Hiển thị các bài đăng có nhãn VŨ KÝ - Hội An. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VŨ KÝ - Hội An. Hiển thị tất cả bài đăng

7/8/10

VŨ KÝ - Hội An, thành phố của hoài niệm

Hội An, thành phố của hoài niệm
Written by Vũ Ký


Trích từ đặc san Quảng Nam Ðà Nẵng 2001-Dallas Fortworth
Hội An, thành phố của hoài niệm



Cũng lại là một trong nhiều hiện tượng nữa, qua những nhân vật đã đến với cuộc sống bình lặng của Hội An tỉnh lẽ theo dòng hoài niệm của tôi. Ðó là nhà văn Phạm văn Hạnh, một đồng nghiệp dạy trường Viên Minh với tôi bấy giờ. Suốt ngày im hơi lặng tiếng không nói nên lời, không biết khi giảng bài thì anh làm sao. Tính tình rất dễ thương, anh Hạnh có rất nhiều cảm tình ngầm với các tiểu thư phố Hội. Anh lại có thói quen khác thường gần như một cố tật, làm ngạc nhiên rất nhiều người hiếu kỳ bấy giờ, là chiều Chủ Nhật nào cũng vậy, anh cùng với một thanh niên nữa, tuy ít học nhưng ăn bận chĩnh tề, cả hai lầm lì thả bộ rong chơi từ khắp các đường phố mãi đến ngoại ô. Một cuộc du ngoạn thông lệ khá lạ kỳ khó hiểu làm đề tài bình luận cho dân cả thành phố. Thêm nữa, tôi cũng vô cùng bùi ngùi nhớ đến các buổi chiều Chủ Nhật: Tạ Ký - cậu học sinh của tôi ở trường Viên Minh bấy giờ - rời nhà trọ học ở Hội An tìm đến thăm thầy để rồi hai thầy trò, đúng ra là hai anh em, rảo bước dạo chơi khắp phố phường của thị xã bé nhỏ nầy.


Nào con đường Chùa Cầu có cái tên Pháp, gợi chính nền văn hóa xa xưa: "Rue du Pont Japonais" và con đường Quảng Ðông (Rue des Cantonais) song song từ đầu đến cuối thành phố, chạy dài ra mãi ngoại ô đầy những xóm nhà chi chít lụp xụp nằm không cân đối ở hai bên vệ đường đá sỏi. "Chùa Cầu" (Chùa Nhật Bổn) tối om, trên lợp mái ngói thấp trệt với những thanh gỗ bắc ngang qua con sông hẹp, mỗi khi có xe cộ lưu thông rung rinh vang lên các âm thanh rập rình liên tiếp. Dưới cầu, dòng nước róc rách không ngừng, chỉ nghe tiếng nước mà không thấy dòng nước chảy đâu hết. Một cái chùa nhỏ - thấy đó mà không bao giờ tôi bước chân vào - được dựng lên giữa cầu ở hai bên trông thật ngộ nghĩnh. Ở đầu và cuối cầu, có hai bàn thờ bằng gỗ đỏ chói, hai con khỉ đội khăn đỏ ngộ nghĩnh, ngồi lầm lì, khói hương nghi ngút...Thầy trò chúng tôi đã nhiều lần dừng lại cầu, chiêm ngưỡng hai cái tượng khỉ với nhiều cảm xúc hay hay...

Chạy dài theo bờ sông, các ngôi nhà xăm xắp chuyên buôn các hàng hóa mà ghe thuyền chở đến hoặc chở đi từng đợt nhộn nhịp, rộn ràng. Và đây Hội An, một giang cảng có một lịch sử xa xưa đầy tính quốc tê khá phồn thịnh trong chiều dài của văn hóa Việt xây dựng nên nền văn minh Cổ Việt. Mùi cá tôm, mùi nước mắm hăng hắc, mùi nước sông vừa lạnh vừa hôi, một thứ rong rêu của thủy thổ địa phương xứ Quảng làm cho người địa phương càng đi xa quê hương, lạc lòi nhiều tháng năm trên miền đất lạ, càng bùi ngùi thương nhớ về phố Hội, nhớ cảnh tấp nập ở bờ sông ấy.

