Đỗ Long Vân
Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung
8. Tiến tới một sự phân loại
Cái bể võ học chập chùng chẳng biết đâu là giới hạn. Không võ công nào giống võ công nào. Nhưng nếu chưa thể thu ngần ấy cái độc đáo vào một mối, thì trong khi chờ đợi, sao không thể xếp loại chúng? Hình như Kim Dung đã chia tất cả võ công trên đời ra làm hai khối lớn: Âm công và Dương công. Võ công thuộc Âm công thì mau, mềm mại và ác độc; thuộc Dương thì chậm nhưng dũng mãnh và cương trực. Người đời coi thứ võ công này là chính giáo và thứ võ kia là môn. Võ công tuy nhiên chỉ là phương tiện. Khác nhau duy ở mục đích cuối cùng của người dụng võ. Âm hay Dương thì võ công nào mà chẳng giết người. Xem Kim Dung nhấn mạnh trên mọi sự phân biệt giữa Âm và Dương thì người ta thấy rằng tất cả cố gắng của ông là để xem những tiêu chuẩn tự nhiên thay thế cho những tiêu chuẩn nhân văn và đạo lý. Tà và Chính đổi thành Âm và Dương nghĩa là hai mãnh lực của tự nhiên; trong tự nhiên không có Tà và Chính, và Âu Dương Phong và Hồng Thất Công, một người đại diện cho Ác tâm và một người đại diện cho Thiện chí, sau mười mấy ngày đấu liên tiếp, lại có thể ôm nhau để cùng chết giữa lúc tiếng cười của họ càng chấn động cái hoang vu của những đỉnh núi tuyết nghìn năm. Mẹ tự nhiên đã giải hoà hai đứa con xung khắc của mình. Xã hội người đặt chúng vào cái thế tương nghịch. Ác của đứa này tuy nhiên cũng như thiện của đứa kia đều có gốc ở năng tính. Và năng tính giống như một mãnh lực của tự nhiên, trong Kim Dung, người ta biết là bao giờ cũng tốt. Khả nghi nhất là những con người của trí năng. Ấy là những Hoàng Dược sư chẳng hạn. Người đời thường hỏi họ thiện hay ác. Nhưng họ khinh dư luận, coi rẻ đạo lý của người đời và tự đặt những quy luật riêng để hành động. Tham vọng của họ là mang tài mình ra cướp quyền tạo hoá. Không những giỏi võ công mà, trong những lĩnh vực khác, kiến thức của họ thường cũng thâm viễn vô cùng. Ngoài cái tài hoa của một nghệ sĩ, Hoàng Dược sư còn thông thạo trận đồ, kiến trúc và những kỹ thuật làm máy móc. Xa lục địa, trên đảo Đào Hoa, ông xây dựng cả một giang sơn biệt lập cho mình. Cái trí, cái xảo, cái tài hoa ấy tuy nhiên có một cái gì điêu bạc. Những con người ấy quá nhậy cảm và giàu tưởng tượng. Óc của họ không ngừng làm việc, bầy mưu và thiết kế. Làm sao trong sự giao động thường xuyên họ có thể có cái tĩnh cần thiết để tới cái chân nguyên của võ học mà chỉ thông đạt những tâm hồn chất phác và đơn thuần nghĩa là gần tự nhiên hơn? Cho nên những võ công mà chính cái tài hoa của họ làm họ không tài nào luyện được. Và võ công của họ thường cũng mang ấn tích của cái tài hoa ấy mà họ vốn có thừa, nghĩa là phức tạp, khi thực khi hư, mau lẹ và uyển chuyển, nhưng nhu Lạc Anh quyền, đôi khi không khỏi thiếu phần cương trực. Người ta sẽ thường xuyên gặp trong Kim Dung thái độ nước đôi ấy trước trí năng, vừa cảm phục lại vừa nghi kị. Ấy là cái ngòi bảo thủ trong văn ông.
Năng tính là giải thuyết của sự đối lập giữa Thiện và Ác. Nhưng giữa năng tính và trí năng thì sao? Hình như Kim Dung lại muốn vượt sự đối lập ấy trong con người của Đạo. Sau khi nghe giảng Thái Cực quyền lần thứ nhất, thì Vô Kỵ chỉ nhớ một nửa những chiêu đã học. Nhưng nghe giảng một lần nữa thì xét lại, chàng còn nhớ có hai ba chiêu trong đầu. Người ta không khỏi ngạc nhiên. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi cái lối càng học càng quên ấy lại được coi là một tiến bộ. Cũng như thế, trong một truyện khác, người ta thấy một anh hùng giang hồ than thở là kiếm pháp trên đời tuy ông đã thuộc cả, nhưng vẫn chưa đến chỗ tối cao là quên được những kiếm pháp đã học ấy! Thì ra cái biết thực của võ học không ở những cách khoa chân và múa tay của những chiêu lẻ mà ở nguyên lý của chúng. Khi thấy cái nguyên lý ấy rối, nghĩa là đã thu những tạp chiêu ấy và một mối, thì người ta không cần nhớ đến chúng nữa. Một chiêu còn nhớ là một chiêu chưa thấu triệt, sự thống nhất chưa trọn vẹn, và cái biết còn dở dang. Cái biết thực của võ học cũng như trong đạo là một sự lãng quên những ảo ảnh của ngoại thể để tới cái chân nguyên của tất cả. Nhưng người và tự nhiên khi ấy mới thực tương đồng, trí năng và năng tính là một. Cá nhân thực hiện được sự thống nhất của mình. Những xôn xao của ngoại giới không thể làm hắn phân tâm nữa và cái tĩnh thuần nhất của lòng hắn không còn gì giao động nổi. Ngay võ công luyện được hắn cũng quên đi. Ấy là khi võ công đã thấm vào người hắn đến chỗ có thể tuỳ nghi tự ý phát động mà không cần sự can thiệp của ý chí. Tương Trùng Dương trong Anh hùng xạ điêu, Trương Tam Phong và bộ ba Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp trong truyện Đồ long đao, nhà sư già coi Tàng Kinh Các trong Thiên Long bát bộ là những người đã gần như tới độ tối cao của võ học. Không phải ngẫu nhiên họ là những đạo sĩ và tăng nhân đã thoát tục. Nhưng chẳng lẽ Kim Dung lại kể chuyện võ hiệp để ca ngợi cái đức của sự tu hành? Nhưng có lẽ một cái nhìn kỹ lưỡng vào thế giới và nghệ thuật Kim Dung sẽ cho người ta một đáp thuyết vững vàng hơn.
