Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Trọng Tạo - Ấn Tượng Hoàng Cầm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Trọng Tạo - Ấn Tượng Hoàng Cầm. Hiển thị tất cả bài đăng

25/6/11

Nguyễn Trọng Tạo - Ấn Tượng Hoàng Cầm

Ấn Tượng Hoàng Cầm


Nguyễn Trọng Tạo

Quả là thơ Hoàng Cầm có một ma lực kỳ lạ ở sự cách tân, ở hồn cốt văn hóa làng quê Việt. Có lẽ vì thế mà Trần Dần gọi Hoàng Cầm là “nhà tân cổ điển”.



Không hiểu sao trong tâm thức thơ ca của tôi luôn ám ảnh bởi Hàn Mặc Tử và Hoàng Cầm, dù thơ của hai thi sỹ này rất khác nhau về hồn thơ và giọng điệu. Hàn Mặc Tử thăng hoa cõi trần vào cõi mơ: Thơ có tích và chiêm bao có tuổi, Hoàng Cầm lại phất cánh diều thơ từ trầm tích của văn hóa Kinh Bắc Giải yếm lòng trai mải phất cờ; Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi (1940) cũng là lúc Hoàng Cầm 18 tuổi xuất hiện trong làng thơ và tới những năm tuổi bảy mươi vẫn còn sung bút. Tôi nhớ hồi nhỏ đã từng chép tay hàng chục bài thơ của Hàn Mặc Tử, và sau chiến tranh trở về Hà Nội (1976), tôi lại mải miết chép vào sổ tay tập thơ VỀ KINH BẮC từ bản thảo của Hoàng Cầm, bởi thơ ông rất lôi hút những nhà thơ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Quả là thơ Hoàng Cầm có một ma lực kỳ lạ ở sự cách tân, ở hồn cốt văn hóa làng quê Việt. Có lẽ vì thế mà Trần Dần gọi Hoàng Cầm là “nhà tân cổ điển”.

Thực ra, thế hệ chúng tôi lớn lên sau vụ Nhân văn - Giai phẩm ít được đọc Hoàng Cầm dù trước cách mạng 1945 ông đã đóng góp không nhỏ cho kịch thơ với hai vở Hận Nam Quan và Kiều Loan cùng với những bài thơ kháng chiến, tiêu biểu là Bên kia sông Đuống nổi tiếng và trường ca Tiếng hát Quan họ. Thơ của ông đẹp một vẻ đẹp thướt tha mà lại dạt dào, hào sảng:

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Những hình ảnh thân thương gần gũi của quê làng vào thơ ông bỗng trở nên sang trọng lạ lùng.

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng

Nói như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì thơ Hoàng Cầm “trầm đầy một nỗi phương Đông”. Đúng như vậy, cái “nỗi phương Đông” luôn “trầm đầy” chính là nhờ ông đã nhập hoà hồn thơ mình vào chiều sâu văn hóa Việt để rồi hiện ra trên trang giấy với dáng vẻ năng động của thơ mới trong sự luân chuyển về hiện đại.

30 năm vắng bóng trên thi đàn (1958-1988) lại chính là thời gian mà Hoàng Cầm đã tạo nên sự đột khởi trong nghiệp thơ của ông bằng tập VỀ KINH BẮC và nhiều tập thơ lẻ như MEN ĐÁ VÀNG, MƯA THUẬN THÀNH, 99 BÀI TÌNH, v..v... Nhiều bài thơ trong những tập thơ này, mà đặc biệt là tập VỀ KINH BẮC đã trở thành “ngôn truyền” trong công chúng với những Lá Diêu Bông, Quả Vườn Ổi, Cây Tam Cúc, Cỏ Bồng Thi... Theo Hoàng Cầm thì VỀ KINH BẮC chính là tập thơ cột sống của đời ông. Đây là một tập thơ mà tinh túy của văn hoá Quan họ - Kinh Bắc đã được chưng cất, kết đọng lại. Ông chia tập thơ thành các “nhịp” với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như nén lại để rồi làm thăng hoa thơ Việt trong một không gian, thời gian thực ảo biến hoá khôn lường. Đọc thơ ông, ta gặp một con người Việt nguyên khôi qua hơi thở của lục bát, ngũ ngôn và nhịp tự do tài tình lướt qua khuôn phép. Chính vì thế mà thơ ông không cũ đi trong cổ điển, và cũng không quá xa lạ trong hiện đại. Nhiều câu thơ của ông đầy tài hoa, quyến rũ, khiến người đã "phải lòng" rồi thì không thể nào dứt ra được nữa:

- Vắt áo nghe thầm tiêng vải kêu
- Một con mèo mướp ruỗi chân chiều
- Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín
- Ta con chào mào khát nước
về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
- Ta con chim cu về gù rặng tre
mang nắng ấu thơ về sân đất trắng
- Chị gánh gạo về nhà phú hộ
nứt vai thành sẹo lá lan đao
..........