Hai thầy trò chúng tôi lủi thủi dạo chơi, ngắm nhìn cảnh vật như những kẻ hiếu kỳ vô công rỗi nghề cô độc. Rồi có lúc hai thầy trò tạt vào tiệm "cao lầu" ông Cảnh, với các hàng song gỗ bắt chéo như mặt võng, hắt cả ra một luồng khói mịt mờ thơm phức bay đến tận ngoài đường phố, "kêu" vài tô thưởng thức mùi vị đặc sản Hội An.

Có những buổi chiều nắng xuống, khí hậu dịu hẳn, gió phất phơ từ Cửa Ðại thổi lên mát rượi, thầy trò lạc vào các ngôi chùa cổ, lớn có, nhỏ có, rải rác đây đó khắp thành phố; nào chùa Phúc Kiến, chùa Triều Châu, chùa Quảng Triệu, chùa Hải Nam... chiêm ngưỡng các tượng Thần, Ông Thiện, Ông Ac, Quan Công, Tề Thiên Ðại Thánh...hùng hỗ nghênh ngang chen lẫn với các tượng Phật từ bi, thanh thoát. Mỗi chùa là một thắng cảnh mang sắc thái riêng nhưng tổng hợp lại dựng nên cái sơ đồ biểu hiện văn hóa Ðông Phương khó ai lầm lẫn được của một nước Việt cổ xưa, đệ tử trung thành của bậc thầy Trung Hoa lão đại. Nhiều lúc lặng đứng trầm ngâm hằng giờ trước các công trình chạm trỗ li ti, sơn phết vàng son đỏ chói ấy đầy tính nghệ thuật giữa mùi nhang khói, mùi đèn sáp vừa thơm vừa khét, cái mùi khó tả, mùi không khí đông đặc đọng lại của loại đền chùa ngày này qua tháng nọ khép cửa triền miên tạo nên đạo vị tôn giáo muôn thuở của phố Hội nghìn đời.

Tôi đã có dịp dừng chân hồi còn sinh viên trên khắp một số lớn các thành phố miền Trung như Thanh Hóa, Lệ Thủy, Ba Ðồn ở Quảng Bình, Quảng ngãi, Qui Nhơn, Sông Cầu, Nha Trang v..v... phần nhiều là các thị trấn tỉnh lỵ, nhưng không đâu bằng Hội An với quang cảnh, hình nét riêng biệt của nó, gieo vào tâm hồn du khách bao hoài niệm trầm tư trổi dậy về ta, về người, về mình, về khách, về chủ...nhiều và rộn ràng như thế, sâu đến thế...theo chiều dài của lịch sử nước Việt cộng với sự chung đụng mật thiết, trộn lẫn Tây, Tàu, Nhật, Việt, Bồ, Hòa Lan, Y Pha Nho và còn ai đó nữa trên đất Hội An.

Theo nhà khảo cổ A. Sallet, trong bài viết "Le Vieux Faifo" thì người Bồ Ðào Nha như giáo sĩ Borri chẳng han đã đến Hội An rất sớm vào năm 1618.

Trong "Phủ Biên Tạp Lục" của văn hào Lê Quý Ðôn, vào năm 1771, Hội An đã có 16 thuyền ngoại quốc cặp bến. Dom Jao, năm 1617, Phó Vương Bồ ở Ấn Ðộ tâu về nước rằng: "Hội An là một hải cảng của Cochinchina có rất nhiều ích lợi cho ta vì vị trí rất tốt, đối diện với Manila, gần Macao và ta có thể mua đủ các thứ lụa".

