Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Công Thiện - Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Công Thiện - Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo. Hiển thị tất cả bài đăng

24/6/11

Phạm Công Thiện - Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo

Phạm Công Thiện Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo






THẤP THOÁNG BÓNG HUỲNH TRÊN CON SÔNG TÀN BẠO



1



Con sông ấy đã đầu độc tuổi thơ tôi. Những mùa nước lớn có những chiếc bè, những đám lục bình, những con chó chết trôi lềnh bềnh. Người lớn và con nít gọi những xác chết trôi là “thằng chổng chết trôi”. Thường khi mưa đổ liên hồi trên mặt sông, làm nước tràn lên tận bờ. Mùa nước ròng tôi thường đi chân xuống bờ sông để tìm những con còng bé nhỏ.

Mười lăm năm đầu tiên trong đời tôi, tôi đã bị con sông đầu độc một cách tàn nhẫn, man rợ, vô phương cứu chữa. Nếu tôi sinh ra đời trên một đồi cao, hay một khu rừng bao la hoặc một bãi biển đìu hiu thì cuộc đời tôi sẽ khác hẳn đi. Biển, đối với tôi, không thể tác động gì cả. Núi lại càng xa lạ, những ngọn đồi cao, tôi lại dửng dưng. Những thành phố không sông chảy băng qua thì chỉ có thể là những thành phố dành riêng cho những con rùa và những con quạ; còn những thành phố được dựng lên dọc theo con sông thì thì sớm hay muộn gì cũng nằm dưới sức hút kỳ dị của mặt trăng. Con sông sẽ nuốt thành phố ấy, nuốt tất cả những mộng mơ hoài vọng của những đứa con lớn khôn trong thành phố. Rồi những đứa bé ngây thơ vô tội sẽ bỏ dở trọn cả đời mình để chạy đuổi những con sông chảy xiết. Một ngày nào đó, chúng sẽ kinh hoàng bắt nhận được một sự thật khủng khiếp mà từ nhỏ chúng vẫn thấy hồn nhiên: những “thằng chổng” chết trôi kia là những khối bập bềnh vô phương định hướng của chính thân thể hắn thả nổi trên con sông cuộc đời. Thỉnh thoảng tận đằng xa, đó đây một cánh buồm trắng hoặc vàng lất phất qua đời hắn, xa, quá xa tầm với, rồi đi mất.

Có những buổi chiều, tôi đạp xe ra tận cầu tàu, dựng xe vào gốc thuỳ dương, dựa lưng vào kè đá, thòng hai chân xuống, ngó nhìn ra tận đằng xa ở ngã rẽ của dòng sông ra hướng biển, bên tôi là con sông to rộng, xa xa tận cuối chân trời, người ta cho tôi biết là biển. Lần đầu tiên, nghe tiếng BIỂN thì tôi chỉ thấy cái gì xa quá, không thấy được, mờ mờ, bạc nắng, bí mật, xa hút tận cuối chân trời. Biển từ đó có nghĩa là cái gì không với tới được và quá im lặng, vì cái gì quá xa thì phải im lặng, hiển nhiên. Sau đó vài ba năm, khoảng chừng mười tuổi, tôi được người nhà dẫn ra biển. Lần đầu tiên thấy biển, tôi rùng mình sợ hãi; một nỗi sợ rợn tóc gáy dường như man mác một thoáng tiên cảm gì đó về số kiếp của con người, kẻ bị đày đoạ suốt đời chỉ nhìn tới một cái gì bao la, rộng lớn, xa hút, bí mật; bị đày đoạ đứng nhìn thôi và không làm gì với tới được, vì đó là sự chết.

Sông đầu độc, nhưng biển thì giết. Đầu cuộc đời tôi là con sông, cuối cuộc đời tôi là biển; đó đây ở giữa cuộc đời là ao tù, hồ, mương, cống, rãnh, thỉnh thoảng vài ba cái thác đổ ầm, một trăm con suối chảy ngầm trong tim. Rồi một bầy chim kêu gọi nhau giữa trời, giữa những đoá hoa huỳnh mọc ngay giữa trời. Lúc ấy, chỉ còn có một việc phải làm là nhắm mắt lại và nhìn tới cái chết. Một nghĩa trang, một con sông, đó là hai cánh cửa mở vào thành phố đời người. Những đám ma đi dọc theo bờ sông và trở về nơi cố định. Một bầy con nít đang tắm dưới sông, vỗ tay, đập nước, sung sướng chỉ chỏ, nhìn ngắm đám ma đi qua. Tiếp theo là tiếng đò máy nổ vói xuống nước, vọng lên đà nước sóng sánh lắc lư của chân cầu. Tiếng mẹ ơi ới gọi con bên kia cồn vọng lại, nắng loé lên rồi tắt. Một con ong vo ve rồi bay mất vào trí nhớ.



2



- Mi, mi đã làm gì đời mi?

Tôi lắc đầu, đứng ngó về mặt sông chảy rộng thênh thang. Trời đổ mặt trời xuống nước, khói nấu cơm thổi bay lên mấy chiếc xuồng, chiếc thuyền. Hai ba bẹ chuối trôi bập bềnh, đằng xa là một băng đen dài âm u ở cuối cửa sông. Trời chạng vạng.

Tôi muốn trốn thoát khỏi thành phố và con sông này. Tôi mơ mộng những chuyến đi dài băng qua những đất lạ quê người. Khó quá, khó quá. Có lẽ tôi sẽ chết mất tại nơi tôi ra đời và con chim nào đã bị bắn rơi lông lá.

Tôi dẫn xe đạp về nhà, cha tôi đứng nơi cửa: “Mầy đi đâu chơi mới về đó? Tụ bè kết đảng đi chơi suốt ngày, không nhờ vả gì được cả.” Tôi lầm lầm bước ra nhà sau, rửa mặt, rồi đi thẳng lên phòng riêng trên lầu. Đóng kín cửa phòng lại, lấy những địa đồ năm châu bốn bể ra và nhìn ngó mơ mộng liên tục trong mấy tiếng đồng hồ, đến lúc mấy chị ở gọi vọng lên “Cậu ba, cậu ba xuống ăn cơm, bà đợi kìa.” Tôi lại lẳng lặng xuống lầu, ngồi vào bàn ăn, ăn rất nhanh, vì tôi không chịu nổi chiến tranh lạnh đang dàn mặt trận trên bàn ăn giữa mẹ tôi và cha tôi. Buổi chiều tối, tôi leo tận nóc nhà ở mút tầng lầu thứ tư và ngó xuống con sông đang chảy đen ở dưới kia, trên cao là từng đám mây chiều, mây đêm, dưới phố vọng lên tiếng trẻ con nô giỡn. Tôi ngồi trên nóc nhà và tưởng tượng một ngày nào trong tương lai tôi sẽ thoát được căn nhà hoả ngục này, thành phố đìu hiu và con sông quá buồn này, để sống ở một thành phố xa lạ nào đó tận bên kia chân trời, có bến tàu chung thuỷ và tôi sẽ được sống âm thầm trơ trọi nghèo nàn trong một căn phòng hôtel tồi tàn, và ngoài những giờ làm việc lao công ở bến tàu tôi sẽ dành trọn buổi chiều cô độc trong phòng nhỏ để viết suốt đêm, viết những quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính làm gì đi nữa rồi cũng tự tử. Tôi quen làm cuộc tự tử tưởng tượng trên nóc nhà ấy. Chín giờ tối, lúc từng bầy chim én đã bắt đầu thôi động đậy, tôi leo tuột xuống phòng riêng, chong đèn thức suốt đêm để học tiếng ngoại quốc hoặc học thuộc lòng tên những con đường của những thành phố ngoại quốc. Rồi tôi ngủ gục trên bàn. Sáng bừng dậy, tôi vẫn còn thấy mình đang lang thang trong những đường hẻm lót gạch của những thành phố xa xôi tận cuối chân trời.

Đôi lúc cha mẹ tôi bớt giao tranh nhau. Thỉnh thoảng mẹ tôi vụt hỏi: “Mầy định làn gì, khi lớn lên mầy định làm gì? Sao không lo học hành đàng hoàng cứ đọc sách gì đâu không, sao không chịu học lấy bằng cấp để làm tao với thằng cha mầy được nở mày nở mặt với hàng xóm? Học có giỏi thành trời đi nữa mà không lấy bằng cấp thì có gì chứng minh rằng mầy giỏi? Cứ huênh hoang kiêu ngạo, lầm lầm lì lì, ăn cho no rồi chửi tiền chửi bạc. Tao mà không giàu có lấy đâu mà ăn ở không suốt ngày rồi khinh chê tiền bạc. Chừng nào mầy ăn mắm với muối thì mới biết tiền bạc là cái gì?” Dạo đó, tôi vừa được mười bốn tuổi, tôi đã bỏ học trường từ lâu. Mẹ tôi bị ông sư huynh hiệu trưởng mời vô trường và than phiền về hạnh kiểm của tôi, ông ấy nói với mẹ tôi rằng tôi đòi giỏi hơn thầy dạy tôi. Mẹ tôi kể lại: “Tao phải cãi lại ông ấy, tao nói: tôi biết thằng con tôi lắm, nó hiền lành, đứng đắn, đàng hoàng, ít nói, không chơi nghịch gì hết, chỉ biết đọc sách suốt đêm ngày, tôi tốn tiền sách cho nó gần cả một sản nghiệp; tôi mà không giàu có thì cũng không nuôi con tôi học nổi. Tại ông thầy dạy nó mà lại dở hơn nó thì nó mới khó chịu, nó mới như vậy. Nó giỏi hơn thầy nó mà.” Về cái việc bênh con thì mẹ tôi đáng đứng vào hạng quán quân. Phải hay trái gì cũng bênh con, vì “chỉ có con tôi là tôi hiểu”; đó là lý luận rất độc tài của mẹ tôi. Tính độc tài ấy, tôi được thừa hưởng khi lớn lên với cuộc đời.

Nhưng thực sự mẹ tôi đâu có hiểu rằng con sông đã đầu độc tôi như thế nào. Con sông đã tàn bạo, đã đánh đòn tôi còn tàn nhẫn hơn những lúc cha tôi lấy dây luộc buộc chân tôi vào chân giường vì cái tội trốn học. Cả khu phố, cả hàng xóm ở nơi nhà tôi đều nghe tiếng tôi, cái tiếng tăm mà dạo ấy tôi bị hành hạ liên tục: “thằng trốn học”. Ngoài cái tội trốn học, tôi lại có đủ tật xấu: ham đánh lộn, đánh bài, ăn ở dơ dáy, ít hớt tóc, ít khi tắm, đến nỗi mẹ tôi cứ nhắc: “Mầy hôi trâu quá. Đi tắm ngay đi!”. Dạo đó tôi được mười ba tuổi. Rồi cũng vì bị con sông đầu độc, quá bất ngờ, quá bất ngờ, thực quá bất ngờ, năm mười bốn tuổi, từ một đứa con nít ham chơi, ham đánh lộn với trẻ con hàng xóm, tôi bỗng trở thành một con người mới, đóng cửa ở suốt trong phòng, lầm lì suốt ngày, không vui cười với ai nữa cả, thỉnh thoảng đạp xe ra cầu tàu, đứng buồn ngó con sông, rồi âm thầm trở về nhà, lẳng lặng như một bóng ma, người tôi bắt đầu ốm gầy hẳn đi, mặt xanh xao như bị yêu tinh hốt hồn, tóc bồng rối quên chải, đôi mắt ngó về một chốn nào không với tới, đôi mắt có quầng đen vì ba mươi đêm không ngủ. Từ ngày ấy trở đi, cha tôi và mẹ tôi đâu có biết rằng tôi không còn là đứa con của hai người nữa. Cái nhau đã được chôn hẳn rồi, cái rốn đã được cắt lìa hẳn rồi. Tôi không còn là một con người có cha, có mẹ, có anh em, hàng xóm, quê hương. Tôi ở trên trời rơi xuống, đi, đứng lạ lùng giữa trời đất lạ lùng. Tôi không còn biết hỏi: tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi về đâu. Không, không, hoàn toàn không. Tôi không còn hỏi gì hết. Tôi chỉ biết đi và đi tới cái gì đằng kia, rộng quá, âm u và bí mật, buồn vì quá tối nghĩa?



3



Bên này là nghĩa địa và bên kia là con sông, ở chính giữa là thành phố. Bên này là buổi sáng và bên kia là buổi chiều, ở chính giữa là cơn bệnh của mặt trời. Tất cả mặt trời đều tàn bạo, tất cả mặt trăng đều cay đắng.[*] Người nói được câu này phải là kẻ đau đớn mà tuổi thơ bị chẻ đôi giữa thành phố và con sông, giữa buổi chiều và một chùm mộng rụng. Rimbaud và con sông Meuse.



4



- Mi, mi đã làm gì cho đời mi?

Buổi chiều xuống nhẹ trên thành phố với tiếng gió đẩy cửa sổ nghe kẽo kẹt. Tôi không biết mình đã tự hỏi như vậy bao ngàn lần rồi?

- Không, không, mi không thể làm bất cứ việc gì nữa. dòng sông đã đầu độc đời mi rồi. Độc đã thấm vào máu rồi...

Một đêm khuya lúc hai giờ sáng, tôi chợt hiểu được như vậy và tôi không còn muốn tự tử nữa. Đứng trên cầu Pont Neuf ở Paris, tôi ngó xuống con sông Seine; cả một đời trẻ thơ, cả một đời con trai của tôi trôi qua vùn vụt dưới kia, mặc dù nước sông rất bình thản, quá đen, đen. Suốt đêm đó, tôi để cho nước đày đoạ tôi, đánh đập tôi, hành hạ tôi. Ôi, sao nước quá tàn nhẫn. Tôi có tội tình gì? Sao nước lại tàn bạo thế, sao nước lại nhẫn tâm thế? Nước, nước, hãy tha tôi, hãy cho tôi sống. Nước, xin đừng quá tàn nhẫn.

Một đêm tối khác vào mùa đông, khi chuyến xe lửa ngoại ô băng dọc qua sông Marne, tôi ngồi run lạnh trong chuyến tàu khuya cuối cùng, rồi nhắm mắt ngủ quên và khi xe lửa ngừng lại một ga tỉnh nhỏ, tôi mới giựt mình biết rằng xe lửa đã chạy lố qua nơi ngoại ô tôi ở gần đến hai chục cây số. Lúc ấy, tôi sống trong một phòng ngủ nghèo nàn ở Saint-Maur-des-Fossés, vùng ngoại ô của Paris; phòng của tôi mở ra đối mặt với nhà ga bên kia đường, mỗi chiều đứng bên cửa sổ, ngó nhìn những chiếc xe lửa từ Paris đổ về với những vòng khói bay toả lên trời chiều, tôi tự hỏi và chỉ tự hỏi và không bao giờ trả lời được. Đêm tối mùa đông ấy, nhờ chuyến xe lửa chạy lố qua Saint-Maur-des-Fossés, tôi mới nhận được câu trả lời do dòng sông Marne gửi lại. Tôi đã bước đi trong tuyết lạnh gần hai mươi cây số, trong đêm khuya, để trở về phòng ngủ ở Saint-Maur-des-Fossés. Trước tối đen, tôi bước đi lê lết dọc theo bờ sông Marne, tôi nện đôi giày ống xuống tuyết, trượt lên té xuống đôi ba lần, tôi cố gắng lết cho qua dặm đường dài hai chục cây số giữa đêm đen tuyết lạnh và cơn đói cồn cào. Sông Marne chảy nhẹ nhàng. Sông vẫn có mặt bên bước chân tôi. A, tôi hiểu rồi, tôi đã được trả lời rồi. Nếu đêm đông lạnh lẽo ấy, đang lúc tôi lạc đường và lộn đường trở về mà không có con sông chảy nhẹ nhàng bên cạnh thì liệu tôi còn sức để trở về hay phải kiệt lực dọc đường? Sông đã đầu độc tôi, đã tàn phá cơ thể và tâm hồn tôi, nhưng vào những lúc quyết định bất ngờ nhất, cũng chính con sông trở thành một thứ ma lực lạ lùng, vô hình, kín đáo, trợ lực giúp đỡ tôi đi tới, bước về Saint-Maur-des-Fossés. Chữ Saint Maur đọc nghe như Sainte Mort.