III. Truyện võ hiệp cổ điển
Như trên đã nói thì võ công, trong truyện võ hiệp cổ điển, có cái vô danh của một phương tiện. Không ai phân biệt Tà và Chính giữa những võ công. Nhưng giữa các môn phái thì sự phân biệt ấy càng minh bạch. Các môn phái đều dùng một thứ võ. Sự khác nhau trong bản chất giữa họ, tuy nhiên, là của đêm và ngày: Tà môn tượng trưng cho tội ác cũng như chính phái tượng trưng cho công lý và cái thế chia đôi ấy của võ lâm không để thừa chỗ cho một nghi vấn nào.
Người anh hùng là người của Công lý. Ấy thường là một thanh nhiên cha mẹ mất sớm bị hại và may được một võ lâm dị khách lượm về nuôi và truyền thụ võ công. Truyện bắt đầu khi, đã thành tài, chàng từ biệt ân sư xuống núi để phục thù. Nhưng trước khi công thành thì chàng đã bao lần sa vào ổ giặc, đã bao lần chàng phải đương đầu với cường quyền và bạo lực, đã bao lần chàng can thiệp trong những chuyện vong luân. Thù nhân của chàng lẽ dĩ nhiên cũng là một nhân vật trọng yếu của cái xã hội phức tạp ấy. Và người ta hiểu rằng trong công việc của chàng Công lý và tư thù chỉ là một. Con đường tầm cừu cũng là con đường nghĩa hiệp và khi thù nhân đã đền tội dưới tay chàng thì người anh hùng cũng biết rằng tất cả chỉ mới bắt đầu, và mối thâm thù của chàng chẳng qua là một cớ để mở màn và chấm dứt một cách dễ coi một giai đoạn trong cuộc xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa.
Chính nghĩa không thể nào thua. Cho nên khi người anh hùng xuống núi là người đầy những võ công cái thế. Không ai địch nổi, từ hắc điếm đến ác tù, đả lôi đài xong lại phá sơn trang, cướp pháp trường, giết tham quan, diệt thảo khấu, chàng theo đuổi một hành trình vạn thắng và không bao giờ trong đầu chàng một nghi ngờ có thể thoáng qua về cái sứ mệnh thiêng liêng của chàng. Truyện cũng diễn ra theo một đường thẳng như cuộc hành trình ấy. Lẽ dĩ nhiên cũng có lúc người anh hùng lâm nguy và tính mạng bị đe doạ. Ngay khi ấy người ta vẫn yên tâm, tại người ta biết rằng, dù chàng có chết thì ấy là một cái chết vinh quang cho sự thực hiện của công lý ở trên đời và người thắng trận rốt cuộc cũng là chàng. Sự hồi hộp không thể có trong truyện võ hiệp cổ điển. Người ta theo người anh hùng từ chiến công này đến chiến công khác. Ấy là ngần ấy giai đoạn của một con đường chỉ có một chiều và chúng tiếp theo nhau thành tràng hạt, nghĩa là giữa chúng không có tương quan nào khác sự tiếp theo nhau. Từ chiến công này đến chiến công khác, ý nghĩa của truyện cũng như tâm lý nhân vật không hề thay đổi. Chiến công nào cũng chỉ ca tụng một lần nữa cái anh hùng của ngưới anh hùng và sự thắng trận muôn đời của chính nghĩa trên Tà đạo.
Nhân loại tầm thường làm sao tham dự vào cuộc xung đột ấy giữa những ý tưởng? Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng. Và tương quan duy nhất giữa họ và thế giới của truyện là một tương quan ngoại tại. Những nhân vật vốn là những Ý tưởng nhập thế không thể có tâm sự nào để họ chia xẻ. Kẻ được người thua lại định sẵn từ trước. Cho nên diễn biến của truyện không dành cho người ta một bất ngờ nào và người ta cũng không có dịp để tự hỏi và trông chờ những gì sẽ xảy ra. Tất cả đều sẵn có một ý nghĩa cố định và trong thế giới minh bạch ấy, người ta thừa đoán là không có chỗ nào cho bóng tối, cho nghi vấn, cho sự tò mò. Người đọc đã biến thành một khán giả để xem, nhìn, ngắm sự tái diễn của một vở tuồng mà người ta đã thuộc kỹ từng giai đoạn.
Vẫn những vai trò và một trò ấy. Khác duy ở diễn viên và cảnh trí nghĩa là ở những thay đổi ngoại tại. Nghệ thuật kể chuyện trở nên một nghệ thuật dàn cảnh. Và cái ngoạn mục trong nghệ thuật ấy là giá trị đầu tiên. Sự mô tả trong truyện võ hiệp cổ điển chiếm một phần quan trọng. Có gì mô tả được mà không được mô tả tỉ mỉ? Ấy là cái dị hình của những khí giới, cái hiểm hóc của những cơ quan, cái hùng vĩ của những sơn trại, cái uy nghi của những thao trường, cái náo nhiệt của những phồn hoa, cái sặc sỡ của áo gấm và quần mầu, cái nhịp nhàng của những võ công như vũ điệu… Tất cả đều đập vào mắt người ta, tất cả đều phô trương sự tinh xảo của những kỹ thuật nhân văn, tất cả đều biểu diễn một trật tự minh bạch và không thể nghi ngờ. Ý nghĩa của tất cả đều có thể đọc ngay lập tức nghĩa là đều xuất hiện ra ngoài mặt. Ngay những tình cảm cũng được diễn tả một cách trực tiếp. Khi tức giận thì thét ầm ĩ, khi thích chí thì cười um lên như phá, khi đau khổ thì rống như dã thú bị thương và đáng tiếc thay! Khi e lệ, những trang nữ hiệp cũng “mân mê tà áo” như một cô gái tầm thường. Nhưng người ta hiểu rằng trong cái thế giới để chiêm ngưỡng ấy, cũng như trên sân khấu, thực tình của những cử chỉ không quan trọng bằng ý nghĩa của chúng, và trước khi làm người ta cảm động, thì công việc là cho người ta thấy đã. Càng ước lệ thì sự diễn tả lại càng công hiệu.
Tâm lý nhân vật được giản lược một cách tối đa. Lẽ dĩ nhiên nhân vật nào cũng được gán cho một cá tính. Nhưng cá tính ấy không có gì giống cái phức tạp của một tâm hồn mà, nếu có thể nói như thế, chỉ có thể tính cách ngoại tại của một con số để phân biệt nhân vật này với nhân vật khác, như có kẻ trung thì có người gian, có người nóng nẩy thì có kẻ ôn hoà, có kẻ mưu cơ thì có người chất phác. Cho nên không những tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ của nhân vật đều diễn tả một cách rõ ràng các cái cá tính người ta gán cho y mà cá tính ấy còn có thể trông thấy trên y phục, võ khí và diện mạo của y nữa. Nhất là trong các nhân vật phụ, thì người ta thấy rằng các dị điểm, từ cái răng vẩu đến một con mắt lồi, đều được tô đậm và thổi phồng lên, như những nghịch hoạ, để ai cũng có thể nhận ra cách dễ dàng. Người anh hùng tuy nhiên được miễn cái nạn tả chân thô thiển ấy. Ấy là tại con người chàng vốn là kết tinh của Chân, Thiện, Mỹ, trong sự tuyệt hảo của nó, chỉ có thể ở ngoài tầm những tĩnh từ. Uy vĩ, khôi ngô, tuấn tú v.v… chữ nào có thể xứng với cái bản chất siêu tục của người anh hùng? Cái mặt nạ người ta thấy chàng thường đeo khi hành hiệp lẽ dĩ nhiên không để làm tăng trưởng một bí mật vốn đã trong suốt như ban ngày, nhưng để xoá bỏ cái phần nhân loại cuối cùng trong con người chàng và đưa chàng tới cái vô danh của ý niệm. Con người sau cái mặt nạ ấy không còn là một cá nhân với những dị điểm và một đời sống riêng tư nữa. Hắn là thần công lý. Khi thì như ma quỷ, khi thì như thuiên thần, nhân vật võ hiệp cổ điển là những nhân vật quá độ. Không có gì giống nhau giữa họ và anh và tôi. Nhưng tất cả cố gắng của người kể truyện là để tách họ ra khỏi cái nhân loại thường ngày để thấy họ, là người ta biết ngay rằng các chuyện đang xảy ra không phải là một chuyện giữa người và người và những nhân vật ấy chỉ là những diễn viên của một vở tuồng kể lại cuộc xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa. Tất cả đều xảy ra trên bình diện của những ý tưởng.
IV. Nghi vấn đạo đức trong Kim Dung
Tới Kim Dung thì cái trời ý tưởng ấy sụp đổ.
Lẽ dĩ nhiên vẫn có những nhân vật tự xưng là đại diện cho chình nghĩa và những kẻ mang tiếng là của Tà đạo. Nhưng truyện Kim Dung sẽ cho người ta thấy sự phân biệt ấy là vô thực. Những người của tà đạo, ông cho tất cả những cám dỗ của nhan sắc, của sự thông minh, của tính anh hùng. Ấy là không kể người nào võ công cũng cao cường, cuộc đời cũng sôi nổi, tâm hồn cũng khoáng đạt. Cái tội duy nhất của họ là không coi đạo lý của thiên hạ vào đâu. Nhưng so với họ thì những người có trách nhiệm duy trì truyền thống đạo lý của võ lâm mới ương ngạnh, mới ngoan cố, mới câu nệ làm sao! Tiêu biểu cho thứ người này là Diệt Tuyệt sư thái thà chết chứ không để cho Vô Kỵ đụng tới vạt áo của bà, khi tên “tiểu dâm tặc” này định vận chưởng lực giúp bà nhảy xuống từ một lầu cao đang phát hoả. Diệt Tuyệt sư thái tuy nhiên mới là một cô gái già gàn dở. Cái gàn dở đó có khi tàn nhẫn, nhưng có thể tha thứ được, tại dù sao sư thái vẫn tin và thi hành cái đạo lý của bà. Nhưng sự sa đoạ xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử của phái Toàn Châu thì còn ai tin gì ở Chính nghĩa? Trên đường lưu vong của chàng, mỗi lần gặp một trong những người của Chính nghĩa ấy là Vô Kỵ lại gặp sự vong ân, sự ích kỷ, sự ác độc và người ta hiểu tại sao sau cùng chàng lại chọn những người của tà đạo để làm bạn đồng hành. Sự thật thì trong Kim Dung có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là của Chính nghĩa và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Cái đức đáng yêu nhất mà đôi khi ông cho người ta thấy trong họ là sự thật thà, sự chất phác, sự ngây ngô. Ấy tuy nhiên không phải là một cái đức riêng của những người của chính nghĩa mà chung cho tất cả những đứa con của Đất, dù như Âu Dương Phong, đứa con ấy chỉ là một đứa con hư. Sự đề cao những giá trị của Đất ấy cho người ta thấy rằng cách phân loại nhân vật trong Kim Dung không trùng hợp hẳn với những nhãn hiệu đạo lý của họ.
Theo những nhãn hiệu đạo lý thì có kẻ Tà và Chính ở chỗ nào? Khi chúng anh hùng đến vây bắt Cừu Thiện Nhân để sửa tội cái tên đại-ma-đầu ấy thì y thản nhiên hỏi mọi người: “Ta giết người. Các người cũng giết người. Nhân danh cái gì các người có thể lên án ta?” Câu hỏi bất ngờ ấy không ai biết trả lời thế nào cho phải. Là người trong võ lâm thì tay ai chẳng đầy máu. Nhưng giữa lúc mọi người còn ngơ ngác thì may sao có Hồng Thất Công đứng ra dõng dạc trả lời rằng những kẻ ông giết là những kẻ như Cừu Thiện Nhân chuyên làm hại dân lành vô tội, và giết những người như thế thì giết bao nhiêu cũng được và càng nhiều càng hay. Sự minh định giữa Tà và Chính vẫn còn được duy trì. Nhưng người ta thấy rằng nó đã bị nghi vấn hoá và không còn dĩ nhiên như xưa nữa. Và ngoài một người ngay thẳng như Hồng Thất Công thì có lẽ không còn ai trong võ lâm có đủ ngây thơ để tự giải quyết nghi vấn ấy một cách đơn sơ như thế. Hồng Thất Công vả lại cũng là kẻ thù tri kỷ của một đại ma đầu khác là Âu Dương Phong và người bạn nữa của ông là Hoàng Dược sư thì đã nổi tiếng là một nhân vật đứng ra ngoài những thứ loại của Đạo lý thông thường. Người trên giang hồ gọi ông là con người tà ở phương Đông. Nhưng cái tà của Âu Dương Phong là của năng tính. Trong Hoàng Dược sư nó là một quyết định của lý trí. Hình như ông cho rằng Tà và Chính chỉ là những nhãn hiệu vô thực. Ai muốn xếp ông vào loại nào thì ông cũng mặc và coi như không. Con người kiêu ngạo ấy chỉ biết một quy luật duy nhất là cái tự do của mình. Trong lịch sử võ lâm, nhân vật ông tượng trưng cho sự nổi loạn của cá nhân chống lại những giới hạn giả tạo của một truyền thống sa đoạ.
Sự sa đoạ ấy bắt đầu khi người ta thấy những con người của Chính nghĩa không còn xứng đáng với vai trò của họ, và dưới tay họ, những giá trị thiêng liêng chỉ còn là những giáo điều nghiệt ngã nhưng trong thực tế thì lý do chính để không còn ai tin vào những giá trị ấy nữa là giữa Tà và Chính võ công bây giờ ai cũng như ai và chẳng còn mèo nào cắn được mỉu nào. Xưa người anh hùng là người bách thắng. Và cái vinh quang ấy cho những giá trị mà chàng đại diện cho cái đương nhiên rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng Chính nghĩa nào còn, khi từ trận này sang trận khác, người ta chỉ kéo dài những cuộc tương tàn không ai được và ai thua. Ngay những đối thủ cũng như đã quên mất những lý do đã làm họ xâu xé lẫn nhau. Xưa người ta giết một người để trừng phạt tội ác; giờ thì người ấy đã làm một tội ác nào chưa không ai cần biết. Nhưng đã thuộc vào một môn phái đối nghịch thì đương nhiên y là một kẻ thù để người ta thủ tiêu. Ai trách Tạ Tốn là ác độc thì ông sẽ lấy sử sách ra để chứng minh rằng từ xưa những kẻ ác độc bao giờ cũng thành công và những kẻ được tiếng là nhân tài thì xét cho cùng, sự nhân đức của họ cũng chỉ là một cái tiếng. Ông thì đương nhiên ông có thừa nghĩa khí để có thể bao giờ coi sự giết người là một trò lý thú, nhưng những nhu cầu của an ninh buộc ông thủ tiêu nhân vật vô tội đang cùng ông ôn tồn đàm thoại, và ông rất tiếc phải thất lễ với một người mà ông rất có cảm tình. Án mạng khi ấy chỉ là một phương thức cực đoan của vệ sinh. Nhưng Tạ Tốn là một trong những anh hùng của Tà đạo và người ta không thể chờ đợi ở ông một sự từ bi quá đáng. Có lẽ ngạc nhiên hơn là khi thấy Diệt Tuyệt Sư thái cầm Ỷ thiên kiếm giết một chốc mất trăm mạng người trong Minh Giáo mà không chớp mắt. Một Tà một Chính, khi ấy, ai tàn nhẫn hơn ai? Tà và Chính đều giết người. Họ là người của võ lâm, và trong cuộc giao tranh công việc đầu tiên của họ là cướp lấy phần thắng và tận giệt kẻ thù… người trưởng môn phái Nga My đã sáng tạo ra được hai bộ kiếm pháp: một tên là Diệt và một tên là Tuyệt. Nhưng độc âm cộc lốc ấy, trong sự thô bạo của chúng, đã tóm tắt cái đạo lý, đầy máu và đích thực của võ lâm. Cái thời của những anh hùng nghĩa hiệp thật đã xa và, trong cuộc tương tàn miên trường là vô độ của võ lâm, người ta chỉ còn thấy như sự xung đột của những mãnh lực tự nhiên. Trước khi biết ai phải và ai trái thì những đối thủ biết rằng họ phải thắng trước đã và ý chí thống trị làm suy tàn tinh thần võ hiệp cổ truyền.
Nghi vấn đạo lý tuy nhiên chưa mất hẳn. Nó đổi chỗ. Sự phân biệt giữa Tà và Chính xưa ở cứu cánh. Nhưng khi trong một xung đột không thể nào chấm dứt, mọi cứu cánh đều sa đoạ và môn phái cũng chỉ biết một tham vọng duy nhất là thiết lập bá nghiệp của mình trên Giang hồ thì người ta dựa vào cách đánh nhau của họ để phân biệt họ với nhau. Võ học đương nhiên mang một sắc thái đạo lý. Trong truyện võ hiệp cổ điển võ công là một phương tiện và tà cũng như chính đều sử dụng một thứ võ. Hơn thế nữa người ta thấy ngưới của chính giáo, như tin tưởng tuyệt đối vào lẽ phải của họ, không ngần ngại trước một phương tiện nào để thắng kẻ thù. Họ cũng nghe trộm, cũng đánh lén, cũng lừa bịp. Thôi thì không có thủ đoạn nào họ từ. Nhưng tất cả xảy ra như thiện chất trong người họ đã truyền cho những thủ đoạn ấy một ý nghĩa chính đáng và không bao giờ ai tự hỏi trên sự có nên chăng của chúng.
Sự thật thà có khi đến chỗ ngây ngô mà Kim Dung coi là một đức tính quý hoá thì truyện võ hiệp cổ điển lại dành cho những người của Tà đạo. Ngược lại thì một trong những ấn tích của Tà đạo trong Kim Dung lại là sự thông minh theo trực giác của những tâm hồn đơn giản, mà sự thông minh làm ra kế hoạch và mưu trước, nghĩa là cái tài sáng tạo, và người ta hiểu tại sao những võ công được coi là của tà đão bao giờ cũng phức tạp, biến ảo, nửa thực và nửa hư không biết đâu mà lường. Trong khi ấy thì người của chính giáo sẽ tự hào là có những võ công ngay thẳng, minh bạch và đường hoàng hơn. Một trưởng của họ là một trưởng và họ sẽ ít khi dùng đến ám khí, độc dược và mưu trước. Một bên thì nặng như núi, cứng như thép, rõ như ban ngày và một bên thì phức tạp, uyển chuyển, mơ hồ. Ấy tuy nhiên chỉ là những cách giết người khác nhau, và trong sự đối lập ấy, giữa Tà và Chính, người ta nhận ra sự đối lập giữa Âm và Dương nghĩa là giữa hai mặt của tự nhiên. Không có ai ngoài mấy kẻ ngây ngô, còn thì giờ nghĩ đến truyện nghĩa hiệp nữa. Và giờ nếu người ta có giết nhau thì chẳng qua là để cướp lấy những võ lâm kỳ thư có thể giúp người ta rhành bá chủ võ lâm. Khi những cao thủ tìm mọi cách để độc chiếm cái bí mật giấu trong con dao Đồ Long thì người ta nghĩ đến những tay gián điệp quốc tế đang tranh nhau một tài liệu quân sự hay những đảng cướp trong những truyện Seríe Noire xâu xé lẫn nhau để giành một món hàng. Ý nghĩa của truyện võ hiệp sẽ đổi khác. Và tổ chức của truyện cũng đổi theo.
V. Nghệ thuật kể chuyện trong Kim Dung
Sự tương đối hoá những võ công, người ta thấy đã xô những môn phái vào trong cảnh bất phân thắng phụ. Và tình trạng ấy cũng làm mờ dần ý nghĩa nguyên thuỷ của sự xung đột giữa họ. Còn lại một thế giới của bạo động thuần tuý. Truyện võ hiệp cổ điển không kể gì hơn những cuộc thắng trận kế tiếp nhau của Chính nghĩa trên Tà đạo. Nhưng khi giữa Tà và chính sự phân biệt đã trở nên mơ hồ thì diễn tiến của truyện cũng mất sự tất yếu ấy đi. Không có lý do tiên quyết nào để môn phái này thắng môn phái khác và, như một quả dĩ nhiên, cũng không thể có môn phái nào có một võ công vô địch. Sự tương đối hoá những võ công đã dẫn tới sự tương đối hoá những giá trị đạo lý thì, ngược lại sự tương đối hoá những giá trị đạo lý lại đưa tới sự tương đối hoá những võ công. Ai sẽ thắng? Câu hỏi ấy giờ được đặt ra. Và truyện võ hiệp thêm một yếu tố mới là sự bất trắc. Tiểu thuyết bắt đầu. Nghĩa là truyện không còn là một cơ hội để chiêm ngưỡng, như một nghi lễ đề cao những giá trị đạo lý, những chiến công của người anh hùng nữa, mà để tìm, một cách sơ đẳng hơn, cái hồi hộp của sự trông chờ. Ai sẽ thắng? Nhưng không ai biết những gì sẽ xẩy ra.
Tại cái đang xảy ra người ta cũng chưa biết là cái gì. Mọi vật trong một thế giới của vật lực đã mất đi ý nghĩa cố định của chúng. Và tất cả đều trở thành nghi vấn. Cái bí mật của con đao Đồ Long như thế nào mà làm người ta giết nhau? Ai đã xuống tay giết một lúc mấy mươi mạng người của Long Môn tiêu cục? Không lẽ kẻ đã dùng Kim Cương Chỉ để tra khảo Dư Đại Nham lại là người của Thiếu Lâm Tự? Nhân vật tài hoa, uyên bác, phóng khoáng ấy sao có thể giết người như không để cả võ lâm nguyền rủa? Nhưng có gì trong lúc này không là một câu hỏi! Và chúng theo nhau đến rồn rập và nhức nhối. Người ta nóng ruột chờ đáp thuyết ở những sự đến sau. Cái tài của Kim Dung tuy nhiên sẽ dẫn người ta từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. Nghi vấn này chưa được giải quyết thì nghi vấn khác đã được tung ra. Gay cấn hơn nữa là người anh hùng không biết mình phải làm gì và sẽ trở nên cái gì. Người anh hùng võ lâm cổ điển vào đời với một ý chí cố định, và những giai đoạn trên con đường thẳng dẫn chàng đến sự thực hiện của ý chí ấy. Những biến cố trong Kim Dung trái lại là ngần ấy chỗ quẹo tách chàng xa cái hướng đi thứ nhất của chàng. Và đôi khi như Đoàn Dự chàng cũng không có ý định nào khác hơn là đi chơi, nhưng tình cờ hết bị lôi vào chuyện lôi thôi này lại bị kéo sang chuyện rắc rối khác, để sau cùng sửng sốt thấy mình trở thành một cái gì mà mình cũng không bao giờ nghĩ tới. Người ta theo chàng vào một Bát Quái Trận Đồ và con đường bách thắng đã trở thành một cuộc thất lạc trong Mê Cung. Ở chỗ nào cũng xuất hiện những biến cố lạ và những sự kiện khả nghi. Xưa tất cả có một ý nghĩa cố định. Thế giới sáng sủa. Không phải không có nguy hiểm nào đe doạ người anh hùng. Nhưng những nguy hiểm nào cũng có thể bị gọi tên, nghĩa là giới định và chỉ có ở ngoài. Mỗi sự kiện giờ trái lại là một sự ngỏ dẫn người ta vào một bí mật không thể nào lường. Ấy là một thế giới đầy ban đêm, đầy bất trắc và những quanh co như mắc cửi. Sau cái mặt nạ hàm hồ của mọi vật tất cả đều có thể xảy ra. Không biết chỗ quẹo này sẽ dẫn người ta tới đâu và cái gì chờ người ta ở cuối con đường kia. Sự nguy hiểm, cảnh nhá nhem ấy, như rình rập khắp nơi. Cái nguy hiểm đích thực tuy nhiên vẫn không phải là cái nguy hiểm sờ thấy được mà chính là sự ngờ vực ấy, như một bóng tối, không những trùng điệp trước mặt, mà càng ngày càng lớn trong lòng người anh hùng.
Thế giới ngoại tại đã khả nghi. Nhưng có khi ngay cả thân phận chàng ra sao người anh hùng cũng không chắc chắn. Không phải ngẫu nhiên mà chuyện võ hiệp mới là chuyện của người anh hùng đi tìm mình, khi thì nôm na như một thiếu niên một hôm nào đó biết mình chỉ là một đứa trẻ mồ côi và những người nuôi nó không phải là cha mẹ thực của nó, khi thì thống thiết như Kiều Phong chợt có người tố cáo rằng chàng không phải là người Hán mà lại mang dòng máu Khiết Đan nghĩa là của một dân tộc chàng luôn coi như tử thù, và cả sự nghiệp chàng như thế đã dựng trên một điêu trác khi thì khôi hài như Thạch Phá Thiên từ nhỏ mang tên Chó Lộn Giòng, để lớn lên ra đời ai cũng nhận là người của mình, trong khi ngay chàng cũng không biết chàng thực là ai. Lẽ dĩ nhiên người ta cũng không thể nào quên Âu Dương Phong luyện võ bị tẩu hoả nhập ma đến nỗi vừa nghe nói có một tên Âu Dương Phong còn giỏi võ hơn mình vội đâm bổ đi tìm và gặp ai cũng hỏi “Ai là Âu Dương Phong” và “Ta là ai”. Câu hỏi của ông già lộn đầu ấy tuy nhiên người anh hùng nào không có lần đặt ra? Không phải họ đều là những người không cha không mẹ. Nhưng tất cả họ cùng có một cảnh ngộ: là bị ném vào một thế giới mà họ không hiểu trong đó họ phải tự chọn. Mà chọn gì khi Tà không là Tà, Chính không ra Chính và cả thế giới, sa đoạ trong một tình trạng bạo động thường trực, không để lại gì hơn là những nghi vấn chập chùng. Đi tìm mình, người anh hùng cũng đi tìm một ý nghĩa cho thế giới; thế giới Kim Dung là một thế giới đang chờ được định nghĩa và truyện Kim Dung chỉ là truyện của một cái nghĩa đang hình thành. Ấy làm một truyện tầm-đạo trong phương thức của một truyện trinh thám.
