Huỳnh Thúc Kháng
CHÁNH HỌC CÙNG TÀ THUYẾT
CÓ PHẢI LÀ VẤN ĐỀ QUAN HỆ CHUNG KHÔNG?
Chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời
Báo Phụ nữ tân văn số 67 ra ngày 28.8.30 có đăng bức thơ của ông Phạm Quỳnh chủ bút Nam phong trả lời cho ông Phan Khôi về câu chuyện “học phiệt”. Trong thơ ông Quỳnh có kể chuyện ông Ngô Đức Kế ngày làm chủ bút Hữu thanh có bài công kích ông về chuyện Kiều. Bài ông nói đó tức chỉ về bài Chánh học cùng tà thuyết của ông Ngô đăng ở báo Hữu thanh số 21 ra ngày 1er Septembre 1924, là một bài tuyệt xướng có giá trị nhứt trong quốc văn báo giới ta về khoảng vài mươi năm nay, mà đồng bào ta ai đã đọc đến, cũng in sâu vào trong não, không khi nào quên được. Thế mà 5, 6 năm nay, không nghe ông Quỳnh có câu gì biện bác bài ấy hay dở, phải không thế nào. Nay ông Ngô đã qua đời rồi, nhân ông Phan Khôi chỉ trích sự không trả lời ấy, ông Quỳnh mới giở mối hiềm riêng chất chứa lâu nay, công nhiên phô giữa công chúng rằng bài ấy là “câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không quan hệ đến học vấn tư tưởng gì cả…”. Ông lại bươi những chuyện riêng của ông Ngô với ông, hai người đối đãi nhau lúc bấy giờ, để làm chứng câu nói “cá nhân quyền lợi” của ông, mà buông lời thô bỉ như là “hàng thịt nguýt hàng cá”, “thỏa lòng ác cảm”, “đạo đức hương nguyện” v.v…, bôi lọ đến danh dự một người chí sĩ đã qua đời.
Những lời nói trên mà xuất tự một người văn sĩ xằng nào thì không đủ trách; song tự lỗ miệng và ngòi bút một người tân nhân vật, nghiễm nhiên tự nhận cái gánh gầy dựng một nền văn hóa mới cho nước nhà, lại chủ trương một cái cơ quan ngôn luận trong nước mười mấy năm nay, mà có lời thô bỉ tỏ cái tâm sự hiềm riêng, nói xấu cho một người thiên cổ, thì không thể bỏ qua được.
Ông Ngô Đức Kế là một người tài học trổ từ lúc thiếu niên; nếu như có ý thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia, mượn lối văn chương để tiện đường mua giàu chác tiếng như ai, thì trong đám người đời mà lên mặt sang trọng thông thái ấy, ông làm đến đâu cũng thừa ra. Thế mà hy sinh cả thảy, chỉ ôm một lòng lo việc chung cho đất nước, trọn đời đày đoạ mà cứ khăng khăng một mực, cho đến ngày đậy nắp hòm. Trong cái sự nghiệp trước tác của ông, bài “Chánh học cùng tà thuyết” nói ở trên chỉ là một bài trong ngàn bài khác…
Lịch sử cay đắng của ông, đã nhiều người rõ, tôi không cần phải nhắc lại. Nay tôi xin gác lịch sử cá nhân ra ngoài, mà chỉ tựu trong phạm vi bài “Bác Kiều” của ông cùng bức thơ “Học phiệt” của ông Quỳnh mà biện bạch cho luận điểm có giới hạn để độc giả cùng xem:
a) Bài “Bác Kiều” đầu tiên đại ý nói: chánh học cùng tà thuyết, có quan hệ đến vận nước: chánh học xướng minh thì thế đạo, nhân tâm phải tốt mà nước được cường thạnh; tà thuyết thạnh hành thì thế đạo, nhân tâm phải xấu mà vận nước cũng suy đồi… Đoạn giữa nói đến truyện Kiều thì cho là một truyện phong tình, không đường nào tránh cái án của tám chữ “Ai dâm sầu oán đạo dục tăng bi”, thương, dâm, sầu, oán, mở đường tà dục mà tăng mối buồn rầu; dầu văn có hay cũng là một thứ văn mua vui (chính ông Nguyễn Du tác giả truyện cũng tự nhận thế), chớ không đem ra mà dạy đời được. Sau ông mới bài bác những người tán dương truyện Kiều rằng “quốc hồn quốc túy” đem làm sách dạy quốc văn; cho là giả dối, là hoặc thế vu dân… Toàn bài đại cương như thế, nói về nghĩa lý thì quang minh chánh đại, thật là một bài quan hệ trong học giới rất to tát; mà về lời biện bác thì lời nghiêm nghĩa chánh, có một cái mãnh lực như sét phang trước trán, nước xối sau lưng khiến cho ai đọc đến cũng tỉnh giấc hôn mê. Độc giả thử xem, một bài biện luận xác đáng rạch ròi như vậy, sao gọi là câu chuyện cá nhân quyền lợi, mà không quan hệ đến học vấn tư tưởng? sao gọi lập luận thiên đi? Như vậy mà cho là không quan hệ thì những lối trèo tường trổ ngõ, quạt ước trăng thề, ép liễu nài hoa, cắp hương trộm ngọc kia mới là quan hệ với học vấn tư tưởng sao? lập luận ấy mới là chánh sao?
b) Ông nói làng văn làng báo cãi nhau là thói con buôn thì câu nói rất trái lẽ mà không có cân lường: Phàm học vấn tư tưởng có biện chiết mà sau chân lý mới được rõ ràng; thuở nay những nhà học giả cãi biện nhau là một điều thường thấy; huống đã là nhà báo thì có cái nghĩa truyền bá chân lý, miễn là cãi biện nhau không ra ngoài luận điểm thì thôi. Nay ông nói cãi nhau là “hàng thịt nguýt hàng cá”, thì làng văn làng báo, cứ vầy hùa nhau, làm con sâu nhái tiếng cho nhau mà không xét đến luận thuyết có phải cùng không hay sao. Hàng rau hàng thịt cãi nhau là chỉ bọn thù vặt nói thàm kia chớ không đem điều ấy mà che cái vấn đề “Chánh học - tà thuyết” nầy được. Ông nói bài kia không phải phẩm bình truyện Kiều thì bài ấy nói chuyện gì? Ông tưởng 20 triệu đồng bào đều không có tai có mắt mà tin như lời ông nói sao?
c) “Đạo đức hương nguyện” là đạo đức thế nào? Cứ như lời ông Mạnh Tử đã giải thích thì hương nguyện là chiều đời dua tục, không nói trái với ai, chính là chỉ bọn nhu mỵ. Như con đĩ Kiều kia và cả chuyện Kiều nữa mới gọi là nhu mỵ. Thế mà cho kẻ bác học Kiều(*) là đạo đức hương nguyện thì cái chuyện phong tình ấy là đạo đức gì?
d) Ông nói: ông Ngô thấy người ta hoan nghinh Kiều mà có ý căm tức nên viết bài phản đối. Phải, căm tức là chính phải. Con đĩ Kiều kia, có cái giá trị gì? Người tô vẽ Kiều kia có công đức gì mà hoan nghinh?(1) Ông đã đề xướng chánh học thì đối với sự bất chánh đáng ấy mà phản đối chính là vì nhân tâm thế đạo mà sanh lòng công phẫn, chớ có cái gì gọi là thù riêng? Chính ông Quỳnh cũng tự nói rằng: họ Ngô cùng ông không có hiềm khích gì, kia mà!