Vào thời kỳ cực thịnh vàng son của nó, - theo nhà báo Pháp Pierre Bigorgne viết trong "Những phóng sự lớn" (Paris tháng 2/2000 số 217) thì Hội An đã cạnh tranh rất thắng lợi với những hải cảng lớn ở A châu, như Macao. Bây giờ, bao tang thương xảy đến, ở đó, những ngôi nhà xưa lở lói soi bóng xuống mặt nước sông Thu Bồn, mà cát bồi mãi mãi làm xa phố Hội khỏi bờ biển đến gần 3 cây số. Một giang cảnh mà cũng là thương cảng ở trung tâm nước Việt, trên các con đường hàng hải quan trọng; từ thế kỷ 16, Hội An đã là một thương cảng quốc tế. Tàu buôn từ tứ phương đến, nào Tàu, nào Nhật, Hòa Lan, Ấn độ đặt văn phòng, vị trí buôn bán trên thành phố. Nhưng từ 1636, quốc vương Nhật bế quan tỏa cảng, không giao thương nữa với nước ngoài thì các tàu buôn Nhật rời khỏi Hội An, để khoảng trống ấy cho thương gia người Tàu đến càng ngày càng rộn rịp. Vì thế mà còn di tích Chùa Cầu Nhật Bổn và sau đó là các chùa chiềng, các kiến trúc theo lối Tàu ở Hội An. Màu đỏ chói, màu vàng ối với các rồng, các phượng trang trí rực rỡ các đền chùa, các đình miếu và các ngôi nhà công cộng của các bang Hoa Kiều... Hội An ngày nay đếm lại còn hơn 50 ngôi đền, chùa và đình công cộng của các bang Tàu.

Theo L.Cadière, nhà truyền giáo Pháp am hiểu nhiều về tình hình Việt Nam ngày trước, trong bài viết "Le Quartier des Arènes" năm 1919 thì vào năm 1666, vợ chồng Phó vương Jao đến Hải Phố (Hội An) thăm các Cha Dòng Tên, khi lên bờ được rước theo nghi vệ long trọng, có kèn, có cáng lụa. Và Hải Phố trở nên một thủ phủ rất quan trọng về chính trị, kinh tế lẫn tôn giáo. Việc buôn bán ở đó vô cùng phồn thịnh, người Nhật, người Hòa Lan lẫn người Tàu là kẻ tiền phong đến kinh doanh trên xứ sở ta, chính vì thê mà mỗi phiến đá, mỗi viên gạch lót đường nhẵn thín, mỗi miếng vách lở lói của chùa chiền, đền đài ở phố Hội đều rên rỉ lên trong âm thầm câm lặng cái tiểu sử sầu nặng thời gian của mình trên dòng Cổ Việt rất xa xưa.

Nếu Hội An với cầu, với chùa. với nhà cửa đầy cảnh sắc Tàu là một mảnh Quảng Ðông, Phúc Kiến, Trùng Khánh di cư từ thuở nào xuống miền Trung nước Việt, bao giờ nó cũng để lại đây nét tàn phai của một cung phi rủ buồn muôn thuở, thì Cửa Hàn - bấy giờ với cái tên Pháp là Tourane - trên đất Quảng, xa cách đó hơn ba mươi cây số, là một thiếu nữ đương thì vươn lên sức sống tráng kiện vô cùng để chinh phục và lôi cuốn tất cả thổ dân.

Tôi còn nhớ hồi học lớp Nhất Tiểu học Pháp, trong cuốn "Les Cinq Fleurs", một nhà văn thực dân đã diễn tả bằng một câu văn ngắn mà nêu rõ đặc trưng sinh hoạt, vị thế của hai thị trấn anh em nầy thành lập khít nhau trên chéo đất eo hẹp xứ Quảng: "Thành phố nầy giết dần giêt mòn thành phố kia" (Celui-ci tue lentement celui-là).

Cho đến nay, câu nói trên của Jean Marquet vẫn còn đúng và đúng hơn nữa với thời gian là khác. Nếu phố Hội là dung mạo về chiều của một cung nữ héo úa thì ngộ thay, bà mẹ già quá thời nầy luyến tiếc thời vang bóng, gieo rắc sau gót hài của mình cả một thế hệ tiểu thư tràn đầy hương sắc, những ái nữ yêu kiều thanh tú dệt bao nét diễm lệ trinh nhã cho phố Hội bấy giờ, vướng vít hoài niệm, vương vấn trong ký ức bao chàng trai, sinh viên từ các tỉnh lạ đã có thời đi ngang qua bất chợt hoặc lưu lại ở đó nhiều ngày trên đoạn đường giang hồ son trẻ của mình.

