Hiển thị các bài đăng có nhãn MÀNG NHĨ HAY YÊN NGỰA?. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn MÀNG NHĨ HAY YÊN NGỰA?. Hiển thị tất cả bài đăng

17/4/09

ĐÀO HIẾU : MÀNG NHĨ HAY YÊN NGỰA?

MÀNG NHĨ HAY YÊN NGỰA?

ĐÀO HIẾU



Trương Thái Du thân mến,

Đến giờ, tôi vẫn coi em như một người em dù tôi vẫn “nể” cái kiến thức của em về ngành “cổ sử”. Nhưng kiến thức cũng chỉ là một thứ nguyên liệu, muốn dùng được, muốn bày biện ra thành món ăn trên bàn tiệc (hay quán cóc) đều phải được nấu nướng. Mà nấu nướng là một nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì đòi hỏi tài năng và cảm thụ tinh tế.

Tôi chơi với em, biết em có tài, nhưng tôi cũng biết là em thiếu một thứ rất quan trọng, đó là cảm thụ nghệ thuật.

*

Bài viết “Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?” của em là một thí dụ.

Một bài viết hay, hoàn toàn không giống cái móc áo trong phòng ngủ để cho người viết có thể mắc lên nào là “Khâm định Việt sử” nào là “Nietzsche”, nào là “Chiêm Thành âm” nào là “amor fati” nào là “Dương Hùng thời Tây Hán”… mà nó phải là một sáng tạo độc đáo. Bài viết ấy có thể không cần trang trí những tư liệu rườm rà, không cần những tấm huy chương khoe mẽ trên ngực áo, nhưng nó vẫn đẹp, vẫn cuốn hút như cái ngực trần đầy sức sống của một cô gái trẻ.

Bài viết của em, nếu dẹp bỏ những thứ lỉnh kỉnh trên cái móc áo ấy đi thì chỉ còn là cái móc áo, chỉ còn là tấm ngực lép kẹp của một cái xác ướp trong ngành cổ sử mà em đang nghiên cứu.

*

Vì sao tôi kết luận như vậy?

Vì trong bài viết ấy, em đã bị cái ước muốn phô trương kiến thức làm cho nó giả tạo:

-Trước nhất, cái quan niệm cho rằng: “Tiếng nhạc ai oán làm não lòng người! Đó là triệu chứng bại vong”. Là một quan niệm đã lỗi thời rồi. Bởi vì không phải chỉ có Trịnh Công Sơn mà Joan Chandos Báez, một người Mỹ sinh tại New York cũng đã từng hát nhạc phản chiến và được tôn vinh là “bà hoàng của dân ca” và được nhân dân Mỹ coi là “ Đức Mẹ của dân nghèo”.

Tôi không biết em có từng nghe Joan Baez hát chưa, nếu đã từng, em sẽ thấy rằng giai điệu của bà còn “ảo não, bi thương” hơn họ Trịnh nhiều. Nhưng bà là người Mỹ, và âm nhạc của bà có làm cho nước Mỹ “tủi thân bi đát” gì đâu?

Vả lại, nhạc Trịnh không có gì là tủi thân bi đát. Nhạc Trịnh là phận người, là tình yêu, là thất tình, là mê gái, là hoài mong, là nỗi chết, là ước mơ về một cõi phúc, là “tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay”.

Nếu bảo âm nhạc phản ánh tâm hồn dân tộc, đời sống, ý chí và ước nguyện của nhân dân thì tôi khuyên em nên đến Bình Nhưỡng, ở đó em sẽ nghe toàn nhạc hùng tráng, nhạc hy vọng, nhạc reo vui nhưng nhân dân Bắc Hàn thì lầm than khốn khó như bầy nô lệ…và cả ở Bắc Việt Nam trước năm 1975 nữa…em đã quên rồi sao?

*

Khi Văn Cao viết: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim…” thì rõ ràng là ông đã ca ngợi Trịnh Công Sơn hết mình, sao em lại nghĩ là chế trách? Ngay cả khi Văn Cao cho rằng Trịnh Công Sơn đã “hát thơ” thì đó cũng là lời bái phục cao nhất mà một nhạc sĩ có thể tặng cho một đồng nghiệp của mình. Rất nhiều người từng đồng ý với Văn Cao khi cho rằng ca từ của Trịnh Công Sơn đẹp như thơ, bởi nó mới mẻ, chắt lọc và nhiều khi rất hồn nhiên:



Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô

Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa

Rừng Thu lá úa em vẫn chưa về

Rừng Đông cuốn gió em đứng bơ vơ.

(Rừng xưa đã khép)

Hoặc:

Về trên phố xưa tôi ngồi

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Chợt như phố kia không người

Còn lại tôi bước hoài.

(Lời thiên thu gọi)

*

Còn thái độ này nữa. Em có ý gì khi viết: “Người ta sẽ ném những mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ nhàm chán của ông vào sọt rác ký ức. Lúc ấy, nếu tình cờ con cháu chúng ta tiếp xúc với “nhạc” Trịnh, có lẽ chúng sẽ lấy làm ngạc nhiên mà ướm hỏi: “Trình độ âm nhạc của tổ tiên mình tệ đến thế ư?”.

Trước nhất Trịnh Công Sơn không dễ dãi, vì nhạc Trịnh lấp lánh và biến ảo đến độ làm ta ngạc nhiên, chính Văn Cao phải thốt lên: “những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ”. Ngoài ca từ đẹp thì giai điệu của Sơn cũng rất linh hoạt, khi thì như dân ca, khi thì như đồng dao, khi thì như kinh kệ, như lời ru, như lên đồng, như tự sự… Sơn không chỉ có “giọng mi thứ nhàm chán” mà còn Fa trưởng (1 dấu giáng - Những con mắt trần gian), Fa thứ (4 dấu giáng – Tình xót xa vừa), Ré trưởng (2 thăng – Hãy khóc đi em), Do thứ (3 giáng – Rồi như đá ngây ngô). Do trưởng ( không dấu - Đoá hoa vô thường, Hãy cứ vui như mọi ngày)… và hàng trăm bài khác không soạn trên “cung mi thứ”.

Nhạc Trịnh rất dễ nhận ra không phải vì “cái cung mi thứ nhàm chán đơn điệu” nhưng là vì Sơn có phong cách riêng. Trong văn học nghệ thuật, phong cách riêng rất quan trọng. Phạm Duy cũng có phong cách riệng, Văn Cao cũng vậy. Đang đi ngoài phố, chợt thoáng nghe vài nốt nhạc thánh thót, hư ảo như thần tiên là biết ngay Franz Liszt, hoặc nghe tiếng piano reo vui tuơi mới là biết Mozart, hoặc thơ mộng lãng mạn thì nếu không là Nocturne số 1 cung Mi thứ, cũng là Valse số 7 Do thăng thứ của Chopin. Đó là phong cách riêng. Đó không phải là sự đơn điệu.

Tôi không rõ em có biết chơi đàn và có hiểu gì về âm nhạc không nhưng khi đọc bài viết của em, trong trí tôi hiện lên dòng chữ viết theo lối thư pháp rất đẹp: “đàn gảy tai trâu”. Cái màng nhĩ của con “quái ngưu” này nó dày như cái yên ngựa, làm sao có thể cảm nhận được những tinh tế của từng giai điệu, từng tiết tấu mong manh lất phất của một hạt mưa bụi, một tiếng gà trưa, một dấu hài trên sông?

*

Tôi không biết Yoshimi Tendo là ai, là ca sĩ “sến” hay ca sĩ hàn lâm nhưng tôi đã nghe chị hát một ngàn lần trên nền nhạc đệm của một tay piano tài hoa (có lẽ từng đệm nhạc cho Đức Mẹ Vô Nhiễm trên thiên đường). Tôi đã nghe và tưởng như mình đang ở trong thánh đường.

Giọng của Yoshimi Tendo (天童 よしみ) rất huyền ảo, sang cả, có thể sánh ngang với Bạch Yến của Việt Nam. Chỉ có những kẻ lòng trĩu nặng hận thù và đầy ác ý (tại sao lại như vậy?) mới có thể vô lễ với Trịnh Công Sơn và Yoshimi Tendo đến như vậy.

Có thể có người không đồng ý với tôi về giọng ca của Yoshimi Tendo nhưng chị đã được một tay piano tài hoa như thế đệm đàn, chứng tỏ giọng ca của chị không phải tầm thường.

*

Cuối cùng là “Huyền thoại mẹ”. Có thể họ Trịnh đã viết ca khúc ấy theo đơn đặt hàng, nhưng điều đó có gì quan trọng? Nguyễn Văn Tý viết “Dáng đứng Bến Tre” “ Cô nuôi dạy trẻ”… không phải theo đơn đặt hàng sao? Nhưng tài năng vẫn là tài năng. Huyền Thoại Mẹ là một trong những “kiệt tác” của Trịnh Công Sơn. Chỉ có những kẻ tâm hồn đã hóa thạch, màng nhĩ đã dày như cái yên ngựa thì mới không xúc động trước một “Huyền thoại mẹ” cho dù đó là bà mẹ của những anh du kích. Sao thưởng thức âm nhạc mà cũng chia phe chia đảng nhỉ?

Ở châu Âu, trong suốt ba thế kỷ 17,18 và 19 nhiều nhạc sĩ lớn cũng đã sáng tác để phục vụ cho triều đình, hoàng tộc như các nhạc sư Henry Purcell (Anh) Handel (Ðức) Vivaldi (Ý). Ngay cả những thiên tài như Franz Liszt, Mozart, Beethoven cũng đã từng viết theo đơn đặt hàng của triều đình.

Tôi rất thích cái comment của ông Nguyen Austin: “Tôi không phải là người “phù Trịnh” hay nói đúng hơn tôi là người “phù “cả Phạm với Phạm Duy, Phạm Đình Chương, phù luôn Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên ….của miền nam nhưng tôi cũng phù luôn cả Văn Cao, Nguyễn Văn Tý với “ tấm áo ấy con qúi hơn tất cả,…” ,…của miền bắc.”

Vì sao phải “phù tùm lum” vậy? Vì nhạc sĩ, với tác phẩm của họ, luôn là ân nhân của chúng ta. Khi chúng ta buồn, nhạc của họ an ủi ta. Khi chúng ta thất vọng, nhạc của họ khuyến khích ta. Khi chúng ta cô đơn, nhạc của họ bầu bạn cùng ta. Tác phẩm của nghệ sĩ đã từng khóc, từng cười, từng căm giận, từng chiến đấu cùng chúng ta, từng chia sẻ với dân tộc sự tủi nhục và vinh quang.

Còn em, Trương Thái Du thân mến, em là ai mà dám viết về nhạc Trịnh với một giọng ngạo mạn như vậy?



ĐÀO HIẾU