Y Uyên
Có loài chim lạ
Khói trên mặt nước
Về sáng, lúc đàn ngỗng kêu dáo dác, Dần thấy mẹ và em gái đã dậy sửa soạn thùng để hứng nước mưa. Giấc ngủ trong gian buồng bừa bộn đồ dùng con nít của Tấm, yên ổn không mộng mị. Trời đổ mưa. Dần ra ngoài giúp con Tấm đổ nước vào phuy. Một vài trái sáng cuối đêm nom rõ dù trong cột khói, rải rác, tản mát. Bóng tối đầy lại thực mau với cơn lạnh nhiều hơi nước trở vào, Dần hình dung căn nhà về sáng có Thục ướt át chuyển những thùng nước giúp mẹ. Chuông nhà thờ phía sông đổ hồi gọi con chiên buổi sớm. Dần hỏi mẹ:
"Anh ấy đã có vợ con gì chưa?"
Mẹ Dần bật cười:
"Hỏi ngớ ngẩn như Mán xuống núi. Vợ nó là con Cả Sán chứ ai".
Dần đột ngột thấy trí nhớ rung động trong sự tìm quen mờ mịt. Những cái tên riêng như lời hướng dẫn nửa chừng. Anh Tốt. Chỉ còn một cái tên đó soi rõ. Con Tấm ngồi thủ bọc trên giường bảo:
"Có những cái chum của bà ngoại ở đây thì thích quá.
Mẹ Dần hỏi như không định:
"Bà ngoại có hỏi gì về tin tức dì Phong?"
Dần lắc đầu:
"Không thấy bà nhắc tới. Trừ lúc bà bảo "Mày giống dì Phong mày". Con cũng giấu chuyện mẹ gặp dì ấy".
"Già rồi bà bắt đầu lẫn… Nói nói bữa nay về ăn giỗ Dần-anh mà không biết có thực không?"
Mẹ Dần cười không rõ rệt. Con Tấm vặn máy thu thanh nho nhỏ nghe buổi đọc truyện về sáng. Truyện Chung Vô Diệm với tiếng kèn hát bội réo rắt bít kín thông cảm. Truyện đọc thực hay. Trong cảnh nửa tối nửa sáng, mẹ Dần có vẻ dạn dĩ trong ham thích nói về họ ngoại. Dần lười biếng để lòng mang về những đời sống không có ở đây. Giấc ngủ chưa dứt hẳn. Những điều nhớ về anh Tốt, những lời nghe mẹ nói mơ mơ như thoảng qua. Mẹ Dần tỏ ra ít khe khắt nghe bà ngoại nói Dần giống dì Phong. Trước giờ bà vẫn giận những ví von kiểu đó. Thực tình, bà không muốn con cái giống mẹ. Những người đã khuất bên họ ngoại còn được nhớ tới bây giờ thường có cái chết xanh xao của ý tưởng. Chén độc dược và bài thơ tự thuật trên mặt thành của một sĩ phu thủ tiết. Phát súng kê vào màng tang của một người Cần Vương với đám tàn quân không tìm được hướng để vọng bái anh quân trước khi tự kết liễu. Những bài vè ngạo cợt của một người áo dài khăn đóng dán lén ở cổng đình, cột chợ và vuông vải trắng trên cành cây vào mùa xuân đám trai gái đánh đu chạy ùa ra đầu làng đón quan công sứ. Người cậu ồn ào đòi hỏi và kết tội bừa bãi với cặp mắt mệt mỏi chậm rãi khép lại vĩnh viễn như một nhận thức về liên hệ xã hội vào phút chót. Giờ thì dì Phong bỏ đi như người cuối cùng của dòng lãng mạn. Những người đó đã sống và chết theo từng luồng tư tưởng mỗi thời. Họ không ăn nhằm gì vào buổi sớm nay. Như Chung Vô Diệm với tiếng kèn hát bội réo rắt. Buổi sáng nay không có chi đặc biệt. Ngoài tiếng ngỗng dáo dác, tiếng mưa và dự tính sẽ gặp anh Tốt coi xem mặt mũi anh có khác trước chút nào.
Cơn mưa tạnh dần, trời hửng sáng. Mẹ và hai đứa nhỏ đi khỏi. Đàn ngỗng ra khỏi chuồng dẫn nhau về sân trước coi nhà. Dần thay quần áo đi về mạn bờ sông. Bên kia sông là khu chợ và vài con phố mới lập. Bà con Dần thực nhiều bên đó. Một cây cầu gẫy sập ở kế khúc quanh. Mặt trời mới, như nỗi náo nức quanh quẩn. Luồng nước sáng dần chảy chậm qua những vòm sắt cong queo. Dần nhớ những buổi sáng mấy anh em đi với mẹ ra đầu cầu sông Cái chờ cha. Một con đò sang ngang chở những người vận áo vải mới và mấy vòng hoa cho một đám ma bên nhà thờ. Dần nghĩ giá có Thục cùng đi. Thục vẫn che giấu bớt vẻ một mình lủi thủi của Dần. Những chiếc thuyền đang dời chỗ đậu mang theo những luồng khói trôi nổi trên mặt nước. Dần chào mấy người quen vội vã qua sông để vào thành phố làm thêm ngày Chủ nhật. Chủ nhật. Ngày mai sẽ gặp lại Thục dưới chân pho tượng đồng.
Qua sông và một cánh đồng hẹp, tới khu phố chợ. Những dãy nhà tôn, nhà lá lẫn lộn. Những con đường ổ gà có bóng mát của hàng cây mới trồng, trên mười năm. Đám bà con không có gì đổi khác. Vẫn những ồn ào nằm gọn trong lòng cánh đồng phẳng lặng lại gần mới biết. Cuộc sống lao động không có nổi những nhát cuốc bổ trên mặt đất tự đánh dấu. Anh Tốt. Tiếng vang không gợi được hình sắt hiện sinh. Anh như một cái bóng trong truyện, đã lùi thực xa. Mồ côi từ nhỏ, khi hai tay ôm nổi cái chổi lá cau anh đã sống trên mảnh sân Bát Tràng nhà Dần. Vào những ngày loạn đến gần, anh bắt đầu vỡ tiếng và khoẻ như cái cối đá. Cha Dần mang mấy người con lớn đi những chuyến đò dọc lên Thái Nguyên. Còn lại mẹ Dần mang thai con Hài, anh Tốt và Dần ở nhà. Những buổi chiều rủ Dần ra đóng cổng, anh vỗ bụng tự xưng là cái hột mít. Tháng tám mưa trên nền nhà trồng rau cải. Ao hồ nước lên cao, bèo non nở kín dầy mặt nước. Đi trên đường làng đầy những hàng rào chướng ngại, anh Tốt tít mắt thấy Dần đồng lõa cho uống trộm một ngụm rượu mua về cho mẹ chữa bệnh. Anh làm bộ ngất ngưởng đá vung những đám lá dừa làm giật mình những con ếch chồm hỗm trên những cụm bèo dưới ao. Giọng vỡ tiếng nghe lạ như của một người say thực. Anh hát: "Giờ đây con với u đi tìm thầy, tìm thầy mấy tháng nay mà không thấy…". Mẹ Dần bảo gở, cấm hát, nhưng anh không chừa. Anh kiếm đâu được chữ bí mật đem ra doạ Dần: "Tao còn biết nhiều bài bí mật nữa, khi nào thích mới hát. Nhiều đêm anh xin phép mẹ Dần cho đi công tác. Mờ sáng anh mò về thì thầm với Dần tối qua anh đi với thực nhiều người, đi thực xa. Dần thì cho là anh bắt đầu mê gái. Vào một buổi chiều Dần đang ngồi câu cá ở bờ ao, anh