Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Hoàng - Cho những mùa xuân phai (5). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Hoàng - Cho những mùa xuân phai (5). Hiển thị tất cả bài đăng

4/7/11

Nguyễn Thị Hoàng - Cho những mùa xuân phai (5)

Nguyễn Thị Hoàng
Cho những mùa xuân phai
(Tập truyện)
5

Cánh cửa đen

I.

Một con dao bén ngọt lóc nhẹ trái tim ra khỏi lồng ngực, một cơn gió lạnh toát cuốn tròn toàn thân, dìm xuống vùng nước xoáy sâu hun hút, những chiếc đinh vít nhọn hoắt đâm sâu vào thái dương, hai tay hai chân cóng tê lạnh ngắt, tôi tỉnh dậy trên bàn rộng, giữa những đống giấy rách nát, những cây cọ bê bết màu, những ống thuốc loang lổ, những mảnh vải trắng tả tơi, những khung gỗ gãy nát, những mảnh chai vỡ vụn, những vệt tàn thuốc nhớp nháp, toàn thể những thứ đó dính bê bết vào áo quần đẫm ướt mồ hôi, mồ hôi, như một phát tiết cuối cùng của cơn đau suốt đêm, suốt những tháng năm vực thẳm, những ngày dài tha ma, đã ứa ra, như một loài máu trắng, từ những vết thương vô hình khắp cùng thân thể tôi, khắp cùng kẽ da chân tóc, đầu những ngón tay ngón chân, khắp, khắp cả những mảng thịt da lạnh ngắt không còn cảm giác, và thứ đầu tiên tôi nhìn thấy ở ngoài đời gởi đến sau một đêm ác mộng mê man, đêm săn đuổi không ngừng ảo ảnh đã vút bay khỏi tầm tay với trong cơn chiêm bao bùi ngùi không nguôi, là màu trời trắng xoá trôi qua khe cửa, khoảng không gian bé bỏng và cuối cùng bỏ ngỏ cho tôi còn chút tương giao âm thầm với cuộc đời vây bọc xung quanh, buổi sáng đã đến đúng giờ hẹn hò, đánh thức tôi dậy, như thường lệ, nhưng sao lại đánh thức tôi dậy không để cho tôi yên, không để cho tôi mê man, sao ngày lại đến tình cờ, cay nghiệt, mở bét hai con mắt tôi ra, lôi thốc chùm ý thức nhức nhối ra khỏi cơn mộng mị ngập chìm, không để cho tôi quên, sao những tiếng chân người lại qua ngoài ấy, sao những tiếng sóng xé rào rào dâng lên ngoài bờ đường xa, sao có tiếng trẻ con khóc cười trong xóm, sao tiếng nhạc vang vang một bài hát cũ ưu phiền, sao tiếng những người đàn bà đi chợ gọi nhau, sao tiếng chim hót lên đầu cành lá mới, sao nắng bắt đầu nhảy múa trên ngọn cây, và trời mở ra mông lung cao tít trong hồn tôi đã đáy huyệt chôn vùi. Mà thời gian không gian nào thế. Buổi sáng hay buổi chiều, buổi trưa hay nửa đêm. Tôi ở đâu. Tôi còn gì. Không, tôi không còn gì hết, không còn gì ngoài thứ máu trắng ứa lên từ những vết thương vô hình. Lạy van em, em yêu dấu, em đâu rồi hãy đến. Anh tỉnh ra rồi. Và ngó thấy rồi, tất cả những mảnh vỡ. Những khoảng trống. Những không gian xa tắp. Những sai lỡ. Những mất hút dấu tích, và bặt tăm hình bóng. Lạy van em, quỳ trên gai trên lửa trên bất cứ cực hình đau đớn nào, khóc bằng thứ máu trắng đó và lạy van em đâu rồi hãy đến, đâu rồi hãy về, một phút giây thôi, một thấp thoáng thôi, rồi anh trả con chim trắng về trời cao, rồi anh nằm xuống yên vui địa ngục. Nỡ nào tàn ác thế. Tôi là một kẻ điên si. Một kẻ tham lam ngu muội, thương yêu và đòi hỏi quá nhiều, cái gì cũng quá nhiều nên tràn đổ cả. Lạy van em, lạy van em. Tôi còn có lời nào, tôi còn có cái gì. Chẳng cái gì cả. Có cái gì xung quanh không, có cái gì trong lòng không. Không, không, em đã mang đi theo hết, đời sống, sinh khí, tất cả, như mặt biển đã rút về cơn thủy triều chiều hôm cho bãi hoang vu không còn một dấu chân, không còn một cọng cỏ. Tôi thèm bóp dẹp đầu trong hai tay, phải rồi, bóp dẹp đầu tôi trong hai tay điên cho em thấy niềm ăn năn của tôi. Và phá phách hết căn phòng này, cái nhà này, tất cả những gì tôi đã ngu si miệt mài gầy dựng, những ngày tháng dưới bóng hư không, bỏ quên tôi, bỏ quên em, bỏ quên hạnh phúc gần gũi thân yêu của mỗi đời người chỉ đến một lần, chỉ có một lần. Nhưng ích gì. Con sông đã mênh mông hai bờ rồi và chẳng có cầu qua. Tôi làm gì tôi ra sao, ở đây cũng chẳng còn ai thấy chẳng còn ai biết ai hay nữa. Chỉ một mảnh trời thì lạnh lẽo, xa xôi và câm nín chừng nào. Tôi lạy van vô ích, gọi kêu vô ích. Có ai nghe đâu. Có gắn hàn gì được đâu. Nhưng tôi có làm gì đáng tội. Tội của tôi là ngu dốt. Người nào cũng ngu dốt cả, bởi khi nằm xuống buông tay không ai bằng lòng đời mình, phải hối tiếc một cái gì, phải ăn năn một điều gì, và tuyệt vọng cho đến chết bởi đã ngu dốt làm hỏng đời mình, đánh rơi hạnh phúc tìm thấy, và không có cách gì để sống lại đời mình một lần thứ hai. Ngu dốt bởi cơ hội nào, hạnh phúc nào, tình yêu nào cũng là cuối cùng cả, cũng đến và đi mất không trở lại hai lần bao giờ, mà vẫn lơ đãng, vẫn vô tình, vẫn lười biếng không nắm giữ, không nuôi dưỡng không nâng niu. Lạy van em. Nhưng em đã ra khỏi đời tôi bao xa. Không, hãy còn đâu đó, không thể nào vượt ra khỏi vòng săn đuổi tận tụy của tôi đâu, cứ đi, cứ trốn, tôi sẽ hụt hơi đuổi theo, sẽ hụt hơi đợi chờ, còn ba mươi năm năm mươi năm, còn một đời dài thê thảm để mong chờ.

Như một thứ quỷ nhập tràng, phải đợi một cái gì va chạm dữ dội mới ngã quay ra. Tôi cũng đã ngã quay ra. Đến bây giờ mới ngã quay ra, đau đớn. Còn thì là cúi đầu chạy tới, chạy tới, đuổi bắt mê say cái khoảng không trước mặt, khoảng không mỗi con người si ngốc vẫn tưởng sẽ hiện lên một ráng cầu vồng cho riêng mình. Chẳng có ráng cầu vồng nào cả. Ráng cầu vồng trên trán trên môi em những đêm dài im ngủ. Ráng cầu vồng trong tóc trong da em những ngày vĩnh viễn đi qua. Tôi đui mù. Phải rồi, đã đui mù và ngu dốt. Bây giờ thức giấc trong ngày trống trơn, em mang theo ráng cầu vồng, ánh sáng soi đời mưa bão, tất cả. Có con đường nào đi đến em không. Có tiếng gọi nào vọng đến em không. Không. Đã im lìm quạnh vắng. Hoàng hôn đã lẫn chìm trong buổi sáng, và ban đêm đã phủ xuống ngày còn.

Tôi bò dậy quờ quạng. Bóng tối đêm dài còn đọng khắp căn phòng, ám ảnh rã rời của thời gian vắng tanh. Tôi giơ bàn tay soi từng ngón gầy, những khúc rễ già cắt khỏi vùng đất ấm bám víu. Tất cả thực sự đã vuột trôi đi sao. Những tin tưởng xây đắp trong lòng. Đã biến tan rồi thật sao. Chứ còn gì nữa. Hoạ chăng là còn lại cái thằng người khốn khổ, lệch lạc, mệt nhoài và bất lực nơi tôi. Cái thằng dở sống dở chết. Cái thằng trời dành cho một nhúm rung cảm nghệ thuật, một nhúm hiểu biết lăng nhăng, một chút xíu hoa tay để vẽ vời, và những kinh nghiệm đớn đau về đời sống. Cái thằng người đó đang mải miết, đã mải miết chạy trốn thực tại buồn rầu bất mãn, chạy trốn chính mình, chạy trốn mọi người mọi thứ. Cái thằng mặc cảm chồng chất và phản ứng quằn quại của một con thú dữ cùng đường kiệt sức. Cái thằng muốn hối hả chu toàn những nền móng, đổ đầy những hầm hố dưới chân đời sống chính nó đã đào ra, để bằng ngang mặt đất, để xây lên núi non, để lên cao trên trời. Thật vô ích và ngu ngốc. Tôi phải sống sót dưới những đáy hố sâu tôi đã đào ra để tự chôn vùi. Tôi chẳng thoát được đâu. Càng vùng vẫy chỉ càng ngoi ngóp thêm thôi. Sự cố gắng vùng vẫy chỉ làm sụp mau thêm những bờ đất ở quanh miệng hầm sâu. Thật vậy sao? Đâu là điều đúng, đâu là điều sai? Lúc tôi cảm thấy thế này, lúc tôi suy nghĩ khác đi. Lúc nào hình như cũng đúng và lúc nào hình như cũng sai cả. Dù sao thì tất cả những căng thẳng đầu óc, những nỗ lực thường xuyên, cái đà lao vút cuồng điên tới tận cùng đường sống đó là cũng để cho em. Bởi tôi một mình tôi chẳng cần gì công cuộc, cần gì đắp xây cần gì tìm kiếm một vùng trời xanh thẳm khác. Chỉ cho em đó thôi. Ít ra là cũng lên được ngang mặt đối với em, không thể mỏi mòn quằn quại mãi hoài dưới thấp, làm sao giải thích cho em hiểu khi em đã cố tình không muốn hiểu, đã tàn nhẫn không muốn hiểu. Và nghĩ tham vọng, sự thành công đắc ý nào đó đã lôi kéo tôi chạy lếch thếch theo con đường mòn. Say mê ư, tham lam kiêu hãnh ư? Có gì mà say mê, có gì mà kiêu hãnh. Những vệt màu trên khung vải đó, những hình nét nghiêng chồng chất rối loạn đó, những bài báo khen chê soi mói đó, và những mắt đời thờ ơ nhìn ngắm đó, những đồng tiền cay cực nhục nhằn thu nhặt được đó. Có gì mà kiêu hãnh, có gì mà say mê. Chỉ là một cách để trải qua đời. Một cách để tự vệ giữa đời. Chỉ là thứ khí giới cũ mòn, hư hại nhất mà tôi có được để chống đối, để xoay trở trong lúc bao nhiêu kẻ khác có muôn vàn thứ khí giới tối tân, sắc bén, thần diệu khác để bắt buông hạnh phúc theo ý muốn. Nhưng tệ hơn nữa, tôi là kẻ sử dụng vụng về thứ vũ khí tồi tàn và độc nhất của mình, đã phải bị thương với chính vũ khí mình. Có phải thế không? Tôi miệt mài đeo đẳng trong cách của tôi, vì chẳng còn cách nào khác, như vậy nào phải là vì tôi hài lòng và kiêu với cách đó, mặc dù đôi khi cũng cảm thấy nguôi ngoai. Phải rồi, tôi cũng cảm thấy nguôi ngoai một thất vọng, một căm hờn, một mỏi mòn nào đó khi mải mê pha màu vẽ. Nhưng đồng thời, tôi cũng cảm thấy ê chề tuyệt vọng sau mỗi bức tranh. Càng vẽ càng thấy không diễn tả được gì, đời sống chìm lỉm hơn, tâm hồn căng thẳng hơn, và bây giờ, hạnh phúc mất mát nhiều hơn. Bao giờ cũng thế thôi, mỗi bức tranh là một lần loay hoay chới với tìm kiếm, mỗi bức tranh là một niềm băn khoăn rộng lớn, một dấu hỏi không mong cầu lời giải thích, một tiếng kêu không có ai đáp lại. Và giống nhau, tất cả đều giống nhau và được diễn tả dưới những hình thức, sắc màu khác nhau. Tôi chán ngấy những điều đã thực hiện. Và chán ngấy hơn khi thấy những điều mình chán ngấy đó được lưu ý, chửi bới hay hoan nghênh. Nhưng đó có phải là tôi đâu, cái tên mà người ta lôi ra khen chê chửi bới đó có phải là tôi đâu. Tôi đã chọn em là đời sống và những thực hiện nông nổi kia chỉ là phương tiện cho đời sống đó. Em lầm lẫn, tất cả mọi người đều lầm lẫn tôi trong những công trình thể hiện đó và tôi đích thực trong những ấm ức không nguôi ngoai với tất cả những nung nấu ước vọng không thể hoàn thành, bởi vì tôi này hay tôi khác cũng đều được diễn tả bằng một hình thức đó thôi. Điều khốn khổ là tôi không có nhiều, ít ra là hai cách, để phân biệt trong diễn tả hai con người tôi, và nhất là đã chịu nhượng bộ để nghệ thuật chỉ còn là phương tiện trải qua đời sống. Em thất vọng về công việc tôi, nhưng công việc đó không phải là toàn thể tôi, tôi là một phần, một phần tôi nhỏ nhoi, biến thể, méo mó. Bởi tôi đã chọn em làm đời sống, làm hạnh phúc độc nhất như ngày cô đơn đã chọn nghệ thuật làm hạnh phúc và đời sống tôi. Người chỉ an vui với cái duy nhất kiếm tìm chọn lựa. Mà bây giờ cái duy nhất cũng không còn, cũng bỏ đi.


II.

Khi ra đến trường tôi vẫn không biết là tôi sẽ đi đâu đến đâu. Không thoáng trong óc một ý nghĩ nào về những nơi có thể đến. Chỉ chắc chắn mỗi một điều là không bao giờ trở về đó nữa, không bao giờ nhìn lại khuôn mặt đó nữa, không bao giờ diễn lại tấn tuồng của buổi sáng nay một lần thứ hai nữa. Không có gì bất thường hay đặc biệt cả. Điều đó thì gia đình nào mà chẳng có lần hay nhiều lần kinh nghiệm. Giận hờn gây gổ, đổ vỡ và phân ly vì những chi tiết khởi đầu vô nghĩa, những chi tiết vô nghĩa mang nặng tất cả những ấm ức nín câm, những bất mãn lâu dài, những uẩn khúc khó nói của nhiều năm sống. Tưởng sẽ bị giây phút căng thẳng nặng nề, khuôn mặt nhăn nhó đó ám ảnh theo từng bước chân đi, từng phút giây từ đó, nhưng ra đến đường, đối diện với người, tiếng ồn, dòng sống thác lũ luân lưu, vòm trời và những hàng cây lặng lẽ, mặt trời và ánh phản chiếu trên những vũng nước mưa đêm, tất cả đã bị xoá phai tức khắc. Và tôi rơi trong vùng trống không, trống không thực sự, chẳng còn là cảm giác mơ hồ như thỉnh thoảng, sau cơn giận, sau nỗi chán, tôi bỏ đi xa vùng không gian quen thuộc của đời sống hằng ngày. Bởi vì sau lưng thật chẳng còn gì, tôi không thể trở lại, không thể tiếp tục chắp nối cứu vớt lại đời sống đã vỡ tan thành mảnh chén. Còn trước mặt là miền xa lạ tôi đã từ chối suốt bao nhiêu năm nay. Vậy là tôi chẳng có nơi nào dừng lại, nơi nào trú ngụ tạm thời. Nỗi khổ là nơi trú ngụ vĩnh cửu, tôi đã chối từ. Không còn nỗi khổ, không còn lo âu, không còn ràng buộc, không còn gì hết, tôi sống thế nào từ hôm nay.

Con đường bỗng rầm rộ xao xuyến với một đoàn xe chuyển quân ra ngoại ô. Những trận đánh lớn sẽ xảy ra ở miền nào, làm sao tôi biết rõ được để tìm đến, nhìn cho trí não lung lay, tâm hồn thay đổi. Chỉ còn cách là phải thay đổi đi để tiếp tục sống. Tự tôi, tôi không thể thay đổi, bởi thời gian đã mọc rễ trong những bình yên khuôn khổ đó. Ước ao một điều gì từ bên ngoài sẽ xảy đến để thay đổi tôi, còn tôi, tôi bất lực với chính tôi rồi.

Tôi gọi xe đi xuống phố. Lần đầu tiên từ mấy năm nay tôi gọi xe một mình đi xuống phố. Xe thả tôi xuống con đường chính của Sài Gòn. Rồi mình sẽ phải trải qua buổi trưa ở đâu, và buổi chiều nay, rồi là những ngày kế tiếp, nếu không hàng phục trở về, tôi nghĩ bâng khuâng hoảng hốt. Trong cơn giận không bao giờ tôi nghĩ thế, không hề nghĩ chỉ cần bước ra khỏi bờ thềm quen thuộc là cảm thấy hụt chân chết đuối ngay. Mà chỉ nghĩ đến những tháng ngày thênh thang, những vùng trời lồng lộng bên ngoài khung cửa, và tiếc nuối đã tự giam cầm trong một nhà tù êm ái bao nhiêu năm. Qua một tiệm nước sang trọng, tôi bước nhanh không dám nhìn vào. Tôi sợ phải nhìn thấy tôi trong đó, những ngày yên vui cũ. Tôi với những màu áo rỡ ràng những vây bọc xôn xao của đám đông, của những hỏi thăm tíu tít. Tôi sợ thấy tôi ngồi trong đó, khi hai người. Khuôn mặt ở nhà vọng lên thành tiếng nói, em đi thật đó sao, tôi cũng muốn trả lời trong câm lặng thật dửng dưng lạnh lẽo, vâng đã đi thật rồi. Tôi không nhìn vào trong tiệm nước. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy, trong vùng hồi tưởng vô tình thầm lặng nào, hay ngón tay chàng bật que diêm châm cho tôi một điếu thuốc. Những que diêm đã châm cho tôi những điếu thuốc. Hơi ấm lan toả đầu môi và vừng khói cay cay phảng phất nụ cười buồn. Từng giọt ngậm ngùi chảy xuống lòng tôi. Nhưng nhất định là không thể trở về đó nữa. Tôi bước nhanh, thật nhanh theo ánh nắng reo bay hè phố, cố nghĩ đến những thời gian vắng tanh trước khi có chàng. Mỗi một điều để phân biệt khác nhau giữa tôi nay và tôi con gái là bây giờ, có chàng, tôi không thấy đời vắng ngắt trước kia, tôi vẫn bùi ngùi xót xa nhớ tôi. Tôi vẽ tôi lại trên khuôn kính lờ mờ ký ức. Nó hay đi ra phố những chiều hết nắng, giờ những người tan sở bắt đầu đi dạo, con gái và con trai nô nức kéo nhau ra đường tìm kiếm xôn xao, những người lính thủy kéo nhau xuống phố, mua quà tặng, ngắm nhìn đàn bà con gái qua đường, tán tỉnh những cô bán hàng, và lính không quân biểu diễn cách nhìn để bắt một con mồi xinh đẹp, cách đi để xao xuyến bước chân người nhìn theo, vẻ dửng dưng bất cần của lối hất ngược mũ để làm thất vọng người gặp gỡ. Nó đi ra phố với khuôn mặt trang điểm kín đáo và tỉ mỉ, với hồn lồng lộng như vòm trời mênh mông dồn đuổi mây bay về ngoài biển lớn, với hai chân lao đao những bước kiêu hãnh vô cớ ngập tràn, và niềm vui không biết vì sao, như một vầng trăng đầy toả sáng xuống lòng chìm mộng ảo. Nó đi ra những đêm gió biển thổi tấp con phố dài hai bên tiệm ăn cửa hàng đèn màu tấp nập bước chân vui với ý nghĩ cuồng điên ngu ngốc nếu vắng mặt mình phố chẳng bao giờ rực rỡ về đêm đến thế. Nó ngồi bãi biển nửa đêm hai chân vùi sâu cát ấm, nghe bọt sóng tan chìm những mộng mị của một đời người đắp xây, và muốn bơi theo dòng trăng ra tới chân trời phiêu bồng sương khói. Tất cả thật trẻ thơ khi ý nghĩa của sự sống nối liền với một cuộc phấn đấu âm thầm dai dẳng, dưới những hình thức đơn giản tầm thường, những bề ngoài bình lặng ngầm chứa một bề trong hỗn tạp bất an, và hạnh phúc không phải là sự thoả mãn một khoa trương theo tự tôn tự ái của mình, không ở chiếm đoạt đắc thắng dễ dàng tự nhiên những điều ước muốn, không ở bất cứ một cái đích nào đó ta bỏ hết nửa đời để nao nức dưới theo, mà chỉ là trong tư thái hồn nhiên vắng lặng đón nhận một nỗi khổ đích thực nào đó. Tôi đã lìa xa nỗi khổ, tôi không còn nỗi khổ nào khác. Đã no đầy với một tuyệt vọng thì hạnh phúc còn lại chỉ là, chính ở nỗi khổ đó. Nỗi khổ sáng ngời đức kiên nhẫn chịu đựng và lóng lánh ánh sáng của một sự thật. Bởi sự thật độc nhất của con người là nỗi khổ. Chạy ra khỏi nỗi khổ là lạc lõng và xa cách ngay với đời sống. Tôi đã nghĩ và đã cưu mang nỗi khổ, cưu mang đời sống ảo tưởng nhiều năm. Mà bây giờ đi qua khung cửa hẹp ra vùng thênh thang của tự do và cô đơn, để lại làm kẻ khất thực hạnh phúc. Sẽ không ai bỏ vào bình bát của kẻ khất thực này một trái chuối, một vắt xôi, một thứ hoa quả nào đâu, bởi tôi mang bình bát trống không với hai tay buông xuôi mỏi mệt và hai chân bước mau cuống quít về nơi trú ẩn. Kẻ khất thực hạnh phúc nó chỉ có thể ngửa bình bát trước chính tay mình. Tôi đã buông tay. Nỗi khổ đích thực đã rơi ra ngoài bình bát khi tôi bước khỏi cửa đời sống rồi. Tôi chẳng xin ở ai, nếu có trở lại nhà cũng không thể xin ở chàng, một tôi-thứ-hai.

Tôi bước vào tiệm giải khát nhỏ gọi một chai Coca. Khung gương gắn trên tường gởi lại tôi một nét mặt sững sờ đau đớn, bơ phờ. Như một chiếc xe móp sau tai nạn bất ngờ khủng khiếp. Sao có thể như vậy được. Sao việc đó lại có thể xảy ra, ở ngoài, ở ngoài xa tít khỏi dự định chúng tôi. Có bao giờ nghĩ đến một chia lìa ngăn cách nào đâu. Đã phác hoạ suốt đường dài đời sống, từ đây cho đến xế chiều. Bao nhiêu chương trình dang dở. Mà điều đó đã xảy ra, bất ngờ, vô lý, và chúng tôi trở thành những cái bóng nhạt mờ của nhau. Tại tôi. Và tại chàng. Tôi biết là chàng không thể làm cách nào khác cho hai chúng tôi sinh sống, hơn là vẽ, vẽ liên miên. Mà tôi thì thấy, càng vẽ chàng càng chết, và tôi trong đời sống chàng càng vô nghĩa. Làm thế nào để chia sẻ thời giờ đầy đủ và nhất định cho tôi, cho công việc chàng, mà đôi bên không làm lẫn lộn và thiệt hại cho nhau. Tôi không muốn chia phần thời giờ với công việc chàng. Chỉ muốn hoặc người đàn ông chọn công việc để bỏ rơi tôi. Hoặc chọn tôi để bỏ rơi công việc. Người đàn ông đã chọn tôi, nhưng để có tôi trong đời sống thực tế, người đàn ông phải làm việc. Tôi không thích điều tất nhiên hợp lý đó. Tôi chỉ muốn có một cách phi thường nào đó làm người đàn ông chọn lựa tôi và đồng thời vẫn có công việc họ mà không xao lãng tôi một phút giây nào. Tôi muốn điều không thể được. Có ai lại không muốn ít nhất một điều không thể được trong đời sống tẻ nhạt của mình. Người đàn ông thì vẽ mải mê, vì sức lôi cuốn kỳ dị, vì những đòi hỏi thúc bách của công việc. Buổi sáng, buổi trưa, chiều và ban đêm triền miên, cả trong giấc ngủ đôi khi chàng lảm nhảm nói đến những ý tưởng xếp đặt trong một bức tranh, đến sắc màu và hiệu quả ảnh hưởng của sắc màu trong tâm hồn người thưởng ngoạn, cũng như lúc ngồi không, lúc nhìn hay ôm tôi trong tay, hai con mắt người đàn ông cũng vẫn nhìn thấy nơi tôi những nét hình ám ảnh cho tôi một trình bày mới lạ. Tôi không đáng một vệt màu, một nét bút của người đàn ông, không là gì trong đời sống đã lôi kéo tôi vào cả. Thế mà người đàn ông đôi khi, vì không thể hiện đúng những ý tưởng, không diễn tả đầy đủ những khía cạnh tâm hồn hay đời sống của cuộc đời, của chính mình ở trong tranh, vẫn trút tất cả thất vọng bực tức chán ngán lên đầu tôi, kẻ chịu đựng gần gũi nhất. Nỗi cô đơn thê thảm của người đàn ông đã kêu gọi tôi về đời sống ràng buộc. Nhưng trong cách miệt mài công việc bạc bẽo vô ơn kia, nghệ thuật danh từ tốt đẹp phỉnh phờ, thật ra chỉ là một thứ ma quái ám ảnh làm mờ trí hao thân, chẳng đi đến đâu và ru ngủ con người trong mộng mị triền miên, chối bỏ tất cả mọi giá trị hồn nhiên của đời sống bình thường, tôi cảm thấy người đàn ông không bao giờ cô đơn, hay đúng ra, cô đơn chỉ là tiếng kêu thảng thốt khi mất đi một thực tại tầm thường gần gũi, thái độ hoảng hốt yếu hèn của một nhân cách ích kỷ và tham lam. Vậy thì tôi chẳng là gì trong thế giới đó. Chẳng là gì hơn một thùng rác chứa đựng tất cả những bất mãn, bực dọc, dày vò từ cung cách đối xử của người đàn ông ném xuống. Tôi đau nỗi mất tôi. Tôi đau cảm giác vô ích thừa thãi tôi. Và tôi chỉ còn là cái bóng, quanh quẩn lẽo đẽo trong thế giới đầy đủ đến vênh váo kệch cỡm của người đàn ông. Không còn lý do, không còn chút sức mạnh nào đủ ràng buộc, dù một khoảnh khắc thời gian vào đời sống đó nữa. người đàn ông hẳn nghĩ tôi bỏ đi tức là tìm đến một nơi nào đó. Nỗi thất bại lớn nhất vẫn là không giải thích bằng đời sống của mình được cho kẻ khác khỏi lầm lẫn mình một cách sai lệch tầm thường. Nếu tôi có sẵn một nơi nào để tìm đến mọi sự thật dễ dàng, và tôi cũng chẳng có gì đáng phải nói ra. Tôi chỉ có một đời sống, đã chọn lựa, muốn sống đời sống đó, nhưng đời sống đó đã đẩy xô tôi đi xa. Chỉ giản dị như vậy, mà không thể hiểu không chịu hiểu. Cho nên cho cùng thì trong hai người, chính tôi chứ không phải người đàn ông, là kẻ cô đơn.

