Hiển thị các bài đăng có nhãn Vẻ đẹp của Thiền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vẻ đẹp của Thiền. Hiển thị tất cả bài đăng

8/6/09

Vẻ đẹp của Thiền

Vẻ đẹp của Thiền
Một Danna Chia sẻ với bạn bè ♦ 11 bình luận ♦ 14.05.2009



LTS: Đây là một nỗ lực của tác giả Một Danna, một phần do có sự đề nghị của BBT Da Màu, nhằm tổng hợp lại những quan niệm và khám phá về nghệ thuật của anh, mà anh đã trình bày lâu nay qua một loạt tác phẩm và những phát biểu rải rác ở nhiều nơi, bao gồm trên chính tạp chí của chúng ta trước đây. Hy vọng bài mở đầu cho loạt bài đang được dự tính của Một Danna sẽ được độc giả đón nhận và thảo luận tích cực.





Nói "vẻ đẹp của thiền" thì bản thân phát ngôn này đã là hàm chứa mâu thuẫn nội tại. Nói "thiền không có vẻ đẹp" cũng lại là một mệnh đề sai lẫn khác. Với thiền thì mọi phát ngôn, mọi kí tự nhằm miêu tả nó đều thiếu sót. Như thế, ta gọi là thiền! Tức, ngôn ngữ cũng có vai trò của chúng đối với thiền. Vì thế, cũng không có gì sai trái khi ta nói về mĩ học thiền.



Vô thường


Vô thường là một tính chất quan trọng của thiền, thể hiện sự biến đổi chuyển hoá liên tục của tâm thức. Thấu hiểu bản chất vô thường của thế giới là quả đầu tiên trên con đường tu học của thiền nhân. Nhìn thấy vẻ đẹp của vô thường có thể coi là bước đầu chạm tới nghệ thuật của thiền.

Hình thức nghệ thuật ngôn ngữ mang chất thiền nhiều nhất có thể kể đến haiku. Một haiku chỉ gói ghém đầy đủ trong khoảng 17 âm phải diễn tả được lý do, không gian và thời gian nảy sinh bài thơ nên nó thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. Đó chính là tính vô thường của tâm thức. Khi đọc haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, về niềm vui hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc sống ngắn ngủi, phù du. Các sự kiện trong haiku vừa như rời rạc vừa như liên kết theo một linh cảm nào đó. Người đọc như vừa nằm trong dòng suy tưởng, như vừa đứng ngoài chiêm nghiệm. Rõ ràng, với haiku chúng ta không thể nào xác định rõ ràng một cảm xúc hay một khái niệm nào, bởi nó là vô thường.

Ví dụ như một haiku của Kobayashi Issa:

Này cô ốc sên,
chậm rãi mải miết bò lên.
Trên đỉnh núi Phú Sĩ.

Hình ảnh con ốc sên bò lại liên hệ với núi Phú Sĩ làm chúng ta mơ hồ liên hệ nó bò lên đỉnh núi. Vậy nó bò lên đỉnh núi thật hay chỉ là ảo giác của tâm ta? Các hình ảnh rời rạc đó thể hiện bản chất vô thường bất định trong suy nghĩ của con người.

Trong các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam thì ca trù thể hiện chất vô thường rõ hơn cả. Một bản ca trù không có cấu trúc giai điệu, hợp âm, nhịp độ… chặt chẽ thống nhất như nhạc châu Âu. Tác phẩm được biểu diễn khá tự do phóng khoáng, quan trọng là xử lí các điệu và phách cho nhuần nhuyễn. Một bài ca trù phải sử dụng nhiều kiểu gõ phách khác nhau, nhiều cách nhả âm khác nhau, nhiều điệu khác nhau… nghe rất ngẫu hứng, biến chuyển tinh tế, khác hẳn những bài tân nhạc đang phổ biến hiện nay vốn được xây dựng trên một cấu trúc cung bậc có sẵn và khép kín. Sự chuyển đổi phách, nhịp, âm trong một bài ca trù là một minh chứng khác cho vẻ đẹp của vô thường.



Phi hiện hữu


Thông thường chúng ta nhìn thế giới theo những gì hiện hữu mà chúng ta kiểm chứng và đánh giá được, tức ta suy nghĩ dựa vào những kinh nghiệm tri thức mà ta đã biết. Thiền thì chủ trương phá bỏ những kinh nghiệm đó, và vì thế thiền đặt vấn đề cho những thứ nằm ngoài kinh nghiệm ngôn ngữ đã hiện hữu. Nghệ thuật của thiền cũng là những thách đố cho chúng ta truy tìm những thứ chưa hiện hữu. Ví dụ như bức tranh “Thác nước” dưới đây của hoạ sĩ Nhật, Zeshin Shibata.



Tên bức tranh là "thác nước" mà không thấy thác nước ở đâu, chỉ thấy những tảng đá lởm chởm ẩn hiện tự do trên mặt tranh (thực ra vẫn còn vài nét mờ nhạt thể hiện nước lồng trong đá, nhưng xét bố cục trong tranh thì nó không có vai trò gì). Ta không thể nhìn thấy nước nhưng nhờ vào sự sắp xếp của các tảng đá và những khoảng trống trong bố cục mà ta cảm nhận thấy một thác nước đang ào ào trút xuống, bọt tung trắng xóa, rồi trắc trở luồn qua những khe đá. Quá trình xem bức tranh này là một quá trình truy tìm sự phi hiện hữu ẩn giấu trong các nét mực đã hiện hữu.

Quá trình tìm kiếm này ta cũng bắt gặp trong tuồng nô của Nhật với những khoảng lặng khá lâu để khán giả tìm kiếm những ý nghĩa ngoài lời thoại đã hiện hữu. Trong dòng nhạc thính phòng đương đại, tính chất phi hiện hữu này đã được nhạc sĩ John Cage áp dụng sau thời gian ông học thiền. Năm 1952 Cage giới thiệu tác phẩm "Composition entitled 4’33", một cú sốc với công chúng Mĩ. Đây là một tác phẩm có thể chơi bằng bất cứ loại nhạc cụ nào hoặc bằng một cái gì đó tương đương như nhạc cụ. Tổng phổ hoàn toàn là sự im lặng. Nó không hề có một nốt nhạc nào cả. Người biểu diễn ngồi im lặng trên sân khấu trong suốt thời gian của tác phẩm (4 phút 33 giây). Kết quả cuối cùng chính là âm thanh của tiếng máy điều hoà không khí của phòng hoà nhạc, tiếng ồn do người nghe mang tới, thí dụ như tiếng ho, tiếng cười và những âm thanh từ bên ngoài phòng hoà nhạc mang lại… Hệ thống âm nhạc cổ điển của phương Tây được tạo ra trên nghiên cứu về những âm thanh hiện hữu, về cấu trúc âm cho sự hài hòa thính giác. Âm nhạc của John Cage và âm nhạc của thiền thì đặt vấn đề ngược lại khi tìm sự biểu hiện trong cái phi âm thanh, phi cấu trúc, phi hài hòa. Truy tìm âm nhạc trong sự im lặng là một thách đố cho nhạc sĩ nào muốn theo con đường âm nhạc của thiền.

Thách đố về sự phi hiện hữu cũng dành cho kiến trúc sư. Ta hãy lấy vườn thiền Ryoan-ji làm ví dụ điển hình. Vườn thiền gồm 15 hòn đá xếp thành 5 nhóm tượng trưng cho những hòn đảo trên đại dương. Điều kì lạ là khi đi vòng quanh vườn bao giờ cũng bị khuất mất một hòn đá. Chỉ cần di chuyển một chút là ta thấy hòn đã bị khuất đó, nhưng khi đó một hòn đá khác lại bị khuất. Một tác phẩm kiến trúc được xây dựng từ yếu tố phi hiện hữu, điều đó chỉ có thể xảy ra trong không gian mĩ học của thiền.





Ngược


Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng… Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng. Một trong những cách để các bậc cao tăng giúp người khác nhận ra tính chất hướng theo một khái niệm ngôn ngữ nào đó của họ là sự chấp chước theo thói quen kinh nghiệm, là cách đặt vấn đề theo chiều ngược lại.

Trong tác phẩm "Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải" của Trúc Lâm Đầu Đà có đoạn:

"Có người hỏi Thượng Sĩ:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Thầy đáp:
- Ra vào trong nước đái trâu
Chui rúc trong đống phân ngựa.
Lại nói:
- Thế ấy thì chứng nhập đi vậy.
Thầy bảo:
- Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông.
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch lại nào dơ."

Biết giải thích “pháp thân thanh tịnh” là gì? Người hỏi này vẫn bị chấp vào khái niệm “thanh tịnh”, muốn làm rõ nghĩa nó, muốn xác định nó, muốn hướng đến nó. Tuệ Trung dùng cách nói ngược để dội một gáo nước lạnh vào cái ham muốn thanh tịnh của người kia, rằng thanh tịnh chính là “nước đái trâu”, là “phân ngựa”, là những thứ cực kì ô uế bẩn thỉu. Ông nói như vậy không có nghĩa tìm cách xác định nghĩa của “thanh tịnh” mà muốn chỉ ra rằng không thể có sự thanh tịnh, không thể xác định khái niệm “thanh tịnh” vì nó chỉ có thể hiểu thông qua khái niệm “ô uế”. Từ đó chúng ta sẽ thóat ra khỏi những cản trở của ngôn ngữ trong việc tìm đạo, tức là: “pháp thân không ngăn ngại, nào sạch lại nào dơ”.

Cũng gần như cách đối đáp của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Yosa Buson có bài haiku khá thú vị thế này:

Than hồng
trên đống cứt ngựa —
những cánh anh đào đỏ!

Đối với thiền, cứt cũng có vẻ đẹp của nó.

Sự đảo ngược vai trò của các nhân vật trong tuồng nô cũng là một thủ pháp thú vị và độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Ví dụ trong vở tuồng nô "Eguchi" của Zeami vai trò của thiền sư và kĩ nữ đã đổi ngược cho nhau. Thông thường các bậc tôn sư khuyên bảo và giác ngộ gái giang hồ như Lã Động Tân hay Jesus Christ, còn ở đây gái giang hồ lại giúp kẻ tu hành đắc đạo. Vở tuồng kể về một thiền sư trên đường hành hương đến chùa Tennoji, ghé qua thôn Eguchi, chợt nhớ ra ngày xưa nơi đây thiền sư Saigyo đã bị một cô gái giang hồ từ chối không cho trọ qua đêm mưa bão. Theo cô ca kĩ đó, thiền sư là người xuất gia mà mình lại thuộc phường phấn hoa, không nên ở trọ cùng nhau. Khi Saigyo làm thơ trách móc cô gái thì nàng đáp lại bằng thơ rằng: “Người đã xuất gia từ bỏ cuộc đời (một nhà trọ lớn) sao còn bận tâm vì một chỗ trọ qua đêm (nhà trọ nhỏ)”.

Trong khi thiền sư đang trầm ngâm nghĩ về việc xưa, bỗng có một cô gái đẹp hiện ra khuyên ông chớ để lòng vướng mắc vì câu chuyện xảy ra cho Saigyo. Sư hỏi tên thì nàng xưng là hồn ma của Eguchi no Kimi (tên một nàng kĩ nữ có tiếng ở vùng Eguchi lúc trước) rồi tan biến trong màn đêm. Sư định cầu siêu cho linh hồn cô gái thì cô ta hiện ra giữa hai nàng kỹ nữ. Cả ba nàng chèo thuyền vui chơi trên sông Yodo dưới ánh trăng thanh, hát những bài ca than thở cho kiếp người trôi nổi vô thường, những phiền não gây ra bởi lòng tham ái dục. Thế rồi, nàng Eguchi no Kimi ấy bỗng nhiên hóa thành một vị Bồ Tát và chiếc thuyền hóa thành con voi trắng chở thiền sư lên mây về Tây phương cực lạc.




Chẳng hai


Pháp thiền, theo Lục Tổ Huệ Năng là pháp chẳng hai. Ngài giải thích : « Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn, đã hiểu rõ Phật tính tức là Pháp Chẳng Hai của Phật Pháp vậy. Như Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch với Phật rằng: “Người phạm bốn điều trọng cấm, làm năm điều trọng tội, nghịch và chẳng tin Phật Pháp, thì thiện căn và Phật tính phải bị đoạn diệt chăng? Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ: Một là thường, hai là vô thường; Còn Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Thiện căn lại có hai: Một là lành, hai là chẳng lành; Phật tính chẳng phải lành chẳng phải chẳng lành, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Uẩn và Giới người phàm phu thấy có hai, chứ người trí thấu hiểu, biết tính của nó chẳng phải hai. Tánh Chẳng Hai tức là Phật Tánh vậy”.

Cô Tấm có thật sự hiền từ dễ thương không khi giết chết em gái mình một cách man rợ như vậy? Thậm chí cô ta còn lấy xác của em gái để làm mắm cho mẹ ghẻ ăn. Nếu như cho rằng cô Tấm hiền hậu, cô Cám độc ác thì đó là một nhận định sai lầm. Cám và Tấm chỉ là hai đại diện trong cấu trúc nhị nguyên, đấu tranh sinh tồn với nhau, chứ không hề có tính thiện ác gì cả. Còn nếu lí giải theo luật nhân quả thì « gieo hạt nào, nhận quả nấy », chứ không hề có chuyện « ác giả, ác báo ». Hạt và quả ở đây không hề có tự tính nào. Nếu nhìn câu truyện cổ này theo nhãn quan của pháp chẳng hai thì ta mới thấy vẻ đẹp của thiền trong nó.

Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung ta cũng thấy nhiều ví dụ về thủ pháp "chẳng hai" giữa cái thiện và cái ác, cái chính và cái tà. Không phải vì Kim Dung lấp liếm nhập nhoè chúng vào nhau mà vì ông không lí giải các hành động nhân vật theo đạo đức, ông muốn hướng tới bản lai không còn bóng dáng của tri luận và đạo đức, cũng như Huệ Năng nói : «muốn biết chỗ yếu chỉ của tâm, thì đừng nghĩ tính đến cả thảy các điều thiện ác. Như thế, tự nhiên đặng vào cái tâm thể trong sạch, phẳng bằng vắng lặng, linh diệu vô cùng». Thật khó có thể giải thích rõ ràng khi những bậc tôn sư chính phái như Diệt Tuyệt sư thái của phái Nga Mi, lấy từ bi của Phật làm gốc, lại có thể hung hăng tàn sát mấy trăm đệ tử Ma giáo khi họ không thể chống cự ; hoặc Nhạc Bất Quần dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để mong thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái, hòng trở thành anh hùng chính phái. Trong khi đó những nhân vật lúc đầu được tác giả khoác cho tấm áo tà phái như Tạ Tốn, Khúc Dương… lại dần trở nên dễ mến và đáng phục bởi tài năng và nhân phẩm của họ. Vậy đâu mới là tính cách thực sự của nhân vật ? Thiện hay ác, chính hay tà ? Một câu hỏi không có lời giải đáp!

Quan niệm mĩ học theo pháp chẳng hai cũng giúp ta lí giải vẻ đẹp trong nhiều bức tranh cổ điển Trung Hoa. Ví dụ bức "Mùa xuân trên sông" của Thạch Đào.



clip_image006



Tuy không khí se lạnh của sương mù trên sông bao trùm trong toàn bộ bức tranh nhưng cây lá vẫn tiềm ẩn sự sống mãnh liệt, đường nét của núi trập trùng khỏe khoắn. Bức tranh tuy vẽ cảnh mùa xuân nhưng núi vẫn còn dáng dấp trơ trụi của mùa đông, và sông vẫn đầy sương mù lạnh giá. Thật khó có thể xác định đây là cảnh mùa đông hay là cảnh mùa xuân. Người xem tranh không nên bị lệ thuộc vào ngôn ngữ về tên của bức tranh hay bức tranh muốn thể hiện cảnh sông vào thời điểm nào. Hãy phá chấp ngôn ngữ, khi đó ta sẽ thấy vẻ đẹp của bức tranh linh diệu vô cùng.



Tự nhiên


Trong nghệ thuật của thiền, điều quan trọng đối với một nghệ sĩ không phải là anh ta diễn tả thế giới mà là anh ta diễn tả chính bản thân mình với những cảm xúc chân thật nhất. Người nghệ sĩ nếu thể hiện cái nhìn của anh ta về thế giới thì đó là những kinh nghiệm luôn có xu hướng cứng nhắc và định hướng, còn nếu anh ta cứ tự nhiên thể hiện cảm xúc không cần để ý nguyên tắc nghề nghiệp thì đó mới là cái thăng hoa của nghệ thuật. Nhà soạn tuồng nô Zeami có nói về hana, tinh hoa của tuồng nô như sau:

“Về diễn xuất thì có người đạt được kỹ thuật cao nhưng có khi không hiểu gì về tinh thần của nô, ngược lại, có người không nắm kỹ thuật cho lắm nhưng lại cảm nhận rất tốt về nô. Khi diễn trước công chúng, người có kỹ thuật cao mà diễn không đạt là vì thiếu cảm nhận về nô. Vì thế, kẻ mới vào nghề mà đứng trước khán giả lại trổ được cái tinh hoa mà người diễn chuyên nghiệp không có.”

Kinh nghiệm của Zeami cho chúng ta biết rằng cái tinh thần của tuồng nô (và nghệ thuật nói chung) không phải là những qui tắc kĩ thuật biểu diễn với các động tác múa và cách nhả âm giọng mà nó nằm ở cái đam mê hưng phấn của kẻ mới vào nghề. Khi đó kẻ mới vào nghề chưa bị các thói quen diễn xuất hay chính là cái quyền lực của khái niệm ngôn từ chi phối, họ hành động tự do sáng tạo theo cảm nhận tự nhiên về vở diễn.

Tương tự như hana trong tuồng nô, hội hoạ cổ điển Trung Hoa rất đề cao cái thần, cái ý trong tranh. Khi hoạ sĩ cầm bút thì phải vẽ thật nhanh để cái thần ý của mình vẫn trong nét mực, không thể có thời gian suy tính bố cục hay đường nét hoàn hảo, như Tô Đông Pha từng nói: "Muốn vẽ trúc thì phải có trúc mọc từ trong ngực đã; đến lúc vẽ, định thần cho chăm chú sẽ thấy cái muốn vẽ. Rồi lập tức theo sát nó, dụng bút để đuổi theo hình ảnh vừa nhìn thấy, như con diều hâu nhào xuống con thỏ, ngập ngừng một chút là mất dấu".

Ví dụ bức tranh "Bình hoa" của Bát Đại Sơn Nhân dưới đây ta thấy một cách dụng bút rất tinh tế. Bức tranh tuy đơn giản nhưng rất đặc trưng cho hội hoạ thiền, một vẻ đẹp tự nhiên tinh khiết. Đường nét của bình hoa đơn giản mà vẫn đủ độ cong, đủ độ thẳng, đủ độ nhấn, đủ độ mờ. Vài mảng mực đậm tự do chồng lên nhau cũng đủ gợi lên hình ảnh một bông hoa tươi tắn, đang độ viên mãn. Một nét mực khuyết cũng đủ gợi lên một không gian bóng đổ phía sau…



clip_image008




Dấn thân


Bức thứ mười trong bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" có tên là "Nhập triền thuỳ thủ", tức "Thõng tay vào chợ", tại sao vậy? Đó là vì ở bức thứ tám chỉ đạt đến cảnh giới "Người, trâu đều quên", tức sự đắc ngộ riêng cho bản thân. Thiền đi xa hơn những cảnh giới tự mình đạt được, là sự dấn thân vào hồng trần để giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Hiểu được triết lý đó của thiền ta sẽ hiểu được vẻ đẹp trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính".

Vẻ đẹp trong nhân vật Thị Kính chính là sự dấn thân và trải nghiệm về cái khổ, dù là do ngoại cảnh hay tự ý. Ta cũng biết rằng, vẻ đẹp về bi kịch đã được lí luận từ thời Hy Lạp cổ với quan điểm "catharsis" của Aristote, nhưng cái khổ trong kịch nghệ Phật giáo có một ý nghĩa khác hẳn. Nếu như catharsis là cảm giác trải nghiệm của người xem về một số phận đau thương; họ nhập tâm vào vở kịch, gán bản thân vào nhân vật; họ sợ hãi và đau đớn; để rồi kết thúc vở kịch thấy rằng đó chỉ là một câu chuyện; họ vui sướng thoải mái trở lại đời sống thực tại.

Còn vẻ đẹp bi kịch của thiền là sự dấn thân của nhân vật vào cái khổ, đồng thời khơi dậy cho người xem một cảm giác chia sẻ nỗi khổ. Rõ ràng Thị Kính có nhiều cách để giải oan nhưng nàng lại lựa chọn sự đau khổ, nàng đi tu, nàng chấp nhận tiếng xấu thông dâm, nàng chấp nhận cô đơn nuôi đứa trẻ hoang. Nếu không làm thế đứa trẻ và mẹ đứa trẻ chắc chắn sẽ bị các hủ tục giết chết. Sự dấn thân vào cái khổ chính là một cách để chúng ta thấy rằng cảm giác khổ do ảo tưởng của ta mang lại, một cảm giác bị động, còn khi ta chủ động nắm lấy cái khổ thì nó có một ý nghĩa khác: lòng từ bi bác ái.

Hoặc "Truyện thiền sư Kannon" cũng là một ví dụ khác về mĩ học của sự dấn thân, khi Kannon tình nguyện làm người tình của vị sư già nhằm mục đích giác ngộ ông ta. Truyện kể về một thiền sư già nhiều năm tu khắc khổ mà vẫn chưa đắc đạo. Một lần ông đến chùa Hasedera là nơi thiền sư Kannon trước đây đã tịch diệt. Một đêm, vị thiền sư già thấy một chú tiểu rất đẹp đang thổi sáo ở vườn chùa trong làn khói hương mờ ảo. Vị sư già rất yêu chú tiểu, lập tức kéo về làm đệ tử đồng thời làm người tình riêng cho mình. Sau ba năm yêu thương nồng ấm, chú tiểu ốm rồi qua đời, để lại nhà sư già với trái tim tan nát. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù hoa vô thường của vạn vật, về ảo ảnh của sắc dục. Vị thiền sư già chợt giác ngộ.



Cái chết


Người các dân tộc khác rất lấy làm ngạc nhiên tại sao ở Nhật Bản mỗi ngày đều có một vụ tự sát mà cũng lại là nơi có nhiều người sống lâu nhất thế giới, họ nghĩ ra rất nhiều phương pháp dưỡng sinh để kéo dài tuổi thọ. Như vậy, việc tự sát không phải hoàn toàn chứng tỏ người Nhật Bản chán sống, bi lụy, mà cái chết nó còn mang ý nghĩa về tôn giáo và mĩ học. Nếu chúng ta không hiểu mĩ học của cái chết thì ta sẽ không hiểu được không gian ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học của Kawabata, Mishima, Murakami…, nơi mà cái chết mang vẻ đẹp phi thường, vẻ đẹp của sự hủy diệt. Ví dụ, người nước ngoài sẽ rất khó hiểu vẻ đẹp của đoạn văn sau trong truyện “Đẹp và buồn” của Kawabata:

“Mớ tóc rối trải ra trên gối, đen tuyền như còn đẫm nước. Môi hé mở để lộ hàm răng xinh đẹp. Hai cánh tay dưới chăn duỗi hai bên hông. Cô gái nằm đấy, đầu ngay ngắn trên gối, vẻ đẹp thơ ngây làm Otoko mủi lòng. Khuôn mặt Keiko xa vắng như đã vĩnh biệt cô giáo, vĩnh biệt cuộc sống.”

Trong truyện, Keiko là một cô học trò đồng tính của cô giáo dạy vẽ Otoko, đã dùng sắc đẹp của mình để trả thù cho cô giáo cũng là người tình của mình. Sau khi xong việc, Keiko đã tự sát với một niềm vui đã viên mãn. Còn Otoko thì vừa thương Keiko, vừa thưởng thức vẻ đẹp trong cái chết của người tình.

Hoặc sau đây là một đoạn văn tả cảnh một samurai mổ bụng tự sát trong thời kì Edo:

“Sau khi tắm rửa thật sạch sẽ, khoác vào chiếc áo choàng trắng tinh, chàng thong thả quỳ xuống chiếc tatami, ngước mắt âu yếm nhìn người vợ thân yêu đang quỳ bên cạnh, (người mà chốc nữa đây sẽ giúp sửa sang lại tư thế tử thi của chồng sao cho đàng hoàng nhất rồi cũng sẽ tự sát chết theo), rồi dùng dao đâm vào phần bụng trên, nhìn dòng máu đỏ nóng ấm của mình phụt ra, rồi ấn mạnh tay kéo rạch xuống phần bụng dưới… Chàng ngã xuống vũng máu, nơi dòng sinh lực cường tráng của mình tuôn chảy, ngã xuống với nụ cười thoả mãn…”

Ta cũng bắt gặp không ít các haiku đề cao vẻ đẹp của cái chết, ví dụ một haiku của Nagata Koi:

Cái chết đến —
thiên hạ cười ngất
dưới rặng anh đào

một haiku của Kobayashi Issa:

Nếu đã vậy
thì cớ chi ta không tập chết
dưới bóng hoa nhỉ?

một haiku của Ochi Etsujin:

Chìm đắm trong
giấc mơ hoa —
ta muốn chết ngay tức khắc!

một haiku khác của Kobayshi Issa:

Mi hãy chuẩn bị đón nhận cái chết
hãy chuẩn bị ngay đi nhé
xào xạc những cây anh đào!

Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ để giải thích cho thiền thì ngàn năm vẫn không thể nào tóm được nó, vì sự hiện hữu của ngôn ngữ chỉ như các vật chất nhỏ bé trong vũ trụ, còn sự vô ngôn của thiền bao la như những lỗ đen. Thiết nghĩ, một bài luận nhỏ kiểu nhập môn này có thể dừng lại ở đây.





.
bài đã đăng của Một Danna

* Vẻ đẹp của Thiền - 14.05.2009
* Mỹ Học Pháp Kim Cương - 29.04.2009
* Trước tượng đài Brodsky - 06.06.2008
* Liên văn bản số 1 - 27.04.2008

11 bình luận »

* Trinh - Trung Lap viết:

Có một quan điểm khác về thiền ngày nay đang được đông đảo thiền sinh yêu thích và theo học tu tập trên toàn thế giới. Pháp thiền nay quan điểm như sau: Mọi người điều biết cách tọa thiền, và người ta đang thiền hằng ngày vào những việc khác nhau. Có người thiền về tiền bạc, về thức ăn. Có người thiền về bạn trai, bạn gái, có người thiền về business, affair nào đó, có người thiền về con cái, vợ chồng và sách vở. Có người thiền về danh lợi, địa vị, quyền lực. Có người thiền về Thượng đế khi tuyệt vọng… Có một lối thiền hoàn toàn khác với những mục tiêu thiền tôi vừa nêu trên đây, kể cả quan điểm “sự vô ngôn của thiền” theo quan điểm của tác giả bài viết trên.

Mấy ngàn năm qua, những cái tạm cho là “mỹ học thiền” mà tác giả đề cập đến như: vô thường, phi hiện hữu, ngược, chẳng hai, tự nhiên, dấn thân, cái chết, đã quá cao siêu và vi diệu và có khi rất khó cho tầng lớp dân chúng nghèo khổ áp dụng thực hành trên con đường đi tìm giải thoát cho khổ nạn đời.

“Hãy tìm Thiên quốc trước rồi tất cả sẽ được thêm vào.” Tất cả mọi phép lạ, sự mãn túc, mọi sự đáp ứng của ước muốn tại trần gian và trên Thượng giới điều đến từ Thiên quốc, từ sự nhận thức bên trong về sự hài hòa vĩnh cửu tối thượng của chúng ta. Nếu chúng ta không đạt được điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự mãn túc ở thế giới này cho dù chúng ta có giàu có bao nhiêu đi nữa, địa vị quyền tước đến đâu và cuộc đời đang hiến dâng bao nhiêu vật chất phù du dưới chân chúng ta.

Linh hồn (theo tác giả là cái Bản lai đó) phải gắn liền với Thiên quốc, phải ở trong Thiên quốc, mà Thiên quốc thì lại ở ngay trong chúng ta, ngay trong tầm tay của chúng ta. Và khi đã gặp được Thiên quốc rồi thì chúng ta sẽ đến bến bờ viên mãn. Chính vì thế Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng trần thế, Chúa Giesu đã khước từ làm vua của người Do thái, không phải chỉ để đi tìm vài cái tinh túy của thiền như tác giả đã đề cập trong bài viết trên.

Cuối chặng đường của Đức Giesu là cái chết của tình yêu.

Một số nhà phản biện chống Giáo hội công giáo cho rằng cái chết của Chúa Giesu là cái chết chính trị. Tôi cho rằng nhận định đó không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hẳn là sai. Cái chết của Ngài hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống, chính trị, đạo đức, đối nhân, xử thế của loài người. Ngài dùng cái chết của mình để làm nên cái chân lý “yêu là chết cho người mình yêu.”

Còn gì tuyệt vời cho bằng! Tình yêu đôi lứa đã đành. Tình yêu tổ quốc cũng không kém nét đẹp. “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương,” câu hát của người nhạc sĩ thật cảm động, nó đã đi vào lòng tuổi trẻ Việt Nam qua bao thế hệ, sẵn sàng đấu tranh chống cái bạo lực, bạo tàn. Câu hát đã làm nên danh tiếng một Việt Nam lẫy lừng 5 châu 4 bể.

Không như cái chết vô lý của người Nhật mà tác giả đề cập đến. Thiền học như thế không phải là cái đáng để học. Thử nghĩ một hòn đá nằm chơ vơ bên đường, không tham sân si, không ngôn ngữ, không cảm giác, nhưng hòn đá ấy có hạnh phúc không!?

Chắc chắn là không bao giờ. Tôi biết rằng hòn đá ấy khác với hòn đá trong máng cỏ hang lừa của đêm đông giá rét, khác với hòn đá bên hồ sen nơi Đức Phật 7 bước khai ngộ cho nhân loại. Hòn đá ấy mới là hạnh phúc.

Kẻ Thiền sư chân chính không bao giờ có thể hạ bút viết những ngôn từ sau đây: “…Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng… Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng…”

Thật là một nhận định rất sai lầm về vai trò của ngôn ngữ đối với tư duy và mục đích của Thiền chân.
- 14.05.2009 vào lúc 9:04 pm
* Trần Thiện Huy viết:

Ông Trịnh Trung Lập lâu nay hăng hái dùng nhiều cơ hội để giới thiệu nhãn quan Thiên Chúa giáo. Điều đó không có gì không đúng, lại hay nữa là khác. Tuy nhiên, Thiền, dù muốn dù không, cũng là một trường phái tư tưởng nhất định, có gốc gác, uyên nguyên cụ thể, nội hàm, ngôn ngữ riêng biệt. Nó không phải một thứ ngôn từ chung chung mà ta có thể dùng để gọi bất cứ cái gì ta thích.

Gọi lý tưởng Thiên Chúa giáo là “tư duy và mục đích thiền” đã là một sự nhập nhằng, lại còn cho đó là chuẩn mực chân xác để bác bỏ cái nhìn người khác, tôi e ông đã đi quá xa. Trong lịch sử Thiền, không thiếu gì những diễn ngôn nói ra nhằm phá giải chính những cái chấp trong tư tưởng mà ông vừa ca ngợi, chẳng hạn niềm tin và sự trông chờ vào cái tốt đẹp tối thượng, vĩnh cửu. Giữa hai cái nhìn, ai đúng, ai sai, tôi không có khả năng bàn luận thấu đáo ở đây, chỉ biết, ta đừng nên áp đặt vào Thiền những cái tự nó không phải.

Dù sao cũng rất đáng mừng việc ông mở ra một góc thảo luận mới cho đề tài này, và xin cảm ơn ông về việc đó.
- 14.05.2009 vào lúc 11:16 pm
* Trinh - Trung Lap viết:

Thưa Ông Trần Thiện Huy!

Xin cám ơn Ông về nhận xét đối với comment của tôi.

Trước hết, tôi phải đính chính ngay rằng:

- Tôi không hăng hái dùng nhiều cơ hội để giới thiệu nhãn quan Thiên Chúa giáo dù điều đó có hay đi chăng nữa. Tôi luôn tôn trọng chốn công luận, tuy nhiên một đôi khi không tránh khỏi phải dùng thế giới quan tôn giáo của tôi để giải quyết hoặc trình bày một quan điểm xã hội nào đó. Một lần nữa xin nhắc lại tôi không có ý truyền giáo ở đây.

- Quan điểm của Ông: “Thiền, dù muốn dù không, cũng là một trường phái tư tưởng nhất định, có gốc gác, uyên nguyên cụ thể, nội hàm, ngôn ngữ riêng biệt. Nó không phải một thứ ngôn từ chung chung mà ta có thể dùng để gọi bất cứ cái gì ta thích.”

Quan điểm của tôi: Thiền bàng bạc trong đời sống nhân gian, từ cổ xưa cho đến ngàn sau nữa. Tôi nhận thấy rằng trong ngôn ngữ quốc tế, người ta dùng từ tiếng Anh “to meditate” để chỉ hành động thiền, chiêm nghiệm, suy gẫm, tĩnh tâm…

Tây lịch và Phật lịch qua hơn 2000 năm! Một quãng thời gian quá dài cho những dịch phẩm như kinh thánh, kinh phẩm… luôn được chuyển ngữ, rồi tái bản, rồi bình luận, giảng dạy trong nhà chùa, nhà thờ, trong hội đoàn, v.v. Vì vậy tam sao thất bản là điều khó tránh khỏi. Huống gì hơn 2000 năm đã trôi qua, người ta ngược dòng tìm kiếm nguồn gốc của thiền, các hệ phái của thiền, nhưng người ta quên mất một thực tế rằng: Đối với Võ Thuật học chẳng hạn, Ông nghĩ sao về nguồn gốc của Võ thuật? Tôi thì cho rằng Võ thuật có nguồn gốc từ miếng ra đòn theo bản năng của hổ, của mèo, của chân hạc, cú lao thân cuốn mình của rắn. Võ thuật không bắt nguồn từ Thiếu lâm tự, hay bất kỳ một môn phái, một quốc gia nào cả.

Thiền cũng vậy. Giả thuyết của tôi là: Từ suy niệm là phản xạ tâm lý tự nhiên của loài người, con người đã tiến lên một bước Thiền học, làm cho nó trở thành một môn học có hệ thống.

- Cuối cùng tôi xin đính chính tôi không gọi lý tưởng Thiên Chúa giáo là “tư duy và mục đích thiền.” Tôi lại càng không cho đó là chuẩn mực chân xác để bác bỏ cái nhìn người khác. Tôi tôn trọng mọi ý kiến khác biệt. Có thể trong cách diễn đạt của tôi chưa làm cho người đọc hiểu chính xác. Nên tôi khẳng định lại rằng: tôi chỉ muốn thế hệ trẻ ngày hôm nay phải tìm lại chính mình. Đừng quá đam mê vào những thú vui nhất thời, những trò chơi vô bổ, danh vọng phù phiếm. Đừng quá lo lắng sợ hãi cho cuộc sống vật chất, job, thăng quan tiến chức… mà quên đi những giá trị tinh thần ắt có và đủ của đời sống văn minh.

Vừa mới đây tôi tìm hiểu trên mạng, không biết Ông có phải là ký giả, nhà văn Trần Thiện Huy (USA) hay không? Nếu đúng là Ông, tôi nghĩ sẽ dành thời gian đọc thêm về các tác phẩm của Ông để hiểu nhau hơn!

Xin kính chào Ông!
- 15.05.2009 vào lúc 1:28 am
* Trần Thiện Huy viết:

Thưa ông Trịnh Trung Lập,

Vâng, nói chung thì nhờ những dịp như thế này hai người lạ mới có cơ hội so sánh quan điểm với nhau. Tôi chỉ thêm một ý này vào những gì đã nói ở trên, cốt chỉ để giải thích một phát biểu không rõ, có thể gây ngộ nhận của mình.

Khi tôi nói “nhãn quan Thiên Chúa giáo,” không có nghĩa là tôi đang nói về sự truyền đạo. Căn bản thì tư tưởng, quan niệm của mỗi người đều ít nhiều xây dựng quanh một hệ thống, một căn nguyên nào đó. Ví dụ, có kẻ có nhãn quan Marxist, có kẻ nhãn quan hiện sinh, vân vân. Từ đó mà mỗi chúng ta chọn lựa một tư thế đối với đa số vấn đề cuộc sống, và chọn lựa ngôn ngữ để diễn đạt tư thế của chúng ta. Tôi nghĩ mình không đến nỗi sai lầm khi dùng cách gọi đó để tổng quát hoá cái nhìn của ông chứ ạ?

Và sau cùng, tôi cũng xin lỗi vì đã dùng cụm từ, ai đúng ai sai. Nó gợi ra ý niệm có thể có một cuộc đấu tranh để phân định vị trí hơn thua giữa những thế giới quan khác nhau, trong khi đối với một cuộc thảo luận bình đẳng và tự do, mọi người đều có lợi và mọi ý kiến đều có ích.

Trân trọng cảm ơn ông.
- 15.05.2009 vào lúc 9:56 pm
* Ngô Nguyên Dũng viết:

Một bài viết đẹp với nhiều hình ảnh bàng bạc thiền vị của Một Danna. Nhưng đọc tới trích đoạn về cái chết tự nguyện của kiếm sĩ Nhật, tôi bối rối. Tác giả không cho biết xuất xứ, nhưng tôi đoán, có lẽ trích từ truyện ngắn được dịch sang tiếng Việt mang tựa đề “Lòng ái quốc” của Yukio Mishima. Và như vậy, nhân vật trong truyện tự sát có mục đích rõ rệt: chết cho tinh thần quốc gia cao độ, nếu không nói là cực đoan, trong trường hợp trên là tinh thần hiệp sĩ đạo Nhật bản.

Tôi không nhận ra tính thiền vị nào trong cái chết đó, ngoài cái đẹp của văn chương. Cá nhân tôi cho đó là một cái chết xuẩn động. Chính Mishima cũng đã tự sát theo nghi lễ seppuku: mổ bụng và “được” người khác chặt đầu không lìa khỏi cổ.

Theo cách hiểu của cá nhân tôi, khi nghe nhắc tới “thiền”, hẳn là đa số, và có lẽ tất cả (?) người Tây phương đều nghĩ rằng, đó là một cách tu tập truyền thống của một tôn giáo ở đông phương. Phương tiện cũng như cứu cánh “tĩnh tâm” trong Thiên chúa giáo hoàn toàn không giống phương tiện và cứu cánh “thiền tập” trong Phật giáo. Tác giả Một Danna đã hé cho thấy qua câu: “Thiền thì đoạn diệt các xu hướng bợ đỡ đó của tâm thức, đưa tâm thức về tới bản lai không bị giằng kéo, ham hướng.”

Không phải là người tu hành, thay vì “tâm thức” tôi gọi đó là “ý thức”. Từ đó nẩy sinh ra “tiềm thức”. Và, cứ như vậy, kết thành một chuỗi liên tục, dai dẳng, chồng chất. Tôi nghĩ, mục tiêu rốt ráo của “thiền” theo truyền thống Phật giáo là tìm cách bứt lìa chuỗi ý thức cũng như tiềm thức để đạt tới “không tánh”…

Hình như tôi đã lan man nhiều lời. Xin được dừng ở đây và cám ơn tác giả Một Danna đã gợi ý qua một bài viết đậm đà thiền vị.
- 16.05.2009 vào lúc 2:07 am
* Trinh - Trung Lap viết:

-Về cái chết, tác giả trích dẫn vẻ đẹp của đoạn văn trong truyện “Đẹp và buồn” của Kawabata.

Thế nhưng tôi được biết rằng trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel Vvăn Chương, chính tác giả Kawabata đã lên án truyền thống tự vẫn, cách sống hay đúng hơn cách chết rất Nhật đã cướp đi nhiều bạn văn thân mến của ông.
Tuy nhiên, như những nhân vật của truyện ông với những u uẩn trăn trở và mâu thuẫn của họ, chính ông lại tự vẫn bằng hơi độc tại Zushi ngày 16 tháng 4 năm 1972. Ông chết bốn năm sau giải Nobel, và ba năm sau khi người bạn vong niên Mishima mổ bụng tự sát. Ông hưởng thọ 73 tuổi. Ông ra đi trong lúc sức khỏe đã suy sụp, và không để lại thư tuyệt mệnh. (Tôi cứ nghĩ một cách khôi hài rằng ở đây có yếu tố bệnh lý, một sự “vận” vào thân nào đó chăng? Vì thế không nên để con em mình đọc những cuốn sách này.)

Như vậy, nếu phân tích một chút ta sẽ thấy “chết cho quê hương” thì khác với “tự vẫn vì lòng ái quốc.” Một Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền độc tài, đàn áp Phật giáo (chỉ là theo nhận định của riêng Ngài) là cái chết cho quê hương. Còn một kiếm sĩ Nhật tự vẫn trước khi giặc đến bắt mình chỉ là “chọn cái chết để giữ tròn khí khái.” Người làm chính trị phải hơn thế, phải biết chờ đợi thời cơ, thua keo này ta bày keo khác, không sợ tù đày, gông cùm, tra tấn mà quyết đương đầu với bạo tàn bạo lực để truyền lửa cho người khác vững tâm theo.

- Về thiền học, thuật ngữ “thiền” ngay cả theo tiếng Trung Quốc “chan” cũng có nghĩa là trầm tư, mặc định. Thiền học không phải là một tôn giáo mà là một triết lý, một nghệ thuật sống. Mà đã là một triết lý, một nghệ thuật sống thì tôn giáo nào cũng có cả. Và đương nhiên là mỗi tôn giáo có triết lý và nghệ thuật khác nhau, một pháp thiền khác nhau. Trong bất kỳ tự điển nào của nhân loại cũng phải kể đến từ vựng “thiền” theo một nghĩa chung, chứ không phải một danh từ riêng được in hoa. Ngay cả một số giáo phái (chưa phải là tôn giáo) cũng có “pháp thiền” của riêng họ. Theo tôi biết hiện nay ở Mỹ cũng có nhiều giáo phái như thế, khá rầm rộ. Ở Ấn độ thì từ lâu đã là cái nôi của nhiều pháp thiền rồi.

Riêng tôi cổ súy cho một pháp thiền mà mục đích là con người phải qua đó tìm lại được chính mình chứ không phải quên lãng mình. Lấy lại cái năng lượng để đoạn diệt những thú vui vô bổ, nô lệ vật chất, sợ hãi bạo lực, tìm lại cái “phật tánh” của mình chứ không phải là cái “không tánh.” Cái Phật tánh ấy để “độ” cho đời, giúp đưa con người diệt trừ cái bạo lực và bất công. Vì thế khi ta chọn một tôn giáo thì nên là một tôn giáo nhập thế chứ không phải một tôn giáo ở trên trời xa quá xa loài người. Và khi tôi suy niệm kinh kệ thì tất theo triết lý ấy của tôi.
- 16.05.2009 vào lúc 9:02 am
* bắc phong viết:

sau khi đọc một danna

định góp ý gì đó
nhưng chưa viết thì gió thổi bay
mất ngã kiến về thiền

bắc phong
- 16.05.2009 vào lúc 10:54 am
* Trinh - Trung Lap viết:

Xin nói thêm một chút về vai trò giữa ngôn ngữ và tư duy theo dẫn giải của Tác giả: “…Suy nghĩ của con người thường xuyên được ngôn ngữ định hướng theo một chiều nào đấy, ví dụ như sự hướng thiện, yêu cái đẹp, thờ phụng Chúa, tôn vinh các bậc anh hùng…”

Ai cũng biết Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp và là công cụ của tư duy. Theo ý Tác giả ta chỉ bàn về cái lý thuyết: ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Tác giả cho rằng ngôn ngữ thường xuyên định hướng cho tư duy (có nghĩa là ngôn ngữ dẫn dắt tư duy ?) Tôi thấy ý này rất lạ.

Sự hướng thiện, yêu cái đẹp đang còn là vấn dề tranh cãi. Trong một góp ý trước đây tôi có đề cập:

Nho giáo Khổng Mạnh thì cho rằng: Nhân chi sơ tính bổn thiện
Tuân tử cho: Nhân chi sơ tính bổn ác
Kẻ vô thần cho: Nhân chi sơ vô thiện vô ác
Có người cho: Nhân chi sơ cả thiện và ác

Còn Nhà Toán học, Triết gia Descartes đã dùng phép qui nạp để chứng minh có Thượng đế. Đại ý là cái thiện của con người phải do một lực lượng hoàn hảo (perfect) ban cho. Vì con người là bất toàn (imperfect), vậy thì suy ra Thượng đế phải tồn tại để làm điều đó.

Rõ ràng ngôn ngữ không định hướng cho sự hướng thiện và yêu cái đẹp. Vì thế khi chủ trương thiền để đoạn diệt các tâm thức sự thờ phụng Chúa, sự tôn vinh các bậc anh hùng là một kiểu thiền rất kỳ lạ. Cũng như khi nói khái niệm “vô ngôn” thì vẫn thực ra cũng chỉ là hữu ngôn mà thôi. Chẳng hạn: “I say nothing” thì vẫn là “say” nhưng là “say” cái “nothing.” Nghĩa là tư duy vẫn đang vận động để phản ánh một nhận thức “say nothing” theo chức năng của nó.

Tôi đồ rằng kiểu thiền đó còn có mục đích ngưng cả tư duy nữa chăng? Để đạt được điều gì? Chân thành rất muốn nghe ý kiến của Quý vị!
- 16.05.2009 vào lúc 5:03 pm
* Một Danna viết:

Trước hết Một Danna tôi xin cám ơn quý vị đã trao đổi, và cũng xin lỗi vì trong lúc vội gửi bài cho BBT Da Màu đã không chú thích các trích dẫn đầy đủ, đó là:

- Những lời nói của Lục Tổ Hụê Năng trích từ “Kinh pháp bảo đàn”
- Lí luận về tuồng nô trích từ cuốn “Fuushinkaden” của Zeami
- Lí luận về hội hoạ của Tô Đông Pha lấy từ cuốn “Hội hoạ Trung Hoa qua lời kể của các danh hoạ” của Lâm Ngữ Đường
- Các haiku lấy từ cuốn “Haiku: Anthologie du poème court japonais”
- Cảnh tả samurai tự sát lấy từ một bài viết trên trang talawas bộ cũ.

Thành thật xin lỗi quý vị vì sự thiếu sót này. Đây là một thiếu sót của người không chuyên như tôi.

Về cái “chuyển hoá của tâm thức” hay vô thường, đó là bản chất suy nghĩ của chúng ta, khi thực hành thiền thì ta phải chặn cái dòng ý thức này bằng sự đi vào hơi thở. Nhưng trước hết ta phải thấu hiểu nó, thấu hiểu sự vô thường của thế giới, rồi mới đưa nó vào trong nghệ thuật ngôn từ. Chắc quý vị khi đã đọc tiểu thuyết của Faulkner hay Joyce hoặc một số bài phê bình văn học hiên đại hẳn sẽ thấy khái niệm “dòng ý thức.” Đó là phát kiến quan trọng của các nhà văn hiện đại. Đó cũng chính là sự miêu tả tính vô thường của tâm thức, đã được thể hiện trong haiku từ lâu rồi. Tất nhiên, cách viết tiểu thuyết thì khác cách viết haiku nhưng bản chất về tâm thần học giống nhau.

Về cái chết, xin quý vị đừng hiểu tôi muốn lấy một hình ảnh người yêu nước tự sát để nhập nhèm với “tử vì đạo,” thậm chí hành động tự thiêu vì mục đích chính trị của Thích Quảng Đức trước đây cũng chẳng bao giờ được phong thánh, phong phật, và tôi thì không bao giờ thấy một vẻ đẹp nào từ cái chết như vậy, chỉ là đáng trân trọng thôi. Nó cũng như ta so sánh (dẫ là có khập khiễng) một bức tranh dân gian in hàng loạt với một bức tranh thuỷ mặc vẽ trong lúc hứng khởi. Phật giáo coi cái chết và cái sống là một dải toàn nguyên, nên cái chết không bao giờ là bi luỵ. Có thể điều đó ảnh hưởng tới nhân sinh quan giới võ sĩ Nhật hoặc có thể chúng vô tình trùng hợp nhau. Ý của tôi không phải là chết vì thiền, vì muốn đạt tới cái đẹp huy hoàng nhất mà là cái chết trong trạng thái tự nhiên sung sướng và viên mãn như thế được gọi là vẻ đẹp thiền. Còn nếu chết vì một mục đích thử nghiệm, hay chết vì gan lì không chịu khuất phục kẻ địch của các chiến sĩ, hay tự sát vì khí khái hay chán đời… thì nằm ngoài sự nghiên cứu của tôi, có thể nó cũng đẹp theo mĩ quan của ai đó, nhưng tôi thì không cho nó là đẹp kiểu thiền. Các haiku về cái chết ở cuối bài đẹp kiểu thiền, là vì sự chết tự nhiên bật ra từ nét đẹp của hoa anh đào, hoa anh đào đẹp đến nỗi chỉ có cái chết mới thưởng thức được một cách trọn vẹn. Trong trạng thái đó, con người không nghĩ gì đến sự sống chết, diệt bỏ khát vọng sống (hoặc khát vọng chết) thường thấy ở con người, họ nói về cái chết lúc đó như là một pháp ngược để huỷ bỏ sự ham hướng về cái sống.

Toàn bộ bài viết này tôi chỉ đơn thuần muốn nhấn mạnh cái đẹp của thiền trong nghệ thuật chứ không phải vẻ đẹp rộng lớn trong cuộc sống thực tại mưu sinh, nơi các thiền sư có thể làm chính trị và buôn bán.

Tôi cũng ghi nhận là bài viết này không nên để những người mới tìm hiểu về thiền đọc, nhất là đoạn nói về cái chết, nó có thể dẫn tới những cách hiểu sai lầm và lạm dụng. Tôi chợt nghĩ đến sự lạm dụng quá đáng lí luận của Osho về tinh dục hoặc lí luận tính không của Tổ Long Thọ bởi nhiều thiền sinh hiện nay. Nó thật nguy hiểm.
- 17.05.2009 vào lúc 7:21 am
* Trinh - Trung Lap viết:

Rất chân thành cám ơn Tác giả Một Danna đã giải đáp những thắc mắc của độc giả, trong đó có của riêng tôi. Tôi trân trọng việc Anh đã chịu khó giải thích thêm đến độc giả vì dường như việc đó cũng tương đối hiếm xảy ra, càng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của Anh rất cao và phong cách làm việc rất nghiêm túc.

Đúng như Ông Trần Thiện Huy đã nói : “…trong khi đối với một cuộc thảo luận bình đẳng và tự do, mọi người đều có lợi và mọi ý kiến đều có ích….”

Qua lời giải thích thêm này của Một Danna, tôi hiểu hơn “vẻ đẹp của cái chết” mà Anh đề cập đến qua đoạn viết : “…..Nó cũng như ta so sánh (dẫu là có khập khiễng) một bức tranh dân gian in hàng loạt với một bức tranh thuỷ mặc vẽ trong lúc hứng khởi.”
Tôi thì quan niệm thân xác, ngoài việc hy sinh cao cả vì tổ quốc và người thân yêu của mình (To die for one’s country is glorious), thì không có lý do gì để hủy bỏ sự sống cả. Trong tôn giáo của tôi đó là 1 trọng tội, nên tôi rất mừng vì Anh đã viết : “Tôi cũng ghi nhận là bài viết này không nên để những người mới tìm hiểu về thiền đọc, nhất là đoạn nói về cái chết, nó có thể dẫn tới những cách hiểu sai lầm và lạm dụng…”
Tôi thật sự thấy rùng rợn trước 1 sự tự mãn khi quyết định tự kết liễu đời sống 1 cách dã man đau đớn như thế !

Tôi cũng tưởng có thể dẫn dụ Một Danna viết 1 bài về thiền pháp trong cuộc sống mưu sinh và tranh đấu, vì điều đó rất cần cho chúng tôi những người đang phải kéo lê cái bánh xe trần thế nhọc nhằng hằng ngày ở đây nhưng rất tiếc Anh chỉ muốn đề cập đến cái đẹp của thiền trong nghệ thuật ! Vì tôi còn nhớ đã có lần đọc được 1 bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ cho chung sinh cách thiền khi lái xe để giảm bớt gây tai nạn nữa cơ !
Và như thế, tôi cũng đượm buồn 1 chút khi Anh viết : “…thậm chí hành động tự thiêu vì mục đích chính trị của Thích Quảng Đức trước đây cũng chẳng bao giờ được phong thánh, phong phật, và tôi thì không bao giờ thấy một vẻ đẹp nào từ cái chết như vậy….”

Để tạm ngưng ở đây, thưa Anh ! Tôi xin trích riêng 1 nhận định của Thích Tâm Thiện lý giải sự ra đời của Tánh không luận như sau :

“..Một dấu hỏi lớn là tại sao các triết gia không đi thẳng vào giáo lý của Phật mà phải đặt ra những luận thuyết mới trên cơ sở của những khái niệm cũ ? Đấy là bởi những yếu tố của lịch sử tư tưởng và thời đại ; và quan trọng hơn hết là ánh sáng - tâm chứng của mỗi cá thể ngày càng lu mờ, nhường chỗ lại cho luận lý và tri thức - một con đường học thuật lê thê. Chân lý hay pháp (dharma) thay vì cần phải trực nhận (sanditthika), cần phải tự mình thể nghiệm (ehipassiko), cần phải tự mình chứng ngộ cho chính mình (paccattam veditabho vinnuhi) bây giờ lại được soi sáng bằng con đường nhận thức.
Có một điều cần ghi nhận rằng, trong cuộc sống thường nghiệm của con người, giá trị của nhận thức hầu như được tôn vinh lên hàng thượng đẳng ; vì chính nó mà con người nhận biết về sự hiện hữu của mình, cũng như của thế giới thực tại khách quan. Song, trên bình diện tôn giáo, mà ở đây xin nói rõ là Phật giáo, thì vai trò của nhận thức trở thành thứ yếu khi nó cùng tham dự vào tiến trình giác ngộ. Bởi lẽ, khả thể của nhận thức quá mong manh, nó không đủ sức mạnh để hủy diệt các dục vọng, tham cầu, và xa hơn nữa, là sự thủ trước về một bản ngã (ego) vốn là hiện thân của vô minh (avijjà), một đối thủ ở bên kia giới tuyến của giác ngộ (bodhi). Do đó, khi nhận thức càng trở nên quan trọng thì nó càng đẩy con người xa rời cảnh giới thực tại - như thực ; thực tế cho thấy rằng càng tư duy thì càng xa rời thực tại. Tất nhiên, khi đã nói như thế, thay vì buông xả tất cả để “lên thuyền sang sông”, nhận thức chính nó quay trở lại với những đối tượng trần duyên của nó, đó là thế giới biểu hiện của muôn ngàn bản sắc dị biệt đa thù, trông có vẻ như độc lập, cô liêu. Đây là bối cảnh thực tế của lịch sử-tư tưởng mà “Tánh Không luận” ra đời…..”

Qua đoạn nhận định trên, tôi muốn nói với Một Danna rằng thắc mắc của tôi không phải chỉ khi đọc bài của Một Danna mà đã có từ trước kia, qua những giải thích trên của Thich Tâm Thiện. Nên tôi thường đặt câu hỏi vì sao lại “tánh không” ? để làm gì ? Đức Phật ngày xưa đâu có luận đề đó đâu ? 1 sự phức tạp hóa vấn đề hay 1 sự thi thố về tư duy của các đệ tử ? v.v…
Cho nên tôi rất yêu thích những tư duy “hai lúa” 1 chút (hii…hiii) nhưng đi vào lòng người hơn, như các suy tư triết học của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn : “tôi là ai mà còn khi dấu lệ ? tôi là ai mà còn trần gian thế ? tôi là ai mà yêu quá đời này ?
Trả lời tự vấn đó thế nào cũng được nhưng quan trọng là “cho đời chút ơn” mà thôi.

Cuối cùng, thành thật xin lỗi TG Một Danna nếu tôi trong lúc quá say luận mà hiểu lầm hoặc trách oan nhé ! Tôi đã học thêm được rất ở Anh nhiều qua topic này !

Thân ái,
- 17.05.2009 vào lúc 10:33 am
* Nguyễn thế Hùng viết:

Đọc qua bài viết và góp ý/bình luận của các vị TTL, TTH, NND, Một Danna; chợt nhớ câu nói của 1 thiền sư (không nhớ tên): Không nói thì ngu, mà nói thì sai. Cái gì? Nói mau!!

Theo thiển ý: Thiền không phải là cái để học/nói. Nói: “khẩu đầu thiền”.
- 17.05.2009 vào lúc 8:56 pm