Mảng thơ tình của Hoàng Cầm lại là một đóng góp đáng kể về cảm giác tình yêu trong thơ ta. Đấy là một cảm giác si mê hưng phấn trong ái tình, mà có người nhầm tưởng là kích động nhục cảm. Ví dụ những câu thơ rất gợi này:

Chân em dài đi không biết mỏi
Má hồng em lại nổi
đồng mùa nước lụt mênh mông
Lưng thon thon cắm sào em đợi
Đào giếng sâu rồi
đừng lấp vội đầu xanh

Những chân dài, má hồng, lưng thon khiến ta nhớ tới "trường túc", "hồng nhan", "chiết yêu" trong quan niệm tính dục của người Tàu, nhưng khi những chi tiết ấy vào thơ Hoàng Cầm nó đã được Việt hóa một cách thần tình, khiến cho câu thơ trở nên lung linh tơ lụa bọc che những ẩn dụ xa xăm.

Thực ra, nhục cảm trong thơ tình Hoàng Cầm luôn đa nghĩa, mà cuối cùng hướng về cái đẹp e ấp luôn có nguy cơ biến mất. Trong đời thực, Hoàng Cầm là một người đa cảm và cũng đa tình lắm. Da trắng, môi son vẫn còn phảng phất trên gương mặt chữ điền dưới mái đầu bạc trắng như cước. Cho dù khi đã gần tuổi 80, ông vẫn thường khát khao một mối tình chân thành, đắm đuối. Có lẽ nhờ thế mà trái tim trong thơ ông vẫn rộn ràng những điệu nhạc xa xăm:

Ai bảy mươi tươi ròn
Nằm mơ đưa võng mẹ
Ru say dòng mẫu hệ
Vòng tay quê bế bồng

hoặc:

Em ơi! Em ơi!
Tóc xanh bạc óng
Như hai con sóng
Dễ gì chẻ đôi...

Ngoài tình yêu và thơ ca, Hoàng Cầm cũng là người còn nhiều đam mê khác. Mươi năm lại đây, nhiều bài phê bình, tiểu luận và hồi ký của ông thường làm giật mình người đọc về một trí tuệ và khả năng sung mãn trong sáng tạo. Có thể nói ông là một người thẩm thấu văn chương rất tài tình, tinh tế và nhạy cảm. Không chỉ chia sẻ với các nhà văn nhà thơ cùng thời, mà ông rất gần gũi với cả những thế hệ sau. Ông viết phê bình, giới thiệu thơ của nhiều nhà thơ chống Mỹ với lòng ưu ái và nể trọng. Những bài viết gom nhặt cái hay cái đẹp như vậy bao giờ cũng chân tình và hứng thú. Khi không còn sức để đọc nhiều nữa, ông vẫn dành thời gian đọc những người trẻ, chỉ bảo và cổ súy họ. Có lẽ nhờ thế mà sáng tác của Hoàng Cầm không bị già cỗi, không bị tụt hậu như một số người cao tuổỉ khác. Gần đây ông cho in tập VĂN XUÔI HOÀNG CẦM khoảng 500 trang đã cung cấp cho bạn đọc nhiều điều lý thú bất ngờ. Văn xuôi của ông bộc lộ một bề dày văn hóa cùng những trải nghiệm về đời, về nghề vô cùng sâu sắc và bay bổng. Có cảm giác dòng sông tâm hồn ông lúc nào cũng đầy ắp những con sóng dạt dào trẻ trung và ngọt mát.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Cầm vẫn khao khát được chung tay với Hội Nhà văn ra một tờ báo THƠ để thúc đẩy thơ ca ngày càng đạt tới những thành công mới và đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu thơ. Đọc những lời tâm sự của ông trên báo, càng thấy khát vọng ấy của ông nhức nhối đến chừng nào: “Thơ là một mặt vô cùng trọng yếu của đời sống tinh thần dân tộc ta, thì lại không có một tờ báo dẫu chỉ là hai trang thôi! Lấy đâu ra sức mạnh đẩy thơ lên tới mức hiện đại hóa văn chương và nghệ thuật cho kịp với các trào lưu thế giới?”...

Những khao khát của Hoàng Cầm là khao khát nghiêm cẩn. Cũng chính những khát vọng ấy đã giúp ông vượt qua bao trắc trở thị phi bi kịch không đáng có trên con đường văn học. Và giờ đây, khát vọng vẫn nâng đỡ cho ông chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, với gánh nặng tuổi tác, giành lại những phút giây sáng tạo cuối cùng. Hôm qua, tới thăm ông tại nhà riêng, tôi thấy ông nằm trong căn phòng kính tận tầng 4 căn nhà 43 Lý Quốc Sư. Hai năm nay ông đã nằm như vậy sau một cú ngã cầu thang gãy xương đùi. Ông “nằm nghiêng nghiêng” trường kỳ như vậy không biết sẽ đến bao giờ. Năm nay ông đã 86 tuổi. Tôi nói rằng, ông xứng đáng giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông cười nói: Giải thưởng Nhà Nước cũng là vinh dự lắm rồi. Được Nhà Nước tặng giải thưởng này, cũng có nghĩa là mình đã được “phục hồi” thật sự, phục hồi công khai. Mà lại có tiền để chữa bệnh, để sống thêm những ngày cuối cùng. Ông khoe với tôi mấy bài thơ mới mà ông vẫn còn tiếp tục sửa chữa. Nhìn ông tóc bạc, da trắng, môi son và cặp mắt ánh lên những tia sáng đắm đuối, tôi như thấy cả thời tuổi trẻ của ông vẫn còn song hành cùng ông trên con đường văn chương đầy mê đắm.

Hà Nội, 8.2004 – 2.2007

NGUYỄN TRỌNG TẠO