Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 3)
30/04/2010 | 5:49 sáng |
Tác giả: talawas
Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: phỏng vấn
1. Bài phỏng vấn của Y. Nguyễn
Tôi là Bùi H. Hồi xưa tôi ở miền quê lội dưới bùn cực khổ, chủ yếu được dạy về kiến thức đạo đức giáo dục, tôn trọng người lớn tuổi hơn mình. Tôi trốn miền Bắc vô miền Nam, cha chết khi chiến tranh với Việt cộng, cuộc sống rất cơ cực, khắc nghiệt không tưởng tượng được.
Hồi đó, Mỹ, Nga, Trung cộng giúp Việt Nam với danh nghĩa chống Pháp để giành độc lập. Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin: Đối với người giàu có (bị áp dụng chính sách áp bức) chẳng hạn như bớt 1/3 bơ gạo để quyên góp, sau thành 2/3; người nào trải qua không sống được với cộng sản nên phải ra đi. Hồi đó, người ta vào thành phố bằng đường chính, còn đường nhỏ thì không cho đi. Do kiểm soát chặt chẽ quá nên chỉ có một triệu người ra đi lúc đó. Đời sống rất cực; lúc đó phải có bằng cấp ăn học mới có công ăn việc làm khá. Tôi học hết tiểu học, rồi lên Sài Gòn học junior high school. Hồi đó học ở Việt Nam khó lắm chứ không dễ, phải thi đậu mới được lên lớp trên. Tôi học trường Đại học Phú Thọ, rất khó, 3000 chỉ lấy có 30 người, tôi là một trong 30 người.
Hồi nhỏ tôi hay đọc báo của nhà văn Quyên Di, hiện là giáo sư đại học trường Long Beach dạy về văn học Việt Nam. Tôi đọc từ năm 8 tuổi đến năm hai mươi mấy tuổi. Đọc báo này rất quý và có lợi cho tuổi trẻ. Tôi đọc báo hằng ngày, tiểu thuyết, sách rất nhiều. Hay hay dở tôi đều đọc cả, vì hay hay dở đều có lợi. Đọc cái dở để mình biết mình tránh.
Trước năm 1975, tôi có đọc một quyển sách học làm người. Tôi rất quý quyển sách này. Nhờ nó mà tôi may mắn. Nó giúp cho tôi biết cách sống từ nhỏ; cho đến giờ vẫn còn áp dụng được. Những người ở Mỹ làm chức lớn đều đọc qua quyển này. Nó giúp người ta trau dồi, giúp biết cách suy nghĩ, biết làm sao ăn nói, xử sự. Để đọc quyển này phải có một kiến thức tối thiểu. Hơn nữa phải đọc nhiều lần. Nó dạy mình làm sao biết cách làm cho người khác phục mình, làm cho họ không chê trách mình. Những người làm lớn thường đọc thì mới biết cách điều khiển.
Báo chí thời tôi hồi đó nhiều lắm, tập trung chính ở Sài Gòn, chẳng hạn như Tia sáng, Chính luận, Ngôn luận, Tiếng chuông. Những trang đầu là tin tức chiến tranh khắp nước, tin xây dựng nông thôn, tin về trong nước, rao vặt bán hàng là trang bên trong, rồi tiểu thuyết. Báo chí miền Bắc thì đa số là để kích động dân chúng chống Mỹ cứu nước đánh nhau, chứ không phải văn chương. Nói một cách tổng quát là chỉ đề cao Bác Hồ, chủ nghĩa Mác-Lê, chứ không phải là văn chương tự do.
Tôi thích nhạc hay về cả về âm thanh và nội dung chứ không thiên về một cái gì hết. Đặc biệt tôi thích những bài về quê hương Việt Nam, chẳng hạn như: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi...” (hát). Ca sĩ mà tôi thích nhất là Thái Thanh, với nhiều bài như “Hương cao vô tận,” rồi “Tình ca” do Phạm Duy sáng tác. Thái Thanh có một chất giọng rất đặc biệt. Những bài Thái Thanh hát là những bản nhạc vượt thời gian rất hay, cho đến giờ tôi vẫn thích. Tôi không biết nhiều về nhạc lý, nhưng khi nghe nhạc tôi có thể biết được bản nào có quality hay không. Hồi đó lúc đầu, ca sĩ Khánh Ly rất phổ thông, nhưng chỉ là cao trào nhất thời, chứ không có giá trị mấy. Cho đến sau này thì mới thật sự có vài bản hay của Khánh Ly. Còn có Phương Dung với bài “Con nhạn trắng Gò Công”. Đó là những bản nhạc rất hay mà người khác hát không được. Tài tử văn nghệ lúc đó thì phần lớn về cải lương và rất ít phim ảnh. Hồi đó phim ảnh còn rất yếu, kỹ thuật đóng dở, ví dụ Kiều Trinh, không xuất sắc mấy.
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi không phải gia nhập quân đội. Vì bố và ông anh lớn chết, là con trai duy nhất nên tôi được miễn trừ để lấy vợ nối dõi tông đường. Tôi làm trong hãng (nhân sự) lớn, có một chiếc tàu tương đương tàu quốc tế. Nhờ chiếc tàu này mà tôi được đến Mỹ. Lúc đó thời thế thay đổi, mỗi người một số phận. Số tôi rất may vì được đi theo một đoàn tàu trốn ra. Tôi cảm thấy mình là người quá may mắn sung sướng vì không phải đi lính và được làm trong hãng lớn. Đời sống người sĩ quan như tôi lúc đó lương 20/30 ngàn một tháng, không đủ để có một cuộc sống thoải mái (vì phải sống xa gia đình cơ cực thì làm sao mà đủ). Hồi đó, lương người tốt nghiệp đại học tối đa khoảng 25 đến 35 ngàn một tháng. Người dân thường thì lương khoảng 10 ngàn là quá, rất hiếm người có đủ để chi tiêu hay có đời sống gọi là trung bình, trừ những người mua bán hoặc làm cho hãng Mỹ, tiếp xúc với Mỹ, thì mới có tiền.
Đời sống Việt Nam ngày xưa ở miền quê bom đạn ở gần nghe thấy hết. Hồi đó tôi còn nhớ, cách 2 cây số gần nhà, tôi tận mắt chứng kiến cộng sản giết người rất dã man. Bọn chúng đem kiếm ra chặt đầu người ta vào ban đêm, nên ban đêm tôi không dám để cho tụi nó thấy mình có ánh sáng trong nhà. Tôi phải bật đèn dầu rồi che kín lại cho bọn chúng không nhìn thấy để mà học bài. Thời đó đời sống làm lụng khổ cực, tinh thần thì hỗn loạn vì Việt Cộng nằm vùng giết những người xung quanh rất đáng sợ. Ban ngày dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng hòa, còn ban đêm cộng sản đến uy hiếp, thành ra ban ngày ai mà theo chính phủ thì đêm đến lại lo sợ cộng sản uy hiếp mình và ngược lại. Đời sống áp bức lo sợ như vậy nên không thể biết những người xung quanh mình là theo người phía nào. Có những người bán tin tức gọi là cán bộ nằm vùng – spy tiếng Mỹ. Con biết người bán tin tức là sao không? Họ là Việt cộng, bí mật báo cáo, tự nhiên đến gõ cửa dẫn người ta đi luôn, hay nhốt tù người ta. Thành ra hồi đó có những người xung quanh nhiều khi ngủ dậy thấy người thân mình đi đâu mất không biết là do vậy.
Hồi nhỏ tôi còn nhớ, lúc đang đi học ở high school, tôi nghe nói có người bị khủng bố cách 2 cây số. Tôi đến nơi chứng kiến tận mắt. Người cộng sản chặt đầu người ta trước mặt mọi người, mổ bụng rồi gài mìn. Người nhà của người chết thấy thương mà lật lên thì người bị lật và người lật đều chết luôn nên ai cũng sợ. Cộng sản bây giờ khác cộng sản 75. Lính Việt cộng hồi xưa không có quần áo mặc, dép cũng không có mà đi.
Tôi kính trọng Ngô Đình Nhu và Tổng thống Ngô Đình Diệm vì hồi đó, khi đánh nhau với Việt cộng, Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách Ấp chiến lược. Chính sách này rất hay vì nó tránh Việt cộng trà trộn với quốc gia. Chính sách này gom dân vào một chỗ (giống như chung cư), xung quanh có hàng rào lính canh gác. Vì vậy, người ban đêm mà lảng vảng là biết ngay là cộng sản; ban ngày họ có thể trà trộn được, nhưng ban đêm ai cũng biết ai, nên Việt cộng vô không được. Đây là thời điểm tốt nhất, ông Ngô Đình Diệm rất giỏi. Thật đáng tiếc là về sau người ta hủy bỏ chính sách đó, rất uổng. Sau này, ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm có viết một cuốn sách tên là “Nhân Vị”. Sách này rất hay vì dạy người chỉ huy phải làm sao để có uy tín, để điều khiển được người khác. Ngô Đình Diệm là người tôi nghe được, thấy được, là người đối chọi cộng sản hay nhất. Ông từng đi du học bên ngoài, nhưng khi trở về ông làm lợi cho quốc gia mà không cho bản thân mình.
Vào ngày 28 hay 29 tháng 4 năm 75, tôi còn nhớ lúc đó là dội bom dinh Độc Lập. Đêm đó rất hỗn loạn và tôi lo sợ. Sau ngày đó, đất nước sụp đổ, cộng sản vô, nên mình rất sợ. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam rất sợ. Tôi còn nhớ, cả đêm tôi không ngủ. Tôi trèo lên nóc lầu quan sát tình hình. Máy bay đạn đỏ rực trên trời, tiếng súng nổ khắp nơi. Lúc đó sợ nhưng không biết làm sao.
