Krishnamurti
Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian
Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch
9.
Điều tôi định nói sáng nay có lẽ hơi lạ đối với nhiều người. Tôi thiết tưởng một trong những việc quan trọng hơn hết chúng ta nên thực hiện là làm sáng tỏ tâm thức, là trút bỏ trống rỗng hết mọi kinh nghiệm và tư tưởng để cho tâm thức trở nên mới mẻ, tươi nhuận, vô tư vô nhiễm, vì chỉ có tâm thức vô tư mới có thể khám phá trong tự do sự thật được. Sự vô tư vô nhiễm này không phải là một trạng thái kéo dài ra mãi. Trong đó, tâm thức không thu hoạch một kết quả nào để làm nơi bám víu. Đó là một tâm thái, vì đã hoàn toàn tự do, nên có thể tự đổi mới từng phút từng giây mà không cần cố gắng. Và cái trạng thái vô tư vô nhiễm này, cái khả năng khám phá mới mẻ này có một tầm thức quan trọng lớn lao trong những hiệu quả của nó, vì thông thường ta sống rất thiển cận. Ta sống bằng những tri thức và bằng tài liệu báo cáo và ta nghĩ rằng ta có tri thức là đủ rồi. Nhưng không tham thiền thì đời sống chúng ta rất là rỗng tuếch. Tham thiền, theo tôi không phải là chiêm ngưỡng, cũng không phải là cầu nguyện. Để nằm trong một tâm thái tham thiền, hay đúng hơn để có thể tham thiền một cách tự nhiên, dễ dàng, không cố gắng, trước hết ta phải bắt đầu thấu hiểu những chất liệu đã tạo thành cái tâm thức thiển cận thường nhật, cái tâm thức quá đỗi dễ dàng thỏa mãn với những tri thức. Khi đã tích trữ tri thức và thu đạt được một vài khả năng kỹ thuật khả dĩ cho phép ta chuyên biệt một ngành nào đó và cho phép ta sống một cách tương đối thiển cận rồi, thì thông thường ta bằng lòng sống trên mực độ đó, ngoài ra ta không thấu hiểu được bất kỳ một vấn đề tâm lý nào đến với ta. Vậy, theo tôi, điều tối ư quan trọng là xem xét cái tầm mức thiển cận của tâm thức chúng ta và tự hỏi xem chúng ta có thể nào siêu xuất khỏi nó không.
Càng có nhiều tri thức và kiến thức thì ta càng hữu hiệu trong đời sống hằng ngày, và hiển nhiên là cần thiết phải có các kiến thức, các khả năng ấy bởi ta không thể dẹp bỏ kỹ thuật và khoa học để trở lui về thời thượng cổ. Nếu thế thì hóa ra ta sẽ như những kẻ gọi là tu hành, họ cố sức trở về với tập tục truyền thống hay làm sống lại những quan niệm triết lý cổ thời, những công thức cố hữu và như vậy họ tự hủy hoại và hủy hoại thế giới trong đó họ sống. Nền khoa học, toán học, kỹ thuật mà con người hiện có, đều tuyệt đối cần thiết. Nhưng đời sống ở cái thế giới mà kỹ thuật, tri thức, kiến thức, được bành trướng quá mau chóng, đã khiến cho tâm thức trở nên hết sức thiển cận, và phần đông chúng ta lại bằng lòng sống trong sự thiển cận đó, bởi vì kiến thức đã giúp ta có nhiều tiền, nhiều tiện nghi hơn, có vẻ tự do hơn và các của cải tài sản đó lại được hết sức tôn trọng bởi một xã hội trụy đồi đang chừng tan hoại. Thế nên, cái tâm thức muốn vượt quá chính mình, tất phải thấu hiểu những giới hạn của khoa học kỹ thuật, thấu hiểu những tri thức, kiến thức và thoát ly khỏi chúng.
Như các ngài có thể nhận thấy, các hành vi, các cảm xúc, các phản ứng của cân não ta, rất thiển cận. Sống như thế đó là trường hợp của phần đông chúng ta mà chúng ta lại muốn đào bới vào những tầng lớp sâu kín, muốn đẩy cuộc khám phá càng lúc càng xa dưới lớp mặt ấy, vì có thể đã nhàm chán với lối sống thiển cận ấy. Hễ ta càng khôn ngoan, càng trí thức, càng đam mê thì nhận thức của ta về sự thiển cận của đời sống chúng ta càng thêm sâu sắc. Rồi cuộc sống này thành ra mệt mỏi chán chường, buồn tẻ và hầu như vô nghĩa. Thế rồi, tâm thức thiển cận bèn tìm kiếm mục đích của cuộc đời hoặc tìm kiếm một công thức nào khả dĩ định nghĩa được mục đích ấy. Tâm thức thiển cận ấy tranh đấu để sống rập khuôn theo một ý tưởng nó đã hình thành hay một tin tưởng nó đã chấp nhận và hành động của nó, do đó, vẫn hoàn thiển cận. Sự kiện này phải được nhìn thấy thật rõ ràng.
Việc chúng ta sẽ làm trong sáng nay là lột sạch lớp này đến lớp khác để thâm nhập đến tận cội nguồn, tận căn nguyên của sự vật. Sự thiển cận được duy trì mãi bởi kinh nghiệm, do đó điều tối ư quan trọng là phải thấu hiểu bản chất cùng ý nghĩa của những kinh nghiệm đã-được-sống.
Trước hết, ta thấy cái cách thế chuyên môn hóa của kỹ thuật, trong bất kỳ lãnh vực nào, cũng đều hạn cuộc chúng ta, thu nhỏ chúng ta, giới hạn chúng ta, tất cả mọi sắc thái đó là yếu tính của cái tâm thức trưởng giả. Ta thấy rằng vì tâm thức ấy thiển cận nên nó cứ tìm kiếm hoài cái gọi là "ý nghĩa của cuộc sống" và do đó, phóng ra một hình ảnh khiến nó thích thú và lợi lạc. Để rồi sau đó, nó rập khuôn theo hình ảnh ấy, và tiến trình này tạo cho nó một mục đích, kích thích nó, khiến nó cảm tưởng đã hoàn thành viên mãn.
Chúng ta cũng phải thấu hiểu hết sức minh bạch điều mà ta gọi là kinh-nghiệm-đã-sống. Vì sống một đời sống quá thiển cận, nên ta luôn luôn tìm kiếm những cảm giác sâu rộng hơn, chính vì điều đó, nên nhiều người mới đến nhà thờ, mới thầu mescaline, mới dùng thuốc LSD-25, át xít lysurgique hay các chất ma túy khác để tự gây hứng, tự kích thích, tạo những cảm giác mới lạ. Họ cũng tìm sống những kinh nghiệm mới lạ bằng nghệ thuật, bằng âm nhạc, bằng những hình thức biểu hiện mới lạ hơn, tươi nhuận hơn.
Thế nên, một tâm thức muốn ngự vào trong những chiều sâu thăm thẳm – ngự trong ấy, chứ không phải tạo ra trạng thái ấy – phải thấu hiểu mọi điều đó. Thấu hiểu là không những phải lĩnh hội bằng trí thức mà một sự cảm thông trên bình diện ngôn từ mà đúng hơn là phải nhất tề nhìn thấy chân lý của một vấn đề nào đó. Sự nhận thức tức thời đó chính là sự thấu hiểu. Ta có thể biện bác, thảo luận không ngừng về những ý kiến, nhưng điều đó không làm phát sinh sự thấu hiểu. Điều cần yếu là sự mẫn cảm, là nhận thức sâu sắc, là sự do dự lần mò trong bước đi, như thế khiến cho tâm thức có khả năng lĩnh hội mau lẹ.
Bản chất của một kinh-nghiệm-đã-sống như thế nào? Cả thảy chúng ta đều muốn sống với những nhận thức mới, phải thế không? Chúng ta mệt mỏi chán ngán với những nhận thức mà chúng ta đã biết quá lâu rồi, những nhận thức đã gây đau khổ và phiền não. Cái thói quen máy móc buồn tẻ trong công ăn việc làm, trong những nghi lễ tôn giáo, trong những nghi thức sùng thượng nhà nước… ta đã chán ngắt, đã mệt mỏi, đã kiệt quệ với các thứ ấy rồi, bấy giờ ta bèn tìm kiếm nhận thức đời sống trong những đường hướng mới khác, trên những bình diện mới khác. Nhưng, thực ra, chỉ có cái tâm thức không tích trữ kinh nghiệm, chỉ duy có tâm thức ấy mới sống ở từng đáy thăm thẳm.
Tất cả mọi kinh-nghiệm-đã-sống đều là kết quả của một sự khích động và của một phản ứng để đáp lại. Phản ứng này của tâm thức có thể tương ứng hoặc không, tùy thuộc vào hậu trường vào trạng thái qui định của tâm thức. Nói cách khác, chúng ta đã nương vào hậu trường, vào trạng thái qui định đặc biệt của chúng ta, để đáp ứng lại những khích động. Các ứng-đáp-phản-ứng này là kinh nghiệm, ta tác động chẳng khác nào như một cái vợt trong đó mỗi kinh nghiệm đều lưu lại một mớ cặn bã. Cặn bã này là ký ức, và chính bằng ký ức này ta giáp mặt với kinh nghiệm kế tiếp sau đó. Kinh nghiệm kế sau này, dù có rộng lớn, có sâu sắc, có trọn vẹn thế nào đi nữa, vẫn lưu lại nơi ta một cặn bã mới – hay ký ức – và do đó cứ tăng cường cái trạng thái qui định của ta.
Xin các ngài… đây không phải là một ý kiến và cũng không phải là để các ngài tin tưởng vào điều tôi nói. Nếu các ngài tự quán sát mình, các ngài sẽ thấy sự thể phát sinh y như vậy. Người nói đây đang miêu tả về sự việc tích trữ kinh nghiệm đã sống và các ngài đang quan sát tiến trình đó chính ngay trong tâm các ngài. Vậy không vì phải tin tưởng cả và tôi không đang tìm cách mê hoặc các ngài bằng danh từ.
Như thế, tất cả mọi kinh nghiệm, bất cứ kinh nghiệm nào, đều lưu lại cặn bã, cặn bã trở thành quá khứ, quá khứ là ký ức trong đó chúng ta sống. Cặn bã này chính là cái "ta", chính là cơ cấu của mọi hành vi vị ngã. Vì nhận thấy cái bản chất giới hạn tù ngục này của hành vi vị ngã, nên chúng ta tìm kiếm thêm vô số cảm giác rộng lớn hơn, hoặc ta mong người khác chỉ bảo ta cách thế chọc thủng sự giới hạn tù ngục đó hầu tìm thấy sự siêu thoát. Nhưng tất cả mọi công cuộc tìm kiếm loại này vẫn còn nằm trong khuôn khổ của những hành vi tích trữ và chỉ làm gia tăng thêm cái số đang được tồn trữ, gia tăng số cặn bã kinh nghiệm, dù cặn bã của một phút, của một ngày hay của những hai triệu năm rồi cũng thế.
Phải nhận thấy sự kiện đó thật rõ ràng. Phải ý thức sự kiện đó như ta ý thức sự đói bụng. Khi đói bụng, các ngài không cần ai bảo điều đó với các ngài: chính các ngài tự kinh nghiệm lấy. Tương tự như vậy, đích thân các ngài phải nhìn thấy rõ ràng rằng mọi kinh-nghiệm-đã-sống, dù đấy là sự ngạo mạn, ganh ghét hoặc hứng thú hoặc sợ hãi hoặc điều chi khác – đều lưu lại cặn bã trong tâm thức và rằng sự lặp lại triền miên và sự chồng chất trùng trùng lớp lớp của cặn bã này, hay kho dự trữ, chính là toàn cả tiến trình của tư tưởng chúng ta, của bản thể chúng ta. Mọi hành vi phát xuất từ tiến trình này, bất cứ trên mực độ nào, bắt buộc phải là thiển cận, cạn cợt và một tâm thức, muốn cứu xét xem có thể nào tìm thấy được một trạng thái bản nguyên độc đáo hay một thế giới không bị nhiễm độc bởi quá khứ tất nhiên phải thấu hiểu cái tiến trình đó của kinh nghiệm.
Vậy câu hỏi được đặt ra là: có thể nào giải thoát khỏi mọi hành vi vị ngã mà không có cố gắng, không nỗ lực giải trừ nó, để rồi tạo nên vấn đề không?
Tôi hy vọng đã đặt câu hỏi rõ ràng, bằng không thì những điều được trình bày kế tiếp sau đây sẽ thiếu minh bạch hoàn toàn.
Danh từ "tham thiền" [1] , đại khái, có nghĩa là suy xét một điều gì, khám phá nó, dừng lại với nó; hoặc cũng có thể danh từ ấy chỉ một tâm thái chiêm ngưỡng trong đó không có tư tưởng. Danh từ ấy rất ít có ý nghĩa đối với phần đất này của thế giới, nhưng nó mang một nghĩa lý phi thường ở Đông phương. Người ta đã viết nhiều về đề tài này, có nhiều trường phái giảng dạy những phương pháp và những hệ thống khác biệt về tham thiền.
Theo tôi, tất cả những cái đó đều phải là tham thiền. Tham thiền là tự "làm trống rỗng" tâm thức mình, chứ ta không thể tự cưỡng bách làm trống rỗng tâm thức mình bằng cách thực hành một phương pháp, theo một trường phái hay hệ thống. Một lần nữa cần phải thấy rằng tất cả mọi hệ thống đều hư ngụy. Thực hành một phương pháp tham thiền là đuổi bắt cảm giác và nhận thức, đó là toan tính sống một kinh nghiệm cao hơn hay "cùng tột", và khi ta đã thấu hiểu bản chất của tất cả mọi kinh nghiệm rồi, thì ta dẹp hết mọi phương pháp, ta gác chúng qua một bên, ta xa rời chúng vĩnh viễn, bởi vì ta không còn là đệ tử của ai cả, ta không còn tìm cách sống những kinh nghiệm nữa, ta không còn muốn có những thấy – biết nữa. Tất cả mọi tìm kiếm để thấy biết, tất cả mọi sự căng thẳng giả tạo về cảm giác – bằng những chất ma túy, bằng những giới luật, bằng những nghi thức lễ bái, sùng thượng, bằng cầu nguyện – đều toàn là hành vi vị ngã.
Câu hỏi của tôi bây giờ là: làm sao cho cái tâm thức đã thành thiển cận bởi tập tục, bởi tác động của thời gian, bởi ký ức và kinh nghiệm, làm sao một tâm thức như vậy có thể tự giải thoát trạng thái thiển cận mà không cần cố gắng? Làm thế nào cái tâm ấy có thể tỉnh thức trọn vẹn để sự tìm kiếm kinh nghiệm không còn nghĩa lý gì với nó nữa? Các ngài hiểu chứ? Cái gì đã là tràn đầy ánh sáng, tất không đòi hỏi thêm ánh sáng – tự nó là ánh sáng rồi, và tất cả mọi ảnh hưởng nhiễm độc, mọi kinh nghiệm xâm nhập vào vùng ánh sáng ấy liền được thiêu hủy từng phút từng giây, để tâm thức luôn luôn sáng tỏ, vô nhiễm mới có thể thấy được chỗ siêu xuất khỏi giới hạn đo lường của thời gian. Và cái tâm thái ấy phát sinh như thế nào?
Câu hỏi có rõ ràng không? Không phải là một câu hỏi, hay đó phải là câu hỏi của hết thảy mọi người, vậy tôi không gán ép cho các ngài đâu. Nếu tôi gán câu hỏi cho các ngài, các ngài sẽ biến nó thành một vấn đề, rồi các ngài tự hỏi: "Tôi phải làm sao cho được như thế đây?". Câu hỏi này phải được phát sinh từ chính nhận thức của các ngài, bởi vì các ngài đã sống, đã quan sát, đã thấy cuộc đời là gì và chính các ngài, các ngài đã nhận thức chính mình trong lúc mình hành động. Các ngài đã đọc, đã gom góp tài liệu, đã tiến bộ trong kiến thức. Các ngài đã thấy những người lanh lợi mà tâm thức giống như những bộ óc điện tử, thấy những giáo sư có thể phô diễn kiến thức thao thao bất tuyệt và các ngài đã gặp những nhà thần học có những ý niệm cố định, qua đấy họ đã xây dựng những lý thuyết tuyệt vời. Ý thức tất cả những điều đó, chắc chắn các ngài tự hỏi: làm sao một tâm thức đã là nô lệ của thời gian, con đẻ của quá khứ, làm sao một tâm thức như vậy có thể vứt bỏ quá khứ một cách trọn vẹn, dễ dàng mà không cố gắng. Làm thế nào cái tâm ấy có thể thoát khỏi thời gian mà không cần phải tuân theo một chỉ thị hay một động lực nào cả, và tự trở về nguồn cội cuộc sống uyên nguyên?
Khi câu hỏi ấy đã được các ngài trực tiếp giáp mặt với một vấn đề to tát, khi một điều lớn lao và tức thời xảy đến với các ngài? Sự va chạm ấy hết sức trọng hệ, hết sức đáng quan tâm, đến nỗi nó thu hút các ngài trọn vẹn, phải thế không? Tâm thức bị thu hút bởi sự kiện xảy ra bất ngờ phi thường ấy, do đó nó trở nên tịch lặng.
Đấy là một trong những hình thức của sự tịch lặng. Tâm thức các ngài phản ứng tựa như đứa trẻ quá thích thú khi được người ta cho đồ chơi. Đồ chơi thu hút nó, khiến nó tập trung, không còn phá phách ồn ào, không còn chạy nhảy lung tung nữa. Điều đó cũng xảy đến cho người lớn khi họ bị giáp mặt với một sự việc quá ư trọng hệ đối với họ. Không thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sự việc xảy đến, họ buông mình vào kinh nghiệm ấy và tâm thức họ tiếp nhận một sự va chạm đè bẹp họ, làm họ tê liệt bất động đến độ khiến họ câm nín đi một lúc. Chắc hẳn là cả thảy chúng ta đều đã sống những kinh nghiệm như thế rồi.
Cũng có thứ tịch lặng được phát sinh khi người ta xem xét vấn đề bằng sự tập trung trọn vẹn. Trong tâm thái này, không có sự lơ đễnh, vì ngay lúc ấy không có một hứng thú nào khác. Không gì khác làm bận rộn tâm thức được ngoài cái vật mà tâm thức đã dồn hết sức tập trung vào loại trừ tất cả mọi cái khác, và trong sự cố gắng này có một sinh lực, một đòi hỏi, một khẩn cấp khiến phát sinh một sự tịch lặng nào đó.
Nhưng khi tâm thức bị thu hút bởi đồ chơi, hoặc khi tâm thức say mê trong một vấn đề thì tâm thức chỉ biết lẩn trốn. Khi những hình ảnh, những biểu tượng, những danh từ như Thượng đế, đấng cứu thế và những cái khác xâm chiếm tâm thức, chúng cũng tạo nên một sự lẩn tránh, trốn chạy khỏi cái hiện tiền, và trong sự trốn chạy này cũng có một thứ tịch lặng. Khi tâm thức tự hiến và quên mình trong một sự đồng nhất trọn vẹn, tâm thức có thể hoàn toàn tịch lặng, nhưng nó rơi vào một trạng thái loạn thần. Ước vọng đồng nhất vào một mục đích, một ý niệm, một biểu tượng, một xứ sở, một chủng tộc, tức là mắc chứng loạn thần, như trường hợp tất cả những người gọi là tu thành mộ đạo. Họ tự đồng nhất vào Đấng Cứu thế, vào đức thầy, vào cái này cái nọ, điều đó tạo cho họ một niềm an ủi lớn lao và một cái nhìn hạnh phúc về đời sống. Thái độ này hoàn toàn là loạn thần.
Cũng còn có những tâm thức đã luyện được sự tập trung thuần thục, không lìa xa một ý niệm một hình ảnh, một biểu tượng nào mà các tâm thức ấy đã phóng hiện ra trước chính chúng. Và trong cái tâm thái tập trung ấy phát sinh được gì? Mọi sự tập trung đều là một cố gắng và mọi cố gắng đều là chống kháng. Sự thể đó lại trở về việc xây dựng một trường thành bọc quanh để bảo vệ chính nội tâm mình, chứa đủ một lỗ nho nhỏ qua đó họ nhìn một ý niệm hoặc tập trung, để đừng bao giờ bị lay chuyển, đừng bao giờ nghi ngờ âu lo gì nữa. Không bao giờ họ chịu mở tâm, họ sống trong cái vỏ tập trung, sau những tường lũy mà họ đã tạo thành bằng một sự đuổi bắt say mê và từ đó họ rút tỉa được một cảm giác nồng nhiệt sinh lực, một đà sống giúp họ thành tựu những việc phi thường, giúp họ cứu vớt những người nghèo túng, giúp họ sống trong sa mạc, giúp họ thực hiện những công cuộc từ thiện, đấy cũng vẫn còn là những hành vi vị ngã của những tâm thức tập trung vào một đối tượng duy nhất, loại trừ tất cả những cái khác. Điều đó, cũng tạo cho tâm thức một sự an bình và tịch lặng nào đó.
Thế nhưng, vốn có một sự tịch lặng khác, tuyệt đối không liên quan với những tâm thái bệnh hoạn kia, và đó mới chính là nỗi khó khăn của chúng ta, và tôi xin đứng đắn nói điều này là, khổ thay phần đông chúng ta đều ở mức chứng loạn thần, muốn thấu hiểu sự tịch lặng ấy, trước hết, chúng ta phải tự chữa dứt hoàn toàn chứng bệnh ấy. Trong sự tịch lặng mà tôi nói không có tình tự thương thân xót phận, không có những cuộc đuổi bắt, tìm kiếm kết quả, không có sự phóng hiện hình ảnh, không có những quan điểm và sự phấn đấu để tập trung. Sự tịch lặng ấy hiện đến không cần ta mời gọi, nó đến khi ta thấu hiểu cách thế tâm thức bị thu hút bởi một ý niệm và bởi những hình thức khác biệt của sự tập trung được áp dụng và cũng phải thấu hiểu toàn bộ tiến trình của tư tưởng nữa. Do sự quan sát, do sự xem xét những hành vi vị ngã khiến phát sinh một ý hướng giới luật mềm dẻo phi thường, và giới luật đó rất cần thiết. Giới luật này không phải là để bảo vệ, để phản ứng, nó không liên quan chi đến hành vi ngồi tĩnh tọa trong một góc, hai chân xếp bằng, cũng như không giống với những công phu tập ấu trĩ khác và trong giới luật này không có sự bắt chước rập khuôn, cũng không có một cố gắng nhằm thu đạt kết quả nào. Quan sát tất cả mọi vận hành của tư tưởng và của dục vọng, quan sát sự thèm khát những cảm giác mới, quan sát tiến trình sự đồng nhất – quan sát và thấu hiểu tất cả những điều đó khiến tự nhiên phát sinh một giới luật cởi mở và tự do. Với giới luật của trí huệ này, một nhận thức đặc biệt tức thời và trực tiếp, tức là trạng thái chú tâm trọn vẹn, sẽ phát sinh. Chính trạng thái chú tâm này chứa đựng đức hạnh, cái đức hạnh duy nhất và đích thực. Chứ cái thứ luân lý xã hội cái thức đức tính trước phát triển bằng chống kháng, bằng thái độ đạo mạo rập khuôn theo đạo đức của một xã hội, tất cả mọi điều đó đều không phải là đức hạnh. Có đức hạnh là thấu hiểu mọi cơ cấu xã hội mà con người đã tạo dựng quanh mình và thấu hiểu cái gọi là hy sinh mà người ta tưởng tượng mình thực hiện được trong những cuộc đồng nhất và cưỡng bách. Trạng thái chú tâm được phát sinh do sự thấu hiểu này và chỉ trong chú tâm mới có đức hạnh.
Cần thiết phải có một tâm thức đức hạnh, nhưng khi ta bằng lòng ép mình theo một khuôn mẫu xã hội và tôn giáo, của một xã hội nào đó dù là cộng sản hay tư bản, thì không có tự do. Tuy nhiên, không khác chi đức tính nhẫn nhục, ta không thể đào luyện được đức hạnh. Ta không thể đào luyện được đức hạnh cũng như không thể đào luyện được tình thương. Nhưng ở đâu có sự chú tâm trọn vẹn thì ở đó có đức hạnh và tình thương. Chú tâm trọn vẹn khiến sinh tịch lặng hoàn toàn, không những ở mức độ ý thức mà cả ở mực độ vô thức nữa. Ý thức và vô thức, thực ra vô nghĩa và nhận thức được sự vô nghĩa của chúng là giải thoát tâm thức khỏi quá khứ cũng như hiện tại. Đặt trọn vẹn chú tâm vào hiện tại là làm phát sinh sự tịch lặng, trong đó tâm thức không cần sống kinh nghiệm, vì nó không còn cần sống như thế nữa. Như thế, mọi kinh nghiệm đều chấm dứt. Tâm thái tỉnh thức trọn vẹn chính là một ánh sáng tự tại. Trong sự tịch lặng này có hòa bình. Không phải là thứ hòa bình của các nhà chính trị, cũng không phải thứ hòa bình giữa hai cuộc chiến tranh, đó là thứ hòa bình không do những phản ứng sinh khởi. Và khi cái tâm thái ấy tình hình tịnh định, ta có thể từ đó mà hành động. Sự hoạt động của tâm thái tịnh định hoàn toàn khác hẳn với hành vi vị ngã. Sự hoạt động này của tâm thái tịnh định đích thị là sáng tạo. Khi tâm thức có thể hoạt động với trạng thái tịnh định này, là nó đã nhận thức được sự chết và tình thương. Bấy giờ ta có thể sống trong cuộc đời này mà vẫn thoát "ngoài vòng tục lụy".
Các ngài muốn hỏi gì không?
H: Tôi ngưỡng vọng sự tịch lặng, nhưng tôi nhận thấy những công phu dự định của tôi càng lúc càng hư hỏng với thời gian.
K: Trước hết, ngài không thể ngưỡng vọng được sự tịch lặng, ngài không biết gì về sự tịch lặng. Thậm chí nếu ngài nhận biết điều chi về tịch lặng thì đó cũng là không phải là tịch lặng, bởi vì điều ta biết không phải là điều chân thực. Vậy ta cần phải cẩn thận đừng bảo rằng "ta biết".
Xin ngài hãy xem xét điều này: điều gì ta biết là điều ta nhìn nhận được. Tôi nhận ra ngài vì tôi đã gặp ngài hôm qua. Vì đã nghe ngài nói và biết được cách thế sống, cư xử của ngài nên tôi nói tôi biết ngài. Điều tôi biết đã là quá khứ rồi và từ quá khứ đó tôi nhận biết ngài. Nhưng ta không thể nhận biết được sự tịch lặng này, vì trong sự tịch lặng đó không có cái tiến trình nhìn nhận. Trước tiên ta phải thấu hiểu điều đó. Muốn nhận biết một điều gì, cần phải được tiếp xúc với nó đã, sống với nó đã, đọc hoặc nghe người khác mô tả về nó đã, nhưng cái điều được nhìn nhận, được biết, được mô tả không phải là sự tịch lặng mà ta ngưỡng vọng bởi vì cuộc sống chúng ta quá đỗi trống rỗng, buồn chán, ngu muội. Chúng ta muốn lẩn trốn tất cả những phiền toái của cuộc sống, nhưng ta không thể lẩn trốn được cuộc sống mà cần phải thấu hiểu nó. Và muốn thấu hiểu bất cứ điều gì, ta không cần phải hất hủi cũng như lẩn trốn nó. Cần phải có một tình thương bao la, một sự trìu mến đích thực với điều ta muốn thấu hiểu. Nếu muốn thấu hiểu một đứa trẻ, ngài không nên cưỡng bách nó cũng như so sánh nó với anh nó. Mà ngài phải nhìn ngắm nó, kỹ lưỡng quan sát nó với niềm trìu mến luyến thương, với tất cả tâm hồn ngài. Tương tự như vậy, ngài phải thấu hiểu những cái tầm thường mà ngài gọi là cuộc sống với tất cả những tình tự ghen ghét, xung đột, khổ lụy, nhọc nhằn, phiền não của nó. Do sự thấu hiểu đó bèn xuất sinh một niềm an hòa mà ta không thể tìm thấy bằng lần mò dọ dẫm.
Có một câu chuyện rất ngộ nghĩnh về việc một người đệ tử đến với vị đạo sư. Vị đạo sư ngồi trong một vườn hoa xinh đẹp và người đệ tử đến ngồi cận bên – không ngồi đối diện hẳn vì ngồi như thế bất kính lắm. Thế là người đệ tử ngồi hơi dịch sang một bên, chân xếp bằng và nhắm mắt lại. Vị đạo sư bèn hỏi: "Trò làm gì thế?". Mở mắt ra người đệ tử nói: "Thưa thầy, con đang luyện tâm, cố chứng đạt được cái tâm của Đức Phật" và nhắm mắt lại. Sau một lúc, vị đạo sư lượm hai hòn đá và cọ xát chúng vào nhau gây ra nhiều tiếng động, bấy giờ người đệ tử rơi từ trên cao xuống và hỏi: "Thưa thầy làm gì đó?". Và vị đạo sư đáp: "Ta cọ hai viên đá này vào nhau để làm một trong hai viên thành tấm gương". Người đệ tử nói: "Thưa thầy, chắc chắn thầy không bao giờ thành tựu, dù thầy có cọ hai viên đá này trong cả triệu năm đi nữa". Bấy giờ vị đạo sư mỉm cười trả lời: "Thì cũng thế, trò ôi, dù trò có ngồi đây, như thế, hàng cả triệu năm trò cũng không bao giờ đạt tới chỗ trò muốn đạt". Và đấy là việc cả thảy chúng ta đều làm. Ta có những địa vị, cả thảy chúng ta đều muốn đạt mục đích mà ta đang lần mò tiến tới, việc đó đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều tranh đấu, nhiều giới luật. Tôi e rằng tất cả mọi điều đều không thể làm mở cánh cửa được. Điều có thể làm mở cánh cửa là phải thấu hiểu mà không cố gắng, phải nhìn ngắm một cách đơn giản quan sát với thái độ trìu mến, thương yêu, nhưng ta không thể thương yêu nếu ta không từ tốn nhẫn nhục, và sự nhẫn nhục từ tốn chỉ có được khi ta không còn muốn chiếm hữu chi nữa cả, dù là chiếm hữu những thần thánh cũng như chiếm hữu một người.
