Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp chí Văn - Hoài niệm Nhất Linh (2). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp chí Văn - Hoài niệm Nhất Linh (2). Hiển thị tất cả bài đăng

11/7/10

Tạp chí Văn - Hoài niệm Nhất Linh (2)

Tạp chí Văn
Hoài niệm Nhất Linh (2)

Trần Văn Bang
Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Bài dưới đây là một chương trích trong cuốn sách nhan đề Bệnh tật và cái chết của các văn gia thi gia… Sách thuộc loại “lịch sử y học”, một môn học mới được công nhận tại Y khoa Đại học Sài Gòn, mà tác giả là giảng sư.


I. Thân thế và sự nghiệp văn chương

1. Thân thế: Sinh ngày 25 tháng 7 năm Bính Ngọ (1906) tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Bắc Việt. Ông bà nội gốc người Cẩm Phổ, Quảng Nam, ông bà ngoại người gốc Huế. Vì làm tri huyện ở Cẩm Giàng, Hải Dương nên dời gia đình ra đấy. Chết ngày 7-7-1963, tại Sài Gòn.
2. Văn nghiệp: Chúng ta có thể chia các tác phẩm của Nhất Linh ra các loại:

1. Tiểu thuyết lý tưởng: Nho phong (1924), Quay tơ (1925).
2. Tiểu thuyết tranh đấu xã hội: Đoạn tuyệt (1935), Lạnh lùng (1937), Đôi bạn (1938).
3. Tiểu thuyết tâm lý: Bướm trắng (1941), Nắng thu (1942), Dòng sông Thanh Thuỷ, Ba người lữ hành (1960), Chi bộ hai người (1960-1961), Vọng quốc (1961), Sống dở dang, Hai buổi chiều vàng, Đi Tây (du ký vui).
4. Viết chung với Khái Hưng: Anh phải sống, Gánh hàng hoa (1934), Đời mưa gió (1934); và một số tác phẩm đang soạn chưa xuất bản.

II. Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh

Để tìm hiểu bệnh trạng và cái chết của Nhất Linh, chúng tôi đã tiếp xúc với gia đình Nhất Linh: Bà Nguyễn Tường Tam, con trai út của ông là Nguyễn Tường Thiết, cùng Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm vừa là bạn thân vừa là thầy thuốc của Nhất Linh lúc sinh thời, đặc biệt hơn nữa Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đã theo dõi từng phút cái chết của Nhất Linh và đã giúp chúng tôi những tài liệu y học xác thực.

Nguyễn Tường Tam cao 1th67, nặng 55kg, dáng người mảnh khảnh, mặt sáng, trán rộng, tính tình điềm đạm ít nói, hay suy tư. Ông có tật nghiện thuốc lá hiệu Bastos xanh, mỗi ngày thanh bình phải hai gói, thích uống rượu Tây đủ loại từ Whisky đến Cognac, bia v.v…, nhiều lần ông cố bỏ nhưng sau lại uống. Theo một vài người bạn, có hồi ông hút thuốc phiện sau lại bỏ.

Tuy dáng người không vạm vỡ, nhưng ông không hay đau ốm. Ngày 6-7-1963 ông nhận được giấy đòi phải trình diện tại Tiểu đội Hiến binh số 635 Nguyễn Trãi, Sài Gòn và được biết sáng thứ hai 8-7-1963 phải ra Toà vì tội tham gia cuộc đảo chính 11-11-1960.

Ông đã có ý định tự tử để có tiếng vang trong quần chúng hầu thúc đẩy cuộc cách mạng chống Ngô Đình Diệm; ông đã chuẩn bị cái chết và đã viết di ngôn từ sáng chủ nhật 7-7-1963, theo ý ông, tự tử ngày “song thất” là đem cái nhục cho họ Ngô.

Ông đã có ý định tự tử ít nhất là một tuần lễ trước ngày 7-7-1963. Vì chủ nhật trước ông có tới dự buổi họp của Văn Bút (hình như là để vĩnh biệt các văn hữu) và có chụp ảnh để kỷ niệm, lúc 4 giờ chiều chủ nhật 7-7-1963, Nhất Linh ngồi nói chuyện với các con và uống rượu Whisky Jonnhie Walker, con trai ông là Nguyễn Tường Triệu tỏ vẻ ngạc nhiên tưởng ông uống để quên sự thế, nào ngờ ông vừa uống rượu vừa uống thêm độc dược để đi tìm cái chết để khỏi phải toà án loài người xét xử mình.

Năm giờ chiều, Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời đến thì Nhất Linh đã mê man, hơi thở đã yếu. Đem vào Bệnh viện Grall chạy chữa nhưng đến 1 giờ 15 sáng thì Nhất Linh đã trút hơi thở cuối cùng.

Từ lúc uống thuốc ngủ đến lúc chết thật sự chỉ vỏn vẹn chín giờ. Tất nhiên ông đã uống rất nhiều thuốc ngủ và cách uống cũng thật khoa học nên mới đem lại một cái chết mau chóng như thế.

Theo kết quả phân chất nước tiểu của Nhất Linh có rất nhiều thuốc ngủ (Barbituriques) loại Vénoral.

Nhất Linh mất trong đêm 7-7-1963 rạng ngày 8-7-1963, đúng 1giờ 15 sáng.

Ngay sau khi Nhất Linh mất, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh làm một cuộc phẫu nghiệm tử thi (autopsie) mặc dầu không có sự ưng thuận của gia đình, để tìm hiểu nguyên nhân chết thực sự của Nhất Linh.

Sau đây là nguyên văn bản phúc trình kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Sài Gòn dịch ra tiếng Việt:

Sài Gòn, ngày 15 tháng 7 năm 1963
Số 562/HA

Thử nghiệm độc dược

Chiếu theo giấy số 13.747, ngày 10-7-1963 của Toà án Sài Gòn, xin khám nghiệm nước tiểu, máu và nước rửa bao tử của Nguyễn Tường Tam.

* Tìm chất độc loại hữu cơ trích ra nhờ hơi nước lôi cuốn:
- Tìm chất lân tinh: kết quả không.
- Tìm chất Cyanure: không không.

* Tìm chất cặn để lại bởi éther alcalin:
- Tìm chất alcaloides:

1. Phản ứng Valser và Mayer: kết quả không.

2. Phản ứng Draggendorf: kết quả không.

* Tìm trong chất cặn để lại bởi éther acide:
- Tìm chất digitaline: kết quả không.
- Tìm chất phénol acide salicylique và antipirine: kết quả không.

* Tìm chất barbiturique (thuốc ngủ): kết quả có.

1. Phản ứng kiểm nhận bằng Nitrat mercureux: cặn trắng, rồi sẩm màu rất lẹ.

2. Phản ứng Dengiès (bằng nước trung cách Sulfate mercurique): kết tủa trắng và keo tan trong acide chlorhydrique.

3. Phản ứng Pari: màu đỏ tím rất đẹp.

4. Kiểm nhận bằng phương pháp microcristallosscopie Dengiès: hiện diện của những mảnh hình chữ nhật riêng rẽ hay chụm lại với nhau.

* Kết luận:

Có hiện diện của chất Barbituriques với một mức độ rất cao trong nước tiểu của Nguyễn Tường Tam.

Sau khi kiểm nhận bằng microcristalloscopie ta có thể kết luận chất barbiturique này là loại Véronal.

Trưởng Phòng Thí nghiệm
Phạm Văn Tất


Nguyên văn bản kết quả thử nghiệm viết bằng tiếng Pháp:

Sài Gòn, le 15 Juillet 1963
Số 562/HA

Examen Toxicologique

Ref: Demande d’examen No.13.747 du 10-7-1963 du Tribunal de Sài Gòn, concernant l’analyse de l’urine, du sang et du liquide de lavage gastrique de Nguyễn Tường Tam.

* Recherche des poisons organiques extraits par entrainement à la vapeur d’eau:
- Recherche du phosphore: résultat négatif.
- Recherche des cyanures: résultat négatif.

* Examen du résidu laissé par l’éther alcalin:
- Recherche des alcaloides:

1. Réatif de Valser et Mayer: recherche négative.

2. Réatif de Draggendorf: recherche négative.

* Examen du résidu laissé par l’éther acide:
- Recherche de la digitaline: recherche négative.
- Recherche du phénol, de l’acide salicylique et de l’antipirine: recherche négative.

* Recherche des barbiturique: Recherche positive.

1. Réaction d’identification avec le nitrate mercureux: précipité blanc, fonçant très rapidement.

2. Réaction de Dengiès (avec la solution neutre de sulfate mercurique): précipité blanc gélatineux, soluble dans l’acide chlorhydrique.

3. Réaction de Pari: belle coloration rouge violacée.

4. Identification par microcristallosscopie (Denigès): lamelles rectangulaires isolées ou groupées.

* Conclusion:
Présence des barbituriques à dose très élevée, dans l’urine de Nguyễn Tường Tam.
Par l’identification par microcristalloscopie, on peut conclure que ce barbiturique est du VERONAL.

Le Directeur du Laboratoire

Singé Phạm Văn Tất

Và sau đây là nguyên văn bản phúc trình pháp lý về cuộc phẩm nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam.

Sài Gòn, ngày 9 tháng 7 năm 1963

Bản phúc trình Pháp y về việc phẫu nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam

Ngày 8-7-1963, hồi 16 giờ tại nhà xác Bệnh viện Grall có sự hiện diện của những vị sau đây:
1. Ông Lưu Đình Việp, Biện lý Toà Sài Gòn.
2. Ông Lý Quốc Sỉnh, Phó Biện lý Toà Sài Gòn.
3. Ông Dương Tấn Hữu, Phó Ty Cảnh sát quận I.
4. Ông Nguyễn Tứ Quý, Sở Giảo nghiệm.
5. Ông Trương Tấn Bảo, Sở Giảo nghiệm.
6. Bs. Nguyễn Văn Bổn, Y sĩ Chẩn y viện quận I, Y sĩ Giám định.
7. Bs. Nguyễn Đăng Phong, Y sĩ Trưởng Đô thành.
8. Bs. Đào Huy Chân, Y sĩ Chẩn y viện quận III, Y sĩ Giám định.
9. Bs. Nguyễn Danh Đàn, Thanh tra Bộ Y tế.
10. Bs. Nguyễn Bỉnh Nghiêm, Đại diện Bộ Y tế.
11. Bs. Nguyễn Huy Can, Giảng viên Trường Đại học Y khoa.
12. Bs. Gourillon, Y sĩ giải phẫu Bệnh viện Grall.

Thời gian Nguyễn Tường Tam nằm Bệnh viện Grall

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết giấy tối khẩn gởi Nguyễn Tường Tam vào Bệnh viện Grall, ngày 7-7-1963, hồi 18 giờ. Có mấy chữ như sau: Toan tự tử (không rõ với chất gì). Khi vào đến bệnh viện thì hơi thở, mạch của bệnh nhân rất yếu cho đến nỗi bác sĩ tưởng đã chết rồi.

Sau khi được chữa trị thì hơi thở và mạch khá hơn chút ít.

Bác sĩ điều trị không thấy triệu chứng của một bệnh nên có nghĩ đến sự tự tử bằng chất độc. Tuy nhiên có tìm chất thuốc ngủ trong nước đái bệnh nhân mà không thấy rõ.

Bệnh nhân tắt thở ngày 8-7-1963 hồi 1 giờ 15 phút.

Giảo nghiệm

Muốn cho chắc rằng tử thi đang khám là của Nguyễn Tường Tam, hội đồng nhờ Sở Giảo nghiệm (hai ông Nguyễn Tứ Quý và Trương Tấn Bảo) chụp hình và lăn ngón tay.

Khám tử thi bề ngoài

Do Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn và Đào Huy Chân là hai y sĩ giám định.

Tử thi là một người đàn ông gầy, độ 60 tuổi, râu môi trên và tóc bạc một phần màu muối tiêu.

a. Đầu: Cái mặt không có vết thương nào. Trong miệng không có răng giả, con ngươi mở (mydriase). Tìm kỹ nơi da đầu không thấy thương tích.

b. Cổ: không có thương tích.

c. Tay chân: không có thương tích.

d. Mình mẩy: không có thương tích.

Nơi vùng xương khu (vertébres sacrées) có hai mụn lở (escarres) vì gầy yếu và nằm cấn, ngay những đốt xương D3-D4 có bướu mỡ đo 5cm x 3cm.

Phẫu nghiệm

Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn giải phẫu. Bác sĩ Đào Huy Chân phụ tá.

1. Phổi: Không có bệnh, chỉ đen vì bụi (authracose). Màng phổi không có chi lạ.

2. Tim: Không có bệnh Infarctus. Màng tim không có chi lạ.

3. Bao tử: Không có bệnh. Đầy phân nửa thức ăn. Bao tử được cột hai đầu và lấy nguyên ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo nghiệm.

4. Gan: Phía dưới lá gan có một lằn chai to (bande scléreuse). Ngoài ra không có bệnh chi cả. Gan và túi mật cân nặng 1kg120.

5. Tuỳ tạng (pancréas): không có chi lạ.

6. Lá lách (rate): có vẻ thường.

7. Thận: thận hữu nặng 130gr, thận tả 120gr, không có bệnh.

8. Tuyến thượng thận (glandes surrénales): có vẻ thường.

9. Đầu: da đầu không có thương tích, xương sọ tốt.

10. Óc: không có chảy máu, không có bướu, màng óc (tumeur không có bệnh).

Tìm chất độc. – Có gửi đến Viện Giảo nghiệm:

a. Nguyên cái bao tử với thức ăn.

b. 25cc máu lấy trong tim.

c. 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái. Nước tiểu có vẻ thường.

d. 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalorachidien).

Kết luận:

Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào có thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam.

Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo nghiệm.

Bs. Đào Huy Chân và Bs. Nguyễn Văn Bổn (ký tên)

Và cái kết quả tìm chất độc của Viện Pasteur Sài Gòn do Trưởng Phòng Thí nghiệm Bs. Phạm Văn Tất xác nhận có chất thuốc ngủ (barbiturique) rất nhiều trong nước tiểu đã giải thích được cái chết của Nhất Linh. Bất cứ trong các vụ tự tử bằng chất thuốc ngủ nào, nếu ta tìm thấy trong nước tiểu có chất barbiturique thì nhất định nạn nhân đã uống thuốc ngủ. Đây là bằng chứng của các vụ tự tử vậy.


Kết luận

Về phương diện y học, Nhất Linh đã biết cách tìm một cái chết mau chóng bằng thuốc ngủ pha rượu đến nỗi các y sĩ làm phẫu nghiệm cũng không giải thích nỗi cái chết quá mau lẹ của Nhất Linh.


III. Suy luận về cái chết của Nhất Linh

Nguyễn Tường Tam lúc thiếu thời là một người khoẻ mạnh. Tôi có dịp gặp ông ở nhà riêng ông ở phố Hàng Cau Hà Nội hồi ông mới ở Pháp về và tôi còn nhớ hình ảnh và dáng điệu của một người tráng kiện và lanh lợi.

Sau này lúc mới 50 tuổi, sức khoẻ của ông đã bị sút kém. Thế Uyên cũng viết: “Tuần trước tháng 11 năm 1960, Nhất Linh là một ông già đau ốm đầy vẻ suy tư” (Chân dung Nhất Linh, Tập san Văn xuất bản, SPT số 6/66).

Sao mà ông khỏi ốm được. Mười mấy năm làm văn nghệ không nghỉ, mười mấy năm làm cách mạng, mấy năm lưu lạc, vật chất thì thiếu thốn, tinh thần bị lung lạc. Tất cả những cực nhọc, những lo âu, những thất vọng đã chồng chất lên thể xác ông, tâm thần ông. Tất nhiên sức khoẻ ông phải suy yếu.

Hơn nữa, ông cũng như đa số các nhà văn, thích uống rượu, thích hút thuốc, cả thuốc lá lẫn thuốc lào.

Người ta cho hút thuốc lá, uống rượu là thích thú, hút để giải khuây. Văn sĩ thì lại coi những thứ này như kích thích tố và dùng nó để tăng năng suất hay gây thêm cảm hứng. Nhưng đối với y học thì rượu và thuốc lá, cà-phê không làm tăng năng suất, trái lại, làm giảm trí nhớ, làm cho phản xạ chậm trễ, kém nhạy. Khoa sinh lý thực nghiệm đã nghiên cứu những chất này và coi như là những chất độc có hại cho cơ thể, và giảm thọ con người. Thuốc lá và thuốc lào cũng vậy, làm hại tim và gây ra bệnh ung thư phổi. Còn rượu thì bất cứ rượu nào, kể cả rượu bia, sau một thời gian có thể sinh ra chứng héo gan, hay là chứng loạn óc, tuỳ theo phản ứng cơ thể của mỗi người.

Nhiều nhà văn Việt Nam thích uống rượu, nhưng chắc số người nghiện rượu thì ít, hoạ may có Tản Đà, Nguyễn Tuân; Nguyễn Khuyến ca tụng rượu, di ảnh ông để lại tay cầm chén rượu, nhưng vị tất đã là người nghiện rượu. Còn thanh lý thì đa số người trong nghề viết văn đều nghiện.

Nhất Linh nghiện thuốc lá rất nặng, mỗi ngày hai bao Bastos, ông hút luôn miệng, lại hút cả thuốc lào. Còn rượu thì chắc ông không nghiện bằng Tản Đà. Không biết ông bắt đầu uống từ năm nào, và uống mỗi ngày bao nhiêu và loại rượu gì. Hình như mấy năm sau ông chỉ uống bia thôi. Có lẽ ông cũng thích uống Whisky, chứng cớ là ngày ông tự tử ông uống Whisky Johnnie Walker.

Tường Hùng, cháu gọi Nhất Linh bằng chú viết trong Chân dung Nhất Linh (sđd): “Đã có một dạo cứ buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông uống rượu chỉ để ngủ và lúc say ông chỉ ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không ánh sáng…”. Mấy năm sau theo Bác sĩ Phiếm thì tinh thần ông kém nhiều và tay ông run (tremblement des extrémités). Đây là một triệu chứng của bệnh nghiện rượu.

Thế Uyên, cháu của Nhất Linh, viết trong bài “Người bác” (sđd): “Ông không lên Đà Lạt tu tiên… và bước vào một thời kỳ đau ốm (đau dạ dày) và suy nhược tinh thần. Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhảm: “Lấy hết đi, xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi!”. Tội nghiệp, các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi (mẹ Thế Uyên là em gái Nhất Linh) sau một lần chứng kiến cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi: “Bác điên khôn ghê, chỉ thấy bác đưa vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền cho mẹ con mình nhặt tiêu…”. Rất có thể Nhất Linh giả vờ loạn óc, vì chính quyền Ngô Đình Diệm đang lùng bắt ông. Đây cũng là một lối cải dạng. Ông thích đọc truyện trinh thám và rất quen thuộc với lối cải dạng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm thì Nhất Linh có bệnh thần kinh suy nhược (neurasthénie). Ông đã bị ám ảnh tự sát (obsession par le suicide). Mấy tháng trước, cũng theo Bác sĩ Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính Bác sĩ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dày, chích thuốc Strycnhine. Số lượng thuốc ngủ uống hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Văn Bút.

Nói tóm lại, trước khi tự tử Nhất Linh đã bị tinh thần suy nhược, chúng tôi không dám phê bình tính cách tranh đấu tiêu cực của ông (theo Bác sĩ Phiếm thì ông bị ảnh hưởng sâu xa của cái chết của Thích Quảng Đức). Nhưng đứng về phương diện y học, thì tự tử với tính cách tiêu cực chứng tỏ là Nhất Linh đã bị khủng hoảng tinh thần.

Nguyên do sự khủng hoảng ấy ở đâu mà ra? Vì thế cuộc chăng? Nếu muốn tìm lý do y học thì chỉ có bệnh nghiện rượu mới cắt nghĩa được sự khủng hoảng tinh thần ấy. Bệnh rượu của ông khác bệnh rượu của Tản Đà và ông cũng ít uống, không bằng Tản Đà. Tản Đà sau nhiều năm uống rượu, bị đau gan và chỉ ngông chứ không loạn trí. Còn Nhất Linh tuy thời gian uống rượu ngắn hơn, rượu đã đưa ông đến tình trạng tinh thần suy nhược. Ngoài ra trong tờ trình phẫu nghiệm tử thi, lá gan có một lằn chai (bande de sclérose). Đấy có lẽ là do ảnh hưởng của rượu.

Ta cũng có thể suy luận một cách khác. Nhất Linh đã tự tử không phải tinh thần ông bị suy nhược. Cái chết của ông có thể có một nguyên nhân sâu xa hơn. Bản chất ông là một nghệ sĩ, ông đã sống một cách nghệ sĩ, làm cách mạng như một nghệ sĩ. Rất có thể ông đã mơ ước một cái chết nghệ sĩ.

Người ta đã kể lại nhiều cái chết nghệ sĩ, như cái “chết đẹp”, cái chết “làm dáng” của người đàn bà phấn son xiêm áo chỉnh tề, rồi chất đầy hoa tươi trong phòng ngủ đóng kín cửa lại cho nghẹt hơi mà tự tử. Cái “chết quý phái” của nhà văn Pétrone thời cổ La Mã, trước khi tự tử đã cho đặt một bữa yến tiệc linh đình rồi cắt mạch máu tay mà chết. Gần đây ai cũng bị xúc động vì cái chết cao siêu của Thích Quảng Đức.

Vì Nhất Linh là một nghệ sĩ, nên rất có thể ông mường tượng, ông vuốt về một cái chết đặc biệt, khác thường, một cái “chết đẹp”.

Trong Dòng sông Thanh Thuỷ, năm 1960 ông đã viết:

“Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết, là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một nguồn vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô; không có sự chết, không có sự sống, mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa”.

Theo giả thuyết trên đây thì cái chết của Nhất Linh không phải là cái chết “tiêu cực” của một tình trạng tinh thần suy nhược, mà cái chết của ông đã được xếp đặt theo sở cầu của ông. Ông muốn cái chết của ông sẽ đạt hai mục đích:

* Một là mục đích chính trị, ông định tự tử vào ngày “song thất” [1] để gây một tiếng vang trên thế giới và đánh một đòn nặng vào chính thể Ngô Đình Diệm.
* Mục đích thứ hai là để thoả mãn cái sở cầu thiên tính nghệ sĩ của ông. Ông vừa uống rượu Whisky vừa uống thuốc ngủ. Phải chăng ông muốn một cái chết say sưa, êm đềm và cũng vui như một giấc mơ của Thanh trong Dòng sông Thanh Thuỷ vậy.


IV. Kết luận

Trên đây là những nét chính về bệnh tật của Nhất Linh mà chúng tôi suy luận ra, căn cứ vào những tài liệu đã xuất bản, và lời chứng của Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Những suy luận này rất có thể có điều thiếu sót và sai lầm. Còn cái chết của Nhất Linh là một sự kiện với tất cả những chi tiết chính xác. Tôi thành kính ghi những chi tiết này để gởi vào lịch sử.


[1]Mồng 7 tháng 7, ngày kỷ niệm nhậm chức của Ngô Đình Diệm.
Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sự: 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyễn Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). Thư từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thư ký toà soạn). Giao thiệp trực tiếp ông Gia Tuấn (phụ tá thư ký toà soạn). In tại nhà in riêng của báo Văn. Quản lý: cô Nguyễn Thị Tuấn. Giá 280đ. [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ một vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách].