Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Vũ - Khi về đã lạnh vườn xưa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Vũ - Khi về đã lạnh vườn xưa. Hiển thị tất cả bài đăng

18/7/10

Trần Vũ - Khi về đã lạnh vườn xưa

Trần Vũ

Khi về đã lạnh vườn xưa


Mỗi thời đại thờ cúng một vị thần. Thần sông Tô Lịch khi dâng nước mênh mông, khi hiền hòa tưới mát các đồng lúa, ở mãi với dân Giao Châu. Cho đến khi Tiết độ sứ Cao Biền sang trấn thủ, bày trò trấn yểm, dìm chúng tôi xuống móng thành Đại La.
Tôi với Tiểu Khanh chết đi ở giấc canh khuya, khi mặt sông đã hóa bùn và nước sông đã đặc tóc. Song tóc Tiểu Khanh làm sông Tô Lịch chảy mềm mại và từ bấy mang màu tóc Tiểu Khanh. Sông xanh tóc con gái ước mơ và kiên nhẫn.
Chết trong sóng nước quê mình là một hạnh phúc. Sống vì quê, chết về quê. Đã bao ngày chúng tôi tin vậy, từ khi lọt lòng, khi biết chạy nhảy qua các đồng rạ rồi trèo lên các gốc mận chia trái ngọt của quê mình. Chết, khi tuổi trẻ ngập kín hồn là tuyệt phúc. Vì chết mà nụ cười vẫn tươi. Còn mang hồn nhiên thanh thoát. Tôi nói Tiểu Khanh đừng ngại chết. Tiểu Khanh biết tôi nói dối. Vì chết khi chưa kịp sống, là chết oan. Tiểu Khanh hiểu mà vẫn thương lời nói dối. Chết đi không than trách. Sử Giao Châu không chép, nhưng tôi mang ánh mắt của Tiểu Khanh xuống tuyền đài. Ánh mắt còn chứa chan tình yêu đất này và lấp lánh niềm hoài cảm.

Cao vương trù tính chúng tôi phải làm âm binh. Tôi hầu quạt còn Tiểu Khanh làm ca kỹ cho Thành hoàng. Chúng tôi cứ thế, ngày ôm móng thành, đêm trồi lên mặt nước, đôi khi ráng chiều muộn còn vỡ trên ruộng mạ phì nhiêu chan chứa tình người mà chúng tôi quyến luyến. Đôi khi mây xám vừng lên những giấc mưa, làm ướt tóc Tiểu Khanh, làm ướt ánh mắt u hoài. Chúng tôi thân với nhau từ ngày vỡ lòng Tam tự kinh, chết đi thành hồn âm nhưng vẫn thương xứ này. Đất Giao Châu muôn thuở, nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên và khám phá tình tự đầu đời. Chưa phải là tình yêu vì chúng tôi chưa biết đến, chưa kịp mặn nồng vì chúng tôi chưa biết thề nguyền, nhưng đã là sự trân quý của tuổi trẻ cảm thấu và độ lượng.

Lìa trần làm âm binh, kiếp người hòa vào kiếp nước, nước của sông Tô Lịch của đất Giao Châu vạn đời. Song chúng tôi phải sống trong chật hẹp, không thể tự do mơ ước, không thể tự do bay nhảy, hay đạt chí cả của đời mình. Vì phải đội sức nặng của thành Đại La cho đến khi vỡ thành như bùa yểm của Cao Biền. Thần sông Tô Lịch cũng lắm phong trần. Khi giữ chức Đô phủ Thành hoàng Thần quân, khi nhận tước Đô quốc Thành hoàng Đại vương, đến triều Trần, năm Trùng Hưng lãnh Bảo quốc, năm Hưng Long lãnh thêm Định bang, toàn hàng mã. Chúng tôi chết đã năm trăm năm, tuổi ma già theo tuổi sông, mà vong linh vẫn tươi trẻ, như dòng nghịch thủy còn xanh tóc Tiểu Khanh.