Như trong truyện trinh thám, thoạt tiên người ta chỉ thấy những sự kiện lẻ bất ngờ và khó hiểu: tất cả thoạt tiên chỉ có giá trị như những manh mối của một bí mật cần phải truy tầm, như những di tích của một quá khứ cần được xây dựng lại, như những mảnh vụn của một toàn thể cần phải được khám phá dần dần. Người ta ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra đến từ cái đã xảy ra, và công việc giờ, như trong truyện trinh thám, là đi ngược từ hiện tại đến quá khứ, từ kết quả đến nguyên nhân, từ xúc động đến giải thích. Nhưng trước hết phải có xúc động và những biến cố phải làm người ta ngạc nhiên và gây sự tò mò. Của Ưng Vương chẳng hạn, thoạt tiên, người ta chỉ thấy một tiếng hú kinh dị giữa một trời chiều và những xác chết ông để lại sau một cuộc giết người thần tốc. Nhưng thế cũng đủ để tiếng dội tâm lý trong độc giả còn vọng mãi. Và người ta phải chịu rằng Kim Dung, mỗi lần giới thiệu một nhân vật quan trọng, là ông biết sửa soạn những điều kiện để sự xuất hiện của nhân vật ấy đạt tới mức công hiệu tối đa. Người ta sẽ không quên những tiếng chân nặng nề của Tạ Tốn, giọng ho khan của Kim Hoa Bà Bà, cái nhìn trầm mặc của Phạm Giao và tiếng cười sảng khoái của Dương Tiêu trên Côn Luân Sơn, giữa những cảnh rừng thu lá đổ vàng. Có những nhân vật không có gì để người ta nhớ hơn là cách xuất hiện đột ngột lần đầu tiên của họ. Tại một khi đã định nghĩa thì như sự kiện đã được giải thích, nhân vật như đã chết và không còn tác dụng tiểu thuyết nào nữa. Nhưng khi còn là một nghi vấn, còn làm người ta thấy thắc mắc và trông chờ thì nhân vật còn sống và người ta hiểu tại sao người anh hùng trong Kim Dung chỉ có thể là người anh hùng tập sự, người anh hùng đi tìm mình, người anh hùng chưa thành anh hùng. Các nhân vật khác cũng thế: của họ thoạt tiên người ta chỉ biết có một nửa: Khi thì một người dị thường, tính khí ngang nhiên, võ công trác tuyệt, nhưng thân phận như chìm trong một dĩ vãng xa xôi và thần bí, khi thì như một cái tên truyền tụng trong giang hồ, người ta chỉ nhắc đến trong sự tôn kính và sợ hãi, nhưng chưa ai được thấy mặt bao giờ. Cũng có khi người ta có thể khám phá ra con người dị thường mà cứ một lần xuất hiện là gây cho người ta một nghi vấn ấy và cãi nhân vật chấn danh võ lâm mà người ta náo nức trông chờ chỉ là một, cũng như Kim Hoa Bà Bà, nào ai ngờ, chính là nhân vật của Minh Giáo đã từ lâu ngày biệt tăm chỉ để lưu lại trong trí nhớ của mọi người cái tên rực rỡ là Tỷ Sam Long Vương. Nhưng tất cả nghệ thuật kể chuyện trong lúc này là trì hoãn tối đa cái giờ xác định căn cước của nhân vật. Mộ Dung Phục có mặt nhất khi người ta chỉ biết chàng như một tiếng đồn trong võ lâm. Sự có mặt trong sự vắng mặt ấy là tất cả sức mạnh của truyện. Nó là nơi của nghi vấn, của trông chờ và mọi sự có thể. Nghĩa là của mọi sự bất ngờ.
Ai ngờ rằng Mộ Dung Phục, vẫn trong một phong độ tao nhã, một chốc có thể trở thành một sát thủ không gớm tay, rằng sự thuỳ mị của Chu Chỉ Nhược lại sửa soạn cho những tham vọng, những tuyệt vọng và những ác độc khôn lường, rằng tất cả những ân cần Trương Linh chỉ là một kế hoạch trong một kế hoạch dài hạn nhằm cướp con đao Đồ Long. Của nhân vật, người ta chỉ biết cái vai trò của họ, và đùng một cái, họ xuất hiện dưới một bộ mặt người ta không chờ đợi. Ấy có thể là một mặt nạ khác và cũng có thể là một con người thực chôn vùi trong tâm khảm chợt được một biến cố nào làm tỉnh giấc, như Tạ Tốn, nghe tiếng khóc của một đứa trẻ thơ mà tìm thấy sự sáng sủa của lương tri. Nhưng cũng có khi, như trong cơn tuý sát của Mộ Dung, người ta chứng kiến một đột biến tâm lý.
Cái bất ngờ, theo định nghĩa tầm thường nhất, là cái không ai chờ đợi: khi thì thê thảm như cái chết của A Chu dưới tay người nàng yêu, khi thì khôi hài như cảnh một đại-ma-đầu là Nam Hải Ngạc Thuần phải lạy Đoàn Dự, một thư sinh trói gà không chặt, làm thầy. Cũng có khi nó chỉ là một bất ngờ thuần tuý không có giá trị nào khác hơn là sự nên thơ như khi người ta khám phá ra rằng Côn Luân Tam Thánh không phải là ba người mà chỉ là một, rằng đứa ăn mày nhem nhuốc làm bạn cùng Quách Tĩnh là một người con gái đẹp giả trai, rằng Âu Dương Phong, vì học một võ công chép lộn mà trở thành đệ nhất cao thủ trong võ lâm. Lẽ dĩ nhiên cũng có những bất ngờ giả tạo để thoả mãn nhu cầu xúc động của người đọc, để thêm số dòng và số trang, để thêm đà cho một câu truyện đã tới chỗ sa lầy. Và cũng có những bất ngờ được sửa soạn hơn để giải quyết một tình thế đã đến chỗ bế tắc.
Cái bế tắc ấy, người ta thừa đoán, cũng là một bế tắc được sửa soạn. Tác giả cố tình đưa câu truyện đến một chỗ nghẽn để, khi ấy, mới tung ra một nhân vật mới, một biến cố mới, một phát giác mới làm tình thế đảo ngược và câu truyện tiếp tục theo một hướng mới. Khi người ta không chờ gì nữa, khi những nguy hiểm tưởng chừng như đã qua khỏi, khi mối hi vọng đã tàn lụi, thì tất cả đã xảy ra như đúng như người ta chờ, đúng như người ta đã chờ mong. Ấy là một thứ bất ngờ ở bậc hai. Khi Vô Kỵ yên chí rằng âm mưu của Hồ Thanh Ngưu đã thành công và họ đã thoát khỏi tay Kim Hoa Bà Bà để chỉ còn việc cùng nhau xây hạnh phúc đến mãn kiếp thì chàng khám phá ra xác chết của họ treo trên một cành cây, khi sau không biết bao nhiêu ngày theo đuổi, Đoàn Dự được láy được tình yêu của Vương Ngọc Yến, người ta thở dài nhẹ nhõm thì, tin đâu xét đánh! Điều người ta nghi ngại đã được chứng thực: Vương Ngọc Yến là con của Đoàn Chính Thuần và là em khác mẹ của Đoàn Dự, và thế là hai người không thể lấy nhau. Sự bất ngờ khi ấy đến như một sự thiếu: cái người ta tưởng thế nào cũng xảy ra lại không xảy ra. Nhưng giữa lúc người ta đang tuyệt vọng không biết câu chuyện sẽ ra sao thì, đùng một cái lại có tin Đoàn Dự không phải là con của Đoàn Chính Thuần mà của Đoàn Diên Khánh, người đáng lẽ được trị vì nước đại lý mà vẫn lưu vong chờ cơ hội cướp lại ngai vàng. Cái tin ấy lại đảo ngược một lần nữa. Nó trả lại Vương Ngọc Yến cho Đoàn Dự. Hơn thế nữa, cái ngai vàng nước Đại Lý, chàng trở nên người thừa kế xứng đáng nhất. tất cả sau cùng đều xảy ra theo công lệ: người anh hùng sẽ lấy vợ và làm vua. Người ta có thể nghĩ rằng để đi đến cái kết luận cổ điển ấy có lẽ Kim Dung không cần phải bày ra nhiều chuyện như thế. Nhưng nếu không như thế, nếu không trải qua một cơn tuyệt vọng thì kết luận ấy còn giả tạo tới đâu? Tới sau một sự bế tắc cố ý thì sự giả tạo ấy lại xuất hiện như một chứng cớ của cái tài biến hoá của tác giả. Giả tạo một ít thì hỏng. Nhưng giả tạo hơn một ít nữa thì Kim Dung lại trả cho sự bất ngờ cái nên thơ của nó.
Sự thật thì ông có thể để cho Đoàn Dự lấy Vương Ngọc Yến và kế vị Đoàn Chính Thuần làm vua mà không ai thấy gì làm trái cựa và những cảnh tình thế kế tiếp đảo ngược ở phút chót, thoạt tiên có vẻ thừa và quá lôi thôi. Nhưng truyện không phải chỉ là truyện của Đoàn Dự. Không có những sự đảo ngược tình thế ấy thì nhân vật Đoàn Diên Khánh người ta biết xếp vào đâu? Hình như nhân vật ấy mà người ta vẫn chỉ biết như ác tinh của nhà họ Đoàn tới đó mới tìm ra lý do vi trò của nó: là để trả cho Đoàn Dự, cùng một lúc, và tình yêu, và ngai vàng, và cái kết luận mà người ta tưởng là dàn xếp ở phút trót ấy giờ, người ta mới biết rằng với nhân vật Đoàn Diên Khánh nó đã được định từ những trang đầu. Cảm tưởng sau cùng của người ta là một tổ chức cực kỳ chặt chẽ không để gì xảy ra một cách tình cờ và trong ấy cái bất ngờ chỉ là đáp thuyết thích hợp nhất cho một tình thế không thể nào gỡ nổi. Người ta cho đáp thuyết ấy là bất ngờ. nhưng bất ngờ nhất phải chăng là khi người ta thấy rằng cái bất ngờ ấy đã được sửa soạn từ lâu? Khi trông thấy Tiểu Siêu lần đầu thì Phạm Dao chợt giật mình. Nhưng cái giật mình nhỏ nhoi ấy, gần như không ai cần chú ý, báo hiệu kết cục của truyện khi Tiểu Siêu được nhận ra là con của Kim Hoa Bà Bà và, khi ấy, người ta mới hiểu tại sao, trước những sứ giả của minh giáo, nàng phảo méo mặt giả làm một đứa con gái xấu xí. Ấy chỉ là một trong những tỉ dụ của cách bố cục kĩ lưỡng cũa truyện Kim Dung. Như tất cả những truyện viết đăng từng số một, trong Kim Dung không ngớt xảy ra những biến cố khả nghi và bất ngờ. nhưng điều làm truyện ông vượt xa những truyện cùng loại là trong khi những tác giả khác như thất lạc giữa những sự kiện mà họ thả sức tung ra cho đầy trang giấy để sau cùng không ai biết kết luận ra sao thì trong Kim Dung tất cả những chi tiết rải rác mà thoạt tiên người ta tưởng rằng vẽ ra theo sự tình cờ của cảm hứng sau cùng đều giải thích lẫn nhau trong một kiến trúc nhịp nhàng.
Nhưng trong sự mạch lạc ấy, ẩn sau những nghi vấn rối như tơ vò, người ta có gặp gì hơn là một đặc tính của truyện trinh thám? Như trong truyện trinh thám, công việc là tìm cho một số sự kiện khó hiểu mối tương quan thống nhất và giải thích chúng. ấy là công việc Hoàng Dung đã làm, khi từ những tang chứng để lại trên đào Hoa Đảo mà tang chứng nào cũng kết án cha nàng,nàng phải xây dựng lại dễn biến của vụ thảm sát đã xảy ra và truy định thủ phạm đích thực. Trên một quy mô lớn hơn thì truyện Đồ Long cũng sẽ không dẫn người ta đâu xa hơn là sự tái lập cái tổ chức của Minh Giáo đã từ lâu ly tán. Người ta thấy xuất hiện suốt truyện những nhân vật mới và cảm tưởng củangười ta là đứng trước một trí tưởng tượng không gì kiềm chế. Ngần ấy nhân vật tuy nhiên sau đều được khám phá là những nhân vật thất lạc của Minh Giáo và người ta sẽ không ngạc nhiên nếu, khi chức vụ của ai cũng được trả cho người ấy rồi, thì truyện coi như có thể đã gần xong. Tổ chức của Minh Giáo sẽ cho truyện sự mạch lạc của nó. Tất cả xảy ra như trong hoá học. Mỗi lần khám phá ra chất mới thì người ta cũng khám phá ra rằng cái chất ấy đã có một ô dành sẵn cho nó trong cái bảng Méndéleieff. Ngược lại thì mỗi ô để trống lại đòi hỏi khám phá ra một chất mới để bù vào. Những nhân vật tong truyện Đồ Long, cũng thế, như đều được sáng tạo để bù vào những chức vụ bỏ không của Minh Giáo và diễn tiến của truyện, tuần tự theo sự xuất hiện của họ sẽ trả lại cho Minh Giáo bộ mặt nguyên thuỷ của nó, nghĩa là dẫn người ta đến một tình trạng có trước của thế giới. Nói tóm lại thì, như trong truyện trinh thám, cái gì mà theo như người anh hùng, người ta khám phá ra là một dĩ vãng. Tổ chức của Minh Giáo vừa là khởi điểm vừa là tổ chức của truyện. Nếu những biến cố của truyện võ hiệp cổ điển nối tiếp nhau theo một đường thẳng thì truyện đồ long được viết theo một vòng tròn. Ấy là một thứ Bát quái trận đồ: người ta đi bao nhiêu sau cùng trở về chỗ cũ và sự phức tạp của nó ẩn chứa một sự mạch lạc căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà giũa truyện ông, Kim Dung đã bày những trận đồ của Hoàng Dược Sư như một thách đố ám ảnh. Chúng tượng trưng cho cái nên thơ của sự mạch lạc mà tôi muốn người ta coi truyện Kim Dung như một cố gắng để đề cao.
Cái nên thơ ấy người ta sẽ gặp lại trong cách Kim Dung xếp những nhân vật thành từng bộ. Có những bộ ba như A Chu, A Bích, A Tỷ, mỗi người mang một mẫu áo, có bộ tư như Long Vương, Ưng Vương, Sư Vương, Bức Vương, mỗi người lấy một linh vật làm danh hiệu, có những bộ năm như Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái Trung Thần Thông, mỗi người xưng bá một phương và lẽ dĩ nhiên cũng cò những bộ bảy và bộ tám nữa. Sau cùng phải kể đến Quang Minh Lưỡng Sứ, người tên Tiêu người tên Dao như sinh ra là để đồng hành và được võ lâm xưng tụng là Tiêu Dao Nhị Tiên. Một điều đặc biệt trong những nhân vật ấy là bộ có trước nhân vật. Một bộ thoạt nhiên là lược đồ của một guồng máy mà những cơ quan là những nhân vật chờ được sáng tạo. Nhưng một khi những cơ quan đã lập, nghĩa là những nhân vật đã có những chức vụ đang chờ họ thì bộ, tuỳ theo những chuyển động riêng của mõi người, sẽ như một guồng máy có chuyển động riêng của nó. Ngược lại thì sự chuyển động của Bộ cũng làm nhân vật chuyển động theo. Nhân vật làm ra bộ. Nhưng trong Bộ nhân vật mới tìm thấy định nghĩa của nó. Ấy là một chức vụ, một địa vị, một màu sắc. Tâm lý nhân vật mất quan trọng và có lẽ Kim Dung, sau khi đã xác định nhân vật như một chiều sâu, sẽ tiến đến một quan niệm về nhân vật nhân vật giống truyện võ hiệp cổ điển, nhưng được khai thác một cách có ý thức và hệ thống hơn. Sự khác nhau giữa những nhân vật khi ấy chỉ còn là sự khác nhau giữa những vị trí của họ trong một bộ. Có những nhân vật tâm lý khôn có gì đặc sắc, nhưng thuộc vào một bộ, lại có một sự có mặt khác thường. Ngược lại thì đôi khi có thể nói rằng, Bộ đã ăn mất con người nhân vật để chỉ để lại một số hiệu. Quả Kim Dung đã không uổng là nhà văn của thời đại của tổ chức! Và trong truyện ông, Cái Bang, Minh Giáo, Thiếu Lâm nghĩa là những môn phái có tổ chức to lớn, chặt chẽ và phức tạp thường giữ một vai trò đôi khi còn quan trọng hơn của người anh hùng. Sự phức tạp ấy tuy nhiên Kim Dung không giới hạn vào một môn phái mà đã cho nó kích thước của một thế giới. Ấy là tất cả cái mênh mông của võ lâm trong cảnh ly tán, đa sắc và phồn tạp của nó mà theo người anh hùng người ta sẽ khám phá ra, người anh hùng không chỉ khám phá ra một thế giới. Cái gì chàng đã cho sống lại là cả một giai đoạn của lịch sử võ lâm, và chính trong lịch sử ấy mà chàng sẽ tìm ra lý do đã làm võ lâm ly tán, nghĩa là sự mạch lạc trong cảnh võ lâm ly tán ấy, của võ lâm, để sau cùng lai trả cho võ lâm sự thống nhất của nó.
Nguồn: Nxb Trình Bầy. Ban chủ trương: Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Lê Văn Hảo, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Khắc Ngữ, Thế Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Văn Trung, Thảo Trường, Đỗ Long Vân. Thư từ và tác phẩm xin gửi cho: Ô. Thế Nguyên, 80/80 Trần Quang Diệu, Sài Gòn. Phát hành tại: Quán sách số 34 (Trước cửa Pharmacie Diệu Tâm), 117, Lê Lợi, Sài Gòn. In xong ngày 24-12-1967 tại nhà in Trình Bầy, 291 Lý Thái Tổ, Sài Gòn. Ngoài những bản thường còn in thêm 40 bản đặc biệt, không bán, trong đó hai mươi bản đánh số từ Đ.L.V I đến Đ.L.V XX và hai mươi bản từ T.B. I đến T.B. XX. Copyright by Đỗ Long Vân, 1967.