Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung quốc không phải là một siêu cường. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trung quốc không phải là một siêu cường. Hiển thị tất cả bài đăng

21/1/10

Trung quốc không phải là một siêu cường

THE DIPLOMAT

Trung quốc không phải là một siêu cường
Minxei Pei



… và không thể một sớm một chiều trở thành siêu cường, theo Minxin Pei, tình hình chính trị và kinh tế của nó bất ổn hơn nhiều so với vẻ ngoài.





Khi mà nước Mỹ rõ ràng đang ở trong suy thoái tột cùng với tư cách là siêu cường duy nhất của thế giới, câu hỏi mang tính thời sự là nước nào sẽ là siêu cường mới? Dường như câu trả lời hầu như mọi người đều nhất trí là Trung quốc. Chuẩn bị thay chỗ nước Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm 2010, Vương quốc Trung tâm nầy có tất cả mọi yếu tố cần thiết về sức mạnh có thể so sánh và về mặt lôgic ngang ngửa với sức mạnh của chú Sam – nền tảng công nghiệp rộng lớn, nhà nước mạnh, quân đội vũ trang hạt nhân, diện tích lãnh thổ cỡ châu lục, vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và dân số lớn.. Thực tế là cảm nhận cho rằng Trung quốc trở thành siêu cường thứ hai của thế giới tăng mạnh đến nỗi ở phương Tây đã có đề nghị thành lập G2 – Mỹ và Trung quốc – như là một tổ chức hợp tác mới để giải quyết những vấn đề căng thẳng nhất của thế giới.


Chắc chắn cảm nhận Trung quốc là siêu cường kế tiếp ít nhất một phần dựa trên sự phát triển kỳ diệu của đất nước nầy trong ba thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế với mức gần hai con số từ năm 1979, Trung quốc đã tự chuyển hóa từ một xã hội cô lập, bần cùng và suy đồi thành một thế lực thương mại tòan cầu tự tin, thịnh vượng. Với GDP 4,4 nghìn tỉ và tổng ngoại thương 2,6 nghìn tỉ đôla trong năm 2008, Trung quốc đã tự mình phát triển vững chắc thành một cỗ máy chính của kinh tế thế giới.


Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu không thế phủ nhận đó, có thể quá sớm để cho rằng Trung quốc sẽ là siêu cường kế tiếp. Chắc chắn là Trung quốc đã là một cường quốc, một tư cách của các nước không chỉ bảo vệ hiệu quả chủ quyền của mình mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ lên các vấn đề kinh tế và an ninh toàn cầu. Nhưng một cường quốc không nhất thiết là siêu cường.

Trong lịch sử thế giới, duy nhất chỉ có một nước – nước Mỹ – thực sự có được tất cả khả năng của một siêu cường: nền kinh tế công nghệ hiện đại, quân đội công nghệ cao, đất nước hội nhập hoàn toàn, quân đội và lợi thế kinh tế vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng, khả năng cung cấp hàng hóa và một ý thức hệ lôi cuốn. Ngay cả trong thời hoàng kim của nó, Liên xô cũ, giỏi nhất cũng chỉ là siêu cường về một phương diện – có thể cạnh tranh với Mỹ về quân sự, nhưng thiếu tất cả những phương tiện thiết yếu khác của sức mạnh quốc gia.


Trong khi đó, những thách thức mà Trung quốc phải đối mặt trong quá trình trở thành siêu cường kế tiếp thực sự đáng ngại. Ngay khi sản lượng kinh tế của nó dự kiến vượt 5 nghìn tỉ đôla trong năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Trung quốc vẫn dưới 4000 đôla, bằng khoảng một phần mười so với Mỹ và Nhật. Hơn nửa dân số Trung quốc vẫn sống ở nông thôn, phần lớn không được dùng nước sạch, không được chăm sóc y tế cơ bản hay giáo dục tử tế. Với tốc độ đô thị hóa hàng năm tăng 1 phần trăm phải cần đến ba thập kỷ nữa Trung quốc mới giảm được số lượng nông dân xuống còn một phần tư dân số. Khi nào Trung quốc còn có số nông dân quá lớn, hàng trăm triệu người ở nông thôn với thu nhập thấp vật vờ bên lề hiện đại, nó không thể trở thành một siêu cường thực sự.


Để tin rằng Trung quốc là siêu cường kế tiếp, cũng cần phải giả định là sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung quốc sẽ tiếp tục. Đáng tiếc, dựa vào kết quả quá khứ của một nước để dự báo viễn cảnh tương lai của nó là một nhận định đầy rủi ro. Cho dù kết quả tăng trưởng kỳ diệu từ năm 1979, khả năng duy trì mức tăng trưởng như thế không có gì đảm bảo. Thực ra, khả năng tăng trưởng của Trung quốc sẽ chậm lại đáng kể trong hai thập kỷ tới là hiện thực và thậm chí chắc chắn. Nhiều nhân tố cấu trúc thuận lợi, thu nhập dân cư (có từ dân số tương đối trẻ), sự xâm nhập thị trường toàn cầu hầu như không bị hạn chế, tỉ lệ tiết kiệm cao và chi phí môi trường thấp, sẽ dần dần biến mất. Giống như nước Nhật, Trung quốc đang trở thành một xã hội già nua, một phần không nhỏ là do hiệu quả của chính sách một con khắt khe của chính quyền (bắt các gia đình thành thị chỉ được có một con). Tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ là 17 phần trăm vào năm 2020, và số người già nầy sẽ làm tăng chi phí y tế và hưu trí đồng thời giảm tiết kiệm và đầu tư. Dù qui mô chính xác của việc giảm tiết kiệm và tăng chi phí y tế và hưu trí không rõ ràng, tác động tiêu cực kép của chúng lên tăng trưởng kinh tế sẽ rất lớn.


Một trở ngại khác đối với sự tăng trưởng của Trung quốc trong tương lai nằm ở mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước nầy. Là một nước thu nhập trung bình có thị trường nội địa hạn chế, Trung quốc dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng. Trong khi chiến lược nầy đã được ứng dụng thành công ở Đông Á và đã phục vụ tốt cho Trung quốc trong hai thập kỷ qua, khả năng tồn tại của nó trong tương lai hiện đang bị nghi ngờ sâu sắc. Là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới (Trung quốc dự kiến sẽ vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong năm 2010) Trung quốc đang vấp phải sự phản kháng của chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều thị trường chính của nó (Mỹ và châu Âu). Đặc biệt, chính sách duy trì đồng tiền định giá thấp để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của nó đang bị lên án làm tồi tệ thêm sự mất cân đối toàn cầu và làm suy yếu kinh tế của các đối tác thương mại của nó.


Khác với các nước láng giềng Đông Á, sức mạnh thương mại tương đối yếu, qui mô rõ rệt của Trung quốc đồng nghĩa nó có khả năng gây ra khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho những đối tác của nó. Trừ phi chính quyền Trung quốc từ bỏ chiến lược vị lợi của nó, không thể tránh khỏi một sự chống đối hàng xuất khẩu Trung quốc trên toàn cầu. Do tăng trưởng xuất khẩu ròng đã làm cho Trung quốc tăng trưởng ít nhất thêm hai phần trăm trong năm năm vừa qua, sự sụt giảm xuất khẩu của Trung quốc trong tương lai đồng nghĩa với một tốc độ tăng trưởng thấp hơn. Đúng ra, Trung quốc có thể bù đắp sự tổn thất nhu cầu bên ngoài bằng cách tăng tiêu dùng trong nước. Nhưng quá trình nầy đòi hỏi chấn chỉnh toàn bộ chiến lược tăng trưởng của Trung quốc, một biện pháp vất vả và khó khăn về mặt chính trị mà chính quyền hiện thời không có khả năng thực hiện.


Một hạn chế thứ ba đối với tăng trưởng tương lai của Trung quốc là sự xuống cấp môi trường. Trong ba thập kỷ qua, Trung quốc đã bỏ mặc môi trường để chạy theo sự phát triển kinh tế tạo ra những hậu quả tai hại. Ngày nay, ô nhiễm không khí và nước giết chết khoảng 750.000 người một năm. Tổng chi phí do ô nhiễm chiếm khoảng 8 phần trăm GDP. Số liệu chính thức cho rằng để làm giảm sự xuống cấp môi trường đòi hỏi một khoản đầu tư bổ sung 1,5 phần trăm GDP hàng năm. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng nguồn cung cấp nước của Trung quốc và làm trầm trọng thêm hạn hán ở miền bắc. Phương thức tăng trưởng thông thường của doanh nghiệp Trung quốc, dựa vào năng lượng giá rẻ và ô nhiễm miễn phí, sẽ không thể tiếp tục duy trì.


Ngoài viễn cảnh kinh tế không rõ ràng, sự tiến đến tư thế siêu cường của Trung quốc còn bị hạn chế bởi một loạt nhân tố chính trị. Trước hết và trên hết, các nhà lãnh đạo Trung quốc phải tự mình tìm kiếm một tầm nhìn toàn cầu và một sứ mệnh chính trị. Các nước trở thành siêu cường không chỉ vì chúng có được quyền lực cứng. Sự thực thi quyền lực phải được truyền thông bằng những tư tưởng và tầm nhìn có tính thuyết phục phổ quát. Nước Mỹ mãi cho đến khi nó tham gia Thế chiến II vẫn chưa là siêu cường thực sự, cho dù nó có được tất cả yếu tố cần thiết của một siêu cường từ lâu trước vụ Trân Châu Cảng. Thách thức chính trị đối với Trung quốc trong tương lai là liệu nó có tìm thấy tư tưởng và tầm nhìn chính trị dẫn dắt việc sử dụng quyền lực của nó hay không. Hiện tại, Trung quốc thịnh vượng về kinh tế nhưng phá sản về ý thức hệ. Nó không tin vào chủ nghĩa cộng sản lẫn dân chủ. Việc không có tư tưỏng và tầm nhìn thuyết phục đối với thế giới không chỉ loại bỏ nguồn quyền lực mềm của Trung quốc mà còn chịu trách nhiệm về tư duy hướng nội của lãnh đạo Trung quốc, cho đến nay vẫn chỉ kêu gọi suông về việc Trung quốc phải có trách nhiệm quốc tế lớn hơn.


Khác với nước Mỹ, Trung quốc sẽ thấy khả năng thực thi quyền lực ở nước ngoài bị hạn chế to lớn vì thiếu sự hài hoà chính trị trong nước. Đảng Cộng sản Trung quốc sẽ chống lại các nhà tiên tri vốn thường xuyên cường điệu sự kết thúc của nó trong quá khứ. Nhưng sự độc quyền chính trị của đảng không có gì bảo đảm. Trung Quốc nắm giữ quyền lực bằng cả việc đưa đến thành tựu kinh tế thoả đáng và cả đàn áp những người chống đối sự cai trị của nó. Khi xã hội Trung quốc phát triển tiến bộ và tự chủ hơn, đảng sẽ thấy ngày càng khó để bác bỏ quyền tham gia chính trị của tầng lớp trung lưu thành thị. Là chế độ độc đảng, Đảng cộng sản cũng là nạn nhân của tham nhũng nội bộ. Sự kết hợp giữa thách thức chính trị từ tầng lớp trung lưu đang lên và tình trạng nội bộ ngày càng thối nát sẽ làm tăng khả năng thay đổi chế độ trong tương lai, một quá trình đột phá, thậm chí biến động.


Một sự chuyển biến dân chủ tiềm ẩn không chỉ là điều duy nhất mà thiểu số cai trị Trung quốc lo sợ, chủ nghĩa ly khai sắc tộc thậm chí còn đáng sợ hơn. Hầu như Trung quốc không phải là một nhà nước dân tộc, mà là một đế quốc đa dân tộc với những vùng lãnh thổ to lớn (Tây tạng và Tân cương) cư trú bởi những nhóm thiểu số có tư tưởng ly khai. Nguy cơ tan rã nội bộ, trên cả vấn đề Đài loan lâu đời, có nghĩa là Trung quốc sẽ phải dành các nguồn lực quân sự và an ninh khổng lồ để bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của nó. Điểm yếu mang tính kết cấu nầy làm Trung quốc khó có thể thực thi quyền lực ở nước ngoài và dễ bị tổn thương trước các mưu đồ của đối thủ, những nước lợi dụng căng thẳng sắc tộc của Trung quốc để trói tay Bắc Kinh.


Về mặt địa chính trị, các hạn chế quyền lực của Trung quốc cũng nghiêm trọng như thế. Trong khi nước Mỹ có những láng giềng yếu, Trung quốc phải đương đầu với những đối thủ mạnh trong khu vực – Ấn độ, Nhật và Nga. Ngay cả những nước láng giêng tầm cỡ trung bình của Trung quốc như Hàn quốc, Indonesia, và Việt nam cũng không phải là những nước dễ bị bắt nạt. Sự phát triển của Trung quốc đã châm ngòi cho một sự bố trí lại địa chính trị của khu vực nhằm kiểm sóat thamvọng và sự bành trướng của Bắc kinh. Chẳng hạn, Mỹ đã tăng cường mạnh mẽ hợp tác chiến lược với Ấn độ để New Dehli có thể đương đầu với Bắc kinh. Nhật bản cũng tăng viện trợ cho Ấn độ với cùng một mục đích chiến lược đó. Ngay cả Nga, đối tác dễ chịu hiện nay của Trung quốc, vẫn cảnh giác Trung quốc. Moscow đã từ chối bán vũ khí hiện đại nhất và hạn chế cung cấp năng lượng cho Trung quốc. Bất chấp những tuyên bố chống Mỹ của nó, Hàn quốc tiếp tục dựa vào Mỹ để có được thịnh vượng kinh tế và an ninh. Đối với Việt nam và Indonesia, hai nước Đông Nam Á nghi ngờ nhất ý đồ tương lai của Trung quốc, họ thận trọng tiếp cận nước đôi. Trong khi cố gắng không công khai chỉ trích Trung quốc, họ cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Mỹ và Nhật, những đối thủ tiềm tàng của Trung quốc trong khu vực.


Một sự phản cân bằng địa chính trị như vậy sẽ khiến cho Trung quốc không có khả năng trở thành bá chủ ở châu Á – một thế lực thống trị tuyệt đối các đối thủ của nó. Theo định nghĩa, một quốc gia không thể là siêu cường toàn cầu nếu nó không phải vừa là bá chủ khu vực, giống như nước Mỹ. Là một cường quốc bị vây quanh bởi các láng giềng hùng mạnh và đầy cảnh giác, Trung quốc phải thường xuyên trông chừng lưng mình trong khi thực thi quyền lực và ảnh hưởng trên sân khấu toàn cấu.


Tư cách như thế – một cường quốc có ảnh hưởng tòan cầu, nhưng không phải là một siêu cường chi phối – là thứ mà không ai nên bác bỏ dễ dàng. Pax Americana là một tai nạn của lịch sử mà một nước khác không thể sao chép. Đối với thế giới, nó không nên bị ám ảnh với nỗi sợ hãi Trung quốc sẽ trở thành một siêu cường khác. Thay vào đó, nó nên học để sống chung với Trung quốc như là một cường quốc.


Vấn đề là: Trung quốc là loại cường quốc gì?

Điều trớ trêu là, trong khi tất cả các nước đều xem tương lai Trung quốc như là một siêu cường đã an bài thì chính lãnh đạo Trung quốc lại hiểu rõ hơn về những hạn chế cố hữu trong sức mạnh của đất nước nầy. Do vậy, Bắc kinh cực kỳ thận trọng thực thi quyền lực mới đạt được, tránh dính líu với bên ngoài, không tán thành sự có mặt quân sự ở nước ngoài, né tránh những nghĩa vụ quốc tế tốn kém và chung sống với trật tự an ninh và kinh tế quốc tế đã được Mỹ thiết lập và chi phối. Dĩ nhiên, Trung quốc canh chừng lợi ích quốc gia của nó, đặc biệt là chủ quyền, một cách đầy cảnh giác. Về vấn đề tòa vẹn lãnh thổ và phúc lợi kinh tế, Trung quốc hiếm khi ngại ngần ra tay. Nhưng nó không đi xa đến chỗ xây dựng đế quốc hải ngoại thông qua tăng cường sức mạnh quân sự của mình.


Như vậy trong một tương lai có thể thấy được, Trung quốc, cao nhất, cũng chỉ là một cường quốc kinh tế do vai trò là một thế lực thương mại lớn nhất thế giới (với nghĩa nầy, cả Đức và Nhật cũng nên được xem là siêu cường kinh tế). Trong lúc đó, ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế của nó sẽ tiếp tục bị hạn chế do sự mong manh nội bộ và cạnh tranh bên ngoài.

Trong khi Trung quốc luôn có một vị trí trong sân khấu toàn cầu, nguyện vọng và khả năng thực thi quyền lãnh đạo của nó hầu như sẽ làm thất vọng những ai kỳ vọng Bắc kinh hành xử như một siêu cường. Không phải là Trung quốc không muốn là một siêu cường. Sự thật đơn giản là nó không phải, và sẽ không là một siêu cường,


Minxei Pei là giáo sư của trường Claremont McKenna College. Cuốn sách mới nhất của ông là ‘China: Trapped Transition (2006).’





Người dịch: C.B.L.