truyện / tuỳ bút
Võ Phiến Cách mấy hơi thở
Vẫn biết tự dưng một kẻ vớ vẩn cất tiếng ong óng ca ngợi Lý Bạch thì rất lố bịch, nhưng tôi không cầm lòng được: Tôi mến ông cụ quá. Không phải mến vì thơ ông hay. Hay thì xưa nay thiên hạ đã khen hết lời; những người giỏi giang nhất, thông hiểu nhất, đã nói tới nơi tới chốn rồi. Giờ cứ lải nhải nói hoài về cái hay của thơ Lý Bạch — nhất định ra rả không chịu ngừng — thì đó là một tai hoạ cho đời. Vậy xin phân bua ngay: Sẽ xin không có chuyện thơ văn, chỉ có chuyện con người thôi.
— Ấy mới là chỗ đáng thắc mắc. Lý Bạch đã sống và đã chết cách nay hơn nghìn năm. Ngót nghìn rưởi năm. Thơ văn ông còn đó để làm căn cứ khen chê; chứ con người họ Lý đã tan rã từ khuya, lấy gì làm đối tượng để yêu với mến?
— Ở nơi con người, chết rồi thì thân xác tan rã, chứ cái cốt cách không tan rã theo...
— Cốt cách là món gì? Thôi, không nên cù cưa. Bạn có ý gì kha khá, nói phứt ra nghe chơi.
— Này nhé. Lý Bạch với Đỗ Phủ vẫn thân thiết, gặp nhau là ríu rít câu qua câu lại, trao đổi hào hứng. Nhưng mỗi bên một phong cách. Lý phơi phới, vung bút lên là viết phăng phăng; Đỗ tính tình thận trọng, cân nhắc từng lời. Một hôm Lý tình cờ gặp Đỗ trên núi, đang ngồi ăn bữa trưa. Trông bạn gầy ốm, Lý có bốn câu chế giễu, đại ý: Người mà gầy guộc thế kia là vì cặm cụi làm thơ kỹ quá thôi chứ gì.[1]
— Đất Tàu mênh mông, ngày xưa không có máy bay không có xe hơi, phương tiện giao thông hiếm hoi, bạn bè ít có dịp gặp gỡ, một hôm trèo núi bất ngờ gặp được ông bạn, trông bạn gầy yếu, đầu đội chiếc nón lá, ngồi ăn dưới trời nắng chang chang; thế mà không ân cần hỏi han, lại cười cợt nhạo báng: Tôi không ngờ Lý Bạch là người như thế. Bạn khéo chọn người để mến...
— Đời nhà Đường thi sĩ đông đảo. Trong số ấy người đời thấy có bốn cặp bạn thân thiết nhất: Lý Bạch với Đỗ Phủ là một trong bốn cặp ấy.[2] Vậy bạn có thể yên tâm: Lý ghẹo qua, Đỗ có bài ghẹo lại ngay, mắng Lý suốt ngày say mèm hát nhảm.[3] Họ vui với nhau, không ai giận ai. Bạn khỏi lo.
— Cổ nhân, mình vẫn hình dung các cụ ai nấy râu ria đạo mạo. Cảnh các cụ nghịch ngợm, đùa cợt hồn nhiên, cảnh ấy ngộ đa.
— Đùa với bạn trên núi chưa phải cái hay nhất. Ai khác thì không dám biết, riêng cụ Lý Bạch có những trường hợp “hồn nhiên” đáng hãi. Ra vào chỗ cung cấm mà có lúc cụ say bí tỉ, phải có người khiêng vào; khiêng vào vẫn cứ li bì thiêm thiếp, vua cho lấy khăn ướt đắp vào mặt mới tỉnh dậy mà làm thơ; lại có lúc nghe trong cung có nàng Sủng Thư người cực đẹp hát cực hay, vẫn được cưng giấu như của quí, cụ Lý yêu cầu cho nghe chính Sủng Thư ra hát, Ninh Vương cũng đành chiều ý. Rồi thấy Cao Lực Sĩ xun xoe đáng ghét, một hôm giữa yến tiệc cụ Lý giả vờ say, đưa chân ra đòi Cao Lực Sĩ cởi giày v.v...
— Ông bạn mến những cái ấy?
— Bạn đừng bắt chẹt tôi. Cụ Lý đã trả giá cho những cử chỉ ngang tàng nọ. Nghe lời gièm pha bất lợi, nhà vua bớt yêu cụ Lý. Cụ hiểu ý, xin cáo quan, vua chấp thuận lẹ làng. Cụ Lý tung cánh giang hồ: Đông Tây Nam Bắc, danh lam thắng cảnh, bạn bè yến tiệc, thơ phú rượu trà... Hơn mười năm trời, cụ tha hồ... Cụ đi luôn một mạch, tới chết.
— Ông bạn mến cái ngang bướng, và mến luôn cái phóng túng lêu lổng?
— Bạn dùng chữ bạo quá. Chẳng qua tôi lớn lên ở chỗ thôn dã, không quen với những kiểu cách tao nhã kiêu kỳ trong giới trí thức cao sang nơi phồn hoa đô thị. Lý Bạch dòng dõi Hưng Khánh hoàng đế (Lý Cảo), lại chữ nghĩa tuyệt vời, danh vọng lẫy lừng, vậy mà cụ xử thế giản dị, tự nhiên. Thậm chí gần như hồn nhiên. Tôi liên tưởng đến các cụ già bình dân xưa kia từng sống với mình ở xóm làng quê hương cũ...
— Ối! Ở làng bạn có ông cụ hồn nhiên nào trông thấy mặt trăng phản chiếu dưới sông mà nhảy xuống ôm trăng chơi không?
— Chuyện bịa, nói đến làm chi. Sự thực trong cái chết của Lý Bạch có chỗ... Chính vì chỗ ấy mà hôm nay tôi muốn nói chuyện với bạn đây...
— Ủa! Tôi thì có gì dính líu vào cái chết của Lý Bạch? Bạn định đặt điều vu cáo gì đấy? Hả?
— Không có gì sôi nổi. Bạn đừng nóng tính. Lý Bạch danh vang rộng rãi, quen biết khắp nơi, lên núi cao có, xuống sông sâu cũng có, nhưng dại dột nhảy sông bắt trăng thì không làm gì có. Năm 62 tuổi, cụ đến chơi tỉnh An Huy; ở đó có người bà con họ hàng là Lý Dương Băng làm huyện lệnh huyện Đương Đồ. Cụ Lý thọ bệnh nằm tại nhà người này. Bệnh trở nên trầm trọng. Lúc lâm nguy, biết không qua khỏi, cụ trao một tập thơ nhờ lo việc in ấn, lại dặn dò muốn Lý Dương Băng đề cho bài tựa. Trối trăn xong, cụ ra đi vĩnh viễn.
— Không có vụ nhảy xuống sông, không có vụ bắt trăng ôm trăng nào cả?
— Tại huyện Đương Đồ cũng có con sông, tức sông Thái Thạch. Lý Bạch qua đời được chôn ở một ngôi mộ bên sông Thái Thạch. Người đời sau có dựng đài kỷ niệm, đặt tên là Tróc Nguyệt đài. Ấy là dựa theo chuyện bịa được truyền tụng trong dân gian thôi. Còn việc cụ Lý lâm bệnh và từ trần thực sự ra sao thì chính ông Lý Dương Băng đã kể trong bài tựa tập di cảo của cụ.
— A!
— Hình như bạn đang có điều suy nghĩ?
— Có. Tôi lấy làm nghĩ ngợi về bạn. Bạn chịu Lý Bạch...
— Tôi chưa từ trần, bạn đã biến dạng tôi. “Chịu” Lý Bạch là thế nào? Chịu, gần có nghĩa là phục. Tôi đã nói rõ: Thơ Lý hay tới đâu tôi không dám có ý kiến; ý kiến về thơ cụ tất phải là phục sát đất. Đàng này tôi chỉ nói về con người cụ Lý: người ấy, tôi mến (không phải phục).
— Thì mến. Mến chỗ nào?
— Đã kiệt quệ, cụ còn thều thào về việc in thơ, về cái tựa cho tập thơ...
— ?
— Bạn nghĩ coi: Thuở sinh thời Lý Bạch phóng khoáng, xem trời bằng vung. Danh vọng là cái gì vậy? Ngay cả cuộc đời cũng chẳng ra cái thá gì, chẳng qua một giấc mộng; tội gì phải nhọc thân vì đời. Suốt ngày cứ say rồi lăn kềnh ra ngủ ngay trước thềm nhà, quên luôn ngày tháng. Tỉnh dậy nghe tiếng chim, hỏi là ngày nào? Có kẻ bảo là ngày xuân đấy. Bèn lại uống rượu nữa, hát nghêu ngao. Hát xong quên tuốt mọi sự.[4]
Lý Bạch là như thế. Người như thế mà đến lúc sát kề cái chết, mấp mé Hư Vô... Xin lỗi. Tôi không dám nghĩ ta chết xong sẽ để lại cái gì: linh hồn linh hiếc, kiếp nọ kiếp kia chẳng hạn... Tôi không dám nghĩ tới cõi này cõi nọ nào cả. Nói gọn: chết là hết. Vậy cụ Lý, tới lúc chỉ cách Hư Vô có mấy hơi thở mà cụ còn lều phều nói về chuyện in sách với tựa sách! Chao ôi.
— Tôi hiểu: Bạn mến cụ Lý vì cụ là đấng tốt lành, thiết tha thương hại hậu thế, lo rằng đám sanh sau đẻ muộn không tìm được thơ hay mà đọc thì tội nghiệp lắm, nên cụ...
— Ý ấy cao thượng đa. Tôi rất ngần ngại, nhưng cũng xin có chút nghĩ ngợi thô thiển. Tôi mạo muội nhận thấy thơ văn có nhiều đọc nhiều, có ít đọc ít, không mấy ai — bất cứ tiền nhân hay hậu thế — vì thiếu thơ văn mà thèm khát khổ sở. Cụ Lý từng sống tất từng biết: Cái niềm vui chung, vui lớn, của chúng nhân, không phải là thơ, mà là... rượu.
— A ha!
— Cụ Lý từng uống bao nhiêu rượu, từng thấm thía cái “hay” của rượu. Thực lòng yêu hậu sinh thì mỗi lần yến tiệc linh đình, cụ nén dành lại một vò rượu ngon, lén chôn giấu đâu đó, hoặc cuối góc vườn hoặc ngoài đồng vắng. Cụ đã lê bước giang hồ khắp nơi; nếu khắp nơi đều có rải rác những vò rượu quí, càng lâu càng quí thêm...
— Bạn vừa thốt ra mấy tiếng “thực lòng yêu hậu sinh thì...”, thế để lại thơ là chưa thực lòng? Vậy bạn mến cụ... A ha! Tôi hiểu...
— ?
— Ha ha! Tôi hiểu, tôi hiểu...
— Bạn hiểu cái gì?
— Tôi hiểu cụ Lý Bạch. Tôi hiểu bạn...
— ?
— Lý Bạch ngông nghênh chê đời như giấc mộng, bất cần mọi sự, ấy là khi còn hưởng đời dài dài...
— Nhưng cụ Lý là cụ Lý, tôi là tôi. Bạn nhập nhằng...
— Thư thả, thư thả. Tôi còn định mở rộng thêm một tí. Cụ Lý, bạn, và tất cả mọi người cầm bút... Hễ ai có viết là có cái túi; túi thơ, túi văn. Đi đến đâu xách túi theo đến đó. Càng lớn tuổi càng khư khư: Lúc trẻ mất túi này còn hi vọng gây dựng túi khác. Đến cuối đời thì người đâu túi đó: ôm chặt cứng. Văn (thi) nhân giữ túi văn (hay túi thơ), như lão Harpagon [5] giữ túi tiền. Tôi hiểu vì sao bạn mến cụ Lý. Tôi cũng đâm ra mến bạn. Những ai có chỗ yếu đuối đều đáng mến. Nhưng... nhưng...
— Gì nữa đấy?
— Cụ Lý, nên mến gấp đôi. Trước, mến vì cái hồn nhiên; sau, thêm mến vì cái lo mất túi. Còn bạn: trước, hình như chưa mấy ai kịp để ý đến tính hồn nhiên (của bạn); sau, bạn chưa đến lúc gấp lo mất túi...
— Chưa đến lúc? Cụ Lý bấy giờ mới lục tuần, chúng ta hiện giờ là đã muộn quá chứ lại. Cụ Lý nằm bệnh ở nhà bà con, chúng ta trôi giạt lêu bêu...
— Cụ Lý phóng khoáng vậy, lúc sắp mất ví đâm khủng hoảng, lo cuống quít: cụ cũng một người như mọi người. Chúng ta lêu bêu trôi giạt, mọi người như một, cùng lo mất ví, vội vàng in ấn tới tấp.
Thôi được: Đáng mến cả.
Tháng 6 – 2007
(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)
_________________________
[1]Nguyên tác:
Phạn khoả sơn đầu phùng Đỗ Phủ
Đầu đái lạp tử nhật trác ngọ
Tá vấn nhân hà thái sấu sinh
Chỉ vị tòng lai tác thi khổ.
Bản dịch của Bùi Khánh Đản (trong cuốn Đường thi trích dịch, nhà xuất bản Văn Học in năm 2006 ở Việt Nam):
Gặp Đỗ ăn cơm bên ngọn núi
Trên đầu đội nón đã trưa rồi
Cớ chi thân thể trông gầy guộc
Chỉ vị làm thơ khổ khắc thôi.
[2]Ba cặp bạn thơ thân thiết khác là: Mạnh Hạo Nhiên với Vương Duy, Liễu Tôn Nguyên với Hàn Dũ, và Bạch Cư Dị với Nguyên Chẩn.
[3]Nguyên tác:
Thu lai tương cố thượng phiêu bồng
Vị tựu đan sa quí Cát Hồng
Thống ẩm cuồng ca không độ nhật
Phi dương bạt hộ vị thùy hùng.
Bản dịch của Bùi Khánh Đản:
Trông ông phiêu bạt tựa thu bồng
Chưa luyện đan sa thẹn Cát Hồng
Suốt buổi say nhè rồi hát nhảm
Với ai hăng hái dở trò ngông.
[4]Nguyên tác: “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Đồi nhiên ngọa tiền doanh
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thán tức
Đối tửu hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình.
Bản dịch của Bùi Khánh Đản: “Ngày xuân uống rượu say dậy nói chí mình”
Đã biết kiếp người là mộng lớn
Sao còn lận đận mãi chưa thôi
Suốt ngày nghiêng ngả ta say khướt
Mê mệt nằm lăn ngủ cửa ngoài
Tỉnh giấc trông ra sân phía trước
Thấy con chim hót giữa hoa tươi
Hỏi nay tháng mấy ngày nào nhỉ
Canh đón xuân sang ríu rít hoài
Ngẫm chuyện xưa nay khơi mối cảm
Rượu ngon lại rót tự mình mời
Nghêu ngao hát mãi chờ trăng sáng
Dứt khúc đà quên hết cả rồi.
[5]Harpagon là nhân vật keo kiệt trong một vở hài kịch của Molière (Pháp, thế kỷ XVII).