Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

26/6/11

Trần Vinh Dự - Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (2)

Thứ Năm, 23 tháng 6 2011

Diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc (tiếp theo và hết)


Trần Vinh Dự

Từ trỗi dậy hòa bình sang diễn biến hòa bình

Cho tới nay, dựa trên các phát biểu của quan chức cao cấp Trung Quốc, có vẻ như cách tiếp cận phát triển không dựa trên chiến tranh vẫn được giới lãnh đạo nước này tôn trọng. Tuy nhiên, tinh thần của “trỗi dậy hòa bình” không còn được như trước. Với việc thế giới phương Tây rơi vào khủng hoảng và suy yếu, Nhật Bản chìm đắm trong hết “thập kỷ bị quên lãng” này tới “thập kỷ bị quên lãng” khác, và sự phát triển không ngừng về thế và lực của mình, đế quốc mới nổi này đã tỏ ra ít kiên nhẫn hơn so với những năm trước.

Một phần của sự thiếu kiên nhẫn này được thể hiện ở động thái hiện đại hóa quân đội, tăng ngân sách quốc phòng (vốn đã khổng lồ), tích cực phát triển các hạm đội ở Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông Việt Nam), sản xuất tàu sân bay, thí nghiệm phát triển máy bay tàng hình, và đặc biệt là chuẩn bị cho năng lực thực hiện chiến tranh thông tin (Information Warfare – IW, hay còn gọi là Integrated Network Electronic Warfare” -INEW)

Một phần khác được thể hiện ở chỗ cách nước này xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp với láng giềng cũng mang màu sắc hiếu chiến hơn, dù là tinh tế:

Ở phía Nam, tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) trên Biển Đông do Trung Quốc đặt bút ký hồi đầu những năm 2000s không còn được nước này tôn trọng. Trung Quốc thường xuyên tấn công, bắt giữ, thậm chí giết hại ngư dân các nước Việt Nam và Philippines trên các vùng biển bị tranh chấp. Thông qua các lực lượng dân sự trá hình, Trung Quốc cũng thường xuyên ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các nước này ngay cả trên phần thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc còn đang chuẩn bị đưa giàn khoan dầu có khả năng hoạt động ở vùng nước sâu vào khai thác tài nguyên dưới lòng Biển Đông. Những động thái này dẫn tới các phản ứng chính thức ở mức độ khác nhau cả từ Philippines và Việt Nam. Trong khi Philippines đang chuẩn bị kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc thì ở Việt Nam liên tục nổ ra các cuộc biểu tình tuần hành phản đối đế quốc này.

Ở phía Đông, tàu chiến, kể cả tàu ngầm, và máy bay của Trung Quốc thường xuyên thăm dò, khiêu khích Nhật Bản. Các thỏa thuận về thăm dò và khai thác chung với Nhật Bản hồi năm 2008 (dưới hình thức một liên doanh) cũng nhanh chóng bị quên lãng. Không khí chống Nhật Bản ở Trung Hoa Đại lục cũng được đẩy lên rất cao với các cuộc biểu tình rầm rộ được nhà nước bật đèn xanh. Đáp trả lại từ phía Nhật Bản là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ phía quần chúng và chính phủ Nhật Bản đứng về phía Việt Nam và Philippines liên tục lên tiếng phản đối các động thái khiêu khích của Trung Quốc trên biển.

Đối với Việt Nam, có lẽ vấn đề “diễn biến hòa bình” mang màu sắc Trung Quốc không chỉ dừng ở việc chèn ép Việt Nam trên biển. Nó còn thể hiện đa dạng ở nhiều mặt khác của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội.

Đầu tiên phải kể đến ảnh hưởng ghê gớm của Trung Quốc đối với Việt Nam trên khía cạnh kinh tế. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011, giá trị nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 7,1 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2010 trong khi xuất khẩu chỉ có gần 3 tỉ USD. Trong năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỉ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nhiều người cho rằng nếu “rút cái phích cắm” Trung Quốc thì cỗ máy kinh tế Việt Nam sẽ không thể vận hành được.

Điều này có cơ sở vì Việt Nam phải nhập rất nhiều máy móc, bán thành phẩm, và nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam cũng hết sức đáng kể với việc các nhà thầu của nước này trúng phần lớn các gói thầu lớn, đặc biệt là các gói thầu do nhà nước Việt Nam tổ chức đấu dưới hình thức EPC (theo số liệu của Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VEF), có tới 90% công trình thượng nguồn ở Việt Nam như khai khoáng, luyện kim lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc).

Điểm thứ hai được nhiều người nhắc đến là sự xâm thực của văn hóa Trung Quốc trong hầu hết các mảng của đời sống xã hội của Việt Nam. Phần lớn các phim truyền hình được chiếu trên các kênh của Việt Nam là phim Trung Quốc (trừ một số phim Hàn Quốc hiện nay bắt đầu lấn sân). Sách truyện của Trung Quốc dịch ra tiếng Việt nhan nhản trong các cửa hàng sách Việt từ Nam ra Bắc. Thanh thiếu niên Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam.

Trên thực tế thì Việt Nam không phải là đối tượng duy nhất được Trung Quốc nhắm vào trong cuộc xâm thực này. Theo YaleGlobal, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng “quyền lực mềm” thông qua việc truyền bá văn hóa ra thế giới. Với đặc trưng lịch sử của mình, Việt Nam dễ dàng trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của chiến lược truyền bá văn hóa của Trung Quốc.

Điểm thứ ba là về mặt xã hội, Trung Quốc đang có một cộng đồng gốc Hoa rộng khắp và có ảnh hưởng lớn về kinh tế ở Việt Nam. Không chỉ thế, theo nhiều nguồn tin, việc di cư của lao động thô sơ Trung Quốc sang Việt Nam cũng là việc đáng lưu tâm. Theo Tuổi Trẻ đưa tin hồi đầu năm 2009, phần lớn các nhà thầu Trung Quốc khi thi công ở Việt Nam đều mang theo công nhân Trung Quốc. Trong cùng năm 2009, VietnamNet cũng đưa tin nhiều vụ gây rối của công nhân Trung Quốc chống lại dân Việt Nam địa phương.

Con số chính thức do Thiếu tướng Đặng Thái Giáp - Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, cho biết vào tháng 07/2009 thì có khoảng 35.000 lao động (thô sơ) Trung Quốc làm việc tại VN tại thời điểm đó, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Tây nguyên, miền Trung. Theo Thiếu tướng Giáp, một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa người lao động vào cả các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng dân tộc... tiềm ẩn những phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều người không đủ tiêu chuẩn lao động, có người chỉ là lao động phổ thông nhưng vẫn được phía Trung Quốc cấp hộ chiếu công vụ; một số trường hợp nhập cảnh vào VN kết hôn với người Việt nhưng không đăng ký theo quy định.

Con số 35 nghìn người mà thiếu tướng Giáp đưa ra không phải là một con số quá lớn, nhưng cho tới nay nó đã là một con số cũ. Tuy nhiên đây cũng là con số đáng lưu tâm vì sự hiện diện về kinh tế (kéo theo sự hiện diện về con người) ở Việt Nam chỉ có tăng chứ không giảm.

Với việc ngày càng lấn át Việt Nam trên biển, đặt Việt Nam vào vòng ảnh hưởng ngày càng chặt về kinh tế, xâm thực về văn hóa, và tăng dần sự hiện diện của người Hoa trong xã hội, có vẻ như Trung Quốc đang đặt Việt Nam trong một quá trình diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Hoa.
---------------------------------


Source : VOA / Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự