Hiển thị các bài đăng có nhãn MẶT TRÁI CỦA MỘT TRUNG QUỐC CHINH PHỤC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn MẶT TRÁI CỦA MỘT TRUNG QUỐC CHINH PHỤC. Hiển thị tất cả bài đăng

7/8/10

MẶT TRÁI CỦA MỘT TRUNG QUỐC CHINH PHỤC

MẶT TRÁI CỦA MỘT TRUNG QUỐC CHINH PHỤC
(Tạp chí “Politique internationale” số 127/2010)

Việc mở cuộc chiến lãm thế giới tại Thượng Hải ngày 1/5/2010 là điểm nhấn của một năm 2009, năm đánh dấu một bước ngoặt trong sự khẳng định những tham vọng toàn cầu của đất nước Trung Hoa. Dựa vào khả năng kháng cự dẻo dai của nền kinh tế của đất nước mình trước cuộc khủng hoảng – một sự tăng trưởng 8,7% so với một sự suy thoái 2,4% ở Mỹ và 5% ở Nhật Bản – Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng sự bảo lãnh của mình từ nay là cần thiết đối với các vấn đề quốc tế lớn.
Tháng 4/2009, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tự tin vào bản thân mình và quả quyết, đã chi phối cuộc họp các nước thuộc G20 tại Luân Đôn, thủ đô của nước Anh. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không dừng lại ở đó trong hội nghị cấp cao ở Côpenhaghen hồi tháng 12… với tinh thần phối hợp thể hiện trong hội nghị G20 để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thế giới. Bức thông điệp là rõ ràng: đối với các vấn đề môi trường cũng như đối với các vấn đề khác (chính sách hối đoái, nhân quyền, vấn đề Tây Tạng…), Trung Quốc muốn buộc các nước khác phải tôn trọng chủ quyền của mình và không nhượng bộ trước sức ép ở bên ngoài. Nếu các cuộc cải cách phải diễn ra thì cũng phải với nhịp độ mà Trung Quốc cho là tương hợp với những mục tiêu riêng của mình: tiếp tục một sự tăng trưởng vững vàng, sự toàn vẹn lãnh thổ, vai trò lãnh đạo của đảng v.v…
Dưới con mắt của một số nhà quan sát, sự kết hợp lòng quyết tâm mang màu sắc ngạo mạn này với thành công vang dộ về kinh tế (tỷ lệ tăng trưởng năm 2009 là 8,7% bất chấp cuộc khủng hoảng, vươn lên là nhà xuất khẩu hàng đầu và thị trường ô tô hàng đầu trên thế giới v.v…) là dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc đã tự cho mình là người đối thoại không thể lẩn tránh của Mỹ trong cái gọi là hội đồng điều hành thế giới; nhóm G2 này đã đóng dấu bảo đảm chấm dứt sự bá quyền của Mỹ, giai đoạn tạm thời trước khi một đất nước Trung Quốc chinh phục có thể chiếm “vị trí thích đáng” trên thế giới – tức là đến lúc nào đó, sẽ là vị trí hàng đầu. Một sự gợi lại của lịch sử không phải là vô ích để tiết chế sự hăng hái quá mức của các phương tiện thông tin đại chúng khi nói về sự nổi lên của cường quốc Trung Quốc. Trong những năm 1980, không có cái gì dường như kìm hãm được sự bay bổng sáng chói về sức mạnh công nghiệp, công nghệ và tài chính của đất nước Nhật Bản trước sự suy tàn của Mỹ. Nhật Bản đã chinh phục được toàn thế giới và tấn công vào các biểu tượng của nước Mỹ – Rockefeller Center, CBS Records, Uninversal MCA v.v… Người ta biết rõ điều gì xảy ra tiếp sau sự lên giá của đồng yên và sự đầu cơ trong suốt những năm cuối 1980, sau đó là sự trì trệ về chính trị của thập niên tiếp sau đó. Đối với Trung Quốc, kinh nghiệm này của Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990 đã được xem xét kỹ lưỡng và những bài học đã được rút ra từ đó. Trái với cảm tưởng mà một số thái độ hoặc những lời tuyên bố mới đây có thể mang lại, không phải sự ngông cuồng chỉ đạo các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà, trái lại, một nhận thức sắc sảo về những thách thức mà đất nước này phải đương đầu nếu họ muốn giành lại vị trí của mình sau hai thế kỷ vắng bóng. Nhà lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC) Zeng Bijian đã tóm tắt những thách thức này vào năm 2004 theo “nguyên tắc về phép nhân và phép chia”: “Mọi phép tính đều nhân với 1,3 tỷ (người) và mọi kết quả đều chia cho chính con số trên”. Những thách thức này bao gồm ở 3 lĩnh vực đối với Trung Quốc. Về mặt đối nội, tiến hành cải cách mô hình kinh tế và sửa chữa những sự mất cân bằng xã hội. Về mặt khu vực, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á bất chấp ảnh hưởng kinh tế nổi trội của Nhật Bản. Về mặt quốc tế, dung hòa việc bảo vệ những lợi ích riêng của mình và những trách nhiệm là cường quốc lớn trong khuôn khổ một chủ nghĩa đa phương đã được công bố.
Một sự phụ thuộc gấp ba vào nước ngoài
Những thách thức nội bộ của Trung Quốc đang gia tăng nhưng vào lúc này nó xuất phát từ một mô hình phát triển vừa dẫn đến một sự phụ thuộc mạnh mẽ đối với nước ngoài vừa dẫn đến tình tạng mất cân bằng đến mộ lúc nào đó không thể chịu đựng được cả về mặt xã hội lẫn về môi trường. Nền kinh tế của Trung Quốc có một tiềm năng thực tế về sự tăng trưởng nhờ hai con bài chủ yếu: tiền tích lũy nhiều (nhất là do một sự bảo hộ xã hội yếu) và lượng nhân công dồi dào (với điều mà người ta có thể gọi là một “đội quân dự bị” kép những người lao động). Tuy nhiên, mô hình phát triển của Trung Quốc khiến cho nước này phụ thuộc vào nước ngoài. Đúng vậy, sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn dựa vào xuất khẩu, bộ máy sản xuất của Trung Quốc phần nhiều cần đến các công nghệ của nước ngoài và sự bùng nổ nhu cầu về công nghiệp đòi hỏi phải nhập khẩu hàng loạt các nguyên liệu. Về xuất khẩu, tỷ lệ tăng trưởng 8,7% được ghi nhận vào năm 2009 không phải là ảo tưởng. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đén gót chân Achill của Trung Quốc – sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu – và sự tăng trưởng của năm 2009 chỉ đạt được nhờ các vốn đầu tư công cộng ồ ạt. Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng là rõ ràng: mô hình tăng trưởng phải tái tập trung vào nhu cầu gia dụng trong nước. Thế nhưng, nhu cầu này đã giảm mạnh từ năm 1996 đến 2008, từ 47% giảm xuống còn 37%, trong khi trái lại phần xuất khẩu lại tăng vọt từ 20% lên 40%. Sự thay đổi triệt để này trong mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải có một sự tăng thu nhập của các gia đình cũng như sự phổ cập một sự bảo bộ xã hội hiện đang chỉ là từng phần. Một sự tiến triển như vậy sẽ là chậm chạp và nền kinh tế sẽ vẫn còn phụ thuộc lâu dài vào xuât khẩu và do đó, dễ bị tổn thương trước những biến cố về nhu cầu của thế giới.
Điều bất lợi khác của ngành công nghiệp Trung Quốc: một sự phụ thuộc mạnh mẽ về công nghệ mà chính quyền nước này đang nỗ lực giảm bớt bằng cách dành cho nó nguồn quan trọng về tài chính và nhân lực. Các công nghệ của quốc gia chỉ còn chỉ chiếm 30% kho kỹ thuật của đất nước. Mục tiêu là đảo ngược chỉ số này đến năm 2020. Những chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng gấp ba lần trong vòng 6 năm nhưng chỉ chiếm 1,4% tổng sản phẩm quốc nội so với 3,4% đối với Nhật Bản và 2,6% trung bình đối với các nước thuộc OCDE. Ngay cả trong các lĩnh vực công nghệ cao, các nguồn mà các xí nghiệp dành cho công cuộc nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm 4% việc bán hàng so với 38% ở Mỹ và 29% ở Nhật Bản. Cần phải nhắc lại rằng con số này bao gồm cả các xí nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc như Dell, Toshiba, v.v…, thực hiện khoảng 70% lượng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc. Bất lợi lớn thứ ba cản trở một sự tăng trưởng mạnh mẽ: sự phụ thuộc về việc cung cấp nguyên liệu. Mặc dù Trung Quốc có các nguồn khoáng sản dồi dào, nhưng vẫn chưa đủ để duy trì cho sự tăng trưởng rất nhanh và rất tốn kém này. Những nhu cầu về năng lượng là rất to lớn: với tổng sản phẩm quốc nội chỉ chiếm 8% của toàn thế giới, Trung Quốc đã thu hút 17,7% nguồn năng lượng được sản xuất trên hành tinh, và tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Dù Trung Quốc tự cung cấp được phần lớn than, nguồn năng lượng quan trọng nhất (64%), thì sự phụ thuộc của Trung Quốc về dầu lửa vẫn gia tăng vì Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều dầu lửa thứ hai trên thế giới, sau Mỹ: tự cung cấp cho đến năm 1992, từ nay Trung Quốc phải nhập khẩu một nửa lượng tiêu thụ dầu lửa, khiến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lửa nhiều thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản (năm 2008, nhập khẩu thô của Trung Quốc chiếm 10% toàn thế giới và chiếm 48% nhu cầu của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến năm 2008, nhập khẩu thô của Trung Quốc đã tăng 68% so với 10% đối với toàn thế giới). Từ nay đến năm 2030, nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc sẽ tăng gấp ba và tỷ lệ phụ thuộc sẽ đạt 80%, nhất là do bãi để xe khi đó sẽ gồm 270 triệu chiếc – nhiều gấp 5 lần qui mô hiện nay. Để giảm bớt sự phụ thuộc của mình về nguyên liệu và năng lượng, Trung Quốc đã tăng cường việc nghiên cứu và thăm dò các mỏ dầu mới trên lãnh thổ của mình, nhất là ở Tây Tạng; Sở dĩ chính quyền tỏ thái độ không nhân nhượng về vấn đề Tây Tạng không phải là do nỗi ám ảnh về sự toàn vẹn lãnh thổ, mà là do nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào ở tỉnh này. Phần chủ yếu của các nguồn mới là từ nước ngoài và sự an toàn cho việc cung cấp năng lượng cho thấy rõ nền tảng địa lý của một nền ngoại giao kinh tế cực kỳ năng động ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông. Trung Đông có một con bài chủ đạo cho phép giảm bớt sự phụ thuộc này: qui mô của các phương tiện tài chính mà Trung Quốc có được nhờ việc tích lũy những số dư từ cán cân thanh toán của nước mình. Cũng giống như Nhật Bản trong những năm 1980, việc Trung Quốc nhanh chóng trở nên hùng mạnh về mặt tài chính thể hiện bằng những khoản tiền tích lũy trong nước rồi lại được chuyển ra nước ngoài: xuất khẩu các sản phẩm chế biến và cũng xuất khẩu cả vốn. Số dư hiện hành năm 2008 đạt 426 tỷ USD, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội – một con số phi thường đối với một nước lớn mới nổi. Tài sản minh bạch của Trung Quốc ở nước ngoài, khấu trừ từ khoản nợ, là 1.519 tỷ USD năm 2008 (chiếm 35% tổng sản phẩm quốc nội). Trữ lượng hối đoái chính thức đã tăng 12 lần kể từ năm 2000 và đạt 2.400 tỷ USD vào tháng 12/2009. Người ta cho rằng hơn hai phần ba số tiền trên được đầu tư bằng USD, nhất là bằng trái phiếu của kho bạc Mỹ. Trung Quốc (theo sau là Nhật Bản) nắm giữ 22% khoản nợ công nước ngoài của Mỹ và trở thành chủ nợ hàng đầu nước ngoài của Mỹ. Gần như chắc chắn là phần tiền tích lũy này chỉ hạn chế ở việc phổ cập sự bảo trợ xã hội – điều kiện cho một sự tái định tâm nền kinh tế trên thị trường nội địa. Hơn nữa, việc sử dụng số dư phải được tái định hướng: thay vì tài trợ cho những sự thâm hụt của Mỹ, sức mạnh tài chính này cho phép Trung Quốc bảo đảm an ninh cho việc cung cấp năng lượng của mình bằng những hợp đồng dài hạn và sở hữu ở nước ngoài các công ty công nghệ cao, như vậy là đốt cháy giai đoạn để theo kịp Nhật Bản trong các lĩnh vực tương lai. Tiến trình đã được bắt đầu một cách rộng rãi. Nó thể hiện bằng một sự tăng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, từ 3 tỷ USD năm 2003 tăng lên đến 52 tỷ USD năm 2008. Vào lúc này, điều chủ yếu là tập trung vào lĩnh vực nguyên liệu và năng lượng (châu Phi, Mỹ Latinh, khu vực Trung Á). Tuy nhiên, một chính sách công nghiệp theo thuyết ý chí dần dần thể hiện rõ: nó huy động các nguồn tài chính lớn cho việc các công ty hàng đầu quốc gia phát triển ở nước ngoài và cho việc các công ty Trung Quốc hoặc quĩ China Investment Corporation, thành lập tháng 9/2007, đạt được thành quả trong các lĩnh vực chiến lược.
Những sự mất cần bằng nội bộ đáng lo ngại
Ngoài 3 sự phụ thuộc trên có thể đe dọa sự tăng trưởng, chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn nhận thức được những mối đe dọa có thể gây tổn hại đến tính hợp pháp của Đảng nếu sự rạn nứt xã hội lan rộng và nếu cuộc khủng hoảng môi sinh không được ngăn chặn.
Sự phát triển của Trung Quốc đã cho phép một sự giảm đáng kể nạn đói nghèo, nhưng nó cũng dẫn tới một sự rạn nứt kép. Những sự bất bình đẳng xã hội không ngừng gia tăng và những sự chênh lệch giữa các khu vực không ngừng lan rộng. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị gần như tăng gấp đôi trong vòng 20 năm và những người dân nông thôn, chiếm 55% số dân, chỉ nắm giữ 11% số tài sản của đất nước. Những sự bất bình đẳng về thu nhập ở cấp quốc gia khiến cho những sự chênh lệch giữa các khu vực, giữa các tỉnh miền biển với các tình khác, gia tăng mạnh mẽ. Các cấp chính quyền, khuyến khích việc thực hiện biểu ngữ “xã hội hài hòa”, thể hiện ý muốn giảm bớt những sự mất cân bằng này. Về cái gọi là những sự chênh lêch giữa các khu vực, một số tiến bộ đã được ghi nhận từ đầu những năm 2000; trái lại, những sự bất bình đẳng xã hội vẫn gia tăng và nạn đói nghèo vẫn ảnh hưởng đến 16% dân chúng – theo những tiêu chuẩn đã được đề ra thì thậm chí tỷ lệ này là 36% – gần như không giảm nữa từ cuối những năm 1990.
Mối đe dọa thứ hai: thảm họa môi sinh mà tiến trình công nghiệp hóa quá mức và công cuộc đô thị hóa rất nhanh chóng dẫn tới. Do việc sử dụng quá mức than, năm 2007, Trung Quốc đã trở thành nước xả khí điôxin các bon hàng đầu chiếm 21% tổng lượng toàn thế giới. Hơn một phần ba lượng nước sông bị ô nhiễm; một nửa lượng nước giếng bị ô nhiễm; và 300 triệu người dân nông thôn không được dùng nước sạch. Các cơn mưa axit ảnh hưởng đến một phần ba lãnh thổ và Trung Quốc có 20 trong số 30 thành phố bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Tình hình càng đáng lo ngại hơn vì nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc – khoảng 15% tổng số hiện nay trên thế giới – gần như sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Vì vậy, điều tồi tệ có thể sẽ xảy ra nếu các cuộc cải cách hà khắc không được tính đến. Trong các hội nghị của Liên Hợp Quốc diễn ra vào năm 2009 về mối đe dọa của khí hậu, Trung Quốc đã cho biết rằng từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tăng phần năng lượng có thể tái tạo trong quá trình tiêu thụ năng lượng khoảng từ 15% đến 20%; Trung Quốc cũng đề nghị giảm bớt khoảng từ 40% đến 45% “lượng các bon” so với năm 2005 trong nền kinh tế của mình. Đề nghị này không bảo đảm một sự giảm khí thải theo giá trị tuyệt đối, nếu sự tăng trưởng vẫn còn mạnh thì những lượng khí thải có thể vì thế mà gia tăng, mặc dù với một nhịp độ chậm hơn. Thỏa thuận đã ký tại Côphenhaghen hồi tháng 122009 chỉ hạn chế ở những lời tuyên bố về ý định mà không phải là bắt buộc do lập trường không thể hòa giải được của Mỹ và Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, đây không phải là là những đòi hỏi của các nước phát triển, đứng đầu là Mỹ, những nước sẽ chuyển hướng chính sách của mình, mà là những sự phân xử mà chính quyền sẽ thực hiện giữa nhịp độ và chất lượng của sự tăng trưởng dưới sức ép của dư luận công chúng Trung Quốc. Thực vậy, cuộc khủng hoảng môi sinh đang góp phần vào sự gia tăng cuộc tranh cãi của nhân dân và các “cuộc nổi dậy xanh” của những người phản đối sự gây ô nhiễm của các công xưởng ở sát bên đang gia tăng. Cũng như các cuộc nổi dậy của những người dân bị lãng quên từ sự tăng trưởng (những nông dân được thuê mướn với giá thấp, những người ăn lương bị thôi việc và vì vậy không được sự bảo đảm của xã hội v.v…), các hành động này vẫn có tính chất hạn chế và không dẫn đến các phong trào có cơ cấu chặt chẽ ở cấp tỉnh hoặc quốc gia. Nhưng số lượng của nó không ngừng tăng và mầm mống gây ra tình trạng bất ổn này khiến chính quyền lo ngại vì họ biết rằng hòa bình và sự đoàn kết nhất trí xã hội là điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục một sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Cạnh tranh với Nhật Bản để giành ưu thế về kinh tế ở châu Á
Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rõ rằng tính hợp pháp và sự sống còn của mình là dựa vào kết quả của chính sách kinh tế và sự khẳng định sức mạnh của đất nước Trung Quốc trên thế giới, bắt đầu là châu Á, nơi Trung Quốc phải loại bỏ đối thủ Nhật Bản của mình. Ngoài biểu ngữ “trỗi dậy hòa bình”, mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một “đất nước giàu có và hùng mạnh”, thành ngữ đã được sử dụng trong công cuộc khôi phục kỷ nguyên Minh Trị hồi năm 1868 cho phép Nhật Bản tự coi mình như một cường quốc khu vực và thế giới. Giờ đây, cả hai nước thống trị châu Á chiếm một vị trí trái ngược nhau trong phép biện chứng giữa sự giàu có và hùng mạnh này. Nhật Bản tự coi mình là người lãnh đạo về kinh tế ở châu Á nhưng Hiến pháp theo tư tưởng hòa bình của nước này lại không cho phép họ thực hiện những con bài mang tính chiến lược đối với nước làng giềng khổng lồ của mình. Trái lại, Trung Quốc đã lao vào một cuộc chạy đua nhằm bù lại sự thụt lùi về kinh tế của nước mình. Khả năng của Trung Quốc trong việc tự coi mình là cường quốc duy nhất trong khu vực, dựa vào ưu thế cả về kinh tế lẫn chiến lược của mình, phụ thuộc vào kết quả của cuộc cạnh tranh này.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Golman Sachs hồi năm 2007 về các cường quốc lớn mới nổi “BRIC” (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu trên thế giới (tổng sản phẩm quốc nội và thu nhập tính theo đầu người dân với tỷ giá hối đoái của thị trường. Những tác động của cuộc khủng hoảng có thể còn làm gia tăng những khác biệt về sự tăng trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ và như vậy là đẩy mạnh sự đuổi kịp này), thậm chí chỉ đến năm 2027. Mặc dù những điều dự kiến về lâu dài còn rất bấp bênh, nhưng rất có khả năng là trong khoảng 20 năm tới, Đế quốc Trung Hoa sẽ lại đứng ở hàng đầu, vị trí mà nước này đã từng có vào đầu thế kỷ 19, cho dù mức sống của người dân ở nước này vẫn thấp hơn mức sống của người dân tại các nước phát triển. Trong thứ tự thế giới mới, Trung Quốc sẽ đứng đầu, tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, nước đến năm 2030 chỉ chiếm một phần tư nền kinh tế của Trung Quốc. Rất có thể tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản ngay từ năm nay. Sự lật ngược thế cờ này chắc chắn tạo ra một ảnh hưởng mang tính biểu tượng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự vươn lên này của Trung Quốc, mà cuộc khủng hoảng đã đẩy mạnh, là nằm trong trật tự của tình hình: đây là biểu hiện của trò chơi cơ học về sức mạnh, vì dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc nhiều gấp 10 lần so với Nhật Bản. Trái lại, về mặt chất lượng, khoảng cách về năng suất giữa hai nền kinh tế vẫn rất lớn, tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người dân ở Trung Quốc thấp hơn 10 lần so với Nhật Bản. Ngoài ra, ưu thế về kinh tế cảu Nhật bản đã được khẳng định ở châu Á trên tất cả các mặt – công nghệ, công nghiệp và tài chính. Được ủng hộ bởi một nền ngoại giao kinh tế tích cực, Nhật Bản đã triển khai một mạng lưới rất dày đặc các xí nghiệp và ngân hàng, mạng lưới này bao phủ toàn khu vực và cơ cấu phân chia việc làm của khu vực. Nhật Bản đã tài trợ phần lớn cho sự phát triển của châu Á mới nổi và, mặc dù có những vết ô nhục trong lịch sử, Nhật Bản vẫn là một mô hình tham khảo không thể bỏ qua đối với các nước châu Á, mà phần lớn đã học theo mô hình kinh tế của Nhật Bản. Con át chủ bài của Nhật Bản để duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế của mình ở châu Á là khả năng đổi mới tuyệt vời (các xí nghiệp của Nhật Bản chiếm 70% thị trường thế giới trong ít nhất 30 lĩnh vực công nghệ mà mỗi lĩnh vực là một thị trường hàng năm mang lại ít nhất một tỷ USD). Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các phương tiện của mình trong cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ này.
Hiện nay, bản tổng kết về công nghệ của ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn còn khá tương phản nhau, nhưng sự đuổi kịp đang đạt được những bước tiến lớn trong một số lĩnh vực có độ nhạy cảm cao (như chế tạo ô tô, công nghiệp vũ trụ và đường sắt v.v…). Tháng 9/2008, tàu Thần Châu 7 của Trung Quốc chở người lên vũ trụ đã đạt được thành công vang dội. Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đã không quên nhấn mạnh rằng Trung Quốc, từ nay trở thành cường quốc về vũ trụ, đã thực hiện được kỳ tích này trước khi Nhật Bản có thể đạt được điều đó. Thí dụ khác là về các siêu máy tính với việc sắp đưa vào sử dụng loại máy tính Dawning dòng 6.000 sử dụng một bộ xử lý Gordson – 3 của Trung Quốc và sẽ là một trong 5 bộ xử lý mạnh nhất thế giới. Việc tăng nguồn dành cho công cuộc nghiên cứu từ năm 2000 đã được nói tới nhiều. Đây là một dấu hiệu tốt đẹp cho thấy chính sách rất theo thuyết ý chí mà Trung Quốc muốn thực hiện để trở thành “phòng thí nghiệm của thế giới” chứ không chỉ là “công xưởng của thế giới” nữa. Lễ khai mạc hoành tráng Thế vận hội Olympique Bắc Kinh ngày 8/8/2008 đã nhắc lại vấn đề “4 phát minh lớn” của Trung Quốc cũ, compas, giấy, nghề in và phấn đen. Đây cũng là một bức thông điệp và một cách để nhắc lại với phần còn lại của hành tinh năng lực sáng tạo về khoa học vẫn sáng chói của một Trung Quốc vĩnh cửu. Nếu Trung Quốc nhấn mạnh đến quá khứ vinh quan và những thành công hiện nay của mình, thì đó là họ muốn nhanh chóng tự coi mình như một cường quốc lớn về công nghệ.
Những tiêu chuẩn phải được lưu ý tới để đánh giá tình trạng hiện nay về công cuộc nghiên cứu của Trung Quốc: các nguồn tài chính và nhân lực; sản xuất khoa học, và nhu cầu cấp văn bằng. Những chi phí cho công cuộc nghiên cứu và phát triển đã tăng gấp 3 lần trong vòng 6 năm, nhưng nỗ lực nghiên cứu này vẫn chưa bằng của Nhật Bản. Số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cũng kém xa số nhà nghiên cứu của Nhật Bản: mặc dù con số này gần như đã tăng gấp đôi từ năm 2000, đạt 1,2 triệu người vào năm 2006, song nó vẫn thấp hơn 10 lần so với của Nhật Bản nếu người ta lưu ý đến số dân ở độ tuổi lao động (1,6 phần nghìn của Trung Quốc so với 11,1 phần nghìn của Nhật Bản). Nhưng con số này sẽ tăng mạnh trong những năm tới với việc rất nhiều người có bằng đại học mới ra trường (tăng 20% năm kể từ năm 2000). Theo nhiều bài báo đã được đăng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba trên thế giới và thậm chí ở vị trí thứ hai về khoa học nano. Trái lại, nhu cầu cấp văn bằng ở nước ngoài, mặc dù đang phát triển, nhưng vẫn còn cực thấp vì năm 2006, Trung Quốc chỉ đạt 384 văn bằng “bộ ba” (được cấp đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản) so với 14.187 đối với Nhật Bản. Cho dù nhu cầu cấp văn bằng trong ngành điện tử học có một sự đột phá rõ rệt ở châu Âu và ở Mỹ, nhưng cũng chỉ chiếm một phần mười so với ở Nhật Bản, bởi vì các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đều có một vai trò thu gom các thành phần nhập khẩu. Tuy nhiên, những tiến bộ trong lĩnh vực này có thể đạt được một cách nhanh chóng vì nó nằm trong những ưu tiên của Kế hoạch 2006-2020 về sự phát triển khoa học và công nghệ. Kế hoạch này đã được công bố sau khi đã tiến hành trao đổi ý kiến một cách tỉ mỉ với cộng đồng khoa học trong nhiều năm trời. Mục tiêu của nó là phát triển những khả năng đổi mới tự chủ trong các lĩnh vực chủ chốt trong tương lai bằng cách tăng gấp đôi các quĩ dành cho công cuộc nghiên cứu và phát triển. 7 lĩnh vực ưu tiên đã được ghi nhận, trong đó có: ngành vi điện tử; công nghệ sinh học, các ngành công nghiệp hàng không và hàng không vũ trụ; cũng như các thiết bị mới. Vì vậy, sự theo kịp về công nghệ của Trung Quốc dường như đã được thực hiện căn cứ vào những kết quả đầu tiên này và những nguồn tài nguyên ồ ạt sẽ được huy động. Giải pháp cho “cuộc trường chinh” này vẫn còn bấp bênh bởi vì Nhật Bản đang đẩy mạnh nhịp độ trong cuộc chạy đua của mình nhờ một hệ thống đổi mới thường xuyên. Đối với Trung Quốc, thách thức của cuộc cạnh tranh về công nghệ này là chủ yêu bởi vì đó là chiếc chìa khóa giành ưu thế về kinh tế ở châu Á, điều kiện để tiến tới giành vai trò lãnh đạo toàn cầu trong khu vực. Mục tiêu này dường như khó có thể thực hiện được trước năm 2025 – 2030.
Trái lại, ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á là nổi trội, nhất là về mặt an ninh. Trung Quốc có ảnh hưởng đến tất cả các công việc của diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và vai trò của Trung Quốc có tính quyết định trong các “cuộc thương lượng 6 bên” liên quan đến Bắc Triều Tiên. Nói rộng hơn, Trung Quốc cho rằng với vai trò là nước châu Á duy nhất là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là người đại diện cho châu Á tại diễn đàn lớn nhất thế giới này, nhất là châu Á mới nổi, và vì vậy Trung Quốc có một quyền uy nào đó đối với các nước trong khối ASEAN. Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, thái độ tích cực của Trung Quốc trong việc đạt được những thỏa thuận theo chủ trương mậu dịch tự do đã buộc Nhật Bản phải khắc phục sự trì trệ trong lĩnh vực này. Ngoài những lợi ích về kinh tế mà Trung Quốc có được trực tiếp từ các thỏa thuận trên, chính sách của Trung Quốc nằm trong một khuôn khổ rộng lớn hơn mà một số người có thể so sánh với chế độ phụ thuộc cũ. Theo cách giải thích này, Trung Quốc sẽ khôi phục trật tự cũ, dựa vào một mối quan hệ không cân xứng: ở trung tâm của châu Á mới, Trung Quốc sẽ là đối tác có trách nhiệm và khoan dung bảo đảm cho tất cả, và trước hết là cho bản thân mình, sự ổn định và phồn vinh. Chế độ châu Á của Trung Quốc – trung tâm này là chế độ của một “sự ổn định bá quyền” kết hợp ý muốn bá quyền của cường quốc thống trị, khả năng của cường quốc này trong việc thực hiện nó và việc các nước yếu hơn chấp nhận phục tùng nó.
Bằng những thỏa thuận theo chủ trương mậu dịch tự do, các vốn đầu tư trực tiếp và viện trợ cho sự phát triển, Trung Quốc đã lập ra một chủ nghĩa khu vực mới, sự biến đổi của chế độ phụ thuộc cũ mang màu sắc hám lợi. Sự hợp tác của Trung Quốc với các nước trong khối ASEAN phát triển hơn so với của Nhật Bản và đã dẫn đến một khu vực trao đổi tự do có hiệu lực vào năm 2010. Về mặt hợp tác tiền tệ và tài chính, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng được khẳng định trong khuôn khổ các nước ASEAN cộng 3 (các nước trong khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), cũng như trong các cuộc họp của Ngân hàng phát triển châu Á. Nó xem xét lại vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong hai tổ chức, như người ta đã có thể thấy trong cuộc họp của Ngân hàng phát triển châu Á diễn ra tại Bali hồi tháng 5/2009, tiếp theo cuộc họp của các nước G20 diễn ra tại Luân Đôn hồi tháng 4/2009; các cuộc họp này đã thể hiện rõ sự trở thành cường quốc của Trung Quốc về mặt địa chính trị – tại Bali như là chủ thể hàng đầu trong khu vực, tại Luân Đông như là cường quốc toàn cầu.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của một cường quốc toàn cầu trong tương lai
Trong sự phát triển của thế giới, Chính quyền Bắc Kinh ngày càng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là phải bảo vệ những lợi ích riêng của đất nước mình và một bên là trách nhiệm ngày càng nặng nề trên trường quốc tế. Trung Quốc dựa vào ảnh hưởng của mình tại châu Á để củng cố uy tín quốc tế của mình và dần dần tự khẳng định mình là cường quốc toàn cầu. Để làm được điều đó, Trung Quốc có hai con bài mà Nhật Bản không có: Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và là cường quốc hạt nhân. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc vừa nhằm phát triển những sự trao đổi kinh tế song phương vừa nhằm góp phần vào sự ổn định của hệ thống thế giới dựa trên cơ sở chủ nghĩa đa phương và đa cực.
Sự phát triển các quan hệ đối tác song phương về kinh tế là ưu tiên để bảo đảm an ninh cho việc tiếp tế nguyên liệu cho Trung Quốc và để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của mình. Sự phát triển rõ rệt mối quan hệ với châu Phi, nơi dưới lòng đất chứa đựng các nguồn khoáng sản mang tính chiến lược đối với Bắc Kinh, là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy điều đó. Những sự trao đổi đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu thập niên đến nay và đã đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2008. Kết quả của cuộc tấn công thương mại này đã trở thành hiện thực qua cuộc họp thượng đỉnh ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2006, nơi đã tụ họp 48 nguyên thủ quốc gia của các nước châu Phi để chào mừng một “một quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và châu Phi. Thí dụ khác, châu Mỹ Latinh, mà Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba với những sự trao đổi đạt 140 tỷ USD. Bắc Kinh đã đầu tư vào các lĩnh vực dầu lửa và mỏ, xuất khẩu các hàng dệt may và các sản phẩm điện tử và nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và các nguyên liệu. Năm 2008, Trung Quốc đã thay thế Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Braxin và đã trở thành thành viên thứ 48 của Ngân hàng phát triển liên châu Mỹ.
Trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc dựa vào chủ nghĩa đa phương, nhưng nền ngoại giao song phương của Trung Quốc bị chi phối mạnh mẽ bởi kinh tế đôi khi không nhất quán với tiêu chí trên. Đúng vậy, đối với Bắc Kinh, ưu tiên tuyệt đối dành cho việc phát triển kinh tế của đất nước buộc Trung Quốc phải có một thái độ thực dụng nào đó, như người ta có thể thấy điều đó ở châu Phi. Những kết quả mà Trung Quốc đạt được ở châu Phi là do sự lợi dụng một cách khéo léo nhiều con bài: quá khứ thuộc thế giới thứ ba, tình đoàn kết được thể hiện giữa các nước đang phát triển và nhất là từ chối mọi sự can thiệp của các nước phương Tây vào các công việc nội bộ của các nước châu Phi – dù với danh nghĩa nhân quyền, các điều kiện được gắn với khoản tín dụng v.v… Mặc dù chủ nghĩa đa phương đã được công bố, cách nhìn của Trung Quốc về các mối quan hệ quốc tế phản ánh quan niệm Westphalie mà Trung Quốc coi là chủ quyền riêng của mình (người ta đã thấy rõ điều đó trong hội nghị cấp cao Côpenhaghen hồi tháng 12/2009: đối với Trung Quốc, một sự kiểm soát siêu quốc gia những cam kết về năng lượng – khí hậu của hội nghị này là một sự gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc) và tìm ra những giới hạn của mình trong khái niệm hệ quả của sự “không can thiệp”, chủ đề quán xuyến trong hành động quốc tế của nước này. Đây là lý lẽ mà Trung Quốc đã sử dụng để tránh cho đối tác và là tay chân của mình là Xuđăng khoi rmoij sự lên án của Liên Hợp Quốc trong tấn thảm kịch Darfur; đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc có thái độ dè dặt đối với mọi thái độ cứng rắn trong những sự trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran – ngoài thực tế Iran là nước cung cấp dầu lửa ngày càng quan trọng cho Trung Quốc.
Điểm chính trong nền ngoại giao của Trung Quốc rõ ràng đối với Mỹ bởi vì ưu tiên mà Trung Quốc dành cho sự phát triển kinh tế đang buộc Trung Quốc phải có một hình thức quan hệ đối tác với Mỹ. Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ có tính chất sống còn đối với cả Mỹ và Trung Quốc và phải tuân theo một sự bắt buộc đối xứng: Trung Quốc cần thị trường Mỹ, Mỹ lại cần số tiền tiết kiệm của Trung Quốc. Những sự mất cân bằng của phần tiết kiệm vẫn còn thiếu ở Mỹ và quá nhiều ở Trung Quốc thể hiện bằng một sự thâm hụt thương mại lớn của Mỹ. Năm 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt tổng số 517 tỷ USD đối với những sự trao đổi tài sản, trong đó 227 tỷ USD là của riêng Trung Quốc. Vấn đề này là mầm mống gây bất hòa lớn giữa hai đối tác trong chừng mực mà đối với Mỹ, việc định giá thấp đồng nhân dân tệ đang tăng cường một cách quá đáng tính cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc và là một lợi thế bất chính. Điều này đặc biệt khiến người ta nhớ lại vào đầu những năm 1980, khi Mỹ giải thích việc gia tăng sự thâm hụt thương mại với Nhật Bản bằng việc định giá thấp đồng yên. Sẽ là ảo tưởng khi cho rằng với một sự tái định giá đồng nhân dân tệ, cán cân thương mại của Mỹ và châu Âu sẽ được cải thiện mạnh mẽ, bởi vì tính cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ việc chi phí cho sản xuất ở Trung Quốc thấp. Bằng chứng là việc tăng giá 21% đồng nhân dân tệ so với đồng đôla từ tháng 7/2005 ảnh hưởng rất ít đối với sự thâm hụt của Mỹ. Vấn đề là nếu đồng nhân dân tệ dao động tự do, thì sự bùng nổ những số dư lưu hành sẽ dẫn đến một sự định giá còn mạnh hơn nhiều. Dù sao thì người ta vẫn có thể cho rằng ngoại hối của Trung Quốc vẫn bị định giá thấp, rõ ràng là từ 20% đến 30% so với đồng đôla hoặc đồng euro. Tình hình này là có hại đối với phần còn lại của thế giới nhưng trước hết là đối với Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngừng định giá ngang nhau của đồng nhân dân tệ và đồng đôla từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng để hạn chế việc ngày càng xấu đi của ngành ngoại thương (tháng 11/2009, tỷ giá hối đoái thực tế của đồng nhân dân tệ – phản ánh tỷ giá hối đoái với toàn bộ các đối tác thương mại – đã trở lại mức như năm 2001, theo nguồn tin của Ngân hàng các giải pháp quốc tế). Nhưng chính vì thế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải theo tỷ lệ lãi suất rất thấp của Mỹ, với nguy cơ nuôi dưỡng một bong bóng tiền tệ ở qui mô lớn. Ngoài ra, sự chỉ số hóa đồng nhân dân tệ trên thực tế này theo một đồng đôla thấp một cách quá mức là một mối đe dọa nặng nề đối với sự ổn định hệ thống tài chính thế giới. Còn nữa, Trung Quốc đang bị rơi vào thế giằng co giữa việc bảo vệ những lợi ích riêng của mình và những trách nhiệm của cường quốc toàn cầu. Nhưng Trung Quốc khong phải là một mình: nếu một sự đánh giá đồng nhân dân tệ, từng bước được thực hiện nhưng rất vững chắc, là cần thiết, thì điều đáng mong muốn là Mỹ sẽ góp một phần gánh đỡ cho gánh nặng này bằng cách nâng tỷ lệ tiết kiệm, mà sự suy yếu là nguồn gốc gây ra sự mất cân bằng ở cấp thế giới. Trung Quốc chủ trương một chủ nghĩa đa phương mà nhân danh nó Trung Quốc tiến hành tranh cãi, dưới hình thức các cuộc chiến nhỏ, sự bá quyền của Mỹ: vai trò của đồng đôla, đại diện trong các thể chế đa phương, sự lộn xộn về tài chính khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng v.v…
Về vấn đề đồng nhân dân tệ cũng như vấn đề khí hậu nóng lên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn dành ưu tiên cho những đòi hỏi của sự phát triển của mình. Nhưng đằng sau hình ảnh của một đất nước Trung Quốc chinh phục, thậm chí là ngạo mạn dưới con mắt của một số người, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngây ngất trước những kết quả mới đây của họ; trái lại, họ hoàn toàn tỉnh táo để nhận thức được những thách thức mà đất nước của họ phải đối mặt để đạt tới “vị trí thích đáng” của mình trên thế giới. Giảm bớt 3 sự phụ thuộc vào nước ngoài; sữa chữa những sự mất cân bằng nội bộ; chinh phục ưu thế kinh tế ở châu Á; và làm cho mình trở thành cường quốc toàn cầu: ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc biết rõ rằng tính hợp pháp của đảng phụ thuộc vào việc thực hiện các mục tiêu này. Đây là điều kiện cần thiết để làm cho công dân Trung Quốc chấp nhận sự kiểm soát chặt chẽ về xã hội đối với họ./.