Phạm Công Thiện
Im lặng hố thẳm
PHƯƠNG PHÁP SUY TƯ VỀ VIỆT VÀ TÍNH
CON ĐƯỜNG CỦA TRIẾT LÝ VIỆT NAM
Gửi về Nguyễn Du
Người cha tóc trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam, ngồi im lặng trên mây núi Hồng, già với gió thu, trở thành một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất phương Đông.
Paris ngày 22 tháng V 1966
Phạm Công Thiện
Đi vào giữa núi cao và hố thẳm
Thiền Sư Không Lộ ở thời Lý của quê hương một lần kia cô đơn bước lên tận một đỉnh núi chót vót và sực kêu lên một tiếng bơ vơ làm lạnh cả bầu trời xanh lơ đầy mây trắng; dưới kia là hố thẳm hoang sơ, hố thẳm của quê hương, niềm câm lặng của hố thẳm bỗng vọng lên Tính và Việt: triết lý của Việt Nam ra đời, vỗ cánh bay lên như phượng hoàng để rồi mười năm sau hóa thân làm rồng bay vút trời nhân loại. Máu lửa của quê hương làm hôn phối cho núi cao và hố thẳm. Trong một bài thơ đầu tiên trong đời, Nietzsche đã nói đến “hố thẳm của hiện thể”: “Des Daseins Abgrund” (An die Melancholie, 1871). Hiện thể của Nietzsche là hiện thể của Tây phương; hiện thể của Tây phương dính liền với hiện thể của Việt Nam, nhất là từ hạ bán thế kỷ XX; Việt và Tính là Việt của Việt Nam và Tính của Tính mệnh. Tư tưởng của Việt Nam là tư tưởng của Việt và Tính; nguồn gốc của Việt và Tính bắt đầu từ Trung Hoa, Ấn độ và Hy lạp; thế kỷ XX là thế kỷ tựu thành của Việt và Tính; sự tựu thành ấy chính là hố thẳm: tiếng nói của hố thẳm là tiếng nói trên đỉnh núi chót vót (hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư); tiếng nói ấy, tiếng kêu trầm thống ấy làm lạnh buốt cả bầu trời và xoáy vòng cuộn tròn xuống hố thẳm, xuống niềm im lặng của hố thẳm mà người xưa gọi là “uyên mặc”.
Tất cả triết lý phải trở về uyên mặc, từ đó ngôn ngữ con người mới trở thành tiếng kêu trên đỉnh núi: con người nói chuyện với quỷ thần, làm môi lưỡi cho trời cao và hố thẳm; con người không còn là bình nguyên mà là núi cao; thiên tính của núi cao là siêu việt trên tất cả đồng bằng của cuộc đời.
Phương pháp suy tư về Việt và Tính
I. Reductio Ad Impossible
II. Via Negativa
Chương nhất
Reductio ad Impossible
Con đường phá hủy Biện chứng pháp
Việt là gì? Tính là gì? Hai câu hỏi này không phải là câu hỏi; tất cả mọi câu hỏi đều có sẵn mọi câu trả lời. Tính và Việt làm cho những câu hỏi trở thành những câu hỏi; Tính và Việt là chân trời mở rộng hé mở cho con người nhìn thấy tất cả những câu hỏi và đồng thời tất cả những câu trả lời, tất cả những gì có thể hỏi được và đồng thời tất cả những gì có thể trả lời được trên cuộc đời này, từ thượng cổ đến hiện tại, từ số không đến vô số và vô hạn.
Nước Việt Nam đang bị tàn phá đến cùng độ, dân Việt Nam bỗng nhiên và tự nhiên được tính phú cho chịu đựng và thể nhận tất cả nỗi điêu đứng đau đớn cùng cực của thế kỷ XX; năm chục năm cuối cùng của 2.000 năm sau Thiên chúa giáng sinh là thuộc về Mệnh của Việt Nam: tất cả những xáo trộn hỗn mang kinh hoàng nhất của nhân loại đang đập vào người Việt Nam; hố thẳm mở rộng và sâu; máu lửa từ trời đất đổ xuống và vọt lên; tất cả những khám phá vĩ đại nhất của văn hóa loài người từ mấy ngàn năm nay bỗng nhiên và tự nhiên được thể nhận tựu hình tại Việt Nam (Cộng sản và Tư bản; Phật giáo và Thiên chúa giáo, tôn giáo và chính trị, quốc tế và dân tộc, cơ khí và con người, lý thuyết và hành động, truyền thống và cách mạng, thiên mạng và nhân mạng, tự do và nô lệ, bạo động và bất bạo động, chiến tranh và hòa bình, thực tại và ảo tưởng, sự thật và giả tạo, nhập thế và xuất thế, xã hội và tu viện; cá nhân và quần chúng, lý tưởng và tuyệt vọng, mộng và thức, sống và chết).
Tất cả những vấn đề, tất cả những vấn nạn, tất cả sự lưỡng lự, tất cả mọi mâu thuẫn, tất cả mọi niềm quyết định, tất cả sự tuyển trạch đều được trả lời hay không thể được trả lời. Hỏi và trả lời hay hỏi và không trả lời là thể cách của hiện thể Tây phương. Đông phương bây giờ cũng đã là Tây phương; phân biệt Đông phương với Tây phương, chọn bên này để bỏ bên kia cũng là tính bẩm của Tây phương. Việt là gì? Tính là gì? Hai câu hỏi này được hỏi theo thể điệu hỏi của Tây phương. Việt ngữ cũng dùng thể ngữ và ngữ thể của Tây phương; hồn của Việt ngữ đã bay trốn nơi nào và tại sao ẩn trốn? (Ngay đến chữ hồn của trở thành Tây phương, được hiểu như đối ngược lại xác).
Việt là gì? Tính là gì? Hai câu hỏi này quyết định mệnh hệ của Việt Nam và mệnh hệ của toàn thể nhân loại. Hai câu hỏi này phải được hỏi cho đến khi nào không thể hỏi được nữa, cho đến lúc người hỏi phải tuyệt vọng, tuyệt ý, tuyệt tư, tuyệt tưởng, tuyệt niệm; lúc ấy hai câu hỏi sẽ hóa thể thành ra hai tiếng: Việt và Tính. Hai tiếng này sẽ được đọc lên, đọc mãi cho đến lúc không còn sức để đọc nữa: lúc ấy, hai tiếng sẽ hóa thể thành ra một tiếng. Tiếng duy nhất này là tiếng Tính; tiếng Tính sẽ hóa thể thành ra một tiếng kêu, một tiếng hét, một tiếng la trên đỉnh núi chót vót, đỉnh núi trên hố thẳm. Đi lên đỉnh núi là Việt đi xuống hố thẳm là Tính; hố thẳm phá hủy Tính thành ra tuyệt tính, bấy giờ chỉ còn là niềm im lặng của hố thẳm; tất cả nằm vào trong quẻ Phục và một điểm Dương xuất sinh: văn hóa và văn minh xuất hiện và lưu động.
Muốn đặt lên câu hỏi về Việt và Tính thì phải dọn sạch lối đi và mở rộng phương trời; lối đi về Việt và Tính là đường lối phá hoại (via negativa). Phá hoại tư tưởng Đông phương và Tây phương, phá hoại tất cả những gì có thể phá hoại được, phá hoại tất cả những đã thể hiện trên ý thức con người. Mở rộng phương trời là phá hoại cùng lúc với sự phá hoại đã hiện trong ý thức con người; phá hoại theo, với, cùng; đồng loạt với, là nhập tính mà dụng thể là song thoại; song thoại là độc thoại trước mặt kính trong suốt.
Trong triết học kinh viện thời Trung cổ ở Tây phương, Việt là transcendens, Tính là esse. Tính và Việt là chữ Hán-Việt, viết theo mẫu tự La tinh là “Tính” và “Việt”: sự kiện “Tính” và “Việt” được viết theo mẫu tự La tinh không phải là chuyện ngẫu nhiên, cũng như sự kiện lịch sử của ngôn ngữ Việt Nam, từ chữ Nôm chuyển sang thể ngữ của bảng mẫu tự La tinh, cũng không phải là việc ngẫu nhiên; tất cả những sự việc ấy đã thuận theo Tính mệnh của Việt Nam và của nhân loại. Tất cả những tang tóc đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay, tất cả những máu lửa ngút trời ở Việt Nam hiện nay đều là những hậu quả tất nhiên của tất cả những sự kiện ấy và của tất cả những gì làm những sự kiện ấy thành sự kiện. Tính và Việt hiện thể ra tính và việt, thuận theo ý nghĩa qui định của transcendens và esse của La tinh. Trong triết lý Hy lạp thời thượng cổ, Việt là έπέγεινα τής οϋσίας (Platon, République, VI, 509, B), Tính là tính trong τόόυ nằm ở câu τόόυ έστι μαθόλου μάλιστα πάντων của Aristote (Métaphisique, B4, 1001a21). Việt trong chữ Tàu là 越 trong 越 鳥 巢 南 枝 hay trong 越 裳 ở đời Hùng Vương; Tính là 性 trong 天 命 之 謂 性 câu mở đầu chương thứ nhất của sách Trung Dung, Chữ Phạn (Sanskrit) là nguồn của Việt và Tính; chữ Phạn của Việt là pàramità; chữ Phạn của Tính là Tad trong Ấn độ giáo hay Tattva trong Phật giáo.
Trong lịch sử nhân loại, Tính thể hiện giữa lòng đời nơi hóa thể của một người trên người, tên là Jésus mà esse của Jésus là esse trong nghĩa Ipsum Esse subsistens của thánh Thomas d’Aquin; Việt thể hiện giữa lòng sống nơi hóa thân của một người vượt người, tên là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Héraclite và Socrate mở rộng phương trời cho Jésus giáng sinh trong Lịch sử (nói đến Lịch sử thì chỉ là Lịch sử Tây phương); còn Parménide và Aristote mở rộng phương trời cho Hegel và Karl Marx trong phạm vi tư tưởng, cho Johannes Képler, Galilée, Isaac Newton, Christian Huygens, Jean Le Rond d’Alembert, Julien Offroy de La Mettrie; Heinrich Hertz, Louis de Broglie, Niels Bohr, Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, J. Robert Oppenheimer, Auguste S. Eddington, Marie Curie, v.v. trong phạm vi khoa học vật lý.
Phật Thích Ca tự mở rộng phương trời cho hóa thân mình, điều động trọn cả Tính mệnh của phương Đông, mãnh liệt nhất là Tính mệnh của Việt Nam, nhất là từ đời Lý cho đến hôm nay. Việt thể hiện trong Phật Thích Ca một cách trọn vẹn nhất từ cử chỉ đầu tiên khi Phật đản sinh: vừa mới xuất sinh, Phật đã đi được ngay, nhìn khắp mọi phương trời, bước đi bảy bước, kêu to lên như tiếng sư tử: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sinh tử, ư kim tận hỉ” (Trên trời dưới đất, duy ta là tôn, sống chết không cùng, từ nay là hết), nói xong rồi thì nằm xuống như mọi hài nhi khác. Trong kinh Majjhima-Nikâya (III, tr.123), trong kinh Nikâya-Agama, trong Vinaya, đều có thuật lại cử chỉ huyền bí của Phật. Bảy bước (sapta padâni) đánh dấu Việt nhập thể Tính, nói lên sự siêu việt không gian (Aggo, ham asmi lokassa), “duy ngã độc tôn” là siêu việt thời gian, đứng nơi đỉnh vũ trụ, đương thời và đồng thời với sự bắt đầu của vũ trụ (cf. Mircea Eliade, Les Sept Pas du Bouddha trong Pro Regno pro Sanctuario, Hommage Van Der Leeuw, Nijkerk, 1950, trang 169-175; cf. Mircea Eliade, Images et Symboles, Essais sur le symbolisme magico-religieux, 1952, Gallimard, trang 98-100).
Tính tựu thành nơi sự đóng đinh của Jésus; Việt tựu thành nơi bảy bước đi và nụ cười của Phật. Triết lý và Văn minh Tây phương khởi đầu và chấm dứt nơi sự chết của Socrate; triết lý và văn minh khởi đầu và chấm dứt nơi cái chết của Jésus và Socrate. Triết lý và Văn minh Đông phương khởi đầu và chấm dứt nơi ngoài thành cửa Đông, lúc Khổng Tử đứng tiều tụy và tự nói rằng mình giống “con chó mất chủ”, lúc Lão Tử cỡi trâu bỏ đi về phía Tây. Phật không khởi đầu và không chấm dứt, mà rộng mở phương trời cho khởi đầu thành khởi đầu và chấm dứt thành chấm dứt, vì Phật tính là Việt: Việt làm Tính thành ra Tính; đồng thời Việt cũng là Tính. Tính thành ra Tính là Thành mà danh từ thần học Thiên chúa giáo gọi là πίστις Thành (hay πίστις) là điều kiện tất yếu sine quanon của sự cứu rỗi; Thành chính là sự cứu rỗi. Thành là Tín: đứng ở trên nhìn xuống Thành, đứng ở dưới nhìn lên là Tín. πίστις bao gồm cả Thành là Tín, dịch gọn lại là Thành Tín; Thành Tín được gọi khác đi là đức tin. Trong kinh Kim Cang của Phật giáo có chữ Tín Tâm 信 心. Trong Đại Học của Khổng giáo có chữ Thành như ý thành 意 誠; trong Trung Dung có chí thành 至 誠 và quan trọng nhất là chương thứ XXI; tự thành minh vị chi tính 自 誠 明 謂 之 性. Điều động hàm dưỡng tư tưởng Khổng Tử là Kinh dịch; trong Kinh dịch, Tính ẩn trốn chập chờn như dòng suối sâu chảy ngầm trong cỏ làm cho cỏ xanh tươi: Tính làm Thái Cực thành Thái Cực; Tính là Dịch. Trong Đạo đức kinh, Tính mù mờ im lặng ngu ngơ huyền ảo, mở phương trời mây trắng cho Đạo thành Đạo: Tính làm cho không tên thành tên: Tính là huyền trong huyền chi hựu huyền 玄 之 又 玄. Toàn thể tư tưởng Véda xoay tròn chung quanh minh kiến về Thiên Tính (devatà-vidyà); đứng trên nhìn xuống thì gọi là Tính (-tà), đứng ở dưới nhìn lên thì gọi là Thiên (beva-): ý nghĩa chiếu từ trên đi xuống gọi là àdhi daivika; từ dưới đi lên gọi là àdhyàtmika. Trong những kinh Upanisads, Thiên tính (devatà) hòa đồng với Ngã Tính (àtman), chẳng hạn như câu devàtmasáktim trong Svetàs. Up 1,3. hay câu yadaitamanupasyaty àtmàmam devam añjasà trong Br. Up IV, iv. 15. (xin đọc Katha, I, ii, 12; cùng. Với Chà. Up. VI, iii, 2, và Kena Up. I, i); đứng trên nhìn xuống gọi là devatà, đứng ở dưới đất nhìn là àtman. Tính thường khi đổi danh như là Hiranyagarbha, Viràt và Prajàpati. Tóm tắt lại tất cả tư tưởng của Védas là Tính, gọi là Tat (như trong tattvam asi). Đến Phật Thích Ca thì con đường đi hoàn toàn khác hẳn; Phật Thích Ca phá hủy toàn thể tư tưởng Upanisads; đây không phải là phản ứng, vì Tính không thể là Tính nếu Việt không làm Tính thành Tính: nói cho dễ hiểu thì Việt là căn nguyên của Tính: Phật có nghĩa là Việt; nói khác đi là Bát Việt: chữ Hán âm là Bát nhã ba la mật đa: Prajñapàramità. Con đường mà Phật mở ra là con đường chưa ai bước (xem Mahàvagga, Vinaya Pitaka I, 5; Majjh. N.I, P.171, sutta, 26; Sam. N.II, tr. 105). Điều động hàm dưỡng toàn thể tư tưởng Đông phương là niềm im lặng của Phật Thích Ca; niềm im lặng ấy gọi là avyàkrta hay avyàkrta vastùni (xin đọc Màdhyamika-kàrikàs, XXVII; Majjh. N.I, tr.426-32, sutta 63; Sam. N.III, tr.257). Niềm im lặng huyền bí ấy nổ tung toàn triệt, khuynh đảo cả vũ trụ tư tưởng Đông phương, do thiên tài kỳ diệu của Long Thọ (Nàgàrjuna): Việt thành Không tính (sùnyatà); Không là sùnya: Tính là –tà. Sau Long Thọ là Vô Trước (Asanga) và Thể Thân (Vasubandhu): Không Tính thành Tính Không; Tính Không thành Vô Tính; Chân Như Thật Tính của Duy thức là Thắng Nghĩa Vô Tính (xem Duy thức tam thập tụng: cố Phật mật ý thuyết, nhứt thể pháp vô tính: thường như kỳ tính cố, tức Duy thức thật tính). Đến Thiền tông, Tính là Việt, Tính thành Phật: Kiến Tính.
Tư tưởng Việt Nam là tư tưởng của Tính và Việt; Tính và Việt tựu thành mãnh liệt nhất vào đời Lý và thể hiện huy hoàng nhất nơi Nguyễn Du và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một ông vua thời Lý đã mở đầu tập sách về Thiền với chữ Tính, trả Tính trở về với Việt. Nguyễn Bỉnh Khiêm trả Tính trở về với Dịch; Nguyễn Du trả Tính trở về Mệnh (cf. Thanh Hiên thi tập: Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn, Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri); Trang Tử đã phản bội Lão Tử, và phá hoại tư tưởng Lão Tử; chính Trang Tử đã mở đường cho tư tưởng Lão Tử đến chỗ điêu tàn; trong Nam hoa kinh, Trang Tử đưa Tính 性 rơi xuống Sinh 生 và Sinh có nghĩa là Tính (cf. Đức Sung Phù: hạnh năng chính sinh, dĩ chính chúng sinh). Sự phản bội của Trang Tử đối với Lão Tử cũng giống như sự phản bội của Tống Nho, của Trình Tử, Chu Tử, của Mặc Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Đổng Trọng Thư đối với Khổng Tử; Vương Dương Minh muốn phục hồi, nhưng cũng thất bại.
Chính Nguyễn Du đã trả Tính trở về cho Mệnh, đưa Tính từ Sinh trở về Mệnh: Nguyễn Du đã chuyển hóa Trang Tử và vượt lên Trang Tử: phá hủy Sinh bằng cách trở về Tính và Việt. Tính Nguyễn Du là Tính của Mệnh: Việt của Nguyễn Du là Việt của Thiền xuất sinh từ kinh Kim Cang (mà Nguyễn Du tự nói là đã đọc tụng trên một ngàn lần). Trong khi Kinh dịch bị phản bội trong tư tưởng Tàu thì Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi dương Kinh dịch bằng chính cuộc đời 95 năm của mình: Nguyễn Bỉnh Khiêm trả Tính trở về với Dịch và thành tựu Dịch với Việt nơi Phật Tính.
Tính là gì? Việt là gì? Tính làm hai câu hỏi trên thành hai câu hỏi, vì thế câu hỏi không thể hỏi lại cái làm câu hỏi thành câu hỏi. Việt là cái làm Tính thành Tính. Tính làm một người trên người thành Jésus; Việt làm một người vượt người thành Phật. Tính và Việt bằng nhau hay chênh lệch? Tính hơn Việt hay Việt hơn Tính? Tất cả những câu hỏi này đều đi xa Tính và Việt: bằng nhau, chênh lệch, hơn và thua là tính thể của sự suy tư chạy trốn hố thẳm.
Sự chạy trốn này tựu thành một cách oanh liệt nơi tư tưởng của Karl Marx. Karl Marx chối bỏ Tính và Việt, đưa Tính rơi xuống Thể và đưa Việt rơi xuống Dụng: Dụng thể là lao động: tính thể của Dụng Thể là sự sáng tạo của lao động trong lịch sử con người; dụng thể phá hủy sự ly thể của con người đối với con người và đưa con người đến chỗ ly tính với Nhiên tính để thành tựu hướng đi của biện chứng pháp. Chủ nghĩa Duy vật của Marx không phải là duy vật mà là duy thể, mà tính thể của Hành động là Dụng thể, như vậy Hành động có nghĩa là Hành thể: “Quan điểm của cuộc đời, của Hành thể, phải là quan điểm đầu tiên, căn bản của lý thuyết về tri thức” (Lénine, Matérialisme et empiriocriticisme, Moscou, 1952, tr.156).
Tri thức luận được điều động bởi và đồng thời là biện chứng pháp; phương pháp biện chứng duy thể đã được thể dụng trong kinh tế chính trị một cách toàn triệt, đồng thời cũng được thể dụng trong lịch sử, trong triết học, trong chính trị, trong sách lược chiến thuật của giai cấp thợ thuyền, trong những bộ môn khoa học. Đối với Lénine, chính sự thể dụng ấy là những gì chính yếu nhất và mới mẻ nhất mà Marx và Engels đã mang lại cho loài người; đó là “bước đi thiên tài phóng tới đằng trước trong lịch sử tư tưởng cách mạng” (Lénine, Marx-Engels-marxisme. Moscou, 1954, tr. 67-68). Karl Marx đã đảo ngược biện chứng pháp của Hegel, mặc dù chính Marx đã nói rằng phương pháp biện chứng của ông “không những khác phương pháp của Hegel về căn bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy” (Marx, Capital, I, Préface de la deuxième édition). Mặc dù thế, cuộc cách mạng tư tưởng của Marx chỉ là một phản ứng đối lại một phản ứng và vẫn nằm trong tính thể của Tính mệnh Tây phương, cũng như thời đại nguyên tử, kỷ nguyên khoa học nguyên tử này cũng nằm trong tính thể của Tính mệnh Tây phương: khoa học, cơ khí và biện chứng pháp cùng chung một dòng máu. Sinh mệnh đồng nghĩa với Tây phương: Sinh mệnh làm Tây phương thành Tây phương. Đặt lên câu hỏi: “Tính thể của Sinh mệnh (Tây phương) là gì?”. Chỉ đặt lên câu hỏi ấy là đã lao vào con đường của tất cả những con đường: khoa học, cơ khí và biện chứng pháp đã bị giới hạn qui định bởi tính thể của sinh mệnh; sứ mệnh của Tây phương là thể hiện sinh mệnh mình mà chính Werner Heisenberg cũng đã ý thức một cách tự mãn hãnh tiến (xin đọc Werner Heisenberg, la nature dans physique contamporaine, chương les rapports entre la culture humaniste, les sciences de la nature et l’Ocident, trang 62-78. Gallimard, 1962).
Biện chứng pháp của Marx không thể nào tách rời cơ khí và khoa học: cơ khí và khoa học hiện đại không thể tách rời Sinh mệnh của Tây phương, vì chính sinh mệnh ấy đã khai sinh cơ khí và khoa học, chẳng những thế mà còn sinh thành hướng đi của cơ khí và khoa học trong tương lai: khoa học là tri thể, cơ khí là dụng thể. Đặt lên câu hỏi về tính thể của Sinh mệnh Tây phương là thấy được tiềm thể của cơ khí và khoa học, đồng thời thấy được liên thể giữa tiềm thể, hiện thể và vô thể; đặt lên câu hỏi về tiềm thể, hiện thể và vô thể là thấy được sự đổ vỡ và sự tàn phá điêu đứng của chủ nghĩa hư vô hiện nay. Hai chữ thể (τόόν) và thế (χόσμος) điều động Sinh mệnh Lịch sử Tây phương: dụng thể để chuyển thế: Thiên chúa giáo chuyển thế để nhập thể tới siêu thể (transcendens): biện chứng pháp Marx dụng thể để chuyển thế qua cuộc cách mạng vô sản; Nietzsche thấy trước Sinh mệnh Tây phương, chuyển thế bằng cách việt thể nhân tính (Übermensch) qua mệnh ái (amor fati) và tri kiến về sự phục thể của đồng thể. Sartre thay thế siêu thể bằng vô thể (le néant) qua sự tự do của dự thể: chuyển thế bằng cái nhìn của dự thế (projet) trước vô thể. Karl Jaspers rọi sáng mọi liên cảm giữa hiện thể này với hiện thể khác, đặt lại những hạn thể (Grenzsituationen) để mở đường cho việt thể (Transcendenz) và kêu gọi viên thế (Das Umgreifende). Heidegger để cho thể và thế nhập nhau thành một (in der Welt sein): dụng thời (Zeit) mở rộng phương trời việt thể để đặt lên câu hỏi về Tính thể và Thể tính (Sein); Heidegger cô đơn chịu đựng tất cả thảm kịch của Sinh mệnh Tây phương, tất cả sự nghiệp tư tưởng của Heidegger là sự phân biệt thể tính giữa thể hay toàn thể (das Seiende) và thể tính (das Sein); sự phân biệt ấy là sự thành công vĩ đại nhất của Heidegger, nhưng đồng thời cũng là sự thất bại bi đát nhất, bi tráng nhất của con người: chính sự phân biệt thể tính ấy đã đặt căn thế cho Heidegger làm cuộc phá hủy lịch sử tính thể luận của trên hai nghìn năm Tây phương; sự phân biệt thể tính ấy là một thứ thuốc độc Heidegger dùng độc trị độc, nhưng thuốc độc này rất nguy hiểm, nó có thể quay ngược lại giết chết Heidegger; Heidegger hiểu thế, liền ôm ghì lấy Hoelderlin, cô độc chờ đợi sự điên loạn như Hoelderlin trong tuổi già quạnh hiu. Thay vì tống thuốc độc như Socrate, Heidegger làm thơ và viết nói bâng quơ. Chính sự phân biệt thể tính ấy đưa Heidegger đến ngõ cụt của tư tưởng vì, sự phân biệt thể tính ấy cùng nằm trong lòng Sinh mệnh của Tây phương: chính sự phân biệt thể tính của Heidegger là thoát thai từ sự ly tính mãnh liệt nhất trong chính tư tưởng Heidegger; Heidegger kêu gọi về sự quên lãng thể tính (Seinsvergessenheit), nhưng chính Heidegger nằm trong sự quên lãng ấy một cách bi đát nhất, vì chính sự phân biệt thể Tính đã là quên lãng Thể tính. Heidegger đi về bên hố thẳm; Heidegger chỉ còn thể thế cuối cùng là nhảy tung vào hố thẳm. Bên trong hố thẳm là niềm im lặng.
Không Việt và Tính thì không thể có sự phân biệt thể tính, vì Việt và Tính mở rộng phương trời: Tính là thể. Từ Như tính của Tính và thể mới có thể sinh ra sự phân biệt thể tính; sự phân biệt không thể phân biệt được thể tính của chính sự phân biệt; chỉ phân biệt được thể tính là khi đã ra ngoài Tính, tức là Vong tính (Seinsvergessenheit).
Biện chứng pháp là máu của Sinh mệnh Tây phương, không có Biện chứng pháp không có Triết lý và Khoa học. Chữ dialectique có thể dịch là “biện chứng pháp” và “dịch hóa pháp”. Tại sao chỉ cách dịch “biện chứng pháp” là thông dụng ở Việt ngữ mà “dịch hóa pháp” lại không được dùng? Tự thể này cũng đủ nói lên rằng Tính mệnh của Việt Nam đã bị chi phối theo Sinh mệnh của Tây Phương: “dịch hóa” hướng về Dịch và Tính, “biện chứng” hướng về Thể và Sinh.
Dialectique là “dịch hóa pháp” trong tư tưởng của Héraclite, nhưng đến Socrate, nhất là đến Platon thì dialectique chính là “biện chứng pháp” (xin đọc République, VII, 534e; Philébe, 15a); đối với Platon, “biện chứng pháp” là “kiến thức của những kiến thức” (xem Charmide 173b: έπιστήμη έπιστημών); đến Socrate, nhất là đến Platon Tư tưởng rơi xuống chỗ tàn tạ và biến thành Triết lý, cũng như Đạo đức rơi xuống chỗ tàn tạ thì Luân lý xuất hiện. Khi Nguyên lý rơi xuống chỗ tàn tạ thì Biện chứng pháp được khai sinh cùng với Luân lý học.
Tư tưởng trác việt nhất của con người thường nằm trong tác phẩm của thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, hơn là nằm trong tác phẩm của triết gia. Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá hủy trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mạc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas d’Aquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heidegger. Một đoạn văn ngắn của William Faulkner trong The Sound and the Fury cũng nói lên hết tất cả những gì mà Karl Jaspers và Jean Paul Sartre không thể nói được: “Này Quentin ạ, cha cho con đồng hồ này, cha cho con nấm mồ chôn hết tất cả hy vọng và tất cả ham muốn… con sẽ dùng đồng hồ này để qui hết tất cả kinh nghiệm loài người vào chỗ phi lý, reductio ad absurdum… tất cả nhu cầu của đời con sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cũng như tất cả nhu cầu của những người chung quanh con, của cha con cũng thế. Cha cho con có cái đồng hồ này không phải để con nhớ đến thời giờ, mà để con có thể quên nó trong một khoảnh khắc để con đừng hì hục mệt nhọc cố gắng chinh phục nó. Bởi vì con ạ, người ta không bao giờ thắng trận. Người ta cũng chưa hề tuyên chiến nữa. Chiến trường chỉ là nơi khai mở cho con người thấy rõ tất cả sự điên rồ và tuyệt vọng của họ, và sự chiến thắng chỉ là ảo tưởng của những triết gia và những thằng khờ, reductio ad impossible” (The Sound and the Fury).
Chỉ nội câu văn trên của Faulkner cũng đủ phá hủy tất cả Biện chứng pháp kể từ Platon đến Marx và Jean Paul Sartre. Câu văn trên của Faulkner là suối nguồn của tất cả biện chứng pháp: ngay đến biện chứng pháp cũng được đưa đến hố thẳm bất khả thể, reductio ad impossible. Ngay đến triết lý phi lý của Albert Camus cũng bị đưa đến hố thẳm phi lý, reductio ad impossible.
Niềm im lặng của hố thẳm đã khiến cho ngài Nàgàrjuna (Long Thọ) đi đến pháp bội lý qui kết (reductio ad impossible), phá huỷ hết tất cả biện chứng pháp: con đường của Nàgàrjuna là con đường của prasanga hay prasanga-vàkya, nghĩa là đưa tất cả tư tưởng đến chỗ bội lý; đoạn văn trên của Faulkner mang âm hưởng của Long Thọ trong Trung quán luận (màdhyamika)
Việt và Tính là gì? Không thể định nghĩa Việt và Tính bằng tư tưởng, dù Tây phương hay Đông phương.
Tất cả những gì được trình diễn ở trên chỉ là sự trình diễn chung quanh sự thể: đó là chướng ngại mà phép quy kết bội lý (reductio ad impossible) sẽ phá huỷ trọn vẹn.
Con đường đi đến niềm im lặng của hố thẳm là con đường phá hoại (via negativa) và đồng thời cũng là con đường bội lý (reductio ad impossible). Sau khi phá hoại và bội lý cùng cực rồi thì còn lại gì nữa?
Câu hỏi tối hậu này bay về sa mạc không cát, như con rồng trong Kinh Dịch nhảy tung vào vực thẳm.
Chương hai
Via Negativa
Con đường hủy diệt tư tưởng tây phương qua Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, Heidegger và Henry Miller
Tính không phải là Tính, cũng không phải là tính; Việt không phải là Việt, cũng không phải là việt. Câu này không hoàn toàn tối nghĩa: tất cả ý nghĩa của tư tưởng Korzybski là lọc sạch ý nghĩa của ngôn ngữ, trả ngôn ngữ về giới hạn của nó, để từ đó đặt lại một căn nghĩa mới cho tất cả khoa học, cho tất cả sinh hoạt, nhất là sinh hoạt thần kinh hệ của con người trong đời sống hiện đại; Korzybski gọi tư tưởng của ông là “nghĩa thế thuyết tổng quan” (sémantique générale). Khám phá của Korzybski là đặt lại liên quan giữa nghĩa và thể: thể không phải là thể mà chỉ là nghĩa; do đó, dụng thể phải đi từ dụng nghĩa. Thất bại lớn của Korzybski là chỉ dụng thể qua chuyển nghĩa và muốn chuyển nghĩa để chuyển thế. Korzybski muốn đi ngược lại Aristote để chuyển hướng Sinh mệnh Tây phương, nhưng Korzybski cũng chỉ bơi trong dòng sông mà Aristote đã vùng vẫy ngày xưa: nghĩa chính là thể. Trường hợp của Wittgenstein cũng giống như Korzybski.
Muốn thoát khỏi dòng Sinh mệnh Tây phương thì phải phá hủy thể và đi về Việt và Tính; cả Đông phương ngày nay cũng phải chịu đựng sự phá hủy Sinh mệnh của mình để đi về Tính Mệnh qua hố thẳm của Tính và núi cao của Việt.
Nghĩa là đặc thể của Sinh mệnh Tây phương. Tính mệnh phá hủy Nghĩa: Việt và Tính phá hủy Nghĩa và nghĩa.
Nghĩa, Ảnh, Hình là sự chạy trốn của Sinh mệnh trước Hố thẳm. Sự chạy trốn hình thành nơi ý nghĩa. Tất cả ý nghĩa đều đi xa Hố thẳm. Tất cả hình ảnh cũng thế.
Tính không phải là Tính trong triết lý Trung Hoa; Tính trong tất cả Triết lý Trung Hoa là ngụy tính. Tính và Việt cũng không phải Tính và Việt trong Triết lý Ấn Độ và Hy Lạp. Phá hủy hết tất cả Tư tưởng Trung Hoa, Hy Lạp và Ấn Độ thì mới đi đến niềm chờ đợi; Tính và Việt chính là niềm chờ đợi ấy. Tất cả sự chờ đợi trong đêm tối tức là bước đầu đi về niềm Chờ đợi bên Hố thẳm; nhảy vào Hố thẳm là sự thành tựu của niềm Chờ đợi.
Con đường đi đến chờ đợi là con đường phá hoại; phá hoại Sinh mệnh Tây phương là phá hoại với Sinh mệnh Tây phương; tính thể của song thoại là phá hoại với. Tư tưởng của Việt và Tính song hành với tư tưởng phá hoại; không có tư tưởng phá hoại thì Sinh mệnh Tây phương đã chết yểu từ lâu, chứ không còn ngự trị trên thế giới như ngày nay.
Song thoại với tư tưởng phá hoại là phá hoại với tư tưởng phá hủy; nhờ đó, tính thể của Sinh mệnh Tây phương và Đông phương mới hiện ra với tất cả ánh sáng của nó.
Tất cả sự phá hoại đều là phá hoại ý nghĩa, sự phá hoại nằm trong Sinh mệnh Tây phương là sự phá hoại ý nghĩa nằm trong Ý Nghĩa.
Đối thoại chỉ có ý nghĩa trong song thoại; song thoại chỉ có ý nghĩa trong sự phá hoại; mọi sự phá hoại chỉ có ý nghĩa trong sự phá hoại Ý Nghĩa.
Song thoại với tư tưởng phá hoại là phá hoại với tư tưởng ấy. Tư tưởng phá hoại nhất trong Sinh mệnh Tây phương là tư tưởng của bảy thiên tài sau đây: Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, Heidegger và Henry Miller.
Sinh mệnh Tây phương mở đầu và chấm dứt với những thiên tài này. Nhờ sự phá hoại của họ mà mới thành hình được những công trình xây dựng văn hóa của Socrate, Platon, Aristote, Augustin, Thomas d’Aquin, Kant, Hegel, Marx, Kepler, Galilée, Newton, Einstein, Oppenheimer, vân vân, tất cả những công trình xây dựng đều đi sau sự phá hoại. Tính tướng “đi sau” cũng là thể tướng của Tư tưởng. Tính tướng “đi trước cũng là thế tướng của Tư tưởng. Tính lý của Tư tưởng thì không “đi trước”, cũng không “đi sau” mà “đi ngang”. Đi trước sự vật, đi sau sự vật và đi ngang sự vật: ba tính tướng của Tư tưởng nằm trong Sinh mệnh Tây phương.
Héraclite là tư tưởng gia đi ngang sự vật; ông đưa Thể đi ngang qua Tính nhưng sự phá hoại của Héraclite chỉ mới bắt đầu, và sự bắt đầu của Héraclite là sự bắt đầu vĩ đại nhất trong cả dòng Sinh mệnh Tây phương; trong suốt trên hai nghìn năm, không có người thứ hai bắt đầu được như vậy. Người mở đường cho Héraclite là Anaximandre; Héraclite bắt đầu lại bằng cách phá hủy với sự bắt đầu của Anaximandre. Ý nghĩa của sự bắt đầu đã xuất hiện đầu tiên trong tư tưởng Anaximandre; ý nghĩa ấy không phải là ý nghĩa mà là Tính Nghĩa, sự bắt đầu là sự bắt đầu cho tất cả mọi sự bắt đầu mà chữ Hy lạp của Anaximandre gọi là άρχη. Trong tư tưởng Anaximandre, άρχη chính là nguyên thể. Nguyên thể là nguồn cho toàn thể; Anaximandre gọi “toàn thể” là. Nguyên thể cũng chính là vô hạn thể, mà Anaximandre gọi là απείρον. Toàn thể là όντα, nhưng khi toàn thể đã định phân ra những đối thể thì gọi là φιίσις (nhiên thể, hóa thể, tự thể). Đối với Anaximandre, đức chính διχη là dụng của vô hạn thể trong toàn thể. Đối thể hay mâu thuẫn xuất phát từ nguyên thể và vô hạn thể. Khi thể đối thể, khi thể tách rời thể hay mâu đối lại thuẫn thì là sự bắt đầu của toàn thể. Thể thế tương sinh tương hoại, khi đức thể này thịnh hơn đức thể kia thì gọi là nghịch đức chính. Đức chính giữ lại trung hòa cho toàn thể; toàn thể sinh loại thuận theo đức lý; vô hạn thể άπείρον viên thể περιέχειν, do đó ở ngoài sự tương khắc của toàn thể. Tất cả tư tưởng của Anaximandre cô đọng trong câu: “Nguyên thể” άρχη của toàn thể là vô hạn thể άπείοον; toàn thể trở về lại nơi nó phát sinh, thuận theo đức lý; bởi vì toàn thể tương dụng ứng cảm qua nghịch đức chính, tùy theo định thời”.
Qua câu độc nhất trên, Anaximandre làm một cuộc phá hoại vĩ đại trong tư tưởng Hy lạp; Anaximandre phá hủy toàn thể tư tưởng của Thalès; đối với Thalès, nguyên thể là nguyên thủy (thủy=nước); Anaximandre xem nguyên thủy như là thể và đặt thủy trong toàn thể όντα; toàn thể sinh thành hoại diệt; do đó, Anaximandre đi về con đường “nguyên nguyên bản bản”, đưa nguyên thể αρχη ra ngoài sự sinh thành hoại diệt của toàn thể όντα và gọi nguyên thể là vô hạn thể άπείρον nghĩa là ở ngoài toàn thể; nước (thủy) không thể là nguyên thể, vì nước chỉ là hạn chế trong những hạn thể (sự thể) của toàn thể όντα. Nguyên thể là vô hạn thể άπείρον mà Anaximandre cũng gọi là thiên thể.
Vô hạn thể là Tính nghĩa mà Anaximandre đã khai mở cho tư tưởng Tây phương; chính Anaximandre là người đầu tiên đi vào trong chân trời của Sinh mệnh Tây phương; kinh nghiệm thể tri của Anaximandre đã mở đường cho Héraclite và Parménide để mà hình thành tất cả Triết lý và Khoa học hiện nay. Bước đầu của Anaximandre đã mở lối cho tất cả mọi hướng đi chuyển thế của Tây phương trong trên hai nghìn năm. Thể hướng tượng thế và tượng thể của Anaximandre đã vạch ra Thể Tính cho Sinh mệnh Tây phương: Tư tưởng Anaximandre xuất hiện như một dòng suối mở nguồn cho thác nước lũ cuồng bạo chảy về Hố thẳm của Sinh mệnh.
Con đường của Anaximandre mở ra hai lối: Héraclite và Parménide, hai thiên tài cô độc nhất, cô đơn nhất, huyền viễn nhất, kiêu hãnh nhất, bi tráng nhất, im lặng nhất, vĩ đại nhất trong Tư tưởng Tây phương; hai thiên tài Hy Lạp này là hai đỉnh núi ngất ngưởng mờ ảo, thống ngự cả Sinh mệnh Tây phương. Anaximandre bắn ra Tính nghĩa; Héraclite và Parménide rọc rách thể nghĩa ra ngoài Tính Nghĩa. Anaximandre là Tính chuyển hóa thành song thể; dịch của Héraclite và thường của Parménide. Song thể chuyển hóa thành nhị thể, nhị thể chuyển hóa thành đối thể, đối thể chuyển hình thành song dụng, song dụng chuyển hình thành nhị dụng, nhị dụng chuyển hình thành đối dụng và đưa Sinh mệnh Tây phương đến tất mệnh: bài hát cuối cùng của con thiên nga sắp chấm dứt và niềm im lặng bay vờn lên hố thẳm.
Héraclite bay cuộn tròn vòng quanh hố thẳm như con ó trời; miệng của Héraclite thổi lửa thần đốt cháy cả vũ trụ con người: Héraclite nói lên ngôn ngữ kinh thiên của tiếng sét, mửa máu trên giấc ngủ loài người; phong thể của Héraclite lầm lì, tối tăm, đen kịt, sâu thẳm, huyền bí.
Héraclite phá hủy nguyên thể của Anaximandre; vô hạn thể của Anaximandre không làm bận tâm Héraclite; thay vì vô hạn thể άπείρον Héraclite đưa nguyên thể άρχη xuống toàn thể όντα, cột dính toàn thể với nguyên thể bằng lý thể λογος; lý thể chính là nhất toàn: ΕνΠάντα, – Nhất toàn tức là nhất toàn thể; nhất tức là nhất lý hay là Lý; toàn tức là toàn thể: Πάντα τά όντα; lý thể hợp nhất toàn thể trong tính thể, tức là đức lý ροφον; người yêu đức lý άνήρ φιλόσφος là người yêu σοφόν (ός φιλεί τό σοφόν) có nghĩa là đức lý hay minh đức; đối với Héraclite, yêu đức lý có nghĩa suất lý hay suất tính thể, tức là thuận theo lý thể Λόγος.
Tính thể xuất hiện qua Héraclite bằng lý thể Λόγος; lý thể là lý của toàn thể (gọi là Toàn Nhất hay Nhất Toàn: Εν Πάντα; yêu đức lý σοφόν là thuận theo lý thể Λόγος; lý thể bao trùm toàn thể, vì thế lý thể Λόγος là cộng thể ζυνόν không phải là tư thể ίδιον; do đó, lý thể là ly thể; ly thể là tách lìa ra ngoài thể, ngoài tư thể; tính cách ly thể ấy được Héraclite gọi là γεχωρισμένεν; do đó, việt thể xuất hiện cùng lúc với tính thể (lý thể) trong tư tưởng Héraclite. Lý thể Λόγος khai sinh pháp thể νόμος.
Héraclite phá hủy tất cả tư tưởng tiền nhân, phủ nhận tất cả mọi vĩ nhân, phủ nhận chính thể đương thời, phủ nhận tất cả mọi kiến thức chi li, để đi đến đức lý ροφν, nghĩa là lý thể Λόγος; tư tưởng của Héraclite hãy còn là tư tưởng theo nghĩa suy niệm φρονειν thuận theo đức lý σοφόν hành theo hóa thể φυσις, đúng nghĩa của minh đức άρετή.
Tư tưởng của Héraclite là tư tưởng của đức lý σοφον, phương trời của tính thể hàm dưỡng điều động; cả tư tưởng của Parménide cũng còn nằm trong đức lý σοφον; nhưng sau Héraclite và Parménide, tất cả tư tưởng của Tây phương trong hai ngàn năm sau chỉ là Triết lý φιλοσοφία chứ không còn là Đức lý σοφον nữa. Sau Héraclite và Parménide, tư tưởng không còn là tư tưởng nữa; lúc Tư tưởng bị rơi xuống chỗ tàn tạ thì Triết lý xuất hiện; lúc Triết Lý rơi xuống chỗ tàn tạ thì Triết học xuất hiện; lúc Triết học rơi xuống chỗ tàn tạ thì Khoa học xuất hiện; chỉ khi nào Khoa học rơi xuống chỗ tàn tạ thì Đức lý σοφον mới xuất sinh để phục hồi Triêu Dương của Tính Thể.
Đối với những con người bất thành απιστια thì lý thể Λόγος thường hay ẩn trốn, nhưng con người phải biết chờ đợi niềm không chờ đợi, “kỳ bất kỳ”, tư tưởng của Héraclite bay đến tuyệt đỉnh của thể phận qua thể dụng “kỳ bất kỳ” (chờ đợi cái không thể chờ đợi), vì “thể tính của con người là thần thể” ήθος άνθρώπφ δαίμων.
Héraclite đã ảnh hưởng mãnh liệt đến Socrate, Hegel, Nietzsche, Marx; Héraclite đồng thời ảnh hưởng mãnh liệt đến Thần học Thiên chúa giáo qua tư tưởng về lý thể Λόγος, chẳng hạn như trong Phúc Âm của thánh Jean.
Cuộc phá hủy của Héraclite lại bị Parménide phá hủy mạnh hơn nữa trong bình diện Sinh mệnh Tây phương; chính Parménide là người đầu tiên đã dùng chữ όν mà όν có nghĩa là thể; trước Parménide chỉ có chữ όντα nghĩa là toàn thể; Parménide tách rời thể ra ngoài toàn thể, tách όν ra ngoài όντα; sự tách rời này đánh dấu cuộc phá hủy mãnh liệt vô cùng, chữ όν của Parménide sẽ điều động toàn thể Tư tưởng Triết lý Tây phương; sau Parménide một thời gian gần hai trăm năm thì chính Aristote đã hệ thống hóa tư tưởng về thể όν thành ra tính thể của triết lý qua câu: “như thế cái mà triết lý vận hành từ lâu, cho đến nay và không hề ngừng, cái mà triết lý không thể đạt tới là câu hỏi được đặt lên: thể là gì?” χαί δή γαί το πάλαι τε γαι νϋν γαι άεί απορούμενον, τί τό όν (Métaphysique, 21, 1.028 b 2.599).
Câu hỏi của Aristote nêu lên về tính thể của thể τί τό όν là câu hỏi điều động tất cả Sinh mệnh của Siêu thể học (tức là Siêu hình học) Tây phương; sự trả lời của Aristote, cùng câu hỏi tính thể của ông, đã bắt đầu mở phương trời cho Triết lý và Khoa học Tây phương; Parménide đã ảnh hưởng mạnh đến Platon, Aristote và nhất là Heidegger ở thế kỷ XX này.
έών έμμεναι, tất thể ngôn niệm thể thể, cần nói và nghĩ rằng thể là; έστί γάρ ειναί, như thị thể thể, thế thể là; Parménide đã nói lên hai tư tưởng huyền bí mà ngay đến bây giờ, sau hai ngàn năm, mà tư tưởng của Tây phương cũng chưa lãnh hội được nội dung trung thực của hai câu trên.
Thể τί τό όν của Parménide là tính thể; chân tính của Parménide γλήθεια, phá hủy ngụy lý δόζα, lần mò theo “dấu vết”, “vết tích” σήματα để trở về thể tính εϊναι, phục hồi tĩnh tâm ήσυχια.
Đối với Parménide, “niệm thể nhất thể”, tư tưởng và tính thể đều cùng một thể tính. Parménide phá hoại dữ dội vô cùng, bằng cách trỏ lối rẽ của tính thể thành song thế qua thể và toàn thể, chân tính và ngụy lý; con đường song đôi của tư tưởng Parménide đã chuyển động cả Lịch sử Tây phương; từ đó, con người càng lúc càng rẽ đôi ra và phân chia chi ly đến cùng tận: cho đến ngày hôm nay, những nhà khoa học vĩ đại cố gắng đưa tất cả mọi nẻo đường chi ly trở về nhất lý hoặc nhất thể, nhưng họ đều thất bại.
Từ Parménide trở đi, thể tính εϊναι chia thành hai: toàn thể όντα và thể όν: toàn thể όντα chia ra thành hai: thể όν và thể tính ονοία; Aristote đã làm sáng nghĩa câu hỏi về thể όν (thể là gì?) thành ra: “thể tính của thể là gì?” τοϋτό έστι τίς ή ουσία; vào thế kỷ XX, Heidegger gọi “thể tính” là “Seiendheit” còn Karl Jaspers gọi “thể tính” là “Dasein”, “Sosein”, “Wesen”; còn hồi thượng cổ, Platon gọi “thể tính” ấy là ίδέα (quan tính); triết lý kinh viện Trung cổ của Thiên chúa giáo gọi là “essentia”.
Hy lạp La tinh Đức
είναι esse Sein
έντα existentia Existenz
όν ens
ens Seiendes
όνσία essentia Wesen
έστιν est ist
Pháp Việt
Etre tính thể
Etant thể, toàn thể
étant thể
essence thể tính
est là
Lần đầu tiên trong lịch sử Tây phương, Parménide đã đặt lên phương trời phong phú của Thể Tính, đánh lên mối Ngạc thể trước Thể và Vô thể; tư tưởng Đông phương là Ngạc Nhiên, nhưng Tây phương thì Ngạc Thể, nghĩa là kinh hãi, lấy làm lạ trước sự có mặt của Thể.
Héraclite và Parménide, mỗi người đứng trên đỉnh đầu của một vòng tròn duy nhất, khi Héraclite lên thì Parménide xuống, khi Parménide xuống thì Héraclite lên; hai thiên tài kiêu hãnh này đều nêu lên câu hỏi: “Là là gì?”; Héraclite trả lời là “dịch thể” παντα ρεϊ; Parménide trả lời là “thường thể” όν; tức là thể tính εϊναι. Hai câu trả lời, tuy bề ngoài có vẻ khác biệt nhau, nhưng thực ra đều nằm chung trong một phương trời tư tưởng. Đó chỉ là hai lối đi xuất phát từ Anaximandre: όντα của Anaximandre tách rời ra hai lối rẽ: όν của Parménide và Λόγος của Héraclite.
Héraclite và Parménide là hai thiên tài kiêu hãnh cùng độ; họ sống cô đơn trong con đường của tư tưởng thuần túy; họ là những tư tưởng gia phá hoại một cách tinh thành nhất trong tư tưởng loài người; Parménide khinh bỉ Héraclite và Anaximandre; Héraclite khinh bỉ tất cả mọi người; Homère, Hésiode, Pythagore, Xénophane đều bị Héraclite khinh miệt một cách tận cùng. Héraclite bước đến “bài hát tối hậu và sự đối chất cuối cùng” (René Char).
Cuộc phá hoại của Héraclite mở đường đi về lý thể Λόγος qua tư thế φρονειν trong sự xung khắc mâu thuẫn đối nghịch mà lý thể Λόγος điều động ẩn hiện; còn cuộc phá hoại của Parménide mở đường đi về chân thể αληυειο qua hiển thể νοεϊν trong định thể γρισις giữa chân tính và ngụy tính. Tư tưởng của Héraclite và Parménide là tư tưởng đánh thức, tư tưởng phá hoại giấc ngủ mộng mị của loài người.
Sau Héraclite và Parménide đến trên mười lăm thế kỷ thì Tư tưởng dẫy chết quằn quại biến thành Triết Lý và Triết Học (nhất là Triết học kinh viện); cuộc phá hoại của Héraclite và Parménide đi quá mạnh trên lãnh vực tư tưởng con người, chỉ đến thế kỷ thứ XIII-XIV mới thấy xuất hiện một cuộc phá hoại kinh thiên động địa khác, lay chuyển cả Thần học Thiên chúa giáo; đó là sự xuất hiện của Eckhart trong dòng Sinh mệnh Tây phương: Eckhart đánh thức một lần nữa giấc ngủ triền miên của tư tưởng ly tính. Ngay vào thế kỷ XX này, trên con đường nội cỏ quê hương (Feldweg) của buổi xế chiều vàng vọt, khi Heidegger mở lòng lắng nghe niềm lạ vô ngôn của hóa thể, Heidegger cũng nhớ đến Eckhart với lòng triều mến “thần giao tính cảm”; Heidegger nói rằng Eckhart là kẻ dạy con người “đọc và sống” trên con đường trở về Thể Tính Thiên Mệnh (cf. Chemin de Campagne, in Questions III, Gallimard, Paris 1966, trang 12).
Thiên thể (Gottheit) và Không thể (Nichtheit) của Eckhart là phương trời cho sự phá hủy dữ dội của Eckhart; Eckhart tiêu trừ tất cả những tư tưởng thần học đi trước mình; dụng cụ của Eckhart là ngôn từ bắt cầu giữa Nguyên Ngôn (Wort) và Liên Ngôn (Beiwort); tư tưởng chủ động của Eckhart xoáy vào chính ý (rechte Meinung); Eckhart phủ nhận hết mọi sinh hoạt tín ngưỡng cũng như lòng từ thiện, cầu nguyện, cấm phòng, ăn năn chuộc tội, nhịn đói, vân vân; đối với Eckhart, những sinh hoạt ấy chỉ triển dương Hữu, chứ không khai triển Tính; Eckhart vạch ra ba mối chướng ngại chận lối không cho con người mở lòng ra đón Nguyên Ngôn; những chướng ngại ấy là:
1) Thân Thể
2) Phức Thể
3) Thời Thể
Con đường bước về Nguyên Ngôn và Thiên Thể (Gottheit) là bần cùng hóa tạm thể: thân thể, phức thể, thời thể. Bần cùng hóa thân thể để nhập thể cùng với thiên thể, bần cùng hóa phức thể để phục hồi nhất thể, bần cùng hóa thời thể để tiêu dao cõi việt thể, cõi phi thời gian cùng phi không gian. Chính ý (rechte Meinung) tức là bần cùng ý, cũng gọi là bần tâm (Beatipauperes spiritu, Matt. 5,3).
Sự phá hủy mãnh liệt nhất của Eckhart tựu về cùng tâm hay bần tâm. Đối với Eckhart, khi con người hãy còn tiếp nhận thiên ý, hãy còn cố gắng thành tựu thuận theo lòng trời thì con người vẫn chưa đạt đến cùng tâm, bởi vì con người hãy còn ý chí, ý chí thành tựu, ý chí muốn thành tựu thiên ý; khi con người có lòng hướng về Vĩnh cửu và hướng về Thượng đế thì con người vẫn chưa phải con người nghèo trí.
Muốn được cứu rỗi thì phải nghèo trí, nghèo tâm, pauvre en esprit (Matt. 5,3: Baeati pauperes spiritu quia ipsorum est regnum coelorum). Con người đạt đến cùng tâm là con người nghèo nàn thực sự, không tham muốn gì hết, không mong đợi, đòi hỏi gì hết.
Eckhart tự nhận mình đã giải thoát lìa khỏi Thượng đế và tất cả sự vật, Eckhart cầu nguyện Thượng đế “cho chúng tôi được giải thoát khỏi Thượng đế”; Eckhart phủ nhận tất cả ý chí, kiến thức, trí thức và bác ái. Tất cả tư tưởng phá hoại hiên ngang và thông minh nhất của Eckhart cô đọng trong bài thuyết pháp Warum wir sogar Gottes ledig werden sollen (Meister Eckhart, Predigten und Schriften, Fischer, Bücherei, Fr. am M. 1956, trang 191). Tư tưởng về bần tâm thể hiện minh bạch nhất trong đoạn văn này: “Chúng tôi nói rằng con người phải nghèo nàn đến nỗi con người không còn là một nơi chốn, không có một nơi chốn nào sót lại trong người để Thượng đế ngự trị. Khi mà con người còn giữ lại nơi chốn nào đó trong lòng thì hắn hãy còn giữ lại một sự phân biệt nào đó. Vì thế tôi cầu nguyện Chúa hãy giải phóng tôi ra ngoài Chúa, bởi vì tính thể thực sự của tôi còn cao hơn Chúa, khi Mà ta hãy còn quan niệm rằng Chúa là nguồn gốc của vạn vật” (Wir sagen also, der Mensch muss so arm stehen, dass er nicht einmal mehr eine Stätte in sich habe, darin Gott wirken konnte. Solange der Mensch noch irgendeine Stätte in sich behält, behält er auch noch Unterschied. Darum bitte ich Gott, dass er mich Gottes quitt mache; denn mein wesenhaftes Sein ist oberhalb von Gott, sofern wir Gott als Ursprung der Kreaturen auffassen).
Eckhart là tu sĩ dòng tu dominicain của Thiên chúa giáo, nhất là Thiên chúa giáo thời Trung cổ, thế mà tư tưởng Eckhart phá hoại một cách vũ bão như vậy thì hiển nhiên suốt đời tiếng nói của Eckhart chỉ là một tiếng la trong sa mạc, Eckhart là hiện thân cho tất cả mọi ngộ nhận lớn lao nhất trong đời; tất cả con người đương thời đều nằm trong thung lũng thì làm gì nghe được tiếng hét tự đỉnh núi ngất ngưỡng mà chỉ có Eckhart là đứng cô liêu đơn độc?
Eckhart chết năm 1327; hai năm sau (năm 1329), đức giáo hoàng Jean XXII đã kết án khai trừ tư tưởng Eckhart (bulle de Jean XXII, 27, III, 1329). Thế là Tư tưởng của Tây Phương bắt đầu ngủ lại triền miên cho đến khi Nietzsche xuất hiện, nghĩa là trên 500 năm sau.
Sau sự phá hoại của Eckhart, thì người ta thường chú trọng đến triết lý của Kant mà mọi người cho là một “cuộc cách mạng” trong triết học; thực sự, triết lý của Kant chỉ là một sự phá hoại cỏn con, sự tỉnh thức trong giấc ngủ thức trong mộng: Kant vạch ra những giới hạn của lý tưởng thuần túy qua những phạm trù của tư tưởng để rồi đi đến lý tưởng thực dụng, tức là bổn phận, sau cùng bị ru vào giấc ngủ của đức tin, nằm triên miên trong Tín điều của Tất mệnh Tây phương.
Chỉ khi Nietzsche ra đời mới là sấm sét nổ tung vào giấc ngủ Tây phương; Nietzsche đứng dậy vung tay trỏ ngón vào Hố thẳm:
Khi Hố thẳm không đáy mở ra…
(Und ein Abgrund ohne Schranken
That sich auf:[ - da war's vorbei!])
Và than thở một cách trầm thống:
Chúng ta đã ngủ, chúng ta đã ngủ
Tất cả đều ngủ — ừ, ngủ quá say, ngủ thiêm thiếp…
([Nichts geschah!] Wir schliefen, schliefen
Alle — ach, so gut! so gut)
Hai đoạn thơ trên nằm trong bài Der geheimnissvolle Nachen (Con thuyền huyền bí) của Nietzsche; đây là một trong vài bài thơ kỳ diệu nhất, cô đọng tất cả thần thức và tiềm thức của Nietzsche trước Sinh mệnh Tây phương, mà biểu tượng cho sinh mệnh ấy là chiếc thuyền (der Nachen).
Sau Eckhart chỉ có Nietzsche là đứng lên đánh thức tư tưởng con người và phá hoại tiếp theo cuộc phá hoại của Eckhart; chính Nietzsche kết án Thiên chúa giáo về việc tàn hại Eckhart, người mà Nietzsche gọi là “con người vẹn toàn” (cf. Ainsi parlai Zarathustra, Note et Aphorismes, Gallimard 1947, trang 319).
Cũng như Héraclite (người mà Nietzsche gọi là “tổ tiên của tôi”) Nietzsche đúng là “một người khiêu vũ trong trận chiến” (in den Schlacht ein Tanzer), leo lên “tầng cô đơn tối hậu, tầng cô đơn thứ bảy” (meine siebente letzte Einsamkeit), mỉm cười “những nụ cười không mây” và tự hỏi:
Nhưng, ngươi, hỡi Zarathustra,
Người có yêu Hố thẳm không như thông ngàn yêu Hố thẳm?
(Aber du, Zarathustra,
Liebst den Abgrund noch,
Thust der Tanne es gleich?)
Nietzsche ca ngợi Dionysos và khám phá rằng đỉnh núi chót vót và hố thẳm đen tối chỉ là một:
Không còn lối đi! Khắp nơi đều là hố thẳm và niềm im lặng!
(Kein Pfad mehr! Abgrund rings und Todtenstille!)
Lúc bấy giờ “ánh sáng rực ngời sẽ bắn lên từ Hố thẳm để vụt lên tận trời cao” ([aber plötzlich, ein Blitz, hell, furchtbar,] ein Schlag gen Himmel aus dem Abgrund); Nietzsche la hét bên Hố thẳm:
Con người yêu Hố thẳm thì phải mọc cánh.
(Man muss Flügel haben, wenn man den Abgrund liebt).
Trên Sinh mệnh của mình, Nietzsche đặt một sinh mệnh (auf seinem Schicksal ein Schicksal stehend), dè dặt, cẩn thận, bao dung, cứng rắn, im lặng, cô đơn, đứng giữa hai nỗi Hư Vô (zwischen zwei Nichtse) Nietzsche đánh lên một dấu hỏi (ein Fragezeichen), một dấu hiệu của Lửa (Feuerzeichen):
Hỡi đêm tối, hỡi niềm im lặng, hỡi tiếng động của niềm im lặng cõi chết.
(Oh Nacht, oh Schweigen, oh todtenstiller Lärm! …
Tôi thấy một dấu hiệu.
(Ich sehe ein Zeichen)
Dấu hiệu ấy là một dấu hỏi (ein Fragezeichen), là một chòm sao:
Tính tú tối thượng của Tính thể!
(Höchstes Gestirn des Seins!)
Đứng ở Sils Maria, Nietzsche sực thấy Một biến thể thành Hai (Da, plötzlich, Freundin, wurde Eins zu Zwei) và Nietzsche ngồi chờ đợi trong niềm Chờ Đợi mới:
Tôi ngồi đó trong niềm chờ đợi, không chờ đợi cái gì cả, chờ đợi vô thể, chờ đợi không chờ đợi…
(Hier sass ich, wartend, wartend, — doch auf Nichts).
Tất cả những câu thơ của Nietzsche vừa trích dẫn ở trên là những câu huyền bí, sâu thẳm, cô đọng, phong phú, nói hết tất cả sự phá hoại của Nietzsche trong dòng Sinh mệnh Tây phương; Nietzsche là người đầu tiên, tư tưởng gia đầu tiên đã đặt lên một Câu Hỏi Sinh Mệnh nằm trong Sinh mệnh Lịch sử Thế giới, với tất cả nỗi niềm trầm thống bi tráng của Sinh Mệnh Siêu thể (Siêu hình học); Nietzsche đặt lại sinh thể của con người, nêu lại tính thể của nhân sinh: con người đã ngủ từ Socrate cho đến hôm nay; sau thời vàng son của Triêu Dương Hy Lạp (qua Héraclite, Parménide, Empédocle, Eschyle); Sinh mệnh Tây phương nằm thiêm thiếp trong giấc ngủ trên “chiếc thuyền bí mật” (der geheimnissvolle Nachen), như thế con người có đủ chuẩn bị để cưu mang vai trò thống trị mặt đất, nếu không thì phải làm gì? Nietzsche kêu gọi việt thể cho tính thể con người: con người phải tự vượt lên trên con người để mà bước tới ngang vai trò sứ mệnh của mình: siêu việt con người gọi là việt nhân (Übermensch); lực ý hay ý lực là tính thể của toàn thể; tính thể của Zarathustra là dạy sự trở về vĩnh cửu, tức là phục thể của đồng thể; sinh mệnh là một vòng tròn bé nhỏ nằm trong vòng tròn to lớn của chu kỳ vũ trụ; giây phút quan trọng nhất trong sinh mệnh của con người là lúc con người đi đến vai trò thống trị mặt đất này (tiên tri của Nietzsche đã thể hiện vào thế kỷ XX, thời đại khoa học của kỷ nguyên nguyên tử), như thế con người phải vươn đến tính thể của con người là vượt lên con người tức là việt thể nhân tính để đủ khả năng điều động sinh mệnh của lịch sử nhân loại; chiếc cầu đưa con người đến tính thể thực thụ của con người (việt nhân) chính là con người phải giải thoát khỏi sự phẫn thể hay thể phẫn; chính sự phẫn thể này là khiến con người sinh ra tinh thần cừu thể; cừu thể là tinh thần trả thù của con người đối với thể; tất cả suy tưởng (nachdenken) của tất cả tư tưởng gia và triết gia từ Socrate đến trước lúc Nietzsche xuất hiện đều mang tinh thần cừu thể (Rache), suy tưởng con người là tương thể của con người với thể và tính thể; mối tương thể ấy được thể lập, do thể điệu tiền tượng (vorstellen), tiền tượng thể trong tính thể của thể tính qua hành thể, dụng thể và đối thể trong viễn thể của Việt thể. Tính tướng tiền tượng (vorstellung đã bị qui định bởi tính tướng cừu thể; do đó, con người giữ tương quan với thể và tính thể qua tính chất tích cực của dụng thể, và như thế tất cả tương thể của con người đối với thể đều có tính chất của Siêu thể học (Siêu hình học).
Từ Nietzsche đến Heidegger thì Sinh mệnh Tây phương đã tự ý thức một cách bi tráng; Heidegger đánh thức giấc ngủ của triết lý và triết học bằng sự phân biệt (Unterschied) giữa Tính thể và Thể tính (Sein-Seiendes) Heidegger khai triển tinh thần cừu thể và khám phá rằng tinh thần ấy đã qui định âm hưởng (durchstimmt und bestimmt) tất cả tương thể của con người với thể và thể tính: tinh thần cừu thể ấy là tính chất của Siêu thể (Siêu hình học); Heidegger đồng hóa Sinh mệnh với Triết lý, đồng hóa Triết lý với Siêu hình học (Siêu thể học), đồng hóa Siêu thể học với Bản thể học, đồng hóa Sinh mệnh với Tây phương với Lịch sử; đối với Heidegger, Luân lý học, Tâm lý học, Triết học không thể nào giải thoát tính thể của con người, nếu con người không mở ra một phương trời khác cho tương thể của mình được hanh thông với Tính thể (Sein) (cf. Heidegger, Was heisst Denken, trang 34); Heidegger phá hủy Triết lý và Triết học Tây phương, đặt lại giới hạn của tư tưởng Nietzsche (Heidegger cho rằng mặc dù Nietzsche đã đưa tinh thần cừu thể (Rache) đến cho thành tựu với tất cả ý thức mãnh liệt bên Hố thẳm, nhưng Nietzsche vẫn không giải thoát khỏi tinh thần cừu thể ấy; Nietzsche không thể giải thoát khỏi cái mà Nietzsche muốn kêu gọi giải thoát); Heidegger mở song thoại với tư tưởng của Héraclite và Parménide (Heidegger cho rằng Héraclite và Parménide là hai nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Sinh mệnh Tây phương) để dọn lối đi trở về nội cỏ, lắng nghe tiếng nói của Tính thể qua niềm im lặng của cây lá bên lối mòn, qua hồn thơ, hồn nhạc của những nghệ sĩ cố hương, tìm về như thể (das Selbe), hồi phục đơn thể (das Einfache), lọc sạch tương thể của hiện thể (Dasein) đối với cơ khí của thời đại, trả con người trở lại gốc rễ của con người, một gốc rễ mới giữa nỗi mất quê hương của con người thời đại. Con người chỉ có thể trở lại gốc rễ mới ấy là khi sự suy tưởng của con người là Tính tưởng, chứ không là tính tưởng; Tính tưởng là suy tưởng về Tính thể, còn tính tưởng là suy tưởng của tính toán (calcul) (cf. Heidegger, Questions III).
Sự phá hủy của Heidegger tựu thành sự phá hủy của Nietzsche, mặc dù Heidegger ý thức sự thất bại của Nietzsche; nhưng chính Heidegger cũng đồng thời ý thức sự thất bại của chính tư tưởng mình; Heidegger cũng nhận rằng tư tưởng mình là tư tưởng thất bại (… “von einem scheiternden Denken”, Ueber den Humanismus), nhưng đồng thời Heidegger cũng kiêu hãnh vì biết rằng chính sự thất bại ấy là sự thành tựu oanh liệt nhất của Sinh mệnh Tây phương. Tư tưởng của Heidegger cô đọng trong hai câu văn này trong thiên cảo luận Hoelderlin und das Wesen der Dichtung (Hoelderlin và tính thể của thi ca):
I. Chúng ta không bao giờ tìm thấy căn nguyên (Grund) trong uyên nguyên (Abgrund);
II. Tính thể (Sein) không bao giờ là một thể (Seiende).
Hai câu văn đánh dấu sự tựu thành oanh liệt nhất của tư tưởng Heidegger, nhưng đồng thời cũng đánh dấu sự thất bại bi tráng nhất của Sinh mệnh Tây phương. Đứng trên thể diện Sinh mệnh Tây phương thì hai câu văn trên là một con đường mở ra một phương trời mới lạ để sinh mệnh không rơi vào tất mệnh; nhưng đứng trên tính diện Tính mệnh Đông phương thì phải nói ngược lại:
I. Chúng ta luôn luôn tìm thấy căn nguyên (Grund) trong uyên nguyên (Abgrund);
II. Tính thể (Sein) luôn luôn là một thể (Seiende).
Vì nằm trong chân trời của Việt và Tính thì không còn sự phân biệt nữa; còn giữ sự phân biệt (Unterschied) là còn nằm trong Sinh mệnh, mà còn nằm trong Sinh mệnh thì không thể điều động Sinh mệnh ra ngoài tất mệnh; chỉ có Tính mệnh mới điều động sinh mệnh; sự phân biệt (Unterschied) của Heidegger giữa tính thể (Sein) và thể (Seiende) là sự phân biệt (Underschied) của Heidegger giữa tính thể (Sein) và thể (Seiende) là sự phân biệt xuất phát từ Sinh mệnh Tây phương; do đó, Heidegger cũng không thể tự giải thoát khỏi sinh mệnh ấy để mà:
“Để tính thể được thể tính”
(sie lasst das Sein — sein)
(elle laisse l’Etre — être)
Vì Heidegger cũng đi trên con đường của Nietzsche, nghĩa là “trên sinh mệnh của mình mà đặt một sinh mệnh” (Nietzsche: “auf seinem Schicksal ein Schicksal stehend”).
Con đường Triết lý đi từ Nietzsche đến Heidegger cũng giống như con đường Văn nghệ đi từ Rimbaud đến Henry Miller trong dòng Sinh mệnh Tây phương, chỉ khác một điều duy nhất là Henry Miller đã thành tựu con đường phá hoại (via negativa) trong lãnh vực văn nghệ của Sinh mệnh Tây phương và đồng thời thành tựu luôn cả con đường bội lý (reductio ad impossible) trong Hố thẳm của Tính mệnh.
Tập thơ une saison en enfer của Arthur Rimbaud hình thành tư tưởng của sinh mệnh còn mãnh liệt dữ dội hơn toàn thể tác phẩm của Nietzsche; chữ “Merde à Dieu” của Rimbaud là một khẩu hiệu vĩ đại hơn câu “Thượng đế đã chết” (Dass Gott tot ist.) của Nietzsche; Rimbaud, một đứa con trai mười sáu tuổi, đã đủ sức đẩy lùi tất cả Văn hóa Văn minh Tây phương vào hố thẳm của tịch dương bằng một tập thơ mỏng không đầy 100 trang (cf. Rimbaud, une Saison en Enfer, Mercure de France, Paris, 1951).
Rimbaud đưa tất cả niềm hy vọng của con người đến chỗ tiêu ma (Je parvins à faire s’évanouir dans mon esprit toute l’espérance humaine); Rimbaud “tự võ trang để chống lại công lý, công bình” (je me suis armé contre la justice), sợ hãi tất cả nghề nghiệp (j’ai horreur de tous les métiers), chán chường tổ quốc quê hương (j’ai horreur de la patrie), tự xưng là “một con thú vật, một thằng mọi đen” (je suis une bête, un nègre), đói, khát, la hét, nhảy múa cuồng loạn (faim, soif, cris, danse, danse, danse, danse!), vẫn tiếp tục bước đi tới đằng trước, bước đi khi phổi thiêu đốt, bước đi khi thái dương hừng hực, vẫn bước đi, tiếp tục bước đi (en marche!), không tin tưởng vào lịch sử, bỏ quên mọi nguyên tắc (plus de foi en l’histoire, l’oubli des principes), khai mở tất cả mọi huyền bí (je vais dévoiler tous les mystère), la hét rằng “cuộc đời thật sự đã vắng mặt rồi“ (la vraie vie est absente) và “chúng ta không ở tại trần gian này” (nous ne sommes pas au monde), khinh miệt tất cả hội họa và thi ca hiện đại (trouvais dérisoires les célébrités de la peinture et de la poésie moderne), viết lên những niềm im lặng, những đêm tối (j’écrivais des silences, des nuits), ghi lại niềm vô ngôn (je notais l’inexprimable), yêu sa mạc và yêu những vườn cây bị đốt (j’aimais le désert, les vergers brûlés), thích lang thang vào những đường hẻm hôi thối và nhắm mắt lại hiến mình cho mặt trời, thần lửa của con người (je me trainais dans les ruelles puantes et, les yeux fermés, je m’offrais au soleil, dieu de feu), yêu thương đất và những tảng đá khô cháy (si j’ai du goût, ce n’est guère que pour la terre et les pierres), đêm tối cô đơn, ngày sáng bốc lửa (malgré la nuit seule et le jour en feu); Rimbaud vùng vẫy la hét cuồng loạn, phá hoại, bới tung cho mọi sự trở nên hỗn mang, để rồi rơi xuống đất liền (Je suis rendu au sol), tuyệt vọng cùng cực, không bàn tay đưa bắt (pas une main amie!) vẫn không thoát khỏi tinh thần cừu thể (dammnés, si je me vengeais!), đành chịu bơi chới với trong dòng Sinh mệnh Tây phương (tenir le pas gagné) cưu mang Sứ mệnh của Tính thể Tây phương (Il faut être absolument moderne), bỏ làm thơ, bỏ hết mọi hy vọng, rời bỏ Âu châu (ma journée est faite, je quitte l’Europe) đi về một phương trời miên viễn (parce qu’il faudra que je m’en aille, très loin, un jour).
Điều lạ lùng huyền bí nhất là Rimbaud đã biểu tượng Sinh mệnh Tây phương bằng hình ảnh của một con thuyền (cf. une Saison en Enfer trang 83: barque élevée dans les brumes immobiles) biểu tượng của Rimbaud cũng giống biểu tượng về con thuyền của Nietzsche (cf. Der geheimnissvolle Nachen).
Sự Phá hủy của Rimbaud nằm trong sáu câu thơ sau đây:
1) Tôi nằm trong đáy sâu của hố thẳm, và tôi không còn biết đọc kinh nữa (cf. une Saison en Enfer, trang 47: je suis au plus profond de l’abime, et je ne sais plus prier).
2) Tôi nhận thấy rằng mọi vật thể đều mang tất mệnh hạnh phúc (cf. une Saison en Enfer, trang 60: je vis que tous les êtres ont une fatalité de bonheur).
3) Từ khi có sự tuyên khai của khoa học, nghĩa là Thiên Chúa Giáo, con người tự đùa giỡn, tự chứng thể bằng những điều hiển nhiên, tự thổi phồng sung sướng khi lặp đi lặp lại những bằng chứng, và chỉ sống như thế thôi! (cf. une Saison en Enfer, trang 69: depuis cette déclaration de la science, le christianisme, l’homme se joue, se prouve les évidences, se gonfle du plaisir de répéter ces preves; et ne vit qua comme cela!).
4) Hỡi các triết gia, các người là thuộc về Tây phương của các người (cf. une Saison en Enfer, trang 70: Philosophes, vous êtes de votre Occident).
5) Lao động con người! Đó là sự nổ tung thỉnh thoảng làm vụt sáng hố thẳm tôi (cf. une Saison en Enfer, trang 75: Le travail humain! C’est l’explosion qui éclaire mon abime de temps en temps).
6) Tôi không còn biết nói nữa! (cf. une Saison en Enfer, trang 79: je ne sais plus parler!).
Câu 1 nói hết những gì Nietzsche muốn nói; câu 2 nói hết những gì Héraclite, Parménide, Eckhart đã nói; câu 3 nói hết những gì Heidegger muốn nói trong Was ist Metaphysik?, nghĩa là đặt lại giới hạn của khoa học qua tính thể của Siêu thể học (Siêu hình học), câu 4 nói hết những gì Heidegger muốn nói trong Was ist das - die Philosophie?, nghĩa là đồng hóa Tây phương với triết lý, đồng hóa triết lý với φιλοσοφια sự khai sinh của khoa học và sự thống trị của cơ giới trong lịch sử con người ở mặt đất này; câu 5 nói hết những gì Cộng sản và Tư bản đã làm cho con người trong Tính thể của Sinh mệnh; câu 6 nói hết những gì mà tất cả những nhà thần bí (mystiques) đã nói trong lịch sử con người.
Sự phá hoại của Rimbaud tựu thành trong sáu câu thơ trên; Rimbaud bỏ Tây phương mà trở về Đông phương để “tìm đức lý đầu tiên và vĩnh cữu” (cf. une Saison en Enfer, trang 69: je retournais à l’Orient et à la sagesse première et éternelle); đối với Rimbaud, “hành động không phải là đời sống” (cf. Une Saison en Enfer, trang 60: l’action n’est pas la vie) và “luân lý chỉ là cơn yếu đuối của óc não” (cf. Une Saison en Enfer, trang 60: la morale est la faiblesse de la cervelle).
Tính thể của Sinh mệnh Tây phương (và cả Đông phương hiện nay) là Hành động; nhưng đứng về chân trời của Tính mệnh thì “hành động không phải là sinh mệnh” như Rimbaud đã khám phá; nhưng ý thức và khám phá ấy đã khuynh đảo Rimbaud và khi lìa bỏ Tây phương mà đi, Rimbaud đã sống vất vưởng, không thoát khỏi tinh thần cừu thế và cừu thể và sống cho đến tận cùng nỗi thất bại điêu đứng của sinh mệnh mình và của cả Sinh mệnh Tây phương; cái chết của Héraclite, cái chết của Socrate, của Jésus, của Rimbaud tượng trưng cho cái chết bi tráng của Sinh mệnh Tây phương, một nỗi chết phũ phàng đến cực điểm, đau đớn, cô đơn, huyền bí, sâu thẳm, phong phú đến muôn vàn ý nghĩa; cái chết của Sinh mệnh Tây phương là cái chết mà Oswald Spengler gọi là “con đường đã vạch sẵn”, con đường không lối thoát, không hy vọng, vì “hy vọng là hèn nhát” (l’espérance est Lâcheté), cái chết hiên ngang bi tráng ấy là cái chết của một người lính gác La Mã, trong khi hỏa diệm sơn Vésuve nổ tung, mà vẫn đứng gác tại chỗ vì không ai đến thay phiên gác cho mình; Oswald Spengler muốn cho Sinh mệnh Tây phương đi đến Tất mệnh của mình một cách vinh dự như thế (cf. Oswald Spengler, l’homme et la technique, Gallimard, 1958, trang 157).
Nguồn: Im lặng hố thẳm của Phạm Công Thiện. An Tiêm xuất bản 1967, tái bản lần 2 năm 1969. Phạm Hoàng xuất bản 1969.