt Nam; cái bi đát không phải do một cá nhân tạo thành, không phải tự một cá tính thai nghén; cái bị đát đè nặng lên từng tập thể, thúc đẩy hàng triệu thanh niên trên thế giới xuống đường chỉ để… xuống đường; cái bi đát hôm nay – hay là cái bi đát không phải của một Rodrgiue hiên ngang, một Quan Công lẫm liệt, một Hamlet suy tư, một Oêdip đau khổ, mà là cái bi đát của một tên hề lố bịch, một thằng người vô danh, vô tính – cái bi đát của con người sa lầy dần dần vào cái bầy nhầy của thời gian bất biến, vào cái ù lì của đồ vật vô giác vô tri, cái bi đát của con người đã băng hoại đến độ cuối cùng của sự băng hoại mà lại còn giật mình nghe thấy vẳng lên tự lòng vực thẳm băng hoại những lời tra vấn đã tưởng trả lời dứt khoát tự lâu, mà con người đã rõ không thể nào, không thể nào trả lời dứt khoát; cái bi đát đó, cái bi đát hôm nay, phải đợi đến khi chiếc quần của Estragon từ từ tụt xuống gót chân để chấm dứt vở kịch En attendant Godot, với những lời đối thoại ngây ngô, những hình thù kệch cỡm bẩn thỉu nửa người nửa ngợm của nhân vật, với cái không khí tận cùng khó chiụ của tất cả khán trường và sân khấu, cái bi đát hộm nay của anh và tôi, phải đợi đến lúc đó, qua tiếng cười bất đắc dĩ của khán giả, mới tìm thấy một hình thức xứng đáng để tự biểu hiện, một công thức mầu nhiệm để tự diễn tả.

Hình thức đó là vở kịch En attendant Godot.

Công thức đó, rất giản dị, là:

Bi = Hài.

*

Nhất Linh đối diện Nhất Linh

Nếu ai biết ở đời cái gì cũng là ảo mộng là người ấy khổ, mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc thời chẳng là trái ngược lắm sao. Khốn nhưng nếu không nghĩ gì mà được sung sướng thời dễ chứ đã biết nghĩ rồi, biết nghĩ là cái nguồn khổ về tinh thần, muốn thoát ly ra thật là khổ lắm…

Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng, nhưng muốn cả hai như thế thật là khó khăn vô cùng…

Cái buồn cái lo nhỏ mọn làm gì bứt rứt thế? Ôi! Con người ta sinh ra làm mảnh bụi làm gì mà băn khoăn thế? Ta hãy quên đi, ta hãy nguôi đi.

Nhưng đem thân mình đến đâu là NÓ theo đuổi đến đấy, có khi tức quá, lấy tay chỉ lên đầu mà than với mình rằng: NÓ ở đây, đi đâu mà không có NÓ được? Trong lòng không lĩnh thời dãu thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa, ruột gan vẫn nung nấu như thường. Hay là lấy giọt nước cành dương mà an ủi mình chăng, nhưng lòng ta không có tín ngưỡng nữa, rồi đến cả vũ trụ này cũng không tin thời tin ai được nữa, mà tin ai bây giờ?

Phải biết rằng đối với những người hay ngẫm nghĩ về nghĩa lý ở đời như thế thì chỉ có hai cách sống mà thôi. Một là hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng, lấy cái mộng tưởng mà mê sính trong cái đời hư vô mộng tưởng này. Hai là không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết, mình không sợ chết mình cũng không mong cái chết mà vẫn không tĩnh tâm thời chỉ có cách trên họa may là có thể giải thoát cho mình chăng? [1]

(Nhất Linh: "Làm gì mà băn khoăn thế" – Người quay tơ. 1927)

Thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa? Lao đầu vào trụy lạc, ngụp lặn trong bùn đen của tội lỗi? Rút về một khoảng núi cao vui đùa với lũ hươu rừng và ánh trăng le lói kẽ song? Lấy giọt nước cành dương gội sạch bụi bặm phố phường? Vô ích. Vô ích. NÓ ở đây, đi đâu mà không có NÓ? NÓ nung nấu ruột gan. NÓ đến đột ngột như sét đánh. NÓ lẩn quẩn đâu đây. NÓ bám chặt từng bước đi. NÓ giăng mạng nhện ngay nơi óc. NÓ lẽo đẽo theo sau. NÓ hiện diện từng giây từng phút. NÓ đăm chiêu, theo dõi từng khắc từng giờ. NÓ đăm chiêu, đau đáu, quanh quất, chờn vờn. Như tròng mắt của Cain. NÓ nằm ngay trong thân xác, cùng ăn, cùng ở, cùng nằm. Há miệng mà cười, ôm mặt mà khóc, hét lên: NÓ là tiếng vọng. Co cẳng mà nhảy, lấy đà mà vút lên cao: NÓ trở thành trọng lực để níu lấy chân, bàn chân lại vẫn nặng nề ôm ghìm mặt đất. Đi đâu mà không có NÓ? NÓ len lỏi vào giữa giấc mơ. NÓ ám ảnh từng cơn hành lạc. NÓ đào sâu tròng mắt thường vẫn mở rộng trắng đêm. NÓ gặm nhấm dần dần những luồng tóc xanh, xói ngược vào góc thái dương, xói sâu đến tận vùng chất xám của não. NÓ trổ nheo đuôi mắt, xếp ngang đường nhăn trên vầng trán rộng, tạc dọc đường hằn tự cánh mũi chạy dài xuống tận mé môi.

NÓ là tròng mắt trũng, là vầng trán rộng, là những nét hằn, là khuôn mặt gầy guộc nặng trĩu ưu tư.

NÓ là Nhất Linh.

Bởi một sớm, Nhất Linh đối diện Nhất Linh đã thấy biến mất Nhất Linh, đã chỉ nhìn thấy NÓ. Tự đó Nhất Linh trở thành một trường hợp, trường hợp một người bị NÓ ám ảnh, bị NÓ theo dõi, như một định mệnh. Và cũng tự đó cuộc sống Nhất Linh trở thành một hiện tượng, hiện tượng một tìm kiếm, đối tượng tìm kiếm lại chính là… mình. Cuộc tìm kiếm có như một bắt buộc, bởi định mệnh là NÓ không bao giờ cho phép Nhất Linh ngừng cuộc. Cuộc tìm kiếm có như một đam mê vô ích bởi giữa Nhất Linh và Nhất Linh NÓ thường xuyên hiện diện như một ngăn cách, để không bao giờ, không bao giờ nữa, dù phải đi đến tận cùng mọi ngõ ngách của cuộc sống, tận dụng mọi phương tiện của cuộc đời, mọi khả năng của con người, Nhất Linh lại còn có cơ duyên bắt gặp lại được… Nhất Linh.

Hãy nhắm mắt lại. Hãy cắt ngang cuộc đối thoại. Hãy xóa nhòa tấm gương đối diện. Không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết. Hãy trở về yên lặng của gỗ rừng và đá núi tồn lưu trong một khoảng không gian im sựng dựng lên bởi nấm dại và lan rừng. Con người ta sinh ra là mảnh bụi, làm gì mà băn khoăn thế?

Nhưng… NÓ vẫn hiện diện, đi đâu mà không có NÓ?

Chỉ còn một lối thoát. Chỉ còn một cách sống. Là hành động, hành động cho đến kiệt lực, cho mãn chiều xế bóng. Để mê sính. Để quên.

Và Nhất Linh đập tan tấm gương đối diện, đi vào hành động.

Một buổi sáng chớm mùa thu Hà Nội, tôi, một đứa con trai bấy giờ mới lớn, gió heo may đang thổi lộng lồng ngực hai mươi, tôi quay lưng lại chiếc Tháp Rùa chênh vênh giữa hồ Hoàn Kiếm để nhìn theo hút Nhất Linh, để được nhìn thấy Dũng nhập cuộc, Dũng rảo bước, gọn và nhanh, bước vào hành động. Đến mãi sau này, đến khi trong tôi những đợt heo may đã đi vào vùng kỷ niệm, đến khi gặp Nhất Linh như là một người bạn vong niên, hồi tưởng, tôi mới biết rõ là khi đó (khoảng quân đội Phù Tang vượt biên giới tiến vào Lạng Sơn, khi nhìn thấy Nhất Linh, vóc dáng cao vời thoáng hiện sau rặng liễu sau hồ Hoàn Kiếm để vượt cầu Long Biên, men theo dòng Hồng Hà và dòng sông Thanh Thủy, tiến lên những quận lỵ đèo heo hút gió vùng mạn ngược, lẩn mình trong bóng đêm của những thung lũng, đèo cao và rừng rậm, đặt chân vào nội địa Trung Hoa, mất hút vào một hành trình như đơn độc chỉ có một chiều), khi đó, tôi nhìn thấy Hương Cảng rẽ khuất vào một lối ngoặt con đường Hàng Trống (cũng là một lối ngoặt kiếp sống Nhất Linh), gió heo may thổi lật những chiếc lá bàng đỏ kệch (cả cuốn Đôi bạn chỉ là lời nói đầu Nhặt lá bàng), chính khi đó, mãi sau này tôi mới ý thức rõ rệt, tôi đã mất Nhất Linh, Nhất Linh đã chỉ còn là một thân xác mà hồn là Dũng đã ngự trị và điều khiển, tôi đã chỉ còn có Dũng. (Và chính tôi muốn thế, chính thế hệ chúng tôi muốn thế). Tôi nhìn thấy Dũng lên đường.

Dũng lên đường. Dũng, người đàn ông rất đàn ông, dứt khoát với mình với người, không băn khoăn thắc mắc, mà sáng suốt, tỉnh táo, không hề đặt vấn đề với mình, về mình, về người, đều và chắc nịch tiến từng bước thẳng tắp tới một mục tiêu nhất định; Dũng, người của hoạt động bí mật ẩn náu trong lòng ngõ hẹp lầm bùn, bị thương giữa đêm rừng Hưng Hóa; Dũng, người tình nhân choáng hơi men, một đêm dừng chân bên bến lạ, nghĩ đến người yêu và dưới ánh trăng suông, kê giấy trên mạn thuyền, viết một bức thư; Dũng của Đoạn tuyệt? Sự thực không đơn giản. Tôi tin rằng Nhất Linh phải biết rõ như vậy, ngay lúc bấy giờ, khi Nhất Linh dời bỏ Việt Nam, thu hút bởi chính nhân vật do chính mình sáng tạo, khi Nhất Linh bị cuốn vào cái quay cuồng nhân quả trùng trùng của một thứ nghiệp mà sau này Nhất Linh gọi tên là guồng máy. Bởi vào năm 1940, không chỉ có một Dũng, Dũng của Đoạn tuyệt, mà còn có một thứ Dũng nữa, tuy sinh sau đẻ muộn mà ma lực quyến rũ (nhất là đối với chính Nhất Linh) lại khủng khiếp gấp bội người anh đầu lòng. Dũng của Đôi bạn.

Khi quyết định ấn hành "Số đặc biệt nhớ Nhất Linh” cho tờ nguyệt san Vấn đề, muốn in lại một cái gì đặc-biệt-Nhất-Linh, tôi chọn Lời nói đầu cuốn Đôi bạn, mang tên là "Nhặt lá bàng", Mai Thảo gật gù nên lắm. Và nói thêm:

"Chưa bao giờ một người viết trìu mến nhân vật của mình đến như vậy."

Một lát sau:

"Nhặt lá bàng" vượt cả cuốn Đôi bạn. Nhất Linh phải viết trong một dịp xuất thần."

Ít khi tôi đồng ý với Mai Thảo. Nhưng lần này cái lối phát biểu ý kiến nhát gừng của anh đã làm suy nghĩ. Và tôi đã nhận với tôi (cũng ít khi tôi nhận với Mai Thảo) rằng tôi đồng ý với anh… Nhưng phần nào thôi. Nhất Linh quả có trìu mến Dũng. Nhất Linh quả có xuất thần khi viết "Nhặt lá bàng". Đó là một sự kiện nhưng nguyên nhân hình thành không chỉ đơn giản do tương quan giữa người viết và nhân vật, mà phức tạp hơn: ở đây người viết là nhân vật.

Hơn hai mươi năm sau, Nhất Linh thú nhận: "Độ ấy (khi viết Đoạn tuyệt), tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài." Ván bài vốn là một ván bài sinh tử, năm ngón tay phù thủ Nhất Linh dồn tất cả công phu sáng tạo vào thân xác quân cờ. Trong ma túy lên đường, chướng khí rừng mạn ngược và sương độc núi lam biên giới, quân cờ (được gọi tên là Dũng) dần dần trút bỏ hình thù thô kệch giả tạo bắt đầu, vụt lớn lên thần tượng, vóc dáng bao trùm cả một thế hệ, quân cờ hay là Dũng bỗng một đêm thấy tỏa ra tự thân xác một vùng ánh sáng mang một hấp lực dị thường dấy lên theo một đường quỹ đạo mà chính Dũng là nơi trung tâm phát xuất, Dũng âm binh bèn đứng dậy, bước một bước vào thế phù thủy, lời chú đầu tiên vừa thốt ra khỏi miệng, tay ấn đã chọn ngay đích thân người sáng tạo ra mình làm nạn nhân thứ nhất. Sự việc xảy ra trong chốc lát – trên chiếu bạc, ván bài đã đến lúc quyết liệt, Nhất Linh đã vừa tố sạch láng – nhạc văng vẳng đâu đây, lời ca ngọt lịm (ban đồng ca phụ họa là cả một thế hệ). Dũng kỳ dị, beau ténébreux, hiện lên lãng mạn trên một nền mờ dịu của mây trắng mùa thu và gió heo may thổi lộng mặt sông hoang vắng, vùng ánh sáng quái dị tỏa rộng thêm hấp lực bỗng vươn lên cao theo cái thế xoáy lốc của đường quỹ đạo đã đổi hướng quay. Dũng-phù-thủy phảng phất phong thái thần linh, Nhất Linh choáng váng, chóng mặt, không thể cưỡng, không muốn cưỡng lại, chỉ nhìn thấy Dũng, tưởng mình là Dũng, trở thành Dũng. (Còn nhớ không, người đồng chí của Vũ Tường Dũng, cái ngõ hẹp đầy khói lát đá tảng vùng Hoa Nam?)

Nhất Linh trở thành Dũng. Mệnh đề này mang một hệ luận: khi tự Sài Gòn độ ấy, một lá thư từ nhà một người mang tên là Trương Viễn ngụ tại 118 đường Albert 1er Dakao gửi về Hà Nội cho Nhất Linh, lá thư ký dưới một người xa xăm (Nhất Linh đã nói chữ viết không phải là chữ của Dũng, bởi đúng là như vậy, chữ viết là chữ của Nhất Linh), thì lá thư đó là một lá thư đặc biệt người gửi và người nhận chỉ là một, lá thư tâm sự, một lời độc thoại. Đúng hơn: phân nửa một cuộc đối thoại vốn vẫn âm ỉ kéo dài. Tấm gương đối diện ngày trước tưởng đã đập vụn từng mảnh bởi chính tay người đối diện, giờ đây – trời muốn trở rét – đang từng mảnh vụn chắp nối để dựng lên đối diện Nhất Linh, để ném lại trước mắt Nhất Linh, sững sờ, không phải hình ảnh một Dũng, mà qua Dũng, không phải chính hình ảnh Nhất Linh, mà xoáy vào nữa, qua Nhất Linh, mà… NÓ. NÓ, nhưng méo mó, nhưng thiểu não hơn nhiều. NÓ qua vóc dáng một Dũng thứ hai, Dũng của ấp Quỳnh Nê và bến đò Gió, Dũng – Đôi bạn. Dũng không lúc nào mãn nguyện mà phải mãi mãi đi tìm một sự bình tĩnh cho tâm hồn, một sự bình tĩnh mà lại không, gặp được nhưng lại mất ngay, Dũng lúc nào cũng muốn vượt ra khỏi sự buồn nản bao phủ dày đặc quanh mình, Dũng nhảy ra rồi lại muốn nhảy vào, Dũng thoát ly mà vẫn không cảm thấy cái khoan khoái được thoát ly, lúc nào cũng cố đuổi theo một thứ đom đóm của cuộc đời, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức, yêu mà e ngại nói yêu, Dũng không thần tượng mà khiêm tốn chỉ biết băn khoăn, không phù thủy, không âm binh, không quân cờ, không hình nộm, rất thật nên đứng ngồi không yên. Dũng không phải của Đoạn tuyệt mà của Đôi bạn, mà như từ Đan Mạch trở về, tự tòa cổ lâu Elseneur bước ra, Dũng-Hamlet nghĩ cho nên biết, biết cho nên đành phải nằm gọn trong cái thế giới con con do chính tay mình xây dựng, ngây ngô điên dại cho nên lưỡng lự trước cuộc đời đầy phiền muộn như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia. Dũng-Hamlet. NÓ. Đích NÓ. NÓ lại trở về. Như một căn bệnh sốt rét kinh niên tái phát: con bệnh chỉ vừa kịp thấy ơn ớn khớp xương, gây gấy nổi da gà nơi bả vai bắp vế là đã cảm dấy lên từng đợt lạnh như lùa về tự miền Thượng du Bắc Việt, phát xuất ngay tự đan điền, loang ra, tràn ngập toàn thể thân xác. NÓ lại trở về, ở đấy, khắp nơi, yên lặng mà hầu như trách móc, quen thuộc nhưng luôn luôn mang vóc dáng một lạ mặt. NÓ. Đi đâu mà thoát được NÓ?

Trong một huyền thoại Hy Lạp, thuở thần linh còn ở lẫn với con người, có một vị vua mang tên là Midas vì thắc mắc trước lẽ sống nên đã đuổi theo tìm gặp nhà hiền triết Silène, người bạn đồng hành của thần Dionysos. Và khi hai người đối diện trong một khu rừng vắng, khi Midas ngập ngừng cất tiếng để hỏi (cũng như đã bao nhiêu ngày đêm tự hỏi) xem đâu là hạnh phúc hoàn hảo của con người, thì nhà hiền triết cúi đầu im sựng. Lời tra vấn nhiều lần lai được thốt lên thành tiếng. Bỗng giữa hoang vắng của rừng già, tiếng cười Silène rít lên the thé. Và dứt tiếng cười, thì đây là câu trả lời, câu trả lời đã đi vào huyền thoại Hy Lạp, đã in dấu trên lối sống Hy Lạp:

"Hỡi giống người khốn nạn sinh ra do ngẫu nhiên và đau khổ, ta không hiểu tại sao ngươi lại muốn biết một điều chẳng mảy may ích lợi cho ngươi? Hạnh phúc hoàn hảo của con người ư? Thì đó chính là cái mà không bao giờ ngươi đạt được, cái đã ở ngoài tầm với của con người. Bởi hạnh phúc hoàn hảo của con người là gì, ngươi biết không? Nghe đây: đó chính là đừng sinh ra làm người, đừng hiện hữu, đừng là cái gì cả."

Sau một khoảng yên lặng, gió thoảng cơn đặt nhẹ xuống nền cỏ mát một chiếc lá khô đến độ lìa cành:

"Nhưng đối với ngươi, đối với kích thước con người, thì cũng còn có thể có một thứ hạnh phúc, đó là… chết. Biết chắc chắn rồi ta sẽ chết"

Câu chuyện huyền thoại kết luận theo hút bước chân Silène thất thểu khuất sâu vào lòng rừng già. Thế thôi. Không thấy nói gì đến Midas.

Mà nói gì? Midas đã hỏi và đã được trả lời. Và đã biết. Số phận Midas đã có chút may mắn hơn Nhất Linh. Bởi kịp đến khi Nhất Linh lớn lên (hình ảnh cuộc đời đã thôi đơn giản một chiều phản ảnh, đã thôi ngây thơ dội ngược lại chính cuộc đời, đã bắt đầu phiền toái nhận chìm lệch lạc qua tròng mắt vào cõi xám vùng não), kịp đến đầu thời kỳ XX, thì đã từ lâu, thần linh từ giã loài người để mất tăm vào rừng núi và rừng tiền sử. Mất tăm bóng dáng những tiên và bụt, những Silène và những đấng tiên tri. Tiếng kệ Thích Ca đi vào im lặng vô ngôn. Con kỳ lân buồn lê gậy trúc khập khễnh nơi thôn vắng nước Lỗ. Dưới nắng quái một chiều loạn, Lão Tử cỡi trâu đã trở về miền hoang vu Tây Bắc. Mất tăm. Mất hút. Nhưng… lời tra vấn Midas thì nguyên vẹn vẫn còn vọng lại, tự mê rừng ven vùng trời nước đảo lộn một màu xanh thẳm Địa Trung Hải – tiếng gà gáy lẻ nửa khuya, đơn chiếc – lời tra vấn bao trùm dọc nẻo hành trình tiến lên của kiếp làm người, để tự những thế kỷ hồng hoang thăm thẳm, qua cái rung động tâm thức một Midas, tan loãng vào cái trống không nguyên thủy, ngân ra bắt kịp cái nhịp xao xuyến tâm thức một Nhất Linh.