Một ngày thầy An đi qua sông.

Từ xa chúng tôi đã biết gặp một nho sĩ. Thầy An mang linh hồn của một nho sĩ. Chỉ một nho sĩ mới biết viết lên trời xanh. Chỉ một nho sĩ mới biết ấn sâu vào lòng đất chữ thánh hiền. Chúng tôi ngắm bóng thầy xa xa. Tâm hồn thầy thanh sạch. Sức trinh bạch làm trong sắc trời. Giống thầy An làm tan biến mây mù và hiện cầu vồng lướt trên sông. Tiểu Khanh níu tôi, Tiểu Khanh ngửi ra mùi bột gạo của huyện Thanh Đàm, quê của Tiểu Khanh mà cũng là quê của thầy An, tên chữ của thầy là Linh Triệt. Chúng tôi có khả năng ngửi thấy tông tích người sống, cũng như đoán biết đến khi nào các búp lan rừng sẽ chậm rãi nở, sẽ phả hương tinh khiết.

Chúng tôi trầm dưới sông. Tôi với Tiểu Khanh đùa giỡn. Chúng tôi tự nhiên như hai thiếu niên đang vẫy vùng giữa sông, tin sông Tô Lịch nghìn năm mây phủ và tin chúng tôi đã mất dáng người. Tiểu Khanh cười khúc khích, trong lúc tôi làm trò. Nhưng thầy An trông thấy chúng tôi, mặc dầu chúng tôi vô hình, thầy gọi:

"Sao không học hành mà tắm dưới sông?"

Chúng tôi rùng mình. Lần đầu tiên một người sống trông thấy chúng tôi. Tiếng thầy cất trên sông như tiếng hò, của người Giao Châu, gọi nước, gọi hồn. Chúng tôi biết thầy An không phải pháp sư, mà sao thầy trông thấy các hồn âm? Tiểu Khanh nói khẽ: Thầy trông thấy nỗi oan khiên ở đời. Chúng tôi trồi lên, quỳ trên sóng sông Tô Lịch.

Chúng tôi chắp tay, thưa, chúng tôi rất hiếu học mà khổ nỗi bị xiềng vào chân thành Đại La chìm sâu dưới nước. Chúng tôi thác oan nhưng lễ giáo vẫn giữ. Vẫn tin học lễ rồi mới học văn. Tin vào chữ thánh hiền. Tin vào tình yêu xứ này. Thầy nhìn chúng tôi chăm chú. Thầy biết chúng tôi là quỷ. Nhưng hôm ấy, chừng như thầy thương cảm và xúc động. Thầy nói Tiểu Khanh có thần thái sáng láng, còn tôi tuy bặm trợn vẫn giữ cốt cách có giáo dục. Hôm sau nữa, thầy An trở lại khúc sông vắng, bày hương án, làm lễ xá thủy thần. Thầy lập đàn giải oan, cúng Thành hoàng, rồi lấy bút nghiên viết lên mặt sông những chữ đại tự. Chữ thầy viết đến đâu, mặt sóng lặng như trang giấy. Chữ thầy lan đến đâu, mặt nước thành mặt gương, phản chiếu. Chữ thầy thẳng, như sự ngay thẳng trong lòng thầy. Liễn mực cạn dần theo nét chữ thảo vừa viết trên sông, mà đã thoắt lên trời cao. Nét chữ như nét roi. Nét chữ của một nho sĩ, mang sức mạnh của lương tri mà ghè đá, sóng nước, không cản nổi ý chí viết trên sông, viết lên cái chết oan của tuổi thanh xuân không phạm tội. Đến khuya, chúng tôi được thả.

Từ bấy, kiếp ma va kiếp đời. Chúng tôi vẫn là hồn âm, nhưng đã thành môn sinh của thầy Chu Văn An. Học thầy phải theo thầy, thầy An dạy, khi chúng tôi bước qua cổng Quốc Tử Giám.

