Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Văn Siêu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Văn Siêu. Hiển thị tất cả bài đăng

28/11/08

Lê Văn Siêu : Nói nghĩa là gì?

Lê Văn Siêu
Nói nghĩa là gì?

NÓI là diễn tình ý của mình bằng những tiếng từ miệng ra, là vạch trần mưu định và tình ý của người. Nói còn là khai ra sự thực: Việc xảy ra thế nào hãy nói ra như thế; là dạy bảo: Giời có nói gì đâu! nói gì đâu! là đoán quẻ: Ông thầy bói này nói hay lắm; là ra giá: Nói giá cao quá; là cãi cọ: Kẻ nói người nghe; là mắng nhiếc: Tôi mới nói cho một trận nên thân nhé.

Gom gọn lại, thì nói là cái cách dùng những lời như những phương tiện để diễn tình và ý của mình, trong cuộc sống. Nó là đầu mối sự gián tiếp giữa người nọ với người kia. Nó còn là dấu hiệu của sự sống nữa như hơi thở vậy. Người còn lẩm bẩm nói một mình được, hay đã chẳng nói chẳng rằng gì nữa rồi, nhưng còn nói thầm trong bụng để mình tự nhận biết được, thì người ấy vẫn còn sống. Chỉ khi nào hết nói, hết tri giác, hết thở và tim ngừng đập, thì người ấy mới thật là hai năm mươi. Để nếu có nói thì là hiện hồn về nói qua lời của cô hồn, hay cô hồn bịa ra mà nói, cũng chưa biết chừng.

Hồn rằng hồn thác ban ngày
Thương cha nhớ mẹ hồn rày thác đêm.

Vậy rằng là nói, xưng là nói, thưa là nói gởi, là nói, trình là nói, báo là nói, thưa thốt, truyền phán, chỉ dạy, bảo ban, thú nhận, ra miệng cũng là nói, và tâu nộp, mách lẻo, tố giác, tán tỉnh, đấu hót, ba hoa chích choè… cũng là nói nữa. Nghĩa là cuộc sống xã hội càng phức tạp, sự gián tiếp càng cần tinh tế để nhận xét tình ý của người và biểu lộ tình ý của mình, thì những cách để diễn tình ý ấy cũng lại càng nhiều. Nhiều cho đến vô tận như sau đây:


A. Nói lời

NÓI LỜI hay nói câu là diễn một tình ý bằng những tiếng có bố cục thành câu:

Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

LỜI NÓI thì lại là những câu nói ấy:

Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Cái lời, tức là cái câu ấy, đối với người Việt, không phải chỉ là vừa lòng nhau, mà còn nguôi lòng nhau nữa:

Chẳng được miếng thịt miếng xôi
Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng.

Ấy thế là lời nói có tính cách đỡ đói, tính cách vừa lòng hả dạ và cho nhau một lời nói còn giá trị hơn là cho nhau một miếng ăn nữa. Có lẽ vì thế chăng, mà người ta đã có thể đánh giá lời nói bằng nhiều cách.

1. Người ta chắc đã đánh giá được bằng lưỡi thì mới biết vị ngọt của nó (Nói ngọt thì lọt đến xương).

Cười cười nói nói ngọt ngào
Hỏi rằng chúng ở nơi nào lại chơi.

Hay vị chua của nó:

Mồ cha con bướm trắng
Đẻ mẹ cái ông vàng
Khen ai uốn lưỡi
Để cô nàng nói chua.

Hay vị mặn nhạt của nó:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Và:

Anh chàng nói nhạt như nước ốc


2. Người ta chắc còn đánh giá được bằng mũi nữa thì mới biết được mùi của nó: thằng cha nói không ngửi được.

3. Và nhất là còn đánh giá bằng mắt thì mới biết được số lượng nhiều ít của nó:

Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.

Hay màu sắc của nó: Nói trắng ra.

Hay sự cách biệt gần xa của nó:

Kẻ nói đơn người nói kép.

Sự thiếu thừa của nó:

Yêu ai thì nói quá ưa
Ghét ai nói thiếu nói thừa như không.

Cả chiều hướng của nó:

Dù ai nói Đông nói Tây
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng.

Lẫn cả thế đứng của nó nữa:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.

4. Cuối cùng người ta chắc còn đánh giá nó cả bằng óc nữa thì mới biết giá trị của nó:

Một lời nói quan tiền thùng thóc
Một lời nói dùi đục cẳng tay

Cùng phân biệt về trọng lượng của nó:

Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Và phân biệt về tuổi già non của nó:

Chuông già đồng điếu chuông kêu
Anh già lời nói em xiêu tấm lòng.

Thật đã đáng lấy làm kinh khủng cho người nghe, khi chỉ thoáng một cái đã phải nhận định cho ra nhiều thứ đến thế. Nhưng đâu đã hết! Còn phải nhận định ra sự phải trái “Nói phải củ cải nghe cũng lọt”; “Nói phải gãi chỗ ngứa”, nhận định ra sự hay dở: “Nói hay hay hơn nói”; “Nói dở như cám hấp”; nhận định ra sự dại khôn:

Ai mà nói dối cùng ai
Đến khi nói dại mặt ngay cán tàn.

Nhận định ra sự thật dối:

Ai mà nói dối cùng ai,
Thì Trời giáng hạ cây khoai giữa đồng.

Và nhận định ra sự xấu tốt: Nói xấu nói tốt.

Thuộc phạm vi của sự nói lời ấy, để đặt vào trong vòng nhận thức như vậy, ta thấy còn hết sức nhiều nghĩa nữa.

Ở khía cạnh trình diễn trên sân khấu ta thấy:

NÓI LỐI là nói những lời dẫn thính giả đến một câu hát ở trên sân khấu. Những lời dẫn ấy kể lể đến truyện tích lịch sử là nói sử, than thở về thân phận hẩm hiu của con người là nói than, kết cấu về những sự việc đã qua là nói vãn, mà nói thành những câu có vần là nói vè hay nói dáo vè. Tất cả đều không phải là hát nói. Hát nói lại là tên một điệu hát Ả đào sau câu mưỡu, để tác giả nói lên cái ý mình cho cô đào hát.

Thuộc phạm vi sự nói lối để trình diễn trên sân khấu này, còn có nói bông lơn do một vai hề khích bác để làm vui cho thính giả trong khi sửa soạn nghe một điệu hát mới; lối nói ấy cũng gọi là nói bông phèng. Tỷ dụ như: Đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương vậy.

Thuộc phạm vi mỹ từ pháp thì có:

Nói chữ không hẳn là nói toàn chữ trong sách, mà còn như người ta thường bảo nói dài dòng văn tự, nó là một cách dẫn điễn này tích nọ mãi rồi mới đến một kết luận nào, Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Nói chữ theo thời nay còn có nghĩa là văng tục: nhà văn có khác, thích nói chữ thế! Nói chữ ở đây có nghĩa như xổ Nho vậy.

Nói lái là nói đảo ngược tiếng cho âm tiếng nọ vào với bộc âm của tiếng kia va đổi cả thanh nữa, cho người nghe vô tình không hiểu ngay ý của người nói: Mịt quả mốt là một quả mít. Còn nói lỡm thì lại là một cách nói để bẫy người ta cho bị hớ mà cười: Như chuyện Trạng Quỳnh thấy bà Chúa đi trên đường thì chạy xuống ao khỏa chân. Bà hỏi Trạng làm gì thế? Trạng đáp: Ấy, tôi chẳng có việc gì làm thì xuống ao đá bèo chơi!

Kể vị trí của kẻ nói và người nghe thì lại có:

Nói leo là chưa được địa vị xứng đáng đã dám bày tỏ ý kiến: trẻ con đừng nói leo vào chuyện của người lớn; và người ta thường mắng là: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nói hỗn, nói láo là nói leo mà còn có ý xấc với người trên. Nói mất lựa là nói với những chưa xứng đáng. Nói khó là tự hạ mình để xin cho được việc: Nói khó cho qua buổi chợ. Nói khan là nói tâng bốc người (không giống với nói nựng là uốn giọng để hỏi chuyện đứa trẻ đang tập nói. Trẻ lên ba cả nhà học nói, là vì thế: Âu! Âu! ác gai bạo mày là coong tó đấy mà!). Nói nhũn là nói điều không gây gổ để hòa giải và cho xong việc. Nói hớt là nói trước cái điều người ta sắp nói đến: Rõ nam mô hớt chửa! Nói đỡ lời là ngắt ngang câu nói của người khác để thêm ý ào cho lý luận vững chắc hơn. Còn trẻ con mà cũng giở giọng giảng luân lý như người đã cay chua nhiều với cuộc sống, thì là nói như ông cụ non.

Kể về nội dung câu chuyện thì có:

Nói thật là trình bày sự thật, ngược lại, giấu giếm sự thật đi là nói dối.

Đi nói dối cha, về nói dối chú.

Nói ngay cũng là sự thật thế nào thì nói ra thế. Nó gần đồng nghĩa với nói thẳng. Nói thẳng là nói không rào đón, không sợ mất lòng như nói toạc móng heo. Còn nói cho phải xấu hổ và mang tai mang tiếng, thì là nói ngay vào mặt, nói vỗ vào mặt, nối đốp vào mặt, nói giữa dạ. Nói đúng là trình bày rõ ý người ta nghĩ hay rõ sự việc xảy ra, ngược lại là nói sai. Nói sai là nói không ngờ toàn điều lầm lạc điều lầm lạc cả. Nói điêu hay điêu toa là cố ý nói sai, dành riêng cho kẻ ít tuổi, kẻ ở bề dưới. Còn người lớn và bề trên thì là nói dối. Nói lầm là nói không đúng cách. Nói lẫn là trỏ người già cả nói câu được câu chăng. Nói gở là nói những gì không hay nó vận vào mình hay vào người, khi gặp người lỡ nói như thế thì người ta phải thui cái xui xẻo ấy đi và gọi là nói phỉ thui hay nói dại nào! Nói dại là nói những điều lỡ xảy ra thật thì tai hại, trong còn hàm ý mong không xảy ra: nói dại, cháu có bề nào thì xin bác gỡ giùm cho. Nói khôn là nói những ý hay và phải. Nói phải là nói đúng lẽ như vậy. Còn phải nói là có ý kiến cần phải trình bày ra. Nhưng hiểu về nội dung câu chuyện thì người Việt Nam đã không chịu hiểu một cách quá đơn giản đâu. Người ta đã hiểu theo cái lối vẫn nói là con ruồi bay qua mà biết được con đực con cái kia.

Riêng về mục nói sai đã có:

Nói mò là đoán sai và nói sai hết sự thật “ăn ốc nói mò”.

Nói không là việc biết rằng không có cũng cứ nói là có, còn gọi là nói chua sinh chua tử là ăn không nói có hay nói dựng đứng, muốn nói không làm chồng mà nói. Nói vu cũng có nghĩa ấy là không có mà đổ diệt tội lỗi cho người. Gặp trường hợp này thì người ta sẽ nguyền rủa: Một lời nói một đọi máu, ấy là rủa rằng hễ nói không và vu oan thì hộc máu mồm ra. Nói ngoa là có ít xít ra nhiều, thổi phồng câu chuyện cho thêm to, thêm quan trọng: Muốn nói ngoa làm cha mà nói.

Nói quấy nói quá là chỉ nói qua loa đại cương và vùn vụt như gió không có gì rõ ràng cả:

Tay mang túi bọc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm.

Nói phiệu hay bố phiệu là chỉ nói vẩn vơ, không có gì đích xác cả.

Nói đi nói lại là chỉ người tiền hậu bất nhất không giữ lời hứa:

Quân tử nhất ngôn là quân tử dại
Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.

Khiến người ta phải rao hẹn: Thôi nhé, đừng có nói oong đơ gì nữa đấy! Do chữ Pháp oong đơ nghĩa là một hai. Nó không giống hẳn với lời nói đi thì nhẹ, lời nói lại thì nặng, vì bị thêm thắt khi có người nhắc lại. Cũng không giống với nói nước đôi hay nói phân hai là nói lưỡng để đàng nào mình cũng phải: Tài trai nói phân hai dễ chối.

Nói giăng nói cuội là nói toàn điều sai lầm dối trá cả (do tên Cuội là nhân vật trong chuyện cổ tích chỉ chuyên nói dối).

Đến mục nói thêm lên và thổi phồng sự thực thì có:

Nói khoác hay nói khoác lác khuếch khoác hay nói một tấc đến giời là khoe những cái tài mà mình không có.

Cấm người giả lịnh giả thị
Chẳng ai cấm người mang bị nói khoác.

Nói cha hươu mẹ vượn là nói dông dài nói toàn điều vớ vẩn chẳng biết đàng nào mà tin được nữa. Nói thánh nói thần hay nói trên không chằng dưới không rễ cũng có nghĩa ấy. Đó là cái lối nói mà không biết ngược.

Nói phách hay phách lối là khoe cái địa vị và quyền lực mình không đáng. Nói hợm là có địa vị và quyền lực nhưng hay khoe để khinh người; còn nói phét là chẳng có gì cả mà dám khoe khoang. Ấy là cái lối:

Nói thì đâm năm chém mi
Đến bữa tối trời chẳng dám ra sân.

Cũng là cái điệu nói ba hoa chích choè như thế không ai tin được, nhưng quá đáng lắm, quá đáng đến độ cả ông trạng như Trạng Quỳnh, cũng không nói được, thì người ta bảo: Nói như trạng mẹ nghĩa là cái ông trạng còn đẻ ra được ông Trạng kia. Và nói vơ vào để khoe hay khoe giỏi cho thiên hạ chẳng ai ra quái gì hết, hay là chỉ để cho vui, thì là nói mỹ tự: Ấy thằng chú Huyên nó nhà tôi cũng có cái áo mưa kiểu ấy, nhưng toàn đi xe hơi thì có được dùng đến lần nào đâu! Nói mỹ tự cũng là nói mẽ. Còn chỉ vơ vào để cầu lợi là Nói giọng kẻ Bưởi cuốc vào: Áo này tôi mặc vừa đáo để. Bác định cho tôi ấy à?

Đến mục nói để thêm oai, mà bây giờ người ta gọi là để lấy “le”, thì có:

Nói hống hách là nói lời nạt nộ: Ông ấy hống hách gớm nhỉ. Nói dõng dạc là nói dằn từng tiếng cho người ta nghe rõ để mình thêm oai. Và để cười cái oai ấy, cả những điệu bộ ấy, người ta mỉa mai là Nói như ông tướng Quảng Lạc (do tên rạp hát tuồng Tàu ở Hà Nội hồi đệ nhất thế chiến, người ta thích đến xem các ông tướng diễu võ dương oai). Nói dọa là nói để cho người ta sợ. Nói đe là dọa đánh đòn trẻ con để cho nó vào khuôn phép. Nói ức hiếp người ta để lấy phần nói phải là nói đè đầu đè cổ, nói như cha người ta ấy. Hễ không nghe lại còn được thể để bảo là nói như nước đổ lá khoai, như nước đổ đầu vịt. Nói sẵng là nói gần như măng mỏ. Còn mắng mỏ không tiếc lời là nói như táo đổ mặt mâm, nói như chan cánh canh đổ mẻ vào mặt, mà nói chẳng còn dành một chút tử tế nào với nhau nữa, là nói cạn tàu ráo máng.

Đến cái mục nói khéo thì là:

Nói rắn trong lỗ bò ra nghĩa là khéo đến độ người ta không bằng lòng cũng phải thuận theo, như con rắn nằm yên trong hang mà cũng phải bò ra vậy.

Nói như rồng cũng là nói khéo như thế. Đó là cách người ta gọi là nói như khướu bách thanh trong còn hàm thêm ý mỉa mai nữa. Nói xẻ cửa xẻ nhà là làm như thương yêu quý mến nhau lắm để chia sẻ cơm áo cho nhau đấy, nhưng kỳ thực là hão cả, cũng như nói nhân nghĩa và Tú Đễ [1] , người ta thường bảo nói trăm voi không được bát nước sáo. Và người nói ấy được người ta cho là đồ bẻm mép để sẽ tìm cách mà nói chữa thẹn. Nói vuốt đuôi là nói tử tế lại sau khi đã có thái độ không tốt với người. Nói đãi bôi là nói lời ân nghĩa thủy chung chẳng phải tử tế gì với gia chủ mà chỉ để nói cho lọt miếng xôi trôi miếng thịt mà thôi. Nói có duyên là nói vui, dễ nghe và ai cũng mến. Nói vụng (hay vụng về) là nói mà để nhiều sơ hở thiếu sót, không phải nói vụng (trộm) là nói lén.

Còn nói để đấu khẩu thì lại tinh vi ghê gớm lắm. Khi tự vệ thì dùng một chiến thuật. Khi tấn công lại dùng một chiến thuật khác. Có khi tưởng là tự vệ mà hóa ra lại tấn công lúc nào không biết đấy, chẳng hạn như:

Nói mát là nói vứt mình đi, để tâng bốc người ta, mà làm người ta phải đau đớn. Thí dụ như: Ấy bên bác thì có bao giờ phải ăn đến rau muống! Nói mỉa là dài môi nhắc lầm lỗi của người ta cho phải xấu hổ!

Nói xa nói gần là kể những chuyện đâu đâu ấy cho người ta nhẩn nha.

Nói bóng nói gió hay nói xa xôi bóng gió, nói xỏ, nói xiên, nói xéo, cũng vậy. Đó là lối nói:

Sấm bên Đông động bên Tây
Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng.

Sự động lòng ở đây, người ta còn cụ thể hóa hơn một tầng nữa, để gọi là nói trúng tim đen, nói lật tẩy, nói chạm nọc, chạm vía.

Nói chạm vía là nói xa xôi để nhắc đến những lầm lỗi kín đáo của người ta cho mà sợ hãi. Không giống với nói trộm vía là nói lén với nhau sợ có điều gì gở: Nói trộm vía, thằng bé lớn như thổi!

Nói bâng quơ là nói không chỉ đích người nào, nói cứ lơ lơ lửng lửng làm người ta tức anh ách, mà không lẽ ra miệng thế nào bây giờ! Cũng là nói Đổng Kim Lân do tên một võ tướng trong tuồng San Hậu hay diễn vào dịp đầu năm cho người ta đi xem để bói tuồng. Vai tuồng chắc hay nói bâng quơ, nói lơ lửng giữa trời, nên tên mới được dùng thành một phẩm từ như thế. Nói ậm ừ là nói nửa ra nhận mà nửa ra không, nói ỡm ờ lại là nói cợt nhả lẳng lơ, còn nói lửng lơ hay lơ lửng hay thêm nữa nói lơ lửng con cá vàng là nói giữa trời để ai có tật giật mình. Chính nó là nói buông lơi, nói phất phơ, nói chơi, nói chuyện phiếm và nói mà là không nói, không nói mà là nói vậy.

Nói xin ông (hay bà) để ngoài tai thì thật ra đã đáng tức cười vì người ta làm như vậy có thể gắp được những lời gì bỏ vào trong hay bỏ ra ngoài tai vậy. Chính ra thì đây là một cách nói xin lỗi trước về những lời sắp nói ra, nó sẽ có thể chướng tai và phật lòng ông hay bà đấy. Nói khi vô phép, nói bác tha lỗi, hay nói thế này khi không phải, đều là một công thức như nhau cả. Nói phòng hờ: hay phòng xa, hay nói thòng là nói khôn, phòng xa đến cả trường hợp có thể sẽ xảy ra khác nữa.

Nói buông lửng là nói một phần thôi, còn phần sau để người ta phải đoán ra. Nói hồ đồ là nói bậy bạ lung tung không có giá trị. Nói hàm hồ là nói đụng chạm đến nhiều người làm mất cả hòa khí, gần giống như nói đổ cả hương án bàn độc. Nói đổ cả hương án bàn độc là nói lời bạc bẽo làm mất cả cái tử tế của người.

