Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Tuyết Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Tuyết Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng

25/11/08

Trần Tuyết Hoa : Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Nhạc TCS

Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Nhạc TCS

"…Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về"

Bản nhạc như là một dấu ấn định mệnh của cái âm hưởng Thiền Phật giáo gắn vào cuộc đời Trịnh Công Sơn. Ðể từ đó Sơn bước đi với những trăn trở, tra vấn về thân phận con người trong cõi trần gian… Như một hành trang "nằng nặng" của cái nghiệp đang bước đi… Vậy mà ngày về với "cát bụi’ thì trong tay chỉ còn một nắm "lau trắng" tuổi đời theo anh đi về nơi ấy.

Tôi nghe Trịnh Công Sơn từ những bàng hoàng, ngơ ngác, bơ vơ, mộng mị đầu đời của "Ướt mi", "Biển nhớ", "Hạ trắng", "Thương một người" với những …. "Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi"… hay… "Ðàn lên cung phím chờ, sầu lên dâng hoang vu…" để cho …"triều sương ướt đẫm cơn mê"… Với tình yêu mà Trịnh Công Sơn cũng luôn trăn trở, lo buồn vời vợi, khắc khoải, đớn đau: "…Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…".

Tôi gặp Trịnh Công Sơn từ những trăn trở thân phận với nỗi đau của con người bất lực trước cái "ác" đối với nhau trong chiến tranh, vì chiến tranh luôn tàn phá mọi giá trị tinh hoa của con người. Trịnh Công Sơn đã trực diện điều đó trên quê hương mình. Anh đau đớn và bất lực trước những ngã xuống của anh em, bạn bè ở đâu đó trong nhà tù, ngoài chiến trận vào những năm 1966 – 1967 cho đến ngày hoà bình. Bên ngoài thành phố thì "mộ bia đầy như nấm" ở bưng biền, đồng ruộng, núi đồi… Bên trong thành phố thì đầy dẫy đó đây …"người già co ro, em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi…" Với "từng cuộn dây gai xé nát da người… " trong cuộc tấn công Phật giáo năm 1966.

Hồi đó, tôi thường gặp Trịnh Công Sơn ở Nhà xuất bản Lá Bối gặp cả nhóm bạn bè thân thiết với Sơn : Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Bửu Ý… Các nhà tư tưởng, triết gia một thời của Phật giáo ấy đã thường ngồi với nhau, nói với nhau, bàn bạc rất nhiều về những vấn nạn thân phận con người thời đại, về chiến tranh, hòa bình… Nhưng vẫn chưa có được lối thoát cho một Trịnh Công Sơn đang chơi vơi kinh hoàng với "Tình ca người mất trí" : "Tôi có người yêu vừa chết hôm qua, chết thật tình cờ, không hẹn hò, nằm chết như mơ"… Rồi với hai bản nhạc đã đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn vang khắp các phong trào phản chiến thế giới và được cho là tiếng kêu hòa bình thống thiết nhất từ VN và Sơn nhận được giải Ðĩa Vàng, bài hát được dịch ra tiếng Nhật vang đi khắp nơi, đó là "Ru con"… "Ðứa con của mẹ da vàng, ru con, ru đạn làm hồng vết thương"… "Ru con, ru đã hai lần"… "Sao ngủ tuổi 20…" và bài "Hãy nói giùm tôi, hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi", Sơn đã nói thay lời Nhất Chi Mai, người sinh viên Phật tử tự thiêu cho hòa bình VN năm 67… "Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam, chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối"… "Chờ mong một ngày tay ấm trong tay"… Hai bản này Sơn đã đưa tôi chép giữ lại, không thấy in bán.

Có lần, tôi và chị BS Ðỗ Thi Văn đã tổ chức một buổi nhạc Trịnh Công Sơn ở trụ sở sinh viên Phật tử Sài Gòn để Sơn giới thiệu mấy ca khúc mới và "Ca khúc da vàng". Khán giả trẻ đã đứng lên vỗ tay hát theo anh… Người nhạc sĩ có dáng dấp triết gia đó, với đôi mắt đăm chiêu qua làn kính cận, đã thu phục được hết cả hội trường. Tôi nghĩ thành công đó không chỉ do cái thủ thuật ca từ phù thủy của anh như nhiều người thường nói, hơi ác ! Mà chính đó là do nỗi lòng trăn trở chân thật của chính anh trước những kinh hoàng về "Thiện" "Ác" trong mỗi con người, thật khó hiểu… Phải chăng, qua những thao thức với bạn bè, Trịnh Công Sơn đã đúc kết cho mình một cái nhìn phù du về cuộc sống, một cái lẽ vô thường của đời người, để từ đó, mùi Thiền đã bàng bạc trong một số tác phẩm anh cho đến khi tuổi đời "chập chờn lau trắng" thì …"người bỗng hết buồn, đã hết buồn… người lặng nghe đá lên trong mình!" (Du mục) - Hay là như ngọn cỏ xót xa, Sơn ngồi "nghe tiền thân về chào tiếng lạ, những mai hồng ngồi nhớ thiên thu"… Và nhiều, nhiều lắm, cái chất lạ đó của Thiền cứ bàng bạc mãi hoài trong ca từ của Sơn, và theo anh tận "cõi đi về". Về với "cát bụi", Trịnh Công Sơn đã đi một mình "lặng lẽ nơi này" vào cái buổi trưa hôm ấy.

"Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi.
Ðời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi" !

Sáng nay, đưa Sơn lần cuối, khi nghe tiếng kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn trỗi lên bài "Cát bụi", tôi không sao cầm được nước mắt, Sơn ơi !

Một người bạn cũ thời Ca khúc da vàng ở Ðại học Văn khoa xưa.

Trần Tuyết Hoa
(Tuần-báo Giác-Ngộ số 63/2001)