Tạp chí Văn
Số đặc biệt tưởng niệm Nguyễn Du
Nguyễn Văn Xuân
Vài điều nghĩ về, triết lý trong Truyện Kiều
Tôi nhớ trước kia ở Quảng Nam, có một người tên là Khương Hữu Tài [1] .
Thật ra, triết lý trong Truyện Kiều trước đó không phải ít được nhắc đến. Ông Trần Trọng Kim đã bỏ nhiều thời giờ để bàn về tư tưởng Phật giáo “Triết học luân lý” Nho giáo trong Kiều cũng đã từng một thời làm rộn văn đàn. Nhưng người ta có cảm tưởng nó chỉ là giả mạo, là cái cớ để những nhà ái quốc chân chính đập lên đầu ngụy ái quốc Phạm Quỳnh. Nàng Kiều chỉ là nạn nhân.
Gần đây, nhân kỷ niệm hai trăm năm sanh Nguyễn Du, nhiều học giả, giáo sư đã đăng đàn diễn thuyết về triết lý này. Hình như lời nói thì nhiều mà tiếng vang quá ít. Cũng như đặc san kỷ niệm quá dày, quá rộn mà xong số nào là số ấy đi qua. Đâu còn cái thời Phạm Quỳnh cất tiếng, Nguyễn Bách Khoa cầm bút thuở nào…
Trong sự thất bại, hay chưa thành công chung của người cầm bút, tôi dám nói chuyện triết lý trong Truyện Kiều thì quả táo bạo, nó không thuộc thẩm quyền… nếu không phải chẳng có gì để phải nói thêm.
Nhưng tôi vẫn thử nói thêm một điểm: Sự liên quan giữa triết lý và tâm lý cùng diễn tiến tâm lý của cô Kiều và Truyện Kiều. Tôi sẽ trình bày một số kiểm điểm làm tôi nhận thấy – dĩ nhiên là chỉ theo ý tôi. Tuy vậy, nếu bạn đọc quả nhiên có cùng tôi đồng ý vài điểm nào, thì bạn khoan vội trách một mình Nguyễn Du. Vì, cũng như khá nhiều đoạn khác, Nguyễn Du gần như dịch nguyên bổn về phần tâm lý, diễn biến cốt truyện. Ông Lý Văn Hùng người Trung Hoa, đã đọc và so sánh khá nhiều đoạn trong bản Truyện Kiều với nguyên truyện Thanh Tâm Tài Nhân [2] và ông cũng công nhận dịch bản của Nguyễn Du, với văn bút lưu lợi đã tuyệt thắng. Sự kiện ông đem cái mà ông gọi “dịch bản” của nguyên truyện Trung Hoa ra dịch lại bằng tiếng Trung Hoa cho người Trung Hoa xem cũng đủ chứng minh sự thành thực và nhiệt tình của lời khen tặng trên kia. Nhờ những điểm so sánh đó mà tuy không có nguyên truyện [3] tôi cũng thấy qua một vài sự khó khăn của Nguyễn Du trong khi cố vượt cho được nguyên bản với những tầm thường, phi lý của nó. Một điều cũng nên nhắc nhở thêm là nguyên bản Thanh Tâm Tài Nhân ít khi thấy nhắc nhở trong các văn học sử Trung Hoa như một tác phẩm đáng chú ý, chứ chưa nói kiệt tác. Như vậy, từ tư tưởng, tình cảm đến triết lý, nhất là phần sau này, chắc chắn không có gì uyên áo cao thâm. Nói khác đi, nó không thể nào thoát được tính cách rẻ tiền thường vẫn thấy trong các tác phẩm của Trung Hoa dưới thời Minh, Thanh… Chính Nguyễn Du đã tái sinh và đưa Kim Vân Kiều lên đài vinh quang. Nhưng chắc chắn dù cố gắng tới đâu, ông cũng không thoát được sự ràng buộc của cốt truyện, với những tình tiết, những đột biến mà phải chuẩn bị tình cảm và tư tưởng thích đương để dẫn tới các sự kiện đóng khuôn sẵn ấy.
Có lẽ do đó mà biết bao học giả, phê bình gia cố gắng đề cao triết lý trong Truyện Kiều, nhưng nó vẫn không cao lên tí nào. Về mặt kỹ thuật, tôi lại nhận thấy chính những triết lý ấy đã làm hại rất nói riêng cho tâm lý Thuý Kiều, tức là kỹ thuật Truyện Kiều.
Trước hết, tư tưởng nho gia, với Đạm Tiên, liên lạc viên của Định mệnh.
Phải nói ngay là “triết học luân lý” Nho giáo đã là cái xương sống, ảnh hưởng mạnh nhất đến tâm lý Thuý Kiều và cũng là mấu chốt của bi kịch Thuý Kiều. Nếu không nặng tư tưởng Nho gia, Thuý Kiều đâu có bán mình chuộc cha, hy sinh tình yêu dịu dàng đến thế. Nho giáo cũng là cái tiêu chuẩn để sinh hoạt và phê phán, bình phẩm, không giống một số truyện bình dân, nặng về thực tế xã hội và lương tri. Nho giáo thành công trên rất nhiều đoạn. Nhưng tác giả Truyện Kiều không dừng lại trên đời sống thế gian, kiểm soát, nhận định được. Ông muốn hỏi thêm về thế giới vô hình, ý nghĩa của Định mệnh và đã tạo ra vai Đạm Tiên.
