Thứ Sáu, tháng 12 04, 2015
Tự Sát Hơn Tự Vệ
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 151204
Khi các nền văn minh muốn tự sát
Đúng 20 ngày sau vụ khủng bố tại Paris, thành phố San Bernadino của tiểu bang California lại bị chấn động vì một vụ tàn sát làm 14 người thiệt mạng, 21 người bị thương vào trưa mùng hai Tháng 12. Bị cảnh sát truy lùng, hai nghi can đã nổ súng và bị bắn hạ, là vợ chồng Syed (đọc như Said, tiếng Á Rập có nghĩa là vui vẻ) Rizwan Farook 28 tuổi và Tashfeen Malik, 27 tuổi. Hình như một nghi can thứ ba cũng bị bắt sau vụ đấu súng. Cuộc điều tra đang tiến hành và nhà chức trách không loại bỏ giả thuyết khủng bố nên cơ quan FBI được trao nhiệm vụ điều tra: các hung thủ mặc áo giáp, sử dụng súng tấn công, tự động, và có thể cả máy quay phim Go Pro rất chuyên nghiệp.
Vụ tàn sát tại San Bernadino kéo dài từ 11 giờ trưa đến chiều trong sự kinh hoàng của nước Mỹ. Nhưng, như mọi khi, dù chưa biết nguyên nhân và nội tình, các chính trị gia liền nhảy vào ăn có!
Tổng thống Barack Obama kết án không khí bạo động và kêu gọi mọi người duyệt xét lại chính sách kiểm soát súng. Ông hồ đồ kết luận rằng sở dĩ hành vi bạo động này thường xảy ra là vì người Mỹ mua súng quá dễ. Giới dân cử bên đảng Dân Chủ cũng hàm hồ không kém khi đả kích lời cầu nguyện của giới dân cử bên Cộng Hòa: vấn đề không phải là cầu nguyện mà là hạn chế việc mua súng. Hết súng là xong?
Tức là chưa biết nếp tẻ, người ta khai thác sự xúc động của dân Mỹ về vụ tàn sát để vận động việc cấm bán súng lục, hand gun, là chủ trương phổ biến bên cánh tả.
Dân Pháp không có truyền sống mang súng như dân Mỹ và nước Pháp có luật lệ kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất Âu Châu, hơn hẳn Hoa Kỳ, nhưng trong 12 tháng đã ba lần bị khủng bố tấn công bằng súng, đem từ nơi khác vào!
Dân Pháp không có truyền sống mang súng như dân Mỹ và nước Pháp có luật lệ kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất Âu Châu, hơn hẳn Hoa Kỳ, nhưng trong 12 tháng đã ba lần bị khủng bố tấn công bằng súng, đem từ nơi khác vào!
Vài giờ sau, nhà chức trách California cho biết các hung thủ của vụ San Bernardino đã dùng súng tự động, loại M-15 chế tạo cho quân đội và cảnh sát, và cả bốn khẩu được mua hợp lệ. Vì vậy, nội dung không hẳn là một phản ứng giận dữ điên cuồng nơi sở làm và dẫn đến tai họa vì người ta quá dễ mua súng lục bắn tràn vào người vô can – là trường hợp cũng quá phổ biến. Mục tiêu có thể là ý thức hệ, và hành động tàn sát có khi xuất phát từ ý chí khủng bố của một số người Hồi giáo quá khích, mặc dù hung thủ bị cảnh sát bắn hạ là công dân Mỹ, Sayed Farook sinh tại Hoa Kỳ, lấy vợ là người gốc Pakistan….
Phản ứng hồ đồ chính giới Mỹ - khai thác lòng dân vì mục tiêu chính trị - khiến chúng ta cần lùi lại nhìn toàn cảnh. Người ta cứ lo sợ nạn khủng bố tự sát nhưng chính là hệ thống văn hóa chính trị của các nước Tây phương, Âu Châu và Hoa Kỳ, đang có khuynh hướng tự sát! Đức Giáo hoàng không sai khi nói rằng thế giới đang gặp Thế chiến III. Mà loài người không biết.
