Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiêu Phong – bi kịch của một anh hùng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiêu Phong – bi kịch của một anh hùng. Hiển thị tất cả bài đăng

29/7/10

Tiêu Phong – bi kịch của một anh hùng

Tiêu Phong – bi kịch của một anh hùng

Nguyễn Minh Vương


Đôi lời của người biên tập: Nguyễn Minh Vương từng tâm sự: anh muốn viết một tiểu thuyết về ba nhân vật: Khứ, Tại, và Lai. Có lẽ vì tâm đắc chủ đề đó, mà anh cảm thông dễ dàng với tác phẩm “Thiên Long bát bộ” của Kim Dung, cây viết kiếm hiệp được đại chúng ưa thích. Dù đó là một sự tương quan không rõ rệt, vì nó có lẽ nằm ngoài dụng ý sáng tác của Kim Dung, nhưng ta vẫn thấy lờ mờ những đường nét của Khứ, Tại, và Lai trong ba nhân vật chính: Hư Trúc, Tiêu Phong, và Đoàn Dự.

Hư Trúc là bóng dáng của quá khứ như tồn tại trong ý thức chung của mỗi con người, một hành trình từ tuổi thơ ấu vô tư, trong sáng bước vào đối diện với những trắc trở, hệ lụy, và cả những tai hoạ của cuộc đời; là cái ngưỡng ban đầu được giới thiệu với tính dục, của sự khổ đau đến từ thế giới bên ngoài. Còn Đoàn Dự là hình ảnh của tương lai, của tuổi già nhân loại, có tính ước lệ và một chiều như cách chúng ta muốn nghĩ về nó: một đoạn đời thanh bình không có tai họa (dù chung quanh anh ta xảy ra nhiều biến cố), tìm lại được tính cách hồn nhiên của trẻ thơ, chan hoà tình cảm. Những trải nghiệm để sở đắc võ công của anh ta cũng là ẩn dụ của tâm thức người già, nhất là theo quan niệm phương Đông: tâm hồn bình thản, mở rộng để lắng nghe và phát hiện những sở hiện kỳ diệu chung quanh.

Quay sang Tiêu Phong, anh ta chính là biểu hiện cho hiện tại của con người trưởng thành, con người làm đối tượng lý giải và cảm xúc cho tất cả tư duy loài người. Ý nghĩa lớn lao nhất của nó đối với tư tưởng chính là ở chỗ những khổ đau, mâu thuẫn, và tai họa – những điều đã trở thành đồng nghĩa với sự hiện hữu, ý thức, cũng như sinh lực của nó. Hành trình của nó là một sự bế tắc, là cái vòng vô vọng khép kín muốn giải thoát khỏi chính mình, như con rắn Ouroborous cố tự nuốt đuôi mình vậy. Với số phận đóng vai trò mấu chốt cho toàn truyện, với sự hiện hữu trong thời tính “thực”, sát sao nhất của tác phẩm, và với những chất liệu bi kịch mà tác giả đã dồn hết lại để xây dựng nhân vật này, Tiêu Phong hẳn là đối tượng thích hợp nhất cho Nguyễn Minh Vương mượn như cái cớ để góp thêm một vài góc nhìn của riêng anh vào với sự trăn trở miên viễn của tư tưởng con người.

Viết về những đề tài liên quan dến một tác giả giải trí như Kim Dung, rõ ràng, không phải để từ đó người ta tìm ra được những giá trị văn học, nhưng để nhìn lại cho rõ ràng hơn những gì thường nhật trong cuộc sống. Như đã nói, những ý tưởng trừu tượng này qua từng trang viết chỉ xuất hiện mờ mờ ảo ảo như những hình bóng chuyển hoá không ngừng không dễ gì nắm bắt lại – và có khi chỉ cần một cái chớp mắt là xóa nhòa hết, như giữa một bầu trời mùa hạ, mây trắng bay….

Bất cứ ai đọc truyện hay xem phim Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung đều có thể cảm được những cung bậc, gam màu của dòng đời đa tạp nhiễu nhương sai biệt phù du. Ai đã gây cảnh côi cút tang thương, ai đã chia uyên rẽ thúy, ai đã đẩy giang hồ vào cảnh máu chảy đầu rơi, ai làm cho oán thù chất đầy lên cõi cao xanh…??? Sao không phải là người mà lại là ta phải chịu đọa đày cho đến chết? Câu trả lời vẫn còn nằm trong huyền ngôn mật nghĩa được chôn dấu dưới mộ địa ở một cõi thiên hà xa xăm cách trái đất hàng tỷ năm ánh sáng.

Sinh ra ở đâu thì không biết, chỉ biết mình có cha mẹ là người Hán, Tiêu Phong đã lớn lên và trưởng thành trong lòng người Hán, được văn minh võ học của người Hán cưu mang, tài bồi, vun đắp thành một hảo hán giang hồ đầu đội trời chân đạp đất, hào khí ngút trời, võ công cái thế, công lực thượng thừa. Cái ơn cưu mang dưỡng dục nào có khác chi cái ơn sinh thành. Bắt kẻ tài hoa phải bỏ cái này, chọn cái kia thì chẳng khác nào cuộc tra tấn dã man sinh tử miên trường trong hoang lạnh thiên thu.

Ấy thế mà ông trời đã đọa đày con mãnh hổ hiên ngang bất khuất vào cái vòng xoáy mịt mù bất tận không biết lối nào mà ra. Cái cuộc đọa đày này nào có khác chi cái bản án chung thân khổ sai nơi rừng sâu nước độc hoang vu hẻo lánh. Nghịch cảnh hay bi kịch còn khiến cho tồn thể bức bách khôn nguôi, thậm chí có thể làm cho bóng đêm hư vô giăng mắc điệp trùng bủa vây càn khôn đại địa nếu tồn thể không trụ vững bản tâm vào lòng đất mẹ bi mẫn từ tâm. Thế nhưng nó lại là một liều thuốc kháng sinh đích thực tiêu diệt cái ngã mạn, cái tâm trí nhị nguyên để quay về cái Bát Nhã, cái Tánh Không, cái Đạo, cái Thái Cực…

Cái bi kịch đó cần phải được đẩy đến tột cùng, để trong đêm tối miên trường mù mịt, hành giả trực nhận được ánh sáng thiên thu diệu huyền. Đày đọa nhân vật của mình đến như thế thì từ cổ chí kim chỉ có Nguyễn Du, Dostoievski, Sophocle, Hermann Hesse… Trong cái bầu khí cẩu Liêu heo Hán, con người bị nhồi sọ vào cái chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Anh hùng phải là người yêu thương dân tộc mình đồng thời căm thù dân mọi rợ. Tiêu Phong cũng đã chạy theo lý tưởng anh hùng đó và chàng luôn ngẩng cao đầu tự hào với những chiến công hiển hách mà chàng đã làm cho dân Hán.

Chính cái niềm tự hào đó đã đẩy Tiêu Phong vào vực thẳm bi kịch. Đức Phật nói không sai, đừng yêu bất cứ cái gì hết, dù cái đó là niết bàn, bởi chính cái tình yêu thắm thiết đó lại là nguyên cớ gây đau khổ sân hận cho chính mình. Thật vậy, chỉ vì cái dâm bôn của mụ đàn bà Khang Mẫn mà cái nguồn gốc cẩu Liêu của Tiêu Phong trở thành một bản án tử hình. Từ đó, giang hồ truy bức, dồn anh hùng vào đường cùng, khiến anh hùng chỉ còn biết liều thân mở đường máu. Bao nhiêu cái thân yêu, bao nhiêu cái hào quang bỗng chốc vỡ tan tành. Lại một lần nữa, nhân gian lại vì một chữ ‘nếu’ mà phong nhụy hương hoa héo tàn. Với Nguyễn Du, nếu như Kim Trọng không về chịu tang thúc thúc, thì Kiều đâu có bị ê hề nhục thân. Với Shakespeare, nếu Roméo về trễ hơn, đợi thuốc ngủ hết tác dụng một chút thì chàng đâu có rút gươm tự kết liễu và Juliet cũng đâu có chết theo chàng. Với Camus, nếu Friar John không bị bất ngờ nhốt trong căn nhà nhiễm Dịch Hạch thì chàng có thể đoàn tụ với người yêu. Nếu Tiêu Phong chân nhận vẻ đẹp của Khang Mẫn một chút, chắc gì bi kịch đã xảy. Bình sinh ta đang phiêu bồng khí khái, bọn tiểu nhân ngăn lối chặn đường, khiến đầu xanh lận đận chìm nổi trong xứ miền u minh và tồn hoạt ngửa nghiêng tê cóng tơi bời trong gió quỷ khí ma.

Đến khi chứng thực được mình là chó Liêu, chàng rơi vào tình cảnh bế tắc, cùng đường, bí lối và chơi vơi. Một mình thơ thẩn giữa Nhạn Môn Quan, nơi mà tử khí của cuộc huyết chiến năm nào vẫn còn lẩn khuất đâu đây, chàng căm phẫn, thù hận cái nguồn gốc mà bấy lâu nay mình tìm mọi cách để nguyền rủa, xua đuổi và phỉ báng. Sao mình lại đi chém giết tổ tiên ông bà cha mẹ mình thế? Tại sao ông trời lại gây ra cảnh trái ngang này? Hàng trăm linh hồn Liêu tộc cứ lởn vởn như những bóng ma hiện về tố cáo chàng. Phải làm sao đây hỡi cao xanh? Sao ông gây chi cảnh trái ngang này?

Tuy nhiên, trời cũng không phụ lòng người chân chính. Giữa cơn ba đào sóng lũ, nương tử bồ tát A Châu thị hiện, lấy cam lồ xoa dịu cõi lòng như thiêu như đốt bằng một câu pháp thoại, tựa như một công án của nhà Thiền khai ngộ thiền sinh. “Làm người Khiết Đan thì có cái gì xấu xa? Làm người Hán thì có cái gì cao quý? Người Khiết Đan hay người Hán thì đều có kẻ tốt người xấu mà, đại gia buồn làm chi.” Cơn bão lòng tạm thời lắng dịu. Chàng hứa với vị cứu tinh là sẽ cùng nhau chăn dê trồng tỉa nơi miền quan ngoại, bỏ xa giang hồ gió tanh mưa máu sau khi làm xong vài việc nữa.

Sự đời đâu có như mình tính, cái ước mơ bình dị đó lại quá xa vời đối với hai kẻ yêu nhau. Giấc mộng chưa thành, thì chính tay chàng đã giết chết người yêu. Đành rằng những rủi ro bất ngờ không thể tránh trong cuộc đời, kể cả những kẻ rắp tâm ám hại đi chăng nữa, nhưng tại sao những kẻ yêu nhau lại đi giết nhau, hay vô tình đẩy nhau vào chỗ chết. Ai đã gieo nhân để cho hôm nay quả tôi ăn lại chua chát đắng cay thế này. Tội giết huynh đệ ruột rà máu mủ còn chưa nguôi ngoai, giờ chính đôi tay này lại giết chết lẽ sống duy nhất của đời mình. Thảm cảnh này xảy ra, kẻ tài hoa biết phải nượng tựa nơi nào cho cái mảnh tồn thể tả tơi xiêu đổ, đang mong ngóng cái ngày trùng phùng hội ngội sớm mận tối đào của Tràng Khanh Tống Ngọc. Cái chữ tương phùng sao chẳng thể hôn phối giao tình với kiếp này, lại cứ manh nha hẹn thề kiếp sau. Nước đã hẹn thề cùng non, sao chẳng thể một lần tương phùng dung nhiếp, lại bỏ đi đi mãi không về cùng non. Khiến cho non mòn mỏi ngóng chờ, không còn biết đâu là quê hương cố quận, đâu là bến bờ hạnh ngộ thiên thu.

Sầu chất ngất dâng tràn tim óc
Bốn mùa qua lá gió cũng qua
Tuồng bi ảnh hiển bày ra đó
Kiếp phù du ngẫm mãi nào ra.

Ôm thống hận đi vào dâu bể, chàng cố tìm cho ra kẻ “kẻ cầm đầu” ẩn núp trong bóng tối, rình giết người diệt khẩu. Đến khi tìm được “Đại ca cầm đầu” đã giết cha mẹ ruột, cũng như cha mẹ nuôi thì người đó lại chính là đấng sinh thành. Lại một cơn gió hư vô nữa ào ạt thổi về. Ôi ông trời, sao cứ bắt tôi phải giết những người tôi thương yêu, quý kính, đây là quê hương của tôi mà, đây là nguồn hy vọng của tôi mà, đây là hạnh phúc của tôi mà. Rõ ràng là tôi thương yêu rất mực cơ mà, sao cứ phải cầm gươm chém giết, sao cứ phải vén tóc vén quần, lôi nhục thân làm mồi cho quạ, rồi thẫn thờ về với hư vô, cho sa mạc lan dần ra mãi, mảnh linh hồn mòn rỗng hoang liêu.

Lý giải những cái đó, Freud cho là tiềm thức thúc đẩy hành động con người, còn ý thức chỉ là kẻ phụ họa, kiểu vẽ rắn thêm chân. Còn Duy thức thì cho rằng do các chủng tử từ vô lượng kiếp huân tập trong Thức A-lại-da, đến khi hội đủ cơ duyên, nó sẽ thúc đẩy con người hành động. Hay nhà Phật có nói yêu là khổ thì cũng phần nào vén mở sự thật. Nhưng cái tuồng ảo hóa vẫn cứ lù lù ra đấy, chối làm sao, bỏ thế nào được. Cũng thử bày đặt mở lời an ủi, phân lẽ thiệt hơn, nhưng mở lời thế nào khi mà ngôn ngữ đã bị nhà ma con quỷ bức bách hết máu xương. Có thể bi kịch hôm nay khai mở chân trời sơ nguyên hoằng viễn, nhưng có đủ để dìu em về bến giác trùng phùng nước non, và có đủ từ bi rộng lượng để xoa dịu bóng hình tồn hoạt tơi tả lất lây lăn lóc bơ phờ hay không lại là vấn đề khác.

Cũng thế, đành rằng vạn sự là Tánh không, đành rằng tất cả chỉ là mộng huyễn, là hoa đốm giữa trời không, nhưng ai đủ hùng tâm dũng khí, chân nhận ra vạn pháp vô thường, thì đã ở phiêu diêu cực lạc, có còn đâu quay quắt nỗi gì. Chỉ còn biến báo rằng, thôi em hãy khóc, khóc nữa đi em, cho lệ tràn thành sông thành biển, cho oan khiên chất đầy đại địa, cho tủi sầu chảy khắp càn khôn. Cũng chính vì lẽ ấy mà người đời khó chấp nhận cái cái nụ cười hàm tiếu của Phật, họ thấy cái khuôn mặt gục đầu nghẹo cổ nát tan với cái mào gai đẫm máu của Giêsu thân thiết, gần gũi và thực tế hơn. Do đó mà Kitô giáo mới trở thành tôn giáo có nhiều tín đồ nhất. Nhưng nếu đi sâu vào giáo lý, thì một trong Tứ diệu đế của nhà Phật là Khổ. Vậy có thể tạm gọi Phật là Thể, Giêsu là Dụng. Phật khóc rồi mới cười, Giêsu cười rồi khóc chăng?

Cái chàng vô cùng ghét, thề không đội trời chung, lại là cái ruột rà máu mủ. Cái mà chàng chân trọng nâng niu, âu yếm thì lại là cái chàng chủ tâm giết chết. Rồi đến cả cái việc mà chàng lăn lộn trong giang hồ đao kiếm, trong hận thù mưa máu tanh hôi để tìm cho ra kẻ thù giết cha thì cái đó lại chính là cha ruột của mình. Đọa đày đến thế là cùng, những tưởng hết ách nạn này, ông trời sẽ nương tay, cho kẻ tài hoa về đoàn tụ mái tranh vách lá, nằm đu đưa trên chiếc võng kẽo kẹt à ơi, thì dâu bể tang thương lại ngập tràn mưa móc, cho tóc thề rớt dụng, cho tồn hoạt nát tan, cho sống đọa thác đầy, cho sỉ nhục nghìn lần chưa thôi.

Về làm quan cho triều đình nhà Liêu, Tiêu Phong đã làm mọi cách để ngăn cản vua Liêu là Gia Luật Hồng Cơ thôi không thân chinh Nam hạ xâm chiếm đất Tống, khiến cho lương dân bá tánh phải máu chảy đầu rơi. Nhưng ông vua hiếu chiến này không nghe, chàng treo ấn từ quan, cùng A Tử về Trung nguyên sống nốt quãng đời còn lại. Biết tin đó, Gia Luật Hồng Cơ cho quân lính bắt nhốt Tiêu Phong. Huynh đệ vào sinh ra tử ở Trung nguyên liều thân đến cứu chàng chạy thoát đến Nhạn Môn Quan. Chính tại nơi đây, mâu thuẫn đã được Kim Dung đẩy lên đến tột cùng. Đoàn Dự và Hư Trúc đã phải liều thân bắt sống Gia Luật Hồng Cơ và ép hắn đổi mạng sống của hắn để lui binh. Nhưng trong hoàn cảnh đó, Tiêu Phong bỗng chốc trở thành kẻ bất trung, ăn lộc vua mà không báo đền ơn vua, lại uy hiếp long thể của vua, bắt vua làm theo ý mình. Hậu quả là, về Trung nguyên, chàng chỉ là Liêu cẩu tàn ác độc hại, về Liêu quốc, chàng là kẻ bất trung bất hiếu. Thiên hạ bao la lưới trời lồng lộng lại không còn chỗ để chàng dung thân. Khi A Châu tắt thở dưới chưởng lực của chàng, chàng có còn thiết gì sống chết. Nay mọi sự đã không còn, nhục thân côi cút, mảnh hồn hoang liêu, sống cũng chỉ bằng thừa, chàng đã tự hủy bằng mũi tên găm sâu vào bụng. Nhờ cái chết đó, Gia Luật Hồng Cơ bãi binh, không chiếm đất người Hán nữa.

Như thế, cái tấm hình hài bấy lâu ông chăm sóc, luyện tập võ công thượng thừa cũng bị chính đôi tay mình phá hủy. Phải chăng đây là chủ nghĩa bi quan yếm thế? Chẳng lẽ Kim Dung lại hư vô đến thế sao? Thiết nghĩ, mảnh tồn hoạt bời bời tơi tả, hận thiên thu thấu suốt trời xanh, cốt là để kiêu căng ngã mạn, cháy thành than trong cõi ta bà. Có thế hành giả mới trực ngộ được cái tâm rỗng không trong suốt, trở về vùng cố quận nguyên thôn. Do vậy, trên bước đường giải thoát, hành giả phải mang trong mình cái Tâm Không, tức ôm lấy cái Không Tính trong lòng hay nói theo Kinh thánh là phải mang cái nghèo toàn triệt trong lòng, nghèo đến nỗi không còn Thượng Đế để cậy nương cầu khấn. Lúc ấy, hành giả không thể tiến, cũng chẳng thể lùi, chỉ còn biết buông xuôi chấp nhận, thả tồn hoạt lưu ngụ thinh không, chẳng còn gì bỏ buông chấp chước, không thiên đàng hỏa ngục đấu tranh, mà thể nhập tánh không tuyệt đối, phóng hòa quang thẳng đến niết bàn.

Tự hủy cái bản ngã nhị nguyên chính là phục hoạt, phục sinh Chân Như còn bị khuất lấp trong những đa thù dị biệt giữa cõi ta bà. Bởi nếu mình không tự tay chém chết, lẽ trời đất cũng chẳng buông tha. Lão Tử đã từng nói: Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật như sô cẩu. (Trời đất bất nhân, xem vạn vật như con chó rơm.) Hạt giống không thối đi nó sẽ không trổ sinh hoa trái. Tuyết đông cần phủ khắp đất trời, xuân sang mới nở hoa cười ngát hương. Nếu không mất hết, ta sẽ không ngộ ra được tính vô thường của vạn pháp, vì chỉ có tính Không mới khả dĩ cứu độ hành giả vượt thoát luân hồi sinh tử. Tự do đích thực là dù chiều nay em không qua đây, hỏi thăm tôi một lời, tôi vẫn yên lòng chờ đêm tới, không mảy may buồn nản sầu thương nhớ nhung hối tiếc. Nhưng để được cái tâm tịnh lặng, chấp nhận mọi lẽ biến thiên của dòng đời, ta phải kinh qua, cảm nghiệm, xúc chạm đến tận những nỗi bi thương mất mát trong chính cuộc đời ta. Trái lại, ta sẽ chẳng bao giờ sống được cái phút giây tự do tót vời phiêu bồng như nhiên tự tại. Bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem người thế, mây trắng hỏi đường qua chính là phần thưởng cho những kẻ dám đánh mất mình, dám đánh cược, chịu chơi mất xác, nhất chín nhì bù trong ván bài sinh tử với cuộc đời.

Tất cả những cái đó chính là lẽ huyền diệu, lẽ vô ngôn, lẽ bất khả tư nghì của Kim Dung qua hình tượng nhân vật Tiêu Phong. Cần phải tham đắm chấp trước, cần phải ái ố hỷ nộ, thậm chí còn phải thi triển tuyệt chiêu, vận đủ mười thành công lực, một chưởng giết chết cả yêu lẫn ghét, cho cái nhị nguyên mất hết võ công, thành bất lực không còn điều khiển, cái tâm ta sẽ hóa trong ngần. Bởi cái ta yêu thật ra cũng chỉ là cái ta ghét. Yêu là cường độ ghét giảm xuống một chút, đến một lúc nào đó, khi dòng đời luân chuyển, cái sự ghét nó lù lù phơi ra, yêu sẽ hết không còn đất sống, sẽ hoang liêu ra tận mép rìa. Chính vì thế, Kim Dung đã để cho Tiêu Phong trở thành Chưởng môn phái Cái Bang, một bang hội uy chấn trên giang hồ, lại sở hữu võ công tuyệt thế là Hàng Long Thập Bát Chưởng, cùng khí khái anh hùng xả thân vì nghĩa đệ tình huynh danh chấn giang hồ, Nam Mộ Dung Bắc Kiều Phong là câu sấm truyền của giang hồ thời đó. Rồi một sớm mai thức dậy, bỗng dưng tất cả như một áng mây chiều, như cánh nhạn bay qua ô cửa, như bông hoa sớm nở tối tàn, từ một anh hùng cứu quốc, chàng trở thành con chó Liêu ác độc phản quốc, chuyên giết mẹ giết cha, giết cả người yêu và cho đến phút cuối hủy diệt luôn cả tính mạng mình.

Có lẽ Tiêu Phong chính là nhân vật cảm thấy mình khó giải thoát trong tất cả các nhân vật của Kim Dung. Cả cuộc đời quang minh chính đại, nhưng kết cục bi hùng thảm thương. Cả cuộc đời yêu cái tốt lành theo truyền thống hiếu đễ, anh hùng của người Hán, những chính ông lại giết chết người yêu và tầm nã cha ruột của mình. Muốn được giải thoát, lẽ đương nhiên là phải hành hiệp trượng nghĩa, sống quang minh chính đại, nhưng tất cả những điều đó có ai sánh bằng Tiêu Phong?

Đến đây, tôi nhớ một đoạn trong Tin mừng Luca nói về một thủ lãnh giàu có muốn nên trọn lành, ông ta bèn đến hỏi Giêsu phải làm thế nào. Đức Giêsu trả lời : “Chớ ngoại tình, giết người, trộm cắp, làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ.” Ông ta nói : “Tất cả những việc này tôi đã thi hành từ thuở nhỏ.” Nghe vậy, Giê su bảo : “Ông chỉ còn thiếu một điều, là hãy về bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo…, rồi hãy đến theo tôi.” Nghe vậy, ông ta buồn rầu bỏ đi.

Có thể nói, đây chính là hình ảnh của Tiêu Phong, chàng quá giàu tình giàu nghĩa, giàu anh hùng, giàu tấm lòng yêu nước thương dân, giàu mối tình sắc son chung thủy đến nỗi bảo chàng bán hết đi thì chàng không đành lòng. Bởi vì, chàng, cũng như đa số chúng ta, đều nhất tâm nhất niệm cho rằng những việc đó đều tốt đẹp vô cùng, bỏ đi làm sao được, bỏ đi thì còn gì ý nghĩa của cuộc đời. Đây cũng chính là một thứ ngã chấp mà nhà Thiền đã tìm mọi cách để tiêu diệt. Cho nên, Lục Tổ Huệ Năng mới nói với Huệ Minh, lúc ông này đòi lại y bát, rằng : “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn lai diện mục của Thượng Tọa Minh?” Huệ Minh liền tỉnh ngộ. (Pháp bảo đàng kinh). Bên trời Tây, nhà huyền bí Eckhart cũng đã phủ nhận hết kiến thức, điều tốt, tình huynh đệ, tình bác ái để cổ súy cho cái nghèo đến tận cùng, nghèo đến không còn một niệm tưởng nào là xấu là tốt, nghèo đến nỗi không còn biết Thượng Đế có còn hay đã tiêu ma. Ông viết : “Con người phải nghèo nàn đến nỗi không còn một nơi chốn nào sót lại trong lòng người đề Thượng Đế có thể ngự trị.” Và trở về với Long Thọ, ta thấy Tính Không của ngài bao trùm hết càn khôn đại địa, vì thực tại chỉ xuất hoạt khi nào không còn một sát na niệm tưởng hiện ra. Nói tóm, Tiêu Phong có lẽ chưa đạt được đến cảnh giới buông xả hết vọng tưởng này, nên đường về giải thoát, Tiêu Phong vẫn còn hơi xa. Điều đó chứng minh Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, hai nhân vật vì thù nhà phục quốc mà không ngừng đổ máu người thành sông thành suối lại quy y Phật Pháp, còn Tiêu Phong thì phải bỏ mạng giữa trời Nhạn Môn Quan với tâm trạng rối bời bên trung bên nghĩa bên nào trọng hơn.

Cũng chính vì thế mà sau này, Kim Dung không còn xây dựng nhân vật chính của mình một cách toàn bích như vậy nữa mà để cho Vi Tiểu Bảo, một tên mồm mép giảo hoạt xuất thân từ lầu xanh làm vai chính trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký của mình. Như thế, cái nghiệp của Tiêu Phong chính là tham luyến làm anh hùng hảo hán, làm trang hán tử đội trời đạp đất, làm người cứu nước cứu dân. Còn tham đắm, còn chấp trước là còn mê lộ, cho dù có tham làm việc thiện, có tham làm anh hùng cũng vẫn còn là luân hồi sinh tử. So với tham đắm ngụp lặn trong tội lỗi, thì tham đắm làm việc thiện có cái nguy hiểm tinh vi ẩn tàng. Cái nguy hiểm đó chính là nuôi sống cái tự ngã phân biệt chấp trước. Một con người làm trang hán tử thì không ý thức mình là trang hán tử. Một anh hùng thật sự thì chỉ đơn giản là anh hùng, không bao giờ đòi hỏi mình phải là anh hùng, vì tất cả những đòi hỏi đều nuôi dưỡng cái tự ngã tinh vi khó thấy. Có lẽ bên kia cửa tử, Tiêu Phong vẫn không khỏi thắc mắc rằng tại sao suốt cuộc đời của ta quang minh lỗi lạc, lại gặp toàn những điều bất công ngang trái. Chắc là vì ông làm việc mà biết rằng việc đó là hảo hán, là anh hùng, nên ông mới làm. Chính cái biết đó nuôi dưỡng cái tự ngã của ông và làm cho ông khổ sở. Khi nào mình làm chỉ vì bổn phận, không cần ý thức nó là việc tốt hay xấu. Làm mà không tích trữ công nghiệp cho mình, ấy mới là hành động thoát khỏi nghiệp. Lão Tử đã khuyên ta : “Ăn ở giản dị, tự nhiên, ít riêng tư, ít tham dục” bởi thánh nhân bất tích, không thu góp cho riêng mình, chỉ ôm trong lòng trọn vẹn ý nghĩa của Tánh Không trong từng sát na niệm tưởng.

Nguyễn Minh Vương

Source : http://damau.org
URL to article: http://damau.org/archives/4131