Đạm Tiên là một ca kỹ, đúng hơn là ca nhi, vì nàng còn tiếp khách (sống làm vợ khắp người ta). Khi chết, không người chôn, và nhất là không người cúng quảy, không có hậu tự. Người xưa cho rằng những kẻ chết đường chết sá, những thứ ma vô hậu đó không nhập về âm phủ, cứ lang thang mãi trên thế gian này mà tác quái. Nó là một mối bận tâm đối với những người bà con có con cháu nhỏ, những gia đình lương thiện có các cô gái trẻ, những học trò thi… Bởi thế, Trần Tế Xương chỉ mới dọa ra đi mà đã vội vàng:
Mai không tên tớ, tớ đi ngay
Cúng giỗ từ đây chớ lấy ngày…
Không biết đích xác ngày chết, ít ra cũng phải lấy ngày lên đường để làm ngày vĩnh quyết, cho rủi có chết đường chết sá, cũng không đến nỗi chen nhau ăn cháo lá đa.
Tuyệt vời ở chỗ hình ảnh con ma Đạm Tiên như thế phải gớm ghiếc đến đâu: đói lả, xõa tóc, hốc hác, bơ phờ, thế nhưng khi xuất hiện trong giấc mộng Thuý Kiều thì:
“Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lững thững như gần như xa”.
Đã thế con ma “phong vận, thanh tân” ấy còn mách bảo cho Thuý Kiều biết số mệnh của nàng với một cái tổ chức đầy thi vị: Hội đoạn trường với hội chủ, rồi đo đó có: đoạn trường sổ, đoạn trường thơ… Những thứ khủng khiếp nhất của âm phủ đó – nếu có – đã biến nên vẻ đẹp diễm kiều.
Nhưng nếu chỉ vậy thì cũng chẳng cần phải nói. Ai chẳng mong giấc mộng như thế dù nó là kết quả của sự lo hãi, bàng hoàng, máu chạy không đều, hay bộ tiêu hoá lười làm việc. Rồi tỉnh dậy, bắt chước Vương bà tự nhủ “Mộng huyền chắc đâu”.
Nhưng tác giả Truyện Kiều không dừng lại ở chỗ đó. Ông đẩy giấc mộng thành thực tại trong thế giới vô hình. Đạm Tiên trở nên một liên lạc viên, báo cho Thuý Kiều biết rõ thực sự số kiếp của Kiều và sẽ theo dõi nàng trên suốt quãng đường luân lạc.
Nói cách khác, như thế tức là Nguyễn Du đã chấp nhận mộng, xem đó như một trong những phương thế báo ứng giữa cõi vô hình và hữu hình và ở cõi vô hình là nơi ngự trị của quyền năng vô song: Định mệnh. Mộng, trở thành một điều kiện, không khác gì bói toán trong phương pháp “thiên nhân cảm ứng chí lý” [4] của Nho gia. Con ma ghê gớm mà chắc chắn là dân làng đã đuổi không cho chôn ở nghĩa địa chung, phải nhờ người khách viễn phương “vùi nông một nấm” giữa chỗ hoang vu, nay nghiễm nhiên giữ một địa vị tôn quý, một địa vị mà có người thích văn vẻ vẩn vơ còn gọi là sứ giả của Định mệnh! Nhưng Đạm Tiên có lợi hay có hại gì cho vai trò Thuý Kiều, nhất là trên bình diện tiết nghĩa, cũng như nàng có ảnh hưởng nào đến Sự thật trong diễn tiến Truyện Kiều?
Theo dõi Truyện Kiều từ nhà ra đi cùng Mã Giám Sinh, ta không thể không chung mối xót xa với người hiếu tử ấy, khi Tú bà, mụ trùm đĩ, vênh váo gọi nàng, truyền lệnh “Con lạy mẹ đây! Lạy rồi thì lạy cậu mày bên kia!”. Bên kia là ai? Chính là Mã Giám Sinh, kẻ đã ăn nằm với nàng, làm sao nàng khỏi toát mồ hôi lạnh? Sống giữa cái thời đầy đạo lý, làm sao chấp nhận điều kiện kia? Nàng van vỉ xin cho làm vợ nhỏ! Nàng chôn hết những cao vọng cuối cùng trong một phút, chỉ đòi xin làm vợ lẻ những kẻ đê tiện nhất trần gian. Nhưng trả lời nàng là những câu mất dạy và roi vọt tả tơi buộc Thuý Kiều phải mở cánh cửa hẹp nhất của Hội Đoạn trường. Nàng không có quyền lựa chọn. Thuý Kiều đã tê mê điên dại trong sự lợm giọng nghẹn ngào. Nàng tự giải quyết bằng cách rút dao tay áo tự đâm vào cổ. Và nàng ngã gục trên vũng máu của nàng.
Ở đây, xuất hiện Đạm Tiên. Nhiều người khâm phục. Họ cho là kỹ thuật Truyện Kiều nhờ đó giải quyết một điều nan giải về tâm lý Thuý Kiều. Đạm Tiên:
“Rõ rằng: nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn thác, trời nào có cho?
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”.
Như thế, không chỉ là liên lạc viên của nhà Nho, nàng còn là của thuyết Nhân Quả của Phật giáo. Nhờ lời dặn dò đó, Thuý Kiều có lý do tiếp tục sống, sống thiên hạ, khi theo Sở Khanh cũng như khi vào thanh lâu dưới sức cưỡng ép bằng roi vọt của Tú Bà. Và nàng đã không phản kháng như lần trước bằng cách tự vẫn.
Đó là do ảnh hưởng của Đạm Tiên?
Nếu Kiều là một truyện “phong thần” thì không nói làm gì. Nhưng tác phẩm này đã viết về đời nhà Thanh, khi tiểu thuyết Trung Hoa nhiều quyển có kỹ thuật khá cao thì đoạn này có nhiều cưỡng ép, làm chậm sự tiến bộ của khoa tâm lý đương thời.
Ở đời, thời nào cũng vậy, tự tử là việc hết sức khó. Nhiều người phải uống rượu cho say và chỉ dám dùng những cách nhẹ nhàng như uống thuốc độc, nhảy sông… Còn chết bằng cách đâm vào cổ mình, vào ngực mình thì hoặc là tay đại can đảm, hoặc bị đẩy tới chân tường mà không phương tiện nào khác ngoài con dao mới dám. Thuý Kiều ở trường hợp sau, dám tự vẫn chỉ là phản ứng tột độ khi mà trí não bốc cháy; cái chết trong trường hợp ấy tương đối dễ dàng.
Nhưng dù là kẻ can đảm tới đâu, đã chết bằng dao mà chết hụt, đã thấy máu mình đổ ra rồi mà còn bảo tự tử lần thứ hai thì vị tất đã dám. Ngay lần đầu Kiều đã run tay nên vết thương còn nhẹ, không nguy hiểm lắm cho tính mạng. Đưa được dao vào cổ là nhờ sức thúc đẩy của cơn điên loạn tinh thần. Còn bây giờ, vết thương da thịt đã lành mà vết thương lòng không phải không dịu bớt… Thời gian vẫn là môn thuốc để quên và là cái kiêm uyển chuyển khéo uốn nắn lòng người một cách tài tình. Thuý Kiều không còn nhìn mụ Tú bà với con mắt cũ, nhìn thanh lâu với hãi hùng xưa!
Hoàn cảnh không phải không có ảnh hưởng lớn. Nàng còn khám phá ra rằng ở đó cũng có những hạng đàn bà tốt như Mã Kiều và những người khác phụ họa nỗi bất bình của nàng mà mắng vào mặt Sở Khanh “kẻ chê bất nghĩa người cười vô lương”. Ở đời, chỉ có hạng bản lĩnh vững lắm mới không bị lung lạc bởi những cái phao cứu mệnh nhỏ nhặt ấy, chứ còn phần lớn, nhất là đàn bà, khi đã rơi vào chỗ tuyệt vọng rồi thì sự cố gắng bám víu vào một vài người tốt, người tương đối lương thiện để tìm lẽ sống chỉ là sự thường.
Bảo kẻ tự tử hụt mà còn dám tự tử lần thứ hai là điều khó thể có! Nhiều nhà tâm lý học xác nhận sự kiện ấy! Ngay như bây giờ bảo Kiều thử trốn lần thứ hai – việc có thể thực hiện được – nàng đâu đã dám làm mà phải chờ bao nhiêu lâu sau, đầy kinh nghiệm, hoàn toàn tin tưởng vào Thúc Sinh, nàng mới dám liều.
Vậy chính sự không thể tự tử lần nữa của Thuý Kiều sẽ là một diễn tiến tâm lý rất hợp lẽ, có thể đưa tác phẩm lên một bước khá cao về phương diện phân tích tâm lý và do đó cả kỹ thuật viết truyện. Vậy mà tác giả đã mượn lời con ma Đạm Tiên khiến đoạn tiếp tục sống của Thuý Kiều bị hạ thấp xuống, bắt gặp những lối giải quyết của những truyện tầm thường… Vả chăng, Nguyễn Du đâu có phải không biết sự tác dụng tai quái của thời gian trên tâm lý Thuý Kiều. Vào lúc mới ra đi, nàng nhớ Kim Trọng tha thiết đến đâu, bao giờ cũng đặt chàng vào hàng đầu tình cảm và chỉ cần nhắc đến một kỷ niệm vặt nào, tâm hồn nàng cũng bị kích thích đến cực độ. Vậy mà càng đi xa, sự nhớ nhung càng lợt lạt. Và khi lấy Từ Hải, Trọng chỉ là cái bóng mờ bên cái bóng mờ Thuý Vân:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Duyên em dù nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang.
Tác giả không lợi dụng được khoa phân tích tâm lý ấy ở đây. Nhưng mụ Tú bà thì mụ lại là nhà tâm lý học thực nghiệm kỳ khôi! Mụ đã gặp sự phản ứng của hằng trăm cô gái rồi. Với cô nào quá quắt, mụ có lẽ cũng dùng một phương kế tương tự: đày vào một nơi vắng vẻ cho họ ghê sợ cái cảnh cô đơn, họ sẽ thèm đời sống chung đụng, đời sống có đối thoại, có cọ xát dù đối thoại, cọ xát chẳng đẹp đẽ gì. Bởi thế, Kiều đã chạy theo ngay người đàn ông thứ nhất là Sở Khanh, dù đã linh cảm những nguy hiểm sắp xảy tới cho mình…
Nhưng tác giả không dùng môn thuốc thời gian. Ông dùng con ma vô chủ để lặp lại cùng Thanh Tâm tài nhân những lời nói rẻ giá về Định mệnh và ông còn đẩy con ma ấy đi sâu vào sự phá hoại cái giá trị Đạo lý của Truyện Kiều.
Chúng ta đều biết Thuý Kiều vô tình mà giết Từ hải. Sở dĩ nàng khuyên Từ Hải ra hàng, thâm tâm của nàng không phải vì quốc gia, vì người yêu mà chỉ vì, chính vì mình. Ra khỏi cửa nhà là đứa con gái bị bán cho kẻ viễn khách thô bỉ, trọc phú, nàng mong có cơ hội trở về, nhưng trở về như thế nào? Còn gì tuyệt diệu cho bằng đứa con gái ấy bỗng nhiên:
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha!
Từ ngôi mệnh phụ nàng rơi xuống vai vợ nhỏ của Hồ Tôn Hiến cũng không xong. Nguyễn Khắc Hiếu hơi soi mói, nhưng quả không phải không khám phá ra vài sự thực bị đát:
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng;
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng đốc vì thương người bạc mệnh,
Tiền Đường chưa chắc mộ hồng nhan.
Không được làm vợ Hồ, bây giờ nàng phải rơi xuống làm vợ của viên thổ quản. Trong Truyện Kiều khi còn cái tên Ngu Sơ Tân Chí, đoạn này có ghi là lúc theo Vĩnh Thuận tù trưởng, tới sông Tiền Đường, nàng đau đớn than thở: “Minh Sơn đãi ta hậu, ta vì nước dụ hàng mà chàng bị giết, chết một tù (tù trưởng) rồi lại thuộc một tù, tôi còn mặt mũi nào sống nữa” Thanh Tâm tài nhân (nguyên truyện) ghi: “Kiều thét lên rằng: “Minh Sơn đãi ta hậu. Ta vì việc nước mà giết lầm (ngộ sát) người. Giết một tù rồi thuộc một tù, còn đem cái chết ra mà tạ (chàng)”.
Theo lời văn trong hai quyển trên, những chữ “Sát nhất tù, nhi thuộc nhất tù” không cho ta thấy hết cả sự phân biệt lớn lao như giữa Từ Hải với thổ quan trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cao cả trong chữ Từ Công, và cái tình cảm sâu sắc, bi đát và chí thành của Thuý Kiều dưới cảnh “Trời cao sông rộng một màu bao la” trong đêm ấy:
Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chồng rồi lại lấy chồng
Mặt nào là mặt đứng trong cõi đời.
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.
So sánh đoạn văn này với cả hai đoạn mộc mạc trong Ngu Sơ Tân Chí và Thanh Tâm Tài Nhân, người đọc thấy ngay là Thuý Kiều Việt Nam vượt xa hai cô Thuý Kiều trên, và cái chết của nàng là một mối băn khoăn xao động cùng cực của kẻ thương (chứ không hẳn yêu) chồng, biết rõ chữ Sỉ (biết xấu hổ) của đạo Nho và cái chết không để chỉ tạ chồng mà còn phó cho trời đất, cho nghìn sau phê phán. Cái chết đầy tinh thần trách nhiệm so với cái chết tuyệt vọng trong hai tác phẩm trên cao đẹp dường nào.
Ấy thế mà cái chết cao đẹp của nàng cũng bị Đạm Tiên làm uế phần nào. Vì trước khi đem thân dâng cho cái chết như một giải pháp không còn chọn lựa, ta thử hỏi Thuý Kiều có dám chết như thế không, nếu nàng không đi qua sông, nghe “Triều đâu nổi sóng đùng đùng”. Để rồi:
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.
Nhờ lời thần mộng rõ ràng:
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!
Nói cách khác, nếu con sông ấy không phải là sông Tiền Đường? Và cho dẫu là sông Tiền Đường mà Đạm Tiên không từng dặn dò: “Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau” thì Thuý Kiều có đã dám đâm đầu xuống sông để “thung dung tựu nghĩa” như thế không? Hoá ra nàng chỉ nhớ chữ Sỉ, chỉ nhớ trách nhiệm, nàng chỉ để ý đến lời phê phán của trời đất khi nghe nhắc tới hai chữ Tiền Đường. Bằng không thì biết tù này, nàng ung dung tiếp tục theo tù khác như nàng đã có thể là vợ nhỏ của Hồ Tôn Hiến hôm nào.
Đạm Tiên hại nhân cách của nàng như thế chưa đủ. Con ma ấy còn ỏn ẻo bảo với nàng khi nàng còn “mơ màng phách quế, hồn ma”:
“Rằng tôi đã có lòng chờ;
Mất công mười mấy năm thừa ở đây”.
Thật là không còn sự bịa đặt trơ trẽn nào hơn. Mười lăm năm, con ma ấy nằm chờ Thuý Kiều ở một nơi cố định, khi chính nó biết đến lúc nào mới có sự quyết định cuối cùng của Thuý Kiều!
Giác Duyên, có phải cái Duyên Giác ngộ Thuý Kiều hay cái gương xấu của nhà Phật?
Giác Duyên có phải là đại biểu chân chính của Phật giáo như nhiều người xưng tụng?
Tôi chưa được cơ hội hiểu những phần tinh thâm của đạo Phật, nhưng tôi nghĩ Phật giáo nếu có thành công thì chỉ thành công trên những chi tiết có liên quan trực tiếp, nhiều khi đã hoà lẫn trong sinh hoạt, trong cảm nghĩ của các nhân vật trong Truyện Kiều. Chính do sự thấm nhuần đó mà phán bảo đã đi sâu vào đời sống cá nhân và xã hội, bàng bạc trong khắp Truyện Kiều. Có những điều kiểm soát được một phần nào như khi Hoạn Thư hé một lối thoát cho Thuý Kiều do đức hiếu sinh, nhưng không biết bao nhiêu điều khác mà “ý tại, ngôn ngoại” khó lòng nói hết, vì nói vô căn cứ, nhưng không hẳn là sai lầm.
Nhưng vai trò Giác Duyên, được đề cao như đại biểu, có thể chấp nhận được không? Tôi không thể nào quan niệm cái đạo từ bi, hỉ xả ấy được thể hiện bằng nụ cười cực kỳ bao dung đại độ của đức Thế Tôn mà lại có thể có hạng cán bộ đại biểu thấp hèn đến thế!
Khi Giác Duyên gặp Thuý Kiều, khi nàng đưa những pháp bảo [5] của họ Hoạn (đồ quý của một đại gia, sao lại không có ghi chú ra bằng một dấu hiệu nào để phân biệt với nhà khác và lỡ mất, truy tìm dễ dàng?), bà chấp nhận ngay. Để rồi khi có người đàn việt lên chơi Chiêu Ẩn am cho biết đồ tế khí đó là của Hoạn gia thì “nghe nói rụng rời”, bà lập tức đẩy khéo Thuý Kiều đi. Hành động đó có phải hoàn toàn vì Kiều hay vì bà biết họ Hoạn có thể đến đốt chùa bất cứ giờ nào? Mà nếu bà là kẻ chân tu, thật thà lo cho Thuý Kiều thì kẻ chân tu, tức là kẻ mở đường chỉ lối cho tín đồ, đệ tử đó đã biết những gì về các đối tượng của mình? Bà đã chọn kẻ “am mây quen thói đi về dầu hương” tức là kẻ có thiện tâm thiện tính, có căn cơ tốt nhất để gởi gắm Thuý Kiều. Thế nhưng đau đớn và mỉa mai, kẻ mà nhà chùa đã chọn mặt nhờ tay tế độ lại chính là một… mụ trùm đĩ! Ôi! Không còn cái lầm lẫn nào cay chua, xót xa cho bằng và cũng không có sự tố cáo nào về những sa đọa của cửa Thiền ngày trước cho bằng: tín đồ trung thành nhất là bọn buôn thịt người, bọn cho vay nặng lãi, bọn đầu trộm đuôi cướp. Còn kẻ dẫn đạo (đường) cho họ thì có mắt như mù. Ngay trên trần thế, còn loạng choạng đến thế, thì về Niết bàn hay hỏa ngục, còn lầm lẫn đến đâu? Ví thử Giác Duyên là đại biểu tinh thần Phật giáo, thực sự, tức là bà phải can dự đến sự thưởng phạt ở cõi siêu hình, thì rồi đây, ai sẽ được chọn lên Niết bàn trước nhất?
Bạc bà?
Không cần bàn cãi.
Gởi người rồi, Giác Duyên cũng không cần biết số phận người ấy ra sao. Bà không có chút tinh thần trách nhiệm nào. Như thể bà chỉ cần đẩy khéo Kiều ra khỏi cửa mà phần bà được hưởng một công đức là đủ rồi, cho dù công đức ấy chỉ do lòng khiếp sợ mà ra. Đâu có một chút từ tâm phát xuất do tinh thần bi, trí dũng, vì chân lý của Phật giáo, dù giữa lửa, vẫn ngồi yên mà lần tràng hạt niệm Nam mô Phật! Bà chỉ là hạng khiếp nhược mà thôi!
Bà còn làm một điều tồi tệ. Đẩy con người ta vào tay “cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người” thì dù vô tình, cũng là một cái tôi. Thế mà khi Thuý Kiều đảo ngược hoàn cảnh lấy Từ Hải, uy quyền lừng lẫy, mời bà đến lãnh thường, bà không một tiếng chối từ. Tôi gọi lãnh thường chính là nói theo đúng tinh thần trong truyện Kiều, nhắc lại đúng y lời của Thuý Kiều nói với bà:
“Nhớ khi lỡ bước xảy vời,
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.
Nghìn vàng gọi chút lễ thường
Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân!”.
Tôi nói lãnh thưởng chứ không nói nhận cúng dường, vì hai cái đó khác nhau xa. Bà không có quyền nhận tiền của Thuý Kiều dưới hình thức trả ơn. Kẻ tu hành, tế độ trầm luân (dù chính bà đẩy nàng vào cảnh trầm luân) không ai có quyền đòi hỏi gì kẻ thụ ân, vì mình thực hiện một công đức. Nhưng bà có quyền nhận một món tiền lớn hơn như thế dưới hình thức cúng dường để làm chùa, đúc tượng, làm phúc thiện. Món tiền ấy hoá thành của công, bà không có quyền tiêu riêng. Còn nhận phần thưởng kia lại hoàn toàn có ý nghĩa thế tục, nhà sư bị cấm làm.
Ấy thế rồi, sau khi nhận xong tiền, bà còn nghe Thuý Kiều báo:
“… xin hãy rốn ngồi
Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!”.
Có ai từng nói với người chân tu như thế không?
Mà nhà chân tu, khi biết sắp có những hành động trả thù như thế, được người ta nghiến răng bảo vào mặt mình như thế, có thể yên tâm tại vị để thản nhiên chờ đợi hay không? Mà thật sự là một sự trả thù tàn ác và khiếp nhược, hèn hạ như ít khi thấy trong những cuộc khởi nghĩa chân chính. Từ Hải chỉ vì người yêu, vì sự đau khổ của đứa con gái giang hồ mà đi đến tận cùng của câu tục ngữ ghê tởm “Bẻ răng thì nhổ răng, đâm mất thì thọc lủng mắt”. Ông còn làm hơn như thế: một câu nói, một sự lừa phỉnh, vài chục roi tre… cũng đủ để:
Thế sao thì lại cứ sao gia hình!
Máu rơi, thịt nát tan tành…
Trước cảnh trả thù tàn nhẫn cực độ như thế mà vãi Giác Duyên, kẻ được gọi là chân tu ấy, vẫn ngồi yên. Rất có thể, bà lợi dụng lòng yêu trọng và biết ơn của Thuý Kiều để can đảm nói lên một lời nào đó… Nhưng bà vẫn làm thinh và người ta còn có cảm tưởng rõ ràng bà mặc nhiên đồng ý [6] như chính Nguyễn Du “mình làm mình chịu, kêu mà ai thương”.
Vãi Giác Duyên tưởng đến đó cũng tạm đủ. Nhưng đâu có hết, theo lối đặt tên trong Truyện Kiều, bà chính là kẻ dẫn đường cho Thuý Kiều, có cái duyên giác ngộ Thuý Kiều:
Còn nhiều ân ái với nhau
Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì.
Từ giã Thuý Kiều, bà “đeo bầu, quảy tráp rộng đường vân du” (có lẽ bằng tiền thưởng của Thuý Kiều). Gặp Tam Hợp Đạo cô, nghe lời dạy bảo của Đạo cô, biết Thuý Kiều sẽ tự trầm ở sông Tiền Đường, bà liền đến nơi đó:
Thuê năm, ngư phủ hai người
Đóng thuyền chực bến, kéo chài giăng sông.
Óc tưởng tượng của tác giả chưa bao giờ khiến ta phải nghi ngờ bằng. Ai có đọc qua những truyện Tàu, có liên quan đến sông Tiền Đường cũng đều biết khí thế của nó. Chính Truyện Kiều cũng viết:
Triều đâu nổi sóng đùng đùng.
Người ta vẫn cho sức sóng như “Lôi đình vạn quân nộ mã bôn đằng chí thế” và người ta vẫn tương truyền đó là do anh linh của đại trung thần Ngũ Tử Tư và Văn Chủng thời Ngô Việt phát ra. Trước cảnh sông rộng bao la, sóng nổi hùng dũng đó mà chỉ cần hai (con số quy định rõ ràng) ngư phủ để giăng những cái lưới (lưới gì?) qua sông suốt năm chờ bắt một người tự nịch thì quả là chuyện bịa đặt quên óc tưởng tượng. Thà như những truyện nôm khác: Phật bà Quan Âm báo mộng cho một bà lão nào đó để bà ra vớt một thây người được đưa vào bãi cát, thật giản dị mà hợp lý biết bao.
Giác Duyên được trình bày như một bậc chân tu, nhưng giả thử ta đổi ngôn từ để trình bày ta sẽ gặp một hạng nào? Sư hổ mang thì quá đáng, nhưng bà chính là hạng khiếp nhược, hạng đại cầu an, nặng tham sân si, hạng sư đầy dẫy dưới thời Pháp thuộc mới đây. Và đó chính là lý do mà đạo Phật được chấn hưng, từ Bắc vào Nam phát sinh những tổ chức nghiên cứu phát triển Phật giáo (như Hội Phật giáo ở Huế của bác sĩ L.D.T. chẳng hạn) để tự phân biệt và đẩy lui lần những hạng thầy tụng Giác Duyên.
Còn bà Tam Hợp Đạo cô?
Một số người (trong đó có Vũ Hạnh) cho là chữ Tam Hợp Đạo cô là biểu hiệu của sự hoà hợp Tam giáo Nho, Phật, Lão. Nhận xét này có lẽ không xa sự thật mấy, khi ta biết là trong truyện Kiều, những tên riêng không chỉ có tính cách riêng, mà là biểu hiệu, bao hàm ý nghĩa nội dung. (Như Hoạn: làm quan; Chiêu Ẩn am: am mời vào lánh nạn: Thúc Sinh: kẻ bó tay; Giác Duyên; Bạc Hà…). Nhưng trong Truyện Kiều khó tìm thấy tư tưởng Lão rõ ràng như trong nhiều tác phẩm đồng thời. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Đạo cô bao giờ cũng có vẻ là lạ, lời nói tiên tri của bà xác đáng, khiến na có cảm tưởng bà vượt lên trên cõi đời ô trọc, ở một nơi nào cao và mắt nhìn thấu mười phương, thu thập hết tinh hoa đạo lý trần gian. Nói khác đi, bà là hạng thoát ra ngoài cái quan niệm và cái thành kiến thế tục, và nhận định cùng bình phẩm của bà phải là mẫu mực, hay ít nhất cũng khiến cho con người ngẫm nghĩ. Vì thế, khi nghe Giác Duyên bày tỏ và thắc mắc về đời Thuý Kiều, bà đã có những lời, căn cứ trên đạo trời và đạo Phật, phán đoán về chữ tình là cõi nguồn ở lòng người và là căn do của mọi diễn tiến tai hại cho suốt đời nàng.
Tuy không thể nào dừng sự thích thú đưa so sánh hai đoạn văn:
A. Đoạn nguyên truyện Thanh Tâm Tài Nhân.
1. Bà Tam Hợp đối Giác Duyên nói: Phước do đức tu hành, khổ do tình ái. Thuý Kiều vì tình ái mà trầm luân trong khổ cảnh. Nhà vàng không ở được lâu, lại tìm chốn đoạn trường dấn thân vào. Nên nàng hai phen trả nợ yên hoa, phải trải qua một khổ nạn trong cảnh tôi đòi. Lại phải làm bạn với ma vương hổ lang trong cảnh đao binh, làm mồi cho cá rồng trong sóng nước. Kiếp này của Thuý Kiều sắp tiêu ma.
Lại nói: Nghiệp của Thuý Kiều có thể tiêu, duyên mới đã kết. Sự cùng Kiều có tình với nhau, có thể đợi nàng lúc tiêu kiếp ở sông Tiền Đường. Đặt một bè mía độ nàng, đó cũng là một cách làm phước vậy.
B. Đoạn của Nguyễn Du:
Sư rằng phúc, hoạ đạo trời,
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành!
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma dẫn lối, quỷ đưa đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hết nạn ấy đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.
Trong vòng dáo dựng gươm trần,
Kề răng hùm sói, gửi thân tôi đòi.
Giữa dòng nước chảy sóng dồi,
Trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh,
Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết một mình mình hay.
Làm cho sống đọa thác đày,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.
Giác Duyên nghe nói rụng rời,
Một đời nàng hỡi! Thương ôi còn gì!
Sư rằng “Song chẳng hề chi,
Nghiệp, duyên, cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều,
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người cứu muôn người,
Biết đường kính trọng, biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên, trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước, đến bồi duyên sau.
Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,
Tiền Đường thả một bè lau rước người.
Trước sau cho vẹn một lời,
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không!”.
Nếu so sánh với đoạn nguyên truyện thì đoạn của Nguyễn Du nhiều hơn hẳn một tiểu đoạn, bình luận công của Thuý Kiều mà nguyên truyện không có – Xét toàn bộ đoạn văn, phần nguyên tác thật khô khan, vắn tắt tuy khá đầy đủ. Phần của Nguyễn Du thật lưu lợi, khinh khoái, văn chương linh động lạ lùng gần như không cần biết gì đến nguyên tắc. Nhưng chính ở chỗ tài tình đó, Nguyễn Du đã bắt Đạo cô nói những điều mà có lẽ nguyên tác giả đã tránh. Và tránh nhất là hai điểm: tà dâm và cứu muôn người.
