Hiển thị các bài đăng có nhãn Tuyển tập về Nhà Thơ Bùi Giáng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tuyển tập về Nhà Thơ Bùi Giáng. Hiển thị tất cả bài đăng

1/2/10

Hợp Lưu - Tuyển tập về Nhà Thơ Bùi Giáng

--------------------------------------------------------------------------------

.

Tuyển tập về
Nhà Thơ Bùi Giáng
Hợp Lưu
---o0o---

***







MỤC LỤC



PHẦN 1

Thư Toà soạn

Vĩnh biệt Bùi Giáng

Bùi Giáng kẻ tận hiến. Huy Tưởng

Ông nhớ con (thơ) . Bùi Giáng

Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng. Mai Thảo



PHẦN 2



Thử phác họa đôi nét về cõi thơ Bùi Giáng. Huỳnh Hữu Ủy

Đi tu tâm niệm (thơ) . Bùi Giáng

Bùi Giáng: Một vùng đất hẹp và một thế giới. Nguyễn Hoàng Vân
Thân tình gửi anh Bùi Giáng. Huy Cận
Ở Chùa. Ngô Cang

Bùi Giáng bốn mùa. Phạm Thiên Thư

Trích “Sổ tang”



PHẦN 3

Nguyên khởi về cõi tinh mật Bùi Giáng. Khiêm Lê Trung

Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị. Huỳnh Ngọc Chiến

Bùi Giáng trong “cõi người ta”. Ý Nhi



PHẦN 4

Truy niệm. Thường Quán

Hiện Tượng Bùi Giáng. Thụy Khuê

Bùi Giáng càng điên càng tỉnh, càng già càng lãng mạn. Nguyễn Hưng Quốc

Bùi Giáng, nhà thơ của Ngày tháng ngao du. Cung Tích Biền

Đọc lại Mưa nguồn. Thận Nhiên

Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và mầu hoa trên ngàn. Bùi Vĩnh Phúc.

Công Án Tử Sinh. Hoàng Nguyên Nhuận






Thư Toà soạn ^

Bùi Giáng là một hiện tượng nổi bật của văn học miền Nam nói riêng, cả nước nói chung gần nửa thế kỷ qua. Ông được biết đến không chỉ ở tài thơ lẫy lừng, sự quảng bác, trí năng quán thế của mình, mà còn ở chính con người, đời sống phiêu hốt đến kỳ bí có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi Bùi Giáng gắn liền với những giai thoại, vô số những giai thoại, chắc chắn nhiều thế hệ sau này sẽ còn nhắc đến.

Ngày 17 tháng 10 năm 1998, thiên tài thơ ca lạ lùng ấy vừa từ giã trần gian, sau cơn tai biến mạch máu não.

Bùi Giáng ra đi, thơ ca Việt Nam cận đại mất một nhà thơ lớn.

Tám năm qua, tòa soạn Hợp Lưu nhận được không ít thơ đề nghị nên thực hiện một số báo đặc biệt về Bùi Giáng. Chúng tôi ghi nhận đề nghị ấy với nhiều hứng khởi. Nhưng do vài lý do ngoài ý muốn, số báo chưa thể ra đời.

Nay, Bùi Giáng ra người thiên cổ, Chúng tôi hiểu rằng không thể chần chờ lâu hơn. Ðiều bất ngờ: tuy thực hiện gấp rút, nhưng số báo lại được đáp ứng nồng nhiệt từ hầu hết những ngòi bút & nghệ sĩ Việt Nam uy tín hiện đang sống rãi rác khắp năm châu: Mai Thảo, Huy Tưởng, Cung Tích Biền, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Nguyên Nhuận, Võ Ðình, Ðinh Cường, Huỳnh Hữu Uûy, Huệ Thu, Thường Quán, Thụy Khuê, Kim Cương, Trần Tuấn Kiệt, Trịnh Công Sơn, Huy Cận, Bùi Chí Vinh, Nguyền Lương Vị, Phạm Thiên Thư, Thận Nhiên, Nguyễn Hoàng Vân, Ngô Cang, Khiêm Lê Trung, Huỳnh Ngọc Chiến, Y Ù Nhi, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Văn Hạng,... Thêm Một khích lệ nữa cần được ghi nhận, trước cái tang của Bùi Giáng, khoảng cách địa dư và mọi e ngại đã bị xóa bỏ, bằng minh chứng cụ thể: những đóng góp của các bạn văn trong nước đến với Hợp Lưu nhanh và nhiệt tình vượt ngoài ước mong của tòa soạn. Nhân đây, chúng tôi gởi lời cám ơn chân thành đến một vài văn hữu và bằng hữu hiện sống tại Sài Gòn. Không có sự tiếp tay của các bạn, số báo này không thể đến với độc giả sớm và tương đối hoàn chỉnh như đã.

Lời cảm ơn cũng xin được gởi đến các ông Bùi Vịnh, Bùi Như Hải, đã cung cấp khá đầy đủ mọi tư liệu chúng tôi cần, như Sổ Tang, hình ảnh, thủ bút... của thi sĩ Bùi Giáng.

Gần một thập niên, Hợp Lưu được đánh giá tốt qua những số báo chủ đề đặc biệt về các văn học: Hoàng Xuân Hãn, Văn Cao, Phan Khôi, Mai Thảo, Tạ Trọng Hiệp, Tô Thùy Yên. Chúng tôi hy vọng với số báo này, một lần nữa, Hợp Lưu không phụ lòng độc giả.

Cận kề cái tang lớn của văn học Việt Nam chúng tôi vừa đề cập bên trên, giới làm và thưởng ngoạn nghệ thuật cũng vừa mất đi một tài năng khác: họa sĩ Nghiêu Ðề từ trần hôm thứ Hai ngày 9 tháng 11 vừa qua tại San Diego, USA, sau 5 tháng chiến đấu với căn bệnh nan y. Chúng tôi sẽ nói nhiều về Nghiêu Ðề trong số báo sau.

Ngoài phần đặc biệt về Bùi Giáng, Hợp Lưu cũng giới thiệu đến độc giả những chuyện ngắn rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hương, Trần thị Ngh...., và một chuyện vừa (đăng trọn) của một tác giả nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng vì lý do ngoài ý muốn, phải tạm dấu tên. Phần thơ ca, cũng đặc sắc không kém, với những thi phẩm mới nhất của Huy Tưởng, Thường Quán, Du Tử Lê, Ðỗ Trung Quân, Phan Nhiên Hạo...

Riêng với các tác phẩm lẽ ra sẽ đi trong số này nhưng phải gác lại, đồng thời vài mục thường xuyên như Phỏng Vấn, Tin Văn Học... cũng cùng chịu chung số phận, vì giới hạn số trang. Chúng tôi thành thật xin lỗi các tác giả và độc giả.

Sau cùng, chu kỳ của Hợp Lưu rơi đúng vào tháng 12 của năm cũ và tháng 1, năm mới, nên, như mọi năm, số báo này được xem là số Xuân Kỹ Mão 1990, Hợp Lưu trân trọng chúc độc giả và văn hữu một Tân Niên an bình và hạnh phúc.

HỢP LƯU







Vĩnh Biệt Bùi Giáng^

Thi sĩ Bùi Giáng tạ thế vào 14 giờ ngày 7/10/1998 (nhằm ngày 17/8 Mậu Dần) tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi.

Trong những năm gần đây, dù sức khỏe héo cạn, sau một thời gian dài tinh thần phân tán, điên đảo điêu linh, ông đã lấy lại phong độ phiêu bồng và hùng hậu, dành nhiều thời gian cho việc sáng tác, giảm thiểu tối đa việc “hí lộng ta bà” cùng “giảm tửu” đến mức thấp nhất, làm việc miệt mài với nhiều hứng khởi.