30/7/1964
10.
Sáng nay, tôi xin phép trình bày về thế nào là tôn giáo trong thật nghĩa của nó. Tôi không muốn đưa ra một giải thích thuần về ngôn từ: tôi muốn thấu hiểu nó một cách sâu xa. Nhưng trước khi thâm nhập vấn đề này, ta cần phải nhận thức thật sáng suốt về thế nào là một tâm thức mộ đạo và thế nào là một tâm thái thật sự muốn dấn mình vào những cuộc tìm kiếm về tôn giáo.
Theo tôi, điều tối ư quan trọng là thấu hiểu sự khác biệt giữa cô độc và tâm trạng của người cô đơn. Đa số những hành vi thường của ta vốn xoay quanh bao bọc chính chúng ta, những hành vi ấy căn cứ trên quan điểm đặc biệt của ta, trên những kinh nghiệm riêng tư của ta và trên những khí chất đặc thù của ta. Ta tư tưởng theo gia đình ta, theo công việc ta, theo điều ta muốn thực hiện cũng như theo những tình tự sợ hãi, những nỗi hy vọng cùng thất vọng. Tất nhiên các thỏa thuận ấy đều đồng qui vào chính ta và nhận chìm chúng ta vào sau trong một trạng thái biệt lập như ta có thể nhận thấy trong đời sống thường nhật của mình. Chúng ta có những dục vọng thầm kín, những cuộc đuổi bắt ẩn khuất của ta, những tham vọng của ta, và chúng ta không bao giờ chịu giao tiếp thâm sâu với người khác: với vợ ta – hay chồng ta – với các con ta. Sự tự-biệt-lập này cũng là hậu quả của hành vi lẩn trốn một cuộc sống thường nhật đã làm cho chúng ta nhàm chán vì tính cách tầm thường của nó và bắt buộc chúng ta phải chịu đựng không biết bao nhiêu là sự mất mát thiệt thòi. Ta cũng tự biệt lập bằng nhiều cách thế lẩn trốn khác biệt, chính niềm cô độc phi thường đã đến ám ảnh chúng ta, khi bỗng dưng ta ý thức mình không dính líu với chi cả, khi mọi sự dường như xa cách quá với ta, ý thức rằng ta không còn cảm thông, thân thiết với ai hết. Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều cảm nhận hết sức sâu xa cái tình tự cô độc đó, nếu chúng ta có chút ý thức về chính nội tâm mình.
Vì niềm cô độc đó, vì bị sai khiến bởi ý hướng biệt lập, nên chúng ta cố đồng nhất mình vào một cái gì vĩ đại hơn chúng ta, đồng nhất vào quốc gia, vào một lý tưởng, hay vào một quan niệm về Thượng đế. Sự đồng nhất vào một cái gì vĩ đại hơn, một cái gì bất tử ngoài vòng tưởng niệm của ta, thường được gọi là tôn giáo, và đưa đến những tin tưởng, những tín điều, những nghi thức lễ bái, những đuổi bắt mâu thuẫn trái nghịch giữa nhiều phe phái tranh đua cấu xé nhau, vì cả thảy đều tin tưởng vào nhiều phương diện khác nhau của cùng một sự vật, thành thử cái ta gọi là tôn giáo ấy chỉ càng làm biệt lập thêm thôi.
Kế đó, ta thấy thế giới phân chia ra nhiều quốc gia tranh đua nhau, mỗi quốc gia có một chính phủ chủ quyền với những hàng rào kinh tế riêng rẽ. Mặc dù cả thảy chúng ta đều là con người, ta vẫn dựng nhiều tường lũy ngăn cách chúng ta với những người lân cận ta bằng tinh thần quốc gia và bằng các sự phân chia thành nhiều chủng tộc, nhiều môn phái, giai cấp mà chúng là những nguyên nhân tạo thành sự biệt lập cùng niềm cô độc.
Một tâm thức bị tù ngục trong cô độc không bao giờ có thể thấu hiểu được tôn giáo là gì, trong một trạng thái biệt lập như thế. Tâm thức ấy có thể tin tưởng, có thể tạo ra nhiều lý thuyết, khái niệm, công thức, có thể tìm cách đồng nhất vào cái gọi là Thượng đế. Nhưng tôi thiết tưởng tôn giáo không có gì dính líu với bất kỳ sự tin tưởng, vị đạo sư, giáo hội hay kinh sách gọi là "thần thánh" nào cả. Ta chỉ có thể thấu hiểu trạng thái của một tâm thức mộ đạo khi ta bắt đầu thấu hiểu thế nào là cái đẹp và sự thấu hiểu cái đẹp chỉ phát hiện khi ta hoàn toàn cô đơn. Chỉ trong tâm thái đó ta mới có thể biết được thế nào là cái đẹp: chỉ duy nhất trong tâm thái ấy thôi.
Cô đơn, một mình, hiển nhiên không phải là biệt lập, độc nhất. Độc nhất có nghĩa một cách giản dị là độc đáo ngoại lệ trong một cách thế nào đó, còn cô đơn trọn vẹn đòi hỏi một mức mẫn cảm, một trí thông minh, một sự thấu hiểu phi thường. Hoàn toàn cô đơn có nghĩa là sống với một tâm thức giải thoát mọi ảnh hưởng, tức là không bị nhiễm độc bởi xã hội, và phải sống như thế để thấu hiểu được thế nào là tôn giáo, nghĩa là để tự mình khám phá xem có cái gì là bất tử, vượt ngoài thời gian không.
Chứ như chúng ta hiện giờ thì tâm thức chúng ta là thành quả của hàng nghìn vạn năm của những ảnh hưởng sinh lý, xã hội được tạo nên bởi hoàn cảnh, bởi phong thổ, bởi ẩm thực, vân vân. Điều đó khá dĩ nhiên rồi. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi thức ăn vật uống, bởi báo chí ta đọc, bởi vợ chồng, bởi người lân cận, bởi chính trị, bởi radio, bởi tivi và muôn ngàn thứ khác. Chúng ta luôn luôn bị biến đổi bởi những gì trút đổ vào chúng ta từ mọi phía, vào trong vô thức lẫn ý thức. Và chúng ta không thể nào nhận thức được sự thể đó để không còn bị nô lệ, không còn bị nhiễm độc bởi sự thể đó sao? Thiếu vắng nhận thức đó, tâm trí chúng ta sẽ chỉ là những dụng cụ cho hoàn cảnh của ta thôi. Tâm thức ta có thể tạo nên những hình ảnh mà nó tưởng là Thượng đế hay là chân lý vĩnh cửu để tin tưởng vào, nhưng tâm thức ấy vẫn tiếp tục bị uốn nắn bởi những thúc bách của hoàn cảnh, bởi những trạng thái căng thẳng của nó, bởi những mê tín, những áp lực của chính nó và niềm tin của nó, nên tuyệt đối không phải là một tâm thái mộ đạo.
Là những tín đồ Cơ đốc, các ngài đã được dưỡng dục trong một giáo hội do con người tạo dựng trải quả một thời gian dài hàng hai nghìn năm, với những vị cố đạo, với những tín đíều, những nghi thức lễ bái của nó. Thuở bé, các ngài đã được rửa tội và khi các ngài lớn lên, người ta bảo với các ngài những điều các ngài phải tin tưởng. Tức là các ngài đã trải suốt qua tiến trình của trạng thái qui định và của sự tẩy não. Áp lực của thứ tôn giáo chuyên môn tuyên truyền đó rõ ràng là hết sức mãnh liệt, nhất là vì nó đã được tổ chức chu đáo và có thể gây một ảnh hưởng tâm lý, bằng giáo dục, bằng sự sùng thượng hình ảnh, bằng sợ hãi và bằng muôn ngàn cách thế qui định tâm thức. Ở khắp Đông phương, con người cũng bị qui định một cách nặng nề trầm trọng bởi những tin tưởng, tín điều, mê tín và tập tục có từ cả hàng vạn nghìn năm trước hay lâu hơn nữa.
Nhưng bao lâu không có tự do thì tâm thức không thể khám phá được sự thật – và để có sự tự do đó, tâm thức phải vượt thoát khỏi ảnh hưởng của quốc tịch các ngài và ảnh hưởng của giáo hội với những tin tưởng và tín điều của nó, và các ngài cũng phải thoát khỏi lòng tham lam, tính ganh tị, tình tự sợ hãi, nỗi thống khổ, sự tham vọng, tinh thần tranh đua, nỗi âu lo xao xuyến. Nếu tâm thức các ngài không giải thoát khỏi tất cả những điều đó thì bao nhiêu áp lực từ bên ngoài cũng như ngay chính trong tâm thức, sẽ tạo nên một trạng thái mâu thuẫn, đảo điên và rồi các ngài sẽ không thể khám phá được sự thật hay không thể tìm biết xem có một cái gì vượt ngoài vòng thời gian hay không.
Do đó ta thấy hành động giải phóng tâm thức khỏi mọi ảnh hưởng là cần thiết dường nào. Hành động đó có thể nào thực hiện được không? Nếu không, thì sự khám phá cái vĩnh cửu, cái vô ngôn, cái tối thượng không thể phát động được. Và để đích thân chúng ta trực tiếp tìm biết xem hành động đó có thể thực hiện được không, ta phải nhận thức mọi ảnh hưởng tác động trên ta, không những ngay ở đây, trong trại này, mà cả trong cuộc sống thường nhật của chúng ta nữa. Ta phải thấy cái cách thế mà ta bị nhiễm độc, bị uốn nắn, bị qui định. Dĩ nhiên là ta không thể luôn luôn ý thức vô số những ảnh hưởng đổ trút vào ta, nhưng ta có thể nhận thấy tự do giải thoát là điều quan trọng – và tôi nghĩ đó là đầu mối của vấn đề, và khi ta đã thấu hiểu chỗ cần thiết ấy thì vô thức liền trực nhận các ảnh hưởng đó, dù ý thức có khi không nhận thấy.
Tôi trình bày như thế rõ chứ? Điều tôi muốn vạch rõ là thế này: vốn có nhiều ảnh hưởng vô cùng tế nhị, chúng uốn nắn tâm thức ta và tâm thức bị uốn ăn bởi những thứ ảnh hưởng luôn luôn nằm trong vùng tù ngục của thời gian như thế, nên không sao khám phá được cái vĩnh cửu, thậm chí không biết vốn có cái vĩnh cửu ấy nữa. Vậy câu hỏi là thế này: nếu ý thức nơi ta tuyệt đối không thể nhận thức hết tất cả những ảnh hưởng mà ta chịu đựng thì ta phải là thế nào? Nếu các ngài tự hỏi mình điều đó một cách hết sức đứng đắn và hết sức chân thành để cho nó mời gọi trọn vẹn sự chú tâm các ngài, các ngài sẽ nhận thấy rằng cái phần vô thức trong các ngài, không hoàn toàn bị bận rộn, trong khi những tầng lớp cạn cợt của tâm thức đang hoạt động, nhận lấy hành động quan sát tất cả những gì toàn xâm nhập vào nội tâm các ngài.
Tôi thiết tưởng điều đó rất quan trọng cần phải thấu hiểu, vì nếu các ngài chỉ lo chống kháng hay chỉ biết tự bảo vệ chống lại việc bị ảnh hưởng, sự chống kháng đó, nguyên là phản ứng, sẽ tạo nên một trạng thái qui định mới khác cho tâm thức. Sự thấu hiểu toàn bộ tiến trình của ảnh hưởng phải được thực hiện mà không cần cố gắng, sự thấu hiểu đó phải là một nhận thức tức thời. Đây là cách thế phát sinh sự thấu hiểu ấy: nếu chính các ngài thật sự nhận thấy tầm mức quan trọng căn bản của việc đừng để bị ảnh hưởng, thì một phần nào đó của nội tâm các ngài: sẽ nhận lãnh việc ấy, một khi ý thức các ngài đang bận nghĩ một điều gì khác. Và cái phần tâm thức này rất tỉnh thức, luôn luôn rình rập chờ đợi. Vậy điều cần thiết là phải thấy tức khắc, nay bây giờ sự quan trọng lớn lao của việc đừng để bị ảnh hưởng bởi bất cứ trường hợp nào, bởi bất cứ ai. Đó mới là trọng tâm cốt yếu, chứ không phải tìm cách chống kháng hay phải làm gì khi bị ảnh hưởng. Khi nắm được sự kiện cốt yếu đó thì ta nhận thức rằng một phần của nội tâm luôn luôn tỉnh thức lanh lợi, luôn luôn nắm trong một trạng thái quan sát, luôn luôn sẵn sàng cởi bỏ mọi ảnh hưởng hành động bên ngoài, dù ảnh hưởng ấy cực kỳ tế nhị. Trong thái độ chối bỏ ấy, ta được tự do và cô đơn trọn vẹn, điều này khác với cô độc. Ta cần thiết phải cô đơn, bởi vì cái đẹp ở ngoài vòng thời gian và chỉ cô đơn ta mới có thể thấu hiểu được cái đẹp.
Đối với phần đông chúng ta, đẹp là một vấn đề cân đối, về hình dáng, về kích thước, về đường nét, về màu sắc. Chúng ta thấy một tòa nhà, một cội cây, một trái núi, một dòng nước và ta nhận thấy cái đẹp trong đó, nhưng người bên ngoài, tức-kẻ-quan-sát đang thưởng thức những cái đẹp ấy luôn luôn có mặt ở đó, và do đó, cái ta gọi là đẹp vẫn nằm trong phạm vi kỳ hạn, của thời gian. Tuy nhiên, theo tôi cái đẹp vượt ngoài vòng thời gian và tôi nghĩ rằng muốn biết cái đẹp thì sự tìm kiếm kinh nghiệm phải chấm dứt, bởi vì kẻ còn cần kinh nghiệm, tất nhiên còn tích trữ kinh nghiệm để rồi nương vào đó họ phán đoán, họ đo lường và tư tưởng. Khi ta nhìn một bức họa, khi ta lắng nghe âm nhạc, khi ta ngắm dòng sông cuồn cuộn chảy, thì thường ta nhìn ngắm từ một hậu trường kinh nghiệm đã được tích trữ, ta nhìn ngắm từ quá khứ, tức là thời gian, và theo tôi, hành động đó hoàn toàn không thấu hiểu được cái đẹp. Thấu hiểu được cái đẹp, có nghĩa là khám phá cái vĩnh cửu, chỉ có thể thực hiện được khi ta hoàn toàn cô đơn, một mình. Và điều đó không liên quan chi đến những lời giảng dạy của các vị đạo sư cũng như các tôn giáo có tổ chức. Tâm thức phải hoàn toàn thoát khỏi mọi ảnh hưởng, không bị nhiễm độc bởi xã hội, bởi cơ cấu tâm lý của tình tự tham lam, ham muốn, âu lo, sợ hãi. Khởi đi từ sự tự do này, ta mới cô đơn và chỉ trong trạng thái này, tâm thức mới có thể thấu hiểu được cái vượt ngoài vòng thời gian.
Cái đẹp và cái vĩnh cửu không thể tách rời nhau được. Các ngài có thể làm hội họa, có thể nhìn ngắm trời đất, nhưng nếu trong đó có lẫn lộn một hành vi của cái ngã – có một xao động vị ngã của tư tưởng – thì những gì các ngài nhận thấy không còn là đẹp nữa vì vẫn còn bị thời gian dung chứa và nếu các ngài không thấu hiểu cái đẹp, các ngài tuyệt đối không thể khám phá cái vĩnh cửu, cái bất tử. Tâm thức các ngài phải thoát khỏi thời gian, nghĩa là thoát khỏi những tập tục truyền thống, những tri thức do quá khứ tích trữ. Vấn đề không phải tin hay không tin: tất cả điều đó đều ấu trĩ, hoàn toàn trẻ con, không dính líu chi với vấn đề thực tại cả. Nhưng nếu ta thật chân thành, nếu ta thật sự muốn khám phá thực tại, ta phải hoàn toàn xa lìa những hành vi vị ngã của trạng thái cô độc, bấy giờ ta đạt đến một trạng thái cô đơn trọn vẹn. Và chỉ trong trạng thái ấy ta mới có thể thấu hiểu được cái đẹp, cái vĩnh cửu.
Nhưng các ngài hãy đề phòng: danh từ rất nguy hiểm, chúng là những biểu tượng và biểu tượng không phải là thực tại. Chúng chuyển đạt một ý nghĩa, một khái niệm, nhưng danh từ không phải là sự vật. Cho nên, khi tôi nói về cái vĩnh cửu, các ngài phải biết xem các ngài có bị ảnh hưởng bởi các danh từ tôi dùng không hay biết xem các ngài có rơi vào cạm bẫy của một tin tưởng không? Nếu thế thì hết sức là trẻ con.
Để biết xem có cái vĩnh cửu không, ta phải thấu hiểu thời gian. Thời gian là một vật thực sự lạ lùng – tôi không nói thứ thời gian tính theo đồng hồ, loại thời gian này vốn dĩ nhiên và cần thiết, tôi nói về sự tương tục tâm lý, và có thể nào sống mà không có sự tương tục này không? Vật đã thiết lập nên sự tương tục này đích thị là tư tưởng, là hành-vi-tư-tưởng mãi vào một điều gì? Nếu ngày nào các ngài cũng nhìn ngắm ảnh vợ các ngài, thì các ngài đã làm cho hình ảnh ấy tương tục. Và có thể nào sống trong đời này mà không tạo sự tương tục cho hành động hầu ta có thể đề cập mỗi vấn đề bằng một tâm thức mới mẻ không? Nghĩa là tôi có thể nào chết đi với mỗi hành động sống trong ngày, để tôi không còn bao giờ tích trữ gì trong tâm tôi nữa, để cho tâm thức tôi không bị nhiễm độc bởi quá khứ, để nó luôn luôn mới mẻ, tươi nhuận, vô tư vô nhiễm không? Tôi quả quyết rằng việc ấy có thể thực hiện được, rằng ta có thể sống như thế, nhưng đối với các ngài, có thể đó không phải là sự thật: điều đó chính các ngài đích thân tìm biết.
Như thể là ta bắt đầu nhận thấy rằng ta phải có một tâm thái hoàn toàn cô đơn nhưng không phải cô độc, biệt lập. Trong tâm thái ấy mới phát sinh được một cảm nhận phi thường về cái đẹp, về cái mà tâm thức ta không sao tác tạo được. Điều đó hoàn toàn không liên quan đến hành vi ráp nối vài nốt nhạc, sử dụng vài màu sắc để tạo thành một bức họa, nhưng vì tâm thức ta cô đơn nên nó thể nhập vào cái đẹp và do đó nó đầy mẫn cảm, và vì đầy mẫn cảm, nên nó đích thực thông minh, sự thông minh của nó không phải là thứ thông mình của xảo quyệt mưu mô hay của kiến thức, cũng không phải là cái khả năng để làm một việc gì. Tâm thức ta thông minh trong ý nghĩa là nó không bị nhiễm độc, không bị ảnh hưởng và không sợ hãi. Nhưng muốn sống trong trạng thái ấy, tâm thức phải luôn luôn đổi mới, nghĩa là phải chết đi với mỗi ngày sống của quá khứ, chết đi với tất cả những gì nó đã biết.
Nhưng, như tôi đã nói, danh từ, biểu tượng, không phải là thực tại. Danh từ cội cây không phải chính là cội cây, vậy chúng ta phải đề phòng đừng bị xỏ mũi bởi danh từ. Khi tâm thức thoát ly khỏi danh từ, biểu tượng thì tâm thức trở nên hết sức mẫn cảm và bấy giờ nằm trong một trạng thái khả dĩ giúp nó khám phá được thực tại.
Tóm lại đó là điều các ngài tìm kiếm tự bấy lâu nay, từ thời cổ sơ cho đến ngày nay, con người ước vọng tìm thấy một cái gì không do chính nó tác tạo nên. Dù rằng, các tổ chức tôn giáo vô nghĩa lý với người thông minh, nhưng chúng vẫn khư khư bảo rằng vốn có cái siêu việt, và con người luôn luôn tìm kiếm cái siêu việt vì họ triền miên sống trong đau khổ, phiền lụy, trong đảo điên, tuyệt vọng. Vì luôn luôn sống trong một trạng thái vô thường biến động, nên họ muốn tìm cái gì thường tồn bất biến, một cái gì trường cửu, liên tục và công cuộc tìm kiếm của họ, do đó, luôn luôn nằm trong vòng tù ngục của thời gian. Nhưng như ta có thể thấy đó, không có cái gì là thường tồn cả. Mọi tương giao của ta, mọi công việc của ta, tất cả đều thoáng qua, vô thường. Và bởi vì chúng ta quá sợ hãi sự biến mất, tiêu tan của vạn vật, nên chúng ta tìm kiếm cái nguyên lý thường tồn nên được chúng ta gọi là cái vĩnh cửu, cái bất tử hay bằng một danh từ khác. Nhưng công cuộc tìm kiếm cái thường tồn, cái bất tử, cái vĩnh cửu, chỉ là một phản ứng, nên hoàn toàn vô giá trị. Chỉ khi nào tâm thức thoát khỏi ý muốn về sự chắc chắn, tâm thức mới bắt đầu khám phá xem có cái được gọi là vĩnh cửu, vượt ngoài không, thời gian, vượt ngoài chủ-thể-tư-tưởng và ngoài những gì mà chủ thể ấy đang tư tưởng hay đang tìm kiếm không. Muốn quan sát và thấu hiểu mọi điều đó, đòi hỏi phải có một sự chú tâm trọn vẹn và một giới luật uyển chuyển do sự chú tâm ấy phát sinh. Trong trạng thái chú tâm đó, không có sự phóng tâm, đãng trí, không có cố gắng, không có một xao động nhằm vào chiều hướng nào cả, bởi vì một xao động loại này, mọi nguyên nhân thôi thúc, đều là hậu quả của một tâm thức bị ảnh hưởng nhiễm độc, hoặc bởi quá khứ hoặc bởi hiện tại. Trong cái trạng thái chú tâm thung dung buông xả đó, một sự tự do phi thường được phát sinh, và chỉ lúc bấy giờ – vì đã hoàn toàn trống rỗng, yên lặng không nhúc nhích – tâm thức mới có thể khám phá cái vĩnh cửu.
Có lẽ các ngài muốn đặt nhiều câu hỏi về vấn đề đã được trình bày sáng nay.
H: Làm sao thoát ly được ý muốn về sự chắc chắn.
K: Danh từ "làm sao" ngụ ý một phương pháp phải không? Nếu ngài là một kiến trúc sư và tôi hỏi ngài làm sao xây cất một ngôi nhà, ngài có thể trả lời tôi, bởi vì có nhiều phương pháp, nhiều hệ thống, nhiều cách thế để thực hiện việc xây cất. Nhưng việc áp dụng một phương pháp hay một hệ thống là đã qui định tâm thức rồi; vậy ngài hãy nhận thức chỗ khó khăn của việc dùng danh từ "làm sao".
Và chúng ta cũng phải thấu hiểu ý muốn nữa. Ý muốn là gì? Hôm trước, tôi đã giải thích đầy đủ về vấn đề này rồi, mong rằng quý ngài có mặt hôm ấy và đã thấu hiểu ý nghĩa của những điều tôi đã trình bày, sẽ không cảm thấy nhàm chán về những gì tôi sắp nói đây. Vì, thực ra, ta có thể lắng nghe cả ngàn lần tất cả những cuộc nói chuyện này và mỗi lần đều phát hiện thấy một cái gì mới lạ.
Ý muốn là gì? Như hôm trước tôi đã nói, trước hết có sự nhận thức (tức là thấy), kế đó có sự tiếp xúc (tức là sờ mó), tiếp theo là cảm giác và cuối cùng cái ta gọi là ý muốn trỗi dậy. Phải sự thể quả diễn tiến như vậy không? Xin các ngài hãy chú tâm theo dõi. Thí dụ, thấy một chiếc xe hơi đẹp. Sự thấy này, dù không sờ mó chiếc xe, vẫn làm phát sinh cảm giác, cảm giác này làm phát sinh ý muốn được lái, được làm chủ chiếc xe. Ở đây ta không cần biết coi phải làm sao chống kháng lại ý muốn hoặc làm sao thoát ly ý muốn, bởi vì kẻ bại xuội tê liệt, hắn đã chết. Điều quan trọng là thấu hiểu toàn bộ tiến trình của ý muốn, nghĩa là thấu hiểu đồng thời tính cách quan trọng và vô nghĩa của nó. Ta phải khám phá, không phải khám phá cách thế chấm dứt ý muốn, mà khám phá cái đã làm cho nó tương tục.
Cái gì làm cho ý muốn tương tục? Chính tư tưởng, phải không? Trước hết, có sự thấy chiếc xe, kế đó có cảm giác kèm theo là ý muốn, và nếu tư tưởng không xen vào làm cho ý muốn tương tục bằng cách bảo rằng: "Tôi phải có chiếc xe này, làm thế nào để có được đây?" thì ý muốn sẽ chấm dứt. Ngài theo kịp chứ? Tuyệt nhiên là tôi không bảo rằng cần phải vượt thoát khỏi ý muốn, trái lại thì có. Nhưng các ngài phải thấu hiểu toàn bộ cơ cấu của ý muốn, bấy giờ các ngài sẽ thấy rằng sự tương tục không còn nữa mà có một cái khác hẳn.
Vậy, điều quan trọng không phải là ý muốn, dục vọng, mà là sự việc ta làm cho ý muốn tương tục. Ví dụ, chúng ta kéo dài những ham muốn về tính dục của ta bằng tư tưởng, bằng hình ảnh, bằng cảm giác, bằng hồi tưởng kỷ niệm; chúng ta duy trì kỷ niệm sống động của những ham muốn ấy bằng cách tư tưởng đến chúng và hành vi đó làm cho ham muốn, ý muốn, dục vọng tương tục và gia tăng tầm mức quan trọng cho giác quan. Không phải cái cảm giác không quan trọng: chúng cũng quan trọng vậy. Nhưng cứ làm cho các lạc thú giác quan tiếp nối nhau sống mãi, nên chúng trở nên hết sức mãnh liệt trong đời sống chúng ta. Vậy điều quan trọng không phải là thoát khỏi những dục vọng, ý muốn, mà thấu hiểu bản chất cấu tạo của chúng và cách thế mà tư tưởng làm cho chúng tương tục. Đó là tất cả những gì ta phải làm và bấy giờ tâm thức mới thực sự tự do mà không cần phải tìm cách thoát khỏi dục vọng. Ngay khi ta tìm cách thoát khỏi dục vọng là ta rơi vào xung đột. Mỗi khi ta nhìn thấy một chiếc xe hơi, một người đàn bà, một ngôi nhà hay bất cứ vật gì khác hút dẫn ta, là tư tưởng liền xen vào và làm cho dục vọng tương tục, bấy giờ mọi sự đều trở thành là vấn đề vô tận.
Điều quan trọng là phải sống một đời sống trong đó sự cố gắng vắng mặt, một đời sống không có vấn đề, và ta có thể sống một đời sống như thế nếu ta thấu hiểu được bản chất cấu tạo của những dục vọng. Phần đông chúng ta có ngàn nghìn vạn vấn đề, và để thoát khỏi những vấn đề ta phải đủ sức tức khắc chấm dứt mỗi vấn đề khi nó vừa xuất hiện. Tôi nghĩ là chúng ta đã thảo luận vấn đề đó khá nhiều rồi, tôi sẽ không nói thêm nữa làm gì. Nhưng tuyệt đối cần thiết phải không có vấn đề nào cả, và phải sống một đời sống không cố gắng. Bấy giờ ta mới có một tâm thức thực sự mộ đạo bởi vì tâm thức ấy đã thấu hiểu đau khổ và sự chấm dứt của đau khổ; trong tâm thức ấy không còn chút sợ hãi và do đó, chính nó là ánh sáng cho tự nó.
2/8/1964
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Méditation
Nguồn: Ý nghĩa sự chết, đau khổ và thời gian của Krishnamurti. Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa dịch. An Tiêm xuất bản lần thứ II. In tại ấn quán Thăng Long 220A, Trương Minh Giảng, Sài Gòn. K.D. số: 3697 ngày 31-12-1968.
Hiển thị các bài đăng có nhãn Krishnamurti - Ý nghĩa về sự chết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Krishnamurti - Ý nghĩa về sự chết. Hiển thị tất cả bài đăng
20/7/10
Krishnamurti - Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian (3)
Krishnamurti
Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian
Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch
6.
Điều quan trọng là mỗi người nên nhận hiểu chín chắn đối tượng của công cuộc tìm kiếm nội tâm mình. "Tìm kiếm", đối với nhiều người, thường mang một giá trị phi thường. Ngoài cái nghĩa lý tự điển của danh từ này, hành động "tìm kiếm" ngụ ý về một sự vận hành từ vòng ngoài vào trung tâm. Bản chất của cuộc thâm nhập vào bên trong ấy tùy thuộc ở các tính khí, ở những cưỡng chế cùng những áp lực xã hội, ở những tai ương cùng những khổ nạn của đời sống, ở vô số những cố gắng kéo theo kinh nghiệm về chính sách. Tất cả những động lực, yếu tố đó bắt buộc phải "tìm kiếm". Nếu không có những áp lực, những tai ương cùng những khổ nạn, tôi tự hỏi không biết trong chúng ta có mấy người chịu nghĩ đến việc thực hiện công cuộc tìm kiếm nội tâm.
"Tìm kiếm", phải thế không, là dò dẫm với hy vọng khám phá một cái gì. Sáng này, tôi đọc thấy trong tự điển, nghĩa lý của danh từ ấy. Nó có nghĩa là đi quanh và tôi tự hỏi không biết người ta đi quanh cái gì, người ta tra hỏi, tìm kiếm với hy vọng gì và không biết có bao giờ người ta tìm thấy được điều gì không. Hay chẳng qua, đó chỉ là một ước vọng mơ hồ, thoáng qua, thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tính khí cùng những nỗi vui sướng và khổ đau của từng người.
Chúng ta có nói mãi về những công cuộc tìm kiếm nội tâm của ta. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là từ vòng ngoài ta dần dần thâm nhập vào trung tâm tùy theo tính nết, sở thích của ta và những áp lực của hoàn cảnh, tựa như ta đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, cố chọn lựa quần áo, để rồi cuối cùng chọn lấy bộ đồ vừa vặn và đẹp ý ta hơn hết. Khi các ngài bảo là mình "tìm kiếm" ý các ngài muốn nói thực ra, là thí nghiệm những ý niệm, những công thức, những khái niệm khác biệt, đi từ tôn giáo này sang tôn giáo nọ, từ vị đạo sư này sang vị đạo sư kia, cho đến khi nào ngài tìm gặp được một điều gì vừa ý, thích hợp với tính khí và những sắc thái riêng biệt của Tây phương. Nếu các ngài không thích những gì tìm gặp ở Tây phương, thì các ngài liền quay sang Đông phương với nền triết học cổ xưa và phức tạp, với vô số đức thầy và đạo sư cần phải chọn lựa ở đó, rồi các ngài sa lầy vào một ao tù tư tưởng hạn hẹp, ngỡ rằng mình đã chứng đạt một thực tại vĩnh cửu gì rồi. Hoặc nếu không làm thế, các ngài trở thành tín đồ Công giáo thực là nhiệt nồng hơn hay tín đồ của thuyết Hiện sinh… Có biết bao nhiêu là chủ thuyết trong thế gian này!
Theo tôi, không có Đông phương, Tây phương gì hết. Tâm trí nhân loại không đông tây gì cả. Dù uyên nguyên của chúng thế nào đi nữa, cả thảy mọi thần thuyết cũng như triết thuyết đều thiếu sự già dặn trưởng thành. Toàn là những sự bày đặt. Con người vì bị tù hãm trong những ngục thất tự tạo, liền đâm ra tin tưởng vài điều nào đó, rồi họ tạo dựng chung quanh những tin tưởng này, những thần thuyết và phóng hiện ra những triết thuyết kỳ dị. Các nhà thần học hay các triết gia càng khéo léo thì càng được đại chúng, độc giả, đệ tử dễ dàng chấp nhận.
Nhưng nơi đây chúng ta có làm như vậy không? Các ngài đến nghe tôi trong đôi ba tuần lễ, và nếu những gì tôi nói không thoả mãn các ngài, không đáp ứng những gì các ngài mong muốn, thì các ngài liền tìm đến giáo chủ khác hay các ngài chấp nhận một triết thuyết khiến các ngài thoả mãn hơn. Thế thì bao lâu các ngài chưa cắm đầu bị cuốn hút vào một dòng sông tư tưởng nhỏ mọn nào đó, thì các ngài sẽ cứ tiếp tục loanh quanh mãi, để rồi một ngày nào đó, có lẽ các ngài sẽ trở lại để tái diễn cái vòng luẩn quẩn.
Thiết tưởng các ngài cần phải thấu hiểu hiện tượng lạ lùng này ở Đông như ở Tây: sự việc hết bắt cái này sang cái khác, cứ lựa chọn mãi. Ý tôi muốn nói là chúng ta phải nhận thức thật rõ, thấy thật rõ ngay trong tâm chúng ta, xem chúng ta tìm kiếm gì, lý do của sự tìm kiếm và xem có cần thiết phải tìm kiếm không. Mọi vận dụng như vậy đều ngụ ý sự di động từ vòng ngoài vào trung tâm, từ những hoàn cảnh vào đến nguyên nhân phát sinh chúng, từ ở bề mặt vào tận căn nguyên cuộc sống. Chúng ta di động từ ngoại cảnh lần vào nội tâm, hy vọng khám phá được một cái gì chân thực, sâu mầu, cốt yếu, tối trọng. Trong sự tìm kiếm đó, chúng ta phấn đấu để thực hành những phương pháp và cách thức khác nhau, chúng ta tự hành hạ đày ải mình bằng những giới luật, thành thử suốt đời ta luôn luôn bị thống khổ thảm thương, tâm thức hầu như bị tê liệt, bại xuội.
Tôi e rằng đó là trường hợp của phần đông chúng ta. Ta di động từ vòng ngoài vào trung tâm, bởi vì, muốn biết làm thế nào để được hạnh phúc, muốn biết chân lý là gì, muốn biết Thượng đế và cái vĩnh cửu có hay không, nên ta cứ tranh đấu không ngừng để rập khuôn, để bắt chước, để tuân hành, để hành hạ đày ải tâm và trí ta bằng những giới luật, đến một lúc nào đó trong ta không còn gì là độc đáo, là chân, là thực nữa. Cuộc sống chúng ta như vậy đó. Hễ sự khổ não, cái áp lực cùng cái hằng sống ở vòng ngoài càng mãnh liệt thì ta lại càng muốn hướng vào trung tâm.
Nhưng có cách nào ngự ngay vào trung tâm tức thời và để rồi từ đó triển nở ra mà không cần phải tranh đấu để đạt đến đó không? Các ngài hiểu câu hỏi của tôi chứ? Trong bao triệu năm rồi, chúng ta đã tranh đấu để đi từ ngoài vào trong nhằm mục đích khám phá thực tại. Ta vừa thấy những gì bao hàm trong tiến trình ấy và tôi tự cho tiến trình ấy là phi lý. Tại sao tôi phải hành hạ đày ải tôi chứ? Tại sao tôi phải sao y, bắt chước, vâng lời? Không thể nào khám phá cái trung tâm ngự ngay trong đó và từ đó khởi đi triển nở thay vì hành trình ngược lại sao? Theo tôi làm cuộc hành trình đảo nghịch lại là tuyệt đối vô ích. Tôi hoàn toàn bác bỏ cuộc hành trình đó. Tôi từ chối sự đày ải hành hạ và từ chối làm đệ tử cho bất cứ ai. Tôi từ chối, không đọc một cuốn sách triết nào cả và không thèm mài giũa tâm trí bằng những lý luận tế nhị: tâm trí đã đủ sắc bén bởi tham vọng, bởi những âu lo, thất vọng và những tàn bạo của cuộc sống. Tôi từ chối mọi phương pháp, mọi pháp môn tu luyện, hay theo hầu một vị đạo sư, một đức thầy, một đấng cứu thế, từ chối bỏ tất cả những gì thuộc lãnh vực đó.
Tôi đang tư tưởng to lên bằng lời, không những cho chính tôi mà cũng để làm sáng tỏ vấn đề, hầu các ngài và tôi có thể cùng đồng cảm cảm thông với thực tại, thay vì cứ tiếp tục vùng vẫy mãi mãi trong những phản ứng có khuynh hướng đem ta từ ngoài vào trong. Tôi đang thể hiện thành ngôn từ những điều mà có thể các ngài cảm nhận trong những lúc hiếm hoi, khi mà các ngài đã mệt mỏi chán ngấy tất cả: chán ngấy những giáo hội, những chính khách, những ngân hàng, những ti tiện nhỏ mọn trong các mối tương giao về gia đình của các ngài, chán ngấy cái tẻ nhạt trong những bận rộn của công ăn việc làm, chán ngấy những cái xuẩn động ngu muội của đời sống làm nhơ nhớp phẩm giá con người. Đã kéo lê cuộc sống hai mươi năm hoặc dai dẳng hơn nữa để ngày lại ngày đến sở làm hay lo bếp núc, hay để hết sinh đứa con này lại sinh đứa khác, đã sống những niềm vui cùng nỗi buồn và thất vọng vì sa lầy trong sự tục tằn bần tiện ấy, hẳn đôi khi các ngài cũng đã tự hỏi có thể nào bỗng chốc, một cách bất ngờ, tìm thấy được cái cội nguồn uyên nguyên, tìm thấy chính ngay cái yếu tính của sự vật, mà nảy nở, không bao giờ cần phải đọc một quyển sách nào cả, nghiên cứu một triết thuyết nào cả, không cần phải sùng thượng một hình ảnh, một đấng cứu rỗi nào cả, bởi vì bất kỳ các ngài nhìn đâu, cái trung tâm ấy vẫn hiện diện ở đó, để rồi từ đó mọi hành động, mọi tình thương, tất cả những gì là hiện thực, đều phát hiện.
Sự kiện hiển nhiên là với lòng tham lam với tính ganh ghét, với ý hướng chiếm hữu, với những nỗi sợ hãi, với mối xúc động, với những niềm vui thoáng qua cùng những nỗi thoả mãn mê mờ của ta, ta vẫn còn là những con vật: những con vật tiến hoá cao độ. Khi ta quan sát thú vật, ta thấy rằng chúng cũng có cùng những mối xung động như ta. Những loài khỉ vượn giả nhân cũng biết ghen tuông và cũng có những khó khăn trong đời sống vợ chồng. Chúng tập hợp thành đoàn – ban đầu là đơn vị gia đình, kế đó thành bộ lạc y như chúng ta và có người bảo là rồi ngày nào đấy loài khỉ vượn này có thể ngồi vào Liên Hiệp Quốc như nhân loại vậy! Một sự kiện hiển nhiên là tính nết, sự sủng ái, lòng can đảm, nỗi sợ hãi, những cuộc chiến tranh những cái gọi là hoà bình cũng những cuộc tranh đấu của ta đều trỗi dậy từ cái hậu trường thú vật đó. Xin các ngài đừng cãi lẫy với tôi về vấn đề này: đấy là ý kiến của các nhà sinh vật học và các nhà nhân loại học, nếu các ngài cần kể ra những người có uy tín.
Có thể nào thoát ly tất cả những điều đó, không phải thoát ly trong một tương lai gần gũi, không phải thoát ly dần dần, nhưng là ta có thể nào chặt đứt ngay bằng một nhát, cái hậu trường thú vật ấy, dứt tuyệt nó, để rồi tạo dựng một nền luân lý đạo đức, một năng khiếu thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt hẳn không? Điều hiển nhiên là muốn sống chung với nhau, chúng ta cần phải có một nền đạo đức và một cách thế cư xử trong xã hội, nhưng nền đạo đức hiện nay của ta, phẩm hạnh của ta, các khái niệm tạo thành những công thức của đời sống thường nhật của ta, vốn mang đầy tính cách thú vật, dù rằng chúng ta không muốn nhìn nhận điều đó. Chúng ta thích nghĩ rằng bởi vì chúng ta có chút ít khả năng hơn, có hiệu năng hơn, có nhiều sáng kiến phát minh hơn loài khỉ, nên ta "người" hơn. Nhưng chính loài khỉ cũng biết dùng dụng cụ để cầm lấy đồ vật và vẫn có óc phát minh. Giữa chúng và chúng ta khác nhau rất ít.
Chúng ta nhận thấy sự tác động phi thường của thú vật và sự tác động không kém phi thường của tâm trí nhân loại khi nhân loại khao khát thèm muốn được an toàn, không những trong thế giới vật chất mà cả thế giới tâm lý nữa và ta thấy rằng khát vọng ấy do bản năng thú vật mà ra. Nhưng đồng thời con người muốn tìm thấy một cái gì chân thật, độc đáo, một trạng thái vô cấu, bất nhiễm. Có thể nào tìm gặp tâm thái ấy một cách độc đáo, một trạng thái vô cấu, bất nhiễm. Có thể nào tìm gặp tâm thái ấy một cách đột nhiên, không cần phải chuẩn bị, tìm kiếm không? Bởi vì cái đẹp không thể vun trồng đào luyện được: tình thương cũng thế, ta phải "rơi vào" nếu có thể nói như thế, như ta tình cờ "rơi vào" một phong cảnh mà ta chưa hề bao giờ thấy: nó ở đó, một cách đột nhiên, trước mắt ngài, phong phú và sống động tràn đầy, rồi ta hoà đồng và từ đó, ta sống, ta hành động, ta [1] "ngộ". Không làm một cố gắng nào cả, không khắc kỷ, không tìm kiểm soát, không cưỡng chế câu thúc bản thể bên ngoài của các ngài để rập khuôn, để bắt chước thì bỗng dưng các ngài thấy mình đối diện ngay với mạch sống, với cái nguồn cội uyên nguyên của mọi cuộc sống, và vì đã uống nên nguồn mạch đó, nên bản thể thâm sâu thấy rằng mình đã luôn luôn sống trong đó và đang sống trong đó tự bao giờ. Sự thể đó có thể có được không?
Tôi sẽ vạch cho các ngài thấy cái tầm mức quan trọng, cần thiết phải thực hiện cho được hành động đó. Nếu các ngài chấp nhận thời gian – hôm qua, hôm nay, ngày mai – tất nhiên các ngài phải bị vướng mắc trong cái tiến trình bại hoại, bởi vì các ngài luôn luôn phóng mình về ngày mai thành thử luôn luôn có cái hôm qua qui định hôm nay. Vậy thì cái quan năng tư tưởng, nguyên là kết quả của bao nhiêu thế kỷ dài dằng dặc, phải quên bặt thời gian. Các ngài theo dõi tôi chứ? Quan năng ấy phải gạt yếu tố thời gian sang một bên, bằng không nó bị tù hãm trong màn lưới của thời gian, của những cuộc tranh đấu để thành đạt, để trở nên, để đến đích mà thế chỉ tổ đưa nó đến đau khổ, khốn cùng, tan vỡ.
Thế thì ta có thể làm gì? Tôi muốn khám phá tức thời cái chân thật, tôi không muốn chờ đợi ngày mai ngày mốt, không chờ đợi một giây phút nào cả, tôi muốn ngự ngay "ở đó". Tôi nóng nẩy không chờ đợi được. Tôi không màng thiết đến thời gian, đến ý niệm rằng tôi sẽ thực hiện ở cuối mức kiếp sống này hay vạn kiếp sống nữa, theo tôi, ý niệm ấy thật là trẻ con, một sáng chế của những tâm trí lười biếng, rối loạn do thất vọng. Tôi muốn thật tỉnh thức sao cho hễ mở mắt, mở tâm, mở trí ra là chân lý có "ở đấy" rồi, và từ "đấy", tôi hành động, tôi sống, tôi vui hưởng những vẻ đẹp trần thế.
Bây giờ chúng ta nói đến cái vật mà tuyệt đối không thể sao chép được. Vật ấy, tôi muốn khám phá nó và tôi hy vọng các ngài cũng khám phá nó cùng với tôi. Nhưng nếu các ngài chỉ biết bằng lòng theo dấu tôi thôi, là các ngài lạc mất hướng.
Dù các tính khí có khác biệt, song tất cả mọi chuyển động từ vòng ngoài vào trung tâm đều là tích cực. Đó là sự tìm kiếm cố ý, một phản ứng phát sinh do lòng ham muốn tìm thấy, tất nhiên bao hàm có giới luật, có bắt chước, có vâng lời, có thực hành một phương pháp. Tất cả điều đó tạo thành cái tiến trình tích cực, hay ít ra cái mà các ngài gọi là tích cực.
Các ngài hãy lắng nghe với một tâm trạng thật giản dị, trong tâm các ngài đừng biện luận chi cả, rồi các ngài sẽ thấy điều trình bày là chân thật khi chúng ta tiến tới trong câu chuyện. Tôi không tìm cách mê hoặc các ngài hoặc tuyên truyền đâu: việc ấy ngu muội lắm.
Ta có thể nhận thấy sự vận dụng tích cực ấy và tất cả ý nghĩa của nó, nhận thấy nó ngay trong hiện tại, tức thời, miễn là ta đừng thấy bằng cái thấy lơ đễnh, miễn là đừng có ý nghĩ rằng để rồi sau này ta sẽ thấy nó rõ hơn, sẽ nghĩ về nó trong ngày mai ngày mốt. Nhìn thấy sự vận dụng tích cực này là nhìn thấy nó ngay tức thời, trong hiện tiền, thế là nó liền ngưng dứt trọn vẹn, ta không cần phải làm gì cả để ngưng dứt nó, không cần phải có một hành vi hữu ý, không cần phải có lý do hay cố ý tìm kiếm nhằm thu đạt một kết quả. Ta nhận thấy tính cách trẻ con của sự vận dụng tích cực này, thấy cái tính cách vô hiệu hoàn toàn của nó cùng với những đạo sư, những giáo hội, những thần thuyết, những nhà phát minh ra lý tưởng của nó, thế là tất cả đều rơi đi bởi vì ta nhận thấy sự thật này: không một vận dụng tích cực nào từ vòng ngoài hướng vào trung tâm mà đạt tới trung tâm được. Sự vận dụng ở bề mặt nỗ lực nhằm trở nên thâm sâu, bao giờ cũng vẫn là ở bề mặt. Nhìn thấy sự kiện này với một cái nhìn sắc bén và cực kỳ sáng suốt lúc bấy giờ ta đã bắt đầu thấu hiểu cái vẻ đẹp của sự vận dụng tiêu cực của tâm trí, không phải là tiêu cực phản nghịch lại tích cực mà là thứ tiêu cực hiện sinh khi ta đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của tất cả sự vận dụng tích cực. Bấy giờ ta không còn bị tù ngục trong sự vận dụng tích cực nữa, ta nằm trong một trạng thái tiêu cực vô niệm, nghĩa là vì đã thấu hiểu chân lý của những công cuộc chạy đuổi đó, tâm trí ngừng lại, không nhúc nhích, xao động nữa, do đó ta có thể nói là tâm trí nằm trong một trạng thái tiêu cực, các ngài hiểu không?
Tôi xin trình bày cách khác: Riêng cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào đề cập các vấn đề này và tôi cũng không muốn đọc, các vấn đề đó không làm tôi quan tâm vì tôi đã thấy ngay trong tôi toàn thể cả nhân loại, không phải thấy một cách huyền bí, văn hoa bay bướm hay có tính cách biểu tượng mà thấy bằng sự kiện thật. Tôi là các ngài và là thế giới. Trong là tất cả kho tàng của thế giới và muốn khám phá kho tàng đó, tôi chỉ cầu thấu hiểu chính tôi và vượt qua chính tôi. Nếu tôi không tự giác, tôi không có lẽ sống, không có thực chất, tôi chỉ là một thực thể rối loạn, và càng tìm kiếm, càng nghiên cứu và càng rập khuôn bắt chước, tôi càng sống trong hỗn loạn, càng nô lệ vào các nhà lãnh đạo tinh thần, vào tính khí cùng những dục vọng của tôi và cái trạng thái hỗn loạn trong tôi càng gia tăng.
Do đó tôi thấy cái hành động tự giác trọn vẹn, không cố gắng, nghĩa là không đặt hành động đó thành vấn đề, thật là quan trọng biết bao. Muốn tự giác, muốn thấu hiểu chính tôi, tâm trí tôi không cần phải làm một vận dụng tích cực để sửa sai hay không sửa sai những gì nó thấy chi cả. Như tôi đã nói hôm trước, cái tâm hữu thức cũng như cái tâm vô thức không có giá trị bao nhiêu và tôi phải thấu hiểu cái tính cách vô giá trị này. Tôi phải thấu hiểu tức khắc để cái tâm vô thức không còn lừa đảo, không còn phóng hiện ảo giác, dục vọng bí mật, lợi dụng lúc tôi lơ đễnh nữa mà sự lơ đễnh này rồi lại trở thành vấn đề.
Các ngài theo dõi những điều đó chứ? Tôi thấy rằng muốn thấu hiểu chính tôi, tôi cần phải có cái tâm thức không bị nhiễm bởi bất cứ ảnh hưởng nào, không có bất cứ dụng và cử động nào, một tâm thức trống rỗng mọi hành vi tích cực. Với cái tâm thức sáng suốt đó, tôi nhìn vào nội tâm tôi, chính cái nhìn này giải trừ chỗ hư ngụy của cái "tôi".
Không phải tôi đang sáng chế một triết thuyết và, xin lạy trời, các ngài chớ bảo đây là một quan điểm Đông phương. Các ngài hãy tránh tất cả những sự nông nỗi ấy. Tôi không thể hiện cái tính khí của một người trót sinh trong một xứ sở nắng cháy thiêu đốt làm nạm xám màu da. Vì cái nóng cháy ấy, vì sự lười biếng uể oải do sự nóng bức và vì nỗi bần hàn, nên nhiều người đã thâm nhập vào nội tâm họ để rồi do đó viết thành những triết thuyết, sáng chế những tôn giáo, những thần thánh cùng nhiều thứ rắc rối vô ích khác. Hãy dành những cái đó cho họ. Tôi không đề cập đến chúng. Điều tôi trình bày không phải thuộc Đông Tây, không phải có tính cách cá nhân hay phổ biến chi cả, tôi nó về chân lý của một tâm thái mà đột nhiên ta có thể ngự ngay trong đó, khi tâm thức không còn bị thôi thúc bởi ước vọng được thoả mãn, khi tâm thức không còn tìm kiếm kinh nghiệm nữa. Không ai dạy cho ta tâm thái đó, chính ta phải bắt gặp nó, hành động này đòi hỏi nhiều năng lực. Mà nói đến năng lực là tôi cố ý nói đến sự vận dụng tất cả sức chú tâm của chúng ta không một chút lơ đễnh xen tạp vào. Kỳ thực thì sự lơ đễnh không có. Cái ta gọi là lơ đễnh chỉ là sự không chú ý. Không phải thế sao?... Tôi thích có người không đồng ý về điểm này.
Cái gọi là lơ đễnh thật sự có không? Khi ban ngày, tôi nhìn quanh tôi, tư tưởng rải rác đây đó, nhảy nhót trên nhiều vấn đề khác nhau, nếu các vấn đề ấy di chuyển lôi kéo tôi ra khỏi con đường đi của mình, lôi kéo tôi ra khỏi cái trung tâm mà cái tôi ngự trị trong đó, tôi gọi như thế là lơ đễnh, nhưng nếu không có một trung tâm nào cả, không có một đường hướng qui ngã nào cả thì cũng không có sự lơ đễnh.
Sự kiện đó thật là quan trọng mà ta phải thấu hiểu. Nếu các ngài thấu hiểu một cách sáng suốt nội một sự kiện ấy, các ngài sẽ thấy rằng tất cả mọi nỗ lực của các ngài nhằm để tập trung, và do đó khiến phát sinh xung đột, đều tan biến trọn vẹn, và bấy giờ không còn có sự lơ đễnh nữa. Nhìn trời mây, ngắm khuôn mặt khả ái của một đứa trẻ, nghe tiếng thác đổ nhanh và tiếng động xé không gian của một phản lực cơ đang lướt nhanh trên đầu các ngài, quan sát người đời, quan sát các chính khách, các vị cố đạo, lắng nghe chính tâm và trí mình, nhận thức được những đòi hỏi thúc bách cùng những thất vọng của các ngài tất cả những cái đó từ cái nhìn trời mây cho đến cái nhìn vào nội tâm các ngài, tất cả đều không có gì là lơ đễnh cả, vì mỗi mỗi yếu tố đó đều dự phần tạo thành cái toàn thể. Chỉ có thể nhận thấy được cái toàn thể này nếu sự chú tâm được vận dụng trọn vẹn và sự chú tâm trọn vẹn bị chối bỏ nếu ta chấp nhận quan niệm về lơ đễnh. Ồ! Các ngài hãy nhận thức điều đó!
Khi sự chú tâm được trọn vẹn thì không có gì được coi là lơ đễnh cả. Những đòi hỏi về xác thịt, tình tự ganh ghét, những nỗi âu lo, sợ hãi, tình thương cùng những đam mê của các ngài, không có điều gì các ngài sống lơ đễnh cả. Mọi sự đều bao gồm trong ngọn lửa chú tâm, do đó không có gì là manh mún rời rạc cả. Nhà chính khách, vị cố đạo, nghi thức lễ bái đều dự phần tạo thành cái toàn thể. Chính trong sự vận dụng tích cực của tâm trí mới có lơ đễnh, chia ly manh mún, còn khi tâm trí không xao động, do đó "tiêu cực", nếu tôi có thể dùng danh từ này, thì đời sống không còn bị chia cắt phân đoạn nữa. Lúc bấy giờ, áng mây trời kia, hạt bụi, đóa hoa bên vệ đường nọ cùng những tiếng thì thầm của tâm tư các ngài, đều hoà hợp trong toàn thể. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu được cái toàn thể này khi sự vận dụng tích cực của tư tưởng hoàn toàn ngừng dứt.
Chắc các ngài cũng thấy rằng để ngự ngay, để thể nhập vào trung tâm, cội nguồn bản nguyên của mọi sự vật đó, cùng đích thị là cái tối thượng, thì mọi vận dụng của tư tưởng phải chấm dứt. Nhưng ta không thể nào khởi phát sự chấm dứt này bằng cách đày ải hành hạ tâm trí qua những giới luật, hay bằng cách đặt thành những vấn đề nan giải và quái dị – như người ta thường làm trong nhiều môn phái tôn giáo – khiến cho tâm thức câm lặng đi vì bị mệt nhoài nhừ tử. Tất cả mọi điều đó là việc trẻ con. Vậy trước hết các ngài phải nhận thấy cái sự thật về mỗi cử động của tư tưởng và cảm xúc của các ngài và các ngài chỉ có thể thực hiện hành động đó khi tâm thức các ngài hoàn toàn "tiêu cực", tịch lặng, an bình và hành động đó có thể được khởi phát lập tức, y như ta bước ra khỏi một con đường: con đường của hành vi tích cực mà con người đã theo đuổi hàng nghìn vạn năm rồi. Ta có thể bước ra khỏi con đường ấy liền, không có gì phải chờ đợi, hỏi han, tìm kiếm. Nhưng ta chỉ có thể bước được khi ta đã thấy toàn bộ hành vi của con người, chứ chẳng phải chỉ thấy sự vận dụng nội tâm của chỉ một người, nghĩa là khi ta đã thấy ngay trong nội tâm mình sự vận dụng của cái toàn thể. Khi ta nhận thấy tất cả những điều ấy chỉ nguyên với một cái nhìn – và sự việc nhìn này là sự việc duy nhất phải thực hiện, không còn việc chi khác nữa – ta mới thực sự tự do, để rồi từ đó xuất sinh hành động không gây tổn hại cho tâm thức.
Các ngài có muốn hỏi gì về các điều vừa được trình bày không? Hay chẳng còn gì để hỏi nữa?
H: Trưởng thành là gì?
K:. Phải về sự trưởng thành mà chúng ta đề cập không? Nhưng được, thưa ngài, trưởng thành là gì? Trưởng thành có liên quan gì với tuổi tác không? Với kinh nghiệm, với kiến thức, với khả năng không? Với sự tranh đua và tích trữ tiền bạc không? Nếu không phải là tất cả những điều đó thì trưởng thành là gì? Có liên quan gì với thời gian không? Ngài đừng vội bảo không một cách dễ dàng như thế. Nếu quả thực ngài đã thoát khỏi thời gian, nếu thời gian không còn hệ trọng gì với ngài cả, thì tâm thái của ngài thế nào? Tôi không đề cập thứ thời gian tính bằng đồng hồ, thời gian loại này hiển nhiên không có gì quan trọng cả. Nhưng nếu thời gian quả không mang một ý nghĩa tâm lý nào cả đối với ngài: thứ thời gian cần thiết để thành công, để hoàn thành, để vượt thắng, để chinh phục, để thấu hiểu, để so sánh, thứ thời gian cần thiết để trở nên lanh lợi, thì ngài sẽ không trưởng thành sao? Vậy chỉ có cái tâm thức vô tri, vô nhiễm mới trưởng thành, chứ chẳng phải thứ tâm thức đã tích trữ kiến thức, tri thức trong hàng nghìn vạn năm. Kiến thức, tri thức cũng cần thiết và vẫn có vai trò của chúng ở vài mức độ nào đó, nhưng chúng không phát sinh được ánh sáng cùng sự vô tư vô nhiễm. Sự vô tư chỉ hiện sinh khi mọi xung đột đều ngưng dứt. Khi tâm thức không còn vận chuyển trong bất kỳ một chiều hướng nào nữa cả, bởi vì tất cả chiều hướng đều đã được thấu hiểu, thì tâm thức liền ngự ngay trong một trạng thái bản nguyên [2] , tức là tâm thái vô tư vô nhiễm, và để rồi từ đó, tâm thức có thể tiến sâu vào cõi vô lượng mà có lẽ cái tối thượng vẫn hằng ngự trị. Chỉ với tâm thức ấy mới đích thị là trưởng thành.
23/7/1964
7.
Tôi muốn tiếp tục điều chúng ta đã đề cập hôm trước. Thiết tưởng điều quan trọng là phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về hành động. Tôi không dùng danh từ hành động một cách trừu tượng, hay xem đó là một ý niệm. Tôi nó về sự kiện hành động, làm một việc gì đó… Cuốc đất, làm vườn, đi tới sở làm, nhìn một cội cây, theo dõi nhịp vận chuyển của một dòng nước hay chỉ bước chân trên đường không tưởng niệm chi hết, vừa yên lặng quan sát sự vật – tất cả những gì ta làm đều là hành động, và một cách tổng quát thì hành động thường phát sinh xung đột: hoặc ta cho là hành động sâu xa hay cạn cợt, hành động lập đi lập lại, hành động trở nên buồn tẻ, mệt mỏi, chỉ là một động tác, một hành vi vô nghĩa. Vậy tôi thiết nghĩ điều quan trọng là phải thấu hiểu bản chất của hành động.
Bất cứ ta làm việc gì – đi, nói, nhìn, suy cảm – đều cần có năng lực, và năng lực này bị hoang phí đi khi nó biểu hiện trong một cuộc xung chướng. Như ta có thể nhận thấy dù hành vi của ta ở mức độ nào, chúng đều khởi phát trong ta một ý hướng cố gắng, một sức chống kháng nào đó, một sự từ chối, một sự tự vệ. Có thể nào hành động mà không có xung đột và không ngay cả cố gắng không? Chính đó là điều mà tôi muốn đề cập trong buổi sáng này.
Ta đã thấy những gì diễn ra trong thế giới: những máy móc, những bộ óc điện tử, những hệ thống tự động hoá, sẽ cho con người càng có thêm nhiều thì giờ nhàn rỗi, rồi những tôn giáo và những cuộc vui chơi có tổ chức sẽ độc quyền túm lây các khoảng thời gian nhàn rỗi ấy. Tôi không biết giữa hai cái thứ có tổ chức đó có sự khác biệt lớn lao nào không, để rồi ta sẽ phân biệt chúng. Khi một người có nhiều thì giờ nhàn rỗi, tất họ có nhiều năng lực hơn – thật nhiều năng lực – và xã hội muốn họ sử dụng năng lực họ với ý thức tốt, sao cho đừng phản nghịch lại xã hội. Muốn vượt thắng những tình ý phản nghịch lại xã hội mà họ có thể có, họ sẽ tự tan biến mình trong một tôn giáo có tổ chức hoặc trong những cuộc giải trí đủ loại. Hoặc họ biến mình trong văn chương nghệ thuật, âm nhạc, cũng vẫn là một cách thế giải trí. Kết quả là con người sẽ trở nên càng lúc càng thiển cận hơn. Có thể họ sẽ đọc hết sách vở của thế gian, tìm hiểu hết những chữ phức tạp trong thần học, triết học, khoa học, biết được một mớ sự kiện và chân lý diễn tả trong văn chương; cả thảy những tri thức ấy rồi cũng sẽ thiển cận như tất cả mọi hình thức tôn giáo và mua vui giải trí kia thôi. Các tôn giáo có tổ chức chủ trương là tìm kiếm chỗ nội tại trong hiện tượng cuộc sống, nhưng lại đòi hỏi những tin tưởng, những tín điều, những rập khuôn, những nghi thức như tất cả chúng ta đều thừa biết.
Nếu chúng ta không ý thức tường tận tất cả những sự qui định cố hữu đó của nền văn minh hiện đại, thì bao nhiêu năng lực của ta đều bị chúng thiêu đốt hết và do đó, hành động của ta sẽ hết sức thiển cận, cạn cợt. Và do sự thiển cận đó, ta sẽ tiếp tục duy trì các cuộc xung đột ở ngay trong nội tâm mình cũng như đối với tha nhân và xã hội. Trong mỗi địa hạt sinh hoạt của nhân loại – nghệ thuật khoa học, toán học, kỹ nghệ – và trong những mối tương giao giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa những người lân cận sẽ có những cuộc xung đột, mà xung đột là hoang phí năng lực. Để chấm dứt xung đột và bảo tồn năng lực, ta phải thấu hiểu một cách trực tiếp thế nào là hành động. Không có sự thấu hiểu này thì đời sống có thể sẽ càng phóng ngoại nhiều hơn, trong khi nội tâm ta càng thêm rỗng tuếch. Đây không phải là một quan điểm để ta thảo luận hay ta có thể nghi ngờ, cũng không phải là một ý kiến chống chọi lại các quan điểm khác, mà đấy là những sự kiện thực.
Trước hết, ta hãy xem hành động là gì theo như ta thường biết. Hành động luôn luôn có một nguyên nhân thôi thúc, nguyên nhân đó tế nhị hoặc lộ liễu, phải thế không? Ta theo đuổi một sự đền bù hoặc ta hành động vì sợ hãi hoặc ta cố đạt đến một cái gì. Hành động của ta luôn luôn là sự lấp khít vào một khuôn mẫu, vào một ý niệm hoặc cố gắng để tiến gần đến một lý tưởng. Rập khuôn, lấp khít, tiến gần, chống kháng, phủ nhận, đó là tất cả những gì ta biết về hành động trong đó bao hàm có một chuỗi dài xung đột.
Như tôi đã nói hôm nọ, cảm thông với một điều gì mà ta không kết hợp với nó một cách sâu xa, luôn luôn là việc khó khăn. Tôi muốn cùng với các ngài cảm thông về một tâm thái tuyệt đối phản nghịch lại những xung đột mà ta gọi là hành động. Vốn có một thứ hành động trọn vẹn, hành động không xung đột và tôi muốn nói với các ngài về thứ hành động đó mà không đòi hỏi các ngài chấp nhận hay từ chối. Tôi cũng không tìm cách mê hoặc các ngài…
Một trong những việc khó làm hơn hết đứng nói trên một diễn đàn trong khi có cả một cử toạ ngồi nghe – kể như các ngài ngồi nghe đi – và thiết lập được những tương quan chân thật giữa cử toạ và diễn giả, không phải các ngài đến đây để bị mê hoặc vì những lời lẽ bay bướm, mà tôi cũng không có ý định ảnh hưởng các ngài bất cứ bằng cách nào. Tôi không phải là một nhà truyền giáo cho bất cứ một ý niệm nào, tôi cũng không có ý dạy dỗ chi các ngài. Như tôi đã thường nói, ở đây không có giáo chủ cũng như đệ tử, mà chỉ có mỗi một việc là cùng tìm học, các ngài và tôi sẽ không cùng có một tâm thái tìm học nếu các ngài mong có người dạy dỗ các ngài, mong có người chỉ bảo các ngài phải xử sự ra sao. Chúng ta không đề cập đến những ý kiến, tôi không có ý kiến. Việc tôi thử làm là trình bày một vài sự kiện. Các ngài có thể nhìn thấy một vài sự kiện. Các ngài có thể nhìn thấy những sự kiện đó, tự các ngài có thể xem xét chúng hay không tùy ý. Thế có nghĩa là các ngài và tôi, chúng ta phải thiết lập giữa chúng ta những mối tương giao chân thật để từ đó phát sinh một sự cảm thông, một nhận thức, không những trên bình diện tri thức mà là một cách trọn vẹn về một sự kiện mà chúng ta sẽ cùng nhau quan sát. Vấn đề là không phải chúng ta thông cảm với nhau, mà là thông cảm với sự kiện, để sự kiện trở nên quan trọng hơn cả các ngài và tôi. Chỉ có sự kiện – với sự nhận thức chung của chúng ta về sự kiện ấy – mới có thể tạo nên hoàn cảnh, bầu không khí chân thật khả dĩ ảnh hưởng có thể một cách sâu xa. Tôi thiết tưởng hành động lắng nghe một điều gì – tiếng thác đổ, tiếng rì rào của cây lá, hay lắng nghe chính tư tưởng và tình cảm của chúng ta – trở nên quan trọng phi thường khi chúng ta lưu tâm xem xét chính ngay sự kiện, chứ không phải quan niệm nay ý kiến về sự kiện ấy.
Cả thảy chúng ta đều biết rằng hành động chúng ta khiến dấy sinh xung đột. Mọi hành động đều căn cứ trên một ý niệm, một khái niệm, một công thức hoặc một toan tính hướng đến một lý tưởng, tất nhiên khiến xung đột một cách không thể tránh được. Đó là điều hiển nhiên. Nếu tôi hành động theo một khái niệm thì tôi luôn luôn bị phân chia giữa cái tôi đang là với cái tôi nghĩa là, tôi sẽ phải làm cho chính tôi, thành thử không bao giờ có được một hành động trọn vẹn. Hành động như thế luôn luôn dấy sinh những động tác nữa đối với một ý niệm hay một lý tưởng, do đó xung đột luôn luôn là bản chất cố hữu của tất cả hành động như chúng ta thường biết – và sự hoang phí năng lực này là nguyên nhân gây tạo sự hư hoại trong chúng ta. Xin ngài hãy quán sát chính trong trạng thái và hành vi của tâm thức các ngài và các ngài sẽ thấy đó là sự thật.
Vậy tôi tự hỏi: có chăng một hành động không tư tưởng và tất nhiên không xung đột? Hay hỏi cách khác: hành động phải luôn luôn là nguyên nhân phát sinh cố gắng và tranh đấu? Chẳng hạn như: tôi nói đó là một hình thức hành động. Chắc chắn là trong hành động đó có xung đột nếu tôi cố gắng để xác định mình để là một nhân vật quan trọng, để thuyết phục các ngài. Vậy điều quan trọng trước tiên hơn cả là chính các ngài phải tự khám phá xem ta có thể nào sống và hành động mà không gây tạo một mảy may xung đột, nghĩa là xem có thể nào có một hành động mà trong đó tâm thức vẫn nguyên vẹn, không bại hoại, không méo mó. Và những méo mó tất không thể tránh được nếu tâm thức bị ảnh hưởng, bị nhiễm độc bất luận bằng cách nào, hoặc tâm thức dấn mình vào những tranh đấu luôn luôn làm tiêu ma hết năng lực. Khám phá được chân lý trong vấn đề này, theo tôi, là một lợi ích đích thực, và tôi nghĩ đối với các ngài cũng thế, bởi vì việc ta làm ở đây là tìm biết xem có thể nào sống mà không đau khổ, không thất vọng, không sợ hãi, không có những hành vi làm bại hoại chúng ta. Nếu điều đó có thể thực hiện được thì sao? Chuyện gì xảy đến đối với kẻ sống mà không bị nhiễm độc bởi xã hội, không sợ hãi, không tham lam thèm muốn, không tham vọng, không tìm cầu quyền lực.
Muốn biết điều đó, ta phải bắt đầu ý thức ngay chính cái tâm thái hiện tại của ta, với tất cả những cuộc xung đột, những nỗi khốn cùng, những thua thiệt, những bại hoại, hư hỏng, thất vọng của nó. Ta phải nhận thức chính ta một cách trọn vẹn và do đó năng lực ta gia tăng. Sự gia tăng năng lực này đích thị là hành động quét sạch khỏi tâm thức những cặn bã rác rưởi mà con người đã tích trữ hàng bao nhiêu thế kỷ nay.
Vậy tự thân hành động không phải là điều chúng ta quan tâm. Chúng ta muốn biết xem có thứ hành động không làm phát sinh mâu thuẫn dưới bất kỳ hình thức nào. Như chúng ta đã thấy, chính những ý niệm, khái niệm, công thức, khuôn mẫu, phương pháp, tín điều cùng những lý tưởng đã khiến phát sinh mâu thuẫn trong hành động. Vậy sống không ý niệm có được không, nghĩa là sống mà không có khoa học, không lý tưởng, không khái niệm, không tin tưởng? Điều tối ư quan trọng là phải tự mình khám phá chân lý về vấn đề này, vì ta có thể thấy rất rõ rằng tình thương không phải là một ý niệm, một khuôn mẫu hay một khái niệm. Phần đông chúng ta đều có ý niệm về thế nào là tình thương, nhưng khái niệm ấy hiển nhiên không phải là tình thương, hoặc ta thương hoặc ta không thương, thế thôi.
Có thể nào sống trong cuộc đời này, đi làm việc, nấu bếp, rửa chén, lái xe, làm tất cả mọi công việc thường ngày, mà vì chúng luôn luôn lặp đi lặp lại, nên khiến sinh xung đột – có thể nào sống và hành động mà không ý niệm, tức là giải thoát hành động khỏi tất cả mọi sự mâu thuẫn không?
Tự hỏi không biết có bao giờ các ngài đi giữa phố phường tấp nập hay trên một quãng đường vắng vẻ quạnh hiu, các ngài nhìn quanh mình mà không tư tưởng chi hết không. Vốn có một tâm thái quán sát, trong đó tư tưởng không xen tạp vào được. Mặc dù ta nhận biết hết tất cả, nhận biết người, núi non, cây cối hay chiếc xe hơi đang phóng qua, vậy mà tâm thức không vận chuyển theo cách thế thông thường của tư tưởng. Tôi không biết điều đó có bao giờ xảy ra với các ngài không. Hôm nào ngài lái xe chẳng hạn hoặc đang đi trên đường, các ngài hãy thử nhìn quanh mình mà đừng tư tưởng, hãy quan sát những phản ứng do tư tưởng khởi phát. Mặc dù ta nhận biết màu sắc, hình thể, dòng nước, chiếc xe, con cừu hay chiếc buýt, nhưng không có phản ứng, chỉ có một sự quan sát tiêu cực, và cái tâm thái quan sát tiêu cực này chính là cái hành động. Với cái tâm thái này – tâm thức chú ý mà không phản ứng – ta mới có thể hoàn tất mọi công việc thường nhật.
Phần đông người đời cứ tưởng nghĩ về mình mãi từ sáng đến chiều mà họ vận chuyển trong cái khung của hành vi vị ngã. Tất cả mọi hành vi loại này đều là phản ứng, tất nhiên khiến sinh xung đột và bại hoại. Có thể nào không vận chuyển trong khung sườn ấy mà vẫn sống trong cuộc đời, không phải ẩn náu trong hang sâu hoặc trú ngụ một nơi nào khác? Có thể xử sự như là một con người trọn vẹn, mà vẫn sống trong một tâm thái trống không (nếu tôi có thể dùng danh từ này không gây ngộ nhận)? Có thể nào ta vẫn làm việc, vẫn vẽ, vẫn làm thơ, vẫn nói năng mà luôn luôn trong nội tâm có một khoảng trống? Từ cái trống rỗng ấy ta có thể nào làm việc được không? Bởi vì khi trong nội tâm ta có khoảng trống rỗng đó, thì hành động không còn sinh mâu thuẫn nữa.
Tôi thiết tưởng thấy được sự kiện đó là điều tối ư quan trọng. Chính mỗi người phải tự mình nhìn thấy sự kiện đó, bởi vì không ai có thể dạy bảo cũng như giải thích sự kiện đó. Muốn khám phá sự kiện đó, trước hết ta phải thấu hiểu cái cách thế dấy sinh xung đột của mọi hành vi vị ngã đó và ta phải tự hỏi xem ta có thể nào bằng lòng với hành động như thế không. Ta có thể thỏa mãn với hành động đó trong nhất thời, nhưng khi ta thấy trong tất cả mọi hành động loại này, xung đột là điều không thể tránh được, rồi bấy giờ ta tự hỏi có chăng một hành động hoàn toàn khác biệt không sinh xung đột và tất nhiên ta nhận thấy hành động như thế quả có thực.
Bây giờ thì câu hỏi được nêu ra như thế này: tại sao chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn? Trong những mối giao tiếp của ta, trong tất cả mọi công việc ta làm, ta luôn luôn muốn thành tựu một điều gì, muốn tìm thấy một niềm khoái lạc trường tồn. Điều mà ta gọi là bất mãn chỉ phát sinh khi niềm khoái lạc này thiếu mất nơi ta và sự bất mãn đó khiến sinh cả một chuỗi dài phản ứng mới khác.
Tôi thiết tưởng một người thật đứng đắn và thấy hết mọi điều đó – thấy cái cách thế con người đã sống trong hàng nghìn vạn năm trong đau khổ và trong điên đảo tình hình – tất phải tự mình khám phá xem mình có thể nào sống, hoạt động mà không bị nhiễm độc bởi xã hội không. Người ấy chỉ có thể thực hiện được điều đó, nếu họ vượt thoát khỏi xã hội, tôi muốn nói vượt thoát khỏi cái cơ cấu tâm lý của xã hội, bao gồm sự tham lam, lòng đố kỵ, sự khát vọng và sự đề cao tự phụ. Khi toàn cả cái cơ cấu này đã được thấu hiểu và được dẹp sang một bên, là ta đã thoát khỏi xã hội. Vẫn có thể luôn luôn làm việc, mua sắm quần áo, sống một cách bình thường, nhưng ta đã thoát ly cái cơ cấu tâm lý làm méo mó tâm thức ấy rồi.
Rồi cuối cùng ta cùng đến giai đoạn tự mình khám phá thấy rằng sự vượt thoát này là một trạng thái bất động hoàn toàn, và sự bất động này chính là hành động trọn vẹn, nó không dấy sinh mâu thuẫn cũng như bại hoại.
Tôi đã kết thúc những điều tôi phải trình bày trong sáng nay, và có lẽ bây giờ chúng ta có thể thảo luận về mấy điều đó hay các ngài có điều chi cần hỏi tới không?
H: Ta có thể vẫn làm việc của ta và làm việc mà không có ý tranh đua được sao?
K: Ta không làm thế được sao, thưa ngài? Ngài có thể nào làm việc và lo tròn phận sự của ngài mà không tranh đua chi hết được không? Việc của tôi không phải là bảo rằng ngài có thể làm được hay không làm được, hoặc bảo rằng ngài phải làm như vậy, vân vân. Nhưng chính ngài có thể thấy những hậu quả của tinh thần tranh đua. Nó sinh ra thù địch, sợ hãi, hung hăng, theo đuổi những đòi hỏi thúc bách, không những ở ngay trong nội tâm ta mà cả ở ngoại cảnh, ở thế gian nữa. Đã thấy tất cả mọi điều đó nên ngài hỏi có thể nào sống trong cuộc đời mà không tranh đua. Thế có nghĩa là sống mà không so sánh, thế có nghĩa là làm một công việc mà ngài thực sự ưa thích, một công việc khiến ngài cảm thấy cực kỳ hứng thú. Nhưng nếu dấn mình vào một công việc mà ngài không ưa thích thì công việc ấy khiến ngài nhận lãnh nhiều trách nhiệm thì ngài nên tìm cách gì cũng thời làm việc đó mà không dấy khởi sự tranh đua. Hành động đó đòi hỏi một sự chú ý cao độ, phải thế không? Ngài phải hết sức ý thức mỗi tư tưởng, mỗi tình cảm của ngài, bằng không ngài chỉ tự gán ép cho mình cái ý niệm là không sinh tâm tranh đua, điều đó chỉ tổ sinh thêm vấn đề mới khác. Nhưng ngài có thể ý thức tất cả những gì hàm chứa trong tinh thần tranh đua, ngài có thể nhận thấy chân tướng của tinh thần ấy, cách thế nó khởi phát xung đột cùng những cuộc tranh đấu bất tận. Ngài có thể nhận thấy rằng nó không thể đưa con người vào thù hận đối địch, thiếu vắng thương yêu, dù nó có thể phát sinh điều mà ta gọi là tiến bộ và hữu hiệu. Nếu nhận thấy tất cả mọi điều đó, thì ngài sẽ hành động theo chỗ nhận thức của ngài, hoặc hành động theo đường lối tranh đua hoặc hành động theo cách thế hoàn toàn khác hẳn.
H: Tôi không tin rằng một hành động lặp đi lặp lại nhất thiết phải là một hành động nhàm chán, buồn tẻ.
K: Ngài biết không, người ta đang nhận thấy rằng vì người thợ trong xưởng máy cứ làm mãi một số cử động không đổi, nên năng suất của họ kém rất nhiều và người ta bảo với tôi rằng ở Mỹ châu, trong một vài ngành kỹ nghệ, họ đang thí nghiệm việc cho phép người thợ tập nghề ngay trong công việc của họ làm. Kết quả là vì công việc của họ không máy móc, nên họ sản xuất nhiều hơn. Ngay khi ta cảm thấy rất thích thú làm một vài công việc nào đó, nhưng nếu ta cứ tiếp tục lặp lại hành động ấy mãi, thì hành động đó cũng thành ra một thói quen nhàm chán.
H: Còn với người nghệ sĩ thì sao?
K: Nếu người nghệ sĩ chỉ biết lặp đi lặp lại thì họ không còn là nghệ sĩ nữa! Tôi cho rằng có thể lẫn lộn giữa hai danh từ lặp lại và sáng tạo, phải thế không? Sáng tạo là gì?
H: Anh thợ giày đóng giày cho tốt, thế là sáng tạo.
K: Đóng giày tốt, nướng bánh mì ngon, sinh con đẻ cái, làm thơ, vân vân… đó là sáng tạo sao? Xin các ngài đừng nói là phải hay không phải… hãy đợt một phút!
H: Tôi không hiểu làm sao ta có thể sống được trong một khoảng hư không trống rỗng.
K: Thưa bà, tôi e là có sự ngộ nhận giữa chúng ta. Tôi xin lỗi. Có lẽ do những danh từ tôi chọn dùng không được đúng. Bà không lĩnh hội được điều mà tôi gọi là sự trống rỗng… Nhưng đây, chúng ta đang nói về sự sáng tạo.
Tôi đã được nghe trong một trường đại học nào đó người ta giảng dạy cái gọi là văn chương sáng tạo, hội họa sáng tạo. Sự sáng tạo có thể giảng dạy được sao? Cứ luyện tập hoài một điều gì đó khiến có thể sinh một tâm thức sáng tạo sao? Một nhạc sư có thể truyền dạy cho các ngài về cái kỹ thuật chơi vĩ cầm, nhưng hiển nhiên là kỹ thuật không thể đem thiên tài đến cho các ngài được. Người có tinh thần sáng tạo có thể tự tạo cho mình cái kỹ thuật, nhưng thường thì người ta nghĩ rằng nên bắt đầu học lấy cái kỹ thuật trước đã. Hãy lấy một tỉ dụ thông thường, dù rằng tỉ dụ không phải là những giải thích. Thế nào là một cuộc sống giản dị? Ta cho rằng sống giản dị là phải chiếm hữu rất ít của cải, phải ăn thật ít, phải tránh làm cái này cái nọ. Bên Á châu, kẻ chỉ vận một cái y, sống cô độc một mình, và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, được xem là người sống rất giản dị. Nhưng có thể nội tâm họ là một hỏa diệm sơn bị thiêu đốt bởi những dục vọng, đam mê, khát vọng. Cuộc sống giản dị của người ấy chỉ là một dàn cảnh bên ngoài khiến người xem phải nghĩ: "Người này sống thật là giản dị". Mà cái tâm thái ấy thực ra, chính là tâm thái của đa số các ông thánh: bề ngoài trông họ giản dị, nhưng ở nội tâm, họ đầy tham vọng, họ gò bó tâm thức họ, họ tự ép mình rập khuôn theo vài kiểu mẫu nào đó, vân vân. Cho nên tôi nghĩ rằng sự giản dị phải bắt đầu từ bên trong, chứ không phải bên ngoài. Cũng tương tự như vậy, bằng phương thức diễn đạt bên ngoài, ta không thể nào khởi động sự sáng tạo. Sáng tạo là một trạng thái sống [3] chứ không phải là sư tìm kiếm phương tiện kỹ thuật để tự phô diễn. Trạng thái ấy là sự khám phá ra cái tối thượng và chỉ có thể phát sinh khi không còn bất kỳ hành vi nào của cái ngã trong bất kỳ chiều hướng nào.
Nhưng chúng ta hãy trở lại câu hỏi của bà này về sự trống rỗng. Phần đông người đời, mặc dù sống trong giao tiếp với kẻ khác, nhưng họ vẫn sống trong cô đơn. Tôi không nói về loại tâm thái ấy. Một tâm thái trống rỗng hoàn toàn khác hẳn với cái tâm thái cô độc. Cần phải có một khoảng trống giữa các ngài và tôi, chúng ta mới có thể nhận thấy nhau được. Cần phải có một khoảng cách tôi mới nghe được những gì các ngài nói và các ngài mới nghe được những gì tôi nói. Tương tự như vậy, cần phải có khoảng trống trong tâm thức chúng ta. Tôi muốn nói tâm thức chúng ta không nên chấp chứa quá nhiều đến nỗi bị chận nghẹt bế tắc. Chỉ khi nào tâm thức chúng ta có khoảng trống, không chấp chứa ôm đồm những hành vị vị ngã, ta mới nhận thức được thế nào là sống. Nhưng sống trong cô độc – điều đó không thể được.
H: Xin ngài nói thêm về năng lực.
K: Bất cứ làm việc gì, dù nhỏ mọn, tất phải cần có năng lực, phải thế không? Đứng dậy rời khỏi ghế, bước ra khỏi lều, suy nghĩ, ăn uống, lái xe, mọi hành động đều cần năng lực. Nhưng thông thường thì bất cứ là việc gì, trong tâm ta thường phát sinh một sự chống kháng làm phân tán năng lực đi, trừ phi hành động của ta đem khoái lạc cho ta, và trong trường hợp này thì không có xung đột, không có chống kháng nên năng lực được củng cố.
Như ban nãy tôi vừa nói, cần phải có năng lực để chú tâm được trọn vẹn và năng lực không gặp phải sự chống kháng, bao lâu không có sự lơ đễnh. Nhưng hễ có sự lơ đễnh xen tạp vào, nghĩa là hễ ta dụng ý tập trung vào một điều gì đó và đồng thời ta lại muốn nhìn ra cửa sổ, thì sinh ra có chống kháng, tranh đấu. Thế nhưng, nhìn ra cửa sổ cũng quan trọng như bất cứ nhìn ở đâu, và khi ta đã nhận được chân lý ấy thì không còn có sự lơ đễnh và xung đột nữa.
Muốn có năng lực về thân xác, dĩ nhiên ta phải được nuôi dưỡng bằng những thức ăn trong sạch, được nghỉ ngơi đầy đủ, vân vân. Điều này các ngài có thể chứng nghiệm ở ngay bản thân mình, khỏi cần thảo luận. Nhưng cũng có thứ năng lực tâm lý, năng lực này bị phân tán bằng nhiều cách khác biệt. Để có thứ năng lực này, ta nhớ đến nhiều chất kích thích. Ta đi nhà thờ, xem đá banh, đọc văn chương, nghe nhạc, tham dự những cuộc họp mặt như thế này chẳng hạn. Tất cả những điều đó kích thích và nếu các ngài tìm kiếm chính sự kích thích này, sự thể đó chứng tỏ là về phương diện tâm lý các ngài bị lệ thuộc vào một cái gì: lệ thuộc vào rượu chè, vào ma túy, vào vị đạo sư, giáo hội. Dù bất cứ hình thức nào, mọi sự lệ thuộc chỉ làm hôn mê tâm thức, ngoài ra lại còn phân tán năng lực nữa. Vậy để bảo tồn năng lực này, mọi nhu cầu về chất kích thích phải được đánh tan và để tránh ta lệ thuộc vào người, vào sách vở, vào công việc hay vào nhu cầu đi xi nê, bất cứ hình thức đặc biệt nào của chất kích thích mà ta tìm kiếm, ta đều phải nhận thức nó trước tiên. Chấp nhận sự cần thiết của những chất kích thích, chấp nhận sự sống với chúng là phân tán năng lực và làm hư hoại tâm thức. Nhưng nếu ta ý thức chúng và khám phá thấy cái tác động đích thực của chúng trong đời sống của ta, là ta đã thoát ly khỏi sự kiện đó rồi.
Bằng một nhận thức sắc bén nội tâm mình đây không phải là tự lên án mình với tất cả những gì bao hàm trong sự lên án đó, mà là nhận thấy chính mình y như mình là, mà không phân biệt chọn lựa chi cả - ta mới tìm học hầu lĩnh hội hết tất cả những gì liên quan đến các luồng ảnh hưởng cùng mọi hình thức lệ thuộc. Chính sự vận dụng này, đích thị là hành động tìm học, làm phát sinh nguồn năng lực cần thiết để ta thoát ly khỏi mọi sự lệ thuộc và kích thích.
26/7/1964
8.
Có lẽ sáng nay chúng ta nên dẹp hết sang một bên tất cả mọi vấn đề của ta: vấn đề kinh tế, vấn đề giao tiếp với tha nhân, vấn đề sức khỏe và cả những vấn đề rộng lớn hơn vây phủ chúng ta: về quốc nội và quốc tế, về chiến tranh, về đói kém, về bạo động loạn lạc, vân vân. Không phải chúng ta lẩn tránh các vấn đề ấy, nhưng nếu chúng ta có thể dẹp chúng sang một bên, dù chỉ trong buổi sáng này thôi, thì với một tâm thức tươi nhuận, một nhận thức sâu sắc hơn chúng ta mới có thể xem xét chúng một cách khác hẳn, một cách mới mẻ, đầy cương quyết và sáng suốt hơn.
Tôi thiết tưởng chỉ có tình thương mới có thể làm phát sinh một cuộc cách mạng đích thực, chứ tất cả mọi cuộc cách mạng khác, những cuộc cách mạng căn cứ trên những lý thuyết về kinh tế, hay trên những chủ nghĩa xã hội hay trên các chủ thuyết nào khác, đều chỉ có thể tạo thêm nhiều rối loạn mới khác, càng sinh thêm đảo điên và khốn khổ. Ta không thể nào hy vọng giải quyết được vấn đề căn bản của nhân loại bằng cách cải thiện rồi kết hợp lại vô số những thành phần riêng biệt của nó. Chỉ duy một tình thương rộng lớn mới có thể cho ta một cái nhìn toàn vẹn về vấn đề ấy, do đó mới vận dụng được một hành động toàn diện, thay vì cứ được một hành động toàn diện, thay vì cứ loay hoay với cái hành vi phiến diện manh mún được gọi là những cuộc cách mạng mà kỳ thực không đưa tới đâu cả.
Sáng nay, tôi muốn nói về một điều bao gồm toàn bộ cuộc sống, không chia ly manh mún đó là cách thể nhìn ngó toàn bộ cuộc sống con người, và để thâm nhập vào đó thiết tưởng chúng ta phải ngừng dấn thân vào những lý thuyết, những tin tưởng, những tín điều. Phần đông chúng ta không chịu ngưng đào bới cái bản chất của tư tưởng mình, nhưng hình như chúng ta không bao giờ chịu gieo giống, chúng ta phân tích, chúng ta thảo luận, chúng ta phanh phui sự vật ra thành từng mảnh, nhưng chúng ta không nắm được sự vận động toàn bộ của cuộc sống.
Tôi nghĩ là có ba điều cần phải được thấu hiểu một cách thâm sâu nếu chúng ta muốn lĩnh hội toàn bộ cuộc vận động của đời sống. Đó là: Thời gian, đau khổ và sự chết. Để thấu hiểu thời gian, để lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa của đau khổ và để sống cùng sự chết – tất cả hành động đó đòi hỏi phải có ánh sáng của tình thương. Tình thương không phải là một lý thuyết cũng không phải là một lý tưởng. Ta thương hoặc ta không thương, thế thôi. Điều đó không thể giảng dạy được. Ta không thể thâu nhập những bài học để biết phải thương yêu như thế nào và cũng không có một phương pháp nào với những công phu luyện tập hằng ngày, khiến có thể khởi sinh nơi ta một nhận thức về thế nào là thương yêu. Nhưng tôi nghĩ có thể thương yêu một cách tự nhiên, một cách dễ dàng, một cách tự phát, khi ta thật sự nhận thức được ý nghĩa của thời gian, nhận thức được chỗ sâu xa phi thường của đau khổ cùng cái trạng thái thuần khiết do sự chết phát sinh. Ý tôi muốn nói là ta phải xem xét bằng sự kiện thực, chứ không phải xem xét trên lý thuyết hay trong trừu tượng, bản chất của thời gian, tính chất – hay cơ cấu – của đau khổ và cái vật kỳ lạ mà người đời gọi là sự chết. Ba vật ấy không chia cách nhau được. Nếu ta thấu hiểu thời gian, ta mới thấu hiểu được sự chết cùng đau khổ là gì. Nhưng nếu xem thời gian như một vật gì khác biệt với đau khổ và sự chết, và nếu cố nhìn xét nó một cách biệt lập, thì quan điểm của ta sẽ phiến diện, chia lìa và ta không bao giờ lãnh hội được vẻ đẹp cùng mãnh lực của thương yêu.
Vậy sáng nay, chúng ta sẽ nói về thời gian, không phải nói trong trừu tượng mà trong hiện thực: thời gian như là một sự tương tục của cuộc sống. Có thứ thời gian của đồng hồ, giờ và ngày trải dài thành triệu triệu năm, và chính thời gian ấy đã phát sinh tư tưởng mà ta đang vận dụng để sống còn. Khả năng tư tưởng của ta là một thành quả của thứ thời gian ấy, nó đích thị là sự tương tục của đời sống và ta gọi sự cải thiện hay "đánh bóng" cái khả năng tư tưởng đó qua tương tục, là sự tiến bộ. Thời gian cũng còn là cái kỳ hạn tâm lý mà tư tưởng tạo nên như phương tiện nhằm tự thực hiện. Chúng ta dùng kỳ hạn đó để tiến bộ, để thực hiện, để trở nên, để tạo thành quả. Phần đông người đời xem đó như là bàn đạp để lấy đà phóng tới một cái gì vĩ đại hơn, tới sự phát triển một vài khả năng, tới sự toàn thiện một kỹ thuật nào đó, tới sự thực hiện một cứu cánh, một mục tiêu – mục tiêu này có thể là đáng giá hoặc có thể là không, rồi từ đó họ tưởng nghĩ rằng thời gian là cần thiết cho sự lộ bày, khai phá những gì là chân lý, là Thượng đế, là siêu thoát khỏi nỗi khổ nhọc của con người.
Thế thường, ta xem thời gian như là một kỳ hạn, một giai đoạn giữa cái lúc hiện tại và một điểm thời gian nào đó trong tương lai mà người ta sẽ tự thực hiện, và người ta dùng kỳ hạn ấy để đào luyện tính tình, để dứt bỏ một vài thói quen để phát triển các bắp thịt hay một vài quan điểm nào đó. Trong suốt hai ngàn năm qua, những tâm thức Cơ đốc đã bị qui định nhằm để tin tưởng vào một đấng cứu thế, vào địa ngục, vào thiên đàng, còn ở Đông phương, cũng có những sự qui định tương tự được dùng để áp chế tâm trí con người còn dài lâu cổ xưa hơn nữa. Người ta nghĩ rằng thời gian là cần thiết cho mọi điều mà người ta phải làm hoặc phải hiểu, do đó thời gian trở thành gánh nặng, trở thành rào cản ngăn chặn không cho nhận thức những sự kiện, ngăn chặn không cho nhìn thấy tức khắc nguyên nhân chân, giả của một điều nào đó, vì người ta tin rằng muốn được như thế cần phải có thời gian. Người ta bảo:
"Ngày mai trong hai năm nữa, tôi sẽ hiểu cực kỳ sáng suốt điều này". Ngay khi người ta chấp nhận thời gian là người ta đã dụng dưỡng sự biếng nhác, chính sự lười biếng kỳ lạ này đã ngăn chặn không cho nhìn thấy tức khắc chân tướng của sự vật.
Ta nghĩ rằng cần phải có thời gian để đoạn tuyệt với cái trạng thái qui định mà xã hội – với những tôn giáo có tổ chức, với những luật lệ về luân lý, với những tín điêu, với sự ngạo mạn, với tinh thần tranh đua của nó – đã khống chế tâm thức. Ta tư tưởng bằng thời gian vì tư tưởng thuộc trong thời gian: tư tưởng là phản ứng của ký ức và ký ức là thứ hậu trường đã được tích trữ, di truyền, thủ đắc bởi giống nòi chủng tộc, bởi tập đoàn, phe nhóm, bởi gia đình và cá nhân. Hậu trường ấy là thành quả của tiến trình tích trữ của tư tưởng và sự tích trữ này đã nương nhờ vào thời gian. Đối với phần đông chúng ta, khả năng tư tưởng đích thị là ký ức. Khi có một khích động hay một sự mời gọi thì chính ký ức phản ứng như một ứng đáp, tương tự như một bộ óc điện tử tác động bằng phương thức liên hợp. Vì tư tưởng là phản ứng của ký ức, nên ngay trong bản chất, nó là sản phẩm của thời gian và cũng là chủ thể cấu tạo nên thời gian.
Điều tôi trình bày không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một đề tài để suy nghĩ. Các ngài chả cần phải suy nghĩ chi về điều đó cả, tốt hơn các ngài hãy nhìn thấy những sự kiện ấy vì chúng là như thế đó. Tôi không đi sâu vào chỗ phức tạp của những chi tiết của các sự kiện đó, nhưng tôi chỉ vạch ra cho các ngài thấy các sự kiện cốt yếu, và trong hai điều này, các ngài phải thực hiện một: hoặc các ngài nhìn thấy các sự kiện đó hoặc không. Nếu các ngài theo dõi điều tôi trình bày, chứ không phải những danh từ được phát ngôn, nếu thay vì phân tích bài nói chuyện của tôi, các ngài nhận thấy thực sự rằng các sự kiện là như thế, các ngài mới có thể nhìn thấy cái cách thế mà thời gian nó lừa đảo mê hoặc chúng ta và lúc bấy giờ, câu hỏi được đặt ra là: thời gian có thể nào ngưng dứt không? Nếu chúng ta có thể thấy được toàn bộ tiến trình của hành vi chúng ta – thấy chiều sâu hun hút cùng bề mặt cạn cợt của nó, thấy vẻ đẹp cùng nét xấu của nó – không phải ở ngày mai mà thức khắc ngay bây giờ, thì chính nhận thức là hành động hủy phá thời gian.
Nếu ta không thấu hiểu được thời gian thì ta không sao thấu hiểu được đau khổ. Chúng không phải như ta tưởng, là hai nhân vật khác biệt nhau. Để đến sở làm, sống với gia đình, sinh sản, không phải là những sự việc khu biệt. Trái lại, tất cả mọi phương diện ấy của cuộc sống đều liên lạc nhau một cách sâu xa và mật thiết, và không có lòng mẫn cảm xuất sinh từ tình thương thì ta không thể nào nhận thấy được những mối liên lạc mật thiết phi thường đó.
Để thấu hiểu đau khổ, ta phải thật sự thấu hiểu bản chất của thời gian và sự cấu tạo của tư tưởng. Thời gian phải ngưng dứt, bằng không ta chỉ lặp đi lặp lại những kiến thức, tài liệu đã được tích trữ, tương tự như một bộ óc điện tử. Nếu thời gian không chấm dứt tức là tư tưởng không chấm dứt – thì ta chỉ biết lặp đi lặp lại, chỉ biết thích ứng, chỉ biết biến chế, chứ không bao giờ có mới mẻ nơi nội tâm ta. Chúng ta là những bộ óc điện tử được đề cao vẻ vang, tuy có đôi chút độc lập, nhưng chúng ta vẫn máy móc trong sinh hoạt.
Vậy để thấu hiểu bản chất và sự chấm dứt của đau khổ, ta cần phải thấu hiểu thời gian. Muốn thấu hiểu thời gian, ta cần phải thấu hiểu tư tưởng. Hai vật ấy không tách rời nhau được. Có thấu hiểu thời gian, ta mới chấm dứt được tư tưởng và thấu hiểu tư tưởng tức là chấm dứt thời gian, do đó chấm dứt luôn đau khổ. Nếu điều ấy đã được sáng tỏ thì ta mới có thể nhìn tận mặt sự đau khổ thay vì thờ phượng sùng bái nó như những người Cơ đốc. Thế thường, ta hay sùng thượng hoặc phá hủy điều nào ta không hiểu. Ta đặt điều đó vào trong một nhà thờ, một đền chùa hay trong thâm kín nào đó của tâm thức ta để rồi từ đó nó trở thành là một vật kinh khiếp, hoặc ta đá hất, quăng ném thải bỏ nó; hoặc ta lẩn tránh nó. Nhưng ở đây ta không hành động như thế. Chúng ta thấy rõ rằng, từ nhiều nghìn vạn năm qua, con người đã vùng vẫy mãi trong đau khổ, và không sao giải quyết được vấn đề, thành thử họ trở nên chai lì, họ đã chấp nhận đau khổ bảo rằng đó là một phương diện không thể tránh của cuộc sống.
Nhưng khư khư chấp nhận đau khổ, không những ngu muội mà đó còn là cách thế làm cho tâm trí thành hắc ám, vô cảm, hung bạo nông cạn, và do đó cuộc sống chỉ còn là một chuỗi dài ti tiện của những bạo lực và khoái lạc nối tiếp nhau.
Chúng ta sống những cuộc sống phân chia manh mún như là nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nghệ sĩ, là con người tình cảm, sùng đạo hoặc là gì khác nữa. Nhưng muốn thấu hiểu đau khổ và thoát ly đau khổ, ta phải thấu hiểu thời gian, tức là thấu hiểu tư tưởng. Bấy giờ ta nhận thấy rằng không thể nào chối bỏ, lẩn trốn, đào thoát khỏi đau khổ bằng cách vui đùa, đi nhà thờ, chấp nhận những tin tưởng có tổ chức, mà không thể chấp nhận và sùng thượng đau khổ. Nhưng để tránh những tệ đoan nguy hiểm ấy, ta cần phải có một sức chú tâm cao độ, tức là năng lực vậy.
Đau khổ thường mọc gốc rễ trong thái độ tự thương thân xót phận. Nếu ta muốn thấu hiểu đau khổ ta phải "mổ xẻ" sự thương thân xót phận đó một cách thẳng tay. Không biết các ngài có để ý thấy các ngài tự thương thân trách phận đến mực độ nào chăng khi các ngài nói: "Tôi cô độc". Ngay khi sự thương thân xót phận này xen vào là các ngài đã bồi đất cho cây đâm gốc mọc rễ rồi. Các ngài có thể biện minh cho sự thương thân xót phận này, có thể lý luận, có thể đánh bóng, phủ đậy nó bằng ý niệm, nhưng nó vẫn luôn luôn hiện diện ở đó, ung độc lở lói vào sâu nội tâm các ngài. Vậy, kẻ muốn thấu hiểu đau khổ, trước tiên phải khởi sự giải thoát khỏi cái mưu mộ ti tiện, bạo ngược và vị ngã là sự thương thân xót phận đó. Các ngài có thể cảm nhận được tình tự thương thân xót phận đó vì cầu nguyện bệnh hoạn hoặc vì có kẻ thân yêu qua đời hoặc vì các ngài chưa tự thực hiện được con người của mình, nên các ngài tự cảm thấy mình sút kém, lu mờ, nhưng dù thế nào, tình tự thương thân xót phận vẫn là gốc rễ của đau khổ. Hễ ta giải thoát khỏi tình tự này, là ta có thể nhìn tận mặt đau khổ, không sùng thượng hay lẩn trốn nó, hoặc gán cho nó một ý nghĩa cao thượng và đạo đức, hoặc nghĩ rằng cần phải đau khổ mới tìm thấy được Thượng đế, như thế quả thực là dại dột. Chỉ có những tâm thức mê mờ và ngu muội mới quy thuận với đau khổ. Vậy bằng cách này hay cách khác, không nên chấp nhận đau khổ mà cũng không chối bỏ nó. Khi ta đã giải thoát khỏi sự thương thân xót phận ấy thì ta đã lột bỏ hết mọi tình tự và cảm xúc của đau khổ có thể dấy sinh và lúc bấy giờ ta mới có thể nhìn tận mặt đau khổ với một sự chú tâm trọn vẹn.
Tôi hy vọng rằng đó là điều mà các ngài đang làm sáng nay khi chúng ta cùng tiến tới trong câu chuyện, và hy vọng rằng các ngài đừng bằng lòng chấp nhận trên bình diện ngôn từ những điều tôi trình bày. Các ngài hãy ý thức việc các ngài âu sầu chấp nhận đau khổ, ý thức những lý luận, những biện giải, ý thức sự thương thân tủi phận, thái độ tình cảm và xúc cảm của các ngài, bởi vì tất cả những thứ ấy đều làm hao phí năng lực. Muốn thấu hiểu đau khổ, các ngài phải đặt hết chú tâm của các ngài vào đó và trong sự chú tâm này không còn chỗ chứa những biện giải, những tình cảm những lý luận cũng như tình tự thương thân xót phận.
Tôi hy vọng các ngài thấu hiểu rõ ràng qua lời trình bày của tôi, khi tôi khuyên các ngài nên đặt hết chú tâm vào đau khổ. Trong sự chú tâm này không có một cố gắng nào nhằm để giải quyết hoặc thấu hiểu sự đau khổ. Ta nhìn, ta quan sát, chỉ có thế thôi. Mọi cố gắng nhằm thấu hiểu, nhằm lý luận hoặc lẩn tránh đau khổ, đều là thái độ chối bỏ cái tâm thái tiêu cực của sự chú tâm trọn vẹn, mà chỉ trong tâm thái này cái gọi là đau khổ mới có thể được thấu hiểu.
Không phải chúng ta đang phân tích, đang khám phá đau khổ bằng lối phân tích nhằm một cách dứt bỏ đau khổ, vì các động tác đó của tâm trí chỉ là những mánh khóe xảo quyệt. Tư tưởng, đứng ra làm cuộc phân tích, tưởng tượng rằng đã thấu hiểu và thoát ly đau khổ. Tưởng tượng thế là dại dột. Các ngài có thể dứt bỏ được một sự đau khổ đặc biệt nào đó, nhưng đau khổ vẫn sẽ tái hiện dưới một hình thức khác. Chúng ta nói về đau khổ trong cái toàn thể của nó, tự thân của đau khổ, dù là đau khổ của tôi hay của các ngài hay của một người nào khác.
Như tôi đã nói, để thấu hiểu đau khổ, cần phải thấu hiểu thời gian và tư tưởng. Phải nhận thức rõ để không phân biệt chọn lựa tất cả mọi cách thế lẩn trốn, tất cả những gì là thương thân xót phận được phô diễn thành ngôn từ, làm như thế để cho tâm thức được hoàn toàn tịch lặng đối diện với điều ta muốn hiểu. Trong đó, tuyệt nhiên không có sự chia cách giữa chủ thể quan sát và đối tượng bị quan sát: Không phải chính các ngài, chủ thể quan sát, người tư tưởng, đang đau khổ và đang nhìn thấy đau khổ: Chỉ có một tâm thái duy nhất. Cái tâm thái đau khổ bất khả phân này hết sức cần thiết, bởi vì khi ta nhìn đau khổ như là một chủ thể quan sát là ta đã tạo nên cuộc xung đột làm ngưng trệ tâm thức, làm hoang phí năng lực và do đó loại trừ sự chú tâm.
Khi ta thấu hiểu bản chất của thời gian và tư tưởng, khi ta đã bứng gốc sự thương thân xót phận, bứng gốc tình cảm, cảm xúc và tất cả những gì bao hàm trong đó thì tư tưởng, nguyên là nguồn cội dấy sinh tất cả sự phức tạp ấy, liền chấm dứt và thời gian không còn nữa. Bấy giờ ta tiếp xúc trực chỉ và mật thiết với vật mà các ngài gọi là đau khổ. Ta duy trì đau khổ khi ta lẩn tránh đau khổ, khi ta muốn trốn chạy nó hay muốn giải quyết nó hay sùng thượng nó. Nhưng khi tất cả mọi hành động đó đều không có, bởi vì ta đã giáp mặt trực tiếp với đau khổ và do đó ta tuyệt đối lặng yên trước đau khổ, ta liền khám phá rằng ta không đau khổ chi hết. Ngay khi tâm thức các ngài tiếp xúc trọn vẹn với sự-kiện-đau-khổ thì chính sự tiếp xúc ấy giải quyết tất cả những gì đã nương nhờ vào thời gian và tư tưởng, làm tái sinh sự kiện đó. Và thế là đau khổ chấm dứt.
Bây giờ, làm cách nào chúng ta có thể thấu hiểu được cái mà chúng ta gọi là sự chết, và chúng ta quá đỗi sợ hãi? Con người đã tạo biết bao nhiêu là đường lối quanh co để đề cập sự chết: những thờ phượng, những lý lẽ để chối bỏ nó, vô số những tin tưởng, vân vân. Nhưng để thấu hiểu sự chết, tất nhiên phải đề cập nó bằng một tâm thức mới mẻ, bởi vì các ngài không biết gì về sự chết cả, phải thế không? Các ngài đã thấy nhiều người chết, và các ngài đã quan sát, ở chính các ngài cũng như những người khác, cái chết lần mò tiến đến cùng với tuổi tác và sự tiêu mòn hư hoại do tuổi tác đem lại. Các ngài biết rằng sự sống của xác thân cáo chung với sự già nua, với tai nạn, với bệnh tật, với sát hại hoặc với tự vẫn, nhưng các ngài không biết sự chết như cái ngài biết về những ham muốn tình dục, sự đói khát, tính hung bạo, sự tàn nhẫn. Các ngài không nhận biết một cách đích xác trọn vẹn chết là gì, và bao lâu các ngài không thấu hiểu, thì sự chết sẽ vô nghĩa đối với các ngài. Điều mà các ngài sợ hãi là một sự trừu tượng mà các ngài không quan niệm nổi. Bởi vì không nhận biết được sự sung mãn của cái chết là gì, và bao lâu các ngài không thấu hiểu, thì sự chết sẽ vô nghĩa đối với các ngài. Điều mà các ngài sợ hãi là một sự trừu tượng mà các ngài không quan niệm nổi. Bởi vì không nhận biết được sự sung mãn của cái chết và những nghĩa lý bao hàm trong đó, nên tâm thức các ngài sợ hãi nó: tâm thức sợ hãi các ý niệm về sự chết, chứ không phải nó sợ hãi chính sự kiện mà nó không biết.
Xin các ngài hãy xem xét điều này với tôi: nếu các ngài chết tức tốc, các ngài không có thì giờ để nghĩ đến cái chết và sợ hãi nó. Nhưng đây lại có một khoảng cách giữa hiện tại và lúc cái chết sẽ đến, và trong kỳ hạn đó các ngài có thời giờ để âu lo và lý luận về cái chết. Các ngài muốn kéo dài cuộc đời trong một cuộc sống khác – nếu cuộc sống khác đó có – kéo dài tất cả những nỗi lo âu, tất cả những ham muốn, những tri thức mà các ngài đã tích trữ, thế rồi các ngài tin tưởng vào một hình thức bất tử nào đó. Với các ngài, sự chết là một vật cách biệt với sự sống. Cái chết ở đằng kia, một nơi nào đó, còn các ngài thì ở đây, đang lo sinh sống, đang bận lái xe, đang bận hưởng khoái lạc dâm dục, đang cảm thấy đói, đang tạo ưu phiền, đang chạy áp phe, đang tích trữ kiến thức, vân vân. Các ngài không muốn chết vì các ngài chưa viết xong quyển sách của mình, vì các ngài chưa chơi vĩ cầm tuyệt hay. Thế rồi các ngài phân chia sự chết với sự sống và các ngài tự bảo: "Bây giờ tôi muốn hiểu sự sống, còn sự chết thì sau rồi tôi sẽ hiểu". Thế nhưng, chết sống vốn không cách biệt nhau, và đấy là điều trước tiên cần phải thấu hiểu. Sống và chết là một. Chúng liên quan mật thiết với nhau. Ta không thể khu biệt chúng ra và tìm hiểu cái này tách lìa cái kia được. Mà phần đông chúng ta lại làm như thế. Ta chia cắt sự sống ra nhiều khu vực kín mít, không dính dáng chi với nhau cả. Nếu các ngài là nhà kinh tế học thì các vấn đề kinh tế là tất cả mối quan tâm của các ngài, ngoài ra các ngài không biết chi hết. Nếu ngài là y sĩ chuyên môn về mũi họng hay về tim thì ngài sống trong phạm vi hạn định của những kiến thức đó suốt trong bốn năm chục năm và đó là thiên đàng của ngài khi ngài chết.
Như tôi đã nói, hễ nhìn xét cuộc sống một cách chia ly manh mún là sống triền miên trong điên đảo hỗn loạn, trong mâu thuẫn của đau khổ. Cần phải nhìn thấy cái toàn thể của cuộc sống và ta chỉ có thể nhìn thấy được cái toàn thể khi lòng tràn đầy trìu mến, thương yêu. Tình thương là cuộc cách mạng duy nhất khả dĩ ổn định được trật tự trong thế giới. Việc thu đạt thêm nhiều kiến thức về toán học, về y học, về sử, về kinh tế và kế đó ráp nối tất cả các mảnh vụn ấy lại, là điều hoàn toàn vô ích: hành vi đó không giải quyết được gì cả. Không có tình thương thì mọi cuộc cách mạng đều đưa đến sự sùng thượng nhà nước hay sùng thượng một hình ảnh hoặc đưa đến vô số những hành vi trụy tồi tàn bạo làm hủy hoại con người. Cũng tương tự như thế, vì sợ hãi cái chết, ta đặt nó cách khoảng với ta và tách rời nó với cuộc sống thường nhật của ta, sự phân cách này chỉ khiến phát sinh thêm sợ hãi, âu lo và gia tăng những lý thuyết về sự chết. Muốn thấu hiểu sự chết, phải thấu hiểu sự sống. Sự sống không phải là sự tương tục của tư tưởng và chính sự tương tục này đã khởi dấy tất cả mọi đau khổ của ta.
Nhưng tâm thức các ngài có đủ khả năng thu hồi hết sự chết về ngay trong hiện tại tổ chức thời này không? Các ngài theo dõi tôi chứ? Sự thật cái chết không phải là cái gì ở tận đằng xa kia đâu: cái chết ở tại đây và ngay bao giờ. Cái chết hiện diện khi ta nói năng, khi ta hưởng lạc, khi ta lắng nghe, khi ta đến sở làm. Cái chết hiển hiện ở đó mọi lúc trong cuộc sống như tình thương vậy. Nếu các ngài nhận thấy được một lần sự thể ấy, các ngài sẽ thấy rằng tình tự sợ chết không còn nữa. Không phải ta sợ cái-không-biết mà ta sợ mất cái-biết. Ta sợ mất hết gia đình, sợ bị cô độc, không ai bầu bạn, ta sợ nỗi khổ về cô độc, hành hạ, sợ không có cảm giác và mất hết của cải đã được tích lũy. Ta sợ phải xa lìa cái-biết. Cái biết là ký ức, và tâm thức bám víu vào ký ức ấy, nhưng ký ức chỉ là máy móc, điều đó đã được các máy tính điện tử chứng minh hết sức ngoạn mục.
Muốn thấu hiểu vẻ đẹp và bản chất phi thường của sự chết, ta phải giải thoát khỏi cái biết. Chết với cái biết là bắt đầu thấu hiểu sự chết, bởi vì bấy giờ tâm thức chuyển mình mới mẻ, trong nó không còn sợ hãi nữa và ta có thể đi vào cái trạng thái được gọi là sự chết. Kẻ thông minh đích thực mới thấu hiểu được thời gian, tư tưởng và đau khổ. Chỉ kẻ đó mới thấu hiểu được sự chết. Thứ tâm thức biết chết từng giây từng phút, không bao giờ tích trữ, không bao giờ gom góp kinh nghiệm, mới là tâm thức vô tư vô nhiễm và do đó mới luôn luôn nằm trong một trạng thái thương yêu thường trực.
Không biết các ngài có muốn hỏi chi thêm về vấn đề đó không, để chúng ta đi sâu vào các chi tiết.
H: Thưa ngài, giữa tư tưởng của ngài và tư tưởng Cơ đốc về tình thương, khác nhau chỗ nào?
K: Tôi e không thể nói được chỗ đó với ngài. Tôi không có "tư tưởng" tình thương, nếu ta nghĩ về tình thương, thì đấy không phải là tình thương, chắc ngài biết là có một sự khác biệt lớn lao giữa một nhu cầu bình thường về dâm dục với những tư tưởng kích thích cảm giác. Tâm thức chỉ biết lo hưởng lạc, chỉ biết nghĩ đến khoái lạc, cứ tự kích thích bằng những hình ảnh, bằng những tưởng tượng, bằng những tư tưởng, tâm thức ấy rất tổn hại. Nhưng "cái kia" thì lại hoàn toàn khác hẳn: Ý nghĩa của cái ấy, không có tư tưởng xen vào, nên vốn khác hẳn. Cũng tương tự như thế, ta không thể tư tưởng về tình thương. Ngài có thể tưởng nghĩ đến một kiểu mẫu tình thương mà ký ức đã ghi chép được hay tưởng nghĩ đến những gì người ta đã nói với ngài về tình thương: họ nói tình thương tốt hoặc xấu, thiêng liêng hoặc phàm tục, vân vân. Nhưng các tư tưởng ấy không phải là tình thương. Tình thương không phải thuộc Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, không phải đông tây chi cả, tình thương không phải của ngài, không phải của tôi. Chỉ khi nào ngài đã chặt đứt hết mọi ý niệm về quốc tịch, về chủng tộc, về tôn giáo của ngài cũng như về mọi ý niệm khác, ngài mới biết được tình thương là gì.
Các ngài thấy không, sáng nay tôi nói về sự chết để các ngài có thể thấu hiểu toàn bộ sào huyệt của nó – không phải là các ngài thấu hiểu nó khi các ngài đang ngồi đây trong căn lều này, mà thấu hiểu nó trong suốt cả toàn bộ cuộc sống của các ngài – để do đó các ngài thoát ly khỏi đau khổ, thoát khỏi sợ hãi và thật sự nhận biết được ý nghĩa của sự chết. Nếu từ bây giờ và trong những ngày kế tiếp mà tâm trí các ngài không trở nên hoàn toàn sáng suốt, vô tư vô nhiễm, chú tâm sâu sắc, thì nghe lời tôi nói cầm bằng như vô ích hoàn toàn. Nhưng nếu các ngài sáng suốt, chú tâm sâu sắc, ý thức tư tưởng và tình cảm của mình, nếu các ngài không lo diễn giải những điều tôi nói mà các ngài đang thực sự quan sát chính các ngài qua những mô tả và khám phá về vấn đề này thì khi rời căn lều này các ngài sẽ sống, các ngài sẽ sống không những tưng bừng mà cả với sự chết và tình thương nữa.
28/7/1964
2/8/1964
--------------------------------------------------------------------------------
[1]On “est”
[2]Un état d’originalité
[3]État d’être
Nguồn: Ý nghĩa sự chết, đau khổ và thời gian của Krishnamurti. Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa dịch. An Tiêm xuất bản lần thứ II. In tại ấn quán Thăng Long 220A, Trương Minh Giảng, Sài Gòn. K.D. số: 3697 ngày 31-12-1968.
Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian
Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch
6.
Điều quan trọng là mỗi người nên nhận hiểu chín chắn đối tượng của công cuộc tìm kiếm nội tâm mình. "Tìm kiếm", đối với nhiều người, thường mang một giá trị phi thường. Ngoài cái nghĩa lý tự điển của danh từ này, hành động "tìm kiếm" ngụ ý về một sự vận hành từ vòng ngoài vào trung tâm. Bản chất của cuộc thâm nhập vào bên trong ấy tùy thuộc ở các tính khí, ở những cưỡng chế cùng những áp lực xã hội, ở những tai ương cùng những khổ nạn của đời sống, ở vô số những cố gắng kéo theo kinh nghiệm về chính sách. Tất cả những động lực, yếu tố đó bắt buộc phải "tìm kiếm". Nếu không có những áp lực, những tai ương cùng những khổ nạn, tôi tự hỏi không biết trong chúng ta có mấy người chịu nghĩ đến việc thực hiện công cuộc tìm kiếm nội tâm.
"Tìm kiếm", phải thế không, là dò dẫm với hy vọng khám phá một cái gì. Sáng này, tôi đọc thấy trong tự điển, nghĩa lý của danh từ ấy. Nó có nghĩa là đi quanh và tôi tự hỏi không biết người ta đi quanh cái gì, người ta tra hỏi, tìm kiếm với hy vọng gì và không biết có bao giờ người ta tìm thấy được điều gì không. Hay chẳng qua, đó chỉ là một ước vọng mơ hồ, thoáng qua, thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tính khí cùng những nỗi vui sướng và khổ đau của từng người.
Chúng ta có nói mãi về những công cuộc tìm kiếm nội tâm của ta. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là từ vòng ngoài ta dần dần thâm nhập vào trung tâm tùy theo tính nết, sở thích của ta và những áp lực của hoàn cảnh, tựa như ta đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, cố chọn lựa quần áo, để rồi cuối cùng chọn lấy bộ đồ vừa vặn và đẹp ý ta hơn hết. Khi các ngài bảo là mình "tìm kiếm" ý các ngài muốn nói thực ra, là thí nghiệm những ý niệm, những công thức, những khái niệm khác biệt, đi từ tôn giáo này sang tôn giáo nọ, từ vị đạo sư này sang vị đạo sư kia, cho đến khi nào ngài tìm gặp được một điều gì vừa ý, thích hợp với tính khí và những sắc thái riêng biệt của Tây phương. Nếu các ngài không thích những gì tìm gặp ở Tây phương, thì các ngài liền quay sang Đông phương với nền triết học cổ xưa và phức tạp, với vô số đức thầy và đạo sư cần phải chọn lựa ở đó, rồi các ngài sa lầy vào một ao tù tư tưởng hạn hẹp, ngỡ rằng mình đã chứng đạt một thực tại vĩnh cửu gì rồi. Hoặc nếu không làm thế, các ngài trở thành tín đồ Công giáo thực là nhiệt nồng hơn hay tín đồ của thuyết Hiện sinh… Có biết bao nhiêu là chủ thuyết trong thế gian này!
Theo tôi, không có Đông phương, Tây phương gì hết. Tâm trí nhân loại không đông tây gì cả. Dù uyên nguyên của chúng thế nào đi nữa, cả thảy mọi thần thuyết cũng như triết thuyết đều thiếu sự già dặn trưởng thành. Toàn là những sự bày đặt. Con người vì bị tù hãm trong những ngục thất tự tạo, liền đâm ra tin tưởng vài điều nào đó, rồi họ tạo dựng chung quanh những tin tưởng này, những thần thuyết và phóng hiện ra những triết thuyết kỳ dị. Các nhà thần học hay các triết gia càng khéo léo thì càng được đại chúng, độc giả, đệ tử dễ dàng chấp nhận.
Nhưng nơi đây chúng ta có làm như vậy không? Các ngài đến nghe tôi trong đôi ba tuần lễ, và nếu những gì tôi nói không thoả mãn các ngài, không đáp ứng những gì các ngài mong muốn, thì các ngài liền tìm đến giáo chủ khác hay các ngài chấp nhận một triết thuyết khiến các ngài thoả mãn hơn. Thế thì bao lâu các ngài chưa cắm đầu bị cuốn hút vào một dòng sông tư tưởng nhỏ mọn nào đó, thì các ngài sẽ cứ tiếp tục loanh quanh mãi, để rồi một ngày nào đó, có lẽ các ngài sẽ trở lại để tái diễn cái vòng luẩn quẩn.
Thiết tưởng các ngài cần phải thấu hiểu hiện tượng lạ lùng này ở Đông như ở Tây: sự việc hết bắt cái này sang cái khác, cứ lựa chọn mãi. Ý tôi muốn nói là chúng ta phải nhận thức thật rõ, thấy thật rõ ngay trong tâm chúng ta, xem chúng ta tìm kiếm gì, lý do của sự tìm kiếm và xem có cần thiết phải tìm kiếm không. Mọi vận dụng như vậy đều ngụ ý sự di động từ vòng ngoài vào trung tâm, từ những hoàn cảnh vào đến nguyên nhân phát sinh chúng, từ ở bề mặt vào tận căn nguyên cuộc sống. Chúng ta di động từ ngoại cảnh lần vào nội tâm, hy vọng khám phá được một cái gì chân thực, sâu mầu, cốt yếu, tối trọng. Trong sự tìm kiếm đó, chúng ta phấn đấu để thực hành những phương pháp và cách thức khác nhau, chúng ta tự hành hạ đày ải mình bằng những giới luật, thành thử suốt đời ta luôn luôn bị thống khổ thảm thương, tâm thức hầu như bị tê liệt, bại xuội.
Tôi e rằng đó là trường hợp của phần đông chúng ta. Ta di động từ vòng ngoài vào trung tâm, bởi vì, muốn biết làm thế nào để được hạnh phúc, muốn biết chân lý là gì, muốn biết Thượng đế và cái vĩnh cửu có hay không, nên ta cứ tranh đấu không ngừng để rập khuôn, để bắt chước, để tuân hành, để hành hạ đày ải tâm và trí ta bằng những giới luật, đến một lúc nào đó trong ta không còn gì là độc đáo, là chân, là thực nữa. Cuộc sống chúng ta như vậy đó. Hễ sự khổ não, cái áp lực cùng cái hằng sống ở vòng ngoài càng mãnh liệt thì ta lại càng muốn hướng vào trung tâm.
Nhưng có cách nào ngự ngay vào trung tâm tức thời và để rồi từ đó triển nở ra mà không cần phải tranh đấu để đạt đến đó không? Các ngài hiểu câu hỏi của tôi chứ? Trong bao triệu năm rồi, chúng ta đã tranh đấu để đi từ ngoài vào trong nhằm mục đích khám phá thực tại. Ta vừa thấy những gì bao hàm trong tiến trình ấy và tôi tự cho tiến trình ấy là phi lý. Tại sao tôi phải hành hạ đày ải tôi chứ? Tại sao tôi phải sao y, bắt chước, vâng lời? Không thể nào khám phá cái trung tâm ngự ngay trong đó và từ đó khởi đi triển nở thay vì hành trình ngược lại sao? Theo tôi làm cuộc hành trình đảo nghịch lại là tuyệt đối vô ích. Tôi hoàn toàn bác bỏ cuộc hành trình đó. Tôi từ chối sự đày ải hành hạ và từ chối làm đệ tử cho bất cứ ai. Tôi từ chối, không đọc một cuốn sách triết nào cả và không thèm mài giũa tâm trí bằng những lý luận tế nhị: tâm trí đã đủ sắc bén bởi tham vọng, bởi những âu lo, thất vọng và những tàn bạo của cuộc sống. Tôi từ chối mọi phương pháp, mọi pháp môn tu luyện, hay theo hầu một vị đạo sư, một đức thầy, một đấng cứu thế, từ chối bỏ tất cả những gì thuộc lãnh vực đó.
Tôi đang tư tưởng to lên bằng lời, không những cho chính tôi mà cũng để làm sáng tỏ vấn đề, hầu các ngài và tôi có thể cùng đồng cảm cảm thông với thực tại, thay vì cứ tiếp tục vùng vẫy mãi mãi trong những phản ứng có khuynh hướng đem ta từ ngoài vào trong. Tôi đang thể hiện thành ngôn từ những điều mà có thể các ngài cảm nhận trong những lúc hiếm hoi, khi mà các ngài đã mệt mỏi chán ngấy tất cả: chán ngấy những giáo hội, những chính khách, những ngân hàng, những ti tiện nhỏ mọn trong các mối tương giao về gia đình của các ngài, chán ngấy cái tẻ nhạt trong những bận rộn của công ăn việc làm, chán ngấy những cái xuẩn động ngu muội của đời sống làm nhơ nhớp phẩm giá con người. Đã kéo lê cuộc sống hai mươi năm hoặc dai dẳng hơn nữa để ngày lại ngày đến sở làm hay lo bếp núc, hay để hết sinh đứa con này lại sinh đứa khác, đã sống những niềm vui cùng nỗi buồn và thất vọng vì sa lầy trong sự tục tằn bần tiện ấy, hẳn đôi khi các ngài cũng đã tự hỏi có thể nào bỗng chốc, một cách bất ngờ, tìm thấy được cái cội nguồn uyên nguyên, tìm thấy chính ngay cái yếu tính của sự vật, mà nảy nở, không bao giờ cần phải đọc một quyển sách nào cả, nghiên cứu một triết thuyết nào cả, không cần phải sùng thượng một hình ảnh, một đấng cứu rỗi nào cả, bởi vì bất kỳ các ngài nhìn đâu, cái trung tâm ấy vẫn hiện diện ở đó, để rồi từ đó mọi hành động, mọi tình thương, tất cả những gì là hiện thực, đều phát hiện.
Sự kiện hiển nhiên là với lòng tham lam với tính ganh ghét, với ý hướng chiếm hữu, với những nỗi sợ hãi, với mối xúc động, với những niềm vui thoáng qua cùng những nỗi thoả mãn mê mờ của ta, ta vẫn còn là những con vật: những con vật tiến hoá cao độ. Khi ta quan sát thú vật, ta thấy rằng chúng cũng có cùng những mối xung động như ta. Những loài khỉ vượn giả nhân cũng biết ghen tuông và cũng có những khó khăn trong đời sống vợ chồng. Chúng tập hợp thành đoàn – ban đầu là đơn vị gia đình, kế đó thành bộ lạc y như chúng ta và có người bảo là rồi ngày nào đấy loài khỉ vượn này có thể ngồi vào Liên Hiệp Quốc như nhân loại vậy! Một sự kiện hiển nhiên là tính nết, sự sủng ái, lòng can đảm, nỗi sợ hãi, những cuộc chiến tranh những cái gọi là hoà bình cũng những cuộc tranh đấu của ta đều trỗi dậy từ cái hậu trường thú vật đó. Xin các ngài đừng cãi lẫy với tôi về vấn đề này: đấy là ý kiến của các nhà sinh vật học và các nhà nhân loại học, nếu các ngài cần kể ra những người có uy tín.
Có thể nào thoát ly tất cả những điều đó, không phải thoát ly trong một tương lai gần gũi, không phải thoát ly dần dần, nhưng là ta có thể nào chặt đứt ngay bằng một nhát, cái hậu trường thú vật ấy, dứt tuyệt nó, để rồi tạo dựng một nền luân lý đạo đức, một năng khiếu thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt hẳn không? Điều hiển nhiên là muốn sống chung với nhau, chúng ta cần phải có một nền đạo đức và một cách thế cư xử trong xã hội, nhưng nền đạo đức hiện nay của ta, phẩm hạnh của ta, các khái niệm tạo thành những công thức của đời sống thường nhật của ta, vốn mang đầy tính cách thú vật, dù rằng chúng ta không muốn nhìn nhận điều đó. Chúng ta thích nghĩ rằng bởi vì chúng ta có chút ít khả năng hơn, có hiệu năng hơn, có nhiều sáng kiến phát minh hơn loài khỉ, nên ta "người" hơn. Nhưng chính loài khỉ cũng biết dùng dụng cụ để cầm lấy đồ vật và vẫn có óc phát minh. Giữa chúng và chúng ta khác nhau rất ít.
Chúng ta nhận thấy sự tác động phi thường của thú vật và sự tác động không kém phi thường của tâm trí nhân loại khi nhân loại khao khát thèm muốn được an toàn, không những trong thế giới vật chất mà cả thế giới tâm lý nữa và ta thấy rằng khát vọng ấy do bản năng thú vật mà ra. Nhưng đồng thời con người muốn tìm thấy một cái gì chân thật, độc đáo, một trạng thái vô cấu, bất nhiễm. Có thể nào tìm gặp tâm thái ấy một cách độc đáo, một trạng thái vô cấu, bất nhiễm. Có thể nào tìm gặp tâm thái ấy một cách đột nhiên, không cần phải chuẩn bị, tìm kiếm không? Bởi vì cái đẹp không thể vun trồng đào luyện được: tình thương cũng thế, ta phải "rơi vào" nếu có thể nói như thế, như ta tình cờ "rơi vào" một phong cảnh mà ta chưa hề bao giờ thấy: nó ở đó, một cách đột nhiên, trước mắt ngài, phong phú và sống động tràn đầy, rồi ta hoà đồng và từ đó, ta sống, ta hành động, ta [1] "ngộ". Không làm một cố gắng nào cả, không khắc kỷ, không tìm kiểm soát, không cưỡng chế câu thúc bản thể bên ngoài của các ngài để rập khuôn, để bắt chước thì bỗng dưng các ngài thấy mình đối diện ngay với mạch sống, với cái nguồn cội uyên nguyên của mọi cuộc sống, và vì đã uống nên nguồn mạch đó, nên bản thể thâm sâu thấy rằng mình đã luôn luôn sống trong đó và đang sống trong đó tự bao giờ. Sự thể đó có thể có được không?
Tôi sẽ vạch cho các ngài thấy cái tầm mức quan trọng, cần thiết phải thực hiện cho được hành động đó. Nếu các ngài chấp nhận thời gian – hôm qua, hôm nay, ngày mai – tất nhiên các ngài phải bị vướng mắc trong cái tiến trình bại hoại, bởi vì các ngài luôn luôn phóng mình về ngày mai thành thử luôn luôn có cái hôm qua qui định hôm nay. Vậy thì cái quan năng tư tưởng, nguyên là kết quả của bao nhiêu thế kỷ dài dằng dặc, phải quên bặt thời gian. Các ngài theo dõi tôi chứ? Quan năng ấy phải gạt yếu tố thời gian sang một bên, bằng không nó bị tù hãm trong màn lưới của thời gian, của những cuộc tranh đấu để thành đạt, để trở nên, để đến đích mà thế chỉ tổ đưa nó đến đau khổ, khốn cùng, tan vỡ.
Thế thì ta có thể làm gì? Tôi muốn khám phá tức thời cái chân thật, tôi không muốn chờ đợi ngày mai ngày mốt, không chờ đợi một giây phút nào cả, tôi muốn ngự ngay "ở đó". Tôi nóng nẩy không chờ đợi được. Tôi không màng thiết đến thời gian, đến ý niệm rằng tôi sẽ thực hiện ở cuối mức kiếp sống này hay vạn kiếp sống nữa, theo tôi, ý niệm ấy thật là trẻ con, một sáng chế của những tâm trí lười biếng, rối loạn do thất vọng. Tôi muốn thật tỉnh thức sao cho hễ mở mắt, mở tâm, mở trí ra là chân lý có "ở đấy" rồi, và từ "đấy", tôi hành động, tôi sống, tôi vui hưởng những vẻ đẹp trần thế.
Bây giờ chúng ta nói đến cái vật mà tuyệt đối không thể sao chép được. Vật ấy, tôi muốn khám phá nó và tôi hy vọng các ngài cũng khám phá nó cùng với tôi. Nhưng nếu các ngài chỉ biết bằng lòng theo dấu tôi thôi, là các ngài lạc mất hướng.
Dù các tính khí có khác biệt, song tất cả mọi chuyển động từ vòng ngoài vào trung tâm đều là tích cực. Đó là sự tìm kiếm cố ý, một phản ứng phát sinh do lòng ham muốn tìm thấy, tất nhiên bao hàm có giới luật, có bắt chước, có vâng lời, có thực hành một phương pháp. Tất cả điều đó tạo thành cái tiến trình tích cực, hay ít ra cái mà các ngài gọi là tích cực.
Các ngài hãy lắng nghe với một tâm trạng thật giản dị, trong tâm các ngài đừng biện luận chi cả, rồi các ngài sẽ thấy điều trình bày là chân thật khi chúng ta tiến tới trong câu chuyện. Tôi không tìm cách mê hoặc các ngài hoặc tuyên truyền đâu: việc ấy ngu muội lắm.
Ta có thể nhận thấy sự vận dụng tích cực ấy và tất cả ý nghĩa của nó, nhận thấy nó ngay trong hiện tại, tức thời, miễn là ta đừng thấy bằng cái thấy lơ đễnh, miễn là đừng có ý nghĩ rằng để rồi sau này ta sẽ thấy nó rõ hơn, sẽ nghĩ về nó trong ngày mai ngày mốt. Nhìn thấy sự vận dụng tích cực này là nhìn thấy nó ngay tức thời, trong hiện tiền, thế là nó liền ngưng dứt trọn vẹn, ta không cần phải làm gì cả để ngưng dứt nó, không cần phải có một hành vi hữu ý, không cần phải có lý do hay cố ý tìm kiếm nhằm thu đạt một kết quả. Ta nhận thấy tính cách trẻ con của sự vận dụng tích cực này, thấy cái tính cách vô hiệu hoàn toàn của nó cùng với những đạo sư, những giáo hội, những thần thuyết, những nhà phát minh ra lý tưởng của nó, thế là tất cả đều rơi đi bởi vì ta nhận thấy sự thật này: không một vận dụng tích cực nào từ vòng ngoài hướng vào trung tâm mà đạt tới trung tâm được. Sự vận dụng ở bề mặt nỗ lực nhằm trở nên thâm sâu, bao giờ cũng vẫn là ở bề mặt. Nhìn thấy sự kiện này với một cái nhìn sắc bén và cực kỳ sáng suốt lúc bấy giờ ta đã bắt đầu thấu hiểu cái vẻ đẹp của sự vận dụng tiêu cực của tâm trí, không phải là tiêu cực phản nghịch lại tích cực mà là thứ tiêu cực hiện sinh khi ta đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của tất cả sự vận dụng tích cực. Bấy giờ ta không còn bị tù ngục trong sự vận dụng tích cực nữa, ta nằm trong một trạng thái tiêu cực vô niệm, nghĩa là vì đã thấu hiểu chân lý của những công cuộc chạy đuổi đó, tâm trí ngừng lại, không nhúc nhích, xao động nữa, do đó ta có thể nói là tâm trí nằm trong một trạng thái tiêu cực, các ngài hiểu không?
Tôi xin trình bày cách khác: Riêng cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào đề cập các vấn đề này và tôi cũng không muốn đọc, các vấn đề đó không làm tôi quan tâm vì tôi đã thấy ngay trong tôi toàn thể cả nhân loại, không phải thấy một cách huyền bí, văn hoa bay bướm hay có tính cách biểu tượng mà thấy bằng sự kiện thật. Tôi là các ngài và là thế giới. Trong là tất cả kho tàng của thế giới và muốn khám phá kho tàng đó, tôi chỉ cầu thấu hiểu chính tôi và vượt qua chính tôi. Nếu tôi không tự giác, tôi không có lẽ sống, không có thực chất, tôi chỉ là một thực thể rối loạn, và càng tìm kiếm, càng nghiên cứu và càng rập khuôn bắt chước, tôi càng sống trong hỗn loạn, càng nô lệ vào các nhà lãnh đạo tinh thần, vào tính khí cùng những dục vọng của tôi và cái trạng thái hỗn loạn trong tôi càng gia tăng.
Do đó tôi thấy cái hành động tự giác trọn vẹn, không cố gắng, nghĩa là không đặt hành động đó thành vấn đề, thật là quan trọng biết bao. Muốn tự giác, muốn thấu hiểu chính tôi, tâm trí tôi không cần phải làm một vận dụng tích cực để sửa sai hay không sửa sai những gì nó thấy chi cả. Như tôi đã nói hôm trước, cái tâm hữu thức cũng như cái tâm vô thức không có giá trị bao nhiêu và tôi phải thấu hiểu cái tính cách vô giá trị này. Tôi phải thấu hiểu tức khắc để cái tâm vô thức không còn lừa đảo, không còn phóng hiện ảo giác, dục vọng bí mật, lợi dụng lúc tôi lơ đễnh nữa mà sự lơ đễnh này rồi lại trở thành vấn đề.
Các ngài theo dõi những điều đó chứ? Tôi thấy rằng muốn thấu hiểu chính tôi, tôi cần phải có cái tâm thức không bị nhiễm bởi bất cứ ảnh hưởng nào, không có bất cứ dụng và cử động nào, một tâm thức trống rỗng mọi hành vi tích cực. Với cái tâm thức sáng suốt đó, tôi nhìn vào nội tâm tôi, chính cái nhìn này giải trừ chỗ hư ngụy của cái "tôi".
Không phải tôi đang sáng chế một triết thuyết và, xin lạy trời, các ngài chớ bảo đây là một quan điểm Đông phương. Các ngài hãy tránh tất cả những sự nông nỗi ấy. Tôi không thể hiện cái tính khí của một người trót sinh trong một xứ sở nắng cháy thiêu đốt làm nạm xám màu da. Vì cái nóng cháy ấy, vì sự lười biếng uể oải do sự nóng bức và vì nỗi bần hàn, nên nhiều người đã thâm nhập vào nội tâm họ để rồi do đó viết thành những triết thuyết, sáng chế những tôn giáo, những thần thánh cùng nhiều thứ rắc rối vô ích khác. Hãy dành những cái đó cho họ. Tôi không đề cập đến chúng. Điều tôi trình bày không phải thuộc Đông Tây, không phải có tính cách cá nhân hay phổ biến chi cả, tôi nó về chân lý của một tâm thái mà đột nhiên ta có thể ngự ngay trong đó, khi tâm thức không còn bị thôi thúc bởi ước vọng được thoả mãn, khi tâm thức không còn tìm kiếm kinh nghiệm nữa. Không ai dạy cho ta tâm thái đó, chính ta phải bắt gặp nó, hành động này đòi hỏi nhiều năng lực. Mà nói đến năng lực là tôi cố ý nói đến sự vận dụng tất cả sức chú tâm của chúng ta không một chút lơ đễnh xen tạp vào. Kỳ thực thì sự lơ đễnh không có. Cái ta gọi là lơ đễnh chỉ là sự không chú ý. Không phải thế sao?... Tôi thích có người không đồng ý về điểm này.
Cái gọi là lơ đễnh thật sự có không? Khi ban ngày, tôi nhìn quanh tôi, tư tưởng rải rác đây đó, nhảy nhót trên nhiều vấn đề khác nhau, nếu các vấn đề ấy di chuyển lôi kéo tôi ra khỏi con đường đi của mình, lôi kéo tôi ra khỏi cái trung tâm mà cái tôi ngự trị trong đó, tôi gọi như thế là lơ đễnh, nhưng nếu không có một trung tâm nào cả, không có một đường hướng qui ngã nào cả thì cũng không có sự lơ đễnh.
Sự kiện đó thật là quan trọng mà ta phải thấu hiểu. Nếu các ngài thấu hiểu một cách sáng suốt nội một sự kiện ấy, các ngài sẽ thấy rằng tất cả mọi nỗ lực của các ngài nhằm để tập trung, và do đó khiến phát sinh xung đột, đều tan biến trọn vẹn, và bấy giờ không còn có sự lơ đễnh nữa. Nhìn trời mây, ngắm khuôn mặt khả ái của một đứa trẻ, nghe tiếng thác đổ nhanh và tiếng động xé không gian của một phản lực cơ đang lướt nhanh trên đầu các ngài, quan sát người đời, quan sát các chính khách, các vị cố đạo, lắng nghe chính tâm và trí mình, nhận thức được những đòi hỏi thúc bách cùng những thất vọng của các ngài tất cả những cái đó từ cái nhìn trời mây cho đến cái nhìn vào nội tâm các ngài, tất cả đều không có gì là lơ đễnh cả, vì mỗi mỗi yếu tố đó đều dự phần tạo thành cái toàn thể. Chỉ có thể nhận thấy được cái toàn thể này nếu sự chú tâm được vận dụng trọn vẹn và sự chú tâm trọn vẹn bị chối bỏ nếu ta chấp nhận quan niệm về lơ đễnh. Ồ! Các ngài hãy nhận thức điều đó!
Khi sự chú tâm được trọn vẹn thì không có gì được coi là lơ đễnh cả. Những đòi hỏi về xác thịt, tình tự ganh ghét, những nỗi âu lo, sợ hãi, tình thương cùng những đam mê của các ngài, không có điều gì các ngài sống lơ đễnh cả. Mọi sự đều bao gồm trong ngọn lửa chú tâm, do đó không có gì là manh mún rời rạc cả. Nhà chính khách, vị cố đạo, nghi thức lễ bái đều dự phần tạo thành cái toàn thể. Chính trong sự vận dụng tích cực của tâm trí mới có lơ đễnh, chia ly manh mún, còn khi tâm trí không xao động, do đó "tiêu cực", nếu tôi có thể dùng danh từ này, thì đời sống không còn bị chia cắt phân đoạn nữa. Lúc bấy giờ, áng mây trời kia, hạt bụi, đóa hoa bên vệ đường nọ cùng những tiếng thì thầm của tâm tư các ngài, đều hoà hợp trong toàn thể. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu được cái toàn thể này khi sự vận dụng tích cực của tư tưởng hoàn toàn ngừng dứt.
Chắc các ngài cũng thấy rằng để ngự ngay, để thể nhập vào trung tâm, cội nguồn bản nguyên của mọi sự vật đó, cùng đích thị là cái tối thượng, thì mọi vận dụng của tư tưởng phải chấm dứt. Nhưng ta không thể nào khởi phát sự chấm dứt này bằng cách đày ải hành hạ tâm trí qua những giới luật, hay bằng cách đặt thành những vấn đề nan giải và quái dị – như người ta thường làm trong nhiều môn phái tôn giáo – khiến cho tâm thức câm lặng đi vì bị mệt nhoài nhừ tử. Tất cả mọi điều đó là việc trẻ con. Vậy trước hết các ngài phải nhận thấy cái sự thật về mỗi cử động của tư tưởng và cảm xúc của các ngài và các ngài chỉ có thể thực hiện hành động đó khi tâm thức các ngài hoàn toàn "tiêu cực", tịch lặng, an bình và hành động đó có thể được khởi phát lập tức, y như ta bước ra khỏi một con đường: con đường của hành vi tích cực mà con người đã theo đuổi hàng nghìn vạn năm rồi. Ta có thể bước ra khỏi con đường ấy liền, không có gì phải chờ đợi, hỏi han, tìm kiếm. Nhưng ta chỉ có thể bước được khi ta đã thấy toàn bộ hành vi của con người, chứ chẳng phải chỉ thấy sự vận dụng nội tâm của chỉ một người, nghĩa là khi ta đã thấy ngay trong nội tâm mình sự vận dụng của cái toàn thể. Khi ta nhận thấy tất cả những điều ấy chỉ nguyên với một cái nhìn – và sự việc nhìn này là sự việc duy nhất phải thực hiện, không còn việc chi khác nữa – ta mới thực sự tự do, để rồi từ đó xuất sinh hành động không gây tổn hại cho tâm thức.
Các ngài có muốn hỏi gì về các điều vừa được trình bày không? Hay chẳng còn gì để hỏi nữa?
H: Trưởng thành là gì?
K:. Phải về sự trưởng thành mà chúng ta đề cập không? Nhưng được, thưa ngài, trưởng thành là gì? Trưởng thành có liên quan gì với tuổi tác không? Với kinh nghiệm, với kiến thức, với khả năng không? Với sự tranh đua và tích trữ tiền bạc không? Nếu không phải là tất cả những điều đó thì trưởng thành là gì? Có liên quan gì với thời gian không? Ngài đừng vội bảo không một cách dễ dàng như thế. Nếu quả thực ngài đã thoát khỏi thời gian, nếu thời gian không còn hệ trọng gì với ngài cả, thì tâm thái của ngài thế nào? Tôi không đề cập thứ thời gian tính bằng đồng hồ, thời gian loại này hiển nhiên không có gì quan trọng cả. Nhưng nếu thời gian quả không mang một ý nghĩa tâm lý nào cả đối với ngài: thứ thời gian cần thiết để thành công, để hoàn thành, để vượt thắng, để chinh phục, để thấu hiểu, để so sánh, thứ thời gian cần thiết để trở nên lanh lợi, thì ngài sẽ không trưởng thành sao? Vậy chỉ có cái tâm thức vô tri, vô nhiễm mới trưởng thành, chứ chẳng phải thứ tâm thức đã tích trữ kiến thức, tri thức trong hàng nghìn vạn năm. Kiến thức, tri thức cũng cần thiết và vẫn có vai trò của chúng ở vài mức độ nào đó, nhưng chúng không phát sinh được ánh sáng cùng sự vô tư vô nhiễm. Sự vô tư chỉ hiện sinh khi mọi xung đột đều ngưng dứt. Khi tâm thức không còn vận chuyển trong bất kỳ một chiều hướng nào nữa cả, bởi vì tất cả chiều hướng đều đã được thấu hiểu, thì tâm thức liền ngự ngay trong một trạng thái bản nguyên [2] , tức là tâm thái vô tư vô nhiễm, và để rồi từ đó, tâm thức có thể tiến sâu vào cõi vô lượng mà có lẽ cái tối thượng vẫn hằng ngự trị. Chỉ với tâm thức ấy mới đích thị là trưởng thành.
