Trong khi chờ đợi Obama
Số 44
Nguyễn Quang
Chế độ chính trị Hoa Kì ổn định đến mức người ta thường gọi tổng thống Mĩ bằng con số thứ tự. Trò chơi « số đề » quen thuộc là gọi số thì phải xướng tên : số 1, cố nhiên là George Washington, số 16 là Abraham Lincoln, số 35 (đúng là... đúng quá !) John F. Kennedy... Trong chuỗi số ấy, 44 quả là đặc biệt, như thể Lịch sử (viết bằng chữ L hoa), vì nhiều lẽ, đã mưu toan đặt nó dưới những điềm báo hiệu khác thường : số 44 sẽ là tổng thống Hoa Kì đầu tiên người da đen, kế vị số 43 là tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc, trong vòng tám năm đã đưa đất nước vào hai cuộc chiến tranh và huỷ hoại hình ảnh nước Mĩ trên thế giới ; lễ kế vị sẽ diễn ra trong một bối cảnh kinh tế xã hội xấu nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929.
Vấn đề « màu da »
Barack Obama da đen, đó là điều ai cũng thấy ; nói theo ngôn ngữ « đúng lập trường chính trị » thì ông là một công dân « Phi-Mĩ » ; nói mất dạy như Berlusconi là « nhọ » ; văn vẻ hơn một chút, thì đây là « ứng viên Phi-Mỹ đầu tiên biết ăn nói, thông minh, trên dưới sạch sẽ và mặt mũi bảnh bao » (lời của phó tổng thống mới được bầu, Joseph Biden chuyên gia « lỡ miệng »). Cả một đoạn đường dài nếu ta nhớ rằng, cách đây chưa đầy nửa thế kỉ, tại một số bang kì thị chủng tộc, người da đen không có quyền đi bầu. Có những nhà chính trị học và xã hội học còn bàn ra tán vào, bảo thực ra Obama là lai, con của một người phụ nữ da trắng thuộc bang Kansas và một người đàn ông da đen nước Kenya (1), nhưng không phải « vô tư » khi người ta nói Obama là một « người da đen mẹ da trắng » chứ không phải « một người da trắng bố da đen ». Muốn hiểu vấn đề màu da đã xuyên suốt các riềng mối quan hệ xã hội ở Hoa Kì đến mức nào, cần phải nhắc lại rằng ở đất nước này, hễ có « một giọt máu da đen » trong huyết quản là được quy là « người da đen », rằng các đạo luật kì thị sắc tộc mãi đến năm 1964 (thời Johnson) mới bị bài bỏ toàn bộ, và hiện nay sự kì thị ấy còn hiển hiện trong sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế. Bất bình đẳng xã hội : chẳng hạn như ở quận Watts (nơi nổ ra những cuộc bạo động đô thị năm 1965), thu nhập bình quân chỉ bằng nửa thu nhập bình quân của cả vùng Los Angeles, 37% người lớn không có bằng tốt nghiệp trung học (high school), tỉ số thất nghiệp vẫn không thay đổi so với năm 1965 (23%), 60% trẻ em sống ở dưới mức nghèo khó..., và cứ 9 thanh niên thì 1 người đang ở trong tù ! Bất bình đẳng về chính trị : từ ngày « tái kiến thiết » (1877) đến nay, nghĩa là sau gần một trăm năm mươi năm, mới chỉ có hai người da đen leo lên tới chức thống đốc bang, và ba người (kẻ cả Obama) thượng nghị sĩ. Cho nên, một tổng thống lai đen-trắng thắng cử với 53% số phiếu, và tới ngày nhậm chức, được dân tình ủng hộ tới mức 80% (trong khi dân số da đen chỉ có 12%), thì quả là một sự kiện lịch sử.
Song tính chất của sự kiện này là gì : một sự đoạn tuyệt, một bước nhảy vọt, hay kết cục của một tiến trình ? Mặc dầu phong trào dân quyền đã tàn lụi vào cuối thập niên 60, ngày nay chúng ta thấy rõ các lực lượng được nó phát động đã tiếp tục ngấm ngầm tiến tới, khiến cho xã hội Mĩ thay đổi nhận thức về vấn đề « màu da ». Giấc mơ của Martin Luther King hiển nhiên vẫn còn là giấc mơ, nhưng từng mảng, từng mảng, mỗi mảng chẳng mấy ai để ý, nhưng tổng hợp lại, đã làm thay đổi tâm lí tập thể. Xin đơn cử một hội chứng : sự nổi danh của một nhân vật người da đen, trong thể thao (Tiger Woods) hay trên màn ảnh (Will Smith), ngày nay được coi là sự thành đạt bình thường, trong khi trước đây, một nhân vật như vậy bắt buộc phải trình diễn một cách cường điệu, kiểu « đen mà trắng » (như Sammy Davis Jr (2)) hay theo kiểu « đen nổi loạn » (võ sĩ Cassius Clay, đổi tên là Muhammed Ali). Một hội chứng nữa : không biết vì những lí do « lập trường chính trị đúng đắn » hay chăng, nhưng cũng chẳng sao, điện ảnh Mĩ – dạng thức văn hoá đại chúng mạnh mẽ nhất – đã bình thường hoá « nhân vật chính diện » (héros) da đen, hay chính xác hơn, da đen « bình thường ». Cho nên, trong chuyện tiếu lâm của giới say mê điện ảnh, nước Mĩ đã có một tổng thống da đen là... Morgan Freeman (3). Trong hơn một thế kỉ, một cái trần bằng thuỷ tinh dường như đã ngăn chận sự thăng tiến của người da đen. Cuối cùng thì hiện thực đã gặp hư cấu điện ảnh, cái trần bằng thuỷ tinh đã có một vết rạn nứt dài, ta có thể đi theo vết rạn dọc theo thời gian 20 năm, từ Bush 1 đến Bush 2 thông qua Clinton : một người da đen, Colin Powell, làm tham mưu trưởng liên quân, tức là chức vụ cao nhất trong bộ máy quân sự ; hai người da đen, Colin Powell, rồi Condoleezza Rice, đứng đầu bộ ngoại giao, tức là chức vụ cao nhất trong ngành hành pháp sau tổng thống ; một người da đen, Clarence Thomas, thẩm phán Pháp viện Tối cao, cơ quan tư pháp và hiến pháp cao nhất trong định chế Hoa Kì... Bây giờ nhìn lại, và nói theo ngôn ngữ của các nhà toán học, chỉ việc kéo dài « đường biểu diễn hàm số » là tới « số 44 ».
Là ứng cử viên da đen, tất nhiên người ta chờ đợi xem ông Obama nói gì về vấn đề « màu da ». Là một chính khách thiên bẩm, Obama đã nắm bắt được xu thế thời đại để « đi một bước trước » : ông không tự định vị như mình là đại diện của những người da đen, tránh hẳn được ngôn từ yêu sách nẩy lửa của những lãnh tụ da đen (Malcolm X, Jessie Jackson...), mà tận dụng cái thế « con lai » và lộ trình của bản thân mình để kêu gọi thay đổi, kêu gọi nước Mĩ vượt qua những chia cách về chính trị, xã hội và chủng tộc. Phải chăng đó chỉ là một toan tính khôn khéo về chiến thuật ? Cử tri da đen (theo truyền thống, 90% bỏ phiếu cho Đảng dân chủ) đương nhiên ủng hộ cho Obama rồi, khôn ngoan ra tất nhiên phải tránh nói và làm bất cứ điều gì có thể làm cử tri da trắng e ngại. Song, trong quá trình các cuộc tranh cử « sơ khởi » (giữa các ứng viên của đảng dân chủ), có một lúc Obama đã bị dồn tới chân tường khi đài truyền hình ABC News tiết lộ mối quan hệ mật thiết của ông với mục sư người da đen, Jeremiah Wright. Những bài giảng của ông mục sư này không thua gì những lời nguyền rủa nảy lửa trước đây của Malcolm X : « Cầu Thượng Đế hãy trừng phạt nước Mĩ này vì tội nó đã đối