NHẬT KÝ VIẾT MUỘN
Taipei, 19 tháng 6, 2001
Minhon con gái út của chúng tôi vừa đem từ khách sạn về điện thư của anh học trò PCT gửi cho me: “ Cô thương mến, cô đang ở đâu? VN có vui không? Em đang gom bài, cô đã viết cho tụi em chưa?.." .
Bây giờ là 3 giờ sáng, tôi trằn trọc không sao dỗ được giấc ngủ vì cái lỡ hẹn với ngày họp mặt sắp tới. Ba ngày ở Đài-Bắc mệt và vui bỗng nhiên vụt biến mất…Khoảng cuối tháng 5, giữa lúc tôi bận rộn sắp xếp cho chuyến đi xa, từ Houston Bác sĩ Nguyễn Văn Hào nhắn qua E Mail, “Chúc cô “qui cố hương” vui vẻ và đừng quên mất đường về- Em đã nhắn bạn bè, bọn học trò cũ của thầy cô, tụi hắn nao nức chờ vì hơn 25 năm thầy trò mình mới gặp lại nhau”. Vì thế tôi đã hăng hái hứa sẽ ghi lại tâm tình sống với quê hương từng ngày, sẽ gửi dần cho Houston. Nhưng hơn 3 tuần lễ dồn dập trôi nổi qua những dặm đường của đất nước tôi đã quên mất lời hẹn! Bởi vì khi quay trở lại chốn cội nguồn, bao nhiêu thương nhớ dâng trào cùng với nhịp đời quay cuồng trăn trở đã khiến tim tôi nhíu lại, xao xuyến, đã buồn nhiều hơn vui, đã xót xa trước những rẻo đời hiện ra ngay trước mắt mình từng phút từng giây.
Chuyến tàu hỏa S1, giường mềm, phòng riêng, chạy nhanh nhất nước, có máy lạnh v.v.. xình xịch, nhẩn nha đưa tôi đi. Từ Sàigòn ra Huế mất 18 tiếng đồng hồ.
“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu,
Ngàn đời không đủ sức đi mau.
Có chi vương vít trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau"
Khi tàu chuyển bánh, Sàigòn rực rỡ ánh đèn. Sân ga thoáng, lát xi măng rộng rãi. Những quán sạch sẽ bày biện vui mắt đủ các mặt hàng. Không còn thấy đâu cảnh hỗn loạn với bọn con buôn chụp giựt trâng nháo. Còi hụ lên những hồi dài. Tôi đi vào bóng đêm êm ả. Từ lúc 5 me con tôi rời VN sang Mỹ đoàn tụ với bố con Vượt Tuyến cuối năm 90, tôi đã quay trở lại thăm quê nhà, lần này là lần thứ ba, cho nên nỗi háo hức không còn cao độ như những lần trước. Sáng hôm sau, tàu ngang qua ga Diêu Trì, rồi Nha Trang, tôi vẫn lười biếng nằm dài trên giường, mơ màng nhìn qua cửa sổ. Ngoài ấy thấp thoáng bầy chim trắng đứng chụm đầu với nhau trên hàng cột điện thân quen mà những lần trước tôi hằng gặp gỡ chúng.
Tôi không ra thẳng Huế như lịch trình đã ghi trên vé. Trái lại theo gợi ý khôn ngoan và thận trọng của vài người bạn và học trò thân ở Sàigòn, tôi xuống ga Đà Nẵng. Lý do ngoài ấy đang thời điểm “hot” vì vụ cha Lý. Tôi dân Catholic, chánh quán Dương Xuân Hạ, Hương Thủy, Thừa Thiên, quê nội là Phường Đúc, gần sát vách làng Nguyệt Biều. Như thế, biểu làm sao mọi người khỏi ớn giùm thân phận Việt kiều tôi! Chẳng thế trưa hôm nghe tôi báo tin, cô bạn Mười Một dưới Nam Cali la thất thanh trong ống liên hợp, bộ chị điên hay răng mà dè lúc ni chui đầu vô rọ?! Khi đi, bạn bè ai cũng chúc bình an và thêm, nhớ lẹ lẹ về với tổ ấm San Hô Thành nghe chưa mi!
Đón tôi ở ga Đà Nẵng, các em học sinh cũ của tôi hiện ra trước mắt với bó hoa hồng lộng lẫy đủ màu sắc và thơm ngát, khiến cho mình cảm động. Tôi không còn thấy thời tiết xứ Quảng oi bức. Trời đang khóc những giọt nước mưa bay bay mát rượi! Phe Áo Xanh có các anh Phạm Quang Vinh, Hà Ký. Bên PCT là các anh Võ Minh Trí và Trần Minh Thuấn. Trí nói, cô đảo lộn chương trình như ri, em không báo tin kịp cho bạn bè, chắc chắn tụi hắn sẽ giận oan em, cho em là độc quyền đón cô!
Bây giờ ĐN văn minh, có taxi chạy tính giờ bằng đồng hồ. Người tài xế liến thoắng giọng Quảng làm tôi ngỡ mình chưa hề rời xa thành phố này lúc nào. Xe chạy qua cầu Trịnh Minh Thế ngày xưa có tên cầu De Lattres nay trông nhỏ bé và tên mới gọi là gì tôi cũng không biết. Xa xa, lấp lánh trong nắng chiều nhịp cầu quay hiện đại, niềm hãnh diện của người dân sau thời “giải phóng”. Ngày đầu tiên ở đây tôi tạm trú nhà Vinh. Vợ Vinh dân Huế, hiền lành và ngó đảm đang ghê. Cô dâu Kỹ Thuật săn sóc tôi tận tình, ba đứa “cháu nội” xinh xắn, ngoan và học giỏi cứ quấn quanh bên mình, làm tôi nhớ bé Sông An- Zoe của chúng tôi ở Mỹ hết sức. Sáng hôm sau là Chúa nhật nên tôi quay về dự Thánh lễ ở Nhà thờ Chánh Tòa. Gặp đúng giờ lễ dành cho Thiếu nhi. Các em hát kinh xướng họa nghiêm trang. Ngôi thánh đường vang lừng nhạc thánh làm tôi quay quắt nhớ thời mình còn trẻ trung, bầy con nhỏ hằng tuần cùng ba me đến đây dâng Thánh lễ. Đã hơn 1/4 thế kỷ, cuộc đời dâu biển đến chóng mặt. Gia đình chúng tôi trôi dạt đến xứ người, may Chúa thương cho tất cả bình an và thành đạt. Tôi bùi ngùi vì quanh tôi không thấy có ai là người quen biết. Chuông ngân nga. Tiếng cầu kinh trong trẻo của các em nhỏ vang lên… Tôi nghĩ thầm, vậy là quê hương đang lúc hồi sinh.
Ngày 27/5, lớp 8 B2 PCT ngày xưa của tôi, chờ cô giáo Quốc văn ở quán nhậu, mà tên chủ quán là trưởng lớp Hồ Văn Trung năm tôi dạy họ nk 68-69. Tiếng anh Trần Đại Tăng hối thúc trong điện thoại, vì mãi sau 12 giờ trưa tôi vẫn chưa tới, trong lúc các em học sinh cũ đã họp mặt từ hồi 9 giờ sáng. Anh Tăng, anh Nguyễn Nguyên và Bùi Đình Nhuận là những bạn thân từng mở “cua” Toán-Lý-Hóa chung với nhà tôi dạo ấy. Giáo sư khét tiếng chuyên trị Đại số, vừa là thi sĩ sướt mướt của trường mình nay đẹp lão với mái tóc Ban Siêu trắng xóa. Anh nói, hôm nay còn có vài bạn đồng nghiệp nữa, như anh Lê Long Viên, Huỳnh Khải. Trời Đà Nẵng đổ mưa như trút hết nước. Như thế là ông trời cũng thương mình. Bia đã chảy như suối. Bao nhiêu là món nhậu hấp dẫn. Hèn chi tôi thấy cậu nào cũng tốt tướng với cái bụng...Đỗng Trác! Anh Huỳnh Khải, ngồi cạnh tôi, mặt rầu rầu vì bà xã ốm, nên không cùng đến tham dự. Anh Khải là giáo sư cố vấn lớp 10 B2, nk 70-71. Bấy giờ trưởng lớp là Trần Minh Thuấn, vì Hồ Văn Trung đã ra trường ngoài thi Tú Tài bán sớm hơn các bạn. Lúc này xảy ra tình trạng đôn quân, nên các em lớn tuổi sợ phải vào lính. Tôi lại phụ trách Quốc văn bầy học sinh năng nỗ này, nên tha hồ khai thác tài nghệ văn chương của họ. Năm đó các em sáng tạo tờ bích báo khổng lồ, do từ ý nghĩa “thanh sử”. Lê Quốc Việt, học rất giỏi vừa là tay hướng đạo nhà nghề nên đã huy động các bạn đốn tre. Tre chở từ Hòa Cầm về, được chẻ ra từng thanh nhỏ, rồi kết lại bằng dây thừng thành chuỗi dóng xuống như những hàng đều đặn trên các trang giấy. Những thân tre xanh biếc viền quanh như cuốn tập, gồm có 2 trang, 4 mặt giấy ghi đầy thơ văn, tùy bút... của các tác giả 10B2. Mỗi trang đo khoảng hơn 2 mét! Hôm khai mạc triển lãm nhân ngày đại lễ mừng kỷ niệm trường PCT 20 tuổi, nhà tôi đã chịu khó dùng chiếc xe truck của bên Kỹ Thuật để vận tải tờ bích báo có một không hai này đến PCT. Mọi người liếc thấy ai cũng tiên đoán, nó sẽ chiếm giải quán quân.