Không gương soi thì không bao giờ có thể cảm thấy tận cùng nỗi cô đơn của mình, tôi uống vội ly coca và đi ra trong mắt nhìn tò mò của những người xung quanh. Buổi trưa duỗi dài trên đường phố vắng. Một trận đánh lớn, một tai hoạ khủng khiếp nào đang âm thầm đe doạ quanh quất, tai hoạ vẫn thường lẩn trốn trong mỗi đời sống bình yên, chỉ chờ một thoáng đổi thay, một nhích chân, một vươn tay tới chiều hướng khác, tới ý nghĩ khác là vầng trời đen đổ xuống. Máy bay nổ rền trời. Tôi chìm lỉm trong tiếng động dữ dội. Cảm giác chênh vênh hao hụt bắt đầu nhói từng cơn trong tim. Tôi đi dọc con đường nắng. Con đường tới một bến xe chạy về các tỉnh xa xôi. Tôi ngồi vào xe. Xe chạy. Tôi nghe tiếng kêu vang vang từ miền thành phố. Tôi muốn trở về. Muốn lạc mất tôi trong đời sống đó còn hơn tan chìm trong thế giới nào im lìm không ai nhìn thấy, không ai làm nhân chứng cho sự sống sự chết tôi. Chiếc xe mang niềm hoảng hốt lo âu bất ngờ chạy băng băng qua những quãng đường rừng im vắng, qua tôi, qua chàng, qua những ngày trôi xa quá khứ bùi ngùi.

Vậy ra, đi chỉ là trở về thôi có phải không, tôi hỏi những tảng mây trắng ung dung bay về ôm đỉnh rừng xanh.


III.

Tưởng có thể đánh đổi bất cứ những gì có thể có, những gì còn lại, trừ những đống vải nhòe nhoẹt màu sơn nát rách trong căn phòng đời tôi từ nay không bao giờ trở về, một cánh tay, một ống chân, hoặc cho cùng thì cả một phần đời mênh mông còn lại, với tất cả tự do và năng lực, nỗi hoan lạc cũng như niềm thống khổ, để đánh đổi lấy một cảm giác vui vầy đầm ấm, một chút tương giao nào đó mong manh và mơ hồ cách mấy với đời sống, đời sống làm bằng những buổi sáng như sáng nay xe cộ luân lưu ung dung thanh thản trên đường, tiếng còi và giọng người trĩu nặng những âm thanh linh hoạt và vang dội, quán phở mở ra đông đảo với những đĩa rau xanh, chanh ớt tươi nồng, mùi mỡ bò béo ngậy, tiếng muỗng quậy lanh canh trong ly cà-phê, người khách ăn xong xỉa răng chim chíp miệng như chim kêu sau cơn mưa bất ngờ, đứa bé không thích đến trường ném cặp sách xuống lề đường nằm lăn kêu khóc, thằng bé bán cà-rem ghếch chân để đỡ cái phích đếm lại những cây kem lạnh ngắt bốc hơi còn lại, mấy người phu tiệm tống táng vui vẻ khênh một cái hòm không mới toanh thơm mùi gỗ trầm và diêm bào đặt lên cái xe đen lua tua những bức hoành trướng sặc sỡ, người đàn bà đón một chiếc xe xích-lô máy leo lên ngồi dở gương con soi ngắm tô lại vành môi vừa ướt nhẫy nước mắm bánh bèo, tất cả đời sống lăng xăng tươi vui đó ở hẳn ngoài tôi từ khi tôi còn bé, hay đúng hơn từ ngày đầu tiên pha thuốc vẽ quệt lên bức tranh thứ nhất, bức tranh thành công một cách thản nhiên và tàn nhẫn bằng nỗi đau đớn xót xa của một đời người mài dũa tâm hồn, bằng tất cả những vặn xoắn nát tan của trí óc và trái tim, để được nhẩn nha chỉ mỗi một cảm giác hụt hơi đuổi theo chuyến xe đi khuất, và niềm ao ước không nguôi hạnh phúc của một kẻ vừa nhảy kịp lên một chiếc xe ba bánh trên đường về, ngay lúc xe chạy vượt qua một ngã tư đèn xanh. Mọi sự thật đã trốn đi xa, đã ở ngoài. Và cả đời sống đó đã thất lạc đi để được gì, những bức tranh, và tình yêu của một người vĩnh viễn ở lại chia sẻ sự sống nỗi chết với mình, chẳng phải là thứ tình yêu phù phiếm rỡ ràng và ngắn ngủi, mà tình yêu là bằng hôn phối giữa địa ngục và thiên đàng, giữa sống và chết, giữa còn và mất, bay lên cao một niềm vui trầm ấm dài lâu cho hai mắt chỉ nhìn lên mỏi mòn mây trắng, thứ tình yêu đượm nồng hương vị của ớt cay và chanh chua, ngọt đường và xót muối, những gia vị thiết yếu cho bữa cơm đời không nhạt nhẽo, tình yêu đó cũng rách nát, cũng tan hoang theo hai bàn chân em về bến bờ nào xa xôi mù mịt, và như thế, tất cả rủ nhau đồng loã tách rời bỏ đi, thù ghét khinh bỉ, lẩn trốn và giết chết tôi, tôi hai tay trống trơn chụp xuống khoảng không lờ mờ lạnh lẽo của buổi đầu ngày thức giấc.

Chẳng bao giờ đánh đổi được đâu mày, thằng khốn, tôi nhìn xuống đống rác dưới chân, đầu một ngõ hẻm, nơi tôi đứng phân vân không biết chọn hướng nào để lánh xa tôi. Tại sao lại đống rác này. Có phải đó là phần dành lại độc nhất cuối cùng cho tôi không, mùi tanh và những ruồi nhặng vo ve, dấu tích u mê của đời sống. Hai chân tôi đứng lún trong một phần đống rác. Tôi mê đi trong cảm giác lờ mờ là bị chôn sống trong phần thưởng của tôi đó. Rồi những mảnh vải nhòe lên trong căn phòng cũ, một lúc nào đó, cũng xây nhà cho lũ chuột con đỏ hỏn rớt từ trên mái nhà cao xuống, và người ta sẽ bịt mũi mai táng tất cả cơ nghiệp buồn rầu ghê tởm đó ra đường, vùi chôn trong một đống rác. Tôi đã đánh đổi tất cả, tất cả, tương giao đầm ấm đời đời, tháng ngày giản dị yên vui, nỗi thanh thản bình lặng của tâm hồn, cái giá hạnh phúc không thể đổi bằng bất cứ gì, một người không thể tìm thấy người thứ hai trên trái đất, để được, suốt những năm tháng dài lạc lõng tuyệt vọng miệt mài kia một đống rác sao. Có phải tôi đã lạc lầm sai lỡ như vậy. Hay một thằng người nào khác, do ma quỷ đưa đường dẫn lối, ở trong tôi. Có phải thực sự tôi đã làm công việc của một người khai phá rừng hoang tìm lối rộng thênh thang tới miền hạnh phúc không? Hay hết khu rừng hoang này lại là một rừng hoang khác, và hết một đời người, đến khi nằm xuống vẫn nghe đau đớn khắp mình mũi nhọn của những rừng gai đó.

Ngày càng lên cao, càng bay mau, những tảng vàng mơ hồ trên đỉnh cây đã lan tràn khắp thinh không vắng vẻ, tiếng vi vu của lặng yên một cõi nào tôi đắm chìm mê ngất lay động trong hai mắt ngẩn ngơ những giải mây trắng mảnh dẻ chân trời, tôi nghĩ thôi cứ đi chẳng biết là đâu cho đến khi rơi rớt xuống nỗi thất vọng cuối cùng tăm tối. Tiếng chiếc xích-lô máy nổ rộn ràng vang lừng trong trí óc lùng bùng nỗi hoảng hốt của người điên chợt tỉnh nhìn thấy chằng chịt những ngã tư ngã năm đường trống lốc phía trước, nhưng vang vang chìm lẫn trong khắp tất cả những tiếng động ồn ào có thể định danh định tính xung quanh là tiếng tôi gào thét không nguôi lay van em, em ở đâu hãy về hãy về cho anh tập sống lại đời sống tôi có phải không. Hãy cho kẻ tử tội một phương Tây trối trăn nhắn gửi. Tại sao không. Một phút giây thôi, nhìn thấy lại em, đủ để đốt nến lên quan tài về nghĩa trang heo hút. Đi đâu thầy Hai, tôi không biết trả lời người chạy xe thế nào, cuối cùng tôi lừ đừ nói thứ giọng người còn tiếc giấc ngủ vùi, cứ chạy lòng vòng đi đã, thầy cho thêm ba chục nghe thầy, hắn nói, mấy chục cũng được, tôi nói, nếu còn. Còn? Còn gì? Nếu tôi tìm thấy em, tìm thấy đời sống trở về, liệu có thể trả cho người chạy xe hạnh phúc mình được không, tiền thì hết nhẵn, trừ khoản vẽ hình bìa cho các nhà xuất bản chưa lấy được, và tiền bán một bức tranh cuối cùng, cũng chưa muốn nhận, liệu tất cả những thứ tiền khốn nạn đó có đủ trả một cuốc xe vô tận chạy đuổi theo hạnh phúc bỏ đi không. Tại sao đêm qua đã nghĩ tưởng những điều giản dị cho cuộc kiếm tìm. Sẽ đi thật sớm đến nhà người bà con, gặp em vừa thức dậy, van xin em một phút để nói một lời, phải đi thật sớm trước khi em có thể bỏ thành phố ra bến xe, lên máy bay và đi xa, làm tất cả mọi cách có thể làm được, đưa em ra ngoài phố, mời em vào tiệm nước chúng mình vẫn ngồi với nhau những giờ nhàn hạ, gọi cho em một tách trà đường, một cái bánh ngọt, hay một cốc kem chantilly em thích, hay một tách cà-phê đen như sau giấc ngủ em thức dậy buồn rầu, và nói với em, phải rồi, chúng ta đã câm với nhau suốt những tháng năm gần gũi, đã buông thả thời gian quý báu vô ngần cho những đối thoại nhạt phèo lười biếng, cụt ngủn, vô nghĩa, hãy cho anh nói thứ tiếng đã bỏ quên, đã câm nín từ lâu, thứ tiếng em ước ao nghe, anh biết mà không bao giờ nói đến trong những ngày buông trôi đó. Và câu chuyện chắp nối, một bản nhạc quen, khung cảnh tiệm nước, những khuôn mặt bè bạn tình cờ bắt gặp, cũng đủ xoá nhoà tất cả mọi giận hờn của ngày hôm qua. Anh gõ nhẹ nhàng hồi hộp vào cánh cửa nhà bà con, anh gõ nhẹ ba tiếng đớn đau nao nức vào tim em dịu dàng từ trong phòng trong ra cửa ngoài, nét mặt em hờn dỗi, những lời trách móc xua đuổi tiếp theo, cho anh lạy van em, cho anh làm bất cứ một công việc nào mà em đày đoạ, miễn là em trở về, cho anh lại sự sống đã đã đánh mất ngu ngốc điên rồ dại vụng. Nhưng cánh cửa mở với khuôn mặt người bà con thản nhiên hỏi mày đi đâu sớm vậy. Cánh cửa, bức tường, người bà con, cả tôi nữa nhoà đi, quay lốc như rơi xuống đáy sâu vô cùng. Tôi bước vào, nhìn những cái giường, những nơi em có thể nằm xuống trong đêm. Những mặt giường ngăn nắp phẳng phiu không dấu vết, không một sợi tóc, một vương vất chứng cớ tỏ ra em đã đến đã nằm ngủ ở đó. Người bà con nói đến việc nhà, những áp-phe của họ trong lúc tôi chết điếng với nỗi sống chết của tôi. Đã mất tăm rồi sao, mất tăm những tháng ngày yên ấm, những gầy dựng tương lai, những hy vọng miệt mài rồi sao? Em không đến nhà này, thì không đến một nhà bà con nào khác, không đến những nơi tôi quen biết, để theo đuổi, kiếm tìm. Vậy ra em đã thực sự và cố tình chạy trốn khỏi miền săn đuổi hụt hơi của tôi.

Con đường khi tôi trở ra không còn giống như lúc đi vào. Một toán lính võ trang hấp tấp bao vây khu phố để tìm bắt những tên địch vừa tẩu thoát. Tiếng súng nổ, một rồi liên tiếp, đáp lời những tiếng dội ầm ĩ của đại bác nổ từ một vùng bất an nào ngoài thành phố. Một bọn người đánh bạc, cầm cả bài và tiền nhốn nháo phóng bừa ra đường, lướt qua những mũi súng còn nóng hổi. Hàng loạt người lếch thếch tản cư, với tất cả những của cải góp nhặt có thể mang theo về nẻo chết. Tôi cắm đầu chạy, với cảm tưởng nơi nào đó em cũng đang chạy, hụt hơi và lẻ loi, không một cái đích trú ngụ đợi chờ. Con đường rộng bên ngoài thì bình thản, sinh hoạt đối lập với ngõ hẻm trong kia. Chiếc xe chạy, dừng lại một nhà quen, rồi tiếp tục cuộc kiếm tìm vô vọng. Cho đến chiều tối, tôi đến chỗ cuối cùng dự đoán có em. Người ta đang bình yên xem ti-vi. Cảnh nhà cháy, giao tranh đẫm máu giữa đôi bên một vùng ngoại ô. Những khúc cầu sụp. Từng loạt người lăn xuống theo những tảng đất lở. Tiếng súng bắp rang, thỉnh thoảng ầm lên một cái pháo tống. Tôi bỏ rơi chiếc xe tìm kiếm. Và đi ngốc nghếch lang thang trong đêm tối, cho đến khi lạc vào một đám cháy. Những đám người tải thương ì ạch qua trước mặt. Tôi cố nghĩ là mình giống gì, chẳng biết. Cố hình dung mình giống gì, chẳng thấy. Chỉ hiện lên căn nhà cũ. Bốn bức tường im dáng dấp em những ngày đã khép cửa trong đời. Sao ta không cùng chạy trốn? Lửa sắp đổ xuống trên đầu. Bom đạn sẽ bất ngờ xoáy xuống đời sống. Không chắc gì cả ở những điều kiện bên ngoài vùng tình yêu chúng ta cùng trú ngụ bao lâu nay, kể cả miếng đất bé bỏng để đặt hai bàn chân đang ứa máu. Sao lại phân ly, tách rời một niềm lạc lõng, thành hai khối cô đơn lạc lõng. Sao không cùng quay lưng lại miền lửa đạn này, giữa một thế đứng và chạy về đàng trước. Sao hai bàn tay đáng lẽ dắt dìu ràng buộc lại chia lìa dứt khoát bỏ đi.

Tôi vượt qua vùng có đám cháy và đến một ngã tư có rào cản bằng gỗ và những đường tròn dây kẽm gai. Người lính Mỹ đứng gác trong một chiếc xe bò hư nát nói phía trước đánh nhau, phải đi trở lại. Tôi nói tôi chẳng còn đường nào để trở lại. Hắn nói sau lưng có ngả an toàn. Tôi nói tôi không thích an toàn một mình, trong lửa đạn và đám cháy, trong cảnh hỗn mang đàng trước có đời sống tôi đang lang thang, không biết tới đâu. Và tôi bước tới, người Mỹ hỏi, ê, điên sao, không trở lại, tôi bắt buộc bắn. Tôi hỏi dửng dưng. Bắn thật à? Một loạt súng ào lên ở toà nhà lầu xây dở nơi góc đường trước mặt. Tiếng trực thăng sè sè cấp bách vòng vòng trên vùng bắn nhau. Một tốp năm người đổ bộ xuống trên một tầng nhà bằng. Tiếng tiểu liên nổ ròn. Một rồi hai cây thịt không biết bên nào rơi xuống từ khung cửa sổ mới lắp khung. Một tốp cảnh sát dã chiến đàng sau tôi tràn tới. Tôi muốn chạy. Chạy tới hay chạy lui. Nhưng đã không nhúc nhích được, tôi rớt xuống như cây chuối gãy. Tiếng súng, bom, ầm ĩ bốn phương trời. Tôi chìm tan trong một cơn lốc khói đen. Tiếng xe cứu thương cấp bách vọng lại. Tôi nghe trong tiếng còi có tiếng kêu của em. Không. Chẳng có tiếng kêu của một người nào cả. Hình như người ta đến mang tôi đi, một giờ, nửa ngày, một tuần sau khi ngã xuống, bao lâu chẳng biết, không hiểu để làm gì, lờ mờ cảm thấy là qua bao nhiêu sông núi và đồng bằng, bao nhiêu thay đổi và nát tan, về một nơi cách xa muôn trùng căn nhà cũ, bóng ngày xưa, và tất cả những di tích cuối cùng làm tiếng gọi kêu thầm lặng cho một người trở lại.


IV.