Tốt từ đâu về hớt hải nói giặc tới. Mẹ Dần sắp tới ngày sinh, tính với anh Tốt tìm nơi an toàn để ở yên một chỗ. Không có nơi nào ngoài quê ngoại của mẹ Dần ở trong vùng địch. Ba người sửa soạn thực mau. Ra tới đầu ngõ hai mẹ con Dần phải đứng chờ một hồi lâu anh Tốt mới đóng xong cổng, kiếm được một lối bí mật để ra ngoài. Buổi chiều mưa. Những đoàn người bỗng tụ bỗng tản mát trên những cánh đồng, những khu xóm lạ. Những chuyến đò qua hồ, qua mương với những người đàn ông cởi truồng, những đàn bà váy phùng mặt nước bơi theo. Nơi nào cũng như có súng giặc nổ chặn đường. Gần tối, đám người chạy những đoạn đường gần đã khuất vào các thôn xóm. Còn lại ba người. Hai đứa nhỏ rét lạnh và người đàn bà trên bờ đê đứt khúc bỡ ngỡ định hướng tìm quê ngoại. Khi tới nơi, mẹ con Dần được đón tiếp thực niềm nở. Anh Tốt và Dần ôm nhau ngủ trong căn buồng chứa khoai chứa củ. Một ngày trên đất lạ, Dần và anh Tốt làm mẹ Dần cũng nhớ nhà lây. Quê cũ của bà ngoại không làm mẹ Dần yên lòng. Dần nghe anh Tốt kể chuyện vào buổi sáng hai người rủ nhau ra vườn lánh những mặt lạ. Đứng rũ dưới cây khế ngọt, những lúc ngơ ngẩn, trí nhớ loãng, không bắt được một mẩu chuyện để an ủi Dần, anh hát "Giờ đây con với u đi tìm thầy…". Ba người lại trở về vào buổi chiều. Nhá nhem tối chưa đi được nửa quãng đường tuy lần này không phải chạy xa tiếng súng. Những cây cầu cheo leo ngang sông, những vũng nước ngập đầu giữa đường và những xóm nhà xa không ánh đèn. Anh Tốt trỏ một ngôi chùa bị phá dở dang, nói đã có đêm cùng đoàn người xuống tận đây dỡ ngói. Anh tả suốt đêm phải khom lưng trên mái chùa muốn gẫy lưng. Dần chắc anh bịa nhưng thích nghe. Cuộc phiêu lưu của anh đầy những thế bò và mang mọi người lại gần, làm quen với những cảnh hoang sơ xa lạ. Về tới khu chợ, trời đã khuya. Những cây đa, cây đề um tùm bóng tối, những gian quán lợp ngói bỏ không, khúc rẽ của ma lợn, ngôi miễu ma trơi, chiếc võng trong rặng tre của một bà già mù xõa tóc kẽo kẹt trong đêm. Anh Tốt cắm đầu bước. Im bặt lời bịa đặt phiêu lưu. Nhà bà ngoại ở ngay đầu làng, mẹ Dần định sẽ vào ở đó chờ sáng sớm về. Tới cổng làng mới nghe tiếng anh Tốt. Đột ngột tiếng đứa trẻ đập tay vào cánh gỗ lim cùng tiếng gọi thảng thốt của một giọng khàn khàn vịt đực. Dần nghĩ ngày mai đón Thục dưới chân pho tượng đồng sẽ có thêm chuyện nói. Vào tới con đường đất đỏ chạy giữa hai dãy nhà, Dần gặp chị Lý.
"Về hồi nào đó cậu?"
"Được vài hôm".
Chị Lý đang ngồi chơi với đứa con trai dưới giàn hoa giấy. Hai mẹ con bỏ dở cuộc nô giỡn. Dần cầm bàn tay còn hai ngón của thằng bé dắt vào nhà. Chị Lý theo sau rối rít hỏi chuyện. Dần hỏi:
"Chủ nhật ăn lương gấp rưỡi sao không đi làm?"
"Làm mãi, chết xác để lấy tiền nuôi béo nó à?"
Dần nhìn khắp nhà chắc chồng chị đi vắng. Dần cười với thằng bé trố mắt ngồi trên đùi. Nghe Dần nói sang gặp anh Tốt, chị bảo anh chắc quanh quẩn ở một bàn bạc nào đó. Từ bữa ở chi Chiêu Hồi được về, anh ở mỗi nhà mấy bữa, ăn no lại nằm. Chỉ có nhà chị là tệ, chị đi làm, chồng chị đi hút cho béo, anh Tốt ghé chơi có lệ. Dần hỏi:
"Hai vợ chồng chắc đã lộn xộn?"
Chị Lý kêu lớn nguyền rủa. Chị bảo thằng nghiện đó vẫn không ngớt nhắc tới quả pháo tống hồi tết. Tối qua, thằng chết đâm lại cuốn tóc chị đánh như đánh kẻ thù. Chị thấp giọng:
"Nó vẫn còn tiếc những lóng ngón tay của thằng bé gói trong giấy bông đỏ vứt ngoài sông".
Dần hút một điếu Salem trong gói thuốc chị Lý. Căn phòng đầy những đồ Mỹ. Chị Lý khoe mới lên lương. "Phải giấu, không cho thằng chết đâm biết". Răng chị nom lạ mắt. Lặp lại chuyện tối qua, chị vẫn muốn la hét với cái mồm mới cạo răng trắng.
"Bao giờ cô Thục cho chị ăn cỗ?"
Chị hỏi lúc Dần đứng dậy. Dần bảo:
"Tối nay giỗ trăm ngày Dần-anh, hai mẹ con sang chơi".
Ngoài đường mưa rơi nhỏ. Dần đi thẳng tới nhà anh rể. Dưới mái tôn trước nhà, xe gắn máy để thành hàng. Chắc của đám đánh bạc. Ngày nghỉ không phải trực trong đồn, anh Kính vẫn mời mấy người làm sở Mỹ tới ăn uống, đánh bài để lấy xâu. Dần vào nhà, vợ chồng anh Kính có vẻ mừng. Dần chào mấy người ở bàn tổ tôm, có ý kiếm anh Tốt.
"Nó vừa đi mua phở cho anh Thắng".
Anh Kính nói. Thắng ngồi ở bàn tổ tôm cười bảo Dần:
"Bây giờ nom đồng chí già gấp hai tuổi cậu".
Dần hỏi Thắng:
"Nghe anh sắp nạp đơn vào Quốc hội?"
"Thì cũng mới định vậy. Anh em họ giục dữ quá".
Anh Kính hiền lành nhìn Thắng nói và cười phụ. Dần bảo anh:
"Vợ con binh sĩ, công chức mỗi người được thêm hai trăm tiền gạo, cũng đỡ?"
Anh Kính cười rộng thêm:
"Thì cũng biết mừng vậy".
Cánh cửa đẩy hé cho một người bước vào. Dần gọi:
"Anh Tốt".
Người đàn ông tay xách cái gà mèn bỏ nón, ngạc nhiên nhìn Dần.
"Anh già quá, anh Tốt".
Anh Kính đón cái gà mèn chuyển vào bàn tổ tôm. Tốt cười:
"Anh nom cũng lớn".
Dần bảo lại bàn uống nước nói chuyện, Tốt lấy trong túi áo bà ba một xấp giấy vuông nom như giấy lau đũa bát ở một tiệm ăn, nhón một tờ lau bộ mặt lởm chởm râu ướt nước. Anh Kính vứt cho hai người một gói thuốc thơm. Tốt kéo vài điếu nhô ra, mời Dần:
"Vào tới đây cái gì cũng thấy lạ".
Bộ mặt Tốt vẫn tròn, mắt vẫn híp nhưng hai vai thực gầy. Dần hỏi:
"Ở ngoài ấy có mấy con rồi?"
Tốt cười híp mắt. Tiếng trả lời không rõ. Trong buồng, chị Kính ru con: "Làng Phù Đổng có một người. Sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ. Những ngờ oan trái bao giờ. Nào hay thần tướng đợi giờ ra quân…".
Dần nhìn ra ngoài trời, bảo Tốt ra kiếm la-de uống chơi. Hai người ra một cái quán gần cánh đồng. Tốt bắt đầu bỡ ngỡ. Anh cười nói dóc rằng, người đàn bà mặc váy cầm cái vồ đứng bên cái chuông bằng vỏ bom báo chí trong này đăng hình chính là vợ anh. Vẻ lù dù của mái tóc rậm và đôi vai so giảm bớt ở cái cười tinh quái thoáng có. Dần hỏi anh có dự định gì không. Anh bảo chắc Thắng sẽ giúp việc làm. Giờ tới ngày bầu cử, anh sẽ đi vận động cho Thắng.
"Anh ấy bảo có muốn lấy vợ anh ấy giúp".
Tốt nói. Dần bật cười không tin:
"Hắn lấy vợ cho hắn còn chưa xong, giúp được ai. Ở khu chợ này đám con gái già không đứa nào không chửi hắn. Hắn ứng cử vì hỏi vợ mãi không ai ưng".
Tốt hỏi:
"Anh không ưa anh ấy?"
"Dần-anh còn sống mấy lần suýt đập lộn với hắn. Dần-anh ghét hàng ria mép của Thắng".
Dần cười dài nắn nắn cánh tay xâm chằng chịt của Tốt, thấy hai người nói những chuyện trẻ con lúc nào không hay. Trỏ chữ tím thẫm trên da, Dần hỏi:
"Xâm hồi nào đó?"
Tốt tít mắt:
"Làm ở chi Chiêu Hồi. Họ bảo đó là chữ Sát Cộng. Cái đầu rồng làm thêm ở ngực mới đẹp".
Dần đùa:
"Nếu còn chỗ nên xâm thêm cái hình vợ anh đánh chuông".
Lúc trở về, mưa tạnh, nắng sáng trong, Dần gặp người chú tuyệt ngôn đội mũ nịt, để râu ba chòm, vận quần áo sồi mới rảo tới nhà anh Kính chầu rìa tổ tôm. Dần bảo Tốt:
"Ghé nhà ông Cổn một chút".
Hai người rẽ vào một khu vườn nhỏ có mấy dãy nhà nuôi gà. Ông Cổn đang đứng bên cái máy ấp trứng. Thấy Dần, ông vỗ cái máy:
"Mười ngàn đó. Cũ nhưng còn tốt".
Ông Cổn không mấy khi tỏ cảm tình lúc đột nhiên có một đứa con, đứa cháu trở về. Ông bảo tụi nó có mặt hay vắng mặt cũng thế thôi. Nhưng sau khi thằng con thứ tư - thằng Ơn - đi nốt, ông kêu khu phố chợ này đã hết con trai.
"Tối nay chú sang ăn giỗ".
Dần nói. Ông Cổn nhìn Dần, nghiêm trang nghe ngóng. Ông gật:
"À, một trăm ngày thằng Dần-anh".
Ông lại bàn uống nước. Dần hỏi:
"Thím đâu chú?"
"À, bà ấy vẫn quanh quẩn đâu đó".
Dáng to béo nặng nề của ông xoay trở trên ghế. Ông rót nước vào mấy cái tách, giọng lửng lơ:
"Đã có đàn gà nuôi đôi vợ chồng già này".
Dần hỏi chuyện chăn nuôi để khỏi nghe những chuyện khác. Ông Cổn ồn ào kể và cười lớn. Trại gà, cái máy ấp trứng không để ông có chỗ sàm sỡ, thân mật một cách giả dối. Vẻ cười cười nói nói của ông vẫn bao ngoài nỗi xa cách với gia đình Dần. Những người ở đây cũng không khác. Từ hồi cha Dần mất, mối liên hệ hàng ngày chỉ còn với vài ba người quên được mẹ Dần là con quan. "Cái dòng họ dâm loạn vì giàu sang, chết cuồng vì chữ nghĩa", có lần người ở đây đã chuyền nhau câu nói đó của ông Cổn. Giờ thì chỉ chị Kính và Dần-anh thực sự được họ hàng nhìn nhận. Chị Kính vì biết sống cho chồng con. Dần-anh thì không có cái chết giống mấy người bên họ ngoại. Hắn không kịp quay lại phát súng nổ phía sau.
Ở nhà ông Cổn trở ra, Tốt bảo Dần ghé chơi chỗ ở của anh. Dần bảo trước giờ chưa vào nhà Thắng, để khi khác. Dần hẹn tối Tốt sang rồi trở về. Qua sông, nắng loáng trên mặt nước rộng. Dần nhìn bờ cỏ cao chạy trước mặt thấy như vừa chợt có nỗi cảm tình phí phạm, tào lao. Thục vẫn như ước muốn được tìm đến, gặp mặt kèm nỗi bâng khuâng hình dung được nơi chốn và nhan sắc.
*
Ông Cổn nói cười nhiều nhất. Ông nói chuyện đám con ông và mỉa mai Thắng. Thanh niên khu phố chợ đã đi hết. Thắng mà trúng cử chắc không còn nhận ra họ hàng. Thắng mà được một đứa gái già bỏ phiếu thì chắc hết loạn. Giờ hắn không cưỡi vespa, rà rà đi tán gái nữa. Mỗi buổi chiều, đám con gái thường thấy hắn mượn xe của viên Ty trưởng già, tập lái trong khu phố. Hắn để đầu mượt và ngậm Hav-A-Tampa. Đã có mấy con chó bị cán chết. Ông Cổn kết luận:
"Cũng may, thanh niên đi hết, đường phố vắng vẻ xe cộ".
Trời tối mau. Không thấy dì Phong về. Ông Cổn và mấy người nữa sợ mưa, ăn trước rồi về. Đám trẻ nhỏ được chị Kính nom cho ăn uống ở đi-văng cười la ồn ồn. Tốt và anh Kính từ ngoài giàn mướp trước nhà đi vào. Cả hai áo đều bỏ trong quần nom tươm tất. Anh Kính nói vào Địa phương quân, ở gần nhà cũng đỡ, chỉ kẹt không biết bao giờ giải ngũ. Tốt nói nếu sang năm phải đi quân dịch, chắc phải nhờ Thắng xin cho vào Nghĩa quân. Chị Lý đang bày bàn ăn đùa anh Kính:
"Đầu óc mấy người giờ chỉ có một thứ phải gió đó".
Anh Kính đùa lại:
"Còn chị thì hết chết đâm đến phải gió. Hết phải gió đến chết đâm. Tôi mà là anh ấy, tôi cũng biết khện".
Người chú tuyệt ngôn ngồi trước mấy đĩa ăn chay, theo dõi hai người đối đáp và cười. Mẹ Dần mệt đã vào nhà trong nằm, anh Kính trở nên vui chuyện. Anh bảo chị Lý:
"Lâu lắm mới được ngồi ăn với bà chị. Có dám say một bữa không?"
Chị Lý cười lớn:
"Bữa tiễn thằng Ke Nơn về nước, mấy thằng phải gió lén đổ huýt-ky vào la-de, người ta vẫn cười nói như thường. Chưa biết rồi đứa nào say, đừng có thách".
Mọi người quây quanh bàn ăn. Người chú tuyệt ngôn ngồi riêng một góc. Dần rót cho ông một ly la-de:
"Bữa nay chú uống nhiều một chút cho vui".
Chị Lý so đũa cho ông:
"Chú cứ uống cho say. Nếu say quá, cháu trở về gọi thím thuê ghe sang chở chú về".
Trời bắt đầu mưa. Con Tấm đi lùa ngỗng về vào nhà gọi Hài mang đèn ra cổng lượm một mớ truyền đơn đả đảo bầu cử mang xuống bếp đốt. Anh Kính, chị Lý không ngớt thách đố nhau. Tốt, Dần, người chú tuyệt ngôn bị nài, uống theo cũng nhiều. Hai gò má cao từ hồi người chồng nghiện bắt đầu đỏ óng. Chị Lý cười, nói lớn như đã thực sự quên có hồi chị thực đẹp. Anh Kính đã dám quát lúc mấy đứa con bu quanh "Mẹ bảo bố đừng say", "Mẹ bảo bố đừng say". Tốt thầm thì bên tai Dần: "Không phải người đàn bà nào cũng cầm vồ nện vào vỏ bom báo động". Giọng Tốt nhỏ, còn tỉnh, như rời xa bộ mặt nạ, gồ ghề và yên tĩnh. Anh ta lấy ra xấp giấy lau bát đũa ở tiệm ăn đưa mỗi người vài tờ lau miệng, rồi bảo Dần:
"Cứ mưa này, la-de này mãi, bụt cũng phải nhớ vợ nhớ con".
Tốt không say. Những ly la-de chỉ tạo một hứng khởi nửa chừng, chưa đủ làm Tốt thành ồn ào. Người chú tuyệt ngôn thiêm thiếp giữa những khua động ly chén, bát đũa và tiếng cười không mỏi. Ngoài Tốt, không ai quen được chất rượu. Những chai la-de mẹ Dần khuyên uống từ trước tới giờ vẫn như một liều thuốc có chút ít chếnh choáng. Dần ngả đầu, bỏ tay đũa, ngậm một điếu thuốc dường như đã tắt, không còn muốn cựa quậy. Dì Phong không về. Mẹ Dần từ nhà trong ra như vừa qua một lúc chợp mắt. Bà có vẻ lạ, thấy vẫn còn người ăn và tiếng ồn ào dưới ngọn đèn thu nhỏ ánh sáng ngôi nhà. Bà không lại gần nhưng có ý kiếm Dần xem có còn ngồi đó? Bà lại phía bàn thờ thổi tắt nốt mẩu nến đã ngả bấc. Bức hình Dần-anh ngồi vắt chân ngửa cổ hút thuốc trong lòng chiếc ghế sa-lông nhà một người bạn nào đó bớt vẻ ngỗ nghịch. Bà thắp thêm vài nén nhang. Dần chợt nhớ buổi chiều tắm bãi Trời Trồng với đám học trò và đêm gió to mang người đàn bà có đôi tay đen đủi về giấu trong nhà bà ngoại. Thấy khó chịu, Dần ngồi thẳng dậy châm điếu thuốc đã tắt. Chiếc mũ bịt đầu, mấy chòm râu, tấm áo sồi tươi màu của người chú tuyệt ngôn khiến Dần chợt bỡ ngỡ như vừa mới chợp mắt. Dần bỏ vào nhà trong nằm. Trong lúc chập chờn, Dần nghe như mọi người ra về giữa lúc còn mưa lớn. Dần mơ nằm chung với Thục. Thục cười bảo anh gối đầu ê cả cánh tay em. Em vừa mơ thấy hai đứa qua sông. Vì anh cấm thoa phấn nên lúc đó mặt em thực tái. Vì anh gối đầu lên cánh tay nên lúc đó em chỉ thấy còn mỗi một cánh tay. Dần tỉnh dậy mưa đã im. Dì Phong không về thực. Dần ra ngoài kiếm nước uống. Một ngọn đèn bóng sơn đỏ thắp ở bàn thờ Dần-anh. Mẹ Dần đã buông mùng đi nằm. Con Tấm kể lại lúc về Tốt phải cõng người chú tuyệt ngôn. Hai chị em nó chưa ngủ. Hai đứa nói còn sớm, trời mưa nên tưởng đã khuya. Chúng đang ngồi trên ghế áp mặt lên bàn vặn ra-dô nho nhỏ nghe với nhau chương trình "Gia đình". Có tiếng một đám trẻ nhỏ nô giỡn reo cười ở đâu đó như từ trong bầu trời mông lung những làn sóng điện.
*
Có heo may Hà Nội
Tôi chạy đến thì anh tôi đã bỏ đi. Một đám đông bu trước tiệm nước. Chiếc khăn bàn anh tôi ngồi rũ xuống một góc được giữ lại bằng một lưỡi dao ngập trên bàn. Người đàn bà chủ tiệm mặt tái xám, đứng chôn chân trước quầy hàng, tay nắm chặt mấy tờ giấy trăm thật mới. Mấy người nữ chiêu đãi đang cúi xuống chân bàn lượm các mảnh vỡ, hót đống bún bò lẫn mùi la-de, lựa những chiếc nem nhớp nháp như bị mửa lên. Tôi quay trở ra, không có ý đi tìm gặp anh tôi, nhưng tôi cũng không về nhà. Thầy mẹ tôi chắc sốt ruột lắm. Tôi ghé lại nhà cô Út tôi. Cô hỏi:
"Anh cháu về chưa?"
Tôi đáp:
"Anh ấy đang ở trên đường về nhà".
Cô tôi lạ lùng:
"Cháu nói gì kỳ thôi, cô không hiểu".
Tôi lại bên chiếc đôn sứ góc nhà vặn nhạc.
"Thấy thầy mẹ cháu, các cô chờ anh ấy hoài, có vẻ quan trọng, cháu cũng nói vậy cho có vẻ quan trọng".
Cô tôi bật cười bổ cho tôi một trái táo. Chú tôi chưa về. Nhà đã bật điện. Một đứa tớ gái lên hỏi:
"Mợ dùng cơm bây giờ hay chờ cậu cháu?"
Tôi bảo cô tôi:
"Cô cho cháu ăn cơm tối nay".
"Cháu không gấp chứ?"
"Không".
Cô tôi bảo đứa tớ gái:
"Thôi, chờ cậu mày về cùng ăn".
Hai cô cháu tôi ngồi đối diện nhau. Tôi nói:
"Cho phép cháu doãi chân cho đỡ mỏi".
Tôi dựa lưng vào băng ghế, hai chân doãi dài trên mặt đất. Cô tôi ngồi lọt trong ghế, nom cô mập và lòng ghế hẹp hẳn đi.
"Đám giỗ hoãn lại một ngày là phải. Anh cháu về kịp".
Cô tôi nói như thầy mẹ tôi. Nhưng tôi không dám cãi. Tôi bảo mẹ tôi anh tôi sẽ không vui khi biết đám giỗ hoãn lại chờ anh. Mẹ tôi giận: "Anh con nếu có lởn vởn trong đầu một đám giỗ, là đám giỗ anh ấy".
Cô tôi đoán được tâm trạng tôi, phân giải:
"Anh cháu về đúng ngày giỗ đủ mặt họ hàng, tết đến nếu làm biếng, không đi thăm bà con cũng được".
"Cô nói có lý".
Tôi nói nhưng thấy cô tôi không đúng. Anh tôi đâu có sợ làm phiền họ hàng bao giờ. Nguyên đời sống của anh khiến anh ít liên lạc với bà con, huống hồ anh lại tự biệt lập với tất cả. Một lần đã lâu anh bảo tôi: "Thà vơ vất trong thực tại này còn hơn dựa vào những ung thối đã qua mà sống với một tình yêu giả tạo". Tôi không ưa những bất mãn, nổi nóng nhằm làm nổi mình hơn nhằm một biểu lộ cần thiết, nên tôi rất chịu anh tôi. Nghe anh nói, tôi giữ sự lễ phép của người em thụ huấn huynh trưởng.
Tối, chú tôi về. Hai chú cháu vừa ăn vừa nói chuyện – đúng hơn, tôi nghe – Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ, mặc cảm dốt của một ông tướng đã thất thế, và Cô gái Đồ Long. Chú tôi Kim Dung là một thiên tài. Tôi thêm: "Một thiên tài viết kiếm hiệp". Chú tôi nhỏ hơn, thấp hơn cô tôi. Có lẽ vì vậy chú hay tỏ ra uy quyền với vợ và bọn học trò mà chú tự hào sống gần được tâm trạng chúng.
"Bọn chúng sinh nhằm cái xã hội này như những con ngựa bứt cương. Phải có đời sống bứt cương mới trị được".
Thì ra chú tôi là người "bứt cương". Nói chuyện với chú tôi vẫn có ngạc nhiên những đột ngột vì biết thêm một sự lạ ở chú như thế. Có lần chú nói đến những kẻ xoay như con thò lò sáu mặt, tôi hết hiểu nổi chú.
"Cháu có thấy bây giờ người ta đọc nhiều kiếm hiệp là để quên đi những cái đùi giò bò…"
Tôi đáp: "Người ta đọc kiếm hiệp còn nói viết và suy nghĩ về kiếm hiệp".
Tôi cười: "Vừa rồi, chú có viết một bài về Trương Vô Kỵ? Những anh hùng dự tưởng hay nỗi khát vọng trăng sao?".
Chú tôi lắc đầu. Lắc đầu vì tôi cười, không vì từ chối.
"Bây giờ không ai có quyền sống xa đời sống đông đảo quanh mình".
Tôi xin cô một ly nước lọc uống rồi chào cô chú tôi về. Cô tôi đưa tôi ra cửa, bảo tôi:
"Sáng sớm mai cô sẽ lên. Tết nhất đến nơi, nghỉ buổi nào thiệt buổi đó nhưng ngày giỗ ông cha ai mà dám quên, không tư tưởng tới?"
Tôi kêu xe xuống Phú Lâm. Người bạn tôi – tên Thưởng – đang ngồi đờn ở vườn hoa sau nhà. Tôi bước dọc theo hiên sau xuống con đường nhỏ đá sỏi. Mùi dạ lý hương sực nức. Thưởng ngồi trong tấm ghế nhựa đặt vào một lối rẽ nhỏ. Thưởng nắm tay tôi:
"Lâu lắm mới thấy bồ".
"Lâu lắm mới gặp lại anh".
Tôi đỡ cây guitare hawaiienne cho Thưởng vào nhà lấy thêm ghế. Mặt trăng còn một vành nhọn nhưng đủ sáng những nõn mây trôi ngang trên vườn. Hàng dừa cuối vườn loà xoà, lấp lánh ánh sáng tinh tú. Thưởng trở ra đặt hai chiếc ghế sát nhau:
"Cùng nhìn vành trăng muộn chịu chứ?"
"Chịu".
Thưởng đưa cho tôi một gói thuốc Mỹ:
"Hút thuốc xem?"
Tôi từ chối:
"Hút thuốc tôi ít hút từng điếu. Mà hút liền một lúc bao thuốc của anh, đêm ngủ nhức đầu, mơ gớm lắm".
Thưởng cười:
"Mơ gớm cũng bừng mắt dậy một cái là hết. Sự thực còn nhiều cái gớm hơn nhiều. Nếu không hút thuốc, hết còn gặp những cái gớm ghiếc, cả Việt Nam sẽ từ thuốc hết. Kể cả những đứa nhỏ đi đêm, đốm than đầu thuốc là là trên mặt đất".
Chúng tôi ngồi hút thuốc. Con đường nhỏ lộ hẳn giữa những thân cây thấp. Tôi bảo Thưởng cho nghe bản "Đêm tàn bến Ngự". Thưởng vuốt trên phím đàn, hai gò vai rung và nhấp nhỏm. Tôi nhìn bầu trời cuối năm, thấy bầu trời cao nhưng vẫn quen thuộc. Trước kia tôi vẫn nghĩ hết tuổi lãng mạn, hết còn ưa trông trời. Nhưng tôi chỉ có cảm tưởng mình không yên tâm mơ mộng, còn bầu trời mây và trăng sao tôi vẫn ham. Có lẽ nào tôi như chú tôi, không còn biết nói về điều gì gần gũi để đến độ phải lục chồng kiếm hiệp của con cái truy nguyên ra ông Kim Dung thiên tài: "Bây giờ không ai có quyền sống xa đời sống đông đảo quanh mình". Chú tôi đã quá khôn khéo và thích ứng tự nhiên như thuyết của Darwin. Thực ra chú tôi không hề "bứt cương". Tôi nghĩ. Chú tôi vẫn là người tha thiết và nhiệt thành. Ở Hà Nội, tránh đám người làng quấy quả vì chuyện tị nạn, chú lên làng Bưởi mắc võng đọc Marx, vào Sài Gòn chú tin ông Diệm như người tạo cơ hội cho những nhân tài tham gia việc nước, những thí dụ trong khi giảng bài, một nửa số thí dụ về đời ông Ngô. Từ ngày ông Ngô đổ, chú sinh ra nghi ngờ tất cả chuyện xưa lẫn chuyện nay. Chú bảo chú đã bị anh em nhà Ngô lường gạt. Chú thôi không tham gia mấy đoàn thể của Bộ Giáo dục. Chú viết báo văn hoá trình bày nỗi nghi ngờ của mọi tầng lớp, viết về Trương Vô Kỵ với những danh từ triết học lẫn chịu chơi. Chú vẫn nhiệt thành và vẫn đơn giản dù có muôn ngàn rắc rối do mình tạo ra. Dù mọi nghi ngờ phong phú, mọi thắc mắc về nhân sinh của chú đã làm cho một học sinh muốn xin làm một tên đầy tớ để tỏ cái ân đã có người hiểu được lớp trẻ mình, chú vẫn bị cô tôi nhìn như một người dễ nổi nóng vì một đôi đũa lau không sạch.
Gió càng về đêm càng mạnh. Trăng đã bị mây che kín. Bầu trời còn sao và hoả châu. Chúng tôi im lặng trong ánh sáng chao chát hồng rực trên các cành cây trong vườn. Thưởng đờn lại bản "Đàn chim Việt". Tôi đứng dậy vươn vai, hít mạnh mùi dạ lý hương. Thấy nhức đầu ngây ngất, tôi bảo Thưởng:
"Mình đi ngủ là vừa".
Thưởng chiều ý tôi mắc màn ra hiên ngủ. Tôi thiếp đi tai vẫn mơ màng tiếng Thưởng. Lúc tôi tỉnh dậy, đầu tôi vẫn nặng, Thưởng đã ngáy đều. Tôi lại ngửi hương thơm dạ lý. Chắc anh tôi đã về nhà. Ngày mai có thể lại lắm chuyện lộn xộn. Tôi hình dung đến bữa cỗ như hình dung đến một thế giới đàn bà. Thế giới ở bên tôi từ bao giờ. Tôi đã sống, đã vui và cũng đã có lần buồn vì một người đàn bà trong thế giới đó. Nếu gạt bỏ được ý nghĩ nhớ đến Hà Nội là một trạng thái tinh thần suy nhược trước hiện tại khô cằn, tôi có thể nói tôi nhớ đến thím Hương như một người đàn bà đưa tôi ra khỏi thành phố của thời thơ ấu.
Dạo đó Điện Biên Phủ đã tới hồi ngã ngũ. Thầy tôi lúc đầu còn tin năm cửa ô Hà Nội vững hơn những dãy núi quanh lòng chảo Điện Biên, vẫn còn nuôi ý định mở lại, với bác sĩ Hoàng Cơ Bình. Về sau, lúc đã nao núng, thầy tôi thấy Hà Nội quá xa cửa biển quá xa những con tàu vào Nam, gia đình tôi lật đật xuống Hải Phòng. Đúng ra, gia đình tôi lúc đó đã chia hai. Chuyện di cư chưa nghe ai nói tới. Ông Ngô có được gia đình tôi nói tới cũng chỉ vì mấy câu khẩu hiệu viết ở Nhà Thuỷ tạ hồ Hoàn Kiếm: "Cụ Ngô thống nhất sơn hà. Già Hồ chia sẻ nước nhà làm đôi". Thầy tôi là tộc trưởng, gia đình tôi lại không được khá như mấy bà cô tôi, nên chuyện chia hai gia đình lúc đó có vẻ hợp lý. Tôi, đứa em trai út và thầy tôi là những người sẽ vào Nam. Anh tôi với mấy đứa em gái và mẹ tôi sẽ ở lại về làng phụng dưỡng bà nội tôi. Ba cha con tôi xuống Hải Phòng vào những ngày Hải Phòng nắng gay gắt nhất. Chúng tôi ở nhờ nhà một bà cô họ chờ nghe ngóng tình hình rồi mới đi. Suốt ngày thầy tôi đi gặp mấy người bạn nhờ họ giúp ý kiến. Tôi và đứa em hết ra tiệm sách kế bên rạp Kim Chung mướn truyện về đọc, lại ra sau bếp nhìn qua hàng kẽm gai đếm những con tàu vào ga. Người cô họ tôi tuy chiều chúng tôi, ít muốn chúng tôi ở bên mỗi khi cô mở đài Thái Nguyên nằm trên giường nệm nghe: Chồng cô kháng chiến, cô chờ đón người trong Nam gửi ra cho cô một giỏ trái cây, cô bổ cho anh em tôi ăn rồi bảo:
"Tao vẫn mong chúng mày về để ăn măng cụt. Nhưng chú mày mà về tới đây, Nam Bắc thành xa lạ rồi còn gì. Chúng mày vào trong đó mặc sức mà ăn".
"Thầy cháu định vào Nha Trang gặp mấy người bạn rồi mới thuê xe ngựa qua sa mạc vào Nam.
Tôi nói, cô tôi nghe, có vẻ buồn. Cô hỏi:
"Anh em mày có nhớ mẹ mày không?"
Thằng em tôi khóc. Tôi nói:
"Không nhớ".
"Mày lớn rồi có khác. Ở làng, mày lấy vợ được rồi đó cháu ạ".
Cô tôi tủm tỉm cười. Tôi ngượng đỏ mặt. Những lúc có cô ở nhà, chúng tôi có những phút khuây khoả như vậy. Cô tôi đi khỏi, cửa nhà ngoài đóng im ỉm, hai anh em tôi vừa lạc lõng vừa sợ hãi. Những lúc đó nếu ra sau nhà, nhìn những con tàu thì nhớ nhà thêm, nếu ngồi trong phòng thì bị con ở của cô tôi doạ nạt. Nó thường trợn mắt hỏi tôi:
"Sao bố con mày dại thế? Hoà bình đến nơi còn kéo đi, Việt gian hả?"
Tôi chửi nó, nó túm lấy gáy tôi tát như trời giáng. Thằng em tôi vừa khóc, vừa cào cấu nó trợ lực với tôi. Nó đá thằng bé sưng đùi, trầy ngực. Sau mỗi trận đánh, nó doạ:
"Chúng mày mà mách bố cô chúng mày, tao nhổ đờm vào thức ăn cho chúng mày ăn".
Lời đe doạ của nó làm chúng tôi sợ, tìm cách nói dối cô tôi, thầy tôi về những vết tích do con ở gây ra. Một hôm thầy tôi về báo tin sẽ trở về Hà Nội rồi cả gia đình sẽ có máy bay vào Nam. Tôi chạy xuống bếp bảo con ở:
"Tao lại về Hà Nội đây. Mày có già đời cũng không bước chân được lên cầu sông Cái".
Con bé hùng hổ toan túm lấy tôi, tôi chạy lùi vào nhà, trỏ mặt nó:
"Hai năm nữa thống nhất, mày chết với tao".
Chúng tôi đi một chiếc Traction về Hà Nội. Qua cây cầu treo, tôi ngoái đầu lại thấy thù Hải Phòng. Dãy Đông triều trùng điệp xa lạ và thần tiên. Qua Hải Dương, những làng hai bên đường phất phới những lá cờ đỏ sao vàng. Lúc đó tôi mừng vì được trở lại nhưng bắt đầu thấy mình đang quay về thành phố buồn, thiệt buồn. Tôi thoáng nghĩ đến chuyến xe ngựa cha con tôi định thuê băng qua sa mạc. Lúc đi, tôi không kịp thấy mình xa Hà Nội, lúc về, tôi thấy mình đang mỗi lúc một gần tháp nước khổng lồ nhiều bóng tối ở đầu Hàng Đậu, đang gần những gầm cầu, những vườn bông và ga Hàng Cỏ. Xe qua cầu. Tôi nghĩ giá được xuống xe chạy trên đường dốc dẫn xuống chỗ máy nghiền đá, chắc tôi sẽ có lại cảm tưởng khi về làng bước vào khu sân gạch Bát Tràng đen như da trâu.
Về Hà Nội, thầy tôi nghĩ ngay đến chuyện nhắn người về làng mang bà tôi ra. Làng tôi đã bị chiếm. Có vài người trốn ra chờ di cư. Sau một đêm bàn tính với mẹ và anh tôi, mọi người chọn thím Hương là người sẽ đưa bà tôi ra. Bà tôi vốn thương thím sẽ khó mà từ chối khi thím ngỏ ý mời bà đi Hà Nội. Thím lại có mấy người anh bộ đội, chắc chuyện ra khỏi làng cũng đỡ gặp khó khăn. Nhắn người về rồi, cả gia đình tôi chờ đợi. Riêng tôi, tôi thấy mong gặp lại thím Hương một lần cuối trước khi vào Nam.
Thím Hương có nước da thật trắng, thông minh và viết được đơn thuốc bằng chữ Hán cho chồng giắt vào túi dết khi chú tôi hết phép về cưới vợ. Tôi còn nhớ ngày cưới, chú nhất định mặc đồ quân đội đi rước dâu. Bà tôi đã giận dữ mắng chú: "Bao giờ hết đánh nhau, vợ chồng mày sống khuất mắt tao, muốn làm gì thì làm. Bây giờ mày làm thế, người ta chửi vào mặt tao. Người ta lại bảo thời thế đảo điên, luân thường lộn ngược vì bọn lính tráng chúng bay". Chú Hương vốn thương bà tôi, thấy mẹ vừa giận vừa chực khóc, đành ậm ừ gượng gạo xỏ hai ống tay áo màu phân ngựa vào tấm áo the cũn cỡn không che nổi hai ống quần ka-ki chật ống. Buổi chiều chú Hương đi, thím Hương không đưa tiễn, cặm cụi cầm cái chổi mo quét từng góc sân gạch. Tôi chưa ra Hà Nội, móc túi lấy từng cục pháo xiếc tung lên cao cho rớt xuống sân nổ lép bép. Thím Hương chốc chốc lại ngửng nhìn tôi cười gượng. Thím kêu điếc tai, kêu Hà Nội vui, kêu lá cây bưởi với cây táo ở ngoài bờ ao bay vào quét mỏi tay vẫn không sạch. Tôi bảo thím: "Tết này thể nào chú cháu cũng về". Thím lại cười. Nụ cười thím tĩnh như bóng thím lẩn khuất bên trăng tường hoa trước cổng, bên những trụ gạch gắn những hình rồng phượng bằng những mảnh bát vỡ. Tôi ra dưới gốc táo, cầm dao khua lắc cắc lên các cành cây, lấy ít quả đưa cho thím. Thím chùi từng trái táo vào ống tay áo, bảo tôi: "Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu".
Tôi về Hà Nội ít lâu, thím Hương mang mo và lá dong ra cho gia đình tôi và mấy người cô gói giò gói bánh. Buổi chiều, thím dẫn tôi đi mua một tấm foulard, một cuốn truyện Kỳ Phát rồi dẫn tôi vào rạp Bắc Đô coi phim "Về miền Tây" có Roy Roger … Lúc về, qua gầm cầu hàng Giấy, thím mua mấy khoanh bánh chưng rán về cho mấy đứa em tôi. Sáng hôm sau thím về từ lúc ngoài phố vẫn còn chập chờn ánh đèn của người đổ thùng. Tôi chít khăn foulard đạp xe ra đầu phố kêu xích lô rồi tiễn thím ra bến Nứa.
Hồi chú tôi chết mất xác ở Điện Biên Phủ, đường từ chỗ xe hàng đậu dưới cây gạo chân đê về làng tôi lúc nào cũng có một bọn com-măng-đô họp với phòng nhì đón người lột tiền, hãm hiếp, nên chỉ có thầy mẹ tôi và các cô tôi nhờ một người vợ lính đưa về. Tôi nhớ mẹ tôi đã thuật lại bà tôi chửi chú tôi bất hiếu đến hết cả nước mắt. Cũng từ đó, làng tôi thành xa xôi. Bà tôi và thím Hương thỉnh thoảng được một người buôn bán xuôi ngược, gặp thầy mẹ tôi nhắc tới.
Thím Hương mang bà tôi ra vào buổi sáng chủ nhật. Căn nhà gia đình tôi ở tạm lộn xộn những đồ đạc. Bà tôi bảo thầy tôi nhiều bận:
"Chúng mày cứ an tâm mà đi. Tao ở lại với con Hương. Mẹ con tao ra thăm chúng mày một lần cuối rồi chiều nay về làng".
Thầy tôi gắt:
"Bà muốn nó sống tới già với bà sao?"
Bà tôi cương quyết:
"Nó như con gái tao. Rồi ra tao gả chồng cho nó".
Khi các cô tôi tới khuyên dỗ, bà tôi xoay chiều:
"Tao vào Nam, con Hương cũng đi với tao".
Thầy tôi giận mặc quần áo bỏ đi. Cô Út tôi nhỏ nhẹ:
"Kể ra mẹ mang chị ấy đi cũng chẳng sao. Nhưng còn thầy mẹ, anh em chị ấy ở lại, mình cố tình mang chị ấy đi, chị ấy cũng khổ, họ hàng chị ấy cũng buồn mà mình lúc nào cũng phải nghĩ ngợi".
Các cô tôi mỗi người một điều, bà tôi nghe họ, khóc ròng. Tôi bảo thím Hương:
"Thím ra hồ Ha Le với cháu một lát, xem mẹ cháu có bán được nhiều chưa".
Thím ngần ngại nhìn tôi:
"Cháu không biết bao giờ mới gặp lại thím, thím cho đi chơi với thím chiều nay".
Thím lấy nón, lại bảo bà tôi:
"Con ra hồ xem chị Cả bán bàn ghế một lát".
Tôi và thím đi về phía hồ. Bờ hồ ngổn ngang những bàn ghế, giường tủ… Người bán nhiều hơn người mua, nom vội vã, nhăn nhó. Người ta câu bừa cá ở hồ lên, mặc mấy người cởi trần từ trong nhà thuỷ tạ đi thuyền ra quát mắng. Đám người coi câu cá la ó trả lại đến lúc chiếc thuyền quay vào mới thôi. Họ dửng dưng nhìn những người đứng bán đồ đạc, bàn tán với nhau về cái chết của Đỗ Đình Đạo, về mấy chiếc G.M.C thi nhau đâm vào khu Khâm Thiên.
Mẹ tôi đã bán gần hết các thứ mang ra, đang ngồi ngơ ngẩn trên mép cái bàn còn lại. Thím Hương nói với mẹ tôi ít câu rồi giục tôi về.
"Về nhà bây giờ buồn chết, thím cho cháu đi coi chớp bóng một lần cuối".
Thím Hương thở dài. Những con đường từ phía Hàng Cỏ ra bờ Hồ thật vắng. Những ngôi nhà tây cổng đóng im ỉm. Nom vào sân nhà Đấu Xảo thấy rộng mênh mông. Bờ hồ, rạp Moderne vắng người. Thím tôi mua vé, tôi ngắm hình Victor Mature mù hai chân bị xiềng đẩy cái cối xay.
Lúc về, hai thím cháu tôi lên Khâm Thiên, dặn xe hàng sớm mai ghé qua nhà đón. Thím Hương bảo tôi:
"Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu".
*
Anh tôi đã về nhà. Lúc tôi trở về, mấy người cô tôi đã tới đông đủ. Bàn thờ đầy hoa quả, bánh trái. Mẹ tôi đang tẩy mực, thấy tôi, mẹ tôi ngửng lên rồi lại cúi xuống. Tôi bỏ vào nhà, nghe có tiếng mẹ tôi vọng theo:
"Con với cái, hư đốn hết cả".
Tôi lên lầu. Anh tôi đang ngồi đánh bài với mấy đứa nhỏ.
"Anh về hồi nào? Tôi hỏi và thay quần áo".
"12 giờ đêm qua".
Anh tôi ngồi chình ình giữa giường nệm, át hẳn mấy đứa nhỏ. Mắt anh mờ hơn trước, râu anh lởm chởm khắp má. Tôi rất khó hình dung lại hồi anh còn cắp nách những cuốn triết hoặc cần cù tô từng nét chữ Hán cho đậm nét.
"Hôm qua chú đến tiệm nước kiếm ta?"
"Không".
Anh tôi đứng dậy, vươn vai, người anh nhún nhảy trên nệm.
"Ta chờ chú về đi ăn sáng".
Bọn trẻ reo lớn:
"Phở Tàu Bay nghe anh?"
Anh tôi quờ chân vào gầm giường kiếm đôi giày:
"Ờ, ờ, phờ Tàu Bay".
"Đi tắc xi cho lẹ nghe anh?"
"Ờ thì đi tắc xi".
Tôi hơi ngượng vì tiếng đáp của mình. Tôi bảo anh:
"Phở Tàu Bay đông lắm, làm sao len nổi".
"Đông thì gắng chờ chớ sao".
Bọn trẻ lại reo. Chúng đun đẩy nhau theo sau anh tôi bước xuống cầu thang. Rửa mặt xong, anh bảo mẹ tôi:
"Trưa nay con mắc kẹt xuống Thủ Đức thăm một người bạn. Mẹ nhớ để phần xôi chè cho con".
Mấy người cô tôi cười ồn ào. Cô Út tôi nói:
"Lính gì mà như con nít. Nếu sợ mất phần xôi chè, đi chơi làm gì nữa. Ngồi canh bên bàn thờ, chắc ăn".
Mẹ tôi như biết chúng tôi ưa sinh chuyện, cãi lý, bao giờ cũng thong thả trả lời. Vẻ thong thả của bà vừa bắt chúng tôi phải kìm lại nỗi hối hả hoặc nóng nảy vừa khiến những lời bà nói thành rõ ràng bên tai chúng tôi. Bà cũng muốn tỏ ra không quá chú trọng đến những quyết định của con cái tuy lúc nào bà cũng ngầm đặt trong đầu chúng tôi bà là người có những quyết định sau cùng. Những phỏng đoán này không cần thiết cho tôi. Những việc làm theo ý bà hoặc trái lại, tôi đều làm trong im lặng, thản nhiên. Tôi vốn sợ những ồn ào co rút lại thành những tiếng động rời rạc thêm vào đời sống eo xèo của mình. Nhưng anh tôi thì không. Anh ưa gây gổ với bà như thể đó là một hình thức để biểu lộ mình còn có gia đình, còn sống giây phút với gia đình. Anh cãi cọ với bà cả những lúc anh muốn trêu chọc bà. Mẹ tôi, cả những lúc đó cũng dễ giận con. Bà khó lòng bỏ được ý nghĩ mọi người trong gia đình này đã sinh nhằm vào những ngày giờ xung khắc. Trước kia tính nghiêm khắc của bà nhằm bao bọc hạnh phúc cho con cái nên ở những roi đòn của bà chúng tôi cũng nhìn thấy con mắt dịu dàng. Bây giờ, hạnh phúc đó không thuộc về bà nữa. Cũng không thuộc về chúng tôi như một độc lập được giành giựt. Tính nghiêm khắc của bà trở thành một cái vỏ ốc rỗng ruột. Chúng tôi nhìn cái vỏ ốc đó, mường tượng có hồi mình được sung sướng.
"Không đi đâu cả. Mày về ăn giỗ hay mày về để đi thăm bạn?"
Mẹ tôi nói. Anh tôi cười lớn:
"Mấy thứ vặt đó đâu có đáng công xin phép nghỉ".
"Mày kiêu bạc vừa vừa chứ. Con trai mà cãi lại mẹ, mày chưa thành nhân đâu con ạ".
Anh tôi có vẻ ngượng nhưng vẫn cười:
"Giỗ chạp là phần của mấy bà, ăn nhằm gì tới tụi con trai".
Dứt lời anh tôi quay trở vào. Cơn giận của mẹ tôi tới lúc hết kìm nổi, bà vứt mấy con mực xuống chậu nước bắn tung tóe, đứng dậy:
"Mày định xấc với cả mẹ mày nữa đấy hả? Mày không sợ người ta chửi vào mặt mẹ mày sao?"
Anh tôi yên lặng vào nhà châm thuốc hút, chờ mấy đứa nhỏ thay quần áo.
Chúng tôi đi ăn phở rồi sang cà phê Nhân uống. Anh tôi nói:
"Tao chán cái cảnh này lắm rối. Bao nhiêu năm nay vẫn những bộ mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy quanh đám giỗ ấy. Tao không muốn về nhà cũng vì vậy".
"Đằng nào mọi việc cũng coi như đã xong. Anh nói, mẹ buồn".
Tôi nói gắng gượng. Tôi vốn ít muốn thuyết phục người khác, và không ưa nghe người khác thuyết phục mình.
"Không ai giận gì mấy người đàn bà…"
Anh tôi lắc đầu với một thằng bé đánh giày. Tôi cười nhớ lại câu chuyện nói với chú tôi tối qua.
"Nhưng đời sống của những người ghép vào với họ, thật hỏng".
Tôi nóng mặt:
"Anh nói ôm đồm quá".
Anh tôi nhíu mắt. Mắt anh nhìn sấp nhưng tôi vẫn bắt kịp cái quắc sáng của anh chạm mạnh vào mắt tôi.
"Tao không nói tuyệt đối. Tuyệt đối chỉ có ở giảng đường, ở những thằng cố chấp, không có trong sinh hoạt. Có lẽ nào chú lại không hiểu tao nói gì, nói đến những ai".
Anh tôi nói như một người bị ám ảnh, không cần biết câu nói của tôi có ăn nhằm gì với nỗi thôi thúc ồn ào trong người anh.
"Tao không chịu được những bộ mặt trí thức thất bại lộ ra cả trong việc theo vợ đi ăn giỗ, nói chuyện thời thế và Hà Nội. Họ khôn khéo ăn nói những thứ mọi người đang thích ăn thích nói để che lấp nỗi nhớ tiếc vốn là mầm sống của họ. Họ không nhớ một mình Hà Nội, cũng không nhớ Hà Nội như tình của của một chiến bại, hoặc cao hơn, một nỗi nhớ cần nhiều cố gắng thực tại để bù đắp sự thất bại còn dây dưa chưa biết đến bao giờ. Họ còn thương nhớ cả những nếp suy nghĩ của mình nữa. Trước tình thế này, họ nên khuất mắt, đừng luẩn quẩn bên chân những người vừa mới lớn lên đã phải nhào vào chống đỡ những sụp đổ do họ gây ra".
Tôi yên lặng nghe anh tôi nói. Những lời anh nghe thật quen thuộc. Chỉ còn vẻ nóng nảy dồn dập vẫn là của anh. Không bắt được khối nóng đó, không nhìn anh, tôi chẳng còn gì để phân biệt mình đang nghe anh hoặc một người bạn nào đó. Những lúc xa anh, nghĩ đến anh chốc lát, khối nóng đó cũng hiện ra kèm theo. Lúc thoạt bắt gặp, khói nóng nồng nàn lôi kéo cả những khó chịu đã qua của tôi. Nhưng trong một lát, khối nóng chỉ còn trong ý niệm, thoát hẳn những mường tượng của cảm giác, anh tôi cũng tan biến theo. Khối nóng, dù tôi có nghe ngóng, chờ đón cũng vẫn loãng đi, mặt mũi, hình dạng anh tôi, dù tôi cố tìm một điểm đặc biệt như cái nốt ruồi ở xế bên mũi, con mắt kéo dài, gãy góc ở gần đuôi để suy ra toàn thân anh, cũng không hề hiện rõ. Nhưng anh tôi lại là người luôn luôn muốn xây đắp cá tính. Anh biết chọn chi tiết để tự mô tả. Lưỡi dao ngập trên mặt bàn, "Mười hai giờ đêm qua"…
"Nếu gạt bỏ phương tiện ưu thế, lúc này không ai có quyền buộc tội ai. Ai cũng muốn giành giựt tuổi trẻ cho mình, dù tuổi trẻ đó quá bận rộn về nhan sắc mình chăng nữa".
Tôi nói. Anh tôi nhìn tôi chờ tôi tiếp hay đo lường nhiệt tình của tôi lộ trên mặt tôi.
"Không phải vì vậy mà thái độ nghi ngờ có chỗ đứng tốt. Nên thành thực để thấy nhau dễ thương hơn trước phút có người gục ngã".
Anh tôi uống, nhăn mặt. Tôi đẩy cho anh dĩa đường. Anh trút hết vào ly, khuấy mạnh. Anh uống một hơi, trả tiền rồi kéo chúng tôi ra khỏi tiệm. Trời gay gắt, không một dấu hiệu tết sắp tới.
"Chú đưa tụi nó về".
Anh tôi nói và ngoắc một chiếc tắc xi.
"Anh không về?"
"Chiều tao về. Tao không muốn nhìn những bộ đồ lớn ngồi chật nhà nói chuyện bằng cấp và Hà Nội".
Tôi bực mình:
"Anh cố chấp quá. Nói đến Hà Nội không là một cái tội".
"Hà Nội có làm thầy mẹ quên được tao đi lính không?"
Mấy đứa em tôi đã mở cửa, lên xe. Tôi bảo anh tôi:
"Hà Nội có đấy rồi. Nhiều đêm thầy mẹ nhớ anh, nghe súng không ngủ được. Thầy mẹ dậy nói chuyện Hà Nội".
Một quân nhân cưỡi chiếc Vespa chạy bên kia đường, thấy anh tôi chạy chậm lại.
"Thằng hôm qua gây lộn với tao đó".
Anh tôi nói, giơ tay vẫy, chạy xuống đường. Tôi bước lên xe, thấy anh tôi ngồi đằng sau người nọ chạy về phía Sài Gòn.Tôi nghĩ tối nay sẽ rủ anh tôi xuống ăn mì Chợ Lớn. Tôi nhớ tới thím Hương. Nỗi nhớ của tôi không vì một chiều mùa đông mua bánh chưng rán ở gầm cầu Hàng Giấy, không vì tháp nước sừng sững đầu Hàng đậu, không vì những chiếc lá táo, lá bưởi rơi đầy sân, rơi suốt buổi chiều chú Hương ra đi. Tôi nhớ tới thím vì không hiểu có lần nào thím nói với anh tôi: "Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu"? Những ảo tưởng về tương lai chua xót, nhưng bao giờ cũng đáng phấn khởi hơn những ảo tưởng về những chuyện đã qua, dù đẹp nhưng tĩnh và chết như bóng thím Hương trên bức tường hoa, bên những trụ gạch dát hình rồng phượng bằng các mảnh sành mảnh sứ.