Obama: "Mấy người vi phạm khoản 12276.1 của Đạo luật mang súng đấy nhé!"
Obama: "Mấy người vi phạm khoản 12276.1 của Đạo luật mang súng đấy nhé!"
Hãy trở lại chuyện Âu Châu đã.
Vụ khủng bố hôm Thứ Sáu 13 tại Paris vào tháng trước không làm Âu Châu tan rã nhưng thúc đẩy mầm tan rã đã có từ trước vì quá nhiều sức ly tâm bên trong.
Vụ khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo tại Trung Đông - nội chiến giữa hai hệ phái Sunni và Shia; nội chiến bên trong hệ phái Sunni; xung đột giữa cả chục giáo phái và thị tộc; sự sụp đổ của các “quốc gia” giả tạo như Lebanon, Syria hay Iraq, thành hình từ 100 năm trước do “Hiệp ước Sykes-Picot” của Anh và Pháp năm 1916 – đã đẩy làn sóng nạn dân vào bến bờ Âu Châu và gây ra vụ khủng hoảng di dân. Vụ khủng hoảng di dân bùng nổ khi Âu Châu chưa ra khỏi khủng hỏang tài chánh của khối Euro, và kinh tế Âu Châu bị suy trầm. Nạn khủng bố càng khiến kinh tế từ suy trầm sẽ trụt xuống suy thoái, ngân sách tăng chi cho nhu cầu an ninh quốc phòng, và đào sâu khủng hoảng kinh tế tài chánh trong nhiều năm tới.
Chúng ta có quá nhiều chữ “khủng” trong này.
Nhìn ngược về sau, Liên hiệp Âu châu (Liên Âu) ngày càng chứng minh rằng lý tưởng hội nhập không là ý chí liên kết các giá trị tinh thần của cả tập thể mà chỉ là sự hợp tác của một câu lạc bộ kinh tế không có thực quyền chính trị. Lý tưởng hội nhập chỉ vì lợi ích kinh tế đang phai mờ vì kinh tế sa sút và làm giới lãnh đạo không thể giải thích cho cử tri là vì sao nên sống chung hay nên hội nhập. Các đảng phái truyền thống và chính khách chuyên nghiệp đểu bị cử tri nghi ngờ và các khuynh hướng cực đoan, từ cực tả đến cực hữu, đang thắng thế. Vì không khí tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ cũng có sắc thái tương tự nên chúng ta nhìn thấy một trào lưu chung, rất Âu-Mỹ.
Kết quả là Âu Châu sẽ bao cấp hơn theo cánh tả, hoặc kỳ thị hơn theo cánh hữu. Đấy là sự rạn nứt chính trị cũng có thấy trong tinh thần quá phân cực của xã hội Hoa Kỳ.
Nhìn ngược lên trên, về văn hóa thì Âu Châu và cả nền văn minh Thiên Chúa Giáo đang mất dần ý thức tự vệ. Người ta hết xiển dương đức tin tôn giáo, coi thường Thượng Đế và tinh thần bác ái – rộng yêu người khác – mà chú trọng tới sở thích riêng trong tinh thần phóng dật và phóng túng. Những người chú ý đến yếu tố tinh thần thì lui về chủ nghĩa quốc gia dân tộc – của từng nước – vừa xa rời lý tưởng hội nhập của Liên Âu vừa có tính chất kỳ thị. Nếp văn hóa ấy khiến Âu Châu không chống đỡ được đà tấn công của phong trào Thánh Chiến và lý luận quá khích của đạo Hồi mà cũng chả hội nhập được các nạn dân đến từ vùng lửa đạn bên dưới.
