Hiển thị các bài đăng có nhãn Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (1). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (1). Hiển thị tất cả bài đăng

19/7/10

Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (1)

Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo
(Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Huỳnh Văn Phẩm, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thuỳ Yên, Trần Thanh Hiệp)

Tưởng niệm Quách Thoại người đáng lẽ phải có mặt trong cuộc thảo luận


Lời tựa

Có một thực thể không ai phủ nhận về yếu tính của thời hiện đại: Mỗi chúng ta phải mang cái án làm triết học cho mình, làm chánh trị cho xã hội mình. Triết học và chánh trị không còn là đặc quyền của một thiểu số, một “quả cấm” đối với đa số. Mọi sinh hoạt bằng cách này hay cách khác rồi cuối cùng vẫn đưa tới đó. Không thời nào văn học lại nặng mang tính cách siêu hình bằng thời này.

Cũng không ai phủ nhận thực tại này: Ở trong mỗi con người chúng ta, bất luận chịu một nền giáo dục nào – thanh niên hơn ai hết - đều có một con người lý tưởng thao thức với khát vọng muôn đời của nhân loại. Không bao giờ có an bình xã hội chừng nào con người lý tưởng đó không được dòm ngó tới, không được săn sóc tới, không được sửa soạn cho đăng trình hay tệ hại hơn nữa bị chặn ngăn.

Lên đường đi đâu, người ta có thể hỏi thế - điều không quan trọng và chưa cần biết. Ý thức tự do thoát khỏi mọi áp lực sẽ chỉ cho ta hay. Điều kiện mở đầu là được lên đường, nghĩa là giữ trách nhiệm, nghĩa là chứng tỏ sự có mặt.

Chúng ta đi tìm một ý thức hệ để dẫn dắt hành động để rồi bằng hành động chúng ta chứng thực cho lý tưởng. Ý thức hệ là gì, nếu không là triết học của thời đại trong từng khu vực hiểu biết hay nhiều khu vực liên kết lại. Lấy ý thức hệ thay thế triết học, thời đại ta cũng đã nói lên đầy đủ cái thế “động” tất yếu của suy tưởng. Chỉ một phút sao lãng là ta bị bỏ xa hàng dặm. Ít nhất, ta cũng phải nói ý thức hệ chúng ta phải là một ý thức hệ mở ngỏ, mẫn cán quan chiêm sự chuyển vần của thế giới, những chinh phục khoa học, những tiến bộ kỹ thuật khoa học là thực tại, xã hội là khung cảnh và nhân bản là hướng chiều. Người ta xét lại những lý thuyết khoa học bằng vào sự nhận thức những sự kiện mới thì chúng ta không vì lý do gì lại khư khư ôm mãi một lý thuyết nhân văn. Đành rằng nhiều môi trường động lực xuất hiện hay được khám phá có thể phức tạp hoá nhân sinh đến cùng độ, nhưng hợp quần, bình tĩnh và can đảm chúng ta sẽ vượt qua.

Chúng ta nhất định - bất luận với giá nào – không mại vong ý chí và nhường quyền giải quyết cuộc đời ta cho kẻ khác. Thì ta chỉ còn có một phương cách là động viên ý thức. Và như đã nói, khi ý thức đã được khơi sâu đến cùng tột để dứt bỏ mọi áp lực, nó sẽ tìm được con đường cho nó, cho ta. Nói đi tìm một căn bản tư tưởng là nói chính trị, nói đi tìm một con đường suy tưởng mới là nói triết học. Tư tưởng chối bỏ tự do là tự huỷ diệt.

Có người e sự phân tán của ý thức. Nhưng trong cái chuyên biệt của ý thức, vẫn có cái nhất thống của nó. Mỗi khu vực trí thức, vẫn có cái nhất thống của nó. Mỗi khu vực trí thức có quy luật riêng của nó, ta phải biết đổi thay cách thức sử dụng và mục đích sử dụng ý thức. Bày ra những ý thức đạo đức, ý thức thẩm mỹ và ý thức chính trị… là kêu gọi cái thận trọng trên. Bởi vì mọi ý thức không phải đã đạo đức, thẩm mỹ và chính trị sẵn rồi.

Có người lo sự tan rã của nhân quần. Sự đoàn kết giữa con người từng đã có và chỉ thực sự có nếu tự do. Có lẽ tầm thường chăng khi xác nhận lại “nguyên tắc độc lập của ý chí”. Lời phán xét cuối cùng vẫn là phán xét của ý thức tôi. Cửa ngõ cuối cùng vẫn là cửa ngõ lương tâm tôi. Có được tự do, tôi mới tự ý thức được tôi và ý thức chung quanh để mà ý thức cái tương quan sâu xa giữa tôi và chung quanh. Sự nhất thống nhân quần phải phát xuất từ đó.

Trên bình diện phương pháp ta phân biệt khoa học, đạo đức, chính trị, nghệ thuật, nhưng trong phương diện đối tượng tất cả là cuộc đời của tôi và chung quanh. Tôi phải sống cùng với kẻ khác sống.

Ý thức bên trong, hoàn cảnh bên ngoài đã đưa chúng tôi lại ngồi chung một bàn, đi chung một quãng đường. Từ Người Việt đến Sáng Tạo chúng tôi đã làm chung một công cuộc trong tự do và kết đoàn. Công cuộc thật lớn vì muốn được toàn diện.

Ý thức rằng muốn khởi sự một công cuộc cần phải thực hiện một công cuộc khác song song nếu không là tiên khởi là khám xét triệt để mình, kẻ khác, con đường đã qua. “4 cuộc nói chuyện” in thành sách hôm nay là sơ kết một nhận định trong con đường đã đi qua những tờ Sáng Tạo cách đây mấy năm về trước. Trên những mốc cắm đó, tôi và bằng hữu sẽ còn tiến tới. Một ngày nào đó, mốc cắm sẽ biến khỏi tầm nhìn của chúng tôi, nhưng chúng vẫn còn.

Nhắc lại những điều tầm thường trên theo ý thức của riêng tôi, tôi viết lời để tựa chung này. Của tôi và bằng hữu tôi, những chủ quan và thiếu sót, chúng tôi ý thức.

Sài Gòn tháng 3 năm 1965
Nguyễn Sỹ Tế



*


Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam

(Thảo luận giữa Duy Thanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thuỳ Yên, Trần Thanh Hiệp)