xử với một số công dân của nó như là ngợm chứ không phải người ! Cầu Thượng Đế hãy trừng phát nó bao lâu nó còn dám tự xem mình là Thượng Đế, tự coi mình là quốc gia tối thượng ! ». Phản ứng của Obama trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quá trình tranh cử này cho ta đo được bản lĩnh và những xác tín của ông. Thay vì tránh né, phủ nhận hay tìm cách xoa dịu bằng mọi giá, Obama đã trực tiếp đối diện và chọn chủ nghĩa chủng tộc làm nội dung chính của bài diễn văn đọc tại Philadelphia ngày 18.3.2008, một diễn ngôn có tính chất khai sáng mà có người so sánh với bài giảng của Martin Luther King tại Washington Mall (« Tôi có một giấc mơ... ») hay diễn từ của Lincoln ở Gettysburg (« chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân... »). Nói tới mục sư Wright, và nói tới cả bà ngoại của mình, người đầy thành kiến kì thị chủng tộc của phụ nữ da trắng đã nuôi nấng ông thuở nhỏ, Obama kiên định bản sắc của mình và khẳng định niềm tin ở nước Mĩ : « Những con người ấy là thành tố của tôi. Họ là thành tố của nước Mĩ, đất nước yêu dấu này của tôi [...]. Tôi đã khẳng định niềm tin sâu sắc – niềm tin ghi khắc trong lòng tin nơi Thượng Đế và lòng tin nơi nhân dân Mĩ – rằng : sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ hàn gắn được những vết thương chủng tộc từ xưa của chúng ta ; và sự thật là chúng không có sự chọn lựa nào khác hơn là đi tới trên con đường hoàn thiện khối đoàn kết ». Khối đoàn kết hoàn thiện ấy cũng chính là lí tưởng mà các bậc « Cha Ông lập quốc » : « Mọi người sinh ra đều bình đẳng, điều ấy chúng tôi coi là chân lí tự nhiên ». Tuy đã trúng cử trái ngược với ý hướng của đa số người da trắng (Obama được 43% phiếu bầu của cử tri da trắng, McCain 55%), dường như « người thứ 44 » đã phóng mình tới một nước Mĩ « hậu – chủng tộc » khi mà, trong bài diễn văn nhậm chức đọc trước thềm điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mĩ), ông chỉ nói vỏn vẹn một câu tới vấn đề « màu da », nhưng một câu hết sức biểu trưng : « Một người mà trước đây người cha đẻ không được vào ngồi ăn trong một quán xá quanh đây, ngày hôm nay có thể đọc lời tuyên thệ thiêng liêng nhất ».
Những khiếm khuyết đạo lí
« Đất nước chúng ta phải chọn lựa, đây không phải chỉ đơn thuần là chọn lựa giữa hai con người hay hai đảng phái, mà là chọn lựa giữa quyền lợi chung và tiện ích riêng, giữa sự dấn thân kiên quyết và sự tầm thường thấp kém ». Lời Barack Obama ? Không, J. F. Kennedy khi ông ta trình bày cương lĩnh « Biên cương Mới ». Câu nói ấy được phát biểu từ năm 1960 vẫn ứng nghiệm với tình hình hiện nay, với một nước Mĩ chìm ngập trong khủng hoảng kinh tế và tinh thần sau tám năm « chủ thuyết Bush ». Ngày nay đã rõ là « W » đã thất bại nặng nề trên cả hai mặt trận : mặt trận quân sự trong cuộc chiến tranh chống khủng bố (khi cuộc thánh chiến chống « trục của cái Ác » sa lầy ở Irak) ; và trên mặt trận kinh tế (khi dự án « tân liberal » của ông ta đã vỡ tan khi đụng vào bức tường của cuộc khủng hoảng). Nhưng sở dĩ Bush tuột dù thê thảm trong nhân tâm (chỉ còn 18% người Mĩ có ý kiến tích cực) là còn vì những nguyên nhân đạo lí – một quan niệm rất Mĩ, điều khống thể hiểu nổi đối với những công dân xy-nic đã mất hết tin tưởng, hay « quá xập xệ về mặt dân chủ » của Cựu Lục Địa (4).
Trúng cử năm 2000 một cách không mấy vinh quang, Bush bỗng chốc đã có được một tầm cỡ mới nhờ cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9.2001, khi một quốc gia lớn (lần đầu tiên bị xâm phạm bên trong biên giới của mình) không muốn gì hơn là trao phó số mệnh của mình vào tay một vị tổng tư lệnh. Đó là cơ hội vàng để tên tuổi Bush được ghi khắc trong danh sách những lãnh tụ vĩ đại của Hoa Kì. Nhưng không, ông ta tưởng đã được khoán trắng để thi hành một chính sách cực kì bè phái, gây chia rẽ sâu sắc trong lòng một dân tộc đang cần sự đoàn kết. Chúng ta sẽ trở lại các mục tiêu của đường lối chính trị này, nhưng ngay ở đây, phải nói là những phương thức của chính sách ấy cuối cùng đã bị người Mĩ coi là phản đạo lí : một phương pháp « truyền thông » (« com ») đầy đủ ngón nghề (chủ yếu do bàn tay của Karl Rove, bộ óc chiến lược số 1 của Đảng cộng hoà), nhưng lại dựa trên sự giả mạo và che đậy, nên cuối cùng đã tan tành trước thực tại, chứng tỏ một lần nữa rằng « người ta có thể lừa được một số người trong một thời gian, những không thể lừa mọi người mãi mãi được » (4). Trong chuyện Irak, chính quyền Mĩ đã đầu độc dư luận một cách xảo quyệt về « vũ khí giết người hàng loạt », rồi kiểm duyệt, không cho báo đài nói tới số thương vong, và che giấu những vi phạm nhân quyền liên tiếp... song cuối cùng, vẫn không che đậy được sự thật về tác hại của một cuộc chiến tranh phi lí (tìm mãi không ra một mẩu nhỏ « vũ khí giết người hàng loạt »), đẫm máu (4 000 quân nhân Mĩ bị chết, 40 000 bị thương, 12 000 tàn phế), hao tốn (một trillion, tức là một nghìn tỉ đôla, tương đương với kế hoạch tái khởi động kinh tế của Obama). Đến cơn bão Katrina (tháng chín 2005) thì lộ rõ cái hố sâu giữa ngôn từ của « chủ nghĩa bảo thủ từ tâm » (khẩu hiệu tranh cử năm 2004) và hiện thực của một nước Mĩ bị chia rẽ về chủng tộc cũng như về mặt xã hội, một xã hội trong đó những người bất hạnh bị bỏ mặc trong sự thờ ơ hay khinh bỉ của bọn giàu sang ; hố sâu giữa những lời tự khoe khoang về tài năng của giới lãnh đạo và sự bất cập của những kẻ dưới trướng trong việc tổ chức cứu trợ ; hố sâu giữa một bên là sự chống đối lại mọi sự can thiệp của Nhà nước trong đầu óc của các nhà tư tưởng, và bên kia là sự bất lực và bất cập của chính họ không biết lấy gì thay thế Nhà nước. Rồi tới câu chuyện dự án « một xã hội của những sở hữu chủ » (lại một khẩu hiệu của cuộc tranh cử 2004), mà cuộc khủng hoảng « subprime » đã cho thấy bản lai diện mạo... Thực chất tinh thần của « chủ thuyết Bush » là nhân danh những định kiến ý thức hệ, coi thường nguyên tắc hiện thực. Mọi người còn nhớ lời tuyên bố năm 2002 của một nhân vật « tân bảo thủ » nói với nhà báo Ron Suskind : họ, những người theo chủ thuyết Bush, không muốn dính dấp gì với bọn « reality-based community », nghĩa là những người « cứ tưởng rằng các giải pháp sẽ nảy sinh từ sự nghiên cứu chính xác hiện thực quan sát được [...]. Chúng tôi thì chúng tôi tạo ra hiện thực của chúng tôi ». Cái « hiện thực » ấy, chúng ta đã biết nó đã được tạo ra như thế nào trong vụ « vũ khí giết người hàng loạt » ở Irak. Một hậu quả khác của thái độ nói trên là sự chối bỏ hoặc giả mạo tri thức khoa học khi nó đi ngược lại ý thức hệ, và đây cũng là ngón nghề của tập đoàn Bush. Họ dùng « chiến lược lập lờ đánh lận con đen », đặt ngang hàng một bên là nghiên cứu khoa học theo nghĩa nghiêm chỉnh, với những bất trắc tất yếu của nó, và bên kia là những sự đánh giá, nhận định do những cơ quan dính dáng tới các lobby công nghiệp hay tôn giáo đưa ra, hoàn toàn không có quy trình kiểm chứng. Điển hình mà nhiều người biết là cuộc tranh luận về hiệu ứng nhà kính và hiện tượng trái đất nóng dần lên, song còn nhiều ví dụ khác : tranh luận về các tế bào – gốc, về sự ngừa thai, về tác hại thần kinh của chì... đó là không kể cuộc tấn công vào học thuyết Darwin của phái « sáng thế chủ nghĩa ». Giới khoa học đã kịch liệt tố cáo thái độ bất lương này, như trong bản báo cáo 2004, lên án nhà cầm quyền Hoa Kì đã « làm rung chuyển những thể thức vốn là bảo đảm cho việc sử dụng khách quan, không có tính chất bè phái, những kết quả khoa học vào việc trình bày những chính sách công cộng ». Nhưng tác hại của nó đã xảy ra rồi. Từ hoài nghi đối với các dữ kiện khoa học đến từ chối tiếp cận khoa học, chỉ có một khoảng cách ngắn, rất dễ bước qua : những chính khách chỉ nghe các nhóm vận động lobby, công chúng không tin tưởng vào khoa học nữa mà đi theo những giả khoa học, thanh niên rời bỏ các ngành khoa học... Thật khó lường được những hậu quả lâu dài của việc này, vì nhiều lẽ, trong đó có một lẽ hiển nhiên là vai trò quan trọng của khoa học kĩ thuật đối với sức mạnh của nước Mĩ. Chính vì thế mà Obama đã lên tiếng kêu gọi đưa « khoa học trở về vị trí chính đáng của nó ».
Quay vòng cầm quyền kiểu Mĩ
Ngay vòng đầu của cuộc tranh cử, người viết bài này đã đánh cuộc một bữa ăn rằng năm 2008, bất luận ứng viên dân chủ nào cũng sẽ thắng bất kì một ứng viên cộng hoà (lời đánh cuộc này chỉ được nói phớt nhẹ trong một bài báo Diễn Đàn (5)). Được cuộc ! Cố nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế nổ ra đã tác động mạnh vào kết quả cuộc tranh cử, nhưng thực ra tiên đoán của chúng tôi căn cứ vào sự khảo sát cách vận hành của chế độ lưỡng đảng của Hoa Kì từ hơn một thế kỉ, mà lịch sử chia ra theo những chu kì « thống trị lâu dài » của đảng này luân phiên với đảng kia (thỉnh thoảng cũng có những ngoặc đơn không mấy ý nghĩa). Nhưng vận động quả lắc này không giống như sự luân phiên đơn thuần thường thấy trong đời sống chính trị của các nước dân chủ Âu châu. Đầu tiên, sự phân biệt hai đảng Dân chủ và Cộng hoà không luôn luôn đồng nhất với phân biệt tả-hữu, dù rằng từ một thế kỉ nay, Cộng hoà có thể nói là « bảo thủ », và Dân chủ « liberal » (trong bối cảnh Hoa Kì, chữ « liberal » này gần nghĩa với « xã hội – dân chủ »). Trước đây không hẳn thế và không luôn luôn như thế, vì còn có vấn đề « da màu » và sự chia cách chính trị – kinh tế Bắc-Nam. Chớ nên quên rằng Grand Old Party, Đảng cộng hoà hiện nay của tổng thống Bush, trước đây là đảng của Lincoln và những người chủ trương chấm dứt chế độ nô lệ, khi mà Đảng dân chủ lại đại diện cho tầng lớp da trắng chống lại việc giải phóng nô lệ da đen. Sau đó, hiệu ứng « quả lắc » tả-hữu thường xảy ra trong những cuộc bầu cử quan trọng, một trong hai đảng thắng cử trong suốt một thời kì dài, do sự thay đổi đề tài tranh cử hay/và sự biến chuyển của khối cử tri ủng hộ nó, tạo thành một « revolution » (trong ngôn ngữ Ấn-Âu, từ này có hai nghĩa : một vòng quay, một cuộc cách mạng). Sự quay vòng kiểu Mĩ này soi sáng và tóm tắt bằng những nét lớn lịch sử chính trị của Hoa Kì. Một cách đại thể, thế kỉ XX ở Mĩ đã trải qua ba « vòng quay » như thế : thắng lợi của William McKinley đánh dấu bước ngoặt của Đảng cộng hoà từ đó liên kết với giới đại doanh nghiệp ; thời kì New Deal của Franklin D. Roosevelt, là người đã thành công trong việc liên minh giới « cổ cồn xanh » với giới « cổ cồn trắng » để đưa Hoa Kì ra khỏi cuộc Đại khủng hoảng và tạo ra thế thượng phong của Đảng dân chủ mà đỉnh cao là phong trào đòi quyền công dân và « Xã hội Vĩ đại » của Lyndon B. Johnson ; cuộc « cách mạng bảo thủ » của Ronald Reagan (chừng nào đã được báo trước với nhiệm kì rưỡi của Richard M. Nixon), liên kết được mọi xu hướng bảo thủ (chống Nhà nước, chống cộng, bảo vệ các giá trị truyền thống), và nhất là lôi kéo được giới « cổ cồn xanh » ở các bang phía nam chống lại phong trào quyền công dân, những người được mệnh danh là « Dân chủ theo Reagan ». Hoà đồng với sự thắng thế của phe bảo thủ ở những nước khác (như ở Anh với Bà Thatcher) và sự tái hiện của những luận đề kinh tế liberal, chủ nghĩa Reagan đã thiết lập được sự ngự trị của Đảng cộng hoà trong suốt một phần tư thế kỉ. Nhiệm kì của Clinton có thể coi là một ngoặc đơn « liberal » (kiểu Mĩ) về mặt xã hội, và « liberal » (tư bản chủ nghĩa) về mặt kinh tế – chớ nên quên rằng Clinton, sau Reagan, đã hăng hái tiếp tục chính sách giải lệ trong thương mại và tài chính. Nối nghiệp Bush 1, Bush 2 đã bắt đầu nhiệm kì tổng thống trong tinh thần phục hận và, do Karl Rove khuyến dụ, tham vọng tiến hành một cuộc cách mạng « tân bảo thủ » xoá sạch di sản « New Deal » của F. D. Roosevelt. Bối cảnh năm 2000 lại có vẻ thuận lợi : nền Kinh tế Mới mang lại tăng trưởng, quy luật của thị trường dường như trị vì trên khắp thiên hạ, người người lớp lớp mơ mộng làm giàu, chủ nghĩa cá nhân bùng nổ... Với tinh thần toàn dân nhất trí sau sự kiện 11.9, phe tân bảo thủ tưởng nắm được trong tay thời cơ lịch sử. Thảm bại của họ đặt cho ta một câu hỏi lí thú. Phải chăng những thất bại ấy (Irak, Katrina...) là do ngẫu nhiên, hay đó là triệu chứng hoặc ngòi nổ cho một trào lưu công luận thâm sâu, cuộc « cách mạng » (theo nghĩa nói ở trên) đầu tiên của nước Mĩ trong thế kỉ XXI ? Self-reliance (trách nhiệm cá nhân) là hai chữ chủ chốt trong tín điều bảo thủ. Ý niệm ấy gắn kết với ý tưởng « năng động » và « vận hội » vốn là then chốt trong tâm lí dân tộc Mĩ. Các chiến lược gia của Đảng cộng hoà khéo vận dụng nó, ghép nó vào hai điệp khúc cũ rích : chối bỏ Nhà nước (« Nhà nước không phải là giải pháp mà là vấn đề ») và chấp nhận quy luật của thị trường (thị trường là « bàn tay vô hình »). Sự thành công của « cách mạng bảo thủ » biểu lộ ở chỗ trong kí ức tập thể của người Mĩ, thời tổng thống Reagan được nhớ tiếc như một thời kì sáng sủa của nước Mĩ. Nhưng « nhớ tiếc » cũng có nghĩa là thời thế đã đổi thay, và các cuộc thăm dò dư luận về hai nhiệm kì của tổng thống Bush (nhất là các cuộc thăm dò của viện Pew Institute nổi tiếng) đã mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên. Tỉ số ủng hộ hai đảng thì năm 2002 (sau cuộc tấn công khủng bố) ngang nhau (43%), nhưng từ đó, tỉ số ủng hộ Đảng dân chủ tăng đều đều, năm 2005 lên tới 50% trong khi Đảng cộng hoà tụt xuống 35%. Còn thái độ của dư luận đối với big business (đại doanh nghiệp) thì sao ? Âm ! Năm 2002 (sau các vụ xì-căng-đan Enron và World Com) là – 14%, năm 2007 (trước khi nổ ra vụ subprime) là – 20%. Bất an về kinh tế ? Năm 2006, 62% người Mĩ cho rằng tình trạng bất an về kinh tế đã tăng lên so với hai mươi, ba mươi năm về trước. Tin tưởng ở tương lai ? Trả lời câu hỏi : tình hình của ông/bà so với một năm trước đây là tốt hơn hay xấu đi ? Năm 2007, 55% trả lời xấu đi, 26% trả lời tốt hơn, và 78% cho rằng nước Mĩ đang « đi trật đường rầy ». Bi quan có cơ sở : một nền kinh tế tồi tệ (6), bất bình đẳng ngày càng tăng, các cơ chế « giảm xốc xã hội » bị phá huỷ, vấn đề « phân chia kết quả của tăng trưởng » trở thành đề tài đấu tranh chính trị chủ yếu, và người Mĩ ngày càng thấy rõ ràng « chủ nghĩa bảo thủ từ tâm » không ngăn cản được tình trạng giai cấp trung lưu bị « gặm ở cả hai đầu » (7), ở đầu này, một số nhỏ trở thành working rich (giàu), ở đầu kia, rất nhiều người trở thành working poor (làm việc mà vẫn nghèo).
Chính trị học không phải là một khoa học chính xác, vứt bỏ hệ tư tưởng « tân bảo thủ » không nhất thiết có nghĩa là đã tới thời điểm « quay vòng » (theo nghĩa đã nói ở trên). Cuộc tranh cử vẫn đầy bất trắc. Đúng thời điểm ấy, Barack Obama hiện ra như một « vật bay vô định » trong cảnh quan của cuộc tranh hùng. Một người chẳng mấy ai biết, không hề có một quá khứ chính trị đáng kể, ai có thể tưởng tượng là sẽ liên tiếp hạ được cự phách của cả hai đảng ? Cuộc vận động tranh cử của « người thứ 44 » có lẽ sẽ đi vào lịch sử như một mẫu mực về tính chuyên nghiệp và óc sáng tạo. Đó thực sự là cuộc tranh cử số 1 của thế kỉ XXI. Cả một « làn sóng dân chủ » đã bao phủ lên trên một hệ thống phải nói là cổ lỗ và xơ cứng. Obama đã sử dụng một cách cách mạng mạng lưới internet để huy động 8 triệu « vận động viên », hầu như đã tạo nên cộng đồng chính trị đầu tiên trên mạng. Lần đầu tiên ra ứng cử tổng thống, Obama đã kêu gọi được sự đóng góp tài chính của 3 triệu người ủng hộ, nhiều người chỉ cho được vài chục hay vài trăm đô la, nhưng tích tiểu thành đại, kết cục số tiền gom được lên gấp đôi ngân quỹ của các đối thủ. Hưng phấn và lôi cuốn, Obama đã huy động khối cử tri tới một mức lịch sử : 66% người đăng kí, 10% cử tri là người lần đầu tiên đi bầu (trong số này, 72% đã bỏ phiếu cho Obama). Tập trung bao nhiêu kì vọng của cử tri, Obama tất nhiên sẽ làm cho họ thất vọng. Vì vậy, vào lúc ông nhậm chức, chúng tôi sẽ tránh mọi dự đoán về các dự phóng của tân tổng thống, mà chỉ nêu ra một nhận xét : nhờ Obama, nước Mĩ (nước đã bỏ phiếu cho một người da đen và lẽ ra cũng có thể bỏ phiếu cho một phụ nữ) đã trở lại vị trí của mình trong hàng ngũ các nước dân chủ : vị trí số một. « Nếu còn có ai hoài nghi, không tin rằng ở Mĩ, mọi điều đều là có thể, nếu có ai còn thắc mắc, không biết giấc mơ của các vị tiền nhân lập quốc ngày nay còn sống động hay chăng, nếu còn ai nghi ngờ sức sống của nền dân chủ Mĩ, thì tối nay, người đó đã được trả lời » (diễn văn tối thắng cử, ở Chicago).
Nguyễn Quang
(1) Một bà người Việt ở Cali : « Đen Mĩ đã đành, mà còn đen Phi Châu ! »
(2) Sammy Davis Jr, ca sĩ của những năm 1960, nổi tiếng nhất vì « da đen, mắt chột, lại mang dòng máu Do Thái » mà vẫn hội nhập được vào « triều đình Frank Sinatra ». Khẩu hiệu Yes, We Can của Obama chính là vay mượn từ đầu đề cuốn hồi kí của S. Davis Jr Yes, I Can nhưng đổi ý nghĩa đi.
(3) Trong cuốn phim « tai hoạ » viễn tưởng Deep Impact (1998), Freeman đóng vai tổng thống Tom Beck.
(4) Người viết cố ý ám chỉ tới tình hình nước Pháp.
(5) Nguyễn Quang, Tháng năm 68 (xem Diễn Đàn)
(6) Xem bài Từ 1929 đến 2008 (Diễn Đàn)
(7) Xem bài trên (chú thích (6))