Nói có quỷ thần hai vai là vừa nói vừa thề, với lời cầu xin quỷ thần chứng giám cho lời nói đúng.

Nói có vong hồn của ai đó vừa là nói vừa cầu vong hồn người quá cố làm chứng cho lời nói đúng.

Nói có ngọn đèn tắt tôi tắt là vừa nói vừa thề độc đến có thể chết được nếu sai sự thật. Nói của đáng tội là nói cho phải giá không thêm bớt: nói của đáng tội thì anh ta cũng có bụng tham.

Thật chưa có tiếng nôm nào lại nhiều nghĩa linh động đến như thế. Nói đâm hông là nói xa xôi nhưng đau đớn như xiên vào hông người ta; không giống với nói đâm ngang hay nói ngang là nói bẻ quẹo câu chuyện để lảng ra phía khác.

Nói ngang cành bứa, ngang như cua lại là nói bướng, không đúng lẽ và chướng tai; người ta còn gọi là nói cù nhầy và bảo nói với nó như đánh bùn sang ao hay tức quá thì bảo: nói với nó như đánh bùn sang ao hay tức quá thì bảo: nói với nó thà vạch đầu gối ra mà nói chuyện. Nói đay hay nói nghiến là day dứt cho người nghe phải đau buồn khổ sở; nói đay nghiến như dứt từng miếng thịt; nói nghiến như một ấy không sao chịu nổi! Nói móc họng là nói phăng ngay cái xấu mà đối phương giấu giếm để không còn mở miệng ra sao được nữa.

Nói xóc óc, lộng óc cũng là ý ấy. Nói châm nói chọc hay nếu trêu còn thêm ý để cười nữa. Nói đâm bị chọc thóc bị gạo thì lại là khích bác bên này một câu, bên kia một câu, cho người ta cãi nhau. Đó là cái lối suỵt chó vào bụi rậm, hay ném xương cho chó cắn nhau.

Xem thế đủ biết thủ đoạn của người Việt Nam về phương diện nói thật đã là cao cường vậy.

Nói dèm là viện dẫn các lý do để chê bai. Nói xiểm là dèm cho người ta ghét kẻ khác. Nói lảng là thấy vẻ không thành thì liệu đi tới đi lui, nói thách là đặt giá cao cho người ta mặc cả dầu. Bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ. Nói thớt cao dao bầu cũng cùng một ấy, nhưng có ý mỉa mai; nói một giời tiền cũng vậy, nhưng còn thêm ý chê trách. Nói hờ là lỡ ra giá quá thấp một món hàng. Hiểu rộng ra là lỡ nói điều thiệt cho mình. Nói vào nói ra là đưa những ý kiến lôi thôi rắc rối cho người ta ngã lòng.

Cũng thuộc về mục đấu khẩu, lại còn cái trò nói đưa hơi là nói để cho phải bốc nóng lên mà xông ra cãi nhau hay đánh nhau. Không giống với đưa lời: Mượn chén đưa lời là cái cách giả say rượu để thóa mạ người mà nếu có bị bắt lỗi thì vẫn có cớ để không phải chịu trách nhiệm, vì ai cũng cho rằng: nói với người say như vay không trả, và người giả say thì sẽ: ấy xin lỗi các ngài, rượu nó nói đấy ạ!

Những mánh khóe của người Việt Nam thật đã man mác nhiều vô kể. Có khi đóng cửa ở trong nhà nói nhau, mắng mỏ chửi bới nhau, mà lại là để cho người hàng xóm nghe, lấy làm hết sức đau đớn. Đấy là cái phép “Trong dậy ngoài lậy”để làm người ta chết điếng đi. Có khi là đá thúng đụng nia, chửi mèo quéo chó. Không còn biết đâu mà lường được nữa.

Nói rào đón là ngăn ngừa những ý nghĩ gì người ta có thể nghĩ được về câu chuyện mình sắp nói để bác và chặn trước đi. Nói thớ lợ là nói giọng tử tế ngoan ngoãn bề ngoài cho người ta thương mến và không chê trách được mình. Nói đưa đẩy hay đưa đà là bắt đầu với những lời ngoài lề cho thêm mạnh miệng. Còn có sao nói vậy là nói nỡm ra. Nói ướm hay nói dạm là đưa thử một vài ý kiến để dò tình ý đối phương. Nói mà không hy vọng được còn nhờ may là nói Gia Cát cầu phong.

Đến mục nói chuyện thường thôi, cũng có những lối thật là lạ. Nói tào lao là nói không thành câu chuyện đứng đắn gì cả. Nói thao thao là nói trôi chảy. Nói ấp úng hay ấp úng như ngậm hột thị là nói bối rối không được ý nghĩ gì rõ ràng, cứ ngập ngà ngập ngừng hay dấp da dấp dính mãi. Nói ấm ớ hay nói ấm ớ hội tề là nói lưỡng lự không rõ ý muốn dứt khoát là trắng hay đen. Gốc ở tiếng hội tề là tên tổ, chức hành chính ở vùng giữa khu kháng chiến và khu đã theo Tây mà người trong tổ chức ấy đã không dám có thái độ dứt khoát ngả theo phía nào. Còn nói rối mù lên chẳng đâu vào đâu cả là nói ba sí ba tú. Nói úp mở là nói nửa thực nửa hư, để đối phương thoáng nhận ra.

Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay không phải để dành riêng cho giới tu sĩ mà để kể chung mọi người khi nói tranh nhau lấy phần phải về mình. Còn người ta nói một đàng lại hiểu quàng một nẻo thì là Ông nói gà bà nói vịt.

Nói đưa đẩy hay đưa duyên là lựa ý người nghe mà nói cho vui vẻ cả làng. Nói xuôi theo là theo lời và ý của người ta mà tán thêm. Chính đó là nói lựa. Thầy bói nói dựa. Nói cho sướng miệng, nói thích khẩu, nói lấy được là láy đi láy lại mãi để mắng mỏ, dạy khôn hay để lấy phần phải về cho mình, khiến người nghe sốt ruột lên, còn để nhấn mạnh cho người ta thấy lời mình đoán hay ngừa trước đã rất đúng, thì người ta lại bảo: Mồm mẹ mẻ nói không sứt.

Nói lấp liếm theo lối cả vú lấp miệng em là nói không ngừng cho người ta không kịp lúc nào cãi lại được nữa. Nói như đinh đóng cột. Nói chắc như cua gạch là nói nhất định hẳn một chiều, không gì lay chuyển được ý định nữa.

Nói để bụng là nói mà đừng nhắc lại. Nói để đấy là hứa hẹn mà chẳng bao giờ làm theo, đó là cái chuyện lời nói không đi đôi với việc làm của các vị “chính khách” và nói trước quên sau. Người ta sẽ chép miệng bảo: Nói vậy biết vậy! Nói có sách mách có chứng là trình bày câu chuyện thật rõ ràng có chứng cớ hẳn hoi không cãi vào đâu được, cứ ắng: người ra, cho người ta cười là ăn làm sao nói làm sao bây giờ?

Nói vanh vách là nói hết những điều người ta tưởng giấu được: Đạp đồng lên, nó nói vanh vách như mẹ Ranh ấy.

Nói cho ngay là tiếng của miền Nam tương đương với nói cho đúng của miền Bắc; đó là một thành ngữ để trợ từ, thực không cần phải có công dụng trong câu, chỉ là để có thêm một chút thời gian suy nghĩ. Cũng như nói chung và nói riêng cho phép người ta phát ngôn trước công chúng dùng để lời nói thêm lưu loát. Nhưng lâu dần thành bệnh để những viết cũng lại cứ nhai nhải nói chung với nói riêng! Miền Nam nói chung, xã hội Saigon nói riêng rồi lại xã hội Saigon nói chung, dân chúng đô thành nói riêng… thật là sốt ruột vậy.

Đến cái mục đàm thoại để cho vui mà bây giờ được người ta gọi là đấu hót là bốc lê xa bút (đánh võ mồm) hay bốc thối bốc thơm thì nói chơi là để cho vui:

Nói chơi cho đỡ vui lòng
Ăn có chốn tựa loan phòng có nơi.

cũng cùng một nghĩa với nói bỡn, nói cợt:

Nói bỡn mà chơi nói cợt mà chơi
Áo ai người mặc có mùi gì đâu.

hay nói đùa, nói giỡn, nói bông, nói bông phèng cũng vậy, hay quá hơn nữa là tán gẫu, tán hươu, tán vượn và có vẻ Tây hơn nữa là tán phó-mát nghĩa là tán để ăn phó-mát hay tán để nghiền bột cục phó-mát ra cũng được cả. Vì phó-mát lại là loại thực phẩm nặng mùi như mùi mắm tôm của ta, nên tán phó-mát còn hàm thêm ý tán thối nữa. Nói lần khân là dùng lối cợt nhả để trì hoãn một công việc. Nói bờm sơm là lợi dụng lúc vui để leo thang câu chuyện mà người ta vẫn mắng là chơi chó, chó liếm mặt đấy. Nói lươn khươn là nói lòng vòng rồi cũng đến đích. Nói đểu là nói một cách thô bỉ cho đến người ta có thể mắng là đồ ăn nói mất dạy. Nói tục là dùng lời thô bỉ nói những chuyện tục tĩu như chuyện tiếu lâm tân thời chẳng hạn.

Đến mục thể cách nói, để giao thiệp ở đời cho người ta khỏi chê là ăn không nên đọi nói chẳng nên lời thì:

Nói mớm là nói để dọ ý và khích cho người nghe phải bộc lộ ý mình ra. Nói mớm là truyền thụ khéo những lời khôn cho kẻ khác nói.

Mái bên gió đã bồi hồi
Kìa ai vú lép mớm lời cho con.

Ấy là cái cách nói vẽ đường cho hươu chạy.

Nói dè chừng là nói ngừa trước những việc không hay:

Sinh rằng hay nói dè chừng
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao.

Nói dai hay nói nhai nhải là nhắc đi nhắc lại mãi chỉ có một câu chuyện đó thôi: Nói dai như chó nhai giẻ rách, nói dai như chão rách. Tức cũng là cách nói lài nhài, nói rặng đa bà cụ vậy. Nói cộc lốc hay nói trống không là nói hỗn hào không thưa gởi lễ phép gì cả. Nói xách mé cũng vậy. Nói thô là nói không lựa lời cho dễ nghe; ấy là cái việc mà người ta gọi là Nói cộc cằn, nói như dùi đục chấm mắm cáy hay là ăn nói dóng một. Nói đâm ba chẻ củ là nói châm chọc một cách dấm dẳn cho ai cũng phải có chịu. Nói nhảm là bộc lộ những gì không nên cho biết: Im đi nói nhảm nào! Còn nói lảm nhảm là nói một mình những chuyện không ra đâu vào đâu cả: Ông ta bây giờ đã giở chứng, cứ nằm nói lảm nhảm suốt ngày. Nói lẩm cẩm cũng là ý ấy để trỏ người già lão nói lẫn lộn lung tung? Nói quàng hay bắt quàng hay nói đầu cua tai nheo là đương chuyện đằng này dằng dây qua chuyện khác. Không như nói quàng xiên là nói điều càn dỡ, láo lếu, bậy bạ.

Nói bạo là nói ra vẻ ta không sợ gì cả.

Nói liều là biết rằng đáng sợ nhưng cũng nói bừa đi. Nói nhăng, nói ẩu tả, nói sàm, nói tầm bậy, tầm phào là nói không nghe được, nói không lọt lỗ tai:

Hâm rằng ông quán nói nhăng
Dẫu cho hay lắm cũng thằng bán cơm.

Đó là những nghĩa dễ hiểu về nội dung, trong mục nói lời.


B. Nói tiếng

Qua mục nói tiếng để hiểu về hình thức, ta thấy cũng man mác nhiều nghĩa lắm.

Nói tiếng là phát ra một âm thanh, chưa cần có bao hàm một tình ý gì cả.

Tiếng nói là cái âm thanh ấy:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe

Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu.

Chơi thì chơi chốn thập thành
Lời ăn tiếng nói nhẹ mình như tên.

Nói năng là biểu lộ một âm thanh:

Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Ăn nói cũng là phát biểu ý mình qua âm thanh ấy; Con bé này, ăn nói mới hay chứ!

Nói tiếng ta, tiếng Tây, tiếng Tàu là dùng tiếng nói của ta hay của người ngoại quốc: Cô ta nói tiếng Mỹ như gió. Còn nói tiếng Tây giả cầy là nói pha lẫn cả tiếng ta. Bây giờ lại có thêm một tiếng lóng nữa: nói tiếng Đức, ấy là nói văng tục có những tiếng gì viết đầu bằng chữ Đ đấy. Nói lóng là nói những tiếng chỉ riêng cho một giới nào hiểu. Nói nhỏ là nói cho vừa tai người lắng nghe. Nói nhỏ nhẻ hay thỏ thẻ lại là cố ý làm cho lời nói êm ái dịu dàng dễ thương: Nó nói nhỏ nhẻ (hay thỏ thẻ) như con gái ấy. Còn gọi là nói ỏn ẻn. Nói thầm là ghé miệng vào tai mà nói cho lời nói không thành ra tiếng khiến người khác không nghe được.

Nói xôn xao là nhiều người cùng nói một lúc khiến người nghe không phân biệt nổi là nói những gì:

Trong nhà người nói xôn xao
Nào con nào mẹ ồn ào gọi nhau.

Nói léo xéo hay léo nhéo là nói không thành câu chuyện gì từ ở đàng xa: Tôi cũng thấy họ nói léo xéo cái gì mất cắp mất trộm đấy. Nói to, nói lớn là phát ra những tiếng lớn. Còn nói lớn lối lại là không có mà nói thêm lên cho ra vẻ hống hách, cũng như phách lối vậy. Nói nặng là nói giọng trầm nghe thấy vẻ vất vả: Nói nặng như dân làng Bịu (không phải nói nặng lời là sỉ vả) “Giợi đật ơi, tội như đêm dây như đật thệ này, thì đi đâu được”. Nói ngọng là vì bộ máy phát âm hư hỏng nên nói không đúng tiếng người ta thường phải nói. Nói sõi là nói rõ ràng từng tiếng một: Thằng bé nói sõi đáo để. Nói lơ lớ là nói gần gần giống giọng: Anh ta nói lơ lớ giọng Tàu. Nói bập bẹ là nói được một vài câu gần giống tiếng người bản xứ: Anh ta dạo này đã nói bập bẹ được ít tiếng “Cám ơn ông”! Nói lắp là nói líu ríu mãi mới bật ra một tiếng. Nói lắp bắp hay lắp ba lắp bắp là mấp máy môi cho tiếng nói cứ ấp úng trong miệng không phát ra được rõ. Nói lẩm bà lẩm bẩm cũng vậy. Nói bí ba bí bô là trỏ những con trẻ mới. Nói nhiều, nói lắm là nói luôn miệng:

Cách bức chẳng được nói luôn
Những người bên ấy có buồn cùng chăng.

Nói chậm nói nhanh là quen tính cho nhịp điệu của tiếng nói phát ra chậm hay nhanh.

Nói như pháo ran là nói lép bép, nhiều, và nhanh như pháo nổ.

Nói dàn cung mây là nói lung tung cả, cho người ta gọi là cái máy nói. Nói như khướu bách thanh là nịnh nọt như khướu hót bên tai. Còn một tiếng mới nữa vừa thịnh hành, ấy là nói như vẹm nghĩa là nói dối cứ xoen xoét mà vẫn ra vẻ có lý đáo để.

Nói xoen xoét hay lem lém là nói trôi như nước để chối cãi một điều gì. Nói dấm dẳn là nói không trôi chảy, tiếng nói có vẻ gì như dúm dó từng quãng nói dấm dẳn như váy ba bức, hay dấm dẳn như chó cắn ma. Nói trơn là nói không vấp váp tức là nói giảo hoạt: nói trơn như nước chảy.

Nói lè nhè là dài môi nói giọng người say rượu.

Nói nhịu là nói lẫn tiếng sang những tiếng tục: Gái đẻ không nên nói chuyện với người ở cách phòng, kẻo về già sinh ra nói nhịu.

Nói đớt là nói có vẻ gì ngường ngượng ở miệng, không hẳn là nói ngọng nhưng cũng không hẳn là nói đúng. Nói thơn thớt là nói trơn tru tử tế ngoài môi:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

Nói thẽo thọt là nói buông lỏng những tiếng ra khiến sai cả thanh âm và không thành câu cú gì cả.

Nói ú ớ là nói ấp úng trong miệng, tiếng nói không thành ra được: Người gần chết thì nói ú ớ.

Nói khàn khàn như vịt đực là nói cho tiếng phát ra nhiều bằng cổ họng.

Nói pha tiếng là bắt chước một cách vụng dại tiếng nói của người ta, để cho thành trò cười: Chửi cha không bằng pha tiếng. Nói nhại là bắt chước đúng giọng và tiếng nói của người. Nói trại là nói chệch tiếng đi vì vô tình hay cố ý. Nói trọ trẹ là nói giọng người địa phương xứ Nghệ, uốn lưỡi nhiều và nặng: Môn là cựa, cựa ra cựa vô, không phại là cựa ga cựa vịt. Nói ra miệng là bộc lộ một mưu định.

Còn nói đi không phải vừa nói vừa đi, mà là giục nhau phát biểu ý kiến, và đi nói theo miền Nam lại là đi hỏi vợ.

Học nói là tập phát âm: Trẻ lên ba, cả nhà học nói. Nhưng học nói cũng còn là học cách nói năng cho khéo léo nữa: Học ăn học nói cho tầy người ta.


C. Nói điều

Đến cái mục khác là mục nói điều, thì nói điều là kể về cái khía cạnh hay dở xấu tốt nào đó.

Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Nó cũng có nghĩa là nói đến cái gì hay hay dở dở: Chúng tôi nói điều gì không phải, xin các ngài đánh chữa đại xá đi cho!

Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.

Có khi cái điều ấy là một câu chuyện:

Khôn ngoan chẳng lọ là nhiều
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn.

Bởi vậy Nguyễn Du mới có quyền viết:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nói người là kể xấu người:

Nói người chẳng ngẫm đến ta
Thử sờ lên gáy xem xa hay gần.

Người ta nói là thiên hạ xầm xì bàn tán: Người ta nói đã rát cả tai ra đấy. Nghe nói là hình như có ai nói thế: Nghe nói bây giờ cô ấy lấy Mỹ.

Nói chuyện là kể lể và có sự đáp ứng nhau về một sự việc đã xảy ra. Còn kể truyện chỉ là một người biết truyện và kể lại bằng văn xuôi hay văn vần.

Nói vậy là thành ngữ để kết luận mà chiều hướng lại khác với dự tưởng của người ta: Nói vậy, chớ tao mặt nào làm như thế! Nó đồng nghĩa với tiếng tuy nhiên hay giản dị hơn và nôm na hơn, là nói thì nói chờ đời nào tao làm thế.

Nói vậy không thể lầm với tiếng vậy không thôi, là tiếng để kết luận theo chiều hướng lý luận đã dẫn.

Vậy, xin các bạn đọc ghi nhận cho: tiếng nói của một nước mà nhiều nghĩa đến như thế, thì đủ rõ đời sống tinh thần của nước ấy phong phú thế nào.

Và bạn đọc khi công nhận điều ấy là phải, thì sẽ trả lời: Thôi, còn phải nói! Nghĩa là: Thôi, điều ấy còn cần gì phải nói nữa, điều ấy thì khỏi phải nói, hay hết nước nói rồi, de người ta dịch ra tiếng Tây giả cầy là “phi-ni lô đia” vậy.


[1]Bà Tú Để chắc xưa là một người khéo nói và giả nhân giả nghĩa giỏi lắm nên mới nổi tiếng như vậy.
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ nhất tam cá nguyệt 1967, tập 1, trích từ trang 12 đến trang 30. Chi phiếu, bưu phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng. Thư từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trực tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. Giá 30 đồng.
Bản điện tử do talawas thực hiện.