Hiển thị các bài đăng có nhãn Tổ quốc Mĩ? Tác giả: Trần Ngọc Cư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tổ quốc Mĩ? Tác giả: Trần Ngọc Cư. Hiển thị tất cả bài đăng

21/3/09

Tổ quốc Mĩ? Tác giả: Trần Ngọc Cư

Tổ quốc Mĩ?


Tác giả: Trần Ngọc Cư


Trong một số bản dịch, đặc biệt là bản dịch các bài diễn văn của Tổng thống Kennedy hoặc gần đây nhất của Tổng thống Obama, nhiều dịch giả đã dùng hai tiếng “Tổ quốc” để dịch các từ country và nation trong bản tiếng Anh. Chẳng hạn, câu nói thời danh của John F. Kennedy, “Ask not what your country can do for you, but what you can do for your country”, được một số sách báo dịch là, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi, ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Tương tự, một câu trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20-1-2009 của Tổng thống Barack Obama lại được một dịch giả khác chuyển thành: “Tôi cảm ơn Tổng Thống Bush về những cống hiến ông đã đóng góp cho tổ quốc, …” (Nguyên văn: I thank President Bush for his service to our nation…) Ở đây, chắc chắn đã có một sự thất thoát trong lúc dịch – lost in the translation, như người ta thường nói. Obama nhất định không gọi nước Mĩ là tổ quốc (the fatherland) vì bố của ông ta là công dân Kenya, một người đã rời bỏ nước Mĩ để trở về sống và chết trên mảnh đất quê hương ở Châu Phi. Đồng thời, hàng chục triệu công dân Mĩ, trong đó có người Mĩ gốc Việt, đang lắng nghe bài diễn văn nhậm chức tổng thống hôm đó, chắc chắn hãy còn thấy ngờ ngợ nếu phải gọi USA bằng hai tiếng “Tổ quốc”. Nói thế khác, Hoa Kì là một trường hợp đặc thù mà đa số công dân không gọi đất nước (hay quê hương thứ hai) của mình là Tổ quốc. Nếu một vị tổng thống Mĩ gọi U.S.A. là tổ quốc (“our fatherland”), ông ta đã không nói chuyện với toàn thể nhân dân Mĩ, ông ta đã loại ra ngoài khối thính giả của mình chí ít vài ba thế hệ các công dân nhập cư (immigrants). Ông ta có thể bị đánh giá là thiếu nghiêm chỉnh chính trị (politically incorrect), và chắc chắn ông ta đã không bao giờ có cơ may vào được Nhà Trắng.



Hầu hết phần còn lại của thế giới không hề có vấn đề với tính nhị nguyên (duality) trong cách gọi quê hương của mình. Đối với người Việt chúng ta cũng như đối với đa số các dân tộc trên địa cầu, đất nước và tổ quốc là một, vì đại khối quần chúng cùng sống trên một lãnh thổ cũng có cùng một nguồn gốc tiên tổ (như thể một đại gia đình), một gia tài văn hoá và thậm chí cùng một đức tin. Hễ nói đến người Việt Nam thì chúng ta nghĩ đến các vua Hùng dựng nước, nghĩ đến “con rồng cháu tiên”; nói đến người Trung Quốc, chúng ta nghĩ đến Hán tộc; nói đến Nhật bản, chúng ta nghĩ đến Thái dương Thần nữ. Người Do Thái thậm chí còn tin mình là tuyển dân của Thiên Chúa (a God-chosen people). Đối với những dân tộc này, tổ quốc là một thực thể thiêng liêng, có khả năng đánh động lên phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mỗi một con dân. Cho dù Huy Cận viết ra bài thơ với mục đích kiều vận, nhiều người vẫn thấy lòng mình rung động với những câu sau đây:



Tổ quốc ơi! Bởi vì sao mỗi bước

Chân con đi xa mẹ nhói bàn chân,

Cũng ánh sáng, cũng trời mây, gió nước

Xa quê hương sao nhạt nhẽo muôn phần.



(Huy cận, “Tổ quốc”, 1969)



Ý niệm tổ quốc luôn luôn đi đôi với chủ nghĩa dân tộc (ethnic nationalism), thậm chí là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vốn là đầu mối của hai cuộc thế chiến của Thế kỉ 20 và vẫn còn là động cơ nhanh nhạy thúc đẩy các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia hiện nay, đặc biệt giữa một số thành viên cũ của khối Xô-viết. Không có dấu hiệu chủ nghiã dân tộc sẽ tàn lụi, mà trái lại chủ nghĩa này càng ngày càng ngóc đầu dậy trên nhiều miền thế giới. Chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Trung Quốc đã biểu hiện thô lỗ như thế nào trong thời gian người láng giềng phương bắc nước ta đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008. Hằng trăm websites của người Hoa khắp thế giới đã dùng những lời lẽ rất khiếm nhã để phản bác những ai chỉ trích hồ sơ nhân quyền của “Tổ quốc” họ, để rủa sả Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người biểu tình Tây Tạng.



Nhưng nước Mĩ là một trường hợp đặc thù. Hoa Kì là quốc gia của những người di dân (a nation of immigrants), là một môi trường tụ cư và hội nhập (the melting pot) của nhiều sắc dân đến từ nhiều miền của thế giới, một thực thể được phản ánh nghiêm chỉnh trong châm ngôn E pluribus unum (out of many, One -hợp chúng vi nhất), như được ghi trên tờ Mỹ kim, trên quốc ấn của Hoa Kì (the Great Seal of the U.S.), chiếc khuôn dấu đóng vào các văn kiện quốc gia. Nhân dân Mĩ không phải là một dân tộc, nhưng gồm có nhiều chủng tộc sống cọ xát nhau trong hoà bình. Chỉ vài ba thế hệ sau khi đến định cư trên đất Mĩ, bản sắc dân tộc của người di dân dần dần mất đi, xuyên qua quá trình hội nhập văn hóa và các cuộc hôn nhân dị chủng. Phóng chiếu kinh nghiệm của mình lên phần còn lại của thế giới, người Mĩ có khuynh hướng khinh thường chủ nghĩa dân tộc. Họ có thể đặt đất nước mình dưới sự quan phòng của Thiên Chúa (a nation under God), nhưng họ không lập ra bàn thờ Tổ quốc.



Tuy nhiên, không ai chối cãi rằng chủ nghĩa dân tộc cũng đã một thời chi phối chính trị Hoa Kì, tức là vào giai đoạn lịch sử mà đa số còn tin tưởng rằng chỉ có những người gốc Anh hoặc tín đồ Tin Lành, hoặc da trắng, hoặc đến từ Bắc Âu mới thực sự là người Mĩ — WASP (White, Anglo-Saxon, Protestant) là căn cước dân tộc Mĩ lúc bấy giờ. Chủ nghĩa dân tộc này một phần nào đã củng cố chế độ kì thị chủng tộc. Vì thế, cùng với những thắng lợi của cuộc tranh đấu dân quyền, việc cải tổ luật di trú năm 1965 đã bãi bỏ chế độ hạn ngạch dựa trên nguồn gốc dân tộc (the system of national-origin quotas), một chế độ đã hiện hữu hàng chục năm trước đó, một chế độ đã cấm hẳn việc nhập cư của người Châu Á và triệt để hạn chế việc nhập cư của người Nam Âu và Đông Âu.



Nhưng hiện nay tất cả người Mĩ cùng sống trong biên giới của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kì bất chấp nguồn gốc chủng tộc và tôn giáo đều chia sẻ một số nguyện vọng và quyền lợi nòng cốt — như tự do cá nhân, chế độ dân chủ đa nguyên, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tư hữu, tính đa dạng văn hóa v.v… Chính những yếu tố này đã tạo nên giềng mối và bản sắc quốc gia của Hoa Kì. Do đó, lòng ái quốc của người Mĩ được biểu hiện trong các nỗ lực bảo vệ lý tưởng và quyền lợi quốc gia hơn là để “đáp lời sông núi” nhằm khẳng định chủ quyền của giới thống trị, theo kiểu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Có thể nói, người Mĩ đi theo chủ nghĩa quốc gia thông thoáng (liberal nationalism) hơn là tôn thờ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (ethno-nationalism).



Qua những thiển nghĩ đã trình bày ở trên, người viết bài này đề nghị : không nên dùng cụm từ “dân tộc Mĩ” để chỉ “dân Mĩ” hay “nhân dân Mĩ” vì trên lãnh thổ Hoa Kì có hàng chục chủng tộc sinh sống bình đẳng với nhau, không nên dùng “Tổ quốc Mĩ” thay cho “nước Mĩ” vì nhân dân Mĩ có đến hàng trăm tổ quốc. Nói cho rốt ráo, người Mĩ nghiêng về chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) và không coi trọng chủ nghiã dân tộc.