Hiển thị các bài đăng có nhãn Thử đề xuất một dẫn luận về Văn hoá Hiện đại hoá. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thử đề xuất một dẫn luận về Văn hoá Hiện đại hoá. Hiển thị tất cả bài đăng

5/6/09

Thử đề xuất một dẫn luận về Văn hoá Hiện đại hoá

Thử đề xuất một dẫn luận
về Văn hoá Hiện đại hoá

Phạm Toàn


“ Hiện nay chưa khai thác bô xít ở Tây Nguyên, dành tài nguyên đó cho thế hệ mai sau
và không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.”

Võ Nguyên Giáp
(thư ngày 20-5-09 gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Quốc hội).


Gần như chuyện làm hay không làm bauxite ở Tây Nguyên đang khiến cho không biết bao nhiêu người dân Việt Nam bị lôi cuốn vào một cuộc tranh luận. Còn cao hơn một cuộc tranh luận, đó là một cuộc suy nghĩ tập thể sâu rộng của những con người khó trách được họ thiếu ý thức công dân. Đã có gần ba nghìn người ký tên vào bản Kiến nghị yêu cầu dừng các dự án bauxite Tây Nguyên. Một khối lượng người không thể đếm được đã không ký vào bản Kiến nghị vì nhiều lý do (mà hai lý do chính là một nỗi sợ mơ hồ nào đó và sự thiếu công cụ thông tin (a)) song ngay cả những người không ký cũng vẫn theo dõi hết sức chặt chẽ cuộc vận động dân sự này.

Những ý kiến phản biện đều đã nói gần đủ. Mở màn, có lẽ phải nhắc đến loạt bài viết hết sức đầy đủ của một người trong cuộc, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một cán bộ quản lý bậc cao ở ngay trong Tập đoàn Than Khoáng sản Viêt Nam (b). Tiếp theo, những tác giả khác nhau đã phản biện dựa trên những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Có bài nói về kỹ thuật, có bài về môi trường, có bài lo về an ninh - quốc phòng, có bài nói về hiệu quả kinh tế, có bài về nỗi lo phá tan nền văn hoá bản địa (c), và rất gần đây có bài phát biểu có bản lĩnh, nhất là rất đúng lúc, chân tình và dũng cảm, dám nói đến chuyện lách luật (d).

Có một điều rất đáng chú ý, ấy là cả cái bên chủ trương làm bauxite lẫn bên chống lại chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên đều có “ngọn cờ” hiện đại hoá.

Vì cớ gì mà cùng một khái niệm lại có thể sinh ra hai loại hành động đối chọi nhau đến thế ?

Chỉ có thể lý giải như sau thôi : chắc chắn là nội dung của khái niệm hiện đại hoá đã chưa được hiểu một cách đầy đủ.

Vậy nên, trong bài viết ngắn này, tôi xin phép bổ sung một khía cạnh ít được chú ý, khía cạnh văn hoá của công cuộc hiện đại hoá đất nước, cái văn hoá được hiểu như bản thân cuộc hiện đại hoá, nói ra điều này cũng còn nhằm góp phần lý giải điều Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lá thư số 3 mới rồi : “… không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (e)


Hiện đại hoá


Để thống nhất cách hiểu khái niệm, để tránh bị nhiễu vì những quan niệm phóng túng về “hiện đại” (mà “tội lỗi” đáng yêu thì thuộc về các nghệ sĩ cùng các nhà thơ và nhà văn đang có tham vọng trở thành “hiện đại”, mà cũng còn thuộc về “ưu điểm” của các nhà lý luận không chịu quan tâm đến lý thuyết, thường hay vui mồm nói và viết về hiện đại hoá - công nghiệp hoá như một thói quen), tôi xin phép dẫn tóm tắt về “hiện đại hoá” như sau theo nội dung rút trong Đại Bách khoa thư Anh Quốc (Encyclopedia Britannica).

1./ Hiện đại hoá là sự biến cải một xã hội từ hoàn cảnh nông thôn và nông nghiệp sang một xã hội thế tục, đô thị và công nghiệp. (Đây là dấu hiệu căn bản, chung nhất).

2./ Công cuộc biến cải nói trên gắn liền với (chỉ có thể xảy ra cùng với) công cuộc công nghiệp hoá. (Đây là yếu tố căn bản để xã hội tiểu nông trở thành xã hội hiện đại hoá).

3./ Trong công cuộc công nghiệp hoá, ta nhận thấy

a.) vai trò quan trọng của cá nhân, nó càng ngày càng thay thế cho gia đình, cộng đồng hoặc nhóm nghề nghiệp trong tư cách là đơn vị cơ bản của xã hội ;

b.) sự phân công lao động, đặc điểm của công nghiệp hoá, diễn ra đến từng cá nhân, cũng áp dụng cho các thiết chế càng ngày càng chuyên nghịêp hoá cao;

c.) xã hội không còn nằm trong vòng chi phối của phong tục hoặc tập quán cụ thể, mà được chi phối bởi những nguyên lý trừu tượng được hình thành vì mục đích cai quản xã hội. Các niềm tin tôn giáo dần dần bớt quan trọng, và các nét đặc thù văn hoá có nhiều khi biến mất.

4./ Hiện đại hoá là một tiến trình “bỏ ngỏ”, liên tục và không giới hạn. Hệ quả của đặc điểm đó là :

a.) trong lịch sử, tiến trình đó diễn ra trong nhiều thế kỷ với những giai đoạn “tăng tốc” khác nhau

b.) nói chung, tiến trình đó không mang tính chất tĩnh, không là thành tựu “làm một lần cho xong ngay”, mà đó là một tiến trình vừa đi vừa đìều chỉnh để có sự cân bằng.

c.) công cuộc hiện đại hoá do đó không bao giờ ngang nhau ở các trình độ và các vùng miền, và cũng luôn luôn hàm chứa sự phát triển chênh lệch, vì thế mà có xung đột và vì thế mà phải giải quyết xung đột để công cuộc hiện đại hoá tiến bước.

5./ Hiện đại hoá được hình dung như dòng điện hai “pha” : một pha đi lên, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, sức chống đối không mạnh, và có chống đối cũng dễ thua ; một pha “đi xuống”, với sự xuất hiện những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan (do bản thân công cuộc hiện đại hoá gây ra).

6./ Nói cách khác, công cuộc hiện đại hoá là một sự nghiệp biện chứng, tiến hoá nâng cao dần chứ không thành tựu ngay một lúc thông qua xung đột - giải quyết xung đột - xung đột mới, tiến trình được gọi bằng Thách Thức và Đáp Trả thách thức.

Hiện đại hoá như một nền văn hoá


Trong những đặc điểm của “hiện đại hoá” được thử dẫn ra bên trên, có yếu tố này tuy nằm lẫn giữa mọi điều song lại vô cùng quan trọng : tiến trình đó không mang tính chất tĩnh, không là thành tựu “làm một lần cho xong ngay”, và ý nghĩa “văn hoá” nằm trong chính tình tiết ấy.

Cái văn hoá (culture) ấy là một công cuộc vun trồng (culture) ! Nó là những việc làm, nó không nằm trong lời nói suông. Nó là những việc làm liên tiếp nhiều thế hệ, chứ không là việc xây dăm ba khu nhà máy và vài bẩy chục cái sân golf.

Vì vậy mà, xin đừng vội tưởng hễ cứ nói hiện đại hoá là tức khắc có sự nghiệp hiện đại hoá ! Cũng như có một thời (mà hình như tới bây giờ thời đó vẫn nằm y nguyên trong bộ giáo trình dùng đâu đó), ta cứ ngỡ rằng hễ nói to lên rằng “Chủ nghĩa xã hội đi từ không tưởng đến khoa học” thì lập tức cái thực thể ấy bỗng dưng từ không tưởng biến thành khoa học thật ! Cho nên, cũng là hiện đại hoá cả thôi, nhưng rất có thể sẽ có nơi làm đúng và có nơi làm sai, có lúc làm đúng và có lúc làm sai. Và cũng là hiện đại hoá cả thôi, nhưng công cuộc hiện đại hoá ở mỗi nơi lại có thể mang một diện mạo khác nhau, khiến cho có nơi thì công cuộc đó diễn ra như một sự nghiệp đích thực, và có nơi lại diễn ra như trò hề dưới sự nhào nặn của những tác nhân mãi mãi không bao giờ đạt tới trình độ trưởng thành.

Nói một cách khác, những công việc tiến hành để tổ chức công cuộc hiện đại hoá chính là công cuộc vun trồng cho công cuộc hiện đại hoá ấy. Và công cuộc vun trồng đó mang nội dung khái niệm văn hoá hiểu theo nghĩa văn hoá như là “mọi thứ gì con người làm ra để cả con người lẫn môi trường sống đều không còn là cái trạng thái tự nhiên hoang dã nữa” (f).

Theo định nghĩa đó, ta hình dung một con sông, một quả núi, một cánh đồng… khi có bàn tay con người đụng vào, bỗng thành con sông văn hoá, quả núi văn hoá, cánh đồng văn hoá… Và bản thân con người trong khi “cải tạo” cái tự nhiên hoang dã kia cũng tự cải tạo chính mình để trở thành, chẳng hạn như, con người của nền văn hoá sông Hồng, con người của nền văn hoá Lưỡng Hà, con người của nền văn hoá Hoàng Hà - Dương Tử… đó là vài thí dụ. Những dòng sông ấy, những vùng núi ấy, những đồng bằng ấy… sau một quá trình xây dựng lâu dài, vô cùng lâu dài, không khác gì công cuộc vun trồng suốt nhiều triệu năm để có những cánh rừng đại ngàn làm say máu những tên lâm tặc thời “hiện đại”. Và cái thiên nhiên hoang dã đã được con người thuần hoá và vun trồng sẽ cùng trở thành một cơ thể với con người.

Con người nhào nặn cái thiên nhiên hoang dã hàng triệu triệu năm để tự đạt tới trình độ những con người của nông thôn và những nền nông nghiệp nơi con người được tự cải tạo để quên đi những cung cách sống hái lượm và săn bắt. Bẵng đi biết bao năm tháng, và rồi con người nông nghiệp đó cũng tự cải tạo mình khi bước vào giai đoạn hiện đại hoá, biến cải xã hội tiểu nông trước đó thành xã hội hiện đại hoá với dấu hiệu hoàn toàn dễ nhận là công nghịêp hoá. Sự nghiệp này chỉ mới diễn ra rất gần đây thôi. Người ta đã ví von một cách hình ảnh rằng, nếu lịch sử loài người là cái mặt đồng hồ với đủ 12 giờ, thì công cuộc hiện đại hoá chỉ mới diễn ra ở năm phút cuối cùng mà thôi.

Công cuộc hiện đại hoá diễn ra một cách cổ điển ở châu Âu và ở Bắc Mỹ nơi các sản phẩm của công nghiệp hoá không chỉ là những hàng hoá sản xuất theo lối dây chuyền, mà còn là con người thấm nhuần đức tính lao động có kỷ luật cao của công nghịêp hoá. Thế rồi, đến lúc, công cuộc hiện đại hoá ở châu Âu và Bắc Mỹ lại bộc lộ ra những điểm khác nhau : công cuộc công nghiệp hoá thì vẫn diễn ra như nhau, nhưng công cuộc dân chủ hoá thì xảy ra hơi khác nhau, trong khi châu Âu chìm đắm trong những cuộc “cách mạng” liên miên, thì Hoa Kỳ vẫn công nghiệp hoá mà lại thoát được cảnh hỗn loạn không đáng mong muốn đó (g). Công cuộc hiện đại hoá ở Nhật Bản dưới thời Vua Meiji lại được lãnh đạo bởi tầng lớp samourai bậc trung bất mãn với cảnh tham nhũng trong nước, sự nghiệp này của họ lại bắt đầu với học vấn : nếu như công cuộc hiện đại hoá ở các nước châu Âu là tiền đề cho nâng cao học vấn của con người, thì ở Nhật Bản, học vấn lại là tiền đề cho hiện đại hoá (h). Công cuộc hiện đại hoá ở Nhật Bản và ở Nga đều mang màu sắc của học vấn với một chút khác biệt – ở Nga với ông Vua thợ mộc (i) và ở Nhật Bản với phong trào cử sinh viên đi du học để rồi trở về công nghiệp hoá đất nước ; một nơi có một ông thợ mộc vĩ đại trong mênh mông những anh nông dân nát rượu, và một bên là trào lưu có ý thức đông đảo người dân trở thành “thợ mộc”.

Đau khổ nhất là những nước chậm phát triển, những địa chỉ ngoi ngóp mãi trong cảnh thuộc địa hoặc nửa thuộc địa, tiếp đó lại bị bắt buộc phải hiện đại hoá (như một thứ quả chín ép) trong điều kiện khá nghịch cảnh : ở bên trong thì phát triển theo một con đường không chính xác nếu không nói là chệch hướng, và ở bên ngoài thì thiếu thuận lợi đến độ ngặt nghèo (chiến tranh, bóc lột, phân biệt đối xử). Đến độ các nhà xã hội học liền phân biệt và thấy được ngay điều này : mặc dù đã có cuộc sống hiện đại ở những quốc gia nào đó nhưng không nhất thiết ở đó đã có công cuộc hiện đại hoá thực thụ theo đúng khái niệm. Nó dẫn đến những cuộc tranh cãi về hiện đại hoá đa tạp (“multiple modernities”) xoay quanh những dẫn chứng là công cuộc hiện đại hoá cổ điển (mẫu mực) và cũng lấy bằng chứng từ những xã hội “hiện đại hoá” giả tạo.

Hiện đại hoá cổ điển (mẫu mực) thì đã đủ rõ rồi. Còn hiện đại hoá giả tạo diễn ra theo những dấu hiệu gì ?

Xin phép tiến cử một số tiêu chuẩn sau để bà con cùng suy nghĩ.

Dấu hiệu thứ nhất : phát triển không bền vững. Ở nơi chỉ bán tài nguyên tự nhiên, chỉ nhăm nhe đào khoáng sản lên và hút dầu thô lên mà bán thì ở đó cũng có thể giàu lên chút đỉnh, cũng thấy kỹ thuật hiện đại, cũng có đời sống “hiện đại”, nhưng vẫn không phải là hiện đại hoá đích thực. Nhờ giá dầu tăng gấp đôi mà có ông tổng thống nào đó được tiếng là “người hùng” vì đã trả được hết nợ của nước mình, nhưng đó vẫn là phát triển không bền vững. Ở nơi không tổ chức trồng rừng mà chỉ phá rừng đi bán thì cũng có thể dư tiền mua máy bay để chơi sang hoặc chạy nhẩy múa may trên sân cỏ, nhưng đó vẫn là phát triển không bền vững.

Dấu hiệu thứ hai : phát triển không có ý thức. Công nghiệp hoá, nội dung cơ bản của hiện đại hoá, có thể diễn ra theo cách có ý thức hoặc theo cách vô ý thức. Công nghiệp hoá có ý thức là sự làm ăn dựa trên một trình độ giáo dục cao : công nghiệp hoá là làm ăn hiệp tác, có kế hoạch, có kỷ luật, và do bản chất công nghiệp hoá mà tiết kiệm tối đa. Công nghịêp hoá có ý thức là nền văn hoá hiện đại hoá của những con người hiện đại tự sinh ra chính mình trong cuộc vun trồng hiện đại hoá kia. Còn công nghiệp hoá vô ý thức chỉ là chụp giật, là hố ngăn cách giàu nghèo càng ngày càng gia tăng. Ta đang thấy một tầng lớp tỷ phú mới mà ở Trung Hoa ngày nay gọi bằng "Đảng Thái tử" (“những ông hoàng bà chúa của Đảng”), còn ở Việt Nam thì gọi bằng lớp COCC (“Con Ông Cháu Cha”) với những “phi vụ” không sao kiểm soát nổi, và bên cạnh đó là đông đảo vô cùng những người dân tuy không còn bị chết đói nữa nhưng vẫn hoàn toàn “đói cho đến chết”, đói cả vật chất lẫn tinh thần. Muốn nhìn thấy điều này, xin tới thăm các chợ lao động ở đầu đường đầu hẻm, và xin đếm những gánh hàng rong nhếch nhác ở các thành phố hoa lệ.

Dấu hiệu thứ ba : kinh tế hiện đại song hành với tư duy trung đại. Do công cuộc hiện đại hoá diễn ra theo lối đánh tráo khái niệm, nên ngay tại những “thiên đường” của nghìn lẻ một đêm xưa, ta vẫn có thể bắt gặp những tập tục Trung cổ tiến hành bằng phương tiện hiện đại như dùng xăng đốt các cô gái vô tội. Dấu hiệu này khó nhận diện do chỗ con người thời “hiện đại” giỏi ngụy biện : ở những xã hội cai trị bằng Tôn giáo với đủ loại đuôi isme thì vẫn thấy có đầy đủ các thiết chế “dân chủ” “bình đẳng” “bình quyền”. Nhưng nếu tinh ý, ta sẽ thấy cái phương diện văn hoá hiện đại hoá kiểu đánh tráo đó đều có đặc điểm chung là lời hay ý đẹp đi song hành với làm xấu nghĩ bẩn. Trong cái nền “văn hoá” này, tất cả đều bị Thánh hoá theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, tất cả đều nhăm nhe lợi dụng thánh thần, những kẻ có học nhất luôn miệng nói đến “kinh tế tri thức” cũng suốt ngày sì sụp cúng bái, bẩn thỉu đến độ có kẻ còn đi mua trinh gái trẻ để sự kinh doanh không gặp vận xấu. Một cơ quan thời hiện đại mà nghi ngút khói hương là chuyện thường thấy ; nhưng như thế vẫn chưa đủ, người ta còn triệu tập hội nghị huấn luyện tâm linh kinh doanh, dạy các đại gia xem “ngày tốt giờ tốt”, dạy cả việc tránh “ra ngõ gặp gái” ở nơi ngay ngõ ra vào vẫn treo khẩu hiệu “nam nữ bình quyền”.

Thiết nghĩ, khái niệm văn hoá hiện đại hoá này cần lắm. Ngày xưa, cụ Hồ Chí Minh dạy “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Lời dạy đó có nghĩa gì ? Nó nhắc nhở ta rằng con người là sinh vật có ý thức, làm việc gì cũng phải được chỉ đạo bởi ý thức. Con người đó muốn hiện đại hoá thì cũng phải có ý thức về cái văn hoá hiện đại hoá đó, chứ không thể nhắm mắt làm liều. Vua Meiji và vua Piôt Đại đế đáng trọng không vì các vị là Vua mà vẫn làm thợ mộc hoặc đi buôn, mà đáng trọng ở cái sự nghiệp hiện đại hoá với ý thức văn hoá hiện đại hoá không chút mập mờ, không thể bị hiểu nhầm.

Lời Đại tướng căn dặn “… không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” có ý nghĩa là sự nghiệp hiện đại hoá cần xây dựng dần dần, cần được vun trồng trên cái nền ý thức khoa học và tâm hồn trong sáng, sự nghiệp phát triển đất nước cần tiến lên một cách bền vững chứ không “tiến lên” theo lối chụp giật. Một sự nghiệp văn hoá hiện đại hoá phải đem lại hạnh phúc cho con người chứ không đem lại đất đai và nguồn nước ô nhiễm cho con người, không đem lại những phương tiện tốt đẹp chỉ để thỏa mãn bản năng con vật ở những kẻ giàu nổi.

Những ai có cái ghế ngồi mà trước mặt đề hàng chữ Ủy ban lý luận này nọ cần biết nghĩ hơn là vội vã tung ra những kết luận sặc mùi vị tuyên truyền xa lạ với khẩu vị con người thời toàn cầu hoá mà ngoài những phản ứng cực đoan dễ thấy, ngay thái độ dửng dưng nhất cũng cần được hiểu đó là sự khước từ mang tính chất của những con sóng ngầm.

Mấy lời dẫn luận này là một đề xuất dè dặt mong được góp ý.

Hà Nội, 28 tháng 5 năm 2009
PHẠM TOÀN


(a) Có người vừa mới đây gọi điện cho giáo sư Huệ Chi để ký tên vào bản Kiến nghị, mà lý do chỉ vì ông không có công cụ và do đó không vào được mạng Internet và cả tháng nay ông không biết là có bản Kiến nghị. Mặt khác, tất cả báo chí đều bị buộc đi theo "lề bên phải" khiến người dân bình thường không vào được Internet cũng bị tước nốt mất thông tin. Còn lại, có bao nhiêu triệu người có thể sẽ nằm ngay bên dưới quả bom hàng triệu tấn bùn đỏ mà nào có biết đến nguy cơ đó ?

(b) Loạt bài của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn được mang chung tiêu đề trên vietnamnet "Đại dự án bô - xít Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?"

(c) Xin coi khoảng ba chục bài trong vòng một vài tháng tập hợp trên vietnamnet " Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều"

(d) Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết,"Không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội là lách luật" , vietnamnet, ngày 27-5-2009.

(e) Xin coi toàn văn lá thư của Đại tướng trên trang mạng Diễn Đàn hay Bauxitevietnam.info ngày 27-5-2009.

(f) Xin coi Phạm Toàn, Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục, Tri thức và Trung tâm Văn hoá-Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2008, trang 336.

(g) Có lẽ cuốn sách rất dễ đọc kể khá đầy đủ về câu chuyện hiện đại hoá này là của Alexis de Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2007, tái bản 2009.

(h) Ít nhất đây là cảm nhận của người viết sau khi đọc những cuốn sách tổng kết 100 năm hiện đại hoá nước Nhật, như Nhật Bản cường quốc thứ ba, Nước Nhật Bản thần kỳ… Mong rằng cảm nhận này không quá sai lầm!

(i) Đông Kinh nghĩa thục có thơ ca ngợi vua “Bỉ Đắc” tức Piôt hoặc Peter đệ nhất : “Có vua Bỉ Đắc xưa kia / Bỏ ngôi đi học lấy nghề bách công”. (Lấy lại một tư liệu của nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi).
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org