Kết hợp chuyện chính trị với văn hóa, các chính quyền Âu Châu nói chung đều lặng lẽ từ bỏ những cam kết và các hiệp ước của mình. Hiệp ước Schengen về quyền tự do lưu thông và di trú giữa 26 nước bị lặng lẽ khai tử, việc kiểm soát biên giới được tăng cường. Từng nhóm quốc gia tìm lại sự liên kết xa xưa, khi Âu Châu còn là một tập hợp của các Đế quốc tranh hùng bằng võ khí. Ngay sau vụ khủng bố tại Paris, Hòa Lan đề nghị thành lập một “Schengen nhỏ” gồm có Đức, Áo, Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg, mà không có Pháp. Ngẫu nhiên sao, đấy là ranh giới của “Thánh chế La Mã” hay “Đế quốc La Mã Thần thánh” (Holy Roman Empire) vào cuối Thế kỷ 18.
Hậu quả?
Vương quốc Anh thống nhất United Kingdom càng hết thống nhất vì có khi mất Scotland. Và nước Anh có thể rút khỏi Liên Âu sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017. Một động lực hay lý do chính là làn sóng di dân và cách ứng xử của Đức, một cường quốc có sinh suất quá thấp, đẻ con ít nhất Âu Châu nên cần di dân. Không còn ở trong Liên Âu, Anh quốc hết là nước Anh. Không có Anh quốc, Liên Âu cũng mất một chân kiềng và không còn một tiếng nói chừng mực và tỉnh táo giữa những bát nháo của thủ đô Bruxelles.
Thủ đô Bruxelles bất lực sẽ hậm hực ban hành biện pháp trừng phạt các quốc gia không chịu nhận hạn ngạch di dân được ở trên “chia” cho mình, khiến nhiều nước càng muốn ly khai vì hết mối lợi khi nằm trong Liên Âu.
Mà đấy là chuyện… nhỏ.
Hậu quả rộng lớn và nguy kịch hơn là Âu Châu sẽ có hai khối - và khối chuyện.
Khuynh hướng quốc gia cực đoan bên cánh hữu dẫn tới sự hình thành của các chính quyền bảo thủ, nghi ngờ Âu Châu và đòi xé chiếu ngồi riêng. Hãy nhìn vào các nước hiền hòa tại Bắc Âu như Thụy Điển hay Phần Lan thì ta biết sợ. Còn lại, các quốc gia gắn bó với lý tưởng Âu Châu sẽ thi hành chánh sách kinh tế bao cấp của cánh tả, làm Âu Châu thêm kiệt quệ, tư doanh hết thở và Âu Châu mất sức cạnh tranh!
Khi con người hết nhìn chung một hướng và tài vật hết lưu thông tự do vì bị kiểm soát và canh chừng ở từng biên giới, thì luật lệ của Âu Châu bị phá giá, hết giá trị, và lý tưởng hội nhập Âu Châu hết lý do tồn tại. Nạn nhân đầu tiên, trong năm tới, sẽ là đồng Euro. Sau đó là cả Liên Âu.
Thành thử, vấn đề không còn là Âu Châu có tan rã hay không mà là mau hay chậm! Sau đó là gì, xin đọc lại lịch sử hắc ám của lục địa này. Nhưng khác với trước kia, lần này Âu Châu còn bị một làn sóng hắc ám hơn đang đe dọa tại miền Nam.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ làm gì? Tri hô về nạn nhiệt hóa địa cầu, về hiệu ứng nhà kiếng. Và liên tục dẹp loạn vì nạn cảnh sát bắn người da đen trong khi một số phần tử da đen lại cho rằng bắn cảnh sát là thể hiện chính nghĩa giải phóng. Và về đối ngoại, Hoa Kỳ thoái thác trách nhiệm, chỉ muốn lãnh đạo từ đằng sau, bằng quyền lực mềm. Với lãnh đạo như vậy, Minh ước NATO sẽ tính sao giữa “Kẽ hở Suwalki” (nối liền đất Kalinigrad của Nga với Belarus chư hầu của Nga trên vùng biển Baltic) và trận địa Syria có Liên bang Nga tham dự và đang không chiến và khẩu chiến, đấu súng và đấu khẩu, với Thổ Nhì Kỳ, thành viên Hồi giáo duy nhất của Âu Châu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét