31/12/13

Nữ hoàng truyện ngắn Alice Munro


Nữ hoàng truyện ngắn Alice Munro

 
Nhà văn Canada Alice Munro giành giải Nobel Văn học 2013. Ảnh chụp trong một sự kiện tại Toronto, Canada 2007.
Nhà văn Canada Alice Munro giành giải Nobel Văn học 2013. Ảnh chụp trong một sự kiện tại Toronto, Canada 2007.
REUTERS/Mike Cassese/Files
Thanh Hà

  31/12/2013


2013, lần đầu tiên giải Nobel Văn học được trao tặng cho một nhà văn Canada. Cũng lần đầu tiên Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh một tác giả chuyên viết truyện ngắn : Alice Munro, « bậc thầy của truyện ngắn đương đại ». Dưới ngòi bút của Alice Munro, cuộc sống tẻ nhạt của những con người bình thường, nhưng thân phận hèn mọn, đã trở nên sống động thần kỳ. Văn phong chân thực và giản dị của bà là chìa khóa đưa Munro đến Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho ban Việt Ngữ RFI, nhà văn Nguyễn Đức Tường từ bang Quebec cho biết thêm về vị trí của « Nữ hoàng truyện ngắn, Alice Munro » trên văn đàn Canada, về văn phong của bà và nhất là vì sao Alice Munro, sau hơn một nửa thế kỷ cầm bút, mỗi tác phẩm của bà đều rất được chờ đợi. Bà được mệnh danh là một Tchekkov của Canada. Nhà văn Nguyễn Đức Tường nguyên là giáo sư Toán và Vật Lý tại Mỹ và Canada, nhưng đã đã có nhiều duyên nợ với văn chương. Ông từng là ban tập viên của tạp chí Thế Kỷ XIX.
Ấp ủ giấc mơ viết văn từ bé, truyện ngắn đầu tay « The Dimensions of a Shadow – Kích thước của một chiếc bóng » của bà được xuất bản năm 1950. Nhưng phải đợi đến cuối thập niên 1960 Alice Munro mới được độc giả biêt đến một cách rộng rãi qua Dance of the Happy Shades – Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc ».

Những năm gần đây, chiếu cao nhất trên văn đàn Canada được giành cho hai nhà văn nữ nặng ký : Magaret Atwood và Alice Munro. Hàng năm, cứ đến “mùa” Nobel là các tổ chức truyền thông Canada lại thi nhau tiên đoán ai sẽ được giải Nobel văn học.

Ở một góc đài là Magaret, già nửa thế kỷ trong nghề cầm bút với trên 50 cuốn sách/truyện đã xuất bản và mỗi lần ra mắt sách là một sự kiện  event. Góc bên kia là Alice, bà Hoàng truyện ngắn, cũng già nửa thế kỷ trong nghề cầm bút nhưng có vẻ nhẹ ký hơn, chỉ mới có 14 tập truyện đã xuất bản nhưng xuất hiện thường xuyên trên những tạp chí như The New Yorker, The Atlantic Monthly, The Paris Review... và được nhà văn Mỹ Jonathan Franzen ca tụnghết mình trên The New York Times nhân dịp tập truyện Runaway của bà được giải Giller 2004 lần thứ nhì, một giải văn học có hạng của Canada, kêu gọi đồng bào nên đọc Munro.

Điều này có lẽ rất quan trọng vì 10 năm trước, năm 1994, Munro xuất bản Open Secrets, bà được đề nghị cho giải thưởng văn học uy tín nhất của Canada lần thứ 5, Giải Toàn quyền Canada (Governor General's Award). Nhân dịp này, tạp chí The Paris Review cũng đã gửi hai phóng viên đến nhà bà ở Clinton để phỏng vấn cho một bài viết về Nghệ thuật Hư cấu.

Lần này khác, ngày 10/10/2013, Viện Hàn lâm Thụy Điển thông báo Giải thưởng Văn học 2013 được trao về tay một nhà văn của Canada, Alice Munro, “bậc thầy của truyện ngắn hiện đại!  Đây là lần đầu tiên giải văn học này vinh danh một nhà văn chỉ viết truyện ngắn.

Alice Munro là nhà văn nữ thứ 13 và là người phụ nữ Canada đầu tiên đã đoạt giải Nobel Văn học. Đúng ra, năm 1976 Saul Bellow, một tác giả sinh đẻ ở Lachine (Quebec), cũng đã đoạt giải Nobel, nhưng vì năm lên 9 tuổi, Bellow theo gia đình sang Chicago rồi sau đó lấy quốc tịch Hoa Kỳ, nên trước Alice Munro, Canada vẫn chưa có ai được trao giải Nobel.

Alice Munro, tên thật là Alice Ann Laidlaw, sinh ngày 10/07/1931 tại Wingham, một thị trấn nhỏ miền tây-nam Ontario, Canada. Năm 1949, cô được học bổng hai năm tại Đại học Western Ontario, chuyên về tiếng Anh và báo chí. Trong thời gian này cô cũng đồng thời phải làm đủ mọi thứ nghề: hầu bàn, hái thuốc lá hay phụ việc thư viện, để phụ thêm học bổng.

Năm 1951, cô rời đại học để kết hôn với James Munro, một sinh viên cùng trường. Họ dọn nhà đi Vancouver, British Columbia, nơi James có việc làm với Eaton, một nhà hàng bách hóa lớn. Năm 1963, hai vợ chồng chuyển đến Victoria, mở tiệm sách Munro's Books. Ngày nay vẫn còn hoạt động. Họ có bốn cô con gái, nhưng một người đã qua đời sớm.

Alice và James ly dị vào năm 1972. Năm 1973 Munro trở lại Đại học Western Ontario, bây giờ với tư cách một nhà văn nội trú. Năm 1976, Alice kết hôn với Gerald Fremlin, một bạn cũ thời còn là sinh viên. Hai vợ chồng dọn về Clinton, cách nhà thời thơ ấu của bà ở Wingham chừng nửa giờ lái xe và ở đây, Fremlin đã qua đời năm 2013 ở tuổi 88.

« Dance of the Happy Shades » khúc quanh định mệnh  

Munro có ý định viết văn từ năm 12 tuổi, nhưng xuất bản tương đối muộn. Gần đây người ta phát hiện truyện ngắn đầu tiên, Kích thước của một Chiếc Bóng, (The Dimensions of a Shadow), xuất bản năm 1950, đăng trong tạp chí đại học Folio, được tái bản năm 2011 trong tạp chí Her Royal Majesty số 12. Đây là lần đầu tiên Munro ở tuổi mười tám được phổ biến rộng rãi. Kích thước của một Chiếc Bóng kể truyện một cô giáo mới nhậm chức trong thị trấn, cô đơn đi bộ về nhà vào ngày cuối cùng của niên học, một mình với trí tưởng tượng và nỗi sợ hãi của mình. Giọng văn đượm chút irony như thể báo hiệu những gì sẽ đến trong tương lai.

Năm 1968, ở tuổi 37, Alice Munro xuất bản tập truyện đầu tay, Dance of the Happy Shades  Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc. Với tác phẩm này Munro đoạt Giải Toàn quyền Canada, giải thưởng văn học hàng năm quan trọng nhất; bà sẽ còn đoạt giải này thêm hai lần nữa.
Dance of the Happy Shades cũng là tên một truyện ngắn trong tập truyện, lấy từ tiêu đề của bản dịch tiếng Anh của ba-lê/nhạc kịch Orpheus & Eurydice của Glück khi được trình diễn tại London lần đầu tiên. Vì liên hệ thần thoại này, chữ Shade ở đây cũng có thể chỉ một bóng ma, một cõi u minh nào đó – the Realm of the Shades.

Trong thần thoại Hy Lạp, đây là một chuyện tình rất thương tâm; Orpheus là một thi nhạc sĩ, tiếng nhạc của anh quyến rũ được thú hoang hay sỏi đá. Orpheus đi cứu vợ, Eurydice, từ thế giới bên kia; Hades, vua của cõi U Minh nhỏ lệ trước lời ca của Orpheus và cho Eurydice về dương thế, nhưng vì Orpheus phạm một lời nguyền nên vợ chết một lần nữa. Buồn bã trở về, Orpheus chết dưới bàn tay của kẻ thù không bị cảm hóa bởi âm nhạc thần thánh của mình, đầu anh ta trôi ra biển vẫn không ngừng ca hát. Trong vở nhạc kịch, Orpheus đau khổ, định tự tử, nhưng thần Tình yêu ngăn cản, cứu sống vợ để cho cả hai vợ chồng cùng về dương thế,happy ending.

Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc kể chuyện một bà giáo già độc thân và buổi độc tấu dương cầm hàng năm của học trò của bà. Học trò của bà gồm ít nhất hai thế hệ, cô bé kể truyện và mẹ của cô. Bà giáo ngày càng già, đời sống vật chất của bà ngày càng eo hẹp, chỉ có buổi độc tấu dương cầm là cố định, được sửa soạn với cùng một quan tâm vô tận và do đấy, vào buổi chiều tháng Sáu nóng bức này, trở nên có vẻ như không bao giờ ngừng cho những bà mẹ phải đi kèm con. Bà giáo già hoàn toàn vô tư trước cảnh những bà mẹ ngồi bồn chồn, chịu trận chờ cho đến hết. Nhưng lần này khác, khi tưởng như đã xong thì đột nhiên xuất hiện một đám trẻ con cùng có một chút gì khác lạ, khiếm khuyết, chừng mươi đứa, cũng là học trò của bà. Tài nghệ dương cầm của chúng trung bình như mọi trẻ khác cho đến khi bà giới thiệu đứa trẻ cuối cùng, một cô bé tóc bạch kim. Cô ngồi trước dương cầm, vụng về, đầu hơi cúi xuống rồi tiếng nhạc của cô bắt đầu lơ lửng trong không gian, bay qua cửa sổ ra ngoài đường phố mùa hè hừng hực nóng. Mọi người đã quen với những buổi biểu diễn dương cầm như thế này nhưng không ai chờ đợi được nghe âm nhạc. Có lẽ đến tận lúc cuối cùng của cuộc đời, bà đã tìm được một người để dậy nhạc.

Dùng Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc làm tiêu đề của toàn tập truyện, chắc hẳn Munro không đơn thuần chỉ chọn cái tên bắt mắt để bán sách mà phải rất đắc ý với câu chuyện. Tôi đọc ở đâu đó, Munro nghiên cứu rất cẩn thận khi viết lách, liên hệ giữa thần thoại Hy Lạp và bà giáo dương cầm già tất không phải chuyện tình cờ. Và như vậy những ngụ ý, ẩn dụ, ám chỉ... có thể có, nằm đâu đó trong truyện; xin để độc giả, qua thẩm định cá nhân, mỗi người một cách vui thích làm cuộc thám hiểm cho riêng mình.

Alice Munro đã xuất bản tất cả 14 tập truyện; được Giải Toàn quyền Canada (Governor General's Award) 3 lần: Dance of the Happy Shades (1968), Who Do You Think You Are?(1978) và The Progress of Love (1986); Giải Giller 2 lần: The Love of a Good Woman (1998) và Runaway (2004)Năm 2009 Munro được Giải thưởng Quốc tế Man Booker (Man Booker International Prize) cho toàn bộ tác phẩm, rồi tất nhiên, năm 2013, Giải Nobel Văn học.

Văn phong chân thực, giản dị của Munro
 
Alice Munro được giải Nobel! Tất nhiên dân Canada vui mừng và hãnh diện, nhưng tình cảm này không nhất quán. Đã từ lâu, Alice Munro trở thành một tác giả tiếng tăm quốc tế về các hư cấu ngắn, không còn bắt buộc phải viết cho thị trường của các tác giả đang tìm cách đi lên ở trong nước. Đa số những độc giả truyện ngắn khám phá ra hư cấu của Munro lần đầu tiên trong các tạp chí bóng mượt của Hoa Kỳ như tờ The New Yorker và Atlantic Monthly. Nhà xuất bản của Munro là Random House, trụ sở ở Manhattan. Vì dân số Hoa Kỳ đông gấp mười lần dân số Canada tất nhiên số độc giả cũng đông, nhưng cốt lõi, Munro vẫn là một tác giảmiệt vườn Canada.

Có một thời tôi sống ở vùng hồ Huron, một trong năm Đại Hồ của Canada chụm lại với nhau, hồ bát ngát, gió thường tung sóng cao như biển. Một căn nhà gạch đỏ gọn ghẽ ở cuối đường, đánh dấu ranh giới của thị trấn, bên kia là cánh đồng chạy thoải xuống sông Maitland, có thể như Munro đã tả căn nhà thời thơ ấu, những cây ngô đã khô xào xạc trong cơn gió nhẹ, đây đó thêm mấy hàng cây phong. Lạ hơn là đôi khi giữa cánh đồng đột nhiên mọc lên một tiệm ăn rất sang, French cuisine; có một tiệm ở bên cạnh suối nước, có cả đập nước để sinh điện, điện còn thừa bán cho công ty điện lực Ontario. Tôi thường đi thử những tiệm ăn này mỗi cuối tuần, tôi hỏi mấy chốc họ vỡ nợ. Bạn đồng hành trả lời họ không trông đợi ở mình, họ chờ mấy fat cats có cottages ở dọc ven hồ.

Đó là xứ sở của Munro và cũng là sân chơi của những ông bự béo hay béo bự, phần lớn đến từ Toronto, hơn hai giờ lái xe; họ không là mẫu cho nhân vật của Munro. Mặc French cuisinehay Stratford Festival không xa, hàng năm trình diễn những vở kịch cổ điển hay đương đại, từ tháng Tư đến tháng Mười, thu hút khách thập phương, bầu không khí trong truyện ngắn của Munro luôn luôn là bầu không khí tỉnh lẻ nếu không nói miệt vườn.

Nhân vật của Munro là những người bình thường của vùng này, ở quanh Wingham, nơi Munro sinh ra và lớn lên hay Clinton, nơi bà sống sau này. Ở đây, khi ánh sáng và bóng tối bắt đầu trộn lẫn trên cánh đồng đã cầy lên chờ mùa đông sắp đến, có thể họ lén lút làm tình trong các ruộng ngô, hay là những con người hung dữ nóng nẩy chạy rượu lậu, cuộc sống và hy vọng có thể bị nghiền nát trong khoảnh khắc một cuộc đối thoại.
Văn phong của Munro chân thực, giản dị – như Wingham, nhưng rộn ràng với những cảm xúc chính xác, đã được giảm nhẹ đi. Dẫu vậy, nhiều khi hãy còn quá nhạy cảm cho một số người. Như truyện Giờ Chết (The Time of Death)Đến ba thế hệ của một gia đình hãy còn hằn học với Munro chỉ vì chuyện một ông chú của họ qua đời, bỏng nước sôi khi mới được 18 tháng, giống như đứa bé Benny trong truyện. Như đã nói ở trên, Munro rất thận trọng làm nghiên cứu. Trong thư khố của tuần báo địa phương, có đến hai trường hợp đứa bé bị chết bỏng nước sôi; câu chuyện xẩy ra năm 1877 đăng trên tờ Huron Expositor giống truyện của Munro một cách kỳ lạTuy vậy, theo một sử gia địa phương, “Khi tôi đọc Alice Munro, tôi không thể đọc bà ta như những người khác, tôi nhìn thấy rất nhiều Wingham ở trong đó, mặc dù tôi biết đó là truyện hư cấu.”

Gần đây Alice Munro nói có ý định viết tiểu luận và đã viết một vài bài, tôi có đọc một bài bà viết nhưng bây giờ không nhớ ở đâu; còn lại tất cả các tác phẩm của bà đều là truyện ngắn, vậy thì câu trả lời dễ, gọn và an toàn nhất là Alice Munro được giải Nobel là vì bà là một “bậc thầy của truyện ngắn hiện đại”. Tôi cũng có thể nói một cách rất lương thiện là đó cũng là quan điểm của tôi.
Munro viết về đời sống thôn dã vùng hạt Huron cùng những người sống trong vùng: chính mình, kinh nghiệm của mình khi lớn lên, rồi gia đình và những người chung quanh. Thật sự, toàn là những người bình thường, không có gì đặc sắc, sinh hoạt đời thường lặp đi lặp lại, tẻ nhạt. Nhưng viết về con người bình thường trong hoàn cảnh bình thường, sống đời sống bình thường không bao giờ dễ; chỉ dưới ngòi bút thần diệu của một nhà văn bực thầy ta mới có thể thấy được những con người, hoàn cảnh hay đời sống đó không những có thể tin được mà còn sống động một cách thần kỳ. 

Đọc đi đọc lại vài truyện nhiều lần, tôi nhận thấy truyện của Munro mở ra từ từ dễ dàng nhưng cấu trúc hết sức tinh tế và chính xác, một cử chỉ nhỏ bất ngờ của nhân vật thường làm thay đổi sắc thái của cả câu chuyện. Munro kể lúc ban đầu viết truyện ngắn chỉ là tạm thời, sửa soạn cho truyện dài về sau. Rồi bà viết truyện dài, nhưng không bao giờ vừa ý nên lại cắt ra thành những truyện ngắn. Nhưng những truyện ngắn chừng mươi, mười lăm trang này chi tiết cô đọng như những truyện dài 200 trang. Theo biên tập viên của bà ở The New Yorker, “Truyện ngắn của Munro dường như rất đầy đủ, có tất cả các tính chất của một cuốn tiểu thuyết. Và thêm, “Bạn cắt một câu tưởng như thừa ở đầu truyện để rồi về sau nhận ra câu đó là cần thiết.” 
 
Người đi sau phải học người đi trước, nếu không ta sẽ tiếp tục phát minh lại cái bánh xe và văn minh của nhân loại sẽ đứng yên một chỗ; Munro tất nhiên phải học những nhà văn đi trước nhưng văn phong của Munro có nét vẻ riêng của Munro. Có người nói Munro là “Chekhov của chúng tôi.” Nhưng tại sao phải như vậy? Tại sao Munro không thể chỉ đơn thuần là Munro?

“Boys and Girls” và thân phận 
 
Một truyện của Munro mà tôi đặc biệt ưa thích là Trai và Gái (Boys and Girls). Văn viết uyển chuyển. Tâm lý sâu sắc. Diễn biến tế nhị.

My father was a fox farmer.” Munro vào truyện, rõ ràng, chính xác, không những không che dấu nguồn gốc khiêm nhượng, miệt vườn của mình mà còn như có vẻ ngạo mạn, thách đố.

Alice Munro thường dùng cái thế giới mà bà biết rõ nhất, miền tây-nam Ontario, làm nền trong các tác phẩm. Trai và Gái là truyện xẩy ra ở vùng này trong đó Munro kể lại những năm thơ ấu của mình vào thời kỳ kinh tế suy thoái.

Một gia đình sống trong một trang trại nuôi cáo, gồm cha làm nghề nuôi cáo, mẹ nội trợ và hai chị em, cô chị 11 tuổi là người kể truyện. Truyện tả sự trưởng thành của hai chị em, nhất là cô chị, với tất cả những bối rối gai góc của nó. Hai chị em thường phụ giúp cha, thằng bé em lóng ngóng làm việc lặt vặt nơi chuồng cáo, còn cô là người quán xuyến hết mọi việc. Cô cảm thấy vai trò của mình trong trang trại được đảm bảo; cha cô có lần nói chuyện với khách, chỉ cô giới thiệu, “Tay đàn ông phụ việc tôi mới thuê,” khiến cô đỏ mặt vì vui sướng.
Như một bản nhạc gồm hai giọng chạy theo nhau, quyện lấy nhau. Hai cuộc đời triển khai theo nhịp sống của trang trại; phụ giúp cha trông nom, cho cáo ăn uống rồi giết cáo để lấy da. Cuộc đời tưởng như không có gì thay đổi, nhưng mùa đông này cô nhận ra rằng mẹ cô không muốn cô cả ngày lúi húi dưới chuồng cáo mà muốn cô giúp bà với việc trong nhà.  
Một trong những nét nổi bật nhất của câu chuyện là sự tương phản gợi ra bởi ý tưởng “cậu bé” và “cô gái”, luôn luôn phản ảnh trong mọi khía cạnh của thế giới người kể truyện. Truyện tiếp tục kể chi tiết về thời gian trong cuộc sống của cô khi cô qua khỏi thời thơ ấu, bỏ lại đằng sau sự tự do, nhận ra rằng mình là một “cô gái” và cuối cùng, một phụ nữ. Đứa trẻ bắt đầu hiểu rõ phân loại xã hội đòi hỏi những tác động nghiêm trọng. Do đó trở thành một “cô gái” trên đường đến phái nữ là một thời gian đầy khó khăn cho nhân vật chính bởi vì cô quan niệm phụ nữ thuộc giai cấp thấp hơn (“đỏ mặt vì vui sướng” chỉ vì được bố gọi là tay đàn ông). Ban đầu, cô cố gắng chống lại nỗ lực của cha mẹ cố đào tạo cho cô những sở thích, thói quen, hành vi và công việc của một phụ nữ. Tuy nhiên, kháng cự này vô ích. Cô gái kết thúc câu chuyện rõ ràng là xã hội đã dành riêng một chỗ đứng cho cô, một cô gái; một cái gì đó làm cô lo sợ, ngại ngùng.

Mặc dù Munro không là người quan tâm đến nữ quyền một cách rõ ràng và thuyết phục, câu chuyện có thể được xem như một dụ ngôn, chứng minh hùng hồn công việc người phụ nữ cần làm để thay đổi vị trí xã hội của họ.

Cuộc đời trôi đi, cho đến một hôm cô biết cha cô có ý định giết một con ngựa để nuôi cáo; không suy tính trước, cô thả con ngựa. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời cô không vâng lời cha, không những không đóng cửa trang trại mà còn mở rộng cho ngựa chạy ra. Thằng bé em đi theo bố suốt buổi để đuổi bắt rồi giết ngựa, trở về, quần áo dính máu, nó đã nghiễm nhiên chiếm chỗ của cô; không những thế nó còn mách lẻo với bố là cô đã giúp cho ngựa chạy.

Cô không ngạc nhiên về việc bố bắt lại được con ngựa nhưng ngạc nhiên thấy ông không tức giận và không trừng phạt cô; như cam chịu, đôi chút cởi mở, ông nói, “Nó chỉ là một cô gái.” Ngạc nhiên hơn nữa là phản ứng của cô gái trước câu nói của bố: “Tôi không phản đối điều đó, ngay tự trong thâm tâm tôi. Có lẽ đó là sự thật.” Bữa cơm gia đình tối hôm đó là một bức tranh đẹp tuyệt vời.

I didn’t protest that, even in my heart. Maybe it was true.” Chấm hết, một ngày không tốt mấy cho nữ quyền.

Source : RFI

Trung Quốc ngày càng can dự thêm vào các vụ khủng hoảng thế giới

VOA

Trung Quốc ngày càng can dự thêm vào các vụ khủng hoảng thế giới


Máy bay trực và tàu chiến của hải quân Trung Quốc.
Máy bay trực và tàu chiến của hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đang đưa các tàu chiến tham gia nỗ lực quốc tế dời chuyển vũ khí hóa học ra khỏi Syria, trong một sứ mạng mà giới truyền thông Trung Quốc tường thuật là sứ mạng đầu tiên của hải quân nước này ở Ðịa Trung Hải.

Bắc Kinh đã quảng bá động tác này như một sự biểu dương vai trò của một thành phần có trách nhiệm đối với hòa bình thế giới. Mặc dù hành động cho thấy Bắc Kinh đang can dự thêm vào các vụ khủng hoảng thế giới, các chuyên gia phân tích cho rằng có nhiều phần chắc nước này sẽ không từ bỏ nguyên tắc đối ngoại của họ là bất can thiệp.

Sứ mạng mới của Hải quân Trung Quốc

Sứ mạng ở Syria đánh dấu một lãnh địa mới của hải quân Trung Quốc, nước đã tập trung vào việc củng cố khả năng hoạt động trong những vùng nước ở xa nhà.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ gửi các chiến hạm đi hộ tống các tàu container của Ðan Mạch và Na Uy từ Syria đến một cảng của Italia ở Ðịa Trung Hải. Lần đầu tiên Trung Quốc sẽ làm việc cùng với hải quân Nga, và đây sẽ là lần đầu tiên hai nước tham gia một sứ mạng hàng hải thực sự, sau khi chi hợp tác với nhau trong các cuộc diễn tập hải quân.

Ông Trần Khải, tổng thư ký Hội Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí của Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã rằng sứ mạng này cũng sẽ có tác dụng tập huấn, bởi vì biển Ðịa Trung Hải vẫn còn là một môi truờng tương đối không quen thuộc đối với hải quân Trung Quốc.

Ông nói Trung Quốc đã thu thập kinh nghiệm hữu ích bằng cách bố trí tàu chiến của hải quân ở tây Ấn Ðộ Dương để chống hải tặc và nay đang đưa kinh nghiệm đó vào thực tế ở các vùng nước khác.

Ông nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo rằng: “Sự kiện Trung Quốc có thể tham gia hoạt động hộ tống hàng hải là một thể hiện cho vị thế quốc tế của Trung Quốc. Loại hình hoạt động này không phải là điều ai cũng có thể tham gia.”

Nhà khoa học chính trị làm việc ở Bắc Kinh, ông Tạ Ðào nói Trung Quốc tham gia bởi vì sứ mạng này đã được tất cả các bên đồng ý, và đuợc Liên Hiệp Quốc cho phép, khiến cho sự tham dự của Bắc Kinh không gây ra tranh cãi.

Ông Tạ Ðào nói: “Trung Quốc sẽ luôn luôn để cho các nước Tây phương đi trước, và một khi cuộc khủng hoảng gần như kết thúc mà chỉ cần vài nỗ lực có tính cách theo dõi – như nỗ lực mà Trung Quốc đang tham gia – thì Trung Quốc sẽ sẵn lòng tham gia. Kiểu như đi xe khỏi trả tiền vậy.”

Trung Quốc vẫn nhất quán về vấn đề Syria

Kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Syria cách đây hơn 2 năm, Trung Quốc đã lưỡng lự không muốn can thiệp. Trung Quốc đã đứng về phe thành viên bạn trong Hội đồng Bảo an là Nga, phủ quyết 3 nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đề nghị chế tài chế độ Assad.

Trung Quốc đã biện minh cho lập trường của mình bằng cách nói rằng họ không can thiệp vào chính sự của các nước khác, nhưng giới chỉ trích đã nêu ra sự kiện Trung Quốc liên tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho tổng thống Bashar al-Assad của Syria, và đó là một dấu hiệu rõ ràng của việc Trung Quốc thực sự ủng hộ cho chế độ ở đó.

Ông Tạ Ðào nói quyết định giúp tiêu hủy vũ khí hóa học không có nghĩa là Trung Quốc đang thay đổi đối tác ở Syria.

Ông giải thích: “Tôi không tin rằng đây là một cử chỉ của Trung Quốc đối với nhà lãnh đạo Syria ngụ ý rằng kể từ nay chúng ta sẽ giữ một khoảng cách giữa tôi và ông, tôi không cho rằng đó là một lời nhắn nhủ dành cho ông Assad.”

Sứ mạng Syria: cơ hội vươn tới Trung Ðông

Ông Dư Quốc Khánh, giảng viên nghiên cứu tại viện Khảo cứu Tây Á và Phi châu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng các diễn biến mới đây ở Syria, với Nga làm trung gian một thỏa thuận về kho vũ khí hóa học của Syria, cho thấy Trung Quốc sẽ tham gia sứ mạng của Liên Hiệp Quốc.

Ông Dư nói: “Chừng nào cộng đồng quốc tế và nhân dân Syria cần đến, và chừng nào Trung Quốc có khả năng giúp, thì điều dễ hiểu là Trung Quốc muốn làm một cái gì đó. Trung Quốc đang phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng quốc tế để chứng tỏ sự thao túng mới ở Syria và Trung Ðông, vả tôi nghĩ họ đang hành động phù hợp với các lợi ích của những nước liên hệ và toàn thế giới.”

Sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc ở nước ngoài - kể cả những lợi ích đáng kể về năng lượng ở Trung Ðông – có thể là một yếu tố khác trong quyết định của Bắc Kinh có thêm hành động để duy trì sự ổn định trong khu vực. Các chuyên gia phân tích đang cứu xét liệu một cam kết quốc tế như thế có báo hiệu cho một sự tham gia vào các khu vực khác nữa hay không.

Ông Tạ Ðào có nhận định: “Nếu Trung Quốc có thể làm việc này ở Syria, thì có thể Trung Quốc cũng làm được ở những nước khác, chuyển qua Công hòa Nhân dân Triều Tiên, hoặc có thể Trung Quốc sẽ cùng với các nước khác tham gia việc giải giới vũ khí hạt nhân ở đó, và có thể ở một số nơi khác trên thế giới, nơi một số nước đang khai triển vũ khí hóa học.”

Nhưng các phân tích gia tin rằng trong khi Bắc Kinh có thể tham gia nhiều hơn vào các sứ mạng đa phương được Liên Hiệp Quốc tán đồng ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ e ngại trong việc khởi xướng các sứ mạng quốc tế.

Cũng rất giống như những gì đã xảy ra ở Syria, Trung Quốc có thể đồng ý can thiệp vào các khu vực khác chỉ sau khi đã đạt được sự đồng thuận của quốc tế.

Source : VOA

Chuyện Trăm Năm


Tuesday, December 31, 2013

Chuyện Trăm Năm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngưòi Việt 131230
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Cư an mà chẳng tư nguy...

* Đại chiến 1914 - trăm năm về trước... *



Cứ đến hết năm, cuối một chu kỳ 12 tháng, người ta lại kiểm điểm quá khứ để dự đoán tương lai dù tương lai không nhất thiết tái lập chuyện cũ.

"Lịch sử không để lại bài học nào, mà lại trừng phạt rất nặng những ai không hiểu lịch sử", hình như một tác giả người Nga nói như vậy. Vì càng nhìn sâu vào quá khứ càng dễ tìm ra một vài bài học, vào dịp cuối năm chúng ta cố nhìn xa hơn chu kỳ một năm.

Sao không nói chuyện trăm năm?

Trăm năm về trước, thế giới bất ngờ lao vào một trận đại chiến khiến chín triệu người chết từ 1914 đến 1918. Sau đó là nhiều thiệt hại nhân mạng khác, ở nơi khác. Cuối năm 1913, một người viết bình luận tại thủ đô thế giới thời đó là London đã nhìn thấy gì và có thể viết những gì?

Nhà bình luận không dám viết là sẽ có "Thế chiến I", trong ý nghĩa là sẽ có đại chiến thế giới - rồi sau đó lại còn Thế chiến II vào năm 1939! Sáng suốt hơn thì cũng xoay viễn vọng kính về quá khứ để nói chuyện trăm năm.

Trăm năm trước đó, đầu thế kỷ 19, Âu Châu vừa bị xuất huyết về cuộc binh đao thời Napoléon nên tìm đường hòa giải. Các nước không nhắm vào nhau mà cùng nhìn về một hướng, cùng phát triển thuộc địa. Đây đó mà có chiến trận thì cũng là ở xa, mãi tận Viễn Đông. Vậy mà chiến tranh Pháp Phổ vẫn bùng nổ vào năm 1870. Rút tỉa bài học, các nước đều đồng ý rằng khi đã là bạn hàng thì chẳng ai rút gươm nã đạn vào két bạc. Nhờ vậy mà các nước Âu Châu đã khôn ngoan buôn bán với nhau.

Nhìn từ thủ đô London vào năm 1913, kinh tế Âu Châu đã nhất thể hóa - chữ toàn cầu hóa chưa được phát minh. Thương thuyền, tầu hỏa vả cả đường dây diện thoại, tổ tiên của hệ thống Internet thời nay, cứ rộn ràng liên lạc với nhau. Cho nên, sau nhiều lầm lẫn và chiến chinh, năm 1913 mọi nguời đều có thể nghĩ rằng "thiên hạ thái bình" là chân lý.

Chỉ một năm sau thôi, toàn cầu bốc khói! Thế chiến I chưa kết thúc thì Đế quốc Nga đổi chủ qua "Cách mạng Tháng 10" vào năm 1917. Nước Đức đại bại bị ép thì dựng lại sức bật trên nền móng khác. Việc hồ hởi tái thiết tại Hoa Kỳ cũng thổi lên bong bóng và khủng hoảng 1929 kéo dài đã tạo điều kiện cho Thế chiến II....

Nghĩa là trăm năm về trước, bình luận gia ở London đã đoán trật. Sau đó, nước Anh nhường ngôi bá chủ cho Hoa Kỳ. Thế giới chuyển trục từ Âu qua Mỹ.

Tại nước Mỹ này, một nhà bình luận vào năm 1913 thì thấy những gì và tiên đoán ra sao?

Nhớ lời tổ phụ, đừng dây vào thiên hạ sự ở bên đó, nước Mỹ rạch ròi viết ra chủ thuyết Monroe, "Mỹ châu là của người Mỹ". Tây bán cầu hay cả lục địa Trung-Nam Mỹ là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các nước Âu Châu xin đừng bén mảng. Không chỉ tránh xa Âu Châu, Hoa Kỳ nhìn qua Châu Á và gõ cửa Nhật Bản bằng pháo hạm vào năm 1853. Quả nhiên là Nhật phải mở cửa canh tân thời Minh Trị.

Nhưng trong khi nước Nhật vươn lên thì Hoa Kỳ lại rơi vào trận Nội chiến thảm khốc nhất lịch sử còn son trẻ của xứ này. Chuyện thiên hạ, xin cứ để đó vì nước Mỹ cần tự hoà giải với chính mình và hoàn tất cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Vào thời ấy có nhà bình luận nào tại Hoa Kỳ dám ngờ là chỉ vài chục năm sau, Nhật Bản đã khai chiến và đánh bại Đế quốc Trung Hoa của nhà Mãn Thanh trong trận chiến Giáp Ngọ 1894? Rồi 10 năm sau thì Nhật đánh tan Hạm đội Nga ở Eo biển Đối Mã trong trận hải chiến mà các sử gia Âu Châu gọi là có tầm quan trọng tương tự như trận Trafalgar đúng trăm năm trước.

Chiến thắng đó của Nhật đã mở ra hy vọng cho Châu Á da vàng, dẫn tới Phong trào Đông Du tại Việt Nam và Cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc. Nhưng với nước Mỹ, đấy là chuyện quá xa, dù là nhìn từ Hawaii.

Vì thế giới hỗn mang như vậy, nên người Mỹ của trăm năm trước không muốn và cũng chẳng tin là mình sẽ can dự vào một cuộc chiến nữa tại Âu Châu. Vào cuối năm 1913, họ cũng đoán sai như vị đồng nghiệp ngồi ở London.

Mà chúng ta nên e là người Mỹ ngày nay chẳng khá hơn các bậc tiền bối của trăm năm về trước.

Sau Thế chiến I, từ vòng ngoài của trung tâm thế giới là Âu Châu, Hoa Kỳ vượt lên thành đại cường trước sự tan rã của các Đế quốc Hung-Áo, Đức, Nga, Ottoman. Nhưng ít ai tin là nước Đức lại nổi lên thống trị Âu Châu và bắt tay với Đế quốc Xô viết trong Thế chiến II. Chẳng ai đoán là Hoa Kỳ dân chủ lại kết hợp với Liên Xô Cộng sản để đánh gục nước Đức và nhường phân nửa Âu Châu cho Stalin. Cũng ít ai ngờ là bên kia biển Thái Bình, Đế quốc Nhật lại tấn công hạm đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1941. Vì thế, cũng ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ dội bom nguyên tử lên đầu nước Nhật rồi hợp tác với Đức với Nhật như đồng minh chiến lược trong suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến ngày Liên Xô tan rã, Âu Châu tái thống nhất thành một khối với nước Đức là cốt lõi.

Như giới bình luận Anh thời trước, rút tỉa các bài học bất ngờ của lịch sử trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ ngày nay cũng tin rằng đã buôn bán với nhau thì chẳng ai muốn gây chiến. Kinh tế toàn cầu hóa là giải pháp khôn ngoan.

Quả thật là vào thời điểm 2014, Chiến tranh khó tái diễn vì Nga Tầu Nhật gì thì cũng đầu tư buôn bán với Âu-Mỹ và với nhau. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa hiếu hòa và doanh gia là thành phần phản chiến nhất!

Nhưng còn thế giới Hồi giáo?

Sau chục năm can dự lung tung, Hoa Kỳ đã ra khỏi Iraq và sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, và đánh câu đại xá để các nước giải quyết lấy xung đột của họ, từ Syria qua Lebanon, từ Libya tới Iran. Hoa Kỳ cười cầu tài và treo miễn chiến bài với thiên hạ. Vào dịp cuối năm, người Mỹ càng thấy rằng việc đó là đúng.

Các nước kia, từ Egypt đến Lebanon hay Liên bang Nga, bị khủng bố Hồi giáo đánh bom tự sát hay Trung Quốc ra tay đàn áp tộc Hồi tại Tân Cương càng khiến Hoa Kỳ muốn gom quân kéo về và hòa giải với mọi cường quốc gần xa.

Nhưng đấy mới là mầm loạn và chiến tranh càng dễ xảy ra, như trăm năm về trước.

Trong thế giới cứ gọi là toàn cầu hóa và thịnh vượng, có nhiều nước không được thịnh vượng và còn chối bỏ quy cách làm ăn toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa duy vật không có giá trị tâm linh và phải bị đánh đổ. Khủng bố Hồi giáo nằm trong mạch lý luận đó và với chủ trương "Thánh Chiến" còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc trong từng cộng đồng Hồi giáo.

Trong thế giới phồn vinh còn lại, nhiều người cũng thất vọng với kinh tế tự do và thiên về giải pháp bảo hộ mậu dịch. Đèn nhà  nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang được khai thác để phá vỡ hội nhâp, như tại Âu Châu. Hoặc để giành lại quyền tự trị, quyền độc lập, như tại Nga, hay bên Tầu. Ngay tại Đông Á, hai cường quốc lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều thi đua ái quốc bằng hạm đội ngoài biển...

Thế chiến I bùng nổ tại Âu Châu không vì một Đại công tước bị ám sát trong vùng Balkan mà vì chủ nghĩa quốc gia đã tạo ra nhiều chuyển động ngầm dưới mấy tầng địa chất của thời sự phù du. Những gì đang xảy ra ngày nay, trước sự thản nhiên của nước Mỹ, không nhất thiết dẫn tới chiến tranh. Nhưng ai đảm bảo là mình đoán đúng?

Cư an mà không tư nguy là sẽ gặp nguy?

Source : dainamax tribune . Bao Nguoi Viet .

Khôn Ngoan Ngày Đầu Năm


Khôn Ngoan Ngày Đầu Năm
Tác giả : Vô Danh – Sưu Tầm Trên Web?
(Bài viết do một BCA gởi đến cho GNA 1/1/2014)
30 điều không nên tiếp tục làm cho bản thân


“Không ai có thể quay ngược lại thời gian để bắt đầu lại từ đầu, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu từ ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc mới”.

  1. Đừng mất thời gian với những đối tượng sai lầm Cuộc sống quá ngắn ngủi, bạn không nên dành thời gian với những người chỉ biết hút cạn nguồn hạnh phúc của mình. Nếu ai đó muốn bạn có mặt trong cuộc sống của họ, họ sẽ tự dành ra chỗ cho bạn. Bạn không phải đấu tranh để giành giật lấy một vị trí nào cả. Đừng bao giờ ép mình vào mối quan hệ với những người coi thường giá trị của bạn. Và hãy nhớ, những người bạn thật sự của bạn không phải là những người ở bên cạnh bạn khi bạn thành công, mà là những người ở bên cạnh bạn khi bạn gặp khó khăn.

2. Đừng chạy trốn các rắc rối của mình Hãy đối diện với chúng.
Đây không phải là việc dễ dàng. Không ai có khả năng xử lý hoàn hảo mọi vấn đề họ gặp phải. Chúng ta cũng không thể ngay lập tức mà giải quyết trọn vẹn một khó khăn. Chúng ta không sinh ra để làm như vậy. Trên thực tế, chúng ta sinh ra để thất vọng, buồn chán, đau khổ, và vấp ngã. Bởi vì đó là toàn bộ mục đích của cuộc sống – đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi, và xử lý chúng. Chính điều này đã rèn luyện chúng ta trở thành con người như chúng ta hiện nay.

3. Đừng nói dối bản thân mình
Bạn có thể nói  dối người khác (?), nhưng bạn không thể nói dối chính bản thân mình. Cuộc sống của chúng ta chỉ tiến bộ khi chúng ta nắm bắt các cơ hội; và cơ hội đầu tiên và cũng là khó khăn nhất mà chúng ta có thể nắm bắt lấy là trung thực với chính mình.

4. Đừng gác lại các nhu cầu của bản thân
Điều đau đớn nhất là vì yêu người khác quá mà đánh mất bản thân mình, và quên mất rằng mình cũng là người đặc biệt. Vâng, hãy giúp đỡ người khác; nhưng bạn cũng phải giúp đỡ chính mình nữa chứ. Nếu có giây phút nào dành cho bạn để bạn theo đuổi đam mê và làm điều  gì đó quan trọng với mình, thì giây phút đó chính là ngay lúc này đây.

5. Đừng cố gắng làm người khác
Một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc sống là làm chính mình trong một thế giới cứ chực biến bạn thành người giống như mọi người khác. Lúc nào cũng sẽ có người xinh đẹp hơn  bạn, thông minh hơn bạn, trẻ trung hơn bạn, nhưng họ sẽ không bao giờ
là bạn cả. Đừng thay đổi để mong người khác thích mình. Hãy là chính mình, và sẽ có người yêu con người thật của bạn.

6. Đừng bận tâm với quá khứ
Bạn không thể bắt đầu một chương mới trong cuộc đời nếu cứ đọc đi đọc lại chương cũ.

7. Đừng sợ mắc sai lầm
Làm việc gì đó rồi mắc sai lầm còn hiệu quả gấp 10 lần so với không làm gì cả.  Mỗi thành công đều có một vệt dài những thất bại đằng sau nó, và mỗi thất bại đều dẫn đường tới thành công. Suy cho cùng, bạn sẽ hối hận về những điều mình KHÔNG làm nhiều hơn là về những điều mình đã làm.

8. Đừng trách móc bản thân vì những sai lầm đã qua
Có thể chúng ta yêu nhầm người và đau khổ về những điều không xứng đáng, nhưng dù mọi việc có tồi tệ tới mức nào, thì cũng có một điều chắc chắn: sai lầm giúp chúng ta tìm được đúng người, đúng thứ phù hợp với chúng ta.
Chúng ta ai cũng có lúc mắc sai lầm, ai cũng có khó khăn, và thậm chí tiếc nuối về những  việc trong quá khứ. Nhưng bạn không phải là sai lầm của mình, bạn không phải là khó khăn của mình, và ngay lúc này đây, bạn có trong tay sức mạnh để xây dựng nên hiện tại và tương lai của chính mình. Mỗi một điều từng xảy ra trong cuộc sống của bạn đều góp phần chuẩn bị cho bạn đón nhận một khoảnh khắc mới chưa đến.

9. Đừng cố công mua hạnh phúc
Nhiều thứ chúng ta mong mỏi có được thường có giá đắt. Nhưng sự thật là, những gì thực sự khiến chúng ta hài lòng lại hoàn toàn miễn phí – đó là tình yêu, là tiếng cười, và là những giây phút miệt mài theo đuổi đam mê của mình.

10. Đừng tìm kiếm hạnh phúc ở người khác
Nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính con người bên trong của mình, thì bạn sẽ chẳng thể nào có được hạnh phúc lâu dài với bất kỳ người nào khác. Bạn phải tạo ra sự ổn định trong cuộc sống của mình trước rồi mới nghĩ tới chuyện chia sẻ cuộc sống đó với người khác được.

11. Đừng lười nhác Đừng nghĩ ngợi quá nhiều,
Vì có thể bạn sẽ tạo ra một rắc rối không đáng có. Hãy đánh giá tình hình và đưa ra hành động dứt khoát. Bạn không thể thay đổi điều mà mình không muốn đối mặt. Tiến bộ bao hàm rủi ro. Chấm hết ! Bạn không thể đứng một chỗ mà hy vọng mình sẽ tới được đích.

12. Đừng nghĩ rằng mình chưa sẵn sàng
Khi một cơ hội xuất hiện, không có ai cảm thấy mình đã sẵn sàng 100% để đón nhận nó. Bởi vì phần lớn những cơ hội lớn lao trong cuộc đời đều đòi hỏi chúng ta phải phát triển vượt quá “vùng thoải mái” của mình – điều này có nghĩa là ban đầu, chúng ta sẽ không cảm thấy hoàn toàn thoải mái.

13. Đừng tham gia vào các mối quan hệ vì những lý do sai lầm
Cần phải lựa chọn các mối quan hệ một cách khôn ngoan. Ở một mình còn tốt hơn là giao tiếp với người xấu. Bạn không cần phải vội vàng. Điều gì phải đến, sẽ đến – và nó sẽ đến đúng lúc, với đúng người, và vì lý do tốt đẹp nhất. Hãy yêu khi bạn đã sẵn sàng, chứ đừng yêu khi bạn cảm thấy cô đơn.

14. Đừng từ chối những mối quan hệ mới chỉ vì các mối quan hệ cũ không đem lại kết quả tốt đẹp
Trong cuộc sống, rồi bạn sẽ nhận ra rằng mỗi người bạn gặp đều có ý nghĩa riêng cho bản thân bạn. Một số người sẽ thử thách bạn, một số người sẽ lợi dụng bạn, và một số khác sẽ dạy dỗ bạn. Nhưng điều quan trọng nhất là, một số người sẽ giúp bạn thể hiện được khía cạnh tốt đẹp nhất của mình.

15. Đừng cố cạnh tranh với tất cả mọi người Đừng lo lắng khi thấy người khác giỏi hơn mình. Hãy tập trung vào việc “phá kỷ lục” của chính mình mỗi ngày. Thành công chỉ là một cuộc chiến giữa BẠN và BẢN THÂN BẠN mà thôi.

16. Đừng ghen tị với người khác
Ghen tị là hành động đếm các “điểm cộng” của người khác thay vì đếm các “điểm cộng” của mình. Hãy tự hỏi bản thân mình câu này: “Mình có điểm gì mà ai cũng mong có ?”

17. Đừng than vãn và tự thương hại bản thân
Các khó khăn xuất hiện trong cuộc sốngđều có lý do riêng của chúng – nhằm hướng bạn theo một cung đường phù hợp cho bạn. Có thể khi khó khăn xuất hiện, bạn sẽ không nhận thấy hay không hiểu được điều đó, và có thể đó là một trải nghiệm khó khăn. Nhưng bạn hãy thử nghĩ về những khó khăn mình đã trải qua trong quá khứ mà xem. Bạn sẽ thấy rằng, cuối cùng, chúng đã hướng bạn tới một địa điểm tốt hơn, trở thành một con người tốt hơn, có tâm trạng hay hoàn cảnh tích cực hơn. Vì thế, hãy cười lên! Hãy cho mọi  người thấy rằng bạn của ngày hôm nay mạnh mẽ gấp nhiều lần so với bạn của ngày hôm qua – và bạn sẽ là như thế.

18. Đừng giữ mãi những hằn học.
Đừng sống với niềm oán ghét trong tim. Bạn sẽ khiến mình đau khổ hơn so với những gì mà người mà bạn căm ghét có thể gây cho bạn. Tha thứ không phải là nói: “Những gì anh đã làm với tôi là chấp nhận được”, mà là: “Tôi sẽ không để hạnh phúc của mình bị hủy hoại vĩnh viễn bởi những gì anh đã làm với tôi”.
Tha thứ là câu trả lời… hãy buông ra đi, hãy tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn, hãy giải phóng bản thân  bạn! Và hãy nhớ, tha thứ không chỉ vì người khác, mà còn vì chính bạn nữa đấy. Hãy tha thứ cho bản thân mình, hãy tiếp tục cuộc sống, và cố gắng làm tốt hơn trong tương lai 

19. Đừng để người khác kéo bạn xuống vị trí ngang bằng với họ.
Đừng hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để thích nghi với những người không chịu nâng cao các tiêu chuẩn của họ.

20. Đừng lãng phí thời gian giải thích bản thân cho người khác,
Bạn bè  bạn sẽ không cần bạn phải giải thích gì cả, còn với kẻ thù, thì dù bạn có giải thích bao nhiêu họ cũng chẳng tin đâu. Hãy cứ làm những gì mà thâm tâm bạn biết là đúng.

21. Đừng miệt mài làm đi làm lại một việc mà không có “khoảng ngừng”
Thời điểm phù hợp để bạn hít một hơi thật sâu là khi bạn không có thời gian cho việc đó. Nếu bạn tiếp tục làm những gì mình đang làm, thì bạn sẽ tiếp tục nhận được những gì mà bạn đang nhận được. Đôi khi bạn cần phải tạo ra cho mình một khoảng cách để có thể nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng.

22. Đừng bỏ qua điều kỳ diệu của những khoảnh khắc nhỏ nhoi
Hãy tận hưởng những điều nhỏ nhặt, bởi vì biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ ngoảnh nhìn lại để rồi nhận ra rằng chúng là những điều lớn lao. Phần tốt đẹp nhất trong cuộc sống của bạn sẽ là những khoảnh khắc nhỏ bé không tên khi bạn dành thời gian mỉm cười với ai đó quan trọng đối với bạn.

23. Đừng cố làm mọi thứ trở nên hoàn hảo
Thế giới thực không vinh danh những người cầu toàn; nó sẽ trao phần thưởng cho những người hoàn thành công việc.

24. Đừng đi theo con đường ít bị cản trở nhất
Cuộc sống không dễ dàng, nhất là khi bạn lên kế hoạch đạt được điều gì đó có giá trị. Đừng chọn con đường đi dễ dàng. Hãy làm điều gì đó phi thường.

25. Đừng hành động như thể mọi việc đều tốt đẹp trong khi thực tế không phải như vậy Suy sụp một lát cũng không sao. Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải tỏ ra mạnh mẽ, và cũng không cần phải liên tục chứng minh rằng mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Bạn cũng không nên lo lắng về chuyện người khác đang nghĩ gì– hãy khóc nếu bạn cần khóc – điều đó cũng tốt cho sức khỏe của bạn mà. Càng khóc sớm, bạn càng sớm có khả năng mỉm cười trở lại.

26. Đừng đổ lỗi cho người khác về các rắc rối của bạn
Khả năng thực hiện được ước mơ của bạn tỉ lệ thuận với khả năng bạn tự nhận trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Khi trách cứ người khác vì những gì bạn đang trải qua, nghĩa là bạn đang chối bỏ trách nhiệm – bạn đang trao cho người khác quyền kiểm soát phần cuộc sống đó của mình.

27. Đừng cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người
Đó là điều không thể xảy ra, và nếu bạn cứ cố công làm như vậy, bạn sẽ kiệt sức mất thôi. Nhưng làm cho một người mỉm cười cũng có thể thay đổi cả thế giới. Có thể không phải là toàn bộ thế giới, mà chỉ là thế giới của riêng người đó thôi. Vì thế, hãy thu hẹp sự tập trung của mình lại.

28. Đừng lo lắng quá nhiều
Lo lắng sẽ không giúp giải thoát các gánh nặng của ngày mai, nhưng nó sẽ tước bỏ đi niềm vui của ngày hôm nay. Một cách để bạn có thể kiểm tra xem có nên mất công suy nghĩ về điều gì đó hay không là tự đặt ra cho mình câu hỏi này: “Điều này có quan trọng gì nữa
không trong một năm tiếp theo? Ba năm tiếp theo? Năm năm tiếp theo?”. Nếu câu trả lời là không, thì nó không đáng để bạn bận tâm đâu.

29. Đừng tập trung vào những gì bạn không mong muốn xảy ra,
Hãy tập trung vào những gì bạn thực sự muốn xảy ra. Suy nghĩ tích cực là “tiền đồn” cho mọi thành công vĩ đại. Nếu mỗi sáng bạn thức dậy với tâm niệm rằng ngày hôm nay sẽ có điều tuyệt vời xảy ra trong cuộc sống của mình, và bạn để tâm chú ý, thì rồi thường là bạn sẽ nhận thấy rằng niềm tin của mình là đúng.

30. Đừng là người vô ơn
Dù bạn đang ở hoàn cảnh tốt đẹp hay tồi tệ, hãy thức dậy mỗi ngày với niềm biết ơn cuộc sống của mình. Ở nơi nào đó, người khác đang đấu tranh trong tuyệt vọng để giành giật lấy cuộc sống của họ.Thay vì nghĩ về những gì bạn không có, hãy nghĩ về những gì bạn đang có mà người khác không có.

(Sưu Tầm)

Source : Goc nhin Alan

VOA - Kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Việt Nam vượt mức 21 tỉ đôla

VOA

Kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Việt Nam vượt mức 21 tỉ đôla


Điện thoại đã thay thế dệt may để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 21,5 tỉ đô la trong năm 2013, tăng 69,2% so với năm ngoái.

Bản tin hôm thứ hai của trang mạng TechInAsia trích dẫn các số liệu của chính phủ ở Hà Nội nói rằng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng dệt may trong năm 2013 ước chừng 17,8 tỉ đô la.

Đứng thứ ba trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với kim ngạch hơn 10,6 tỉ đô la.

Các nhà quan sát cho rằng sự tăng mạnh của kim ngạch xuất khẩu điện thoại và các mặt hàng điện tử là kết quả của một kế hoạch mà chính phủ Việt Nam đề ra năm 2010 để thu hút đầu tư của các đại công ty Samsung, Intel và các nhà sản xuất hàng điện tử nước ngoài.

Nguồn: TechInAsia, Tuoi Tre

30/12/13

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974


CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

Cập nhật: 10:30 GMT - thứ hai, 30 tháng 12, 2013


Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.
Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.
̣Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó

Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.
Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.
Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.
Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.

Gia tăng hoạt động

Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:
“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”
Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”
Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa
Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.
Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.
Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).
Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”
Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.
Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”
“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”
Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”
Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:
"Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam 'lúng túng' trước trận chiến Hoàng Sa"
“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”
Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.
“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”
Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.
CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.
Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.
Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.

Liên Xô lo Trung Quốc

Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”
Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ
Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.
Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”
Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.
Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”
Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên ở California, Hoa Kỳ. BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề hải chiến Trường Sa và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Source : BBC

Chế độ góp phần tạo nên ‘tội phạm’?


31-12-2013


Chế độ góp phần tạo nên ‘tội phạm’?

Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
Ảnh bên:Các ông Dương Chí Dũng, Bạc Hy Lai và Chang Song-thaek đều thất sủng

Năm 2013, Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam – ba nước có chế độc độc đảng và là ba quốc gia ‘cộng sản’ trong số ít quốc gia ‘cộng sản’ còn lại trên thế giới – có một số ‘vụ án’ lớn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.


Giữa tháng 8, ở Trung Quốc ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng và một thời đầy quyền uy, bị kết án chung thân.

Vào giữa tháng 12, ở Bắc Hàn, ông Chang Song-thaek, người chú (dượng) nhiều quyền lực của lãnh tụ Kim Jong-un, bất ngờ bị hành quyết.

Vào hai tháng cuối năm, Việt Nam xử và ra bốn bản án tử hình cho lãnh đạo hai doanh nghiệp nhà nước – gồm Dương Chí Dũng, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao những ‘vụ án’ như vậy lại xảhay ra tại ba nước này?

Những ‘vụ án’ như thế có thể diễn ra tại những quốc gia đa đảng, dân chủ và tự do như Anh hay Mỹ?

Vụ Chang Song-thaek 
Ảnh bên:Ông Chang Song-thaek bị xử tử tức thì sau khi thất sủng

Trên danh nghĩa Bắc Hàn là một nước ‘cộng sản’ và ‘xã hội chủ nghĩa’ do Đảng Lao động Triều Tiên độc quyền lãnh đạo. Về đường hướng, quốc gia này vừa theo chủ nghĩa Mác-Lênin vừa dựa trên thuyết Juche (Chủ thể) – một thuyết đề cao sự độc lập, tự cường được Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) khởi xướng.

Dưới sự cai trị của gia đình họ Kim trong suốt 65 năm qua – từ Kim Il-sung qua Kim Jong-il và hiện giờ là Kim Jong-un – Bắc Hàn hiện là một quốc gia nghèo nhất và cũng có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.
Khó có ai biết được thực sự điều gì đã xẩy ra trong quốc gia đầy bí ẩn ấy. Nhưng việc ông Chang – người được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Kim Jong-un tiếp nhận, nắm giữ và củng cố quyền lực từ khi cha mình chết vào cuối năm 2011 – bị hành quyết cho thấy sự tàn bạo của Kim Jong-un và chính quyền Bắc Hàn.

Sự kiện này chứng tỏ rằng trong một quốc gia độc tài và tàn ác như vậy một nhân vật một thời đầy quyền uy như ông Chang cũng có thể bị thất sủng, hành quyết bất cứ lúc nào.

Mới chỉ cách đây không lâu, ông Chang còn là cánh tay phải của Kim Jong-un. Giờ ông bị đối xử còn tệ hơn ‘một con chó’.

Một chuyện như thế chắc chắn sẽ chẳng bao giờ xảy ra trong một quốc gia văn minh, dân chủ.

Hơn nữa, nếu sống ở một quốc gia dân chủ và tự do khác, chắc ông Chang cũng không cần phải ‘tạo phản’ và nếu ông có những hành động ‘phản bội’ lãnh đạo của mình, chắc ông cũng không phải chịu một kết cục bi thảm như vậy.

Vụ Bạc Hy Lai 
Ảnh bên:Ông Bạc Hy Lai từng là ứng viên vào thường trực Bộ Chính trị

Một người khác cũng một thời đầy quyền uy nhưng cuối cùng không chỉ mất hết mọi chức quyền mà còn bị tù tội là ông Bạc Hy Lai – cựu Bí thư Trùng Khánh, ủy viên Bộ chính trị.

Khác hẳn với Bắc Hàn, trong những thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã có những cải cách, cởi mở và đạt được những thành tựu kinh tế vượt bậc, đưa quốc gia này trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

Hơn nữa, hoàn toàn trái ngược với kiểu lãnh đạo ‘cha truyền con nối’ có dáng dấp phong kiến của Bắc Hàn, vai trò lãnh đạo ở Trung Quốc được Đảng Cộng sản bầu lên và nhiều người khác nhau được trao quyền lãnh đạo.

Nhưng cũng giống Bắc Hàn, Trung Quốc là một quốc gia ‘cộng sản’, ‘xã hội chủ nghĩa’ và độc đảng. Nếu Bắc Hàn theo chủ nghĩa Mác-Lênin và thuyết Chủ thể của Kim Nhật Thành, Trung Quốc dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Mao Trạch Đông.

Cũng như ở Bắc Hàn, những người có đặc quyền, đặc lợi ở Trung Quốc thường là những ai có liên hệ với chế độ. Chang Song-thaek là con rể của Kim Nhật Thành và là chú của Kim Jong-un. Trong khi đó, Bạc Hy Lai là con trai Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mối liên hệ này đã giúp ông Bạc Hy Lai thăng tiến trên con đường chính trị của mình. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông được xem là một ứng viên sáng giá cho một trong chín ghế của Ban thường vụ Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất tại Trung Quốc.

Nhưng, cũng giống như Chang Song-thaek, trong một thời gian ngắn ông Bạc bất ngờ bị thất sủng và bao tham vọng chính trị của ông biến thành mây khói.

Trong phiên tòa kéo dài tới năm ngày tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào tháng 9 vừa qau, ông bị kết án tù chung thân và tịch thu hết tài sản.
Nếu sống trong một đất nước dân chủ, tự do – nơi lãnh đạo được dân công khai, dân chủ bầu lên, chứ nhờ lý lịch hay dàn xếp phe phái chưa chắc ông Bạc được nắm chức vụ quan trọng.

Nếu làm chính trị trong một quốc gia minh bạch, có tự do báo chí – nơi đó mọi hành động của các chính trị gia luôn bị dám sát, theo dõi – chắc chắn ông Bạc cũng không có cơ hội hay dám phạm những tội như các tội ông bị kết án.

Và nếu có, chắc ông đã bị phát hiện và truy tố ngay từ đầu, chứ không phải đợi đến khi ông nhăm nhe một vị trí cao.

Hơn nữa, nếu ở một quốc gia nơi đó pháp luật nghiêm minh, rõ ràng chắc chính ông và nhiều người khác cũng không phải nghi vấn có âm mưu gì đó trong việc ông bị thất sủng và thanh trừng.

Vụ Dương Chí Dũng 
Ông Dương Chí Dũng từng là Cục trưởng Hàng hải
Không có vụ án nào liên quan đến giới lãnh đạo cao cấp xẩy ra tại Việt Nam trong năm 2013. Nhưng Việt Nam đã cho xét xử hai vụ án lớn với những bản án nặng được đưa ra, trong đó có án tử hình dành cho ông Dương Chí Dũng – một trong hai cựu lãnh đạo của Vinalines bị kết án tử hình.

Khác với Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai, dù có cha và em làm trong ngành công an, ông Dương Chí Dũng không phải là người nhiều quyền uy hoặc có liên hệ mật thiết nào đó với các công thần của chế độ.

Chức vụ cao nhất của ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines và Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam.
Nhưng nếu xem xét kỹ sẽ thấy có không ít tương đồng giữa ‘vụ án’ Dương Chí Dũng với ‘vụ án’ Chang Song-thaek và đặc biệt ‘vụ án’ Bạc Hy Lai.

Cũng giống như Bắc Hàn và đặc biệt Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia ‘cộng sản’, theo đường hướng ‘xã hội chủ nghĩa’ – theo đó các doanh nghiệp nhà nước được hiến định nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Trong một cơ chế như vậy, các tổng công ty hay doanh nghiệp nhà nước luôn có nhiều đặc quyền, đặc lợi và lãnh đạo những doanh nghiệp này cũng có nhiều cơ hội để tham ô hay làm giàu bất chính.
Ông Dũng chắc chắn đã không có cơ hội để ‘tham ô’ như ông bị cáo buộc, kết án nếu như Vinalines không được trao những đặc quyền hay trở thành một miếng đất béo bỡ cho những người như ông Dũng khai thác, lợi dụng.

Vì nếu có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, sòng phẳng, hay phải từ chính mình tìm kiếm nguồn vốn, hoặc phải đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn để mới có thể cạnh tranh với các đổi thủ khác hay có thể tồn tại, phát triển, chắc chắn ông Dũng và những quan chức khác tại Vinalines không đi ‘tham ô’ như thế.

Trước khi bị khởi tố không lâu, vào tháng 2 năm 2012, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải và một buổi lễ công bố quyết định ấy đã được tổ chức rầm rộ với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Đinh La Thăng.

Chắc chính ông Dũng và nhiều người khác vẫn còn nhớ tấm hình ông Dũng tươi cười cầm một bó hoa rất lớn đứng cạnh ông Thăng trong ‘lễ’ công bố quyết định đó.

Chỉ được bổ nhiệm làm một Cục trưởng mà tổ chức đón mừng linh đình như vậy chứng tỏ rằng chức vụ đó mang lại cho đương sự không ít quyền lợi.

Một ‘buổi lễ’ tốn kém và rầm rộ như vậy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ diễn ra tại các nước thực sự tự do, dân chủ, minh bạch – nơi những người công quyền được chọn nắm giữ các chức vụ, vị trí vì năng lực chứ không phải vì có quan hệ hay ô dù.

Và việc ông Dũng vui mừng về việc được bổ nhiệm Cục trưởng Cục hàng hải cách đây chưa đầy hai năm nhưng giờ phải đối diện với án tử hình cho thấy – cũng giống như trường hợp Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai – trong một thể chế chính trị như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, một cá nhân hôm nay được ‘làm quan’, được hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc nhưng mai có thể bị tước hết mọi thứ, thậm chí cả sự tự do, mạng sống của mình.

‘Sản phẩm’ của chế độ?

Trường hợp của Bạc Hy Lai và đặc biệt vụ Chang Song-thaek với vụ án của Dương Chí Dũng không giống nhau vì ba quốc gia và cả nhân vật này đều có nhiều khác biệt.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ba trường hợp này không có những tương đồng.

Nhờ liên hệ với chế độ và nhờ cơ chế, cả ba nhân vật từng có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi.

Nhưng môi trường và cơ chế như vậy cũng là con dao hai lưỡi vi nó góp phần đẩy đưa họ vào con đường ‘phạm tội’ – ‘tạo phản’, ‘tham nhũng’ và ‘tham ô’.

Vì những ‘tội’ ấy họ bị tước hết mọi quyền lợi và phải đối diện với tù chung thân, án tử hình.

Chang Song-thaek, Bạc Hy Lai và Dương Chí Dũng ít nhiều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình vì làm chính trị hoặc kinh doanh tại Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam không phải ai cũng phải đối diện kết cục bi thảm như họ.

Nhưng nếu sống trong một quốc gia đa đảng, dân chủ, tự do và luật pháp thực sự công minh, chưa chắc ba người đó đã có được những đặc quyền đặc lợi và cũng chưa chắc rơi vào tình trạng bi thảm hiện nay.

Và do đó, ba trường hợp này cũng đặt ra câu hỏi phải chăng cơ chế của Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt cũng góp phần tạo nên những vụ như ‘vụ án’ của Chang Song-thaek, Bạc Hy Lai và Dương Chí Dũng?

Source : BBC