Một Nhất Linh và tiếng vọng một lời tra vấn.

Nếu ai biết ở đời này cái gì cũng là ảo mộng là người ấy khổ mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc…

Hạnh phúc? Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng…

Hạnh phúc? Sống mê sinh trong cái đời hư vô mộng tưởng, sô#ng mà xóa nhòa được trước mắt cái viễn tượng sinh ra… không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi, như những người bộ hành, một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.

Lời tra vấn vang lên dội lại, lẻ loi: trong cái im sựng mênh mông của trời và đất đồng lõa, một cõi im sựng khác bỗng nhiên thể hiện, để rồi hằng hà sa số những cõi im sựng khác kế tiếp khởi lên, cứ như thế, tất cả xoáy trôn ốc trong một cơn lốc không thủy và không chung của càn khôn nhập một, xù xì, cục mịch ngây ngô.

Hạnh phúc? Silène, Silène.

Trời không lên tiếng. Đất không trả lời. Chỉ còn một lời tra vấn. NÓ. Như một cái gì không thể đạt tới. Lỡ rồi. Chót rồi. Như một mâu thuẫn tất yếu và tự tại, khi sự vật bắt đầu thành hình với danh và sắc, khi Thái cực manh nha ý hướng sinh hạ lưỡng nghi, khi Atma giã từ Brahma. NÓ, lời tra vẫn mà cũng là lý do hiện hữu của kiếp làm người. NÓ, một đam mê vô vọng. NÓ, một lời chiêu dụ, một lời cự tuyệt. NÓ, cái vòng luẩn quẩn, NÓ, định mệnh. NÓ, thân phận con người. Đi đâu mà không có NÓ?

Trường hợp Midas là trường hợp một đối thoại. Nhất Linh độc hành bước vào cái thế bi đát một độc thoại (hơn một lần ngụy trang thành một thứ đối thoại quái dị người trong cuộc bắt buộc phải đối diện với dự phóng của chính mình), bỗng trong một sát-na đốn ngộ – tiếng gà nào gáy lẻ đơn chiếc nửa khuya? – bất chợt được chính mình đắm mình dưới ánh trăng một thế giới thần tiên đầy bí mật.

Một con đường ở sát mặt nước đi khuất vào trong bóng tối một cái hốc đá… đường vào Đào Nguyên… Ngay từ lúc còn nhỏ, chàng (Dũng hay Nhất Linh cũng thế) đã có ý muốn dời khỏi nhà để đi tìm cảnh Đào Nguyên đẹp đẽ. Có khi đêm khuya, sực thức dậy, chàng chạy ra nhìn con đường ấy xem có xảy ra sự gì lạ không. Dưới ánh trăng, hai ông tiên ngồi đánh cờ thiên cổ: Chàng tưởng họ vừa ngừng đánh và ngạc nhiên nhìn chàng. Mấy con cá vàng lên đớp ánh trăng trên mặt nước, dưới những cụm xương bồ ướt sương, chàng cho là những con vật kỳ quái biết cử động giữa một thế giới yên lặng nhưng có linh hồn.

Một ván cờ thiên cổ trong một thế giới yên lặng, cái thế giới của thời gian ngưng tụ những phút giây chờ đợi, xem có xảy ra sự gì lạ không… trước khi bước xuống chuyến đò cuối của ngày đang ngả về chiều.

Thời gian sẽ ngừng lại.

Dũng (hay Nhất Linh) không nghĩ gì nữa. Những người bạn ngồi chung quanh chàng người nào lúc đó nét mặt cũng lộ vẻ bình tĩnh. Dũng có cảm giác êm ả lạ lùng và cái quán hàng trong đó có Loan (nghĩa là một phần của Dũng, của Nhất Linh) ngồi, chàng tưởng như một chốn ấm áp để chàng được cách biệt hẳn với cuộc đời mà chàng thấy đầy phiền muộn buồn bã như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia.

Thời gian ngưng lại trong cái thế-giới-thần-tiên-non-bộ, trong cái quán ấm áp thoảng hơi nóng nước chè tươi thơm ngát, thời gian ngưng tụ nơi những phút giây hiện tại căng thẳng một sửa soạn một chuẩn bị một sẵn sàng một chờ đợi… không đối tượng…

Và… bỗng một bông cẩm chướng trắng gió lọt vào làm rung động như một cánh bướm… những con bướm trắng bay trên một luống cải lấm tấm hoa vàng… Một cuộc đối thoại bắt đầu.

Cuộc đối thoại Trương - Thu bắt đầu với cánh bướm trắng bay lên, đối thoại ngày một gay go, ngôn ngữ sử dụng ngày một phức tạp, ngày một khó hiểu, ngày một kỳ dị, người trong cuộc chỉ muốn hỏi để được chờ đợi những câu trả lời. Ở đây tình yêu chỉ là một cái cớ, một thứ đom đóm – đừng bắt nó, tội nghiệp, bắt được nó thì chán ngay, nó chỉ là một con bọ mùi hôi, ánh sáng ở bụng đục mờ, chẳng có gì là đẹp – một ngôi sao biết thổn thức, bóng một cành tre in ngược, ngọn trúng vào giữa một đám sao trông như một cây bông vừa tỏa hoa lấp lánh, mong manh bởi quý, quý bởi mong manh. Ở đây tình yêu là một con sóng, những câu hỏi là những cái quán đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mặt… những nơi tạm trú… ấm áp cách biệt hẳn cuộc đời đầy phiền muộn buồn bã như buổi chiều mờ sương thu. Nhưng con sông nào mà không tới bể? Cuộc đối thoại nào rồi ra cũng phải chấm dứt, mặc dầu người đối thoại đã vẽ ra trăm phương ngàn kế để cuộc đối thoại trở thành một thứ cầu vồng rực rỡ luôn luôn biến thái ngàn hình vạn dạng lấp lánh bảy màu muôn sắc trên một nền trời vừa nắng vừa mưa. Nguy hiểm, bấp bênh, cheo leo, sa đọa. Sự cúi đầu chấp thuận cuối cùng của Thu cũng là sự lắc đầu chán nản cuối cùng của Trương. Hết. Chấm dứt. Đã tới. Yên lặng.

Và… Trương (hay Nhất Linh, hay là NÓ, đúng hơn) nhìn ra xa. Ở tận chân trời, chen giữa hai lũy tre làng lộ ra một mẩu đê cao với một chòm cây đứng trơ vơ, cô đơn. Trương dịu lòng lại, tha thiết cần có một thứ gì đến để an ủi, một thứ gì rất êm dịu… Cái chết! Trương lim dim hai mắt nhìn quãng đê vắng tanh tưởng như con đường đưa người ta đến một sự xa xôi và yên tĩnh lắm. Ngay lúc đó Trương thấy không cần phải can đảm mới tự tử được; chàng không sợ chết nữa, cùng mong nó đến.

Chàng (Nhất Linh) – tôi viết chàng vì tự dòng chữ này, đối với tôi, người bạn vong niên đó đã đi vào huyền thoại, đã trở thành nhân vật lớn của một thiên phiêu lưu ký phảng phất hoang đường thấp thoáng bóng dáng những Midas, Silène và Dionysos -, chàng mong nó đến. Hơn thế nữa: ở nơi hẹn cuối cùng, chàng đã là người đến trước. Trước nó, cái chết.

Ly độc dược (pha với chất men miền Ecosse, nét làm dáng cuối cùng của một tửu đồ tự trọng) nâng lên ngang miệng, chàng bỗng thấy êm ả lạ lùng, đất sẽ mát lắm, bốn bề đất sẽ mát mẻ. Chàng tận hưởng cái phút cuối cùng chờ đợi đó (phải đợi cái chết thì sống mới không sợ sống?), cái phút căng trĩu miềm kiêu hãnh của một người vừa chợt biết đang nắm chắc cái theo đuổi mình suốt đời. NÓ, chính mình, định mệnh của mình, thân phận con người.

Nhất Linh, Dũng, NÓ: hành động đốn ngộ cuối cùng của chàng đã giải quyết tất cả và trọn vẹn.

7-1970


[1]Những dòng chữ in nghiêng là văn của Nhất Linh.