Hội An, thành phố của chào mừng Tình Yêu, của Welcome Tuổi Trẻ ngay buổi đầu sơ ngộ. Quê hương của một số thiếu nữ mỹ miều, dễ thương, tình tứ, lãng mạn bên trong mà kiêu sa đoan cách bên ngoài. Không biết bây giờ, cách xa quá nửa phần thế kỷ, tâm tình mỹ cảm ấy còn gây xao xuyến cõi lòng các cô gái Hội An và các chàng trai Quảng Ðà xuất thân từ các trường Trung học trong vùng như Ðà Nẵng, Huế và nhất là ở chính trường Viên Minh, được xem như một thứ "Viện Ðại Học" đầu tiên của địa phương cao cấp nhất.

Hội An, một tỉnh lỵ nhỏ xíu, không sôi động lắm nhưng có lắm tao nhân mặc khách của văn chương nghệ thuật ái mộ, vẻ xinh xinh tĩnh lặng của nó lại được trang điểm thêm, trung bình nhiều hơn các thị trấn khác của miền Trung, bởi một quần tinh bông hoa đẹp vừa có tâm hồn vừa có nết na khiêm ái.

Hoặc họ là nữ sinh đang học hay đã thôi học ở trường Trung học địa phương Viên Minh, hoặc trước kia hay bấy giờ là nữ sinh trường Ðồng Khánh Huế, trường Trung học Jeanne d’ Arc ở cố đô Hà Nội. Mỗi kỳ hè rộn rịp về thăm gia đình kéo theo nhiều bạn gái khác hoặc vô tình "đèo" theo một số nam sinh viên đa cảm "ái mộ ngầm" các nàng từ bao giờ, lấy cớ là đi chơi hè, tạm trú một thời gian ở phố Hội để may ra có dịp làm quen qua đường hay là muôn thuở.

Vài ba nhóm kiều nữ kết thành những cụm hoa xinh xắn, nào Khánh V., Thuý V., (Nhị Kiều), nào Bích D., Tâm Th., Tô thị B.H., nào Ai T., L. Hương, Bích H.. v.v.. mỗi người một vẻ, duyên dáng, sầu mộng, thích buồn vẩn vơ hay nhí nhảnh yêu đời...(Có kiều nương nào chúng tôi quên, xin hãy âm thầm tự nhiên nhắc thêm tên mình vào và cho tôi lời đại xá).

Tôi cũng nhớ một buổi tiệc gia đình mà một nhân vật địa phương là cụ Hường Ng. thết đãi chúng tôi, những vị giáo sư của trường Trung học lớn của địa phương bấy giờ, trường Viên Minh. Hai ái nữ lễ phép, dịu dàng tiếp khách là cô L.D. và L.H. làm cho các bạn giáo sư sinh viên chúng tôi bấy giờ bồi hồi xúc cảm. Nghe đâu một nàng đã không còn trên cõi đời, còn cô em ở Sài Gòn hương sắc về chiều vẫn còn giữ vẻ đằm thắm thời xuân. Ðối với chúng tôi, nàng không là nữ sinh của mình để kết thành một mối tình không tưởng trong tác phẩm "Nỗi Lòng" tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn thời nào!

Bên cạnh số thiếu nữ của các vọng tộc địa phương, còn có vài ba bông sắc lạ đã sinh ra trên đất khách của một miền Cổ Việt xa xăm: đó là các thiếu nữ Minh Hương có rất nhiều Tàu, một ít Việt hay ngược lại. Họ nhập bọn hòa đồng kết thành hương sắc vuờn hoa phố Hội thuở bấy giờ. Trong số ấy có người đẹp họ Diệp, cô Diệp T.V., người nữ sinh dễ thương trường Quảng Triệu của Tàu đã gợi cho chúng tôi nhiều khắng khít cao thượng về tình đồng chí, những liên tưởng khó quên về ý thức cách mạng của nàng. Cô Diệp T.V. là ái nữ của một đại gia đình Trung Hoa khả kính, bén gốc rể thâm niên ở phố Hội không biết tự bao giờ, chủ nhân một cơ sở thương mãi có truyền thống kinh doanh lớn và đứng đắn. Một mẩu văn nhân, thi sĩ nhạy cảm, tài hoa đang trưởng thành với một nét đẹp Tàu duyên dáng, cô D. cũng là đối tượng ái mộ thầm kín của nhiều thanh niên từ xa đến và của nhà văn và giáo sư Phạm Văn Hạnh nữa.

Hiện nàng (đã thành Bà rồi) sống với con cháu ở vùng Vịnh, Hoa Kỳ, có thể bà nhìn cảnh núi đồi sông bể nước non nơi quê hương ly khách mà nhớ lại bao hoài niệm vui buồn, bi hùng dính cứng con người mình với chéo đất ngàn thu oai hùng xứ Quảng, từ hồi nàng chỉ là một nữ sinh ngoại kiều nhí nhảnh, thùy mị của trường Quảng Triệu.

Bây giờ, ngồi viết đôi dòng hoài niệm xa xưa trên dòng đời viễn khách, tôi đã điện đàm với Bà để nhờ Bà nhớ thêm những dư âm, dư hương nào Bà còn giữ được về thời vang bóng ấy...Và Bà đã ngậm ngùi trả lời: "Thôi nhắc lại làm chi cái thời xa lắc đó!" Nhưng với một nhà văn thì càng xa trong ký ức, càng gần về kỷ niệm và chôn chặt một kỷ niệm trong cõi lòng tức là giữ mãi trong tim đó vậy! úng tôi cũng thành tâm ghi ơn người thiếu nữ mảnh mai ấy của dòng máu son sắt nước ngoài về công trạng nàng đóng góp cho bước đầu đấu tranh vì sinh tồn của chính nghĩa quyết liệt trên đất Quảng.

Tôi sẽ trở lại với vài mẩu hành trình cách mạng khả kính của cô Diệp và cô Trần Thị S. ở một bài sau: "Hội An theo dòng hoài niệm cách mạng, chính trị".

Một vài giai thoại tình duyên vui vui đã diễn ra với sắc thái đặc biệt mà bối cảnh tình trường vẫn là Hội An, làm cho tôi nhớ đến sức quyến rủ khác thường của phố Hội: Một người bạn sinh viên trường Luật ở Hà Nội - anh N. T.V.- nghe tôi tâng bốc người đẹp, cảnh đẹp Hội An hơn cả Sầm Sơn, Ðồ Sơn bấy giờ (tôi cường điệu một chút cho thêm hấp dẫn vì mối tình quê mặn nồng) bèn khăn gói lên đường, thong dong về chơi hè ở phố Hội suốt hai tháng trời. Trên chuyến xe đò Tourane - Vĩnh-Ðiện, anh bị "hớp hồn" (lời anh nói) bởi khoé mắt Thúy Kiều, lời ăn nói dịu dàng, đôi má hồng ửng đỏ của cô nữ sinh nhà ở phố Chùa Cầu bấy giờ là cô Tô Thị Bạch H. (nếu tôi nhớ không sai). Thế là "cái phút ban đầu lưu luyến ấy" dẫn đến cuộc tình kín đáo kéo dài trong hai năm trời: Nào cùng dạo chơi Cửa Ðại, nào ngắm cảnh Non Nước hữu tình và rồi những cánh thư màu hồng, màu xanh tiếp nhau phấp phới...Nhưng hè năm sau, khi trở lại định làm lễ thành hôn với nàng thì nàng xin lỗi hẹn vì không muốn xa rời phố cổ Hội An. Sau đó thì "đã trâm gãy bình rơi bao giờ", nàng bạo bệnh qua đời vào năm 1947. Và nàng cũng là đối tượng yêu thầm nhớ trộm của người học sinh lỗi lạc của tôi, nhà học giả N.T. hồi đó.

Một sinh viên năm cuối ở Phân khoa Thủy lâm Hà Nội là anh Trần V.S. quê Lệ Thủy, Quảng Bình được tôi ân cần khuyên nên vào Hội An chơi hè. Chân ướt, chân ráo mới đến năm ba ngày đã được nhà bà Phán T. đường Phúc Kiến mời về kèm Pháp văn cho cô X.T. ái nữ của bà. Tia mắt ướt của người đẹp nữ sinh đã gặp mối xúc cảm đa tình của chàng sinh viên xứ lạ, để rồi được kết thúc bằng lời "thệ hải" mặn nồng. Thế là hè năm sau, chàng đưa nàng với đủ "lễ nghi quân cách" về miền Bắc Trung phần. Ðược cái vui sướng làm chứng nhân số một, tôi cũng đóng vai "ông mai dong" danh dự tình cờ! Bây giờ nhớ lại, viết khúc trường thiên hoài niệm về Hội An: "Tài Hoa và Lãng Mạn", cảnh cũ không còn mà người xưa cũng biền biệt ở phương trời!

Nhắc đến chuổi ngày xưa ngắn, đẹp, thời xuân tình tuổi trẻ sinh viên, bên cạnh tôi có vài bạn tâm tình vong niên bây giờ, chính gốc Hội An, bén nhạy, xúc cảm, luyến lưu về đất Quảng thuở nào nhằm biểu đồng tình với tôi "ta cùng nòi tình thương người đồng điệu", thiệt là tâm đầu ý hợp đó vậy. Hội An, bối cảnh những mối tơ duyên ngẫu hợp bỗng thành thiên thu "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ!". Bao hoài niệm mênh mang của người lữ khách trong cảnh vật đổi sao dời, từ chân trời quê cũ đến góc bể xa xăm diệu vợi, khoảng cách thời gian quá hơn nửa phần thế kỷ. Rất nhớ! Rất thương!

Bên cạnh các cô gái Hội an nhí nhảnh, hiền vui ấy, còn ngự trị một thế hệ đứng tuổi cũng đầy tài hoa, đức hạnh làm thành một giai cấp nữ lưu nho nhỏ khả kính trang trí cho cảnh sắc phố Hội. Ðó là bà Tống K., Hiệu trưởng trường Nữ Tiểu Học Hội An (hiện ở WA.DC). Tôi nhớ lại bà và phu quân - một trí thức địa phương hiền đức - đã thết đãi tôi một bữa tiệc tri tình lúc tôi đi tù Việt Minh về (1954); đó là cô Trần Thị S. nữ giáo viên mà cũng là một nữ nhân sĩ cách mạng trí thức tiền phong của tỉnh (tôi đã nói ở trên).và nay cô đã mất rồi.

Bà Ðốc Hồ, một nhà thơ tài tử, có tài trào phúng ý nhị, thường xướng họa thơ Ðường với các văn nhân thi sĩ; bà Phi Y. với chồng, những thương gia giàu lòng hào hiệp; bà Huỳnh Tân một thời là hoa khôi và Giám đốc trường Nữ Trung học Jeanne d’ Arc và trường Trung học Hoài Ðức Hà Nội. Tôi cũng không quên những chàng trai Hội An thuở ấy có nhiều cá tính lãng mạn như nhạc sĩ La Hối mà chúng tôi thường gặp bên cạnh phòng hình Lệ ảnh, một tiệm hình nổi tiếng về nghệ thuật cao và đẹp nhất ở miền Trung được "giải thưởng về thu hình đẹp nhất".

Nói đến nhạc sĩ La Hối là nói đến một danh tài bạc mệnh với nhạc phẩm "Xuân và Tuổi Trẻ" nổi danh, mà một nhạc sư bấy giờ đánh giá là bản nhạc độc đáo, vui tươi, yêu dời, chói rạng của thanh thiếu niên nam nữ buổi xuân thì trong nền âm nhạc Việt Nam cận đại. Tiếc thay, thời cuộc chính trị khắc nghiệt đã thổi tắt một ngôi sao trên vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa chớm sáng. Còn chàng thi sĩ Vũ Hân vì mặc cảm nào đó cho nên ít tìm gặp chúng tôi, chỉ giao duyên văn tự qua vài câu chuyện qua đường, thường là với anh Phạm Văn Hạnh.

Phong trà thính thông lệ của chúng tôi - những thanh niên lạc lòi tránh bom đạn từ Hà Nội về tỉnh lẻ - là Pharmacie Huỳnh Quang Ðại, mới mở ở đường Quảng Ðông, thơm phức những ngào ngạt của mùi nước hoa "Eau De Cologne" thoát ra từ phòng bào chế của chàng dược sĩ vừa xuất thân từ phân khoa Dược của Viện Ðại học Hà Nội. Anh Ðại là bạn hữu chí thiết của nhóm chúng tôi bấy giờ. Ðộc nhất ở Hội An còn có một "cơ quan truyền thông" tư nhân, thực ra là một cửa hàng bán báo sách rất khiêm nhường của một thanh niên đứng tuổi, bảng hiệu Trường Xuân, nằm duới bờ sông, bên hông chợ, thường bán các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Ðàn Bà, Loa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm...từ Hà Nội gởi vào. Ðó cũng là nơi lui tới chuyện vãn của những người yêu văn thơ, sính tin tức, thèm báo chí, tin văn học khắp nước, phần lớn từ Hà Nội, Huế truyền đi. Nói đến các nhà thơ, văn tài tử, số tiêu thụ văn chương nghệ thuật ở Hội An so vào dân số Quảng Nam quá ít thì ở Hội An nhiều độc giả hơn và mật độ thi văn nhân lớn hơn các tỉnh khác. Ðó cũng là đặc trưng văn nghệ trí thức của nơi đã sản sinh ra "Ngũ Phụng Tề Phi" và "Tứ Hùng, Tứ Kiệt" mà trong các đặc san Quảng Ðà khắp nơi trên thế giới đều có nói đến và có khi nói lầm nữa là khác với rất nhiều hãnh diện và trang trọng.

Hội An bấy giờ còn là nơi dừng chân lưu luyến của các nghệ sĩ trong các Ban Ca Kịch nổi tiếng của Hà Thành hoa lệ, nào là ban kịch Anh Vũ, ban kịch Thế Lữ về đó lưu diễn nhiều ngày từ Hội An đến Tourane (tên gọi Ðà Nẵng lúc bấy giờ) rồi Bảo An, Vĩnh Ðiện...

ững nhân vật văn, kịch nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Ðoàn Phú Tứ, Vi Huyền Ðắc, Phạm Văn Hạnh....không tiếc lời ca ngợi tính hiếu khách đón mời khả ái nồng nàn của nguời xứ Quảng đông đảo trai thanh, gái lịch ái mộ. Họ từ biệt phố Hội An lên đường về Bắc mà còn hẹn hò ngày trở lại với tất cả nhớ nhung lưu luyến. Nhưng rồi không bao giờ và không biết đến bao giờ vì chiến cuộc sôi động khắp nước. Hội An có tất cả cái hợp sắc, hợp lưu cổ kính theo chiều dài của nền cổ sử mà cũng có những tình tứ lãng mạn của những đứa con yêu, kiều nữ xinh xinh mang theo trong cặp sách đến trường bao mộng đẹp tình hoa sánh đôi cùng những chàng trai hào hoa tinh nghịch, đa cảm, đa tình, đắm say hương sắc một thời đến nổi lãng quên nghề nghiên bút. Bùi Giáng, cố thi sĩ đất Quảng, gởi đến cho tôi năm trước mấy vần thơ làm vội gọi là dể tặng vòm trời quê hương mình đôi làn tơ sầu muộn của chàng cuồng sĩ tài hoa:

Hội An

Mơ màng phố cũ hoang liêu
Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An
Tờ mây chan chứa mộng vàng
Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa
Mừng vui giọt tuổi chan hoa
Bước đi từ đó gió xa bay về
Ngậm ngùi đàn lệ ai nghe
Cộ nguồn bên tháng năm thề xẻ chia
Dấu mờ hoen hận còn kia
Hồn trăng soi bóng sầu khuya một bờ.

Bùi Giáng


Vũ Ký (Bruxelles 99)