*

Vũ trụ là những thời quán, mà mỗi thời quán dài ngắn tùy theo ký ức. Kiếp ma vô tận nên tôi đầy ký ức. Tôi vẫn chưa quên buổi sáng trở về ngôi nhà cũ của thầy An dưới chân núi Chí Linh. Buổi sáng có sắc trắng chập chờn của cội mai già hiu hắt. Có sắc trắng hiu quạnh của bụi lài cô độc. Có sắc trắng nhờ của vài nhành huệ lay lắt trước gió hú kéo lê lá khô qua nền nhà cũ.

Khi về đã lạnh vườn xưa, tôi biết thầy An muốn hét to vào hướng núi, muốn hét to vào xa vắng, muốn thả nước mắt rơi phương trời. Thiên nhiên không đáp trả tấm lòng thầy. Núi Chí Linh tịch liêu, bất lực với nỗi đau của thầy. Nỗi đau câm. Nỗi đau trong im lặng. Vì suốt đoạn đường thầy không một lần trò chuyện, không một lần cất tiếng. Thầy bước những bước dài, thẳng, không một lần quay lại. Tôi với Tiểu Khanh gánh sách và vật dụng cá nhân, tất tả từ kinh sư theo thầy về Chí Linh, từ buổi trưa thầy ra khỏi Cấm Đình. Chúng tôi quẩy gánh như ma, lướt đi giữa phố phường kín cửa. Bóng chúng tôi lướt qua phố xá im phắc. Thiên hạ bạc như lớp vôi quét trên vách. Chúng tôi làm ma đã đành, thầy An vẫn còn sống mà các môn sinh của thầy, nhiều kẻ đậu đến đại khoa như Phạm Mạnh Sư và Lê Bá Quát, không một ai đưa tiễn. Tất cả sợ. Sợ dây vào mình "Thất trảm sớ." Sợ sai nha của nịnh thần. Sợ mất phú quý. Chỉ một mình thầy An qua cửa Ô. Gần như một phát vãng, tự nguyện, vẫn là phát vãng. Tiểu Khanh khóc, vì thương thầy, chúng tôi ngậm ngùi rời Văn Miếu Môn.

Ký ức tôi vang động, như đã khảm vào não. Tôi hãy còn nhớ, khi thầy bắt Tiểu Khanh và tôi quỳ lạy tượng Khổng tử và Tứ phối ở nhà Khải Thánh. Khi thầy đứng trên bục giảng, luận về Nhan tử, Tăng tử, Tử tư và Mạnh tử, cho chúng tôi chép vào vở. Tôi với Tiểu Khanh mang nhân dáng nhuyễn thể, vì dìm dưới sông quá lâu, nên chúng tôi có thể treo trên xà nhà, hay trườn dưới mái, hoặc thoắt ở ngọn cây, hoặc trầm dưới Thái hồ. Những ngày ở Quốc Tử Giám là những ngày nhiễm phúc. Tiểu Khanh được thầy An cho ở nhà Thái học sinh, dẫy nhà xây tường ngang, lợp ngói đồng. Tôi được ở khu Tam xá, ba dẫy, mỗi dẫy 25 gian, phía gần bức tường vôi đắp gạch Bát Tràng, kết bạn cùng với các đồng môn. Với thầy An, không có học trò ma, chỉ có học trò của thầy. Mà đã là môn sinh thì phải học làm người. Xác ma nhưng biết chính trực, cốt cách tinh thần thì vẫn là người, như thầy dạy. Cấm ma mãnh. Thầy cấm tất. Học đạo của người quân tử và học cách ký thác lương tri của mình vào chữ. Chữ của người quân tử. Thầy bắt chúng tôi và các môn sinh mỗi ngày tập đồ chữ. Miệt mài cho đến khi nét chữ thật thẳng, như vết phóng. Chữ có thẳng, thì lòng mới ngay. Như thầy bảo. Các môn sinh phải tập viết ra sự ngay thẳng của lý trí mình. Cấm cong, cấm uốn, cấm run rẩy.

Giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thầy An còn dạy thêm khoa lý số, phép tính xác xuất của thời phong kiến. Phép tính giản lược mà khó khăn: Tìm giới hạn của một cá nhân bằng cách tính hiệu năng của cá nhân đối với bách tính. Chúng tôi cần mẫn tu tập. Đôi lúc, tôi mê giọng đọc Luận ngữ của Tiểu Khanh. Đôi lúc, tôi say nét chữ của Tiểu Khanh chép Nam Hoa kinh lên lá bàng. Tình yêu của một nho sĩ phải đẹp như tâm hồn của một nho sĩ. Tôi muốn trở thành nho sĩ để tình yêu thánh khiết của mình trong sáng vĩnh cửu. Nhưng tôi chỉ là ma da. Ma da của sông Tô Lịch. Một ma da tập làm người. Thầy An hiểu, thầy thường khuyên nhủ: Ma vẫn phải trọng danh dự, để không ai khinh, để không nhục, để có thể nhìn thẳng vào mắt người sống mà không cúi đầu, không lạy lục, không van xin. Đôi khi thầy cho phép các môn sinh ra ngoài. Chúng tôi bay lượn khắp kinh kỳ, ngắm hoàng thành rực rỡ, nhìn mặt hồ Thiền Quang sóng khói phả từng giấc mơ. Nhìn những váng mưa phất qua thôn Liên Thủy, chao xuống hồ, như nước giao với nước, thành làn hơi thở mỏng của Tiểu Khanh thu vào từng lời hứa. Tôi say Tiểu Khanh. Say Thăng Long, say nét hoài cổ thắm sắc vàng. Tôi vẽ chân dung Tiểu Khanh lên giấy bảng. Vẽ từng lọn tóc, vẽ từng sợi, như chải tóc cho Tiểu Khanh. Vẽ ánh mắt nhu mì mà u hoài. Vẽ sóng mũi thanh của con gái Giao Châu. Vẽ chân mày hiếu học và khóe môi biết vâng lời thầy.

Thăng Long rộn rã xe ngựa. Rộn rã phường tuồng. Rộn rã các vườn hoa Bình Than, Diên Hồng. Ngày ngày kép Dương Khương uốn éo với đào thương Dương Mẫu. Các hoàng thân mê đắm Dương Mẫu, đến nỗi Dương Mẫu có mang với Dương Khương vẫn được Cung túc vương Trần Nguyên Dục rước về. Rồi thánh thượng Trần Dụ Tông cũng đắm say với Dương Mẫu, phục chức cho Đỗ Tử Bình, đã bị truất vì tham ô, đồ làm đinh nhân, được thăng lên làm Hành khiển Nghệ An. Đó là ngày cát hung mà thầy An tức uất. Giận dữ vì điềm suy vi nhà Trần đã thấy rõ. Chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy giận đến như vậy. Thầy không ngớt quát tháo, xỉ vả triều chính vô đạo.

Đó là đêm thầy An thảo sớ. Chúng tôi rúc trên mái, bên trên thư phòng vắng vẻ của thầy An. Đêm thâu, vẫn nét chữ roi quất của một nho sĩ, có thể viết lên trời xanh, có thể viết xuống sông sâu, có thể ấn xuống huyệt đất thứ chữ của người quân tử. Vẫn nét chữ rắn của thầy An, rắn trên lá sớ mong manh, rắn tựa thầy lấy thép viết lên tàu lá chuối, để lá chuối ghi tấm lòng sắt son của thầy.

