Hiển thị các bài đăng có nhãn Kahlil Gibran - Trầm tưởng (2 ). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kahlil Gibran - Trầm tưởng (2 ). Hiển thị tất cả bài đăng

16/6/11

Kahlil Gibran - Trầm tưởng (2 )

Kahlil Gibran
Trầm tưởng
Đăng Quang dịch

2


Trong đêm tối

Viết hồi Đệ nhất Thế chiến trong vụ đói ở Liban

Trong đêm tối ta gọi tên nhau và cầu cứu lẫn nhau, trong khi bóng ma Thần Chết đứng giữa xoè đôi cánh đen trên đầu ta và, với đôi bàn tay sắt, xô linh hồn ta xuống vực thẳm.

Trong đêm tối Thần Chết bước đi những bước dài và ta theo sau gã run sợ và rên xiết. Chẳng một kẻ nào trong chúng ta có thể chặn đứng đoàn diễu hành định mệnh hoặc ngay đến cả nuôi dưỡng một hy vọng là nó sẽ chấm dứt.

Trong đêm tối Thần Chết bước đi và ta bước theo đằng sau gã. Và khi gã ngoảnh lại nhìn, thì hàng trăm linh hồn ngã gục xuống hai ven đường. và kẻ nào ngã xuống sẽ nằm ngủ và chẳng bao giờ trở dậy. Và kẻ nào còn đứng vững sẽ tiếp tục bước đi trong niềm tin chắc hãi sợ rằng sẽ gục ngã sau này và bắt kịp những kẻ đã phó thác cho Thần Chết và đi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Nhưng Thần Chết cứ bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.

Trong đêm tối người anh gọi người em, người cha gọi người con, người mẹ gọi đàn con; nhưng cơn đói dằn vặt và hành hạ chúng ta bằng nhau.

Nhưng Thần Chết chẳng đói và chẳng khát. Gã nhai nuốt linh hồn và thể xác ta ngấu nghiến, và uống máu và lệ ta và chẳng bao giờ no đã.

Canh một đêm khuya đứa con kêu người mẹ, “Mẹ ơi, con đói”, và người mẹ trả lời, “Chờ một lát, hỡi con.”

Canh hai đêm khuya đứa con nhắc lại, “Con đói, mẹ ơi, cho con chút bánh”, và người mẹ trả lời, “Mẹ không có bánh, hỡi con yêu dấu.”

Canh ba đêm khuya Thần Chết tới nơi và vụt ngã cả mẹ lẫn con bằng đôi cánh gã và cả hai nằm ngủ muôn đời dọc ven đường. Và Thần Chết cứ bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.

Sáng dậy người chồng ra đồng kiếm thức ăn, nhưng chẳng thấy gì ngoại trừ cát bụi và sỏi đá.

Trưa đến hắn trở về với vợ và con, tái ngoét, yếu run và tay không.

Và buổi chiều Thần Chết tới nơi và người chồng, người vợ và bầy con nằm xuống ngủ muôn đời. Và gã cả cười và bước đi về phía Hoàng Hôn xa xôi.

Sáng dậy người nông phu rời lều đi ra tỉnh, mang theo trong túi nữ trang của bà mẹ của người em gái để đổi lấy bánh. Chiều về hắn quay trở lại chẳng có bánh và chẳng có đồ nữ trang, thấy bà mẹ và người em gái nằm vùi trong giấc ngủ ngàn năm, đôi mắt trừng trừng ngó nhìn cõi hư vô. Tức thì hắn giơ hai cánh tay lên trời và ngã gục như một cánh chim trúng đạn của một xạ thủ không xót thương.

Và Thần Chết, thấy người nông phu, bà mẹ và người em gái bị thiên thần độc ác dụ hoặc vào trong giấc ngủ muôn đời, thì lại cả cười và cứ bước đi về phía Hoàng Hôn xa xôi.

Ôi, những kẻ bước đi trong ánh sáng ban ngày, chúng tôi gọi các người từ khoảng vô cùng của đêm tối. Các người có nghe tiếng kêu thương của chúng tôi?

Ta đã gửi đến các vong linh của những kẻ trong chúng ta đã chết đi làm sứ đồ của ta. Các người có lắng nghe lời nói của sứ đồ?

Ta đã chất nặng lên ngọn gió đông những hơi thởi cuối cùng. Ngọn gió có vượt đến những ven bờ xa vời mà làm vơi đi gánh nặng xuống bàn tay các người? Các người có biết đến niềm thống khổ của chúng tôi? Các người có nghĩ đến cách cưu mang chúng tôi? Hay các người chỉ ôm ấp lấy niềm an lạc và hoà bình mà nói, “Người con của ánh sáng làm gì được cho người con của bóng tối? Hãy để người chết chôn người chết, và chu toàn Thiên ý.”

Vâng, hãy chu toàn Thiên ý. Nhưng các người chẳng thể nâng cao mình lên trên mình đặng Thượng Đế lấy các người làm công cụ cho ý của người và dùng các người để cứu vớt chúng tôi ư?

Trong đêm tối chúng ta gọi tên nhau.

Người anh gọi người em, người mẹ gọi người con gái, người chồng kêu người vợ, và tình nhân kêu người yêu dấu.

Và khi tiếng gọi của chúng ta hoà với nhau và với lên trái tim vầng trời, thì Thần Chết dừng lại và cả cười, rồi nhạo báng ta và lại bước đi, đôi mắt ngó nhìn Hoàng Hôn xa xôi.



*


Cục phấn mạ bạc

Silman Effandi là một người ăn mặc lịch thiệp, cao và đẹp trai, ba mươi lăm tuổi. Chàng thường hay vê xoắn bộ ria mép của mình và vận bít tất lụa và đi giầy da bóng. Nơi bàn tay mềm mại và thanh tú chàng mang một chiếc ba-toong đầu vàng và nạm ngọc. Chàng ăn tại những hiệu ăn đắt tiền, nơi tụ họp của giới thanh nhã lịch sự. Trên chiếc xe ngựa lộng lẫy, do những chiếc ngựa nòi kéo đi, chàng thường dạo qua các đại lộ thượng lưu.

Tài sản của Simal Effandi chẳng phải được thừa kế của người cha, một người (xin cầu cho hồn ông an nghỉ) rất nghèo. Cũng chẳng phải Silman Effandi thu thập tài sản bằng những hoạt động thương mại linh lợi và kiên trì. Chàng rất lười biếng và ghét làm việc, coi bất cứ hình thức lao động nào cũng là đồi bại cả.

Có lần tôi nghe chàng nói:

“Cơ thể và tính khí của tôi không thích hợp với việc làm; việc làm chỉ dành cho những kẻ tính tình trì độn và thể xác phàm phu.”

Thế thì Silman đã giàu có bằng cách nào? Bằng ảo thuật nào mà những thứ dơ bẩn trong bàn tay chàng lại hoá thành vàng, thành bạc? Đây là cái bí quyết giấu kín trong cục phấn mạ bạc mà Azrael [1] , thiên sứ của Thần Chết, đã tiết lộ cho chúng tôi. Và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:

Năm năm trước đây, Silman Effandi kết hôn với bà Faheema, goá phụ của Betros Namaan, nổi tiếng về lòng ngay thẳng, tính nhẫn nại, và đức cần lao.

Hồi đó Faheema đã bốn mươi lăm tuổi, nhưng chỉ trẻ trung trong trí tưởng và tác phong mà thôi. Bây giờ bà ta nhuộm tóc và dùng phấn son tô điểm đặng tự lừa dối là mình vẫn còn trẻ trung, mỹ miều. Bà không thường gặp Silman, người chồng trẻ của bà, ngoại trừ quá nửa đêm, lúc chàng hạ cố ném cho một cái nhìn khinh bỉ, và dùng những lời lẽ thô tục và chửi rủa mà nói chuyện. Như thế đặng chàng có quyền, chàng tin cậy, tiêu pha cái tài sản mà người chồng trước của bà đã kiếm bằng mồ hôi và nước mắt.


Adeeb Effandi là một người thanh niên, tuổi chừng hai mươi bảy, có cái mũi bự, đôi mắt nhỏ, khuôn mặt bẩn thỉu và bàn tay vấy mực với những móng tay trét đầy đất. Áo quần chàng được tô điểm bằng vết dầu, vết mỡ và vết cà-phê.

Vẻ bên ngoài xấu xí của Adeeb Effandi chẳng do ở tình cảnh nghèo nàn của chàng, mà do ở sự bận rộn với những ý tưởng tâm linh và thần học. Chàng thường viện dẫn câu của Ameen El Jundy nói rằng một vị học giả chẳng thể vừa sạch sẽ lại vừa thông minh.

Trong khi nói chuyện huyên thiên và không ngừng Adeeb Effandi chẳng có gì để nói ngoại trừ phê phán kẻ khác. Khi điều tra, chúng tôi mới khám phá ra rằng Adeeb Effandi đã học hai năm khoa hùng biện học tại một trường ở Beirut. Chàng làm thơ, viết khảo luận, tham luận, nhưng chúng chẳng bao giờ được in ra. Lý do chàng không cho xuất bản là tình trạng suy đồi của giới báo chí Ả-rập và sự ngu dốt của giới độc giả Ả-rập.

Mới đây Adeeb Effandi lại bận rộn nghiên cứu triết học mới và cũ. Chàng khâm phục Socrate và Nietzsche, và khoái trá với những câu nói của Thánh Augustine cũng như của Voltaire và Rousseau. Trong một bữa tiệc cưới chúng tôi nghe thấy chàng đang thảo luận về Hamlet; nhưng cuộc nói chuyện của chàng là một cuộc đối thoại, bởi những người khác thích uống rượu và ca hát hơn.

Một dịp khác, trong một đám tang, chủ đề của câu chuyện chàng nói là các bài thơ tình của Ben Al Farid và chủ nghĩa duy tửu của Abi Nawaas. Nhưng những kẻ đưa ma chẳng để ý đến chàng, vì họ còn đang đau buồn.

Tại sao, chúng tôi thường tự hỏi, Adeeb Effandi lại có mặt trên đời này? Sách mục và giấy nát của chàng dùng để làm gì khi rớt xuống cát bụi? Đi tậu lấy một con lừa và trở thành một người xà ích mạnh khoẻ và hữu dụng có phải hay hơn không?

Đây là cái bí quyết giấu kín trong cục phấn mạ bạc được Baal-Zabul tiết lộ, và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:

Ba năm trước đây, Adeeb Effandi làm một bài thơ ca ngợi Đức Giám Mục [2] Joseph Shamoun. Đức Giám Mục đặt tay lên vai Adeeb Effandi, mỉm cười mà nói:

“Hoan hô, mong Chúa ban phép lành cho con ta! Ta không còn hồ nghi gì nữa về trí thông minh của con; một ngày kia con sẽ là một trong số những vĩ nhân của Đông phương.”


Farees Bey Davis là một tiên sinh tuổi trạc tứ tuần, dong dỏng cao, đầu nhỏ và miệng to, trán hẹp và đỉnh hói. Ông ta bước đi với dáng điệu ngênh ngang long trọng, ưỡn phồng ngực và vươn cổ dài như con lạc đà.

Cứ nghe tiếng nói lớn và điệu bộ dương dương tự đắc của ông ta quí vị có thể tưởng ông ta (miễn là quí vị chưa hề gặp ông ta bao giờ) là một vị tổng trưởng một đế quốc lớn, đang mải chú tâm vào công việc nhà nước.

Nhưng Fareed chẳng có việc gì làm cả ngoại trừ kể lể và xưng tụng sự nghiệp của ông cha mình. Ông ta khoái kể lại công nghiệp của những người có tiếng tăm, và sự nghiệp của những anh hùng như Napoléon và Antar. Ông ta sưu tập các vũ khí ông chưa hề học cách sử dụng bao giờ.

Một trong các câu ông thường hay nói là Thượng Đế đã tạo ra hai dạng người: kẻ lãnh đạo và kẻ phục vụ họ. Một câu khác là: con người giống như loài lừa bướng bỉnh, chẳng chịu động đậy trừ khi lấy roi quất vào xác chúng. Một câu khác nữa: ngòi bút dành cho kẻ yếu và ngọn gươm dành cho kẻ mạnh.

Điều gì khiến Fareed khoe khoang tổ tiên ông ta và xử sự như vậy? Đó là một bí quyết được giấu kín trong cục phấn mạ bạc đã được Satanael tiết lộ cho chúng ta, và chúng tôi lại xin tiết lộ hầu quí vị:

Trong thập niên thứ ba, thế kỷ thứ mười chín, khi đức Vương Hầu Basheer, vị đại Đô Đốc Núi Liban, cùng với đoàn tuỳ tùng đi qua các thung lũng Liban, họ tới gần ngôi làng trong đó Mansour Davis, người ông nội của Fareed, trú ngụ. Đó là một ngày vô cùng nóng nực, và đức Vương Hầu xuống ngựa và ra lệnh cho đoàn tuỳ tùng ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây sồi.

Mansour Davis, khám phá thấy trước tiên sự có mặt của Vương Hầu, bèn đi kêu các nông gia kế cận, và tin lành truyền đi khắp xóm làng. Rồi thì dân trong làng, do Mansour dẫn đường, bèn mang nhiều giỏ nho giỏ chà là, hũ mật, hũ rượu nho và bình sữa đến cho đức Vương Hầu. Khi họ tới chỗ cây sồi, Mansour quì xuống trước mặt đức Vương Hầu và hôn gấu áo của ngài. Rồi ông ta đứng dậy và giết một con cừu để tỏ lòng tôn kính ngài, rồi nói:

“Con cừu này là do ở đức đại lượng của Ngài mà có, ôi Hoàng Tử và người bảo vệ nhân mạng chúng tôi!”

Đức Vương Hầu lấy làm đẹp ý về lòng hiếu khách như thế, bèn nói:

“Từ nay xấp tới, ngươi sẽ là lý trưởng làng này, và ta sẽ tha cho làng nhà ngươi một năm khỏi đóng thuế.”

Đêm hôm đó, sau khi đức Vương Hầu đã rời khỏi, dân làng tụ tập tại nhà “quan Tù Trưởng” [3] Mansour Davis và thề nguyện trung thành với quan Tù Trưởng tân nhiệm này. Xin Thượng Đế ban ân cho vong linh họ.

Có bao nhiêu là điều bí mật được giấu kín trong cục phấn mạ bạc, đếm ra không xiết. Ác quỉ và satan tiết lộ một số cho ta hàng ngày hàng đêm, mà chúng tôi sẽ chia sẻ với quí vị trước khi thiên sứ của thần chết bao bọc chúng tôi dưới đôi cánh nó và mang chúng tôi đi về nơi Bên Kia Vĩ Đại.

Thôi, đêm tàn hầu nửa và mắt nặng dần rồi, hãy cho phép chúng tôi đầu hàng Giấc Ngủ và có lẽ tân nương mỹ miều của mộng mị sẽ chở linh hồn chúng tôi vào một thế giới trong sạch hơn thế giới này, ai biết đâu.



*


Ông tán gẫu

Tôi chán ngấy những kẻ tán gẫu và sự tán gẫu của họ; linh hồn tôi ghê tởm họ.

Khi tôi thức dậy buổi sáng đọc thư từ và báo chí cạnh giường, tôi thấy trong đó đầy những truyện tán gẫu; tôi chỉ thấy rặt là chuyện tầm phào rỗng tuếch ý nghĩa nhưng lại chứa đầy đạo đức giả.

Khi tôi ngồi bên cạnh cửa sổ để hạ thấp tấm màn ngủ xuống khỏi đôi mắt tôi và nhấm nháp cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tán Gẫu đã hiện ra trước mặt tôi, vừa nhảy vừa la vừa lẩm bẩm. Ông ta còn hạ cố nhấm nháp cà-phê và hút thuốc lá của tôi.

Khi tôi đi làm, Ông Tán Gẫu đi theo, nói thì thào vào tai tôi và cù léc bộ não nhạy cảm của tôi. Khi tôi thử đuổi nhẹ ông ta đi thì ông ta cười khúc khích và chỉ được một lát là lại trôi giữa dòng nước lũ chuyện trò vô ý nghĩa.

Khi tôi đi ra chợ, Ông Tán Gẫu đứng ngay giữa cửa mỗi hiệu bán hàng bình phẩm mọi người. Tôi còn trông thấy ông ta ngay cả trên nét mặt những người yên lặng vì ông ta cũng mang họ đi theo nữa. Họ không biết đến sự có mặt của ông ta, thế nhưng ông ta vẫn quấy rầy họ như thường.

Tôi ngồi xuống với một người bạn, thì ông Tán Gẫu, chẳng hề được mời, cũng ngồi xuống làm người thứ ba. Nếu tôi muốn tránh ông ta, thì ông ta tìm cách ngồi sát gần đến nỗi âm hưởng của giọng nói ông ta làm tôi bực dọc và làm dạ dày tôi khó chịu như đã ăn phải thịt ôi.

Khi tôi viếng thăm các toà án và các cơ sở học vấn, tôi thấy ông ta và cha và mẹ ông ta đang khoác cho Hư Nguỵ những tấm y phục nhung lụa và khoác cho Giả Đạo Đức một tấm áo choàng diễm lệ và một khăn quấn đầu đẹp đẽ.

Khi tôi thăm viếng các cơ xưởng, ở đó - ngạc nhiên thay - tôi cũng thấy ông Tán Gẫu, trong đám mẹ, cô và ông nội của ông ta, đang mải mê nói chuyện và lắp chắp cặp môi dầy. Và gia quyến ông vỗ tay hoan hô ông và nhạo báng tôi.

Khi thăm viếng các đền đài và nơi thời cúng, tôi đã thấy ông ở đó rồi, đang ngồi trên ngai, đầu mang vương miện và tay cầm vương trượng sáng loé.

Buổi chiều trở về nhà, tôi cũng lại thấy ông ta ở đó nữa. Từ trần nhà ông treo mình như một con rắn; hoặc bò sát như một con trăn khắp bốn góc nhà tôi.

Tóm lại, ông Tán Gẫu có thể tìm thấy khắp nơi; phía bên này và phía bên kia trời, trên bộ và dưới đất, trên đôi cánh thượng tầng không khí hay trên ngọn sóng biển khơi, trong rừng, trong hang, và trên đỉnh núi.