23/7/1964
7.
Tôi muốn tiếp tục điều chúng ta đã đề cập hôm trước. Thiết tưởng điều quan trọng là phải thấu hiểu toàn bộ vấn đề về hành động. Tôi không dùng danh từ hành động một cách trừu tượng, hay xem đó là một ý niệm. Tôi nó về sự kiện hành động, làm một việc gì đó… Cuốc đất, làm vườn, đi tới sở làm, nhìn một cội cây, theo dõi nhịp vận chuyển của một dòng nước hay chỉ bước chân trên đường không tưởng niệm chi hết, vừa yên lặng quan sát sự vật – tất cả những gì ta làm đều là hành động, và một cách tổng quát thì hành động thường phát sinh xung đột: hoặc ta cho là hành động sâu xa hay cạn cợt, hành động lập đi lập lại, hành động trở nên buồn tẻ, mệt mỏi, chỉ là một động tác, một hành vi vô nghĩa. Vậy tôi thiết nghĩ điều quan trọng là phải thấu hiểu bản chất của hành động.
Bất cứ ta làm việc gì – đi, nói, nhìn, suy cảm – đều cần có năng lực, và năng lực này bị hoang phí đi khi nó biểu hiện trong một cuộc xung chướng. Như ta có thể nhận thấy dù hành vi của ta ở mức độ nào, chúng đều khởi phát trong ta một ý hướng cố gắng, một sức chống kháng nào đó, một sự từ chối, một sự tự vệ. Có thể nào hành động mà không có xung đột và không ngay cả cố gắng không? Chính đó là điều mà tôi muốn đề cập trong buổi sáng này.
Ta đã thấy những gì diễn ra trong thế giới: những máy móc, những bộ óc điện tử, những hệ thống tự động hoá, sẽ cho con người càng có thêm nhiều thì giờ nhàn rỗi, rồi những tôn giáo và những cuộc vui chơi có tổ chức sẽ độc quyền túm lây các khoảng thời gian nhàn rỗi ấy. Tôi không biết giữa hai cái thứ có tổ chức đó có sự khác biệt lớn lao nào không, để rồi ta sẽ phân biệt chúng. Khi một người có nhiều thì giờ nhàn rỗi, tất họ có nhiều năng lực hơn – thật nhiều năng lực – và xã hội muốn họ sử dụng năng lực họ với ý thức tốt, sao cho đừng phản nghịch lại xã hội. Muốn vượt thắng những tình ý phản nghịch lại xã hội mà họ có thể có, họ sẽ tự tan biến mình trong một tôn giáo có tổ chức hoặc trong những cuộc giải trí đủ loại. Hoặc họ biến mình trong văn chương nghệ thuật, âm nhạc, cũng vẫn là một cách thế giải trí. Kết quả là con người sẽ trở nên càng lúc càng thiển cận hơn. Có thể họ sẽ đọc hết sách vở của thế gian, tìm hiểu hết những chữ phức tạp trong thần học, triết học, khoa học, biết được một mớ sự kiện và chân lý diễn tả trong văn chương; cả thảy những tri thức ấy rồi cũng sẽ thiển cận như tất cả mọi hình thức tôn giáo và mua vui giải trí kia thôi. Các tôn giáo có tổ chức chủ trương là tìm kiếm chỗ nội tại trong hiện tượng cuộc sống, nhưng lại đòi hỏi những tin tưởng, những tín điều, những rập khuôn, những nghi thức như tất cả chúng ta đều thừa biết.
Nếu chúng ta không ý thức tường tận tất cả những sự qui định cố hữu đó của nền văn minh hiện đại, thì bao nhiêu năng lực của ta đều bị chúng thiêu đốt hết và do đó, hành động của ta sẽ hết sức thiển cận, cạn cợt. Và do sự thiển cận đó, ta sẽ tiếp tục duy trì các cuộc xung đột ở ngay trong nội tâm mình cũng như đối với tha nhân và xã hội. Trong mỗi địa hạt sinh hoạt của nhân loại – nghệ thuật khoa học, toán học, kỹ nghệ – và trong những mối tương giao giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa những người lân cận sẽ có những cuộc xung đột, mà xung đột là hoang phí năng lực. Để chấm dứt xung đột và bảo tồn năng lực, ta phải thấu hiểu một cách trực tiếp thế nào là hành động. Không có sự thấu hiểu này thì đời sống có thể sẽ càng phóng ngoại nhiều hơn, trong khi nội tâm ta càng thêm rỗng tuếch. Đây không phải là một quan điểm để ta thảo luận hay ta có thể nghi ngờ, cũng không phải là một ý kiến chống chọi lại các quan điểm khác, mà đấy là những sự kiện thực.
Trước hết, ta hãy xem hành động là gì theo như ta thường biết. Hành động luôn luôn có một nguyên nhân thôi thúc, nguyên nhân đó tế nhị hoặc lộ liễu, phải thế không? Ta theo đuổi một sự đền bù hoặc ta hành động vì sợ hãi hoặc ta cố đạt đến một cái gì. Hành động của ta luôn luôn là sự lấp khít vào một khuôn mẫu, vào một ý niệm hoặc cố gắng để tiến gần đến một lý tưởng. Rập khuôn, lấp khít, tiến gần, chống kháng, phủ nhận, đó là tất cả những gì ta biết về hành động trong đó bao hàm có một chuỗi dài xung đột.
Như tôi đã nói hôm nọ, cảm thông với một điều gì mà ta không kết hợp với nó một cách sâu xa, luôn luôn là việc khó khăn. Tôi muốn cùng với các ngài cảm thông về một tâm thái tuyệt đối phản nghịch lại những xung đột mà ta gọi là hành động. Vốn có một thứ hành động trọn vẹn, hành động không xung đột và tôi muốn nói với các ngài về thứ hành động đó mà không đòi hỏi các ngài chấp nhận hay từ chối. Tôi cũng không tìm cách mê hoặc các ngài…
Một trong những việc khó làm hơn hết đứng nói trên một diễn đàn trong khi có cả một cử toạ ngồi nghe – kể như các ngài ngồi nghe đi – và thiết lập được những tương quan chân thật giữa cử toạ và diễn giả, không phải các ngài đến đây để bị mê hoặc vì những lời lẽ bay bướm, mà tôi cũng không có ý định ảnh hưởng các ngài bất cứ bằng cách nào. Tôi không phải là một nhà truyền giáo cho bất cứ một ý niệm nào, tôi cũng không có ý dạy dỗ chi các ngài. Như tôi đã thường nói, ở đây không có giáo chủ cũng như đệ tử, mà chỉ có mỗi một việc là cùng tìm học, các ngài và tôi sẽ không cùng có một tâm thái tìm học nếu các ngài mong có người dạy dỗ các ngài, mong có người chỉ bảo các ngài phải xử sự ra sao. Chúng ta không đề cập đến những ý kiến, tôi không có ý kiến. Việc tôi thử làm là trình bày một vài sự kiện. Các ngài có thể nhìn thấy một vài sự kiện. Các ngài có thể nhìn thấy những sự kiện đó, tự các ngài có thể xem xét chúng hay không tùy ý. Thế có nghĩa là các ngài và tôi, chúng ta phải thiết lập giữa chúng ta những mối tương giao chân thật để từ đó phát sinh một sự cảm thông, một nhận thức, không những trên bình diện tri thức mà là một cách trọn vẹn về một sự kiện mà chúng ta sẽ cùng nhau quan sát. Vấn đề là không phải chúng ta thông cảm với nhau, mà là thông cảm với sự kiện, để sự kiện trở nên quan trọng hơn cả các ngài và tôi. Chỉ có sự kiện – với sự nhận thức chung của chúng ta về sự kiện ấy – mới có thể tạo nên hoàn cảnh, bầu không khí chân thật khả dĩ ảnh hưởng có thể một cách sâu xa. Tôi thiết tưởng hành động lắng nghe một điều gì – tiếng thác đổ, tiếng rì rào của cây lá, hay lắng nghe chính tư tưởng và tình cảm của chúng ta – trở nên quan trọng phi thường khi chúng ta lưu tâm xem xét chính ngay sự kiện, chứ không phải quan niệm nay ý kiến về sự kiện ấy.
Cả thảy chúng ta đều biết rằng hành động chúng ta khiến dấy sinh xung đột. Mọi hành động đều căn cứ trên một ý niệm, một khái niệm, một công thức hoặc một toan tính hướng đến một lý tưởng, tất nhiên khiến xung đột một cách không thể tránh được. Đó là điều hiển nhiên. Nếu tôi hành động theo một khái niệm thì tôi luôn luôn bị phân chia giữa cái tôi đang là với cái tôi nghĩa là, tôi sẽ phải làm cho chính tôi, thành thử không bao giờ có được một hành động trọn vẹn. Hành động như thế luôn luôn dấy sinh những động tác nữa đối với một ý niệm hay một lý tưởng, do đó xung đột luôn luôn là bản chất cố hữu của tất cả hành động như chúng ta thường biết – và sự hoang phí năng lực này là nguyên nhân gây tạo sự hư hoại trong chúng ta. Xin ngài hãy quán sát chính trong trạng thái và hành vi của tâm thức các ngài và các ngài sẽ thấy đó là sự thật.
Vậy tôi tự hỏi: có chăng một hành động không tư tưởng và tất nhiên không xung đột? Hay hỏi cách khác: hành động phải luôn luôn là nguyên nhân phát sinh cố gắng và tranh đấu? Chẳng hạn như: tôi nói đó là một hình thức hành động. Chắc chắn là trong hành động đó có xung đột nếu tôi cố gắng để xác định mình để là một nhân vật quan trọng, để thuyết phục các ngài. Vậy điều quan trọng trước tiên hơn cả là chính các ngài phải tự khám phá xem ta có thể nào sống và hành động mà không gây tạo một mảy may xung đột, nghĩa là xem có thể nào có một hành động mà trong đó tâm thức vẫn nguyên vẹn, không bại hoại, không méo mó. Và những méo mó tất không thể tránh được nếu tâm thức bị ảnh hưởng, bị nhiễm độc bất luận bằng cách nào, hoặc tâm thức dấn mình vào những tranh đấu luôn luôn làm tiêu ma hết năng lực. Khám phá được chân lý trong vấn đề này, theo tôi, là một lợi ích đích thực, và tôi nghĩ đối với các ngài cũng thế, bởi vì việc ta làm ở đây là tìm biết xem có thể nào sống mà không đau khổ, không thất vọng, không sợ hãi, không có những hành vi làm bại hoại chúng ta. Nếu điều đó có thể thực hiện được thì sao? Chuyện gì xảy đến đối với kẻ sống mà không bị nhiễm độc bởi xã hội, không sợ hãi, không tham lam thèm muốn, không tham vọng, không tìm cầu quyền lực.
Muốn biết điều đó, ta phải bắt đầu ý thức ngay chính cái tâm thái hiện tại của ta, với tất cả những cuộc xung đột, những nỗi khốn cùng, những thua thiệt, những bại hoại, hư hỏng, thất vọng của nó. Ta phải nhận thức chính ta một cách trọn vẹn và do đó năng lực ta gia tăng. Sự gia tăng năng lực này đích thị là hành động quét sạch khỏi tâm thức những cặn bã rác rưởi mà con người đã tích trữ hàng bao nhiêu thế kỷ nay.
Vậy tự thân hành động không phải là điều chúng ta quan tâm. Chúng ta muốn biết xem có thứ hành động không làm phát sinh mâu thuẫn dưới bất kỳ hình thức nào. Như chúng ta đã thấy, chính những ý niệm, khái niệm, công thức, khuôn mẫu, phương pháp, tín điều cùng những lý tưởng đã khiến phát sinh mâu thuẫn trong hành động. Vậy sống không ý niệm có được không, nghĩa là sống mà không có khoa học, không lý tưởng, không khái niệm, không tin tưởng? Điều tối ư quan trọng là phải tự mình khám phá chân lý về vấn đề này, vì ta có thể thấy rất rõ rằng tình thương không phải là một ý niệm, một khuôn mẫu hay một khái niệm. Phần đông chúng ta đều có ý niệm về thế nào là tình thương, nhưng khái niệm ấy hiển nhiên không phải là tình thương, hoặc ta thương hoặc ta không thương, thế thôi.
Có thể nào sống trong cuộc đời này, đi làm việc, nấu bếp, rửa chén, lái xe, làm tất cả mọi công việc thường ngày, mà vì chúng luôn luôn lặp đi lặp lại, nên khiến sinh xung đột – có thể nào sống và hành động mà không ý niệm, tức là giải thoát hành động khỏi tất cả mọi sự mâu thuẫn không?
Tự hỏi không biết có bao giờ các ngài đi giữa phố phường tấp nập hay trên một quãng đường vắng vẻ quạnh hiu, các ngài nhìn quanh mình mà không tư tưởng chi hết không. Vốn có một tâm thái quán sát, trong đó tư tưởng không xen tạp vào được. Mặc dù ta nhận biết hết tất cả, nhận biết người, núi non, cây cối hay chiếc xe hơi đang phóng qua, vậy mà tâm thức không vận chuyển theo cách thế thông thường của tư tưởng. Tôi không biết điều đó có bao giờ xảy ra với các ngài không. Hôm nào ngài lái xe chẳng hạn hoặc đang đi trên đường, các ngài hãy thử nhìn quanh mình mà đừng tư tưởng, hãy quan sát những phản ứng do tư tưởng khởi phát. Mặc dù ta nhận biết màu sắc, hình thể, dòng nước, chiếc xe, con cừu hay chiếc buýt, nhưng không có phản ứng, chỉ có một sự quan sát tiêu cực, và cái tâm thái quan sát tiêu cực này chính là cái hành động. Với cái tâm thái này – tâm thức chú ý mà không phản ứng – ta mới có thể hoàn tất mọi công việc thường nhật.
Phần đông người đời cứ tưởng nghĩ về mình mãi từ sáng đến chiều mà họ vận chuyển trong cái khung của hành vi vị ngã. Tất cả mọi hành vi loại này đều là phản ứng, tất nhiên khiến sinh xung đột và bại hoại. Có thể nào không vận chuyển trong khung sườn ấy mà vẫn sống trong cuộc đời, không phải ẩn náu trong hang sâu hoặc trú ngụ một nơi nào khác? Có thể xử sự như là một con người trọn vẹn, mà vẫn sống trong một tâm thái trống không (nếu tôi có thể dùng danh từ này không gây ngộ nhận)? Có thể nào ta vẫn làm việc, vẫn vẽ, vẫn làm thơ, vẫn nói năng mà luôn luôn trong nội tâm có một khoảng trống? Từ cái trống rỗng ấy ta có thể nào làm việc được không? Bởi vì khi trong nội tâm ta có khoảng trống rỗng đó, thì hành động không còn sinh mâu thuẫn nữa.
Tôi thiết tưởng thấy được sự kiện đó là điều tối ư quan trọng. Chính mỗi người phải tự mình nhìn thấy sự kiện đó, bởi vì không ai có thể dạy bảo cũng như giải thích sự kiện đó. Muốn khám phá sự kiện đó, trước hết ta phải thấu hiểu cái cách thế dấy sinh xung đột của mọi hành vi vị ngã đó và ta phải tự hỏi xem ta có thể nào bằng lòng với hành động như thế không. Ta có thể thỏa mãn với hành động đó trong nhất thời, nhưng khi ta thấy trong tất cả mọi hành động loại này, xung đột là điều không thể tránh được, rồi bấy giờ ta tự hỏi có chăng một hành động hoàn toàn khác biệt không sinh xung đột và tất nhiên ta nhận thấy hành động như thế quả có thực.
Bây giờ thì câu hỏi được nêu ra như thế này: tại sao chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn? Trong những mối giao tiếp của ta, trong tất cả mọi công việc ta làm, ta luôn luôn muốn thành tựu một điều gì, muốn tìm thấy một niềm khoái lạc trường tồn. Điều mà ta gọi là bất mãn chỉ phát sinh khi niềm khoái lạc này thiếu mất nơi ta và sự bất mãn đó khiến sinh cả một chuỗi dài phản ứng mới khác.
Tôi thiết tưởng một người thật đứng đắn và thấy hết mọi điều đó – thấy cái cách thế con người đã sống trong hàng nghìn vạn năm trong đau khổ và trong điên đảo tình hình – tất phải tự mình khám phá xem mình có thể nào sống, hoạt động mà không bị nhiễm độc bởi xã hội không. Người ấy chỉ có thể thực hiện được điều đó, nếu họ vượt thoát khỏi xã hội, tôi muốn nói vượt thoát khỏi cái cơ cấu tâm lý của xã hội, bao gồm sự tham lam, lòng đố kỵ, sự khát vọng và sự đề cao tự phụ. Khi toàn cả cái cơ cấu này đã được thấu hiểu và được dẹp sang một bên, là ta đã thoát khỏi xã hội. Vẫn có thể luôn luôn làm việc, mua sắm quần áo, sống một cách bình thường, nhưng ta đã thoát ly cái cơ cấu tâm lý làm méo mó tâm thức ấy rồi.
Rồi cuối cùng ta cùng đến giai đoạn tự mình khám phá thấy rằng sự vượt thoát này là một trạng thái bất động hoàn toàn, và sự bất động này chính là hành động trọn vẹn, nó không dấy sinh mâu thuẫn cũng như bại hoại.
Tôi đã kết thúc những điều tôi phải trình bày trong sáng nay, và có lẽ bây giờ chúng ta có thể thảo luận về mấy điều đó hay các ngài có điều chi cần hỏi tới không?
H: Ta có thể vẫn làm việc của ta và làm việc mà không có ý tranh đua được sao?
K: Ta không làm thế được sao, thưa ngài? Ngài có thể nào làm việc và lo tròn phận sự của ngài mà không tranh đua chi hết được không? Việc của tôi không phải là bảo rằng ngài có thể làm được hay không làm được, hoặc bảo rằng ngài phải làm như vậy, vân vân. Nhưng chính ngài có thể thấy những hậu quả của tinh thần tranh đua. Nó sinh ra thù địch, sợ hãi, hung hăng, theo đuổi những đòi hỏi thúc bách, không những ở ngay trong nội tâm ta mà cả ở ngoại cảnh, ở thế gian nữa. Đã thấy tất cả mọi điều đó nên ngài hỏi có thể nào sống trong cuộc đời mà không tranh đua. Thế có nghĩa là sống mà không so sánh, thế có nghĩa là làm một công việc mà ngài thực sự ưa thích, một công việc khiến ngài cảm thấy cực kỳ hứng thú. Nhưng nếu dấn mình vào một công việc mà ngài không ưa thích thì công việc ấy khiến ngài nhận lãnh nhiều trách nhiệm thì ngài nên tìm cách gì cũng thời làm việc đó mà không dấy khởi sự tranh đua. Hành động đó đòi hỏi một sự chú ý cao độ, phải thế không? Ngài phải hết sức ý thức mỗi tư tưởng, mỗi tình cảm của ngài, bằng không ngài chỉ tự gán ép cho mình cái ý niệm là không sinh tâm tranh đua, điều đó chỉ tổ sinh thêm vấn đề mới khác. Nhưng ngài có thể ý thức tất cả những gì hàm chứa trong tinh thần tranh đua, ngài có thể nhận thấy chân tướng của tinh thần ấy, cách thế nó khởi phát xung đột cùng những cuộc tranh đấu bất tận. Ngài có thể nhận thấy rằng nó không thể đưa con người vào thù hận đối địch, thiếu vắng thương yêu, dù nó có thể phát sinh điều mà ta gọi là tiến bộ và hữu hiệu. Nếu nhận thấy tất cả mọi điều đó, thì ngài sẽ hành động theo chỗ nhận thức của ngài, hoặc hành động theo đường lối tranh đua hoặc hành động theo cách thế hoàn toàn khác hẳn.
H: Tôi không tin rằng một hành động lặp đi lặp lại nhất thiết phải là một hành động nhàm chán, buồn tẻ.
K: Ngài biết không, người ta đang nhận thấy rằng vì người thợ trong xưởng máy cứ làm mãi một số cử động không đổi, nên năng suất của họ kém rất nhiều và người ta bảo với tôi rằng ở Mỹ châu, trong một vài ngành kỹ nghệ, họ đang thí nghiệm việc cho phép người thợ tập nghề ngay trong công việc của họ làm. Kết quả là vì công việc của họ không máy móc, nên họ sản xuất nhiều hơn. Ngay khi ta cảm thấy rất thích thú làm một vài công việc nào đó, nhưng nếu ta cứ tiếp tục lặp lại hành động ấy mãi, thì hành động đó cũng thành ra một thói quen nhàm chán.
H: Còn với người nghệ sĩ thì sao?
K: Nếu người nghệ sĩ chỉ biết lặp đi lặp lại thì họ không còn là nghệ sĩ nữa! Tôi cho rằng có thể lẫn lộn giữa hai danh từ lặp lại và sáng tạo, phải thế không? Sáng tạo là gì?
H: Anh thợ giày đóng giày cho tốt, thế là sáng tạo.
K: Đóng giày tốt, nướng bánh mì ngon, sinh con đẻ cái, làm thơ, vân vân… đó là sáng tạo sao? Xin các ngài đừng nói là phải hay không phải… hãy đợt một phút!
H: Tôi không hiểu làm sao ta có thể sống được trong một khoảng hư không trống rỗng.
K: Thưa bà, tôi e là có sự ngộ nhận giữa chúng ta. Tôi xin lỗi. Có lẽ do những danh từ tôi chọn dùng không được đúng. Bà không lĩnh hội được điều mà tôi gọi là sự trống rỗng… Nhưng đây, chúng ta đang nói về sự sáng tạo.
Tôi đã được nghe trong một trường đại học nào đó người ta giảng dạy cái gọi là văn chương sáng tạo, hội họa sáng tạo. Sự sáng tạo có thể giảng dạy được sao? Cứ luyện tập hoài một điều gì đó khiến có thể sinh một tâm thức sáng tạo sao? Một nhạc sư có thể truyền dạy cho các ngài về cái kỹ thuật chơi vĩ cầm, nhưng hiển nhiên là kỹ thuật không thể đem thiên tài đến cho các ngài được. Người có tinh thần sáng tạo có thể tự tạo cho mình cái kỹ thuật, nhưng thường thì người ta nghĩ rằng nên bắt đầu học lấy cái kỹ thuật trước đã. Hãy lấy một tỉ dụ thông thường, dù rằng tỉ dụ không phải là những giải thích. Thế nào là một cuộc sống giản dị? Ta cho rằng sống giản dị là phải chiếm hữu rất ít của cải, phải ăn thật ít, phải tránh làm cái này cái nọ. Bên Á châu, kẻ chỉ vận một cái y, sống cô độc một mình, và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, được xem là người sống rất giản dị. Nhưng có thể nội tâm họ là một hỏa diệm sơn bị thiêu đốt bởi những dục vọng, đam mê, khát vọng. Cuộc sống giản dị của người ấy chỉ là một dàn cảnh bên ngoài khiến người xem phải nghĩ: "Người này sống thật là giản dị". Mà cái tâm thái ấy thực ra, chính là tâm thái của đa số các ông thánh: bề ngoài trông họ giản dị, nhưng ở nội tâm, họ đầy tham vọng, họ gò bó tâm thức họ, họ tự ép mình rập khuôn theo vài kiểu mẫu nào đó, vân vân. Cho nên tôi nghĩ rằng sự giản dị phải bắt đầu từ bên trong, chứ không phải bên ngoài. Cũng tương tự như vậy, bằng phương thức diễn đạt bên ngoài, ta không thể nào khởi động sự sáng tạo. Sáng tạo là một trạng thái sống [3] chứ không phải là sư tìm kiếm phương tiện kỹ thuật để tự phô diễn. Trạng thái ấy là sự khám phá ra cái tối thượng và chỉ có thể phát sinh khi không còn bất kỳ hành vi nào của cái ngã trong bất kỳ chiều hướng nào.
Nhưng chúng ta hãy trở lại câu hỏi của bà này về sự trống rỗng. Phần đông người đời, mặc dù sống trong giao tiếp với kẻ khác, nhưng họ vẫn sống trong cô đơn. Tôi không nói về loại tâm thái ấy. Một tâm thái trống rỗng hoàn toàn khác hẳn với cái tâm thái cô độc. Cần phải có một khoảng trống giữa các ngài và tôi, chúng ta mới có thể nhận thấy nhau được. Cần phải có một khoảng cách tôi mới nghe được những gì các ngài nói và các ngài mới nghe được những gì tôi nói. Tương tự như vậy, cần phải có khoảng trống trong tâm thức chúng ta. Tôi muốn nói tâm thức chúng ta không nên chấp chứa quá nhiều đến nỗi bị chận nghẹt bế tắc. Chỉ khi nào tâm thức chúng ta có khoảng trống, không chấp chứa ôm đồm những hành vị vị ngã, ta mới nhận thức được thế nào là sống. Nhưng sống trong cô độc – điều đó không thể được.
H: Xin ngài nói thêm về năng lực.
K: Bất cứ làm việc gì, dù nhỏ mọn, tất phải cần có năng lực, phải thế không? Đứng dậy rời khỏi ghế, bước ra khỏi lều, suy nghĩ, ăn uống, lái xe, mọi hành động đều cần năng lực. Nhưng thông thường thì bất cứ là việc gì, trong tâm ta thường phát sinh một sự chống kháng làm phân tán năng lực đi, trừ phi hành động của ta đem khoái lạc cho ta, và trong trường hợp này thì không có xung đột, không có chống kháng nên năng lực được củng cố.
Như ban nãy tôi vừa nói, cần phải có năng lực để chú tâm được trọn vẹn và năng lực không gặp phải sự chống kháng, bao lâu không có sự lơ đễnh. Nhưng hễ có sự lơ đễnh xen tạp vào, nghĩa là hễ ta dụng ý tập trung vào một điều gì đó và đồng thời ta lại muốn nhìn ra cửa sổ, thì sinh ra có chống kháng, tranh đấu. Thế nhưng, nhìn ra cửa sổ cũng quan trọng như bất cứ nhìn ở đâu, và khi ta đã nhận được chân lý ấy thì không còn có sự lơ đễnh và xung đột nữa.
Muốn có năng lực về thân xác, dĩ nhiên ta phải được nuôi dưỡng bằng những thức ăn trong sạch, được nghỉ ngơi đầy đủ, vân vân. Điều này các ngài có thể chứng nghiệm ở ngay bản thân mình, khỏi cần thảo luận. Nhưng cũng có thứ năng lực tâm lý, năng lực này bị phân tán bằng nhiều cách khác biệt. Để có thứ năng lực này, ta nhớ đến nhiều chất kích thích. Ta đi nhà thờ, xem đá banh, đọc văn chương, nghe nhạc, tham dự những cuộc họp mặt như thế này chẳng hạn. Tất cả những điều đó kích thích và nếu các ngài tìm kiếm chính sự kích thích này, sự thể đó chứng tỏ là về phương diện tâm lý các ngài bị lệ thuộc vào một cái gì: lệ thuộc vào rượu chè, vào ma túy, vào vị đạo sư, giáo hội. Dù bất cứ hình thức nào, mọi sự lệ thuộc chỉ làm hôn mê tâm thức, ngoài ra lại còn phân tán năng lực nữa. Vậy để bảo tồn năng lực này, mọi nhu cầu về chất kích thích phải được đánh tan và để tránh ta lệ thuộc vào người, vào sách vở, vào công việc hay vào nhu cầu đi xi nê, bất cứ hình thức đặc biệt nào của chất kích thích mà ta tìm kiếm, ta đều phải nhận thức nó trước tiên. Chấp nhận sự cần thiết của những chất kích thích, chấp nhận sự sống với chúng là phân tán năng lực và làm hư hoại tâm thức. Nhưng nếu ta ý thức chúng và khám phá thấy cái tác động đích thực của chúng trong đời sống của ta, là ta đã thoát ly khỏi sự kiện đó rồi.
Bằng một nhận thức sắc bén nội tâm mình đây không phải là tự lên án mình với tất cả những gì bao hàm trong sự lên án đó, mà là nhận thấy chính mình y như mình là, mà không phân biệt chọn lựa chi cả - ta mới tìm học hầu lĩnh hội hết tất cả những gì liên quan đến các luồng ảnh hưởng cùng mọi hình thức lệ thuộc. Chính sự vận dụng này, đích thị là hành động tìm học, làm phát sinh nguồn năng lực cần thiết để ta thoát ly khỏi mọi sự lệ thuộc và kích thích.
26/7/1964
8.
Có lẽ sáng nay chúng ta nên dẹp hết sang một bên tất cả mọi vấn đề của ta: vấn đề kinh tế, vấn đề giao tiếp với tha nhân, vấn đề sức khỏe và cả những vấn đề rộng lớn hơn vây phủ chúng ta: về quốc nội và quốc tế, về chiến tranh, về đói kém, về bạo động loạn lạc, vân vân. Không phải chúng ta lẩn tránh các vấn đề ấy, nhưng nếu chúng ta có thể dẹp chúng sang một bên, dù chỉ trong buổi sáng này thôi, thì với một tâm thức tươi nhuận, một nhận thức sâu sắc hơn chúng ta mới có thể xem xét chúng một cách khác hẳn, một cách mới mẻ, đầy cương quyết và sáng suốt hơn.
Tôi thiết tưởng chỉ có tình thương mới có thể làm phát sinh một cuộc cách mạng đích thực, chứ tất cả mọi cuộc cách mạng khác, những cuộc cách mạng căn cứ trên những lý thuyết về kinh tế, hay trên những chủ nghĩa xã hội hay trên các chủ thuyết nào khác, đều chỉ có thể tạo thêm nhiều rối loạn mới khác, càng sinh thêm đảo điên và khốn khổ. Ta không thể nào hy vọng giải quyết được vấn đề căn bản của nhân loại bằng cách cải thiện rồi kết hợp lại vô số những thành phần riêng biệt của nó. Chỉ duy một tình thương rộng lớn mới có thể cho ta một cái nhìn toàn vẹn về vấn đề ấy, do đó mới vận dụng được một hành động toàn diện, thay vì cứ được một hành động toàn diện, thay vì cứ loay hoay với cái hành vi phiến diện manh mún được gọi là những cuộc cách mạng mà kỳ thực không đưa tới đâu cả.
Sáng nay, tôi muốn nói về một điều bao gồm toàn bộ cuộc sống, không chia ly manh mún đó là cách thể nhìn ngó toàn bộ cuộc sống con người, và để thâm nhập vào đó thiết tưởng chúng ta phải ngừng dấn thân vào những lý thuyết, những tin tưởng, những tín điều. Phần đông chúng ta không chịu ngưng đào bới cái bản chất của tư tưởng mình, nhưng hình như chúng ta không bao giờ chịu gieo giống, chúng ta phân tích, chúng ta thảo luận, chúng ta phanh phui sự vật ra thành từng mảnh, nhưng chúng ta không nắm được sự vận động toàn bộ của cuộc sống.
Tôi nghĩ là có ba điều cần phải được thấu hiểu một cách thâm sâu nếu chúng ta muốn lĩnh hội toàn bộ cuộc vận động của đời sống. Đó là: Thời gian, đau khổ và sự chết. Để thấu hiểu thời gian, để lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa của đau khổ và để sống cùng sự chết – tất cả hành động đó đòi hỏi phải có ánh sáng của tình thương. Tình thương không phải là một lý thuyết cũng không phải là một lý tưởng. Ta thương hoặc ta không thương, thế thôi. Điều đó không thể giảng dạy được. Ta không thể thâu nhập những bài học để biết phải thương yêu như thế nào và cũng không có một phương pháp nào với những công phu luyện tập hằng ngày, khiến có thể khởi sinh nơi ta một nhận thức về thế nào là thương yêu. Nhưng tôi nghĩ có thể thương yêu một cách tự nhiên, một cách dễ dàng, một cách tự phát, khi ta thật sự nhận thức được ý nghĩa của thời gian, nhận thức được chỗ sâu xa phi thường của đau khổ cùng cái trạng thái thuần khiết do sự chết phát sinh. Ý tôi muốn nói là ta phải xem xét bằng sự kiện thực, chứ không phải xem xét trên lý thuyết hay trong trừu tượng, bản chất của thời gian, tính chất – hay cơ cấu – của đau khổ và cái vật kỳ lạ mà người đời gọi là sự chết. Ba vật ấy không chia cách nhau được. Nếu ta thấu hiểu thời gian, ta mới thấu hiểu được sự chết cùng đau khổ là gì. Nhưng nếu xem thời gian như một vật gì khác biệt với đau khổ và sự chết, và nếu cố nhìn xét nó một cách biệt lập, thì quan điểm của ta sẽ phiến diện, chia lìa và ta không bao giờ lãnh hội được vẻ đẹp cùng mãnh lực của thương yêu.
Vậy sáng nay, chúng ta sẽ nói về thời gian, không phải nói trong trừu tượng mà trong hiện thực: thời gian như là một sự tương tục của cuộc sống. Có thứ thời gian của đồng hồ, giờ và ngày trải dài thành triệu triệu năm, và chính thời gian ấy đã phát sinh tư tưởng mà ta đang vận dụng để sống còn. Khả năng tư tưởng của ta là một thành quả của thứ thời gian ấy, nó đích thị là sự tương tục của đời sống và ta gọi sự cải thiện hay "đánh bóng" cái khả năng tư tưởng đó qua tương tục, là sự tiến bộ. Thời gian cũng còn là cái kỳ hạn tâm lý mà tư tưởng tạo nên như phương tiện nhằm tự thực hiện. Chúng ta dùng kỳ hạn đó để tiến bộ, để thực hiện, để trở nên, để tạo thành quả. Phần đông người đời xem đó như là bàn đạp để lấy đà phóng tới một cái gì vĩ đại hơn, tới sự phát triển một vài khả năng, tới sự toàn thiện một kỹ thuật nào đó, tới sự thực hiện một cứu cánh, một mục tiêu – mục tiêu này có thể là đáng giá hoặc có thể là không, rồi từ đó họ tưởng nghĩ rằng thời gian là cần thiết cho sự lộ bày, khai phá những gì là chân lý, là Thượng đế, là siêu thoát khỏi nỗi khổ nhọc của con người.
Thế thường, ta xem thời gian như là một kỳ hạn, một giai đoạn giữa cái lúc hiện tại và một điểm thời gian nào đó trong tương lai mà người ta sẽ tự thực hiện, và người ta dùng kỳ hạn ấy để đào luyện tính tình, để dứt bỏ một vài thói quen để phát triển các bắp thịt hay một vài quan điểm nào đó. Trong suốt hai ngàn năm qua, những tâm thức Cơ đốc đã bị qui định nhằm để tin tưởng vào một đấng cứu thế, vào địa ngục, vào thiên đàng, còn ở Đông phương, cũng có những sự qui định tương tự được dùng để áp chế tâm trí con người còn dài lâu cổ xưa hơn nữa. Người ta nghĩ rằng thời gian là cần thiết cho mọi điều mà người ta phải làm hoặc phải hiểu, do đó thời gian trở thành gánh nặng, trở thành rào cản ngăn chặn không cho nhận thức những sự kiện, ngăn chặn không cho nhìn thấy tức khắc nguyên nhân chân, giả của một điều nào đó, vì người ta tin rằng muốn được như thế cần phải có thời gian. Người ta bảo:
"Ngày mai trong hai năm nữa, tôi sẽ hiểu cực kỳ sáng suốt điều này". Ngay khi người ta chấp nhận thời gian là người ta đã dụng dưỡng sự biếng nhác, chính sự lười biếng kỳ lạ này đã ngăn chặn không cho nhìn thấy tức khắc chân tướng của sự vật.
Ta nghĩ rằng cần phải có thời gian để đoạn tuyệt với cái trạng thái qui định mà xã hội – với những tôn giáo có tổ chức, với những luật lệ về luân lý, với những tín điêu, với sự ngạo mạn, với tinh thần tranh đua của nó – đã khống chế tâm thức. Ta tư tưởng bằng thời gian vì tư tưởng thuộc trong thời gian: tư tưởng là phản ứng của ký ức và ký ức là thứ hậu trường đã được tích trữ, di truyền, thủ đắc bởi giống nòi chủng tộc, bởi tập đoàn, phe nhóm, bởi gia đình và cá nhân. Hậu trường ấy là thành quả của tiến trình tích trữ của tư tưởng và sự tích trữ này đã nương nhờ vào thời gian. Đối với phần đông chúng ta, khả năng tư tưởng đích thị là ký ức. Khi có một khích động hay một sự mời gọi thì chính ký ức phản ứng như một ứng đáp, tương tự như một bộ óc điện tử tác động bằng phương thức liên hợp. Vì tư tưởng là phản ứng của ký ức, nên ngay trong bản chất, nó là sản phẩm của thời gian và cũng là chủ thể cấu tạo nên thời gian.
Điều tôi trình bày không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một đề tài để suy nghĩ. Các ngài chả cần phải suy nghĩ chi về điều đó cả, tốt hơn các ngài hãy nhìn thấy những sự kiện ấy vì chúng là như thế đó. Tôi không đi sâu vào chỗ phức tạp của những chi tiết của các sự kiện đó, nhưng tôi chỉ vạch ra cho các ngài thấy các sự kiện cốt yếu, và trong hai điều này, các ngài phải thực hiện một: hoặc các ngài nhìn thấy các sự kiện đó hoặc không. Nếu các ngài theo dõi điều tôi trình bày, chứ không phải những danh từ được phát ngôn, nếu thay vì phân tích bài nói chuyện của tôi, các ngài nhận thấy thực sự rằng các sự kiện là như thế, các ngài mới có thể nhìn thấy cái cách thế mà thời gian nó lừa đảo mê hoặc chúng ta và lúc bấy giờ, câu hỏi được đặt ra là: thời gian có thể nào ngưng dứt không? Nếu chúng ta có thể thấy được toàn bộ tiến trình của hành vi chúng ta – thấy chiều sâu hun hút cùng bề mặt cạn cợt của nó, thấy vẻ đẹp cùng nét xấu của nó – không phải ở ngày mai mà thức khắc ngay bây giờ, thì chính nhận thức là hành động hủy phá thời gian.
Nếu ta không thấu hiểu được thời gian thì ta không sao thấu hiểu được đau khổ. Chúng không phải như ta tưởng, là hai nhân vật khác biệt nhau. Để đến sở làm, sống với gia đình, sinh sản, không phải là những sự việc khu biệt. Trái lại, tất cả mọi phương diện ấy của cuộc sống đều liên lạc nhau một cách sâu xa và mật thiết, và không có lòng mẫn cảm xuất sinh từ tình thương thì ta không thể nào nhận thấy được những mối liên lạc mật thiết phi thường đó.
Để thấu hiểu đau khổ, ta phải thật sự thấu hiểu bản chất của thời gian và sự cấu tạo của tư tưởng. Thời gian phải ngưng dứt, bằng không ta chỉ lặp đi lặp lại những kiến thức, tài liệu đã được tích trữ, tương tự như một bộ óc điện tử. Nếu thời gian không chấm dứt tức là tư tưởng không chấm dứt – thì ta chỉ biết lặp đi lặp lại, chỉ biết thích ứng, chỉ biết biến chế, chứ không bao giờ có mới mẻ nơi nội tâm ta. Chúng ta là những bộ óc điện tử được đề cao vẻ vang, tuy có đôi chút độc lập, nhưng chúng ta vẫn máy móc trong sinh hoạt.
Vậy để thấu hiểu bản chất và sự chấm dứt của đau khổ, ta cần phải thấu hiểu thời gian. Muốn thấu hiểu thời gian, ta cần phải thấu hiểu tư tưởng. Hai vật ấy không tách rời nhau được. Có thấu hiểu thời gian, ta mới chấm dứt được tư tưởng và thấu hiểu tư tưởng tức là chấm dứt thời gian, do đó chấm dứt luôn đau khổ. Nếu điều ấy đã được sáng tỏ thì ta mới có thể nhìn tận mặt sự đau khổ thay vì thờ phượng sùng bái nó như những người Cơ đốc. Thế thường, ta hay sùng thượng hoặc phá hủy điều nào ta không hiểu. Ta đặt điều đó vào trong một nhà thờ, một đền chùa hay trong thâm kín nào đó của tâm thức ta để rồi từ đó nó trở thành là một vật kinh khiếp, hoặc ta đá hất, quăng ném thải bỏ nó; hoặc ta lẩn tránh nó. Nhưng ở đây ta không hành động như thế. Chúng ta thấy rõ rằng, từ nhiều nghìn vạn năm qua, con người đã vùng vẫy mãi trong đau khổ, và không sao giải quyết được vấn đề, thành thử họ trở nên chai lì, họ đã chấp nhận đau khổ bảo rằng đó là một phương diện không thể tránh của cuộc sống.
Nhưng khư khư chấp nhận đau khổ, không những ngu muội mà đó còn là cách thế làm cho tâm trí thành hắc ám, vô cảm, hung bạo nông cạn, và do đó cuộc sống chỉ còn là một chuỗi dài ti tiện của những bạo lực và khoái lạc nối tiếp nhau.
Chúng ta sống những cuộc sống phân chia manh mún như là nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nghệ sĩ, là con người tình cảm, sùng đạo hoặc là gì khác nữa. Nhưng muốn thấu hiểu đau khổ và thoát ly đau khổ, ta phải thấu hiểu thời gian, tức là thấu hiểu tư tưởng. Bấy giờ ta nhận thấy rằng không thể nào chối bỏ, lẩn trốn, đào thoát khỏi đau khổ bằng cách vui đùa, đi nhà thờ, chấp nhận những tin tưởng có tổ chức, mà không thể chấp nhận và sùng thượng đau khổ. Nhưng để tránh những tệ đoan nguy hiểm ấy, ta cần phải có một sức chú tâm cao độ, tức là năng lực vậy.
Đau khổ thường mọc gốc rễ trong thái độ tự thương thân xót phận. Nếu ta muốn thấu hiểu đau khổ ta phải "mổ xẻ" sự thương thân xót phận đó một cách thẳng tay. Không biết các ngài có để ý thấy các ngài tự thương thân trách phận đến mực độ nào chăng khi các ngài nói: "Tôi cô độc". Ngay khi sự thương thân xót phận này xen vào là các ngài đã bồi đất cho cây đâm gốc mọc rễ rồi. Các ngài có thể biện minh cho sự thương thân xót phận này, có thể lý luận, có thể đánh bóng, phủ đậy nó bằng ý niệm, nhưng nó vẫn luôn luôn hiện diện ở đó, ung độc lở lói vào sâu nội tâm các ngài. Vậy, kẻ muốn thấu hiểu đau khổ, trước tiên phải khởi sự giải thoát khỏi cái mưu mộ ti tiện, bạo ngược và vị ngã là sự thương thân xót phận đó. Các ngài có thể cảm nhận được tình tự thương thân xót phận đó vì cầu nguyện bệnh hoạn hoặc vì có kẻ thân yêu qua đời hoặc vì các ngài chưa tự thực hiện được con người của mình, nên các ngài tự cảm thấy mình sút kém, lu mờ, nhưng dù thế nào, tình tự thương thân xót phận vẫn là gốc rễ của đau khổ. Hễ ta giải thoát khỏi tình tự này, là ta có thể nhìn tận mặt đau khổ, không sùng thượng hay lẩn trốn nó, hoặc gán cho nó một ý nghĩa cao thượng và đạo đức, hoặc nghĩ rằng cần phải đau khổ mới tìm thấy được Thượng đế, như thế quả thực là dại dột. Chỉ có những tâm thức mê mờ và ngu muội mới quy thuận với đau khổ. Vậy bằng cách này hay cách khác, không nên chấp nhận đau khổ mà cũng không chối bỏ nó. Khi ta đã giải thoát khỏi sự thương thân xót phận ấy thì ta đã lột bỏ hết mọi tình tự và cảm xúc của đau khổ có thể dấy sinh và lúc bấy giờ ta mới có thể nhìn tận mặt đau khổ với một sự chú tâm trọn vẹn.
Tôi hy vọng rằng đó là điều mà các ngài đang làm sáng nay khi chúng ta cùng tiến tới trong câu chuyện, và hy vọng rằng các ngài đừng bằng lòng chấp nhận trên bình diện ngôn từ những điều tôi trình bày. Các ngài hãy ý thức việc các ngài âu sầu chấp nhận đau khổ, ý thức những lý luận, những biện giải, ý thức sự thương thân tủi phận, thái độ tình cảm và xúc cảm của các ngài, bởi vì tất cả những thứ ấy đều làm hao phí năng lực. Muốn thấu hiểu đau khổ, các ngài phải đặt hết chú tâm của các ngài vào đó và trong sự chú tâm này không còn chỗ chứa những biện giải, những tình cảm những lý luận cũng như tình tự thương thân xót phận.
Tôi hy vọng các ngài thấu hiểu rõ ràng qua lời trình bày của tôi, khi tôi khuyên các ngài nên đặt hết chú tâm vào đau khổ. Trong sự chú tâm này không có một cố gắng nào nhằm để giải quyết hoặc thấu hiểu sự đau khổ. Ta nhìn, ta quan sát, chỉ có thế thôi. Mọi cố gắng nhằm thấu hiểu, nhằm lý luận hoặc lẩn tránh đau khổ, đều là thái độ chối bỏ cái tâm thái tiêu cực của sự chú tâm trọn vẹn, mà chỉ trong tâm thái này cái gọi là đau khổ mới có thể được thấu hiểu.
Không phải chúng ta đang phân tích, đang khám phá đau khổ bằng lối phân tích nhằm một cách dứt bỏ đau khổ, vì các động tác đó của tâm trí chỉ là những mánh khóe xảo quyệt. Tư tưởng, đứng ra làm cuộc phân tích, tưởng tượng rằng đã thấu hiểu và thoát ly đau khổ. Tưởng tượng thế là dại dột. Các ngài có thể dứt bỏ được một sự đau khổ đặc biệt nào đó, nhưng đau khổ vẫn sẽ tái hiện dưới một hình thức khác. Chúng ta nói về đau khổ trong cái toàn thể của nó, tự thân của đau khổ, dù là đau khổ của tôi hay của các ngài hay của một người nào khác.
Như tôi đã nói, để thấu hiểu đau khổ, cần phải thấu hiểu thời gian và tư tưởng. Phải nhận thức rõ để không phân biệt chọn lựa tất cả mọi cách thế lẩn trốn, tất cả những gì là thương thân xót phận được phô diễn thành ngôn từ, làm như thế để cho tâm thức được hoàn toàn tịch lặng đối diện với điều ta muốn hiểu. Trong đó, tuyệt nhiên không có sự chia cách giữa chủ thể quan sát và đối tượng bị quan sát: Không phải chính các ngài, chủ thể quan sát, người tư tưởng, đang đau khổ và đang nhìn thấy đau khổ: Chỉ có một tâm thái duy nhất. Cái tâm thái đau khổ bất khả phân này hết sức cần thiết, bởi vì khi ta nhìn đau khổ như là một chủ thể quan sát là ta đã tạo nên cuộc xung đột làm ngưng trệ tâm thức, làm hoang phí năng lực và do đó loại trừ sự chú tâm.
Khi ta thấu hiểu bản chất của thời gian và tư tưởng, khi ta đã bứng gốc sự thương thân xót phận, bứng gốc tình cảm, cảm xúc và tất cả những gì bao hàm trong đó thì tư tưởng, nguyên là nguồn cội dấy sinh tất cả sự phức tạp ấy, liền chấm dứt và thời gian không còn nữa. Bấy giờ ta tiếp xúc trực chỉ và mật thiết với vật mà các ngài gọi là đau khổ. Ta duy trì đau khổ khi ta lẩn tránh đau khổ, khi ta muốn trốn chạy nó hay muốn giải quyết nó hay sùng thượng nó. Nhưng khi tất cả mọi hành động đó đều không có, bởi vì ta đã giáp mặt trực tiếp với đau khổ và do đó ta tuyệt đối lặng yên trước đau khổ, ta liền khám phá rằng ta không đau khổ chi hết. Ngay khi tâm thức các ngài tiếp xúc trọn vẹn với sự-kiện-đau-khổ thì chính sự tiếp xúc ấy giải quyết tất cả những gì đã nương nhờ vào thời gian và tư tưởng, làm tái sinh sự kiện đó. Và thế là đau khổ chấm dứt.
Bây giờ, làm cách nào chúng ta có thể thấu hiểu được cái mà chúng ta gọi là sự chết, và chúng ta quá đỗi sợ hãi? Con người đã tạo biết bao nhiêu là đường lối quanh co để đề cập sự chết: những thờ phượng, những lý lẽ để chối bỏ nó, vô số những tin tưởng, vân vân. Nhưng để thấu hiểu sự chết, tất nhiên phải đề cập nó bằng một tâm thức mới mẻ, bởi vì các ngài không biết gì về sự chết cả, phải thế không? Các ngài đã thấy nhiều người chết, và các ngài đã quan sát, ở chính các ngài cũng như những người khác, cái chết lần mò tiến đến cùng với tuổi tác và sự tiêu mòn hư hoại do tuổi tác đem lại. Các ngài biết rằng sự sống của xác thân cáo chung với sự già nua, với tai nạn, với bệnh tật, với sát hại hoặc với tự vẫn, nhưng các ngài không biết sự chết như cái ngài biết về những ham muốn tình dục, sự đói khát, tính hung bạo, sự tàn nhẫn. Các ngài không nhận biết một cách đích xác trọn vẹn chết là gì, và bao lâu các ngài không thấu hiểu, thì sự chết sẽ vô nghĩa đối với các ngài. Điều mà các ngài sợ hãi là một sự trừu tượng mà các ngài không quan niệm nổi. Bởi vì không nhận biết được sự sung mãn của cái chết là gì, và bao lâu các ngài không thấu hiểu, thì sự chết sẽ vô nghĩa đối với các ngài. Điều mà các ngài sợ hãi là một sự trừu tượng mà các ngài không quan niệm nổi. Bởi vì không nhận biết được sự sung mãn của cái chết và những nghĩa lý bao hàm trong đó, nên tâm thức các ngài sợ hãi nó: tâm thức sợ hãi các ý niệm về sự chết, chứ không phải nó sợ hãi chính sự kiện mà nó không biết.
Xin các ngài hãy xem xét điều này với tôi: nếu các ngài chết tức tốc, các ngài không có thì giờ để nghĩ đến cái chết và sợ hãi nó. Nhưng đây lại có một khoảng cách giữa hiện tại và lúc cái chết sẽ đến, và trong kỳ hạn đó các ngài có thời giờ để âu lo và lý luận về cái chết. Các ngài muốn kéo dài cuộc đời trong một cuộc sống khác – nếu cuộc sống khác đó có – kéo dài tất cả những nỗi lo âu, tất cả những ham muốn, những tri thức mà các ngài đã tích trữ, thế rồi các ngài tin tưởng vào một hình thức bất tử nào đó. Với các ngài, sự chết là một vật cách biệt với sự sống. Cái chết ở đằng kia, một nơi nào đó, còn các ngài thì ở đây, đang lo sinh sống, đang bận lái xe, đang bận hưởng khoái lạc dâm dục, đang cảm thấy đói, đang tạo ưu phiền, đang chạy áp phe, đang tích trữ kiến thức, vân vân. Các ngài không muốn chết vì các ngài chưa viết xong quyển sách của mình, vì các ngài chưa chơi vĩ cầm tuyệt hay. Thế rồi các ngài phân chia sự chết với sự sống và các ngài tự bảo: "Bây giờ tôi muốn hiểu sự sống, còn sự chết thì sau rồi tôi sẽ hiểu". Thế nhưng, chết sống vốn không cách biệt nhau, và đấy là điều trước tiên cần phải thấu hiểu. Sống và chết là một. Chúng liên quan mật thiết với nhau. Ta không thể khu biệt chúng ra và tìm hiểu cái này tách lìa cái kia được. Mà phần đông chúng ta lại làm như thế. Ta chia cắt sự sống ra nhiều khu vực kín mít, không dính dáng chi với nhau cả. Nếu các ngài là nhà kinh tế học thì các vấn đề kinh tế là tất cả mối quan tâm của các ngài, ngoài ra các ngài không biết chi hết. Nếu ngài là y sĩ chuyên môn về mũi họng hay về tim thì ngài sống trong phạm vi hạn định của những kiến thức đó suốt trong bốn năm chục năm và đó là thiên đàng của ngài khi ngài chết.
Như tôi đã nói, hễ nhìn xét cuộc sống một cách chia ly manh mún là sống triền miên trong điên đảo hỗn loạn, trong mâu thuẫn của đau khổ. Cần phải nhìn thấy cái toàn thể của cuộc sống và ta chỉ có thể nhìn thấy được cái toàn thể khi lòng tràn đầy trìu mến, thương yêu. Tình thương là cuộc cách mạng duy nhất khả dĩ ổn định được trật tự trong thế giới. Việc thu đạt thêm nhiều kiến thức về toán học, về y học, về sử, về kinh tế và kế đó ráp nối tất cả các mảnh vụn ấy lại, là điều hoàn toàn vô ích: hành vi đó không giải quyết được gì cả. Không có tình thương thì mọi cuộc cách mạng đều đưa đến sự sùng thượng nhà nước hay sùng thượng một hình ảnh hoặc đưa đến vô số những hành vi trụy tồi tàn bạo làm hủy hoại con người. Cũng tương tự như thế, vì sợ hãi cái chết, ta đặt nó cách khoảng với ta và tách rời nó với cuộc sống thường nhật của ta, sự phân cách này chỉ khiến phát sinh thêm sợ hãi, âu lo và gia tăng những lý thuyết về sự chết. Muốn thấu hiểu sự chết, phải thấu hiểu sự sống. Sự sống không phải là sự tương tục của tư tưởng và chính sự tương tục này đã khởi dấy tất cả mọi đau khổ của ta.
Nhưng tâm thức các ngài có đủ khả năng thu hồi hết sự chết về ngay trong hiện tại tổ chức thời này không? Các ngài theo dõi tôi chứ? Sự thật cái chết không phải là cái gì ở tận đằng xa kia đâu: cái chết ở tại đây và ngay bao giờ. Cái chết hiện diện khi ta nói năng, khi ta hưởng lạc, khi ta lắng nghe, khi ta đến sở làm. Cái chết hiển hiện ở đó mọi lúc trong cuộc sống như tình thương vậy. Nếu các ngài nhận thấy được một lần sự thể ấy, các ngài sẽ thấy rằng tình tự sợ chết không còn nữa. Không phải ta sợ cái-không-biết mà ta sợ mất cái-biết. Ta sợ mất hết gia đình, sợ bị cô độc, không ai bầu bạn, ta sợ nỗi khổ về cô độc, hành hạ, sợ không có cảm giác và mất hết của cải đã được tích lũy. Ta sợ phải xa lìa cái-biết. Cái biết là ký ức, và tâm thức bám víu vào ký ức ấy, nhưng ký ức chỉ là máy móc, điều đó đã được các máy tính điện tử chứng minh hết sức ngoạn mục.
Muốn thấu hiểu vẻ đẹp và bản chất phi thường của sự chết, ta phải giải thoát khỏi cái biết. Chết với cái biết là bắt đầu thấu hiểu sự chết, bởi vì bấy giờ tâm thức chuyển mình mới mẻ, trong nó không còn sợ hãi nữa và ta có thể đi vào cái trạng thái được gọi là sự chết. Kẻ thông minh đích thực mới thấu hiểu được thời gian, tư tưởng và đau khổ. Chỉ kẻ đó mới thấu hiểu được sự chết. Thứ tâm thức biết chết từng giây từng phút, không bao giờ tích trữ, không bao giờ gom góp kinh nghiệm, mới là tâm thức vô tư vô nhiễm và do đó mới luôn luôn nằm trong một trạng thái thương yêu thường trực.
Không biết các ngài có muốn hỏi chi thêm về vấn đề đó không, để chúng ta đi sâu vào các chi tiết.
H: Thưa ngài, giữa tư tưởng của ngài và tư tưởng Cơ đốc về tình thương, khác nhau chỗ nào?
K: Tôi e không thể nói được chỗ đó với ngài. Tôi không có "tư tưởng" tình thương, nếu ta nghĩ về tình thương, thì đấy không phải là tình thương, chắc ngài biết là có một sự khác biệt lớn lao giữa một nhu cầu bình thường về dâm dục với những tư tưởng kích thích cảm giác. Tâm thức chỉ biết lo hưởng lạc, chỉ biết nghĩ đến khoái lạc, cứ tự kích thích bằng những hình ảnh, bằng những tưởng tượng, bằng những tư tưởng, tâm thức ấy rất tổn hại. Nhưng "cái kia" thì lại hoàn toàn khác hẳn: Ý nghĩa của cái ấy, không có tư tưởng xen vào, nên vốn khác hẳn. Cũng tương tự như thế, ta không thể tư tưởng về tình thương. Ngài có thể tưởng nghĩ đến một kiểu mẫu tình thương mà ký ức đã ghi chép được hay tưởng nghĩ đến những gì người ta đã nói với ngài về tình thương: họ nói tình thương tốt hoặc xấu, thiêng liêng hoặc phàm tục, vân vân. Nhưng các tư tưởng ấy không phải là tình thương. Tình thương không phải thuộc Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, không phải đông tây chi cả, tình thương không phải của ngài, không phải của tôi. Chỉ khi nào ngài đã chặt đứt hết mọi ý niệm về quốc tịch, về chủng tộc, về tôn giáo của ngài cũng như về mọi ý niệm khác, ngài mới biết được tình thương là gì.
Các ngài thấy không, sáng nay tôi nói về sự chết để các ngài có thể thấu hiểu toàn bộ sào huyệt của nó – không phải là các ngài thấu hiểu nó khi các ngài đang ngồi đây trong căn lều này, mà thấu hiểu nó trong suốt cả toàn bộ cuộc sống của các ngài – để do đó các ngài thoát ly khỏi đau khổ, thoát khỏi sợ hãi và thật sự nhận biết được ý nghĩa của sự chết. Nếu từ bây giờ và trong những ngày kế tiếp mà tâm trí các ngài không trở nên hoàn toàn sáng suốt, vô tư vô nhiễm, chú tâm sâu sắc, thì nghe lời tôi nói cầm bằng như vô ích hoàn toàn. Nhưng nếu các ngài sáng suốt, chú tâm sâu sắc, ý thức tư tưởng và tình cảm của mình, nếu các ngài không lo diễn giải những điều tôi nói mà các ngài đang thực sự quan sát chính các ngài qua những mô tả và khám phá về vấn đề này thì khi rời căn lều này các ngài sẽ sống, các ngài sẽ sống không những tưng bừng mà cả với sự chết và tình thương nữa.
28/7/1964
2/8/1964
--------------------------------------------------------------------------------
[1]On “est”
[2]Un état d’originalité
[3]État d’être
Nguồn: Ý nghĩa sự chết, đau khổ và thời gian của Krishnamurti. Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa dịch. An Tiêm xuất bản lần thứ II. In tại ấn quán Thăng Long 220A, Trương Minh Giảng, Sài Gòn. K.D. số: 3697 ngày 31-12-1968.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)