Các bạn Trần Đình Quân, Đông Trình, Trần Văn Thông, Dương Ngọc Tạo “háy, nguýt” PMH, họ phán rằng cô giáo mà chuyên môn ưng chơi trội!!! Khi thầy trò lớp 10B2 chúng tôi kéo nhau vênh vang đi chụp ảnh mừng chiến thắng, tôi điểm danh thấy vắng mặt những tên sừng sỏ như Lê Quốc Việt, Nguyễn Đình Xê...là những phóng viên trứ danh đã mất nhiều công lao cho tờ “Dấu Xanh” lừng lẫy ấy. Nghe kể rằng Lê Quốc Việt bận ngủ một giấc 3 ngày 3 đêm không ăn không uống để lấy lại sức sau 1 tuần gần như thức trắng, nỗ lực “vật lộn” với tờ báo!
Tôi vừa nhấm nháp món cua biển đầy ứ gạch ngon lành do tự tay trưởng lớp, í quên chủ quán “biên soạn”. Vừa ngắm mưa rơi ngoài kia, vừa mơ mộng nhớ lại thời mình còn làm cô giáo dạy văn ở PCT.
San Jose ngày 20 tháng 6 năm 2001
Đêm hôm qua “vườn khuya trăng sáng, hoa đứng im như mắt buồn...”, tôi thức mãi chờ giấc ngủ. Chuyển đổi giờ giấc từ hai nửa quả địa cầu càng như tăng thêm nỗi thương nhớ về quê mẹ mới đây còn trong tầm mắt, nay đã vời xa tựa dĩ vãng...
Theo thông lệ, người ở xa về có quyền hưởng chế độ “bao trọn gói” cho mọi buổi liên hoan họp mặt. Nhưng tôi là ngọai lệ. Các cậu học trò nói, tụi em đã đóng sở hụi rồi, cô khỏi bận tâm. Thế nên tôi đề nghị cho tôi làm một việc gì để ghi kỷ niệm với ĐN. Phạm Ngọc Văn liền gợi ý, thầy trò mình sẽ thăm Trại tâm thần Phước Tường, một trại tâm thần “mồ côi” vì không có thân nhân lui tới thăm nuôi. Tôi đồng ý ngày hôm sau sẽ cùng đi với phái đoàn thiện nguyện, mà nhóm Văn lâu nay quen tổ chức. Văn có bố là sĩ quan cải tạo đã qua Mỹ theo diện HO. Gia đình Văn ở lại, vì giỏi Anh ngữ nên Văn sống tạm tạm bằng nghề dạy tiếng Anh, với lương tiền đủ nuôi vợ con. Hằng tuần anh chạy đi làm việc Từ thiện. Bàn tay trái của anh thiếu mất 3 ngón, lý do Văn phải tự chặt bỏ để khỏi đi kinh tế mới. Gia đình cậu ta sau 75 nheo nhóc đến tận cùng.
Sáng 28/5, tôi ngồi trên chiếc xe van nhỏ chở đầy trái cây, chủ xe là Trương Thương, hôm đó ốm nên chú tài xế nhỏ làm công chạy thế. Mới hơn 7 giờ sáng mà ngọai ô ĐN đã tấp nập người xe như mắc cửi. Tôi mặc sức la hét đến khản cổ trước cảnh xe cộ chạy theo luật rừng. Đường sá thì ổ gà ổ vịt, xe nhằn xóc tưng bừng. Rứa mà không xảy ra tai nạn chết người cũng là phép lạ. Khi tôi đến địa điểm Trại thì mọi người trong phái đoàn đèo nhau bằng xe gắn máy đã tới từ lâu. Tôi ngồi trên lầu của văn phòng Trại uống nước trà đá, lơ đãng nghe mấy vị cán bộ kể về tổ chức Trại còn rất nghèo. Họ ước ao ân nhân từ xa ghé mắt đến thương lo cho bệnh nhân ở đây, vì quá cơ khổ. Tôi nhìn qua bên kia. Sau khung cửa sắt cao và chắc chắn, những người điên đàn ông trẻ và già đang bám tòn ten trên song sắt, họ chìa tay ra xin thuốc lá. Hèn chi tôi thấy quà đem lên có hàng trăm bao thuốc Đà Lạt. Trong sân lát xi măng những người điên khác, có cả phụ nữ đang rủ nhau rảo bước, tay ve vẩy đánh đàng xa. Mặt mũi tươi tỉnh một cách vô hồn.
Tôi đảo xuống nhà bếp. Lúc này khoảng hơn 9 giờ sáng mà các chị cấp dưỡng đã chuẩn bị sắp xong buổi ăn trưa. Căn phòng nhỏ mà nóng như địa ngục (!). Thoạt bước vào tôi đã muốn dội trở ra ngay, trong khi các chị cấp dưỡng vẫn vui vẻ làm việc. Họ chan mấy miếng thịt heo ba chỉ kho nước lên mặt tô cơm, tô nhôm chứa chừng 2 chén cơm. Tôi nếm thử thấy mặn miệng. Trong góc kia là những tô cơm còn có thêm rải rác mấy miếng dưa cải. Một chị giải thích, đó là phần dành cho các bệnh nhân mới vào có người nhà xin tăng thêm “chế độ” đặc biệt.
Tôi trở ra, rồi theo chân anh bảo vệ vào sâu phía trong nhà chính. Một mùi hôi của cống rảnh hực lên xông nồng nặc làm tôi ho sặc sụa và buồn nôn. Anh nhân viên nói, Sáng nay Trại đã được làm vệ sinh kỹ rồi đó chị. Sau đó tôi được anh Bác sĩ trẻ coi Trại cho biết sở dĩ Trại luôn bốc mùi hôi thối là bởi nhà nước cấp không đủ tiêu chuẩn (!) để được khai thông với hệ thống cống rãnh bên ngoài Trại!
Quành ra phía sau, tôi thấy một cô gái còn trẻ măng, mặt bịt mặt nạ bằng vải. Cô ta cầm vòi nước và xối nước vào người một bệnh nhân y phục Adam, tổ tiên loài người. Ông lão râu tóc bạc phơ, ngồi nép mình co ro bên bờ giếng. Khi trở ra, ngang qua một căn phòng mờ mờ tối, tôi thấy trong ấy có mấy người thanh niên tồng ngồng, cao lớn lực lưỡng, trông họ đẹp như những chàng người mẫu lớp Life Drawing, là lớp vẽ khỏa thân, hồi tôi còn theo học Art ở West Valley College- San Jose. Các chàng điên đang hăng hái đi lui đi tới không ngừng nghỉ theo kiểu diễn binh!
Qua các dãy phòng khác tôi ghê ghê trước hình ảnh những người điên già trẻ nam nữ, đang lộn xộn nằm ngồi ngửa nghiêng bên nhau trên những chiếc giường cá nhân nhỏ. Đeo vắt vẻo nơi thành cửa sổ phòng là vài chàng trai tay đưa ra, miệng nài nỉ tôi: “mẹ, mẹ, cho con tiền mua thuốc lá đi mẹ!”
Sau lúc phân phát xong quà gồm bánh, kẹo, trái cây, thuốc lá cho gần 300 bệnh nhân, chúng tôi rủ nhau chụp mấy tấm hình với các nhân viên phục vụ Trại. Gần 30 người, phần lớn là các cô còn trẻ. Họ phải lao động cật lực 10 giờ mỗi ngày với lương tháng chưa đến 20 đôla. Một anh y tá trẻ có chiếc mũi, sống mũi bị sập là do thành tích một chàng tâm thần thanh niên nổi máu uýnh cho vì hắn không thích bị chích thuốc lúc ốm nặng. Anh bảo vệ trực đêm, người nhỏ con nhưng trông rắn chắc, anh ta luôn sẵn sàng trong tư thế võ sĩ để vật lộn khi phải ép bệnh nhân khó trị uống thuốc...
Còn bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt với cảnh đời eo hẹp nặng nhọc nơi những thiên thần sống động này. Họ đã tận tình chăm sóc những người điên bị thân nhân bỏ rơi. Những người điên vô tư sống giữa cảnh đời thực tế còn đầy dẫy đói khổ triền miên bên ngoài cổng Trại tâm thần. Tôi quyết định trích thêm 100 USD tiền của qũy “tình Thương” của nhóm chúng tôi ở hải ngoại để tặng bồi dưỡng cho anh chị em nhân viên phục vụ Trại tâm thần Phước Tường. Tôi xin phép được nói ít dòng về nhóm chúng tôi. Gồm bạn bè vốn cùng học ở Quốc Học Đồng Khánh Huế, từ 10 năm nay, chúng tôi quen lệ rủ nhau gom góp kẻ ít người nhiều, mỗi năm vài lần gửi tiền về giúp bà con khốn khổ bệnh tật, các em cô nhi khuyết tật, người cùi, người mù v.v...Tôi là một trong những trưởng lão cái bang, đệ tử của Hồng Thất Công, chuyên môn đi ăn mày tình thương nơi bạn bè. Chúng tôi thay nhau đem quà trực tiếp về giúp người đau khổ, tận tay cho họ và nhất định không mất một đồng xu nhỏ nào cho “Ai” ngoài kẻ cùng khốn.
Xế trưa cùng ngày, tôi vừa chợp được giấc ngủ ngắn ngủi giữa không khí ngột ngạt oi bức của ĐN thì bị đánh thức. Cậu học trò ngày xưa vẽ vời trang trí đẹp cho tờ báo lớp 10B2 là Phạm Danh. Hôm trước vì tôi hỏi thăm các em vắng mặt, Phạm Ngọc Quang BS cho tôi biết có Phạm Danh, nay rất đói khổ, vợ bỏ, anh phải nuôi bầy con 5 đứa, bữa đói nhiều hơn bữa no. Bình bạn thân từ lớp 1 với Danh, nhắn Danh đến gặp tôi. Tôi đã không cầm được nước mắt vì trước mặt mình là một con người tiều tụy, già e hơn tôi. Danh chỉ cho tôi 2 bao nilông đen khỗng lồ, trong đó chứa hằng trăm mẫu đồ chơi xinh xẻo do PD sáng chế từ những vật liệu phế thải, làm thành những món quà sinh nhật mỹ thuật để bán kiếm tiền nuôi con. Tôi ngắm ngôi nhà tí hon bằng nhựa, hoa lá vui tươi viền quanh, túp lều xinh xắn với bầy gà chíu chít trước sân, hoa bướm nhởn nhơ...tất cả là ảo ảnh không hề có trong cảnh đời cơ cực của cha con PD! Tôi liền thay các bạn mình bên ấy gửi tặng gia đình tội nghiệp này thêm chút vốn liếng để tồn tại, và phần nào bớt khổ. Tôi hẹn khi tôi ra Huế, Danh có thể tháp tùng ra ngoài đó bán hàng. Vì PD đã phải chạy đôn chạy đáo, ngược xuôi khắp nơi, ở ĐN, vào Hội An, ra Huế để kiếm thị trường tiêu thụ. Luôn dịp cậu ta có thể giúp tôi một tay để khuân vác bao nhiêu hành lý nặng nề tôi đã tải từ bên ấy về cho Huế nghèo khổ tội nghiệp của tôi. Tôi quên nói là mỗi món hàng xinh xinh anh bán ra cho người buôn giá chưa tới 50 xu Mỹ kim! (để họ bán ra cho khách hàng non 2 đô la).
Sáng 29/5, tôi có cái hẹn với vài người bạn đồng nghiệp PCT. Anh Vĩnh Quyền, Chị Phan Thanh Gia Lai, chúng tôi ôn lại những ngày còn dạy học vui vẻ ở đó. Rồi tôi ghé vào thăm trường cũ. Tôi đứng mãi nơi hành lang lầu 1, buồn tiếc không nguôi khoảng thời gian còn làm cô giáo của mình ngày ấy. Tôi lướt qua hành lang tầng dưới. Tôi nhớ rằng không có phòng học nào tôi không từng làm quen. Đã 8 niên khóa, bao nhiêu là nhớ thương!
Khi bước vào văn phòng Hiệu trưởng, bất ngờ tôi gặp lại người học trò rất thân ngày xưa lúc tôi mới về đây day học. Anh là Lê Phú Kỳ. Người học trò giỏi đều các môn học. Anh còn là trưởng lớp suốt những năm làm học trò PCT. Tính tình hiền lành nhưng nghiêm túc, Lê Phú Kỳ đã đọat giải thưởng Trưởng lớp xuất sắc toàn trường vào năm học cuối ở trường, ở lớp đệ nhất. Tôi xúc động khi nghe anh kể lại kỷ niệm giờ đầu tiên tôi đến với 4B2. Vì tôi được bổ nhiệm về PCT khi GS Huỳnh Mai Trác, là giám học đã xếp kín giờ cho các giáo sư khác. Tôi đành phải nhận 8 giờ công dân ở 4 lớp đệ tứ; 12 giờ sử địa ở 6 lớp đệ thất, không có giờ Việt văn nào dành cho tôi, mà Quốc văn là môn ruột tôi đã được đào luyện kỹ càng ở Đại học Văn khoa Huế!
LPK kể, “Hôm ấy, cô bước vào lớp em với bộ áo dài trắng đơn sơ, tóc xõa ngang vai, và mặt mũi không một chút phấn son. Trông cô trẻ quá. Em tưởng như một nữ sinh nào đi lạc vào trường mình. Tên L liền đứng bật dậy hỏi, xin cô cho biết quý danh. Cô im lặng, lạnh lùng bước lên bục giảng. Cô cầm viên phấn trắng rồi thong thả nắn nót viết lên bảng đen dòng chữ: Bà Phan Thị Mộng Hoàn. Em nhớ rõ là cô đã viết chữ Bà thiệt to! Tôi nghe mà cười thầm, vì hồi đó mình biết đem cái tôi đã là lady để dọa học trò con trai phải coi chừng không được hỗn nhé! Kỳ còn khoe với bà xã rằng dạo đó cậu ta thường đến nhà cô giáo ở Kỹ Thuật để được mượn sách đọc. Sách của cô nhiều lắm, đọc hoài không chán. Phải rồi, thuở đó, tôi nhớ mỗi lần lãnh lương là tôi đạp xe đạp đến tiệm sách mua bao nhiêu là sách truyện hay quý. Với chỉ số lương 470 tha hồ cho tôi khuân bằng hết sách về cho thư viện riêng của mình.
Trước lúc về PCT, tôi xin được vào dạy giờ ở Đồng Khánh. Năm đó tôi phải đem 2 con nhỏ ra Huế cho bà ngoại chúng trông nom, và tôi rảnh rang đạp xe đến Văn khoa học cho xong chứng chỉ cuối cùng của bằng Cử nhân Giáo khoa Việt Hán. Nhà tôi muốn tôi phải chững chạc khi ra làm cô giáo, anh ấy buộc tôi phải về Huế vừa học vừa tập sự nghề gõ đầu trẻ! Khi quay về ĐN, may mắn nhờ có “gốc lớn” tôi được tuyển vào PCT. Ông Hiệu trưởng PCT chính là giáo sư toán Thái Doãn Ngà của tôi. Chắc chắn khi nhận tôi vào làm cô giáo cho trường PCT, ông Hiệu trưởng đã đo lường được “sức vóc” của tôi. Ngày đó ở ĐK, thầy toán TDN đã có lần bị cô học trò tinh quái “chọc” một bữa “khiếp đảm” nhớ đời. Đó là hôm lớp tôi tổ chức liên hoan vào dịp Tết. Bọn chúng tôi bàn nhau “nhốt” thầy toán một mình trong phòng khánh tiết với cả bầy nữ quái. Tôi nhớ Giáo sư toán đã hét thất thanh, ra lệnh, “PMH mau mở cửa!” Hôm đó tôi và một đứa bạn nữa được chia cắt phận sự trấn chặt cửa lớn không cho thầy toán “thoát” ra ngoài! Tất nhiên thầy Hiệu trưởng quyết định cho tôi làm giáo sư PCT vì hồi đi học tôi rất năng nỗ hoạt động hiệu đoàn, lại khá môn toán, nên chi thầy tin rằng PMH sẽ đủ sức đối phó với đám “nhất qũy nhì ma thứ ba học trò” của trường PCT này. Tuy nhiên vì tình trạng hoc trò ưa gây sóng gió ở các lớp tôi phụ trách, nên Ông Hiệu trưởng đã huy động tất cả ban Giám thị, Tổng GT, Giám thị hành lang, rồi Giám học. Các anh ấy với cây roi mây trong tay đã siêng năng dạo trước hành lang các lớp PMH đang dạy học. Tôi giận lắm, nên đã bàn thảo với học trò mình, rằng tôi sẽ làm đơn từ chức ở PCT, nếu tôi cứ phải dạy học trong tình trạng canh gác như thế. Các em phải hợp tác với tôi bằng cách ngoan ngoãn học hành, để nhà trường xả giới nghiêm cho tôi! Cuối cùng họ đã đồng ý. Thế là từ đó trời yên bể lặng, thầy trò chúng tôi vui vẻ học tập với nhau trong hòa bình. Và 8 năm gắn bó với ngôi trường nam sinh áo trắng tinh khôi mỗi sáng thứ hai vào giờ chào cờ, là 8 năm ăm ắp kỷ niệm vui nhiều hơn buồn của PMH với trường PCT.
Tối 29/5, học trò trường Áo Xanh rủ nhau mời tôi đến họp mặt ở “Phì Lủ 2”. Có đến 4 cặp vợ chồng đều là học sinh Kỹ Thuật. Tôi là cô giáo Quốc văn của cả vợ lẫn chồng. Yến, phu nhân giám đốc Cảng ĐN, đài các trong bộ áo đầm in hoa kể lại “Ngày ấy bọn em thích kéo nhau đến chơi nhà thầy cô, để mơ mộng tương lai mình tươi sáng như thế. Nhà thầy cô là ngôi biệt thự xinh đẹp nằm giữa bãi cỏ xanh mát. Em mê phòng khách lịch sự, và mê nhìn cô chơi dương cầm. Em thích một nếp sống nhẹ nhàng như thế. Ngoài những bài giảng văn ở lớp, cô thường chăm chút bày vẽ cho tụi em cách ăn nói, dáng điệu và phong cách của con gái Huế, sao cho dịu dàng. Cô còn cho bọn em nghỉ 5 phút cuối giờ học để “làm dáng”, chải tóc cho mượt, vuốt ve lại tà áo dài cho thẳng. Mặc dầu trong giờ học cô bắt mọi người phải nghiêm chỉnh buộc gọn mái tóc, để tránh nạn... quay phim! Tôi nghe mà buồn cười, nhớ lại, thì ra mình đã từng là “khuôn mẫu” lý tưởng điệu nghệ như rứa! Học trò ngây thơ của mình đâu có hay cô giáo họ một thời từng là thứ ranh ma qủy quái!
Sau buổi tiệc chiêu đãi thịnh soạn, Thu-Yến mời tôi lên xe hơi để dạo một vòng tham quan thành phố về đêm. Phải công nhận Đà Nẵng đã phát triển ghê quá. Có lẽ với tốc độ cao nhất nước. Những đại lộ thoáng mát sạch sẽ, những building cao ngất đủ kiểu cọ. Thành phố rực rỡ ánh đèn, trông thật xa hoa lộng lẫy. Hai vợ chồng Thu Yến thi nhau đánh bóng chế độ ưu việt XHCN. Tôi lặng yên ngồi nghe họ thuyết minh. ĐN đã xóa đói giảm nghèo. Quận 3 ĐN nhân dân đói khổ đã thoát cảnh đời đói khổ, ai cũng có nhà cao cửa rộng. ĐN không còn Cầu Vồng, hai bên xóm ao rau muống và bùn lầy nước đọng được thay bằng nhà lầu san sát, không còn ai nghèo như xưa. Nhân dân đã được bù lỗ quá với sự đòi hỏi của họ. Tôi nghe giọng Yến trong trẻo cất lên trong bóng tối của chiếc xe đang đưa tôi đi thăm cho hết ĐN sung sướng tột đỉnh! “Cô thấy không? cô làm sao tìm được vết tích ĐN cơ cực thời trước 75?!”
Tôi ngậm ngùi thương, vì ĐN đã không tìm đâu nữa cho tôi hàng phượng vỹ rũ bóng êm đềm con đường Thống Nhất, cho bầy nữ sinh áo trắng thơ mộng, xinh hơn bao giờ lúc tan trường về. Tôi còn xót xa trước cảnh sống khốn cùng của cha con người học trò nhiều hoa tay nay từng bữa kiếm cơm khó nhọc. Tôi ngẩn ngơ buồn vì nét cong cong của chiếc Cầu Vồng nổi lên giữa thành phố thân thương nay đã biến mất. Những con đường nhỏ xinh giờ không một phút giây ngơi tiếng động cơ ầm ĩ . Chiếc xe con thả tôi xuống trước con hẻm nhỏ nhà Trí Lan. Tôi thở ra khoan khoái. Ngước mắt nhìn lên bầu trời long lanh những vì sao sáng, tôi thầm thì cầu ơn trên cho quê hương thực sự hết lầm than. Căn nhà nhỏ của Trí Lan trong kia xóm nhỏ, đang đợi tôi về. Gia đình dễ thương của họ đã cho tôi cảm giác an bình thực sự khi về thăm ĐN. Tôi tự trách mình, sao quá vô duyên khi hồi nãy tôi đã lên tiếng xin người học trò giờ là vị giám đốc Cảng giàu sang tột bực, rằng có cách chi kiếm job cho PD, học trò PCT của tôi. Anh đã giải quyết gọn lẹ, “với tuổi đó anh ta làm sao vác nổi bao bị, và nếu sụm ngả thì chắc đến phiên em chết trước quá!”
Sáng tinh mơ ngày 30 tháng 5 tôi từ giã Đà Nẵng để ra Huế. Tiễn tôi trên sân ga có Võ Minh Trí, Đoàn Ngọc Tri cùng Lê Thanh Minh của dân B1.
Hôm nay trông Phạm Danh tươi tỉnh khác hẳn hôm mới gặp. Danh báo cáo cho cô giáo rằng anh đã mua cho các con anh một lu gạo đầy ắp, mua nước mắm cùng gia vị, thêm ít đồ khô, để cho bầy con anh ở nhà tự lo lấy cơm nước. Tôi nghĩ thầm Danh đang là gà trống nuôi con.
Tôi quay qua hỏi thăm cậu bé Lê Thanh Minh. Tôi nhớ ngày xưa chú chàng xinh ngoan, lanh chanh như con chim sẻ yêu đời, tôi thích gọi cậu ta lên lau bảng. Vậy mà nay Minh già nua ốm yếu như thánh Gandhi, cao như cây tre miểu và da thì đen như người Miên đen nhất. Minh đã lỡ một đời vợ. Nay lấy vợ khác và vừa có một đứa con trai đau ốm oặt ẹo. Tôi chỉ còn biết an ủi Minh gắng sống, làm việc nuôi vợ con. Tôi dúi vào tay cậu học trò tội nghiệp 500 ngàn Việt Nam. Tôi chỉ có thể giúp từng ấy. Tôi tự hứa khi trở về bên kia, tôi sẽ cố xoay xở giúp thêm gia đình cậu học trò nghèo khổ này. Bởi vì quỹ Tình Thương của nhóm chúng tôi đã lên list dành cho nhiều điểm hẹn nghèo khổ khác ngoài Huế rồi.
Còi tàu hụ lên não nuột. Tôi tiếp tục cuộc hành trình ra với quê nội còn quá nhiều đắng cay.
Hai tuần lễ ở Huế, tôi vội vàng chạy đi chia sẻ quà thực tế (bằng tiền USD) cho nhóm Trẻ khuyết tật Nguyệt Biều. Tôi nghe các xơ Dòng Mến Thánh Giá ở đây cho biết NB là nơi khởi xướng công tác từ thiện, cứu các thai nhi khỏi bị giết bỏ vì các bà mẹ trẻ lỡ dại phá thai. Ngay sau khi vừa tới Huế, tôi đã theo bà con Giáo Xứ Nguyệt Biều và Phường Đúc ra Quảng Trị, hành hương viếng Linh địa La Vang. Tại đây tôi đã gặp được Linh Mục Nguyễn Hữu Giải, bạn đồng chí với Cha Lý, người khét tiếng khắp thế giới vì đã can đảm liều chết đứng lên lên tranh đấu cho Nhân quyền và tự do Tôn giáo ở Việt nam. Tôi gửi cha Giải 300 đô số tiền bạn bè tôi bên ấy muốn nhờ Cha giúp chương trình Cứu mẹ lẫn con các bà mẹ Trẻ Lỡ dại. La Vang có tiếng thông reo vi vu hòa theo lời kinh nguyện của hàng ngàn giáo dân đang tha thiết van xin Đức Mẹ ban ơn lành cho gia đình mình. Tôi lắng hồn với lời gió ngàn gửi tâm tình lên với Mẹ Nhân Ái.
Từ nhiều năm nay, tôi, PMH bị ghi tên vào sổ đen vì những bài viết về Huế với giọng lưỡi căm hờn xỏ xiên...Với tội lỗi ấy tôi đã bị mời lên trao đổi văn hoá trên Công An Tỉnh. Có lẽ nhờ tôi là thứ điếc không sợ súng, tôi đã làm mụ Đông Ba mồm loa mép giải cãi tưới hột sen. Không biết có phải vì tôi đã loanh quanh, luẩn quẩn lý giải một cách vô trật tự khiến cho người nghe mình nói phải điên cái đầu, rứa là họ đành phải tha cho tôi về, đi chỗ khác chơi cho rảnh nợ! Tuy nhiên sự theo dõi rình rập của người bạn thân thiết của dân, khiến tôi phát chán. Tôi muốn cắt ngắn thời gian ở với cha già để quay vào Đà Nẵng. May cho tôi, về sau anh công an thân mến đã biến mất vì bận công tác đi xa!
Những trang Nhật Ký Viết Muộn này coi bộ đã lòng thòng quá rồi. Tôi sẽ ngưng lập tức. Người đọc chán, người viết còn chán hơn. Nhất là cơn buồn ngủ đang kéo tới, tôi xin chào các bạn...
Viết xong tại San Jose, trưa ngày 22/6/01
Phan Mộng Hoàn
Source : Hoàng hôn thôn Vỹ
Trang Phan Mộng Hoàn
art2all.net