VỀ QUÊ CHỒNG
Ðầu năm 1998 hai me con tôi, tôi, cô dâu họ Hồ quê Yên Thành và con gái Mina Nhã Uyển, từ Huế là quê ngoại, đáp xe lửa về thăm Nghệ An. Trước khi ra đi, nhà tôi đã chuẩn bị chu đáo cho chúng tôi chuyến du hành đặc biệt về quê chồng này. Anh ấy đã mở lớp “huấn luyện cấp tốc” về gia phả dòng họ Hồ quê Tăng-Thành. Thật thà mà nói thì những chuyện này tôi đã biết rõ từ “khuya” nghĩa là từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”; chàng họ Hồ khi lưu lạc đến xứ Thần kinh thơ mộng của tôi, đã thật thà khai báo “thất tình” với những chi tiết “hỉ, nộ, ái, ố, sầu, bi, dục”… của đời chàng. Chu đáo ở đây tôi muốn nói là chàng “lì xì” khá rộng rãi cho hai me con đủ điều kiện vật chất để mạnh dạn thay chàng qui cố hương! Bởi vì chàng vẫn chưa có hứng khởi trở về. Nơi ấy đã gây ra lắm hệ lụy thương tâm mục não khiến trái tim chàng hay nhức nhối khó chịu mỗi lần nhớ tới quê hương!
Tại nhà ba tôi ở Phường Ðúc, Long Thọ, me con tôi bàn định việc rút ngắn thời gian lưu lại cố đô, để dành ngày cho việc thăm quê nội Mina. Ông ngọai Na ân cần gửi lời thăm hết thảy bà con của chàng rể họ Hồ. Từ mấy chục năm nay bố Na đã là rể quý của nhà họ Phan mà! Sau khi Nam Bắc phân chia giới tuyến, vào năm 1958 nhà tôi đã vượt tuyến qua đường Lào (leo rừng băng suối Trường Sơn) để tìm tự do ở miền Nam. Khoảng đầu năm 61, chúng tôi quen, thân và thương yêu nhau thời kỳ sinh viên thơ mộng ở Ðại học Huế. Ðám cưới đã xảy ra vui vẻ náo nhiệt dưới sự chứng kiến của các linh mục. Trước hết phải kể đến như Viện trưởng ÐH Cao Văn Luận, người cha đỡ đầu cho cả hai đứa tôi học ở Ðại học cho tới lúc tốt nghiệp. Rồi cha Nguyễn Hy Thích, giáo sư dạy tôi ở Văn khoa, vốn là người bạn vong niên thân thiết cuả gia đình. Hôm lễ cưới ngài đã mang tới tặng một cặp câu đối thiệt dễ thương. Tôi còn nhớ rõ hai câu thơ đối rất chỉnh, tự tay cha viết và đề trên hai mảnh sáo tre sơn màu xanh lục non trang nhã:
“Hồng lĩnh Lam giang Hùng tuấn kiệt.
Bình sơn Hương thủy Mộng Hoàn viên”
Ngoài ra có cha Phan Ðình Bố (bác ruột cô dâu) làm linh mục chủ tế, cha De Leffe thuộc Dòng Tên Pháp đại diện Nhà trai, chủ hôn, vì chàng rể vốn là sinh viên trưởng tràng ở Foyer Xavier, nơi ngài là giám đốc. Rồi đến cha Nguyễn Văn Trinh trẻ trung, là Tuyên úy đoàn Sinh viên Công giáo Ðại học Huế. Cha Hưng Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Huế, người đỡ đầu chú rể từ cái hồi bơ vơ vào miền Nam cũng trong họ nhà trai! Tôi phải khoe ầm ĩ như rứa để nhấn mạnh rằng cuộc sống lứa đôi của chúng tôi đã được kết hợp keo sơn trong ơn nghĩa Chúa vì vây bọc quanh tụi tui toàn là cha cố! Câu chuyện tôi muốn viết lại hôm nay mở đầu sẽ dài dòng khi kê khai lý lịch với bạn đọc. Từ từ tôi sẽ nhẩn nha kể mấy chuyện vui vui trong chuyến Trung du này.
Chuyến tàu hỏa nhanh xuất phát từ Huế khởi hành vào khoảng 10 giờ tối hôm ấy, chúng tôi lấy vé loại “ghế mềm”, là ghế có bọc giả da và có thể nâng lên hạ xuống
để mình có thể nằm hay ngồi tùy ý. Vì gần đến Tết Âm lịch, nên khách đi làm ăn xa tận trong Nam đổ về quê ăn Tết chật ních các khoang. Tàu tên là nhanh nhưng chạy xình xịch, lắc lư êm êm như đưa võng nên tôi đánh được một giấc ngủ ngon lành. Nửa khuya đang mơ màng giấc điệp tôi choàng tỉnh vì mùi thức ăn bốc lên thơm lừng cả không gian và nhất là bởi âm thanh rao hàng vừa chua lét vừa nặng chình chịch của mấy cô ngoài ta đang hăng hái đẩy xe “bồi dưỡng” cháo gà ngoại vi (tức khách ăn phải trả tiền, vì trong vé chỉ phục vụ một bữa ăn tối sơ sài). Mọi người quanh tôi đều thức dậy hăm hở kêu và chờ thưởng thức, có vị hăng hái làm liền vài tô! Tôi cũng “đúng cái boại” lắm chứ, nhưng rụt rè không dám tham gia với bà con; lý do Mina ngầm ra dấu lắc đầu, và lưu ý tôi chú trọng vào cô hàng cháo.
Cô ta dáng người phốp pháp, tay chân lanh lẹ, cười nói thoải mái khi phục vụ thực khách. Cô ta mang tạp dề đàng hoàng đúng phép vệ sinh quốc tế, nhưng hai bàn tay cục mịch thoăn thoắt bốc thịt gà đã xé tơi từ cái mâm khổng lồ cho vào tô thì rõ ràng không chịu đeo găng bảo hộ! Tôi tiếp tục chìm vào giấc Nam kha, hình ảnh con gà mái tơ mượt mà thịt mỡ bóng nhẫy đang bay lượn cùng rau răm và tiêu muối hấp dẫn ngon lành. Trời bên ngoài xe lửa chìm trong bóng đêm, còn tôi mê mải giấc mơ màng.
Thời gian tàu chạy e đến cả chục tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ga Vinh ồn ào náo nhiệt người đón kẻ đưa. Hai me con thong thả di chuyển loanh quanh dưới hàng cây xanh um trồng ngăn nắp trong khuôn viên láng xi măng sạch sẽ của sân ga thoáng mát. Tôi phải dạo chơi cho giãn gân cốt sau gần chục tiếng nằm cứng trên tàu. Lúc này mới 6 giờ sáng. Chúng tôi lạ nước lạ cái đâu dám tự ý xông pha như lúc về Huế là nơi thân quen của mình. Chú em Út ruột bên chồng hôm trước đã phôn dặn dò kỹ lưỡng rằng: “Chị và cháu “nhất trí” ở yên trong nhà khách thuê tạm trên lầu 2 khách sạn Ga, chờ em tới đón mới được ra khỏi phòng, “nhất trí” như thế nhé...!” Thế nên chúng tôi dư giờ tham quan. Chúng tôi không tốn tiền thuê phòng nhốt mình trong khách sạn khi phải “nhất trí” nghe theo lời chú em, trái lại lo “tranh thủ” giải quyết vấn đề vệ sinh húy tiếu cá nhân. Từ bên kia ½ quả đất tôi đã từng nghe các lời đồn đãi có thiệt, rằng nơi đây Rest room là chuyện phong kiến và hoàn toàn xa xi phẩm! Chắc chắn ở Ga sẽ không thiếu phương tiện tế nhị này. Nhưng mà bạn phải nhớ luôn luôn trữ sẵn tiền nhỏ trong túi ạ. Nhân viên trực diện ở đây sẽ vui vẻ thu lệ phí khi trao cho khách mẩu giấy báo in chữ đen xì, để mình vào xài free cầu tiêu. Tuy nhiên bạn sẽ không dám đụng chạm đến “hắn” (tức giấy báo) vì thế bạn luôn phải nhớ đem theo giấy “cuộn” bán khắp nơi. Những cuộn giấy súc xinh xinh nhuộm màu hồng, xanh lơ, lục thắm mát mắt và vô cùng tiện dụng mọi sự mọi việc cho du khách trên khắp nẻo đường đất nước.
Cuối cùng thì người hướng đạo viên cũng xuất hiện: chú Lĩnh.
Tôi còn nhớ như in sự tích người em chồng này qua lời kể lại khúc chiết của nhà tôi. Vào năm xảy ra cao trào đấu tố địa chủ và cải cách ruộng đất năm 1953, thì ông nội các con tôi là người đầu tiên lãnh án chết vì tội Ðịa chủ. Cụ phải xử bắn tại chỗ sau khi “được” nhân dân kể cả bà con xa gần tích cực hưởng ứng việc kể tội ông cụ. Những tội lỗi dựng đứng nên cốt để gây phấn khích cho người tham dự lễ “khai phóng nhân dân dành lại quyền làm chủ từ lâu nay đã lọt vào tay những kẻ giàu có”! Chú Lĩnh chào đời năm 1951 và mồ côi cha lúc lên ba. Sau đó mẹ chồng tôi vì uất ức lẫn thất vọng khi thấy mình bất lực vì cảnh đời cùng cực nheo nhóc của lũ con thơ, bà đã quẫn trí quyên sinh. Sau đó chú Lĩnh được lén lút cho làm con nuôi một nông dân nghèo hiếm muộn ở một làng xa trong Huyện. Chú phải thay tên đổi họ để may ra tồn tại trên quê hương khắc nghiệt của cha ông mình. Cuối năm 76, chú út họ Hồ đã chịu khó lặn lội từ quê xứ Nghệ tìm vào Nam xuống tận miền Tây (Tà Keo-Rạch Giá) để thăm ông anh cả, tức nhà tôi lúc đó đang mưu đồ tìm cách cho gia đình thoát vòng kiềm tỏa của chế độ XHCN-CS. Chú chỉ ở chơi tuần lễ rồi lộn trở ra Bắc, vì chú còn vợ con đùm đề ngoài ấy, đâu dám đành đoạn ở lại tham gia cuộc vượt biển của ông anh. Hồi đó tôi thấy người em chồng này vạm vỡ, to khỏe như chàng Samson, nghe đâu chú thím ấy đã có 4 mặt con dù tuổi đời mới 25! Thế mà nay, gặp lại sau 22 năm chia tay, trông chú Lĩnh già và khắc khổ đi nhiều. Với cuộc sống lam lũ của nghề nông, nhà một vợ 6 con, suốt ngày lăn lộn ngoài đồng ruộng để kiếm hột gạo, biểu làm sao chú ấy không cằn cỗi!
Từ Ga Vinh, chúng tôi ngồi xe ba-gác-đạp di chuyển đến trạm xe đò, cách đó khoảng 10 phút đồng hồ. Tôi ngồi trên thành gỗ xe lắc lư, nghiêng ngó quan sát thành phố đang phất lên sau chiến tranh. Nhà cửa toàn là những building kệch cỡm xây san sát bên nhau, nằm ven hai bên lề con đường rộng, xe cộ chạy ngược chiều nhau có vẻ trật tự, chứ không xô bồ hỗn tạp như Sài Gòn hay Hà Nội. Khi chờ chuyến bus về quê, tôi ngạc nhiên thấy mấy thiếu nữ diện như... Mỹ! Một cô mặc quần tây bó sát, chân mang “ghệt” da cổ ngắn, tóc tai thật bụi, dáng đứng nghênh ngang. Tôi lắng tai nghe, giọng nói vẫn mang âm sắc nặng-quê như mọi người đang lố nhố quanh mình. Mãi sau tôi mới vỡ lẽ rằng, Vinh là thành phố ngã ba giao lưu giữa những luồng văn minh hiện đại của Nam Bắc Việt Nam ngày nay. Hèn chi thanh niên ở đây lại không tránh khỏi ảnh hưởng, mà chưng diện theo kiểu dân nước ngoài.
Chiếc bus trờ tới, chúng tôi nhảy lên chiếm chỗ khoảng giữa xe. Nói là bus chứ thiệt tình chỉ là chiếc xe đò cổ lỗ sĩ mình quen thấy ở miền Nam, loại xe đò “cải tiến” chạy bằng than củi đốt sau 75. Xe hẹp bề ngang, ngắn đòn bề dài với những hàng ghế gỗ xộc xệch, lớp da giả bọc ngoài đã biến mất tiêu có lẽ từ cái thời kháng chiến chống Tây. Hai me con tôi ngồi cùng băng với hai người cán bộ ăn vận lịch sự. Trời nắng chang chang, hai vị diện complet đen sì. Mỗi người mang một cặp samsonite thiệt oách đặt khư khư trên đùi, tôi để ý trên quai xách của mỗi chiếc cặp có thắt một cái khăn lông trắng cỡ vừa. Xe chạy chừng nửa tiếng đã chật như nêm, vậy mà bà chủ xe vẫn tiếp tục từng lúc dừng lại để rước thêm khách và hàng. Dưới chân chúng tôi lèn chặt hàng chục bao muối to cỡ bao gạo 100 kilô. Xích lên vài ghế đằng trước là vài chục bao phân bón. Xa xa phiá sau kể không xiết bao nhiêu là lúa, gạo, hàng hoá linh tinh. Tôi đã kinh hoàng tột độ khi xe ngừng lại để mải miết bốc thêm những người và gồng gánh tôm, cá, rau, cỏ và tất cả người vật hàng hóa ấy đều được chất lên cho ngồi trên nóc xe! Lạy Chúa tôi! chắc là con chết mất vì cả “hương hoa” đất nước qui tụ hết nơi chuyến xe đò mùa xuân này!
Mina tái mét mặt mày vì ở mỗi khúc quành chiếc xe hàng lại nghiêng một góc độ đáng sợ, và không biết nó sẽ lăn kềnh ra lúc nào! Ðường từ Vinh về quê Tăng Thành gồ ghề, nhựa đường đã lóc ra từ đời thuở nào, trơ ra gạch đá lỗ chỗ như ổ trâu, nên xe chạy tha hồ xóc mình như người ta xóc rượu pha. Mina thì thầm, “Me! Mình xuống kiếm xe khác đi, nguy hiểm quá!” Tôi chịu không nổi đã la lên: “Dừng xe, trả tiền lại, tôi kêu công an phạt bây giờ!” Xe vẫn chạy, mụ chủ cười nhăn nhở, tiếp tục bay lên lượn xuống qua lại trên người hành khách để hăng hái thu tiền vé. Áo quần tôi ướt đẫm mồ hôi. Chúng tôi đã thay đồ bà ba trong chuyến đi này, cốt để tránh con mắt cú vọ của công an giao thông sẽ chém tiền mình gấp đôi! Khách nước ngoài về trên thực tế đã phải mua vé double! Trong khi thông cáo nhà nước chỉ thị rõ ràng: Mọi hành khách không phân biệt trong và ngoài nước đều hưởng đồng giá tiền trên mọi tuyến xe tàu!!! Càng trưa trời càng nóng bức. Thời tiết mùa xuân mà gay gắt như nắng hạ. Thêm hai ông cán cuốc ngồi sát mình, cứ oang oang chuyện trò, còn phì phà thở cho khói thuốc um lên và hôi như cú! Các vị ba hoa tán láo chuyện họp hành đảng điếc làm mình thêm sôi máu, muốn điên lên. Lâu lâu họ lôi cái khăn lông trắng từ quai chiếc samsonite lên lau cổ, lau ngực, lau mặt mày đang tuôn chảy mồ hôi dầm dề. Quả thật là tiện dụng với chiếc khăn lông máng trên quai samsonite!
Cuối cùng thì xe cũng ngừng cho chúng tôi xuống khi ngang nhà chú Lĩnh, sau gần 4 giờ đồng hồ trên đoạn đường chưa tới 60 cây số. Ngay xế trưa hôm đó, khi tôi vừa chợp mắt ngủ một chút thì bà con bên chồng đã nườm nượp kéo tới thăm hai me con tôi. Vì Mina năn nỉ, chúng tôi quyết định chỉ lưu lại quê nội tụi nhỏ 2 đêm 3 ngày (Mina đã dò hỏi ra chuyện ở đây “vắng nhà vệ sinh”, mà cô bé thì chỉ có thể “bế quan tỏa cảng” trong vòng vài bữa!). Chú Lĩnh huy động bà con nên tranh thủ tụ họp tại nhà chú để “xem mặt” chị dâu và cháu gái từ “Mỵ” về.
Nhà chính của chú Lĩnh là một căn nhà ba gian hai chái, xây bằng gạch vồ chắc chắn, trên một nền cao có ba bậc chạy dài trước hiên tô xi măng láng bóng. Tôi đã nghe nói rằng toàn bộ ngôi nhà này đã từng di động 3, 4 lần từ đồng bằng lên vùng núi rồi xuống trở lại đây. Chủ nhân và vợ con đã kiên trì chuyên chở rui mè, cột kèo, gỗ đá an toàn đi khắp nơi không biết mệt! Tôi cảm khái cho thành tích phi thường đó của “nhân dân” quê “bác”. Thời gian và trót đời của họ chỉ phấn đấu cho miếng cơm, manh áo và nơi trú ngụ. Vào nhà, nơi gian giữa trên một bệ ximăng cao hơn thước tây, có nắp đậy bằng gỗ, vuông vức khổng lồ choán hết gian, là chỗ đặt bàn thờ bố chồng tôi. Trong khuôn ảnh bán thân, ông cụ tóc hớt carê ngó vẻ phương phi của người nông dân chất phác, lương thiện. Trông ông không có chút chi là người đoản mệnh! Vậy mà cụ đã bị bắt phải chết đúng tuổi 53 vào năm 1953 vì tội địa chủ!
Mina lúi húi sắp xếp lên diã cúng nửa tá xâu nem chua Huế, và chồng gói mè xửng Song Hỷ của ông ngoại cháu gửi ra làm quà. Thấy tôi nhìn lạ lùng vào bệ thờ to tướng, thím em dâu liền giải thích, đó còn là kho thóc giống, nhà trữ sẵn cho mùa gieo luá sắp tới! Buổi trưa khi ngả lưng nghỉ mệt, tôi theo dõi mấy con chuột nhắt tự do leo trèo lên xuống vui vẻ khắp nơi. Mới ra Giêng mà khí trời oi bức, từng đàn nhặng xanh vù vù bay quanh quất. Ban ngày để an toàn ngủ, Mina phải xin được giăng mùng!
Xế trưa hôm ấy, tôi bị đánh thức vì tiếng la hét ồn ào của bầy trẻ con, là lũ cháu từ các nhà bà con kéo về thăm “mự”, thăm bác, thăm bà... (là tôi). Chúng chạy đuổi bắt nhau tưng bừng trong khoảnh sân ximăng tô phẳng phiu trước hiên nhà. Mina và cu Thỏa, con trai chú Út đang trải chiếu nơi sàn nhà để đổ ra trên đó cả núi áo quần, mà tôi đã đóng thành hai thùng mỗi cái hơn 30 kilô, theo giới hạn của hải quan, để mang về cho mọi người trong họ. Như kinh nghiệm bạn bè đã từng về thăm quê khuyên, quần áo là loại qùa thực tế không vô ích. Ai cũng hài lòng nhận tặng vật. Bộ veston sẫm màu vừa khít trên người chú em, cổ chú quàng cái khăn len kiểu cách. Chú đi lui đi tới, săm soi ngắm vuốt, hệt chàng trai mới lớn. Bà chị thứ hai của bố Mina, mặt mũi hiền lành, bà giống đúc my husband. Ðến thăm em dâu, bà diện áo dài nhung tím, tóc vấn khăn nhung đen, nhưng trông bà có vẽ hững hờ, ngồi lim dim theo dõi cuộc chia quà náo nhiệt. Tôi đến bên bà, cười lấy lòng người chị chồng coi bộ khó tính, rồi dúi vào tay bà hộp quà nhỏ bằng giấy bìa cứng, nhà tôi đã chọn riêng trước mắt hai cái ổ khóa kim loại trông thật “kiên cố” cho nhiệm vụ “bảo hộ” tài sản! Bà cụ chớp mắt, như muốn ngăn giọt lệ cảm động đang ứa ra, bà nói với tôi: “Mự” biết không, cậu ấy vẫn nhớ đến sở thích của bà chị già này. Lâu rồi khi kể về các chị em mình, nhà tôi vẫn cười về cái nết cẩn thận của chị thứ hai, luôn ước ao có ổ khoá thiệt “đảm bảo” để khóa tủ, khóa cửa!
Quanh tôi những thằng cu con hĩm bé lóc chóc cố mặc chồng lên người bao nhiêu váy áo màu sắc tươi vui đặc Mỹ. E đến non hai mươi đứa, mỗi đứa được ba bốn món. Tôi nhớ lại tháng trước tôi đã tỉ mỉ chọn lựa những quần áo đem về, cố nhét càng nhiều càng tốt lèn chặt vào thùng quà bao nhiêu là T-Shirt, quần Jean, sơ mi, áo đầm, veston, đồ len... Nay thì tôi vui vì công lao của mình không bị hất hủi, chê bai như vài thành viên trong gia đình tôi bên ấy đã bi quan tiên đoán.
Ngay lúc mới tới, tôi đã trao cho thím em dâu nhiệm vụ chiêu đãi bà con. Cho nên tối hôm đó sau nhà bếp đã nghe vang lừng âm thanh của lũ gà vịt bị chọc tiết. Bầy gia cầm mới hồi chiều còn thấy buộc chặt chân cẳng nằm la liệt đầy sân, chúng đưa mắt ngơ ngác dòm tôi, người khách lạ oan khiên, vì tôi, chúng sẽ bị hóa kiếp. Tinh mơ hôm sau trời còn nhá nhem tối, mấy mẹ con cu Thỏa đã lao xao sinh hoạt dưới căn bếp nhỏ mà qua cửa sổ nhà trên, tôi thấy ánh lửa bập bùng, tiếng nói chuyện rì rầm, giọng cười khe khẽ của các cô em dâu, em chồng hấp dẫn tôi chổi dậy, định xuống đó góp chuyện. Gà trong xóm thi nhau gáy râm rang, từng chặp rồi liên hồi. Lòng tôi nao nức theo âm sắc lanh lảnh ấy. Tiếng gà gáy, bếp lửa hồng, sương mai lãng đãng... tất cả cái ấy đã làm òa vỡ trong tôi nỗi thương nhớ vô bờ. Tôi đang thực sự hiện diện giữa lòng quê hương, tôi đang thở hít làn không khí trong lành nơi thôn xóm hiền hòa quê chồng. Nhưng chợt một lúc tim tôi nhói đau khi sực nhớ rằng không gian thanh bình này cách đây gần nửa thế kỷ đã từng u ám vì một tai họa khủng khiếp đã xảy ra. Ðại gia đình chồng tôi từ đó mà tan nát đến cùng cực, nhân cớ kinh hoàng ấy đã xui khiến nhà tôi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu, và đau đớn xa lìa quê cha đất tổ. Chàng thư sinh ẻo lả, ôm mộng vá trời lấp biển từ xứ Nghệ xa xôi vượt rừng leo núi, tìm đến miền Nam nắng ấm, chúng tôi đã gặp gỡ và nên duyên...
Cái nhân quả hệ lụy ấy mới xui khiến cho tôi phút giây này có mặt nơi đây. Tôi ngậm ngùi thương tiếc những người thân yêu đã khuất. Mơ hồ qua làn khói hương nơi bàn thờ, ánh mắt cụ thân sinh chồng tôi nghiêm buồn, hẵn giờ phút này hương hồn cụ đã khuây khỏa. Kỷ niệm chất ngất hận thù dần phôi pha. Kẻ ác, chế độ điên cuồng bất nhân rồi cũng phải bị bôi xóa theo định luật thời gian.
Buổi tối đầu tiên, tôi ra ngoài sân ngắm trăng. Chị Hằng nga mơ màng ngự giữa bầu trời trong vắt. Không gian bao la, lững lờ vài thoáng mây nhè nhẹ trôi. Gió đêm hây hẩy xua giùm tôi lũ muỗi ác ôn từ khắp nơi cứ chực xúm vô tấn công da thịt mình. Mina đã an toàn chui vào trong mùng để chống muỗi từ chặp tối. Hương đồng quê nồng nặc xông lên khi tôi đang thả hồn mơ mộng, vì trước mặt tôi là cánh đồng luá trải dài đến vô tận, sao mà thanh bình thế. Thím em dâu hét lanh lảnh biểu mấy đứa con, “Chất rơm nhiều nhiều nữa vô chuồng lợn, kẻo bác chết mất!” Cu Thỏa hớn hở cười với tôi vừa cầm cây nạng xóc rơm chạy đi tích cực thi hành mệnh lệnh.
Chuồng heo nằm cạnh gian bếp, là địa điểm của “kinh tế chủ lực” của gia đình chú em chồng. Nếu không có đàn lợn, họ sẽ vô cùng chật vật trong nếp sống hàng ngày. Nuôi lợn, sẽ có phân để tưới bón hoa màu phụ sau luá, lợn nái đẻ con sòn sòn, ta sẽ bán đàn con khi đã nuôi vỗ cho chúng lớn mập, như thế may ra kiếm thêm chút ít tiền để năm thì mười họa bưã cơm có tí thịt mỡ. Vì thế “dạ-trư-hương” đã khuấy động làn không khí trong lành của cảnh đồng quê thơ mộng của du khách tôi! Bởi vì, mặc dù quanh năm suốt tháng, chú Út dãi dầu mưa nắng ở ngoài đồng từ lúc trời chưa rạng mặt cho đến khi trời nhá nhem mới mò về nhà để ăn bữa tối, mà số lúa thu hoạch chỉ vừa giữ lại làm lúa giống và đủ nạp thuế cho nhà nước!!! Cũng vì hoàn cảnh sống cơ cực như thế, càng ngày dân quê càng tìm cách thoát khỏi làng xóm ra mưu sinh ở thành thị.
Chiều thứ hai ở quê nội Mina, khách phương xa liền được “lệnh sau” đòi. Tôi băn hăn bó hó không biết xoay xở làm sao. Mãi sau phải “bật mí” với cô em chồng nỗi niềm tâm sự. Cô Miều liền hướng dẫn khách ra chuồng heo.
Chuồng lợn gồm hai ngăn, mỗi ngăn láng xi măng và rộng chừng 3 mét vuông, ngăn bên kia nuôi heo, bầy heo đang sức lớn, thấy người lạ thi đua la eng éc. Ngăn bên này dùng chưá rơm rạ, sau mùa gặt nên chất cao như núi. Trong bóng hoàng hôn chập choạng, khách mơ hồ nhận ra mấy thanh gỗ dầy dặn bắc dọc dưới chân mình, hở ra từng kẽ hở song song cách nhau chừng gang tay. Khách hoảng hồn nhắm mắt làm “nghĩa vụ”, không dám trông ngang trông ngửa, tay lo níu chặt vào cọc rào trước mặt, cứ sợ dại lỡ hụt chân xuống... e chết mất! Tôi thở phào sung sướng sau 30 giây đứng tim. Tình huống đó đã làm tôi nhất quyết từ chối lời mời mọc tha thiết của lũ cháu, đã không dám ăn món khoai lang luộc nổi tiếng của quê chồng. Những củ khoai lang bột, tròn, chắc trồng ở đây, luộc chín, nóng hôi hổi gợi thèm, nhà tôi hằng quảng cáo là ngon nhất nước! Nếu tôi nhẩm xực, sẽ nhuận trường, sẽ tha hồ thăm viếng chuồng lợn, nơi trữ phân tươi rất thiên nhiên và vô cùng tiện dụng!!! Cũng vì lẽ đó, suốt thời gian còn lại ở quê Yên Thành, tôi chỉ cầm đũa để lịch sự mời bà con đến thăm, họ luôn có mâm cỗ ngon lành mà thím em dâu sẵn sàng dọn ra để chiêu đãi nồng hậu.
Mới 6 giờ sáng, gia đình người em họ của nhà tôi đã xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Tôi quýnh quáng trở dậy, vội vàng đi xuống sân sau, nơi có đào cái giếng nhỏ, định lo làm vệ sinh cá nhân. Chú Út ngăn tôi lại và trịnh trọng đưa cho tách trà đựng nước trong. Chú nói, “em đã nấu nước sôi cho chị dùng đánh răng”. Tôi trợn mắt ngạc nhiên. Chú bảo, “nước giếng bẩn chỉ để rửa dọn. Nước sạch các cháu lên chùa lai về”. Chú tiếp khi đọc thấy vẻ ngại ngùng trong mắt người chị dâu. “Chùa cũng gần đây thôi, đạp xe chỉ vài phút là tới chị ạ”. Tôi nhìn trên mặt bàn kê đầu giường ngủ thấy một dãy phích nước sôi xếp hàng ngay ngắn cạnh nhau. Thì ra chú em đã chu đáo lo việc nước non thù tiếp khách phương xa. Hèn chi, trưa hôm chúng tôi vừa đến đây, người em dâu vội vàng phóng xe mất tăm, khi thím ấy về nơi yên sau thấy có đèo bình nhựa trắng lớn. Thì ra chủ nhà phải lấy nước sạch mất công như thế.
Họ đã đun nước sôi cho chúng tôi pha tắm. Tôi đứng trong phòng tắm lộ thiên có 3 bức vách che chắn ngang quá ngực mình, bức thứ tư khỏi cần lo ai dòm tới vì nó xoay về hướng cánh đồng bao la. Tôi vục gáo nước vào lu đã pha nước ấm, dội lên người mình, mấy cọng tàn rơm bám lên da cho tôi cảm nghĩ hương mùa gặt của quê chồng sao mà gần gũi và thân thương đến thế. Tôi bùi ngùi suy gẫm, cho mãi cuối thế kỷ 20, nơi chốn quê của lãnh tụ “bác”, nhân dân ta vẫn còn quanh quẩn sống nếp đơn giản của thời kỳ “hồng hoang thời đại”!
Trọn ngày thứ hai ở đây chúng tôi được gia đình người em họ, là cán bộ xã ấp “lai” bằng xe Dream đi nhiều nơi, thăm bà con gần, thăm mộ ông bà nội Mina. Khi đoàn xe ghé vào khu đất nơi xưa là cơ ngơi của ông Hồ Châu, tôi được kể cho biết khuôn viên mênh mông của gia sản họ Hồ Yên Thành nay chỉ còn một rẻo nhỏ, là mảnh đất tí teo nằm như khuôn in viền sít lấy ngôi từ đường của dòng họ mấy đời. Ngoài ra tất cả đã biến thành mây khói phù du vào tay nhân dân qua bao cuộc thanh toán từ cái hồi cải cách ruộng đất năm 53 đẫm máu.
Xe Dream đèo tôi lướt nhẹ trên con đường trải nhựa lỗ chỗ đất đá, dọc theo con kinh thoáng, nước chảy lặng lờ, ôm ấp bởi những bờ đê xây bằng đá là niềm hãnh diện của chính sách thủy lợi, chạy thẳng tắp suốt cả thị trấn. Tôi chưa được nhìn ngắm dòng sông Lam kiêu hùng với sóng vỗ cuồn cuộn của quê hương Uy Viễn tướng công (Nguyễn Công Trứ), tôi chỉ được thấy mơ hồ trong sương mai những nét núi nhạt nhoà của dãy Hồng Lĩnh trùng điệp, xứ sở bạt ngàn của Nguyễn Du. Quê hương của tác giả Truyện Kiều thực sự chỉ có trong ảo tưởng của thời cắp sách của mình. Hóa cho nên không gian ấy đã biến đổi đến đau lòng.
Trong mơ mộng tuổi học trò, tôi đã chỉ hình dung quê hương thi sĩ Tiên Ðiền qua những trang thơ Kim Vân Kiều Truyện! Thế nên qua cuộc thăng trầm dâu biển của nửa thế kỷ, quê chồng tôi, vẫn chỉ thô sơ với làng mạc nghèo nàn, hàng trăm ngôi nhà gạch thấp sát đất mái ngói đỏ au, luôn luôn đằng trước là khuôn sân ximăng nhỏ và bao giờ trên ấy cũng phơi phóng một thứ thực phẩm gì đó (đậu, mè, ngũ cốc...).
Chỉ có một lúc khi xe chạy qua trường cấp ba đang giờ tan học, tôi thấy lòng vui vui vì len lỏi giữa hàng trăm người tuổi trẻ, nữ sinh áo dài trắng, nam sinh sơ mi trắng quần tây xanh, các em nô nức nói cười vui vẻ. Nhưng liệu trong thực tế họ có nắm giữ được tương lai? Bởi vì chiều hôm cuối cùng ở đây, đứa cháu trai kêu tôi bằng mợ đã tâm sự về việc cậu bé đã từ lâu tốt nghiệp cấp ba, đã hai lần thi hỏng vào Ðại học. Lần tới sẽ chuyển đổi thi vào sư phạm, cậu ta chỉ ước ao may mà thi đậu, sẽ ra trường trở thành giáo viên phục vụ... miền núi. Thế nhưng theo như tôi thăm hỏi thì mặc dù gay cấn “đầu vào” nhưng “đầu ra” càng khó khăn gấp trăm lần. Bởi vì ăn chắc may ra chỉ có con nhà cán bộ giàu có, sẽ kiếm được job ngon lành!
Buổi xế trưa đứa cháu đèo tôi bằng xe đạp lên thăm Nhà thờ Bảo Nham. Ngôi Thánh đường kiến trúc theo kiểu Gothic, toàn khối đá màu xám buồn nằm bề thế trên một ngọn đồi cao. Tháp chuông thanh thoát vút lên giữa nền trời xanh lơ. Khi tôi tìm vào khuôn viên Nhà thờ, tôi thấy sân trước sân sau gì đều phơi kín trong những nong đan bằng cật tre lớn bao nhiêu là khoai lang xắt lát. Tôi len chân qua những nong khoai khô nằm la liệt ấy để tiến vào bên trong giáo đường. Tôi ngạc nhiên nhận ra toàn bộ kiến trúc của ngôi thánh đường được xây bằng đá lớn màu xám có chen vân trắng. Những bức tường xây bằng đá khối hình chữ nhật, hình vuông trơn láng sờ đến mát tay, tôi không hiểu làm thế nào người ta đã có thể chuyên chở lên tận trên cao này để xây dựng ngôi Thánh đường đồ sộ này?
Tôi qùy trước tượng Ðức Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài đồng để cầu nguyện. Tôi chia trí khi nhìn thấy hầu hết tượng ảnh chưng khắp bên trong Nhà thờ giăng mắc những tơ nhện dơ bẩn. Hoa nilông cắm trong các bình gốm phủ đầy bụi. Hình như ít ai chú trọng đến việc săn sóc ở nơi phụng tự tôn nghiêm này. Tôi theo những bậc thang hẹp cũng được xây bằng đá lớn, leo loanh quanh theo tay vịn uốn khúc mãi, tìm lên tầng lầu cao chỗ dành cho ban Thánh ca. Căn gác nhỏ xinh xinh có lẽ ít được sử dụng đến vì tôi thấy bụi bặm phủ dày khắp nơi. Khi mở khung cửa hẹp mà cao lên tận trần gác, tôi ngó ra khoảng không gian bao la trước mắt mình. Dưới kia là nhà cưả ruộng đất nhỏ tí. Hàng trăm ngôi nhà gạch vuông vức thấp bé như nằm dí sát đất, và trông chúng giống nhau như khuôn đúc, đàng trước nhà nào cũng có mảnh sân phơi thóc. Những cánh đồng xanh tươi bát ngát chạy đến tận chân trời, hứa hẹn những mùa bội thu, vậy mà tại sao nông dân ở đây vẫn không no đủ? Tôi vừa băn khoăn lo nghĩ vừa leo xuống khỏi lầu nhạc theo hàng chục bậc thang đá cao và dốc ngược. Những bậc đá kiên cố này tự dưng xui tôi mơ màng đến những tháp chuông cổ kính thời phong kiến bên Âu châu, đến câu chuyện tình lãng mạn và đau thương của cặp tình nhân Roméo Juliette.
Trước khi về lại nhà chú Lĩnh, tôi ghé vào bưu điện gọi phone vô Huế tin cho bạn giờ ra đón hai me con ở Ga. Cô nhân viên nhanh nhẹn phục vụ khách, khác với cung cách làm việc của bà cán bộ sồn sồn bán vé ở Ga xe lửa Vinh vào Huế. Khi đến phiên mình, tôi đã phát hoảng vì bà ta la lên “Tiền giả!”. Tôi ngạc nhiên cãi lại, vì làm sao có được chuyện đó, bà cán bộ trợn mắt trừng trừng nhìn tôi rồi dơ cao tờ giấy bạc 50 ngàn VN lên trời, mụ ta không thèm nói chi thêm. Người khách đứng cạnh thúc mạnh vào hông tôi và nói sát vào lỗ tai, “chị khôn hồn thì im đi, kẻo họ nổi hứng giữ lại tra hỏi lôi thôi”. Thế là tôi ngoan ngoãn rút tờ bạc khác mới tinh thay vào tờ giấy bạc giả, để mua 2 “ghế cứng” và lui ra.
Sau đó chúng tôi săm soi quan sát “hắn”, hình “bác” in chìm đã không hiện ra khi mình đưa lên soi trên ánh sáng như những tờ giấy bạc thứ thiệt. Về sau tôi trả lại cho người bạn đã đổi từ tiền đô-la ra tiền VN cho mình để “bắt đền” lấy tờ khác. Nhưng chị bạn tái mặt chịu thua, bởi vì cái mụ-cô-bà cán bộ đã mạnh tay quẹt sổ tàn nhẫn bằng bút bic lên mặt tờ 50 ngàn tiền “bác” 2 chữ “bạc giả” to tướng! Tôi phải thông cảm người bạn không may, và chịu mất toi 4 đôla! Hồi đó giá 1 đô khoảng hơn 13 ngàn tiền “bác”. Chị bạn nói thỉnh thoảng cũng bị như thế, nhưng nếu tờ bạc còn nguyên lành, nghĩa là không bị “phê” ác như trên, chị sẽ giao lại cho người đổi tiền gốc để đòi tiền khác cho mình. Chị nói, giấy bạc giả xuất xứ do con buôn từ Lào đổ về!
Chú em theo lời tôi vội vàng chạy ra cưả hàng ngoài phố mua cho chúng tôi hai cái gối nhồi bông gòn, bởi tôi rất ngán khi nghe hình dung từ chỉ lô ghế mình sắp phải trải qua. Quả thật chuyến trở về Huế lần ni thiệt vô cùng đau khổ. Lần đi “ghế mềm” mua dễ, nhưng lần về đúng dịp bà con đi làm ăn xa kéo về quê ăn Tết nên dù có muốn mua chợ đen cũng đành chịu, tất cả đều dành cho cán bộ! Hai me con ngồi bó rọ trên băng ghế không có nệm và hoàn toàn sát nghĩa ghế cứng. Ðối diện là hai chú công nhân xây dựng từ Hà Nội. Ðó là hai anh thanh niên hiền lành, gốc Huế, ra Hà Nội làm việc, cuối năm mới về quê thăm vợ con. Họ ái ngại dòm chúng tôi cứ không ngừng xoay trở trên chiếc ghế hẹp. Tôi đã phải ngồi bắt chân lên choàng qua ghế đối diện, có khi tưởng nổi điên vì không chịu nổi tình cảnh này. Mọi người ngủ gật gù đầu cổ lắc lư va chạm vào nhau trông thiệt quái gở...
Còi tàu hụ lên hồi dài đánh thức chúng tôi dậy, năm phút sau tôi nhảy xuống sân ga, đêm Huế yên tĩnh đón tôi, làn gió mát từ sông Hương hôn lên má môi mình, thơm nụ hôn trìu mến.
Cuối tháng 5, Hè 2000, tại San Jose
Source : Hoàng hôn thôn Vỹ
Trang Phan Mộng Hoàn
art2all.net