Hiển thị các bài đăng có nhãn Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân VNCH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân VNCH. Hiển thị tất cả bài đăng

28/4/10

Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân VNCH

BBC Vietnamese
Cập nhật: 17:50 GMT - thứ tư, 28 tháng 4, 2010

Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân VNCH

Hà Mi
BBC Việt Ngữ

Việc tìm kiếm hài cốt của những người chết và mất tích trong và sau cuộc chiến Việt Nam vẫn tốn nhiều công sức của các bên, cho dù chiến tranh kết thúc đã tròn 35 năm.

So với nỗ lực tìm kiếm và truy tập các tử sĩ Mỹ và bộ đội Bắc Việt Nam, có vẻ như những người lính phe Việt Nam Cộng hòa mất tích hoặc chết trong các trại cải tạo sau 75 cho đến gần đây vẫn chịu nhiều thiệt thòi.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của một số cá nhân và tổ chức, công việc tìm kiếm hài cốt quân nhân lực lượng Việt Nam Cộng hòa gần đây đã thu hút được sự chú ý và trợ giúp của cả chính quyền Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.

Trong chuyến công tác tới Hoa Kỳ mới đây, Hà Mi của BBC Việt ngữ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Tổng hội HO (ra đi có trật tự) và Hội Người Việt mất tích, và được ông cho biết về công việc tìm kiếm này:

Nguyễn Đạc Thành: Trước hết, không có sự trợ giúp chính thức của chính phủ Việt Nam thì chúng tôi không làm được gì cả, bởi vì chính phủ Việt Nam họ quản l‎ý đất nước, nếu họ không chấp thuận thì chúng tôi không làm được gì hết.

"Sau 35 năm, tất cả đều đã lo đưa hài cốt tử sĩ của mình trở về. Riêng hài cốt của anh em Việt Nam Cộng hòa của chúng tôi thì ở ngoài rừng sâu. Cái việc đó làm cho chúng tôi rất là đau lòng."

Chính phủ Việt Nam, cũng như chính phủ Mỹ, đã tích cực giúp chúng tôi trong việc này. Khi chúng tôi đến Việt Nam, thì một thời gian sau, chúng tôi đã liên lạc với tòa đại sứ và chúng tôi được tòa đại sứ yểm trợ rất là mạnh mẽ và cũng hậu thuẫn cho chương trình này.

BBC: Ông mong muốn nhận được những trợ giúp gì nữa trong tương lai để tiếp tục công việc mình đang làm?

Nguyễn Đạc Thành: Cái vấn đề mà chúng tôi mong mỏi là hai chính phủ đứng ra trực tiếp giúp chúng tôi tìm và đưa hài cốt của anh em trở về gia đình. Bởi vì sau 35 năm, tất cả đều đã lo đưa hài cốt tử sĩ của mình trở về. Riêng hài cốt của anh em Việt Nam Cộng hòa của chúng tôi thì ở ngoài rừng sâu. Cái việc đó làm cho chúng tôi rất là đau lòng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không trách được. Bên phía Việt Nam họ phải lo cho tử sĩ của họ, phía Mỹ phải lo cho tử sĩ của họ, điều đó là đúng. Mà họ không lo gì cho phía miền nam Việt Nam chúng tôi là cũng đúng thôi. Nhưng mà tại sao anh em chúng tôi không lo cho hài cốt của bằng hữu của mình, mà lại phải trông chờ người khác? Thì đó là lý do mà chúng tôi lên tiếng.

Và chúng tôi rất là mong mỏi hai chính phủ giúp đỡ cho chúng tôi hoàn thành công việc nhân đạo này. Sau khi làm việc thì chúng tôi biết là chính phủ Việt Nam đang rất muốn giải quyết giúp chúng tôi và đang có một chương trình ủng hộ chúng tôi để làm công việc nhân đạo này.

Riêng về chính phủ Mỹ thì cũng có dấu hiệu cho tôi thấy rằng chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ. Nhưng mà để có câu trả lời rõ ràng, xin cô hãy chờ chúng tôi đang thực hiện chương trình lấy 22 hài cốt của anh em tù cải tạo ở miền Bắc, tại làng Đá. Sau kết quả này thì sẽ có câu trả lời rất rõ ràng cho cô về bên phía Mỹ.

BBC: Qua kinh nghiệm làm việc trong thời gian vừa qua, ông có thể tiên lượng được những khó khăn gì sẽ xảy ra khi tiếp tục công việc này trong thời gian tới?

"Sự hận thù của hai bên, của hai chiến tuyến nên dẹp bỏ để làm công việc nhân đạo này. Là bởi vì người chết rồi đâu còn thù hận gì, chúng ta nên giúp nhau đưa những người đó về với gia đình. "

Nguyễn Đạc Thành: Công việc này có những khó khăn của nó. Thứ nhất là mộ của tù cải tạo hay là những anh em đã chết trong cuộc chiến là rất lâu rồi, thành ra khi phát giác ra, biết được chỗ đó tìm cũng rất là khó. Nếu mà không có sự giúp đỡ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam cũng như những người biết thông tin tích cực giúp thì chúng tôi khó có thể làm được. Đó là khó khăn về mộ.

Cái thứ hai là khó khăn mà chúng tôi cho rằng đến nay nên phải giải quyết, đó là cái sự hận thù của hai bên, của hai chiến tuyến nên dẹp bỏ để làm công việc nhân đạo này. Là bởi vì người chết rồi đâu còn thù hận gì, thì chúng ta nên giúp nhau đưa những người đó về với gia đình.

Mà cái người đau khổ nhất là các gia đình còn sống. Mọi người đều biết rằng hài cốt là cái gì thiêng liêng của thân nhân người ta. Hiện tại mình còn sống thì nên giúp cho họ, để mà hoàn thành được cái mong muốn là đưa hài cốt họ về, cho dù là một mảnh xương tàn mà thôi.

Đó là một việc làm nhân đạo rất cần, và nên gạt bỏ sang một bên tất cả những gì không nhân đạo. Đừng có đem chính trị vào vấn đề này. Tôi cho rằng làm sao để đưa hài cốt của những người đã mất trong cuộc chiến về với gia đình. Đó mới là việc làm hết sức cần thiết. Nó đúng với truyền thống nhân đạo của người Việt Nam mình.

BBC: Xuất phát từ đâu mà ông làm việc này, vì cũng có thân nhân mất tích như thế?

Nguyễn Đạc Thành: Tôi không có thân nhân, nhưng đối với tôi đó một vấn đề rất quan trọng, thật sự trong lòng tôi xin kể với cô, là tôi không nghĩ tôi có thể ra khỏi trại tù cải tạo và chính tôi khi đó là người sắp chết. Nên tôi biết được người sắp chết họ muốn gì.

Bởi vì khi ở ngoài Bắc, tôi bị bệnh kiết, tôi sắp chết. Cô biết là ở tù ngoài Bắc mà bị kiết là chết, chứ không thể sống nổi. Ít khi nào sống được lắm, mà có sống được thì đưa lên đến trạm xá cũng chết. Khi tôi nằm đó, tôi vái Phật Bà, Phật tổ, và tôi vái những anh em đã chết, rằng nếu mà cứu tôi được, tôi sống được mà ra khỏi tù và có cơ hội thì tôi sẽ đưa họ về.

Bởi vì khi sắp chết thì tôi tha thiết muốn gặp vợ con tôi lần chót. Tôi muốn nói với vợ con tôi là xin lỗi (khóc), trong thời gian làm việc, tôi có những mistakes (sai sót) với gia đình, hãy tha lỗi cho tôi. Đồng thời, nghĩ rằng khi nằm xuống đây, tôi cũng muốn thân xác tôi về với gia đình, bên vợ con tôi, để tôi yên nghỉ.

Nếu mà chết lúc đó thì đảm bảo với cô là không ai biết được, thân xác tôi sẽ ở ngoài rừng, và đồng thời, linh hồn tôi sẽ không trở về được với vợ con. Cho nên tôi rất mong muốn gặp vợ con tôi lần chót. Tôi rất mong muốn hài cốt mình về với gia đình.

Tôi có vái với anh em như vậy. Khi người bạn tôi chết, là anh Lê Xuân Đèo, chết vì bệnh kiết, mỗi lần đi ngang qua mộ ổng thì tôi bỏ một cục đất xuống, nói rằng: “Đèo ơi, anh ở đây đi, nếu anh phù hộ tôi về được thì tôi sẽ kiếm gia đình anh và tôi sẽ đưa các anh về”.

Sau đó, tôi được ra khỏi tù và tôi được về.

Như cô biết, tôi qua Mỹ, và năm 1995, tôi thành lập Tổng hội HO. Cái mục đích của tôi là tìm hài cốt của anh em. Cho nên trong thời gian từ năm 95 đến 2006-07, tôi cũng phải lo cho gia đình tôi làm sao hồi phục, rồi tôi mới làm được, thì tôi ráng làm việc với người Mỹ, tôi tìm sự ủng hộ của họ.

Cuối cùng, năm 2006, ông luật sư của tôi ông ấy đi về bên Việt Nam trong chuyến thăm của ông Bush, thì tôi nhắn ổng, là thử coi xem phía bên Việt Nam có đáp ứng không, và xin phía VN là tôi muốn lấy hài cốt của bạn tôi từ trại cải tạo như vậy. Khi ông ấy về, ông ấy đem cho tôi kết quả. Cuối cùng là chính phủ Việt Nam cho phép tôi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100428_nguyendacthanh_mia.shtml

© BBC 2010