Từ giữa tháng 9/1998, sức khỏe ông đột ngột suy giảm nhanh chóng. Trong đêm 23/9, ông thức khuya, có uống lại chúc rượu để gây hưng phấn, trong lúc đang làm việc thì bị ngã quỵ tại nhà riêng (số 482/29 Lê Quang Ðịnh, Bình Thạnh).

Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy, chụp Scanner và phát hiện ông bị đứt mạch máo não, tụ huyết hôn mê sâu. Sau cùng ban giám đốc bệnh viện quyết định giải phẫu vào lúc 21 giờ ngày 25/ 9 và hoàn thành vào lúc 23 giờ 30 cùng ngày. Từ ngày 26/9 đến 6/10, ông vẫn hôn mê, tuy đôi lúc có những dấu hiệu khả quan (mở mắt, co duỗi và phản xạ...) nhưng đến ngày 7/10 ông đột nhiên suy yếu nhanh chóng, và đến 14 giờ thì tắt thở trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng.

Thi hài ông được quàng tại phòng tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, sau đó được an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức, vào ngày 11/10/1998 (nhằm ngày 21/8 Mậu Dần).

Trong thời gian thi sĩ Bùi Giáng lâm trọng bệnh cũng như lúc nằm xuống, ông đã được nhiều thân hữu, nhân sĩ và người hâm mộ quan tâm, chăm sóc với hết lòng trọng vọng và thân ái đối với đấng tài ba



Bùi Giáng, kẻ tận hiến^

Lời đọc trước mộ

Huy Tưởng




Kính thưa anh Bùi Giáng,

Việc anh dứt áo ra đi hôm nay, theo lẽ biến dịch của vạn hữu, là như nhiên, và đã được chính anh cũng như tất cả chúng tôi ở đây, cùng những ai yêu quí thơ ca Việt Nam trên cùng khắp mọi miền thế giới, đã chuẩn bị trước. Ấy vậy mà, tin anh qua đời, chúng tôi vẫn cứ bị choáng váng, lòng đầy nhớ tiếc và đau đớn tột cùng.

Thưa anh Bùi Giáng.

Ngợi Ca và tuyên xưng anh, dù với lời lẽ lộng lẫy hay hàm súc đến đâu chăng nữa, trong hạn hữu một bài viết và ngay cả những số báo đặc biệt về anh, có lẽ cũng khó lòng với tới tới chốn cao vợi và quảng bác mà anh đã dày công hàm dưỡng và đắm đuối vun đắp nên. Có phải vì lẽ đó đã khiến cho tôi luôn ngần ngại đẻ nói hay để viết về anh (?) Cho dù tôi vẫn thầm hứa trước lòng kỳ vọng anh dành cho, dù vẫn muốn ôm được anh riêng cho mình. Tôi cứ phải thức tỉnh rằng, vốn sống, vốn chữ nghĩa và cảm thức của mình vẫn chưa thể hứng chờ nổi chiếc bóng lồng lộng, đa âm sắc và linh hoạt của anh. Có phải, càng viết nhiều thì càng bày lộ sự thiếu sót trầm trọng của mình trước thiên tài bát ngát nơi anh?

Anh Bùi Giáng,

Mấy lời biện bạch vụng về và hàm hồ như vậy, chẳng biết anh có tạm bằng lòng mà lượng thứ cho tôi?

Xin hãy để cho lòng nhân thế dịu lại sau cái mất mát lớn lao này, nén cơn xúc động, bình tâm để được gần gũi anh một cách chân thật và sâu sắc hơn, từ tốn trước một gia tài độ sộ của thông tuệ và tài hoa ngất trời điên đảo mãi tỏa sáng.

Ngoài những tư tưởng và chũ nghĩa mà anh Bùi Giáng để lại, đã làm giàu có đáng kể cho kho tàng tiếng Việt, anh còn thật sự ghi đậm lên tôi một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, rằng anh là một sinh thể luôn bị lay động và bị cấu xé bởi ánh sáng và lửa tịch mịch, điêu linh với những ám ảnh về lẽ sinh tử không cùng, dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi thơ ca. TẬN HIẾN hết cả đời mình cho duy nhất - thơ ca – Từ buổi sơ ngộ đầu đời đến những giây phút cuối cùng về nơi chốn lâm chung – Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vậy tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng.

Nói đến sự Tận Hiến, tôi chợt nhớ ai đó đã nói, đại khái: “Nếu người không chết trong cuộc tại thế, thì người sẽ mất tích, sau khi qua đời”. Và hôm nay, chúng tôi ngậm ngùi kính cẩn tiễn đưa anh – Kẻ Tận Hiến. Kẻ, đã chết trong cuộc tại thế này sang bên kia thế giới, cũng có nghĩa rằng, xin được thay cho người mai hậu, đón chào đấng tài hoa của thế kỷ trước ngàn sau bát ngát...

Trong khung cảnh thiêng liêng và đầy cảm động hôm nay, tôi không dám rậm lời, chỉ xin nói lên một vài cảm nghĩ tận đáy lòng liêm kính của mình để bái biệt anh, xin như góp một chiếc đinh nhỏ cùng nhau treo bức chân dung kỳ vĩ của anh lên khoảng tường lớn trong căn nhà Thơ ca Việt Nam.

Trong ngàn ngàn châu báu anh để lại, tôi có nhớ được một bài thơ anh viết đã từ lâu, tôi quên mất tựa đề, như một lời tạ từ với trần gian cố quận.

Anh Bùi Giáng,

Không có gì hơn bằng chính lời anh, xin được thay anh, tôi đọc bài thơ ấy để anh được ngỏ lời chia biệt với cõi người ta:

Rồi Mai đi về xứ nào chẳng biết

Ðỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi

Ði lìa xa xứ sở của mặt trời

Thì chuyện cũ cũng như từng biết

Tôi nào biết cội nguồn tôi ly biệt

Dấu tiên nga và ngấn tích tiên sa

Bờ dạt bèo hay bến lạnh trôi hoa

Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy

Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy

Chút tình xưa Ðông Á mất đâu rồi

Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết

Những người em hãy ở lại bên đời

Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi...

Xin vĩnh biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời đâu suất...

Huy Tưởng

11/10/98



Ông nhớ con^

Bùi Giáng

Ông nhớ con như nhớ một trăng tròn

Và trăng khuyết cũng tấm lòng từ đó

Ông tự hỏi với ngàn sao lấp ló

Ở nơi nào còn có áng mây bay






Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng^

Mai Thảo



Cả hai đều đã ra đi




LTS:

Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”.

Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng.

Cả hai đã ra đi.

Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.

HỢP LƯU









Thủ bút của Bùi Giáng




Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt vớiù Thanh Tuệ, hồi đi là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.

Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bền không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy.

Bùi gíang chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế. Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờø ông biết tới. Vắn tắc là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.

Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi.

Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười: “Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thẩy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặït tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.”

Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sĩ, cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười. “Tôi cũng lấy làm kỳ”, Thanh Tuệ nói. “Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”

Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết.

Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sĩ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phưong ấy.

Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Cơn chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marylyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thị Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:

Người nằm ngủ thấy gì

Thấy rất nhiều nắng lạ

Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá.

Ghé thăm trái mận ban đầu

Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai

Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo, cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rởn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau

Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sĩ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy, ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa và mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.


Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui. Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sĩ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp ma-sát sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế. Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc, ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạ, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng. Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi im lặng, bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống.

Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quà thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sĩ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của ông Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữõ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.

Số biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng mộ tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt... viết. Bài phỏng phấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắm nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tô đã hiểu tại sao Bùi Giáng cừ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt.

Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ tỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên. Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn dày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói.

Ở trình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm, nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác.

Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau

Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy, kho tàng ấy thi sĩ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông.

(.....)

Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận. Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.

MAI THẢO

---o0o---


Source: Đặc San Hợp Lưu ( số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)




--------------------------------------------------------------------------------

Webmaster:quangduc@quangduc.com Trở về Trang Thơ Ca
Đầu trang




Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544