Hiển thị các bài đăng có nhãn CON CÓC - TRAN T. DUNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CON CÓC - TRAN T. DUNG. Hiển thị tất cả bài đăng

2/7/07

TRẦN TIẾN DŨNG - Cú nhảy của con cóc

TRẦN TIẾN DŨNG
Cú nhảy của con cóc


Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Trong bài thơ ngắn và hầu như người Việt Nam ai cũng biết này, con cóc là nhân vật duy nhất.Từ cách nhìn tổng thể phổ quát chúng ta quan sát con cóc, quan sát về thực thể. Con cóc bao gồm: thể chất vật lý và tâm lý. Lập tức sẽ có người phản đối: Con cóc làm gì có tâm lý (điều phản đối này là đúng, nhưng không phải tuyệt đối đúng, bởi ai trong chúng ta cũng có lúc bắt gặp gương mặt con cóc nhìn vào chúng ta rồi cười cười). Nhưng trong phạm vi bài này chúng ta hãy tạm giả định con cóc có tâm lý. Bây giờ con cóc đã tròn đủ thể chất tâm lý và sinh lý con người. Như con người, theo quan điểm nhà Phật thì năm uẩn* của con cóc này được chi phối, điều hành của uẩn thứ năm là thức uẩn. Thí dụ như chúng ta nhìn, nhưng sự thấy biết là do thức năng của nhãn thức chứ không phải là do con mắt. Nếu con mắt tự thấy mà không cần đến thức của nó thì khi móc con mắt ra ngoài, con mắt đó của ta có thấy hay không ? Bây giờ trở lại cách nhìn không phân biệt, con cóc là một hợp thể tổng hòa của năm uẩn, con cóc này (như người) chỉ tồn tại theo một chu kì và được giới hạn bởi hai đầu sinh và tử. Trở lại với bài thơ, chúng ta đọc "con cóc trong hang", trong hang chứ không phải là cái hang, nên đó không phải là nơi chốn khu biệt, trong hang chữ chỉ định này chính xác tới mức mở ra cõi vô biên trong hun hút và tiếp đó "con cóc nhảy ra". Có ba chữ nhảy trong bài thơ, chữ nhảy trong câu đầu tiên không đơn thuần là cử động nhảy, đi, bò… của động vật, chữ nhảy này, theo tôi, còn mang ý nghĩa là sự sinh của con cóc. Tôi hiểu chữ này như hiểu tiếng lọt lòng. Bởi vì người ta không nói con người sinh ra từ cái lòng, sự sinh của con người được gọi đơn giản là lọt lòng nên chữ lòng ở đây có giá trị là chữ trong. Tuy lòng được gói bằng da và trong được phủ bằng đất đá nhưng cả hai đều được bảo bọc từ không gian chung, không gian có sự sống. Trong ý nghĩa đó chúng ta và con cóc cùng được sinh ra từ trong lòng vô biên vô lượng của thế giới này. Tiếp tục, trong khổ thứ hai của bài thơ "con cóc ngồi đó" hình ảnh này không chỉ in đậm vào nhãn thức của chúng ta mà còn giúp năm uẩn của chúng ta tự tỉnh thức khỏi giấc tất bật, lăng xăng… chúng ta sẽ nhìn lại chính việc đi đứng nằm ngồi của mình cũng trơ trọi giống hệt như "con cóc ngồi đó", vậy thôi !
Nếu chúng ta lúc này nhìn con cóc và nhìn chính chúng ta qua góc nhìn bám chặt vào từng đơn vị đặc thù thì cái mà chúng ta gọi là con cóc, con người sẽ không còn nữa. Bởi lẽ, những tập khí nghiệp thức của chúng ta từ nhiều kiếp sống trong quá-khứ hình thành và bản thể những khí chất đầu tiên cũng chỉ là tương duyên, không ngã tính. Hơn thế nữa, dưới lăng kính của từng đơn vị đặc thù riêng cái chân, riêng cái tay, hay riêng ý thức… từng phần đó không đủ để gọi là con người. Con người chỉ có thể hiện hữu khi có đủ, tổng hòa các yếu tố tâm lý và vật lý. "con cóc ngồi đó" như chúng ta ngồi đó để phơi bày bản chất sự sống vật lý và tâm lý, phơi bày sự sinh-diệt trong từng khoảnh khắc. Điều đó cho thấy năm uẩn của con cóc và của chúng ta hoàn toàn không có tự tính hay ngã tính nào. Nó không phải là thực thể hiện hữu, nó chỉ là tiến trình hiện hữu và "con cóc nhảy đi" chuyện tất nhiên phải vậy thôi ! nhảy đi là hành động tiếp nối tiến trình chiều dọc của thời gian vật lý và vòng tròn sinh hóa của thời gian tâm lý. Chẳng phải là trong từng khoảnh khắc chúng đã nhảy đi đó sao. Nhảy đi đâu? Trong toàn bộ bài thơ không hề nói đến và cũng không hề có dấu vết của ý nghĩa sinh, tử. Chỉ thuần là một tiến trình sống được hiển hiện ổn định bằng những động từ nhảy ra, ngồi đó, nhảy đi, những hành động sống (của một lúc) thì đơn giản bởi vì chuyện đơn giản vậy thôi. Bây giờ tôi thử đổi chủ từ bài thơ :
Dũng trong hang
Dũng nhảy ra
Dũng nhảy ra
Dũng ngồi đó
Dũng ngồi đó
Dũng nhảy đi
Nếu Dũng có ý định đi tìm ý thức tự ngã trong những hành động nhảy ra, ngồi đó, nhảy đi thì quán sát ý thức này tôi thấy và cho rằng đó chỉ là quá trình tích tụ những ấn tượng và kinh nghiệm của tri giác từ quá khứ vô tận. Dòng quá khứ đó tất nhiên chỉ là mộng tưởng ảo, bởi có khi, thật vậy, tôi chỉ muốn chỉ cần nhận thức sự sống của tôi đơn giản giống như một con cóc nhảy ra, ngồi đó, nhảy đi là đủ, vậy thôi!
" Con cóc nhảy đi" nhưng nhảy đi đâu? Toàn bài thơ không hạn định nơi chốn không gian thời gian nào. Những chỗ thuộc về con cóc: chỗ cái hang, chỗ ngồi, chỗ dậm nhảy là những điểm không xác định, chính vì không xác định nên đã chỉ định cho tất cả mọi chốn mọi thời và "con cóc nhảy đi" chỗ này hay chỗ kia, khoảng rộng hay hẹp, lúc này hay lúc khác, suy cho cùng cũng vậy thôi. Cũng vậy thôi bởi chỉ riêng tiến trình sống của lúc đó là đáng kể. Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein đã nói: "Chúng ta đã bị lừa, bản chất của cái thế giới đích thực không phải như ta tưởng; những quan điểm ổn định nhất cũng chỉ có giá trị trong phạm vi đời sống hàng ngày của chúng ta, còn xét về mặt khác thì chúng đều là hư ngụy. Khái niệm về không gian mà chúng ta vẫn có cho tới nay đều là hư ngụy; cái thời gian mà chúng ta tự tạo ra cũng là hư ngụy."
Nhưng con cóc nhảy đi đâu? Trong thơ, từng có một con ếch cũng nhảy một cú như thế, nhưng con ếch trong bài kệ của thi hào Basô đó lúc nhảy còn để lại " tiếng nước chao" cho chúng ta nghe, âm vực của cú nhảy này dù không ngộ nổi chúng ta vẫn có quyền ngộ nhận.
Nhưng rốt cuộc con cóc nhảy đi đâu? Trường hợp này làm tôi nhớ đến tình trạng của một người chủ nhà nhảy vào ngôi nhà của ông ta đang cháy, rất tự nhiên ông ta mang vác dễ dàng những vật thể có sức nặng mà lúc bình thường ông ta không cách nào nhấc lên nổi. Vậy thôi ! Con cóc nhảy, cú nhảy mang theo toàn bộ tiến trình sống của nó, tiến trình tưởng như lập lại hành động sống trước đó. Nhưng không, sự thật là không gì có thể lập lại. Con cóc nhảy, cú nhảy lặng im. Có gì lại không được khởi đầu từ cõi lặng im và sẽ không có cõi lặng im nếu không có cú nhảy.
Trần Tiến Dũng
* Ngũ uẩn :
1- Sắc uẩn : thân ( tứ đại ) xương, thịt, da…
2- Thọ uẩn : cảm giác ( cảm thọ ) khổ đau, an lạc, không khổ không lạc.
3- Tưởng uẩn : là các tư tưởng, ấn tượng của tri giác.
4- Hành uẩn : là sự tạo tác của tâm thức như : tư duy, khát vọng, chấp thủ…
5- Thức uẩn : tri giác, nhận thức hay chức hoạt động của ý thức.