Đêm trước ngày 30 tháng 4, tôi rất sợ. Tôi không đi đâu vì không ai dám đi trong lúc này. Xong sau thấy người ta bắt đầu đi nhiều nên tôi cũng đi luôn. Tôi đến con đường ra chỗ tàu, lính cản không cho vô (đường biển). Rồi tôi gặp hai người liên lạc sĩ quan hải quân, họ chở tui và gia đình lên tàu. Lúc đó, không còn nhân viên, không có ai làm việc trên tàu, dưới máy có một mình ông engineer, không biết làm sao qua hải cảng được vì tàu lớn mà người quá ít. Tôi là chỉ huy mà phải làm hết. Tôi nói với mấy người trên tàu là các anh phải giúp tôi. Lúc đó ai muốn đi thì đi, không còn luật lệ hay bất cứ cái gì hết. Có một chiếc tàu khác nhỏ hơn tàu tôi, người tràn lên đầy nghẹt, nhưng sau mới biết là tàu bị chết máy. Tàu tôi chở được mười ngàn tấn hàng, lớn quá nên không ai dám lên hết. Lúc đó cảnh sát đóng cổng thương cảng không cho vô, nhưng nếu cho vàng tiền bạc thì họ cho vô nên người ta vô được. Tới nơi rồi cứ đi bừa thôi. Tàu đi chở khoảng 800 người. Chưa rời khỏi hải cảng, trên đường đi ra thì tàu bị bắn. Trái đạn lớn nước vô tàu, nhiều người hoảng sợ nhảy xuống vô bờ. Bắn đến nỗi hư hệ thống ga của tàu. Tôi phải đổi lại hệ thống lái. Sau đó lần hai bị bắn xối xả, may không trúng chỗ người nằm. Đến lần thứ ba tàu bị bắn thì nhà văn Chu Tử, nổi tiếng viết những tiểu thuyết dày về yêu ghét hờn bị bắn trúng. Viên đạn bắn vào tàu trúng vào chỗ ông ấy ngồi. Ông chết trên đường đi tìm tự do.
Sau đó tàu gặp hạm đội của Mỹ, nhưng họ không giúp. Họ ra lệnh mình cứ đi tới Phi Luật Tân. Họ không giúp vì lúc đó có nhiều tàu bè quá, và vì tàu của mình lớn, nên họ nói có khả năng chạy tiếp. Đến nơi thì người trên đảo giúp mang những người bị thương ra khỏi tàu. Cả chết và bị thương là 23 người. Sau đó người ta chở đồ ăn cung cấp cho tàu và giúp mình sửa chữa chỗ hổng trên tàu. Tàu lủng một lỗ khoảng 7 fts. Đến Guam thì ở đó hai tháng, cập vào trại tị nạn ở khoảng một tháng, làm thủ tục rồi đến Mỹ khoảng tháng 7/1975.
Trước đây tôi từng qua Mỹ nên biết đời sống khó vô cùng. Hồi đó tôi biết tiếng Anh nhưng không giỏi. Rồi tôi có quen một người bạn engineer (Mỹ trắng). Ông ta chở tôi về nhà chơi. Tôi bảo ông là thấy đời sống vật chất ở Mỹ sướng, thấy nhiều người đi đây đó như đi Wisconsin. Ông ta mới kể cho tôi nghe là lương kỹ sư 1200$ mà tao phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm xe đủ thứ. Vì vậy nên không dư một đồng nào và cũng không đi đâu được cả. Lúc đó tôi mới cảm thấy đời sống ở Mỹ này rất khó. Mà không chỉ riêng tôi. Trước khi qua đây, nhiều sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cũng biết đời sống Mỹ rất khó. Khi mất nước, họ không dám đi mà ở lại chấp nhận đi học tập cải tạo, sống cực khổ trên đất nước quê hương nghèo.
Khi tới Mỹ, tôi nghĩ mình phải cố gắng trau dồi tiếng Anh, học cái căn bản để làm công việc mới. Lúc mới đến, tôi học bằng technician, ở Santa Ana. Sau đó, tôi apply thì nó nhận (resume good). Tôi được nhiều người nhận. Vì có kinh nghiệm, học thức nên tôi vẫn kiếm việc được, dù cuộc sống rất khó khăn. Kiến thức và cố gắng hội nhập là cái cần nhất trong lúc này. Chủ yếu là mình phải chấp nhận. Con có biết chấp nhận là sao không? Chấp nhận nghĩa là bằng lòng với những gì mà mình đang có, nhưng vẫn tiếp tục trau dồi để vương lên. Vấn đề đòi hỏi là ở chỗ thời gian thôi chứ cũng không khó lắm. Vì đi làm cho Mỹ trước 75, biết tiếng Anh căn bản trước rồi nên cũng đỡ. Đa số những người qua đây từng làm cho hãng Mỹ thì ok vì họ biết căn bản.
Kỉ niệm lúc còn nhỏ ở Việt Nam mà tôi nhớ nhất là đi câu, đi thả diều, bắt cá tắm sông. Tôi thích cảnh đẹp đồng bằng sông ngòi Việt Nam, con người Việt Nam. Con người rất hiền lành chất phác dễ thương. Họ nghèo và an phận với cuộc sống của họ. Tôi còn nhớ lần đó tôi trèo lên hái trái bưởi làm bể đồ nhà người ta. Ông chủ nhà nói thôi nó đã cũ rồi, có bể cũng không sao hết con. Tôi có đưa tiền đền nhưng họ không nhận.
Kể từ khi rời đất nước, tôi trở về Việt Nam lần đầu là năm 1995. Tôi về thăm người thân, nhưng lúc tôi về thì mẹ mất rồi, tôi chỉ còn cháu và anh em ở Việt Nam. Trở về thăm, tôi thấy những gia đình sống ở Việt Nam còn quá nghèo. Sau đó, lần cuối cùng là năm 2005 tôi về thăm gia đình. Sau khi tôi về thì người chú mất. Tôi về Việt Nam, hài lòng là thăm được người thân yêu nhưng rất buồn vì thấy đời sống ở bển còn cơ cực. Tôi mơ ước kỉ niệm, đi tìm kỉ niệm, nhưng lúc về Việt Nam thì nó không còn nữa. Sông ngòi ô nhiễm, bị tàn phá trụi lủi.
Theo tôi, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam có hai nhóm người chính. Nhóm người buôn bán thì giàu. Tiền lương trung bình người có trình độ đại học là 100 đô la một tháng, tức 30 đồng một ngày. Hầu hết người ta không có công ăn việc làm. Lương giáo sư có 600 ngàn thì sao mà sống. Có một điều khi trở về thì tôi không thấy sự khác biệt giữa cộng sản và không cộng sản như trước kia trên thành phố Sài Gòn. Mình không làm gì thì họ không động tới mình. Nhưng chính quyền cộng sản vẫn hiện diện và dân chúng vẫn nghèo khổ.
Tôi thấy chỉ về Việt Nam chơi chứ không thể sống. Lý do là vì thực tế y tế; tôi sợ y tế Việt Nam không bảo đảm, kiến thức con người còn thiếu thốn, dụng cụ văn minh tối tân mua về nhưng chưa chắc đã biết sử dụng. Hơn nữa, đời sống xung quanh cực khổ. Là người có đạo đức, mình không thể về đó sống sung sướng trong khi những người xung quanh còn khổ được. Sống ở đây rất là enjoy, lạnh có heat, nóng có máy lạnh, có phương tiện di chuyển. Về Việt Nam, ra Vũng Tàu gần vậy mà đi phải đi tới 4 tiếng đồng hồ, đường phố chật hẹp, không thể nào sống nổi. Đa số những người tôi biết về Việt Nam sống, có người ở được 2 tháng, có người 6 tháng, hoặc nhiều lắm là 8 tháng, chưa ai vượt quá một năm mà sống được. Người thích về Việt Nam là người làm ăn, hoặc có tiền bạc thích sống kiểu thuê người làm, hoặc không có công ăn việc làm ở đây thì mới về Việt Nam.
Nhận xét của người phỏng vấn
Khi bắt đầu trả lời phỏng vấn, bác H. nói “ngày xưa chủ yếu dạy về kiến thức đạo đức giáo dục.” Câu nói của bác làm tôi nhớ đến những điều vừa học trong thời gian qua. Văn học Việt Nam đặt nặng về đạo đức giáo dục, dạy cho người ta cách làm người, nên nó ăn sâu vào suy nghĩ và hành vi của cả một đời người từ lúc thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Bác H. là một minh chứng sống của ảnh hưởng đó. Bác nói về một cuốn sách “dạy làm người” mà bác trân trọng và quý, cho đến bây giờ bác vẫn còn đọc lại, vẫn còn thấy được giá trị của quyển sách này trong đời sống thực của mình. Ngoài ra, khi nói chuyện với bác, tôi có cảm giác rất cảm thông và hiểu tâm trạng của bác khi bác kể về thời thơ ấu của mình lúc di cư vào Nam. Nghe bác nói, “cuộc sống tôi rất cực khổ… con không tưởng tượng được…”, tôi nhớ tới nhân vật Xuân trong “Tiếng đàn” của Hoàng Đạo. Xuân luôn có mặc cảm, có cảm giác xa lạ như đang đứng trên một đất nước khác trong chuyến đi của mình đến Huế. Đó là tâm lý chung của người miền Bắc khi đặt chân lên một miền đất mới. Cuộc sống và tuổi trẻ của bác H. bắt đầu bằng sự lập nghiệp ở miền Nam xa lạ, một hành trình đầy gian khổ, gắn liền với những sự kiện bất ổn của chiến tranh. Cuộc trò chuyện với bác H. giúp tôi thấy cuộc sống của mình rất may mắn hơn những người thế hệ trước đây vì họ phải trải qua bao thử thách lớn, lâm vào tình cảnh là người rời bỏ quê hương của mình để có thể tìm đến một cuộc sống tự do nơi đất Mỹ.
2. Bài phỏng vấn của M. Berry
Tôi tên là Nguyễn M.T., được 62 tuổi. Tôi sinh ở Sài Gòn, lúc nhỏ tôi đi học ở tiểu học và trung học, sau đó tôi đi lính. Thời nhỏ tôi muốn trở thành bác sĩ, nhưng sau khi học hết trung học, tôi phải nhập ngũ, vào quân đội. Sau đó tôi chuyển qua không quân, cho nên không có dịp học y khoa.
Tôi đọc báo nhiều hơn đọc sách và thích báo về chính trị nhiều hơn, chẳng hạn báo Độc lập. Khi đọc sách, tôi đọc về lịch sử, truyện cười, tình yêu, tình cảm, và lãng mạn. Tôi hâm mộ các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, và Lý Thường Kiệt. Tôi thích những bài hát của Trịnh Công Sơn – như Diễm xưa, Cát bụi, và Mưa hồng, thích các ca sỹ Khánh Ly và Lệ Thu. Tôi cũng thích những loại nhạc khác như nhạc tình cảm, nhạc trẻ, và nhạc Tây như Beatles và ABBA.
Tôi làm máy bay vận tải. Khi trên trời, tôi chụp hình và thả pháo sáng. Thời đó tôi đã lập gia đình, có một con gái, nhưng đời sống chật vật khó khăn và lương lậu ít ỏi. Đời sống ở Việt Nam trước 1975 đa số dễ dàng; mọi người được tự do đi lại, rất thoải mái, có nhiều cơ hội. Họ có quyền phê bình chính phủ.
Ngày 30/4/75, tôi ở căn cứ U Tapao ở Thái Lan. Lúc đó tôi có cảm giác mất mát, hoang mang, mụ mị, không biết đất nước như thế nào, không biết đi đâu, không biết tương lai về đâu. Tôi ở Thái Lan khoảng một tuần, đi máy bay đến Guam, sau đó từ Guam đến Mỹ bằng máy bay. Chính phủ Mỹ cho tôi đến Doanh trại Chafee, tiểu bang Arkansas. Tôi ở đó một tháng. Rồi tôi với gia đình chuyển sang sống ở tiểu bang Maryland. Tôi phải bảo trợ họ từ Pháp sang. Tôi đi làm bồi bàn và đồng thời đi học về máy tính để trở thành một kỹ sư phần mềm. Vào năm 1977, chúng tôi đi Washington DC và sống ở tiểu bang Virginia năm năm, rồi năm 1980 chuyển sang tiểu bang California. Chúng tôi sống ở Riverside hai năm, lúc đó tôi làm kỹ sư máy tính cho Siêu thị Brothers. Từ năm 1984, chúng tôi chuyển tới San Jose. Tôi làm kỹ sư máy tính cho công ty National Semiconductor.
Sống ở Mỹ, tôi nhớ tất cả mọi thứ, cuộc sống hàng ngày, đồ ăn, lối sống, sinh quán, đường phố, nhà cửa, bạn bè, người thân. Tôi cũng thường nhớ thời thơ ấu và thời lớn lên. Nhưng sau một thời gian hơi dài thì tôi thấy mình đã hội nhập được. Tôi học về văn hóa của người Mỹ bằng cách đi làm. Mới đầu, tôi thấy khó tiếp xúc. Nhưng dần dần tôi bắt đầu làm bạn với người Mỹ, tìm hiểu về các môn thể thao, âm nhạc, vân vân. Khía cạnh khó khăn nhất là ngôn ngữ. Nhưng bây giờ tôi cảm giác nước Mỹ là quê hương thứ hai của mình.
Kể từ khi rời Việt Nam, tôi đã trở lại rất nhiều lần rồi. Gần như năm nào tôi cũng về. Lần đầu tôi về (sau khi miền Nam thất thủ) là năm 1991 khi ông cụ mất, và phải về để cúng bái. Tôi thấy chế độ của chính quyền hiện tại rất ràng buộc, không có tự do cá nhân như ngày xưa, dân nghèo hơn, đa số không có dịp học nhiều, người địa phương có vẻ thận trọng, đắn đo lời nói hoặc là không được nói, không được phát biểu quan điểm. Khi phát biểu ý kiến, họ rất cẩn thận.
Trong tương lai, tôi hy vọng Việt Nam sẽ được có tự do nhiều hơn và người dân giàu có hơn. Tôi nghĩ tự do quan trọng hơn giàu có. Theo tôi, tự do làm nước giàu có và may mắn hơn. Tôi lo sợ trong tương lai thế hệ trẻ không có giáo dục, không học hỏi nhiều. So với cách đây 30 năm, bây giờ văn hóa Việt Nam đang cải thiện đến một mức độ tốt hơn. Tuy nhiên, thế hệ trẻ cần học nhiều, học tiếng Anh, học lịch sử độc lập, học về nước Tàu, nước Pháp, học về một ngàn năm độc lập của Việt Nam. Độc lập là quan trọng vô cùng. Họ phải học về lịch sử, văn hóa, truyền thống, hiếu nghĩa, trọng nghĩa. Bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều quá, trộn văn hóa ngoại quốc nhiều quá, giống như Hàn Quốc. Thế hệ trẻ cho rằng họ rất tinh vi, nhưng họ thật sự tham lam. Họ cố gắng để làm giàu mà không cần học tập, họ kết hôn với người nước ngoài để làm giàu, nó thật sự là buồn.
Nhận xét của người phỏng vấn
Tôi luôn ngạc nhiên bởi sự kiên cường và những cống hiến của thế hệ trước. Thế hệ này trải qua chiến tranh, tị nạn, đói nghèo, khủng bố chính trị, và tái định cư tại nước ngoài, nhưng họ vẫn kiên trì và tạo ra cuộc sống mới. Nhiều người làm như vậy mà không trở nên cay đắng hay nuôi ác tâm. Ngược lại, tôi nghĩ họ là một nhóm người giàu lòng từ thiện, vui vẻ, và trung thực. Mất quê hương và khởi động lại ở nước ngoài là một việc cực kỳ khó khăn. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Mỹ không thể làm điều đó.
Tôi đồng ý với nhiều lo ngại của thế hệ lớn về thế hệ trẻ. Phải biết lịch sử mới hiểu được bản sắc riêng của mình. Việc theo đuổi tiền tài mà không cần xem xét đến khía cạnh đạo đức sẽ dẫn đến thảm họa xã hội và thất bại cá nhân. Tôi hy vọng mình có thể giúp thế hệ lớn kể những câu chuyện của họ để giúp thế hệ trẻ hiểu được tầm quan trọng của độc lập, tự do, và hòa bình. Người Việt thường nhiều hy vọng và lạc quan. Trong khi họ hiểu được nỗi buồn qua âm nhạc, thơ, và văn học, họ vẫn tin rằng tương lai có thể tiếp tục cải thiện. Qua sự kết hợp giữa kiến thức và hy vọng đó, tôi cảm thấy rằng thế hệ người Việt đi trước thực sự có những điều để giảng dạy toàn bộ thế giới. Họ là hiện thân của những bài học lịch sử. Tôi thực sự may mắn được biết những người thuộc thế hệ này của Việt Nam.
3. Bài phỏng vấn của M. Nguyễn
Tôi tên Hà L., sinh năm 1953 tại Huế, Việt Nam, là con thứ 9 trong một gia đình có 15 người con. Gia đình tôi thuộc loại dân nghèo thành thị. Cha tôi làm công chức, lái xe ở ti công chánh thị xã. Mẹ tôi ở nhà chăm sóc con cái. Cả 15 anh em đều được đi học. Hồi nhỏ tôi vừa đi học, vừa đi quét rác và lượm củi giúp gia đình. Anh em tôi đến tuổi thì vào Qui Nhơn đi làm thuê và đi học trong đó. Cha tôi mất sớm, nên gia đình khó khăn hơn lúc trước. Mẹ tôi phải đi làm thuê kiếm từng bữa qua ngày, may mắn là cũng nuôi lớn mấy anh em tôi. Năm 1964, một số anh em tôi qua đời vì bị bệnh đậu mùa. Một số khác qua đời vì đạn lạc và mìn. Gia đình tôi chỉ còn lại 9 người.
Khi lên 7, tôi vào học trường tiểu học Nam Giao. Sau khi thi đậu đệ thất, tôi được học trường trung học Đồng Khánh ở Huế từ lớp 6-12. Tới năm 1973, tôi thi vào trường sư phạm Qui Nhơn. Học ở đó được một năm rưỡi thì giải phóng miền Nam, tôi phải chạy loạn vào Sài Gòn.
Tôi sống trong thời chiến giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa và cộng sản. Cả gia đình tôi về mặt vật chất hơi thiếu thốn, nhưng cuộc sống khá ổn định. Các anh em trai của tôi đến 12, 13 tuổi được gởi vào Qui Nhơn, vào nhà bà con làm thuê và giúp việc. Còn chị em gái tôi đến tuổi thì vào Qui Nhơn học. Khoảng thời gian còn nhỏ, tôi hay nghe tin những người lính tử trận khắp nơi, dần dần tôi được chứng kiến cảnh họ chết ngay trước nhà. Cảm giác khá hinh hãi, nhưng dần tôi cũng ý thức được đó là chiến tranh. Tiếng bom mìn dần trở thành một thứ âm thanh tôi nghe thường xuyên. Những lúc chiều đến, mỗi khi nghe tiếng còi Thiếu Quân Lục hú, ai ai cũng hối hả chạy về nhà trốn trong hầm. Mỗi lần như thế, thêm tiếng đạn cannon bắn, tôi sợ ghê lắm. Xuân Mậu Thân 1968, cộng sản tấn công Huế làm cả nhà tôi tan tác. Gia đình tôi phải chạy vào trường trốn. Một tháng sau cuộc công kích, tôi trở lại nhà và phải chứng kiến cảnh một số người thân và láng giềng bị chôn sống trên đồi. Thêm vào đó là cái chết của ông hàng xóm. Ổng là lính xây dựng nông thôn, bị Việt cộng giết trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Tôi nhớ sáng sớm nghe tiếng cả nhà ổng khóc thảm thiết, chạy qua coi mới thấy xác ông nằm trong nhà, đầu bị bôi vôi trắng toát. Phải chứng kiến những cảnh như vậy làm cho tinh thần tôi bị chấn thương. Tôi sống trong sợ sệt, đặc biệt là khi đêm xuống, tôi cứ nghĩ tới chuyện Việt cộng về. Tôi không hình dung ra Việt cộng là ai, cứ tưởng họ là người rừng, không biết họ sẽ giết ai, không biết khi nào sẽ đến phiên gia đình tôi bị giết cảnh cáo như ông lính xây dựng nông thôn kia. Khi lớn lên vào Qui Nhơn học, tôi cũng không dám đi xe về thăm nhà vì sợ bị Việt cộng phục kích, cho xe nổ mìn. Cuộc sống kinh hoàng của tôi kéo dài cho đến năm 1975.
Xã hội miền Nam trước 1975 rất quan trọng việc học. Trẻ em đều được đến trường mà không phải nộp lệ phí. Tất cả mọi người dân đời sống nghèo khổ và phải lao động khá vất vả. Con nít ngoài việc học còn phải phụ gia đình đi làm thêm hoặc đi xa nhà làm thuê nuôi gia đình (như các anh em tôi). Còn con trai đến tuổi quân dịch, nếu thi hỏng tú tài bán phần hay toàn phần thì phải nhập ngũ, ngoại trừ những gia đình chỉ có một người con trai thì được miễn. Còn về xã hội, tôi nhớ có một khoảng thời gian gọi là Gia đình trị (hình như năm 1963). Lúc đó toàn quyền lãnh đạo đều nằm trong tay gia đình Ngô Đình Diệm. Tôi nhớ họ đàn áp đạo Phật ghê lắm. Gia đình tôi ở trong xóm chùa nên có lúc nghe những thầy trong chùa mang nồi chảo ra đánh, khuyến khích mọi người mang bàn thờ ra để ngoài đường, mục đích là biểu tình chống đối những chính sách của Diệm.
Tôi hay đọc những tiểu thuyết lãng mạn của Nhật Tiến, Nhã Ca, truyện Tuổi Hoa, hoặc những truyện dịch của nước ngoài như Hàm cá mập, Ngư ông và biển cả, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Đồi gió hú, v.v… Tôi thích nghe nhạc tiền chiến (“Lá thư”, “Mộng dưới hoa”, “Đưa em đi tìm động hoa vàng”) và các nhạc phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn, thích ca sĩ Thái Thanh và Khánh Ly.
Ngày 30/4/75, tôi đang ở Sài Gòn (đi di tản) và tạm trú ở nhà người bà con xa. Cảm giác của tôi lúc đó rất sợ hãi và cảm thấy bế tắc. Không có anh em, không cha mẹ, tình cảnh loạn lạc, tôi sợ không biết có bao giờ gặp lại được người thân nữa hay không. Cảm giác vô cùng hoang mang và lạc lõng. Tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao khi quân giải phóng đến Sài Gòn vì việc học của tôi đang bị bỏ lỡ. Chính quyền mới lên cai trị thì tôi chắc chắn rằng hệ thống, cơ cấu giáo dục sẽ bị thay đổi ít nhiều. Mà không có học, không có bằng cấp thì tôi không biết phải làm gì để nuôi bản thân và gia đình. Tôi cũng không biết làm cách nào để trở lại Huế và sự an nguy của gia đình ở ngoài đó tôi cũng còn chưa biết ra sao.
Sau 30/4, tôi tìm mọi cách trở lại Qui Nhơn vào lại trường cũ để xin học rồi lấy bằng ra trường. Nhưng nhà trường lúc ấy có thông báo là không nhận và bắt tôi trở về quê quán nếu muốn học tiếp. Sau khi trở về Huế, tôi nộp đơn vào trường sư phạm để tiếp tục học. Ở trường sư phạm, người ta bắt tôi phải vừa đi thực tập ở những trường tiểu học vạn đò, vừa phải đi học chính trị. Học xong họ mới cấp bằng cho tôi tốt nghiệp. Có bằng cấp rồi, họ điều tôi về các vùng ven, xa nhà mấy chục cây số để dạy. Tôi dạy được mười năm thì nghỉ để lo việc gia đình, và tiếp tục ở nhà lo việc bếp núc cho đến khi sang Mỹ.
Tôi sang Mỹ năm 2004 bằng máy bay. Khi nhận được giấy phỏng vấn, tôi tràn trề hi vọng được đổi đời và được thoát khỏi chế độ khắc nghiệt. Tôi mua vé vào Sài Gòn 10 ngày trước khi đi vì tôi mong được đi lắm, cộng thêm niềm vui vì được đi cả nhà và được đoàn tụ với gia đình anh em bên kia. Khi tới Mỹ thì tôi lại thấy lo và lạc lõng vì không biết tiếng và không biết lúc nào có thể hội nhập được với đời sống mới. Tôi cũng rất lo vì không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình, ngay đến chuyện ăn ở cũng không biết (mặc dù em tôi có thể lo chỗ ở, nhưng bản thân tôi muốn được tự túc lo cho cả gia đình mình).
Sang đây, chồng tôi đi làm, con cái đi học, bản thân tôi thì ở nhà lo việc nội trợ. Ban đêm tôi có đi học thêm ESL, mục đích là để phần nào hòa nhập với cuộc sống ở đây nhanh hơn. Buổi đầu thì cũng không thấy hội nhập hoàn toàn vì tôi còn bỡ ngỡ về tiếng nói, xã hội, con người. Ra đường tôi không nói chuyện được với ai, nên gặp khó khăn nhiều khi đi mua sắm hoặc khi muốn giao tiếp với người nước ngoài. Truyền thống và văn hóa ở đây khác so với Việt Nam, nên tôi chưa quen với những phong tục hay cách ăn mặc và ứng xử. Vì tôi cũng đứng tuổi rồi nên phải một thời gian dài sau tôi mới bắt đầu quen dần với đời sống ở đây.
Sang Mỹ, tôi nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu, nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên, nhớ những thời gian làm lụng cực khổ. Hầu như đêm nào tôi cũng theo dõi tin tức ở Việt Nam, từ kinh tế đến đời sống, xã hội từ những website trên mạng. Tôi cũng hay đọc báo do cộng đồng người Việt ở Mỹ xuất bản.
Đời sống của người Việt ở Mỹ cao hơn và đầy đủ hơn người trong nước về mọi mặt. Ví dụ như sức khỏe. Ở Mỹ, những người income thấp sẽ có chương trình Medicare giúp đỡ tiền bảo hiểm sức khỏe. Nếu không đủ ăn thì có food stamps hay là những chương trình tài trợ ở nhà thờ hoặc những tổ chức từ thiện. Ở Việt Nam thì những điều này hầu như không có. Ở Mỹ, tôi được tự do phát biểu ý kiến qua những hệ thống truyền thông như báo chí, truyền hình. Còn ở Việt Nam, cuộc sống của nhân dân bị bưng bít quá nhiều nên đời sống tinh thần không được thoải mái bằng cuộc sống ở đây. Ở đây, người ta có thể tự do biểu tình chống đối một đảng phái chính trị (như cuộc biểu tình quan chức nhà nước Việt Nam sang thăm viếng) mà không bị đi tù. Người ta có thể đứng ngoài đường cầm cờ, bảng hiệu, hô hò để phát biểu ý kiến mà vẫn được cho phép. Trong khi đó nếu ở Việt Nam, những chuyện như thế này đều bị cấm đoán.
Tôi thích thay đổi chế độ cộng sản thành chế độ tự do. Tôi thấy nếu thay đổi được chế độ thì xã hội Việt Nam sẽ rất văn minh và tiến bộ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ không thua gì các nước như Thái Lan hay Nhật Bản. Tôi thấy hồi xưa Thái Lan không bằng Việt Nam, nhưng vì chế độ cộng sản vào sau năm 1975, Việt Nam không được phát triển nhiều nên bây giờ thua rất nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam bây giờ, dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận không được tôn trọng. Tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng. Mặc dù vậy, đời sống so với trước năm 75 được nâng cao nhiều, có phần tiến bộ hơn. Hiện nay, tôi thấy Việt Nam có nhiều nhà cao tầng, khách sạn, xe cộ đi lại đông hơn. Đồng thời du lịch phát triển mạnh nên Việt Nam bây giờ được biết đến nhiều hơn so với những năm về trước.
Nhận xét của người phỏng vấn
Qua những gì được nghe kể trong cuộc phỏng vấn, tôi thấy rằng những người lớn lên trong chiến tranh thường bị tổn thương nặng về mặt tâm lí vì phải chứng kiến chết chóc và mất mát nhiều trong gia đình và xã hội. Từ đó, họ đâm ra thù ghét và muốn đổ lỗi cho một phe phái nào đó, và trong trường hợp này là quân đội giải phóng (Việt cộng). Khi nghe mẹ kể những câu chuyện về Tết Mậu Thân, tôi thấy sự thật rất trái ngược với những gì học trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù khi mới định cư sang Mỹ, thấy thái độ của người Việt ở đây rất khác với những người ở Việt Nam, tôi chưa hiểu rõ nguyên do của sự khác biệt này. Bây giờ nhờ cuộc phỏng vấn này, tôi mới hiểu ra được vấn đề. Cộng đồng người Việt ở đây rất đoàn kết và phát triển (về mặt văn hóa và tuyên truyền), nhưng vẫn có một số mặt không được tích cực. Qua lời kể và quan sát thì người Việt ở đây sống khá hoài cổ. Họ chỉ sống trong quá khứ, luôn hướng về những hoài niệm chiến tranh, vẫn mang lòng thù hận, vẫn luôn đi biểu tình phản kháng chế độ cộng sản. Tôi cho rằng không có gì sai khi kỉ niệm hoặc tưởng nhớ những ngày lễ, nhưng thay vì tiếp tục đăng các bài báo chỉ trích hoặc liên tục đi biểu tình phản đối cộng sản ở Mỹ, người Việt có thể sống thoải mái hơn nếu họ nhận thức được rằng sống trong kí ức xấu của chiến tranh không bao giờ thay đổi được quá khứ.
Về mặt con người và xã hội, ảnh hưởng của phong trào lãng mạn được thấy rõ qua những tiểu thuyết và tác phẩm văn học mà mẹ tôi đọc trong khoảng thời gian trước. Sự du nhập của truyện nước ngoài và truyện dịch vào thời điểm này rất lớn (đặc biệt là của những nhà văn Mỹ, phải chăng là vì chiến tranh có sự tham gia của quân đội Mỹ?). Những tác phẩm văn thơ tiền chiến được phổ nhạc cũng khá phổ biến trong giới thanh niên thời đó. Về mặt đời sống, hoàn cảnh gia đình vẫn rất nghèo, và truyền thống phong kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng chưa được thay đổi nhiều. Bà ngoại tôi, trước khi chồng mất, đảm nhận công việc nội trợ và phó thác việc xã hội cho chồng. Chỉ sau khi ông mất, vì hoàn cảnh túng quẫn và còn con nhỏ, bà mới đi làm thêm để nuôi gia đình. Mẹ tôi, mặc dù được đi học, nhưng bà cuối cùng cũng phải ở nhà để lo việc gia đình, chỉ phụ thuộc vào ba tôi. Ngay khi qua đến Mỹ rồi, được sống ở một xã hội văn minh và hiện đại hơn nhiều, vai trò truyền thống này vẫn không được thay đổi.
© 2010 talawas