e) Ông nói không phải nhu nhược, bị người ta công kích không biết đối phó, thì thật là câu độn từ mà không phải lời nói của một nhà học giả: Đã là nhà học giả thì phải yêu chân lý, người ta công kích mình (bất kỳ việc làm hay lời nói) mà hợp với chân lý, không chỗ cãi chối được thì mình phải phục tùng; nếu như người ta công kích mà trái lẽ, mình cứ lấy lẽ mà biện bác lại; ấy là thái độ chơn chánh của một nhà học giả. Bằng như người ta công kích mình, mình không xét phải hay là không, mà cứ công kích lại; người ta nói mình “văn sĩ lóp lép” thì mình tặng lại họ tên nọ tên kia… Ấy là biết đối phó mà không nhu nhược sao? Còn nói ông Ngô có cái lịch sử 10 năm ở Côn Lôn nên ông không ngang sức thì thật là vô lý. 10 năm Côn Lôn là một vấn đề, bác học Kiều là một vấn đề khác, hai điều có dính liếu gì đâu? Và trong bài Chánh học của ông Ngô, ông có đem 10 năm Côn Lôn mà khoe với ai đâu? Ông có làm Côn Nôn du ký mà tuyên bố để mua danh đâu? Lúc ấy ông Ngô còn, ông không đối phó mà đợi đến nay ông Ngô đã khuất rồi mới viện cớ nầy bươi lẽ nọ, để giành lại sự phải cho ông, thật là đủ chứng hai chữ nhu nhược ông nói trên.
Về sự bác Kiều mà ông Quỳnh không trả lời, lâu nay tôi vẫn kính trọng, tấm lòng phục thiện của ông rõ là thái độ quân tử. Phải như ông Phan Khôi hỏi điều ấy mà ông Phạm Quỳnh cho là chuyện cũ, chỉ lược giải mấy câu, không nói phạm đến danh dự một người chí sĩ đã qua đời, thì cái lòng quang minh lỗi lạc của một nhà học giả, người thức gia ai chẳng kính phục thêm? Nay cứ như bức thơ ông thì rõ cái mối thù riêng hiềm vặt, đối với chuyện công kích ấy chất chứa trong trái tim ông đã 5, 6 năm nay; nhơn ông Phan Khôi khêu mối mà ông kéo dây ra, toàn bức thơ ông không chỗ nào gãi ngứa vào bài “Chánh học cùng tà thuyết” kia, mà chỉ là những lời nhạo báng. Cái lối nặc oán ấy là tâm lý gì?
Độc giả thử xem bài “Chánh học” của ông Ngô cùng bức thơ “Học phiệt” của ông Quỳnh mà so sánh, thì đủ rõ ai là kẻ có lòng ác cảm riêng.
Sau nầy tôi xin chánh cáo cho anh em trí thức trong nước rằng: Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn chương mua vui mà thôi, chớ không phải là thứ sách học; mà nói cho đúng, Truyện Kiều là một thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại. Ở xã hội ta từ có kẻ tán dương Truyện Kiều, truyền bá học Kiều đến nay, đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà theo mối ham mê của mình. Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều, gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít. Vậy ngày nay mà được trăm ngàn người học Kiều, thì khắp trong xã hội ta, không thấy cái gì ích mà chỉ thấy cái hại; mà nếu được một người “đạo đức hẹp hòi” như ông Ngô Đức Kế thì không khác gì cột đá giữ giòng sông lở, ngọn đuốc trong khoảng đêm trường, có công với thế đạo nhân tâm không phải ít, vì cái mãnh lực của ông đủ kéo được biết bao nhiêu kẻ sa hầm sụp hố kia.
HUỲNH THÚC KHÁNG
Tiếng dân, Huế, s.317 (17.9.1930)
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.72 (2.10.1930)
(*) “kẻ bác học Kiều”: ý nói Ngô Đức Kế, là kẻ bài bác việc học Truyện Kiều (NST).
(1) Cho con đĩ Kiều không có giá trị gì thì phải lắm; còn bảo người tô vẽ Kiều không có công đức gì thì chúng tôi không chịu. - P.N.T.V. (nguyên chú).