Cái sướng của kẻ cầm… bút
22/04/2009 | 1:40 sáng |
Tác giả: Vy Huyền
Chuyên mục: Báo chí - Truyền thông
Thẻ: văn hoá tranh luận
Quyền lực của cây bút là bất tận. Nói theo lối giang hồ, cây bút của người viết tựa cây kiếm của một kiếm thủ. Cao thủ tài ba, ngọn bút tài ba. Cây bút có thể “giết” thanh danh của một hay nhiều người. Nó không cướp đi mạng sống, thể xác, nhưng dễ cướp đi danh dự. Những kẻ bị ngòi bút hạ bệ, nếu sống, cũng lao đao - hay đôi khi sống chẳng ra gì. Ngược lại, khi quyền lực của cây bút bị sử dụng lệch lạc, không những nó không gây được ảnh hưởng như bài viết mong muốn, mà ngược lại, còn trở thành sự “hiếp dâm” con mắt độc giả.
Nhân đọc bài tranh luận về kẻ sĩ Trịnh Công Sơn của Trương Thái Du, và cú đáp trả “điệu nghệ” của Đào Hiếu, tự nhiên tôi thấy cái sướng của kẻ cầm bút lan sang cả tôi. Đây cũng là điều thường thấy trong các bài viết, và khi ở trong giới hạn cho phép, chúng dễ được chấp nhận hay cho qua. Nhưng khi nó đi xa quá với giới hạn, điển hình như trong hai bài viết của Trương Thái Du và Đào Hiếu thì nó làm người đọc “choáng”. Xin nêu ra vài điều.
“Tự sướng”
Cái sướng của người cầm bút, trước hết, là “tự sướng”. Mà không tự sướng sao được, chỉ cần tung vài “cú” trong một bài viết đôi ba trang, là ta đây có thể làm được vô số điều.
- Hạ bệ nhau
Con người, đa số thích được khen. Nếu không ai khen ta, thì chê kẻ khác cũng là một cách tự khen - “sướng”. Cái này, đôi khi còn sướng hơn cả tự khen. Trương Thái Du làm rất tốt điều đó, nhất là với những ai không thích Trịnh Công Sơn và nhạc của ông. Chỉ trong chớp mắt, Trịnh Công Sơn đã là một nhạc sĩ thường thường bậc trung, không đáng bàn đến.
Đào Hiếu cũng không kém bằng cách gõ đầu “cậu em” Trương Thái Du mà bảo rằng - em chẳng biết “cảm thụ” nghệ thuật. Đọc đến khúc này, tôi cứ liên tưởng rằng nếu Đào Hiếu và Trương Thái Du mà ngồi chén thù chén tạc cùng nhau, có khi Đào Hiếu sẽ xỉa mặt thằng em mà nói rằng “Chú em mày thì biết đ… gì về nghệ thuật mà bàn”.
Cách xưng hô trong bài viết cũng là một cách để hạ nhau. Vừa đọc xong câu đầu tiên trong bài của Đào Hiếu, qua cách xưng hô, tôi đã mường tượng rằng Đào Hiếu tự cho mình chiếu trên, Trương Thái Du chiếu dưới. Không những vậy, cái lối “nể” trong ngoặc kép của Đào Hiếu phải khiến tôi, dù muốn dù không, nghĩ rằng Đào Hiếu chẳng coi cái mớ kiến thức của Trương Thái Du ra gì. Nhưng đã không ngang hàng thì sao tranh luận? Một khi thằng em đã bị cho ngồi chiếu dưới thì dù có gào la vọng lên, thằng anh ở chiếu trên cũng không thể nghe, hay không thèm nghe tới. Đôi khi, “tao”-”mày” nghe thô thiển, nhưng phù hợp hơn.
- Ta chỉ nói những gì ta thích
Người viết có quyền lựa chọn những điều mình muốn nói, như ông tướng ra trận sắp xếp quân sao có lợi cho mình. Tài “điều binh khiển tướng” này đương nhiên là lợi hại. Như Trương Thái Du chê Trịnh Công Sơn là “sến”, hay chỉ “thích” nói đến hai bài “Em ở nông trường em ra biên giới” và “Huyền thoại Mẹ” mà “quên” đi mấy trăm bài khác của Trịnh Công Sơn.
Trương Thái Du cũng quên rằng Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ có ảnh hưởng - tích cực hay tiệu cực - rất lớn đến thế hệ trẻ miền Nam Việt Nam trước 1975 (1). Thế hệ thanh niên giữa thời chinh chiến, khi nghe “Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương” (2) thì sao không nao lòng? Và người ta có thể la lớn rằng tôi không thích Trịnh Công Sơn hay nhạc của ông, nhưng ít ai nói rằng “tao không biết bài Diễm xưa”. Người ta có thể trách ông rằng hai bài “Em ở nông trường em ra biên giới” và “Huyền thoại Mẹ” khác hẳn với một Trịnh Công Sơn mà người ta từng biết, nhưng ít người phủ nhận ông là một nhạc sĩ phổ thông, là người đã rung dòng nhạc của mình trong con tim của nhiều người, nhiều thế hệ. Công tâm mà nói, hai bài đó đại diện cho khúc trũng trong sự nghiệp sáng tác của ông, nhưng chúng là gì trong cái sự nghiệp đồ sộ mà ông để lại? Nếu dùng chúng để chứng minh sự a dua thì có thể đúng, nhưng dùng nó để đánh giá sự nghiệp của ông thì sai.
Những điều ta “thích” nói không thể che giấu đi sự thật của vấn đề, dù ta “thích” hay không thích.
- Ta thích gì ta nói nấy
Đây là cái đại sướng, vì không ai có thể cản ta, dù những gì ta nói đôi khi sai.
Trương Thái Du “thích” nên gọi Trịnh Công Sơn là “sến” và gọi cả “Cát bụi” là bolero. Ở đây, bolero trong khái niệm của Trương Thái Du là rất lớn (nên xin được viết nghiêng). Nếu “Cát bụi” được coi là bolero thì hầu như toàn bộ nền âm nhạc miền Nam Việt Nam đều là bolero cả. Trương Thái Du có vẻ không thích nhạc ủy mị, nhưng việc xếp “Cát bụi” vào dòng bolero cho thấy không những ông không hiểu gì về nhạc Trịnh, mà lại càng chẳng biết mấy về bolero.
Nói về chữ “sến” trong bài của Trương Thái Du, cũng nên bàn về chữ “sến” và “bolero” đã được gắn với dòng nhạc buồn, ủy mị mà người ta gọi là “nhạc Vàng”. Nhạc - “Sến” - là một từ không nằm trong tự điển tiếng Việt (3) nhưng lại được sử dụng rất nhiều để phân loại những bài hát buồn thê lương, đa phần ở thể điệu bolero. Nhiều người sử dụng từ này như để phân cách giữa những bài nhạc “sang” (tích cực và cao cấp) với những bài nhạc “sến” (tiêu cực và bình dân), tùy theo cảm nhận của mỗi người.
Cách phân loại “sến”, “sang” này không hoàn hảo, và đôi khi dựa nhiều vào cảm tính, nhưng từ lâu nó đã trở thành một khái niệm mơ hồ để phân loại nhạc bình dân, với những bài hát ca từ bóng bẩy, cao xa và đôi khi khó hiểu. Trương Thái Du có thể không “thích” Trịnh Công Sơn, nhưng biến những sáng tác của ông, những bài mà từ lâu người ta vẫn nôm na xếp vào hàng nhạc “sang”, thành “sến” là điều sai không những trong cách đánh giá một nền âm nhạc mà còn trong cả cái khái niệm “sang” “sến” lệch lạc từ lâu đã được dùng đến. Và có lẽ cũng không nên quên rằng cái “sến” hay cái “ủy mị” của nền âm nhạc miền Nam, nếu có, là sản phẩm của một xã hội (tương đối được) tự do sáng tác, và là điểm son nghệ thuật gắn liền với một giai đoạn lịch sử thảm khốc của Việt Nam thế kỷ 20. Nó khác xa với dòng nhạc tuyên truyền kiểm duyệt sặc mùi máu kiểu “Pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ. (4)
Đào Hiếu “thích” nên phê “em” Trương Thái Du là không biết “cảm thụ nghệ thuật”. Phải chăng vì Trương Thái Du không thích Trịnh Công Sơn, nên mới bị gán cho cái “tật” ngặt nghèo này? Đây cũng không phải là lần đầu Đào Hiếu tung “búa” lớn. Trong bài “Obama và hơn thế nữa”, Đào Hiếu cũng đã hơn một lần dõng dạc Obama là “sự chọn lựa của các thế lực tài phiệt Mỹ”. Tôi đã thầm “khâm phục” cái khả năng “tung chưởng” của Đào Hiếu, nhất là khi ông không hề đưa một dẫn chứng nào cho một kết luận kiểu như vậy. Tôi muốn tin rằng Đào Hiếu là một nhân vật tầm cỡ, am hiểu nội tình chính quyền Mỹ, hoặc đã tham khảo nhiều tài liệu giá trị về một vị tổng thống tại vị chưa được 100 ngày, và nhờ vậy nên có thể đưa ra những kết luận “sét đánh” như thế.
Nhưng không, tôi không tìm thấy tư liệu chứng minh cho kết luận của bài viết. Bài viết kiểu như vậy không hơn, xin lỗi, một bài viết “lá cải”.
- Khoe kiến thức và những lỗ hổng khổng lồ
Đó là một cách tự diễn của người viết, nhưng khi dùng sai hay quá đà, nó trở thành lố bịch.
Trương Thái Du kết luận Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ “xoàng”, nhưng trước hết, để làm được điều đó, thì phải kéo từ Lý Cao Tông, Nguyễn Thường đến… Nguyễn Hữu Liêm, từ Văn Cao đến Yoshimi Tendo, rồi cả Dương Hùng, Thái Mão, Đổng Trác… tóm lại, toàn “đao to búa lớn”. Trình diễn kiến thức vòng vo như vậy để rồi chỉ đưa ra một kết luận “hùng hồn” và không thuyết phục.
“Dễ dãi tuyền giọng mi thứ”: Tôi khoái nhất ý này của Trương Thái Du, vì nó lộ ra cái lỗ kiến thức khổng lồ. E rằng đa số những tay chơi guitar văn nghệ, mà ở miền Nam Việt Nam ngày trước có lẽ rất nhiều, khi nghe đến câu này thì sẽ vỗ đùi đắc ý mừng run, vì Mi thứ và La thứ đơn giản, dễ “chấn” hơn mấy cái hợp âm ác ôn kia. Nhưng sao lại gọi là dễ dãi? Phải chăng, đó là bước đệm để Trương Thái Du “ném” ông nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam thế kỷ 20 và cả những sáng tác của ông vào trong xó xỉnh nào đó của lịch sử?!
- “Đình đám”
Một khi những điều ta viết là trung tâm chú ý của công luận, thì ta hiển nhiên trở thành một nhân vật nổi tiếng. Cứ xem trường hợp Trịnh Cung thì rõ. Họa sĩ (tự đổi sang) họ Trịnh cho ra một bài gây đầy tranh cãi về Trịnh Công Sơn ngay trong ngày giỗ của nhạc sĩ họ Trịnh, và ngay lập tức trở thành “hiện tượng” của tháng. Những điều Trịnh Cung viết là thật hay không thật, phải hay không phải đối với Trịnh Công Sơn, xin nhường lại cho những người của cả hai cánh ủng hộ và không ủng hộ luận bàn.
“Sướng lan”
Ngoài cái tự sướng, cái sướng còn lan truyền ra cả những người ủng hộ quan điểm. Quan điểm đó đúng hay sai, đôi khi cần sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Nếu tôi là người “phù Trương Thái Du”, một người chưa từng nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhẹ dạ, hay là người của một trăm năm nữa, khi nghiên cứu, tìm hiểu mà đọc trúng bài này… thì khi đọc xong bài viết “Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn”, tôi sẽ tin và/hoặc nhớ rằng:
- Trịnh Công Sơn là người viết ra một loại nhạc ủy mị, ru ngủ.
- Trịnh Công Sơn là một tay nhạc sĩ thường thường bậc trung, không có thành tựu gì đặc biệt, chẳng qua những người sinh ra trong cảnh lầm than thời chinh chiến tìm đến nhạc của ông như một cách giải thoát, hay một sự đồng cảm quái lạ, như dân Nhật chẳng hạn.
- Trịnh Công Sơn là một tay a dua, khi thì thế này, khi thì thế nọ. Lúc thì phản chiến, lúc thì “Em ở nông trường em ra biên giới”, ôi thôi thôi… không biết đường nào mà lần.
- Trịnh Công Sơn là người viết “những mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ nhàm chán”.
Nói tóm lại, Trịnh Công Sơn chẳng là cái đinh gì cả… Nếu vậy, cớ sao phải thắc mắc Trịnh Công Sơn có là kẻ sĩ hay không là kẻ sĩ? Đó là cái sướng lan từ người viết qua người đọc - sự sung sướng của một kẻ vừa thấy một kẻ khác hạ bệ một người - trong trường hợp này là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nếu tôi là người “phù Đào Hiếu”, hay nhẹ dạ, đọc xong bài “Màng nhĩ hay yên ngựa”, tôi sẽ tin và/hoặc nhớ rằng:
- Trương Thái Du thuộc hàng đàn em của Đào Hiếu.
- Trương Thái Du không biết cảm thụ nghệ thuật.
- Trương Thái Du viết chỉ để khoe mẽ, nhưng thật sự là “tấm ngực lép kẹp” - rỗng tuyếch.