Người yêu yên lặng và bình an có thể tìm được an nghỉ tại nơi nào không có mặt ông ta? Liệu Thượng Đế sẽ có bao giờ ban phước cho hồn tôi và ban cho tôi cái ân sủng trở thành câm nín để tôi có thể trú ngụ trong thiên đàng Yên Lặng?



*


Martha

I.

Cha nàng chết đi khi nàng hãy còn trong nôi, và nàng mồ côi mẹ trước khi lên mười. Là một đứa gái mồ côi, Martha ở trong nhà một người nông dân nghèo với người vợ và đàn con của ông ta, và nàng được coi như đứa tớ gái trong gia đình. Họ sống trong một thôn hẻo lánh trên một triền núi đẹp ở phía bắc Liban.

Lúc chết đi, người cha đẻ để lại cho gia đình ông ta có mỗi cái tên tốt của mình và một túp lều nghèo nàn đứng trơ trọi giữa rặng hồ đào và thuỳ liễu. Mẹ nàng chết đi để lại cho nàng có niềm đau và những giọt lệ và tình cảnh mồ côi. Trái tim nàng rỗng tuênh chẳng gì lấp đầy nổi. Nàng trở thành một kẻ xa lạ ngay giữa nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày ngày, nàng bước chân đất dẫn một con bò ra đồng cỏ. Trong lúc bò đang ăn cỏ thì nàng ngồi dưới một gốc cây, ca hát với loài chim muông, khóc lóc với dòng suối, hờn ghen với con bò về niềm thanh thản, và ngắm nhìn hoa cỏ và những đàn bướm bay lượn bên trên.

Lúc mặt trời lặn, nàng quay trở về nhà với một bữa cơm đơn sơ, có bánh ngô, trái khô và đậu trắng ngâm trong dấm và dầu ô-liu. Nàng ngủ trên một ổ rơm, lấy hai cánh tay làm gối; và nàng cầu nguyện rằng ước sao cả cuộc đời nàng sẽ được là một giấc ngủ đến vô cùng. Khi mặt trời mọc, người chủ đánh thức nàng dậy cho nàng làm việc nhà trước khi dẫn bò ra đồng cỏ. Nàng chỉ biết run rẩy và tuân lời.

Và như thế những năm dài buồn thảm và hỗn độn qua đi, và Martha lớn lên như một cây non. Trong tim nàng nhen nhúm một cái gì mà chính nàng cũng không hay biết… như hương thơm sinh ra trong lòng một đoá hoa. Nàng theo chân cơn mộng đi như bày cừu đi theo một dòng suối để làm dịu cơn khát. Trí nàng giống như vùng đất trinh nguyên nơi mà tri thức chưa hề gieo hạt và nơi mà chưa bàn chân nào hề dẫm tới.

Những kẻ như chúng ta sống trong những xô bồ náo động của thành phố chẳng biết gì về đời sống của dân làng miền núi. Ta bị cuốn trôi trong dòng đời đô thị, cho đến khi ta quên đi mất những nhịp hiền hoà của cuộc đời đơn sơ nơi thôn dã - một cuộc đời mỉm cười trong mùa xuân, cần lao trong mùa hạ, gặt hái trong mùa thu, và ngơi nghỉ trong mùa đông, bắt chước thiên nhiên trong tất cả các chu kỳ của nó. Ta giàu có hơn dân que về vàng về bạc, nhưng họ giàu có hơn ta về tâm hồn. Những gì ta gieo ta chẳng hái; họ hái những gì họ gieo. Ta là nô lệ của lòng thèm khát, và họ là con đẻ của lòng thích chí. Hớp nước ta uống từ lòng tách cuộc đời thì pha trộn với nỗi đắng cay và tuyệt vọng, niềm sợ hãi và chán chường; nhưng họ uống nước mật tinh khiết của sự toàn thắng giữa cuộc đời.

Và tuổi mười sáu, tâm hồn Martha giống như một tấm gương trong phản ánh một cảnh đẹp tuyệt vời; trái tim nàng như một đồi nương âm hưởng mọi tiếng nói.

Một ngày mùa thu nàng ngồi bên bờ suối, ngắm nhìn mơ mộng những cánh là vàng rơi rụng, những cánh lá vàng đã bị bứt khỏi những hàng cây bởi một ngọn gió lùa qua cành cây như thể thần chết lùa qua hồn người. Nàng ngó trông những đoá hoa tàn mà tim đã kéo khô và hạt giống đã tìm nơi ẩn trú trong lòng đất như thể những kẻ đào vong đang kiếm tìm một cuộc đời mới.

Đang mải mê như thế, thì nàng nghe thấy tiếng vó ngựa dồn trên mặt đất. Ngoảnh lại, nàng trông thấy một chàng kỵ mã đang tiến về hướng nàng. Khi tới con suối, chàng xuống ngựa và chào hỏi nàng bằng lời lẽ êm ái mà nàng chưa từng nghe thấy nơi một người đàn ông nào khác. Rồi chàng nói tiếp:

“Thưa cô nương, tôi đã bị lạc đường. Xin cô làm ơn chỉ cho tôi con đường ra bờ biển.”

Đứng bên bờ suối, trông nàng như một cành cây non yếu, nàng đáp:

“Thưa ông, em không thể hướng dẫn cho ông được, bởi vì em chưa bao giờ xa nhà cả. Nhưng nếu ông hỏi ông chủ em, em chắc ông chủ em sẽ có thể giúp đỡ ông được.”

Mặt nàng ửng hồng trong lúc nàng nói khiến cho nàng trông càng nhu mì, càng mỹ miều hơn. Lúc nàng bắt đầu quay gót bước đi, thì người kỵ mã vội giơ tay ngăn lại. Nét mặt chàng bỗng nhiên dịu dàng, và chàng nói:

“Xin cô đừng đi…”

Và tiếng nói người đàn ông có một sức lực gì lạ lùng khiến cho nàng bất động. Khi lén ngó mặt chàng thì nàng thấy chàng đang ngó nàng mải miết. Nàng chẳng hiểu nổi lòng sùng bái lặng thinh của chàng.

Chàng ngắm nghía đôi bàn chân trơn mỹ miều của nàng, đôi cánh tay duyên dáng và cái cổ nõn nà và làn tóc óng ả. Bằng một cách âu yếm và bàng hoàng ngất ngây chàng ngó nhìn đôi má ửng nắng và những đường nét điêu trác của nàng. Nàng không thốt ra được một lời hay nhúc nhích được một thớ thịt.

Buổi chiều hôm đó con bò trở về chuồng một mình. Người chủ của Martha đi lùng kiếm khắp cùng vùng đồi nương mà chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Vợ ông ta đêm ấy khóc sướt mướt suốt đêm. Sáng hôm sau bà ta nói, “Đêm qua thiếp thấy con Martha trong giấc mơ; nó đang nằm giữa hai chân một con thú dữ đã quyến rũ nó đi; con thú đang sắp sửa ăn thịt con Martha, nhưng nó chỉ mỉm cười.”


II.

Vào mùa thu năm 1900, sau một mùa nghỉ hè tại miền Bắc Liban, tôi quay trở về Beyrouth. Trước khi tựu trường, suốt một tuần lễ tôi xục xạo lang thang khắp thành phố với các bạn cùng lớp của tôi. Chúng tôi giống như đàn chim sổ lồng, muốn đi muốn về tuỳ thích.

Tuổi xanh là một giấc mộng đẹp mà sách vở phủ kín một lớp bụi mù trên vẻ trong sáng của nó. Liệu sẽ có ngày nào mà kẻ thông thái đem nối lại cái niềm vui của tri thức với giấc mộng của tuổi xanh được chăng? Liệu sẽ có ngày nào mà Thiên Nhiên trở thành người thày của con người, nhân loại trở thành trường học của hắn được chăng? Cái đích hân hoan của tuổi trẻ chẳng thể hoàn thành chừng nào cái ngày đó chưa đến. Cuộc hành trình của ta tới hướng cao thượng tinh thần thật quá chậm chạp, bởi lẽ ta dùng quá ít cái nhiệt tâm của tuổi trẻ.

Một buổi chiều kia, trong lúc tôi đang ngồi ngắm nhìn những đám đông xô đẩy, chen lấn nhau ngoài phố ở Beyrouth, và tai như bị điếc đi về những tiếng la hét huyên náo của những người bán hàng ngoài phố, tôi bỗng chú ý đến một đứa con trai rách rưới chừng năm tuổi đang bưng một khay hoa. Bằng một giọng thảm sầu nó hỏi tôi:

“Thưa cậu có mua hoa không?”

Miệng nó hơi hé mở, giống như và vọng lại một vết thương thật sâu trong tâm hồn. Đôi cánh tay nó gầy gò và để trần, và thân xác yếu đuối của nó cúi gập xuống khay hoa như một cành hồng đang tàn úa.

Đáp lời, tôi cố tránh không để cho giọng nói của tôi có vẻ gì là thương hại nó hết.

Tôi mua vài bông hoa nhưng mục đích chính của tôi là để nói chuyện với nó. Tôi cảm thấy rằng trái tim nó mà một sân khấu trên đó đang diễn ra một tấn bi kịch liên tục đầy đau khổ.

Trước những lời nói cẩn thận và tế nhị của tôi, nó bắt đầu cảm thấy yên tâm, và một nụ cười chói sáng khuôn mặt đứa nhỏ. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên khi được nghe những lời nói êm đềm, vì như mọi kẻ nghèo hèn nó đã quen với sự hà khắc. Tôi hỏi tên nó – tên nó là Fu’ad – và rồi:

“Em là con ai?”

Nó đáp:

“Em là con của Martha.”

“Còn bố em là ai?” Tôi hỏi.

Nó lắc đầu, tỏ vẻ sửng sốt, dường như là không biết được cái ý nghĩa của chữ đó.

Tôi hỏi tiếp:

“Thế mẹ em bây giờ đâu rồi, “Fu’ad”?”

Nó khóc lóc trả lời:

“Mẹ em đau, ở nhà.”

Bỗng nhiên ký ức hiện hình trong óc tôi. Martha – mà câu chuyện bỏ dở về nàng tôi đã được nghe từ một ông lão trong làng – đang nằm đau gần đâu đây. Người thiếu nữ mới hôm qua đây còn đang chạy khắp đồi nương và hưởng cái vẻ đẹp của thiên nhiên đó hiện giờ đang chịu một niềm đau cùng khốn; đứa gái mồ côi mà sớm trong đời đã sống trong lòng Thiên Nhiên đó nay bỗng đang chịu đựng những nỗi hành hạ mà sự tinh xảo của thành phố hiện mang đến cho kẻ ngây thơ.

Lúc đứa nhỏ bắt đầu rời chân đi, tôi bèn nắm lấy tay nó, nói:

“Em dẫn anh tới gặp má em đi. Anh muốn đến gặp má em.”

Nó yên lặng dẫn tôi đi, đôi lúc ngoảnh lại ngó xem tôi có theo chân nó không.

Qua những con phố nhỏ hẹp, dơ dáy, với một mùi tử thần vương vất trên không, và giữa những căn nhà ăn chơi, ầm ĩ những tiếng động của tội lỗi, tôi bước đi đằng sau Fu’ad, thầm cảm phục lòng can đảm trong bước chân dài của nó. Cần phải có can đảm mới bước đi được trong các xóm ổ chuột này, nơi mà bạo lực, trọng tội, và bệnh dịch chế nhạo vẻ huy hoàng của thành phố, được kêu bằng “Tân Nương của Xyri” và “Hạt Ngọc trên Vương Miện của đức Sultan”.

Khi chúng tôi bước chân vào một khu đặc biệt nhơ nhớp khốn cùng, đứa bé trai trỏ cho tôi thấy một căn lều mà tường của nó dường như đang sụp đổ. Tim tôi đập dồn và tôi theo chân Fu’ad vào một căn buồng không có đồ đạc ngoại trừ một cây đèn dầu và một tấm phản, trên đó Martha đang nằm, mặt nàng quay vào tường như là muốn trốn tránh sự áp chế của thành phố. Fu’ad mó vào vai nàng, nói:

“Má ơi.”

Lúc nàng quay lại, vẻ đau đớn, thì đứa trai nhỏ trỏ vào mặt tôi. Nàng cựa quậy thân thể yếu đuối của nàng dưới tấm mền đã rách nát, và bằng một giọng tuyệt vọng nói:

“Khách lạ cớ làm sao tới đây? Người muốn gì? Có phải người đến đây để mua nốt cái mảnh hồn thừa cuối cùng của tôi và nhiễm độc nó bằng dục vọng của người không? Hãy đi khỏi nơi đây; ngoài phố kia đầy ra đàn bà bán thân của họ. Những gì còn lại từ mảnh hồn đã vỡ của tôi thần chết sẽ mua. Hãy đi khỏi tôi và đứa con trai tôi.”

Mấy câu nói ngắn ngúi đó đã kể hết câu chuyện đau thương của nàng. Tôi nói:

“Martha, đừng có sợ tôi; tôi đến đây chẳng phải làm một kẻ ăn sống nuốt tươi, mà là một kẻ đồng chịu đau khổ. Tôi là một người Liban đã sống gần cánh đồi bên những hàng cây bá hương Liban của cô đó. Chớ có sợ hãi.”

Lúc nhận ra rằng những lời nói của tôi đã thoát ra tự đáy lòng biết cảm xúc, nàng run rẩy như một cành cây ốm yếu trước một trận gió mạnh, và nàng giơ hai bàn tay ôm lấy mặt, như là cố che giấu đi cái ký ức kinh hoàng và đẹp đẽ mà vị ngọt của nó đã bị vị đắng cay tàn phá.

Thế rồi, bằng một giọng dõng dạc lạ lùng, ấy nhưng tuyệt vọng, nàng nói:

“Khách đã đến đây như một ân nhân, và cầu xin Thượng Đế đền công cho người; thế nhưng tôi van khách nên rời nơi đây, vì sự có mặt của khách ở đây sẽ mang lại cho người ô nhục. Hãy tránh để đừng cho ai nhận diện. Trái tim thương cảm của khách chẳng hoàn phục đức tính của tôi; nó cũng chẳng xoá nhoà sự hổ thẹn của tôi, cũng chẳng che chở tôi khỏi bàn tay thần chết. Tội lỗi của chính tôi đã mang lại cho tôi niềm đau khổ này; đừng để cho lòng thương của khách mang lại cho khách sự hổ thẹn. Tôi giống như một người hủi cần phải được tránh cho xa. Hãy đi đi, kẻo khách bị nhiễm độc! Chớ có nhắc đến tên tôi ở miền Bắc Liban. Con chiên ghẻ phải bị kẻ mục đồng huỷ hoại, sợ răng nó sẽ truyền nhiễm các con chiên khác. Nếu có nói về tôi, xin khách hãy bảo rằng tôi đã chết.”

Và rồi nàng ôm choàng lấy đứa con trai nhỏ và nói:

“Người ta sẽ nhạo báng con trai tôi, bảo nó là quả của tội lỗi; con trai con Martha thông dâm; con Martha giang hồ. Bởi vì họ mù loà, đâu có thấy rằng chính mẹ nó đã cho nó đời sống bằng đau khổ. Tôi sẽ chết đi và bỏ nó lại làm một đứa trẻ mồ côi trong đám con trẻ khác, và ký ức của nó về tôi sẽ khiến nó hổ thẹn. Nhưng khi nó khôn lớn thành người, nó sẽ giúp ông xanh chấm dứt những gì đã mang lại cho tôi; và khi nó chết đi trong cạm bẫy thời gian, nó sẽ thấy tôi đang chờ đợi nó trong vĩnh cửu, nơi trú ngụ của ánh sáng và an bình.”

Trái tim sầu thảm, tôi nói:

“Martha hỡi, cô chẳng phải là một người hủi. Cô sống trong nhà mồ, ấy nhưng cô thanh khiết. Cái dơ bẩn của thể xác chẳng thể làm gợn tâm hồn trong trắng của cô.”

Nghe những lời nói cảm động của tôi, khuôn mặt Martha sáng lên. Nhưng rõ ràng là cái chết của nàng đã đến gần. Mới hôm qua đây, nàng còn chạy nhảy khắp các cánh đồng Liban; mà hôm nay đây, đau yếu và buồn thảm, nàng đã đang chờ được giải thoát khỏi những xiềng xích của cuộc đời. Cố thu hết những mảnh vụn cuối cùng của tàn lực, nàng thì thầm:

“Khách muốn cho tôi là thế nào cũng được dù là chính sự yếu đuối của tôi mang đến cho tôi cái vận cùng… chàng kỵ sĩ tới… chàng ăn nói lịch sự và khôn khéo… chàng hôn tôi… tôi không biết gì hết và tin tưởng ở lời chàng nói. Chàng mang tôi đi xa và những lời nói đẹp và những nụ cười hoa đã che giấu đi những dục vọng xấu xa của chàng. Sau khi hoàn thành niềm nhơ nhuốc cho tôi, chàng rời bỏ tôi. Chàng chẻ cuộc đời tôi làm hai mảnh - một phần tôi không nơi nương tựa, và đứa con tôi. Mẹ con tôi rét lạnh…. mẹ con tôi bơ vơ chịu khổ…. Vì thương con cho nên tôi đã chìa tay ra nhận lấy vàng của những kẻ đến mua thể xác tôi. Đã có nhiều lần tôi toan tự vẫn. Giờ đây đã đến lúc rồi, và thần chết dấu yêu đã tới để ôm choàng tôi dưới đôi cánh che chở của nó…”

Và rồi, bỗng nhiên, bằng một giọng cương quyết nhưng bình tĩnh, nàng nói tiếp: “Ô Công Lý, ẩn trốn đằng sau những hình ảnh khủng khiếp kia, hãy lắng nghe tiếng rú của linh hồn tôi đang bay đi và tiếng kêu la cúa trái tim tôi đã vỡ! Hãy thương xót lấy tôi mà cứu vớt đứa con tôi, và hãy mang tôi đi xa!”

Hơi thở nàng yếu dần. Nàng buồn thảm và âu yếm ngó đưa con trai nàng và nói thì thầm: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, nguyện danh Cha được tôn thánh. Nước Cha được đến. Ý Cha được nên ở đất như ở trời…. Tha tội chúng tôi vì chính chúng tôi cũng….”

Tiếng nói nàng nhỏ dần đi rồi biến mất nhưng đôi môi nàng vẫn mấp máy. Thế rồi nàng trút hơi thở cuối cùng trên trái đất, mắt nàng vẫn mở ngó như là đang ngó vào một vật nào vô hình.

Khi bình minh đến, xác Martha được hai người nghèo khiêng đi đến một nghĩa trang trong một cỗ quan thô sơ. Họ khiêng xác nàng đi xa thật xa khỏi thành Beyrouth. Các mục sư từ chối không chịu cầu nguyện cho nàng, và cấm không cho chôn nàng trong đất thánh. Và không có một ai theo Martha tới chốn an nghỉ của nàng ngoại trừ đứa con trai tuổi tên Fu’ad và một thiếu niên mà cuộc đời đã dạy cho lòng xót thương và tử tế.



*


Ảo ảnh

Khi Đêm đến và Giấc Ngủ trải rộng bộ xiêm y của nó trên mặt đất, tôi nhỏm dậy khỏi giường và bước đi ra hướng biển, lòng nhủ thầm: “Biển không bao giờ đi ngủ, và trong cơn thức của nó có niềm an ủi vỗ về cho một tâm hồn vắng ngủ”.

Lúc ra tới bờ biển, sương mù từ các ngọn núi đã giăng mắc bao phủ cả một vùng trời như một giải khăn trùm tô điểm khuôn mặt một thiếu phụ. Tôi ngắm nhìn những lớp sóng trùng điệp và lắng nghe tiếng chúng ngợi ca Thượng Đế và ngẫm nghĩ về cái sức mạnh vĩnh cửu tiềm ẩn bên trong lòng sóng – cái sức mạnh đi theo cùng giông bão và phóng lên với núi lửa và mỉm cười qua những cánh môi loài hoa hồng và ca hát cùng với các dòng suối.

Thế rồi tôi trông thấy ba bóng ma ngồi trên một tảng đá. Tôi lật đật bước về hướng chúng dường như có một sức mạnh nào lôi kéo tôi đi, dứt tôi khỏi ý lực của mình.

Chỉ cách các bóng ma chừng vài bước, tôi dừng chân dường như có một huyền lực đã ngăn giữ tôi lại. Ngay đúng lúc đó thì một trong các bóng ma đứng lên, và bằng một giọng nói dường như nhô lên từ đáy thẳm của biển khơi, nó nói:

“Cuộc Đời không Tình Yêu thì giống như một cây không hoa, không trái. Và Tình Yêu không Sự Đẹp thì giống như hoa không hương thơm và như trái cây không hạt giống… Cuộc Đời, Tình Yêu và Sự Đẹp là ba người làm một, chẳng thể tách rời mà cũng chẳng thể đổi thay.”

Bóng ma thứ hai lên tiếng bằng một giọng nói gầm thét như thác đổ:

“Cuộc Đời không Nổi Loạn thì giống như thời tiết không Mùa Xuân. Và Nổi Loạn không Quyền Lợi thì giống như Mùa Xuân trong một vùng sa mạc khô cằn… Cuộc Đời, Nổi Loạn, và Quyền Lợi là ba người làm một, chẳng thể đổi thay mà cũng chẳng thể tách rời.”

Rồi bóng ma thứ ba, bằng một giọng vang vang như sét nổ, lên tiếng:

“Cuộc Đời không Tự Do thì giống như một thể xác không linh hồn, và Tự Do không Tư Tưởng thì giống như một linh hồn bối rối… Cuộc Đời, Tự Do và Tư Tưởng là ba người làm một, sống mãi đến vô cùng và chẳng bao giờ tan biến.”

Và rồi cả ba bóng ma cùng đứng dậy, và bằng một giọng vang gầm sang sảng nói:

“Điều mà Tự Do sinh sản
Điều mà Nổi Loạn tạo ra
Điều mà Tự Do nuôi dựng,
Là ba biểu hiện của Thượng Đế.
Và Thượng Đế là biểu hiện
Của Vũ Trụ trí minh”.

Lúc đó Yên Lặng pha hoà với tiếng xào xạc của những đôi cánh vô hình và tiếng rún rẩy của những thân thể bằng thinh không; và rồi Yên Lặng bao trùm.

Tôi nhắm mắt lại và lắng nghe âm hưởng của những lời tôi vừa mới nghe thấy, và đến khi mở mắt ra tôi chẳng trông thấy gì ngoại trừ biển khơi trùm kín trong sương mù. Tôi bước về phía tảng đá nơi ba bóng ma vừa ngồi, nhưng tôi chẳng trông thấy gì ngoại trừ một cột trầm hương đang cuồn cuộn bốc lên trời.



*


Thanh khí tương giao

“Hãy thức dậy, em yêu, hãy thức dậy! Bởi hồn anh kêu gọi em từ phía bên kia đại dương, và đem dâng tặng em đôi cánh bay bổng trên trùng sóng cuồng nộ.”

Hãy thức dậy, bởi yên lặng đã làm ngưng tiếng vó câu dập dồn và tiếng huyên náo của khách bộ hành.

Giấc ngủ đã ôm choàng lấy hồn loài người, nhưng riêng mình anh còn thức; nỗi nhớ nhung nâng anh ra khỏi cơn ngủ bao trùm.

Cuộc tình mang anh sát lại gần em, nhưng mối ưu phiền kéo anh đi xa rất xa.

Anh đã rời khỏi giường anh, hỡi em yêu, bởi sợ rằng hồn ma quên lãng ẩn trốn trong mền bông.

Anh đã ném sách anh sang bên, bởi những tiếng thở dài anh đã làm câm nín lời nói và bỏ những trang sách trống trơn trước mắt!

Hãy thức dậy, hãy thức dậy, bớ em yêu, và lắng nghe lời anh nói.

“Em lắng nghe anh đây, hỡi anh yêu dấu! Em đã nghe lời anh kêu gọi từ phía bên kia đại dương và cảm thấy thoáng nhẹ nhàng của đôi cánh hồn anh; em đã rời khỏi giường em và bước đi trên cỏ và sương đêm đã làm ướt chân và gấu xiêm em. Em đang đứng đây dưới những chùm hoa hạnh nhân, lắng nghe tiếng gọi của hồn anh.”

“Hãy nói anh nghe, bớ em yêu, và để cho hơi thở em cưỡi trên lưng ngọn gió đang bay đến với anh từ những cánh đồi Liban. Hãy nói đi em. Chẳng một ai nghe thấy ngoại trừ anh. Nàng Đêm đã quyến rũ mọi người khác tới nơi yên nghỉ của họ.”

“Trời đã dệt một dải khăn che bằng ánh trăng và kéo nó phủ kín khắp Liban, hỡi anh yêu dấu.”

“Trời đã lấy bóng đêm dệt thành một tấm áo choàng và viền tấm áo bằng những cột khói xưởng thợ và hơi thở của Thần Chết, và đặt nó trên khung thành phố, bớ em yêu.”

“Dân làng đã đầu hàng Giấc Ngủ trong lều của họ giữa những rặng hồ đào và thuỳ liễu. Hồn của họ đã bay lướt về xứ mộng, hỡi anh yêu dấu.”

“Mọi người bị cong lưng dưới sức nặng của vàng bạc, và con đường dốc cỏ xanh làm yếu đầu gối họ. Đôi mắt họ nặng ưu phiền và chán chường, và họ ngã xuống giường, bớ em yêu, như thể đi trống khỏi Hồn Ma Sợ Hãi và Tuyệt Vọng.”

“Hồn ma của những thời xa xưa đang bước đi trong những vùng thung lũng, và linh hồn vua chúa và nhà tiên tri đang bay lượn trên khắp vùng đồi nương. Và tư tưởng em, do ký ức dệt thành, trỏ cho em thấy mãnh lực của dân Calđê [4] , vẻ huy hoàng của dân Axyri [5] , và nét quí phái của dân Ả-rập.”

“Trong những ngõ hẻm tối tăm đang bước đi những ác hồn đạo tặc u ám; những đầu rắn lục của tà dâm xuất hiện từ những kẽ hở của thành quách; và cơn sốt bệnh hoạn, pha trộn với phút hấp hối của tử thần, rùng mình qua các con phố. Trí nhớ đã tháo gỡ dải khăn quên lãng khỏi mắt anh và trỏ cho anh thấy cái nhớp nhơ của thành Xôđôm và những tội lỗi của thành Gômorơ. [6] ”

“Những cành cây nghiêng ngả, hỡi anh yêu dấu, và tiếng xào xạc của chúng hoà với tiếng thì thầm róc rách của dòng suối nhỏ trong thung lũng, vẳng lại bên tai ta những khúc thánh ca của Salomon, những tiếng thụ cầm nhặt khoan của David, và những bài ca của Ishak al-Mausili.”

“Những linh hồn con trẻ đói rét đang run rẩy trong lều tối; tiếng thở dài của những người mẹ đang lăn lộn trên giường thống khổ, và tuyệt vọng đã với thấu tận trời; và ác mộng đã làm rạn vỡ tim kẻ tàn tật. Anh đang nghe thấy tiếng than van đắng cay của họ.”

“Hương thơm sực nức các loài hoa đã trộn lẫn hơi thở nồng ngát của loài bá hương. Được mang trên cánh gió nô đùa qua những ngọn đồi, nó tràn ngập hồn ta bằng thương cảm và lòng thèm nhớ bay xa.”

“Nhưng chướng khí cũng dâng lên từ đồng lầy, bốc hơi bệnh hoạn. Như những mũi tên nhọn bí mật chúng đã xuyên thấu các giác quan và làm độc khí trời.”

“Sáng đã tới rồi, hỡi anh yêu dấu, và những ngón tay êm đềm của thức tỉnh đang mơn trớn đôi mắt kẻ mơ màng. Những tia sáng làm bật tung các cửa sổ và phát lộ mối quyết tâm và vẻ rực rỡ của Cuộc Đời. Các làng mạc đang nằm nghỉ trong bình an và tịch mịch trên những vai đồi, thức giấc; tiếng chuông nhà thờ ngân nga khắp không trung những lời mời đi lễ sớm. Tiếng chuông được các hang động đằng xa vọng lại, dường như Thiên Nhiên cũng cùng ta nguyện cầu. Đàn bê đã rời chuồng, đàn cừu và đàn dê đã rời lều đi gặm cỏ lóng lánh sương mai. Bầy mục tử thổi sáo đi đằng trước; và đằng sau bước theo bầy thôn nữ ca hát đón chào ban mai như đàn chim sớm.”

“Và giờ đây bàn tay thô kệch của Ban Ngày đang đè nặng lên thành phố. Màn cửa sổ đã vén, cửa ra vào đã mở. Nhưng đôi mắt mệt nhọc và những khuôn mặt hốc hác của thợ thuyền đã xuất hiện trong các công xưởng. Họ cảm thấy Tử Thần đang tới gần đời họ, và trên khuôn mặt nhăn nhúm của họ Sợ Hãi và Tuyệt vọng đã hiện ra. Đường phố ngập lụt những tâm hồn tham lam đang vội vã; và khắp nơi vang dội tiếng sắp đập, tiếng xe chuyển, và tiếng còi huýt của máy hơi. Thành phố đã biến thành một bãi chiến trường, nơi mà kẻ mạnh vật ngã kẻ yếu và kẻ giàu khai thác và áp chế kẻ nghèo.”

“Cuộc đời đẹp biết bao, hỡi anh yêu dấu; cuộc đời như trái tim nhà thi sĩ, chứa đầy ánh sáng và êm đềm.”

“Và cuộc đời cũng tàn nhẫn biết bao, bớ em yêu; cuộc đời như trái tim kẻ trọng tội, đập dồn tệ bệnh và sợ hãi.”



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Theo thiên thần học Do Thái giáo và Hồi giáo, Azrael là thiên thần phân cách linh hồn lìa khỏI thể xác lúc lâm chung. (L.N.D)
[2]Đạo Thiên Chúa (L.N.D.)
[3]Sheik
[4]Chaldéen: Một dân tộc thuộc dòng cổ Xêmitích tạo thành thành phần lớn nhất tại đế quốc Babylôni xưa (2800–1750 T.TC) tại Tây Nam Á Châu (L. N.D.)
[5]Assyrien: Một dân tộc thuộc đế quốc Assyrie hồi thế kỷ thứ VII T.T.C. (L.N.D.)
[6]Hai thành phố cổ của Palestine bị lửa trời thiêu rụi vì dâm loạn hoành hành (L.N.D.)