5



Tôi đã đến Vienne để chỉ ngó sông Danube một lần, rồi bị đau nặng tưởng chết tại một hôtel ở Vienne. Nửa đêm, người ta chở tôi vào nhà thương.

Ngày hôm sau, vì không có tiền để trả nhà thương ở Vienne, cho nên ông bác sĩ người Áo lấy vé máy bay cho tôi đi gấp qua Frankfurt ở Đức; tôi ngồi gục đầu và nằm dài muốn ngất xỉu tại phi trường Frankfurt, tôi cố gắng vận dụng mọi tinh thần để đủ sáng suốt còn lại mà biết rằng Frankfurt là thành phố của Goethe và Schopenhauer. Dòng sông Danube ở Vienne chỉ chấp nhận cho tôi nhìn thấy có một lần, chỉ một lần, một lần thôi, einmal, nur einmal... [**]

Một buổi sáng sớm đứng giữa thành phố đẹp nhất thế giới, Florence, Firenze của Ý-đại-lợi, tôi đã đứng ngó sông Arno, sông cạn nước. Lúc tôi đến dòng Arno thì nước đã cạn. Đời sống tôi lúc đó đã cạn đến tận đáy. Nước không chảy thì đời tôi cũng nghẽn theo luôn, dù tôi đang sống giữa Florence, thành phố thơ mộng nhất và huyễn hoặc nhất của thế giới. Dante và Michelangelo đã sống nơi đó. Chắc chắn là con sông Arno đã nuốt thiên tài họ, đã làm họ chết mười lần, chết một trăm lần trước khi cái chết thực sự hiện đến dập tắt lửa nóng của mặt trời.

Tôi trốn bỏ thành phố Florence và đi đến Rome, rồi bị giam trong một hôtel suốt cả tháng, không còn đồng xu trong túi, tôi phải nhờ người bồi hôtel đánh điện tín qua Mỹ để xin tiền Henry Miller, rồi đánh điện qua Anh, qua Pháp để xin tiền bạn bè. Từ ngày này kéo dài qua ngày nọ, tôi nằm trong phòng hôtel và đọc Kinh Kim Cang, một cuốn kinh nhàu nát, duy nhất, phong sương mà tôi đã giữ kỹ trong cái bị giang hồ.



6



Có ai biết rằng dòng sông Hằng đã chạy qua Kinh Kim Cang?

Và đức Phật ngồi bên dòng sông, ngó ngôi sao mai, thành Phật.



7



Bây giờ tôi muốn uống một tách cà phê, nhưng chạy đâu ra tiền để uống ngay phút này? Sông đã cạn. Những gì còn lại, xin Phong Lữ Thảo hãy viết tiếp giùm tôi. Sông đã cạn. Sông đã cạn.



----------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)


_________________________

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[*]Đây là câu thơ thứ 90 trong bài “Le bateau ivre” [“Con thuyền say”] của Arthur Rimbaud, nhưng Phạm Công Thiện đã nhớ nhầm thứ tự của mặt trăng và mặt trời. Đúng ra, câu thơ là: Tất cả mặt trăng đều tàn bạo và tất cả mặt trời đều cay đắng (Toute lune est atroce et tout soleil amer). Rimbaud đã viết bài thơ “Le bateau ivre” dài 100 câu trong mùa hè năm 1871, lúc ông mới 16 tuổi.

[**]Khi dùng những chữ tiếng Đức “einmal, nur einmal” (một lần, chỉ một lần thôi), Phạm Công Thiện muốn gợi ý đến bài “Die neunte Elegie” [“Sầu ca thứ chín”] trong tập Duineser Elegien [Những bài sầu ca ở lâu đài Duino] của Rainer Maria Rilke. Trong bài “Die neunte Elegie”, ở đoạn thứ ba, Rilke đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần những chữ này.




Source : Tiền Vệ