Chiếc xe ăn năn chở tôi về thành phố đã ngập chìm lửa đạn. Ý nghĩ phải tìm gặp lại chàng, đồng thời linh cảm thấy là mọi sự đã sai lệch và lạc lõng hết rồi, bằng bất cứ giá nào cách nào cũng bốc lửa trong trí óc tôi. Ta chỉ tỉnh thức sau một biến cố kinh hồn nào đó, và chiến tranh thật ra cũng góp phần trong việc hoán cải những con người, đổi thay những số phận, phải không, tôi nhìn vòi vọi cuối đường nhốn nháo đám đông chạy qua chạy lại, như mắc nghẽn trong mạng lưới rộng và thầm cám ơn cuộc biến động bất ngờ đã kêu gọi tôi trở về thành phố, tôi về tìm gặp tôi, con đàn bà yếu đuối chỉ sống còn với che chở dù mơ hồ, thờ ơ của một đàn ông. Người tài xế thả đám hành khách bụi bặm lạc lõng xuống con đường rộng, trước những tầng hàng rào cản. Tiếng một người lính nói, đàn bà có thể đi bộ qua bên kia, đàn ông đứng lại ở trạm chờ xét giấy. Tôi chạy băng qua một khoảng trống hẹp giữa hai vòng dây kẽm gai, không dừng lại gỡ tà áo vướng, tuôn như thác lũ về phía đám đông. Tiếng kêu khóc lẫn chìm trong tiếng súng réo bốn bề. Cột lửa cháy sáng rực tung những đám tàn đen lả tả xuống đám người hỗn loạn tìm đường thoát thân. Tôi chạy, dừng lại thở và chạy. Mọi sự vật bỗng sáng chói lên trong mắt tôi như cột lửa cháy. Vòm trời, qua đám khói đen dày đặc bỗng hé lên một vùng trắng trong vắt, như một hồ nước mát hiện lên trong sa mạc chói chang, và phía xa, chân trời hé lên một giải vàng rớt rơi của mặt trời chiều sắp tắt, màu nâu cũ kỹ trơn nhẵn của những mái nhà nhấp nhô sau cơn mưa, chòm cây xanh ngắt rung rinh những tầng nước ngọc chưa rơi rụng, những tấm bảng quảng cáo xiêu vẹo một góc đường, màu hồng của một cánh màn cửa phơ phất trong gió lay, tất cả bỗng hiện lên, như mới lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời, dịu dàng, ấm áp và trong sáng, đều ẩn ngụ một ý nghĩa thầm kín của tình yêu và bình yên, một sự sống tình cờ, lãng đãng nằm im trong những dấu hiệu hiền lành kia, như những phút giây bình thường, bình thường đến độ ngán ngao trong mỗi gia đình, tôi đã hắt hủi chối bỏ, bây giờ bỗng sáng lên, như cùng đến lúc này, tôi mới ra đời, và ý nghĩ quay về, sống lại đời sống, bước lại từng bước nhỏ dè dặt quý báu. Những gì tôi đã có và khước từ bỏ đi đều tương đối, khiếm khuyết, không toàn hảo. Nhưng ta chỉ có thể chấp nhận những thiếu sót, bất mãn đó hoặc từ chối chỉ là chọn con đường ngắn nhất để phóng đi về sự chết. Tôi đã thênh thang, tự do, nhưng đó chỉ là sự gọi mời phỉnh phờ của cô đơn, cô đơn với cảm giác lạc lõng, không vùng trú ẩn, không mối tương quan với đời sống, đứng ở ngoài đời, lạc lõng và xa lạ nhìn vào và không có quyền tham dự những vấn đề xôn xao của đời sống đó. Tôi đã trở về, hàng phục và công nhận là mỗi con người, dù đến thế nào, đều cũng phải đi một con đường giống nhau, chỉ có một con đường, đi vào đó hay là chết, không có người nào thực sự an toàn và đầy đủ đến trọn đời với lối riêng phiêu bồng của mình. Tôi ngụp lặn dưới cái đáy ngột ngạt đá ngầm rong rêu đó, để xin cảm giác luôn luôn ngoi ngóp kiên nhẫn và đợi chờ một ngày trồi lên mặt nước, hy vọng của kẻ đắm tàu. Ra ngoài vùng lưới bủa vây của đời sống, tôi chẳng có gì chẳng là gì cả. Nhưng làm sao em nói đầy đủ ý nghĩa của sự trở về, hành vi chắp nối, bám víu hay là làm lại một lần thứ hai đời sống em. Em không thể nói, bởi không thể giải thích điều mỗi người chỉ có thể chứng nghiệm suy nghĩ bằng hiểu biết đau đớn riêng của mình, không một người khác nào có thể cảm thấy.

Tôi chạy vội vàng qua những quãng đường cuối cùng trước khi về tới đích, và sung sướng nhận ra mình đang có cái đích để hối hả tìm về. Cái đích ở trong tôi bao nhiêu năm tháng buồn rầu, bây giờ bỗng dưng tìm thấy. Khi đi vào chặng đường cuối cùng của khu vực nhà cũ, tôi bỗng nhớ lại những hình ảnh quen thuộc bình thường về chàng. Tôi thấy chàng đứng nghễnh cầm trước khung gương nhỏ tỉa râu buổi sáng. Thấy chàng hai tay quàng chiếc khăn lông lau sàn sạt sau lưng mỗi lần tắm xong. Thấy chàng đăm chiêu hàng giờ trước giá vẽ nhìn lại công trình hoàn thành sau những ngày miệt mài. Rồi tôi sẽ chìu lụy tất cả mọi hành hạ cay nghiệt của đời sống để được cảm tưởng bị săn đuổi bao vây trong một chuyến đi trắc trở thường xuyên cho đến ngày nằm xuống đất im.

Tôi không tìm thấy một khuôn mặt quen nào trong xóm. Con đường đã bít kín với những đống rác ngập đầu, ngổn ngang với gạch nám đen, đồ đạc gãy hư lỏng chỏng, dấu hiệu của một đám cháy đã đi qua, chỉ còn lại yên lặng, yên lặng như một đáy biển sâu nhận chìm tôi trong cảm giác hoang vu khủng khiếp. Tôi bước sâu vào núi rác để tìm lối đi. Bước qua những dấu chân tháng ngày quen thuộc, bước qua những mảnh vỡ tan hoang của đám cháy, qua những sườn nhà đã sụp mất nửa, qua con đường hẻm nồng nặc đầy những con chó trơ sườn sục sạo kiếm ăn quanh những xoong chảo móp méo lăn lóc quanh gạch vôi tan nát, và tôi hai đầu gối run, hay tay buông thõng, bước những bước cuối cùng vào cổng nhà mình. Trên khoảng nền nhà đen sạm bụi bặm tro than, chỉ còn lại chơ vơ một tảng tường vôi lởm chởm những mảnh vỡ do bom đạn và đám cháy đục khoét. Cánh cửa cháy đen còn gắn cứng vào mảng tường vỡ. Tôi đẩy cánh cửa, bước vào, với ý nghĩ lạ lùng là tất cả mọi người sau đám cháy đã lũ lượt tản cư về một hành tinh khác. Và bây giờ, trong cánh cửa đen, trong căn nhà không mái không tường không còn gì hơn những thước khối không khí nồng nặc mùi than cháy và thuốc súng, tôi một mình đứng im. Một lúc lâu, không biết bao nhiêu thế kỷ qua rồi, tôi cúi xuống ôm lấy một thanh gỗ cháy thành than đen, và mỉm cười với màu trời vào tối trên đầu, có phải tôi đã trở về, đã trở về đến nơi và đi qua cánh cửa.

Và trong cánh cửa tan hoang này, rồi đây…
-------------------

Nguồn: Cho những mùa xuân phai, tập truyện Nguyễn Thị Hoàng, bìa Nguyễn Trung, nguyệt san Văn Uyển xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn Uyển, xong ngày 28 tháng 5 năm 1968.