Thầy quất bảy lần roi. Bảy lần thụy hiệu và tên cúng cơm của bảy nịnh thần hiện ra dưới vết đánh. Thầy hạ bút ký Văn Trinh Công. Không một do dự. Không một giọt mực thừa. Chúng tôi nín thở. Thư phòng lẫm liệt nét chữ. Tiểu Khanh siết lấy tay tôi sợ hãi. Chúng tôi hiểu, thầy đương đầu với xiểm nịnh. Mà xiểm nịnh trên đất nước này lúc nhúc, chúng cùng khắp. Chúng uy quyền và ngạo mạn. Chúng có thể đánh tàn tật bất kỳ kẻ nào. Chúng chỉ chờ dịp để giết thầy. Bắt thầy thú tội. Nhận tội phản triều đình. Chính chúng mới là kẻ có tội, song chúng tiếm danh vua, tiếm danh sơn hà. Chúng tôi thức đêm cuối cùng với thầy An ở Quốc Tử Giám.

Bảy trăm năm sau, tôi hãy còn nhớ. Bảy trăm năm như một thời quán. Bảy trăm năm trôi vụt, mà những lời tâm huyết cuối cùng của Chu Văn An hãy còn vang trên mặt Thái hồ. Làm như thầy muốn mặt hồ phong phải giữ lấy dư âm, để lớp rêu ẩm, xanh rì, còn giữ được lời thầy. Truyền cho hậu thế. Để mai này hậu thế biết ngày xưa, ở Quốc Tử Giám, các tôn sư đã dạy học như thế nào. Văn Miếu, nơi thầy được tòng tự. Văn Miếu nơi tiếng thầy sang sảng: Chữ thầy là chữ thật. Lời thầy là lời thật. Thầy dạy sao, thầy sống vậy. Mai này ra làm quan phải nhớ lời thầy dạy. Tiếng Chu Văn An sang sảng, nghiêm khắc: Thầy dạy những gì, môn sinh đã biết. Cấm tham ô. Cấm cửa quyền. Thấy sai phải cất tiếng. Không trái với lương tri mình. Đó là những lời cuối, trước khi Văn Trinh Công rời Văn Miếu Môn.

Thầy sẽ vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại nữa, nơi thầy đã đào tạo biết bao môn sinh, biết bao khoa bảng, tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa… Thầy ra khỏi Văn Miếu khi trời đổ mưa. Buổi trưa ấy, nắng nhạt không đủ làm sáng mưa, nắng nhạt không sáng mặt người. Mưa cũng không đủ dội tắt nắng, giống lòng người buổi giao thời, không trông thấy rõ đâu là thiện, đâu là ác, không biết mưa hay nắng, chỉ trông thấy mái điện vàng ban áo gấm. Văn Trinh Công đứng đợi băng qua đường. Trông thầy già nua, nhỏ bé. Thầy cố giữ vạt áo thâm thật thẳng, cố giữ khăn nhiễu quấn chữ Nhất đừng lệch, cố giữ cốt cách của một vị thầy, và cố ôm trong lòng túi vải chứa lá sớ. Thầy ôm chặt túi vải vào mình, vì sợ ướt mưa, khiến chữ nhòe khiến sau này hậu thế không đọc được thụy hiệu của bảy nịnh thần. Thầy ôm chặt vào lòng, vì sợ chúng giật, trước khi lá sớ đến tay Trần Dụ Tông. Không phải vì thầy sợ Trần Dụ Tông không kịp đọc để phê duyệt, mà vì thầy muốn Trần Dụ Tông phải gánh lấy trách nhiệm. Vì thầy biết Trần Dụ Tông sẽ bất động. Sẽ liếc mắt rồi phê "Bất đệ." Không ngự lãm vì phạm lễ. Không ai được quyền dạy vua trảm thần. Thầy biết tất. Biết, nên thầy ôm chặt túi vải. Chúng có thể giật mất lá sớ rồi cho xe ngựa cán thầy. Chúng có thể xóa mọi vết tích mà thầy muốn hậu thế phải biết đến. Không phải quan triều nào cũng im lặng. Không phải nho gia nào cũng bán chữ thánh hiền. Còn Chu Văn An giữ tiết tháo.

Chúng tôi lẩn quất sau lưng thầy. Núp sau bóng thầy với tất cả kinh sợ. Tiểu Khanh khóc vì biết thầy đương đầu với nguy hiểm. Không ai viết sớ xin chém kẻ cầm quyền, khi chính kẻ ấy giữ đao trong tay, chăn đồ tể. Vậy mà thầy viết. Vậy mà thầy đọc sớ trước mặt chúng. Chúng nham hiểm bao nhiêu trò, làm sao thầy thoát. Chúng tôi níu áo thầy. Khi cổng Cấm Đình hiện ra, thầy An lẳng lặng, quay lại dặn chúng tôi về thu xếp hành trang về núi Chí Linh. Nếu thầy không trở ra, cứ về mà ở. Nếu thầy trở ra, thầy sẽ cùng về. Thầy điềm đạm. Sự trầm tĩnh của một nho sĩ. Giống thầy đã sắp đặt hết. Vì thầy hiểu chỉ có những hồn âm thác oan mới theo thầy, vì chúng tôi không còn gì để mất. Thầy sắp đặt hết. Trảm đầu thầy thì Trần Dụ Tông càng thêm tội. Không trảm thì thầy phải tự phát vãng vì lũ nịnh thần sẽ hãm hại một khi thầy còn ở kinh sư. Chúng tôi khóc, van lạy thầy đừng dâng sớ. Thầy quắc mắt: "Nho sĩ chết không khóc. Chết phải giữ đạo." Rồi thầy dứt áo the thâm, bước vào Cấm Đình. Bước chân của một nho sĩ mang sự quyết liệt khẳng khái của một nho sĩ. Chúng tôi chỉ kịp nhìn thấy vạt áo thâm thẳng tắp giữa hàng sai nha. Giữa đám quan hoạn. Giữa cung phi diêm dúa. Đám đông hiếu kỳ vây quanh cổng. Các tiếng xì xầm bàn tán. Vọng lên dần thành tiếng xôn xao. Rồi cả kinh thành rúng động. Tin lan nhanh như làn nước: Văn Trinh Công dâng "Thất trảm sớ."

*

Khi về đã lạnh vườn xưa. Bảy trăm năm sau tôi còn nhớ, khi về, vườn lạnh băng. Thầy muốn hét to vào núi, muốn hét to vào xa vắng, muốn thả nước mắt rơi phương trời. Tôi nhớ, vì đã khảm vào não. Chúng tôi đã đợi cho đến khi vãng mặt trời. Mỗi tiếng trống phiên làm đám đông có rúm vì nghĩ trống tử hình. Mỗi tiếng chuông ngân làm đám đông nghẹn, úp mặt, vì nghĩ chuông trảm thủ cấp. Khát khô môi. Khát mặn lưỡi. Vì cắn dập môi. Cắn dập lưỡi. Trong lạnh toát sợ hãi. Trong xanh mướt hy vọng. Hy vọng thầy An thay đổi đất nước. Thay đổi đất nước đã tím bầm mặt. Nhưng Văn Trinh Công trở ra. Gương mặt thầy tuyệt vọng vì bất lực. Thầy đã hiểu thầy chỉ có thể lập đàn giải oan cho người chết, không thể giải oan cho người sống. Thầy đã hiểu một cá nhân thầy không thể vực dậy triều chính ngu muội. Thầy đã hiểu phải đi đến cùng phép tính của mình. Trần Dụ Tông phải gánh lấy phán xét của lịch sử. Chúng tôi về núi Chí Linh.

Triều Trần rồi vụt qua như một làn gió. Đi ngược làn gió, chúng tôi gánh sách qua các dẫy phố kín cửa, cửa cái, cửa con đóng sập, để hiểu lòng người quay thoắt. Hương thu còn dậy ở Đồng Xuân mà cả một phiên chợ dừng bán. Chúng tôi lướt qua các tấm phản bất động và các chảo đậu rán ngừng sôi. Lướt qua thau bún lạnh tanh lũ ruồi. Đôi mắt chúng xanh to như hạt đỗ, nhìn chúng tôi trừng trừng. Chúng cợt nhả rồi bay tản từng đàn rình rập. Chúng là lũ phi liêm mọc cánh. "Đừng dây với Chu An" là tiếng chó sủa khi qua bến đò. Bóng tôi với Tiểu Khanh va vào nỗi đau tê tái vì thương thầy. Mới trưa kia “Thất trảm sớ” làm chấn động, vì thầy lập thụy hiệu gian thần cho các quan đầu triều, nay đã bạc bẽo. Sách Dương Chu, Mặc Tử nặng vì chứa trong mình vũ trụ, sách Kinh Lễ của Khổng Phu nặng vì chứa phép làm người. Ngũ viên và Nhị thập triết khiến chúng tôi mất sức, phải cố gánh thật nhịp nhàng để theo kịp bước chân thầy. Bước chân của một nho sĩ nhẹ tênh, vì lòng không hổ thẹn.

Tôi muốn nghĩ đến những điều đẹp đẽ. Sắc vân tím trên áo của Tiểu Khanh hay sắc trưa huyền quang khi chúng tôi trốn tiết Hiến Văn lẻn ra cửa Thành Đức, bên hông Văn Miếu, đi viếng cảnh chùa. Có nghe tiếng chuông Chiêu Thiền Tự ngân nga bến Yên Lãng rồi vang sang tận Hoài Đức trên tháp Quảng Nghiêm trước khi về lại Trấn Quốc mới hiểu vì sao chúng tôi thích giẫm lên tiếng đại hồng chung để gang bàn chân đỏ hồng những âm trầm. Tôi muốn nghĩ điều đẹp đẽ mà ký ức chứa bẽ bàng. Trương Hán Siêu gả con cho tù trưởng Nùng Ích Vấn xin đất, kết giao với quan hoạn Phạm Nghiêu Tư để xin chức Tham tri chính sự. Ký thệ tự với thầy, mà trưa thầy đọc sớ, Trương Hán Siêu cáo ốm không vào triều. Văn của một nho sĩ phải hiển lộng. Văn của Trương Hán Siêu chỉ lộng lẫy mà chưa phải bút Tả thanh thiên.

Bảy trăm năm, bay ngược gió, tôi nghiền ngẫm. Phép tính của một nho sĩ giản dị: Quốc gia ở tính nhân, ở lòng chính trực. Lấy một thân thầy chống với thói gian tà, lấy một thân thầy cảnh cáo lương tri quốc dân. Thầy hiểu lượng vàng mua chuộc, bồ thóc nhấn chìm, chính vì vậy phải lấy một con người với hai tay trắng để chống với đám đông gậy gộc, để sự can đảm càng thêm can đảm, để sự tự tin càng thêm tự tin, và chân lý càng thêm sáng. Số đông bao giờ cũng thắng, nên phép tính lũy thừa của thầy thêm vào thời gian, vì sự chính trực khi lũy thừa thời gian của lòng người sẽ tiến đến vô cực. Từ một cực tiểu trở thành cực đại mà không một triều chính nào có thể hãm.

Chu Văn An đã muốn hét to vào mai hậu, còn Cao Biền? Hắn muốn trở về đất này để trấn yểm thành Đại La thêm một lần nữa.

Chu Văn An gửi cho hậu thế:


Trần Vũ
6 tháng 8-2009

(*) Khi về đã lạnh vườn xưa, Tâm sự cùng Nguyễn Du, thơ Võ Việt Dũng