Trần Thanh Hiệp: Sự thật, văn nghệ tiền chiến chẳng còn thành một vấn đề đối với chúng ta dù chỉ là để được phê bình. Nó đã chết yên ổn với tất cả những thứ gì thuộc về một dĩ vãng. Vì người làm nghệ thuật bây giờ không cảm thấy bị ràng buộc với thứ văn nghệ đó dù trên nghệ thuật quan, ở kỹ thuật biểu diễn hay trong sự đấu tranh xã hội. Nhưng có một điểm: văn nghệ tiền chiến với ít nhiều hồi quang của nó, đang được hồi sinh và củng cố thành những đồn luỹ bảo thủ ngăn trở sự tiến bộ của nghệ thuật. Đó là một vấn đề chúng ta cần phải giải quyết dù với giá nào. Vậy khi nhắc đến văn nghệ tiền chiến, đối với chúng ta, sẽ không có vấn đề phê bình cá nhân để tranh ngôi thứ. Và cũng không phải chỉ cốt để khen hay chê thứ văn nghệ đó. Sự luận bàn của chúng ta sẽ mang lại một ý thức mới về sự vận động của nghệ thuật, thức tỉnh một số người rằng nghệ thuật không phải chỉ là sự diễn tả tâm tình hay là sự thần phục thực tại, hay là sự tuyên truyền chính trị hay là sự cuồng loạn hư vô. Theo tôi, chỉ có thể hiểu nghệ thuật bằng cách y cứ vào sự vận động biện chứng của chính nghệ thuật trong sự vận động của lịch sử. Cho nên câu chuyện của chúng ta sẽ là cái nhìn chủ quan của người làm nghệ thuật, của một thế hệ đối với một thế hệ. Theo thứ tự thời gian chúng ta tiếp nối thế hệ trước. Trong khoảng cách mấy chục năm có những gì xẩy ra khiến cho thế hệ chúng ta khác biệt thế hệ đã qua? Một cuộc thế giới đại chiến, những cuộc chiến tranh giải phóng, những cuộc cách mạng lựa chọn chính thể, sự sụp đổ của đế quốc, sự hiện hình của của khối người vĩ đại ngày nào còn là những tên nô lệ không tên tuổi, sự tan vỡ nứt rạn của hệ thống tư tưởng có một thời tưởng là chân lý, biết bao nhiêu biến cố quan trọng dồn dập xảy đến đảo lộn đời sống nhân loại. Là nhân chứng của một thời đại hình như thu gọn sự tiến hoá, thế hệ chúng ta thể nghiệm phong phú sự sống của con người, mang nặng những ấn tượng của biến động. Sự tiêu huỷ chưa thể chấm dứt và sự sáng tạo cũng chưa ngừng. Phải chăng đó là hai cực điểm của một khả năng tiềm ẩn trong con người phát hiện thành lịch sử? Chính ở điểm chưa giải quyết được một cách thoả đáng nên ngày nay con người vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết. Sự cố gắng của dĩ vãng đã thất bại; bao nhiêu giải pháp mà vẫn chưa mang đến cho con người một đời sống ổn định. Thế hệ chúng ta không mù quáng hay thơ ngây để tin tưởng rằng lịch sử nhân loại đã giở đến trang chót. Bởi vậy thế hệ chúng ta có sự đau nhục của con người trước sự bất lực của chính mình. Và sự sống không im lìm mà là một vận động tiến lên, trở thành. Chúng ta đã từng nói “nghệ thuật là một nhận thức về đời sống”. Chúng ta còn nói thêm sự nhận thức ấy không phải là một thứ nhận thức để nhận thức. Trước nhu yếu giải quyết sự sống, nghệ thuật là một tác động của con người để chinh phục thân phận của chính mình. Trên bình diện kĩ thuật thuần tuý, nghệ thuật cũng là sự chinh phục của một lối biểu diễn đối với một lối biểu diễn khác. Nghệ thuật chứa đựng sự giao tranh. Giữa những thế lực tương phản trong nội tâm con người, giữa những trở lực ngoài xã hội cản trở sự phát huy của con người, sự giao tranh đưa lại một sự giải phóng tự giác và một sự giải phóng xã hội để đạt tới một “toàn thể nhân tính” (totalité humaine). Vì vậy chúng ta chối bỏ những văn nghệ nữ tính chỉ đầy rẫy những câu chuyện đàn bà con trẻ, đầy nước mắt, của những con người bạc nhược trong tâm hồn và bất lực trên hành động. Nghệ thuật bây giờ là sự tiêu huỷ để sáng tạo, là sự tiêu huỷ qui định bởi sự sáng tạo. Là sự thống nhất tiêu huỷ và sáng tạo. Phản động lực càng tăng tiến, sự tiêu huỷ càng lớn lao trở thành cơn cuồng nộ. Chủ quan kể trên sẽ giải thích sự nhận định của chúng ta đối với văn nghệ tiền chiến.

Thanh Tâm Tuyền: Nói ngay lập tức: Nghệ thuật tiền chiến ở Việt Nam là nghệ thuật thành hình bằng sự tiếp nhận ảnh hưởng Tây phương và chấm dứt với biến cố lịch sử 1945. Tuy nhiên, có thể gọi nghệ thuật tiền chiến là những tác phẩm kéo dài ảnh hưởng của giai đoạn đó vượt ra ngoài dấu mốc thời đại tôi vừa xác định.

Mai Thảo: Tại sao phải nhìn trở lại nghệ thuật tiền chiến ở Việt Nam? Thanh Tâm Tuyền vừa nói đến sự kéo dài của một ảnh hưởng. Tôi thấy cần phải nói rõ là ảnh hưởng xấu. Ảnh hưởng của một nền nghệ thuật đã lỗi thời. Nhìn trở về nền nghệ thuật đó có nghĩa là chúng ta ném trả lại nghệ thuật đó về với quá khứ của nó.

Trần Thanh Hiệp: Vấn đề này thực ra chúng ta đã giải quyết. Nhưng chưa nói hết. Thành ra vẫn còn nhiều ngộ nhận, thắc mắc. Cần trở lại vấn đề này một lần nữa.

Mai Thảo: Chối bỏ đã có nghĩa là chối bỏ một cái gì vô giá trị. Hoặc không còn giá trị.

Thanh Tâm Tuyền: Với những người làm nghệ thuật thì xét thế hệ trước mình để nhận định rõ ràng ảnh hưởng của nó đối với mình ngày nay ra sao. Riêng với tôi, tôi nói không ngượng ngập. Số lớn những tác phẩm thời ấy tôi đều đọc hồi còn đi học. Tới khi có một ý thức nghệ thuật thì sự thành hình ý thức ấy ở tôi không bao giờ chịu ảnh hưởng. Sự tạo thành nền ý thức này ngoài phần do đời sống, tôi nhận rằng nó được cấu tạo rất nhiều bởi ảnh hưởng Tây phương.

Mai Thảo: Cũng cần phải xác định thật rõ tinh thần buổi nói chuyện hôm nay: Nhìn về nghệ thuật tiền chiến, mục đích chính yếu của chúng ta là đánh giá, phân tách, làm sáng tỏ một thời kì, một quá trình nghệ thuật. Không có chuyện chỉ trích cá nhân ở đây. Nếu chúng ta có nhắc đến những tác giả, tác phẩm tiền chiến, cũng chỉ có nghĩa là những thí dụ, dẫn chứng cần thiết làm sáng tỏ một nhận định toàn thể. Tôi thấy cần phải nhấn mạnh về điểm này để xác định ý nghĩa việc làm của chúng ta.

Nguyễn Sỹ Tế: Ta có thể phán xét nghệ thuật tiền chiến dưới hai quan điểm: 1) Quan điểm của người viết lịch sử văn học; 2) Quan điểm của người làm nghệ thuật hôm nay. Vậy xin chọn lựa.

Thanh Tâm Tuyền: Phải phán xét theo quan điểm người làm nghệ thuật bây giờ. Phán xét theo tiêu chuẩn người viết lịch sử văn học không phải là công việc chúng ta. Xét theo quan điểm người làm nghệ thuật hôm nay, nghệ thuật tiền chiến chỉ có giá trị của một thời kì tập sự làm quen với kĩ thuật mới du nhập từ Tây phương. Trong địa hạt văn chương thì sự trau dồi từ ngữ và cú pháp mới. Nghĩa là hoàn toàn ngôn ngữ. Còn tất cả những gì thật là nghệ thuật thì là ấu trĩ.

Mai Thảo: Nghệ thuật tiền chiến được thành hình bởi một vài phản ứng đáng kể đối với nền nghệ thuật Hán học trước nó. Phản ứng đối với hình thức gò bó, như trong địa hạt thi ca. Phản ứng đối với những nề nếp sống lạc hậu, như trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng một nền nghệ thuật đánh dấu được trọn vẹn tâm trạng, ý thức thời đại, không thể chỉ đơn thuần là những phản ứng. Cái thiếu và cũng là cái thiếu căn bản của nghệ thuật tiền chiến, theo tôi, là nó không có được những công trình nghệ thuật đáng kể, những tác phẩm lớn. Lấy Tự Lực Văn Đoàn làm ví dụ: Ta có thể nhận rằng họ đã thực hiện được những tiến bộ ở phạm vi báo chí (Phong Hoá, Ngày Nay). Và chỉ ở phạm vi này mà thôi.

Nguyễn Sỹ Tế: Nghệ thuật tiền chiến là một nghệ thuật của những rung cảm hời hợt, giả tạo. Một phần bởi hoàn cảnh lịch sử an bình không có những thắc mắc sâu xa (ngoại trừ một số ít người long đong làm việc nước), và lịch sử dân tộc hầu như chưa có được những nối kết chặt chẽ với lịch sử nhân loại. Một phần do sự bỡ ngỡ của con người bấy giờ trước sự tiếp nhận cả một lịch sử tiến hoá lâu dài của văn học nghệ thuật Tây phương, nên bối rối trong sự phán xét và lựa chọn các giá trị.

Thanh Tâm Tuyền: Nông cạn của nghệ thuật tiền chiến, lỗi chính vẫn là ở những người sáng tác, không phải ở hoàn cảnh. Sự va chạm mạnh mẽ giữa văn hoá Đông-Tây đầu thế kỉ, các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn nhìn một cách rất thu hẹp, trong phạm vi gia đình cá nhân, mà không hề thấy đó là sự đảo lộn cả một nếp sinh hoạt mấy nghìn năm, mà trong đó, dân tộc phải tìm lấy một đường lối giải thoát thích hợp. Không bảo thủ luyến tiếc quá khứ thì họ lại đuổi theo một thứ tình cảm cá nhân để giải quyết cho riêng mình.

Nguyễn Sỹ Tế: Ý thức hệ thời đó nặng về chủ nghĩa lãng mạn và chữ tự do chưa được ý thức đúng đắn.

Duy Thanh: Phải nhận văn chương Tự Lực Văn Đoàn đã được quần chúng thời đó tán thưởng. Tại sao Tự Lực Văn Đoàn đã gây được một ảnh hưởng lớn lao đối với quần chúng thời đó? Bây giờ nhìn lại chúng ta không thấy sự ghê gớm của văn chương đó. Vậy có phải do trình độ thưởng ngoạn của quần chúng thời đó thấp kém, khiến người sáng tạo cũng không thể vượt lên trên sự thấp kém đó?

Thái Tuấn: Không thể căn cứ vào số độc giả để xác định giá trị một tác phẩm nghệ thuật. Tiểu Thuyết Thứ Bảy bán chạy hơn Phong Hoá, Ngày Nay; truyện Lê Văn Trương bán chạy hơn truyện Vũ Trọng Phụng là một bằng chứng.

Duy Thanh: Cũng có thể Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm bán chạy hơn Phong Hoá, Ngày Nay vì tạm cho rằng thứ báo này thuộc loại văn chương của giới élite thời ấy.

Mai Thảo: Xin nói thêm về ý kiến của Thái Tuấn để trả lời câu hỏi của Duy Thanh. Chỉ những người không hiểu biết tí gì về giá trị nghệ thuật mới nại đến sự “ăn khách” của một tác giả, một tác phẩm để đánh giá tác giả, tác phẩm đó. Tôi nghĩ đến cái lối viết chiều theo thị hiếu độc giả thời nào cũng có ở những người viết vô ý thức muốn tạo cho mình một thứ tên tuổi tầm thường, vô nghĩa. Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn được quần chúng thời đó tán thưởng, một phần cũng bởi vì tiểu thuyết đó đã đánh trúng vào thị hiếu quần chúng mà thôi. Chỉ cần đặt câu hỏi: có phải tất cả những thứ best sellers đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật không?

Duy Thanh: Những sách bán chạy nhất không thể coi đồng đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên trường hợp những tác phẩm có giá trị thật bán chạy không phải là không có. Ngoài ra còn có những thứ làng nhàng được nhiều người thích thì ở nước nào cũng có rất nhiều.

Thanh Tâm Tuyền: Sở dĩ một số độc giả ưa chuộng những tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn là nhờ ở chỗ những tác phẩm đó đã đề cập đến những vấn đề rất “hợp thời trang”. Trong danh từ “thời trang” đã có thể qui định lớp người trong xã hội. Những tác phẩm “hợp thời trang” đã làm sôi nổi một thời cũng mất đi theo thời đó. Những tác phẩm mà Tự Lực Văn Đoàn gọi là những tiểu thuyết luận đề đã chứng tỏ tất cả sự nông cạn và hời hợt của những tác giả ấy. Chưa nói tới việc luận đề mà nhóm Tự Lực Văn Đoàn chọn là những vấn đề rất thô sơ và hẹp hòi ở trong xã hội, tôi muốn công kích ngay cái loại mà người ta gọi là tiểu thuyết luận đề - kể cả những luận đề cao nhất – là của một quan niệm ấu trĩ về tiểu thuyết. Bởi tính cách luận đề phản nghệ thuật. Tác giả đặt ra những bài toán mà tác giả đã biết trước lời giải rồi dùng những xảo thuật máy móc đưa độc giả tới giải pháp của mình. Nếu phải nói về những luận đề nhóm Tự Lực Văn Đoàn đưa vào tác phẩm, có thể dùng những loại bài báo để giải quyết. Khỏi cần đưa vào nghệ thuật.

Nguyễn Sỹ Tế: Nói “hợp thời trang” chưa đủ, phải nói “sách vở”. Có mấy cái cần phải phân biệt: cái sống (le vécu), cái nghĩ (le pensé) và… sách vở. Tôi đã có dịp nói rằng nhiều tác giả thời ấy chưa sống, danh từ “sống” hiểu theo cái nghĩa sâu xa của nó. Và tôi cho rằng tác phẩm của họ cũng chưa đạt tới cái nghĩ nữa. Cho nên mới gọi là sách vở, là hời hợt, là giả tạo. Đọc trong văn học Tây phương - mà cũng chỉ đến giữa thế kỉ 19 thôi - loá mắt với mấy ý niệm phổ thông cá nhân, tự do, đồng nội, cần lao… họ vội phổ vào tác phẩm của họ. Những lời họ hô hào trở về đồng nội, kêu gọi thanh niên sau luỹ tre chớ nghe tiếng gọi của thị thành nhắc nhở tôi nhớ tới bài học thuộc lòng của Jean Aicard trong một cuốn giáo khoa đồng ấu Pháp. Những điều họ tâm niệm tung ra vẫn không xa hơn những điều ghi chú trong cuốn sổ tay của một học sinh ngăn nắp hay của một hướng đạo sinh thích viết lách. Những vấn đề gia đình, xã hội họ nêu ra sao mà cũ thế. Hay là “cũ người mới ta”? Này nhé, trong khi ở Tây phương, ngay từ phần tư cuối cùng của thế kỉ trước, tư tưởng của người ta đã bỏ xa những chủ nghĩa cá nhân và tự do đặt lệch chỉ đưa đến hỗn loạn, ích kỉ, đổ vỡ,… thì hồi 1930-1940 ở nước nhà với số tác giả nói trên những đề tài vừa kể lại là những đề tài trọng vọng, những “mục tiêu tranh đấu”. Một thí dụ nhỏ: tiểu thuyết luận đề với sự tranh chấp giữa hai lý tưởng, giữa hai quan niệm cũ về gia đình là quan niệm đại gia đình phụ hệ và quan niệm mới là quan niệm về một thứ tiểu gia đình tự do, với giải pháp làm thắng thế quan niệm thứ hai, hỏi còn có nghĩa lý gì khi Tây phương lúc đó người ta đang lo cho nền móng gia đình lung lay tới nền gốc trong chủ nghĩa cá nhân và tự do hiểu lầm, mà lập nên những liên hiệp gia đình và cải tổ luật pháp theo hướng củng cố tổ chức gia đình ít nhiều theo kiểu mẫu Đông phương. Thế là đặt trên bình diện của cái nghĩ đã hụt rồi. Hay bảo họ chỉ đặt tác phẩm trên thực tại của những tệ đoan, gia đình, nghĩa là trên bình diện của cái sống? Cũng lại hụt nốt. Tôi đã có dịp nói thảm kịch gia đình ghi nhận trong tác phẩm của họ chỉ là cái bóng dáng yếu ớt của thực tại bi đát gấp muôn ngàn lần.

Duy Thanh: Cả không khí thời Tự Lực Văn Đoàn, trong đó nhân vật sống, suy nghĩ, hành động đều ngớ ngẩn. Hay vì cái không khí thời đại mà người ta sống bấy giờ thực sự ngớ ngẩn như vậy? Ngớ ngẩn như người đàn bà hồi đó mặc áo Le mur, thanh niên thì hát "J’ai deux amours" (Nhiều tiếng cười).

Thái Tuấn: Ý kiến của Duy Thanh về tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, cũng thấy rõ cả ở trong hội hoạ bấy giờ. Những người làm hội hoạ thời đó vẽ rất khách quan. Hội hoạ bấy giờ là một thứ chụp hình, không mang được phần chủ quan của tác giả vào tác phẩm. Hoạ phẩm hồi đó không có một giá trị nào ngoài giá trị kỹ thuật.

Thanh Tâm Tuyền: Bây giờ chúng ta nhìn thấy nhiều cái ngớ ngẩn của nghệ thuật tiền chiến, vì nghệ thuật đó chịu ảnh hưởng tới chậm một thế kỷ. Ảnh hưởng chậm chạp đó, một số người cho là vì hoàn cảnh xã hội chậm tiến. Theo tôi, lỗi vẫn là vì người làm nghệ thuật hồi đó thiếu ý thức. Họ bằng lòng với những thành công dễ dàng của người làm báo. Điều làm tôi bực bội nhất là thỉnh thoảng các tác giả Tự Lực Văn Đoàn có nhắc đến tên André Gide, Dostoievsky, mà tôi thấy qua lối nhận xét của họ, họ chẳng hiểu tí gì về những tác giả ấy. Họ chỉ hiểu tác phẩm của các nhà văn kể trên như lớp độc giả trung bình và cái kiến thức văn chương hẹp hòi của họ tất nhiên chỉ sản sinh ra văn chương của họ.

Ngọc Dũng: Xin thêm một nhận xét: Tôi cho rằng những người đọc hồi đó an phận, thụ động, tiếp nhận tác phẩm một cách lười biếng, coi như một giải trí. Thái độ thụ động này cũng chính là lỗi ở tác giả đã giải quyết xong xuôi vấn đề trong tác phẩm. Người đọc không còn gì để suy nghĩ, thắc mắc nữa.

Trần Thanh Hiệp: Người ta thường nói: Tự Lực Văn Đoàn cổ xuý cho việc cải cách xã hội nước ta thời bấy giờ. Chúng ta cũng cần nhận định rằng những cải cách muốn thực hiện thuộc về loại nào và đáng giá tới đâu?

Thanh Tâm Tuyền: Nhóm Tự Lực Văn Đoàn chỉ có một tinh thần cải lương. Ý thức của họ về xã hội là ý thức của một thứ Tây học mới ra trường. Chỉ cần đọc "Mười điều tâm niệm" của Hoàng Đạo đã thấy rõ thế nào là chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn. Sự phê phán này không cần phải nhìn bằng con mắt bây giờ mới thấy. Chỉ cần dẫn chứng một nhà nho như Phan Chu Trinh năm 1925 khi trở về nước đã có những tư tưởng cấp tiến gấp bội nhóm tự nhận là có tinh thần mới của Tây phương.

Nguyễn Sỹ Tế: Đó! Một lần nữa tôi nói là họ chỉ sách vở. Đã quá rõ ràng khi người ta nhắc nhở đến cái “thái độ công tử”, cái thái độ đứng ngoài ngó vào, cái thái độ ở trên cao nhòm xuống, cái thái độ bao dung, cái thái độ muốn làm cha chú… của mấy cái ông viết sáng tác hồi 1930–1940 đó. Tôi xin phép dùng chữ paternalisme. Thêm vào đó là lãng mạn tiểu tư sản và snobisme. Đừng thương xót giùm. Không ai mượn tranh đấu hộ, tranh đấu giúp. Chưa lấy điều mình tranh đấu làm lẽ sống còn của chính mình thì chưa gọi là tranh đấu. Không phải núp áo sáng tác văn nghệ mà tự cho quyền không biết sâu vấn đề tư tưởng. Đã bảo không có cái thời nào văn chương lại siêu hình bằng cái thế kỷ này của chúng ta. Tôi không buộc văn nghệ phải chuyên chở nặng tư tưởng đâu, nhưng phải xây dựng trên một căn bản tư tưởng vững chắc, trên một vốn liếng (kín đáo mặc dầu) ý thức hệ phong phú. Tôi kêu gọi một nền văn chương ý thức là theo lẽ đó.

Trần Thanh Hiệp: Giả thử nhận rằng họ có ý định thực hiện nhiều cải cách trong đầu thì qua tác phẩm mà họ đã sáng tác, sự thất bại cũng hết sức rõ rệt.

Mai Thảo: Nghệ thuật tiền chiến không chỉ là nghệ thuật Tự Lực Văn Đoàn. Chúng ta cần đi đến những nhận định chung về tất cả mọi ngành nghệ thuật hồi đó. Qua những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Như ở ngành tiểu thuyết nói chung chẳng hạn.

Thanh Tâm Tuyền: Ngày nay vẫn còn nhiều người viết muốn tiếp tục lối viết thời tiền chiến. Theo tôi, tiểu thuyết tiền chiến nói chung đã lỗi thời về mọi phương diện. Có thể gọi chung tiểu thuyết tiền chiến là một thứ tiểu thuyết đơn giản. Trước hết, đề tài là một sự giản lược của đời sống. Cốt truyện cũng hết sức giản lược, có thể quy thành công thức sau này: một đàn ông + một đàn bà = một chuyện tình. Chuyện tình có thể chia rẽ hay hoà hợp, bởi trở ngại cũ, mới, luân lý, lý tưởng v.v. Bố cục tiểu thuyết tiền chiến thì mạch lạc, đơn giản. Tâm lý hời hợt, bởi chỉ ngưng lại cái vỏ con người là tình cảm.

Duy Thanh: Tiểu thuyết tiền chiến có một cái mùi đặc biệt là sự nhạt nhẽo toát ra ở tác phẩm (cần phải hiểu sự kiện này một cách trừu tượng nữa). Cảm giác ấy đến với tôi bây giờ nếu tình cờ giở lại một vài cuốn sách xuất bản thời ấy. Tôi lại muốn đổ lỗi thêm một lỗi cho thời đại nữa. Là thế hệ này không giống thế hệ trước nên chúng ta lại càng không thể chấp thuận thứ sản phẩm thời đại cũ nó ngược lại, nó khác hẳn với sự cảm, nghĩ, diễn tả của con người bây giờ. Thành thử một tác phẩm ngày xưa nếu còn hay là đối với một người có “con mắt tiền chiến”. Nhưng với chúng ta nó có một sự cách biệt hẳn hoi.

Nhà văn tiền chiến sở dĩ chưa thành công là vì họ chưa “vượt thời gian không gian” gì hết. Họ mới đi ngang với thời đại của họ nên được người đồng thời ưa và người sau phủ nhận.

Thái Tuấn: Đó chỉ là một thứ kể chuyện kèm theo những đoạn tả cảnh, tả tình.

Duy Thanh: Trước kia, về văn, tôi có thể thích được Nguyễn Tuân. Vì Nguyễn Tuân có một số phản ứng với thời đại và nhất là cái giọng văn kênh kiệu ngông cuồng. Đây là ý kiến cách đây khoảng mười năm. Từ đó, tôi không hề đọc lại Nguyễn Tuân. Kinh nghiệm rằng đọc lại chắc chắn sẽ coi thường hơn.

Thanh Tâm Tuyền: Tiểu thuyết ngày trước đơn giản vì quan niệm sống của tác giả cũng hết sức đơn giản. Tiểu thuyết không phải chỉ là truyện. Như các nghệ thuật khác, nó phải là sự biểu diễn một cách hết sức phức tạp của một nhận thức chủ quan về đời sống. Ngày nay kỹ thuật viết tiểu thuyết trên thế giới đã đạt tới một trình độ khá cao. Vậy mà ở đây nhiều người vẫn còn an phận với thứ kỹ thuật của tiểu thuyết tiền chiến. Qua tiểu thuyết tiền chiến, tôi chỉ có thể nhận được người như Vũ Trọng Phụng. Và tạm nhận được Nguyên Hồng qua Những ngày thơ ấu. Nhận ở cái ý thức mới so với thời đại của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng. Nhưng phải công nhận rằng tiểu thuyết họ vẫn còn rất nhiều khuyết điểm kỹ thuật.

Trần Thanh Hiệp: Còn vài ưu điểm của Vũ Trọng Phụng nữa là sự sử dụng thành công về ngôn ngữ và cái thái độ dũng cảm, ngay thẳng của ông trước những bất công xã hội.

Thanh Tâm Tuyền: Tiểu thuyết tiền chiến cũng có một quá trình tiến triển của nó. Từ Tố Tâm qua Tự Lực Văn Đoàn, xuống các nhà văn tự nhận là có khuynh hướng xã hội như Trương Tửu, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đức Quỳnh, tới Nguyễn Tuân và một số nhà văn xuất hiện vài năm trước cách mạng 1945, như Tô Hoài, Nam Cao, Bùi Hiển, cũng đã có nhiều cố gắng thay đổi, nhưng cũng không thoát ra được cái vòng cổ điển của tiểu thuyết thế kỷ 19. Tự Lực Văn Đoàn đã nói xong. Bây giờ giải thích đến thất bại của lớp sau Tự Lực Văn Đoàn: các nhà văn có một ý thức khá tiến bộ đối với thời mình, thì lại thiếu nghệ thuật. Tác phẩm họ tạo ra rất vụng về, non yếu. Những Nguyễn Tuân, Nam Cao v.v. có một ý thức đổi mới trong quan niệm viết tiểu thuyết, nhưng chưa đủ thời gian thực hiện thì lại rời bỏ con đường tìm kiếm của mình.

Thái Tuấn: Điều đáng buồn hơn cả là những người viết hôm nay nằm trong vòng ảnh hưởng tiểu thuyết tiền chiến lại kém xa những người tiền chiến mà họ chịu ảnh hưởng.

Thanh Tâm Tuyền: Tất nhiên như thế. Những người đi sau trong một con đường nghệ thuật chỉ có thể hơn người đi trước khi con đường ấy là một con đường của hứa hẹn. Khi nó là ngõ cụt, chỉ kẻ đi trước có hy vọng vượt được, kẻ đi sau thì đứng lại.

Duy Thanh: Thành thử nếu bây giờ chỉ thuần là những tác phẩm chịu ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến thì có thể nói nghệ thuật xứ này không có tương lai gì. Viết theo kiểu tiền chiến, với những công thức ấy, là chọn con đường thành công dễ dàng. Tôi liên tưởng đến câu của Phan Khôi khi công kích những người làm thơ Đường để bênh vực cho phong trào Thơ Mới hồi bấy giờ, đại ý: nếu cứ làm loạt thơ thất ngôn bát cú có vần điệu hẳn hoi thì một ngày ông có thể làm hàng trăm bài.

Tô Thuỳ Yên: Nếu nói đến thơ tiền chiến thì tôi thấy thơ tiền chiến tương đối khá hơn tiểu thuyết tiền chiến.

Mai Thảo: Đúng. Ảnh hưởng thơ tiền chiến đối với bây giờ sâu đậm hơn tiểu thuyết tiền chiến. Cho nên người ta cũng bắt chước, cóp nhặt thơ tiền chiến “mạnh” hơn.

Duy Thanh: Tôi chỉ ưa thơ Huy Cận qua cuốn Lửa thiêng.

Thanh Tâm Tuyền: Nói thơ tiền chiến khá hơn tiểu thuyết tiền chiến là muốn công bằng mà thôi. Phải phán xét một thời kỳ nghệ thuật bằng một cái nhìn toàn thể hơn là căn cứ vào một vài thành công lẻ tẻ. Với tôi, giá trị thơ tiền chiến đã được đánh giá bằng những thành công tiêu biểu như “Hai sắc hoa Ti-gôn” của T. T. Kh. Vậy thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ có hay là hay hơn “Hai sắc hoa Ti-gôn”.

Trần Thanh Hiệp: Sự thành công tương đối của thơ tiền chiến là sự thực hiện trọn vẹn được một nhịp điệu mới. Tiếc thay, nhịp điệu mới đó cũng chỉ là một thứ tình cảm sướt mướt (sentimentalisme pleurard).

Ngọc Dũng: Tôi vẫn có thể ngâm nga vài ba câu thơ tiền chiến chỉ là để nhớ lại một vài kỷ niệm như người ta giữ lại một tấm ảnh cũ.

Tô Thuỳ Yên: Tôi định nghĩa Thơ Mới: sự khai triển lòng thòng của chữ “than ôi”. Định nghĩa như thế, tôi không hề có ý dè bỉu sự thất vọng trong thi ca ngày hôm qua mà trái lại, tôi quan niệm mọi sáng tạo nghệ thuật trên đời đều bắt nguồn từ sự thất vọng của con người trước đời sống. Tôi chỉ muốn chê trách những người làm Thơ Mới ở chỗ họ đã than khóc về sự thất vọng của họ mà chưa biết tư tưởng về đối tượng của sự thất vọng đó, tôi nhấn mạnh tình tiết câu nói này. Cho nên Thơ Mới đã chẳng vượt qua được giới hạn của một thứ tình cảm sướt mướt, ỉ ôi, không bộc lộ được sự lớn lao của con người, theo ý tôi, là ở chỗ nó đau đớn, ê chề mà vẫn giữ được điềm tĩnh, sáng suốt trước đời sống thù nghịch, khảo sát nó và chinh phục nó. Còn kẻ bận khóc than thì không thể nhìn thấy đời sống. Thơ Mới ném những hạt bụi cay vào mắt người đọc làm cho hắn tối tăm mày mặt, phải đứng lại giữa dòng sống luân lưu, không còn phân biệt được màu đen với sắc trắng. Nó cô lập người đọc. Nó làm cho người đọc và đời sống càng xa lạ nhau thêm. Nó không phải là hình ảnh đời sống mà là ma quái giả mạo đời sống, đêm nào, hiện lên mê muội người đọc yếu bóng vía. Thành thử, không phải là một hiện tượng đáng ngạc nhiên khi những nhà thơ tiền chiến ngày nay đầu hàng chạy theo những chế độ mới, đóng vai đồng loã tiếp tay thao túng đời sống. Đừng lầm tưởng đó là họ giác ngộ sứ mạng, nói theo ngôn ngữ Mác-xít. Sự thật, hiện tượng ấy chỉ xác nhận minh bạch rằng họ đều thiếu ý thức chắc chắn về đời sống. Vì người làm nghệ thuật có được một ý thức vững vàng nào đó về đời sống, nhất định sẽ tự chủ được hoàn toàn trong những cơn rung động của thời đại; tôi tin tưởng xác đáng như vậy.

Trần Thanh Hiệp: Có nhiều lúc tôi cũng đọc lại một vài đoạn thơ tiền chiến:


Tình anh là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai
Anh nhớ tiếng anh nhớ hình anh nhớ ảnh
Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi


Thanh Tâm Tuyền: Cũng xin “trình diễn” vài câu thơ tượng trưng tiền chiến để các anh nghe:


Thư, thơ
Gửi, không gửi.


Và đây là vài câu thơ Thế Lữ mà nhiều người vẫn muốn cho là thơ tự do:


Tiếng địch thổi đâu đây
Cớ sao mà réo rắt
Lơ lửng tầng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt
Mây bay, gió cuốn mây bay
Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt
Như hắt hiu cùng cơn gió heo may.

Như thổn thức với lòng cô thổn thức
Như man mác với lòng cô man mác


Tôi chỉ nhìn thấy ở những vần thơ ấy một sự phá thể với nhạc điệu ngớ ngẩn. Cũng như lối tượng trưng (của cả nhóm Xuân Thu Nhã Tập) là một thứ tượng trưng tầm thường.

Thái Tuấn: Phải công bình với một người: Hàn Mạc Tử. Nghệ thuật Hàn Mạc Tử khác hẳn nghệ thuật đồng thời với ông.

Mai Thảo: Tạm chấm dứt về thơ để xét sang ngành kịch tiền chiến. Những kịch bản tiền chiến rất ít ỏi. Nhưng ngành kịch thuở đó với những kịch gia Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ, Vi Huyền Đắc, Vũ Đình Long, Khái Hưng v.v. cũng đã đóng góp một phần vào sinh hoạt nghệ thuật thời đó. Vậy kịch tiền chiến có để lại được gì đáng kể không?

Thanh Tâm Tuyền: Những người làm kịch thời đó có gây được một phong trào diễn kịch, xem kịch. Nói như thế không phải là xác định giá trị nghệ thuật những kịch bản thời bấy giờ. Chỉ là ghi nhận một thành công về mặt hoạt động.

Thái Tuấn: Kịch tiền chiến chỉ khác cải lương ở chỗ không có ca hát. Còn nếu muốn xét về hội hoạ tiền chiến thì ngoài những điều chúng ta đã nói chuyện rồi, chỉ cần tóm tắt như sau: Nếu văn chương tiền chiến đã lùi hẳn một thế kỷ so với trào lưu thế giới thì hội hoạ tiền chiến lùi xa hơn nữa. Lùi xa đến vài ba thế kỉ. Trong khi ở Âu châu các trường phái hội hoạ như lãng mạn, lập thể đã đến giai đoạn tàn tạ mà hội hoạ tiền chiến Việt Nam mới chập chững bắt đầu với trường phái cổ điển.

Trần Thanh Hiệp: Một câu cho âm nhạc tiền chiến: không tạo được một tiết điệu nào mới. Chỉ là những bài hát lai Tây.

Mai Thảo: Kiểm điểm lại nghệ thuật tiền chiến, dù chỉ là có một cái nhìn tổng quát qua các ngành nghệ thuật, bằng ít nhiều dẫn chứng cụ thể, chúng ta đã xác định được rằng: Nghệ thuật tiền chiến là một thứ nghệ thuật nghèo nàn, ấu trĩ. Công bình mà kết luận cho nghệ thuật đó, chúng ta có thể nêu ra hoàn cảnh xã hội, trình độ non kém của một lớp người thưởng ngoạn thời đó, ý thức nhỏ hẹp của những người làm nghệ thuật thời bấy giờ - kể cả những người tiến bộ nhất – khiến họ đã không thể thực hiện được một nền nghệ thuật vượt khỏi cái không khí tù túng của thời đại họ, cho nghệ thuật của họ còn đến được thế hệ chúng ta. Giá trị nghệ thuật tiền chiến do đó chỉ có thể chấp nhận như giá trị của một giai đoạn, một thời kỳ nhất định. Một thời kỳ đã qua. Và như thế, sẽ chẳng có điều gì đáng nói. Nhưng có nhiều quan niệm sai lầm, lạc hậu ở đây đã không muốn coi đó là một thứ nghệ thuật đã thuộc về quá khứ, đã chết.

Nhìn về nghệ thuật tiền chiến, với chúng ta, bởi vậy không chỉ là xác định lại bản chất của một cái xác chết, những thứ giá trị lỗi thời. Mà là chặt đứt những âm mưu phục hồi những giá trị lỗi thời đó, cái xác chết kia. Nói một cách khác, nghệ thuật tiền chiến đã có những kẻ đồng loã vô ý thức. Thái độ vô ý thức đó như thế nào, được biểu tỏ dưới những dụng tâm nào, là điều cần phải xét đến. Tôi vẫn lấy làm khó hiểu về những luận điệu suy tôn, sùng thượng, nhận làm những mẫu mực hiện đại, một thứ nghệ thuật chỉ cần một biến động lịch sử mới cách đây vài chục năm bây giờ nhìn trở lại, đã như lùi xa hàng bao nhiêu thế kỷ. Lùi xa trên tư tưởng, nhận thức, trên nghệ thuật biểu hiện, nghĩa là trên mọi phương diện nghệ thuật.

Thanh Tâm Tuyền: Vấn đề ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến có thể xét đến hai khía cạnh. 1) Sự non kém về kiến thức của lớp người mới lớn. Ảnh hưởng vô ý thức này có thể tan rã khi người ta trưởng thành. Trưởng thành, người ta sẽ thoát khỏi (cười). Chỉ trừ những người không bao giờ muốn trưởng thành. 2) Khía cạnh thứ hai, cần chê trách hơn. Đó là những kẻ cố tình tuyên truyền cho ảnh hưởng đó, đầu độc những trí óc non nớt, bỏ tù những trí óc ấy, cướp sự tự do của chúng sau này. Vô tình hay hữu ý, đó là trách nhiệm những nhà văn tiền chiến còn sống sót ở đây. Còn phải kể đến một lớp người làng nhàng, muốn dựa dẫm vào những tên tuổi đã có, nhận thân phận những vệ tinh đón chút ánh sáng thừa của những hành tinh đã rụng.

Trần Thanh Hiệp: Có một số người, khi bước chân vào nghệ thuật cần phải dựa dẫm vào một nguồn rung cảm đã có từ trước để tạo cho mình một cái đà. Nếu những người đó không chọn được nguồn cảm hứng nào khác ngoài nguồn cảm hứng tiền chiến, ít nhất họ cũng phải hiểu công việc này không thể có nghĩa là một sự sao chép toàn diện. Ít ra cũng phải tỏ lộ rằng mình đã mang thêm được một chút gì mới bằng cách xếp đặt và giải thích cái cũ. Tiếc thay những điều tối thiểu đó cũng không có.

Mai Thảo: Ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến, trên thực tế, theo tôi, không còn gì. Đó là ảnh hưởng đã phai tàn của một của một dòng nghệ thuật tự nó đã phai tàn. Độc cái không khí của đời sống hiện tại, của ý thức nghệ thuật hôm nay đã đốt cháy tất cả những gì thuộc về nghệ thuật ấy. Ảnh hưởng của nó nếu thực còn rớt lại chút ít cũng là một thứ ảnh hưởng giả nguỵ. Chúng ta đang chứng kiến cảnh tượng tức cười của một số người muốn thổi phồng lên cái ảnh hưởng càng ngày càng tan rã ấy. Khua chiêng gõ mõ trên cái tử thi nghệ thật tiền chiến là những người nào? Có thể chia làm 4 loại: 1) Những kẻ đi vào nghệ thuật với mục đích thảm thương tối hậu: có được một tên tuổi như một số tác giả tiền chiến; 2) Những kẻ tuy biết thứ nghệ thuật đó đã hết thời, mà không dám lên tiếng phủ nhận, không dám có một thái độ minh bạch, vì phủ nhận nghệ thuật tiền chiến sẽ là phủ nhận chính bản thân và nghệ thuật mình; 3) Những kẻ dùng nghệ thuật tiền chiến như một tấm bình phong tự vệ, trước sức công phá của nghệ thuật hôm nay; 4) Những kẻ dùng nghệ thuật tiền chiến để đả kích nghệ thuật mới.

Trần Thanh Hiệp: Thử đặt một giả thuyết: Nếu nghệ thuật bây giờ cũng chỉ là một sự chuyển dịch nguyên vẹn trên dòng thời gian của nghệ thuật tiền chiến, thì ảnh hưởng của nghệ thuật này đối với đời sống hiện tại sẽ ra sao?

Thái Tuấn: Nghệ thuật tiền chiến chẳng có một nội dung tư tưởng gì đáng kể. Nếu bây giở, ảnh hưởng nghệ thuật đó còn thì cũng thu hẹp vào phạm vi giải trí. Ảnh hưởng đó không thể cản đường những người có ý thức mới.

Duy Thanh: Nếu quả nhiên ảnh hưởng đó còn đến bây giờ, nếu thời đại này còn có người yêu thích được thứ nghệ thuật đó, thì chỉ có thể nói rằng: Nghệ thuật tiền chiến đã thành công trong sự “bị thịt hoá” lớp quần chúng thưởng ngoạn. Nếu ảnh hưởng đó còn đối với những người làm nghệ thuật và nếu chúng ta không thể làm gì và cũng không thể tiêu hoá được thứ văn nghệ ấy thì chỉ còn một cách treo cổ lên cành cây là hơn cả (nhiều tiếng cười).

Mai Thảo: Trả lời về giả thuyết của Trần Thanh Hiệp: Con người của đời sống hôm nay đã có một ý thức mới, một tâm trạng mới, một kích thước mới. Tôi không thể tưởng tượng được rằng đời sống hôm nay lại có thể được điển hình bằng một thứ “Nguyễn” của Nguyễn Tuân, cái thái độ “con quan” của một Duy trong Con đường sáng của Hoàng Đạo, những thứ tình duyên kiểu Loan và Dũng. Những vấn đề nhỏ nhất của đời sống hiện tại, tầm quan trọng cũng lớn lao gấp bội những vấn đề của Lạnh lùng, Đoạn tuyệt. Cái thế giới bây giờ rộng lớn nghìn lần hơn cái thế giới thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Bút pháp, kỹ thuật, nghệ thuật bây giờ muôn hình muôn vẻ, đâu có còn đứng lại ở cái lối văn chỉ còn dùng được làm trích dẫn cho sách giáo khoa của văn chương tiền chiến? Nghệ thuật hôm nay, dẫu chưa có được những thực hiện đáng kể, - nó mới chỉ ở trong giai đoạn khởi đầu – nhưng ý thức nó đã đặt nó lên một bình diện khác biệt hoàn toàn với bình diện nghệ thuật tiền chiến, ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến không thể “leo” tới nó được. Mặt khác: Đa số các nhà văn nhà thơ tên tuổi, tiêu biểu nhất của nghệ thuật tiền chiến bây giờ đã ở bên kia, đã chọn con đường đồng hoá với nghệ thuật Mác-xít. Chỉ cần nhận định thực trạng này cũng đủ rõ ý thức về nghệ thuật của họ ra sao? Về những nhà văn tiền chiến ở đây, có thẩm quyền nhất, ai bằng Nhất Linh? Vậy mà Nhất Linh đã thất bại trong ý muốn phục hồi lại dòng nghệ thuật Tự Lực Văn Đoàn. Cho nên, theo tôi, đáng thương không phải là những cha đẻ của nghệ thuật tiền chiến. Mà đáng thương những kẻ thương vay khóc mướn, tôn sùng, thần thánh hoá một cái xác chết.

Thanh Tâm Tuyền: Nếu nghệ thuật tiền chiến còn nên có một ảnh hưởng nào ở ngày nay, thì vẫn có thể dùng nó làm mẫu mực cho một thứ văn chương giải trí để đáp ứng nhu cầu hàng ngày phải đọc của người ta trong xã hội; và những nhà văn nào bằng lòng chịu ảnh hưởng ấy cũng phải biết rằng mình đã bằng lòng nhận vai trò viết văn giải trí. Sở dĩ phải công kích lật đổ những giá trị văn nghệ tiền chiến vì hiện thời người ta dùng nó như những hàng rào cản bước tiến của một nền nghệ thuật muốn phát triển. Trong khi nền nghệ thuật trẻ trung của chúng ta đang cố gắng vươn tới, chưa đủ tác phẩm để cung cấp cho nhu cầu độc giả - lợi dụng tình trạng này – thứ nghệ thuật đã chết kia nhất định muốn coi mình là chân lý vĩnh cửu. Nó tìm mọi cách bóp chết từ trong trứng nước, mầm mống của một nguồn sáng tạo mới. Bởi vậy phải phản kháng, phải đạp đổ, phải lật nhào.

Mai Thảo: Tôi muốn nêu ra đây một kinh nghiệm bản thân. Tôi thẳng thắn nhận rằng tôi từng chịu đựng ít nhiều ảnh hưởng văn chương tiền chiến của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, của nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Và coi đó như kết quả của một thời kỳ mê muội không thể tránh khỏi trong đời mình. Khởi từ một lối nhận định sai lầm về quá khứ, sùng thượng, thần thánh hoá tất cả những cái thuộc về quá khứ, đến khi quá khứ chỉ còn là vang bóng thì mình cũng chỉ biết rỏ những giọt lệ tiếc thương. Ý thức bây giờ giúp tôi khám phá thấy: nhận định quá khứ đúng tầm đúng mức, sáng tỏ một trào lưu tiến hoá, là đúng mà dựng quá khứ làm khuôn vàng thước ngọc là sai. Minh chứng hùng hồn nhất là nghệ thuật tiền chiến. Một thời kỳ nghệ thuật mà trước tưởng là phồn thịnh ghê gớm bởi thiếu yếu tố căn bản cấu thành của nghệ thuật, chỉ còn là những giá trị rỗng không. Tôi nghĩ rằng một trong những thái độ chủ yếu của người làm nghệ thuật hôm nay là phải luôn luôn soi sáng chính bản thân, có can đảm chối bỏ chặt đứt mọi ảnh hưởng tai hại đã thâm nhập vào bản thể mình dù sự chặt đứt, chối bỏ đó đòi hỏi nhiều cực nhọc đau đớn. Chối bỏ nghệ thuật tiền chiến theo tôi là tạo cho mình một thái độ thích ứng để đi vào nghệ thuật hôm nay. Và đúng như lời Thái Tuấn, nghệ thuật tiền chiến đối với người làm nghệ thuật bây giờ, chỉ còn có tác dụng giải trí. Ảnh hưởng, tác dụng của nó đã hoàn toàn chấm dứt như cái thời kỳ lịch sử tiền chiến đã nhìn thấy sự sinh thành của nó. Còn hỏi rằng: Những tác phẩm tiền chiến sau này có thể sắp vào hàng những tác phẩm cổ điển không thì sự xác định nghệ thuật tiền chiến của chúng ta đã trả lời là: không.

Tô Thuỳ Yên: Riêng tôi, tôi không hề nhận được của văn nghệ tiền chiến Việt Nam bất cứ bài học thuần tuý nào (tôi không quên gần đây có một người bạn bảo thơ tôi còn giữ một vài điểm của thơ tiền chiến) tôi cũng không hề nhận được bất cứ một thông điệp nào (Tôi lấy làm lạ, sao trong thời kỳ va chạm để pha trộn giữa hai nền văn minh lạ mặt nhau lại không nảy sinh được một tư tưởng gia nào khả dĩ đáng kể). Tôi đã đọc qua một số quan trọng các tác phẩm tiền chiến, bây giờ tôi đã quên đi gần hết và cũng không còn muốn trở lại một lần nữa. Tôi tuyệt đối thành thật với chính tôi mà nói rằng những nhà văn tiền chiến chả mấy khi làm cho tôi phải bận tâm thắc mắc ưu tư gì về họ. Thành thử buổi nói chuyện hôm nay tôi gần như không có ý kiến về họ. Cũng do riêng đối với tôi, tôi cho họ hoàn toàn thất bại, họ chẳng tạo được sự có mặt của họ trong đời sống tinh thần của tôi. Một nhà văn thành công, theo ý tôi, có thể không phải là mở đường, có thể không phải là người được hậu thế tán thưởng, có thể không phải ý thức của hậu thế, nhưng nhất định phải là người gieo được trong tâm trí người đi sau ít nhất một thắc mắc trọng đại về đời sống. Ý thức về đời sống (tôi tự hỏi có đáng gọi là ý thức với tất cả ý nghĩa trọn vẹn danh từ này không?) trong các tác phẩm tiền chiến, tầm thường, hời hợt, non nớt, cái ý thức của bất cứ người nào ngoài phố; nó không đủ từ lực bắt buộc người đọc phải nghĩ ngợi. Bởi vậy ngoại trừ một số bài thơ may mắn, hình như thế, các tác phẩm tiền chiến, cũng vẫn theo tôi, ngày nay chỉ còn giữ được mỗi vai trò duy nhất, vai trò hẩm hiu của một mớ tài liệu tham khảo – và là tài liệu thiếu sót lẽ dĩ nhiên – vì đó là văn chương cho những nhà xã hội học nghiên cứu về thời đại đó. Các tác phẩm ấy đã đi qua theo thời đại của chúng, mất tích theo nó: chúng đã không vượt nổi thời gian (Tôi xin có một cái ngả nón kính cẩn gửi đến ông Nhất Linh và nhóm Văn Hoá Ngày Nay). Tôi cũng nói rõ nói thêm là một tác phẩm vượt nổi thời gian không hẳn là tác phẩm đã được thi vào chương trình giáo khoa trung học. Một tác phẩm vượt nổi thời gian là một tác phẩm đã để lại được cho người đi sau một ý thức về đời sống (và ý thức này chắc chắn không phải điều có thể giảng dạy ở một lớp trung học).


Kết luận

Chúng ta đã làm một cuộc thanh toán với thế hệ trước qua việc xác định lại giá trị đích thực của văn chương nghệ thuật tiền chiến. Chúng ta đã kiểm điểm nhận định trong ý thức hoàn toàn chủ quan của thế hệ chúng ta với mục đích và hy vọng duy nhất:

Cùng nhau bỏ những ám ảnh quá khứ để nhìn vào thực trạng, khởi mở một con đường tiến tới nghệ thuật hôm nay. Có thể thế hệ sau chúng ta sẽ làm lại hành động này với thế hệ chúng ta. Và chúng ta chấp nhận đó là một hành động tất yếu cho sự tiến hoá của nghệ thuật.

Nghệ thuật là một vận động biện chứng của huỷ diệt và sáng tạo.

(1960)

Nguồn: Nxb Sáng Tạo, Tủ sách Ý Thức, 95B Gia Long, Sài Gòn. Bìa của Duy Thanh. Ấn vụ Lam Giang Ấn Quán Sài Gòn. Ngoài những bản thường còn in thêm 100 bản quý không bán, đánh số từ I đến XV và từ 1 đến 75 đều mang chữ ký tác giả. Bản quyền của nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965.