- Trương Thái Du không am hiểu, hay dốt về nhạc, khi dám nói nhạc Trịnh Công Sơn chỉ là một “mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng Mi thứ”. Bằng cách là ông anh chỉ cho thằng em thấy hàng loạt những bài khác ở Fa trưởng, Rê trưởng, Đô thứ, Fa thứ…
- Nhạc với Trương Thái Du như “đàn gảy tai trâu”, hay đứt/chạm dây “thần kinh rung động”, nên không cảm được nhạc Trịnh Công Sơn. Đương nhiên, nếu đó là sự thật, thì ngay cả khi ông anh Đào Hiếu mang cái búa đàn anh ra nện, “yên ngựa” chắc sẽ không thèm nghe.
Tóm lại, so với Đào Hiếu, thì Trương Thái Du kém xa, nhất là trong khoản cảm thụ nghệ thuật. Đó là cái sướng lan từ một Đào Hiếu, lan sang cả những người “phù Trịnh” hay cả những người bất bình với Trương Thái Du.
Và văn hoá tranh luận
Những bài viết quá đà tự chúng đẩy chúng ra khỏi phạm vi mà chúng muốn hay hy vọng làm - trình bày và bảo vệ quan điểm của chúng. Một bài tranh luận hợp lý và tích cực, bao giờ cũng phải đưa ra những nguồn, những thông tin đáng tin cậy để có thể đưa ra một kết luận công bằng. Thông tin một chiều bao giờ cũng gây hoài nghi và không có lối thoát. Một bài tranh luận hợp lý và tích cực còn phải đặt đối tượng mà mình muốn/cần tranh luận vào vị trí ngang hàng với chính mình. Một khi anh không công tâm với người anh đang tranh luận, thì làm sao độc giả tin rằng những gì anh nói là đáng được tin? Xin đừng để những cái “sướng” của cá nhân trở thành những cái gai trong con mắt độc giả.
Vy Huyền
1. Độc giả có thể tham khảo thêm nghiên cứu “Hiện tượng Trịnh Công Sơn” của John Schafer về sự ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn đối với xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975.
2. Xin mặt trời ngủ yên – Sáng tác Trịnh Công Sơn
3. Tham khảo Đại tự điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên. Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, 1998.
4. Hành khúc ngày và đêm – Sáng tác Phan Huỳnh Điểu
Create PDF
Phản hồi
2 phản hồi (bài “Cái sướng của kẻ cầm… bút”)
1.
NguyenAustin nói:
22/04/2009 lúc 10:12 chiều
Không phải là “cái gai” nhưng có lẽ nó cũng là hạt bụi trong mắt. Xin trích: “Dễ dãi tuyền giọng mi thứ”: Tôi khoái nhất ý này của Trương Thái Du, vì nó lộ ra cái lỗ kiến thức khổng lồ.”. Những ai chơi guitar (không cần phải ở miền Nam ngày trước) đều biết rằng chỉ cần với hai ngón là có thể tạo nên hợp âm mi thứ và những hợp âm thứ (mineur) đều mang âm hưởng buồn tủi, da diết,… nói chung là négatif so với hợp âm trưởng (majeur) (trừ những nhạc sĩ siêu hạng mới dùng mineur để diễn tả cái vui nhộn,… positif). Nhiều người đồng ý rằng về lời TCS là “phù thủy” nhưng về nhạc, TCS không phải là bậc thầy như những nhạc sĩ khác (chẳng hạn như Phạm Duy). Trương Thái Du gán lên nhạc của TCS hai tính chất: dễ dãi và buồn tủi là dựa trên những kiến thức về nhạc lý như vừa phân tích. Điều này cho thấy TTD không phải là người có con số không về kiến thức âm nhạc. Sao Vi Huyền lại cho rằng “nó lộ ra một lỗ kiến thức khổng lồ”. Xin hỏi kiến thức mà VH đề cập là kiến thức gì? Và nó có khổng lồ như VH “phán”?
Đời bầy cuộc vui. Không có TCS thì Trịnh Cung lấy gì mà viết? Không có TC thì TTD và Đào Hiếu lấy gì để “tự sướng”? Và rồi không có TTD và ĐH thì VH lấy gì để mà… viết (không biết có tự sướng không?). Tôi không nói “Văn là người”, nhưng người thì chắc chắn là tổ hợp của “thất tình lục dục”. Vì vậy “tự sướng” hay “sướng lan” trong một cuộc vui nhỏ chỉ là chuyện… “vui thôi mà!” (chữ của Bùi Giáng). Có cần phải serious quá như khi bàn về lẽ huyền vi của trời đất không? Thưa ông Huyền Vi, ủa lộn, xin lỗi, Vi Huyền?
© talawas 2009