Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
Phần thứ ba
André Gide
Lời khuyên nhà văn trẻ tuổi
Giới thiệu
1. Tôi sinh ngày 22 tháng mười một năm 1869. Cha mẹ tôi lúc đó ngụ ở một căn nhà bốn hay năm tầng gì đó ở phố Médicis mà các người rời đi vài năm sau và tôi không còn giữ lại chút kỷ niệm nào về nó cả. Tuy nhiên tôi vẫn thấy lại cái bao lơn công trường từ trên cao nhìn xuống và tia nước ở hồ nước công trường - hoặc rõ rệt hơn nữa tôi thấy lại những con rồng giấy cha tôi cắt, mà chúng tôi đứng từ trên bao lơn phóng xuống, bay theo gió, bay qua hồ nước công trường tới tận vườn Lục-Xâm-Bảo nơi những cành trắng của những cây hạt dẻ neo móc chúng lại.
Tôi cũng còn nhìn thấy một cái bàn khá lớn chắc hẳn là cái bàn của phòng ăn, trên phủ một tấm thảm buông trùng. Tôi chui xuống dưới gầm bàn đó với con người gác cổng, thằng nhỏ bằng tuổi tôi thỉnh thoảng lại chơi với tôi.
“Mấy cậu làm gì ở dưới đó?” bà vú của tôi hét.
“Có làm gì đâu. Chúng em chơi mà.”
Và chúng tôi khua ầm ĩ mấy thứ đồ chơi chúng tôi mang vào cốt để đánh lừa bà. Thực ra chúng tôi chơi khác: người nọ cạnh người kia, tuy nhiên không phải người nọ với người kia, chúng tôi làm điều mà sau này tôi biết người ta gọi là “những thói hư tật xấu”.
Những “thói hư tật xấu” ấy là một chất liệu của tác phẩm Gide và ông chỉ đoạn tuyệt vào năm ông đã gần năm mươi tuổi. Đó là “một bí ẩn thể chất nhỏ bé, một sự bất mãn của xác thịt, một nỗi xao xuyến, một quái trạng” cần yếu cho một nhà cải tạo [1] .
Trong tác phẩm viết về Dostoievsky, Gide viết: “Ở khởi nguyên mỗi cuộc canh tân tinh thần lớn, nếu chúng ta tìm kiếm kỹ chúng ta sẽ luôn luôn thấy có một bí ẩn thể chất nhỏ bé, một sự bất mãn của xác thịt, một nỗi xao xuyến, một quái trạng không thường (…) Ở khởi nguyên mỗi một cuộc canh tân bao giờ cũng có một nỗi bất an: nỗi bất an mà nhà cải tạo phải chịu là nỗi bất an của một trạng thái mất quân bình nội tâm. Những cấm đoán luân lý, những giá trị tinh thần, địa vị xã hội bắt hắn làm khác hẳn thế, và nhà cải tạo khao khát một sự quân bình mới: tác phẩm của hắn chỉ là một sự cố gắng tổ chức lại sự hỗn loạn hắn cảm thấy trong hắn, biện minh cho nó [2] Dĩ nhiên bất quân bình chưa đủ để trở thành một nhà cải tạo, “nhưng tất cả những nhà cải tạo đều là một kẻ bất quân bình (…) Mahomet là một người mắc chứng động kinh, mắc chứng động kinh những nhà tiên tri Israel, và Luther và Dostoievsky. Socrate có con quỉ của ông ta, thánh Paul có “cái dằm trong da thịt” huyền bí, Pascal có vực thẳm của mình, Nietzsche và Rousseau có chứng điên (Dostoievsky, pp. 209-210).
Gide đã viết, và “sẵn sàng viết lại” điều này, điều ông coi là một chân lý hiển nhiên không cần chứng tỏ: “Với tình cảm đẹp, người ta chỉ tạo nên một thứ văn chương tồi tệ ”(C’est avec les beaux sentiments qu’on fait de la mauvaise littérature.) Những ý hướng tốt nhất thường làm thành những tác phẩm nghệ thuật tồi nhất và nghệ sĩ có thể làm soa đọa nghệ thuật của mình khi muốn nó có tính cách xây dựng (Journal, Septembre 1910, p. 83)
André Gide đã đi sâu vào mê lộ lạc lõng. Đó chính là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT mà một Siddharta của Hermann Hesse đã chứng nghiệm và thể nghiệm bằng thân thể qua tác phẩm Câu chuyện của dòng sông và đó cũng chính là CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO Nietzsche đề xướng:
“Ý chí đau khổ”; Các ngươi phải sống một thời gian nữa trong cuộc đời, các ngươi những kẻ sáng tạo. Các ngươi phải suýt bị tiêu hủy và sau đó các ngươi phải ca ngợi mê lộ và sự lạc lõng của các ngươi. Nếu không, các ngươi không thể sáng tạo mà chỉ có thể chết. Các ngươi phải có những buổi bình minh và hoàng hôn của các ngươi. Các ngươi phải có điều xấu ác của các ngươi và các ngươi phải gánh vác lại một thời gian nữa điều xấu ác ấy. Các ngươi là những kẻ trở về vĩnh cửu, các ngươi phải biến chính các ngươi thành một cuộc trở về.”
Theo Sartre [3] , “Gide là một gương mẫu không thể thay thế được” vì ông “đã chọn trở thành chân lý của mình ”. Tất cả mọi chân lý, nói theo Hegel, đều đang trở thành. Nhưng người ta thường hay quên điều đó. Người ta chỉ nhìn thấy kết quả mà không thấy cuộc hành trình. Người ta coi ý tưởng như một sản phẩm hoàn toàn mà không thấy rằng ý tưởng không là gì khác hơn sự trưởng thành tiệm tiến của chính nó, không là gì khác hơn một chuỗi những sai lầm nối tiếp sửa sai cho nhau, một chuỗi những cái nhìn phiến diện bổ túc và mở rộng cho nhau. Điều đáng ca ngợi nhất nơi Gide là ông “đã sống những ý tưởng của mình”, nhất là ý tưởng Thượng Đế đã chết. Ông không chỉ sống bằng tâm hồn; ông còn sống bằng cả thể xác nữa. Và nếu nghệ thuật cốt yếu là phải đi đến cùng thì chúng ta phải công nhận cùng với Sartre rằng: “Điều đáng quí nhất mà Gide cung hiến cho chúng ta chính là quyết định sống cho đến cùng cái hấp hối và cái chết của Thượng Đế.” Vinh quang của ông là ở đó. Sự thống khổ của ông cũng là ở đó. Theo Heidegger (Chemins) có nhiều người nghĩ rằng “Thượng Đế đã chết” nhưng họ sống như thể Thượng Đế còn có vậy. Sự vĩ đại của Gide là đã lì lợm chịu đựng đến cùng độ hậu quả của chân lý trên. Là đã ôm ấp trong lòng mình cả một cái chết vĩ đại, là đã mang trong hồn sự đổ vỡ tan hoang của những giá trị cũ, là đã sống trọn vẹn trong cả hồn lẫn xác chủ nghĩa hư vô vô thần ghê lạnh.
“Kẻ đi tiên phong bao giờ cũng bị hy sinh [4] ” Nếu tâm hồn Nietzsche không chìm lặn xuống đại dương đêm tối sau khi đã sống hết đời ông trong Buổi hoàng hôn của những thần tượng thì chắc chắn chúng ta phải điên cuồng vì tuyệt vọng. Simenon nói rằng suốt đời Gide mơ ước trở thành một kẻ sáng tạo thay vì một nhà luân lý. Chưa. Gide chưa thể trở thành kẻ sáng tạo những giá trị mới cũng như Nietzsche chưa được quyền làm thơ mà phải triết lý vậy. Quyền sáng tạo những giá trị mới, những giá trị hân hoan, những nguồn vui mới, những hy vọng mới kể từ sau cái chết của Thượng Đế là quyền của chúng ta, là bổn phận của chúng ta. Sứ mệnh của Gide là phải nhận chịu tất cả hậu quả của cái chết của Thượng Đế. Và ông đã làm như vậy. “Ông đã sống cho chúng ta một cuộc sống mà chúng ta chỉ cần sống lại khi đọc ông, ông đã giúp chúng ta tránh được những cái bẫy ông đã gặp phải và thoát ra như ông đã thoát ra…” (Sartre). Nếu được quyết định một cách trừu tượng lúc ông hai mươi tuổi, chủ trương vô thần của ông có thể là giả tạo; thu phục dần dần, kết quả của nửa thế kỷ kiếm tìm, thuyết vô thần đó trở thành chân lý cụ thể của ông và của chúng ta nữa. “Từ đó những con người ngày nay có thể trở thành những chân lý mới mẻ.”
S’il le grain ne meurt
Nếu hạt lúa không chết đi, tên một tác phẩm của Gide, nói lên tất cả ý chí hy sinh thiết tha của một Prométhée và tất cả ý chí chìm đắm anh hùng (volonté de sombrir) mà Nietzsche đề cao.
Quả thật, quả thật ta nói cùng các ngươi nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi.
Nó sẽ ở tại một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ mang lại nhiều hoa trái.
(“Jean’’, XII, 21, 25).
Nếu kẻ nào hôm nay còn trông vời quá khứ. Nếu kẻ nào hôm nay còn chưa thắng nổi chủ nghĩa hư vô; còn chưa rứt khoát đạp đổ những giá trị cũ, nếu kẻ nào hôm nay còn chưa tìm thấy đủ ý chí và sức mạnh để sáng tạo những giá trị mới thì kẻ đó là chính kẻ phản bội những sự hy sinh lớn lao hắn đã thụ hưởng và thiếu cả bổn phận với những kẻ tới sau.
“Ôi các bạn ta ơi! sự cao nhã của các bạn không được quay nhìn lại đàng sau mà phải nhìn ra bên ngoài! Các bạn phải là kẻ bị trục xuất khỏi tất cả mọi tổ quốc và khỏi tất cả mọi xứ sở của tổ tiên các bạn!
Các bạn phải yêu thương xứ sở của con cái các bạn: mong sao tình yêu này phải trở thành sự cao nhã mới của các bạn. - xứ sở trinh nguyên chưa thám hiểm trong những vùng biển xa xôi, chính xứ sở đó ta ra lệnh cho cánh buồm các bạn lên đường tìm kiếm và tìm kiếm mãi mãi!
Các bạn phải chuộc lại bằng con cái các bạn vinh hạnh là con cái của ông cha các bạn: chính bởi thế các bạn sẽ giải thoát khỏi tất cả quá khứ! Ta đặt trên các bạn bảng giá trị mới mẻ này!”
(Nietzsche, Also sprach Zarathustra).
Con cái ta ở đâu, trẻ thơ ở đâu, sự sáng tạo của ta sẽ hướng về đó và lúc đó chúng ta sẽ có một thứ nghệ thuật “táo bạo, phiêu bồng (flottant), quay cuồng, ngạo mạn, trẻ con, diễm phúc” [5] thay cho nghệ thuật già nua, trịnh trọng, thiếu máu, bi thương mà Gide cam chịu là kẻ cầm cờ đi đoạn hậu.
2. Sinh năm 1869 và mất năm 1951 ở Paris, cuộc đời trải qua giữa hai thế kỷ nhiều biến động nhất, Gide liên tiếp tiếp thu hơi thở cuối cùng của những thiên tài thế kỷ trước: Dostoievsky (mất năm 1881), Rimbaud (1891), Oscar Wilde (1900), Nietzsche (1900), xuất bản những tác phẩm quan trọng và thành danh khi những văn hào, triết gia thế kỷ sau chưa chào đời hay hãy còn cắp sách đến trường: Dưỡng chất trần gian (1897), Prométhée bị trói lỏng (1889), Kẻ vô luân (1902), Ngày trở về của đứa con hoang đàng (1907), Dostoievski (1908), Khung cửa hẹp (1909), Những hầm rượu ở Vatican (1914), Hòa âm điền dã (1919), Những kẻ làm bạc giả (1925-26), Nếu hạt lúa không chết đi (1926), Thésée (1946). Gide là bậc huynh trưởng của những Jean Giono (sinh năm 1895), Montherlant (1896), Saint Exupéry (1900), Malraux (1901), Sartre (1905), Camus (1913)… Là một bậc đàn anh trên văn đàn và một nhà văn ngang chướng, nhưng là một kẻ khiêm cung trong đời sống, Gide tuyên bố vài ngày trước khi từ trần: “Tôi không mang lại một lý thuyết nào, tôi từ chối đưa ra những lời khuyên nhủ và, trong cuộc tranh luận, tôi thường tháo lui ngay lập tức. Nhưng tôi biết ngày nay có một số người đang mò mẫm tìm kiếm và không biết tin cậy ai; với những người đó, tôi sắp nói đây.”
Bài “Lời khuyên nhà văn trẻ tuổi” sau đây đăng trong Nouvelle Revue Française do Gide sáng lập.
*
Lời khuyên nhà văn trẻ tuổi
Và ngay bài khái luận này, tôi cũng thích coi nó như một tác phẩm nghệ thuật.
Thây kệ sự khẳng định liều lĩnh này muốn dẫn tôi tới đâu cũng được!
Vậy tôi chỉ quan tâm tới vấn đề nghề nghiệp. Tôi muốn bắt đầu từ điểm này, từ sự khẳng định một điều thiên vị đặc biệt này và rồi thử xem tôi có thể bị chặn lại ở đâu.
Vậy thì tôi viết tiểu luận này để ca ngợi một người thợ khéo. “Viết một quyển sách là làm một nghề”, La Bruyère thận trọng nói ở đầu một cuốn sách. Tôi xin khuyến cáo ngay với độc giả: ở đây tôi chỉ bàn tới vấn đề nghề nghiệp.
Claudel, từ Viễn Đông trở về nói rằng ông khó chịu biết bao vì sự phí phạm ở Pháp.
Mẹ tôi dậy tôi bao giờ cũng phải uống cạn ly rượu Tần trước khi rời bàn ăn, chỉ ăn số bánh tôi có thể ăn.
Chắc chắn một đôi chút của cái ý tưởng về tiết kiệm đó còn tồn tại trong cái nhu cầu cấp thiết này mà tôi cảm thấy đối với sự chừng mực. Tác phẩm nghệ thuật, tôi muốn coi nó hoàn toàn vô cớ, nhưng tôi không dung thứ một sự phung phí vô nghĩa nào trong đó và chỉ thẩm định rằng sự toàn bích đã đạt được nếu ở đầu ngọn bút tôi còn lại nhiều mực hơn mức cần thiết để diễn tả khít khao tư tưởng tôi. Trong nghệ thuật, tất cả những gì không có ích đều có hại.
Tôi gọi tính cách báo chí, trong văn chương, tất cả những gì ngày mai sẽ ít quan tâm tới hơn ngày hôm nay. Tất cả những gì chẳng bao lâu sẽ kém đẹp, kém huyền bí, kém vui tươi, kém tự tại như nó hiện ra đối với quần chúng hôm nay; và tôi hứng khởi khi nghĩ rằng ngược lại với báo chí tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thoạt tiên không có vẻ mỹ miều.
Trả lời những cuộc tấn công? Đó là một sự ngứa ngáy mà tôi không khuyên bạn chịu nhịn. Nếu sự tấn công bất công, hãy để độc giả nhìn thấy điều đó, hãy nhắc lại trước hết câu cách ngôn của Cicéron, kế đó câu của Cambronne. Nếu sự tấn công đúng, nếu mũi tên của kẻ thù nhằm vào trúng chỗ, bạn chỉ còn có việc hết sức cố gắng nhấn nó sâu thêm vào vết thương, công bố những nhược điểm của mình và những yếu huyệt của chúng. Còn có điều tệ hơn thế nữa. Tu viện trưởng Brémond, trong bài trả đũa Sauday ít cho ta thấy ông ta đã nhầm lẫn cho bằng đồng thời phát lộ sự thiếu tư cách và tính dễ nổi xung vô ích của ta.
Hãy tin tưởng rằng lời khen tụng làm ta an nghỉ, đưa đến thiếu cố gắng, và sự tấn công chịu đựng đến nơi đến chốn làm ta mạnh thêm. Hãy để tác phẩm của bạn tự bảo vệ và bỏ qua không đếm xỉa tới. Nếu nó không chịu nổi cuộc tấn công, tất cả những phương kế khôn khéo bạn viện ra để cứu vớt nó không thể ngăn cản được sự lụn bại của nó; tốt hơn bạn hãy để tâm sáng tạo tác phẩm khác có thể chịu trận bền bỉ hơn.
Đi sâu vào nghệ thuật của những người khác là một điều thú vị, nhưng tôi không dám quả quyết rằng việc đó có một lợi ích thiết thực nào không. Như tiểu thuyết gia tài ba (bà W…) kể cho tôi nghe rằng sự nghiên cứu, khảo sát phân tích tỉ mỉ tiểu thuyết của văn gia thượng thặng đã chiếm hết tuổi trẻ của bà, đến nỗi chính bà bắt đầu tạo ra tác phẩm rất điêu luyện, phong phú về mọi bí mật, mọi tài nguyên của nghề. Nhưng đó là nghề của những kẻ khác. Sự khéo léo đích thực là sự khéo léo mà ở giây phút cuối cùng sự xúc cảm khuyên bạn. Sự thông minh của xúc cảm.
Người ta gọi là thủ thuật sự thủ đắc kinh nghiệm của những tác phẩm trước. Nó bảo đảm cho những nghệ sĩ tầm thường ít vất vả hơn, thành công lớn hơn. Nhưng đối với người nghệ sĩ chân chính mỗi một đề tài mới đặt ra một khó khăn mới, và để chiến thắng, tất cả những kinh nghiệm trước đều vô nghĩa.
Kỳ tài bao giờ cũng chỉ tạo được cái tầm thường. Vấn đề không phải là tu chỉnh nghề nghiệp bạn mà là chính bản thân bạn.
Nếu bạn cảm thấy khá tin tưởng nơi bạn, tự tin vào sức mạnh của bạn – thì than ôi, tôi phải thêm rằng - nếu bạn không cần “kết quả của công việc bạn”, để sống tôi khuyên bạn (nhưng coi chừng kẻo hối hận) nên chống đối báo chí và ký giả.
Đặc điểm của báo chí là quan tâm tới quần chúng với cái mà ngày mai sẽ ít chú ý tới như ngày hôm nay. Làm sao bạn có thể ăn ý với những thứ đó, trong khi bạn là… Dù sao hãy khiêm cung. Bị thời đại mình làm ngơ để rồi thức dậy năm mươi năm sau như Keats, Nietzsche, Baudelaire hay Stendhal chưa đủ. Nhưng nó cho phép bạn ao ước vinh quang của họ và thích phép lạ đích thực này hơn là sự thành công.
Mong sao mai sau một thanh niên trầm tư và giống kẻ mà tôi có thể trở thành cúi mình trên cuốn Amyntax hay bất cứ tác phẩm nào khác của tôi, nơi sẽ gửi tư tưởng tôi một cách nhịp nhàng nhất, cảm thấy tim đập rộn ràng như trái tim tôi khi đọc: Better be (v.v…, trích Keats) – và nói rằng: đối với tôi anh linh động hơn người bạn sống động nhất, André Gide. Và tôi không tiếc rằng anh đã chết đi; nếu anh còn sống tôi không biết anh – tôi sẽ cho đi tất cả những lời hoan hô của ngày hôm nay, cả ghế của tôi ở Hàn Lâm Viện vì điều đó. Ôi Keats, ôi Baudelire, ôi Verlaine, ôi biết bao kẻ khác mà nỗi khát khao bỏng cháy không dễ làm cho dịu bớt nhanh chóng – không phải tôi chỉ thèm thuồng danh vọng sau khi chết của quí vị, mà cả niềm hy vọng và đợi chờ đau đớn của quí vị! Chính nỗi đam mê của quí vị mà trước hết tôi muốn giống.
Hãy chọn kẻ thù của bạn; nhưng hãy để các bạn của bạn lựa chọn bạn.
Lòng tin tưởng vào sự trường cửu của tác phẩm mình mang lại cho tác phẩm của nghệ sĩ vẻ uy nghiêm vô cùng trong hân hoan, vẻ an nhiên vô cùng trong buồn sầu, sự kiên nhẫn vô cùng, sự bình dị ngạo nghễ vô cùng, phân biệt nó với những tác phẩm chỉ thèm muốn thành công. Người nghệ sĩ mạnh mẽ đích thực không hề ta thán thời đại mình không hiểu mình, người nghệ sĩ ngược lại còn múc ngay trong sự không hiểu đó một bảo đảm cho sự trường cửu.
Sự lầm lẫn lãng mạn là tìm cách đặt cuộc đời bên ngoài tác phẩm.
Ôi thi sĩ của niềm tin hèn mọn! Phải chăng vì sự tán thưởng thoảng qua của những người đồng thời với mình mà bạn lên tiếng nói? Há bạn lại không biết rằng tất cả những gì, vì trung thành, trước hết chôn vùi bạn trong tác phẩm của bạn, mai này, sau khi bạn qua đời, sẽ vươn lên gấp trăm lần hơn sao?
Hai lời khuyên cuối cùng:
Hãy viết càng ít chừng nào càng hay chừng ấy.
Chỉ viết những gì thiết yếu thôi.
Đừng tin tất cả những gì phỉnh phờ mình, tất cả những gì khiến bạn tin rằng điều bạn viết ra hay ho hơn nó có trong thực tế. Đặc biệt tôi nghĩ tới lối ấn loát mà những bạn trẻ cùng lứa tuổi của bạn chấp nhận ngày hôm nay, trình bày bản văn bằng cách lợi nhất, và coi đó là sự độc đáo. Cũng như những câu thơ của Paul Fort không kém vẻ thơ, những vần thơ hay nhất, nếu được in theo lối thơ xuôi, bạn thử nghĩ một câu thơ có mười hai âm như câu thơ đây của Hugo có thể hay hơn không nếu được xếp đặt như sau:
Cheval
foule au pieds
l’homme
et l’homme
et l’homme
et l’homme
hay tôi không biết một lối kỳ cục nào dễ tưởng tượng hơn.
Nếu ở đôi chỗ trong suốt cuốn Dưỡng chất trần gian, tôi đi vào con đường sai lầm này, người ta sẽ nhận rằng tôi làm điều đó với sự thận trọng (…)
Trước hết phải khỏe mạnh. Một nỗi bất an nào đó của tâm hồn chỉ là phản ảnh của nỗi bất an của xác thịt, và, nếu khỏe mạnh, Pascal tất đã tìm thấy Thượng Đế mà ông tìm kiếm với bao kinh hoàng. Có lẽ ông thiếu thiên tài? Nghĩa là ông đã phải khổ công vận dụng óc thông minh tuyệt vời vào những tạo vật chắc chắn nhất.
Nhưng điều làm bạn thích thú nơi ông chính là nỗi kinh hoàng của ông ta, nhờ đó tất cả những gì bệnh hoạn và bạc nhược trong bạn cảm thấy được khuyến khích vuốt ve. Tôi không thể thán phục nhiều một tâm hồn không bao giờ biết tới xao xuyến bất an; nhưng tôi thán phục hơn hết kẻ nào chế ngự được nó và tìm thấy lại an bình, thăng bằng, bên ngoài cái địa ngục mà không có gì nơi hắn còn tồn tại ngoại trừ sự thấu hiểu vô cùng tinh tế và vô cùng phong phú về con người, về những khả năng của con người. Để có thể vẽ thật khéo, cái địa ngục đó, chính mình phải thoát ra cái đã.
Đừng thất vọng khi mất hút mục tiêu. Hãy tin rằng không thể thủ đắc kiệt tác bằng một cuộc theo đuổi trực tiếp; cần phải có mưu thần chước quỉ và kiên nhẫn trong đường ngoắt ngéo. Phải xáp lại nó bằng mọi ngả. Đừng vấp trên một điểm, hãy bỏ qua đừng đếm xỉa tới; hãy nhắc nhủ mình rằng cái gút (kết cấu) chỉ có trong tâm trí; bạn càng co kéo bao nhiêu, nó càng thắt chặt bấy nhiêu; nó sẽ tự tháo gỡ một mình nếu bạn để cho nó nghỉ ngơi đôi chút.
Mỗi một tác phẩm nghệ thuật là một vấn đề đã quyết; một vấn đề gồm vô vàn những vấn đề tương quan nhỏ mà mỗi vấn đề chờ đợi nơi bạn một giải pháp đặc biệt, nghĩa là chữ dùng đúng chỗ; và ngay cả cái mà những nhà lãng mạn gọi là cảm hứng cũng tan rã thành vô số những cố gắng nhỏ.
Sự thống nhất của tác phẩm chính là sự thống nhất của lòng hăng hái của bạn.
Nếu bạn muốn, hãy viết trong say sưa, nhưng hãy chay tịnh, khi bạn đọc lại.
Nếu bạn muốn tiến bộ, không nương tựa vào bất cứ một công thức nào. Không nên nương tựa – Nhưng bạn có cần phải tiến bộ không? Nếu bạn chỉ tìm kiếm sự thành công, bạn hãy tin rằng tất cả những tiến bộ mà bạn sẽ thực hiện sẽ làm hỏng sự thành công ấy. Công chúng bao giờ cũng chỉ hoan nghênh cái họ có thể công nhận; bạn mang lại cho bất cứ điều mới mẻ nào họ cũng đều khó chịu hết. Do đó, việc đầu tiên là xem có phải bạn tìm kiếm thành công hay không. Trong trường hợp đó, không nên theo bất cứ một lời khuyên nào của tôi cả; tốt hơn nên làm ngược lại.
Sự độc đáo đích thực luôn luôn không bao giờ hiển lộ, và trái lại bề ngoài lạ lùng chỉ dùng để che đậy một sự nghèo nàn cùng cực của cảm xúc và, sự tầm thường cỏ giả của tính tình. Sự độc đáo đích thực nhất là sự độc đáo không tự biết mình.
Hãy luôn luôn cố gắng viết càng giản dị chừng nào hay chừng ấy, cần nhất là đừng lừa phỉnh mình; luôn luôn đề phòng chống lại sự tự mãn và không ngừng canh chừng đừng lừa bịp mình. Nếu bạn thích chữ của mình, hãy cho đánh máy. Coi chừng những chữ hoa của bạn.
C… chiếm đoạt những chữ của J… hắn rêu rao trong những khách thính mà J… không lai vãng tới, khiến người ta cho là của mình; phải công nhận rằng hắn đã làm tăng giá trị cho chúng; giọng hắn trong trẻo, cử chỉ của hắn hàm ngụ, dáng đi của hắn quả quyết.
Hãy hết sức tránh những tối thượng cấp (superlatifs); chỉ bằng cách đó bạn mới duy trì được ý nghĩa trọn vẹn của một số chữ. Nơi nào kẻ yếu phóng đại, người mạnh tự kìm hãm. Sức mạnh của những chữ, ôn tồn tác động trong tâm trí người đọc. Nó trở nên vô hiệu nếu bạn trải nó ra trên giấy.
Khách thính
Đừng tìm sự thành công dễ dãi của người nói hay. Vai trò của bạn là nghe. Một đại nghệ sĩ trước hết là một đại thính giả.
Điều kiện thứ nhất để biết nghe là thoạt tiên biết lặng thinh.
Nếu bạn phiêu lưu trên thế giới, bạn phải như kẻ thợ lặn có mặc áo lặn dưới nước.
Bạn hãy tin rằng trên thế giới chỉ có những gì không phải là vàng, mới sáng lóa.
Bạn hãy tin rằng, trên thế giới, những đồng tiền mới, không thông dụng. Không bao giờ người ta được nổi tiếng là một người tài trí mà không mắc phải đôi chút ngu ngốc.
Thói quen mà những bạn đồng nghiệp của bạn thường có – coi sóc, gợi hứng, nếu có thể còn đọc cho người ta viết nữa, những bài báo trong nhật báo và tạp chí phải chào đón sự xuất hiện của mỗi tác phẩm họ, phải ngăn chặn những nhà phê bình, hướng dẫn dư luận, thông tri danh tiếng bằng cách phải gióng trống khua chiêng và đọc tên tuổi tác giả - tất cả những thứ đó rất tốt và giúp cho danh vọng một cách đắc lực, nhưng đồng thời bạn phải khước từ lợi ích của vận may, có thế, thẩm định bạn quá đáng nếu bạn là người mà tôi hy vọng, nghĩa là mạnh mẽ thực sự và không chuộng thành công trên tất cả.
Quần chúng có thể nhầm lẫn về một cuốn sách, tác giả cuốn sách cũng có thể nhầm lẫn. Tôi tin chắc rằng tất cả những người mà chúng ta ngưỡng mộ, tôi và bạn, không hề tìm cách tiên đoán và cũng không thể tiên đoán được cái ý nghĩa sau cùng những văn phẩm họ. Tác phẩm của họ tựa như những hiện tượng tự nhiên mà mỗi một thế hệ có thể diễn dịch một cách khác nhau và vay mượn một món đặc biệt cho những người tính khí khác nhau nhất.
Vậy hãy vui vẻ nếu điều mà đọc giả hôm nay hoan nghênh nơi bạn, thật ra, chỉ là phần mà bạn cho là không đáng kể nhất của tác phẩm bạn. Hãy tránh đừng làm cho họ tỉnh ngộ, sau này cũng phải thận trọng như vậy. Vả lại, bạn có biết chắc cái gì làm nên giá trị bạn chăng? Cũng vậy nếu quần chúng trách móc những lỗi lầm bạn không hề có, bạn hãy vui vẻ và giao việc giác ngộ quần chúng cho thế hệ sau. Những điều người ta hoan nghênh ngay lập tức vì nguyên nhân tốt đẹp này và điều người ta không thể hoan nghênh vì lý do khác nữa chỉ là những xu hướng nhất thời vô giá trị và chẳng bao lâu sau sẽ chìm vào quên lãng.
Đừng quan tâm nhiều quá tới bọn ngốc. Làm phật ý họ là điều thú vị; nhưng đừng để ý tới bọn ngốc, và nhất là đừng coi tất cả những người mà bạn không biết cách làm cho họ vừa lòng là bọn ngốc.
Đừng sợ gây kinh ngạc hay mếch lòng, người nghệ sĩ đích thực, thực thế, luôn luôn làm người ta thất kinh và chưng hửng – Vâng, nhưng đó chỉ là cách để tự vệ. Trong tác phẩm nghệ thuật sự dị thường duy nhất có giá trị bao giờ cũng ngoài ý muốn.
Nói rằng phần lớn những tác phẩm vĩ đại đều bắt đầu bằng cách gây tai tiếng là một điều rất đúng; nhưng tin rằng chúng gây tai tiếng vì tính cách mới mẻ của chúng là một điều sai lầm, và điều gây tai tiếng trong những tác phẩm ấy, không phải vì chúng mang lại điều gì mới mẻ cho bằng chúng khước từ chuyên chở những cái cũ rích.
Những tính chất sâu thẳm của một tác phẩm nghệ thuật thoạt đầu ẩn khuất. Tác phẩm viên mãn không làm người ta chú ý tới mình.
Đoàn nhóm
Bạn sẽ thấy rằng ít ra là ở Pháp, nhưng tôi tin rằng ở khắp mọi xứ, những lý do nghệ thuật không đủ để tập hợp người ta lại với nhau. Trong trường hợp ấy thế nào cũng phải có một trường phái hay trường phái trở thành một đảng phái. Ở Pháp người ta chỉ tập hợp nhau bằng đảng phái. Điều đó quá mãnh liệt đồng thời quá tự nhiên và ăn sâu đến nỗi thường thường người ta không nhận thấy rằng nghệ thuật hay cái đẹp có thể tồn tại hay ít ra xứng đáng được chúng ta chú ý tới trong chính chúng, hay có thể tồn tại bên ngoài những giới hạn hay phương pháp mà trường phái đặt ra hay bảo vệ. Những sự diễn tiến nghệ thuật ở Pháp (và tôi tin ở tất cả những nước khác luôn luôn thoái hóa trở thành sự diễn tiến của những khuynh hướng đến nỗi mới đầu những diễn tiến này cố gắng khoa trương: người ta không xét đoán tác phẩm hay tác giả theo giá trị nghệ thuật, hay nhân bản, là giá trị duy nhất tiếp sau đó đáng kể; mà theo khuynh hướng, sau đó, ít giá trị đến nỗi người ta thường lưỡng lự không biết Molière, Rousseau, Descartes hay Rimbaud có phải là Thiên Chúa giáo hay không, không biết Dante thuộc phái ủng hộ Giáo hoàng hay thuộc phái khản đối Gibelin, v.v…
Người ta kể lại rằng Géricault, khi đang sáng tác tác phẩm Radeau de la Méduse muốn khép mình trong công việc, cắt đứt liên lạc với thời đại mình, tưởng tượng mình chỉ hớt một mái đầu, tin chắc rằng sự biến mình thành lố bịch như vậy để đến nỗi không dám thò mặt ra ngoài đường nữa.
Tôi thán phục ông ta vì ông đã muốn như vậy.
Tôi thán phục ông hơn nữa nếu ông tự nhốt mình mà không cần viện tới trá thuật – và thán phục hơn nữa nếu ông dám để người ta nhìn thấy mái đầu hớt một nửa của ông.
[1]Cf. Nietzsche: “Ôi những kẻ sáng tạo, những con người siêu đẳng! Kẻ nào phải sinh con, kẻ ấy phải bệnh hoạn; và kẻ nào đã sinh con, kẻ ấy nhơ nhớp.
Hãy hỏi những người đàn bà: người ta không sinh đẻ vì lạc thú. Nỗi đau đớn làm những con gà mái và những thi sĩ la lên.
Ôi những kẻ sáng tạo, trong các ngươi có quá nhiều nhơ nhớp. Bởi vì các ngươi phải làm mẹ.
Một đứa bé mới sinh ra: ôi biết bao nhơ nhớp ra đời! Hãy lánh xa! Kẻ nào đã sinh con phải thanh tẩy tâm hồn.” Also sprach Zarathustra.
[2]cf. Rimbaud: “Tôi coi sự hỗn loạn trong tâm trí tôi là thiêng liêng ”, Délires II.
[3]“Gide vivant”, in Situations VI, Gallimard, 1961.
[4]Nietzsche, Also sprach Zarathustra.
[5]Nietzsche, Gai Savoir, II, 107
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.