Làm thân con gái, nửa đêm về nhà trai tuy chưa chăn gối (gọi là tình ái) và hết lòng cưỡng lại sự đòi hỏi người yêu mới lần thứ nhất, như thế đã dủ để nói là tránh được tà dâm? Làm người đàn bà, mười lăm năm luân lạc trên cảnh giang hồ, hết nhà thổ này, sang nhà thổ nọ, gặp ai lấy nấy, lấy cả chồng người (Thúc Sinh), như thế mà bảo không mắc điều tà dâm thì bảo nó là cái gì? Chúng ta có thể không kể tới những điều đó và cho là vì hoàn cảnh gây nên. Nhưng hạ một câu khen “khỏi điều tà dâm” thì e khiên cưỡng quá. Lại là bậc siêu nhân mà báo hại Từ Hải là “Hại một người, cứu muôn người, Biết điều khinh trọng…” thì e cũng hấp tấp. Đành là chúng ta có thể không đồng ý với cái triều đình của Từ Hải lập nên vì nó cũng tàn nhẫn không kém gì triều đình nhà Minh, nhưng bao giờ dưới các thời quân quyền độc tài áp chế, những lực lượng chống đối cũng đều rất cần để làm cho vua chúa giật mình. Nếu họ thua, chế độ mới có thể khá hơn nhưng lịch sử thường cho thấy. Nếu họ thắng, họ có thể độc ác hơn, tàn bạo hơn (để dẫn nhanh đến sụp đổ) hoặc họ phải thay đổi pháp luật và quan lại, những phép cai trị, giáo dục, kinh tế. Nguyễn Du là người đã từng chứng kiến nhiều chế độ và sự đối kháng chắc ông phải rõ hơn chúng ta điều ấy. Vậy mà ông nỡ mượn lời Đạo cô, đoán như thế thì thật nặng nề. Thái bình là cần. Nhưng thái bình trong lầm than áp chế thì thà chiến tranh. Giết một người gây chiến đối kháng với chế độ hà khắc mà cho là có công, tức là chia sẻ với chế độ ấy những tội lỗi của nó.
Trong trường hợp ấy, rõ ràng nguyên tác giả lại có lý hơn Nguyễn Du. Bà chỉ cho Từ Hải là thế này thế nọ, nhưng không phê phán, “cân lại nhắc đi” tội hay công giết chồng và hậu quả của hành động vô tình ấy của Thuý Kiều. Bà chỉ đứng về phương diện tiêu cực, cho rằng nàng đã khổ quá ở kiếp này, thế là nghiệp đã dứt… chẳng có gì cao cả, nhưng lại dễ nghe hơn…
*
Tóm lại, triết lý trong Truyện Kiều không phải không có nhiều đoạn thành công. Nhưng khi tác giả muốn mượn triết lý để cụ thể hoá những ý niệm siêu phàm, mà vốn không thể có được thì ông lập tức dẫn tới chỗ phi lý, tạo ra những tâm sự, những hành vi huyền hoặc, không hoà hợp với không khí chung vốn rất thành công về phân tích tâm lý, cũng như diễn tiến của truyện, căn cứ trên thực tế, một thực tế nhìn bằng nhãn quan khoa học và tiến bộ.
Và viết bài này, có lẽ tôi không chỉ vì tác phẩm của người xưa. Tôi còn muốn nói với người của thời chúng ta: Triết lý là cần. Triết lý bao hàm mọi khoa học nhân văn và tự nhiên… Triết lý có thể dẫn người ta khám phá nhiều huyền bí vũ trụ như cõi lòng.
Nhưng triết lý cũng chính là cuộc đời.
Như thế thì dù là triết lý Phật, Nho, Thiên chúa, Mác, Hiện sinh hay gì đi nữa, vấn đề không phải xây dựng nhân vật cho đúng kích thước của triết lý mà chính là thấm nhuần triết lý rồi nhân vật sẽ tự bày ra kích thước của nó. Và chính ở đó mà giá trị của triết lý trở nên cao cả. Còn nếu không thì cũng tạo ra những Đạm Tiên, Giác Duyên và Tam Hợp Đạo cô, những kẻ cứ Thuý Kiều mà lại chính là giết truyện Kiều.
Nhiều người chẳng đã bảo: “Truyện Kiều nên cắt đứt ngay khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường” hay sao?
Như thế, chẳng phải họ đương nhiên phủ nhận những vai trò Đạm Tiên, Giác Duyên, Tam Hợp Đạo cô và trả Truyện Kiều lại cho CHÂN, THIỆN, MỸ?
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Em thi sĩ Khương Hữu Dụng. Ông Tài hình như về sau bị giết (Nhật hay Việt Minh?) chôn ở Quảng Ngãi.
[2]Ông gọi Thanh Tâm Tài Nhân (trang 4, Kim Vân Kiều, bản dịch chữ hán của Lý Văn Hùng, không để nhà xuất bản). Thanh Tâm Tài Nhân nhiều bản gọi là tên tác giả.
[3]Tôi cũng còn một bản Kiều, mất bìa, có ghi nhiều đoạn trích trong nguyên truyện.
[4]Lẽ thông cảm giữa trời và người.
[5]Lý Văn Hùng: Những y bát tích trượng của tăng gia mới gọi là pháp bửu, còn đồ nhạc cụ thì gọi là pháp khí (như chuông, khánh trong Truyện Kiều).
[6]Khi gặp Tam Hợp Đạo cô, bà khen Thuý Kiều: Người sao hiếu nghĩa đủ đường.
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tứ tam cá nguyệt 1967, tập 3, trích từ trang 66 đến trang 84.